Hope is important because it can make the present moment less difficult to bear. If we believe that tomorrow will be better, we can bear a hardship today.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: William Colby
Thể loại: Lịch Sử
Nguyên tác: Lost Victory
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Nguyen Ngoc Hai
Số chương: 25
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2424 / 52
Cập nhật: 2017-03-24 12:42:52 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phần VIII: Một Con Đường Tốt Đẹp Hơn
au khi Nam Việt Nam sụp đổ, nhiều điều được tiết lộ về bản chất thực sự của cuộc chiến đã làm những ai trước đây từng chỉ trích nó phải bối rối. Trong bài báo đăng trên báo Nhân dân số ra ngày 1 tháng Tư năm 1976 ở Hà Nội nói về chiến dịch cuối cùng năm 1975 của quân đội Bắc Việt, tướng Văn Tiến Dũng, người chỉ huy chiến thắng, đã nói không úp mở rằng đây là một cuộc đại tiến công quân sự mà trong đó có thể nói là chiến tranh du kích đã không đóng một vai trò nào1. Ông lấy làm mừng khi đội quân của Thiệu, vì thiếu sự hỗ trợ của Mỹ, đã phải tiến hành một cuộc chiến tranh theo kiểu “con nhà nghèo” để chống lại mười bốn sư đoàn thiết giáp Bắc Việt. Với một sự quan tâm đặc biệt, các nhà phân tích của C.I.A. đã thấy trong bài báo nói rằng chiến lược của Bắc Việt là tung ra một cuộc tiến công vào đầu 1975, nhưng coi đó chỉ là sự khởi đầu một chiến cuộc hai năm và chiến cuộc này sẽ đạt tới đỉnh cao vào dịp nước Mỹ bầu tổng thống năm 1976 (trừ phi có một thời cơ nào đó đến sớm hơn). Mà đó lại đúng với phán đoán của C.I.A. về ý đồ của địch trong mùa đông 1974 - 1975.
Vào những năm sau này nữa, nhiều tiết lộ khác đã xác nhận cho sự đúng đắn của những đánh giá của chính phủ Mỹ và Nam Việt Nam mà những người hoà bình ở Hoa Kỳ lúc đó đã coi thường. Một trong những đánh giá ấy đã chỉ ra là từ cuối 1958, cộng sản đã quyết định sẽ tiến hành chiến tranh nhân dân để chống lại tổng thống Ngô Đình Diệm và năm sau sẽ thực hiện. Hai biện pháp đầu tiên sẽ tiến hành năm 1959 là đưa vào miền Nam số người đã tập kết ra Bắc 1954 để xây dựng cơ sở chính trị cho cuộc nổi dậy, và tổ chức một bộ chỉ huy để phụ trách việc mở một con đường sau này sẽ trở thành “đường mòn Hồ Chí Minh”. Một tiết lộ khác xác nhận rằng vào cuối năm 1964, những đơn vị chính quy đầu tiên của Bắc Việt đã được đưa vào miền Nam để khai thác tình trạng hỗn loạn do việc Diệm bị lật đổ gây ra, với ý định là nhanh chóng kết thúc chiến tranh.
Cũng có những lời công nhận rằng trong tất cả các hoạt động do chính quyền Nam Việt Nam tiến hành thì chương trình Phượng hoàng là nguy hiểm nhất cho chiến lược cộng sản và nó gần như đã hoàn toàn cô lập bộ máy chính trị của cộng sản đối với nhân dân Nam Việt Nam. Theo tôi, sẽ là cường điệu nếu nói rằng kết quả đó là do chỉ một mình Phượng hoàng thực hiện. Nhận thức đó có nguyên nhân là do một sự pha trộn lầm lẫn giữa Phượng hoàng với chương trình bình định, một chương trình rộng lớn hơn mà người điều hành là chính quyền Thiệu. Ngoài những hoạt động đích thực riêng của Phượng hoàng, chương trình bình định còn bao quát cả những vấn đề về an ninh lãnh thổ ở nông thôn và tăng cường các chính quyền địa phương. Nó đã đạt được những kết quả mà Bắc Việt gán tất cả cho Phượng hoàng.
