Love is the only satisfactory answer to the problem of human existence.

Erich Fromm

 
 
 
 
 
Tác giả: William Colby
Thể loại: Lịch Sử
Nguyên tác: Lost Victory
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Nguyen Ngoc Hai
Số chương: 25
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2424 / 51
Cập nhật: 2017-03-24 12:42:52 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4: 1967: Bước Ngoặt
ăm 1967 đánh dấu một bước ngoặt trong chiến tranh Việt Nam. Năm đó người ta thấy xuất hiện bốn nhân vật, bốn con người cuối cùng sẽ phát hiện ra một chiến lược và một tổ chức để áp dụng nó. Tất nhiên họ đã bắt đầu công việc từ những cái trước đây đã có người làm, nhưng với một cái nhìn hoàn toàn khác. Đằng sau họ là bóng dáng của Lyndon Johnson, người không ngừng thúc đẩy chính phủ Mỹ và Việt Nam (và cả nhiều đồng minh khác) trong việc tìm ra một công thức có khả năng vượt qua được tình trạng hỗn độn và không hề biết đến mùi vị chiến thắng và ông đã thừa hưởng khi lên cầm quyền.
Từ tháng Ba năm 1966, Johnson thể hiện hành vi đầu tiên của mình đối với tấm thảm kịch ở Việt Nam. Đó là sự hưởng ứng của ông đối với những lời kêu gọi dồn dập của những người yêu cầu Mỹ hãy quan tâm nhiều hơn nữa đến khía cạnh dân sự của cuộc chiến tranh Việt Nam trên thực tế chiến trường, hơn là cứ loay hoay với mớ giấy tờ ở Washington. Điều đó cũng tương ứng với niềm tin của ông vào giá trị chính trị của tiến bộ xã hội. Ông yêu cầu cái mà ông gọi là “cuộc chiến tranh khác” ấy phải được sự ủng hộ và có quyền ưu tiên chẳng kém gì cuộc chiến tranh quân sự. Muốn làm cho các quan chức ở Washington hiểu ông sẽ đích thân trông nom cái cách mà người ta sẽ chấp hành mệnh lệnh của ông thế nào, ông đã chỉ định một phụ tá đặc biệt, trực thuộc với Nhà Trắng, có nhiệm vụ “giám sát” việt thi hành mệnh lệnh ấy. Và sự chọn người của ông tỏ ra hết sức đúng đắn.
Robert W.Komer lúc đó đang nằm trong êkíp của Nhà Trắng ở Hội đồng An ninh quốc gia, được phân công đặc trách về Trung đông. Cựu sinh viên đại học Harvard, ông bắt đầu công tác tình báo ở Ý vào cuối Chiến tranh thế giới thứ hai. Tại đó ông đã chủ trương “mở cửa sang phái tả” và vào thời kỳ đó, ông là người ủng hộ nhiệt tình đối với tổng thống Kennedy. Sau đấy, quan tâm tới Cận đông, ông trở thành chuyên gia phân tích ở phòng tổng hợp của C.I.A., rồi từ đó ông chuyển qua Hội đồng An ninh quốc gia. Nhưng chức danh “phân tích” không đủ để nói về ông. Là một con người không có gì khiến phải e sợ, trong bất kỳ cương vị nào, ông cũng dám mạnh dạn hành động, đến nỗi mà một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng giữa Ai Cập của Nasser với Bắc Yêmen đã được các viên chức Mỹ, những người đã phải chịu nhiều sức ép của ông, mệnh danh là “cuộc chiến tranh của Komer”. Nhận thấy tính cách dám nghĩ dám làm của ông, Johnson cho rằng ông sẽ là con người lý tưởng để đốc thúc mấy tay cạo giấy phải chăm lo về “cuộc chiến tranh khác”.
Komer hăng hái bắt tay vào việc. Ông không để ai dám nghi ngờ về nhiệm vụ “giám sát” của ông, một từ có nghĩa mạnh hơn từ hành chính quen thuộc là “phối hợp”. Trong các ban ngành, ông làm cho những ai có thói quen lề mề phải khiếp sợ bằng cách dọa rằng: Johnson sẽ chẳng ngại ngần gì mà không xát xà phòng cho hẳn cấp trên trực tiếp của họ. Là người phụ trách phân cục C.I.A. ở Viễn Đông, tôi nằm đúng trên đường ngắm của ông nhưng tôi lại thích thế. Bởi cuối cùng tôi đã gặp con người biết đánh giá đúng tầm quan trọng của công tác bình định và có đủ ảnh hưởng để thúc đẩy các cơ quan của Washington phải áp dụng nó tại Việt Nam. Nguyện vọng duy nhất của Komer là người ta hãy làm nó nhiều hơn nữa và ông đã bật đèn xanh cho chúng tôi để làm cái mà chúng tôi cần làm.
Tuy nhiên, dù hiệu quả đến mấy, sự giám sát của Washington đã sớm tỏ ra không đủ. Cái kiểu “quyền hành đơn phương” - tức thống nhất quyền hành động vào một đầu mối - lại cần thiết ở Việt Nam. Những biện pháp rời rạc người ta áp dụng ở đây đã tỏ ra vô hiệu. Giới quân sự đã tổ chức ra một ban nằm trong Bộ Tổng chỉ huy để làm nhiệm vụ hỗ trợ cho công tác phát triển cách mạng, một công việc đòi hỏi các đơn vị phụ thuộc và các êkíp cố vấn quân sự (tăng lên nhiều trong quân đội Nam Việt Nam nằm trong các khu vực liên can đến an ninh lãnh thổ) phải quan tâm đến công tác bình định. Nhưng nằm lọt thỏm trong vô vàn các ban bệ của tổng hành dinh, Ban hỗ trợ phát triển cách mạng ấy chẳng có tác động gì mấy đến cách suy nghĩ chung.
