When you reread a classic you do not see more in the book than you did before; you see more in you than was there before.

Clifton Fadiman

 
 
 
 
 
Tác giả: William Colby
Thể loại: Lịch Sử
Nguyên tác: Lost Victory
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Nguyen Ngoc Hai
Số chương: 25
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2424 / 52
Cập nhật: 2017-03-24 12:42:52 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phần V: Khám Phá Ra Một Chiến Lược – Chương 1: Tết 1968
ức điện “tia chớp nhoáng” đầu tiên báo về cuộc tổng tiến công của cộng sản đến Washington vào buổi chiều ngày 29 tháng Một năm 1968, tức quá nửa đêm rạng sáng ngày 30 tháng Một ở Việt Nam. Bức điện cho biết đã xảy ra một cuộc tấn công vào sứ quán và thậm chí có lẽ những kẻ tấn công đã vượt qua tường. Ở nhiều thành phố đô thị khác cũng nổ ra những cuộc tấn công tương tự. Những tin tức này trùng hợp với báo cáo nhận được trước đó về những cuộc tấn công cộng sản tung ra ở các thành phố thị xã miền Trung, và có một số tin do quân đội bắt được đã nói về những điều liên quan đến ý định cửa cộng sản là sẽ mở một cuộc tiến công lớn trong dịp Tết ở miền Nam. (Tết ở Đông Nam Á là ngày đầu năm của lịch âm và là ngày lễ quan trọng nhất của một năm, vào dịp này gia đình nào cũng sum họp để khẳng định tầm quan trọng của nó như một thành tố cơ bản của xã hội).
Đọc các báo cáo, người ta thấy rõ ràng đây là một cuộc tổng tiến công của cộng sản trên quy mô toàn miền. Trong phần lớn các trường hợp, nó được tiến hành bởi các đội đặc công, biệt động phân tán thành các nhóm nhỏ đánh vào những mục tiêu quan trọng nằm trong trung tâm đô thị (như sứ quán Mỹ chẳng hạn), rồi các đội du kích đánh vào thôn xã để áp đặt quyền lực của họ, và các đơn vị chủ lực để chống lại cuộc phản kích của quân Mỹ và quân Nam Việt Nam. Cộng sản hẳn có tính đến hành động nổi dậy của nhân dân các địa phương để áp dụng từng ly từng tý khái niệm “khởi nghĩa” trong học thuyết chiến tranh của họ, và nhờ đó mà nhân lên số lượng các chiến đấu viên. Nếu những cuộc xâm nhập lúc ban đầu thu được những thành công đáng kể, gây ra được hiệu quả bất ngờ về chiến thuật thì về sau, phần còn lại của kế hoạch trở thành một thảm họa đối với cộng sản.
Lực lượng quân Nam Việt Nam và Mỹ đã nhanh chóng tập họp lại để tiến hành phản kích, còn dân chúng thì mạnh ai người nấy tìm đường trốn chạy. Phần lớn các đơn vị cộng sản phơi mình dưới một sức mạnh hoả lực vượt trội đã bị tổn thất nặng nề. Trong nhiều thành phố cộng sản tấn công, họ chỉ giữ được một, hai ngày rồi bị đánh lui, trừ ở thành cổ Huế, họ đã bám trụ được tới ba tuần lễ. Các cuộc oanh tạc bằng phi, pháo của Nam Việt Nam và Mỹ giáng xuống quân cộng sản rút lui đã gây ra nhiều thiệt hại về người và của và tàn phá nặng nề nhiều khu vực lớn của các thành phố mà quân cộng sản bám trụ để chiến đấu.