Sau khi Nam Việt Nam sụp đổ, những người chịu trách nhiệm và các nhà bình luận, Mỹ cũng như Nam Việt Nam, đã đưa ra những giải thích khác nhau. Tất nhiên có một số người đã nhìn thấy trong cuộc thử nghiệm này - tức cuộc chiến ở Việt Nam - một tấm gương quái gở của thói ngạo mạn và chủ nghĩa thực dân của Hoa Kỳ, khi họ can thiệp vào một cuộc xung đột giữa một bên là chế độ cũ chuyên quyền độc đoán của chủ nghĩa thực dân và một bên là lực lượng cách mạng quốc gia đích thực, mà thắng lợi của lực lượng này là không thể tránh khỏi. Nhưng không một ai giải thích cho thất bại của Nam Việt Nam bởi sự chấm dứt của sự ủng hộ của dư luận Mỹ, gây ra bởi những lời chỉ trích quá đáng và thiên vị của thông tin báo chí Mỹ, những chỉ trích đã cố tình dẫn công chúng tới lầm lẫn. Một số người khác thì chê trách các nhà lãnh đạo Mỹ đã tiến hành cuộc chiến tranh này mà không tiết lộ những ý định của họ cũng như nêu rõ những khó khăn vấp phải, mà lẽ ra nếu được thảo luận công khai thì những cái đó sẽ được làm sáng tỏ. Một số nhà quân sự đã chỉ trích cách làm dần dần từng bước của chính phủ khi họ thi hành chính sách leo thang trong việc tăng quân cũng như đánh phá miền Bắc, trong khi theo họ thì đúng ra Mỹ cần phải đánh cho địch “thẳng cánh”, nói như tướng Curtis Le May, là phải “ném bom miền Bắc để bắt họ phải quay về thời đồ đá”. Với một số người khác nữa, thì họ thấy tốt hơn cả là Mỹ nên dùng quân lập một con đập chắn chạy theo vĩ tuyến 17 từ Đông Dương sang Thái Lan để ngăn chặn mọi con đường chi viện tiếp tế của Bắc Việt vào miền Nam. Việc chống du kích ở miền Nam thì giao cho người Nam Việt Nam, vì chắc chắn họ quen với kiểu chiến đấu này hơn người Mỹ da trắng hay da đen, những người chỉ ở Việt Nam trong một năm.
Như có lần Robert Kennedy đã nói, người ta đã biết quá đủ những sai lầm ở Việt Nam để từng người một thấy được phần trách nhiệm của mình ở trong đó. Cho dù trong lời xem xét này có một phần chân lý thì cũng không vì thế mà nó có thể giúp chúng tôi từ cuộc thử nghiệm bi thảm này những bài học có thể hướng dẫn chúng tôi trong những thử thách tương lai.
Đương nhiên không làm gì có sẵn những “công thức pha chế” học được trong chiến tranh Việt Nam, để cứ thế áp dụng nguyên xi vào các hoàn cảnh khác nhau về chiến tranh, về văn hoá xảy ra nơi này, nơi khác trên thế giới. Nhưng hẳn cũng vẫn có những bài học tích cực cũng như tiêu cực, mà người ta cần phải rút ra trong cuộc thử nghiệm đặc biệt lâu dài và rộng lớn này của cuộc chiến tranh kéo dài ở Việt Nam từ 1959 đến 1975 mà Mỹ đã từng biết. Để vận dụng được những bài học đó, chúng tôi cần phải xác định những bước ngoặt quyết định trong thời kỳ mười sáu năm ấy, những lựa chọn mà chúng tôi đã làm, tính lôgíc và những hậu quả của nó.
