To love is to admire with the heart:

to admire is to love with the mind.

Theophile Gautier

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Thanh Vân
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 19
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1321 / 25
Cập nhật: 2017-04-18 13:33:17 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 10
ầu Roseman
Francesca Johnson đứng trong phòng khách và ngắm mưa rơi. Từ sớm tinh mơ, mưa cứ đến rồi đi, rồi lại đến, biến các bãi cỏ mềm rũ và bẹt dí. Sương mù dâng lên từ thung lũng xa xa, nơi con sông Middle dường như chảy đều đều tới ngôi nhà lúc ngày cứ qua. Nhiệt độ bên ngoài tụt xuống dưới 0 độ C, là dịp tốt cho tuyết rơi vào đầu giờ chiều, theo đài của WHO ở Moines.
Điện thoại trên tường bếp reo, vang xa và lẻ loi trong căn nhà lặng lẽ. Đến hồi chuông thứ tư, Francesca cầm máy.
- Chào mẹ. Con chỉ xem mẹ đang làm gì thôi, - Carolyn nói, từ Burlington, Vermont.
Francesca mỉm cười. Với bà, các con như vẫn còn bé, lúc nào cũng như còn lâu mới trưởng thành. Carolyn ba mươi hai, Michael hơn một tuổi, đều đang vật lộn với hôn nhân và cuộc sống của chúng. Carolyn đang có thai tám tháng đứa thứ hai, và chuyện con cái chiếm đến năm phút trong cuộc trò chuyện.
- Mẹ có thể đến chơi khi con sinh em bé được không? - Carolyn hỏi. - Chọn đúng lúc là tuyệt nhất, mẹ ạ. Các lớp con dạy đều chấm dứt trước đó mười ngày. Con sẽ có thời gian nghỉ ngơi và chăm sóc Melinda rồi đón bé ra đời trước khi bắt đầu viết luận văn.
- Mẹ sẽ cố đến. À không... mẹ định nói là tất nhiên mẹ sẽ đến.
- Tuyệt quá. Mẹ đi khỏi nông trại một thời gian đi, mẹ. Từ ngày bố mất, con luôn hình dung mẹ ngồi đó, vò võ một mình ngày này sang ngày khác.
- Không, mẹ vẫn đang làm việc rất tốt, Carolyn ạ. Con đừng lo cho mẹ. Mẹ có nhiều việc buộc phải bận bịu. - Câu đó không đúng hẳn, nhưng cũng gần đúng. - Mẹ đọc rất nhiều, và mỗi tháng một hoặc hai lần, mẹ đi dạy thay ở Winterset.
- Mẹ vẫn cố bắt chúng phải nghe thơ đấy à?
- Ừ, và vẫn thất bại. - Bà không nhắc đến rằng, mỗi lần bà giới thiệu thơ của W.B. Yeats với học sinh, bà thường nghĩ đến Rober Kincaid và lời trích dẫn của ông trong Bài ca của Aengus lang thang.
- Ông Floyd Clark vẫn cố mời mẹ đi chơi với ông ấy, hở mẹ?
- Ừ, - Francesca cười, dịu dàng. - Mẹ nghĩ mẹ đã lảng tránh ông ấy nhiều lần, đủ để ông ấy bắt đầu hiểu ý mẹ.
- Ồ, Floyd Clark. Mẹ có thể làm khéo hơn thế nhiều, - Carolyn trách móc, biểu lộ sự che chở của đứa con đã lớn và hơi cay nghiệt của người phụ nữ còn trẻ song độ hấp dẫn chỉ vừa phải.
- Có lẽ thế. Nhưng dù sao, ông ấy vẫn cứ mời mẹ. Mẹ cảm thấy hơi thương Floyd vì hiện giờ Marge đã mất, nhưng không đủ thương để nhận lời ông ấy. - Francesca nhìn qua cửa sổ bếp ra cánh đồng lởm chởm gốc rạ, một mùa thu ẩm ướt đang chuyển sang mùa đông nhanh đến mức có thể bắt đầu trước khi ngày chấm dứt.
Cuộc trò chuyện tiếp tục, một cuộc trò chuyện trong gia đình, trước khi Carolyn nói:
- Con phải chạy đây, mẹ ơi. David đi làm về sớm và chúng con có thể đến lớp Lamaze (Lớp Lamaze: Lớp huấn luyện phương pháp sinh con tự nhiên. Lamaze khuyến khích phụ nữ điều chinh nhịp thở và người bạn đời được phép có mặt trong lúc sinh nở) cùng nhau. Hôm qua con đã gọi điện cho anh Michael ở Florida, và anh con bảo đã hẹn mẹ đến sinh nhật sẽ gọi cho mẹ.
