With compassion you can die for other people, like the mother who can die for her child. You have the courage to say it because you are not afraid of losing anything, because you know that understanding and love is the foundation of happiness. But if you have fear of losing your status, your position, you will not have the courage to do it.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 35
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2797 / 81
Cập nhật: 2015-08-13 18:33:45 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 7
ì Dale hứa là sẽ cố gắng xoay xở lần chót phương tiện máy bay quân sự Mỹ cho Quỳnh Như về Sài gòn, nên cả buổi sáng, nàng cứ lóng ngóng đợi Dale đến. Quá trưa, Dale đến với bộ mặt buồn rầu. Lần này, để chuộc lỗi, Dale mang cho Quỳnh Như một hộp kẹo chocolate và một hộp bánh Nabisco. Quà có gói bằng giấy hoa thắt ru-băng mầu lục đàng hoàng!
Quỳnh Như không còn hồn đâu để trêu ghẹo ông thầy bụi đời, nói cảm ơn qua quít rồi xin phép về phòng.
Dale đi rồi, Quỳnh Như lấy xe đạp đi thăm Nam. Ðằng nào cũng phải đi thăm Nam và gia đình ông bà Văn cho phải phép, hôm nay đã hai mươi chín. Chần chờ đến mai, gia đình nào cũng lo dọn dẹp cúng tất niên và chuẩn bị giao thừa, người lạ đến thăm chỉ làm vướng bận thêm.
Phố xá đông đúc hơn cả mấy hôm trước. Quỳnh Như tự dặn là khi đi ngang qua nhà cũ, nhất định không nhìn ngôi nhà thân yêu nay không thuộc về mình. Tuy vậy, Quỳnh Như vẫn không thắng được lòng quyến luyến chốn cũ, hoặc ít ra cũng không thắng được lòng tò mò. Nhìn qua, căn phố lầu ấy không khác xưa bao nhiêu. Chủ mới chỉ sơn lại các cửa lớn cửa sổ, trước mầu xanh lá cây đậm bây giờ sơn mầu nâu. Cách chưng bày các tủ hàng dĩ nhiên khác trước nhiều. Lúc ấy người qua lại trước cửa hiệu tấp nập, nên Quỳnh Như không nhìn được rõ. Chỉ thấy một tủ kính thật lớn bày choán cả nửa mặt tiền, bên trong bày biện quần áo phụ nữ thời trang và một mannequin nhỏ mặc chiếc áo dài mầu xanh nhạt.
Quỳnh Như tưởng chỉ gặp được ông Văn và hai mẹ con Nam ở nhà, nhưng đến nơi, đã thấy cả gia đình ông Văn sum họp gần như đầy đủ. Lính Mỹ cấm trại bất ngờ nên bà Văn và Quế về sớm hơn một ngày. Lãng không được về phép, nhưng Quỳnh Như mừng rỡ khi gặp lại Ngữ. Nàng kêu lên:
- Trời ơi anh Ngữ, anh về được à?
Ngữ không đáp ngay, mỉm cười quan sát em gái người bạn, thấy Quỳnh Như có vẻ nghiêm trang hơn trước. Mái tóc vẫn để ngắn, khuôn mặt vẫn hình trái soan thanh tú, nước da hồng… Nhưng ánh mắt Quỳnh Như đã đổi khác. Từ hai “chiếc cửa sổ của tâm hồn” ấy, Ngữ nhận ra được vết hằn của thời gian, dấu rạn của niềm thơ ngây, dư vị của cay đắng, tín hiệu của nỗi bơ vơ… Ngữ trìu mến bảo Quỳnh Như, không đáp thẳng câu nàng hỏi:
- Lâu nay nghe nói Quỳnh Như vẫn bình thường, anh rất mừng. Em không về Sài gòn sao?
Quỳnh Như buồn rầu đáp:
- Em bị nhỡ máy bay. Tại em ỷ y không mua vé trước; gần ngày đi mua chỉ được cái vé chờ.
- Sao hôm qua anh gặp Diễm, không nghe Diễm nói Quỳnh Như ở lại Huế ăn Tết?
