The more that you read, the more things you will know. The more that you learn, the more places you'll go.

Dr. Seuss

 
 
 
 
 
Tác giả: William Colby
Thể loại: Lịch Sử
Nguyên tác: Lost Victory
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Nguyen Ngoc Hai
Số chương: 25
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2424 / 51
Cập nhật: 2017-03-24 12:42:52 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phần II: Cuộc Gặp Gỡ Giữa Hai Thái Cực – Chương 1: Hai Nền Văn Hoá Rưỡi
hững gì tôi biết về Trung Hoa lúc tôi còn thiếu thời, khi cha tôi, một sĩ quan chuyên nghiệp đóng quân tại Thiên Tân, đã chuẩn bị cho tôi một hành trang về Châu Á. Phải, chắc chắn từ dạo ấy chứ không phải cho đến khi cái nóng dữ dội ùa vào tôi lúc tôi bước ra khỏi cửa chiếc máy bay phản lực của hãng Pan Am để đặt chân xuống phi trường Tân Sơn Nhất dưới cái nắng chang chang của thủ đô Việt Nam Cộng hoà, gia đình tôi cũng bước ra theo. Lúc đó là vào dịp tết âm lịch của người Việt Nam, tính ra dương lịch là ngày 8 tháng Hai năm 1959. Những rắc rối của việc tính lịch ấy hình như là một điềm báo cho những rắc rối mà sau này tôi gặp phải trong mười sáu năm ở Nam Việt Nam.
Trong ga sân bay, nhà cửa bụi bặm và phai màu vì nắng gió, chúng tôi phần nào cảm thấy dễ chịu khi được ở trong bóng râm, mặc dù nhà không mắc điều hoà nhiệt độ Hộ chiếu của chúng tôi - riêng tấm của tôi có ghi đến làm việc ở sứ quán Mỹ - được nhanh chóng đóng dấu, và cả đống hành lý của gia đình cũng chỉ bị ngó qua loa, vì ơn chúa lòng lành, mấy nhân viên hải quan còn đang mải chăm chú vào một phụ nụ người Hoa, nghi rằng có thể chị ta giấu vàng dưới mớ quần áo hay trong mấy chiếc đài bán dẫn.
Nắng nóng những thủ tục quen thuộc khi ra vào sân bay và những nghi ngờ đối với cánh buôn lậu đã đánh dấu việc tôi đến nhận chức phó giám đốc sở C.I.A. ở Sài gòn diễn ra như vậy đấy.
Từ phi cảng Tân Sơn Nhất dẫn vào trung tâm Sài Gòn, con lộ chúng tôi đi chạy băng qua những ngoại ô quen thuộc của những thành phố lớn Châu Á - những ngôi biệt thự tường rào vây quanh giống như những ốc đảo xanh mướt và thanh bình nằm giữa những căn nhà tồi tàn nhớp nhúa người chật ních. Con lộ mang tên Ngô Đình Khôi, anh cả đương kim tổng thống Nam Việt Nam, năm 1945 đã bị cộng sản hạ sát. Đến đầu thành phố, nó được đổi lại là đường Công Lý. Thành phố rợp bóng cây được trồng đều đặn hai bên đường và mọc lên cạnh nhau những ngôi nhà nhiệt đới thanh lịch quét vôi trắng hay màu sữa, tường rào vây kín gây cho người ta một cảm giác kín đáo và an toàn. Nhìn nó, kỷ niệm về những thành phố hàng tỉnh của miền Nam nước Pháp vụt trở lại trong tâm trí tôi.
Đường phố Sài Gòn không còn mang tên những người Pháp, những người đã từng tiến hành công cuộc xâm chiếm và thực dân hoá đất nước này và sau đó đã vẽ nên thành phố từ một thế kỷ trước. Tất cả các đường phố nay đều được lấy tên các anh hùng dân tộc để đặt lại, và người Việt chỉ còn giữ lại hai tên người Pháp: nhà bác học Louis Pasteur và cố Alexandre de Rhodes, một giáo sĩ dòng tên mà tiếng tăm không mấy ai biết. Từ năm 111 trước công nguyên, Việt Nam đã bị Trung Quốc đô hộ. Sở dĩ Rhodes hãy còn được Việt Nam tôn vinh là bởi vì vào năm 1640, sau một thời gian mà người Việt đã không còn dùng ngôn ngữ và văn chương kinh điển Trung Hoa, Rhodes đã thành công trong việc Lamã hoá văn tự Việt. Từ đó văn chương Việt có một bước phát triển đáng kể và người Việt Nam coi nó như một trong những niềm tự hào dân tộc.
