Sự khác biệt giữa người thành công và những người khác không nằm ở chỗ thiếu sức mạnh, thiếu kiến thức, mà là ở chỗ thiếu ý chí.

Vince Lambardi

 
 
 
 
 
Tác giả: José Saramago
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Ddoan Le
Upload bìa: Ddoan Le
Số chương: 12
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 35
Cập nhật: 2021-08-28 15:45:04 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2
hi tỏ ý giúp người đàn ông mù, gã ăn cắp xe đúng lúc ấy chưa có ý định xấu, ngược lại, điều gã làm không gì khác hơn là vì lòng quảng đại và vị tha, mà mọi người đều biết đó là hai đặc điểm tốt nhất của bản chất con người và cũng được tìm thấy trong bọn tội phạm nhẫn tâm hơn gã này nhiều, gã là một tên ăn cắp xe xoàng xĩnh chẳng có hy vọng gì tiến xa trong nghề của gã, vì sự nghiệp này do bọn chuyên nghiệp khai thác, chúng mới là bọn lợi dụng nhu cầu của kẻ đáng thương. Xét cho cùng, giúp một người mù để rồi sau đó ăn cắp của ông ta cũng chả khác gì lắm với việc săn sóc một cụ già lắp bắp sắp chết với ý để hưởng gia tài. Chỉ đến khi gã gần tới nhà của người đàn ông mù thì ý nghĩ ăn cắp mới đến với gã một cách khá tự nhiên, nói một cách chính xác, ta có thể nói giống như gã quyết định mua vé số khi chợt nhìn thấy người bán vé số dạo, gã chả có linh cảm gì, gã mua vé số để xem thế nào, phục tùng trước số phận thất thường, được hay thua, người khác có thể nói gã hành động theo phản xạ có điều kiện của cá tính. Những kẻ hoài nghi, bọn này rất đông và bướng, cho rằng khi nói tới bản tính con người, nếu thời cơ không nhất thiết làm nên kẻ cắp thì cũng đóng góp phần lớn vào đó. Còn đối với chúng ta, chúng ta muốn nghĩ rằng nếu người đàn ông mù nhận lời đề nghị giúp đỡ thứ hai của gã làm phúc giả hiệu này thì vào phút chót sự quảng đại có thể vẫn chiến thắng, chúng ta đang nói tới lời đề nghị ngồi lại với người đàn ông mù cho tới khi vợ ông về, biết đâu trách nhiệm tinh thần, phát sinh nhờ lòng tin cậy đặt để cho nó, đã có thể ngăn chặn cám dỗ tội lỗi, và dẫn đến chiến thắng của tình cảm sáng ngời cao thượng vốn dĩ có thể tìm thấy ngay cả trong các linh hồn sa đọa nhất. Để chấm dứt chú giải thô thiển này, như lời xưa tích cũ đã không mệt mỏi dạy chúng ta: khôn quá hóa dại.
Lương tâm, mà bao kẻ ích kỷ đã xúc phạm và nhiều kẻ khác đã vứt bỏ, là điều có thật và luôn có thật, nó không phải là sáng chế của các triết gia thời kỳ địa chất thứ tư, khi linh hồn chẳng hơn gì một gợi ý mê mụ. Thời gian trôi qua cùng với sự tiến hóa xã hội và biến đổi về di truyền, chúng ta rốt cuộc nhìn lương tâm mình qua màu máu và giọt lệ đậm đà, và như chưa đủ, chúng ta biến cặp mắt mình thành tấm gương nội tâm, vì thế nó thường không ngần ngại trình bày những gì chúng ta đang cố lên tiếng chối bỏ. Thêm vào nhận xét chung đó, trong vụ việc đơn giản cụ thể này, lòng ăn năn vì đã phạm một hành vi xấu xa nào đó bị trộn lẫn với đủ loại lo sợ truyền kiếp, và kết quả là kẻ nói dối quanh co rốt cuộc sẽ bị phạt gấp đôi tội hắn phải chịu mà không được khoan dung hay thương xót. Do đó, trong trường hợp này không thể làm rõ tỉ lệ của sự lo sợ và tỉ lệ của lương tâm cắn rứt bắt đầu quấy rầy kẻ trộm đúng lúc gã nổ máy xe lái đi. Tất nhiên gã chẳng bao giờ cảm thấy yên tâm ngồi ở chỗ của người đã cầm bánh lái này khi ông ta bỗng hóa mù, người đã nhìn qua kính chắn gió này rồi bỗng không còn nhìn thấy nữa, chả cần phải tưởng tượng gì nhiều để ý nghĩ đó đánh thức con quái vật đáng sợ hôi hám và quỷ quyệt đang ngóc đầu dậy. Nhưng như đã nói, lòng ăn năn cũng chính là biểu lộ buồn phiền của lương tâm, hay nếu chúng ta muốn mô tả bằng một từ tượng hình, lòng ăn năn là một lương tâm có hàm răng cắn rứt, sắp sửa đặt trước mắt gã hình ảnh khốn khổ của người đàn ông mù khi ông ta đóng cửa, Không cần, không cần, ông bạn đáng thương đã nói, rồi sau đó ông ta chẳng đi được bước nào nữa nếu không có ai giúp.
