Dịp may ưu ái những ai can đảm

Publius Terence

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Phạm Vân ANh
Số chương: 3
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2259 / 37
Cập nhật: 2016-02-04 14:42:10 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 1
ừng tre dày mịt dọc theo con thôn lộ hẹp, bỗng dưng đứt khúc, nhường chỗ cho một công trường rộng như đại-lộ Trần-Hưng-Đạo.
Công-trường đen nghẹt xe hơi, chiếc nào cũng mốc thít bụi đường, kiếng xe trong suốt, hóa ra mờ hết.
Thạnh lái xe rẽ vào công trường đó và tung bụi lên mù trời vì công-trường không được trải đá. Anh ta cho xe chạy thả máy và cả xe đều kêu rú lên vì họ chợt thấy trước mặt họ một miệng vực sâu thẩm.
Thạnh cười khà rồi bớt ga, rà thắng. Anh ngừng xe sát nền gạch của một ngôi nhà xưa bị ai giở đi mất tự hồi nào. Ngôi nhà nằm cheo-leo trên bờ vực, nên cả xe chưa hết kinh-sợ, vội mở cửa nhảy xuống đất.
- Thằng mắc dịch, làm người ta hết cả hồn vía!
Quang chưởi lên câu đó, và Thạnh lại cười ha ha rồi nói:
- Không còn chỗ đậu xe, nếu không chạy tuốt ra đây thì đậu ngoài lộ à?
Thật ra anh ta thích nhát cho thiên-hạ hoảng chơi. Ba người bạn của anh, người nào cũng gốc ở Tiền-Giang cả và chưa ai lên miền Đông bao giờ.
Cả ba, Quang, Thăng và Cần, kinh-ngạc đứng nhìn con sông Đồng-Nai kỳ-dị. Họ chỉ quen với những sông-ngòi của quê hương họ mà mặt nước xấp-xỉ, là-là với mặt đất trên bờ. Một lòng sông chảy xiết dưới đáy vực thẩm, sâu mấy mươi thước làm cho họ chóng mặt lắm.
Năm thằng bé ở đâu trong rừng nhảy ra đề nghị:
- Cho em giữ xe quý thầy!
Cần lại ngạc-nhiên nhìn chúng rồi cười hỏi:
- Ở giữa rừng mà cũng có kẻ ăn cắp xe nữa à?
Chúng nó làm thinh cười đáp. Thạnh nói bằng tiếng ngoại quốc:
- Dẫu sao, cũng phải để tụi nó giữ. Nếu không, lũ nó đâm lủng bánh xe hết.
- Thì ra, y như ở Sài-gòn. Mà bọn nầy ở đâu mà bò tới đây?
- Thì cũng dân Sài-gòn chớ đâu. Chúng nó chở nhau lên đây bằng xe gắn máy.
Dựa bờ vực-thẩm, dựng lên năm bảy quán gió xớ-rớ, lợp bằng lá rừng mới hái. Thế mà trong quán đã bày đủ thứ, nào là la-ve, tôm luộc, nước ngọt, bánh mì.
Thấy thức ăn, cả bọn nghĩ đến khách và bây giờ mới chú-ý tới cái thác mà khách đi tắm.
Một thứ tiếng rì-rào to hơn tiếng gió trong cây lá, vừa dưới đáy vực đưa lên. Tiếng nầy vốn đã có từ bao đời rồi và vốn họ đã nghe từ khi mới đến, nhưng vì nó liên-tục quá, nên họ như không hay biết là có.
Họ nhìn xuống thì thấy hàng trăm điểm xanh đỏ trên mặt nước trắng xóa. Bờ sông cao quá nên họ không phân-biệt nam, nữ, lớn, bé được.
Ở đây, không thể có cái thác nước nào cả, sông Đồng-Nai chảy tới đó thì gặp phải một dãy đá hàn. Nước sông nhảy chồm trên đá, bị đá dồi lên, biến thàng nước bọt trắng phau phau.
Danh-từ "thác Trị An" lớn lối do người Pháp đặt hồi xưa, chớ dân địa-phương chỉ dám gọi nó là "Hàn Ông Sâm" một cách khiêm tốn thôi.
- Thôi, xuống tắm các cha!
Thanh mời mọc bằng một giọng ra lịnh rồi bước lại gốc da là nơi bắt đầu của con đường đưa xuống hồ.
Bây giờ đã hơn mười giờ sáng rồi. Nắng tháng tư gay-gắt lắm và cảnh sông nước gợi thèm họ. Hơn thế, nhìn lâu, họ phân-biệt được da trắng của phụ-nữ lòi ra khỏi những chiếc may-dô nên họ càng nôn-nao xuống sông. Tuy-nhiên, khi nối gót theo Thanh, ba người bạn của anh, người nào cũng do-dự khi trờ tới gốc da.
Có lẽ một sở du-lịch địa-phương nào đó đã lập ra công-trường đậu xe. Nhưng bàn tay người sắp đặt thiên-nhiên đã dừng lại nơi gốc da nầy. Bao thế-hệ qua đã lợi-dụng rễ da để leo xuóng mé nước một cách nên thơ thì, thế-hệ người bây giờ cũng phải noi theo dấu đó vì sở du-lịch kia không có đào lấy một bực đất nhỏ cho dễ đi. Những bực thang đất, vào tháng khô, bở như bằng bột và bước chân người đã làm bể nhiều cục đất to nó rơi từ nấc nầy xuống nấc khác. Nhiều bực không còn đất nữa và người leo xuống, phải đặt chân trên những sợi rễ không được bảo-hiểm.
Thạnh là người miền Đông, đã quen leo trèo như khỉ nên anh ta xuống được nửa thang ròi ngước lên nhìn bạn còn đứng trên mà cười:
- Ê, đi tắm hay coi lưng ta?
° ° °
Nấc thang đất cuối cùng dính liền với tảng đá đầu tiên mà trên đó Thạnh đứng chờ bạn. Khi cả bọn xuống đến nơi, họ dừng chơn tại đó và nhìn bao quát mặt sông.
Hôm ấy là chúa-nhựt nên khách đi tắm đông ước độ năm, sáu trăm người. Lòng sông ở đây tuy tương-đối hẹp chớ cũng to bằng hai phần ba sông Bến Nghé ở Sài-gòn, thế mà từ bên nây bờ qua tới bên kia bờ, không có một khoảng nước nào mà không có người tắm.
Nhờ phụ-nữ đông với mai-dô nhiều màu của họ, nên mặt sông tươi hẳn lên giữa chốn rừng hoang; người xem có cảm-giác như hoa lan rừng ở đâu trên nguồn mới trôi vê ngang qua đó.
Ở đâu cũng có phụ-nữ cả, từ trên đầu hàn đến xuống cuối hàn, dài đến hơn một cây số, không có một nhóm tắm nào mà không trang-sức bằng một "phụ-nữ" xanh, đỏ hoặc rằn-ri.
Cả bọn quên rằng họ đi tắm, cứ tưởng là đang xem một đoạn phim thời-sự và mải-mê nhìn nhơn-vật trong phim.
Ngoài biển, họ chưa hề được thấy một cảnh như vậy bao giờ. Ngoài ấy người tắm biển thường chìm dưới nước, chỉ có đầu và cổ là ló lên thôi. Người phơi nắng thì hiếm-hoi.
Ở đây người ta không tắm vì nước không sâu. Thường thì người ta ngồi trên những tảng đá ngầm để giỡn với nước đổ mạnh-bạo, thân trên phơi ra hết ngoài trời. Người ta lại nô-đùa nhảy từ tảng đá nổi nầy qua tảng đá nổi khác, thành thử kẻ nào rình xem thì được rất nhiều dịp thấy người trọn vẹn.
Thăng khó chịu nói:
- Ta tắm chớ, họ mà thấy ta rình như vầy, họ khinh chết.
Cần cười ha-hả mà rằng:
- Thưa nhà đạo-đức còn hôi sữa, họ chỉ mong ta rình thôi, nếu không, họ không đến đây mà mặc mai-dô làm gì, vì ở nhà họ, họ cũng có nước đầy lu.
- Nhưng mà cũng phải tắm, Quanh hòa-giải, vì đã nực lắm rồi.
- Buồng thay đồ ở đâu? Thăng ngây-thơ hỏi, khiến cả bọn lại cười ồ lên.
Anh con trai nầy mới hai mươi hai tuổi, anh chưa cố-lì được như những người bạn cao niên của anh, không dám ngó gái cho lâu, cũng chẳng dám thay y-phục trước mặt thiên-hạ. Huống chi, anh ta lại là văn-nghệ-sĩ, nghĩa là một loại người đặc-biệt, có một bộ thần-kinh rất bở mà cho dẫu sống đến hai mươi năm nữa, anh ta cũng không lì được. Loại người đó họ giấu kín tình-cảm và đời sống thân-mật của họ như mèo giấu "của quí".
Cả ba cùng theo Thạnh nhảy qua những tảng đá khô nằm gần sát bờ để tìm một tảng đá không chứa y-phục ai cả.
Bây giờ họ chợt nhận ra rằng ở đây không còn thơm hương rừng nữa mà một mùi "am-mô-nhắc" nặc nồng xông lên.
Thạnh chưởi thề:
- Thật là, quân khốn-kiếp, làm bẩn cả hương-vị của một nơi như vầy.
Khi họ cởi tới giày thì ai cũng chợt thấy rằng đá ở đây lởm-chởm quá. Họ đứng lên, đi dè-dặt như sợ đạp gai. Thạnh hướng họ lên phía trên đầu hàn.
- Càng tắm ở trên dòng chừng nào, càng được sạch chừng nấy. Lũ nó hay đái, hay phun nước bọt dưới sông lắm. Ít người thì chất bẩn không thấm vào đâu chớ đông nghẹt như vầy thì...
- Ồ con cá!
Nghe Cần kêu lên, nột bọn nhìn theo tay anh ta thì thấy một người Trung-hoa bụng to như cái trống chầu, tay cầm cần câu, tay xách một con cá to từ phía trên đầu hàn đi xuống.
- Hủ tài a... Quang reo lên.
Người cắc-chú cười híp cả mắt và cũng nói:
- Hò, hủ tài.
Hắn đi mau lắm, và ý chừng quyết lên bờ về Chợ-lớn cho sớm để khoe cá.
Thạnh hỏi, khi hắn đi qua khỏi đó xa rồi:
- Các anh có thấy dân tắm phần đông là Trung-hoa không?
- Ừ, phải đó. Ngoài biển cũng thế. Sao lạ vậy không rõ.
- Không có gì mà lạ đâu. Từ Sài-gòn mà đến đây, tất phải có xe. Muốn có xe, phải khá-giả. Người Trung-hoa khá-giả hơn người mình vì họ nắm được thương-trường.
- Cũng hay, phụ-nữ Trung-hoa trắng hơn phụ-nữ ta. Cần an-ủi nội bọn về cái chỗ kén tắm của người mình ấy, và cả bọn cười ồ.
Thạnh chỉ một cái hồ rộng bằng một căn buồng mà nói:
- Muốn thưởng-thức nước da trắng đó, ta nên nhào xuống hồ nầy.
Nói rồi anh ta nhảy đi, quên cả đau chơn, rồi cả bốn đều rơi xuống tùm tùm.
Hồ là một khoảng nước được đá nổi vây quanh. Nước trên dòng đổ vào hồ, và nước hồ trôi ra, do vài cái khe nhỏ. Thạnh giải-thích:
- Ở đây ta có vẻ tắm lắm, không ai chú-ý đến ta và các anh mặc sức mà ngắm. Và ta cũng cần tắm thật sự đó. Một lát, lạnh thì ta hãy leo lên phơi nắng.
- Sợ lạnh à?
- Không sợ, nhưng vẫn phải lạnh.
- Đúng như vậy, nước ở đây lạnh quá. May là giữa trưa...
- Nước nguồn về, lại ngâm trong đá...
Vừa lúc ấy, một cô xẩm ốm nhom và đen thui, bò lên đầu tảng đá bờ hồ bên trái, ý chừng để sưởi ấm.
Cần rắn-mắt hỏi to:
- Cú nương à, có pán xíu quách hôn?
Cô xẩm, chắc không hiểu nổi câu pha trò ý-nhị ấy, nhưng bị người bắt chợt, cô ta tuột trở xuống rồi đi mất.