- Anh lên thăm Diễm hồi nào?
- Anh vừa nói xong! Hôm qua!
Quỳnh Như nhăn mặt trách:
- Cái con vô tình! Sao nó không cho em biết anh về?
Ngữ thắc mắc hỏi lại:
- Quỳnh Như gặp Diễm hồi sáng à?
- Không. Hôm kia.
Ngữ bật cười:
- Vậy thì làm sao Diễm cho em hay được!
Quỳnh Như nhận thấy mình ngớ ngẩn, vỗ trán, than:
- Độ rày em như con điên! Lẩm cẩm dễ sợ!
Cả phái nữ trong gia đình ông Văn ra quây quanh Quỳnh Như hỏi han, nàng lại phải giải thích vụ lỡ máy bay, vụ nhờ Dale xoay máy bay Mỹ nhưng thất bại. Quỳnh Như bị lôi cuốn vào không khí chung, lại cười nói tíu tít với Quế, khen nịnh bà Văn trẻ đẹp ra. Nam bồng con ra chào cô nên Quỳnh Như được dịp nựng cháu, bồng con Thúy đi quanh khắp phòng cố trêu chọc cho con bé cười. Cả đám kéo nhau xuống bếp ngắm những món quà Tết hai mẹ con Quế mua từ Ðà nẵng đem về. Ngữ cảm thấy thừa thãi, nên vào phòng ông Văn trò chuyện tiếp với cha.
Suốt mấy hôm, Ngữ mon men bắt chuyện với cha nhiều lần, nhưng đều thất bại. Chàng có cảm tưởng ông Văn tránh nói chuyện với con. Hình như ông thu mình lại, im ỉm lặng lờ mải miết trong thế giới riêng của mình. Phải thú thực là Ngữ hơi thất vọng, vì sau gần hai năm xa cách, cha con gặp nhau, chàng không thể tìm thấy ngọn lửa nội tâm từng khiến cho ông Văn hoạt bát, hùng hồn, đam mê, trong cách giãng bài cũng như trong cách cư xử, trong yêu thương cũng như trong ghét bỏ. Ngữ có cảm tưởng cha mình đang ở triền dốc xuống của tuổi tác, cơ thể mệt mỏi, ý chí rã rời, niềm tin ê ẩm, nên để mặc cho mọi sự ra sao thì ra. Chàng thất vọng vô cùng khi thấy cha lơ là vứt lại hai tập báo xuân đăng truyện của chàng, nên gần suốt tuần, Ngữ tránh gặp cha. Nếu gặp, thì tránh nói đến những gì đi quá sự bình thường. Không khí gia đình, lúc bà Văn và Quế chưa về, gần như hiu quạnh, lạnh lẽo. Dấu hiệu sức sống chỉ còn là tiếng khóc hay tiếng cười của bé Thúy. Cháu bé là hàn thử biểu đo khí hậu vui buồn chẳng những của Nam, mà của cả ông Văn.
Ngữ chỉ được ông Văn bắt chuyện trước, khi ông thấy con mang bức tranh của Ngô về. Ông hỏi thăm tin tức Ngô, hỏi thăm gia cảnh ông bà Bỗng. Khi nghe Ngữ tả cảnh nhà cửa tươm tất của gia đình Diễm, ông Văn bảo:
- Vậy là ông bà ấy đã tìm ra hạnh phúc đấy, con ạ!
