Cách bạn sử dụng thời gian quan trọng hơn cách bạn tiêu tiền. Sai lầm về tiền bạc còn có thể chỉnh sửa được, nhưng thời gian thì không bao giờ quay lại.

David Norris

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 35
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2797 / 81
Cập nhật: 2015-08-13 18:33:45 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 10
gữ đưa Quỳnh Như về khu nội trú Jeanne d’ Arc hồi 4 giờ chiều mồng một, rồi đạp xe về nhà ngay. Ông Văn lóng ngóng đón con ở cửa có lẽ từ lâu lắm, nên thấy Ngữ, ông bảo ngay:
- Có thông cáo mới của Tiểu khu và Bộ Chỉ huy Sư đoàn, con biết chưa?
Ngữ không kịp dắt xe vào nhà, đứng dưới thềm ngước lên hỏi cha:
- Thông cáo thế nào hở ba?
- Quân nhân các nơi hiện đang nghỉ phép tại Huế phải trình diện ở đơn vị quân sự gần nhất để nhận nhiệm vụ.
Bà Văn ở trong nhà nghe chồng con nói chuyện có vẻ khẩn cấp, chạy ra cửa hỏi:
- Chuyện gì vậy mình?
Ông Văn do dự một lúc, sau cùng bảo vợ:
- Đài phát thanh ra thông cáo gọi mọi quân nhân trình diện.
Bà Văn vội nói:
- Ðó là quân nhân tại đây. Thằng Ngữ được nghỉ phép, hơi đâu mà lo.
Ông Văn không nói gì. Ngữ dắt xe đạp theo đường luồn vào sân sau, theo cửa bếp vào nhà. Nam và Quế đang lo xào nấu để cúng chiều. Ngữ bảo Nam:
- Anh rủ Quỳnh Như về đây ăn Tết, nhưng cô ấy cứ nằng nặc đòi về nội trú.
Nam cắm cúi làm việc như không xem chuyện đó quan trọng lắm, hỏi lại:
- Anh gặp Quỳnh Như ở đâu vậy?
- Ở lễ thượng kỳ.
Quế cười, nhận xét:
- Chà, bữa nay nó bày đặt cái màn đi chào cờ đầu năm. Chắc nổi điên rồi!
Ngữ thấy không cần giải thích gì thêm. Ông Văn bàn với vợ gì đó trên phòng trước, gọi xuống:
- Ngữ, lên đây ba bảo.
Vẻ mặt hai ông bà có vẻ nghiêm trọng. Ông Văn chưa kịp nói gì, bà đã nói trước:
- Ba mày cứ sợ nếu không đi trình diện, sau này họ bắt lỗi phiền phức lắm. Thôi cứ lên trình diện đi, nhưng tìm cách nói để họ cho về. Chắc họ cũng không cần gì con đâu. Nhớ đem giấy phép theo.
Ngữ thấy quang cảnh buổi lễ thượng kỳ không có gì bất thường, nên thấy lập luận của mẹ hợp lý.
Nhưng đề phòng trường hợp phải cấm trại như các quân nhân địa phương, Ngữ cẩn thận mang theo đủ áo lạnh, tút thuốc Ruby và quyển tiểu quyết đang đọc dở. Nam gói cho anh hai cái bánh chưng và một ít mứt, để Ngữ “ăn Tết” với các bạn sẽ gặp tối nay.
Một lần nữa, Ngữ lại do dự không biết nên trình diện ở Tiểu khu hay ở Bộ Chỉ huy Sư đoàn trong Mang Cá. Và một lần nữa chàng lại vào Bộ Chỉ huy Sư đoàn.
Ở đó, không khí có vẻ khẩn trương hơn là Ngữ tưởng. Người lính gác kiểm soát thật kỹ thẻ căn cước quân nhân và giấy nghỉ phép của chàng rồi mới cho vào cổng. Bên trong, các phòng của Sở Chỉ huy người ra kẻ vào, dáng điệu ai nấy đều nghiêm trọng, lo lắng. Phần lớn đều mặc đồ trận, súng ống đầy đủ. Ngữ được một thượng sĩ già ghi vào danh sách, và phân phối vào một tiểu đội ứng chiến, gồm một nữa là quân nhân làm việc tại Bộ Chỉ huy Sư đoàn, một nửa là những người ở xa về Huế nghỉ phép như Ngữ. Lâu lắm, Ngữ mới cầm lại cây garant và đeo dây nịt đạn, nên có cảm giác bồi hồi khấp khởi như gặp lại một người bạn cũ.
