"We humans have lost the wisdom of genuinely resting and relaxing. We worry too much. We don't allow our bodies to heal, and we don't allow our minds and hearts to heal.",

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: William Colby
Thể loại: Lịch Sử
Nguyên tác: Lost Victory
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Nguyen Ngoc Hai
Số chương: 25
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2424 / 51
Cập nhật: 2017-03-24 12:42:52 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2: Trả Lời Bằng Quân Sự
rong tình trạng vô chính phủ do việc thiếu người lãnh đạo ở Nam Việt Nam gây ra, chính quyền chuyển từ tay người này sang tay người khác. Các thành viên của nhóm tướng lĩnh đầu tiên, bị mất giá, chẳng có gì nhiều để đóng góp từ khi họ bị Khánh đưa đi giam lỏng. Tôi đã nhận ra điều đó trong một lần có dịp lên thăm họ ở Đà Lạt. Để tồn tại, Khánh đã ra sức chiều lòng mọi người, nhưng rốt cuộc ông đã chẳng được ai ưa. Đợt tướng lĩnh thứ hai xuất hiện lúc đó đã tạo nên cơ sở mới của chính quyền và chính nhờ có nó mà chiến tranh mới có thể tiếp tục. Mỹ gọi họ là “những người Tuyếc trẻ”. Họ đại diện cho thế hệ mới của quân đội Nam Việt Nam. Trong số họ có chỉ huy không quân Nguyễn Cao Kỳ, người đã tham gia phi vụ thả dù đầu tiên xuống miền Bắc do C.I.A. trợ giúp, và Nguyễn Văn Thiệu, người đã ủng hộ Diệm năm 1960 nhưng sau đó lại gia nhập nhóm đảo chính lật Diệm năm 1963.
Tôi biết Kỳ từ những chuyến bay huấn luyện chúng tôi cùng tham gia trước đây, nhưng Thiệu thì tôi chưa biết. Nhóm của họ gồm những sĩ quan có bạn ở C.I.A., như các chỉ huy hải quân và dù đã tham gia cuộc đảo chính 1960 rồi sau khi Diệm đổ lại quay trở về, cũng như các sĩ quan khác trong quân đội Nam Việt Nam nhưng chưa có những quan hệ mật thiết với Pháp trước đây. Họ có tư tưởng quốc gia và là những sĩ quan chuyên nghiệp, không phải dân làm chính trị. Họ có cùng một điểm chung là ghê tởm một cách sâu sắc những trò lươn lẹo của các chính trị gia và các tướng có tham vọng chính trị và định lợi dụng tình trạng hỗn độn để phất lên sự nghiệp.
Đứng ở bên ngoài, có hai khán giả đang quan sát sự lộn xộn đang ngự trị ở miền Nam: Cộng sản và người Mỹ. Những người thứ nhất thì họ đã dần dần lợi dụng được cơ hội do Diệm bị lật đổ. Họ đã đẩy mạnh quá trình chiến tranh nhân dân để xâm chiếm miền Nam, tập trung nỗ lực vào đấu tranh chính trị. Ở nông thôn, điều đó có nghĩa là tăng cường cán bộ và bộ máy chính trị để mở rộng quyền lực của Mặt trận dân tộc giải phóng. Ở thành thị, nơi từ nay có nhiều điều kiện để xâm nhập, thì khuyến khích xu hướng và phong trào đấu tranh cho hoà bình.
Ngoài những điểm đó, cơ quan tình báo của chúng tôi còn phát hiện từ mùa thu 1964, cộng sản đã có những chuẩn bị đầu tiên để xâm nhập vào các vùng đô thị. Và lần đầu tiên chúng tôi nhận được những báo cáo nói về hoạt động vận chuyển của những đơn vị Bắc Việt dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh, chạy xuyên qua vùng rừng núi giữa Việt Lào. Những hoạt động chuyển quân ấy chỉ rõ rằng chiến thuật trước đây của cộng sản - là đưa cán bộ chiến sĩ tập kết ra Bắc quay trở về miền Nam để xây dựng lực lượng chính trị ở nông thôn Nam Việt Nam - thì nay đã được bổ sung bằng việc gửi các đơn vị chiến đấu vào để chiến đấu chống quân đội Nam Việt Nam và chuẩn bị để xâm nhập vào những pháo đài cuối cùng của chính quyền ở đô thị của Nam Việt Nam.
Hiểu rõ những khó khăn của việc vận chuyển trên tuyến đường Hồ Chí Minh, và biết rằng cộng sản còn phải chuẩn bị công phu thì mới có được những chỗ dựa hậu cần và đủ lực lượng tấn công, chúng tôi cho rằng mối đe doạ trên là chưa tức khắc. Tuy nhiên cũng đã từng biết quyết tâm ghê gớm của cộng sản, chúng tôi hiểu rằng đe doạ đó là không tránh khỏi. Ngắm nhìn bức tranh đen tối của Sài Gòn mà suy xét, chúng tôi nghĩ rằng giữa năm 1965 sẽ là thời điểm có khả năng nhất mà Nam Việt Nam sụp đổ và cộng sản lên nắm chính quyền.
Thế nhưng từ Washington, vẫn có một người chăm chú theo dõi tình hình Nam Việt Nam: đó là Lyndon Johnson. Vốn là dân Texas, với tính khí kiên trì, ông không thể chịu nổi ý nghĩ thất bại, dù là của ông hay của những người được ông bảo trợ. Cuộc đời chính trị của ông đã rất đau lòng về câu hỏi “Ai đã để mất Trung Quốc?” và về sự đối đầu của con người không biết khoan nhượng Fidel Castro, được Matxcơva giúp đỡ. Năm 1961, ông đã được nghe Khrusov kêu gọi Liên Xô hãy ủng hộ các cuộc “chiến tranh giải phóng dân tộc”, và hiểu rất rõ điều đó có nghĩa một sự thách thức đối với ưu thế Hoa Kỳ thời kỳ sau chiến tranh trên toàn thế giới. Năm 1965, một lãnh tụ Trung Hoa, Lâm Bưu, đã biểu thị quyết tâm hoàn toàn có tính khiêu khích khi ông kêu gọi nông thôn các nước chậm phát triển đứng lên chống lại vùng đô thị phát triển và cô lập nó. Trong khi hoàn toàn hiểu được tính chất thù địch của lời tuyên bố đó, Johnson lại không nhận ra được tất cả sự tinh tế của nó: đó là lời kêu gọi về một chiến lược có tính nhân dân, chứ không phải quân sự, nhằm đạt tới những mục tiêu của các nước đó.
