Butterflies don't know the color of their wings, but human eyes know how beautiful it is. Likewise, you don't know how good you are, but others can see that you are special.

 
 
 
 
 
Tác giả: Hoa Thiên Lý
Thể loại: Tuổi Học Trò
Số chương: 51
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1417 / 12
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 11/51
Ðẩy xe đạp ra tới cổng, Sơn thấy Tuệ, Hòa, Ðức đang dừng xe bàn với nhau điều gì. Thấy Sơn, Ðức nói:
- Hôm nay thứ bảy, cậu đi nghe nhạc không?
- Ði với tụi này, Sơn. Ðoàn nghệ thuật tạp kỹ của Cộng Hòa Dân Chủ Ðức nghe nói khá lắm - Tuệ khích lệ thêm.
- Hẹn với các bạn dịp khác, hôm nay mình kẹt rồi.
- Hẹn với “nàng” hả?
- Không, mình phải về sớm.
Thấy các bạn có vẻ ngờ vực, Sơn chỉ vào bụng. Ðức hỏi:
- Lại đau hả?
Sơn gật đầu. Hòa nhìn Sơn, vẻ ái ngại:
- Cậu nên sắm một chiếc xe gắn máy mà đi. Từ đây về Phú Xuân hơn mười mấy cây số, sáng đi chiều về bằng xe đạp, ngày nào cũng thế đau dạ dày là phải.
Ðức lo lắng nói:
- Có nặng lắm không?
- Không, âm ỉ thôi. Thôi, mình đi đây. Mình phải ghé cửa hàng mua thuốc. Sợ nhà thuốc đóng cửa.
- Trường có thuốc cơ mà.
- Hết rồi.
Sơn giơ tay lên chào các bạn đồng nghiệp, rồi đạp đi. Thật ra, lúc nãy sau khi dạy xong, đến phòng giáo viên rửa tay, cơn đau bỗng nổi lên râm ran. Nhưng bây giờ thì đã bớt đau nhiều.
Nhà sách kế bên hiệu thuốc, sau khi mua hai viên Malox, Sơn bước sang nhà sách. Ở đây, anh thấy quyển “Tiểu thuyết đi về đâu”. Anh định mua, nhưng khi nhớ lại nếu mua sách thì sẽ không còn đủ tiền mua cho ngoại hộp sữa nên thôi.
Sau khi ghé cửa hàng bách hóa mua sữa, Sơn đạp vội vã về Phú Xuân. Qua khỏi cầu Tân Thuận, anh thấy đau lại. Có lẽ do đói và do gắng sức đạp lên dốc cầu. Tuy nhiên, anh cũng đạp đều đều. Theo thói quen, vừa đạp Sơn vừa suy nghĩ: “Phải công nhận rằng thầy Vinh là một hiệu trưởng có tài, phòng hướng nghiệp của nhà trường với chức năng phát hiện khuynh hướng nghề nghiệp và khả năng của học sinh để hướng dẫn học sinh chọn nghề, hoặc chọn nghành học là một thử nghiệm rất hay. Bởi vì đâu phải ai cũng có ý thích phù hợp với khả năng, và đâu phải ai cũng biết được năng khiếu của mình. Nếu bắt buộc học sinh phải theo học một ngành nào đó trái với ý thích và năng khiếu của mình, thì làm sao học sinh có thể học giỏi được. Sơn đồng ý với thầy Vinh nên phân ban A, B, C như hồi xưa. Anh tin rằng xã hội chỉ có thể có được nhiều chuyên gia giỏi nếu ta mở rộng mọi cánh cửa, mọi ngành cho tất cả mọi tầng lớp nhân dân không phân biệt lý lịch, tuổi tác. Và công tác định hướng sẽ giúp cho học sinh bớt nhầm lẫn trong việc chọn lựa, tiết kiệm được thời gian, sức khỏe, tiền bạc cho cá nhân và xã hội. Sơn rất thích thú và tán đồng quan điểm của thầy hiệu trưởng “Nếu bạn phát hiện một học sinh nào có giọng hát hay, hát giỏi thì bạn cần làm hai việc: Hỏi xem học sinh đó có thích trở thành ca sĩ không, việc thứ hai xem lại học bạ của em từ lớp sáu đến nay, nếu em chỉ là một học sinh trung bình, bạn có thể chuyển em sang trường âm nhạc, yêu cầu họ nhận em”.