Ở các văn phòng trực thuộc Tư lệnh Sư đoàn, không khí còn căng thẳng hơn cả bên ngoài các doanh trại. Phòng 2 liên tiếp nhận được các tin do Ðại đội Trinh sát Hắc báo Sư đoàn 1 gửi về, và càng về đêm, tin nhận được càng đáng ngại. Trung úy Tân Đại đội trưởng Trinh sát cùng với viên cố vấn Úc Terry Egan và 36 người lính đã thiết lập một trạm tiền sát dọc bờ sông Hương về phía tây ngoại thành. Những tin sơ khởi gửi về phòng 2 đều bình thường, phía đó hoàn toàn yên tĩnh. Nhưng đột nhiên lúc 10 giờ đêm, địch nổ súng tấn công vào nơi đồn trú của một đại đội địa phương quân. Tiếng súng nổ nghe rõ mồn một qua máy liên lạc AN-PRC-25. Trung úy Tân xin lệnh phòng 2, và nhận được lệnh án binh bất động để dò cho được vị trí, quân số và khả năng hỏa lực của địch. Bộ Chỉ huy Sư đoàn nhận được báo cáo là ít nhất hai đại đội địch đã đi qua trước mắt họ, trang bị nhẹ, và hướng về thành phố Huế.
Ở văn phòng Trung tướng Tư lệnh Sư đoàn, ban tham mưu hành quân đang tụ họp đông đủ. Tấm bản đồ khu vực thành phố Huế và phụ cận chiếm gần nửa bức tường đối diện với bàn làm việc của viên tư lệnh. Sĩ quan trưởng phòng hành quân người mập mạp, tóc cắt ngắn, tương phản rõ rệt với thân hình ốm o và nét mặt khắc khổ của thượng cấp. Ông đang dùng cây thước gỗ nhỏ thuyết trình cho viên tư lệnh rõ vị trí các đơn vị địch dựa theo tin tức trinh sát và báo cáo cuối cùng của các đơn vị ứng chiến. Khói thuốc ngập ngụa căn phòng, bay lởn vởn dưới ánh đèn néon. Trung tá trưởng phòng hành quân nói:
- Thưa Trung tướng, tổng hợp tin tình báo cho tới giờ phút này cho thấy lực lượng địch lên tới 2 trung đoàn, tức Trung đoàn 5 và Trung đoàn 6 Chủ lực, hiện đang ở cách Huế 40 cây số về phía tây. Ở phía nam, lực lượng địch đang quậy phá vùng Phú lộc.
Viên tư lệnh hỏi:
- Liệu hai trung đoàn chủ lực địch đủ thì giờ di chuyển để tấn công vào Huế không?
Viên trung tá đáp, giọng hơi dè dặt:
- 40 cây số chỉ là ước lượng của các toán trinh sát. Có thể vị trí chính xác của các đơn vị này kề gần Huế hơn, nhưng không gần đến nỗi có thể tấn công Huế trong vòng đêm nay. Vả lại, vị trí chiến thuật của Phú lộc quan trọng hơn, vì nếu kiểm soát được Nước ngọt, Cầu hai, Thừa lưu, địch có thể cắt được quốc lộ 1. Nếu ở vào địa vị địch, di quân từ các điểm tập kết hiện tại về hướng Phú lộc thuận lợi hơn là về hướng Huế.
Viên tư lệnh nhìn quanh các sĩ quan hiện diện, hỏi chung:
- Các phòng khác có ý kiến gì không?
Trưởng phòng 2 báo cho Trung tướng Tư lệnh tin hai đại đội địch đang di chuyển về hướng thành phố do Đại đội Trinh sát gửi về. Hướng di chuyển của hai đại đội này phần nào trái ngược với lời dự đoán của phòng hành quân, nên cả Bộ Tư lệnh hơi băn khoăn. Viên trung tá Trưởng phòng Hành quân cố giải thích:
- Có thể đó là một cánh quân nghi binh, hoặc dự bị. Quân số đó cũng không nhiều so với bộ phận chủ lực đóng cách xa hơn.
Viên Tư lệnh cau mày hỏi:
- Lệnh cấm trại 100% và báo động đỏ ban hành hồi sáng, kết quả ra sao? Quân số các đơn vị, họ có báo cáo chưa?
Một thiếu tá hiện diện đáp:
- Các đơn vị đang cố tập họp số quân nhân đã được nghỉ phép. Ðài Phát thanh đã loan báo nhiều lần thông báo của cả Tiểu khu và Bộ Chỉ huy Sư đoàn. Nhưng, hôm nay mồng Một Tết…
Viện Tư lệnh bực dọc:
- Thôi được! Ta cứ xem mục tiêu đêm nay của địch là Phú lộc. Ra lệnh gấp cho các đơn vị trong phạm vi trách nhiệm sẵn sàng đối phó nếu địch mở tấn công đêm nay. Ngay tại đây, tại Bộ Chỉ huy này, cũng cho bố phòng và sẵn sàng ứng chiến. Xong rồi! Các anh có thể về phòng lo công việc!