Còn các cơ quan dân sự thì họ được tập họp lại trong một phòng được gọi là Phòng các chương trình dân sự (O.C.O. - Office of Civil Operations), phụ thuộc vào một phụ tá của đại sứ. O.C.O. trở thành một thứ Nhóm đầu ngành quen thuộc, làm nhiệm vụ phối hợp một cách thụ động các hoạt động của các cơ quan nhưng thiếu hẳn một sự năng động chiến lược được thống nhất, tập trung một cách thực tế. Đại sứ Lodge chắc chắn không phải là con người có khả năng áp đặt và áp dụng một chiến lược như thế.
Để thoát ra khỏi cái ngõ cụt ấy, Komer đưa ra một cách thỏa hiệp tài tình. Những chương trình của các cơ quan khác nhau, dân sự hay quân sự, có dính dáng tới công tác bình định, sẽ được đặt dưới sự chỉ đạo thống nhất của một giám đốc - giám đốc chứ không phải điều phối - có tư cách là người phó của tướng William Westmoreland, Tổng Chỉ huy quân đội Mỹ ở Nam Việt Nam. Để các cơ quan dân sự được yên tâm, viên phó này nhất thiết phải là dân sự. Việc tổ chức nhân sự và các chương trình của công tác bình định, đặc biệt là sự hỗ trợ cùng các ý kiến cố vấn cho lực lượng an ninh địa phương ở các vùng nông thôn, được đặt dưới quyền của ông ta có nghĩa là tất cả các phương diện của công tác bình định (chứ không chỉ riêng nhũng phương diện dân sự) đều thuộc vào một chiến lược duy nhất. Các chương trình dân sự không phụ thuộc vào nỗ lực của bên quân sự là đánh bật kẻ thù. Như vậy là ý kiến của Komer đã giải quyết vẹn cả đôi đường: việc thống nhất chỉ huy của bên quân sự vẫn được tôn trọng, mà từ nay những xung đột giữa các chương trình dân sự và quân sự đã có thể giải quyết được ngay tại Việt Nam chứ không cần phải đưa về tới Washington.
Chấp nhận giải pháp ấy, Lyndon Johnson cử ngay Komer sang áp dụng nó tại Việt Nam, điều không làm ai ngạc nhiên. Ở đây nữa, Komer lại nhanh chóng chiếm lĩnh chiến trường bằng cách tuyên bố dứt khoát rằng cương vị của ông là phó của Westmoreland (thêm hàm đại sứ nữa mà ông mới được Johnson phong) và điều đó đặt ông ở vị trí ngang bằng với các phó chỉ huy khác. Vậy là ông đòi chiếc ô tô hòm của ông cũng phải to bằng xe của các ông phó khác và cũng có bốn sao ở phía trước1. Song ông tỏ ra rất tôn trọng quyền chỉ huy của Westmoreland và ông này đã ủng hộ ông vô điều kiện trong việc thống nhất điều hành các chương trình khác nhau liên can tới công tác bình định. Westmoreland làm thế chắc vì ông thấy nó cần thiết nhưng mặt khác Komer đặc trách về công tác bình định, ông cũng được nhẹ gánh hơn để tập trung vào tiến hành chiến tranh, công việc mà ông coi là trách nhiệm chính của ông.
Đóng góp quan trọng nhất của Komer có lẽ là việc tăng cường Lực lượng an ninh lãnh thổ và cải tiến vũ khí trang bị cho nó (chính vào giai đoạn muộn mằn này mà các lực lượng ấy mới được nhận súng M-16, loại súng các đơn vị chính quy đã có từ lâu), cũng như khâu huấn luyện và cố vấn cho nó. Vậy là Komer đã làm đảo ngược quá trình mà người Mỹ đã theo đuổi nhiều năm khi họ chỉ chăm chăm tập trung nỗ lực vào xây dựng quân đội chính quy Nam Việt Nam mà sao nhãng lực lượng địa phương, lực lượng phải đương đầu với tấn công của cộng sản ở cấp làng xã. Ông cũng bắt buộc các cơ quan dân sự, trước đây hoạt động rời rạc phân tán, và cả bên quân sự phải đặt các chương trình nông thôn của họ dưới sự chỉ huy thống nhất của một êkíp cố vấn Mỹ duy nhất nằm ở các tỉnh. Ông cũng quan tâm tuyển chọn những sĩ quan giỏi của các cơ quan để thành lập các êkíp ấy và đặt nó dưới sự chỉ đạo của một cố vấn chịu trách nhiệm ở cấp tỉnh. Khoảng một nửa các vị trí quan trọng đó được giao cho các đại tá, trung tá, số còn lại thì thuộc về các sĩ quan dày dạn kinh nghiệm của A.I.D., của C.I.A. hay của U.S.I.A. và bên ngoại giao. Đóng góp vào việc này, riêng Bộ Ngoại giao đã chọn khoảng năm mươi trong số viên chức trẻ xuất sắc của họ, cho học một lớp tiếng Việt sẵn sàng bổ sung cho các êkíp cố vấn. Trên thực tế, họ trở thành một “đại sứ” Mỹ đảm đương một nhiệm vụ ở cấp tỉnh, huyện mà ở đấy họ sẽ tích luỹ được những kinh nghiệm sau này sẽ rất quý báu cho họ khi họ được trao nhiệm vụ đại sứ thực thụ.