Con đường chúng tôi đi chạy dọc theo dinh toàn quyền Pháp cũ - nay là dinh Độc Lập nơi làm việc của tổng thống Việt Nam Cộng hoà Ngô Đình Diệm và dẫn đến một toà nhà trông ra một công viên nằm đối mặt với hàng rào sắt có cổng chính dẫn vào dinh. Trông quang cảnh nhà cửa, cây cối vườn tược đẹp đẽ, tôi không thấy có gì báo hiệu là rồi ở đây sẽ xảy ra những thảm kịch mà có những thảm kịch xảy ra trước mắt tôi và gia đình tôi.
Đó là một thời kỳ giao thời. Những năm đấu tranh của cộng sản Việt Minh chống lại nước Pháp thực dân để giành lại độc lập tự do đã kết thúc bằng thắng lợi của Việt Minh ở Điện Biên Phủ, một chiến trường xa xôi nằm trên vùng núi Tây Bắc Việt Nam. Cuộc chiến tranh ấy hãy còn để lại những dấu vết: lệnh cấm đốt pháo ngày Tết được áp dụng ngay cả ở Chợ Lớn, khu đông người Hoa nhất Sài Gòn, những hàng rào chống lựu đạn ở khách sạn Cầu Vồng (Arc - en - Ciel), khách sạn Tàu ngon nhất Đông Nam Á, thậm chí cả trên thế giới; sự có mặt ở miền Nam của khoảng chín trăm nghìn dân di cư Bắc Việt Nam, những tín đồ sùng đạo công giáo, lòng đầy khinh thường đối với thói biếng nhác và nhu nhược của người miền Nam.
Tuy nhiên, hoà bình đã trở lại ở Nam Việt Nam. Cộng sản đã tập kết khoảng chín mươi nghìn cán bộ của họ ra Bắc, và ở đấy họ được học tập, huấn luyện, sẵn sàng hễ có thời cơ đầu tiên là nhảy vào Nam bắt đầu cuộc cách mạng. Mạng lưới còn lại ở miền Nam của họ, bị phá vỡ và thụ động nay chỉ còn cố chống đỡ với các chiến dịch tiễu trừ mà chính phủ Nam Việt Nam thường kỳ tung ra để tiêu diệt họ. Nỗ lúc của cộng sản đang tập trung vào chiến dịch cải cách ruộng đất. Để tập thể hoá ruộng đất và từ đó thiết lập những cơ sở cho việc Đảng kiểm soát hoàn toàn dân chúng và nền kinh tế, biện pháp chính của cộng sản là trừng phạt và trong khá nhiều trường hợp là xử bắn những địa chủ thông qua toà án nhân dân.
Ở miền Nam, ngay những nhóm muốn giành chính quyền sau khi người Pháp rút lui cũng ngồi yên. Mặc dù không ngừng có những lời đồn đại về một huyền thoại là người Pháp tiếp tục đeo đuổi một âm mưu nào đấy, nhưng đại sứ Pháp tỏ ra hoàn toàn tôn trọng chủ quyền của Việt Nam Cộng hoà. Những nhà thực dân Pháp chỉ chuyên tâm vào khai thác đồn điền cao su cuối cùng của họ hay chăm lo những công việc kinh doanh buôn bán khác. Ngay các “cơ quan đặc biệt” Pháp, các hoạt động của họ cũng chỉ hạn chế trong việc giữ sự tiếp xúc cần thiết với những người Việt Nam có khả năng cung cấp tin tức và phục vụ cho việc thông báo hay đưa dư luận của họ trong trường hợp mà quyền lợi của Pháp đòi hỏi cần phải có một hành động mạnh mẽ hơn.
Băng đảng Bình Xuyên trước kia kiểm soát Sài gòn nay đã bị đánh cho tơi tả. Họ chỉ còn có một khu nhà tường rào vây kín gọi là “Đại Thế Giới” ở rìa Chợ Lớn, ngày trước là một tiểu vương quốc của đĩ điếm, cờ bạc, nha phiến nay trở thành một trung tâm cho thanh niên mà thỉnh thoảng có du khách tò mò vì tiếng tăm của nó vẫn đến thăm viếng. Quân đội các giáo phái Cao Đài, Hoà Hảo năm 1957 đã bị giải tán. Những cuộc mặc cả buôn bán vẫn tiếp tục không hạn chế trong những vùng họ còn ảnh hưởng nhưng quyền lực nhất thời ấy nay đã bị thay thế bởi quyền lực của nước Cộng hoà trẻ tuổi. Giữa những khu phố Pháp và khu của người Hoa ở Sài Gòn, sự phân biệt là rõ rệt nhưng việc đi lại thì hoàn toàn tự do, dù ngày hay đêm, dù đi bằng xe hơi hay xe đạp, xichlô, xe máy.