Ngữ ngờ vực nhìn cha dò xét, nghĩ ông Văn muốn mỉa mai. Không. Nét mặt vẫn nghiêm trang. Nếu trước đây hai năm, lúc ông Văn ham đọc sách báo để tìm cách giải thích tất cả mọi thứ, từ chuyện thời cuộc trước mắt cho đến chuyện cao viễn như sống chết, có không, Ngữ đã bạo dạn hỏi cha “Thế nào là hạnh phúc đích thực?”. Nhưng bây giờ, chàng không dám hỏi. Ông Văn im lặng một hồi khá lầu, mới nói tiếp với giọng đều đều:
- Vì ba ngẫm ra được rằng người ta chỉ tìm được hạnh phúc nếu biết phân “cuộc đời”, nói đúng hơn là “đường đời”, ra từng đoạn ngắn. Càng ngắn càng tốt! Ba với con đang đứng ở chỗ này, lúc này đây. Tạm gọi đó là một cái trạm dừng chân. Một lúc nữa, ba với con lại phải đi. Không đi không được. Quay ngược đường thì trái luật tự nhiên, mà ngồi ì ở cái trạm ấy cũng sái luật. Phải đi. Ai cũng vậy cả. Bắt đầu phút giây cất chân bước tiếp ấy, đời mới có người khôn kẻ dại. Con đã hiểu thế nào là khôn dại chưa?
Ngữ vừa kinh ngạc vừa cảm động, hồi hộp nhìn cha, đáp nhỏ:
- Thưa ba, con chưa hiểu!
Ông Văn vẫn nói với giọng đều đều:
- Kẻ dại hiếu thắng, nông nổi, cậy sức cậy tài, chỉ muốn chọn một đoạn đường thật khó. Trạm tới xa quá thì phải chạy. Chạy thì phải vấp. Kẻ khôn biết chia đường ra từng đoạn ngắn mà đi lần hồi. Con nhớ không, trước đây ba thường đem chuyện Khổng tử khuyên học trò mỗi lần bước đi hãy cẩn thận vẹt cỏ rồi mới đặt gót, cho rằng ông ta lẩm cẩm dạy học trò thủ lễ quá đáng. Như miếng chả vợ cắt không vuông vức, không ăn. Bây giờ ba mới thấy mình lầm. Khổng tử không nói rõ, nhưng căn dặn như thế để học trò phải bước chậm, và chọn đích gần.
Ngữ hoang mang, lấn cấn không yên trong lòng, vì nghĩ cha mình không được thỏa mãn với đời sống nên ngồi một chỗ cố tìm một lối biện minh. Nói điều đó ra, Ngữ sợ vô phép. Không nói thì ức. May là lúc ấy Quỳnh Như tới thăm. Chàng xin phép cha ra chào hỏi Quỳnh Như, để tránh phải lựa tiếng lựa lời khéo léo cho cha bằng lòng mà chính Ngữ cũng thấy mình không đến nỗi giả dối.
Bị ngắt quãng dòng ý tưởng nên lúc bàn chuyện trở lại, không khí bị loãng hẳn đi. Hai cha con mất nhiều thì giờ nói quanh, dù cả hai đều muốn mau bắt trở lại nhịp chuyện bỏ dở. Nghe giọng cười trong của bé Thúy vì bị Quỳnh Như gãi vào gan bàn chân, ông Văn tươi nét mặt, bảo con:
- Cháu nó càng ngày càng kháu. Con thấy không?
- Dạ!
- Theo con, nếu nó đã biết mơ, thì mơ cái gì?
Ngữ cười, đáp:
- Chắc là mơ bình sữa!
Ông Văn không cười, gật gù rồi hỏi tiếp:
- Nhiều đêm cháu nó giật mình khóc thét lên. Chắc đang ngủ, thấy cái gì dễ sợ quá. Nó sợ cái gì?
Ngữ lại cười khi đáp:
- Nó sợ mất cái bình sữa.