Nhưng Komer sẽ không thể đạt được tất cả các kết quả ấy nếu thiếu một nhân vật mấu chốt thứ hai của năm 1967. Đó là Ellsworth Bunker. Là dân quý tộc chính cống, tốt nghiệp đại học Yale và bạn học cũ của Averell Harriman, Bunker trạc ngoài bảy mươi nhưng dáng vẻ kiêu kỳ của ông đã làm cho ông có vẻ chưa đến cái tuổi ấy. Ông ra làm việc nhà nước sau một thời kỳ hoạt động ngân hàng và tài chính cỡ lớn. Nhiều tổng thống Mỹ đã bổ nhiệm ông vào các chức vị quan trọng (đại sứ ở Braxin, Ý, Ấn Độ) hay giao cho ông làm nhiệm vụ đàm phán trong những vụ việc khó khăn, tế nhị (như cuộc xung đột giữa Nasser và Yêmen, cuộc khủng hoảng ở cộng hòa Đôminic năm 1965, cuộc xung đột giữa Xôcácnô và Hà Lan về những gì còn lại của Hà Lan ở Indonesia. Hết sức tao nhã và lịch thiệp nhưng không kém vẻ ân uy, ông tỏ rõ để mọi người hiểu ông không phải là con người dễ chấp nhận những hành động vi phạm kỷ luật.
Tổng thống Johnson cử ông sang thay chân đại sứ Cabot Lodge tháng Năm năm 1967. Lần thứ hai sang làm đại sứ ở Nam Việt Nam, Lodge tỏ ra cũng bất lực như lần trước trong việc lãnh đạo phái bộ Mỹ, nhưng với chính phủ Nam Việt Nam, thái độ của ông có thay đổi khác hơn. Ông thể hiện cảm tình của ông đối với họ - một cử chỉ lạ lùng mà chỉ vài người trong chúng tôi nhận thấy - khi trong buổi lễ tiễn ông, ông đã đóng bộ khăn xếp áo dài, bộ quần áo quan lại mà lần đầu tiên ông trông thấy dưới thời Diệm, ông đã thấy nó sặc mùi Trung cổ. Hành động đầu tiên của Bunker là nêu rõ vị trí mới của Komer cũng như những quyền hạn của ông ta và chỉ thị rõ là mọi cơ quan dân sự Mỹ đều phải phục tùng tổ chức mới. Uy tín của Bunker đã gây ấn tượng mạnh đối với giới quân sự cũng như đối với người Việt Nam và điều đó đã làm tăng ảnh hưởng của Bunker trong vai trò mới của ông.
Nhân vật thứ ba nổi lên trong năm 1967 ấy là một người Việt Nam: tướng Nguyễn Văn Thiệu. Leo lên trong hàng ngũ quân đội Nam Việt Nam, nhờ vào tài năng và sự cực kỳ khôn khéo, ông đã vạch ra được một con đường riêng để lách qua những vụ tranh chấp nội bộ trong những năm 60 và yên ổn tiến lên. Chỉ huy một sư đoàn đóng ở Nam Sài Gòn, ông đã tham gia lực lượng quân đội tiến vào giải thoát cho Diệm trong vụ đảo chính của lính dù tháng Mười một năm 1960 nhưng vẫn cấm không cho quân của ông tham chiến. Hạn chế sự can thiệp của đơn vị ông bằng một cuộc phô diễn ưu thế lực lượng trước đám quân dù đang tháo chạy, ông đã “dẹp yên” được vụ nổi loạn mà không xảy ra một xung đột nghiêm trọng nào. Vì là một thành viên trung thành của quân đội và nghĩ rằng Diệm không thể cai trị được đất nước nên ông đã nhận tham gia cuộc đảo chính 1963 nhưng với điều kiện tổng thống phải được bảo toàn tính mạng. Ông đã lánh ra khỏi đám tướng lĩnh tồi tệ sau đó đã nối nhau cầm quyền và ông trở thành một trong số sĩ quan trẻ được người Mỹ gọi là nhóm “Tuyếc trẻ”, nhóm người thấy cần thiết phải có một chính phủ có sự cố kết chặt chẽ nếu người ta muốn tiếp tục chiến tranh một cách thích đáng. Nằm trong nhóm ấy, cách xử sự kín đáo của ông đã bị cái bóng đầy vẻ ngang tàng ngổ ngáo của tướng chỉ huy không quân Nguyễn Cao Kỳ che khuất. Nhưng nhờ có chiến thuật khôn khéo, ông vẫn trở thành một thành viên của nhóm thủ lĩnh quân sự đã chèo chống con thuyền đất nước trong cuộc hỗn loạn chính trị của thời kỳ giữa những năm 60.