Cách sống thoải mái của sứ quán Mỹ cũng phản ánh không khí chung của thành phố. Chúng tôi sống trong những biệt thự kiểu Pháp trần cao, xung quanh là những cây cao vút trồng từ thời Pháp. Gia nhân có rất đông và họ tỏ ra thật thà, hữu nghị. Nhờ họ, Bartara, vợ tôi có thời gian để giao tiếp với các bà vợ các quan chức cao cấp Việt Nam hay của các vị trong ngoại giao đoàn. Ba con trai tôi, Fonathan (mười ba tuổi), Carl (chín tuổi) và Paul (năm tuổi) đều đến trường học của cộng đồng người Mỹ (chúng tôi định xin cho các cháu vào học một trường con trai công giáo nhưng ở đấy người ta không dạy tiếng Pháp mà chỉ dạy tiếng Việt, rất khó học). Còn con gái tôi, Catherine, mười tuổi, thì vào học ở một trường con gái của bên công giáo và may mắn cho cháu là ở đấy mọi môn đều dạy bằng tiếng Pháp. Chúng tôi sinh thêm cháu gái Christine ở Sài Gòn vào năm sau. Bọn trẻ rất thích quang cảnh và những tiếng động của nền văn hoá phương Đông, từ trò múa rồng chúng tôi được xem ở khu người Hoa ngay hôm sau ngày chúng tôi tới cho đến những chuyện săn voi trên rừng để bán cho những vườn thú Châu Âu của ông bạn láng giềng ở gần kề chúng tôi. Chúng tôi chẳng hề nghĩ rằng rồi không khí thanh bình của những ngày ấy sẽ bị đe dọa.
Tiếng Pháp vẫn được cộng đồng quốc tế sử dụng và tất cả những người Việt Nam chúng tôi tiếp xúc đều nói nó một cách trôi chảy. Tiệc tùng và những cuộc đón tiếp ngoại giao choán phần lớn thời gian các buổi tối của chúng tôi và nó lại càng thêm phần hào hứng khi tôi được gặp những người Việt Nam có hiểu biết rộng có thể đàm luận với tôi về tất cả các vấn đề. Trưa Sài Gòn rất nóng trong mùa khô và ẩm ướt trong mùa mưa nhưng chúng tôi thường gặp nhau với cả gia đình ở bể bơi câu lạc bộ thể thao và dùng một bữa ăn Pháp rất ngon, rồi người ta sẽ nhanh chóng học được cách đi đứng như thế nào để bớt đổ mồ hôi và dù thế nào, nhờ có máy điều hoà nhiệt độ người ta vẫn có thể ngủ được ngon lành.
Nhịp độ hoạt động của những công việc chính thức cũng yên ả, bình thường. Chính phủ vững, không có thách thức hay xung đột nên khủng hoảng bị đẩy lùi xa. Các nhân viên của Tổ chức phát triển quốc tế của Mỹ (A.I.D.) có thể tập trung nỗ lực vào những kế hoạch và mục tiêu dài hạn. Đại diện của quân đội Mỹ có thể duy trì quan hệ hữu nghị với các bạn đồng nghiệp Nam Việt Nam và chuyên tâm vào việc thảo những đống báo cáo khổng lồ mà Washington đòi hỏi.
Thực ra dưới vẻ bề ngoài yên tĩnh ấy, người ta thấy ẩn giấu một sự cuồng nhiệt của một tổ ong đang hoạt động. Lợi dụng lúc đất nước hoà bình, người Việt Nam lao vào làm ăn, dù công việc ấy lớn hay nhỏ, dù cày cấy trên ruộng hay buôn bán trên thương trường. Chính phủ đã dự kiến một chương trình to lớn về phát triển kinh tế và xã hội, nào mở mang đường sá để tới được những vùng rừng núi xa xôi, xây dựng các trường học tới tận các làng bản hẻo lánh, nào phát triển công nghiệp nhẹ ở các ngoại vi thành phố và sử dụng tàu thuyền chạy máy để đánh bắt cá trên biển, trên sông. Người dân Nam Việt Nam như được vùng vẫy trong việc kinh doanh tự do, phát huy tính năng động của những lớp người đi trước, những người trong tám thế kỷ trước đã mở cuộc “Nam tiến” theo dọc biển miền Trung tới tận đồng bằng Cửu Long và trên đường họ đi, với chí kiên quyết và tinh thần hiếu chiến của họ, họ đã loại bỏ hai đế chế Chămpa và Khơme.