Những cố vấn chính của tổng thống Mỹ cũng quyết tâm không kém gì ông. Mc Namara tin rằng thành công của cuộc chiến tranh là dựa vào khả năng, về phía một nước giàu như nước Mỹ, tung ra một sức mạnh ghê gớm đến nỗi mà cái xứ Bắc Việt Nam nhỏ bé và nghèo nàn ấy sẽ bị đè bẹp. Ông ta hoàn toàn “điếc” với khái niệm “tinh thần” mà Desmond Fitzgérald cố thông tỏ cho ông. Ngoại trưởng Dean Rusk thì nghĩ rằng Hoa Kỳ có nghĩa vụ và lợi ích trong việc chống chủ nghĩa cộng sản lan tràn ở Đông Nam Á, cũng như trước đây trong Đại chiến thế giới thứ hai nó đã chống chủ nghĩa quốc xã và tránh cho nhân loại thảm hoạ mà chủ nghĩa đó gây ra.
Các cố vấn trên đều hết sức tin vào một điều: đó là chỉ cần Mỹ làm cho những người cộng sản hiểu được sự thật hiển nhiên là họ không thể thắng được sức mạnh siêu cường của Hoa Kỳ và nếu họ cứ cố cưỡng lại thì họ sẽ bị trừng phạt, và chỉ cần như thế là đủ. Ý nghĩ này đã đẻ ra nhiều cuộc tranh cãi xung quanh việc gửi cho Hà Nội những “tín hiệu” bằng cách thực hiện dần dần những nấc leo thang đánh vào giao thông, căn cứ và quân đội ở Bắc Việt. Nhưng họ chỉ nói vào chỗ trống, có biết đâu rằng Hà Nội đã bỏ các tai nghe và chẳng buồn ngó ngàng đến những tín hiệu kiểu như thế nữa. Chẳng ai nghĩ đến việc đi tìm chiến thắng ngay trên đất Bắc. Cuộc Bắc tiến đến tận sông Áp Lục năm 1950 ở Triều Tiên và cuộc phản công ngay sau đó của quân giải phóng Trung Hoa chống lại quân Mỹ đóng ở đó, đã trở thành một tiền lệ đáng buồn đối với một sự can thiệp tương tự nếu như Mỹ muốn tiến hành ở Bắc Việt Nam. Tình huống của những tin tưởng ấy, nguyên tắc ấy, những nhân vật ấy và những người trước đó đã cho ra đời một chiến lược cơ bản được Mỹ theo đuổi suốt cuộc chiến tranh: đó là chính sách leo thang từng bước của Mỹ nhằm đánh vào quân đội cộng sản ở miền Nam, cùng với những căn cứ hậu cần và sở chỉ huy ở miền Bắc của họ.
Đó là một sự vận dụng học thuyết “ngăn đe”, học thuyết cơ bản của Mỹ trong nhiều năm sau chiến tranh. Tổng chỉ huy quân sự mới của Mỹ ở Nam Việt Nam, tướng Westmoreland, bị hạn chế hoạt động trong chiến trường giao cho ông, đã vận dụng một chiến lược dựa trên cơ sở là “tiêu hao” lực lượng đối phương. Trong một cuộc chiến tranh kiểu như ở Nam Việt Nam thì rủi thay người ta không có một mặt trận tiến lên phía Bắc hay lùi lại phía Nam để mà gợi nên sự hào hứng hay sự lo ngại của các chiến đấu viên. Vậy làm thế nào để có được bằng chứng cho một chiến thắng? Thế là để giải quyết cho thế tiến thoái lưỡng nan, người ta phải đưa ra trò “đếm xác chết”.
Cũng theo tinh thần ấy, chiến tranh bằng không quân của Mỹ đánh ra miền Bắc cũng leo thang từng bước. Việc chuyển phạm vi đánh phá từ vĩ tuyến 18 lên vĩ tuyến 19 là một tín hiệu rõ rệt nhất Mỹ gửi cho Hà Nội, một tín hiệu mà để quyết định được nó, Washington đã phải tốn khối công bàn cãi. Nhưng để phản ứng lại, Mỹ chỉ thấy Hà Nội ra sức động viên tinh thần dân chúng, và công khai lên án sự tàn bạo của những con quỷ của nền công nghệ Mỹ đang hăm hở lao vào đánh phá một “xã hội thuần nông”. Rõ ràng tín hiệu của Mỹ là không đủ để làm các nhà lãnh đạo cộng sản rời bỏ những mục tiêu mà họ theo đuổi (và đã đạt được) là “đánh đuổi thực dân Pháp” trước đây và giờ đây là “chống quân xâm lược Mỹ”. Và những hoạt động đánh phá đường mòn Hồ Chí Minh cũng chẳng thể ngăn chặn được luồng hàng Bắc Việt chi viện cho miền Nam - dù là tương đối khiêm tốn - để Việt cộng ở miền Nam có thể thực hiện được chiến thuật của họ là bí mật kiểm soát được nông thôn về chính trị và tránh những đối đầu quân sự - nhưng không ngoại trừ những cuộc tấn công bằng phục kích chớp nhoáng.
Tất cả những cái đó mới chỉ là những nhận định chiến thuật. Vấn đề đích thực đặt ra với Washington thuộc cấp độ chiến lược: họ quyết tâm tiến hành chiến tranh theo kiểu của mình, tức chiến tranh của những người lính, để chống lại chiến tranh nhân dân của đối phương. Quân đội Mỹ được huấn luyện để “phát hiện, ghìm nhân, chiến đấu và tiêu diệt” kẻ thù thậm chí đã không thể tìm thấy nó, đến nỗi họ đã tung ra một lực lượng lớn để bao vây lùng sục rừng núi trong khi nhân dân nông thôn mới thực sự là mục tiêu của kẻ thù. Ngón tay của thần chết lại thường chỉ vào ngay những người có thể phải là bạn của chúng tôi chứ không phải kẻ thù của chúng tôi.
Có một lúc nào đó, khi vai trò quân sự của Mỹ ở Nam Việt Nam tăng đến mức nó trở thành một mối quan tâm của những nhà lãnh đạo Hoa Kỳ trong lựa chọn chính sách của mình, tôi đã có một cuộc gặp riêng với Mc George Bundy sau cuộc họp ở Nhà Trắng. Tôi gợi ý rằng, trong khi chúng ta đang phải mất công nghiền ngẫm về bước leo thang mới ở miền Bắc thì tại sao chúng ta lại không nghĩ đến một vấn đề rất thiết thực: đó là làm thế nào để đương đầu với thách thức của cộng sản ở nông thôn Nam Việt Nam? “Bill, có lẽ anh có lý, Bundy đáp, nhưng cơ cấu của chính phủ Mỹ chắc sẽ không cho phép ta làm thế”. Bundy muốn nói rằng Lầu Năm góc phải tiến hành kiểu chiến tranh duy nhất mà họ biết, và trong cơ cấu Hoa Kỳ, người ta không có một tổ chức nào có khả năng tiến hành một kiểu chiến tranh khác.