Năm 1967, giờ của các lãnh tụ dân sự lỗi thời - những người mà sự bất tài đã được chứng tỏ quá rõ ràng - đã điểm, nhóm Tuyếc trẻ lên cầm quyền để mang lại cho đất nước một chút ít gì đó gọi là trật tự và có cơ cấu tổ chức. Sức ép của Mỹ làm xuất hiện nhu cầu phải có một hiến pháp, hiến pháp đầu tiên từ thời Diệm. Nó được đưa ra vào đầu năm 1967 bởi một Hội đồng lập hiến và hội đồng yêu cầu phải tổ chức bầu tổng thống để tạo cho chính phủ Việt Nam một cơ sở chính trị. Trong ý thức của mọi người, tướng không quân Nguyễn Cao Kỳ sẽ là ứng cử viên cho giới quân sự và nhóm Tuyếc trẻ ở nhiệm kỳ tổng thống và người ta nghĩ chẳng mấy khó khăn Kỳ sẽ đắc cử nhờ vào số cử tri mà người ta có thể lôi kéo dễ dàng đến hòm phiếu. Thì chính giữa lúc ấy, Thiệu bước ra từ bóng tối và yêu cầu Hội đồng các lực lượng vũ trang cho ông tham gia vào cuộc chạy đua đến chức vị tổng thống. Trái với sự chờ đợi của người Mỹ, chính Thiệu đã thắng cử còn Kỳ thì bị đẩy xuống hàng phó tổng thống.
Thoạt đầu, qua việc Komer được cử sang Việt Nam, Thiệu chỉ thấy đấy là một trong nhiều trò biến hóa của các hệ thống tổ chức của Mỹ mà ông thấy đầy rẫy ở Nam Việt Nam. Ông kiên nhẫn lắng nghe Komer kể ông ta sẽ tình cách đưa bộ máy của Mỹ vào công cuộc bình định như thế nào. Nhưng ông vẫn tỏ ra không mặn mà gì lắm đối với quá trình này, cho đến khi sự quan tâm của ông bỗng như bừng tỉnh khi ông được Komer cho xem nhưng báo cáo của các cố vấn Mỹ ở tỉnh, huyện gửi lên. Ông cảm thấy công việc song song này sẽ có thể giúp ông kiểm soát được các quận trưởng, tỉnh trưởng của ông. Và ông chú ý đến ý kiến của Komer khi ông này qua những báo cáo vạch rõ sự bất lực, thói tham nhũng và tệ nạn quan liêu giấy tờ của một số quan chức địa phương, đã đề nghị ông cách chức bọn họ và thúc giục ông tìm ra một giải pháp để giải quyết những khác biệt về quan điểm giữa người Việt Nam và người Mỹ bằng cách có sự điều hòa hay nương nhẹ đối với phía này hay phía kia.
Có một điều chắc chắn là Thiệu đánh giá cao quyết tâm của Komer trong việc tăng cường và phát triển đội ngũ các “bà con nghèo” trong lực lượng phòng vệ Việt Nam, đó là các lực lượng địa phương tỉnh huyện mà người ta gọi là lực lượng dân vệ địa phương. Đó là lần đầu tiên có một người Mỹ thể hiện sự quan tâm đối với số đơn vị vô cùng cần thiết ấy nhưng lại bị sao nhãng từ lâu, do giới quân sự Mỹ từ trước đến giờ chỉ duy nhất quan tâm đến quân đội chính quy.
Sở dĩ Thiệu nắm được tầm quan trọng của công tác bình định nông thôn, là do nguồn gốc nông dân của ông. Năm 1945, ông đã là đoàn viên của lực lượng “Thanh niên cách mạng” và sau này đã tích cực tham gia chương trình ấp chiến lược của Diệm, tin rằng đó là chiến lược đúng đắn để chiến đấu chống lại chiến tranh nhân dân của cộng sản. Đương nhiên để thể hiện tinh thần yêu nước của mình, ông không có thái độ “cứu thế” của Diệm cũng như quá bị ám ảnh bởi vấn đề độc lập, chủ quyền như Diệm. Ông cho rằng vai trò của ông là cai trị đất nước với những phương tiện ông có trong tay, đặc biệt là xây dựng được một lực lượng quân sự Việt Nam, trong khi bằng lòng chấp nhận một số hành vi cần thiết có tính chất tượng trưng để làm thỏa mãn nỗi khát khao của người Mỹ trong việc họ đòi hỏi phải tôn trọng những thể chế dân chủ. Đương nhiên người Mỹ đã có những thay đổi từ thời Diệm. Được Bunker điều hành một cách tinh tế và khéo léo, họ hiểu rằng giờ đây nhiệm vụ chủ yếu của họ là ủng hộ những biện pháp do Thiệu đưa ra để xây dựng những thể chế của nhà nước và thực hiện những chương trình nhằm tăng cường các cơ cấu chính trị và xã hội. Họ không còn đòi hỏi phải “cải cách” ngay lập tức để mau chóng làm cho nông dân Việt Nam được thừa hưởng những cái lợi của nền dân chủ và nguyên tắc tam quyền phân lập như đã tồn tại ở Hoa Kỳ.
Nhân vật có tầm cỡ thứ tư xuất hiện trong năm 1967 là tướng Mỹ Creighton W. Abrams. Tốt nghiệp West Point vừa đúng trước Chiến tranh thế giới thứ hai, Abrams trở thành chỉ huy một đơn vị thiết giáp tham gia cuộc tấn công vào Pháp năm 1944 dưới quyền chỉ huy của tướng Goerge S. Patton. Sau đó ông chỉ huy số đơn vị được tổng thống Kennedy phái đến trường đại học Missisipi khi ở đấy xảy ra một cuộc khủng hoảng về chuyện sáp nhập. Đó là một dịp tốt để ông thể hiện tài năng ngoại giao. Abrams cũng có một thời kỳ công tác lâu ở Đức, nơi ông có điều kiện để học hỏi thêm về âm nhạc cổ điển là môn ông có thiên hướng. Điếu xì gà kẹp ở ngón tay, cái nhìn ánh lên vẻ kiên quyết và giận dữ dưới đôi lông mày nhíu lại, đó là điệu bộ bướng bỉnh và đầy tính chiến đấu mà ông ưa thích. Nhưng không phải vì thế mà ông là một con người thiếu nhạy cảm: trò chuyện với các bạn đồng minh có nền văn hóa và môi trường khác biệt, chỉ một sắc thái nho nhỏ trong câu chuyện ông cũng có thể nhận ra, và ông luôn luôn sẵn sàng đứng vào hàng sau (đặc biệt sau Bunker) nếu như điều đó là có lợi cho sự nghiệp mà nước Mỹ ủng hộ. Tóm lại là ở con ngươi ông, người ta thấy có nhiều chất Eisenhower hơn là Mac Arthur hay Batton.
