A mere friend will agree with you but a real friend will argue."

Russian Proverb

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 35
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2797 / 81
Cập nhật: 2015-08-13 18:33:45 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 6
uổi chiều, Quỳnh Như định xuống thăm Nam vào những ngày cuối năm để làm cho đủ phận sự em chồng đối với chị dâu, sẵn dịp nói dối là mấy ngày Tết bận đi lên Nguyệt biều ăn Tết với cô bạn thân không xuống Gia hội được. Quỳnh Như có ý định ấy, vì muốn tránh chứng kiến cảnh sum họp gia đình của người khác. Lần đầu tiên ăn một cái Tết xa nhà, Quỳnh Như thấm thía nỗi bơ vơ của những người không có một nơi chốn để về, không có những dịp được lăng xăng chuẩn bị đón Giao thừa và cúng đưa cúng rước tổ tiên. Ðã thế, chuyến bay hụt bất ngờ khiến nàng không hề chuẩn bị để đón Tết ở Huế. Không ai gửi thiệp chúc Tết cho Quỳnh Như về địa chỉ khu nội trú, và mặc dù cố tìm mua riêng cho mình một nhánh mai nhỏ cắm vào cái bình đất sét nung cổ cao, Quỳnh Như vẫn không có lấy một tấm thiệp xuân để treo lên những cành mai khẳng khiu.
Soeur Christine giám thị khu nội trú tính tình khô khan nghiêm khắc, người gầy đét như con mắm, lúc nào cũng nghĩ đến trật tự, kỷ luật và đời sống ngăn nắp, trinh khiết. Soeur không thể có sáng kiến gửi cho mấy cô sinh viên nội trú xa nhà một tấm thiệp chúc lành. Mẹ nhất thì ở xa, lại bận lo bên tu viện nhiều hơn. Chiều hôm qua, trong một lúc tinh thần bứt rứt, Quỳnh Như chợt nảy ý định đi mua thiệp chúc Tết cho chính mình. Ý nghĩ đó, ban đầu nàng thấy ngớ ngẩn, tội nghiệp quá. Nhưng, như người tù biệt giam thích thú giết nỗi cô đơn bằng cách phân thân làm hai làm ba mà đối thoại nhau, Quỳnh Như muốn thử làm một trò chơi lạ. Nàng muốn tìm hiểu xem mình mơ ước những gì cho mình trong năm mới.
Nghĩ là làm! Quỳnh Như đạp xe qua phố mua một lô thiệp Tết khác nhau, đủ kiểu đủ cỡ, đem về phòng đóng kín cửa lại ngồi suy nghĩ cách viết thiệp xuân.
Nàng cầm lên tấm thiệp nhỏ đầu tiên ở vừa tầm tay: một tấm thiệp đơn giản rẻ tiền, cỡ bằng ba ngón tay có vẽ hình một ông đồ đang hí hoáy viết câu đối dưới một cành mai lớn. Quỳnh Như dốt chữ Hán nên không hiểu ba chữ Hán cụ đồ viết dở dang là gì. Nàng nghĩ:
- Ðây là tấm thiệp của “bà-ngoại-Quỳnh-Như” gửi cho bé Quỳnh Như! Phải rồi! Chỉ cỡ bà ngoại mới chọn loại thiệp cổ-lỗ-sĩ như thế này. Nếu mình đã thành bà ngoại, mình sẽ chúc cháu điều gì? Chúc cháu năm mới học hành tấn tới? Có vẻ “giáo khoa thư” quá! Chúc cháu một năm mới như ý? Khô khan khách sáo quá, không hợp lời chúc của bà chúc cháu! Chúc cháu một năm mới ngoan ngoãn chăm chỉ? Không ổn, chúc như vậy có khác nào trách cháu năm vừa qua không được ngoan ngoãn lắm, lại lười biếng!