Ðạp xe tránh ổ gà trên đường, Sơn suy nghĩ tiếp “Phòng truyền thống ở trường được tổ chức tốt hơn tất cả các phòng truyền thống mà xưa nay Sơn đã biết. Tượng của Bùi Thị Xuân (mà trường mang tên) - Vị nữ tướng thời vua Quang Trung - được một điêu khắc gia có tài tạo nên, được đặt ở sân trường, nhắc học sinh luôn nhớ họ là con cháu vị nữ anh thư. Trong phòng truyền thống, những tư liệu, hình ảnh mà giáo viên và học sinh đã sưu tầm được, cùng với tóm tắt tiểu sử, sự nghiệp của vị nữ tướng được gắn ở nơi trang trọng. Hàng năm đến ngày sinh của bà, những đại biểu xuất sắc nhất của các lớp đều được tham dự lễ truyền thống. Trong phòng, còn có ảnh và thành tích của tất cả các học sinh xuất sắc nhất mỗi năm, ảnh và thành tích của những cựu học sinh đã và đang giữ những vị trí cao trong xã hội, có những cống hiến tốt cho đất nước. Những hiện vật, bằng khen, huy chương... được trưng bày đẹp mắt trang trọng. Cũng chính tại phòng truyền thống này, Sơn vừa ngạc nhiên vừa thích thú khi trông thấy hình của Quỳnh – cô học trò lớp anh. Sơn thầm cảm ơn các vị giáo viên chủ nhiệm lớp trước đã trao lại cho anh một học trò dễ thương và xuất sắc như Quỳnh. Cứ ba tháng một lần, trường mời các cựu học sinh đã thành đạt trong xã hội hoặc các học sinh xuất sắc đến nói chuyện. Với một phòng truyền thống như vậy, sẽ còn có nhiều học trò giỏi.
Sơn vẫn đạp đều đều và vẫn miên man suy nghĩ... Qua hơn một tháng giảng dạy, bây giờ anh đã nắm chắc được trình độ từng học sinh của mình. Những học sinh giỏi trong lớp anh là: Quỳnh, Tuyết, Lan, Hồng (bốn cô bé này chơi chung với nhau và gần như tách ra khỏi lớp - phải chú ý đến điều này), Vũ, Cẩm, (Lớp trưởng và lớp phó), Thanh (thường đi học trể)... khá thì có Minh, Hà (em này bị sốt tê liệt làm teo hai chân phải chống nạng và được bạn Minh chở đi học). Kém thì có Kỳ (hay phá phách), Dũng (giỏi hay kém? - phải xem lại), Tài (hay ngủ gục trong lớp - tại sao?)... Sơn đã vạch cho mình một chương trình tìm hiểu nguyên nhân và giúp đở. Có thể vận động hai học bỗng: một cho Thanh và một cho Hà. Nhưng điều trước hết là phải đến nhà Tài càng sớm càng tốt, vì qua các học sinh và giáo viên khác, Sơn được biết Tài ngủ gục, ngáp, lờ đờ mệt mỏi trong lớp là thường xuyên... Có thể vì nhà nghèo, đông anh em nên phải vừa làm thêm vừa học chăng? Thanh và Hà xứng đáng được học bổng rồi, nhưng vận động ở đâu?... À, có thể ở Hội phụ huynh học sinh và Hội bảo trợ nhà trường vì Sơn đã nghe nói là hai nơi này có cấp học bổng cho học sinh.
