To acquire the habit of reading is to construct for yourself a refuge from almost all the miseries of life.

W. Somerset Maugham

 
 
 
 
 
Tác giả: William Colby
Thể loại: Lịch Sử
Nguyên tác: Lost Victory
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Nguyen Ngoc Hai
Số chương: 25
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2424 / 52
Cập nhật: 2017-03-24 12:42:52 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phần VII: Chiến Thắng Bị Bỏ Lỡ - Chương 1: Người Mỹ Cút Khỏi!
ùa xuân 1971, tôi bắt đầu nhận ra một yếu tố mới của chiến tranh - đó là sự lây lan của phong trào hoà bình ở Hoa Kỳ. Trước đây đương nhiên nó đã có, cùng với việc Mỹ đưa quân sang Campuchia năm 1970, nhưng lúc đó nó chỉ là một sự phản kháng không rõ ràng và phi lý chống lại một nỗ lực mà có ở tại chỗ mới biết là xác đáng, khi chúng tôi cần phải đưa quân sang đấy để quét sạch các căn cứ của cộng sản nằm dọc biên giới Nam Việt Nam. Sau này khi Khơme đỏ đã giành được thắng lợi, những tội ác khủng khiếp của chúng đối với nhân dân Campuchia mà những tin tức dần dần lọt được ra ngoài - nếu như nó có thể lọt ra được - đã làm cả thế giới phải bàng hoàng kinh tởm, nhưng vào đầu những năm 70 thì khả năng sẽ xảy ra những tội ác ấy đã không hề lọt vào tâm trí những chiến sĩ hoà bình ở Mỹ. Lúc ấy, con mắt của họ chỉ chăm chăm soi mói vào những sai lầm của người Nam Việt Nam và Mỹ ở Đông Dương.
Chúng tôi, những người có mặt ở Việt Nam, tất nhiên chúng tôi chỉ quan tâm đến tình hình Việt Nam. Người Mỹ rút quân về nước, chương trình bình định tiến hành suôn sẻ, quân đội Nam Việt Nam trở nên đủ mạnh để tự bảo vệ lấy mình và có vẻ như cuối cùng chiến tranh sẽ có khả năng có một kết quả tích cực sau những năm tháng khủng khiếp ấy. Một số vụ việc xảy ra ở Hoa Kỳ, như cái chết của bốn sinh viên của trường đại học Kent (Kent State University) ở Ohio, bị sát hại năm 1970 bởi quân của trung đoàn cảnh vệ quốc gia, đã chứng minh một cách không thể chối cãi được tinh thần phản đối chiến tranh mạnh mẽ của người Mỹ. Chúng tôi thương tiếc cho những người bị chết ấy, cũng như cho bao nhiêu người khác chết trong chiến tranh, và những mất mát ấy đã khẳng định cho chúng tôi một điều mà chúng tôi đã biết: đó là chúng tôi đã chẳng còn mấy thời gian để hoàn thành công cuộc bình định và Việt Nam hoá trong chiến tranh Việt Nam.
Một số vấn đề khác liên quan tới phong trào phản chiến xuất hiện ở Việt Nam và đó là điều rất đáng lo ngại. Một trong những vấn đề đó là nạn nghiện ma tuý trong binh lính Mỹ ở Việt Nam. Một tai hoạ nguy hiểm khác là số các vụ “fragging” ngày càng tăng (“fragging” là hành động sát hại sĩ quan của binh lính Mỹ, bằng cách khi ra trận, họ để lăn lựu đạn nổ về phía sau lưng các sĩ quan).
Sự xói mòn ý chí bên nước Mỹ đã làm xói mòn kỷ luật và tinh thần của số binh sĩ Mỹ cuối cùng còn ở lại Nam Việt Nam.
Cá nhân tôi cũng đã từng biết đến tinh thần phản chiến của binh sĩ chúng tôi tại Việt Nam và tôi đã hiểu được mức độ nông sâu của nó ra sao. Trong một lần đi thăm nông thôn như thường lệ tôi vẫn làm, tôi đã trò chuyện với một anh lính Mỹ đang đứng gác trước một đồn binh vào lúc hoàng hôn. Anh lính thú thực anh không hiểu tại sao anh và tôi lại phải có mặt ở Việt Nam. Tôi trả lời, theo kinh nghiệm của một người đã tham gia Chiến tranh thế giới thứ hai, chúng tôi có mặt ở đây là để bảo vệ đất nước chúng tôi và các bạn đồng minh chống lại sự lan tràn của mối đe doạ cộng sản và chúng tôi làm việc đó ở đây chính là để khỏi một ngày nào đó, chúng tôi lại phải chống mối đe doạ ấy ở ngay trên đất nước chúng tôi. Anh lính không đồng ý với tôi và nói chúng tôi chỉ chiến đấu khi nào nước Mỹ phải trực tiếp dính líu vào cuộc chiến.
Tôi liền hỏi theo ý anh ta, chúng tôi có cần phải chiến đấu ở Châu Âu hay Canada không. Cả hai trường hợp, anh đều trả lời không. Khá ngạc nhiên, tôi lại hỏi, anh, một người sinh trưởng ở New Jersey, anh có chiến đấu ở Maine không. Anh vẫn giữ vững quan điểm là “không”. Tôi bỏ rơi câu chuyện, chỉ chúc anh ta quyết tâm tốt để hoàn thành nhiệm vụ được giao ở một đất nước xa xôi. Tôi tin chắc anh sẽ làm tròn bổn phận của anh và cố gắng tới mức tốt nhất để canh giữ cho chúng tôi được bình yên, nhưng tôi không khỏi băn khoăn về trình độ suy nghĩ của anh ta.