Sau “sự kiện” vịnh Bắc Bộ tháng Bảy năm 1964, không quân Mỹ bắt đầu đánh phá Bắc Việt Nam. Sáu tháng sau, nhiều kế hoạch tấn công bổ trợ khác được dự kiến, đặc biệt để trừng phạt các hành động khủng bố của Việt cộng đánh vào người Mỹ ở Nam Việt Nam. Mặt khác, người ta đang thảo luận sôi nổi về sự cần thiết phải đưa quân Mỹ sang Việt Nam. Tổng thống Johnson phản đối cả hai việc. Ông cho rằng vấn đề thực sự của Nam Việt Nam là tình trạng hỗn độn ở Sài Gòn và sự can thiệp quân sự của Mỹ sẽ chẳng giải quyết được gì hết, cả sự hỗn độn ở Sài Gòn lẫn sự đe doạ của cộng sản. Nhưng cộng sản tỏ ra ngày càng mạnh và càng táo tợn. Để đối phó lại, Mỹ mới đầu là trừng phạt, sau đó là tiến hành một chiến dịch đánh phá ra miền Bắc, một kế được tính toán một cách rất chi ly và “hợp lý”.
Bằng cách mới đầu là đánh phá vùng giáp biên rồi sau đó tiến dần lên phía Bắc, các lý thuyết của chúng tôi ngỡ có thể “thuyết phục” được các nhà lãnh đạo Bắc Việt là hãy ngừng hành động, trước khi họ phải chịu những tổn thất không thể khắc phục được. Theo tinh thần như vậy, chiến dịch Rolling Thunder - Sấm rền - được bắt đầu. Chiến dịch không quân này bắt đầu bằng việc giao cho những đơn vị Mỹ đầu tiên, những lính thuỷ quân lục chiến, nhiệm vụ bảo vệ sân bay Đà Nẵng, nơi máy bay Mỹ sẽ xuất phát đánh miền Bắc. Nhiệm vụ phòng thủ đó sẽ phải trải qua một tiến trình phát triển không thể bác bỏ được: mới đầu là tuần tra, rồi sau đó là tăng lực lượng các đơn vị tham gia và cuối cùng trong ý thức của những nhà quân sự, là niềm tin chắc chắn rằng cách duy nhất để tiến hành chiến tranh là phải tiêu diệt kẻ thù.
Đi đôi với việc làm trên, Johnson nảy ra ý tưởng mồi chài Hà Nội bằng cách đề nghị, nếu miền Bắc chấp nhận ngừng chiến tranh, thì Mỹ sẽ đầu tư vốn cho một chương trình lớn để phát triển khu vực Mêkông. Nhưng viễn cảnh hấp dẫn đó đã chẳng lay chuyển được Bắc Việt hơn gì những trận mưa bom. Trong khi hai bên ngày càng cứng rắn lập trường thì những đánh giá của chúng tôi, được cung cấp bởi những nguồn tin tình báo, dự kiến rằng Nam Việt Nam sẽ sụp đổ vào cuối năm 1965, đã đưa vào đấy một yếu tố mới: trừ phi là quân đội Mỹ có thể ổn định được tình hình. Trong phe những chính trị gia, người ta ngày càng ít chịu nổi những cú đảo chính và cái chuyện chính phủ Nam Việt Nam cứ thay đổi xoành xoạch.
Kiên quyết không để mất Nam Việt Nam, Johnson tăng quân dần dần sang chiến trường này và qua đó cũng tăng thêm hiệu lực tàn phá của nó. Trong những tháng tiếp theo, mọi đề nghị đưa thêm quân bổ sung sang Nam Việt Nam của Lầu Năm góc đều được ông chấp nhận. Đề nghị nào cũng được trình bày như đó là cách duy nhất để tránh khỏi một thất bại có thể xảy ra, nhưng chẳng đề nghị nào dám hứa hẹn là sẽ mang lại thắng lợi. Trợ lý đặc biệt của tổng thống Walt Rostow có hỏi John Paul Vann1 là theo John, liệu chiến tranh có thể tiếp tục sau năm 1965 không. Với cách trả lời thẳng thắn quen thuộc, ông ta trả lời là Hoa Kỳ và chính phủ Nam Việt Nam có thể giữ được lâu hơn. Đó không phải là câu trả lời mà Rostow muốn nghe.
Johnson cố gắng điều hành cuộc leo thang sao cho nhân dân Mỹ chỉ phải tổn thất ít nhất, tức là không có chuyện phải huy động đến quân phòng vệ quốc gia hay quân dự bị. Ông cũng không chấp nhận việc do nhu cầu quân sự mà để ảnh hưởng đến những dự trù ngân sách cho Xã hội lớn của ông. Chương trình duy nhất thực sự phải chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng ở Việt Nam là Liên minh vì tiến bộ với Mỹ Latinh do Kennedy lập ra, một chương trình mà lẽ ra nó đã có thể mang đến cho những quan hệ giữa Bắc Mỹ và Nam Mỹ một không khí mới về sự hợp tác và hài hoà. Nhưng mối quan tâm tiến hành cuộc chiến tranh ở mức “tối thiểu” đã đem lại một kết quả tiêu cực kép, là: mọi khả năng gây sốc lớn với kẻ địch thì bị triệt tiêu mà sự ủng hộ to lớn của nhân dân Mỹ thì lại bị mất. Trong khi đó, mọi chiến thuật Mỹ sử dụng đều tỏ ra vô hiệu trước một kẻ thù mà bất kỳ người ta làm thế nào nó vẫn cứ lẩn trốn mất.
Trong những cuộc thảo luận ở Washington, vai trò của tôi cứ giảm dần theo cái đà mà người ta ngày càng đi chệch mục tiêu là giúp cho chính phủ Nam Việt Nam đứng vững, và chỉ tập trung vào bàn cãi về cách sử dụng quân đội của chúng tôi và đặc biệt hơn cả là việc lựa chọn mục tiêu cho những cuộc không kích sắp tới ở Bắc Việt. Trong cả hai trường hợp, đối với C.I.A., bánh ở trên bàn vẫn có nhiều hơn cho các nhà phân tích hơn là cho các nhân viên điệp báo. Nhưng điều đó không có nghĩa là tôi thiếu việc làm ở phân cục C.I.A. ở Viễn Đông. Việc tìm hiểu bất cứ điều gì xảy ra ở một số nước Châu Á khác cũng choán khá nhiều thời gian của tôi. Tuy nhiên, ưu tiên hàng đầu của tôi vẫn là Việt Nam, nơi tôi đến không dưới hai lần một năm.
