Nothing is worth reading that does not require an alert mind.

Charles Dudley Warner

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 35
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2797 / 81
Cập nhật: 2015-08-13 18:33:45 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 5
gữ thao thức cả đêm hôm ấy không thể chợp mắt được. Chàng trăn trở thay đổi thế nằm nhiều lần, tìm hết cách để dỗ giấc ngủ, nhưng đầu óc cứ gây gây, mắt ráo hoảnh. Ngữ tự đặt câu hỏi cho mình: “Có nên đi gặp Diễm không?” và không thể trả lời dứt khoát. Ban đầu chàng nghĩ là nên gặp Diễm, vì dù sao thư từ qua lại đã nhiều, tuy chưa bao giờ Ngữ viết rõ ”Anh yêu em” hoặc Diễm viết “Em yêu anh”, nhưng những lá thư dài nắn nót trên giấy pelure mầu xanh lơ ấy là gì, nếu không phải là tình yêu! Mà nếu đã là tình yêu, thì dù có thay đổi gì chăng nữa, cũng cần phải gặp nhau để giải quyết cho dứt khoát. Có hại gì đâu? Nếu Diễm cố tránh mặt, thì đó cũng là một câu trả lời. Vả lại, gia đình Ngô sẽ nghĩ thế nào khi biết chàng về Huế mà không thèm ghé thăm ba mạ người bạn thân trước đây, hỏi thăm tin tức người bạn đang lâm cảnh tù tội! Gặp bà Bỗng thì không có gì đáng ngại. Còn ông Bỗng thì có lẽ bây giờ, sau gần hai năm tai biến đã qua, mọi sự ngã ngũ và trở lại ổn định, chắc ông không còn gì để e ngại hay đố kỵ với chàng. Phải đi thăm! Không nên rụt rè!
Nhưng ngay sau đó, Ngữ lại nghĩ: Mối cảm tình giữa chàng và Diễm chắc chắn ông bà Bỗng đã biết. Nếu Diễm đã thay đổi, và nếu Mân có ý định lấy Diễm, thì chuyện trở về của chàng trở nên phiền phức đối với gia đình Diễm. Đã đành chàng lên thăm vì tình bạn với Ngô, nhưng ai cấm ông bà Bỗng (và biết đâu cả Diễm) không khó chịu xem chàng như một kẻ phá đám. Mọi sự đang êm đẹp, tự nhiên chàng vác xác đến. Còn có nỗi nhục nhã nào lớn hơn, khi phải cúi đầu nhận sự tiếp đãi gượng gạo lạnh lẽo của ông bà Bỗng. Ðiều gì sẽ xảy ra? Bà Bỗng và Diễm chắc chắn sẽ rút lui vào buồng trong để cho ông Bỗng tiếp “khách”. Và đây là cơ hội tốt để một người tính tình cau có gay gắt như ông Bỗng thốt những lời cay độc đay nghiến chăng.
Bao nhiêu ý nghĩ lạc quan ban đầu phút chốc tiêu tan, cứ như vậy, Ngữ tìm ra không biết bao nhiêu lý luận đanh thép để đi hay không đi.
Gần đến sáng, chàng mệt quá ngủ mê hồi nào không hay. Lúc giật mình thức dậy, đã 9 giờ sáng. Hai vai Ngữ mỏi nhừ. Gặp Nam đang đút bột Bích chi cho con, Ngữ hỏi:
- Sáng nay em có đi đâu không?
Nam ngơ ngác hỏi lại:
- Anh hỏi làm chi vậy?
khiến Ngữ luống cuống, thấy mình vẫn luẩn quẩn nghĩ tới chuyện đi hay không đi. Ngữ lỡ đà, nói luôn cho thuận lý:
- Nếu không bận đi đâu, anh mượn cái xe đạp lên thăm bác Bỗng.
Nam kinh ngạc hỏi:
- Cái xe đạp em vẫn để đấy, anh cứ lấy đi cần gì hỏi em. Em vẫn thắc mắc tự hỏi tại sao anh không lên thăm hai bác từ hôm mới về.
Ngữ đành trả lời cho có lệ:
- Anh bận vài việc chưa qua bên đó được. Không có Ngô, qua bên đó cũng buồn. Không biết nói chuyện với ai.
