If love is a game, it has to be the hardest game in the world. After all, how can anyone win a game where there are no rules?

CODY MEYERS

 
 
 
 
 
Tác giả: William Colby
Thể loại: Lịch Sử
Nguyên tác: Lost Victory
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Nguyen Ngoc Hai
Số chương: 25
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2424 / 51
Cập nhật: 2017-03-24 12:42:52 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phần VI: Chiến Thắng – Chương 1: Tết 1971: Một Cuộc Dạo Chơi Ở Nông Thôn
rong lúc chúng tôi chuẩn bị cho các kế hoạch năm 1971, thực tế đối với tất cả chúng tôi - người Mỹ cũng như người Việt Nam tham gia chương trình bình định - là tình hình đã thay đổi. Khả năng mang lại những cải thiện quan trọng cho đời sống của người Việt Nam, cả ở thành thị và nông thôn, giờ đây đã mở ra trước chúng tôi.
Việc tăng quân số, trang bị và huấn luyện của các lực lượng Việt Nam, đặc biệt của các đơn vị bảo vệ lãnh thổ và tự vệ dân chúng, đã bảo đảm được an ninh hai mươi bốn trên hai mươi bốn giờ trong các khu vực mà trước đây đêm nào người dân cũng phải nơm nớp lo sợ cộng sản tấn công. Quân đội chính quy Nam Việt Nam đã thay thế cho các lực lượng Mỹ đang rút quân với nhịp độ nhanh, như các báo cáo hàng tuần cho biết.
Đành rằng không được trang bị nhiều trực thăng, thiết giáp và pháo binh nặng như quân đội Mỹ, nhưng chương trình Việt Nam hoá của tướng Abrams cung cấp cho họ những phương tiện rõ ràng là hơn hẳn so với hồi trước đây hai, ba năm. Bây giờ với khả năng cơ động và sức mạnh hoả lực họ có, họ đủ sức để vận dụng chiến lược phòng thủ phản công quân đội Mỹ để tiến lên vùng núi đánh bật quân chủ lực cộng sản thay vì như trước đây cứ thụ động chờ đợi quân địch đến tấn công.
Ở nông thôn, nhiều vùng đã đạt tới mức dân chúng có thể tập trung nơi xảy ra chiến sự. Trừ những khu vục hẻo lánh, còn ở các nơi khác, người ta có thể yên tâm sáng sáng đi chợ, không phải lúc nào cũng canh cánh lo sợ có một quả mìn du kích Việt cộng cài đặt trong đêm làm nổ tung chiếc xe hàng trên nóc xếp ngổn ngang nào rau quả, cá núi, lộn gà, và bám vào thành xe là những khách đi quá giang. Đạn cối hay rốc két không còn bắn vu vơ vào thành phố hay căn cứ và trên con đường lớn nối Sài Còn với đồng bằng Cửu Long người ta có thể đi lại suốt đêm để chở hàng ngược xuôi Nam, Bắc.
Những cải thiện rõ rệt về an ninh địa phương, những tiến bộ kinh tế ở các ấp xã, những dòng người đi lại bằng Honda thay cho đi bộ, các hội đồng hương chính đang dự kiến những kế hoạch công ích có sự trợ giúp của nhà nước những nông dân chăm chỉ cấy cày cho những vụ mùa mà họ yên tâm chắc chắn sẽ được thu hoạch, các trẻ em cắp sách đến trường và được tiêm phòng sốt rét, tất cả các cảnh tượng ấy tạo cho người dân cảm giác, mà nó nhanh chóng lây lan sang quân đội và chính phủ, là cán cân đang nghiêng về phía có lợi cho nhà nước Việt Nam Cộng hoà.
Trong thời gian thực hiện kế hoạch 1970, một hôm trong nhiều chuyến tôi đi theo tổng thống, tổng thống chợt tâm sự với tôi là theo ý ông, tổng thống Diệm đã cai trị đất nước rất tốt. Có lẽ Thiệu cũng thấy ông có những điểm nào đó tương đồng với Diệm, nhưng trái ngược với Diệm, làm việc gì ông cũng chú ý để có được sự tán thành của người Mỹ mà một trong những minh chứng là sự tham gia của chúng tôi vào chương trình bình định. Vì vậy, các thành viên của Hội đồng bình định và phát triển trung ương của Việt Nam và mạng lưới các cố vấn Mỹ của C.O.R.D.S. đã liên kết với nhau để hợp thành Bộ Tham mưu của chương trình.