Một kết quả khác của các trận chiến đấu là hơn một triệu dân phải đi lánh nạn. Cộng sản ẩn nấp vào nhà dân. Ở phần lớn nông thôn, cộng sản tấn công có hiệu quả và kiểm soát được các thôn ấp. Quân đội Nam Việt Nam phải tập trung lực lượng để đẩy lùi địch ra khỏi các đô thị nên họ chẳng còn đủ sức để giải cứu cho các làng xung quanh. Rõ ràng nhìn một cách thuần tuý chiến lược thì chỉ trong vài ngày, quân đội Nam Việt Nam và Mỹ thực sự kiềm chế được cuộc tiến công, quân cộng sản không thể giành phần thắng và việc còn lại đối với Nam Việt Nam và Mỹ trong cuộc chiến này là tiếp tục truy bắt những kẻ tấn công.
Trong những khu vực cộng sản kiểm soát được một thời gian, họ đã không biết tổ chức lại dân chúng - một điều đáng ngạc nhiên nếu đối chiếu với lý luận chiến lược cơ bản của họ, nhất là trong trường hợp của cuộc tiến công đặc biệt này, việc họ có giành được thắng lợi hay không là tuỳ thuộc vào sự ủng hộ của dân chúng.
Nếu Nam Việt Nam và Mỹ đã không dự kiến được tính chất phân tán và đồng loạt của các cuộc tấn công của cộng sản thì về phía cộng sản, các cơ quan tình báo của họ cũng đã đánh giá thấp sức mạnh của quân đội Nam Việt Nam và Mỹ, điều đó đã dẫn đến thảm họa đối với họ. Cộng sản đã phải gánh chịu nhiều tổn thất, đặc biệt họ đã mất đi nhiều cán bộ miền Nam ưu tú và do đó, khả năng tiến hành chiến tranh nhân dân của họ đã bị ảnh hưởng trong một thời gian dài. Trên thực tế, họ đã phải trông cậy nhiều hơn vào “chiến tranh quân sự”, loại chiến tranh mà bộ đội chính quy Bắc Việt tiến hành.
Nhưng giống như cuộc chiến tranh chống Pháp của Việt Nam trước đây, chiến tranh còn diễn ra trên một vũ đài khác. Những nhà lãnh đạo cộng sản hy vọng tổng tiến công Tết sẽ thắng lợi và tác động mạnh tới dư luận ở nước Mỹ xa xôi, giống như chiến thắng Điện Biên Phủ đã tác động tới dư luận của nước Pháp năm 1954. Lúc đầu thất bại hẳn đã làm họ thất vọng khiến họ đã phải tự hỏi về cái giá phải trả. Tuy nhiên, cuộc tiến công Tết ấy đã trở thành bước ngoặt của cuộc chiến tranh và thế lợi nghiêng về phía họ.
Chỉ trước đây không lâu, khi các quan chức Mỹ tin rằng họ đã có trong tay đủ các công cụ để giành chiến thắng và niềm tin ấy lại được những lời khích lệ của tổng thống Johnson và những báo cáo lạc quan của Bunker và Westmoreland trong chuyến về thăm Mỹ củng cố, thì dân chúng Hoa Kỳ có cảm giác là rồi đây mọi sự sẽ ổn thoả. Thế mà giờ đây cộng sản bỗng đột nhiên có khả năng mở cuộc tiến công Tết trên toàn miền, thậm chí đánh cả vào sứ quán Mỹ ở Sài Gòn, thì tất cả thực tế phũ phàng đó đã đi ngược lại cảm giác ấy của dân chúng Mỹ.
Cái làm công chúng Mỹ phản ứng mạnh nhất với cuộc tổng tiến công Tết, đó là họ bất ngờ trông thấy trên các màn ảnh tivi những hình ảnh khủng khiếp của máu đổ, bạo lực và tàn phá. Từ trước đến giờ nét chủ yếu của chiến tranh Việt Nam chỉ được phản ánh qua vài tấm ảnh gây ấn tượng mạnh như ảnh vị sư tự thiêu để phản đối chế độ Diệm. Nhưng lần này thì công chúng Mỹ có cả một lô một lốc, trong đó cảnh gây ấn tượng nhất là tấm ảnh chụp rõ đến từng chi tiết cảnh tướng cảnh sát Nguyễn Ngọc Loan hành quyết ngay tại chỗ một chiến sỹ Việt cộng bị bắt, do phóng viên Eddie Adams của hãng Associated Press quay được (sau đó Adams thú thực giá anh không quay được cảnh ấy thì hơn)... Rồi biết bao cảnh khác nữa: cảnh xác người đổ ngổn ngang, rách bươm, đẫm máu, cảnh bom đạn nổ, cảnh các đám cháy khói lửa ngày đêm ngun ngút... trong khi các phóng viên chạy hết nơi này đến nơi khác để ghi lại khiến người ta có cảm tưởng là toàn Nam Việt Nam đang điên đảo trong một vụ chấn động lớn.