Thạnh nắm lấy cổ của Thăng, quay người bạn trẻ nầy đi một vòng rồi nói:
- Nhìn chiếc mai-dô màu lục bông trắng kia, rồi cho mỗ biết ý kiến.
Thạnh chỉ riêng một thân hình đẹp cho nhà điêu-khắc trẻ tuổi xem. Nhưng nghe tin ấy, cả bọn kia đều quay lại nhìn.
- Tuyệt, tuyệt. Quang khen.
- Im, để cho thằng Thăng nói. Nó là nhà điêu-khắc, lại trầm-tĩnh, không xét-đoán vội-vàng như tụi bây.
- Vả lại, nó nhìn đùi người bằng cặp mắt của nghệ-sĩ thì không phạm thuần-phong mỹ-tục như tụi mình, ha...ha...ha...
Cậu con trai Thăng nhìn cô xẩm mai-do màu lục bông trắng rất lâu mà không thốt ra lời nào, khiến Cần sốt ruột hỏi:
- Say-sưa rồi hả, nhà đạo đức?
Thăng mỉm cười rất ngây-thơ rồi chẩm-rải nói một mình:
- Hỏng!
Anh ta chỉ buông ra độc một tiếng thôi, rồi quay đi, không nhìn mỹ-nữ nữa.
- Hỏng? Cô ta lẳng lắm, phải, cứ xem hai con mắt láo-liên của cô ta thì biết ngay.
- Nhưng dẹp đạo-đức của cậu đi.
Thăng cãi:
- Không phải vậy. Tôi nói hỏng là hỏng về sắc đẹp kia.
- Hỏng à? Da trắng như thế, ngực và đùi no như thế...
- Lưng dài quá, như lưng gái Nhựt-bổn, các anh không để ý đến điểm đó à?
- Cậu làm như một giáo-sư hình-học.
Ngày sau, cậu đi coi mắt vợ, nhớ mang theo một cây thước để mà đo nhé!
Thanh nói:
- Nó có lý của nó. Tụi mình xem người với những con mắt quỷ dịch, ai gợi thèm thì khen đẹp. Nó, nó quen nhìn các pho tượng bên La-mã suốt mấy năm nay.
- Mầy lại về phe với thằng con nít gàn à?
- Tao chỉ nói sự thật thôi. Nhưng mà nó phải nhìn-nhận rằng nó thiệt thân. Trên đời, trong một triệu phụ-nữ mới có một cô đúng thước tấc của sắc đẹp lý-tưởng. Người như nó, có thể tới già cũng chưa được dịp thưởng-thức mỹ-nhơn. Tụi mình tạp ăn lắm, thế mà sướng, mặc sức mà nhìn đến no con mắt. Biết nhiều quá, lắm khi khổ thân.
Thăng chỉ cười hề-hề không buồn lắm trước sự thật mà Thạnh vừa trình-bày ra.
Cần kêu người bạn trẻ tuổi, chỉ một cô xẩm thân mình suông-đuộc như chiếc gối nói:
- Tạo-hóa là một nhà điêu-khắc dở-ẹt phải không mậy? Mầy, mầy mà có lười đến đâu, mầy đẽo đá tạc tượng không đến đỗi tồi như thế nầy.
Thăng đáp pha trò:
- Chỉ vì tạo-hóa sản-xuất nhiều quá, làm ra hằng lô như thợ, chớ không sáng-tác ít như nghệ-sĩ chúng tôi. Nhưng lắm khi tạo-hóa cũng thành-công. Thí dụ như pho tượng kia.
Trên đầu một tảng đá nổi đằng xa, một người đờn-bà đứng dang hai chân ra, hai tay chống nạnh. Lối đứng ấy không cho họ thấy rõ thân hình cô ta khi họ nhìn theo tay Thăng, nhưng họ cũng đoán được đó là một tấm thân tuyệt-mỹ.
- À...
- À...
- À... ra thằng bé nầy có mắt tinh thật đó tụi bây ơi! Ta phải theo học nó mới được..
- Hè, bây giờ bọn hà-bá ta nhảy lên bờ để quan-sát chi-tiết nè!
Ba cậu nói rồi níu đá thót lên, chỉ trừ Thăng là vẫn bình-thản trước sắc đẹp mà cậu ta vừa khám-phá.
Thạnh nổi dóa, nhảy ùm trở xuống hồ, níu đầu cậu ta lên:
- Mầy bày chuyện, rồi bỏ rơi tụi tao hả? Phải đi theo để giảng bài thêm, cậu giáo-sư sắc đẹp ơi.
Thăng lại cười hề-hề, vừa leo lên theo bạn vừa nói:
- Không cần lắm. Nàng chỉ đẹp vừa vừa thôi.
Bốn thiếu-nữ rượt bắt nhau trên những tảng đá nổi và ngầm, họ chạy thoăn-thoắt mà không trợt chơn bao giờ, mặc dầu những tảng đá ngầm nhơn-nhớt một thứ rêu tràm-thủy. Họ đá nước cho ướt nhau khiến ba anh chàng mê sắc mà không sành sắc, đứng chết trân mà nhìn bốn cặp giò trắng như bột ấy.
Bọn thiếu-nữ chạy đi mất thì bọn con trai nầy lại bị lưng những phụ-nữ khác trồng y tại chỗ cũ.
Dân tắm biển lâu ngày, bị nắng ăn da, nên không hấp dẫn bằng dân tắm hàn, họ còn giữ được nguyên-vẹn nước da Sài-gòn của họ.
Tuy-nhiên, bọn nầy không thể quên được con người đứng chống nạnh đằng kia, vì lời giới-thiệu rất có uy-tín của nhà điêu-khắc trẻ tuổi mà họ bắt đầu tín-nhiệm trong địa-hạt thẩm-mỹ của thân-thể.
Nhảy đã rồi lội nước, rồi băng qua những cái thác nhỏ, thật là thiên-nan vạn-nan như đi trên đường vào Ba-Thục họ mới đến được sau lưng hòn vọng-phu. Phải, nếu không vọng-phu thì đứng đó làm gì cả buổi dài? Phải chăng là khoe thân-xác để mời khách ngắm? Đó là một thứ hàng không bày trong tủ kính của các cửa hiệu, mà bày ngay phòng triển-lãm lộ-thiên nầy.
Cà ba thằng lớn tuổi đều thất-vọng. Nước da của người phụ-nữ nầy ngăm-ngăm đen. Theo họ thì phải trắng-trẻo mới xứng danh kiều-diễm.
Thình-lình người ấy day lại và cả bốn đều ngã nằm xuống nước, làm như đang tắm. Người ấy ngó mông một lát nữa rồi bước xuống đi về đâu không biết.
- Thất-vọng quá. Cần nói, cô ta lại là đờn-bà chớ không phải con gái.
Thăng chỉ mỉm cười hiền-lành mà cả ba đều thấy được sự chê-cười không ác-hiểm của cậu ta.
- Ê, nó cười ta kia. Sao mậy, nàng thơ đó đẹp lắm hả?
- Các anh nghĩ sai. Chính nhờ cô ấy là đờn-bà nên cô ta mới được đẹp tới mức đó.
- Nữa, một quan-niệm lập-dị nữa!
- Không mà. Con gái, cho dẫu đã trổ-mã tột cùng, cũng không nở-nang trọn-vẹn được như đờn-bà, tôi muốn nói những người đờn-bà còn trẻ. Con gái quyến-rủ con trai vì mùi hương trinh-nữ của họ, nhưng họ không giữ được con trai lâu. Đờn-ông và con trai chỉ mê đờn-bà thôi, vì đờn-bà đẹp hơn thật-sự.
- Sao lời tục lại nói "mê gái"?
- Danh-từ "gái" đó có nghĩa là "gái ăn chơi", tức là cũng đờn-bà.
- Lạ quá!
- Không lạ đâu. Tôi chưa nghe nói ông nào mê con gái mà tan nhà nát cửa hết. Toàn là đờn-bà đưa nam-nhi vào khám không mà thôi.
Cả bốn nằm ngửa trên một tảng đá để phơi nắng. Trời xanh lơ và cao vòi-vọi khiến họ cảm-giác rằng sông sâu hơn bội phần. Bấy giờ họ mới lắng nghe tiếng động. Cái tiếng rì-rào của nước khua trên đá hàn mà họ đã nghe từ trên bờ, ở đây là tiếng chảy ào-ào không ngớt. Dân đi tắm hét vang chớ không nói, để tiếng họ khỏi bị tiếng nước át đi. Lạ lắm là ve ở hai bên bờ không biết chúng nó làm thế nào mà tranh hơn được với thác để mà vang rân ra tận đây.
Thình-lình Thạnh kêu lên:
- Chị Vân!
Rồi cả ba anh chàng lớn tuổi đồng ngồi dậy một lượt.
- Chị Vân!
- Chị Vân!
Thăng dậy sau hết, vì thấy mình nằm đó khó coi khi có phụ-nữ quen sắp đi tới nơi. Nhưng khi nhìn lại đám đờn-bà con gái vừa lướt tới thì cậu ta giựt nẩy mình.
Không ai chú ý tới cậu con trai hăm hai tuổi ấy cả. Nếu họ mà thấy được cái miệng há ra và đôi mắt đứng tròng của cậu ta chắc họ đoán cậu ta vừa bắt gặp một con thủy-quái.
Bọn kia gồm năm người: hai người đờn-bà trạc băm hai, một thiếu-nữ lối hai mươi, một thiếu-nữ khác độ mười bảy tuổi và một thằng bé lên mười.
Đám con trai chạy lại vây quanh đoàn phụ-nữ và hai bên rối-rít hỏi thăm nhau.
- Mấy thế-kỷ rồi mới gặp chị. Đi đâu mà biệt-dạng vậy chị?
- Chà, hai cô gái bây giờ lớn xác dữ, cô nào là bé Tuyết, cô nào là bé Nguyệt đâu?
- Còn mấy cậu bây giờ làm gì?
- Đã cậu nào cưới vợ chưa?
- Anh Thạnh hình như nổi danh thì phải?
Câu sau nầy là của cô gái hai mươi.
- Chắc em là bé Tuyết, có phải không? Thạnh hỏi.
- Thưa phải.
- Có vẻ tiểu-thơ lắm đó.
- Còn em, em không có vẻ tiểu-thơ à? Cô gái mười bảy hỏi.
- Em thì chưa. Nhưng mà em đã hăm-dọa dữ lắm rồi đó. Em sẽ là một tiểu-thơ danh-tiếng.
Cả bọn nhìn lại cô bé mười bảy và đồng buồn cười thầm. Cô bé cao lỏng-khỏng, phía trước và phía sau đều lép xẹp.
Cần muốn dòm thử mặt Thăng xem phản-ứng trên đó ra sao, nhưng nhìn quanh không thấy cậu ta, anh tri-hô cà-rởn:
- Thằng bé con chết trôi rồi tụi bây ơi!
Bọn đờn-bà con gái ngỡ thật, kêu rú lên:
- Trời ơi, hồi nào, con của anh nào đó? Mò kiếm mau lên.
- Con của tôi, Quang đáp rồi cả bọn cười rộ lên khiến phụ-nữ ngạc-nhiên hết sức.
Bọn nầy nhìn theo tay Thạnh, nghe anh ta nói: "Thằng dịch ấy còn ngồi kìa!" và thấy cậu con trai há-hốc mà nhìn họ trân-trối trong một dáng ngồi rất buồn cười.
Thạnh búng tay kêu cái bóc và ngoắc cậu ta một cái, cậu ta mới sực tỉnh và tuột xuống để chạy đến vầy đoàn với bạn.
Cần giới-thiệu:
- Xin trình-diện với các chị, các cô, đây là nhà chuyên-môn về khoa đùi-ngực.
Đoạn day lại Thăng, anh ta hỏi:
- Nội đây ai đẹp nhứt, đâu mầy nói thử xem?
Hai tai Thăng bỗng đỏ tía lên, trông đến phát sợ, trông như là máu trong người cậu ta bị ai dùng một thứ ống bôm mạnh mà bôm cấp-tốc từ dưới lên trên.