Gã trộm hết sức chăm chú tập trung vào dòng xe để ngăn các ý nghĩ kinh khủng đó chiếm ngự hoàn toàn đầu óc của mình, gã biết rất rõ gã không được cho phép mình phạm một lỗi nhỏ nào, một lơ đãng tí tẹo nào. Cảnh sát luôn luôn ở khắp nơi và chỉ cần một anh chặn gã lại, Ông làm ơn cho xem căn cước và bằng lái, là quay về nhà tù, cuộc đời cực nhọc làm sao. Gã cực kỳ thận trọng tuân theo đèn lưu thông, dù bất kỳ tình huống nào cũng không vượt đèn đỏ, tôn trọng đèn vàng, kiên nhẫn đợi đèn xanh rồi mới đi tiếp. Đến một lúc gã thấy mình bắt đầu nhìn đèn một cách ám ảnh. Khi ấy gã bắt đầu điều chỉnh vận tốc chiếc xe để bảo đảm rằng gã sẽ luôn luôn gặp đèn xanh phía trước, mặc dù để bảo đảm điều này gã phải tăng tốc độ, hoặc ngược lại giảm tốc độ tới mức gây bực bội cho các tài xế phía sau. Cuối cùng, gã mất hướng, căng thắng quá mức chịu đựng, gã lái xe vào một đường nhỏ mà gã biết không có đèn lưu thông, rồi đậu lại gần như không nhìn, gã là tài xế giỏi. Gã cảm thấy thần kinh của mình như sắp nổ bùng, những từ này thoáng qua trong trí gã. Thần kinh mình sắp nổ bùng. Trong xe ngột ngạt. Gã hạ cửa kính hai bên xuống, nhưng không khí bên ngoài nếu có chuyển động cũng không làm mát bầu không khí bên trong. Mình phải làm gì, gã tự hỏi. Nhà kho gã phải mang xe tới còn xa, trong ngôi làng bên ngoài thành phố, và với tâm trạng của gã lúc này, gã chẳng bao giờ lái được tới đó.
Hoặc cảnh sát sẽ tóm mình, hoặc tệ hơn nữa là mình sẽ gây tai nạn, gã lẩm bẩm. Khi ấy gã chợt nghĩ tốt nhất nên ra khỏi xe một lúc và cố làm thanh thản đầu óc, Có lẽ khí trời tươi mát sẽ thổi tạt ý nghĩ hắc ám đi, anh chàng khốn khổ hóa mù đâu phải là lý do khiến mình cũng hóa mù, có phải cảm lạnh đâu mà lây, mình sẽ đi một vòng khu nhà rồi nó sẽ qua. Gã ra khỏi xe và không thèm khóa, gã sẽ quay lại ngay, rồi bước đi. Gã đi chưa tới ba mươi bước thì gã hóa mù.
Trong phòng khám, bệnh nhân cuối cùng được tiếp là ông già tốt bụng, người đã nói một cách ân cần về người đàn ông đáng thương bỗng dưng bị mù. Ông đến đó chỉ để định ngày giải phẫu bệnh đục nhãn cầu của con ngươi còn lại, miếng băng đen che lỗ trống, và chằng liên hệ gì tới vấn đề hiện có, Đây là bệnh của tuổi già, dạo trước bác sĩ đã nói, khi đến hạn chúng ta sẽ lột nó đi, rồi ông sẽ không nhận ra được chỗ ông đang sống đâu. Khi ông già đeo miếng vải đen che mắt ra về và y tá nói không còn bệnh nhân nào trong phòng đợi, bác sĩ lấy hồ sơ của người đàn ông bỗng dưng mù ra, ông đọc một lần, hai lần, ngẫm nghĩ vài phút rồi cuối cùng điện thoại cho một đồng nghiệp để nói câu chuyện sau đây: Tôi phải kể cho anh nghe, hôm nay tôi có một trường hợp lạ lắm, một ông bỗng mất thị lực hoàn toàn, khám không thấy thương tích hay dấu hiệu dị tật bẩm sinh nào, ông ta nói ông ta thấy mọi thứ màu trắng, một thứ sắc trắng dày đặc và đục như sữa bám lấy mắt ông ta, tôi cố giải thích thật đúng cách diễn tả của ông ta, ừ, tất nhiên là chủ quan, không, ông ta tương đối trẻ, ba mươi tám tuổi, anh có bao giờ nghe thấy một ca như vậy chưa, hay là đọc ở đâu, hay là nghe kể về nó, tôi cũng nghĩ vậy, lúc này tôi chưa thể nghĩ ra giải pháp nào, để có thêm thì giờ tôi đã đề nghị làm một số xét nghiệm, ừ, hôm nào chúng ta cùng khám ông ấy, sau khi ăn tôi tôi sẽ xem lại một số sách, đọc lại thư mục, có lẽ tôi sẽ tìm ra manh mối, ừ, tôi hiểu rõ vấn đề mất nhận thức, có thể là mù tâm lý, nhưng thế thì phải là ca đầu tiên có đặc điểm này, vì rõ ràng ông ta bị mù thật, và chúng ta biết mất nhận thức là không có khả năng nhận biết các đối tượng quen thuộc, vì tôi cũng chợt nghĩ đây có thể là một ca thong manh, nhưng anh nhớ điều tôi vừa nói chứ, chứng mù này trắng, rõ ràng ngược với chứng thong manh là đen hoàn toàn trừ phi có một dạng thong manh trắng nào đó, một thứ tối trắng, ừ, tôi biết, một dạng chưa hề nghe tới, đồng ý, ngày mai tôi sẽ điện thoại cho ông ta, giải thích là chúng ta muốn cùng khám ông ấy. Sau khi nói chuyện xong, bác sĩ ngả người trên ghế, ngồi im vài phút, rồi đứng lên, cởi áo choàng trắng với cử chỉ chậm rãi, mệt mỏi. Ông đi tới phòng vệ sinh để rửa tay, nhưng lần này ông không hỏi tấm gương, một cách siêu hình, Có thể là gì, ông đã lấy lại cách nhìn khoa học của mình, chứng mất nhận thức và thong manh được nhận dạng và định nghĩa rất chính xác trong sách vở và trong thực tế, không loại trừ các biến dị, đột biến, nếu từ này thích hợp, và dường như đã đến lúc xảy ra. Có hàng ngàn lý do để bộ não đóng lại, thế thôi, chả có gì khác, như người khách đến trễ thấy cánh cửa của mình đã đóng. Ông bác sĩ nhãn khoa là một người yêu văn chương và nhạy bén tìm ra câu trích dẫn thích hợp.