Abrams mới đầu được cử làm phó cho Westmoreland, đặc biệt chịu trách nhiệm về khía cạnh “cố vấn” trong những quan hệ của chúng tôi với Quân đội Việt Nam. Do đó ông là người thường xuyên tiếp xúc với các thủ lĩnh quân sự Việt Nam và điều đó cũng bắt buộc ông phải xem xét cuộc chiến tranh với cách nhìn của họ hơn là với cách nhìn của chúng tôi. Nhiệm vụ đó bỗng ngừng khi người ta cử ông ra phía bắc Nam Việt Nam để thiết lập ở đấy một tổng hành dinh tiên tiến thống nhất của quân đội Mỹ, tuy nhiên ông vẫn tiếp tục trông coi việc xây dựng quân đội Nam Việt Nam. Cho nên khi ông được giao làm tổng chỉ huy lực lượng Mỹ vào giữa năm 1968, thay cho Westmoreland trở về Washington thì trên thực tế ông đã được chuẩn bị cho nhiệm vụ ấy trong cả năm 1967.
Nỗ lực Komer đưa vào cuộc chiến đấu chống lại cuộc tổng tiến công chính trị của cộng sản ở nông thôn đã làm nảy sinh trong thời kỳ ấy nhiều sáng kiến của cả phía Mỹ lẫn Việt Nam.
Trong những chương trình đạt đến độ chín vào năm 1967, người ta thấy có các “Đội hành động dân chúng” của đại tá Nguyễn Bé. Thấy đó là một sáng kiến quan trọng, C.I.A. được khuyến khích phát triển và nâng nó lên quy mô quốc gia. Vậy là chúng tôi lập một trường quốc gia để đào tạo “cán bộ” những người sau này sẽ về tổ chức ra các đội. Với nhận thức ngày càng phát triển, về tác dụng của những đội này, người ta thấy rằng nó càng cần phải được sự giúp đỡ của các ban, ngành chính phủ. Vì vậy một bộ riêng của chính phủ được thành lập, có nhiệm vụ giúp đỡ và đưa công việc của các đội này vào các chương trình có liên quan tới công cuộc bình định.
Trường đã vấp phải một cuộc khủng hoảng khi viên giám đốc đầu tiên - một sĩ quan ở cấp tỉnh được C.I.A. đánh giá rất cao và chọn lựa vì tỏ ra đặc biệt nhạy bén với tầm quan trọng chính trị của dự án - đã bị bộ trưởng cách chức, vì anh ta đã lợi dụng cương vị của mình để tuyển mộ các cán bộ trẻ để phát triển lực lượng cho đảng chính trị mà anh ta ưa thích. Chức giám đốc này được trao cho Nguyễn Bé, người đã rất nhiệt tình với ý tưởng là phải đi từ nông thôn để xây dựng một nền tảng mới cho xã hội Việt Nam chứ không phải là áp đặt từ trên xuống bằng một quyền lực chính trị.
Một dự án nữa đã ra đời từ sáng kiến và nhu cầu địa phương, đó là P.R.U. (Provincial Reconaissance Unit), Đơn vị thám báo cấp tỉnh. Nhiều sĩ quan của C.I.A. nhận thấy trong nhiều tỉnh, các tỉnh trưởng đã không có đủ lực lượng có khả năng phát hiện ra du kích và cán bộ lãnh đạo của cộng sản. Hoặc do các đơn vị bộ đội chính quy không thuộc quyền chỉ huy của họ, hoặc do hậu quả của việc quá thiên về lực lượng chính quy mà coi nhẹ lực lượng địa phương của người Mỹ nên họ chỉ được trang bị và huấn luyện trong những hoạt động tấn công. Giữa những năm 1960, không khí của nhiều tỉnh chẳng khác gì không khí của một vùng giáp biên - nghĩa là quân địch có thể nhảy qua cửa sổ để vào trong nhà đánh phá tuỳ thích. Nhận thấy với khả năng mềm dẻo linh hoạt của mình, C.I.A. có thể giúp đỡ họ ở những nơi cần thiết, nhiều tỉnh trưởng đã yêu cầu C.I.A. giúp đỡ. Vậy là nhiều tỉnh đã lập ra các đơn vị nhỏ gồm các chiến binh gan dạ, được C.I.A. trang bị và trả lương, sẵn sàng khai thác một cách trực tiếp và nhanh chóng những tin tức mà họ có được. Tấm gương này có sức thuyết phục cao đến nỗi các tỉnh lân cận đã yêu cầu C.I.A. một sự giúp đỡ tương tự. C.I.A. nhận lời với hai điều kiện: trước hết tỉnh trưởng mỗi tỉnh phải chịu trách nhiệm trực tiếp về các đơn vị này và các hoạt động của nó; sau nữa, người mà họ sử dụng sẽ phải được huấn luyện một cách thích hợp.