Bài học đơn giản nhất là bài học thấy được từ sự khác nhau giữa hai cuộc đối phó của Mỹ và của Nam Việt Nam đối với hai cuộc tiến công năm 1972 và 1975 của Bắc Việt. Như ở trên chúng tôi đã lưu ý, hai cuộc tiến công đó đều tương tự giống nhau - Bắc Việt cũng đánh gần như ở cùng những hướng đó với những lực lượng mạnh và không có những hoạt động du kích đáng kể. Phản ứng ban đầu của Nam Việt Nam cũng giống nhau - quân đội chính quy chống đỡ và thất bại chiến thuật có tính chất địa phương của một số đơn vị cô lập - nhưng kết quả lại hoàn toàn khác và dẫn đến thảm họa: đó là sự sụp đổ cuối cùng của Nam Việt Nam năm 1975. Thực vậy, sự khác nhau thực sự là ở chỗ: sự có mặt của Mỹ. Năm 1972, đối với Nam Việt Nam, Mỹ đã có sự hỗ trợ rất lớn về hậu cần, giúp cho họ cố vấn và trinh sát (mặc dù không có binh sĩ Mỹ tham chiến, bởi năm trăm nghìn lính Mỹ đã về nước trong ba năm trước), đã yểm trợ cho họ rất mạnh về hoả lực không quân đánh trực tiếp vào các mục tiêu quân sự của Bắc Việt. Năm 1975, cả ba yếu tố đó đều đã biến mất và khi chỗ dựa chủ yếu đó mất đi, thì nó đã làm cho quân đội Nam Việt Nam sụp đổ về tinh thần, về kỷ luật và kết quả cuối cùng là thất bại hoàn toàn.
Việc khước từ chi viện hậu cần và hoả lực không quân cần thiết cho Nam Việt Nam phải được coi là một trong ba sai lầm cơ bản nhất mà Mỹ đã phạm phải ở Việt Nam. Thiếu một sự tăng thêm một cách tương đối khiêm tốn về viện trợ của chúng tôi, bao nhiêu năm đổ máu và chấp nhận hy sinh của người Mỹ và Nam Việt Nam đã trở nên vô ích. Tôi không muốn nói rằng nếu không thế thì kết quả nhất định sẽ phải khác đi, nhưng có nhiều cơ may nó sẽ có thể khác, cứ xem như kinh nghiệm năm 1972 thì đủ rõ. Nếu không thì ít ra thất bại năm 1975 cũng có thể hoàn toàn quy cho Nam Việt Nam, chứ không phải do Mỹ đã từ chối giúp đỡ bạn bè trong cơn nguy khốn. Chưa nói các bạn đồng minh cũng như kẻ thù của chúng tôi sẽ có thể rút ra được điều gì từ sự từ chối ấy...
Cũng không phải quá dễ dàng để xác định tại sao Mỹ đã thay đổi vai trò của mình trong những năm 1972 đến 1975. Một trong những lý do chủ yếu là việc Richard Nixon từ chức sau vụ Watergate, trong khi ông đã cam kết sẽ dùng “mọi sức mạnh của mình” để giáng trả lại những vi phạm Hiệp định 1973 của Bắc Việt. Nhưng việc thay đổi tổng thống không phải là một lý do đủ để giải thích, bởi người kế vị ông là Gérald Ford, ông ta cũng đã làm tất cả những gì ông ta có thể làm được để viện trợ cho Nam Việt Nam. Lý do rõ ràng nhất là sự chống đối của quốc hội. Nó đã được thể hiện bởi những cắt giảm nghiêm khắc của quốc hội đối với những khoản ngân sách viện trợ quân sự cho Nam Việt Nam, và qua Luật quyền hành động chiến tranh, quốc hội đã hạn chế quyền điều động quân ra nước ngoài của tổng thống. Quốc hội làm vậy là có một phần do quốc hội nghĩ rằng hoà bình đã thực sự lập lại ở Đông Dương bởi hiệp định 1973 (ít ra cũng đối với người Mỹ). Tuy nhiên việc từ chối sự tham gia nữa của Mỹ còn có những nguồn gốc sâu xa hơn.