Có lẽ là để cho đỡ xấu-hổ, Thăng đùa lại. Cậu ta chỉ ngay Thu-Vân và nói:
- Cô nầy đẹp nhứt, không phải đẹp nhứt nội đây đâu, mà đẹp nhứt nước Việt-nam.
Ai cũng ôm bụng mà cười chỉ trừ ba người: Thăng, Thạnh và Thu-Vân.
Thăng bình-thản như không việc gì xảy ra, không hãnh-diện vì lời đùa được hoan-nghinh, cũng không xấu hổ thêm vì đã nói bậy.
Thạnh, anh con trai cao niên nhứt bọn bỗng giựt mình khi nghe nhận-xét của Thăng. Phải, Thu-Vân đẹp ghê hồn. Mặc dầu nhỏ hơn nàng đến sáu tuổi, có lần anh đã si Thu-Vân và suýt tỏ tình với nàng. Người con trai nầy, từ sớm đến giờ đã tỏ ra sáng-suốt về nhan-sắc phụ-nữ, một lần nữa đã thấy rất bén.
Thu-Vân, nàng không cười vì đang chua xót ngậm-ngùi. Không, nàng không thấy rằng cậu con trai kia mỉa-mai nàng với ác ý, nhưng dầu sao nàng cũng tự biết rằng nàng đã qua thời xuân rồi, và lời khen tặng - thật-tình hay cà-rỡn không rõ - của Thăng đã đột-ngọt nhắc-nhở nàng cái nhan-sắc kiều-diễm của nàng mà nàng tin rằng không còn nữa.
Đứng im lặng giây lâu, nàng bước tới đưa tay cho Thăng bắt:
- Cám ơn cậu!
Đây là lời cảm-tạ chơn-thành, vì lời khen kia, giả-dối hay thành-thật gì cũng vuốt-ve tự ái của nàng cả.
Thu-Vân nước da hơi đen, mặt nàng đã không còn trẻ nữa lại không được đẹp cho lắm vì cái miệng hơi rộng và đôi con mắt hơi to một tí. Nhưng đó là một giai-phẩm tuyệt-sắc của nhà điêu-khắc bí mật nào với những đường cong huyền-ảo. Da thịt con người ở đây đã hát lên khúc hát tận-mỹ. Những người mẫu của các tay điêu-khắc La-mã, Hy-lạp ngày xưa cũng chỉ lý-tưởng về thân-thể đến thế là cùng.
Thu-Vân đứng cao hơn Thăng độ năm phân tây, mặc dầu Thăng không phải là một anh con trai nhỏ thó. Khi nàng đi giày cao gót thì không rõ nàng sẽ cao tới đâu. Cao là một yếu-tố của sắc đẹp nơi một phụ-nữ. Tuy nó không là yếu-tố quan-trọng, nhưng Thu-Vân vẫn không thìếu điều kiện cỏn-con đó.
Cầm tay người đờn-bà cao hơn mình, lại cao-niên hơn mình và rất dạn-dĩ nhờ lịch-lãm, anh con trai mới lớn lên là Thăng không bị tự-ti mặc-cảm.
Đó là một anh con trai tự-tin nhờ vững căn-bản; tuy còn hơi nhát gái vì thìếu kinh-nghiệm nhưng đã bảnh lắm rồi vì rất ý-thức về khả-năng biết yêu của anh ta.
- Tôi là Thăng, và rất hân-hạnh được người đẹp biết đến.
Ba người bạn trai của Thăng đều khó chịu. Đành rằng Thu-Vân chưa già lắm và cũng đẹp, nhưng một cậu trai hăm hai lại đi nịnh một người đờn-bà cao hơn cậu đến mười tuổi thì nghe kỳ quá. Người ta sẽ ngỡ cậu trai quá thiếu-thốn hoặc quá nhà quê, mới thấy gái - mà là gái mẹ - lần đầu là cảm ngay. Có một người bạn nhà quê như vậy họ bị xấu-hổ lây.
Người đờn-bà cùng lứa với Thu-Vân thì tỏ ra rất lấy làm thích-thú trước xúc-động của Thăng. Cô ta cười toe-toét như một bà chị thấy đứa em dại vụng về một cách ngộ-nghĩnh.
Thăng rất đẹp trai, lại trẻ măng nên hai cô gái trẻ nhìn anh rất dài và rất ngạc-nhiên. Nhưng rồi họ đoán là anh ta chỉ làm bộ thôi, nên họ không lạ-lùng nữa mà lại có chiều e thẹn. Con trai - mà cả con gái cũng vậy - hay đánh lạc-hướng kẻ quan-sát. Họ si tình vì một người mà lại cố-ý tỏ ra là mê người khác. Anh Thăng nầy chắc cũng học một sách một vở đó chớ chẳng khác gì.
Thạnh đánh trống lấp để xí-xóa thái-độ kỳ-cục của người bạn trẻ:
- Bóng ai cũng đã ngắn quá rồi thì bụng ai chắc cũng đã trống quá rồi. Ta lên bờ ăn cái gì.
Tuyết phản đối:
- Nếu ăn thì không tắm được nữa.
- Sao lại không? Thạnh hỏi.
- Ai lại ăn no rồi tắm, trái vệ-sinh lắm.
- À, anh quên, chắc em còn đang đi học nên nhớ rõ bài học nhà trường. Em học ở đâu?
- Dạ, Marie Curie.
- Còn Nguyệt?
- Dạ, Gia-Long.
- Còn em nhỏ trai nầy? Em út à?
- Không, con của em đó, Thu-Vân đính-chánh.
Ba người bạn trai lớn tuổi ngạc-nhiên hết sức. Họ không dè Thu-Vân có con.
Thăng chậm-chạp nên phụ-họa với hai cô gái hơi trễ:
- Phải, ta không định ở tới chiều, thì phải tắm thêm cho đã thèm.
Thật ra, cậu ta chỉ muốn xem Thu-Vân chạy nhảy để coi thử nàng có đẹp hay không khi không còn đứng yên một chỗ nữa.
Ai cũng ham nước, kể cả người đề-nghị đi ăn - vả tắm cũng xí-xóa được mọi việc như ăn nên không bảo nhau, họ chạy trở ra giữa sông.
Nước da đen của Thu-Vân lấp-lánh dưới ánh nắng trưa, trông như pho tượng đồng. Da trắng thì mịn, mơn-trớn cái nhìn, nhưng trông ẻo-lả. Da đen thô-bạo nói lên được sinh-lực của con người, yếu-tố cần-thiét để giữ sắc đẹp lâu bền, nhứt là nói lên được tất cả nhục-cảm của con người. Nhục-cảm hoàn-toàn không dính-líu tới sắc đẹp, nhưng lại là một yếu-tố quyến-rủ. Nước da đen lại cho ta cảm-giác - đúng hoặc sai - rằng các bắp thịt rắn chắc, và nó làm nổi rõ hơn nước da trắng, những đường cong của thân-thể.
Thăng ngạc-nhiên mà thấy ba chị em ruột nầy trong ba nước da khác nhau: Tuyết trắng nõn-nà, còn Nguyệt thì da bánh ếch. Tuyết và Nguyệt không cao lớn như Thu-Vân, và chắc không thể đẹp bằng chị của các cô. Tuyết dáng chừng đã hai mươi rồi, tức là đã đến tuổi trổ-mã toàn vẹn, thế mà thân-thể cô không có gì xuất-sắc.
Nguyệt còn đi tới nữa thật đó. Nhưng thân-thể của cô em nầy khởi-hành trong những bước rất là không hứa-hẹn.
Thu-Vân dẫn đầu, chạy riết qua tới hai phần sông mới dừng chơn vì không còn tiến tới được nữa.
Quãng nầy không có đá hàn trên một chiều dài gần năm trăm thước. Sông hóa ra một cái suối rộng mênh-mông, và nước, gặp nơi không chướng-ngại đổ xô về đây mà chảy mạnh một cách kinh-khủng. Thỉnh-thoảng nước xoáy như khu-ốc, tố-giác đá hàn chìm một nơi ở dưới sâu kia, và ai rơi vào con suối nầy chắc bị nhận chìm ngay hoặc bị xô mau như tốc-độ xe hơi để rồi đập đầu vào đá nổi ở phía dưới kia.
Thạnh chỉ lên bờ mà rằng:
- Bên kia là làng Việt-nam cuối cùng. Các bạn có thấy cây bằng-lăng da cá bông đó không? Thuở còn Tây, tôi kháng chiến và ở trong đó. Làng chỉ đông lối năm mươi nóc gia thôi, và xóm ở nơi khác; đây là hoang-địa. Có lần tôi thấy Tây nó tắm ở đây. Tôi vác đất cục mà chọi chúng nó rồi núp sau thân cây bằng-lăng kia. Không làm gì tôi được, chúng tức mình, chưởi rủa cả giờ như con mẹ mất gà.
- Ưng ai bây giờ có một người chọi mình, Nguyệt ước.
Tức thì có một vòi nước bắn vòng cầu lên ngay mặt cô bạn đồng lứa của Thu-Vân, rồi thì trận giặc nước bắt đầu diễn ra sôi nổi.
Vòi nước đầu là của Quang, anh ta bươi trí từ nãy giờ và sực nhớ lại rằng cô ấy ngày trước là một me Tây nên mới dạn đùa như thế.
Nếu bên nữ không có Thu-Vân mà hai chơn mạnh-mẽ với những bắp thịt rắn chắc đá nước lẹ không kịp tránh, thì họ đã thua bên nam xiểng-liểng.
Khi ai nấy đã mệt nhoài, Thu-Vân lùi lại ngồi trên bực chót của một thứ tam-cấp thiên-nhiên. Ở đây quả có thác, mà là một cái thác thu hình, nhỏ tí-hon, không cao quá sáu tấc tây.
Thu-Vân đưa lưng vào thác và nước đổ xuống, bắn vào lưng nàng. Thăng nhìn nghiêng Thu-Vân và thấy lưng nàng thuộc vào loại lưng lõm. Trong ba thứ lưng, lưng lồi, tức lưng tôm, lưng ngay và lưng lõm thì thứ sau cùng là thứ khéo nhứt mà ít người đờn-bà nào có được. Người có lưng lõm thì ngực lép đến đâu, cũng hóa ra lồi. Thăng nhớ ra lúc trông thẳng thì vai Thu-Vân không ngang, cũng chẳng xụi-lơ, thật là một thân thể toàn-mỹ.
Bất-giác, anh nhớ đến những bức tranh nữ-thần-nước mà họa-sĩ Âu-châu hay vẽ. Những nữ-thần mà các nghệ-sĩ ấy tưởng-tượng ra đầu thon như cá, mạnh như cá ở dưới đáy nước và như cá, họ có khả-năng lượn, một yếu-điểm khác làm lộ rõ nhục-cảm của họ.
Bây giờ thằng bé con nhảy lên bực thứ nhì của thác tam-cấp rồi thót lên lưng mẹ nó mà đeo.
Cả bọn im-lặng nhìn cảnh-tượng nầy, cảnh mẹ con thường hay làm tăng thêm sự trẻ trung của người mẹ.
Họ lắng nghe sự rung-rinh rất nhẹ của đá hàn dưới chơn họ, đá hàn khắp sông đều rung-rinh như thể từ đời nầy qua đời khác mà không bao giờ bị long-vỡ hay bị nước cuốn đi cả và liên-tưởng đến sự trẻ-trung bất-tận của người đờn-bà nầy mà năm tháng lướt qua chỉ lung-lay sơ-sịa nó thôi chớ không đánh dấu lên nó được.
- Thôi, bây giờ đi ăn bà con ơi!
Cần đã nghe đói lắm rồi và thấy thiên-hạ lũ-lượt lên bờ nên anh ta sốt ruột giục.
Giờ thì ai cũng hưởng-ứng lời mời-mọc ấy cả.
Thăng lùi ra sau để xem tướng đi của Thu-Vân và vì thế anh đi song-song với Tuyết, người chậm-chạp nhứt bọn.
Chàng hỏi:
- Cô Tuyết có biết lội hay không? Nãy giờ tôi không thấy cô lội lần nào cả.
- Cái hồ tắm ở đường Nguyễn-Bỉnh-Khiêm trước kia là hồ riêng của trường Marie Curie. Em là dân Marie Curie mà. Nhưng em lội kém chị Vân nhiều lắm.
- Cố-nhiên.
- Sao lại cố-nhiên?