Tối hôm đó, sau bữa ăn ông nói với vợ, Hôm nay có một ca lạ ở phòng mạch, có thể là biến thể của bệnh mù tâm lý hay chứng thong manh, nhưng hình như cho tới nay chưa thấy bằng cớ là đã xảy ra triệu chứng nào như vậy, Bệnh tật này là gì vậy, chứng thong manh và bệnh kia, vợ ông hỏi. Bác sĩ giải thích theo khả năng hiểu của người thường và thỏa mãn được lòng tò mò của vợ, rồi ông đi tới tủ sách nơi ông cất sách y khoa, một số cuốn từ hồi ông học đại học, một số khác mới hơn và một số vừa xuất bản mà ông chưa có thì giờ nghiên cứu. Ông xem bảng chú dẫn và bắt đầu đọc một cách có hệ thống mọi thứ ông có thể tìm thấy về chứng mất nhận thức và bệnh thong manh, với cảm giác bứt rứt của kẻ xâm nhập vào một lĩnh vực ngoài thẩm quyền của mình, vùng bí ẩn của khoa giải phẫu thần kinh mà ông chỉ có khái niệm rất mơ hồ. Khuya hôm đó, ông đặt các cuốn sách ông đã nghiên cứu qua một bên, dụi cặp mắt mỏi mệt rồi dựa lưng vào ghế. Đúng lúc đó câu giải đáp hiện ra rõ rệt. Nếu là một ca mất nhận thức, bệnh nhân bây giờ sẽ thấy lại như cũ, nghĩa là thị lực của ông ta sẽ không suy giảm, bộ óc ông ta chỉ không thể nhận ra cái ghế ở chỗ có cái ghế, nói cách khác, ông ta sẽ tiếp tục phán ứng đúng với kích thích dạ quang của thần kinh thị giác, nhưng, để dùng từ đơn giản trong tầm nắm bắt của người thường, ông ta đã mất khả năng biết điều ông ta biết, và hơn nữa, khả năng diễn tả nó. Còn về chứng thong manh, ở đây chả có gì phải nghi ngờ. Để có thể là chứng thong manh, bệnh nhân phải thấy mọi thứ màu đen, nếu bạn bỏ qua cho cách dùng động từ thấy, vì thong manh là một ca đen hoàn toàn. Người đàn ông mù đã nói dứt khoát rằng ông ta có thể thấy, nếu bạn bỏ qua cho động từ đó một lần nữa, một màu trắng dày đặc, đồng bộ, như thể ông ta mở mắt lao xuống một biển sữa. Chứng thong manh trắng, ngoài việc mâu thuẫn về từ nguyên, cũng không thể xảy ra về mặt thần kinh học, vì bộ não không thể nhận biết hình ảnh, dáng vẻ và màu sắc của thực tế, về một khía cạnh nào đó cũng sẽ không thể bị che phủ trong màu trắng, một màu trắng liên tục, như một bức tranh trắng không sắc điệu, màu sắc, dáng vẻ và hình ảnh, mà thực tế tự nó phô ra cho một người có thị lực bình thường, mặc dù khó có thể nói cho chính xác về thị lực bình thường. Tin chắc là đã gặp ngõ cụt, bác sĩ lắc đầu chán nản nhìn quanh. Vợ ông đã ngủ, ông nhớ mang máng bà lại gần ông một lúc rồi hôn lên đầu ông, Em đi ngủ, chắc bà đã nói với ông như thế, căn hộ lúc này yên tĩnh, sách vở đầy bàn, Gì thế này, ông tự nhủ, và bỗng nhiên ông cảm thấy sợ, như thể ông đã biết chính mình sắp sửa mù bất cứ lúc nào. Ông nín thở đợi. Không có gì xảy ra. Nó xảy ra một phút sau khi ông gom sách để cất lại vào kệ sách. Thoạt tiên ông nhận biết ông không còn có thể thấy hai tay mình, rồi ông biết ông mù.
Căn bệnh của cô gái đeo kính đen không nghiêm trọng, cô bị viêm màng kết nhẹ, vài giọt thuốc theo toa bác sĩ sẽ khỏi ngay, ông đã bảo cô, Cô biết đấy, vài ngày tới cô nên đeo kính trừ khi đi ngủ. Ông đã nói đùa như thế nhiều năm, thậm chí chúng ta có thể giả định là câu nói đùa đã được truyền từ thế hệ bác sĩ mắt này sang thế hệ khác, nhưng chưa bao giờ thất bại, bác sĩ vừa nói vừa mỉm cười, bệnh nhân mỉm cười khi nghe, và vào dịp này câu đùa đáng giá, vì cô gái có hàm răng đẹp và biết khoe nó. Vì tư tưởng yếm thế tự nhiên hoặc vì quá nhiều thất vọng trong đời, bất kỳ kẻ hoài nghi bình thường nào biết rõ chỉ tiết về cuộc đời cô gái này sẽ nói bóng gió rằng nụ cười xinh xắn của cô chả khác gì một mánh khóe nghề nghiệp, một xác nhận tinh quái và miễn phí, vì cô có nụ cười giống như đứa bé mới chập chững, một từ không còn được dừng nhiều, khi tương lai cô là một cuốn sách đóng và lòng tò mò muốn mở nó chưa sinh ra đời. Nói vắn tắt, người phụ nữ này có thể được xếp vào loại gái điếm, nhưng mạng lưới liên hệ xã hội phức tạp, dù ngày hay đêm, ngang hay dọc, của thời đại đang kể khiến ta phải cẩn thận đừng có xu hướng phán xét vội vã và khẳng định, vì đó là tính cực đoan do lòng tự tin quá trớn mà chúng ta có lẽ chẳng bao giờ bỏ được. Mặc dù hẳn nhiên mây mù có thể đầy trên Juno, nhưng cũng sai hoàn toàn nếu cứ nhất định lẫn lộn nữ thần Hy Lạp với mấy giọt nước kết tụ bình thường đang lơ lửng trong khí quyển. Tất nhiên, sự kiện người phụ nữ này ngủ với đàn ông để kiếm tiền có thể cho phép chúng ta liệt cô vào loại gái điếm mà chả cần nghĩ ngợi gì thêm, nhưng cũng đúng là cô chỉ đi với một gã khi nào cô cảm thấy thích và với gã nào cô muốn, vì thế chúng ta không thể gạt bỏ khả năng là thực tế khác biệt đó phải được xem như một yếu tố thận trọng để quyết định loại cô ra khỏi hạng gái điếm nói chung. Như mọi người bình thường, cô có một nghề, và cũng như người bình thường, cô lợi dụng thời giờ rảnh rỗi để nuông chiều cơ thể mình và thỏa mãn các nhu cầu, của mình lẫn của người. Nếu chúng ta đừng cố nhìn cô qua một định nghĩa sơ sài nào đó, chúng ta sẽ nói về cô, theo một nghĩa rộng, rằng cô sống như cô thích, và hơn nữa cô đạt được mọi thú vui cô có thể tìm thấy trên đời.