Nhưng tôi thực sự có được kinh nghiệm trực tiếp về phong trào phản chiến ở Hoa Kỳ là trong chuyến trở về Washington tháng Tư năm 1971, để làm chứng về sự trợ giúp của chúng tôi đối với những người tỵ nạn trước tiểu ban những người tỵ nạn do thượng nghị sĩ Edward Kennedy của ban pháp lý thượng viện chủ trì. Ở Washington, quyền xét xử những gì liên quan đến chương trình những người tỵ nạn về phương diện hành pháp là thuộc về Cơ quan phát triển quốc tế, và ở thượng viện, là thuộc ban pháp lý, cơ quan hiển nhiên sẽ kiểm soát chính sách nhập cư ở Mỹ. Ở Việt Nam, chương trình này được đưa vào C.O.R.D.S. để bảo đảm sự phối hợp giữa hoạt động của nó với chương trình bình định và bên quân sự, trong khi một bộ của chính phủ Nam Việt Nam sẽ quản lý các trại tỵ nạn và phân phối các khoản trợ cấp cần thiết. Vậy tôi là người phát ngôn thích hợp để làm chứng trước ban tỵ nạn của thượng viện khi ban cần được biết về những gì người ta đã làm đối với những người tỵ nạn ở Việt Nam với nguồn trợ cấp của Mỹ. Để chuẩn bị cho chuyến đi, tôi đã đi thăm tất cả các trại tỵ nạn đã thu hút sự quan tâm của ban để khi trở về Mỹ tôi có thể nói về nó một cách đúng là đã mắt thấy tai nghe.
Trong khi tôi đang nói trước tiểu ban thì một nhóm chiến binh, râu ria xồm xoàm và ăn mặc rằn ri, bắt đầu la hét ầm ĩ ở cuối phòng, buộc tội tôi là kẻ nói láo và là kẻ bênh vực cho chính sách diệt chủng của Mỹ. Điều đó chẳng đặc biệt làm tôi lo ngại, bởi Edward Kennedy đã nói với mọi người là trật tự sẽ được thiết lập lại trong cuộc họp.
Điều phiền toái nhất lại là bầu không khí “siêu thực” toát lên từ những cuộc thảo luận, mà ở đấy các hành động của Mỹ và Nam Việt Nam bị đối xử cứ như thể ở Việt Nam, người ta chẳng hề có kẻ thù nào? Đã nhiều lần Kennedy cố quy kết rằng nếu đã có những người tỵ nạn, thì điều đó ắt phải do hành động của Mỹ. Cứ mỗi lần tôi chứng minh phần lớn những trường hợp được nêu ra là liên quan đến một hành động quân sự mà Nam Việt Nam trả đũa cho hành động tấn công của cộng sản (một số lớn quân đội Mỹ lúc đó đã trở về nước) thì Kennedy lại vin vào câu “có sự trợ giúp của Mỹ” để quy kết trách nhiệm.
Tôi lại phải bác lại rằng “Những hành động đó chủ yếu là của người Việt Nam”. Edward Kennedy lại ám chỉ đến một sự kiện “ở khu vực Mỹ Lai” (nơi một đơn vị của một trung đoàn Mỹ đã tàn sát dân thường Việt Nam năm1968) và tôi đã phải nói rõ sự kiện đó xảy ra cách Mỹ Lai ba, bốn mươi kilômét cho nên việc “dẫn chứng” về nó là không thể chấp nhận được dù nó có thảm khốc thế nào. Tôi cũng phải lưu ý mọi người đến một sự kiện hiển nhiên là: Gây nên những cuộc di tản lớn nhất cho đến lúc này chính là cuộc tiến công Tết 1968 của cộng sản.
Khi tôi gắng giải thích nhiều triệu người tỵ nạn đã được cứu giúp, ít ra cũng ở một mức độ nào đấy, bởi những chương trình nhà nước của chính phủ Việt Nam trong mấy năm vừa qua và phạm vi của những chương trình ấy không chỉ liên quan đến những người tỵ nạn mà nó còn quan tâm đến cả những “nạn nhân chiến tranh” (Tức dân thường bị thương nhưng sống tại nhà), thì Kennedy lại “đả” vào chỗ quy mô bé nhỏ của chương trình cứu tế xã hội ấy. Chương trình mà năm qua chúng tôi đã cố gắng tăng lên song tất nhiên làm sao lại có thể địch nổi với chương trình cứu tế của bang Massachusetts.
Sau đó chúng tôi tranh luận về việc có nên sắp xếp lại chỗ ở cho những người dân để tránh cho những xóm làng cô lập của họ khỏi bị vướng vào vòng bom đạn của đôi bên không. Khi tôi định nêu lên chính sách của tổng thống Thiệu hoặc bảo đảm an ninh cho dân trong phạm vi cố gắng tới mức tối đa hoặc cứ bỏ mặc dân cho số phận của họ, thì mấy vị trong tiểu ban lại đưa ra trước một số sai lầm, khuyết điểm trong thực hiện chính sách ấy (mà chúng tôi đã biết và cố gắng sửa chữa) và coi như thế đã là quá đủ để làm cho toàn bộ chính sách trở nên vô hiệu.
Tôi có mang theo một cánh đuôi đạn súng cối 82 định sẽ đưa ra để chứng minh cho thủ đoạn mà cộng sản áp dụng, tức là bắn súng vào các trại tỵ nạn khiến dân phải quay về quê cũ để từ đó lại sử dụng họ. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, tôi quyết định thôi, bởi làm thế chỉ tổ gây thêm tranh cãi và nó cũng chẳng tác động gì đến không khí chung và có thể còn làm hại cho ấn tượng mà tôi muốn gây ra... Sự lựa chọn của tôi đã có lời, bởi khi kết luận phần trình bày của tôi, Edward Kennedy đã tuyên bố tôi đã làm “một công việc rất cừ khi bào chữa cho một chính sách không thể bào chữa được”. Tuy nhiên cái hố ngăn cách vẫn còn dai dẳng tồn tại, giữa một bên là những nỗ lực để giải quyết vô vàn những vấn đề ở Việt Nam của chúng tôi, với một bên là những đòi hỏi cái gì cũng phải hoàn hảo ngay tức khắc của nước Mỹ. Tất cả những cái không hay, những cái xấu đều bị gán cho những hành động của Mỹ và Nam Việt Nam.