Nam nói tự nhiên:
- Ờ, con Diễm nghe nói bận học cũng ít về nhà. Nhưng bữa nay nghỉ Tết, chắc anh lên gặp được nó.
Ngữ trở về phòng trong đóng kín cửa lại, không muốn cho Nam thấy mình lấy bàn là ủi cẩn thận bộ đồ dân sự lâu nay ít mặc. Bộ quần áo còn khá mới, sơ mi popeline màu xanh và cái quần dacron mầu xám không “pli”. Lúc nhìn vào gương, Ngữ hơi lo vì thấy hai mắt mệt mỏi và tóc tai hơi dài. Nhưng không còn thì giờ để đi hớt tóc nữa rồi! Vả lại khuôn mặt Ngữ xương xương, mỗi lần cắt tóc ngắn trông khuôn mặt ấy càng thêm choen hoẻn khắc khổ.
Ngữ đạp xe qua chợ Ðông Ba mới nhớ là đi thăm ông bà Bỗng sau một chuyến đi xa như vậy phải có chút quà cáp gì mới được. Đúng phép tắc phải là quà thổ sản của cao nguyên mới có tình. Chẳng hạn trà Blao, hay cà phê Buôn mê thuột. Hoặc vài cái gùi đan bằng nứa của người thiểu số để trang trí phòng khách. Cụ thể, thực tế hơn phải măng le khô, thịt nai khô… Ngữ gửi xe vào chợ Ðông ba tìm mua quà Tết.
Chàng kinh ngạc nhận thấy khu chợ, từ bờ sông Hương cho đến đường Trần Hưng Đạo, còn đông đảo hơn mấy hôm trước gấp bội. Các lối đi vào chợ đều kẹt cứng, chen chân không lọt. Chàng biết tâm lý thông thường của những bà nội trợ nghèo là Tết nào cũng tự hứa phải ăn một cái Tết tiết kiệm tối đa để đỡ mang công mắc nợ. Nhất định không mua sắm gì hết, Tết vẫn ăn cơm với cá kho rim, rau luộc… Nhưng ngày Tết càng đến gần, thì lời hứa ấy càng khó giữ. Con cái trong nhà đòi áo mới. Thiên hạ sắm Tết nhà nào cũng rim mứt, bánh chưng bánh tét, sân trước phơi kiệu sân sau mổ heo, tự nhiên thấy tủi thân. Giấy rách phải giữ lấy lề! Rồi khách khứa tới thăm ba ngày xuân chẳng lẽ không đãi được một tách nước trà hay một ly rượu Mai Quế Lộ? Chẳng lẽ không dúi được vào tay mấy đứa trẻ một cái kẹo, hoặc một bao giấy đỏ đựng tiền lì xì? Chẳng lẽ không có lấy một mâm hoa quả trên bàn thờ gia tiên? Chết thì thôi, còn sống, dù là sống nghèo, không thể để mất danh giá như thế được! Vậy là các bà vội vã chạy ra chợ, vơ vào những thứ cần thiết vào những buổi chợ tàn, hàng đã xấu mà giá lại đắt. Chợ giáp Tết bao giờ cũng đông hơn, càng gần áp Tết càng đông.
Nhưng Ngữ nhận thấy trong số những người đi chợ năm nay có rất nhiều người từ thôn quê lên. Và những người ăn mặc hoặc quá lôi thôi hoặc quá cầu kỳ này chỉ đi dạo xem hàng chứ không mua gì cả. Một số quân nhân nghỉ phép sớm đưa vợ con đi sắm Tết, nhưng những người này đều có dáng điệu thông thuộc với khu chợ, và chăm chú mua sắm.
Ngữ tìm mãi mới mua được hai ký thịt nai khô Buôn mê thuột, nghĩ như vậy đã đủ chứng tỏ mình có lòng mang quà từ cao nguyên về. Ðịnh trở lại chỗ gửi xe, chàng chợt nhớ bấy nhiêu quà vẫn chưa ổn. Quà là đồ nhậu của đàn ông. Còn giới phụ nữ trong gia đình Ngô? Chàng suy nghĩ mãi, cuối cùng quyết định nên mua thêm hai hộp trà Blao. Việc này gặp khó khăn, vì ở các sạp tạp hóa, phần lớn trà hộp bán ra đều ướp sấy và vào hộp tại Chợ lớn. Tìm mãi, chàng mới mua được hai hộp trà hiệu ông Tiên tuy vô hộp cũng tại Chợ lớn, nhưng có ghi rõ trên nhãn hàng chữ “Trà Blao chính hiệu”.