Quan tâm tới việc giữ vững tốc độ đã đạt được, khi năm 1971 tới gần, tổng thống Thiệu và Hội đồng trung ương bắt tay vào chuẩn bị cho kế hoạch tới. Nhiều năm người ta đã chê trách rất nhiều rằng những kế hoạch này cũng như những phương pháp điều tra và thống kê phức tạp mà chính tôi đã áp dụng là không phù hợp với một xã hội và kinh tế Châu Á. Tôi công nhận chúng tôi đã áp dụng những phương pháp tiên tiến nhất vào cuộc đấu tranh để giành quyền kiểm soát nông thôn, nhưng tôi cũng có thêm chứng minh không phải nó không thành công. Việc bắt buộc các cơ cấu quân sự và dân sự phải thích ứng với một kế hoạch chung, cả ở cấp quốc gia lẫn cấp tỉnh, đã cho phép tổng thống Thiệu áp dụng được một chiến lược chính trị cơ bản vào nỗ lực của Nam Việt Nam.
Việc kế hoạch của trung ương được kèm theo một kế hoạch cấp tỉnh bảo đảm là thực tế địa phương chứ không chỉ những ước mơ mà các vị quan liêu ở Sài Gòn vạch ra trên giấy sẽ được phản ánh ở kết quả cuối cùng. Những chuyến đi thanh tra mà tổng thống và thủ tướng tiến hành không ngừng đã mang lại bằng chứng là ở các cấp chính quyền ở đấy đã rất coi trọng chương trình ấy. Việc các tỉnh trưởng phải trực tiếp và cá nhân chịu trách nhiệm về thực hiện các kế hoạch mà họ đã tham gia chuẩn bị đã xác định cho họ là họ phải chịu trách nhiệm tới đâu để có thể đưa ra thực hiện “chiến lược vết dầu loang”. Mục tiêu càng hợp lý và thiết thực thì nó càng làm cho người Việt Nam tăng thêm lòng tin là cuối cùng người ta đã tìm ra được một chiến lược có khả năng giành chiến thắng để chấm dứt mọi đau khổ của chiến tranh. Lòng tin ấy lại được củng cố bởi những tiến bộ đạt được: đường sá đi lại an toàn hơn, mùa màng tốt hơn, hàng hoá nhiều hơn và chiến sự ở những vùng đông dân giảm đi. Cường độ của tất cả các nỗ lực ấy đã xác nhận rằng mọi người đang hy vọng chiến tranh sẽ sớm kết thúc và kết thúc với những điều kiện tốt, khi biết áp dụng một chiến lược rõ ràng là nó có hiệu quả.
Kế hoạch 1971 lại càng tăng cường bầu không khí ấy. Muốn nhấn mạnh rằng việc nắm quyền chủ động tấn công trong kiểm soát nông thôn (tức bình định) đã nhường bước cho những mục tiêu dài hơn (giúp các làng tự bảo vệ và cải thiện đời sống). Tổng thống Thiệu đã đặt lại tên cho chương trình, đổi từ bình định và phát triển sang phòng thủ cộng đồng và phát triển địa phương. Tôi cùng chỉ huy kế hoạch bình định, Clayton Mc Manaway, tìm ra một công thức có vẻ như tóm tắt được các mục tiêu khác nhau của chiến lược và những hoạt động nhiều hình vẻ của nó, đó là: “tự vệ tự quản và tự phát triển”. Khi đưa ra tổng thống, chẳng những ông đồng ý mà còn thêm chữ “địa phương” vào sau, để nhấn mạnh vào vai trò quyết định của các ấp, xã. Vậy là chương trình 1971 được tổ chức xoay quanh ba từ mấu chốt: tự vệ địa phương, tự quản địa phương và tự phát triển địa phương. Quy mô rộng lớn của kế hoạch đó thể hiện ở các thành phần của mỗi chủ đề:
Tự vệ địa phương
An ninh lãnh thổ
- Lực lượng địa phương (đại đội và tiểu đoàn cấp tỉnh): huấn luyện, trang bị, hoạt động.