Càng nghĩ, Quỳnh Như càng thích thú với trò chơi. Nàng nhìn lại hình cụ đồ ốm o mặc áo the đen, đôi mục kính chệch xuống tận chóp mũi, đầu đội khăn đóng… Họa sĩ vẽ bức tranh Tết cổ điển là một người tài hoa, chắc thế, nên nét mặt chăm chú của cụ đồ được vẽ thật gân guốc sắc sảo. Ðặc biệt có một nét nhỏ khiến Quỳnh Như bật cười: trong sự chăm chú cố gắng, miệng cụ đồ méo xệch. Quỳnh Như tìm được câu chúc Tết cho “bà-ngoại” liền: “Chúc cháu Quỳnh Như của ngoại năm mới cười còn nhiều hơn năm cũ”.
Quỳnh Như lấy một tấm thiệp khác, khổ lớn hơn. Tranh Tết vẽ ba thiếu nữ Huế mặc áo dài đi du xuân. Tranh vẽ bằng tay chứ không phải tranh in. Quỳnh Như đoán, và chắc đoán đúng, đây là những bức thiệp do các sinh viên cao đẳng mỹ thuật vẽ bán kiếm chút ít tiền tiêu Tết. Cả ba thiếu nữ đều mảnh mai, mặc ba chiếc áo dài thướt tha khác màu. Nét vẽ còn non dại nên những vạt áo dài bay theo gió xuân thiếu hẳn nét uyển chuyển cần thiết. Quỳnh Như “giả sử” đây là tấm thiệp của một bạn gái gửi cho mình. Chẳng hạn của Diễm, hoặc của Bích Ðào, của Kim Đính, của Tố Loan, của Lê thị Thu Ba… Ờ, sao không nghĩ tới giả thiết Lê thị Thu Ba gửi thiệp cho mình. Cái con bạn nghèo học chung với Quỳnh Như năm đệ nhất C, ngồi cạnh nhau ở bàn thứ nhì sát cửa ra vào. Ðã đành hồi đó mình cứ chọc quê nó hoài, gọi nó là Lê thị Đông Ba vì cái tật ưa đi ăn quà và cái kiểu cầm bát bún bò đưa lên tận môi húp chùn chụt trông phàm tục dễ sợ. Nhưng Thu Ba được cái tính hiền, ít giận ai. Chẳng những vậy, Thu Ba còn tỏ ra khoan dung đối với Quỳnh Như, mỗi lần hai người bạn khác tính nhau một trời một vực có chuyện xích mích. Quỳnh Như cắn bút ngồi nghĩ cách viết làm sao cho hợp với Thu Ba. Nàng suýt cười lớn khi nghĩ được câu chúc Tết độc đáo cho bạn:
“Quỳnh Như, năm mới mày bớt lanh chanh tao sẽ đãi mày một tô bún bò Mụ Rớt”.
Tấm thiệp thứ ba vẽ hình một cặp tình nhân đang khoác vai nhau cười thật tươi, hai khuôn mặt trẻ trung chiếm trọn cả khung tranh, không cần đến những hậu cảnh thiên nhiên nhắc nhở rằng mùa xuân đã về. Ánh mắt họ lóng lánh hạnh phúc. Bất giác Quỳnh Như cảm thấy tê tê ở vai mình. Sức nặng của nỗi cô độc! Nàng đưa tay xoa xoa lên vai phải, ngồi bần thần hồi lâu không biết viết gì. Có thể tưởng tượng một người yêu nào đó gửi thiệp xuân cho mình được không? Người đó là ai? Quỳnh Như ngồi ôn lại những bạn trai mình từng quen, kể cả những ông anh của các cô bạn thân. Nàng ngạc nhiên nhận thấy không có người nào có thể viết thiệp xuân chúc nàng những lời yêu thương nghe được. Người thì cố làm ra vẻ trí thức một cách kệch cỡm. Người thì nhút nhát hèn yếu. Người thì lố lăng thô bỉ. Người thì làm bộ hào hoa theo kiểu tỉnh lẻ! Người thì gồng mình dao to búa lớn như một chiếc bong bóng! Quỳnh Như nhìn lại “chàng” trên tấm thiệp, rồi ngắm “nàng”, thấy họa sĩ vẽ hàm răng cô gái có một chiếc răng khểnh dễ thương. Quỳnh Như xúc động, chép ngay vào tấm thiệp bốn câu thơ của Xuân Diệu:
Xuân của đất trời nay mới đến;
Trong tôi, xuân đến đã lâu rồi.