Như đổ thêm dầu vào lửa, ngày 13 tháng Sáu năm 1971, “Hồ sơ mật của Lầu Năm góc” ra mắt độc giả, có kèm theo quyết định của Toà án tối cao cho phép nó được công bố toàn văn mặc dù chính phủ Nixon ra sức phản đối. Tôi không chê trách gì sự đúng đắn hay tính chính xác của nó, mà cái đáng trách ở đây là tác động của tập hồ sơ khi nó dừng lại vào tháng Năm năm 1968, nghĩa là đúng vào lúc mà C.O.R.D.S. bắt đầu công việc. Vậy là, với thời gian như trên, Hồ sơ mật chỉ nói về thời kỳ Diệm và sự sụp đổ của nó, những chính phủ kế tiếp nhau với một nhịp độ chóng mặt, sự gia tăng của các lực lượng quân sự Mỹ và cuộc tiến công nguy kịch của cộng sản tết 1968. Hồ sơ mật kết thúc việc mô tả sự hình thành của C.O.R.D.S. bằng một giọng điệu lạc quan: “Ít ra thì C.O.R.D.S. cũng được lãnh đạo và tổ chức tốt hơn, và điều đó trong tương lai sẽ có thể tạo ra được một nỗ lực có hiệu quả hơn và đạt nhiều thành công hơn”. Cùng với thời gian, nhận xét đó hẳn được công nhận là đúng. Nhưng việc công bố những tài liệu ấy lại có tác động chính là thu hút sự chú ý của công chúng vào một thời kỳ hỗn loạn và vô hiệu quả trong chỉ đạo chiến tranh mà kế tiếp sau đó là năm 1968 và những thành công đầu tiên, làm mạnh thêm một ý thức đã ăn sâu trong đầu óc mọi người là cuộc chiến tranh này quả là vô ích.
Khi rời Việt Nam vào hạ tuần tháng Sáu năm 1971, tôi đã trao lại tập chương trình C.O.R.D.S. cho người phụ tá rất đắc lực của tôi là George Jacobson. George đã lãnh đạo C.O.R.D.S. cho đến khi có hiệp định lập lại hoà bình năm 1973 và tổ chức này giải tán, nhưng anh vẫn còn ở lại Việt Nam cho đến tận tháng Tư năm 1975.
Tôi ý thức được đầy đủ phong trào đòi hoà bình khi tôi trở về Mỹ năm 1971. Vào tháng Bảy, tiểu ban các chương trình ở nước ngoài và tiểu ban Thông tin thuộc ban chương trình nhà nước ở nước ngoài của thượng viện quyết định tổ chức một buổi nghe điều trần về các chương trình cứu trợ của chúng tôi ở Việt Nam. Không khí cuộc họp như một ngọn roi quất thẳng vào tôi. Mới đầu người ta đề cập đến cuộc chiến ở Việt Nam bằng một đề tài vô vị là việc cấp kinh phí cho công việc của C.O.R.D.S. Một nhóm của G.A.O. (General Accounting Service - Cục Tài chính kế toán), vừa trở về từ Việt Nam sau một chuyến đi xem xét tình hình, đã ngạc nhiên khi thấy tôi không biết chương trình của tôi đã tiêu tốn của nhà nước mất bao nhiêu đô la. Họ đã phải cố tỏ ra tin khi tôi thú thực chúng tôi chỉ biết làm sao để giành thắng lợi cho chiến tranh hơn là cứ ngồi mà tính với đếm. Nhưng để bù trở lại, tôi cũng nhượng bộ khi tôi nói với họ rằng, bây giờ mọi sự đã tương đối ổn để từ nay chúng tôi có thể có những quan tâm nào đấy đối việc tính toán và kiểm tra tài chính của chúng tôi.
Tiểu ban của thượng viện sau khi nói dăm câu ba điều về chuyện này, cũng quay ra phát biểu, giống như thượng nghị sĩ Kennedy, về những lo ngại của họ xung quanh vấn đề những người tỵ nạn và nạn nhân chiến tranh thường dân. Tuy nhiên, có hai vị đại biểu đã tấn công dữ dội vào Phượng hoàng. Một trong hai ông là Paul Mc Closkey, dân biểu California. Ông đã đến thăm Việt Nam và ở đấy người ta đã cử Frank Scotton, một trong những sĩ quan ưu tú của C.O.R.D.S., nói rất thạo tiếng Việt và là người được U.S.I.A. bổ sung cho chương trình, đi theo ông. Tôi đã dặn Scotton cứ để cho Mc Closkey muốn xem gì thì xem, nói hết sự thật cho ông cho dù sự thật đó có đau lòng, nhưng cần cố gắng làm cho ông ta nắm được ý nghĩa của tầm cỡ cũng như bối cảnh đích thực của cuộc chiến tranh mà trong đó chúng tôi hoạt động. Song Mc Closkey chẳng muốn nghe gì về điều đó mà ông chỉ chăm chăm nhòm ngó vào những chuyện vụn vặt để sau này có thể giúp cho ông đánh vào chương trình.