- Ba cũng nghĩ vậy. Trong suy nghĩ tinh khôi trong sạch của đứa trẻ sơ sinh, theo ba, “mẹ” có nghĩa là “người có mang bầu sữa” cho nó bú. Dần dần lớn lên, nhu cầu của nó nhiều thêm, cái trạm nó tự đặt làm đích đến càng xa xôi. Nó bắt đầu biết lo, biết buồn, biết ganh ghét, biết dối trá, biết lừa lọc, biết hận thù, biết kiêu hãnh khoe khoang khi được và …
Ngũ hết dè dặt, cắt lời ông Văn:
- Con cho rằng những điều đó đều tự nhiên. Có sống là có mơ ước. Nếu mọi người… Ông Văn đưa tay bảo Ngữ ngưng cho ông nói tiếp:
- À, con vừa nói đến tiếng NẾU. Ừ, vì không ai có thể mãi mãi là đứa trẻ thơ như cháu Thúy, nên bắt buộc phải lớn lên, phải vào đời, phải va chạm, phải có lúc được lúc thua. Cái may là lúc nào, ở đâu, mọi người cũng tìm ra được một thứ qui luật ngầm chấp thuận với nhau để có thể sống chung với nhau, nói chung một thứ tiếng hay dùng chung một loại ký hiệu mà ai cũng hiểu. Chẳng hạn ai cũng công nhận chân thật là tốt, giả dối là xấu. Chung thủy là tốt, bội bạc thất tín là xấu. Yêu thương đùm bọc tốt hơn ganh ghét đố kỵ. Giúp đỡ tương trợ tốt hơn ích kỷ chia rẽ. Những thứ qui luật ấy, áp dụng cho cá nhân, thì ai cũng xem đó là khuôn thước, là tiêu chuẩn. Lâu dần, đời này sang đời nọ, các qui luật ấy tự nhiên bắt buộc mỗi cá nhân phải tuân theo như tuân theo một chân lý, không được quyền cãi lại hay ngờ vực. Con nghĩ mà xem, có ai dám ngang nhiên ca tụng sự thù hận, sự dối trá, sự tàn ác. Ðạo đức dành cho mỗi cá nhân trở thành cái dây cương ghìm chân những con ngựa chứng lại. Con có nghĩ là những con ngựa chứng ấy chịu thua cuộc không?
Ngữ e ngại không trả lời ngay vì không biết ông Văn sắp dẫn mình đến đâu. Chàng đáp hàng hai:
- Con nghĩ nó phải cố vùng vẫy, nhưng…
- Cần gì phải vùng vẫy. “Ngựa chứng” chỉ cần lách một chút là bao nhiêu ràng buộc bị đứt tung. Vì cho tới nay, người đời chỉ mới định ra và thi hành một thứ đạo đức dành cho cá nhân, chứ chưa đồng ý với nhau về một thứ khuôn thước đạo đức cho tập thể, như một bộ lạc, một dân tộc, một quốc gia, một tôn giáo, một khối chính trị. Một cá nhân nào đó lừa lọc người khác để thu lợi bị xem là phường xảo trá đáng khinh. Nhưng một quốc gia có quyền lừa lọc nước khác giành phần thắng về cho nước mình. Sư lừa lọc trở thành chiến thuật chiến lược. Một tên tiểu nhân lúc nào cũng ganh ghét thù hận, chắc chắn sẽ bị đời khinh bỉ. Nhưng nếu hắn rêu rao rằng cần căm thù để đấu tranh cho công bằng, cần chém giết để xóa sạch bóc lột, thì được! Chỉ cần đổi lối nói một chút, chỉ cần xếp những điều lâu nay thiên hạ cấm kỵ vào các khung hệ thống nào đó, mọi người được phép làm bất cứ điều gì. Ba càng nghĩ càng thấy sợ cái gì có hệ thống, cái gì nhân danh tập thể. Ba muốn thu nhỏ, muốn khoanh vùng mọi sự trở lại, như cháu Thúy chỉ chú tâm đến cái bình sữa. Con hiểu ba không?
Ngữ cảm thấy ngộp trước lối lập luận của cha. Chàng chưa có gì làm căn cứ để bác bẻ lập luận của ông Văn, tuy nhận thấy rằng lập luận ấy cũng cực đoan như bất cứ thứ cực đoan nào trên đời. Tuy nhiên, Ngữ đã hiểu cha mình hơn trước!