- Đúng thế. Mẹ lúc nào cũng thích nói chuyện với hai con và nghe tin về cuộc sống bận bịu của các con.
- Con chào mẹ. Mẹ bảo trọng nhé, tạm biệt. Con yêu mẹ. Con sẽ nói chuyện với mẹ vào dịp sinh nhật mẹ.
- Mẹ cũng yêu con, Carolyn.
Quá ba rưỡi chiều một chút, Francesca đi đôi ủng làm đồng, quấn chiếc áo mưa màu vàng ra ngoài áo len và áo khoác nhẹ, nhét mớ tóc vào trong mũ trùm. Bà ra khỏi hiên và bắt đầu đi dạo, rẽ ngay ở đầu dường làng và một lần nữa, tiến thẳng đến cầu Roseman.
* * *
Trên đường đến cầu Roseman, Robert Kincaid tránh đi qua Winterset. Ngoài khả năng Francesca Johnson có thể ở trong thị trấn vào ban ngày, con đường chính từ Winterset đến cây cầu chạy thẳng qua nông trại nhà bà. Ông không muốn biến chuyến thăm tình cảm cuối cùng thành một hành động nông nổi vụng về, có thể làm cho cả ông và Francesca khó xử. Nếu như bà vẫn sống ở quận Madison. Ai biết được, nhỡ bà cùng chồng đã chuyển đến cộng đồng nghỉ hưu ở Arizona thì sao. Ông nghe tin nhiều người ở miền Trung Tây có khuynh hướng làm thế.
Cây cầu ở phía tây nam thị trấn, cách khoảng chín dặm. Ông rẽ khỏi hướng Nam vào đường 92 ở Greenfield, rồi theo hướng đông và bắc lần nữa, qua một loạt các con đường phụ chuẩn bị cho một khoảng cách, cuối cùng rẽ vào mặt đường trải sỏi lúc gần đến cây cầu. Theo từng dặm, hơi thở càng như rời bỏ ông, và sẽ không thể làm gì với bệnh viêm họng hoặc bất cứ tai ương nào có thể xảy ra ở các bộ phận quan trọng nhất trong người.
Ông đi về phía bắc, qua con dốc gần một nhà thờ nhỏ, dòng sông Middle nằm phía dưới, cây cầu cũ đứng ở nơi nó vẫn đứng từ một trám năm nay. Ông đỗ chiếc Harry trong khu rừng nhỏ, cách cầu khoảng một trăm mét và xuống xe, giấu máy ảnh vào trong chiếc parka nhẹ và kéo cái mũ hình cầu sụp xuống tận mắt.
- Con Đường, ta sẽ để mi lại trong xe. Ta cần làm việc này một mình.
Con chó thất vọng và sủa hai lần lúc nhìn thấy Kincaid đi xuống con đường trải sỏi. Kincaid quay lại, mỉm cười và trở lại xe.
- Thôi thôi, cho mày đi cùng nào.
Gí mũi xuống đất, con chó lao vọt lên trước ông, lúc cả hai rẽ vào con đường vòng và bắt đầu theo quả đồi dốc thoai thoải xuống cầu.
* * *
Giữ mãi lời than trách định mệnh cũng chẳng được gì; mọi việc xảy ra chẳng cần lý do hoặc vần điệu, và không thể nói gì hơn. Mắng nhiếc số phận cũng chỉ như khói bếp hoặc gió thoảng và làm ta buồn bã suốt những ngày qua. Rốt cuộc, chẳng còn lại gì ngoài việc giơ vai gánh chịu trách nhiệm mọi việc đã làm và đi tiếp.
Francesca Johnson lắng nghe tiếng mưa rơi lộp độp lên mũ áo mưa và nhớ lại những lời đã đọc ở đâu đó, có lẽ trong một cuốn sách bà nhận được từ câu lạc bộ sách, đặt qua bưu điện. Trên đường đời, bà không than trách và khá hài lòng. Khi bà cảm thấy buồn, thì không phải vì mười sáu năm trước bà đã quyết định ở lại với gia đình, thay vì bỏ đi cùng Robert Kincaid. Nỗi buồn xuất phát từ việc buộc phải lựa chọn số phận và những hành động đặt ra trước mắt bà.