Các sĩ quan lần lượt ra khỏi phòng viên tư lệnh. Ông trầm ngâm nhìn tấm bản đồ phóng lớn. Hình con sông Hương uốn khúc, khu thành nội, khu hữu ngạn bên kia sông, những đường ngang đường dọc chia xẻ khu dân cư đông đúc kề bên những khu ruộng vườn, những đinh ghim mầu ghi dấu vị trí các đơn vị Việt Nam Cộng hòa và đơn vị bạn… Tất cả những đường nét, hình dáng ấy ngày thường chỉ thuần là đường nét màu sắc biểu trưng, nhưng hôm nay đột nhiên khó hiểu, như những đường nhện giăng bẫy bất trắc. Điếu thuốc mồi từ lúc các sĩ quan thuộc hạ rời phòng, ông cầm ở tay phải, nhưng mải suy nghĩ quên hút, tới lúc điếu thuốc cháy gần hai ngón trỏ và giữa, ông mới hay. Viên Tư lệnh đưa điếu Marlboro lên rít một hơi dài, rồi dụi một phần ba điếu thuốc còn lại vào gạt tàn.
Trong cuộc đời binh nghiệp của ông, chưa bao giờ ông cảm thấy bất an như lúc này. Hai trung đoàn địch hiện lởn vởn quanh đây, có thể chỗ ông đang ngồi đã ở trong tầm pháo của địch. Quân số, vũ khí của Khu 11 Chiến thuật do ông điều khiển dư sức đối phó với quân số hai trung đoàn đó. Chưa kể sức mạnh hỏa lực và sự phối hợp tác chiến của quân đội Mỹ. Tuy nhiên, ông không thể biết chắc số quân khả dụng hiện tại là bao nhiêu. Các đơn vị trưởng dưới quyền ông báo cáo là gần một nửa quân số đã xin nghỉ phép để ăn Tết với gia đình, số này ở ngay Thừa thiên hoặc thành phố Huế. Số quân ở lại đơn vị chưa chắc có mặt tại nơi đồn trú. Ông không thể lập một kế hoạch hành quân với những quân số ước lượng tùy tiện. Ðã thế, tình hình địch, mục tiêu tấn công của địch mãi cho đến lúc này, ông vẫn chưa nắm chắc. Những tin tình báo do Bộ Chỉ huy đồng minh cung cấp cũng không lấy gì làm rõ ràng. Ngoài bản sao mật lệnh của Đại tướng Westmoreland vừa nhận được.
Secret 30 January 68
1/ (C) The GVN has cancelled the 36 hour ceasefire for Tet. Accordingly, the Tet ceasefire for U.S. forces (REF) is hereby cancelled.
2/ (C) Effective immediately all forces will resume intensified operations, and troops will be placed on maximum alen with particular attention to the defense of headqualters complexes, logistical installations, airfields, population centers, and billets. All units will be particularly alert to deception measures by the enemy and be poised to aggressively pursue and destroy any enemy force which attacks.
Trung tướng Tư lệnh không nhận được từ phía quân đội đồng minh những chỉ dẫn cụ thể nào khác.
Ông đã đọc kỹ nhiều lần bản mật lệnh. Càng đọc, ông càng có cảm tưởng dường như quân đội Mỹ đứng ở thế phòng vệ thụ động trước tình hình này hơn là chủ động, nhất là phần cuối của phần thứ nhì trong mật lệnh. Ông có trong tay một quân số “giả thiết” để đối phó với một lực lượng địch đông đảo trong lúc mục tiêu của địch là gì, thì ông chưa nắm rõ. Các sĩ quan phụ tá thân cận của ông lập luận rằng địch sẽ tấn công Phú lộc để cắt đứt đường số 1.
Nếu lập luận ấy đúng, ông yên tâm phần nào. Ðịch có thể chiếm được vùng Phú lộc vì phía ta mất gần nửa số lính nghỉ phép. Nhưng thời gian ủng hộ ông. Qua ngày mai, hay chậm nhất là mốt, lệnh bãi bỏ hưu chiến và kêu gọi quân nhân nghỉ phép trở lại đơn vị sẽ đạt hiệu quả tối đa, và không cần đến sự viện trợ của các lực lượng trừ bị, lính sư đoàn 1 của ông dư súc đẩy lui hai trung đoàn địch.