Trời đã tối lúc cô rời phòng mạch. Cô không tháo kính ra, đèn đường làm cô khó chịu, nhất là các ngọn đèn quảng cáo rực rỡ. Cô vào hiệu thuốc để mua thuốc nhỏ mắt theo toa bác sĩ, quyết định làm ngơ lời gã bán hàng bình phẩm rằng đôi mắt như thế lại bị kính đen che mất là bất công, một nhận xét chẳng những tự nó xấc xược mà thử nghĩ xem lại còn từ một gã dược tá, trái với niềm tin của cô rằng đôi kính đen cho cô một vẻ bí ẩn quyến rũ có thể khơi dậy lòng thèm khát của bọn đàn ông tình cờ qua lại, cô có thể đáp lại thèm khát đó nếu hôm nay không có ai đợi cô, một cuộc gặp gỡ mà cô có đủ lý do mong đợi sẽ đưa đến vài điều tốt đẹp, cả về mặt vật chất cũng như các thỏa mãn khác. Người đàn ông mà cô sắp gặp là một khách quen cũ, ông ta chẳng nề hà khi cô báo trước là cô không thể tháo kính, vả lại bác sĩ chưa cho phép, và gã đàn ông thậm chí thấy lý thú, mới mẻ. Ra khỏi hiệu thuốc, cô gái gọi tắc xi, cho tên khách sạn. Vừa dựa lưng lên ghế cô đã thưởng thức, nếu dùng chữ đúng, các cảm giác dồn dập khác nhau của thú vui nhục dục, từ cái chạm môi mong đợi đầu tiên, từ cái vuốt ve thân mật đầu tiên, tới các tột đỉnh khoái lạc nổ bùng sau đó khiến cô mệt nhoài và sung sướng, như thể cô sắp bị đóng đinh lên thập giá, lạy thánh mớ bái, dưới pháo bông lóa mắt và chóng mặt. Vì thế chúng ta có đủ mọi lý do để kết luận rằng cô gái đeo kính đen luôn chỉ trước và chỉ gấp đôi số thù lao cô sẽ đòi sau đó, nếu người tình của cô biết làm tròn nhiệm vụ của hắn, về mặt kỹ thuật và đúng lúc. Mơ màng trong suy nghĩ này, hiển nhiên vì cô đã phải trả tiền khám bệnh, cô tự hỏi có nên bắt đầu từ hôm nay tăng mức thù lao chính đáng cho mình, theo lối nói trại vui vẻ mà cô quen dùng để nói về nó.
Cô bảo tài xế tắc xi ngừng lại cách nơi cô đến một dãy nhà, hòa lẫn với người đi cùng hướng như cho phép mình cuốn theo họ, vô danh và không mang một dấu hiệu bề ngoài tội lỗi hay xấu hổ nào. Cô thản nhiên vào khách sạn, băng qua tiền sảnh tới quầy rượu. Cô đã đến sớm vài phút, vì thế cô phải đợi, giờ gặp của họ đã được hẹn chính xác. Cô gọi nước ngọt uống thong thả, không nhìn ai vì không muốn bị hiểu lầm là một cô điếm tầm thường đang tìm khách. Một lát sau, như khách du lịch lên phòng mình để nghỉ sau một buổi chiều viếng thăm các viện bảo tàng, cô đi tới thang máy. Đức hạnh luôn luôn gặp chông gai trên con đường cực kỳ khó khăn để dẫn tới hoàn thiện, nếu có ai còn chối bỏ sự kiện này, nhưng đinh mệnh thiên vị tội lỗi và trụy lạc đến nỗi cửa thang máy mở ra ngay khi cô tới nơi. Hai người khách bước ra, một cặp vợ chồng già, cô bước vào, ấn nút tầng ba, số phòng ba trăm mười hai đang đợi cô, đây rồi, cô kín đáo gõ cửa, mười phút sau cô trần truồng, mười lăm phút sau cô rên rỉ, mười tám phút sau cô thì thào lời yêu đương mà không còn cần giả vờ, hai mươi phút sau cô bắt đầu mất trí, hai mươi mốt phút sau cô cảm thấy cơ thể mình tan nát trong khoái lạc, hai mươi hai phút sau cô thét lớn, Nào, nào, và khi tỉnh lại cô mệt nhoài và sung sướng nói, Mọi thứ vẫn trắng xóa.
Cảnh sát đưa gã ăn cắp xe về nhà. Anh nhân viên công lực cẩn thận và giàu lòng trắc ẩn không hề biết anh đang dắt tay tên tội phạm nhẫn tâm, không phải để ngừa hắn trốn như trong trường hợp khác, mà chỉ để cho gã đàn ông đáng thương khỏi bị vấp ngã. Bù lại, chúng ta có thể dễ dàng hình dung sự sợ hãi của vợ tên ăn cắp khi mở cửa, bà ta sẽ đối diện với một viên cảnh sát mặc sắc phục đang lôi theo, hay có vẻ lôi theo, một tên tù khốn nạn, xét theo vẻ đau khổ của hắn thì phải có gì ghê gớm hơn là bị bắt giữ. Ý nghĩ đầu tiên của người phụ nữ là chồng bà đã bị bắt vì tội trộm cắp và viên cảnh sát đến lục soát nhà, mặt khác, ý nghĩ này lại hơi làm vững dạ, dù có vẻ ngược đời, vì chồng bà chỉ ăn trộm xe, loại hàng không thể giấu dưới gầm giường vì kích thước của nó. Bà chẳng phải nghi ngờ lâu, viên cảnh sát báo cho bà, Ông này mù, bà săn sóc cho ông ấy, và người đàn bà lẽ ra nên thở phào vì nhân viên công lực rốt cuộc chỉ tháp tùng chồng bà về nhà, nhưng bà thấy tình trạng trầm trọng của tai họa này sẽ làm tiêu đời họ, khi chồng bà khóc nức nở ngã vào vòng tay bà và kể cho bà những điều chúng ta đã biết.