Sau khi Richard qua đời, bà không còn phải cố gạt những hồi ức về Robert Kincaid sang một bên, và để mặc ông đến trong tâm trí bà bất cứ khi nào ông muốn. Lạy Chúa, nhớ lại hồi ấy, hình như ông chính là Cuộc sống, tràn trề nghị lực và sức mạnh thể chất khi nói về con đường, những giấc mơ và sự cô dơn. Trong những đêm bên nhau, và cả ban ngày cũng thế, bà tiếp nhận ông vào bà và yêu ông với sự bật đậy mãnh liệt từ những năm tháng kìm nén và vô cùng khao khát một thứ mà không thể nói ra rõ ràng, cho đến khi Robert Kincaid cuồn cuộn ào vào đời bà.
Thỉnh thoảng nằm lặng lẽ trên giường, với chiếc máy quay đĩa cũ của Carolyn chơi bài Lá thu, bà vuốt ve ngực mình và hình dung ông đang ở đó, chuyển động trên người bà và chiếm giữ bà, giống con báo như bà gọi ông trong mấy tập nhật ký bà viết, chỉ mới mười sáu năm trước thôi ư? Thế mà cảm thấy dài hơn nhiều. Cả một cuộc đời khác. Một cách sống khác. Và biết bao đêm khác, khi tâm trí bà ôm ấp ông, dường như ông ở cùng bà mới chỉ một lát trước đây.
Với bà, giữa bao nhiêu việc khác, Robert Kincaid là một người đàn ông tử tế, hầu như là hiện thân của sự lịch thiệp mà bà nhìn đâu cũng thấy đang tàn tạ. Trong những năm ấy, ông có thể dùng nhiều hiện pháp ranh ma dể giành được bà. Nhưng ông rất chú ý khi bà nói về gia đình mình và vì sao bà không bao giờ bỏ đi cùng ông. Bà tin chắc rằng ông im lặng chỉ vì ông không muốn làm bà đau đớn, khi phơi bày chuyện xảy ra giữa hai người.
Bà cố hình dung sự việc sẽ như thế nào nếu họ gặp lại nhau. Dù ở độ tuổi bà, liệu bà có cư xử như một nữ sinh trong lần hẹn hò đầu tiên không? Liệu ông vẫn hơi vụng về và bẽn lẽn như khi họ gặp nhau lúc đầu không? Liệu họ còn muốn làm tình hay chỉ ngồi trong bếp và hồi tưởng? Bà hy vọng họ sẽ làm tình với nhau.
Dù cố trung thành với những ý niệm của mình đến mấy, dù từ cách sống của ông, bà cố hình dung giờ đây ông ra sao, nhưng lúc này bà vẫn nhìn thấy Robert Kincaid như lúc ông xuống xe vào một buổi chiều hè. Bà luôn nhìn thấy ông như thế. Vì vậy, bà cho mình cũng vẫn là người đàn bà đã yêu người đàn ông kia suốt một thời gian dài. Luôn nhìn thấy họ như một hình ảnh mờ chồng, dưới dạng chân thành che chở hơn là không trung thực.
Một phần con người bà tin rằng ông không còn nữa. Nhiều tháng, nhiều năm trôi qua, phần này ngày càng lớn thêm trong ý nghĩ của bà, tuy bà không bao giờ chịu công nhận.
Bà nghe thấy tiếng ôtô chạy trên đường, phía sau bà. Harmon, người làm công cho Floyd Clark, chạy chậm lại qua bà, và cẩn thận để bùn không bắn tóe lên. Lúc đã chạy qua an toàn, Harmon tăng tốc thẳng tới nông trại Clark cách đấy ba dặm về phía đông. Francesca đi tiếp, đôi ủng của bà tạo thành tiếng ở chỗ bùn cố níu lấy chúng. Bà chỉ còn cách cầu Roseman một dặm.
* * *
Robert Kincaid theo dõi cây cầu từ xa đế biết chắc không có ai ở quanh đấy, rồi bắt đầu từ từ lăn bánh xuống dốc tới dòng sông.
Nhiều lúc, sương mù gần như phủ kín cây cầu, tan đi dược một lát rồi lại khép kín.
Bên trong, cây cầu tỏa mùi gỗ cũ ẩm ướt, mùi phân chim bồ câu và mùi lá ướt ngai ngái. Nhiều chữ khắc trên thành cầu, một số mới, còn hầu hết đã có từ hai chục năm nay, của những người hình như không còn cách nào khác để tuyên bố với thế giới rằng họ cũng tồn tại và có tên tuổi.