- Lực lượng dân vệ (trung đội ở làng xã): huấn luyện, trang bị, hoạt động.
- Lực lượng phòng vệ dân sự (dân binh không lương các làng, làm việc từng phần thời gian): huấn luyện, trang bị, hoạt động.
- Lực lượng cảnh sát quốc gia: tăng cường, triển khai về các làng, huấn luyện, trang bị, hoạt động.
- Phượng hoàng: phát hiện cán bộ bí mật Việt cộng và hoạt động của họ.
- Chiêu hồi: làm suy yếu các phần tử Việt cộng và đưa họ về ở đâu đấy.
Tự quản địa phương
- Tự quản dân chúng: bầu hội đồng làng xã và tỉnh, huấn luyện các sĩ quan địa phương ở trung tâm huấn luyện quốc gia.
- Thông tin cho dân: cơ quan thông tin nhà nước phân phối về các làng.
- Tổ chức dân chúng: Khuyến khích các tổ chức tư nhân - nông nghiệp, người lao động, lĩnh vực xã hội v.v...
- Chương trình thanh niên: Thể thao, dự án công dân...
Tự phát triển địa phương
- Cải cách điền địa: chương trình “Ruộng đất cho dân cày”.
- Nông nghiệp và ngư nghiệp: chương trình hỗ trợ của nhà nước.
- Phát triển kinh tế địa phương: thuế địa phương cho các dự án địa phương.
- Cựu binh sĩ: Chương trình cứu trợ cựu binh, đặc biệt phế binh.
- Nạn nhân chiến tranh: cứu trợ người tỵ nạn, nhà ở, chương trình “hồi hương”, nhà ở cho những người bị thương...
- Sức khoẻ công cộng: mở mang các dịch vụ y tế từ các bệnh viện thành phố cho đến các trạm xá ở các làng.
- Giáo dục: trường học địa phương, đào tạo và giúp đỡ giáo viên.
- Phát triển lực lượng lao động: chương trình đào tạo lao động.
- Công chính: đường sá, cầu cống, thuỷ lợi...
- Bưu chính: mở các trạm bưu điện ở các làng xã.
- Tín dụng nông thôn: ngân hàng phát triển nông thôn.
- Các chương trình phát triển làng xã và tỉnh: trợ cấp do những người được bầu ở làng xã và tỉnh quyết định.
- Chương trình tự phát triển của ấp xã: trợ cấp cho các dự án ấp xã do những người được địa phương bầu lên lựa chọn.
Chương trình đặc biệt
- Chương trình đô thị: dự án các trung tâm cộng đồng và phát triển địa phương.
- Sắc tộc thiểu số: chương trình cho người dân miền núi và người Khơme.
Ba đề tài chủ yếu của kế hoạch 1971 chẳng khác gì là một khẩu hiệu để quảng cáo. Nó cung cấp những điểm tham khảo để giúp tổ chức tốt hơn chương trình cũng như để giải thích cho các cộng đồng, nông thôn và thành thị, những người phụ trách dân sự và quân sự có một ý tưởng rõ rệt hơn về mục đích những hoạt động của họ: tức là họ, những người tham gia vào những hoạt động rộng lớn và đa dạng như của chương trình này, cần phải hiểu rằng công việc của họ là một phần của một chiến lược tổng thể và mỗi thành phần đều cần thiết cho toàn thể.
Kế hoạch 1971 dự kiến phải đặc biệt chú ý cải tiến những thủ tục xét xử và điều kiện giam giữ tù nhân trong khuôn khổ chương trình Phượng hoàng.
Công việc của các kế hoạch trước, như nâng cấp và cải thiện an ninh của các làng xã, cũng cần được đẩy mạnh. Hàng trăm nghìn người tỵ nạn phải đưa về làng cũ. Lực lượng tự vệ tiếp tục bảo đảm nhiệm vụ của mình và dám đảm nhiệm việc tổ chức các dự án tự quản, phát hiện Việt cộng xâm nhập, phổ biến tuyên truyền các thông báo của nhà nước về tự quản và tự phát triển. Người ta bổ sung thêm vào các thành phần phòng vệ “chiến đấu” các đội phòng vệ “yểm trợ”. Phòng vệ chiến đấu thì sử dụng vũ khí của cộng đồng, còn các đội phòng vệ yểm trợ, gồm trẻ em và các đội viên phòng vệ cũ, đào hầm đào hố, báo động có Việt cộng và bằng nhiều cách khác nhau, tham gia vào nỗ lực tập thể trong công tác phát triển.