Người thứ hai là Ogden Reid, dân biểu của New York. Ông muốn biết Phoenix có đáp ứng đầy đủ những tiêu chuẩn pháp lý của Hiến pháp Hoa Kỳ không, ví dụ như quyền có luật sư bào chữa hay quyền được xét xử trước một toà án... Vì cả ông và tôi đều biết về luật hiến pháp (chúng tôi cùng tốt nghiệp luật ở đại học Columbia), nên tôi thẳng thắn trả lời rằng điều đó không áp dụng trong Phoenix, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng cải thiện những thủ tục của nó. Lý lẽ mà theo đó trong một cuộc chiến tranh, người ta chủ yếu là cố gắng bắt sống được địch, kêu gọi địch đầu hàng hay cứ đơn giản là chỉ việc tiêu diệt đi, thì điều đó kẻ thù của chúng tôi ở Việt Nam chẳng mấy quan tâm. Quan điểm của họ rất đơn giản: họ cho rằng ở Việt Nam lẽ ra không nên có chiến tranh và chiến tranh sẽ không xảy ra nếu người Mỹ không có mặt ở đó.
Tôi tiết lộ từ những bước khởi đầu của chương trình Phoenix vào năm 1968 đã có 28987 cán bộ của hạ tầng cơ sở Việt cộng bị bắt giữ, 17717 xin quy hồi và 20587 bị chết. Tôi giải thích rõ những cái chết đó xảy ra là “chủ yếu” trong những lúc chiến đấu.
Sự khẳng định này dựa vào tỷ lệ 87,6 phần trăm số chết này là do lực lượng chính quy hay bán vũ trang gây ra, còn số do cảnh sát và lực lượng không chính quy thì chỉ chiếm 12,4 phần trăm. Ông Reid liền hỏi: “Ông có dám khẳng định dứt khoát Phoenix chưa bao giờ sát hại thường dân một cách có chủ định ngoài một trận chiến đấu không?”.
Không, tôi đáp. Tôi không thể khẳng định điều đó, nhưng tôi nghĩ rằng nó thường xảy ra. Tôi không thể nói với ông “chưa bao giờ”, mặc dù Phoenix, với tư cách là một chương trình, không bao giờ lại làm thế. Nhân viên của chương trình, và thuộc cấp của họ, có thể đã làm, nhưng Phoenix với tư cách là chương trình, không phải được tổ chức ra để làm việc đó.
Sau đó chúng tôi tranh luận trực tiếp về một đề nghị do ông Reid nêu ra. Đó là Hoa Kỳ có nên chấm dứt giúp đỡ cho chương trình Phoenix không. Tôi phản bác lại đề nghị ấy nói rằng nếu chúng tôi không chấp nhận chương trình Phoenix thì chúng tôi cần phải đi xa hơn nữa, tức là phải sử dụng ảnh hưởng của chúng tôi để chấm dứt nó. Nhưng theo ý tôi, Phoenix sinh ra là để giải quyết một số vấn đề và nó cần phải được tiếp tục. Tôi nói thêm:
Thưa ông nghị sĩ, tôi đã nhiều lần nói rằng bất hạnh thay, số phận không dành cho người Việt Nam được sống sung sướng trong tương lai. Sự yên ổn của họ sẽ bị Bắc Việt và Việt cộng đe dọa trong nhiều năm. Họ đã có một số thành công và thất bại. Nhưng tôi cho rằng, chắc chắn họ sẽ có khả năng sống được trong tương lai mà không cần người Mỹ phải có mặt như những năm trước đây.
Một hay hai ngày sau gì đó, một cựu binh Mỹ đến làm chứng sau tôi, ông M.K. Barton Osborn. Ông phác lên một bức tranh vô cùng ấn tượng và đẫm máu về vai trò của ông, vai trò “phụ giúp bên ngoài cho chương trình Phoenix” và nói rõ ông thuộc đơn vị nào, nhưng khẳng định ông đã làm việc với “lính thuỷ đánh bộ và quân đội Mỹ”, tuy rằng “chưa bao giờ làm việc với người Việt Nam, bất kỳ dưới danh nghĩa nào”, và đó là điều khiến người ta thấy rõ ông không thể nào làm việc được với Phoenix, vì theo xác định thì Phoenix chính là chương trình của người Việt Nam và hoạt động với sự giúp đỡ của các cố vấn Mỹ. Tuy nhiên ông Osborn nói rõ ông đã rời Việt Nam vào năm 1968, tức vào lúc chương trình Phoenix bắt đầu tiến hành trong khuôn khổ của chiến dịch bình định cấp tốc. Do vậy điều đó càng làm rõ những hoạt động của Osborn chẳng có dính dáng gì đến Phoenix hết. Nhưng không vì thế mà lời chứng kinh khủng của ông - đã có những tù binh và tình nghi Việt cộng bị ném từ trên không xuống từ máy bay trực thăng của chúng tôi và vì có những con số mà tôi đưa ra, nên nó đã tạo nên một trong những hình ảnh ghê tởm và sai lầm nhất về chiến tranh ở Việt Nam, như chương trình Phoenix dưới sự chỉ đạo của tôi đã sát hại khoảng hai mươi nghìn người Việt Nam.
Và người ta cứ nghĩ thế mặc dù tôi đã nói rõ: số người chết thống kê được là xảy ra trong khuôn khổ những hoạt động quân sự và trong số những người ngã xuống chiến trường người ta nhận ra được những người mà người ta biết cán bộ của bộ máy cộng sản. Cái khó của tôi là tôi không thể và tôi không muốn khẳng định được là không hề có những lầm lẫn. Cũng như vậy, các nghị sĩ không biết hay không muốn biết nêu lên những yếu tố mà trong lời khai của mình, các nhân chứng đã tự mâu thuẫn với mình, các ông cứ nuốt lấy không cần đắn đo câu chuyện về những sai lầm chết người của chúng tôi và sau đó giới báo chí lại đồng thanh nhắc lại. Tôi tìm được đôi chút an ủi khi ngày hôm sau, trong bài báo của mình, tờ New York Times đã nêu lại những số liệu của tôi, đã tường thuật một cách trung thành buổi điều trần và lưu ý “mặc dù có những tổn thất về phía dân thường” tôi vẫn bảo vệ cho chương trình. Bài báo cũng thừa nhận, với một thái độ “bình tĩnh và kiên nhẫn”, tôi đã giải thích rằng “chương trình được đề ra là nhằm bảo vệ nhân dân Việt Nam chống lại chủ nghĩa khủng bố”.