Sự phát triển mạnh mẽ của phong trào hoà bình sau Tết 1968, được sù ủng hộ ngày càng rõ rệt của công chúng là xuất phát từ nỗi bất bình của người Mỹ trước những gì họ coi là một sự sử dụng vừa không hiệu quả, vừa tàn bạo, đẫm máu các binh sĩ của chúng tôi vào một sự nghiệp bất công. Những hình ảnh bi thảm của cuộc tổng tiến công Tết đã làm cho người Mỹ ghê tởm. Tiếng vang quá yếu ớt của những thành công mà sau đó chính phủ Nam Việt Nam đã làm được ở nông thôn đã không bác bỏ được hình ảnh của sự thất bại của Mỹ trong ý thức của công chúng. Trách nhiệm về điều đó còn cần phải quy kết cho một sai lầm nghiêm trọng khác nữa của người Mỹ: đó là họ đã quá chú trọng đến việc tiến hành cuộc chiến tranh quân sự theo kiểu Mỹ để chống lại một kẻ địch mà lúc bắt đầu, kẻ địch này đã tiến hành một cuộc chiến tranh nhân dân theo kiểu của họ - một kiểu chiến tranh phù hợp với trình độ của người dân. Rất hiếm khi các binh sĩ Mỹ phát hiện ra kẻ địch ở đâu, và vấp phải kẻ địch vô hình đó, thì thường họ chỉ còn biết chống trả lại địch khi bị tiến công, chứ họ không thể chủ động tiêu diệt địch theo đúng như quy cách của truyền thống quân sự. Vì vậy, binh sĩ Mỹ đâm ra dễ bực tức, nóng nảy và công chúng Mỹ thì cho rằng những nỗ lực của họ chỉ là uổng công, vô ích.
Người ta khó hiểu không biết tại sao người Mỹ lại có thể quên những gì đã xảy ra cho người Pháp ở Đông Dương và Angiêri, cho người Anh ở Mã Lai, và làm ngơ trước những lời khuyến cáo của Mao Trạch Đông, của Khrusov, của Hồ Chí Minh và các cộng sự của ông. Những người này đã nói với Mỹ rằng cuộc chiến tranh ở Việt Nam khác xa với những cuộc chiến tranh mà Mỹ đã tiến hành ở Đức và Triều Tiên. Tuy nhiên, về mặt quan điểm, thái độ ấy chỉ là đặc điểm của Mỹ cho đến khi Kower sinh ra C.O.R.D.S. Song rủi thay những thành công C.O.R.D.S. trong thời kỳ sau Tết 1968 đã không thể địch nổi với ý thức ngày càng mạnh lên trong công chúng Mỹ, đó là họ cho rằng chiến tranh Mỹ làm ở Nam Việt Nam là một sự nghiệp thất bại.
Khuynh hướng “quân đội hoá quá đáng” của Mỹ cũng có thể tìm thấy lời giải thích trong cách nhìn nhận vấn đề chính trị của họ. John Kennedy đã gắng khuyến khích các nhà quân sự hãy trao một vai trò quan trọng hơn nữa cho các lực lượng đặc biệt và cho cuộc chiến chống nổi dậy nhưng cái chết của ông đã chấm dứt sự thúc đẩy đó. Sau đó, Lyndon Johnson nhấn mạnh việc các lực lượng quân sự Mỹ cần phải trông cậy hơn nữa vào “chiến lược chiến tranh làm hao mòn” được Robert Mc Namara ủng hộ, một chiến lược dựa vào ưu thế quân sự của Mỹ để đè bẹp các lực lượng yếu kém của cộng sản. Song ông nhấn mạnh điều đó đến nỗi thế nào rnà Hoa Kỳ lại áp dụng không do dự chính sách leo thang từng bước, nhằm làm cho Hồ Chí Minh hiểu rằng việc làm của ông ta để chống lại sức mạnh của Hoa Kỳ là vô ích, rồi cứ thế lại tích cực leo thang hơn nữa mà không hề nhận thấy ông Hồ chẳng nao núng chút nào. Khi quân Mỹ ở Nam Việt Nam đạt tới con số nửa triệu người mà chẳng có tác động gì cụ thể đối với ý chí và quyết tâm của kẻ thù (và có vẻ như ngay cả với lực lượng của họ) thì đến lượt mình, dân chúng Mỹ đâm ra hoài nghi.