Trong thời kỳ rối ren lúc đó, việc thay đổi nhân sự ở các cấp cao nhất của chính phủ Hoa Kỳ đương nhiên đã có những ảnh hưởng nào đó tới C.I.A. Thậm chí những phẩm chất trước đây đã giúp Mc Cone làm việc tốt với chính phủ Kennedy thì giờ đây với chính phủ Johnson, nó lại gây hại cho ông. Là người thích tự do hành động, Johnson không thể chịu đựng nổi việc Mc Cone cứ nằn nì muốn trực tiếp gặp ông. Và những cố gắng của Mc Cone để thuyết phục ông đã vấp phải một Johnson hoá đá. Một hôm, Mc Cone yêu cầu tôi mang đến một tấm không ảnh lớn để chỉ cho tổng thống một điểm đặc biệt mà ông hy vọng tổng thống sẽ lưu ý. Tôi chấp hành mệnh lệnh nhưng cảm thấy L.B.J. sẽ có phản ứng không hay đối với sức ép ấy. Trong lúc làm việc, chợt một góc tấm ảnh chạm nhẹ phải tách cà phê của tổng thống. Ông ta càu nhàu và tôi phải cố khéo léo để tách cà phê khỏi đổ vào người ông. Rồi nhanh chóng, tôi từ bỏ mọi hy vọng sẽ giải thích cho ông rõ về những sự tinh tế của tấm ảnh - một chiến dịch mà chắc chắn Kennedy sẽ thấy thích thú. Sau đó, L.B.J dần dần hạn chế bớt số cố vấn trong những cuộc họp, chỉ giữ bên ông vài người cần thiết ông cảm thấy tin cậy. Đương nhiên là vai trò của Mc Cone đã kết thúc. Tháng Tư năm 1965, ông xin từ chức. Để thay ông mới đầu L.B.J. cử đô đốc William Raborn, người đã lãnh đạo chương trình, chế tạo các tàu ngầm Polaris. Sau đó, trước sự nhiệt tình của ông đối với hệ thống P.E.R.T. (Program Evaluation Review Technique - Chương trình đánh giá kiểm tra kỹ thuật) về việc kiểm soát các dự án mà tôi thấy rất thú vị, và sự ít hiểu biết của ông về những điều tinh tế trong văn hoá nước ngoài cũng như sự thiếu năng động chính trị của ông, thì L.B.J. buộc lòng phải công nhận một sự thật hiển nhiên: ông không phải là con người của tình thế. Năm 1966, tổng thống lại quay về với Richard Helms, một tay lão luyện của Cục C.I.A.
Helms thuộc ngành “tác chiến” chuyên về hoạt động của C.I.A. chứ không phải ngành nghiên cứu phân tích. Chuyên môn của ông là điệp báo đơn thuần. Về hoạt động bí mật, ông thích nhất là những hoạt động thu thập tin. Thời kỳ ông còn làm phó giám đốc bên kế hoạch, ông đã chỉ đạo và giúp đỡ cho những chiến dịch chính trị và bán quân sự của C.I.A. - lĩnh vực công tác mà tôi đã đóng góp nhiều công sức - và ông đặc biệt nhạy cảm với những rủi ro gây ra cho cục khi công việc quay sang chiều hướng xấu. Như trong trường hợp vụ Vịnh Con Lợn. Tuy nhiên sự quan tâm bảo vệ cơ quan và nhiệm vụ hàng đầu điệp báo viên của ông cũng không hề ngăn cản ông ủng hộ những dự án khác nhau mà tôi không ngừng đề nghị ông để chống lại những hoạt động của cộng sản ở nông thôn. Ông gần như dành cho tôi quyền tự do hành động trong việc tiến hành những dự án miễn là tôi thông báo nó cho ông biết.
Trở thành giám đốc C.I.A., Helms cũng chú ý bảo vệ cho cả ngành phân tích. Trên thực tế, ông đã có nhiều công lao trong việc dám mạnh dạn đưa ra những lời chỉ trích xác đáng đối với những gì chúng tôi đã làm không tốt trong chiến tranh Việt Nam. Ông khuyến khích các nhà phân tích phát biểu những ý kiến không đồng tình của họ về một chính sách nào đó nếu họ thấy những ý kiến của họ là đúng, bất kể là chính sách ấy có vẻ như đang được tán thành ở Nhà Trắng, và ông bảo vệ họ chống lại mọi sức ép bắt họ phải thay đổi kết quả phân tích theo chiều hướng này hoặc chiều hướng khác. Hơn nữa, Helms biết hơn ai hết bí quyết về những mối quan hệ giữa các cơ quan khác nhau với các thành viên của Quốc hội, những quan hệ được coi là chìa khoá của thành công, thậm chí còn là của cả sự sống còn nữa ở Washington.
Đi đôi với sự gia tăng lực lượng quân sự ở Nam Việt Nam là sự gia tăng về người của cơ quan tình báo quân sự. Về một mặt nào đó thì đấy là điều tốt. Bởi sẽ có nhiều chuyên gia hơn để sàng lọc trong cái mớ ngổn ngang những chi tiết thu thập được qua các cung tù binh, chiêu hồi, đầu hàng đầu thú, các báo cáo và các bức điện thu được để rồi từ đó vẽ lên một bức tranh tổng thể về các lực lượng đối phương đang đối địch với quân Mỹ và quân Nam Việt Nam trên chiến trường. Nhưng ở đây nữa, người ta lại chỉ tập trung vào việc đánh giá lực lượng quân sự địch mà sao nhãng các kế hoạch và hoạt động chính trị của đối phương, những vấn đề có tầm quan trọng không kém. Hơn nữa, sức nặng của bản thân sự có mặt của Mỹ ở Việt Nam đã cản trở C.I.A. trong việc sử dụng những kỹ thuật thông thường về liên lạc và tuyển mộ các điệp viên đơn lẻ trong nội bộ hàng ngũ địch. Nó đành phải thông qua những người Nam Việt Nam đã làm việc với C.I.A. Điều đó có nghĩa là phải truyền cho họ khả năng, kỹ năng điều tra thu thập tình báo và duy trì những quan hệ mong manh, tinh tế đó đấy là một công việc rất khó. Để đưa được điệp viên người Nam Việt Nam vào đất địch, người ta không thể tổ chức họ thành một khối, mà phải giữ hết sức cẩn thận một mối liên hệ từ cá nhân này sang cá nhân khác trong khi phải chú ý đến những khác biệt về ngôn ngữ và phong tục tập quán. Sĩ quan Mỹ phụ trách công việc này cần phải xem xét về động cơ của anh ta, xác định cách tiếp xúc rồi tìm cách kiểm tra những mối quan hệ và chính kiến của anh ta để từ đó biến anh ta thành một người có thể sử dụng được.