Ngữ hăm hở đạp xe qua phía hữu ngạn, rẽ phải ở đầu cầu và lên ga. Ðường Lê Lợi cũng có nhiều người đi lại hơn ngày thường, tuy đại học và các trường trung học đã đóng cửa nghỉ Tết. Ngữ khe khẽ huýt sáo đạp xe nhanh qua khu Morin, Thư viện Đại học, Câu lạc bộ Thể thao, Tòa Hành chánh tỉnh. Lúc đến trước trường Đồng Khánh, vô tình nhìn lại chỗ ngày trước Ngữ và Lãng đuổi kịp Nam cứu em gái khỏi tự thiêu, đột nhiên Ngữ thắng xe lại. Chàng nghĩ: “Mình đi tìm gặp Diễm khi chưa rõ lòng Diễm thế nào, có khác gì đi tự thiêu danh dự của mình”. Lễ mễ mang quà cáp đến biếu một gia đình không muốn thấy mặt mình, trời hỡi, đã điên chưa Ngữ?
Ngữ ngồi tần ngần trên yên xe thật lâu, cuối cùng vẫn đạp xe lên ga. Lần này đạp chậm, mỗi lúc mỗi chậm!
Ngữ dừng xe trước cổng nhà Diễm, hơi bỡ ngỡ khi thấy tấm sáo trúc sặc sỡ che không cho thấy bên trong nhà có ai. Gió từ bờ sông thổi lên đưa nhẹ tấm trúc chao động, con công xòe đuôi chuyển mình. Hai cánh cửa lá sách mới sơn mở ra phía ngoài, một cánh ép sát vách thuận theo chiều gió, một cánh khép hờ lưng chừng.
Ngữ gõ vào cánh cửa ba bốn lần, bên trong mới có giọng đàn ông lạ hỏi vọng ra:
- Ai đó?
Không phải giọng ông Bỗng. Ngữ nghĩ nhanh: “Sao giống giọng Mân thế! Phải rồi. Chắc là Mân đến để chuẩn bị… nhà cửa sơn phết bày biện thế kia, chắc chắn là sắp có tin vui. Gần Tết làm đám cưới, hợp lắm!”
Có tiếng chân bước, và tấm màn trúc được vẹt lên. Ngọc nhìn Ngữ chăm chăm hồi lâu, hỏi dè đặt:
- Ai như anh Ngữ. Phải anh Ngữ bên bác Văn không?
Ngữ gặp Ngọc từ ba năm trước, nên cũng dè dặt hỏi lại, giọng pha lẫn mừng vui:
- Ngọc em Ngô phải không?
- Vâng, em là Ngọc đây. Trời, đúng anh Ngữ rồi. Anh về hồi nào. Khi hôm mạ em vừa nhắc tới anh đấy!
Ngữ quên hết mọi lo âu, hồi hộp cảm động đến nỗi nói lắp bắp:
- Để… để tôi dắt xe đạp ra sau đã. Hai.. hai bác có nhà không Ngọc? Ngọc về hồi nào?
- Đã ba hôm rồi. Anh dắt xe đi lối này.
Ngọc ra hẳn ngoài đường đi theo Ngữ. Ngữ lúng túng thế nào mà khi đẩy chiếc xe lên cái dốc nhỏ vào cổng hẹp xế nhà Diễm, chiếc xe nghiêng làm cho gói quà Tết rơi xuống. Ngọc vội nói:
- Ấy chết. Có gì dễ vỡ không?
Ngữ đỏ mặt nhặt hộp trà rơi ra khỏi bao giấy, đáp lại:
- Không hề gì! Em ở nhà một mình, không đi chơi đâu à?
Ngọc vô tình trả lời:
- Em định xuống thăm hai bác với chị Nam chiều nay. Xin lỗi, em đâu có biết anh về.
Rồi Ngọc gọi lớn vào trong nhà:
- Mạ ơi, có anh Ngữ đến chơi!