Năm 1965, việc Mỹ quyết định triển khai tất cả sức mạnh của mình có một nguyên nhân riêng của nó, đó là sự sụp đổ trông thấy trước của Nam Việt Nam và Lyndon Johnson không còn cách nào khác để ngăn chặn điều đó. Khi mà John Kennedy có thể tìm ra một cách khác để giải quyết vấn đề khó xử đó, với điều kiện là ông được tái đắc cử năm 1964 và từ bỏ lời cam kết năm 1961 trước đây của ông là “trả bất kỳ giá nào để bảo đảm sự sống còn và thành công của tự do” thì rõ ràng việc lật đổ tổng thống Diệm đã đẩy lùi Nam Việt Nam rơi vào một tình trạng hỗn loạn mà Johnson phải thừa kế. Cần phải thừa nhận cuộc đảo chính lật đổ Diệm là sai lầm đầu tiên của Mỹ ở Nam Việt Nam và có lẽ là sai lầm tồi tệ nhất. Hai sai lầm tiếp theo lựa chọn một kiểu chiến tranh không thích hợp và từ chối cứu giúp một đồng minh trong lúc khốn nguy chỉ là những hệ quả không thể tránh khỏi của nó. Như trước chúng tôi đã nói, ít ra thì vẫn có cơ may là Diệm có thể lặp lại được thành tích năm 1954 - 1955 của ông tức là trấn áp được cuộc nổi loạn của giới Phật giáo cũng như ông đã làm đối với các giáo phái Cao Đài, Hòa Hảo. Rồi sau đó ông đã tập trung vào thực hiện chương trình “ấp chiến lược”, một chương trình tỏ ra là phương pháp hữu hiệu nhất để chống lại kiểu chiến tranh nhân dân của cộng sản.
Chúng tôi cần rút ra những bài học, nhưng không phải vì thế mà chúng tôi muốn nói: Hoa Kỳ cần phải tránh tất cả mọi sự cam kết trong những tình huống cách mạng, hay việc chống nổi dậy là một nghệ thuật nguy hiểm và không thể làm được đối với Hoa Kỳ. Ngược lại, tôi nghĩ rằng đó lại chính là cách thức dễ dàng nhất và ít bạo lực nhất để bảo vệ những lợi ích của chúng tôi và các đồng minh của chúng tôi. Nhưng để làm cơ sở cho những hành động đó, thì một mặt chúng tôi cần hiểu rõ kẻ thù với những chiến lược chiến thuật của họ, và mặt khác, hiểu rõ đồng minh với nền văn hoá, mặt mạnh và mặt yếu của họ. Một cơ sở như thế là cần thiết cho Hoa Kỳ để Hoa Kỳ có thể đề ra những chương trình có khả năng đương đầu với thách thức của kẻ thù, trong khi vẫn tôn trọng những lợi ích và nền văn hoá của đồng minh và đồng thời liên kết, thống nhất được công luận của Hoa Kỳ.