Nhiệt độ tụt hẳn xuống, và mắt cá chân đau của Robert cứng đờ. Ông cúi xuống xoa bóp và cứ làm thế cho đến lúc cái đau dịu bớt. Ông rút trong áo khoác ra một lọ aspirin, dốc hai viên và nuốt, không có nước.
Kincaid có thể nghe thấy tiếng sông Middle rì rầm bên dưới, chảy về hướng Đông. Ông nhìn qua khoảng trống, chỗ khuyết một tấm ván thành cầu và thấy tảng đá ông đứng nhiều năm trước, ngước nhìn Francesca Johnson. Hoa mọc đầy ven bờ sông, và ông đã hái một nắm cúc dại tặng bà.
Ông mừng là đã tới đây. Một quyết định không nhầm lẫn chút nào. Ở đây, trong cây cầu cũ này, cảm thấy hầu như thanh thản, ông đắm mình trong cảm giác đó và thấy yên ổn trong lòng. Chính vào lúc ấy, ông như được an ủi, biết rằng đây là nơi an nghỉ của ông, một ngày nào đó tro của ông sẽ được dòng Middle cuốn đi. Ông mong một số hạt tro sẽ hòa làm một với cây cầu và mặt đất, một số sẽ trôi xa, xuôi dòng vào những con sông lớn hơn rồi vào biển cả, nơi ông đi qua trong những con tàu chở lính chật ních hoặc trên các máy bay phản lực đêm, đến một nơi nào đó.
Mưa rỏ giọt từ mái hiên cầu và qua các lỗ thủng trên mái, nơi tấm ván lợp bong từ lâu. Ông dựa vào một trụ cầu, mặc cho những cảm xúc của mười sáu năm trước và bây giờ bao trùm. Ông biết đây là một cuộc từ biệt, mở ra rồi khép lại hẳn, là cách ông chào vĩnh biệt Francesca Johnson.
“Khỉ thật, vòng quay của tạo hóa,” - ông lẩm bẩm. Ông nói lần nữa, rồi lần nữa “thật đúng là con tạo xoay vần.’’ Tiếng ông đều đều như tiếng đơn điệu, xa xôi của con tàu ở bắc Cairo, tiếng ve sầu o o trong cánh rừng rậm New Guinea, và ông nhớ lại những dòng ông viết một năm trước đây, một chương trong cuốn Tập hợp các tiểu luận về cuộc sống lãng du của Michael Tillman.
Đấy là tất cả những gì tôi từng nghĩ trong suốt một thời gian dài, về việc đi lại trên đường, dù ở đâu không thành vấn đề. Ngay từ buổi đầu, tôi đã thấy rõ rằng trong những ngày này, công việc của tôi trong nghề nhiếp ảnh một phần là đam mê, một phần là cái cớ để đi nhiều nơi. Tôi đã nhìn thấy hàng trăm nơi - chắc là còn hơn thế. Tôi ao ước có một cuộc đời riêng cho từng nơi, để tôi có thể định cư và sống ở đó, đề có thể quen biết một số người, như những người khác đã làm, như phần lớn đã làm. Tôi có thể điều hành một cửa hàng bách hóa trong một thị trấn nhỏ, đầy bụi trên sườn đồi miền đông New Mexico; sống ẩn dật đâu đó ở Pondichery, Ấn Độ; hoặc mở gara tại một thị trấn miền núi ở tây nam Texas, hoặc nuôi cừu ở Pyrenees hay làm ngư dân tại một vạn chài nào đó ở Mexico.
Hành động làm tổn thương gấp đôi và đằng nào cũng khó, là từ bỏ. Con Đường chống lại cuộc sống ổn định. Tôi chưa bao giờ nghĩ nhiều đến nó, cho đến khi tôi ngoài năm mươi. Hồi đó, tôi gặp một người phụ nữ, và tôi sẽ gạt mọi sự sang một bên, kể cả Con Đường. Nhưng có nhiều thứ ngáng trở chúng tôi, đó là sự may rủi của tôi, sau đó tôi trở lại lang thang trên đường với chiếc máy ảnh. Giờ đây, trong những năm cuối đời, tôi đã bỏ cuộc sống nay đây mai đó, song tôi vẫn đơn độc. Suốt bao năm ở trại lính, rồi di chuyển khắp nơi (cộng với tính ưa ẩn dật và bản tính hơi khó gần của tôi, tôi nghĩ thế), đã khiến tôi ít có dịp gần gũi mọi người.