Thật ra có rất ít báo cáo thực sự mật đến với chúng tôi từ nội bộ địch. Đó thực sự không phải là một trở ngại lớn về chiến lược. Bởi qua đài và các chiến sĩ của họ, những nét cơ bản về chiến lược của Bắc Việt Nam thường được họ nói ra rả vào tai dân chúng, và thêm nữa, vị trí và kế hoạch của các trận phục viên của chúng tôi lại không thể báo về được kịp thời. Trái ngược lại đó là một yếu tố làm cho quan niệm sai lầm ngay từ đầu của Mỹ càng được củng cố thêm: đối với người Mỹ chúng tôi, chiến tranh Việt Nam là một sự đối đầu chỉ giữa những người lính với nhau, chứ không phải là một sự xâm lược chính trị của cộng sản, có sự hỗ trợ của quân đội.
Những năm gần đây, người ta đã lầm khi kể rằng Westmoreland đã cố tình giả mạo về số quân của địch để tạo cho chúng tôi một lợi khí trong cái nhìn về cuộc chiếu tranh. Thực ra, quan điểm của Westmoreland chỉ phản ánh một nhận thức phổ biến của chúng tôi lúc bấy giờ là chúng tôi tưởng rằng người Mỹ chỉ phải chiến đấu chống kẻ thù “quân sự”. Đánh giá về lực lượng quân sự là do các chuyên gia của Bộ Tổng tham mưu chuẩn bị kỹ càng và đưa ra. Nhưng một sĩ quan của C.I.A đã tố cáo những con số ấy là chưa đầy đủ vì nó chưa thực sự tính đến toàn bộ quân địch mà chúng tôi phải đương đầu, khi nó bỏ sót các lực lượng lật đổ khác, mà đó cũng là một lực lượng giúp đỡ, ủng hộ nỗ lực chiến tranh.
Cuối cùng, khi trình lên tổng thống thì báo cáo đánh giá lực lượng địch nói rằng những lực lượng “quân sự” chúng tôi phải đương đầu ở Nam Việt Nam là phù hợp với tổng số do các chuyên gia Bộ Tổng tham mưu thống kê ra, nhưng muốn đánh giá đúng thì chúng tôi phải kể vào đấy cả một lực lượng bổ trợ và không thể xác định được những người không thuộc quân đội nhưng cung cấp lương thực, chỗ ẩn nấp, tin tức và tất cả các đóng góp khác mà người dân có thể cống hiến trong một cuộc chiến tranh nhân dân.
Những tài liệu của Lầu Năm góc được viết dưới sự chỉ đạo của Mc Namara nói chung thường nhấn mạnh yêu cầu đầu tiên của một chiến lược hữu hiệu là phải huy động được sức mạnh của dân chúng để ủng hộ cho nỗ lực chiếu tranh chống lại kẻ thù. Đối với quân đội, điều đó có nghĩa là phải lập được ở đấy một chính sách có khả năng kiểm soát được sự trung thành của các công dân qua những lựa chọn chính trị của mình. Song điều đó lại chẳng dính dáng gì đến một nhiệm vụ quân sự và không thuộc về trách nhiệm của quân đội. Mặt khác, người ta phải dụng lên một hàng rào để bảo vệ dân chúng chống lại ảnh hưởng độc hại của các cán bộ địch. Đó là chiến lược rút ra từ kinh nghiệm ở Mã Lai, nơi mà người ta phải đương đầu với những kẻ ly khai phụ thuộc vào những cộng đồng người Hoa. Quan niệm ấy đã làm nảy sinh ra một số biện pháp kém hiệu quả nhất, thậm chí còn nguy hại nữa về chiến tranh: đó là một loạt những dự án đồ sộ nhằrn thiết lập lại những cộng đồng nông thôn (mà dân chúng ở đấy sống trong bầu không khí lo sợ và thù địch) ở những vùng đất mới, tưởng rằng làm thế là có thể cách ly được dân khỏi mọi sự tiếp xúc của kẻ thù.
Quan niệm ấy thật đơn giản. Quân đội Mỹ “quét sạch” khu vực lựa chọn để đẩy lùi quân địch ra xa, cố gắng gây thiệt hại cho địch càng nhiều càng tốt. Sau đó, cảnh sát Việt Nam, cả quân sự và dân sự, sẽ “sàng lọc” dân chúng để xác định xem trong đó có ai là chiến sĩ hoặc cảm tình của cộng sản. Kết quả thường là con số không, bởi nhân viên thẩm vấn phần lớn đều từ ngoài đến và họ chẳng nắm được gì về tình hình địa phương. Nhưng để tỏ ra có kết quả, người ta cũng cứ tóm lấy một vài người nào đấy và tống họ vào nhà giam.
Quan tâm một cách kỳ cục đến việc dàn cảnh, để làm cho quá trình ấy được xôm trò, người ta còn bày ra cái gọi là “ngày hội nông thôn”. Giữa chừng chiến dịch nói trên (càn quét, sàng lọc, bắt bớ), những người dân khiếp sợ lại được hưởng nào âm nhạc và các trò giải trí, lương thực và cả quà cho trẻ em, cứ làm như thể được dùng liều thuốc an thần ấy thì họ sẽ quên đi được sự áp chế quá đáng của quyền lực quân sự mà họ phải chịu đựng. Mụ người đi vì sợ, người nông dân đành chịu khuất phục rồi khôn ngoan chờ đợi mọi sự sẽ chấm dứt. Sau đó họ nhặt nhạnh những gì còn lại trong gia sản của mình và tìm cách thích nghi với hoàn cảnh mới mà người ta áp đặt cho họ, hy vọng bằng cách khom lưng trước ông chủ mới, họ sẽ thoát khỏi tai họa và khi cơn giận của ông chủ qua đi, giống như mức dẻo dai của những cây tre mọc quanh nhà, họ sẽ bật dậy, sức sống của gia đình và cộng đồng vẫn được giữ vững.