Trước tác động vang dội của những hình ấy thì không một phân tích lạnh lùng nào về kết quả của cuộc chiến lại có thể đứng vững. Một số phóng viên chín chắn đã tỏ ra lo ngại về cách đưa tin một chiều ấy của truyền hình, báo chí. Thậm chí một số người trong họ đã nêu lên là trong bối cảnh ấy, lương tâm nghề nghiệp của thông tin báo chí là phải thể hiện được bức tranh toàn cảnh của tình hình, chứ không phải chỉ chạy theo nhũng sự kiện giật gân lúc này đang tràn ngập trên báo chí và truyền hình. Song ở đây vấn đề này xin để người khác giải quyết. Điều đáng nêu ở đây là kết quả của việc đưa tin của giới thông tin đại chúng nhất là truyền hình về cuộc tiến công Tết là nó đã gợi cho công chúng Hoa Kỳ ý nghĩ là người Mỹ hãy chấm dứt những nỗ lực của mình ở Việt Nam, nơi mà tình hình từ nay đã trở nên vô vọng.
Sau một bữa tiệc và một buổi họp ngắn ngày 25 tháng Ba do Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và C.I.A. tổ chức, một nhóm “cố vấn” của Washington, trước khi mời các cơ quan tổ chức xin ý kiến tổng thống và được tổng thống tán thành, đã kiên quyết chủ trương là nên “giải ước”, có nghĩa là rút ra khỏi cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Trong chừng mực mà nhóm ấy gồm các nhân vật hàng đầu (người ta không thể nói được là “bồ câu”) như Dean Acheson, Mc George Bundy, Douglas Dillon (cựu bộ trưởng Tài chính), Robert Murphy (nhà quán quân của nền ngoại giao Hoa Kỳ), John Mc Coy (cao thủ Đức sau chiến tranh) và Hery Cabot Lodge (vừa từ Việt Nam về) thì sức ép đối với Johnson quả là mạnh.
Lập trường của họ lại được củng cố thêm bởi kết quả của cuộc bầu sơ bộ của Đảng Dân chủ ở New Hampshire, mà ở đấy người ta thấy Engene Mc Carthy, kẻ thù công khai của chiến tranh, đuổi sát gót tổng thống đang nhận chức, và bởi việc thông báo Robert Kennedy sẽ ra ứng cử tổng thống (dựa trên một mục tiêu: thay đổi chính sách theo đuổi chiến tranh). Johnson chịu đựng cú sốc với thái độ của một nhà chính trị cừ khôi của dân Texas và quyết định sẽ thôi tái cử để tập trung thời giờ vào giải pháp chiến tranh, lánh ra khỏi sức ép của một chiến dịch bầu cử.
Nhưng cũng như nhiều người Mỹ có mặt ở Việt Nam, tôi không đồng ý. Chúng tôi là những người đã đương đầu trực tiếp với thực tế tình hình ở Việt Nam, chứ không phải chỉ gián tiếp qua hình ảnh của nó trên truyền hình Mỹ. Chúng tôi thấy rằng tiến công Tết là một thất bại của cộng sản, và người Việt cũng như người Mỹ có mặt ở Nam Việt Nam cuối cùng đã sẵn sàng ở tư thế và đứng trước khả năng có thể tận dụng và khai thác được nó. Kẻ địch đã bị những tổn thất nặng nề, nhất là về cán bộ miền Nam, những người tạo thành nền tảng cần thiết cho chiến lược chiến tranh nhân dân của họ. Tinh thần quân đội Nam Việt Nam như được hồi sinh bởi họ đã đương đầu thắng lợi với cuộc tiến công lớn nhất mà kẻ địch tung ra từ trước đến giờ, và bởi quân đội của họ chứ không riêng gì Mỹ đã chiến đấu một cách dũng cảm và họ đã thành công. Đã đến lúc này Nam Việt Nam và Mỹ có thể tiến đánh kẻ thù ngay tại nơi mà họ thách thức chúng tôi: đó là các thôn ấp Việt Nam.