Không có ai trả lời. Ngữ thất vọng, dựng xe ôm gói quà theo Ngọc. Ngọc chạy vội vào bên trong, chưa kịp mời khách ngồi xuống ghế nệm đã vào buồng tìm kiếm, một lúc trở ra nói:
- Chắc mạ em đi với con Diễm xuống chợ Từ đàm. Cũng sắp về thôi. Mạ gặp anh, chắc mừng lắm. Lại khóc cho xem. Trông thấy anh, mạ lại nhớ đến anh Ngô.
Ngữ cảm động, hỏi Ngọc:
- Nhà có được đi thăm Ngô đều không?
- Có. Tiếc quá, buổi chiều em về thì giờ thăm nuôi anh Ngô lại nhằm vào buổi sáng. Nghe mạ em bảo anh Ngô vẫn khoẻ. Hết hẳn cái bệnh ghẻ ngứa rồi!
Ngữ nhìn về phía nhà kho trước kia là “xưởng vẽ” của Ngô, nhớ chuyện những bức tranh của Ngô suýt bị vứt đi, nên hỏi Ngọc:
- Sao không lấy tranh của Ngô chưng chỗ vách này?
Ngọc cười bảo:
- Em cũng muốn lắm. Mạ với con Diễm cũng vậy. Nhưng sợ ba, không dám lấy xuống.
Nghe đến hai tiếng “lấy xuống”, Ngữ đoán được số phận hẩm hiu của những tác phẩm của người bạn cũ. Nhớ lại mầu xanh ngọc bích Ngô khoan khoái tìm thấy và khoe ầm với bạn bè. Nhớ lại những thiếu nữ xanh xao, những cô gái giơ cao tay và mở lớn miệng để hoan hô đã đảo…
Ngữ muốn xem lại những kỷ vật một thời ấy, e dè hỏi Ngọc:
- Bác trai đi đâu rồi, em?
- Ba em đi dự tất niên trên Kim long.
Ngữ giả vờ chắc lưỡi:
- Anh thật xui! Chờ bác trai về chúc Tết sớm bác, có kịp không?
Ngọc ngây thơ đáp:
- Chắc không kịp. Ba em mới đi cách đây nửa giờ. Tiệc tùng chuyện vãn khề khà, biết bao giờ cho xong.
Ngữ vui mừng, hỏi liền:
- Mấy bức tranh cũ của Ngô để đâu, em biết không? Anh muốn xin hai bác một bức đem lên Pleiku.
Ngọc mau mắn đáp:
- Được. Ðể em kéo xuống hết cho anh lựa.
nhưng đột nhiên, Ngọc e dè, ngần ngừ. Ngọc nói:
- Em lấy hết bó tranh cho anh xem, còn chọn bức nào thì… thì anh chờ mạ em về đã. Anh biết đấy, mạ em không hiểu gì về hội họa cả, nhưng từ ngày anh Ngô ở tù, mạ quí mấy bức tranh lắm. Anh nói qua với mạ một tiếng, chắc mạ không nề hà gì đâu. Không biết chừng mạ nhờ anh đem hết về bên nhà giữ giùm nữa đấy!
Có tiếng xe cyclo phanh rít trước cổng, và giọng bà Bỗng gọi lớn:
- Ra phụ với mạ xách đồ vào, Ngọc!
Ngọc bỏ tấm tranh của Ngô xuống cạnh bàn, mừng rỡ bảo Ngữ:
- Mạ em đã về. Để rồi anh xem. Thế nào mạ cũng khóc bù lu bù loa, kể lại chuyện anh Ngô.
Ngọc đã đoán sai. Bà Bỗng đang hớn hở xách cặp gà vào nhà, thấy Ngữ, mắt bà sáng lên mừng rỡ một chút, rồi thôi! Bà nghiêm mặt lại, hỏi khách sáo:
- Cậu Ngữ về lúc nào vậy?
- Thưa bác, cháu về hôm 25.
Bà Bỗng định nói gì đó, Ngữ đoán bà định lên tiếng trách vì sao về Huế đã lâu mà không lên thăm gia đình bà ngay. Nhưng mẹ Ngô không nói gì, lặng lẽ đi xuống phía nhà bếp. Lúc đó Ngọc và Diễm khiêng bao nếp vào nhà, mỗi người nắm lấy một chéo bao bố loại nhỏ. Ngữ không giữ được bình tĩnh, cố ngồi ngay người để quan sát phản ứng, nét mặt của Diễm khi nhìn thấy chàng. Có lẽ Ngọc đã cho Diễm biết trước, nên vừa bước qua cửa lớn, Diễm đã reo lên rất tự nhiên:
- A! Anh Ngữ đã về! Hèn chi hôm kia đi phố với Quỳnh Như, em thấy thoáng có người thật giống anh trong hiệu sách Ưng Hạ. Có phải đúng anh không?