Bao trùm trên quang cảnh nhộn nhịp đó là một bóng người thấp đậm, người đã cống hiến công sức lớn để tạo ra nó: đó là tổng thống Ngô Đình Diệm. Xuất thân từ một gia đình quan lại công giáo quê ở Huế - miền Trung Việt Nam, ông được đào tạo để phụng sự hoàng đế và đất nước ông. Có lần ông kể với tôi rằng, hồi nhỏ, cùng đi với mấy anh em trong nhà, ông đã xuống ruộng cấy lúa, tham gia vào việc cấy tượng trưng mấy khóm mạ non sau này lớn lên nó sẽ trở thành dòng nhựa nuôi dưỡng đời sống quốc gia.
Ham muốn thực sự của Diệm là đất nước ông. Ông đã được chuẩn bị để gia nhập vào hàng ngũ danh giá của những quan chức Việt Nam, những người sẽ trở thành cầu nối giữa chính quyền bản xứ với chính quyền Pháp thực dân. Tuy nhiên, sau một khởi đầu sự nghiệp đầy hứa hẹn, ông đã khám phá ra rằng ông không thể vừa phục vụ Việt Nam, lại vừa phục vụ chính quyền Pháp. Ông rời hàng ngũ quan lại do Pháp kiểm soát và trở thành một trong những người đấu tranh chính cho nền độc lập của Việt Nam. Vai trò này, ông đảm nhiệm với tư cách cá nhân, không cầm đầu một âm mưu hay một đảng phái nào, đinh ninh rằng theo tục lệ quan chức, cuối cùng rồi quyền hành sẽ một ngày nào rơi vào tay ông.
Thanh danh của ông lớn đến nỗi mà năm 1945, khi Nhật Bản thất bại phải rút quân, Hồ Chí Minh đã phải đề nghị ông tham gia vào một liên minh nhằm giành lại chính quyền trong thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ hai do bọn Vichy tay sai của Đức nắm giữ. Là một con chiên ngoan đạo ghét cộng sản, Diệm đã từ chối. Diệm hiểu là ông Hồ chỉ đơn giản muốn lợi dụng ông cũng như những người không cộng sản khác để giúp ông Hồ thâu tóm được chính quyền vào tay cộng sản.
Trong nhiều năm, người Pháp đã cố gắng một cách vô ích trong việc sử dụng những chính phủ bù nhìn tập hợp dưới cái bóng của hoàng đế Bảo Đại, ông vua cuối cùng của vương triều Nguyễn. Diệm đã gạt bỏ những đề nghị của Pháp, ngay cả có lần người ta đã đề nghị ông đứng đầu một trong những chính phủ ấy, biết rằng đó chỉ là một cái mặt nạ quốc gia mà người Pháp núp sau đó để điều khiển quyền hành thực sự. Năm 1950, ông sang Mỹ, tham gia nhiều chủng viện của dòng Maryknoll và bảo vệ dự án về một Việt Nam độc lập trước các nhân vật như hồng y giáo chủ Francis Spellman và các nghị sĩ Mike Mansfield và John F.Kennedy.
Sự sụp đổ của Pháp ở Đông Dương sau thất bại Điện Biên Phủ năm 1954 đã kéo theo việc ký kết hiệp định Genève mà theo đó Việt Nam chia làm hai miền, miền Bắc cộng sản và miền Nam không cộng sản, và Việt Nam sẽ tiến hành tổng tuyển cử để thống nhất đất nước vào hai năm sau. Một dịp mới đã đến với Diệm lúc đó đang ở Pháp. Bảo Đại đề nghị ông làm thủ tướng chính phủ trong khi bảo đảm ông sẽ không bị phụ thuộc vào quyền kiểm soát của Pháp. Diệm chấp nhận. Theo dư luận phổ biến lúc bấy giờ thì trong hai năm tới Diệm chỉ có việc ngồi mà chứng kiến sự sụp đổ của Nam Việt Nam và sự gia nhập của Nam Việt Nam vào một đất nước thống nhất, mà trong đó người thắng thế sẽ là miền Bắc, vừa đông dân hơn lại vừa có tổ chức và năng động hơn, và thêm vào đó là được điều hành bởi một đội ngũ cán bộ có kỷ luật của lực lượng cộng sản cách mạng, những người vừa đánh bại xong thực dân Pháp. Nhưng về điểm đó, Diệm đã làm cả thế giới phải ngạc nhiên.