Từ lúc yêu nhau, hoa nở mãi
Trong vườn thơm ngát của hồn tôi.
Tấm thiệp thứ tư là một tấm thiệp xuân lai căng. Trong lúc vội vàng vơ lấy một vài tấm thiệp cỡ nhỏ rẻ tiền bày bừa bộn trên quầy hiệu sách, Quỳnh Như quên lưu ý, đã mua nhầm một tấm thiệp chúc mừng Giáng Sinh bán ế. Tấm thiệp in ở Mỹ thật đẹp, có hình một căn nhà cổ mái phủ đầy tuyết núp dưới một gốc thông cành lá trĩu xuống cũng vì tuyết bám. Từ ống khói căn nhà cô độc giữa mùa đông bao la tỏa lên một dây khói mỏng. Hàng chữ in nhũ phía dưới: Merry Christmas & Happy New Year.
Quỳnh Như định vất tấm thiệp qua một bên để lấy tấm khác, nhưng chợt nghĩ: Tại sao ta không “giả sử” có một người bạn ngoại quốc gửi ta thiệp chúc xuân?
Nàng ôn lại quá khứ, soát lại hiện tại, có nhớ xem đã quen với những người ngoại quốc nào khả dĩ có thể đủ thân để gửi thiệp cho mình. Vài người lính Mỹ trong Ðà nẵng từng bắt mối làm ăn với ông Thanh Tuyến lâu lâu ghé Huế thăm gia đình Quỳnh Như? Họ xa lạ quá, không đủ “trình độ” để nghĩ tới chuyện viết thiệp. Cậu giáo sư trẻ người Pháp đậu cử nhân triết ở đại học Sorbonne làm việc cho trung tâm Văn hóa Pháp, có qua dạy Pháp văn ở đại học Văn khoa và Sư phạm? Anh này lúc nào cũng mơ ước trở thành một thứ triết gia đợt sóng mới, đầu óc quay cuồng điên đảo giữa những ý niệm những hệ thống những tháo gỡ những cấu trúc, làm gì có dư thì giờ nghĩ tới cái việc vặt là gửi thiệp cho một cô học trò bản xứ!
Ông giáo sư già người Mỹ gốc Ái Nhĩ Lan dạy Văn chương Anh thời Victoria? Không thể được! Suốt ngày ông ta bạc tóc vì chúi mũi vào đống sách cũ, đến quần áo còn không để ý ăn mặc cho tề chỉnh, thì giờ đâu lo ba chuyện lẩm cẩm trẻ con!