Để vui lòng ủng hộ, người Mỹ cần được biết những kết quả thu được có xứng với công sức của Mỹ bỏ ra không. Khuynh hướng ưa thích tự nhiên của họ là muốn những vụ cam kết nhỏ và ngắn hạn. Tuy nhiên, họ cũng chấp nhận những vụ cam kết quan trọng và ngắn hạn, hay nhỏ nhưng dài hạn, nếu họ tin rằng cuộc chơi ấy cũng bõ công. Là những người thực dụng nên cái mà họ không chấp nhận là một vụ cam kết vừa quan trọng lại vừa dài hạn nhưng chẳng mang lại được một kết quả nào thiết thực và cụ thể. Nhưng dù có lớn, nhỏ hay dài, ngắn ra sao, thì trong những vụ cam kết ấy, người ta vẫn cần phải có một tổ chức bảo đảm thống nhất hành động cho một chương trình rõ ràng chính xác, chứ không phải là một mớ lộn xộn những nỗ lực khiến chúng tôi và các bạn đồng minh phải hoang mang bối rối và chỉ có lợi cho kẻ thù.
Việc quyết định ai sẽ là người lãnh đạo những đất nước xa xôi, nhỏ bé có nền văn hoá khác biệt với chúng tôi không phải là thuộc quyền của người Mỹ. Nhưng để trung thành với những giá trị của mình, tư tưởng dân chủ và quyền con người, chúng tôi cần phải sử dụng ảnh hưởng của mình để làm cho những giá trị ấy thắng thế, song không phải vì vậy mà áp đặt quyền lực của chúng tôi trong những công việc không phải của Mỹ.
Việc chính quyền Reagan lập ra Quỹ trợ cấp quốc gia cho nền dân chủ (N.E.D. = National Endowment for Democracy) là một minh chứng cho sự nhận thức ấy. Được cấp những khoản kinh phí chính thức của quốc hội và hoạt động công khai, tổ chức này chịu trách nhiệm về việc đồng ý cấp những khoản cho vay cho những ai trên toàn thế giới này muốn tìm cách phát triển những chương trình và những thiết chế dân chủ - ví dụ như công đoàn đoàn kết ở Ba Lan hay phong trào chống đối Pinôchê nắm chính quyền ở Chilê.
Trên thực tế, tổ chức N.E.D. đã công khai đem lại cho hành động chính trị sự trợ giúp của C.I.A., mà trước kia, sự giúp đỡ ấy chỉ có thể tiến hành bí mật (bởi lúc ấy, người ta không còn có cách nào làm khác).
Nếu N.E.D. không giải quyết vấn đề cho nhập những viện trợ quân sự và bán quân sự vào những chương trình “dân sự” về viện trợ kinh tế và xã hội, thì không phải vì thế mà giờ đây ý nghĩa chính trị của các vấn đề sẽ kém đi. Nó cũng có nghĩa là Hoa Kỳ sẽ giúp cho những người trong tiến trình chính trị quốc gia để đạt tới những mục tiêu dân chủ được dư luận Mỹ thừa nhận, thay vì cho việc trước đây Mỹ cứ cố điều khiển những công việc nước ngoài theo chiều hướng mà chính quyền Mỹ mong muốn và qua trung gian của bộ máy bí mật của C.I.A. Tất nhiên trong một số tình huống nào đấy mà Mỹ không thể công khai giúp đỡ do bị những chính quyền độc đoán kiên quyết từ chối thì có lẽ người ta cần phải nhờ cậy vào tài năng hoạt động bí mật của C.I.A. Nhưng do có N.E.D. nên người ta chỉ cần phải nhờ cậy vào giải pháp đó khi không còn giải pháp nào khác nữa. Vì vậy, do tính chất bí mật của C.I.A. là thách thức đối với quyền tự do của quốc hội cho nên từ nay việc sử dụng nó vào những nhiệm vụ kiểu như trên sẽ thuộc về quá khứ.
Rõ ràng là trong một số trường hợp, vũ khí và những đội quân đặc biệt hùng mạnh cũng không thể giải quyết được những vấn đề mà Hoa Kỳ đã từng gặp. Việc sử dụng nó trong những hoàn cảnh không thích hợp đã hạ thấp đi giá trị của một hình ảnh về ý chí, về sự khôn ngoan và thông minh mà Hoa Kỳ muốn thể hiện. Đó cũng là trường hợp lính thuỷ đánh bộ Mỹ ở Libăng, ở sa mạc Môt ở Iran, là những sai lầm tai hại trong cuộc xâm chiếm Grônađa và thảm họa tàu Vincennes tại vịnh Ba Tư.