Hành động đầu tiên của ông là gạt bỏ các nhà lãnh đạo thân Pháp trong quân đội và chống lại những kẻ đối lập vẫn phục tùng Pháp trong chế độ ông. Vì việc đó ông nắm được một con bài chủ: đó là sự ủng hộ của Mỹ. Qua tuyên bố là từ nay mọi viện trợ Mỹ đều qua tay chính phủ Diệm, chính quyền Eisenhower đã xác định không úp mở rằng đôla của Mỹ dành cho Việt Nam trước đây đưa cho Pháp, thì từ nay sẽ cấp thẳng cho Diệm. Nguy cơ của một quyết định như thế có nhiều, mà một trong những cái đó là cú đảo chính của bộ chỉ huy quân đội khi họ cho bộ đội và xe tăng bao vây dinh tổng thống.
Nhờ quyết tâm, nhanh trí và tài khéo léo của mình, Diệm đã giành được sự ủng hộ của một số binh sĩ đủ để đánh bại được cuộc đảo chính và sau đó ông quay ra tấn công băng đảng Bình Xuyên, những kẻ đã kiểm soát được quyền cảnh sát Sài Gòn và điều hành những ổ làm ăn ám muội rất đặc trưng của thành phố. Sau khi củng cố được vị trí của mình ở Sài Gòn, bằng sức mạnh và mưu kế, ông đã mua chuộc, chia rẽ và thanh toán được quân đội của Cao Đài, Hoà Hảo, hai giáo phái hình thành những Nhà nước thực sự trong lòng một Nhà nước lớn.
Trong những tháng hỗn loạn đầy sóng gió ấy, Diệm đã học được cách chỉ nên trông cậy vào mình và gia đình mình, chơi võ thật kín trên một chiến trường nguy hiểm và biết cách thao túng những nhân vật bất lương, biến chất, dễ bị mua chuộc mà ông phải đương đầu. Mặc dù vậy, những người cộng tác với ông, ủng hộ ông, kể cả những đại diện chính thức của Hoa Kỳ hoặc bỏ rơi ông, hoặc cho rằng ông không thể chịu đựng được hơn nữa và những ngày của ông đã điểm. Thế nhưng, với sự bền bỉ và có phần bướng bỉnh, với sức mạnh của niềm tin cũng như tài khéo léo trong vận dụng sách lược để thúc đẩy sự nghiệp của mình, cuối cùng ông đã gặt hái được những kết quả.
Thời kỳ thử thách cao đó đạt tới đỉnh điểm khi Diệm hất cẳng con người khốn khổ mang danh chính thức là người nắm quyền, tức hoàng đế Bảo Đại. Tháng Mười năm 1955, gần một năm sau khi nhận chức thủ tướng, Diệm tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để cách chức Bảo Đại và để đưa mình lên làm tổng thống. Cuộc bầu được xếp đặt một cách chặt chẽ, có tính chất và một nghi lễ hơn là một sự lựa chọn thực sự, nhưng nó không làm ngạc nhiên và cũng chẳng ai phản đối. Năm 1956, sau khi hiến pháp mới được phê chuẩn, Diệm thành lập Việt Nam Cộng hoà và đưa nó ra khỏi khối Liên hiệp Pháp. Sau đó ông lợi dụng quyền hành vừa giành được để gạt nốt mối hiểm cuối cùng đang doạ chế độ ông. Ông tuyên bố ông không có ràng buộc gì với hiệp định Genève dự kiến sẽ tiến hành tổng tuyển cử để thống nhất hai miền Nam, Bắc Việt Nam, bởi chính phủ ông đã từ chối không ký hiệp định, và hơn nữa có thể thấy trước là kết quả tổng tuyển cử đã nằm trong tay cộng sản Bắc Việt, vì miền Bắc đông dân hơn và có kỷ luật hơn.
Vậy là sau khi thay đổi những triển vọng tương lai của Nam Việt Nam vào năm 1956, Diệm phát động một chiến dịch hiện đại hoá và phát triển đất nước về mọi mặt, kinh tế, chính trị và xã hội. Năm 1959, chương trình đó đã được tiến hành thực sự. Dự những cuộc họp và thảo luận ngay sau khi nói đến, tôi có điều kiện để hiểu được chương trình đó qua những quan niệm và những số liệu, nhưng tôi còn phải đi nhiều và điều tra thêm để qua tiếp xúc với đủ mọi loại người mà nắm bắt được thực tế ra sao.
Một phần thực tế đó là ở phía người Mỹ. Để báo trước rồi sau đó chính sách của Mỹ ở Việt Nam sẽ ra sao thì ngay việc Diệm lên nắm chính quyền cũng là điều mà ý kiến của người Mỹ đã có sự chia rẽ.