Kế hoạch dành một vị trí quan trọng cho chính quyền địa phương ở cấp ấp, xã. Những quyết định liên quan đến chương trình cải cách điền địa, như vạch ranh giới ruộng đất chia thửa ruộng nào cho ai là do một ban chia đất của làng xã phụ trách chứ không phải do các viên chức đến từ Sài Gòn làm. Bộ Bưu chính có nhiệm vụ phát triển tới các xã trong mạng lưới bưu cục và điện thoại trước kia chỉ có ở các thành phố, thị trấn. Còn về tín dụng nông thôn, nó cũng được giao cho một ban tín dụng cấp xã quản lý, ban này có điều kiện tốt hơn để hiểu được những rủi ro của một số khoản vay.
Ở Malaysia, vài năm trước tôi đã có dịp quan sát một phương thức mà sau đó chúng tôi đã thực hiện ở các làng xã Việt Nam. Phương thức này rất đơn giản: nó chỉ là một quyển sổ, trong đó người ta ghi mức độ an ninh, tình hình bầu cử và tổ chức các ban, tài nguyên kinh tế và xã hội như sản xuất lúa gạo, trường học, bệnh xá và các công trình công cộng khác của địa phương. Các ghi chép về tình hình hiện tại ấy sẽ là căn cứ cho kế hoạch sản xuất năm sau. Nó cung cấp cho người dân hay khách tham quan một cái nhìn nhanh chóng về thực tế địa phương và về các kế hoạch tương lai, không phải dưới dạng những điểm chung mà là những cứ liệu chắc chắn về địa lý và thống kê mà dựa vào đó người ta có thể đánh giá những tiến bộ thực tế. Tôi đã hơn một lần gặp tổng thống Thiệu trong dịp đến thăm một xã, ông đã xem sổ trước rồi mới đến thăm một cây cầu được ghi làm trong đó. Ở Malaysia, đúng đó là điều mà thủ tướng Rajak đã thực hiện.
Kế hoạch mà chúng tôi xây dựng cũng đưa ra những phương hướng mới cho các chương trình quốc gia. Cho đến bây giờ các bệnh viện dân y và quân y ở Việt Nam đã hoạt động như những thực thể độc lập, bệnh viện quân y hoạt động tốt hơn bởi nó được hưởng trợ cấp của Mỹ qua ngân sách của Lầu Năm góc, trong khi các bệnh viện dân y đành phải bằng lòng với những khoản dư thừa của cứu hộ nước ngoài. Chúng tôi đề ra những biện pháp để hai loại bệnh viện ấy sẽ liên kết với nhau để chăm sóc các bệnh nhân cả dân thường và quân nhân, nhất là số thường dân, những người bị thương do chiến tranh. Một bộ mới được thành lập để chăm sóc hai trăm nghìn cựu binh sĩ, bốn mươi nghìn thương phế binh, sáu mươi nghìn đàn bà goá và ba trăm nghìn con côi do chiến tranh.
Nhiều biện pháp đặc biệt khác cũng được đề ra: công nghiệp cá hộp, xí nghiệp đông lạnh, chứng minh thư bằng chất dẻo kèm theo ảnh do cảnh sát quốc gia cấp, chương trình thanh niên được làm phong phú bởi các dự án về thể thao, hoạt động văn hoá, lập hội dưới quyền kiểm soát của trưởng thôn. Những bước đầu tiên theo hướng dân chủ đa nguyên được thực hiện. Các ấp xã được khuyến khích để lập, không có sự trợ cấp của nhà nước, những tổ chức tư nhân theo ba loại: văn hoá và giáo dục (bao gồm cả thể thao và thanh niên), xã hội (kể cả sức khoẻ), kinh tế (kể cả công đoàn và hiệp hội nông dân). Mục tiêu năm đó là mỗi một công dân đều tham gia vào ít nhất là một trong những hoạt động cộng đồng ấy.