Cô gái đeo kính đen cũng được cảnh sát tháp tùng về nhà cha mẹ, nhưng nét khêu gợi ngầm biếu lộ trong hoàn cảnh mù lòa của cô đã làm giảm bớt phần nào chất kịch tính hiển nhiên của tình thế, một phụ nữ lõa lồ la hét trong khách sạn làm các khách trọ khác hoảng hốt, trong khi gã đàn ông cùng phòng vừa vội vã kéo quần vừa cố tẩu thoát. Mất tinh thần vì xấu hổ, một cảm giác hoàn toàn tương xứng, vì mấy lời dè bỉu của bọn đàn bà vờ đoan trang đạo đức giả và bọn ra bộ tiết hạnh với trò ái tình vụ lợi mà cô cống hiến, sau tiếng thét chói tai khi thấy thị lực của cô bị mất không phải là hệ quả mới hay ngoài dự kiến của khoái lạc, cô gái mù không dám khóc và than thở cho số phận khi cô bị đuổi ra khỏi khách sạn một cách thô bạo và hầu như bằng vũ lực, không để cô có thì giờ mặc áo quần cho ngay ngắn. Bằng giọng mỉa mai nếu không nói là cục cằn, viên cảnh sát sau khi hỏi nơi cô sống, muốn biết cô có tiền trả tắc xi hay không, trong mấy vụ này Nhà nước không chỉ, hắn cảnh cáo cô, theo một thủ tục mà chúng tôi muốn nói sơ qua là không hẳn vô lý, vì hạng gái này thuộc về con số đáng kể những kẻ không trả thuế cho món tiền vô đạo đức kiếm được của họ. Cô gật đầu, nhưng hẳn là vì mù, cô nghĩ viên cảnh sát có thể không thấy cử chỉ của cô và cô thì thào, Có, tôi có tiền, rồi lẩm bẩm thêm, Phải chỉ mình không có, câu nói đối với chúng ta có thể là quái đản, nhưng nếu ta xét các nếp cuộn trên bộ não con người, nơi không có đường trực tiếp và ngắn, thì câu nói này lại tuyệt đối rõ, cô muốn nói là cô đã bị trừng phạt vì hạnh kiểm nhơ nhuốc, vì hành vi đồi bại của mình, và đây là hậu quả. Cô đã bảo mẹ cô rằng cô không ăn tối ở nhà, rồi rốt cuộc cô về sớm, ngay cả trước khi cha cô về.
Ông bác sĩ mắt ở vào cảnh ngộ khác, không chỉ khác vì ông tình cờ ở nhà khi bỗng dưng bị mù, mà vì là bác sĩ, ông không bó tay đầu hàng tuyệt vọng, như những kẻ chỉ lưu ý đến cơ thể họ khi nó làm họ đau. Ngay cả trong nỗi thống khổ của tình huống này, với một đêm lo lắng trước mặt, ông vẫn có thể nhớ câu Homer đã viết trong Iliad, bài thơ vĩ đại nhất về sự chết và đau khổ, Một y sĩ đáng giá vài người, chúng ta đừng xem những lời này như một diễn tả đơn giản về số lượng, mà trước hết là về chất lượng, như chúng ta sẽ thấy. Ông tập trung can đảm để đi ngủ mà không quấy rầy vợ, ngay cả khi bà lẩm bẩm nửa thức nửa ngủ cựa quậy trên giường rồi nép lại gần ông. Ông nằm thức hàng giờ, giấc ngủ ít ỏi ông cố chợp mắt được chỉ vì ông đã kiệt sức. Ông hy vọng đêm tối đừng bao giờ chấm dứt để khỏi phải tuyên bố, ông, một người hành nghề chữa mắt cho thiên hạ, Tôi mù, nhưng đồng thời ông nao nức đợi ánh sáng ban mai, và đây chính là những chữ đến với tâm trí ông, Ánh sáng ban mai, biết rằng ông sẽ không thấy nó. Thật vậy, một bác sĩ nhãn khoa bị mù thì chẳng ích lợi gì cho ai, nhưng tùy ông có thông báo cho giới chức y tế để cảnh báo họ về tình trạng có thể biến thành thảm họa quốc gia này không, ít nhiều cũng là một dạng mù cho đến nay chưa ai biết, rất có khả năng truyền nhiễm cao, và xét bề ngoài thì nó xuất hiện mà không có dấu hiệu triệu chứng bệnh lý báo trước là viêm, lây nhiễm hay thoái hóa, như ông đã có thể xác nhận qua người đàn ông mù đến khám tại phòng mạch, hay như được xác nhận qua chính trường hợp của ông, hơi cận thị, hơi loạn thị, tất cả đều nhẹ đến nỗi ông quyết định cho tới lúc đó không dùng kính đeo mắt. Cặp mắt ngừng thấy, cặp mắt hoàn toàn mù, nhưng lại ở vào tình trạng hoàn hảo, không thương tích, mới đây hay trước kia, do mắc phải hay bẩm sinh. Ông nhớ lại lúc ông khám cặn kẽ người đàn ông mù, các bộ phận của mắt đều hoàn toàn lành mạnh qua kính soi đáy mắt, không dấu vết bệnh tật nào, một tình trạng rất hiếm đối với một người đàn ông khai tuổi ba mươi tám, và ngay cả đối với bất kỳ ai trẻ hơn. Ông nghĩ người đàn ông đó không thể mù, tạm quên rằng chính ông bị mù, một số kẻ có thể vị tha lạ thường, và điều này chăng có gì mới mẻ, chúng ta hãy nhớ câu Homer đã nói, mặc dù hẳn nhiên bằng những lời khác.