Thế là, trong lúc bạn đang đọc dưới ánh sáng vàng của ngọn đèn đêm và muốn biết những miền xa xôi, có khi ao ước được đến thăm chúng, những nơi mà tôi đã đến hàng chục lần, còn tôi đi ngang qua cửa sổ nhà bạn và mong ước ngược lại. Tôi ƯỚC có cái ghế của bạn, ngọn đèn của bạn, gia đình và bạn bè của bạn. Chắc rằng trong một đêm mưa như đêm nay, khi tôi đi ngang qua nhà bạn, dụng cụ của tôi trên ghế bên cạnh, tìm một chỗ nghỉ sao cho không tốn kém quá nhiều. Tôi phải tìm ra một chỗ để ngủ và sáng hôm sau lại đi tiếp, trong lòng luôn nhớ đến ngọn đèn đêm màu vàng của bạn.
Tuy nhiên, tôi đã lựa chọn. Chịu thua thói xấu to lớn của mình là luôn theo đuổi một mục tiêu nào đó và không bao giờ ngoảnh lại, không bao giờ cảm thấy sự trống trải mà tôi để lại đằng sau, ngoại trừ với phụ nữ, tôi đã từ bỏ những ngọn đèn của gia đình và chọn con đường. Kết quả là những thành công của tôi, và tôi không có quyền than vãn thứ tôi đã tự chuốc lấy cho mình.
Kincaid lắc đầu và cười thầm. Mình tin rằng chẳng gì nực cười hơn sự ủy mị của một ông già, ông nghĩ. Mặt khác, ông phản bác, có khi đây chỉ chứng tỏ mình vẫn còn phần người.
Vài phút sau, ông ra khỏi cầu. Đủ rồi. Ông đã làm việc ông đến để làm, xác nhận lần nữa những điều hồi ức mách bảo. Đứng trong không gian của Francesca lần nữa, xem liệu những cảm xúc có còn mãnh liệt như hồi ấy không. Và chúng vẫn như thế. Một tình yêu lớn trong cuộc đời độc thân là đủ cho bất cứ người nào. Francesca đã và đang là tình yêu lớn của ông. Ông đã tới để nói lời tạm biệt bà. Ông vỗ vỗ vào thành cây cầu cũ kỹ và bắt đầu đi, bước đi nhẹ nhàng hơn ông từng quen một thời.
Con Đường biến mất, Kincaid hình dung nó đang lao vào cuộc thám hiểm, săn bắt. Kincaid đi về hướng nam và huýt một tiếng sáo, rồi tiếng nữa, tin chắc con chó sẽ tìm ra ông trên đường về xe. Con chó đã bị nhốt trên xe nhiều ngày và cần tập luyện. Gần đến đỉnh đồi, Con Đường bắt kịp ông, nó thở hổn hển và vui sướng.
****
- Ô có chứ, tôi biết Robert Kincaid, - giọng tự tin của Ed Mullins, biên tập viên ảnh của tờ Seatile Times oang oang. - Ông ấy ở đâu đó quanh Seattle thôi.
- Ông có biết nhiều về ông ấy không? - Carlisle McMillan hỏi và chuyển ống nghe sang tay phải để tiện ghi chép. Một cảm giác nhẹ nhõm bao trùm anh. Cuối cùng, đã tìm ra người có thể đưa Robert Kincaid vượt qua ba mươi sáu năm và nói ông vẫn còn sống.
- Thực ra, tôi không trực tiếp quen biết ông ấy, tuy tôi có chạm mặt ông ấy vài lần. Ông ấy là một huyền thoại ghê gớm trong một số lĩnh vực của nghề nhiếp ảnh, vì thế ai ở quanh đây cũng biết ông ấy, trừ những cậu trẻ ranh mê tất cả các trường phái nhiếp ảnh. Không ai trong chúng tôi biết rõ Kincaid. Ông ấy là người đặc biệt, đủ dễ chịu và lịch sự nhưng sống khép mình, sáng tạo những tác phẩm không chính thống đến mức rất khó bán thời nay. Nhiều năm nay, chúng tôi sử dụng ảnh của ông cho những mục chuyên đề, phần lớn về du lịch. Tác phẩm của ông ấy tinh tế và huyền ảo đến mức không thể sao chép tường tận trên giấy in báo. Cộng thêm là nó quá trừu tượng với thị hiếu chung.