Anh chàng thanh niên thiện chí người Mỹ có M.A. ngôn ngữ học ở đại học Michigan làm phụ giáo dạy phát âm cho ban Anh văn Đại học Sư Phạm? Có thể được đây! Phải! Tính của Dale A. Davidson biết tếu, tuy học ở một đại học nổi tiếng nhưng vì gốc dân Texas nên mỗi lần dạy Quỳnh Như phát âm những chữ như downtown, cả lớp cười ồ mà anh ta không hề giận! Dale lại hay ưa giúp đỡ người khác, nên suốt ngày chạy lăng quăng hết chỗ này đến chỗ nọ, đúng típ người mà tục ngữ Việt Nam vẫn gọi là “ăn cơm nhà vác ngà voi”. Nhiều khi Dale hứa giúp bạn bè mà không lượng trước được khả năng và thì giờ của mình, nên bị những sinh viên học với anh, trong đó có Quỳnh Như, gọi đùa là “con ma nhà họ Hứa”. Quỳnh Như cố mím môi nhịn cười bắt chước lối viết nghiêng của người Mỹ, ghi mấy dòng lên tấm thiệp:
“Best Wishes to You, Quỳnh Như”
“Downtown” A.Davídson
Quỳnh Như chỉ cố “đùa” cho đến tấm thiệp thứ sáu rồi không gượng vui được nữa. Những tấm đã viết xong vẫn vất trên mặt bàn, nàng đã bỏ nửa cuộc, không đủ sức gài mấy tấm thiệp lên những nhánh mai. Khu nội trú hoàn toàn im vắng. Không có lấy một tiếng chuột rúc ở gậm tủ, hoặc một tiếng chim chiêm-chiếp bên kia cửa sổ. Bên ngoài, nắng đã tắt. Căn phòng hẹp không bật đèn nên bắt đầu tối tăm. Quỳnh Như không biết làm gì cho quên nhớ nhà, nằm đắp chăn cố dỗ giấc ngủ. Nàng thấy thương mình, thương thầy me, thương chị Trang, thương anh Tường, thương tất cả mọi người. Cuộc sống sao rắc rối quá! Nàng tủi thân, thút thít khóc. Ở trên đời, có ai cô độc đến nỗi phải tự viết thiệp chúc Tết như mình không?
Càng nghĩ Quỳnh Như càng thương xót mình hơn, nước mắt chảy đọng ở hai lũng mắt rồi tràn xuống hai bên má. Nàng không buồn lấy chéo tấm chăn chùi nước mắt, để mặc cho nước mắt ấm rỏ từng giọt xuống chiếc chiếu trắng.
Bên ngoài, có tiếng dép bước thoăn thoắt và giọng soeur Christine hỏi vọng vào:
- Quỳnh Như có trong đó không?
Quỳnh Như vội lau nước mắt, định lên tiếng, nhưng thấy cổ bị nghẹn, nên giả vờ ngủ. Giọng soeur Christine trở nên gắt gỏng hơn:
- Quỳnh Như đâu?
Quỳnh Như bắt buộc phải lên tiếng:
- Dạ.
- Không xuống ăn cơm à?
- Con không đói, ma soeur.
- Không ăn sao không báo trước. Bị bệnh hả? Mở cửa cho soeur xem nào!
Quỳnh Như phụng phịu ngồi dậy, vuốt lại tóc rồi ra mở cửa phòng. Soeur Christine xoi mói nhìn quanh, chú ý mấy tấm thiệp vứt bừa bãi và cảnh chăn gối xô lệch, trách:
- Mấy cô không ngăn nắp tí nào cả. Bừa bộn thế này mà chịu được. Chẳng khác nào cái… cái…
Soeur Christine không tìm ra thứ gì để so sánh, đâm lúng túng, rồi thấy Quỳnh Như cười mỉm như chế giễu sự lúng túng của mình, soeur gắt:
- Cười cái gì? Có người chờ “cô” ở phòng khách đấy!
Quỳnh Như ngạc nhiên hỏi:
- Ai vậy ma soeur?
- Xuống đó thì biết. Kìa, chải tóc chải đầu lại cho tử tế một chút. Nhớ nội qui tiếp khách không?
- Nhưng ai vậy ma soeur? Quen hay lạ?
- Làm sao soeur biết được! Hình như cái ông hôm qua có tới tìm Quỳnh Như đấy. Thủy nó bảo ông ta dạy bên ban Anh văn. Người Mỹ!
Quỳnh Như trố mắt nhìn soeur Christine, hỏi lại:
- Thật hở ma Soeur? Vậy thì có thể Quỳnh Như có máy bay về Sài gòn được rồi. Cảm ơn ma soeur. Soeur Christine là nhất, nhất, nhất.