Mặc dù được chuẩn bị rất kỹ và xếp đặt đâu vào đấy, các chiến dịch ấy chỉ thu được những kết quả rất nghèo nàn, ngay cả về mặt quân sự. Số địch bị giết, bị bắt, hầu như bao giờ cũng thế, chỉ là những con số thảm hại, bởi các đơn vị địch luôn luôn cứ như bốc hơi đi đâu mất trước khi quân Mỹ kịp ào ào xông tới. Các đơn vị cộng sản, tan biến vào thiên nhiên, kiên nhẫn chờ đợi quân Mỹ rút đi hoặc nhạy theo một mục tiêu khác. Lúc bấy giờ họ mới lại xuất hiện giữa dân làng, thiết lập lại quyền hành của họ, lợi dụng được sự bất bình của dân đối với sự đột nhập của quân Mỹ. Và giữa họ với nhau, họ tha hồ mà chế nhạo về sự ngu ngốc của địch thủ của họ.
Tính linh hoạt và sức mạnh luôn luôn thay đổi của cộng sản do chiến lược đó tạo nên đã được chứng minh một cách rõ rệt trong vụ tấn công ngày 30 tháng Ba năm 1965 ở Sài Gòn. Ngày hôm ấy, một trái bom giấu trong một chiếc xe hơi đã nổ tung trước toà đại sứ Mỹ làm chết hai người Mỹ và mười chín người Việt Nam. Hàng tràm người khác bị thương, trong đó có cả chỉ huy và nhiều nhân viên của C.I.A. Một người trong số họ đã bị mù vĩnh viễn. Tôi đã ra đón chiếc máy bay chở họ từ Sài Gòn về Washington để chữa trị những vết thương phần lớn do mảnh kính bắn vào mặt. Tiếp một trong những gia đình nạn nhân, tôi đã phái hứa với họ là sự hy sinh của người thân của họ sẽ không phải là vô ích, và đó là một trong những giờ phút khó khăn nhất của đời tôi.
Nhưng ít ra thì những nỗi thất vọng của giới quân sự cũng như cấp trên của họ cũng có một kết quả tích cực: họ đã quan tâm trở lại đối với công tác bình định và những hoạt động tại các địa phương của C.I.A. “Bình định” (rồi tôi sẽ giải thích những khó khăn của chúng tôi đối với từ này) có nghĩa là chống lại sự tấn công của cộng sản ở nông thôn, trong hàng nghìn thôn ấp Nam Việt Nam, nơi mà cộng sản tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân và áp dụng kế hoạch chiến lược của họ. Trong các cuộc họp liên cơ quan ở Washington, tôi vẫn tiếp tục nhấn mạnh về điểm ấy, thậm chí còn phân phát cả những cuốn sách do những người Pháp đã hoạt động ở Đông Dương viết và các cuốn sách khác viết về kinh nghiệm của Mã Lai.
Tôi đặc biệt nhấn mạnh về kinh nghiệm ở Mã Lai, lưu ý mọi người rằng ở đấy, người Anh đã giành được thắng lợi đối với cái gọi là tình trạng “khẩn cấp” Mã Lai chỉ với tám mươi nghìn binh lính, tám mươi nghìn cảnh binh và bốn trăm nghìn bảo an. Trong khi ở Việt Nam, chúng tôi có ba trăm nghìn lính quốc gia, hai trăm nghìn lính Mỹ, hầu như không có lực lượng cảnh binh ở bên ngoài các đô thị và lực lượng bảo an cũng không. Nói chung những ý kiến của tôi được mọi người ủng hộ nhưng khi hỏi cơ quan nào trong chính phủ Mỹ đứng ra làm việc này thì mọi người đều lặng thinh. Những gì Mc George nói với tôi quả là đúng. Cơ cấu của chính phủ Mỹ không cho phép người ta theo đuổi một giải pháp kiểu như thế.
Tuy nhiên ý tưởng trên vẫn đi con đường của nó và cơ quan C.I.A. ở Sài Gòn đã đón nhận một cách hứng thú những dấu hiệu đáng khích lệ đến từ một số địa phương. Vậy một chương trình mới được đem ra thực hiện ở Kiến Hoà do đại tá tỉnh trưởng Trần Ngọc Châu tiến hành. Việc làm của chương trình này là phái về các làng những nhóm nhỏ nhân viên có nhiệm vụ thu thập những lời ca thán của dân để rồi tìm cách khắc phục sửa chữa nó. (Sau này Trần Ngọc Châu đã bị bắt do giấu giếm việc Châu vẫn giữ liên hệ với một người anh em ở Bắc Việt Nam). C.I.A. bắt đầu giúp đỡ các nhóm ấy và phát triển những hoạt động tương tự ở một số tỉnh lân cận. Trong một số lĩnh vực khác, bộ trưởng Thông tin cho tổ chức các “đội tuyên truyền vũ trang” (vũ trang đây là để tự vệ) đi lưu động ở nông thôn để tuyên truyền, phổ biến các ý định của chính phủ. Ở Trung phần Việt Nam, C.I.A. phát hiện ra một sĩ quan là thiếu tá Nguyễn Bé, một người có nhiều sáng kiến: Bé thành lập những đội khoảng năm mươi thanh niên rồi phái họ về sống nhiều tuần ở một làng nào đó. Tại đây, những thanh niên ấy sẽ giúp chính quyền và các tổ chức của nó hoạt động. Xong việc ở đấy họ lại chuyển qua một làng khác. Tuy nhiên vũ trang đấy nhưng nhiệm vụ của họ là chính trị chứ không phải quân sự.
Một lần cùng Bé đến thăm một trong những đội ấy ở một làng chài sống trên vịnh ở trước mặt thành phố Quy Nhơn, tôi cẩn thận giữ ý không nêu lên sự giống nhau giữa họ với các đội do Cẩn lập ra trước đây với sự trợ giúp của chúng tôi. Tôi rất biết ơn Lodge (ông ta lại trở về làm đại sứ Sài Gòn năm 1965, chấm dứt nhiệm kỳ không mấy được hoan nghênh của tướng Taylor) đã tỏ ra nhiệt tình đối với các đội thanh niên trên. Người Việt Nam gọi “đội quân” đó là “Đội hành động nhân dân”. Sự linh hoạt mềm dẻo của C.I.A. đã giúp chúng tôi củng cố được hoạt động của các kinh nghiệm và sáng kiến địa phương ấy và thậm chí qua đấy xây dựng một dự án đi từ cơ sở thay vì áp đặt từ trên xuống một cơ cấu có sẵn. Các sĩ quan C.I.A. tỏ ra rất khôn khéo về chính trị tới mức họ có thể đi lại chẳng khó khăn gì giữa các quan chức dân sự và quân sự mà sự ủng hộ và đồng tình của họ là rất cần thiết cho nhiệm vụ. Vì họ khéo léo giấu mặt nên ít người thấy vai trò của Mỹ đối với chương trình mà chỉ thấy nổi lên vai trò của người Việt Nam.