Tháng Hai năm 1968, lúc sắp từ biệt C.I.A. để sang A.I.D, tôi tự hỏi tôi nên làm gì ở Việt Nam. Ngồi trên chiếc máy bay đưa tôi sang bờ kia của Thái Bình Dương, tôi nghĩ với tư cách người phó của Komer, tôi cần phải thích nghi với phong cách kiên quyết của ông để chỉ đạo chương trình C.O.R.D.S (Civil Operations and Revolutionary Development Support. Chương trình hỗ trợ phát triển cách mạng và các hoạt động dân sự) dưới quyền của ông. Tôi lại cần phải giữ được các mối quan hệ với các chỉ huy cấp cao của quân đội, với sứ quán và với các nhà lãnh đạo Việt Nam, trong khi tôi phải chuẩn bị cho Komer các chương trình riêng về chiến lược bình định và giám sát việc thực hiện nó: Vai trò này sẽ tạo cho tôi cơ hội để đưa ra các ý kiến của tôi - về cách tiếp cận chính trị và tầm quan trọng của công tác tự vệ tại thôn ấp và kết hợp các chương trình khác nhau của C.I.A, các chương trình đã đạt tới tầm cỡ quốc gia trong những năm qua. Tôi trông đợi vào sự ủng hộ của Komer, biết rằng ông đã khuyến khích các chương trình ấy từ khi C.O.R.D.S. được thành lập. Nhưng tôi cũng biết chúng tôi cần phải nhanh chóng đạt được những kết quả nào đấy để bù lại tác động tiêu cực của cuộc tiến công Tết đối với công luận Mỹ. Nó cần phải đủ sức thuyết phục để làm hồi sinh sự ủng hộ của dân chúng Mỹ.
Ngày 2 tháng Ba, trong khi chiếc máy bay của Pan Am bổ nhào xuống để hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất (để tránh có thể bị bắn lên từ mặt đất), tôi nhận thấy bay bên phải tôi một chiếc phóng pháo đeo đầy bom của không quân Nam Việt Nam, chắc nó có nhiệm vụ đi tấn công các đội du kích địch còn đang bám trụ ở ngoại ô thành phố. Tôi hiểu rằng để biến các chương trình của chúng tôi thành hành động cụ thể trên chiến trường, chúng tôi còn rất nhiều việc phải làm. Đẩy lùi các đơn vị cộng sản ở thành phố dù họ là bộ đội chính quy hay du kích là một chuyện nhưng còn lập lại được một không khí tin cậy và an toàn ở nông thôn chống lại bom đạn và các hoạt động khủng bố, thì đó lại là chuyện khác.
Thêm nữa, chúng tôi lại có một nhiệm vụ đáng kể khác, đó là sửa chữa lại nhà cửa, có khi nguyên cả một khu phố, khôi phục lại đường sá giao thông, cầu cống và chăm sóc cho hàng triệu dân phải chạy trốn trong cuộc tiến công Tết trên khắp miền đất nước, và lo sao cho họ có được nơi ăn chốn ở.