Thăng cũng chẳng biết vì sao mà chàng nghĩ như vậy nên không đáp.
- Cô học lớp thứ mấy?
- Lớp nhì.
- Giỏi dữ vậy?
- Không giỏi đâu anh. Em hai mươi rồi. Có nhiều chị cùng tuổi với em mà đã lớp nhứt rồi đó.
Họ đã tới những phiến đá khô dựa bờ, cái kho chứa y-phục của khách tắm.
Bọn phụ-nữ, người nào cũng có áo choàng rộng may bằng vải khăn lông, nên họ thay y-phục trước mắt trăm người mà không thấy sổ-sàng lắm.
° ° °
Cô cựu me Tây lắc đầu nói:
- Ba bông! 1 Bụng lạnh vì ngâm nước từ sớm đến giờ ăn tôm luộc vào thì nguy. Ngỡ các anh có mang đồ ăn theo chớ.
- Hay các cậu chia với chị em tôi, Thu-Vân mời.
Người mời bỗng hóa ra thực-khách sau hai câu ngắn trên đây.
Họ rời quán, theo Thu-Vân đi vào công-trường. Tới trước một chiếc Volkswagen đen còn mới tinh-khôi, Thu-Vân vừa mở cửa xe thì năm sáu thằng bé giữ xe bu lại. Nàng nói:
- Chưa về đâu các em.
- Chị phát-tài dữ; sắm xe hồi nào vậy? Cần hỏi.
- Không, xe của ổng.
Cả bốn người bạn trai, không ai biết "ổng" là ông nào, nhưng không dám hỏi.
Thu-Vân tên thật là Lê-thị-Vân. Phụ-nữ ta thừa dịp loạn-ly, sổ hộ-tịch bị tiêu-hủy để đổi tên, đổi họ, và đổi cả tuổi-tác. Có những con sen tên cúng cơm là Nguyễn-thị-Hén mà bây giờ giấy căn-cước lại là Trần-thị Ái-Hoa, có những nữ-sinh già mà lập khai-sinh mười bảy tuổi.
Thu-Vân không ăn gian về hộ-tịch của nàng, mà chỉ lấy biệt-hiệu thôi. Ấy, trong thời hậu-chiến, phụ-nữ ta lại bày ra mốt lấy biệt-hiệu. Không là nữ-sĩ, nhạc-sĩ gì cả, họ cũng nhờ bạn trai đặt cho biệt-hiệu. Biệt-hiệu lại sáo và giống nhau. Sài-gòn có đến mấy trăm người cùng biệt-hiệu với Thu-Vân.
Trước kia Thu-Vân làm thư-ký đánh máy cho một hãng buôn và sống một cuộc đời không được đứng-đắn lắm. Nàng không lẳng, không lãng-mạn, nhưng rất cần tiền để nuôi em. Cha mẹ đã qua đời, nàng có một người anh cả là Phong để nương-tựa thì bỗng người anh nầy mất-tích.
Bọn con trai, trừ Thăng, chỉ biết về Thu-Vân bấy nhiêu đó. Bẵng đi bốn năm không gặp nhau nữa, họ không rõ được những biến-cố trong đời Thu-Vân.
Thạnh bước lại dòm qua cửa xe thì đọc được trên tấm lắc hai hàng chữ:
Nguyễn-Văn-Nhì
Thương-gia
"Ổng" là Nguyễn-văn-Nhì nào đó. Nhưng "ổng" là gì của Thu-Vân?
Thu-Vân lấy bánh hỏi thịt quay, rau sống và một ve nước mắm tương ớt ra trao lần từng món cho các cậu con trai, vừa trao vừa nói:
- Ta vào rừng ăn. Ở đây mỗi lần xe tới hay xe đi là bụi ụp vào đến lấp mất thịt quay không còn biết đâu mà sắp nữa.
Họ đi ra lộ rồi chun tuốt vào khu rừng dày ở bên kia lộ.
Quang đi tiên-phuông để vạch lá, vẹt cành và tới một khoảng đất trống phủ rêu cỏ xanh lờ, cạnh một khe nước nhỏ bằng hai ngón tay, họ dừng chơn hạ trại.
- Đói bụng quá má ơi! Mau cho thằng Trường ăn đi má.
- Đừng có hỗn mà phải đòn bây giờ.
Thu-Vân rầy con rồi cười nói:
- Bánh mì thì tiện hơn bánh hỏi, nhưng không ngon bằng.
- Khổ một cái là ăn xong, lại phải xuống nước rửa miệng cho hết mùi nước mắm. Đi xuống đi lên hai bận là đói lại ngay.
Cô me Tây lo-lắng:
- Các anh ăn vừa vừa nghe không. Có mua nhiều phòng hờ, nhưng số khách bất ngờ tới bốn người thì phải liệu cơm mà gắp mắm đa nghe.
Thăng Trường đó dữ nên ăn ngốn-ngấu đến Thu-Vân phải mắng nó lần nữa.
- Con ăn uống như vậy là vô lễ lắm. Quên hết phép nhà rồi hả?
Cả ba người con trai lớn tuổi đều cảm-động trước lời quở-trách đó. Tưởng Vân đã hỏng, và chắc còn hỏng nên người bạn cũ me Tây nầy vẫn còn tới lui với nàng. Nhưng nàng cũng có "phép nhà" như ai, thế nghĩa là nàng quyết hỏng một mình thôi. Hai cô em gái kia, một cô học Marie Curie, một cô Gia-Long xem ra đoan-trang lắm như con nhà gia-giáo.
Thăng thì có ý nghĩ khác trước cảnh mẹ con nầy. Té ra Thu-Vân đã có con, và chắc chỉ một con thôi, vì lúc tắm chàng đã nhìn kỹ và thấy rằng nây của nàng thon như nây con gái. Một con đủ cho một người đờn-bà rỗng bụng và méo-mó, nhưng Thu-Vân nhờ sức khỏe dồi-dào và chắc cũng nhờ thể-thao nên không biến dạng.
Một con, người đờn-bà nở trọn vẹn hơn con gái. Nhưng nếu không sinh đẻ lần nào, họ vẫn chưa nở tới mức độ tột cùng. Đời sống sinh-lý của người đờn-bà cần ít lắm là một lần sinh đẻ mới đầy-đủ, mới giúp thân-thể leo lên tới tột-đỉnh của nó.
Chàng ngồi gần Tuyết, nên trò chuyện với Tuyết là tự-nhiên. Nhưng nếu không gần cô nữ-sinh ấy, chàng cũng tìm cách gần vì chỉ như vậy mới có lý-do mong gần Thu-Vân về sau nầy.
Chàng không tự hỏi Thu-Vân đang có chồng hay không, và không thèm tìm biết điều đó. Chàng chỉ là một nghệ-sĩ bị cái đẹp quyến-rủ, chỉ có thế thôi. Cái đẹp ấy có thể là mọt gốc cây, một phiến đá hay một người đờn-bà. Tình-cảm của chàng đối với tất cả các thứ ấy giống như nhau, không hơn không kém. Quả chàng mong được gần-gũi Thu-Vân về sau nầy, nhưng chẳng qua như là muốn trở lại cội cây trên rừng để ngắm vẻ đẹp của rêu phủ lên đó thôi.
- Năm tới lên lớp nhứt, cô thi tú-tài I chớ? Thăng hỏi Tuyết.
- Dạ.
- Còn cô Nguyệt?
- Nguyệt nó mới đệ-ngũ thôi. Trước nó theo lớp năm chương-trình Pháp ở một tư-thục kia, rồi thi vào đệ-thất Gia-Long nên mất hết hai năm. Còn anh? Đại-học à?
- Không, tôi học điêu-khắc bên La-mã mấy năm nay, mới về nước tháng rồi.
- Vậy là đại-học rồi, còn gì nữa. Mà là đã ra khỏi đại-học kia, oai quá.
- Không, ở các nước khác, không phải cứ hễ trường nào mà buộc sinh-viên phải có tú-tài thì gọi là đại-học đâu. Đại-học có một nghĩa riêng biệt lắm.
- Em không biết nghĩa ấy.
- Rồi cô sẽ biết khi cô đỗ tú-tài toàn phần. Về Sài-gòn, tôi có thể đến thăm cô và quý cô kia được chớ?
Tuyết cười dòn:
- Anh nầy hỏi lạ. Sao lại không được? Bên La-mã cấm thăm bạn gái à?
- Trái lại. Nhưng ở đây là Việt-Nam. Tôi không biết phụ-nữ ta có tiếp bạn trai hay không.
- Việt-Nam cũng y hệt như bên La-mã.
- Nhà cô ở đâu?
- Con đường nào cũng đưa về La-mã hết, và cũng đưa về nhà em hết...
- Tôi chưa hiểu.
- Em ở ngả Bảy; có đến bảy con đường đưa về đó; đường Lý Thái-Tổ số 997/138B.
- Cô nhắc tới câu tục ngữ "Con đường nào cũng về La-mã hết", làm tôi nhớ lại phận tôi, La-mã của tôi thì tuyệt đường lui tới.
- La-mã của anh?
- Ừ, quê tôi ở La-mã, một vùng trong tỉnh Bến-tre, tôi không về đó được vì không tiền.
- Hà há, xứ ta cũng có La-mã à? Nhưng chắc là anh nói quá, làm gì đến đỗi không tiền xe về xứ.
- Tôi thất-nghiệp thật-sự cô à. Ở xứ ta, chưa có nhà giàu, hay nói đúng ra chưa có ai đủ giàu để dám chơi tượng, thành ra...
- Bây giờ cậu Thư làm gì?
Câu hỏi nầy là của Thu-Vân. Nãy giờ đôi bạn trẻ mải-mê chuyện với nhau mà không nghe kẻ khác nói, giờ họ mới gia-nhập thật-sự vào đoàn.
- Nó nghèo quá, đã sang Lào, Thạnh đáp.
- Sao mà người bạn nào, các anh cũng bảo là nghèo quá vậy?
- Thì bọn văn-nghệ-sĩ chúng tôi, ai cũng nghèo cả; trừ ngành cải-lương.
- Sao lạ vậy?
- Vì quần-chúng cải-lương bằng lòng nuôi cải-lương, còn quần chúng văn, nhạc, họa v.v... thì không nuôi các ngành mà họ thích.
- Tôi chưa hiểu.
- Một vé cải-lương, 88 đồng, quần-chúng cải-lương vui lòng bỏ tiền ra mua; nhưng một bản nhạc 4 đồng, quần-chúng nhạc thích mượn chép hơn là mua.
Thu-Vân nhìn lại thực-khách trẻ tuổi nhứt bọn là Thăng thì thấy chàng xứng đôi với Tuyết quá. Tuyết còn đang học, lại chỉ mới có hai mươi thôi. Đời bây giờ con gái hai mươi thì kể như là chưa cần-kíp lấy chồng lắm. Tuy nhiên nàng thường hay nghĩ đến khoản đó cho em nàng.
Ừ, hai mươi thì chưa quýnh lấy chồng. Nhưng nếu lấy chồng được vào tuổi đó thì cũng quí hóa lắm! Riêng phận nàng, cũng chỉ vì không lấy chồng vào tuổi đó mà về sau nầy lấy chồng không được nữa. Phương chi Tuyết nó sẽ thành trí-thức vài năm nữa đây, khi nó leo lên đại-học, thì càng khó lấy chồng biết bao.
Nên chi nàng thường để tâm đến việc chồng con của đứa em nầy. Mỗi lần thấy một người quen, một người bạn trai nào của gia-đình thì nàng ngắm-nghía thử xem người ấy có thể làm chồng của Tuyết được hay không.
Mãi cho đến ngày nay, nàng chưa tìm ra ai đẹp trai cả. Tài, đức, địa-vị thì họ có, nhưng họ xấu đứa quá, khó lòng mà Tuyết nó yêu được.
Nàng hỏi đùa:
- Nãy giờ tôi nghe đến hai ba lần danh-từ La-mã, hai cô cậu nói gì với nhau mà nghe có vẻ sử-địa lắm vậy? Cùng niên-học à?
Tuyết cười dòn:
- Anh ấy đáng thầy của em đó a chị ba. Ảnh vừa ở đại-học La-mã ra.
- Vậy à. Giỏi lắm. Cậu là bên giáo?
- Thưa không.