Ông giả vờ ngủ lúc vợ thức giấc. Ông cảm thấy cái hôn của bà lên trán, dịu dàng như không muốn đánh thức ông khỏi giấc ngủ say mà bà tưởng tượng, có lẽ bà nghĩ, Tội nghiệp, anh ấy đi ngủ trễ sau khi thức nghiên cứu ca bệnh lạ thường của ông mù đáng thương đó. Cô đơn, như thể ông sắp bị một đám mây dày đặc chầm chậm siết chặt, đè nặng trên ngực và bay vào mũi, làm ông mù từ bên trong, bác sĩ thốt lên một tiếng rên ngắn, ông nghĩ, Có lẽ nó màu trắng, và để hai dòng lệ dâng lên trong mắt và chảy qua thái dương hai bên mặt, bây giờ ông hiểu nỗi lo sợ của các bệnh nhân khi họ bảo, Thưa bác sĩ, tôi nghĩ tôi bị mất thị lực. Những tiếng động nhỏ trong nhà vọng vào phòng ngủ, bây giờ vợ ông sắp vào để xem ông còn đang ngủ hay đã thức, gần đến giờ họ tới bệnh viện. Ông thận trọng ngồi dậy, sờ soạng tìm áo khoác và xỏ tay vào, rồi ông ra phòng tắm đi tiểu. Ông quay về phía ông biết là có tấm gương, và lần này ông không ngạc nhiên, Chuyện gì thế này, ông không nói, Có hàng ngàn lý do để bộ óc con người đóng lại, ông chỉ đưa tay ra sờ gương, ông biết hình ảnh của ông đang ở đó nhìn ông, hình ảnh của ông có thể thấy ông, ông không thể thấy hình ảnh của mình. Ông nghe vợ ông vào phòng ngủ, À, anh dậy rồi, và ông đáp, ừ. Ông cảm thấy bà bên cạnh mình, Chào cưng, khỏe chứ, họ vẫn chào nhau bằng lời âu yếm sau bao năm cưới nhau, rồi ông nói, như thể cả hai đang diễn kịch và đây là câu gợi ý của ông, Anh sợ là chẳng khỏe, có cái gì không ổn trong mắt anh. Bà chỉ nghe được phần cuối của câu nói, Để em xem, bà bảo và chăm chú khám mắt ông, Em chả thấy gì cả, hiển nhiên bà mượn câu nói đó, nó không trong kịch bản của bà, lẽ ra ông là người nói câu đó, nhưng ông chỉ nói, Anh không thấy, rồi thêm, Chắc anh bị lây từ bệnh nhân anh khám hôm qua.
Với thời gian và gần gũi, các bà vợ bác sĩ rốt cuộc cũng biết ít nhiều về y khoa, và người vợ này gần với chồng về mọi mặt đã học hỏi đủ để biết rằng mù không lây lan như bệnh dịch, mù không phải là thứ có thể bị nhiễm chỉ vì một người mù nhìn một người không mù, mù là chuyện riêng của mỗi người với cặp mắt sinh ra cùng anh ta hay cô ta. Dù vậy, một ông bác sĩ có bổn phận biết mình đang nói gì, đó là lý do ông ta được đào tạo chuyên môn ở trường y, và nếu ông bác sĩ này, ngoài việc tuyên bố ông bị mù, lại còn công khai nhận rằng ông bị lây nhiễm, thì vợ ông là cái thá gì mà nghi ngờ ông, dù bà có biết bao nhiêu về y khoa chăng nữa. Do đó có thể thông cảm khi người phụ nữ đáng thương bị đối diện với chứng cớ không thể bác bỏ này đã phản ứng như bất kỳ bà vợ bình thường nào, tới nay chúng ta đã biết hai người, là bám lấy chồng và tỏ vẻ đau khổ tự nhiên, Mình phải làm gì bây giờ, bà vừa hỏi vừa khóc, Báo cho giới chức y tế, cho Bộ, là việc phải làm trước tiên, nếu nó biến thành bệnh dịch thì phải có biện pháp, Nhưng chưa ai nghe nói về dịch mù, vợ ông khư khư, nôn nóng bám lấy tia hy vọng cuối cùng này, Cũng chưa ai gặp một người mù mà không rõ các lý do về tình trạng của họ, và đúng lúc này có ít nhất hai người. Ngay khi thốt lên câu cuối này vẻ mặt ông thay đổi. Ông hầu như hung tợn đầy vợ ra, chính ông lùi lại, Tránh xa ra, đừng tới gần anh, anh có thể lây cho em, rồi ông nắm chặt tay đập vào trán, Đồ ngu, đồ ngu, đồ bác sĩ ngu, tại sao anh không nghĩ ra trước, mình ngủ chung suốt đêm, lẽ ra anh nên ngủ trong phòng làm việc, đóng cửa lại, ngay cả như vậy cũng chưa chắc, Anh đừng nói thế cái gì phải xảy ra sẽ xảy ra, nào, để em dọn bữa sáng cho anh, Xa anh ra, xa anh ra, Không, em không bỏ anh, vợ ông hét, anh muốn vấp vào bàn ghế muốn đi tìm điện thoại mà không có mắt để tìm số anh cần trong cuốn niên giám điện thoại, trong lúc em bình thản ngắm cảnh này hay chui vào cái nắp thủy tinh để tránh lây à. Bà nắm chặt cánh tay ông rồi nói, Đi nào, cưng.