Trong vài tuần lễ, khi những ngày Tết đến gần, chúng tôi đã có thể cảm thấy mức độ rộng lớn và sự vững chắc của bước phát triển ở nông thôn. Tôi quyết định tiến hành một thử nghiệm. Đã gần ba năm nay, tôi chuyển John Vann từ vùng xung quanh Sài Gòn xuống đồng bằng Cửu Long, với tất cả những khó khăn mà công tác bình định gặp ở đấy. Trong thời gian ấy, tôi đã phải can thiệp ba lần để cứu cho John thoát khỏi những cơn thịnh nộ của cấp trên do tính nói thẳng của anh trước báo chí Mỹ gây ra. Lần cuối cùng, chính là lần Bunker nổi giận và ông đã không úp mở bảo tôi phải “tống cổ” anh ta đi.
Mặc dù đã bị cảnh cáo nhiều lần đại sứ nói, John Vann vẫn tiếp tục giữ cái thói “bất tuân thượng lệnh”. Tôi phải trình bày Vann là một người thực sự quý đối với chúng tôi để chúng tôi có thể tính đến chuyện để mất anh ta, và tôi cam đoan với đại sứ là chuyện đó sẽ không tái diễn. Sau đó, tôi “xát xà phòng” cho Vann một trận. Vann tỏ ý hối hận và hứa sẽ không thế nữa (điều mà tôi hy vọng nhưng chẳng mấy tin). Và Vann vẫn tiếp tục nhiệm vụ của anh ta ở đồng bằng Cửu Long.
Giờ đây tôi có một chuyện khác muốn yêu cầu John Vann. Biết anh có thú thích đi công du bằng xe máy nhiều khi rất nguy hiểm, trên những con đê vào những vùng sâu của đồng bằng Cửu Long, tôi đề nghị anh cho tôi cùng đi, gợi ý nên nhập dịp Tết để tổ chức chuyến đi. Viễn cảnh đó khiến Vann thích thú. Chúng tôi bắt tay vào chuẩn bị cho chuyến “du xuân” qua đồng bằng Cửu Long, đi từ Cần Thơ đến một tỉnh giáp biên giới Campuchia. Chúng tôi con phải đi một mình, không có ai giúp đỡ, nhưng để cẩn thận, John Vann cho túc trực sẵn vài chiếc trực thăng để khi có động là lập tức nhận được tin gọi rađio của chúng tôi.
John Vann và tôi đã trở nên gần gũi, nhưng không bao giờ vượt quá quan hệ công tác. Chúng tôi thường gọi điện để bàn bạc cùng nhau về những gì cần làm cho chương trình bình định ở đồng bằng Cửu Long. Chúng tôi thảo luận xem có thể ưu tiên cho vùng này đến đâu trong việc tăng quân số hay phân phối súng M-16 cho lực lượng tự vệ dân chúng, trong khi các địa phương khác cũng đang có yêu cầu cấp bách và tranh nhau đề nghị. Chúng tôi đi tới chỗ thống nhất là đồng bằng Cửu Long cần phải được ưu tiên, bởi nếu chúng tôi có thể vượt qua được sự nghiệp của cộng sản ở một vùng đông dân nhất xứ này thì có nghĩa là chúng tôi có thể thắng được chiến tranh nhân dân.
Tôi đánh giá John Vann đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Anh có thói quen bất ngờ xuất hiện ở một quận hay làng nào đó để kiểm tra xem tình hình thực tế ở đây có đúng như các cố vấn đã báo cáo hay không. Các nhà chức trách địa phương rất biết Vann và họ hiểu rằng các báo cáo của anh sẽ có mặt ở văn phòng tổng thống và thủ tướng, cho nên họ rất coi trọng Vann. Đã hơn một lần, Vann nghỉ lại ở một tiền đồn xa xôi nào đó và ở đấy chính Vann đã tự mình gọi điện xin tăng viện và trực thăng vũ trang tới ứng cứu khi đồn bị tấn công.