Mặc dù có sự ngập ngừng, nhưng quốc hội đã buộc Lầu Năm góc phải quan tâm hơn nữa đến những chiến dịch đặc biệt, song ở đây người ta vẫn luôn luôn thấy có một sự bất cập về phân tích, về tổ chức và học thuyết khi cần phải đưa vào một chiến lược tổng thể những yếu tố chính trị mà đó lại là điều hết sức quan trọng đối với những cuộc xung đột hiện đại.
Cái yếu của Mỹ đối với vấn đề này thể hiện đặc biệt rõ trong việc loại bỏ vai trò của những hoạt động cảnh sát, mà nhờ vào nó, người ta có thể sử dụng một lực lượng thích nghi với công việc trong khi vẫn nằm trong những giới hạn cho phép của luật pháp. Song với truyền thống không muốn chấp nhận những hoạt động cảnh sát trong hoạt động quân sự của Mỹ, thì việc đưa hoạt động cảnh sát vào chiến lược của Lầu Năm góc là một điều khó. Quốc hội, trong khi cấm Hoa Kỳ không được tham gia vào những chương trình cảnh sát của Mỹ Latinh với cái cớ ở đấy quyền con người bị chà đạp, đã phản ứng một cách đơn giản quá mức: tức tốt hơn là cứ khuyên bảo, lôi kéo họ vào việc thay đổi những phương pháp của họ.
Thí dụ đau đớn nhất về sự bất lực của chúng tôi, khi chúng tôi muốn kết hợp những nỗ lực dân sự và quân sự của mình vào nỗ lực chung của Mỹ ở nước ngoài, là đài tưởng niệm những người hy sinh ở Việt Nam dựng bên đài tưởng niệm Lincoln ở Washington. Mặc dù xây thấp một cách lạ lùng, bức tường gây xúc động ấy mang tên năm mươi tám nghìn người Mỹ chết trong chiến tranh Việt Nam. Bức tường ấy tôn vinh những người đã chết cho dù họ có chết cho một sự nghiệp như thế nào. Nhưng trên bức tường ấy người ta chỉ thấy ghi tên những binh sĩ chết trận. Còn những nhân viên dân sự, những người đã ngã xuống trong khi họ làm nhiệm vụ sát cánh với bên quân sự trong khuôn khổ của C.O.R.D.S. hay một số chương trình khác, thì họ đâu có quyền được hưởng vinh dự đó. Chứng cớ cụ thể là John Paul Vann không có tên trong danh sách, mặc dù anh chính là người chỉ huy tất cả các người Mỹ, cả dân sự và quân sự, ở Vùng chiến thuật một chống lại cuộc tiến công 1972 của cộng sản. Điều đó đã chứng tỏ sự tồn tại dai dẳng của một quan điểm Mỹ: người ta đã tiến hành ở Việt Nam một cuộc chiến tranh của những người lính, chứ không phải một cuộc chiến tranh nhân dân.
Nếu đó là kết luận rút ra được từ mười sáu năm đánh dấu bằng thảm họa tháng Tư năm 1975, thì tôi nhìn thấy ở đấy một thất bại kép. Thất bại này có nghĩa là, chúng tôi và đồng minh của chúng tôi không thể chỉ thất bại trước sự đe doạ của cộng sản, mà chúng tôi còn thất bại trong cả một quá trình hiểu biết tình hình. Sau nhiều năm thử thách với biết bao sai lầm, chúng tôi cuối cùng đã học được cách kết hợp các nỗ lực quân sự, chính trị và kinh tế của chúng tôi để theo đuổi một chiến lược duy nhất và bảo đảm thực hiện nó. Nhưng cứ sau mỗi năm mang lại hy vọng - như 1962, 1967, 1972 thì chúng tôi lại có những chập chờn, dao động không xứng đáng với một cường quốc lớn, và những chập chờn dao động ấy đã kết thúc bằng những năm tai hoạ, như 193, 1968 và 1975.