Xét đặc tính bí mật gắn liền với hoạt động của C.I.A. và tính chất cơ bản là phân tán của chương trình, nên P.R.U. trở thành đề tài của một cuộc tranh cãi quan trọng. Để mô tả các hoạt động của nó, người ta đã phải vận đến các từ ngữ khủng khiếp. Người ta kể quân của P.R.U. là những tên đào binh của các đơn vị chủ lực hay những kẻ trốn tránh quân dịch. Sự tương đối dồi dào của các trang bị của nó cũng gây nên một sự tỵ nạnh đối với các chương trình Mỹ khác và người của chương trình này thì phàn nàn về sự “thiếu phối hợp” của lực lượng đó. Chỉ có các tỉnh trưởng là chẳng phàn nàn gì hết mà trái lại họ còn tỏ ra rất phấn khởi. Nhiều năm sau, khi tình hình ở Nam Việt Nam được cải thiện, chúng tôi đã sát nhập P.R.U. vào lực lượng cảnh sát quốc gia.
Ở cơ quan C.I.A., chúng tôi rất nhạy cảm với các điều tàn bạo mà P.R.U. thường bị cáo buộc. Chúng tôi đã cố đưa họ vào khuôn khổ của những quy tắc thông thường của chiến tranh nhưng kết quả thường không mấy khả quan. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tiếp tục cố gắng và sau đó những lời phàn nàn về họ thường chỉ là những lời đồn thổi, những điều nghe người ta nói thế, tóm lại là những “câu chuyện thời chiến” mà người ta thường nghe thấy. Tôi không hề muốn biện minh cho bất kỳ một hành động khát máu nào của họ nhưng tôi muốn mọi người hãy phán xét những hành động ấy dưới ánh sáng của bối cảnh lịch sử và thấy được ảnh hưởng mà C.I.A. đã tác động vào P.R.U. để nâng cao hiệu quả của nó.
Có được một cơ quan tình báo hoạt động có hiệu lực là một đòi hỏi thường xuyên. Dưới thời Diệm, chúng tôi đã góp phần vào việc xây dựng một Tổ chức Tình báo trung ương (C.I.O.), giúp vào việc tập trung và phân tích những tin tức tình báo thu thập được trong cả nước để từ đó rút ra những kết luận mà chúng tôi chờ đợi ở các nhà phân tích ở Washington. Cơ quan tình báo Việt Nam có thể khoe họ có nhiều cơ sở để lấy tin. Tuy nhiên mạnh ai người nấy làm và chỉ vì lợi ích của riêng mình nên các tin tức của họ bị giấu kín và rất hiếm khi được chia sẻ với nhau.
Trong một số trường hợp, việc giữ tin có thể coi là chính đáng bởi trong thời kỳ hỗn độn giữa những năm 1960, việc thông tin có khi lại có nguy cơ là những tin ấy lại bị sử dụng để chống lại người cung cấp nó. Tình trạng đó thường dẫn đến việc C.I.A. là cơ quan duy nhất được các cơ quan tình báo Việt Nam khác nhau tin cậy và duy nhất chỉ có nó là có khả năng tập hợp được những tin tức rải rác để tổng hợp lại thành một bức tranh có sự liên kết chung.
Ưu thế vượt trội của giới quân sự Mỹ giữa những năm 60 đã có tác dụng là tập trung được hoạt động tình báo vào những khía cạnh quân sự của cuộc tổng tiến công của địch. Cũng là điều hiển nhiên và chính đáng khi các chỉ huy quân sự Mỹ, và do đó cả các sĩ quan tình báo của họ đều chủ yếu muốn nắm được các đơn vị địch có khả năng tấn công họ, hay ngược lại sẽ là mục tiêu để họ tấn công. Vậy mục tiêu chính của giới quân sự Mỹ là lực lượng quân sự cộng sản chứ không phải là những phần tử tích cực hay cốt cán dân sự của cộng sản sống ngay ở trong làng hay thâm nhập vào làng để tiến hành chiến lược nền tảng của họ trong chiến tranh nhân dân - đó là tuyên truyền lôi kéo, thu thuế và tuyển mộ lực lượng. Những quân nhân làm nhiệm vụ thẩm vấn tù binh thường quan tâm hỏi đến từng chi tiết những hoạt động quân sự của các đơn vị địch, hỏi hết ở khu vực đơn vị mình lại đến khu vực đơn vị bạn, thậm chí có khi hỏi cả sang các đội du kích ở các vùng kế cận nhưng chẳng bao giờ họ hỏi lấy một câu về tung tích cũng như về các hoạt động của một người làm nhiệm vụ thu thuế cho địch hay của một chiến sĩ địch làm nhiệm vụ kích động dân chúng.
Song C.I.A. lại quan tâm đến khía cạnh đó của chiến tranh và họ tập trung nỗ lực tình báo của mình vào đấy. C.I.A. không có khả năng và cũng chẳng có ham muốn đua tranh với các nhà quân sự về sự quan tâm đối với công tác tình báo. Ý nghĩ của C.I.A. là giúp đỡ người Việt Nam xây dựng một thứ cơ cấu giúp cho cả Việt Nam và Mỹ hiểu được “kẻ thù chính trị” mà chúng tôi phải đương đầu trong tổ chức bí mật của cộng sản ở Nam Việt Nam. Ý tưởng về việc đó khá đơn giản: đó là lập ra những trung tâm tình báo để tập họp tất cả các cơ quan tình báo khác nhau mà ở những trung tâm ấy cơ quan nào cũng có thể đem đến những thông tin cần thiết cho các cơ quan khác, trong khi vẫn thỏa thuận với nhau là cơ quan nào cũng có quyền giữ việc kiểm soát các nguồn tin và các kỹ thuật tinh tế của nó trong trường hợp mà cơ quan đó ngại rằng các nguồn tin và kỹ thuật ấy sẽ bị nguy hiểm nếu đem ra chia sẻ (mối nguy hại đó có thể đến từ kẻ thù hoặc một phe phái kình địch).