John Vann hẳn có lý khi anh khen tướng Ngô Quang Trưởng về những phẩm chất chiến đấu của ông ta, khi ông này đã vào một đồn nhỏ cô lập, hẻo lánh. Nhưng khi tổng thống Thiệu điều Trưởng ra chỉ huy vùng phía Bắc, một vùng đối diện với Bắc Việt Nam mà chắc chắn ở đấy Trưởng có thể thi thố được tài năng, thì tôi không thể đồng tình với John Vann khi thấy Vann tỏ ra phấn khởi về việc người đến thay Trưởng là tướng Ngô Dzu. Mặc dù ở Việt Nam đã lâu, John chưa bao giờ học tiếng Việt Nam. Cho nên tôi ngờ John rất thích Dzu bởi Dzu nói tiếng Anh rất lưu loát và sẵn sàng làm theo những gì John nói.
Dù thế nào, Neil Sheehan đã nói đúng về một điểm: John thực sự rất muốn được chỉ huy thậm chí nếu có phải núp sau một tấm bình phong Việt Nam. John đã quá bị bức xúc bởi những thất bại, sự thiếu năng lực hay đơn giản tính vô hiệu trong công việc của người Việt Nam, cho nên anh không thể chịu đựng được nổi quá trình lâu dài của việc xây dựng lòng tin và tính độc lập của Việt Nam, điều mà tôi thấy cần thiết cho sự thành công của Việt Nam hoá và bình định. Theo tôi, lòng tin và năng lực trong công việc của người Việt Nam đã thực hiện sự tiến bộ, dù cho John (và nhiều người trong chúng tôi) tỏ ra bất công đối với họ. Chúng tôi có thể lợi dụng được tính hiệu quả của người Mỹ nhưng không vì thế mà quên mất mục tiêu lâu dài là quyền tự trị của nhân dân Việt Nam. Vì thế, nếu quân Mỹ có phải rút toàn bộ và không chậm trễ, thì ưu tiên số một trước hết vẫn phải làm cho Nam Việt Nam đủ mạnh trong khi hy vọng rằng cuối cùng, cùng với thời gian, nó sẽ đạt được tự trị một cách trọn vẹn. Nếu John không đủ kiên nhẫn về điều đó, thì không phải vì thế mà anh không hết lòng với ưu tiên cần thiết đó.
Tết là một lễ hội của dân tộc Việt Nam. Trên con đường bị bom làm hư hại, người về thăm họ hàng, quê hương đông như kiến, khiến chúng tôi phải tìm đường vòng tránh. Khi phanh xe của tôi bị hỏng, John nằn nì đổi xe anh cho tôi, lấy cớ là nếu “ngài đại sứ” bị thương thì đoàn của chúng tôi sẽ không còn lý do để tồn tại. John khẳng định, anh có thể lái một chiếc xe tồi tốt hơn tôi rất nhiều và khi thấy anh tự nguyện và hết lời nài nỉ thì tôi đã nhượng bộ. Cuối ngày, chúng tôi đã tới nơi và chúng tôi có thể ngắm quang cảnh biên giới Campuchia, nơi Việt cộng ẩn náu. Sự trái ngược giữa chuyến đi yên ả này với những trận phục kính liên miên, những chướng ngại vật dọc đường và những tiểu đoàn địch chúng tôi gặp ba năm trước thật đáng kinh ngạc. Từ Tết 1968 đến Tết năm 1971, tôi có cảm giác như nó đã cánh xa nhau hàng năm ánh sáng.
Nếu cần bằng chứng thì John đã cung cấp nó cho tôi. Tối hôm ấy, John thú nhận với tôi anh đã hoàn toàn được thuyết phục bởi hiệu quả của chương trình bình định, nên anh quyết định từ nay anh sẽ không nói gì đến nó nữa. Anh sẽ không nói với báo chí về những lời chỉ trích liên quan đến tính chất quân sự quá mức của cuộc chiến tranh của người Mỹ hay những yếu kém và thất bại của nhiều quan chức Việt Nam và Mỹ, chắc rồi anh sẽ giữ được thái độ ấy bao lâu, nhưng quả rất vui mừng khi được nghe anh nói thế.
Một Chiến Thắng Bị Bỏ Lỡ Một Chiến Thắng Bị Bỏ Lỡ - William Colby Một Chiến Thắng Bị Bỏ Lỡ