Quỳnh Như định xuống thăm Nam và gia đình ông bà Văn rồi về ngay tối hôm ấy, nhưng cả bà Văn lẫn Quế nhất định giữ nàng ở lại đêm để đổ xăm hường. Quỳnh Như không có cái cớ nào đủ mạnh để chối từ. Thành thật mà nói, những lần trước, nàng ngại nhất là thái độ lạnh lùng của Nam. Hai chị em, người này nhìn người kia qua hình bóng một người vắng mặt, và những kỷ niệm chua xót của quá khứ. Một thứ quá khứ cả hai đều muốn xóa đi, muốn vùi thật sâu trong lãng quên, nên bất cứ ai khiến họ nhớ lại, họ đều muốn tránh mặt, cảnh giác. Nhưng lần này, Quỳnh Như thấy Nam tỏ ra thân ái cởi mở hơn. Cả gia đình ông Văn và Quỳnh Như đều tế nhị không hề đã động gì tới Tường, ngay cả những lúc Nam không có mặt. Mọi người đã quen cảnh giác nên tùy trường hợp, biết dừng lại ở chỗ đáng dừng. Vậy mà lần này, ngược lại, chính Nam lại ăn nói thoải mái hơn hết.
Buổi tối ăn xong, Quế đem chiếu trải ngay trên nền phòng trước để bày cuộc đỏ đen. Những thẻ xăm hường bằng nhựa giả ngà Quế đã mượn của gia đình một người bạn trong Ðà nẵng. Cái bát sứ mỏng đặt giữa chiếu, mỗi lần gieo mấy hột xí ngầu vào bát, là mỗi lần một loại âm thanh trong vắt giòn giã reo vui nổi lên. Chi có bà Văn, Quế, Quỳnh Như và Ngữ chơi xăm hường, Nam bồng con ngồi bên cạnh Ngữ theo dõi cuộc đen đỏ của anh.
Lúc đầu Ngữ gặp vận đỏ, ăn hết tiền của mẹ và Quế đến nỗi Quế nổi cáu, mặt quạu quọ than rằng hột xí ngầu bị lệch, sáu mặt không đều. Quỳnh Như không ăn không thua, chế giễu Quế “vụng múa chê đất chênh”. Quế thay cái bát sứ bằng cái chén nhựa. Tiếng hột xí ngầu khua vào mạn chén nghe lạch cạch nặng nề. Nhưng Quế vẫn thua, bà Văn gỡ được vốn còn Ngữ lại sa sút. Quỳnh Như được phần thua của Ngữ và Quế, xấp tiền lẻ trước mặt lên cao dần. Nam nóng mặt, đòi anh để cho mình gieo hột xí ngầu, may ra hết vận xui của Ngữ. Kết quả vẫn vậy. Nam bực, thốt lên:
- Lạ thật. Chẳng lẽ vận anh Ngữ xui đến thế!
Quỳnh Như nổi tính trẻ con, bảo:
- Xui là cái chắc, “chẳng lẽ” gì nữa, chị! Đáng lẽ chị phải bênh em mới phải!
Quỳnh Như nói xong mới biết mình lỡ lời. Bà Văn liếc nhìn Ngữ, lo ngại. Nhưng Nam cãi lại:
- Sao lại bênh Quỳnh Như! Anh em ruột phải hơn em chồng chứ!
Rồi Nam lại tiếp tục đổ xăm hường cho Ngữ, không hề bận tâm chú ý đến vẻ mặt lo ngại của những người khác. Từ đó, cuộc vui trở nên tự nhiên hơn, thoải mái hơn. Cả đêm, tiếng nói cười thay đổi cung bậc theo vận may vận rủi của từng người, chen lẫn vào đó là các mẩu chuyện cũ được nhắc lại ngẫu nhiên theo đà đưa đẩy của cuộc bàn tán. Ngữ ngồi tránh ra một bên để cho Nam chính thức thay thế, sau khi nàng dỗ được con bé ngủ. Mỗi lần đổ được xăm tốt như “lục phú”, “trạng”… Nam reo vui tự nhiên chẳng khác gì Quỳnh Như hay Quế. Ngữ quan sát em, mừng thầm thấy Nam đã phục sinh nhờ đứa con sinh ra trong cảnh bi đát. Nhờ đứa con, Nam thấy mình có ích, thấy cuộc đời có ý nghĩa, thấy hơi ấm của thân thể, vòng tay thương yêu của mình tối cần thiết cho một sinh vật yếu đuối ngoan ngoãn biết khóc biết cười biết hờn biết dỗi… Ngữ cảm động nhìn Nam, lòng chùng lại!