Komer đón tiếp tôi một cách nồng nhiệt và đề nghị tôi nhanh chóng bắt tay vào nhiệm vụ mới - làm phó thực hành cho ông và chính thức là một trong các phó Tổng Tham mưu trưởng của Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ ở Việt Nam. Điều đó có nghĩa là tôi phải làm việc với các đồng sự của tôi trên tất cả các lĩnh vực: tình báo, nhân sự, hậu cần, kế hoạch và nhiều mặt chuyên môn khác của một tổng hành dinh chỉ huy năm trăm nghìn quân. Tôi cũng cần phải sẵn sàng dưới quyền sử dụng của Tổng Tham mưu trưởng, người điều hành cả dàn nhạc khổng lồ và giúp việc cho tổng chỉ huy Westmoreland và các viên chỉ huy phó của ông ta. Có một người cha là sĩ quan quân đội, nên tôi cũng cảm thất dễ gần gũi hơn với các sĩ quan chuyên nghiệp, những người từ nay tôi cùng làm việc, tuy lúc đầu tôi cũng phải mất một thời gian để vượt qua rào cản tâm lý: đó là lúc đầu hễ cứ gặp ai đeo một hàng sao trên vai là tôi lại không ngăn được mình khỏi buột miệng “thưa tướng quân của tôi” (Chả là lúc tôi còn bé, quân đội còn ít tướng, nên mỗi khi tiếp cận họ là người tỏ ra rất trọng vọng và kính phục.)
Tuy nhiên phần chủ yếu trong công việc của tôi lại ở bên ngoài tổng hành dinh và đó là điều làm tôi hứng thú. Tôi nhanh chóng quyết định cách tốt nhất để xa lánh những phiền toái trong cuộc sống thành thị và hoàn thành nhiệm vụ của mình ngay tại thực địa, điều mà tôi cho đó mới là mục tiêu thực sự của sự có mặt của tôi ở Việt Nam, là sống ở các tỉnh càng nhiều càng tốt. Có một chiếc trực thăng sử dụng riêng để muốn đến đâu thì đến, một sự “xa xỉ” vô giá đối với tôi, tôi có thể làm việc cả ngày thứ bảy ở tổng hành dinh, hết chiều thì đáp trực thăng đến một tỉnh, huyện nào đó, ăn tối ở đấy với các cố vấn địa phương, bàn bạc công việc và quan sát các hoạt động tại chỗ cả buổi sáng chủ nhật cùng với họ, rồi trở về Sài Gòn kịp bơi một chầu trước khi ăn trưa. Sáng thứ hai tôi đã có thể sẵn sàng để làm việc ở tổng hành dinh, thoát được khỏi mấy trò hội hè vớ vẩn của những buổi tối thứ bảy.
Những đêm ngoại thành ấy đã dạy tôi thế nào là thực tế chiến tranh ở các tỉnh. Khi chiếc trực thăng của tôi lượn một vòng hẹp để đáp xuống thị xã Vĩnh Long ở đồng bằng Cửu Long, tôi có đủ bằng chứng là quân địch vẫn còn có mặt đâu đó ở ngoại ô, sẵn sàng bắn hạ chúng tôi nếu có điều kiện. Một đêm ở Buôn Ma Thuộc, gần làng Ênao, nơi chúng tôi đã khởi đầu chương trình xây dựng các buôn làng tự vệ năm 1960, tôi đã nghe thấy tiếng súng cối của địch bắn dần theo các đường phố về phía chúng tôi. Được trang bị đầy đủ, người của chúng tôi bố trí trên ban công tầng hai sẵn sàng đánh trả địch nếu xảy ra chiến đấu, nhưng chuyện đó đã không xảy ra. Nếu địch đã có thể làm được như vậy đối với các thành phố, thị xã, thì có nghĩa là họ đã kiểm soát được nông thôn. Quân Nam Việt Nam và Mỹ luôn luôn có thể, và họ cũng đã nhiều lần làm thế, sớm hôm sau tổ chức lùng sục ra ngoài để truy quét cộng sản, song phần lớn những cuộc lùng sục ấy đều tỏ ra vô hiệu.
Tôi cũng có những chuyến đi ngắn ban ngày đến các vùng ngoại vi Sài Gòn hay vùng đồng bằng Cửu Long, những chuyến đi thăm thực địa, được tổ chức kỹ càng cho các quan chức đến từ Washington; những cuộc hội thảo với các cố vấn cấp tỉnh, có người của Sài Gòn tham dự; những buổi họp để chúng tôi trình bày chương trình bình định cho các chỉ huy quân sự của một khu. Komer chủ trì các buổi họp quan trọng hơn nhưng nếu có thể tôi vẫn tham dự để có được một ý niệm của riêng tôi.