- Sao đi học ở La-mã?
- Ban đầu tôi học ở Ba-lê, nhưng rồi sau, trường đưa tôi sang La-mã.
- Cậu đỗ bằng gì?
- Tôi tốt-nghiệp về điêu-khắc.
- Cũng lại nghệ-sĩ nữa?
- Vâng, và khổ lắm, sẽ khổ lắm.
Thu-Vân, tuy không dám nói ra, cũng chia-sẻ ý-kiến của Thăng. Trong vòng quen biết của nàng, có hằng tá văn-nghệ-sĩ mà anh nào cũng nghèo xơ-xác cả. Mặc dầu thế, ý-nghĩ thoáng qua trong trí nàng về cuộc hôn-nhơn có thể có giữa Thăng và em gái nàng không bị xóa phai vì viễn-ảnh khốn-khổ của một gia-đình văn-nghệ-sĩ. Nàng nói to ra lý-do thầm-kín nó cắt-nghĩa sự nguyên-vẹn của mong ước của nàng.
- Nhưng con người văn-nghệ thật dễ mến và tấm lòng họ hấp-dẫn quá. Họ phủ hòa quang chính vì những nỗi khổ tinh-thần và vật-chất của họ.
- Chị an-ủi bọn tôi rất khéo. Cám ơn chị đó.
- Thế là ta không còn thiếu nợ nhau nữa chớ?
- Nợ gì, thưa chị?
- Hồi nãy cậu đã khen tôi đẹp, để an-ủi cảnh xế bóng của tôi.
- Không, khi nãy tôi thành thật.
- Thì bây giờ tôi cũng thành thật đấy.
- Ê, Thạnh phản-đối, cô thơ-ký và anh chàng đẽo đá đừng có cướp nghề của tôi chớ!
- Ai cướp nghề anh hồi nào?
- Cô cậu nói chuyện với nhau, sao mà nghe mê như tôi làm thơ vậy.
-.... (thiếu 1 dòng)... hôm nào cậu rảnh, xin cậu đến nhà tôi chơi nha.
- Em mới vừa cho ảnh địa chỉ. À, có biên chưa, kẻo quên.
- Khỏi biên. Ngõ hẻm cạnh một trà-thất đã bị đóng cửa. Nhà nào mà trong sân con có trồng cây mai là nhà của chị em tôi.
- Tôi thì rảnh nhiều quá, suốt ngày không biết làm gì. Vâng, tôi sẽ đến, chỉ sợ chị và các cô đây phải bực mình vì sự siêng tới lui của tôi.
- Nghệ-sĩ lại học đòi khách-sáo lần nữa! Có khát nước, thèm bánh thì tới, không ai tiếc đâu.
° ° °
Mặc dầu là nghệ-sĩ Thăng vẫn nhớ đến phép lịch-sự. Chàng đến thăm mấy chị em Thu-Vân lần đầu, bảy ngày sau cuộc gặp-gỡ trên hàn Ông Sâm, và vào lúc ba giờ rưỡi xế là lúc mà người ta có thể rảnh-rang hơn hết trong ngày.
Thu-Vân đang tiếp khách, một người khách đờn-ông độ năm mươi tuổi. Cô chủ nhà reo lên khi thấy khách ngần-ngại toan quay gót:
- A, cậu Thăng, cứ vào đây chớ. Anh em cả mà.
Chàng bắt chợt trong chớp nhoáng Thu-Vân nói nhỏ riêng cái gì với ông khách rồi hai người cười với nhau.
- Anh Hải, chồng tôi. Cậu Thăng, bạn của Tuyết và Nguyệt.
Thì ra đó là "Ông", chủ của chiếc Volkswagen. À phải, chiếc xe ấy đậu ngoài ngõ mà chàng đã quên chú-ý.
Thăng ngạc-nhiên vì ông già thì ít, mà rất ngạc-nhiên vì sao ông lại có vẻ là một người khách. Cái vẻ ấy, được ổng xác-nhận ngay, vì ổng đứng lên nói:
- Thôi anh đi về.
Rồi đưa tay ra để giã-từ chàng.
Sao lại "đi về"? Đây không phải là nhà của họ à? Vợ chồng mà ở riêng nhau à?
Bỗng Thăng thừ người ra vì chàng vừa nghĩ đến một điều rất có thể là sự-thật: Thu-Vân làm bé ông thương-gia nầy.
Thu-Vân xin phép Thăng:
- Cậu cứ ngồi chơi, Tuyết nó đang tắm, còn Nguyệt thì đi học thêm lớp hè. Tôi đưa anh Hải rồi trở vào ngay.
Bấy giờ ở trong có tiếng đàn Hạ-uy-cầm điệu valse nghe rất ngây ngô. Có lẽ là thằng bé.
Ngõ nầy là ngõ tuyệt-đạo, nhưng nhà cửa cũng khá xinh. Nhà gỗ thôi, nhưng có gác và vật-liệu là thứ gỗ và ván tốt. Riêng nhà nầy, vách bên trong và trần đều được che bằng giấy cứng isorel sơn dầu màu.
Đồ-đạc trong nhà sang-trọng như bàn ghế của một biệt-thự, lại hợp thẩm-mỹ. Có cả tủ lạnh bên buồng trong nữa.
Thăng hơi sốt ruột vì Thu-Vân mãi chưa trở vào. Nàng mặc bi-da-ma khoét cổ rộng mà dám đứng lâu như thế ngoài đầu ngõ à?
Để đỡ buồn, chàng xem tranh treo trên vách. Một bức chơn-dung của Thu-Vân, được phóng-đại và tô màu, ngự-trị giữa ba tranh lập-thể nhỏ hơn. Đó là Thu-Vân thời xuân thắm, gương mặt tươi như hoa sáng. Chàng không được biết Thu-Vân đó, nhưng không hối-tiếc gì cả. Chưa chắc Thu-Vân đó đã đẹp bằng Thu-Vân nầy về thân-thể và cả về gương mặt nữa. Buổi sáng đẹp thật, nhưng buổi chiều lại đẹp với một nét ngậm-ngùi sâu-sắc hơn.
Thăng nhớ lại những lần có mặt của chàng trong những buổi bạn chàng gặp-gỡ những gái dễ-dãi. Lũ ấy thường nói: "Trời ơi, sao thuở em còn thanh-xuân, anh lại không quen biết em!" Đó là những lời than cà-rỡn nối giọng, nhưng chơn-thật tự đáy lòng nó tố-giác sự hối-tiếc thật-sự của lũ ấy, cái lũ chỉ biết thưởng-thức một gương mặt trẻ mà thôi, ngoài ra không tế-nhận được nét đẹp nào khác nữa.
Thăng lần-lần nghĩ đến một cuộc quen biết nhau thuở Thu-Vân hai mươi tuổi. Thuở ấy, chàng chỉ mới lên mười. Nhưng cứ cho là hai người đồng lứa đi. Thu-Vân chắc-chắn được cả một lữ-đoàn trai trẻ săn đón. Cuộc chiến-đấu cam-go và say-sưa hết sức. Nếu chàng yêu Thu-Vân, và chiếm được nàng sau khi đánh ngã hằng trăm tình-địch, Thu-Vân vẫn không hoàn-toàn là của chàng. Chàng chỉ hơn họ kẽ tóc đường tơ thôi, và Thu-Vân cứ mến tiếc những con người chiến-bại vì rủi may của trận-địa.
Giờ đây, nếu chàng yêu Thu-Vân, và nếu chàng được Thu-Vân thì Thu-Vân sẽ là của chàng. Ong bướm lánh xa nhị rữa và đóa hoa tàn đã đủ thì-giờ, đủ kinh-nghiệm phân-biệt con bướm nào du-phiếm với con bướm nào biết yêu.
Cuộc chinh-phục e hết cam-go chăng? Không, một người đờn-bà kinh-nghiệm. tự-vệ kiên-cố hơn bất-kỳ cô gái nào hết. Xác-thịt họ đã bình-thản sau bao cơn bão-hạn của tuổi dậy-thì, lòng họ đã bớt mơ-mộng và trí họ đã ý-thức rõ-rệt về lòng người. Trong con người Thăng có một nghệ-sĩ tế-nhận cái đẹp và một kẻ ích-kỷ muốn độc-quyền vì cái đẹp ấy, ích-kỷ như một số đờn-ông kia lấy những cô gái giang-hồ xế bóng làm vợ, để được nuông-chiều và được trung-thành.
Yêu Thu-Vân? Thăng bật cười. Không, chàng không yêu người chị cao-niên nầy đâu. Con người nghệ-sĩ thì đa-tình, nhưng không phải hễ cứ thấy phụ-nữ đẹp là yêu ngay đâu. Đã nói là chàng thích, có thể mê nữa, thích người đờn-bà nầy như là thích cái gốc cây rêu phủ trên rừng, ưa xem nàng bằng con mắt nhà mỹ-thuật, chỉ có thế thôi.
- Hù!
Thăng ngồi đưa lưng ra sân, Thu-Vân đi dép Nhựt-bổn và bước rất nhẹ. Nàng trở vào nhà và tin rằng cậu con trai không nghe tiếng đi của nàng nên mới hù một tiếng to, thử xem bóng vía của cậu ta nặng hay nhẹ.
Thăng ngồi trơ ra đó như khúc củi, cũng chẳng giựt mình mà cũng chẳng thèm day lại sau tiếng hù. Thu-Vân nhờ thông-minh và sống nhiều nên tế-nhận được rằng nhà nghệ-sĩ ấy không thai nghén một chút tình nào cả đối với nàng. Nếu hắn muốn yêu nàng, tất hắn phải nịnh. Mà đây là một dịp nịnh rất tốt: tham-gia vào trò chơi, giả-đò hết cả hồn vía, cho vui. Thế là rõ, hắn khen nàng đẹp, và rất có thể chơn-thật, nhưng không vì thế mà hắn yêu nàng.
Không, Thu-Vân không có hy-vọng hảo-huyền nào cả. Nàng chỉ nghĩ vẩn-vơ khi thấy một người con trai hiền-lành ca-tụng sắc đẹp của nàng khiến nàng ngỡ là hắn yêu bậy vì thiếu kinh-nghiệm. Nên chi biết rõ tâm-trạng của Thăng, nàng không thất-vọng chút nào, lại còn mừng thầm vì hy-vọng cho em nàng.
Thu-Vân bước vào ngồi đối diện với khách rồi nói:
- Cậu không có căn-bản văn-nghệ-sĩ chút nào.
- Vậy à? Nhưng chị căn-cứ vào đâu để...
- Tôi nghe người ta nói văn-nghệ-sĩ nào bộ thần-kinh cũng rất nhạy. Có thế họ mới dễ xúc-động và mới thành văn-nghệ-sĩ được. Cậu, cậu không hết hồn khi tôi hù, tức là thần-kinh cậu vững lắm. Vậy thì làm sao mà cậu xúc-động được để mà...
- Họ nói cũng đúng phần nào. Nhưng cũng còn tùy.
- Hôm nay sao cậu không được vui?
Thăng không buồn, nhưng tại vẻ mặt của chàng như thế, với lại vì chàng đương nghĩ vẩn-vơ. Nhưng chàng cứ nhận, và cắt-nghĩa:
- Là tại chị giới thiệu với "ổng" rằng tôi là bạn của Tuyết và Nguyệt. Tôi quen với chị y như đã quen với hai cô kia. Tại sao tôi không là bạn của chị?
Thu-Vân cười dòn rất lâu rồi nói:
- Hay, cậu nói đúng, tôi có lỗi. Cậu cũng là bạn của tôi nữa. Lần sau, tôi sẽ nói cậu là bạn của gia-đình tôi.
- Tôi cũng chưa thỏa-mãn. Nếu chị chịu nhận tôi là bạn của chị, tôi thích hơn.
Lần nầy cái cười của Thu-Vân có pha lo-lắng:
- Cậu nầy kỳ-cục. Được, tôi sẽ nhận như vậy. Chà, mà ổng sẽ bỏ dấu hỏi nhiều lắm.
- Sao lạ vậy chị?
- Chúng tôi đã giao-kết với nhau là tôi không có bạn trai nữa.
- Nhưng sao chị dám nhận?
- Xé rào một lần, vì cậu, rồi ra sao thì ra.