Trời vẫn còn sớm lúc bác sĩ uống xong tách cà phê và ăn lát bánh mì nướng vợ ông đã khư khư đòi dọn cho ông, chúng ta có thể hình dung ông ăn uống ngon lành kiểu gì, quá sớm để có người ngồi ở bàn làm việc cho ông báo tin. Nếu muốn hợp lý và hiệu quả, báo cáo của ông về sự việc đang xảy ra phải được nói trực tiếp và càng sớm càng tốt tới người có thẩm quyền ở Bộ Y tế. Sau khi ông cố nài nỉ, người trực điện thoại đã đồng ý chuyển đường dây cho ông, nhưng ông đổi ý ngay, khi biết rằng nếu chỉ tự giới thiệu là một bác sĩ có một số thông tin quan trọng và khẩn cấp cần trình bày sẽ không đủ để thuyết phục anh công chức thờ ơ. Anh ta muốn biết thêm chỉ tiết trước khi chuyển ông lên cấp trên trực tiếp, và hẳn nhiên một bác sĩ có tinh thần trách nhiệm sẽ không tuyên bố dịch mù bộc phát với anh công chức quèn đầu tiên nói chuyện với mình, điều đó sẽ gây hoảng hốt tức khắc. Gã công chức bên kia đường dây trả lời, Ông nói ông là bác sĩ, nếu ông muốn tôi tin ông, tất nhiên tôi tin ông, nhưng tôi có trình tự của tôi, trừ phi ông cho tôi biết ông muốn thảo luận việc gì thì tôi mới có thể đưa vấn đề này đi xa hơn, Vấn đề mật, Các vấn đề mật không được bàn qua điện thoại, ông nên đích thân tới đây. Tôi không thể ra khỏi nhà, Ông muốn nói là ông bệnh, Đúng, tôi bệnh, người đàn ông mù nói sau khi do dự. Trong trường hợp này ông nên gọi bác sĩ, một ông bác sĩ chính cống, gã công chức mỉa mai, và khoái chí vì tài dí dỏm của mình, hắn gác máy.
Sự xấc láo của hắn như cái tát vào mặt. Phải vài phút sau ông mới lấy lại đủ bình tĩnh để kể cho vợ nghe ông đã bị đối xử lỗ mãng ra sao, rồi như vừa mới khám phá ra điều ông đáng lẽ nên biết từ lâu, ông buồn bã lẩm bẩm, Chúng ta được tạo nên như thế, nửa lãnh đạm nửa ác ý. Ông định hỏi một cách hoài nghi, Làm gì bây giờ, và ông nhận thấy minh đã phí thời giờ, cách duy nhất để báo tin tới đúng chỗ bằng con đường an toàn là nói với giám đốc y tế trong bệnh viện ông phục vụ, bác sĩ với bác sĩ, không qua trung gian bất kỳ anh công chức nào, để ông giám đốc chịu trách nhiệm bắt bộ máy quan liêu làm việc của nó. Vợ ông quay số điện thoại, bà thuộc nằm lòng số của bệnh viện. Bác sĩ xưng danh khi họ nhấc máy, rồi nói nhanh, Tôi khỏe, cảm ơn, chắc hẳn cô tiếp tân đã hỏi, Bác sĩ khỏe không, chúng ta sẽ trả lời như vậy khi chúng ta không muốn đóng vai yếu đuối, chúng ta nói Khỏe, ngay cả khi chúng ta có thể đang hấp hối,, và điều này thường được hiểu như là gan lì, một hiện tượng chỉ thấy trong loài người. Khi viên giám đốc tới máy điện thoại, Nào, chuyện gì thế này, bác sĩ hỏi có ai bên cạnh ông ta không, có ai nghe lỏm được không, khỏi cần lo về cô tiếp tân, cô ta có nhiều việc phải làm hơn là lắng nghe mấy cuộc đối thoại về nhãn khoa, vả lại cô ấy chỉ quan tâm tới phụ khoa. Lời kể của bác sĩ ngắn nhưng đầy đủ, không quanh co, không chữ nào thừa, không rườm rà, và diễn tả bằng ngôn ngữ bệnh lý khô khan, Vì tình thế khiến viên giám đốc ngạc nhiên, Nhưng anh mù thật không, ông hỏi, Hoàn toàn mù, Dù vậy, có thể là trùng hợp, nói cho chính xác, có thể thật ra chẳng phải là lây nhiễm gì cả, Đồng ý là không có bằng chứng lây bệnh, nhưng đây không chỉ là một ca ông ta hóa mù và tôi hóa mù, mỗi người chúng tôi ở nhà riêng, trước kia chưa hề gặp nhau, ông mù tới phòng khám rồi tôi hóa mù vài giờ sau, Làm sao mình tìm được ông này, Tôi có tên và địa chỉ ông ta trong hồ sơ ở phòng mạch, Tôi sẽ cử người tới đó lập tức, Cử bác sĩ chứ, ừ, tất nhiên, một đồng nghiệp, Ông nghĩ chúng ta có nên báo cho Bộ về việc đang xảy ra không, Lúc này hơi sớm, thử nghĩ xem tin tức loại này sẽ gây rối loạn thế nào trong công chúng, chao ôi, bệnh mù không lây, Chết cũng không lây, nhưng ai cũng chết, Ôi dào, anh cứ ở nhà trong khi tôi đối phó với việc này, rồi tôi sẽ cử người tới tìm anh, tôi muốn khám anh, Đừng quên bây giờ tôi mù vì tôi khám một ông mù, Việc đó chưa chắc, ít nhất là đã có mọi dấu hiệu về nguyên nhân và hậu quả ở đây, Tất nhiên, nhưng vẫn quá sớm để rút ra bất cứ kết luận gì, hai trường hợp riêng rẽ chả có ý nghĩa thống kê nào, Trừ phi cho tới lúc này có nhiều hơn hai người chúng tôi, Tôi có thể hiểu cách suy nghĩ của anh nhưng chúng ta phải tránh suy đoán bi quan có thể hóa ra là vô căn cứ, Cảm ơn ông nhiều lắm, Tôi sẽ cho anh biết sớm, Chào ông.