Việc tổ chức thêm một Bộ Tham mưu trung tâm hướng tất cả chú ý vào bộ máy chính trị của địch cho phép chúng tôi phân tích tất cả các thông tin thu thập được và lập được danh sách (tương đối có thể sử dụng được) của các cán bộ cộng sản hoạt động ở địa phương, hiểu được cơ cấu và lực lượng của tổ chức cộng sản và thậm chí có khi còn dự kiến được cả chiến thuật, chiến lược của cộng sản tại khu vực. Cuối 1967, thấy việc làm trên thu được kết quả, người ta có ý định lập một chương trình quốc gia để áp dụng nó. Và tháng Mười một, áp dụng những ý tưởng đó, tổng thống Thiệu đã ra chỉ thị tổ chức “chương trình Phượng hoàng”. Biện pháp này hẳn là muộn mằn nhưng dù sao nó cũng gắng tạo nên cơ sở cần thiết cho công tác tình báo để chống lại chiến tranh nhân dân của cộng sản ở nông thôn.
Về mặt phát triển quốc tế, C.I.A. tập trung nỗ lực vào những vấn đề kinh tế lớn: làm thế nào bảo đảm được khả năng đứng vững của kinh tế Việt Nam mặc dù có những tác động về lạm phát và tham nhũng do sự có mặt của Hoa Kỳ. A.I.D. cũng thu được những kết quả đáng kể trong giúp đỡ về y tế và giáo dục. Họ đã cắm được những cột mốc đầu tiên trong thực hiện “Cách mạng xanh”, điều mà Viện nghiên cứu lúa gạo Rockefeller (Rockefeller Rice Research Institude) đã thực hiện được một bước nhảy vọt ở Philippines bằng cách đưa vào sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu và những giống lúa mới. Mới đầu những người nông dân Việt Nam tinh khôn nhìn việc làm ấy với con mắt nghi ngờ nhưng rồi họ đã nhanh chóng nhận ra rằng những biện pháp đó sẽ giúp cho họ có thể đạt được những vụ mùa bội thu.
Vậy là vào cuối 1967, tình hình có vẻ trở nên hứa hẹn trong con mắt người Mỹ có mặt ở Việt Nam. Một chính phủ ổn định, có Hiến pháp đàng hoàng, đã chấm dứt chuỗi dài những cuộc thử nghiệm tồi tệ mà đất nước đã phải trải qua từ khi Diệm đổ. Quân đội Mỹ có khoảng năm trăm nghìn người đủ sức ngăn chặn Bắc Việt giành chiến thắng. Quân đội Nam Việt Nam tăng về số lượng và thừa hưởng được các chương trình mới giúp nó cải thiện huấn luyện, trang bị và hiệu năng chiến đấu. Người Mỹ đã thiết lập được một cơ cấu cho phép tiếp tục chương trình bình định, từ nay được mọi người công nhận là cần thiết để tăng cường sức mạnh đất nước tới mức mà người Mỹ có thể dần dần rút quân được trong những năm tới. Tuy nhiên người ta vẫn chưa thống nhất được hoàn toàn về cách thức mà chương trình đó cần phải áp dụng: đó là mai đây quân đội Nam Việt Nam sẽ có thể đảm đương được chương trình bình định đó không để quân Mỹ có thể rảnh tay tiến hành cuộc “chiến tranh lớn” chống lại quân đội chính quy cộng sản? Bởi rõ ràng là không hề bị lay chuyển bởi những cuộc ném bom xuống miền Bắc và đường mòn Hồ Chí Minh, quân đội cộng sản vẫn quyết tâm tiến hành cuộc chiến tranh đó. Nhưng có vẻ như cũng “có chút ánh sáng le lói ở cuối đường hầm” - một thành ngữ được dùng trong thời kỳ ấy để chỉ một lối thoát tốt đẹp cho cuộc xung đột - ngay cả nếu lúc ấy người ta phải vượt qua một vùng tối đáng kể.
Đó là nội dung báo cáo của đại sứ Bunker và tướng Tổng Tư lệnh Westmoreland khi hai ông trở về Mỹ cuối năm 1967. Ngay cả khi phát biểu hay tuyên bố chính thức, người ta đã hết sức cẩn thận để không gợi nên một triển vọng thành công ngắn hạn thì giới thông tin đại chúng, băng ngôn ngữ quen thuộc của họ để thể hiện nội dung của nó, đã khẳng định một cách tin tưởng rằng kết cục tốt đẹp đã tới gần và bác bỏ lời lẽ của những kẻ bi quan cho rằng tình hình đã tuyệt vọng. Thành thực mà nói, tuy rằng có mức độ, tôi cũng chia sẻ ngầm lạc quan ấy. Cho nên khi Giám đốc C.I.A. Richard Helms tạo cơ hội cho tôi để chấm dứt công việc đã kéo dài ở Việt Nam và Viễn Đông bằng cách đề nghị tôi phụ trách việc tổ chức bí mật thâm nhập vào Liên Xô thì tôi đã sẵn sàng đồng ý. Tôi có cảm tưởng là tôi đã làm tất cả những gì tôi có thể làm ở Việt Nam và nghĩ rằng, những chương trình mà người Mỹ và Việt Nam tiến hành ở đấy đã được xếp đặt tốt để cuối cùng nó có thể thành công mỹ mãn miễn là người ta duy trì được nó đủ lâu dài.