Đến năm 1954 thì về phía Mỹ đã không còn ai có ý kiến là có thể ủng hộ phong trào cộng sản do Hồ Chí Minh lãnh đạo chống lại Pháp như ý kiến đưa ra hồi 1945. Khả năng ấy, tức khả năng ủng hộ Hồ Chí Minh, được nhóm O.S.S (Phòng Tình báo chiến lược), những người đã được ông Hồ cộng tác trong thời kỳ chống kẻ thù chung là Nhật và bọn Vichy, tay sai Đức khi ấy còn thống trị Đông Dương, ủng hộ. Ở thời kỳ đó, khả năng ấy ít được chính phủ Mỹ chú ý tới, bởi chẳng những ông Hồ là cộng sản - một điều mà ai cũng biết - mà bởi mục tiêu chủ yếu của chính sách Mỹ lúc ấy là vực lại Tây Âu, trong đó Pháp là một thành phần then chốt. Franklin Roosevelt mất đi và cùng với ông là lời chê trách “người Pháp ở Việt Nam một trăm năm, thế mà bây giờ người Việt Nam còn khổ hơn trước khi người Pháp đến”. Có lẽ Roosevelt, do gợi ý từ chính sách của Mỹ đối với Philippines, nên ông đã dự tính một thời kỳ ủng hộ đối với Việt Nam trên con đường đất nước này tiến lên độc lập. Nhưng không có Roosevelt thì điều đó là không thể tính được vào năm 1945.
Ở Nam Tư, Tito hãy còn chưa tuyên bố trung thành với chủ nghĩa cộng sản và có thái độ độc lập với Matxcơva (sự độc lập mà Mỹ sẽ giúp đỡ Nam Tư duy trì) cho nên không ai nghĩ đến khả năng có một Việt Nam cộng sản mà lại độc lập với Trung Hoa. Thế nhưng lịch sử Việt Nam với những gì như người ta biết lúc đó và sự thù địch lâu đời giữa người Việt Nam đối với Trung Hoa, xuất hiện trở lại vào những năm 1980, đã rõ ràng gợi ý cho người ta về khả năng đó. Trong những năm 1945 - 1947, vấn đề đặt ra đối với những người chịu trách nhiệm về chính sách Hoa Kỳ là cần biết xem giữa sự liên minh với Pháp, mà tầm quan trọng của nó lại gắn bó với cuộc xung đột đang nổi lên với Liên Xô ở châu Âu lúc đó và một hy vọng mong manh về độc lập của Việt Nam, thì cái nào là nặng ký hơn. Thế mà năm 1954, người ta không thể hy vọng được nữa là Nam Việt Nam, một thuộc địa cũ của Pháp, lại có thể có được sức mạnh để ngăn chặn làn sóng không thể lay chuyển nổi của sự bành trướng cộng sản Trung Hoa đang có nguy cơ tràn ngập vào Việt Nam rồi Malaysia và Indonesia.
Sự sụp đổ quyền thống trị Pháp ở Việt Nam sau thất bại ở Điện Biên Phủ đã khiến John Foster Dulles quay về Diệm và đưa ra cho Diệm sự giúp đỡ về kinh tế và chính trị cần thiết để vớt vát lấy “đồ đạc”, ít nhất thì cũng là một khoảng thời gian thích hợp trước khi mà thắng lợi của cộng sản, điều được người ta coi là không thể tránh khỏi, xảy ra. Tuy nhiên Diệm không chia sẻ những nghi ngờ ấy với người Mỹ. Ông nhận những giúp đỡ của Mỹ, sự bảo đảm được ủng hộ về quân sự thường xuyên đối với đạo quân non trẻ của ông, những ý kiến cố vấn về chính trị và sự giúp đỡ về kỹ thuật như đại tá Edward Lansdale của C.I.A. đề nghị. Sau một chuyến công cán ở Philippines mà Lansdale giúp cho Magsaysay trở thành tổng thống một cách thắng lợi, ông được cử tới Việt Nam để cứu vớt những gì có thể cứu vớt được. Giữa cái mớ những đề nghị đôi khi mâu thuẫn của người Mỹ, những người tự coi là hiểu tình hình hơn Diệm, Diệm lựa chọn ra một số ý kiến. Sự thành công ngoạn mục trong việc đưa ông lên nắm chính quyền đã làm ông tự tin rằng ông không thể sai trong vận dụng sách lược của mình: Nghe tất cả những lời khuyên của Mỹ, chọn lấy những điều nào có thể giúp ích cho mình, nhưng không bác bỏ thẳng thừng những gì ông thấy có vẻ là xấu bởi một sự giúp đỡ xác thực, có thể sờ mó được và không phải không đáng kể, cũng có khi lại đến từ những nguồn hay những nơi có thể có nhầm lẫn, sai sót nào đấy, và cuối cùng là luôn luôn giải thích thật chi tiết sự giúp đỡ thường xuyên của người Mỹ đối với chính quyền của ông nó mới quan trọng đến thế nào. Từ 1959, sơ đồ những quan hệ giữa Diệm và người Mỹ đã được thiết lập vững chắc.