Đòi hỏi điều đó, Thăng quả là ương-ngạnh, và nhiều tự-ái. Được thỏa-mãn, chàng nghe chàng thắng một trận đầu, trận đánh chỉ nhỏ thôi, nhưng mà cũng là thắng đó.
Và bỗng chàng nghe kỳ-lạ hết sức trong lòng. Không, chàng không còn dửng-dưng tình-cảm đối với Thu-Vân được nữa. Thu-Vân không còn là một gốc cây rêu phủ trên rừng, mà là một cái gì có hồn, và hồn ấy bắt đầu dính-líu với hồn chàng.
Vừa lúc ấy thì Bạch-Tuyết ra ngoài.
- Dữ hôn, nửa thế-kỷ rồi! nàng nói, giọng nửa đùa, nửa trách-móc, mà trách-móc thì chỉ chơi chơi thôi, như là trách vì lịch-sự.
- Kỷ của cô là kỷ cảnh tiên của Từ-Thức sao mà...
- Anh tìm nhà có khó lắm không?
- Rất là dễ, tìm cô mới là khó. Tôi hút xong ba điếu thuốc, mới thấy được mặt cô.
- Để chuộc tôi, em xin anh mời em đi coi chiếu bóng.
- Tôi đến đây chỉ có mỗi một mục đích ấy thôi, sau khi thăm viếng quí cô. Tối nay mời quí cô đi ăn cơm, ăn cơm xong ta xem chiếu bóng.
- Sao anh nói không đủ tiền để về La-mã?
- Mới vay được vài trăm.
- Không về xứ à?
- Chưa cần về lắm. Quí cô nhận lời chớ?
Thu-Vân đáp trước:
- Nhà nầy luôn luôn phải có một người hy-sinh ở nhà, vì bé Trường. Không được phép đem nó theo trong các buổi chiếu đêm, mà để nó ở nhà một mình cũng ngại.
- À, tôi quên điều đó nữa. Thôi thì phải tù-tì, ai thua, phải coi nhà.
- Tôi hy-sinh thì phải hơn, Thu-Vân giải-quyết.
Nàng nói rất hữu-lý, nên Thăng không cãi vào đâu được nữa. Tuy-nhiên chàng vẫn nghe là không ổn, lối giải-quyết đó. Thu-Vân không phải không muốn bất-công với em, mà chính ra vì nàng không háo-hức đi xi-nê lắm với một người con trai không đồng-lứa với nàng. Nàng không mong-mỏi gì được nơi anh con trai trẻ hơn nàng mười tuổi, thì lấy nê là hy-sinh cho em, là chăm lo con cái, nghe cao quí hơn. Lại còn "ổng" nữa! Ổng có thể đến bất cứ giờ nào trong ngày! À, ổng! Chàng lại tin rằng không phải Thu-Vân làm bé, mà tệ hơn nữa, nàng là gái bao. Hai em, một con, cái gánh nặng ấy phải được một người đưa lưng ra mà chịu, không thôi em nàng không đi học được mà chính họ cũng đến hỏng thôi vì sinh-kế.
Tuy-nhiên, là kẻ không chịu chiến-bại sớm, Thăng kèo nài:
- Chị hy-sinh lần đầu là phải. Nhưng tuần sau, chắc ai khác phải hy-sinh chớ?
- Nếu cậu muốn đãi tôi xi-nê lắm, thì như vậy. À, cậu uống gì? Bia chăng?
- Bia thì bia.
Thu-Vân xây lưng đi vào trong, Thăng nói với Tuyết:
- Cô giống hệt như chị Thu-Vân hồi ấy!
Vừa nói, chàng vửa chỉ bức ảnh chân-dung phóng-đại.
- Ừ, rất nhiều người thấy như vậy. Và ngày sau, chắc em sẽ giống hệt chị Thu-Vân bây giờ.
- Có thể, nhưng về gương mặt thôi.
- Chớ anh còn bảo giống về gì nữa?
Thăng không đáp vì chàng biết Tuyết không hiểu được thâm-ý của chàng, mà nếu hiểu, e nàng sẽ mích lòng. Chàng muốn nói đến hình-dáng, thân-thể của Thu-Vân, một điểm mà người ta không chú-trọng đến như cái mặt. Nếu nhấn mạnh về chỗ ấy, tất phải khen Thu-Vân có thân-thể đẹp mà Tuyết sẽ không giống nổi thì nàng sẽ giận biết bao nhiêu.
Bà bếp bưng ra một mâm đồ uống ba màu khác nhau: bia màu hung cho Thăng, sữa màu trắng cho Tuyết và nước cam màu vàng lợt cho Thu-Vân. Cô chủ nhà vừa bưng ly nước cam của cô lên nói:
- Mời cậu.
- Hồi nãy không thấy ổng uống gì cả?
- Ổng không uống ở đây. Thói quen ổng như vậy. Hôm nào ăn cơm trưa tại đây, ổng nghỉ trưa và thức dậy là ổng lật-đật đi uống ở cái ba là nơi ổng gặp bạn.
Ổng nghỉ trưa tại đây? Thế nghĩa là ổng không ở đây và ổng không phải là chồng chánh-thức của Thu-Vân. Nhưng Thu-Vân làm bé hay làm gái bao? Hai thứ ấy cũng gần gần như thế, nhưng có khác nếu xét một cách tế-nhị.
Thăng ngạc-nhiên mà thấy chàng băn-khoăn về điều đó nhiều quá. Tò-mò thì ai cũng tò-mò, nhưng chàng đã bước quá mức tò-mò. Chàng nhớ lại tâm-trạng kỳ-lạ của chàng khi nãy, lúc Thu-Vân nhận xé rào.
Hay là mình yêu Thu-Vân? Chàng tự hỏi rồi tự đính-chánh: không, mình không yêu nàng. Con mắt thẩm-mỷ của mình đã khám-phá ra được một người đờn-bà đẹp tuyệt-trần, và mình thích ngắm người đó, chỉ có thế thôi.
Mình có thèm muốn Thu-Vân chăng? Chắc chắn là có.
Nhưng thèm muốn không phải là yêu. Và Thăng là một anh con trai đã đứng-đắn để dẹp thèm muốn lại khi người đờn-bà gợi thèm đã có chủ.
° ° °
Con gái không đủ đẹp và đủ ngon lành cho Thăng thèm, đó là việc đã đành. Nhưng suốt bữa ăn chiều hôm nay, Thăng không nghe thích Tuyết tí nào cả, chớ đừng nói thèm.
Lần đầu tiên, chàng nhận thấy là chàng già quá, không già vì tuổi-tác mà già ở tâm-hồn. Đôi bạn đồng-lứa với nhau, nhưng chàng cứ nghe Tuyết là một cô gái bé. Bây giờ chàng mới thấy rõ là sách nói đúng. Sách đã nói rằng con người văn-nghệ-sĩ luôn-luôn già trước tuổi về mọi mặt tâm-hồn. Họ cảm-nghĩ như một người đã sống trước họ mười năm, mười lăm năm. Như vậy chàng nghệ-sĩ hăm ba làm sao thông-cảm được với cô gái hai mươi.
Họ đã nói đùa với nhau rất trẻ, và nếu ở ngoài biển, họ đã nô-đùa với nhau cũng rất trẻ. Nhưng động nói đến những cái gì hơi nghiêm-trang một tí là họ nghe xa nhau bằng vạn dặm.
Không, Tuyết phải sống nhiều hơn, rất nhiều năm hơn mới mong hiểu chàng được và mới mong làm cho chàng lay được những cảm-nghĩ của cô ta.
Phim chiều hôm ấy là cả một hòn đá thử vàng. Phim tâm-lý già-giặn nhưng không đượm thơ-mộng. Thăng đã cảm loại phim thơ-mộng, cách đây mười năm và bây giờ chỉ thích xem phim sầu thôi, trong khi đó thì hai cô con gái của chàng ngáp lên, ngáp xuống đến mấy lượt.
Không, Tuyết phải sống nhiều hơn kia, sống ít lắm là bằng Thu-Vân. Tuyết phải là Thu-Vân hay nói cho đúng ra, người bạn gái của chàng phải là Thu-Vân mới được.
Thăng xem phim mà không hiểu nữa; chàng lo ra, và bận nghĩ về chỗ so-le tuổi-tác cần-thiết giữa một người văn-nghệ-sĩ (nam hay nữ) và người tình của y.
Một văn-nghệ-sĩ xứng đáng cái danh hiệu đó, chỉ có thể yêu kẻ cao-niên hơn mình thôi. Nếu văn-nghệ-sĩ ấy là nam và trẻ tuổi thì sự cao-niên hơn lại rất cần, vì lý-lẽ đã kể ra. Người bạn của y không thể là con gái được, vì con gái chưa đủ đẹp.
Nhưng nếu văn-nghệ-sĩ nam kia đã cao-niên? Không lẽ y lại cưới một bà già? Hẳn là y phải yêu một nữ văn-nghệ-sĩ trẻ hơn, nhưng phải rất là văn-nghệ-sĩ để cảm-nghĩ già-giặn của nàng chạy theo kịp tuổi-tác của y.
Thật là rắc-rối to trong sự so-le nầy.
Dầu sao, hôm nay ngồi giữa hai cô nữ-sinh trẻ - mà rất có nhiều người cho là đẹp - Thăng không nghe lòng chàng rung-động lần nào hết. Thân-thể họ không gợi thèm, tâm-hồn họ không phải là đường tơ hưởng-ứng âm-điệu tâm-hồn chàng.
Đi chơi với hai cô bạn trẻ, Thăng bị miễn-cưỡng, nhưng tự an-ủi đó là một dịp thử lại bài toán.
Bài toán thử xong, chàng thấy nó đúng, nên thỏa-mãn và sự thỏa-mãn an-ủi được chàng. Ít ra, hôm nay chàng được biết chắc những điều chàng biết lờ-mờ: văn-nghệ-sĩ già trước tuổi về mặt tâm-hồn, và nếu muốn yêu một người thường, thì người ấy phải già hơn y về tuổi-tác.
Vì thế mà từ thuở giờ, Thăng rất ít bạn gái và chưa có người yêu. Khó lòng mà một anh con trai đánh bạn với một mệnh-phụ phu-nhơn, và anh con trai ấy đứng-đắn thì không thể yêu các phu-nhơn được. Những cô gái đồng-lứa với chàng, không có cô nào đủ văn-nghệ-sĩ cả. Họ chỉ văn-nghệ mặt ngoài, thì tính họ như người thường.
Tình-trạng không phân-minh trong gia-đạo của Thu-Vân cho chàng thoáng thấy nàng còn tự-do phần nào. Như thế, chàng có thể làm bạn với một người đờn-bà tự-do mà khỏi sợ lương-tâm quở mắng.
° ° °
- Tôi thích ăn trong Chợ-lớn hơn.
Thoạt-tiên Thăng tức-giận khi nghe Thu-Vân nói như vậy. Chợ-lớn là nơi họp mặt lén-lút của những cặp nhơn-tình ngang trái hay không xứng-đôi. Ở đó, họ rất ít có dịp gặp người quen biết, và sự xấu khó có cơ bị phổ-biến.
Thu-Vân muốn trốn à? Người trốn phải là chàng, vì nếu có xấu thì chỉ có chàng là mang xấu thôi, chàng, một anh con trai nheo-nhẻo lại đi bắt bồ với một phụ-nữ trên ba mươi. Thu-Vân phải hãnh-diện đã chinh-phục được một trinh-nam.
Thăng đứng tần-ngần giây lâu, rồi thoạt tìm ra được một điều lạ, chàng vui-vẻ trở lại. Thu-Vân không đĩ-tánh. Tuy đời nàng hỏng, nàng còn biết tự-trọng, không ham cái hãnh- diện trật búa kia, mà chỉ hãnh-diện được với những gì được điều-chỉnh thôi. Nàng không ham có tình-nhơn trai trẻ, nhưng nàng sẽ thích mà lấy chàng trai trẻ. Hiện giờ thì Thăng không phải chồng nàng.
Ngồi trên xe tắc-xi, Thăng nghe một mặc-cảm kỳ-lạ. Chàng nghe mình lép vế trước cái ông thương-gia chủ xe Volkswagen. Thu-Vân đi ăn, đi dạo mát, thường bằng xe đó. Đi tắc-xi, chắc nàng kém vui, và dầu sao cũng bớt mến người bạn nghèo. Chàng hỏi:
- Chị có xấu-hổ hay không trên chiếc xe nầy?