Soeur Christine vui lây cái vui của cô sinh viên nội trú, lòng cảm thấy dịu lại. Giọng soeur trìu mến:
- Lạy Chúa! Việc gì mà mừng như trúng số độc đắc vậy! Bộ ở đây ăn Tết với soeur không vui sao?
Quỳnh Như vừa chải tóc, vừa nói:
- Vui gì! Buồn thấy mồ! Các Soeur chỉ lo thờ phượng Chúa, đâu có ngó ngàng gì tới con đâu. À này, ma soeur. Ma Soeur có tin được không. Hôm qua “con ma nhà họ Hứa” hứa sẽ xoay máy bay quân sự Mỹ cho con về Sài gòn, con không tin tưởng chút nào. Lão ta hứa nhăng hứa cuội nhiều quá, mất hết tín nhiệm. Hóa ra lần này “lão” chịu khó giữ lời hứa. “Lão” quay lại, tức là có kết quả.
Soeur Christine ngơ ngác hỏi:
- Ma quỉ nào vậy? Còn lão nào nữa?
Quỳnh Như chợt nhớ ra, cười dòn, rồi giải thích:
- Ông Dale dạy Anh văn của con đấy ma soeur. Cái anh chàng đọc Anh văn theo kiểu dân cao bồi Texas, quê chịu không được. Con vừa viết…
Quỳnh Như định kể chuyện viết thiệp chúc Tết, chợt nhớ kể lại cảnh huống tự viết thiệp chúc mình nghe thảm quá, nên ngưng lại. Soeur Christine không chú ý đến vẻ bẽn lẽn bất thường của Quỳnh Như, chỉ giục:
- Thôi xuống nhà khách nhanh lên, ông ấy đợi đã lâu rồi! Tưởng năm nay có Như ở đây ăn Tết với ma Soeur cho đỡ buồn, ai ngờ…
Quỳnh Như cảm động, nhưng nôn nóng đi nhận tin vui, không có thì giờ dài dòng an ủi soeur Christine. Nàng chỉ hỏi:
- Ma Soeur có đi với con xuống đó không?
- Thôi, soeur bận chút việc. Nếu có chỗ máy bay, lên văn phòng cho soeur biết.
Nói xong, soeur Christine đi về phía nhà nguyện. Quỳnh Như khép cửa phòng lại. Chợt nhớ tấm thiệp tưởng tượng Dale gửi cho mình, Quỳnh Như lại mở cửa vào lấy tấm thiệp bỏ vào túi áo cánh. Tấm thiệp hơi lớn, in trên bìa cứng, nên không lọt vào túi, nàng cầm gọn bằng bàn tay trái.
“Downtown” không có vẻ mặt hớn hở kể công hoặc cố làm ra vẻ nghiêm nghị nhún nhường như Quỳnh Như tưởng. Anh ta ngồi thu người trên chiếc ghế gỗ thấp ở phòng khách, nét mặt buồn rầu như một cậu học trò ngồi chờ ở ngoài phòng tổng giám thị để chịu phạt. Không chờ Quỳnh Như hỏi, Dale đã phân bua trước:
- Tôi chạy khắp phi trường Phú bài, nhờ mấy sĩ quan Không quân đồng hương gọi vào cả phi trường Đà nẵng và Chu lai, vậy mà không tìm được chuyến nào đi Sàigòn vào hai ngày sắp tới cả. Hỏi bên USAID nhờ Air America cũng không có. Tôi thật lấy làm tiếc.
Quỳnh Như cụt hứng, ngồi ủ rũ không nói được lời nào. Nàng quên cả giữ ý trước anh giáo sư người ngoại quốc. Quỳnh Như thút thít khóc. Dale càng lúng túng hơn, cố nói vớt:
- Sáng mai tôi sẽ thử điện thoại hỏi lại lần nữa xem sao. Biết đâu ngày mai tình hình đã đổi khác. Mấy ngày gần đây có đánh lớn ngoài Khê sanh, tìm máy bay quan sự đi Sàigòn khó lắm. Cô hiểu cho!