Khi tôi bắt tay vào suy nghĩ về những bài học ở Việt Nam, dần dần một ý nghĩ xuất hiện trong tôi là, những cương vị công tác mà tôi phụ trách trong mười sáu năm đó đã giúp cho chúng tôi có được cái nhìn đặc biệt để phân tích cuộc trải nghiệm của chúng tôi ở Việt Nam. Điều đó diễn ra như thế nào và tại sao nó lại có thể khác nhau. Nếu tôi có thể góp phần vào việc tìm ra một con đường tốt hơn cho những hành động của Mỹ ở nước ngoài trong tương lai, thì những đau khổ mà biết bao người đã phải chịu đựng trong bấy nhiêu năm sẽ không phải hoàn toàn vô ích. Một công việc như thế không nên dẫn tới việc chê trách ai hay tìm cách để tự thanh minh. Thậm chí ngay cả khi nếu tôi có vài ý kiến hay về cách điều hành chiến tranh nhân dân, thì tôi cũng không thể vận dụng nó vào thời cơ và đúng với quy mô nó cần phải có. Cũng như Robert Kennedy đã nói rất chí lý rằng, trong cuộc chiến tranh của chúng tôi ở Việt Nam, mỗi người chúng tôi đều có một phần trách nhiệm.
Thách thức đối với Mỹ là đề cập vấn đề quan hệ với bạn bè cũng như với kẻ thù như thế nào, trong khi phải chú trọng đến những bài học thực sự đã có được ở Việt Nam. Điều đó đương nhiên chẳng thể làm cho những người chết sống lại và cũng chẳng thể xoá đi được những cơn hấp hối cuối cùng là sự thất bại. Nhưng nó cũng có thể ngăn chặn được, không thể cho một kết cục giống như thế lại tái diễn ở một nơi nào khác nữa.
Trong khi tôi đang viết cuốn sách này, nhiều đảo lộn rất ấn tượng đã diễn ra trên thế giới. Có cái thì hứa hẹn sự giảm bớt căng thẳng trong quan hệ quốc tế và trong những ngân sách quân sự. Có cái thì chứng tỏ những cảm tình của con người đối với những thiết chế và những quá trình dân chủ... Và cũng có những cái chứng tỏ một sự cải thiện rõ rệt về chiều hướng và ý thức trách nhiệm trong những công việc quốc tế, và sự thừa nhận một nhu cầu ngày càng tăng đối với việc cần phải hợp tác với nhau để giải quyết những vấn đề trên toàn cầu. Nhưng trong những thay đổi ấy, không có một thay đổi nào bảo đảm cho nền an ninh, cũng như sự thịnh vượng của nước Mỹ. Sự bảo đảm ấy, chúng tôi chỉ có thể có được bằng cách dựa vào chính mình và trong một thế giới mà giờ đây quyền lực bị phân tán hơn bao giờ hết, chúng tôi cũng có thể dựa vào các đồng minh của chúng tôi. Và với tinh thần ấy, chúng tôi sẽ vô cùng có lỗi nếu chúng tôi không coi trọng những gì mà Việt Nam đã dạy cho chúng tôi: đó là tầm quan trọng hàng đầu của “quyền lực nhân dân”, ở nước Mỹ chúng tôi cũng như ở các nước khác trên thế giới.
HẾT
Chú thích
1. Tác giả đã xuyên tạc ý của Đại tướng. Thực tế trong Tổng tiến công xuân 1975, quân chủ lực của ta đóng vai trò nòng cốt nhưng vẫn kết hợp chặt chẽ với lục lượng vũ trang và sự nổi dậy của quần chúng (N. D).
Một Chiến Thắng Bị Bỏ Lỡ Một Chiến Thắng Bị Bỏ Lỡ - William Colby Một Chiến Thắng Bị Bỏ Lỡ