Nửa giờ sau, sau khi ông xoay xở một cách khá lúng túng để cạo râu, với vợ ông giúp, điện thoại reo. Lại là ông giám đốc, nhưng lần này giọng ông khác, Chúng ta có một đứa bé trai ở đây cũng thình lình bị mù, nó thấy mọi thứ trắng, mẹ nó kể cho tôi là nó đến khám ở phòng mạch của anh hôm qua, Đứa bé này có mắt trái bị lé phải không, Phải, Vậy thì không nghi ngờ gì nữa, đúng nó, Tôi bắt đầu lo, tình hình đang trở nên thật sự nghiêm trọng, Báo cho Bộ xem sao, Ừ, tất nhiên, tôi sẽ lên ban quản trị bệnh viện ngay lập tức. Khoảng ba giờ sau, bác sĩ và vợ ông đang lặng lẽ ăn trưa, ông đang nghịch miếng thịt bà đã cắt cho ông thì điện thoại lại reo. Vợ ông đi trả lời, rồi lập tức quay lại, Anh phải nghe máy, Bộ gọi. Bà giúp ông đứng lên, dẫn ông vào phòng làm việc và đưa điện thoại cho ông. Cuộc đối thoại ngắn ngủi. Bộ muốn biết lý lịch các bệnh nhân đã đến phòng mạch của ông hôm qua, bác sĩ trả lời rằng hồ sơ bệnh lý có tất cả mọi chỉ tiết cần thiết, tên, tuổi, tình trạng hôn nhân, nghề nghiệp, địa chỉ nhà, và cuối cùng ông nói sẵn lòng đi theo một hay nhiều người được giao nhiệm vụ gom họ lại. Bên kia đầu dây, giọng nói cụt lủn, Không cần.
Điện thoại được đưa qua người khác, một giọng khác nói, Chào ông, đây là Bộ trưởng, nhân danh Chính phủ, tôi muốn tỏ lòng cảm ơn nhiệt tâm của ông, tôi chắc chắn là nhờ hành động nhanh chóng của ông chúng tôi sẽ có thể cô lập và kiểm soát tình hình, trong khi đó xin ông vui lòng giúp chúng tôi bằng cách ở yên trong nhà. Câu cuối cùng được nói với vẻ trang trọng nhã nhặn, nhưng khiến ông biết rõ đó là lệnh. Bác sĩ đáp, Vâng, thưa Bộ trưởng, nhưng người bên kia đầu dây đã gác điện thoại.
Vài phút sau, điện thoại lại reo. Lần này là ông giám đốc y tế, lo lắng, lắp bắp, Tôi vừa nghe nói là cảnh sát đã được thông báo về hai ca mù bất thần, Cảnh sát bị mù à, Không, một người đàn ông và một người đàn bà, họ thấy ông ta ngoài đường la hét là ông ta mù, và người đàn bà trong khách sạn lúc bị mù, hình như bà ta ăn nằm với ai, Chúng ta cần kiểm tra xem có phải họ cũng là bệnh nhân của tôi không, ông biết tên họ không, Không thấy nói tới tên, Trên Bộ đã gọi tôi, họ đang tới phòng mạch để thu thập hồ sơ, Thật là một vụ phức tạp, Thì ông biết đấy. Bác sĩ gác ống nghe, đưa hai tay lên mắt rồi giữ yên như cố bảo vệ cặp mắt khỏi bị nặng hơn, rồi ông uể oải nói, Anh mệt quá, Cố ngủ một chút, em đưa anh vào giường ngủ, vợ ông nói, Vô ích, anh sẽ không chợp mắt được, vả lại hôm nay chưa xong, có thể còn chuyện xảy ra.
Gần sáu giờ, điện thoại reo lần cuối. Bác sĩ đang ngồi cạnh máy, nhấc ống nghe lên, Vâng, tôi đây, ông nói, chăm chú lắng nghe những gì ông được bảo và chỉ khẽ gật đầu trước khi gác máy, Ai đấy, vợ ông hỏi, Bộ, xe cứu thương sắp đến tìm anh trong vòng nửa giờ nữa, Anh đã đoán trước sự việc rồi à, Ừ, gần như vậy, Họ đưa anh đi đâu, Anh không biết, có lẽ tới bệnh viện, Em sẽ sắp sẵn va li, soạn một số áo quần, mấy thứ thường dùng, Anh chả đi đâu xa, Mình đâu biết chuyện gì. Bà dịu dàng dẫn ông vào phòng ngủ, để ông ngồi lên giường, Anh ngồi im đây, em sẽ lo mọi thứ. Ông nghe bà đi qua đi lại, mở đóng các ngăn kéo và tủ áo, lấy áo quần ra rồi xếp vào va li trên sàn nhà, nhưng ông không thấy ngoài quần áo của ông, bà cũng xếp theo một số áo cánh và váy, một cái quần, một bộ áo đầm, vài đôi giày chỉ có thể là của đàn bà. Đầu ông mơ hồ thoáng nghĩ ông chẳng cần nhiều quần áo đến thế, nhưng không nói vì đây không phải là lúc lo mấy chuyện vặt vãnh đó. Ông nghe tiếng khóa, rồi vợ ông nói, Xong, bây giờ mình sẵn sàng đợi xe cứu thương. Bà mang va li tới cửa dẫn ra cầu thang, không chịu để chồng giúp khi ông nói, Để anh phụ, chuyện này anh làm được, vả lại anh có tàn tật đâu. rồi họ ra ngồi đợi trên chiếc ghế dài nơi phòng khách. Họ cầm tay nhau, ông nói, Chẳng biết mình xa nhau bao lâu, và bà đáp, Anh đừng lo.
Họ đợi gần một giờ. Khi chuông cửa reo, bà đứng lên ra mở cửa, nhưng đầu cầu thang không có ai. Bà thử điện thoại nội bộ, Tốt lắm, ông ấy sẽ xuống ngay, bà nói. Bà quay sang chồng và bảo ông, Họ đang đợi dưới lầu, họ có lệnh ngặt là không được lên phòng, Có vẻ Bộ báo động thật. Mình đi. Họ xuống thang máy, bà giúp chồng dò dẫm vài bước cuối để vào xe cứu thương, rồi trở vào bậc thang để lấy va li, bà tự khiêng nó lên và đầy vào trong. Cuối cùng bà leo vào ngồi bên cạnh chồng. Anh tài xế xe cứu thương quay lại phản đối, Tôi chỉ chở ông ấy thôi, lệnh như thế, tôi phải mời bà xuống. Người đàn bà điềm tĩnh trả lời, Anh phải chở cả tôi nữa, tôi vừa mới bị mù đúng lúc này.
Mù Lòa Mù Lòa - José Saramago Mù Lòa