- Không, sao cậu hỏi lạ vậy?
- Chị sang-trọng quá, và khi bước xuống xe, người ta sẽ chú-ý. Xe và người không xứng nhau, chị có tủi hay không?
Thu-Vân cười dòn lên mà rằng:
- Xe nhà hay tắc-xi gì, đối với tôi cũng như nhau; vì cả hai đều không phải của tôi.
- Nhưng đi xe nhà, người ta ngỡ của chị, chị sẽ được hãnh-diện.
- Tôi không cần dư-luận, cái dư-luận tầm-phào ấy.
° ° °
Nhà hàng Đào-Viên, bữa cơm trưa ít khách. Phòng ăn lớn có một cái đeo bên cạnh rất kín-đáo như một buồng ăn của các tửu-lâu Trung-hoa.
Đôi bạn ngồi nới đó, tự-do như ở nhà.
Thu-Vân đọc thực-đơn rồi hỏi:
- Cậu ăn món "bà già đút lò" hay không?
Thăng ngạc-nhiên chồm tới để dòm vào "mơ-nuy" thì thấy dưới dấu ngón trỏ của Thu-Vân, hàng chữ sau đây:
Vieille au four....... 55$
Đôi bạn cười ngất. Thì ra Thu-Vân còn trẻ tánh, đùa được với bất-kỳ cái gì. Nàng già về mặt khác thì quý, nhưng nếu tánh nàng cũng lụ-cụ, lẩm-cẩm, đạo-mạo thì buồn chết.
- Tại sao chị không thích ăn ngoài Sài-gòn, Thăng hỏi đột-ngột như vậy.
Đây là một anh con trai ương-ngạnh, thích đẩy người ta vào ngõ bí, để giải-trí hoặc để trả-thù. Thu-Vân chơn-thật đáp:
- Tôi không muốn ổng làm rầy vì một chuyện không có gì cả.
- Chỉ có thế thôi à? Thăng ngạc-nhiên thật-tình.
-?
Thăng không đáp vội vì đây là một câu khó nói ra. Chàng không muốn thế nào cả. Nhưng chàng cứ lo Thu-Vân sợ xấu mặt phải đi với chàng. Làm thinh giây lát, người con trai lại hỏi:
- Ổng ghen lắm à?
- Cố-nhiên, và rất chánh-đáng. Cố-nhiên vì tôi trẻ, ổng già, vì tôi đẹp, đẹp theo hạng già của tôi.
- Không, chị đẹp hơn cả những cô gái trẻ, đẹp hơn cô Tuyết nữa kia.
- Nịnh đầm vô-ích.
- Tôi không nịnh đâu.
- À, tôi nói gì... À ổng ghen vì thế, cố nhiên. Ổng lại chánh-đáng trong sự ghen tương của ổng, vì tôi với ổng chưa có tình-nghĩa gì nhiều, ổng cứ lo sợ mất tôi.
- Xin lỗi chị, tôi hơi tò-mò.
- Tại tôi nói chuyện riêng của tôi cho cậu nghe. Nhưng ta nên thẳng-thắn với nhau là hơn. Cậu là bạn của các cậu kia, tôi cũng thế, thì ta là bạn nhau rồi.
- Cám ơn chị. Đã tò-mò, tôi xin tò-mò luôn. Thế ổng có yêu chị hay không?
- Cậu hỏi lạ. Cố-nhiên là ổng yêu tôi nhiều lắm.
- Còn chị?
- Tôi rất mến ổng, rất quý ổng, vì ổng là người tốt bụng, thành-thật. Có lẽ rồi tôi cũng sẽ yêu ổng ngày kia. Thôi, nói chuyện người khác là hơn. Cậu thấy con Tuyết thế nào?
- Về phương diện nào?
- Tánh-tình.
- Tôi chỉ nói chuyện với cô ấy có hai lần, một lần tại nhà chị, và một lần đi ăn cơm với cô ấy. Cô ấy rất thông-minh, hơi đa-cảm, và rất đoan-trang.
- Về sắc đẹp?
- Thú-thật là chưa đẹp lắm.
- Phải, tôi đoán, biết quan-niệm của cậu về sắc đẹp. Chưa tức là sẽ...
- Vâng, nhưng không thể nào cô ấy sẽ đẹp bằng chị đâu.
- Còn về tâm-hồn?
- Khó lòng mà biết được khi mới quen nhau, nhưng Thu-Vân muốn hỏi khi thấy người bạn trẻ do-dự, nhưng nàng chỉ mỉm cười mà nhìn không nháy mắt con người rắc-rối nầy, y không giống ai cả về cảm-nghĩ và cố-nhiên quan-niệm rất lôi-thôi.
Nàng có bạn văn-nghệ-sĩ rất nhiều, nhưng không anh nào hay-ho bằng cậu bé nầy. Bây giờ nàng mới có dịp quan-sát người bạn mới lần đầu.
Thăng đẹp trai. Nhưng nơi chàng, có cái gì khác lạ hơn ở người khác. Cái càm vuông của chàng tố-giác một ý-chí cương-quyết vô-song, cương-quyết trong bất-kỳ việc nào chớ không phải chỉ trong sự hành-động không mà thôi đâu. Chẳng hạn, anh ta sẽ cương-quyết trong tình yêu, trong sự giận-hờn v.v...
Lại còn đôi mắt nữa, đôi con mắt trầm-trầm, lì-lì, quan-sát sâu, xét-doán kỹ-lưỡng, đủ mơ-mộng mà không mơ hảo, rất có thể si mà không điên.
Đây là người con trai mà Thu-Vân đã mơ ước hồi thuở nàng còn thanh-xuân. Vị hoàng-tử đẹp trai ấy đến trễ quá, nàng không bị xúc-động, nhưng không thể không chú-ý đến y.
Không, Thu-Vân không phải là gái lẳng. Đời nàng đã hỏng, đành thế, nhưng không cứ hễ hỏng là vì lẳng đâu. Thu-Vân không lẳng nên không chạy theo những mối tình nông-cạn, chơi-chơi cho vui. Nàng đã yêu nhiều bận, nhưng lần nào cũng chơn-thành. Bây giờ nàng không dịp yêu nữa, vì đã dính-líu với ông thương-gia mà nàng không muốn phản-bội là một lẽ, nhưng lẽ chính là vì nàng không gặp người đúng lý-tưởng, vừa xứng đôi.
Anh con trai nầy có thể là người lý-tưởng của nàng, nhưng hắn lại còn bé con đối với tuổi của nàng.
Nàng không bị xúc-động, nhưng làm sao mặt nước của lòng nàng khỏi gợn một tí sóng tình lăn-tăn khi ngồi đối-diện với một người con trai như thế một nơi lạ như là một chỗ hẹn-hò với tình-nhân? Và nhứt là làm sao khỏi bối-rối nhớ lại lần gặp mặt đầu với người tình đầu, giây phút thần-tiên đã ngủ yên từ lâu trong ký-ức nàng?
Khi Thăng giành lấy dĩa thịt bò nướng của nàng để xắc giùm nàng, thì Thu-Vân bỗng dưng sống lại những buổi đi ăn với người tình đầu, sung-sướng được săn-sóc đến. Trong giây phút, thời-gian như trôi lùi về xưa, ngừng lại nơi một bữa ăn như thế.
Thu-Vân quên phứt nàng bây giờ, ngỡ như mình là cô gái xuân mười năm trước, cùng người bạn tình đồng-lứa đang lén-lút gặp nhau nơi một hiệu ăn ở ngoại-ô.
Thăng vừa xắc thịt vừa nói:
- Món Chateaubriand ở đây dai như một con nợ cố lì.
Thu-Vân sực tỉnh cười hỏi:
- Nhưng sao món nầy lại mắc tiền hơn thịt bò bít-tết, cậu?
- Họ bán theo trong sách. Theo sách dạy nấu ăn thì món nầy phải làm bằng thịt trái thăng, khi chiên phải kẹp giữa hai miếng thịt bắp đùi, không cho nó đụng chảo. Chiên xong vứt hai miếng thịt ngoài đi, tốn kém lắm.
Thình-lình, Thu-Vân nghe mũi giày của Thăng chạm phải giày nàng. Một sự ớn lạnh kỳ-lạ mà từ lâu nàng không còn nghe nữa như chạy trên xương sống nàng từ trên ót xuống đến eo. Nàng thừ người ra lắng nghe cái đê-mê huyền-ảo ấy và rình-rập hành-động kế tiếp của Thăng.
Nhưng mũi giày đã dang ra và không bao giờ trở lại nữa. Thật là kỳ lạ, tại sao nàng chờ đợi nó trở lại? Nàng có muốn phiêu-lưu mạo-hiẻm trên đường tình đâu? Và thật là kỳ-lạ. Tại sao Thăng lại làm thế? Người con trai nầy, thuộc vào hạng hễ yêu thì thẳng-thắn nói ra. Không, có lẽ đây chỉ là một rủi-ro thôi.
Dù sao, Thu-Vân cũng vừa bắt chợt được lòng nàng. Tình yêu chưa chết hẳn nơi nàng và nàng bị rung-động trước người con trai nầy.
Nàng bật cười khiến Thăng ngạc-nhiên hỏi:
- Chị vui vì cái gì?
Thu-Vân đáp láo:
- Nhai mãi mìếng thịt bò dai, tôi nhớ một câu chuyện khôi-hài của Pháp mà một thực-khách đã kể cho tôi nghe trong một bữa tiệc kia: "Một thực-khách đánh rơi xuống đất một miếng thịt bò dai như thế nầy và y cúi xuống mò kiếm mãi. Chủ nhà nói: "Thưa ông, để tôi dọn một dĩa khác thay vào, xin ông cứ ngồi thẳng lên". Khách đáp: "Không phải. Một chìếc răng vàng của tôi đã dính vào miếng thịt bò rớt, tôi phải tìm lại mới được".
Thật ra Thu-Vân tức cười vì tình-cảm của nàng. Thiếu chi người xứng đôi vừa llứa, bảnh có thua gì Thăng đâu, thế mà...
Đột-ngột nàng hỏi:
- Cậu Thăng nè, cậu đã yêu lần nào chưa?
Thăng không bị bắt chợt, nên rất bình-thản đáp:
- Những mối tình hão của tuổi dậy-thì, chắc không gọi được là yêu, phải không chị. Chưa, tôi vẫn cứ còn bâng-khuâng như lúc thiếu-niên. Lòng tôi còn lang-thang chưa cặm vào nơi bến nào cả, nhưng tôi có cảm-giác rằng tôi sắp yêu thật-sự đây.
- Đã gặp nàng rồi à?
- Đã gặp, chỉ ngoài mặt thôi.
- Ngoài mặt đã đủ rồi. Không yêu theo lối bị sét đánh sao?
- Rất tiếc là không. Tiếng sét ái-tình rất kỳ-thú. Nhưng tôi đã bị méo-mó nghề-nghiệp, bị sự huấn-luyện về mỹ-thuật nó bắt tôi suy-luận về nhan-sắc nên sét đánh không được. Thành ra không bao giờ tôi được hưởng cái kỳ-thú đo. Rất là đáng tiếc. Ngoài mặt đã đủ à? Vâng thì cũng đủ, nhưng phải ngắm cái mặt cho lâu mới biết nó đẹp hay không.
- Tôi cứ ngỡ con nhà mỹ-thuật thì thấy ngay, thấy mau lẹ hơn bọn phàm-phu như chúng tôi.
- Không đâu. Họ có thể thấy mau lẹ hơn người thường, nhưng họ ý-thức nên hay sợ thấy sai, thành ra họ phải ngắm lâu.
- Lý-trí quá, chắc bớt thú nhiều lắm.
- Xét-nét một sắc đẹp, không phải là yêu bằng lý-trí đâu chị à. Khi xét-nét xong và ưng bụng, tôi có thể nhắm mắt mà yêu càng bừa mặc dầu...
- Mặc dầu sao?
- Mặc dầu nàng kém đạo-đức, hoặc không xứng đôi vừa lứa với tôi.