Tôi thực hiện một trong những chuyến đi đầu của tôi cùng với John Paul Vann, lúc đó còn là một trong những gương mặt huyền thoại của chiến tranh Việt Nam. Mới mười chín tuổi, Vann đã theo học một khoá huấn luyện để được gia nhập vào một phi đội máy bay ném bom trong Chiến tranh thế giới thứ hai ở mặt trận chống Nhật ở Thái bình Dương. Chiến tranh kết thúc trước khi Vann có dịp chiến đấu và thế là ông quyết định theo đuổi con đường binh nghiệp và cứ tuần tự leo lên trong hệ thống cấp bậc. Trở thành trung tá bộ binh, Vann được cử làm cố vấn cho một một sư đoàn Nam Việt Nam đóng ở đồng bằng Cửu Long. Tính khí hơi bướng bỉnh, ngay cả với kỷ luật quân đội, Vann lần đầu được người ta nhắc đến tên là từ sau trận Ấp Bắc tháng Một năm 1963. Do thiếu kiên quyết và bất cẩn, sư đoàn ông làm cố vấn đã để địch chạy thoát, Nam Việt Nam và Mỹ bị tổn thất nặng. Khi báo chí Mỹ nêu lên sự việc, kêu rằng hơn một lần nữa, thất bại ở Ấp Bắc đã chứng tỏ rằng chế độ và quân đội Diệm đã không đáng được hưởng sự giúp đỡ của Mỹ thì Vann, đúng với tính khí của mình, đã phẫn nộ phản bác. Công phẫn trước phản ứng chính thức của người Mỹ, Vann đã xin ra khỏi quân đội. Năm 1965, ông lại trở Việt Nam với tư cách là đại diện dân sự của A.I.D. ở một trong những tỉnh nguy hiểm nhất và bị địch quấy phá mạnh nhất ở xung quanh Sài Gòn. Một cách hoàn toàn mặc nhiên, Komer chọn Vann làm chỉ huy vùng trong tổ chức liên hợp mới của ông, tổ chức C.O.R.D.S.
Neil Sheehan đã viết về Vann trong một cuốn sách dày và chi tiết, Sự lừa dối hào nhoáng mà trong đó ông đã thể hiện Vann như một biểu tượng của cuộc chiến ở Việt Nam. Nghiên cứu của Sheehan là toàn diện, còn văn phong thì sáng sủa, song đối với tôi, những kết luận của ông có vẻ như nhầm lẫn. Như cho rằng: các phóng viên trẻ có mặt ở Việt Nam từ hồi đầu chiến tranh như Vann đã có lý khi họ công kích Diệm; không riêng Diệm, nói chung những người Việt Nam đều tỏ ra thiếu khả năng, người Mỹ, dính líu sâu vào chiến tranh, đã bị lừa bịp.
Những gì tôi biết về chế độ Diệm khiến tôi nghi ngờ về sự đúng đắn của những ý kiến của nhà báo Sheehan, ngay cả khi những ý kiến đó được gán cho bản thân Vann. Sau này tôi sẽ nói về những hành động của nhiều người Việt Nam sau tiến công Tết 1968 mà theo ý tôi là rất có hiệu quả và nó sẽ là một sự bác bỏ rõ ràng quan niệm cho rằng người Việt Nam là chẳng được tích sự gì hết. Còn về những khía cạnh khiến người khác phải khó chịu trong đời sống riêng tư của Vann mà Sheehan đào bới lên, thì tôi chỉ nói rằng theo tôi biết, nó chưa bao giờ gây trở ngại cho những phẩm chất chỉ huy của ông cũng như cho phong cách đặc biệt mà ông đảm đương những trọng trách của mình.