Quỳnh Như không dằn được nữa, vừa thút thít vừa trách móc:
- “Thầy” hứa cho vui chứ có chịu hỏi giùm cho Quỳnh Như đâu!
Ngày thường, cả 14 người trong lớp Anh văn của Quỳnh Như gọi Dale là “My professor” với một giọng nửa đùa nửa thật. Nửa đùa vì Dale còn trẻ quá, ăn mặc xuề xòa đơn giản, lúc nào cũng cái quần jeans Lee và cái áo sơ mi khaki rộng thùng thình, không có lấy một chút đạo mạo nghiêm nghị tối thiểu của một ông giáo. Ðã thế, so với những người Mỹ khác, Dale lại nhỏ thó. Không to lớn dềnh dàng như hầu hết những lính G.I. thường la cà ngoài phố Ðà nẵng hay đeo máy ảnh chạy hết lăng này đến lăng kia của cố đô chụp lia lịa những tấm ảnh kỷ niệm. Dale thiếu hẳn vẻ bệ vệ. Bước đi nhanh, cử chỉ linh hoạt, Dale vào lớp dạy với một cuốn bloc-note bằng bàn tay trên túi áo khaki và cây bút chì giắt ở mép tai, nên buổi đầu dạy1ớp Quỳnh Như, cả 14 sinh viên ngỡ ngàng không biết phải xử trí thế nào, kẻ đứng dậy nghiêm trang chào kính ông thầy ngoại quốc “bụi đời”, kẻ lom khom chần chờ nửa muốn đứng dậy nửa muốn ngồi lì trên ghế. Rồi lối ngồi gác chân lên bàn, lối đọc Anh văn giọng Texas, lối sống tự nhiên không kiểu cách của Dale khiến cho sinh viên học anh xem anh như một người bạn hơn là một ông thầy.
Nói như vậy không có nghĩa là họ đã chế giễu Dale khi gọi anh là professor. Mọi người đều công nhận anh có kiến thức rộng, và hiểu biết thấu đáo môn cú pháp anh phụ trách ở lớp thứ nhất, và môn Phát âm ở lớp Quỳnh Như. Dale xứng đáng là thầy dạy họ. Và theo truyền thống tôn trọng người có học, dù Dale chỉ hơn các sinh viên học anh hai ba tuổi, hễ anh đứng trên bục giảng là họ phải gọi anh bằng “thầy”. Nhất tự vi sư, bán tự vi sư. Cổ nhân đã từng bảo vậy! Về phần Dale, anh đỏ mặt mỗi khi sinh viên gọi anh là professor. Anh nhắc đi nhắc lại rằng anh chưa đủ học-vị để làm professor. Có sinh viên đề nghị gọi anh là Mr. Davidson. Anh không bằng lòng, đề nghị họ gọi anh đơn giản bằng cái tên Dale. Anh cười, nói thêm rằng nếu thích, cứ gọi anh bằng “Down-town” cũng không sao.
Dale dạy ở Sư phạm, nhưng với tư cách là thanh niên thiện chí (IVS) biệt phái đi dạy Anh văn ở các trường trung học và đại học, nên số lương hằng tháng ít ỏi so với số lương thấp nhất của một người Mỹ làm việc ở ngoại quốc. Đời sống của anh cũng giản dị đạm bạc như đời sống bất kỳ một sinh viên nào. Anh thuê một căn phòng nhỏ ở đường Lê Đình Dương, đồ đạc trong phòng chỉ có một cái ghế bố nhà binh, một cái bàn gỗ, cái ghế xếp và một số đồ đạc lặt vặt cần thiết. Dấu vết cuộc sống tiện nghi của quê hương Dale chỉ là những thức ăn thức uống các bạn G.I. đồng hương của anh mua giúp trong P.X., mà những thứ này thì ngay hè phố người ta đã bày bán la liệt với một giá không cao lắm.