- Tôi đã xem một số tác phẩm của ông ấy, phần lớn ở mặt sau tạp chí National Geographic, - Carlisle nói ướm, hy vọng người biên tập viên sẽ nói thêm.
Anh ta làm thế thật.
- Để tôi nói cho anh nghe, Kincaid đã đến đó, ý tôi nói đến đó là đến những nơi hoang vu nhất trên thế giới, hai mươi nhăm năm trước khi bọn chúng tôi có cái máy ảnh Brownie đầu tiên. Tôi nghĩ đó là bức ảnh một công nhân lưu động trên nóc con tàu chở hàng ở đâu đó tại miền tây Texas, một ông già dẻo dai, quần áo tả tơi, đang trợn mắt nhìn, hai bàn tay đầy sẹo nắm chặt một thanh sắt trên nóc toa, chính bức ảnh đó đã đưa tôi vào nghề này. Tôi có thể nói, muốn có phong cảnh mờ mờ đó, Kincaid đã phải ở trên nóc toa tàu đang chạy cùng người thợ lang thang kia khi ông chụp. Một bức ảnh kinh khủng, thực sự kinh khủng. Ông ấy đã chụp từng nếp nhăn trên mặt người thợ rất nét, và từng cái sẹo trên các ngón tay ông già như sắp bật vào mặt ta vậy. Tạp chí đã đặt cho tác phẩm một cái tên khá tối nghĩa “Những thanh sắt bị bỏ trên cao”, có lẽ từ ba chục năm trước, vẫn còn bài báo ở đâu đó trong ô tài liệu của tôi.
Carlisle ghi “Những thanh sắt bị bỏ trên cao” vào sổ.
- Tôi có thể có bản sao bài báo ấy được không?
- Được chứ, nếu tôi tìm ra. Anh cho tôi biết địa chỉ?
Carlisle cho anh ta địa chỉ và hỏi tiếp:
- Làm thế nào tôi có thể tìm được ông ấy? Tôi đang tìm kiếm một số thứ.
- Đợi một chút, để tôi hỏi Goat Phillips. Anh ấy vừa ra phòng rửa ảnh. Tôi nhớ anh ấy đã nói thỉnh thoảng nhìn thấy Kincaid ở một quán bar trong vùng.
Carlisle nghe thấy tiếng người biên tập đặt ống nghe lên một bề mặt cứng.
- Này Goat, Goat ơi, lại đây một phút, có câu hỏi cho cậu đây. - Tiếng Mullins nhỏ đi lúc anh ta quay khỏi ống nghe. Carlisle tự hỏi làm thế nào mà anh chàng Goat, dù anh ta là ai đi nữa, lại biết tên Kincaid và thấy ông không đủ thú vị để khám phá.
Nhiều giọng nói mơ hồ lầm bầm, Carlisle nghe loáng thoáng nghe được vài từ. “Khu thương mại à? Ở đâu? Cái gì? Đường 99 và gì nữa?”
Giọng nói trở lại, to và rõ ràng:
- Tốt rồi. Goat bảo anh ta nhìn thấy Kincaid ở một nơi tên là Shorty, một câu lạc bộ nhạc jazz cổ tại khu thương mại. Ngay phía đông, chỗ đường 99 cắt phố Spring. Một tay thổi kèn xắcxô tên là Cú Muỗi Cummings chơi ở đó vào các tối thứ Ba, và Goat vốn là người thờ ơ mà thỉnh thoảng cũng xuống đấy nghe Cummings và nhóm tam tấu của ông ta. Đấy là nơi Goat nhìn thấy Kincaid, ông ấy hay ngồi một mình, uống bia và hình như Cú Muỗi Cummings quen biết ông này.
Carlisle ghi nguệch ngoạc: tên quán bar, địa điểm, tên người thổi kèn xắcxô.
- Anh ở Seattle hay ở đâu? - Biên tập viên hỏi. - Anh quan tâm đến Kincaid vì chuyện gì vậy? Anh nói đang làm một cuộc tìm kiếm à? Anh là nhà nhiếp ảnh hay gì?
- Không, tôi gọi từ Nam Dakota. Tôi đang làm một số việc về gia phả và nghĩ Robert Kincaid có thể là người mất liên lạc từ lâu của một chi họ. Tôi đánh giá rất cao các thông tin này.