Quá khuya, bà Văn già yếu bỏ cuộc trước. Ngữ vào thay chỗ mẹ. Rồi tới phiên Quế. Sau vài lần ngáp dài khỏi cần lấy tay che miệng, Quế tuyên bố không thích đổ xăm hưởng nữa. Thế là chấm dứt. Lúc đó con Thúy thức giấc nên Nam chạy vào với con.
Quỳnh Như muốn nhân cơ hội này hỏi thăm cuộc sống của Ngữ bấy lâu, đồng thời muốn biết nhận xét của mình về Nam có giống nhận xét của Ngữ không.
Quế ở từ căn buồng trên hỏi vọng ra:
- Lúc nào buồn ngủ vào đây với Quế, nghe Như!
Quỳnh Như đáp:
- Ðược. Quế cứ ngủ trước đi!
Ngữ hỏi:
- Quỳnh Như có mỏi lưng không?
Nàng lấy tay đấm vào sống lưng, không chút khách sáo:
- Mỏi. Nhưng không sao! Em thích hỏi thăm anh vài chuyện…
Ngữ cũng nói:
- Anh cũng vậy. Quỳnh Như ngồi dựa vào vách cho đỡ mỏi. Kê cái gối này vào phía sau.
Quỳnh Như đưa tay nhận chiếc gối nhỏ. Lớp áo gối rin rít mồ hôi. Thoang thoảng mùi sữa chua. Quỳnh Như đoán cái gối nhỏ của cháu Thúy, hơi thắc mắc tại sao Nam cẩu thả không giặt sạch tã lót hay áo gối cho con.
Ngữ cũng ngồi dựa vào vách tường, rồi hỏi Quỳnh Như:
- Độ này bác trai cử động, đi lại có dễ dàng thêm chút nào không?
Quỳnh Như buồn rầu đáp:
- Vẫn như trước. Me em tốn biết bao nhiêu tiền chạy điện cho thầy, nhưng vẫn không khá. Tội nghiệp me em! Mỗi lần dìu thầy đi chạy điện cực khổ quá, nên cứ nôn nóng muốn kết quả trông thấy. Ở phòng bác sĩ ra, me em cứ rối rít hỏi: “Thế nào mình? Bác sĩ bảo khá hơn kỳ trước phải không? Lần này chạy điện thấy cử động được phải không?” Thầy em muốn cho me em vui, cố đi một mình mỗi lần từ phòng mạch ra xe cyclo. Rồi thầy em khuỵu xuống. Me em khóc, dìu thầy ra xe. Cảnh ấy cứ tái diễn hoài, bao nhiêu tiền chị Trang kiếm được đổ vào túi mấy ông bác sĩ hết.
Ngữ xúc động, cảm thấy nghẹn nơi cổ. Quỳnh Như im lặng một lúc, rồi kể tiếp:
- Hè vừa rồi em về, me có đỡ bớt một tay. Thầy em nhắc tới anh luôn. Anh Ngữ này!
- Gì hở Quỳnh Như?
- Em chẳng thể hiểu vì sao anh với thầy lại có thể nói chuyện được với nhau. Me cũng thắc mắc như vậy. Gặp nhau, thầy em nói với anh chuyện gì?
Ngữ cười, đáp gọn:
- Đủ thứ chuyện!
- Em không tin. Em nghĩ anh với thầy chẳng có gì chung để nói chuyện với nhau.
- Như tưởng thế!
Quỳnh Như cãi:
- Em biết tính thầy em mà! Anh người ngoài, làm sao hiểu thầy bằng chính con cái trong nhà được.
Ngữ không muốn cãi lại, mà giải thích thì dài dòng và mù mờ. Cho nên Ngữ chuyển qua chuyện khác. Chàng hỏi:
- Mồng Một Tết Quỳnh Như xuống đây xông đất nhé!