Hơn thế nữa, Bộ Chỉ huy Task Force X-Ray của quân đội đồng minh – lực lượng Thủy quân Lục chiến chịu trách nhiệm an ninh dải đất từ phía nam Đà nẵng ra tới phía bắc Huế – không khi nào cho phép quân Cộng sản cắt đứt quốc lộ 1. Nếu mục tiêu của hai trung đoàn 5 và 6 chủ lực Việt cộng mở màn tấn công Phú lộc hòng cắt đứt quốc lộ 1, chắc chắn chúng sẽ thất bại.
Nhưng, có thể chúng định tấn công Huế không?
Vâng! Việt cộng có thể có ý định tấn công Huế, vì sau giờ Giao thừa, 8 nơi vừa bị chúng tấn công ở vùng 2 và vùng 1 đều là thị trấn hoặc thành phố đông dân cư, chẳng hạn như Kontum, Pleiku, Qui nhơn, Nha trang. Những cuộc tấn công cảm tử của những toán xâm nhập ít ỏi mà chỉ trong vòng vài giờ đồng hồ, chúng đã bị bao vây cô lập, và bị tiêu diệt dễ dàng. Ở Qui nhơn, cho tới chiều nay (mồng Một) số Việt cộng xâm nhập được vào Quân trấn, Đài Phát thanh, Ty Thông tin đã bị vây chặt, và mặc dù chưa thanh toán được các ổ kháng cự, nhưng quân đội Việt Nam Cộng hòa và Đại hàn đã lần lượt chiếm lại được hầu hết các nơi bị mất. Ở Nha trang, khu vực Tiểu khu và Tòa Hành chánh đang được giải tỏa, và những lính chủ lực Việt cộng không quen thuộc địa thế chạy lạc vào khu dân cư đã bị bắt gần hết.
So với những nơi bị tấn công đêm trước, Huế là nơi mà nếu ở vào địa vị bộ chỉ huy địch, ông thấy không nên dại dột tấn công vào. Từ bao nhiêu năm nay, có thể nói là từ gần một thế kỷ rồi, Huế chỉ nếm mùi lửa đạn có hai lần. Lần đầu tiên tận năm 1883 khi tàu chiến Pháp nã đạn vào kinh đô để áp đặt ách đô hộ. Lần thứ hai vào năm 1945 khi kháng chiến chống Pháp bùng nổ. Từ đó đến nay, Huế vẫn trầm lặng thanh bình như mặt nước sông Hương, không phải vì Huế được phòng thủ kỹ càng hơn các noi khác, không phải vì Huế khôn khéo né tránh khỏi những lằn đạn, mà chỉ vì Huế không phải là một địa điểm chiến lược trọng yếu. Huế là một trung tâm văn hóa, là một thắng cảnh du lịch, là một đề tài để làm thơ, một nơi chốn để thương nhớ, một quá khứ để hoài niệm, một chỗ nghỉ ở cuối đời, là gì gì cũng được, nhưng nhất định không phải là nơi tranh chấp một mất một còn giữa những chiến lược gia quân sự. Huế không quan trọng về mặt chiến thuật như Đà nẵng, đèo Hải vân hay Đông hà. Thí hai trung đoàn để chiếm Huế, nếu quả thực địch dại dột định chiếm Huế, là một hành vi điên rồ. Tuy các lý do giải thích “không” vững chãi hơn các lý do “giải thích “có”, nhưng Trung tướng Tư lệnh vẫn chưa hoàn toàn yên tâm. Ông hút thuốc liên miên, điếu này chưa hết đã mồi điếu khác. Cái gạt tàn trên bàn đầy ắp những mẩu thuốc lá hút chưa hết một phần ba. Môi ông khô, đầu lưỡi tê đi vì chất nhựa thuốc lá. Cứ khoảng 15 phút hoặc 10 phút, ông lại liên lạc với các Phòng 2 và Phòng Hành quân, hoặc liên lạc với Bộ Chỉ huy Quân đoàn, Tiểu khu, Bộ Chỉ huy quân đội Mỹ. Các toán trinh sát báo cáo thêm tin tức vị trí địch. Chúng tiến gần Huế hơn ở một vài nơi. Một số đơn vị địch có vẻ như lại hướng về phía Phú lộc.
Trung tướng tư lệnh xé đến bao thuốc lá thứ nhì trong đêm, bật lửa mồi điếu Marlboro mới. Ông cắn đầu điếu thuốc vào giữa hai hàm răng, quay điện thoại cho Trung tá Tiểu khu trưởng. Sĩ quan trực Tiểu khu kính cẩn đáp là trung tá vừa xách xe đi thị sát các đơn vị ứng chiến. Viên Tư lệnh gác điện thoại, ngã người lên tấm dựa của chiếc ghế nệm. Lần đầu tiên, ông cảm thấy đôi chút yên tâm.