Vann đã hiểu biết nhiều về tôi. Đêm đầu tiên, Vann dẫn tôi đến gặp một thôn trưởng vào loại dám nghĩ dám làm, người đã trang bị cho trai tráng trong làng những thanh kiếm thô sơ làm từ những díp xe hơi. Điểm nút của cuộc viếng thăm là vào lúc ông thôn trưởng muốn lưu ý chúng tôi về việc phải giúp cho trai làng ông được trang bị tử tế để có thể bảo vệ xóm làng chống lại cộng sản được trang bị tiểu liên AK, đưa cho chúng tôi xem một trong những thanh kiếm ấy. Hết sức lựa lời để tránh cho họ khỏi phải hy vọng hão, tôi hứa sẽ làm hết sức mình để trang bị vũ khí tốt cho họ. (Sau đó tôi đã thực hiện đúng như lời hứa). Kết qua tích cực của buổi tối ấy là Vann và tôi đã thống nhất về một điểm: cách tốt nhất để tiến hành chiến tranh là xây dựng những thôn ấp tương tự như ngôi làng chúng tôi vừa đến và loại dần cộng sản ra khỏi dân chúng.
Tuy nhiên trong thời kỳ ấy, chúng tôi chưa thực sự theo đuổi một chiến lược bình định. Tổng tiến công Tết đã tàn phá rất nặng - cả đối với Nam Việt Nam và Mỹ - cho nên sau đó nỗ lực chính của chúng tôi là phải tập trung vào xây dựng kinh tế và các làng xóm. Số người lánh nạn chạy trốn trước thảm hoạ lên tới hơn một triệu. Họ chờ đợi ở chính phủ một sự giúp đỡ về nơi ăn, chốn ở và những chăm sóc khác. Nhiều người sợ quay về nơi cũ, nơi họ đã bị tấn công và tập trung vào các trại, đã hy vọng các nhà chức trách sẽ quan tâm tới họ. Chính phủ Nam Việt Nam phải đối mặt với những nghĩa vụ giống như họ đã phải làm năm 1954 và 1955 khi chín trăm người dân chạy vào từ Bắc Việt Nam.
Một số lượng rất lớn nhà ở và công trình công cộng - nhà trường, chợ búa - cần phải được xây dựng lại, và muốn vậy cần phải có xi măng, sắt thép, tôn lượn và nhân công. Người bị thương cần được chữa trị và một số cơ quan chính quyền và tổ chức dịch vụ ở cơ sở bắt đầu làm việc một cách rụt rè, thậm chí tạm thời ở những khu vực bị cộng sản chiếm đóng trong cuộc tiến công Tết. Để làm cho tình hình càng khó khăn hơn, cộng sản tiếp tục mở nhiều đợt tiến công trong những tháng tiếp theo, nhằm lấy lại đà tiến công bị mất sau hồi Tết.
Thế là một cách tự nhiên, các công việc xây dựng và khắc phục hậu quả ấy rơi vào tổ chức của chương trình bình định, trong khi quân đội tập trung vào đối phó với những nguy cơ tấn công của cộng sản mỗi khi họ có thể phát hiện ra nó. Muốn chứng tỏ tổ chức mới của chương trình bình định có thể thực hiện được những gì trước sức ép ấy, Komer quyết tâm bắt tay vào việc. Nhưng điều chúng tôi chủ yếu quan tâm là khía cạnh vật chất của công cuộc tái thiết, còn những khía cạnh có tính chất chính trị và khó nhìn thấy của một chương trình bình định đích thực thì đành tạm gác về sau.
Thời kỳ tiếp xúc với nhiệm vụ mới của tôi bị gián đoạn bởi chuyến đến viếng thăm của một vị khách của Washington, tân Bộ trưởng Quốc phòng Clark Clifford. Tổng thống Johnson đã cử ông thế chân Mc Namara mặc dù - hay ít ra không phải chỉ vì - năm 1965, ông đã tiên đoán một cách bi quan rằng: “Nếu chúng ta mất thêm 50.000 người nữa... thì đó sẽ là một sự phá sản đối với chúng ta. Năm năm, hàng tỷ đô la và 50.000 người không phải là cái dành cho chúng ta”.