Một năm sau, báo cáo cuộc điều trần mới được tiểu ban công bố và vì điều đáng quan tâm nhất của báo cáo nằm ở chỗ những gì nó không nói chứ không phải ở chỗ nó nói, cho nên báo cáo đã không được báo chí quan tâm. Ý kiến duy nhất của tiểu ban liên quan đến chương trình Phoenix là bộ trưởng Quốc phòng phải mở một cuộc điều tra những lời cáo buộc về hành vi tội ác của quân đội Mỹ đối với thường dân Việt Nam. Tiểu ban cũng biểu thị sự lo ngại của mình đối với những vấn đề của Phoenix mà tôi đã biết và các êkíp cố vấn đã cố gắng sửa chữa, nhưng tiểu ban không đưa ra một kiến nghị nào về việc chúng tôi phải chấm dứt chương trình cũng như ngừng giúp đỡ cho chương trình.
Tiểu ban và các người cộng tác, sau khi xem xét kỹ cuộc điều trần, hẳn là đã kết luận rằng lời khai của nhân chứng cuối cùng - tức Barton Osborn mặc dù rất ấn tượng song nó không đủ để cáo giác chương trình Phoenix, cho dù có một số sự việc đã xảy ra mà tất nhiên người ta cần phải điều tra tiếp. Các cơ quan thông tin đại chúng và phong trào hoà bình đã chẳng buồn chú ý đến những kết luận tinh tế đó mà cứ loan truyền đi những lời cáo buộc tai hại của nhân chứng và nhập nó vào một cục với chương trình Phoenix. Tất nhiên, cứ xem cách diễn ra cuộc điều trần thì nhiều người Mỹ, kể cả hai nghị sĩ đã hỏi tôi, đều hoàn toàn chống lại với những gì chúng tôi cố làm ở Việt Nam. Họ muốn, phù hợp với khẩu hiệu của phong trào hoà bình (“Mỹ rút ra khỏi Việt Nam”), rằng chúng tôi phải rút khỏi Việt Nam vô điều kiện và chẳng cần phải đếm xỉa gì đến dư luận của người Việt Nam.
Trong cuốn sách này, tôi đã bỏ sót không nói về những nỗ lực bằng con đường ngoại giao để giải quyết chiến tranh. Không phải vì sơ ý hay vì vấn đề này đã vượt ra khỏi tầm hiểu biết của tôi, cả khi tôi ở Việt Nam hay lúc tôi ở Washington, mà cái chính là tôi tin - và đến nay tôi vẫn thế rằng giải pháp ấy tuyệt đối không thích hợp với cuộc chiến tranh ở nông thôn. Bởi tôi tin là các nhà lãnh đạo Bắc Việt Nam muốn thôn tính Nam Việt Nam và sẽ không chấp nhận bất cứ cái gì khác ngoài chiến thắng nếu như đàm phán có diễn ra. Họ đã chứng tỏ quyết tâm tiếp tục chiến tranh, dù cái giá phải trả bằng sinh mạng có lớn đến đâu. Tôi biết rằng những thuyết phục hay mặc cả ngoại giao đều không làm họ sao lãng được mục tiêu của họ.
Nhiều lần các nhà lãnh đạo nước Mỹ - tổng thống Johnson, tổng thống Nixon, cố vấn Kissinger, cùng các phụ tá và các nhà ngoại giao của họ - đã dự tính thông qua Liên Xô để làm cho Bắc Việt chấp nhận một thoả thuận. Nhưng theo tôi, một giải pháp như vậy đã không tính đến quyết tâm của Bắc Việt cũng như tài khéo léo của họ trong tranh thủ sự giúp đỡ của Liên Xô, Trung Quốc mà với mỗi bên, họ đều tranh thủ được sự ủng hộ tối đa. Bắc Việt đã biết kiếm lời trong cuộc ganh đua thường xuyên giữa hai ông khổng lồ của thế giới Cộng sản (cách mạng văn hoá của Mao chống lại chủ nghĩa xét lại Liên Xô), những người ai cũng muốn giành lại cho mình địa vị nhà quán quân của sự nghiệp cộng sản trên toàn thế giới. Bắc Việt đã lôi kéo cả hai người vào một cuộc chạy đua mà ai cũng muốn chứng tỏ mình là người mang đến cho Bắc Việt sự ủng hộ tốt nhất, mà đương nhiên tiền đặt cọc là những món viện trợ cho Hà Nội.
Ở C.I.A., một số chuyên gia về phản gián đã nghĩ rằng cuộc tranh chấp về tư tưởng giữa Liên Xô và Trung Quốc ấy chỉ là một trò dàn cảnh nhằm làm cho Phương Tây mơ hồ về họ và thúc đẩy sự nghiệp cộng sản tiến lên. Nhưng cá nhân tôi, tôi cho rằng nó đúng như cái gì nó có, nghĩa là nó phản ánh một cuộc tranh cãi lý luận trong nội bộ và những mâu thuẫn dân tộc đặc trưng trong quan hệ Xô - Trung từ nhiều thế kỷ nay. Những người Bắc Việt Nam, phải, chính họ, đã nhìn thấy ở đấy một cơ hội để khai thác những món lời quý báu dưới dạng phương tiện chiến tranh. Tôi tin rằng Liên Xô đã không có đủ ảnh hưởng để thuyết phục Bắc Việt chấm dứt các hoạt động của họ chống lại Nam Việt Nam.