Năm 1959, người phụ trách cao nhất của người Mỹ ở Việt Nam là đại sứ Elbridge Durbrow. Với tư cách là người đại diện cho tổng thống Hoa Kỳ, ở Nam Việt Nam cũng như tất cả các nơi khác, đại sứ Mỹ là người lãnh đạo toàn bộ các thành phần hợp thành cái mà chúng tôi gọi là Phái bộ (Mission), bao gồm tất cả các chi nhánh của các cơ quan của Washington đặt ở cấp địa phương.
Là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, Durbrow thuộc số những chuyên gia lâu đời nhất về Liên Xô mà chúng tôi có hiện nay. Nói tiếng Pháp rất thành thạo vì đã học ở đại học Dijon (Pháp), ông khởi đầu sự nghiệp ngoại giao từ khi bắt đầu làm phó cho Clare Boothe Luce. Ở Roma, mà ở đây cả hai người đã có công ngăn cản và làm chậm lại quá trình “mở sang cánh tả” của Ý cho đến khi Kenendy vào Nhà Trắng.
Trước khi sang Việt Nam, Durbrow có một thời gian làm tổng lãnh sự Mỹ ở Singapore, một thuộc địa của vương quốc Anh. Rất tinh thông nghề nghiệp nhưng tính nết cáu kỉnh, Durbrow khẳng định uy quyền của mình đối với các cơ quan Mỹ lúc ấy đã có mặt nhan nhản ở Việt Nam, trong khi vẫn tỏ ra dửng dưng với Việt Nam và các quan chức của họ, theo một thái độ điển hình của truyền thống ngoại giao.
Cho rằng thái độ xa cách ấy biểu hiện Durbrow chưa hết lòng với chế độ của mình, Diệm đã lập tức làm đến mức mà đối với ông, không phải chỉ có Durbrow mới là người duy nhất để chuyển tải ý kiến của ông đến với Washington. Đối với các vấn đề quân sự, ông quay ra làm việc với trưởng phái đoàn M.A.A.G (Militairy Assistance Advisory Group: Đoàn viện trợ và cố vấn quân sự Mỹ), trung tướng “Hanging Sam” Williams, người có bộ ria xén tỉa công phu không chê vào đâu được và rất khoái chí về biệt danh “Sam người treo cổ”, do ngày trước đã xử phạt treo cổ một binh sĩ về tội hèn nhát. Chú ý một cách nghiêm ngặt để sự chỉ huy của mình, theo những con đường hoàn toàn quân sự, chỉ thuộc vào quyền chỉ huy của chỉ huy trưởng vùng Thái Bình Dương (C.I.N.C.P.A.C) ở Honolulu, Williams thực hiện một quyền hành tuyệt đối đối với các vấn đề quân sự và chống đối kịch liệt những gì Durbrow can thiệp vào quan hệ của mình với Diệm và các sĩ quan của ông ta. Để đối lại, Durbrow cũng thể hiện với Williams một thái độ ác cảm không cần che giấu.
Kênh liên lạc khác mà Diệm sử dụng là Arthur Z. Gardiner, người phụ trách lịch thiệp và chín chắn chi nhánh địa phương của A.I.D., người kiểm soát lượng vào của viện trợ kinh tế Mỹ cho tổng thống Việt Nam. Diệm cũng thu xếp để gặp gỡ tất cả các khách Mỹ tới Sài Gòn, họ chủ yếu lúc ấy là các quan chức chính phủ có nhiệm vụ quản lý những chương trình được Washington chuẩn cấp. Chiến thuật của Diệm là bắt họ phải nghe bốn giờ liền một hàng độc thoại về sự nham hiểm của cộng sản, cái nhìn của ông về tương lai của một Việt Nam hiện đại và thói vụ lợi chung của các nhân vật phe đối lập Việt Nam và cả của một số nhân vật nước ngoài miệng cứ xưng xưng là trung lập như ông hoàng Norodom Shihanuk của Campuchia.