Ngữ nghĩ thầm: “Nhờ ơn Trời, Diễm vẫn vậy! Mình ngờ vực Diễm thay đổi, thật tệ quá!” Giọng Ngữ nghẹn lại vì xúc động:
- Hôm kia à? Phải, chiều hôm kia anh có đi xem qua mấy tờ báo xuân.
Ngọc nhắc em:
- Ơ kìa! Đem bao nếp vào cho mạ rồi hãy ra tiếp khách.
Diễm nhớ ra, cười làm nũng với anh:
- Anh Ngọc bê vào cho mạ đi. Cho em hỏi tội anh Ngữ một chút.
Ngọc và Ngữ đều cười vì hai tiếng “hỏi tội” của Diễm. Bà Bỗng từ dưới bếp nói vọng lên:
- Ðã trả tiền cyclo cho người ta chưa?
Diễm chau mày một chút, rồi trở lại vui vẻ, đáp lời mẹ:
- Con trả rồi.
Bà Bỗng lại hỏi:
- Bó lạt gói bánh có nhớ đem vô không?
Lần nầy Diễm cau có thật sự. Giọng nàng hơi xẳng:
- Bó lạt nào?
Bà Bỗng chạy từ dưới bếp lên, hớt hải:
- Bó lạt xin dưới Bến Ngự! Trời đất! Vậy là để quên trên cyclo rồi. Lấy gì gói bánh bây giờ!
Ngọc bê bao nếp vào nhà xong, trở lên phòng khách. Không khí căn phòng trở nên căng thẳng. Không ai nói gì để biện hộ hoặc làm cho bà Bỗng bớt giận. Bà đay nghiến con gái:
- Tại sao cái gì cũng quên hết vậy? Bó lạt chứ đâu phải cây kim mà không trông thấy?
Ngọc e ngại liếc nhìn Ngữ, rồi nói với mẹ:
- Thôi mạ! Để con đi mua bó khác!
Bà Bỗng gắt:
- Mua đâu cho có! Lạt gói bánh chỉ xin chứ ai vô công rỗi nghề đâu ngồi chẻ từng sợi mỏng đem bán!
- Hay để con lấy xe đi tìm bác cyclo. Xe chạy về phía nào, Diễm? Khuôn mặt Diễm đỏ bừng, như sắp khóc vì xấu hổ. Nàng run run bảo anh:
- Em cũng chẳng biết đi về phía nào.
Ngọc bắt đầu bực, nói với mẹ:
- Thôi khỏi cần tìm. Trưa nay con sẽ xoay đủ lạt cho mạ gói bánh. Rồi Ngọc hạ giọng, cố cho tự nhiên ôn hòa:
- Mạ để đồ đạt đấy, tụi con xếp dọn sau. Mạ lên đây nói chuyện với anh Ngữ.
Sợ bà Bỗng từ chối, Ngọc thêm:
- Tụi con đang xem tranh anh Ngô. Mạ này, anh Ngữ muốn xin một bức tranh của anh Ngô đem lên Pleiku treo.
Bà Bỗng đáp gọn, giọng vẫn còn bực tức:
- Muốn lấy tấm nào cũng được.
Bà đi xuống bếp. Có tiếng gà kêu lên đau đớn, hình như vừa bị dẫm phải. Rồi tiếng soong chão loãng xoảng! Tiếng càu nhàu! Ngọc lẳng lặng đi vào căn trong. Chỉ còn Ngữ và Diễm ngồi trân ở phòng khách. Không ai nói với ai lời nào, nên tiếng khua động dưới bếp dội lên rõ mồn một. Diễm ôm lấy mặt, cố giấu sự xấu hổ. Gió lay tấm màn trúc kêu lách cách. Ngữ cố moi óc tìm một câu nói thích hợp nào đó, nhưng không thể tìm ra. Chàng cúi nhìn xuống chân. Gói quà Tết mua vội ở chợ Đông ba nép mình dưới gầm bàn, như cũng xấu hổ lây. Một lúc sau, chàng nghe Diễm hỏi nhỏ, giọng nghẹn lại, gần như thì thào:
- Bao giờ anh lên lại trên đó?