Quỳnh Như co rúm người lại, chối từ:
- Không không. Em sợ lắm. Xông đất nhà ai là ngay ngáy lo âu cả năm. Nhỡ trong năm trong nhà xãy ra tai biến gì, là người ta đổ thừa tại mình. Như hồi năm 66, ông Mân mới mồng một đã tới rủ thầy em đi Đà nẵng. Me em không cho đi, nhưng sau đó bao nhiêu chuyện xảy đến, me em đổ hết lên đầu ông Mân. Em thấy bất công, nhưng “đáng kiếp”!
Đột nhiên máu trong người Ngữ chạy dồn dập. Lòng chàng bồn chồn, hồi hộp. Cơ hội tìm hiểu cho rõ đen trắng đã đến rồi đây! Ngữ cố làm ra vẻ vô tình, hỏi Quỳnh Như:
- Hình như độ này ông Mân làm ăn khá lắm thì phải!
Nét mặt Quỳnh Như đanh lại. Giọng nói đay nghiến:
- Không khá sao được! Bao nhiêu vốn thầy em bỏ ra, hắn có chịu trả lại đâu! Bảo là đã chôn trong chuyến hàng bị tịch thu hồi đó. Me em viết thư ra bảo em tìm đưa cho hắn, năn nỉ hắn nghĩ lại. Nghĩ lại! Có Trời sập hắn mới nghĩ lại! Thấy hắn cứ lăng xăng bên con Diễm, em càng sùng hơn nữa!
Ngữ không dằn được nữa, hỏi:
- Nghe nói ông Mân định làm rể bác Bỗng, có không?
Quỳnh Như hấp tấp hỏi lại:
- Anh mới về đã nghe chuyện đó à? Chẳng lẽ Diễm kể với anh.
- Không. Diễm không nói gì cả!
Quỳnh Như quan sát nét mặt của Ngữ hồi lâu, càng làm cho Ngữ lúng túng. Nàng hỏi, sau một hồi do dự:
- Anh với Diễm… “thôi” nhau rồi phải không?
Ngữ không đáp. Quỳnh Như ngỡ ngàng nhìn Ngữ, hỏi nhỏ:
- Vì sao vậy?
Ngữ thú nhận:
- Chẳng vì sao cả. Tự nhiên Diễm không thư từ gì nữa!
Quỳnh Như bực tức:
- Em không tin! Không tin vì ông Mân mà nó thôi với anh. Chính mắt em thấy nó vùng vằng không chịu đi thăm anh Ngô với bác gái.
- Diễm giận Ngô chuyện gì?
- Không. Vì bác Bỗng nhờ ông Mân đem xe hơi tới chở đi. Nó bỏ đi chơi với em cả buổi. Không biết tối đó về, Diễm có bị mạ mắng cho một trận không.
Ngữ hoang mang, hỏi Quỳnh Như:
- Theo em, Diễm chịu lập gia đình không?
Quỳnh Như cười, ánh mắt tinh nghịch, hỏi vặn lại:
- Với ai?
Rồi làm mặt nghiêm, nàng đáp:
- Em nghĩ là không. Trừ trường hợp… trừ trường hợp nó muốn cho yên phận. Hai mươi hai tuổi rồi chứ nhỏ nhít gì đâu. Nó bằng tuổi em.
Ngữ buồn rầu, đăm chiêu một lúc, rồi bảo Quỳnh Như:
- Phải! Em nói phải! Các cô ở đây thời lãng mạn thì lãng mạn hơn bất cứ ai. Nhưng lúc cần quyết định thực tế, thì cũng sáng suốt hơn bất cứ ai.
Rồi muốn làm cho loãng bớt không khí căng thẳng, Ngữ hỏi đùa:
- Quỳnh Như đã bắt đầu “sáng suốt” chưa?
Quỳnh Như vênh mặt lên đáp:
- Em lúc nào cũng “sáng suốt”.
Mùa Biển Động Mùa Biển Động - Nguyễn Mộng Giác Mùa Biển Động