Diệm cũng duy trì những mối quan hệ với nhiều nhân vật Mỹ trước đây ông gần gũi và họ đã từng khâm phục cái cách mà ông đã dùng để cứu Nam Việt Nam thoát ra khỏi cơn hỗn loạn. Đặc biệt những giáo sư đại học như Wesley Fishel, của đại học Michigan, hay đó là Wolf Ladefinky, người đã đề ra những kế hoạch cải cách điền địa rất thành công ở Nhật Bản và Đài Loan thời kỳ sau chiến tranh, hay hai anh em Dulles, hồng y giáo chủ của New York và lãnh đạo nhà thờ công giáo Mỹ và John F.Kennedy, thượng nghị sĩ trẻ công giáo của Massachusetts.
Trái lại, Diệm chẳng có thời gian cũng như có đủ kiên nhẫn để tiếp các nhà báo hay các chính trị gia người Việt Nam hay ngoại quốc, những người thường chỉ trích Diệm. Diệm chê trách họ đã có quá nhiều thành kiến hoặc không đủ độ thính nhạy về tri thức để có thể hiểu được công cuộc biến đổi Việt Nam thành một quốc gia hiện đại của ông. Diệm có cái kiểu cách của các quan lại truyền thống. Ông xuất phát từ nguyên tắc vị trí hợp pháp của ông là ở ngoài tầm của mọi sự công kích và qua việc điều khiển những đường dây mối nhỏ của ông có từ triều đình (từ nay triều đình ấy là ở Washington) ông tìm cách để bảo đảm cho mình sự ủng hộ và giúp đỡ cần thiết cho chương trình hiện đại hoá của ông.
Tuy nhiên ở Việt Nam và ở Mỹ vẫn có nhiều người chỉ trích Diệm. Một số người Việt Nam luôn luôn trung thành với Đạo giáo bị gạt bỏ của họ, đã không chịu nổi vai trò nổi trội của những người công giáo trong đất nước họ. Ngay cả khi trong chính phủ Diệm những người không công giáo vẫn chiếm số đông thì điều đó cũng chẳng ảnh hưởng đến vai trò “ưu tú” rất cân xứng dành cho công giáo nhỏ bé mà nhờ giáo dục công giáo của người Pháp qua một thế kỷ đô hộ nó đã có được. Mối hận thù ấy càng thêm gay gắt bởi sự xuất hiện của hàng vạn giáo dân từ Bắc chạy vào Nam vì họ muốn được sống tự do hơn là phải đương đầu với một tương lai dưới chế độ cộng sản. Còn những chỉ trích khác thì chủ yếu nhằm vào sự mâu thuẫn giữa chế độ dân chủ được Hiến pháp năm 1956 quy định với quyền hành cá nhân của Diệm, người đã điều hành tất cả các công việc quan trọng một cách độc đoán.
Trong chừng mực mà những lời chỉ trích ấy dấy lên chủ yếu từ những nhóm trí thức tiến bộ Sài Gòn thì lập tức người Mỹ được biết ngay. Ở đấy Mỹ có được một nguồn tin tức thường xuyên cho những nhân viên ban chính trị của sứ quán và cho chi nhánh C.I.A. ở địa phương, qua thông tin của những người đưa tin ngầm mà Mỹ tuyển mộ trong giới chính trị để có thể dự kiến trước những điều không thể dự kiến được.
Một trong những đề tài kêu ca chính hiển nhiên là chuyện tham nhũng, nhưng nếp sống khổ hạnh nổi tiếng của tổng thống cũng như không có chuyện chi tiêu xa hoa hoang phí về phía các bộ trưởng và quan chức cao cấp của ông đã là một lời cải chính hùng hồn cho những lời cáo buộc ấy.
Vậy là Sài Gòn, trung tâm quyền lực của chính quyền Nam Việt Nam như tôi được thấy vào năm 1959 - 1960, là một sự pha trộn phức tạp của hai nền văn hoá - văn hoá Việt Nam truyền thống bao gồm một phần quan trọng những yếu tố Trung Hoa và văn hoá Mỹ, hung bạo, mạnh mẽ và vững tin vào bản thân - và thêm vào đó là sự hiện diện còn sờ mó được của một phần nữa của một nền văn hoá thứ ba, di sản của một thế kỷ thống trị của người Pháp mà trong đó một thiểu số xuất sắc người công giáo đã nảy sinh. Nhưng, như ở bất cứ đâu, không phải vì thế mà thủ đô có nghĩa là toàn bộ đất nước, và đó là điều mà tôi sớm được biết.
Một Chiến Thắng Bị Bỏ Lỡ Một Chiến Thắng Bị Bỏ Lỡ - William Colby Một Chiến Thắng Bị Bỏ Lỡ