Ngữ ngước lên, thấy đôi mắt Diễm đỏ hoe. Chàng cảm động, đáp nhỏ:
- Tùy xin được máy bay quân sự sớm hay muộn. Chậm nhất cũng phải lên trước mồng năm.
Rồi Ngữ hỏi:
- Lâu nay Diễm vẫn thường?
- Dạ. Vẫn vậy.
Hai tiếng “vẫn vậy” khơi dậy bao nhiêu thắc mắc từng dày vò Ngữ suốt mấy tháng nay. Chàng định hỏi vì sao đột nhiên Diễm ngưng viết thư cho chàng, nhưng sợ bà Bỗng nghe thấy, nên thôi không dám hỏi. Ngữ tìm một câu hỏi khác, loay hoay mãi mới hỏi một câu vu vơ:
- Học trường Hộ sinh chắc nhọc hơn học tú tài nhiều?
- Dạ, hơi nhọc, vì còn phải đi thực tập!
- Năm đầu đã đi thực tập rồi à?
- Chỉ đi xem các chị lớn hộ sinh cho quen thôi!
Ngữ nhìn dáng ngồi thu mình ủ rũ của Diễm, nhìn nét mặt buồn rầu tần ngần của nàng, cảm thấy lòng thương xót dâng lên. Ngữ cảm động an ủi Diễm:
- Nghề này kể cũng cực, nhưng có ý nghĩa.
Diễm đang cúi xuống mân mê chéo khăn bàn, ngửng lên hỏi:
- Anh nói sao ạ?
- Anh nói Diễm chọn một nghề có ý nghĩa!
- Em không hiểu!
- Đưa tay nâng cho trẻ sơ sinh góp mặt với đời, hết đứa này đến đứa khác, còn nghề nghiệp nào ý nghĩa hơn, Diễm thấy không?
Diễm thở dài, chớp chớp mắt nhìn Ngữ, rồi nói:
- Cho chúng ra gặp đời chỉ để khổ sở, chứ ích gì! Em…
Diễm ấp úng một lúc, rồi ngưng không nói hết câu. Đột nhiên lòng Ngữ rộn lên! Lời tâm sự chán nản ấy, giọng ấp úng ấy, vẻ mặt bần thần xót xa ấy là gì, nếu không phải là dấu hiệu của lòng yêu thương trong nghịch cảnh. Và chướng ngại khiến Diễm không thể tỏ hết nỗi mừng rỡ tái ngộ là gì, thì Ngữ cũng hiểu rõ. Mọi sự trở nên minh bạch. Chỉ còn một điều là Diễm có dám vượt qua chướng ngại đó không. Ngữ lấy đủ bạo dạn hỏi:
- Sao gần đây Diễm ít thư từ liên lạc với bạn bè vậy?
Diễm cắn môi ngồi im, không đáp. Nàng trở nên khó hiểu. Và chút lạc quan Ngữ vừa tìm thấy tan ra mây khói. Ngữ lỡ đà, phải hỏi tiếp:
- Anh về, thấy con Quế bận lo làm ăn quá. Chắc nó ít lên đây chơi với Diễm?
- Dạ!
- Lần cuối, được Diễm báo tin đã đậu vào trường Hộ sinh, anh rất mừng. Nhưng sau đó cứ lo không biết chọn nghề đó, Diễm có thấy thích hợp không.
- Cũng được thôi!
Những câu trả lời nhát gừng e dè khiến Ngữ hoang mang thêm. Chàng không còn biết phải nói gì nữa, loay hoay đổi thế ngồi nhưng vẫn thấy lúng túng ngượng ngập. Lúc đó, bà Bỗng gọi:
- Diễm, xuống đây mạ nhờ cái này!
Diễm liếc nhìn Ngữ, bắt gặp ánh nhìn ngơ ngác của chàng, nói như xin lỗi:
- Em xuống đây một chút. Anh uống trà nhé?
Ngữ xua tay giọng pha lẫn chút giận hờn:
- Thôi, anh sắp xin phép về có chút việc.