Hoàn toàn hiểu rằng “công việc” của chúng tôi ở Liên Xô là rất tế nhị và dễ gây những cuộc tranh cãi trong nội bộ cơ quan, tôi vẫn phấn khởi về sự thay đổi ấy. Điều vui nhất của tôi là từ nay tôi được chuyên tâm về những hoạt động tình báo có tính chất nghề nghiệp sau một thời gian dài tôi phải bận rộn về những chương trình chính trị và bán quân sự.
Nhưng điều đó đã không xảy ra. Giữa chừng một buổi hội ý về chương trình hoạt động ở Liên Xô, tôi đã được Dick Helms mời tới phòng làm việc của ông. Helms có vẻ không vui và lập tức cho tôi biết lý do. Trong buổi họp vừa rồi với Lyndon Johnson - buổi họp ông thảo luận với các cố vấn thân cận nhất của mình về chiến lược áp dụng ở Việt Nam - tổng thống bỗng quay về phía Helms và bảo rằng Komer, khi đi ngang qua đây đã đề nghị tổng thống cho xin một người tên là Colby sang Việt Nam để làm phó cho ông ta. Rồi tổng thống lại ngoắt quay đi, chứng tỏ việc đó đã quyết định xong, chúng tôi cứ thế mà chấp hành. Helms xin lỗi tôi về việc đã xảy ra và đề nghị đêm về tôi sẽ suy nghĩ thêm để xem chúng tôi có cách gì giải quyết không.
Dù muốn sang làm nhiệm vụ ở Liên Xô đến đâu, tôi cũng phải sớm công nhận là tổng thống và Komer có lý. Tôi không thể tự coi mình là một “nhà Xô viết học” đã được thành danh, trong khi mà từ sáu năm nay, tôi là một trong những chuyên gia về Việt Nam ở Washington. Thêm nữa, những ý tưởng mà từ lâu tôi đã bảo vệ nay lại được đưa lên trung tâm vũ đài. Và dù thế nào cũng rất khó nói “không” với tổng thống khi ông giao cho anh một nhiệm vụ - vì lẽ tôi đã cử sang Việt Nam hàng chục sĩ quan C.I.A., những người có tài năng có thể làm tốt công việc ở bất cứ đâu nhưng họ đã vui lòng sang Việt Nam chính vì để đóng góp vào nỗ lực chung của chúng tôi. Vì vậy khi quay lại gặp Helms, đúng như ông chờ đợi, tôi đã báo ông tôi sẵn sàng nhận nhiệm vụ, trong khi vẫn hy vọng sẽ có một ngày nào đó tôi được cử sang công tác ở Liên Xô.
Vào lúc tôi đang chuẩn bị để trở lại Việt Nam, một trong những gương mặt chính của cuộc chiến tranh Việt Nam cũng sắp sửa rời vũ đài. Ngày 27 tháng Mười một, Nhà Trắng thông báo rằng Bộ trưởng Quốc phòng Mc Namara sẽ xin từ chức để chuyển sang phụ trách Ngân hàng thế giới. Quyết định đó của Mc Namara chứng tỏ ông ngày càng ít có ảo tưởng về kết cục của chiến tranh Việt Nam. Mùa thu 1967, sự giải ước của ông hay sự mất hy vọng của ông lên tới mức mà Johnson đã mất lòng tin vào ông. Và đó lại đúng vào lúc mà tổng thống nghĩ rằng mình đã hội tụ được đủ các yếu tố: một chính phủ hợp hiến và ổn định, một lực lượng quân sự Nam Việt Nam tăng cả về số lượng và chất lượng, kể cả lực lượng dự bị, và một tổ chức đúng đắn của phái bộ Mỹ để tiến hành nhiệm vụ... để nếu không giành được thắng lợi thì ít ra cũng đẩy lùi được chiến tranh. Mc Namara vẫn ở lại vị trí cho đến khi Clark Clifford, một quan chức dày dạn kinh nghiệm của Washington được Thượng viện phê chuẩn đến thay. Đó là vào ngày 30 tháng Một năm 1968, một ngày đặc biệt không mấy “huy hoàng” đối với Washington.
Thật là một sự trùng hợp kỳ lạ khi đúng ngày đó tôi quyết định rời vị trí giám đốc phân cục Viễn Đông của C.I.A. để chuyển sang A.I.D., là nơi từ nay tôi sẽ nhận lương phó của Komer. Ý nghĩa thực sự của ngày đó chỉ đến với chúng tôi khi chúng tôi nhận được những bức điện đầu tiên đánh từ trung tâm thông tin của C.I.A. ở sứ quán Sài Gòn của Mỹ: Việt cộng đang tiến công vào sứ quán!
Chú thích
1. Một chiếc Chrysler đen loại sang nhất. Trên thực tế thì chỉ có Westmoreland và phó tổng chỉ huy Abrams là đi xe giống nhau. Việc đòi vẽ bốn sao có hơi thành vấn đề, bởi đó phải tướng chỉ huy tập đoàn quân mới có.
Một Chiến Thắng Bị Bỏ Lỡ Một Chiến Thắng Bị Bỏ Lỡ - William Colby Một Chiến Thắng Bị Bỏ Lỡ