Do đó không mấy quan tâm đến các cuộc vận động bí mật hay các cuộc tiếp cận trực tiếp với Matxcơva đã làm các nhà lãnh đạo Mỹ sao nhãng cuộc chiến tranh Việt Nam giữa những năm 60. Thậm chí ngay cả khi các cuộc đàm phán chính thức bắt đầu ở Paris năm 1968, tôi vẫn cảm thất chắc chắn rồi sẽ không có một sự thoả hiệp nào giữa đôi bên bằng con đường ngoại giao. Bắc Việt đã được cổ vũ bởi kinh nghiệm của họ trong cuộc chiến tranh chống Pháp. Quyết tâm không gì lay chuyển nổi của họ cuối cùng đã đánh bại ý chí chiến đấu của người Pháp năm 1954, và Paris đã phải nhượng bộ họ rất nhiều, nhiều hơn tất cả những gì họ đã thực tế làm được ở Điện Biên Phủ. Một yếu tố khác nữa cũng đã khuyến khích Bắc Việt không nên nhượng bộ dù chỉ một ly một tý trong những năm 60 và 70: sự thoả hiệp mà họ đã chấp nhận ở Genève năm 1954 dưới sức ép của Liên Xô và Trung Quốc đã dẫn họ tới chỗ để tuột mất cơ hội giành thắng lợi hoàn toàn và “không thể tránh khỏi” mà họ hy vọng. Ngô Đình Diệm, trái với mọi chờ đợi, đã tỏ ra có khả năng vực dậy Nam Việt Nam với sự giúp đỡ của Mỹ.
Các nhà thương thuyết chính của Bắc Việt trong thời kỳ 1968 - 1970 đã không giấu giếm khi cho rằng phong trào hoà bình ở Mỹ sẽ là yếu tố để buộc Hoa Kỳ phải rút khỏi Việt Nam và thôi ủng hộ Thiệu. Người xuất sắc nhất trong số họ, Lê Đức Thọ đã công khai công nhận điều đó trước Kissinger. Trong nhiều cuộc gặp gỡ người Mỹ ở Châu Âu hay ở Hà Nội, người Bắc Việt đều làm họ tin rằng nếu Bắc Việt giữ vững thì Mỹ sẽ phải nhường bước. Điều này càng rõ vào ngày họ tuyên bố trở ngại chính cho “giải pháp” khiến cả hai bên lâm vào ngõ cụt chính là Thiệu, cho nên nếu không còn Thiệu thì trở ngại đó sẽ mất đi.
Bắc Việt kiên trì tranh thủ phong trào hoà bình Mỹ bằng những cuộc tiếp xúc ở Châu Âu, hoặc qua thăm dò, hay kêu gọi cảm tình của người Mỹ đối với phong trào chống chủ nghĩa thực dân. Họ được sự ủng hộ rộng rãi của dư luận Mỹ, do việc giới thông tin đại chúng của Mỹ dễ dàng vào được Nam Việt Nam, trong khi nếu muốn vào miền Bắc thì lại rất khó. Do đó, tin tức về những thất bại, những khiếm khuyết của chế độ Nam Việt Nam thì công chúng Mỹ tha hồ xài, còn với Bắc Việt Nam thì chẳng có gì hết vì Hà Nội không cho phép.
Với chúng tôi, những người ở Việt Nam, có một khía cạnh của phong trào hoà bình mà chúng tôi rất khó hiểu. Khi sự quan tâm của công chúng đã giảm đi do Mỹ rút quân về nước và liền đó số thương vong cũng ít đi thì không hiểu sao dư luận hoà bình và tự do ở Mỹ chẳng những không chỉ đòi chấm dứt sự can thiệp quân sự của Mỹ mà còn đòi hoàn toàn chấm dứt chiến tranh - thậm chí với cái giá là chấp nhận thắng lợi của cộng sản.
Những sức ép ấy đặc biệt đè nặng lên vai tổng thống Nixon và cố vấn Kissinger. Nixon sẽ lao vào chiến dịch bầu cử 1972, đương đầu với đối thủ là George Mc Govern, người đòi phải thực sự chấm dứt sự dính líu của Mỹ ở Nam Việt Nam. Để đáp lại thách thức ấy, Kissinger thấy duy nhất chỉ có một câu trả lời là phải đàm phán để ký kết được một hiệp định hoà bình. Ông tích cực tìm kiếm một công thức có thể thích hợp với Bắc Việt trong khi vẫn cho phép tổng thống Nixon khẳng định là Hoa Kỳ đã đạt tới một giải pháp trong danh dự. Bắc Việt còn nắm được trong tay một con chủ bài thứ yếu nữa là các tù binh Mỹ bị giam giữ ở Bắc Việt Nam - chủ yếu là các phi công của không lực và hải quân bị hạ trên bầu trời lãnh thổ. Bắc Việt sử dụng những tù binh này, trưng bày họ trước các chiến sĩ hoà bình Mỹ, như Jane Fonda, để tăng thêm sức ép của công chúng đối với tổng thống và buộc ông phải nhượng bộ những đòi hỏi của họ. Sự dũng cảm và tính kỷ luật mà những phi công này chứng tỏ đã hầu như không được đất nước thừa nhận, bởi đất nước này đã coi những hành động mà họ làm cho nó là những điều xấu và bây giờ vì lòng nhân đạo mà người ta phải tìm cách đưa họ về, không một chút tự hào.
Vấn đề cơ bản của các cuộc đàm phán là cần biết Hà Nội có thể được duy trì sự có mặt của họ ở Nam Việt Nam không, ở nơi mà họ đã phải lùi bước trước chiến dịch bình định của Thiệu. Tổng thống Thiệu biết rằng, điều đó là không thể được. Bởi ông hiểu nếu ký một hiệp định hoà bình thì điều đó sẽ có nghĩa là Mỹ sẽ chấm dứt sự cam kết và ủng hộ của mình và lập tức Bắc Việt Nam sẽ quay lại tấn công khi có thời cơ. Liên Xô và Trung Quốc chắc chắn sẽ tiếp tục viện trợ cho Bắc Việt, trong khi đó thì viện trợ của Mỹ cho Nam Việt Nam sẽ không còn nữa. Vì vậy tổng thống Thiệu kiên quyết phản đối sự có mặt của Bắc Việt ở miền Nam bởi điều đó sẽ đem lại cho miền Bắc một cái lợi hiển nhiên để tấn công miền Nam, điều mà chắc chắn sẽ xẩy ra.