Diễm ngập ngừng chưa muốn bỏ đi, nhưng cuối cùng cũng đứng dậy đi vòng qua cái bàn thấp xuống bếp. Hai mẹ con xì xào gì đó Ngữ nghe không rõ. Chàng nhột nhạt, nghĩ có thể bà mẹ răn đe con gái, hoặc nói điều gì bất lợi cho Ngữ. Một lúc sau, bà Bỗng lên phòng khách một mình. Nét mặt bà mất hẳn vẻ cau có khó chịu lúc nãy. Bà ngồi xuống bên Ngữ, ân cần hỏi:
- Cháu về nghỉ Tết được bao lâu?
Ngữ lặp lại câu đã trả lời Ngọc và Diễm.
- Hai bác bên nhà vẫn khỏe hả cháu?
- Dạ, ba má con vẫn thường!
- Nghe nói bác gái với cháu Quế mở quán khá lắm phải không?
Ngữ khó chịu, đáp:
- Cháu không rõ. Con định xin bác bức tranh này của Ngô làm kỷ niệm.
- Ðược. Cháu thích tấm nào cứ lấy. Bỏ lăn lóc ở đây cũng vậy thôi. Cháu thế mà còn may, không đến nỗi như thằng Ngô.
Ngữ chờ đợi những lời trách móc, nhưng bà Bỗng không nói gì thêm. Chàng hỏi:
- Cháu nghe nói Ngô sắp được về, có đúng không ạ?
- Chắc cũng sắp thôi! Có người quen giúp đỡ mới được như vậy! Trời Phật còn thương gia đình bác! Gặp tai biến, ai cũng lánh xa, dù là người quen thân. Rồi tự nhiên có người chẳng hề thân thiết gì ra sức giúp đỡ. Diễm nó đậu vào trường nữ hộ sinh cũng nhờ họ gửi gắm cho một tiếng. Nếu thằng Ngô về được thì cũng nhờ họ can thiệp giúp, chứ bác thấp cổ bé miệng, biết nhờ cậy ai đâu!
Ngữ gật đầu vâng dạ chấm câu cho lời kể lể dông dài của bà Bỗng, trong lòng bực bội khó chịu. Chàng xin phép ra về, sau khi lúng túng bê gói quà Tết đặt lên bàn và giải thích gượng gạo vì sao mang quà đến chậm.
Bà Bỗng tiễn Ngữ ra cửa, rồi quay ngay vào nhà. Ngữ thất thểu dắt xe đi chậm theo bờ sông, mắt nhìn phía trước chỉ thấy lãng đãng những vệt mầu di động qua lại. Lúc dắt xe đến đầu cầu, lấy lại đủ bình tĩnh lên yên đạp xe rẽ về hướng đường Lê Lợi, Ngữ nghe có ai gọi nhỏ:
- Anh Ngữ.
Chàng ngạc nhiên quay lại. Diễm đã đi lối tắt đón Ngữ. Diễm chờ cho Ngữ lại gần, mới nói nhỏ, giọng rạn như sắp khóc.
- Em xin lỗi anh!
Bấy giờ Ngữ mới chú ý thấy Diễm cầm bức tranh của Ngô ở tay trái. Diễm nói ấp úng:
- Nhờ anh quên bức tranh em mới… Em xin lỗi anh. Mạ em…
Ngữ quên cả dè dặt, chụp lấy bàn tay Diễm khẩn khoản hỏi:
- Sao em ngưng viết thư cho anh?
Tấm tranh của Ngô rơi xuống lề đường. Nền xanh ngọc bích phía sau khuôn mặt trầm tư của thiếu nữ trong tranh, nhận được ánh sáng của trời đất bao la, ánh sáng của lá non mùa xuân, trở nên trong vắt huyền diệu như tự nó che giấu một nguồn ánh sáng riêng. Bàn tay Diễm run rẩy trong bàn tay Ngữ. Diễm đáp, giọng đứt quãng:
- Em không biết nữa. Em xin lỗi anh!
Diễm rút tay ra khỏi tay Ngữ, rồi vội vã quay về phía ga, theo đường tắt về nhà. Ngữ cúi xuống nhặt bức tranh lên. Người mẫu trong tranh không ai khác hơn là Diễm.
Mùa Biển Động Mùa Biển Động - Nguyễn Mộng Giác Mùa Biển Động