Chính vào thời kỳ chúng tôi tìm cách chạm tới điểm nhạy cảm nhất của cuộc chiến tranh này ở khu vực nông thôn thì đơn vị lính thuỷ đánh bộ Mỹ đưa ra chương trình C.A.P (Combined Action Peatoons = Đội phối hợp hành động). Đó là những đơn vị do một trung đội lính thủy đánh bộ Mỹ và một trung đội lực lượng dân vệ tổ chức thành, có nhiệm vụ bảo vệ thôn ấp suốt đêm, thay cho việc thỉnh thoảng đi tuần tiễu trước đây của các đơn vị chính quy. Chương trình này vận hành rất trôi chảy chừng nào lính thủy đánh bộ còn có mặt ở đấy, nhưng tất nhiên quyền chỉ huy thực sự là ở người Mỹ, còn người Việt thì bằng lòng với việc làm theo. Sau khi lính thủy đánh bộ Mỹ rút đi thì đâu lại hoàn đấy, an ninh không còn được bảo đảm nữa.
Cũng vào khoảng gần thời kỳ này, Mc Namara yêu cầu C.I.A. nghiên cứu ra một phương pháp có khả năng đánh giá những chuyển biến và triển vọng ở nông thôn, nơi mà giờ đây ông nhận là có chiến tranh nhân dân thực sự. Người ta có thể thấy trong yêu cầu này, ở một chừng mực nào đó, nỗ lực của chúng tôi trong việc đánh giá kết quả chiến tranh, nhưng mặt khác đó cũng là sự thừa nhận những khác biệt giữa chiến tranh Việt Nam với hai cuộc chiến tranh gần đây của chúng tôi. Trong chiến tranh Triều Tiên, kết quả thế nào Mỹ có thể dễ dàng đánh giá: nếu mặt trận tiến lên hướng Bắc, thế có nghĩa là chúng tôi thắng. Nhưng ở Việt Nam, từ đầu chí cuối cuộc chiến, chẳng hề có sự chuyển dịch quân đội kiểu như thế xảy ra và các nhà quân sự Mỹ đành phải xác định kết quả thắng lợi của họ bằng phương pháp tầm thường là “đếm xác” những kẻ địch mà họ nghĩ họ đã diệt được.
Những nhà phân tích của C.I.A. ở Washington tìm mọi cách để xem xét xem dân chúng có thực sự được quân đội bảo vệ không. Muốn vậy chúng tôi đề nghị các cố vấn sống ở các quận, huyện đã am hiểu khá rõ từng thôn ấp ở địa phương của họ. Hẳn không ít các vị khách Mỹ đã từng chứng kiến cảnh khi đến thăm một nơi nào đó, nếu khách hỏi về tình hình trong quận thì ông quận trưởng sẽ huơ huơ tay trên bản đồ để chỉ trỏ một cách bâng quơ rằng nơi này yên tĩnh, còn nơi kia thì Việt cộng quấy phá.
Chúng tôi tất nhiên không thể trả lời một cách mơ hồ như họ, mà chúng tôi cần phải hiểu được tình hình đó một cách thật rõ ràng, chính xác.
Để đáp ứng yêu cầu ấy, C.I.A. đưa ra một “hệ thống đánh giá các thôn ấp” (H.E.S) để đánh giá được tình hình kinh tế, chính trị và an ninh của từng ấp. Điều đó sẽ giúp xác định được rõ hơn thực trạng chiến tranh bây giờ đang ở mức độ nào và nó còn hiệu quả hơn việc cứ dựa vào mấy báo cáo hoạt động quân sự và mẹo “đếm xác” của quân đội Mỹ. H.E.S. tập trung vào xem xét những biểu hiện đơn giản của cuộc sống thường ngày ở nông thôn: “chẳng hạn như xem ông trưởng thôn đêm đến có ngủ tại nhà mình hay không hay ông ta lại phải chạy sang ngủ nhờ ở ấp bên cạnh là nơi được bảo vệ tốt hơn”. H.E.S. tìm cách lập ra luộc thứ thước đo theo thứ tự bậc thang để đo các hiện tượng, đi từ tốt đến xấu, chẳng hạn như ở đó Việt cộng có mặt hay không, họ tấn công nhiều hay ít, hay ở nơi đó có trường học hay không. Tóm lại là tất cả các dấu hiệu giúp người ta hiểu được là ở đấy cuộc sống có diễn ra “bình thường” không hay nó bị Việt cộng chi phối. Cố vấn Mỹ ở các quận, dù họ là dân sự hay quân sự, cứ đều đều hàng tháng họ có nhiệm vụ phải điền vào một mẫu khai in sẵn các đặc điểm về tình hình của từng ấp trong số hai mươi đến năm chục ấp mẫu nằm trong khu vực mình phụ trách. Các báo cáo ấy sẽ được đưa vào máy tính để xử lý.
Những câu trả lời cho những câu hỏi trong báo cáo sẽ cho phép người ta đánh giá một cách tổng quát về một thôn ấp nào đó, và đánh giá ấy sẽ giúp cho người ta hiểu được là ở nơi đó, chiến tranh nhân dân phát triển hay tàn lụi. Một ấp hoàn toàn do Việt cộng kiểm soát, hay các câu trả lời đều bị bỏ trống, thì ấp đó sẽ đánh dấu V. Còn một ấp được sống yên ổn, không có hoạt động của Việt cộng, trường học vẫn mở, chợ búa vẫn đông, lực lượng bảo vệ vẫn có, dân chúng vẫn do trưởng thôn cai quản thì ấp đó sẽ được ghi điểm A. Những ấp nhận điểm A có không nhiều lắm nhưng vẫn có, nhất là ở các tỉnh thuộc đồng bằng Cửu Long do Hòa Hảo kiểm soát. Thước đo theo thang bậc ấy chúng tôi đánh dấu từ A đến E. E là những ấp chịu ảnh hưởng nặng của cộng sản, nhưng vẫn còn một số ít người vẫn muốn sống độc lập. Phần lớn các ấp là thuộc điểm C, điều đó chứng tỏ có sự tranh chấp dữ dội giữa hai phe.