Trên bàn đàm phán, Kissinger đã đạt được thoả thuận là Bắc Việt Nam phải thừa nhận chính quyền Thiệu ở Nam Việt Nam cũng cùng với danh nghĩa như “chính phủ lâm thời” của cộng sản. Ý thức được chiến tranh sẽ tái diễn khi Mỹ ra đi hết và cán cân lực lượng lúc đó có lợi cho kẻ địch, nên Thiệu cho rằng thoả thuận ấy chẳng có giá trị gì hết. Kissinger lại tìm cách để cố giành được một thoả thuận tốt hơn mà cộng sản có thể chấp nhận được, đó là thừa nhận sự có mặt của Bắc Việt ở miền Nam nhưng họ phải hứa từ nay sẽ ngừng mọi sự xâm nhập vào miền Nam và tổng thống Thiệu vẫn tiếp tục vai trò như trước. Đọc cuốn Những năm của tôi ở Nhà Trắng của Kissinger, người ta có thể thấy ông nghĩ rằng với sự giúp đỡ của Mỹ quân đội Nam Việt Nam có đủ khả năng để kiểm soát được những vi phạm nhỏ của địch đối với hiệp định và dự kiến Hoa Kỳ sẽ có thể quay trở lại vũ đài trong trường hợp nếu xảy ra những vi phạm nghiêm trọng, kiểu như cuộc tiến công của Bắc Việt xuân 1972.
Thiệu tỏ ra nghi ngờ và chua chát trong những cuộc đàm phán với Kissinger. Sau này khi trả lời phỏng vấn của Nguyễn Tiến Hưng và Jerrold L. Shecter, Thiệu đã phàn nàn về cách đối xử ty tiện và nhục nhã mà Nixon và Kissinger đã xử sự đối với ông, khi coi ông chẳng khác gì như một cấp dưới ở thuộc địa. Chẳng hạn như đã tiếp ông ở Midway, chứ không phải ở Honolulu, dành cho ông một cái ghế phôtơi nhỏ hơn ghế của Nixon; gạt ông ra rìa trong một số cuộc đàm phán mấu chốt với Bắc Việt, và chuyển cho ông một văn bản hiệp định bằng tiếng Anh mà họ vừa thương thuyết xong, trong khi mà điểm tối quan trọng lại nằm đúng ở nghĩa của một số câu bằng tiếng Việt.
Kissinger đã đưa cho Thiệu một văn bản hết sức chi tiết về những cuộc đàm phán cuối cùng. Ông đã phải đấu tranh với Thiệu để bắt Thiệu phải chấp nhận sự có mặt của Bắc Việt ở miền Nam (điều mà ông đã nhượng bộ cho Bắc Việt). Ông đã gắng trấn an Thiệu bằng cách hứa là những cuộc bầu sau này, mà cả hai bên đều có mặt, sẽ bảo đảm cả hai chính quyền đối địch đều sẽ ở thế ngang bằng nhau. Bây giờ khi mà vào lúc một hiệp định có vẻ như sắp được ký kết, nhờ những nhượng bộ mà Kissinger giành được của Bắc Việt, thì đối với Thiệu cũng như với Bắc Việt, rõ ràng là mọi giải pháp chấp nhận sự có mặt của Bắc Việt ở miền Nam đều có nghĩa là chiến tranh sẽ tái diễn mà không có sự có mặt của người Mỹ, và do đó cũng có nghĩa là Nam Việt Nam sẽ thất bại.
Tuy Nixon ra sức khẳng định các cuộc đàm phán của Kissinger sẽ không gây ảnh hưởng gì đối với cuộc bầu tổng thống tới, nhưng cả hai người đều không vì thế mà không cảm thấy sức ép của công luận và quốc hội đối với chiến tranh Việt Nam và muốn nhanh chóng ký kết một hiệp định hoà bình để tránh khỏi phải ngừng viện trợ cho Nam Việt Nam một cách đơn phương. Phía Bắc Việt cũng thế, họ cũng muốn ký hiệp định để xác lập được việc Mỹ rút quân cho nên họ đã có một số nhượng bộ, ví dụ như rút quân khỏi Lào và Campuchia.
Thực ra thì hai nhà đàm phán chính đã đạt được tới một hiệp định nhưng họ chưa thể ký được do sự phân phối của Thiệu. Ngay cả lời hứa hẹn Mỹ sẽ viện trợ ồ ạt cho Nam Việt Nam một số lượng lớn súng đạn và các đồ quân cụ trước khi ngừng bắn cũng không thuyết phục được ông ta. Tổng thống Thiệu cố bám vào một điều chủ yếu là Mỹ phải tiếp tục cuộc chiến. Ông ta khóc lóc như một người bị cuồng loạn, vừa sợ Hoa Kỳ sẽ làm đảo chính lật đổ mình, lại vừa đối xử thô bạo đối với những người được Hoa Kỳ cử đến. Một cách không nhân nhượng, ông khăng khăng từ chối bản hiệp định đã được chuẩn bị công phu, mặc dù tổng thống Nixon đã không úp mở giải thích với ông rằng Mỹ sẽ ủng hộ ông trong trường hợp hiệp định bị vi phạm, nhưng Mỹ sẽ không thể ủng hộ được ông nếu hiệp định không được ký kết. Cảm thấy lại lâm vào ngõ cụt, Bắc Việt quyết định kéo dài đàm phán để đạt được những điều kiện tốt hơn so với những gì họ đã chấp nhận trước đó.