- Không có gì, anh McMillan. Mong là tôi giúp được anh chút ít.
- Giúp nhiều lắm. Tôi có thể biết tên anh được không?
- Được. Ed Mullins. Tôi ở suốt bên cái bàn này, chẳng còn thời gian mà làm công việc ngoài trời thú vị của mình nữa. Chúc anh may mắn.
Carlisle treo máy và ngay lập tức xem danh bạ điện thoại của thành phố Falls, tìm số của công ty lữ hành. Anh quay số, hỏi về đường sá và tiền vé từ thành phố Falls tới Seattle.
* * *
Với nhiệt độ cứ xấp xỉ ở mức gay gắt là 0 độ C, Francesca Johnson đến gần cầu Roseman, hơi thở của bà biến thành luồng hơi nước dày đặc trong giá rét. Bước vào trong lòng cầu, một cảm giác bứt rứt choán lấy bà, bà dừng lại, đứng và lắng nghe chăm chú. Bà không nhận thấy gì ngoài tiếng những con chim câu ở tận đầu kia cầu và tiếng nước chảy bên dưới tấm ván lát sàn. Nhìn xuống sàn cầu, bà thấy nhiều vết chân đầy bùn còn ướt, hình như rất mới.
Kéo áo mưa vào sát và ôm chặt lấy người, Francesca rùng mình như một người có thể rùng mình không phải vì rét mà vì cảm giác một sự hiện diện trong nơi tối tăm này.
- Xin chào, - bà ngập ngừng gọi. - Có ai ở đây không? - Tiếng bà âm vang trong không gian sâu hoắm của cầu Roseman.
- Xin chào. - Bà lại nói, cảm giác băn khoăn càng chồng chất.
Ở đầu kia cây cầu, bà có thể thấy mưa đã chuyển thành mưa tuyết, những bông tuyết to bắt đầu rơi và đậu xuống đường. Bà đến lối vào phía nam và đứng trong lòng cầu, ngước nhìn quả đồi trong màn tuyết. Cánh rừng nhỏ trên đỉnh đồi biến mất nhanh chóng trong mưa tuyết trắng xóa, quay cuồng. Bà cảm nhận rõ ràng có người nào đó, vật gì đó ở đằng ấy, bị cây cối che khuất. Cách khoảng một trăm mét lên đồi và hầu như bị tuyết che phủ, một vật hình quả hạnh lao vút qua đường vào khu rừng nhỏ, có lẽ là con chó của một nông phu. Francesca tin chắc là đã nghe thấy tiếng động cơ nổ giòn ở đâu đó giữa đám cây trên đồi, át tiếng gió.
****
Carlisle McMillan đặt vé bay từ thành phố Falls đến Seattle, nghỉ giữa chừng ở Denver vào ngày thứ Hai tới. Anh cần vài ngày để hoàn tất việc tu sửa một căn bếp ở Livermore. Việc đó sẽ dẹp tan sự sốt ruột của chủ nhân và Carlisle kiếm đủ tiền vé máy bay.
Anh gọi cho người ở Livermore, báo tin sáng hôm sau anh sẽ đến đó để sửa cho xong căn bếp, và nói thêm một cái khay tròn có nhiều ô đặt đúng chỗ trong góc là hoàn tất, và anh sẽ mang nó theo lúc tới. Họ hài lòng và nhấn mạnh rằng họ đã chán phải nấu nướng trong gara và ăn trong phòng khách lắm rồi. Carlisle tán thành, và sau khi đặt máy, anh thu xếp dụng cụ rồi chất lên xe.
* * *
Francesca giật mình vì tiếng còi ôtô chát chúa. Gió rít ù ù và quá mải tập trung vào thứ thoáng nhìn thấy trong đám cây trên quả đồi phía trước, nên bà không nhận thấy chiếc xe tải của Floyd Clark đang đến gần. Ông đỗ đối diện với đầu cầu và gào to:
- Này Frannie. FRANNIE! HARMON NHÌN THẤY CHỊ TRÊN ĐƯỜNG, VÀ TÔI NGHĨ CÓ KHI CHỊ CẦN ĐI NHỜ XE VỀ NHÀ VÌ MƯA BẮT ĐẦU NẶNG HẠT. CHỈ VÀI PHÚT NỮA LÀ TUYẾT RƠI MÙ MỊT…
Francesca nổi giận và nhìn qua cầu, thấy Floyd Calrk nhoài nửa người ra cửa xe, vẫy tay ra hiệu cho bà. Ngay lập tức, bà quay về hướng nam lần nữa, nhìn lên đồi.