Không ai có tham vọng cho rằng hệ thống đánh giá ấy là hoàn toàn chính xác. Vì sự phân hạng ấy có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố: như người cố vấn tháng ấy không xuống ấp, hay ông ta bị quận trưởng muốn có một nhận xét tốt nên đã gây sức ép, hay bản thân người cố vấn do kinh nghiệm của chuyến đi đầu năm đã không đánh giá đúng được thực trạng tình hình. Nhưng dù sao, nhìn một cách tổng thể, những kết quả thu thập được cũng cho phép người ta đánh giá chung được về tình hình qua sự tăng, giảm hàng tháng của những điểm B và D và qua sự so sánh giữa địa phương này và địa phương khác. Chúng tôi biết những điểm ấy chỉ là những chỉ dẫn cho một khuynh hướng, một triển vọng chứ không phải là những báo cáo chính xác về tình hình tại chỗ. Ngay cả khi H.E.S. bị các nhà báo chế giễu thì không phải vì thế mà nó không phải là một trợ thủ đắc lực đối với chúng tôi, những người điều hành chương trình trên quy mô lớn và xác định những khu vực bị đe doạ, cũng như đối với các nhà chức trách Việt Nam, những người có thể tìm thấy ở nó một sự đánh giá tình hình mà không phải bị phụ thuộc vào các nhà chức trách địa phương, thường có xu hướng là viết ra những báo cáo mùi mẫn không đúng sự thật. Bất kỳ thế nào thì chắc chắn hệ thống H.E.S. này cũng vẫn thích hợp hơn với một cuộc chiến tranh nhân dân hơn là cách “đếm xác”.
Lodge, lần thứ hai được cử làm đại sứ Nam Việt Nam, đã trở lại Sài Gòn năm 1965. Rất thích thú với vấn đề bình định, ông xin tướng Edward Lansdale sang Việt Nam để làm cố vấn riêng cho ông. Dù hết lòng với sự nghiệp bình định, Lodge không phải là người đủ tầm cỡ để điều hành một công việc vừa rộng lớn vừa phức tạp như công việc này, nếu biết rằng Mỹ sẽ dính líu sâu vào Việt Nam tới chừng nào. Trong khi các ban bệ của chính phủ Mỹ điều hành công việc của cơ quan theo ý riêng của mình mà rất ít chú ý tới sự phối hợp thì Lodge lại khuyến khích Washington nên đặt trọng tâm vào công tác bình định. Tuy nhiên cái cứng đầu cứng cổ ấy của ông cũng mang lại được một số kết quả, vì ít ra ông đã động viên được chính phủ cho tiến hành một loạt các nghiên cứu và hội thảo về các vấn đề có liên quan. Trong những nghiên cứu và hội thảo ấy, tôi đã hăng hái đề cao lợi ích của việc bảo đảm cho nhân dân được tích cực tham gia vào sự nghiệp cải thiện cuộc sống và giữ vững an ninh của bản thân họ, còn hơn là cứ phải phái quân đội đến để tiến hành việc ấy.
Cùng lúc với việc đưa ra chiến lược bình định, một sự phối hợp hành động và liên kết giữa các cơ quan có liên quan là một yêu cầu tất yếu. Với sự giúp đỡ của các quan chức cao cấp ở Washington, nhiều cuộc nghiên cứu và hội thảo đã cho ra đời nhiều kế hoạch dự kiến sẽ đẩy mạnh nỗ lực bình định và xây dựng một sự phối hợp tốt hơn giữa các cơ quan Mỹ có trách nhiệm thực hiện chương trình. Nhưng nó cũng có nhiều điểm yếu quan trọng bởi những kế hoạch ấy mới chỉ giải quyết sự phối hợp hiệp đồng, chứ chưa tính đến sự thống nhất và chỉ đạo chương trình.
Trong các tỉnh, không có một người nào chịu trách nhiệm tập trung thực hiện cùng một lúc tất cả các chương trình vào một số làng nào và cũng chẳng làm cho nó trở nên có tính chất bổ trợ. Hơn nữa, mối quan tâm đặt tới một sự phối hợp tốt hơn lại làm nảy sinh ra một khuyết điểm trầm trọng hơn: người ta chỉ chăm lo tới khía cạnh dân sự của chương trình và để mặc cho giới quân sự tự do tiến hành chiến tranh theo cách của họ.
Nghiêm trọng nhất, đó là những kết quả khiêm tốn trong việc thực hiện chương trình của công tác bình định của các cơ quan lại được tiến hành dưới cái bóng của những cuộc tranh cãi không ngớt ở Washington về chiến dịch nérn bom ở Bắc Việt Nam. Thậm chí từ các sáng kiến nhỏ nhoi của công tác bình định có le lói chút ít ánh sáng nào thì nó cũng lập tức bị che khuất đi dưới con mắt của các nhà chính trị có thẩm quyền quyết định, bởi sự chuẩn bị vô cùng tỷ mỉ của kế hoạch leo thang chiến tranh mà họ ngỡ rằng nó sẽ thuyết phục được Bắc Việt phải từ bỏ chiến tranh. Có lẽ hơn ai hết, Walt Rostow cố vấn riêng của tổng thống Johnson, là người tiêu biểu đầy đủ nhất cho các quan chức cao cấp Hoa Kỳ về sự say mê của họ đối với đề tài này và qua đó người ta cũng thấy rõ là họ chẳng hiểu gì hết về tính chất của cuộc chiến tranh nhân dân ở Việt Nam. Theo Rostow, ném bom Bắc Việt Nam sẽ là hình thức “chiến tranh du kích” mà chúng tôi sử dụng để trả lời cho các cuộc tấn công của cộng sản chống lại chính phủ Nam Việt Nam! Một hôm do quá phẫn nộ vì những lời tuyên bố kiểu ấy, tôi đã phải thốt lên trước mặt một đồng nghiệp: “Vì Chúa, hãy để họ ném bom cái gì đó, bất cứ cái gì miễn là ham muốn đó của họ chóng qua đi! Sau đó, rồi có lẽ chúng ta sẽ có thể lôi kéo họ chú ý tới chỗ họ cần phải làm chiến tranh”. Cuối cùng rồi họ cũng hiểu ra, tuy có hơi muộn, chỗ họ cần phải làm chiến tranh chính là nông thôn.
Chú thích
1. Trung tá quân đội Mỹ bổ sung cho C.O.R.D.S. (Civil operation and Revolution army Development Support - Chương trình hỗ trợ phát triển cách mạng và các hoạt động dân sự). Năm 1971, được cử làm cố vấn cao cấp, có toàn quyền đối với Vùng chiến thuật hai.
Một Chiến Thắng Bị Bỏ Lỡ Một Chiến Thắng Bị Bỏ Lỡ - William Colby Một Chiến Thắng Bị Bỏ Lỡ