Trung tá Tỉnh trưởng cùng với ông Phó tỉnh trưởng nội an nhân dịp thị sát các đơn vị ứng chiến đã làm thêm một việc vô cùng ý nghĩa: là thăm viếng chúc Tết các sĩ quan và binh sĩ đang cầm súng trực tiếp bảo vệ an ninh cho quê hương. Vì thiếu thì giờ nên họ chỉ đến được những chỗ gần thành phố, nơi mà họ cũng chỉ ghé tạt qua mười phút, bắt tay, chúc Tết, ban huấn thị, gửi quà, rồi tất tả ra xe cho tài xế lái đến chỗ khác. Vòng về, họ ghé lại Tòa Đại biểu chúc Tết ông Ðại biểu Chính phủ tại miền Bắc Trung phần, nhưng không gặp được ông. Nhân viên trực ở nhà khách Tòa Đại biểu cho biết ông đã về nhà thân phụ ăn Tết, tối mới trở lại. Họ bàn với nhau, chia hai để đi thăm một số giới chức chỉ huy cần thăm. Ông Phó tỉnh trưởng nội an ở lại Tòa Đại biểu, còn Trung tá Tỉnh trưởng ra xe bảo tài xế lái đi thăm vài người bạn thân trước khi trở về Tiểu khu trực chiến.
Ông được cử về làm tỉnh trường Thừa Thiên kiêm thị trưởng thành phố Huế từ sau vụ Phật giáo, nên thừa hưởng cả một gia tài tan nát, nghi kỵ, đổ vỡ, chán chường từ thời tỉnh trưởng tiền nhiệm. Thật là một thử thách quá lớn lao cho ông. Trên đống tro tàn còn âm ỉ những bất mãn dồn nén, giữa một không khí đầy mặc cảm và ngờ vực, ông phải có cùng một lúc bàn tay sắt biết đấm kịp thời và một nụ cười thân thiện hòa giải. Ông thú vị khám phá ở mình khả năng ứng biến mau lẹ, và sự tinh nhạy phân biệt được cái chính cái phụ, cái trước cái sau, cái tạm thời và cái lâu dài. Nhờ làm tỉnh trưởng ông học được nhiều bài học quí giá mà các binh thư hoặc học viện quân sự không thể dạy cho ông. Chẳng hạn đôi khi một sân quần vợt hay một cuộc đánh mạt chược cũng là chiến trường, và ở đó, ông đạt được những thành quả bất ngờ ngoài sức tưởng tượng của ông.
Một cuộc họp kéo dài nhì nhằng ở Tòa Hành chánh đôi khi không đem kết quả mau chóng bằng một cuộc gặp gỡ bên bàn mạt chược. Ở chỗ thân tình, cởi bỏ kiểu cách khách sáo do thủ thế hoặc do tôn ti địa vị, ở chỗ được cười hả hê, được ăn nói thoải mái, nếu cần văng tục cũng chẳng sao, mọi khó khăn trở nên dễ dãi. Khúc mắc được giải quyết gọn. Nguyên tắc, vứt đi! Miễn sao cho hữu hiệu thì thôi!
Vì thế, từ Tòa Ðại biểu, Trung tá Tỉnh trường bảo tài xế đưa mình về Tòa Hành chánh. Ở đây, ông thân mật vỗ vai tài xế, cho phép anh ta về ăn Tết với vợ con, không quên gửi chút tiền lì xì các cháu. Anh tài xế cảm động quá, đứng đực ra đấy một lúc lâu mới lí nhí cảm ơn.
Người tài xế về rồi, viên trung tá vẫn mặc đồ trận tự lái chiếc Jeep đi thăm mấy ông bạn mạt chược.
Ông ăn cơm tối ở nhà ông bạn thứ nhất, rồi hai người rủ nhau đi thăm ông bạn thứ hai. Ở đấy họ gặp ông bạn thứ ba. Thế là vừa đủ tay để ngồi quây quần quanh chiếc bàn gỗ cẩm lai mặt vuông vức có hộc ở bốn bên. Hộp đựng những thẻ mạt chược ngà được chủ nhân mang ra, cùng với chai rượu chát Bồ đào nha mầu tía. Cuộc chiến bắt đầu, với những “tiếng-súng-mạt-chược” lách cách vui tai!
Mùa Biển Động Mùa Biển Động - Nguyễn Mộng Giác Mùa Biển Động