- FRANNIE! LÊN XE TÔI MÀ VỀ. LANG THANG TRONG THỜI TIẾT NÀY DỄ CHẾT VÌ VIÊM PHỔI MẤT.
Floyd bấm còi lần nữa. Francesca Johnson ra khỏi cầu và ngước nhìn lên đồi lần nữa, chỉ thấy tuyết trắng xóa trong không gian và trên đường. Floyd xuống xe và vào trong cầu, đi tới chỗ bà. Bà quay nhìn ông, những bông tuyết đã bám vào mái cầu Roseman. Phớt lờ lời ông ta, Francesca bắt đầu chạy ngược lên đồi nhanh hết mức, nhưng đôi ủng cao su làm bà vướng víu.
Được ba phần tư đường lên đồi, bà vấp và ngã vào lớp sỏi đầy bùn. Bà cố đứng dậy, bùn và nước phủ kín đằng trước tấm áo mưa và rỏ ròng ròng lên đôi ủng. Cái mũ trùm lật ngược ra sau, tóc bà ướt bết, lòng thòng thành những vòng xoắn nhỏ trên vai và bám vào mặt bà. Bà lại cắm cổ chạy lên đồi.
Floyd Clark đi sau bà, vẫn quát tháo.
- FRANNIE, CHỊ ĐIÊN RỒI À?
Francesca đến đỉnh đồi và quay nhìn vào đám cây. Floyd ở đằng sau, chỉ cách bà vài mét, thở hổn hển nhưng vẫn la hét về giá rét và bệnh viêm phổi. Ở đầu kia khu rừng hẹp, có vết bánh xe trong bùn, mùi khói xe còn vương vấn trong không khí nặng trĩu, bao quanh đám cây. Francesca Johnson đứng đó, tuyết bám trên tóc và nằm trên cổ bà, che khuất khỏi tầm nhìn của bà một chiếc xe tải màu xanh lá cây trên con đường sỏi, cách bà năm trăm mét và đang chạy xa khỏi bà.
Floyd nắm khuỷu tay Francesca, đưa bà xuống đồi, qua cầu Roseman tới chỗ xe ông đỗ. Một mảnh kim loại nhỏ nằm trong tuyết ở lối vào phía bắc cây cầu. Bà nhặt nó lên - dù là bất cứ thứ gì - và bỏ vào túi áo mưa.
Trong chiếc Chevy mới của Floyd Clark về nhà, Francesca chỉ nhìn chằm chằm vào tuyết rơi và nói:
- Tôi ngỡ nhìn thấy một người tôi quen. Floyd, đừng hỏi gì nữa về việc này, tôi xin anh. Có khi tất cả chỉ là do tôi tưởng tượng mà thôi.
Ông vươn tay và vỗ nhẹ lên cánh tay bà.
- Thôi nào Frannie, tất cả chúng ta cứ có những ý nghĩ lạ lùng này nọ. Đôi khi, tôi nghĩ có thể nghe thấy tiếng Marge trong bếp, gọi tôi xuống ăn sáng.
Về đến nhà, Francesca bật đèn trong bếp và tuột chiếc áo mưa qua đầu. Cái vật bà nhặt ở lối vào cầu Roseman rơi khỏi túi, nảy lên một cái rồi nằm trên sàn, gần chân ghế. Bà cúi xuống và nhặt miếng kim loại tròn, có một vòng tròn gắn vào đó. Một cái thẻ của chó, một mặt trắng trơn. Bà lật mặt kia và giữ nguyên trên những ngón tay, đồng thời với cái kính đọc sách. Chữ khắc trên thẻ rất khó đọc, và bà bước tới ngọn đèn ở bồn rửa.
1981 63704 Bệnh viện Thú y Monroe Bellingham, Washington
Trên thẻ có cả địa chi và số điện thoại của bệnh viện. Francesca bước tới bên cửa sổ bếp và nhìn vào bóng tối, lúc này tuyết rơi dày và quất một góc qua ngọn đèn trên sân. Bà đứng bên cửa sổ, nắm chặt cái thẻ chó trong tay và nhìn về phía sông Middle, và cứ nhìn mãi một lúc lâu.
Một Ngàn Con Đường Quê Một Ngàn Con Đường Quê - Robert James Waller Một Ngàn Con Đường Quê