Ðáng chú ý trong lớp anh là Dũng - cậu này là con của ông Phó chủ tịch Hội phụ huynh học sinh. Xem học bạ lớp Mười thì thấy Văn rất khá, thường được sáu, bảy. Nhưng tại sao năm nay Văn lại kém đến như vậy, chỉ được ba, bốn điểm (về sau Sơn xem điểm Văn ở học bạ các lớp 6, 7, 8, 9 rất kém. Có thể vì giáo viên Văn lớp Mười nể nang nên cho điểm cao chăng? Bởi vì cha cậu được bầu vào chức vụ Phó chủ tịch từ năm rồi).
Ôi! Lại đau nhiều rồi... Phải cố sức đạp xe về tới nhà Kim... Phải ghé lại nghỉ ở nhà Kim... Và nhớ dặn con nhỏ là đừng cho ngoại biết.
Khi Sơn đến được nhà Kim thì mồ hôi anh đã tuôn ra ướt cả áo. Vì mệt do đường xa thì ít nhưng vì đau thì nhiều. Thấy Sơn nhăn nhó, Kim hỏi:
- Anh đau bụng trở lại phải không?
Sơn không trả lời được, ôm bụng gật đầu:
- Anh uống thuốc chưa?
- Rồi.
- Uống gì?
- Malox số 2.
- Sao anh không uống thuốc nghệ?
- Anh mua ở nhà thuốc ngoại nhập, quốc doanh đóng cửa.
- Anh nằm nghỉ ở trên chiếc ghế bố này. Ðể em lấy dầu cho anh xức.
Sau khi đánh dầu nóng và nằm nghỉ một lát, Sơn thấy dễ chịu hơn. Trong lúc đó thì Kim đi mua cho anh một tô cháo. Cô dọn cơm và mang tô cháo đến cho anh:
- Anh ăn cháo đi. Em cũng mới về. Em ăn cơm, đói bụng quá.
Thấy Sơn còn ngần ngại không muốn ăn, Kim hối thúc:
- Anh ăn đi. Nhiều khi ăn vào sẽ hết đau đấy.
- Ai bảo em thế?
- Thì anh chứ ai. Kỳ trước anh đã nói với em là đói quá thì đau hoặc no quá cũng đau. Anh quên rồi sao?
Vừa ăn Sơn vừa hỏi:
- Mợ và cậu đâu rồi?
- Hai ông bà đi đâu bên hàng xóm – Kim đáp, có vẻ không thích họ lắm.
- Em đừng cho ngoại hay anh đau nhé.
- Nội biết rồi.
- Em cho ngoại biết phải không?
- Anh Sơn, anh không giấu nội được đâu. Nội bảo anh mướn nhà ở Sài Gòn để đi dạy.
Sơn làm thinh, Kim nói tiếp:
- Em thấy vậy cũng phải. Anh Sơn à, anh tìm nhà ở thành phố đi, em sẽ về ở với nội.
Sơn tiếp tục im lặng. Kim đến bên Sơn, giọng cô như van nài:
- Anh Sơn, em sẽ nói với má cho em về ở với nội. Anh cần phải ở trên đó. Ði dạy cho gần anh ạ... và anh cần phải lấy vợ để chị ấy săn sóc cho anh, nếu không thì anh sẽ không còn “sức chiến đấu” nữa đâu! (cô nói theo ngôn ngữ của Sơn).
Sơn không đáp, anh nhìn đồng hồ. Ăn xong tô cháo được một lát, Sơn thấy dễ chịu. Anh đứng lên.
- Anh về đây, trễ ngoại sẽ mong.
- Anh chờ em với.
Kim dọn dẹp nhanh rồi dắt xe đi theo Sơn.
Mưa Bay Vào Cửa Lớp Mưa Bay Vào Cửa Lớp - Hoa Thiên Lý Mưa Bay Vào Cửa Lớp