Để tháo gỡ cho cuộc khủng hoảng, Mỹ thấy cần phải có một hành động cứng rắn đối với cả đôi bên. Vào dịp Noel, theo lệnh của tổng thống Nixon, Mỹ đã ồ ạt tiến hành những trận ném bom hết sức ác liệt xuống miền Bắc, lần này để làm cho Bắc Việt hiểu rằng giờ đây Mỹ sẽ không đánh phá theo kiểu leo thang như những năm 60 nữa. Cuộc phản công vừa hiệu quả vừa chính xác đã gây nên một phản ứng dữ dội trong phong trào hoà bình ở Mỹ. Bắc Việt cũng lập tức phản đối, tố cáo máy bay Mỹ đã đánh cả vào bệnh viện.
Thế mà việc làm đó - chiến dịch ném bom dịp Noel đã phát huy tác dụng. Bắc Việt vội yêu cầu nối lại đàm phán mà chính họ đã làm ngừng trệ, với ý định đạt tới một hiệp định phù hợp với những nét lớn trước đây họ đã chấp nhận. Sau này Nixon đã tuyên bố ông lấy làm tiếc rằng trước đây, tức hồi từ 1969 đến 1972, ông đã không cho đánh mạnh hơn. Và ông đã hoàn toàn có lý.
Thái độ cương quyết của tổng thống Nixon cũng tác động tới Thiệu và những người Nam Việt Nam. Để làm cho họ hiểu rằng chiến dịch ném bom Noel không hề làm Mỹ thay đổi quyết tâm ký với Bắc Việt một hiệp định phù hợp với những nét lớn đã xác định trước đó, Nixon đã cảnh báo Thiệu: “Ông cần quyết định ông muốn tiếp tục quan hệ đồng minh với chúng tôi, hay ông muốn thấy tôi tìm kiếm một thoả thuận với kẻ thù để chỉ phục vụ cho lợi ích của Hoa Kỳ”. Trong câu trả lời của mình, Thiệu có đổi ý về một vài phản đối của ông trước đây, nhưng ông vẫn khẳng định ông không thể nhận. Để Bắc Việt có mặt trên lãnh thổ của ông. Thiệu nghĩ rằng dùng những lời lẽ này, ông vẫn không ngăn cản Mỹ tiếp tục đàm phán, trong khi ông vẫn có thể không phải tự trách mình vì đã chấp nhận một điều khoản có thể đưa đất nước tới thất bại. Nixon lại gửi cho Thiệu lá thư thứ hai, trong đó ông cam đoan “sẽ duy trì sự giúp đỡ của Mỹ trong thời kỳ tiếp theo hiệp định” và hứa “Hoa Kỳ sẽ dùng hết sức mình để đáp trả lại Bắc Việt nếu chính phủ Bắc Việt vi phạm hiệp định”.
Sau tất cả những việc nói trên Kissinger trở lại Paris để hoàn chỉnh một lần cuối bản hiệp định sẽ ký với Bắc Việt Nam.
Sau khi được thảo luận xong lần cuối, bản hiệp định được chuyển về Sài Gòn để đưa cho Thiệu, kèm theo một lá thư của tổng thống Nixon. Lá thư cho biết tổng thống Nixon sẽ ký hiệp định này “một mình, nếu cần thiết” và nói thêm: “Trong trường hợp đó, tôi sẽ buộc phải giải thích công khai rằng chính quyền của ông đã gây trở ngại cho hoà bình. Từ đó sẽ xảy ra điều không thể tránh khỏi và ngay lập tức Hoa Kỳ sẽ chấm dứt viện trợ kinh tế và quân sự” cho Nam Việt Nam. Sau khi cố có vài hành động để cứu vãn tình thế, Thiệu đã phải cúi mình chấp nhận ý muốn của Mỹ. Số phận hoà bình ở Việt Nam đã được định đoạt Hiệp định về hoà bình được các bên ký kết phê chuẩn ngày 23 tháng Một năm 1973 ở Paris và cuối cùng thì được ký kết ngày 27 tháng Một. Hôm đó lại đúng vào ngày ở Hoa Kỳ có lệnh ngừng gọi tòng quân và đối với những người trong phong trào hoà bình, thì điều đó mới thực sự là một nhượng bộ còn quan trọng hơn cả việc ký hiệp định chính thức. Các đài vô tuyến truyền hình phát đi phát lại những hình ảnh đầy xúc động về các tù binh chiến tranh trở về từ Hà Nội và được đón tiếp trọng thể xứng đáng với vinh dự của họ. Nhưng đó cũng là dấu hiệu không còn bàn cãi vào đâu được là chiến tranh và những lợi ích của Mỹ ở Việt Nam đã chấm dứt. Tất nhiên Hiệp định Paris chẳng còn có gì là một hiệp định chính thức đối với Hoa Kỳ để buộc thượng viện phải tiến hành một cuộc bỏ phiếu phê chuẩn và do đó phải chịu trách nhiệm thực hiện nó. Dưới con mắt của Bắc Việt thì hiệp định này cũng không có gì khác hơn so với các hiệp định mà họ đã từng ký. Chứng cớ là chỉ vài ngày sau họ đã vi phạm nó khi họ gửi vào miền Nam bằng đường biển một chuyến tàu chở vũ khí. Còn phía Mỹ thì trước khi hiệp định có hiệu lực, họ đã tranh thủ chở cho Nam Việt Nam vũ khí và các đồ quân cụ càng nhiều chứng tỏ càng tốt chừng ấy. Sau đó thì họ chỉ có thể thay nó theo phương thức “một đổi một”. Bắc Việt thì cảm thấy ít bị gò bó hơn bởi bắt buộc ấy, bởi họ vẫn ồ ạt đưa vào miền Nam các chuyến hàng quân sự mà không cần tôn trọng các điều khoản của hiệp định.
Một Chiến Thắng Bị Bỏ Lỡ Một Chiến Thắng Bị Bỏ Lỡ - William Colby Một Chiến Thắng Bị Bỏ Lỡ