Hiệu quả của ông bộ trưởng mới một phần là ở cách xử sự lịch thiệp, sự tự tin và cái giọng nghiêm nghị gợi lên lòng tin và sự tôn trọng của ông ta. Nhưng trong trường hợp này, giá trị lớn của ông là ở chỗ ông có thể xem xét một cách sáng suốt những thực tế chính trị mà một tổng thống phải đối mặt - thế mà Việt Nam lại là thực tế quan trọng nhất mà Johnson phải giải quyết.
Đi theo Clifford có thứ trưởng Quốc phòng phụ trách những công việc quốc tế Paul Warnke, người tôi đã biết hồi ông còn làm việc trong một văn phòng luật ở Washington. Trong khi biết ông là một người dân chủ tự do kiên định, tôi lại không nắm được ông là người thuộc đội tiên phong của những người, ngày càng mất lòng tin vào chiến tranh Việt Nam, đã tuyên truyền cho việc Mỹ nên thôi dính líu.
Chịu sức ép mạnh của cảm tình chung ở Mỹ cho rằng sự dính líu của chúng tôi vào Việt Nam là một thất bại, chẳng một ai trong hai vị khách để mình bị huyễn hoặc bởi những chứng minh lạc quan của các nhà chỉ huy quân sự. Komer và tôi hầu như chỉ có dịp nêu lên những hy vọng của mình vào công tác bình định mà những tổn thất hồi Tết đã che lấp mất. Nó chỉ là một chương trình, hơn là một chiến lược, xây dựng lại về mặt vật chất những đổ nát tích tụ lại trong chiến tranh Việt Nam bởi một kẻ địch chiến thắng, không hứa hẹn gì cho tương lai. Hai vị khách ra đi mà người ta chẳng thể làm thay đổi được quan điểm của họ: đó là Mỹ đã sa vào một vũng lầy tồi tệ mà Mỹ nên sớm rút chân ra được nhanh chừng nào hay chừng ấy.
Tháng Tư năm 1968, phía địch có một cử chỉ mới khiến tôi nghĩ nỗ lực chính trị của chúng tôi lại có thể tung ra. Đài cộng sản loan tin thành lập “Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hoà bình” và rõ ràng đó là một âm mưu của cộng sản nhằm lập ra một tổ chức bao gồm cả các lực lượng dân tộc không cộng sản trong một liên minh chống chế độ Thiệu. Nhờ kinh nghiệm của tôi về các câu lạc bộ chính trị ở New York và ở Châu Âu những năm 40 và 50, và theo hiểu biết của tôi về cách thức mà những người cộng sản đã lãnh đạo các mặt trận ấy của họ. Cộng sản Việt Nam cũng thông báo thành lập uỷ ban giải phóng ở các địa phương để tổ chức chính quyền ở các vùng họ đã giành được quyền kiểm soát. Hiển nhiên những đề xuất và việc làm ấy của họ là nhằm tạo cơ sở để khẳng định chủ quyền của họ trong trường hợp họ có khả năng đàm phán về một sự thoả hiệp giữa quân đội của họ và quân đội quốc gia Nam Việt Nam.
Thất bại trong ý đồ thôn tính Nam Việt Nam khởi đầu từ tiến công Tết, giờ đây cộng sản đang chuẩn bị chiến trường để giành lấy quyền chính trị, hay ít ra để tham gia chính quyền, và chuẩn bị để đàm phán một thoả hiệp với Mỹ trên lưng của chính phủ quốc gia. Cho nên câu trả lời của chính phủ Nam Việt Nam và Mỹ cũng phải là trên phương diện chính trị: đó là phải xây dựng một chính quyền địa phương hợp pháp để chống lại những tham vọng của cộng sản.
Một Chiến Thắng Bị Bỏ Lỡ Một Chiến Thắng Bị Bỏ Lỡ - William Colby Một Chiến Thắng Bị Bỏ Lỡ