Riêng Quỳnh Như, nàng xem Dale như một người bạn học hơn là một ông thầy. Trong lớp, có những điều mà do thói quen dè dặt, các sinh viên khác không dám nói thật với Dale, Quỳnh Như vẫn nói thẳng. Chẳng hạn lối ngồi gác chân lên bàn của Dale, lối giắt bút chì lên mép tai của Dale, lối đọc tiếng Anh giọng Texas của Dale. Ngay cả cái biệt danh Down-town đọc chệch tên Dale cũng do của Quỳnh Như nghĩ ra, và trong lúc các bạn thì thào gọi lén sau lưng Dale, Quỳnh Như đã gọi “Mr. Down-town” rồi nhìn thẳng vào Dale mà giải thích. Dale phá lên cười, xem đó là một cách đùa nghịch thông minh, hẹn ngay tối hôm ấy sẽ viết thư về nhà kể cho bà mẹ và cô em gái biết. Vậy mà từ đầu đến giờ, thấy Quỳnh Như thút thít khóc, Dale lính quýnh không biết phải làm gì. Quỳnh Như trách móc một cách bất công oan uổng, Dale cũng đành ngồi chịu trận. Anh hiểu. Anh nhớ lại những đêm Giáng sinh buồn rầu trong khu nội trú đại học Michigan, vào thời kỳ gia đình anh làm ăn sa sút không thể gửi tiền giúp anh mua cái vé máy bay về San Antonio đoàn tụ với gia đình. Nhớ lại những tối đứng dán mắt vào sát khung cửa kính lạnh giá, hà hơi thở ấm lên mặt kính rồi lấy tay xoa tan lớp sương đông để nhìn cảnh tuyết rơi lờ mờ ngoài trời.
Quỳnh Như thôi khóc, ngước lên nhìn Dale. Cơn thất vọng tan bớt! Nàng bắt đầu thấy mình bất công với ông thầy ngoại quốc, với người bạn lớn có lòng. Quỳnh Như cố mỉm cười cho Dale yên lòng. Nàng đưa tấm thiệp Giáng sinh cho Dale. Dale xem cử chỉ ấy là một cách làm hòa, vui mừng hỏi:
- Cô chúc Happy New Year cho tôi à?
Quỳnh Như cười thành tiếng, cải chính:
- Không đâu. Anh đọc sẽ rõ.
Dale giở tấm thiệp ra đọc, không hiểu, ngơ ngác nhìn Quỳnh Như dò hỏi. Quỳnh Như giải thích:
- Hồi chiều buồn quá, tôi ngồi tưởng tượng xem những người bạn sẽ gửi thiệp mừng xuân cho tôi ra sao. Ngẫu nhiên tôi nhớ ra Dale. Có phải nếu anh gửi thiệp, anh sẽ viết như vậy không? Gương mặt Dale đang đăm chiêu cố tỏ vẻ quan tâm cảm động, đột nhiên sáng lên nô nức một cách trẻ con, như vẻ mặt thường ngày của anh. Dale vội vã đưa tay phải lên túi áo rộng trên ngực trái, lấy một bì thư màu trắng đưa cho Quỳnh Như. Thấy nàng do dự chưa muốn nhận, Dale giải thích:
- Tôi không xoay được máy bay cho Quỳnh Như, biết cô sẽ buồn. Nên trước khi đến đây, tôi qua phố lựa mua cho cô tấm thiệp chúc Tết. Cô xem tôi viết những gì!
Quỳnh Như không ngờ xảy ra sự trùng hợp thú vị như vậy, vội nhận lấy tấm thiệp, vội mở ra xem. Tấm thiệp in tranh mộc bản Hái Dừa ở mặt ngoài. Giở bên trong, trên tờ giấy mỏng mầu xanh lơ dành cho người gửi thiệp đề câu chúc Tết, Dale viết:
Best Wishes to You, Quynh Nhu
“Down-town” A. Davidson.
Mùa Biển Động Mùa Biển Động - Nguyễn Mộng Giác Mùa Biển Động