Thu-Vân bỗng nghẹn-ngào vì cảm-xúc quá mạnh. Tay nàng run lên và chiếc nĩa đánh nhịp liên-hồi trên bờ dĩa kêu leng-keng như chú khách cà-rem lắc chuông rao hàng.
Sự ám-chỉ của người bạn trai trẻ tuổi nầy rõ-ràng quá, không còn ngờ gì được nữa cả. Đây là một thanh-niên táo-bạo một cách có cân-nhắc, chớ không liều mạng một cách điên-cuồng. Nếu ra làm chánh-trị, hắn sẽ trở thành lãnh-tụ ngay sau vài năm hoạt-động.
Có cân-nhắc, phải. Hắn ám-chỉ mà như là nói thẳng ra. Đó là một đòn dò-dẫm, không sỗ-sàng vô-lễ, cũng không quá úp-mở cho người ta nghi-ngờ. Người bị dọ tức-khắc hiểu ngay, và tức-khắc có ngay phản-ứng cần-thiết cho hắn dùng để làm tài-liệu hành-động, nhưng người nầy không thể mích-lòng được vì y không vô-lễ.
Thu-Vân choáng-váng như say rượu, lảo-đảo muốn té xuống đất. Quả nàng đã bắt chợt nàng đang bị xúc-động trước anh con trai nầy. Nhưng nàng không mong đợi gì cà với người đó. Sự so-le về tuổi-tác quá rõ-rệt để một cuộc tình-duyên có thể xảy ra. Vì không hy-vọng nên nàng phải kinh-ngạc đến ngộp thở trước ám-chỉ của Thăng.
Qua mấy giây cảm-xúc, nàng cảm nghe như một dòng máu trẻ chảy trong các huyết-quản nàng, thay thế cho khối máu già đang nguội. Những hột hồng-huyết-cầu hình như thắm hơn, nuôi-nấng đột-ngột các tế-bào, các thớ thịt nó rung-chuyển nhè-nhẹ một cách kỳ-thú.
Thăng thì bình-thản lạ-lùng. Anh ta không hổ-thẹn trốn cái nhìn của Thu-Vân sau khi mở hé cửa lòng cho nàng thấy, cũng không đắc-chí một cách vô-lễ đã lắc được quả tim một phụ-nữ mà không bị cự.
Người trai trẻ nầy bước những bước rất chậm nhưng bước nào vững-vàng bước nấy, biết rõ-ràng y muốn đi đến đâu, và đường-hoàng tiến tới đích một cách lạnh-lùng. Có lẽ lòng y đang sôi-nổi mặc dầu sự lạnh-lùng bên ngoài ấy, sôi-nổi còn hơn nơi người khác nữa kia, nhưng đây là một cây si khoa-học, trồng và mọc lên có phương-pháp hẳn-hòi.
Có biết bao nhiêu là anh em trai thơ-ngây mê đờn-bà đứng tuổi, nhưng các anh ấy mê vì lẽ khác hẳn. Con trai còn nhát chưa đủ bản-lĩnh đi săn. Đờn-bà đứng tuổi là những con mồi dạn đèn, hai điểm trái ngược ấy bổ-túc cho nhau, nên kéo hai đàng lại gần nhau dễ-dàng. Trường-hợp của Thăng không phải thế.
Kể từ giây phút đó đến mãn bữa ăn, Thu-Vân nghe sự quan-hệ giữa Thăng và nàng khác trước nhiều. Nàng không còn miễn-cưỡng nhận lời mời của một cậu bé con nữa, và khỏi phải nhẫn-nại làm một người khách bất-đắt-dĩ cho lịch-sự.
Người con trai ngồi trước mặt nàng cũng chẳng còn là một chú em rể hờ mà nàng định câu. Đó là người bạn trai đầu thuở nàng vừa bước đến thềm tuổi dậy-thì. Hắn chưa tỏ tình, nhưng nàng biết chắc được rằng hắn sẽ đến đó.
° ° °
Cho đến 10 giờ đêm, Thu-Vân vẫn còn sung-sướng cái nỗi vui mới lạ nhứt trong đời người con gái mà nàng vừa được sống lại trong bữa ăn. Đêm nay "ổng" không đến, và nàng hoàn-toàn tự-do để nâng-niu mầm hạnh phúc của nàng.
- Cái chị nầy, sao mà vui như mới trúng số!
Thấy chị khác thường, Nguyệt hỏi như trên. Con bé không có ẩn-ý gì cả, nó chỉ nhận-xét thế thôi, nhưng bấy nhiêu đó đủ làm cho Thu-Vân giựt mình.
Không, nàng không sợ ai đọc được những ý-nghĩ thầm-kín của nàng, hay nhìn thấu lòng nàng, nhưng lời Nguyệt đã lôi nàng về thực-tế. Em nàng, Thăng! Hai nhơn-vật ấy liên-hệ với nhau, không thể người nầy không nhắc đến người kia, và không nhắc đến sự liên-hệ đó. Nàng đã cố-tâm chọn chồng cho em, đang trong vòng dò-dẫm hổm nay. Những điều nàng vừa nhớ lại, lại nhắc tới một điểm then-chốt nầy là sở-dĩ nàng toan đưa Thăng vào gia-đình nàng là vì Thăng xứng đôi vừa lứa với em nàng, tức là không xứng đôi vừa lứa với nàng.
Vấn đề đã được đặt ra, và băn-khoăn đầu, nổi lên. Có nên mạo-hiểm trong một nẻo quặn-quẹo như thế hay không?
Thu-Vân thở dài đột-ngột đứng lên vào buồng để ngủ, không, để nằm mà nghiền-ngẫm một mình băn-khoăn của nàng. Thật là ngắn-ngủi, những giờ vui sướng. Tuy nhiên những giờ ấy rụng đi mà không gieo thảm rắc sầu. Đến như sự phù-du của mối tình thoáng thấy đây, nó sẽ mang đến bao nhiêu là đau thương!
Băn-khoăn mà không giải-quyết được, Thu-Vân trốn nó như đà-điểu trong sa-mạc, chui đầu vào cát mỗi khi có nguy. Nàng sống trở lại giây phút thần-tiên trong bữa ăn, lòng dịu-êm một mơn-trớn thoáng qua, mân-mê cái sung-sướng của nàng như một cô nữ-sinh nội-trú ngày chúa-nhựt ra thành-phố, gặp người bạn trai đầu, đêm vào trường ứa lệ vì phấn-khởi.
Lạ quá, nàng nghĩ, tình yêu sao mà như là con rắn lột da, con cua thoát vỏ, lâu lâu được hoàn-đồng một lần khi sắp cỗi. Nàng tế-nhận thấy lòng nàng rung-động y như thuở mới vở lòng yêu. Từ ấy những nay, nàng đã lắm phen phiêu-lưu trong thế giới yêu-đương, đã bị sóng dập gió vùi nhiều bận, và lần nầy, nếu yêu là yêu lần cuối-cùng đây, thế mà ái-tình trễ muộn nầy vẫn còn đầy đủ hương-vị kỳ-ảo của nó.
Yêu lần cuối cùng? Phải, nàng đã băm hai rồi. Sắc đẹp của người đờn-bà đủ sức-khỏe toàn-thịnh nơi tuổi nầy, sự lộng-lẫy chỉ lên tới độ tột-cùng trong giai-đoạn nầy thôi, rồi thì là xế bóng! Nếu một người đờn-bà được yêu nhiều, thì lần cuối-cùng là lần nầy, không sao khác được.
Mối tình cuối-cùng? Thu-Vân thừ người ra. Đã cuối-cùng rồi à? Đời mình, mình chỉ sống một lần nữa thôi à?
Sự tiếc-rẻ, sự sợ-hãi tự-nhiên đánh bạt nỗi băn-khoăn vừa mới nhóm khi nãy. Thu-Vân chưa bao giờ xem trọng đạo-đức trong tình-trường, nên nàng không hốt-hoảng trước một sa-ngã, mà lại quýnh lên trước một dịp hụt yêu.
Đứng trước hai sự việc, phải chọn một, nàng chọn ngay mối tình so-le và dẹp hẳn hy-vọng làm lại cuộc đời.
"Ổng" là một người rất tốt bụng và đáng tin-cậy. "Ổng" đã long-trọng hứa gả chồng cho nàng khi "ổng" tìm được một chỗ tốt. Đó là dịp làm lại cuộc đời mà không phải dễ tìm ra.
Như thế, không đứng-đắn trong lúc kết-duyên hờ với "ổng" thì nguy. Vậy mà người đờn-bà đứng tuổi và đáng lẽ ra nhiều lý-trí nầy lại chọn con đường mạo-hiểm, điên-dại trong tình-cảm y như là một cô gái mười sáu tuổi.
- Nhưng mà cũng chưa có gì, Thu-Vân lẩm-bẩm một mình, như để gỡ tội. Hắn có thể đổi ý, và mình khỏi phải băn-khoăn.
° ° °
- Chị Thu-Vân đi vắng à?
Tuyết hơi ngạc-nhiên trước vẻ thất-vọng của Thăng. Nàng cứ ngỡ Thăng đến là vì nàng. Thăng lại đến hồi chín giờ sáng như thế nầy thì lại càng là vì nàng lắm. Hạng người đờn-bà như Thu-Vân, tức là hạng người có tiền mà không công-việc thường đi phố suốt buổi sáng, sau khi ăn lót dạ.
Các bạn ngạc-nhiên sao họ dùng đồ, toàn thứ đẹp không thôi. Ấy, không phải vì họ nhiều tiền, mà nhiều thì-giờ để chọn. Lắm khi họ mất đến tám hôm chỉ để chọn màu cho một chiếc áo dài độc-nhứt. Mua một cái xắc ư? Họ đi hết những con phố Tự-Do - Lê-Lợi - Lê-Thánh-Tôn, căn nào cũng vào, tủ nào cũng lục thì làm gì mà không chọn được món hàng đẹp nhứt.
Thăng không biết chương-trình đờn-bà, nên mới tới vào giờ đó. Chàng hỏi thên:
- Cô có biết chị Thu-Vân bao giờ về hay không?
- Chỉ có trời mà biết. Nhưng chưa khi nào chỉ đi vắng quá một ngày.
- Cô nói đùa chớ?
- Cố-nhiên là nói đùa.
Thấy Thăng thất-vọng và bực dọc, Tuyết ngạc nhiên lắm. Không biết chàng có gì quan-trọng và cấp-bách cần nói ngay với chị mình, nàng hỏi:
- Nếu anh đợi không được, để lại ba chữ...
Thăng bật cười, thì ra Tuyết không đoán biết được tình-cảm của chàng. Nhưng bỗng chàng thừ người ra. "Ừ, tại sao không viết thư cho Thu-Vân?". Chàng không nhát gái, và thích nói ngay mặt hơn, bất-kỳ điều gì với ai, nhưng chỉ viết thư mới nói cặn-kẽ được những gì sôi-nổi trong lòng chàng. Lòng chàng là một nồi canh hầm, bên trong sôi ùn-ục, nhưng người ta không thấy được gì cả vì cái vung đậy nồi rất kín. Vì vậy mà món nấu, là mối tình mới nhóm, chín nhừ mau quá. Mới có mấy hôm mà chàng nghe là chàng đã yêu sâu-đậm lắm rồi.
An-lòng được với giải-pháp viết thư vừa tìm ra, Thăng bình-tỉnh hẳn lại, vui-vẻ nói với Tuyết:
- Cô Tuyết nè, chàng hỏi, sau khi đậu tú tài II rồi, cô theo ngành nào?
- Thật là khó nghĩ anh à. Cửa vào, tương-đối hiếm, mà cửa ra càng hiếm hơn.
- Cửa ra là thế nào?
- Thí-dụ như học xong Nông-Lâm-Mục, em sẽ làm gì? Các xí-nghiệp ít-oi. Em thấy là nên sống với hiện-tại như bạn-hữu của em, như vậy khỏe trí hơn. Các chị ấy thì thi đậu xong, các chị mới nghĩ đến việc tìm nẻo mà chui.
- Được, ta sống với hiện-tại vậy. Trước hết, tôi xin phép cô từ đây tôi được kêu cô bằng em...
Tuyết nhảy lên reo:
- Vạn-hạnh, vạn-hạnh! Tại anh chớ, anh khách-sáo như ông cụ.
Tuyết không biết rằng tiếng em mà Thăng quyết-định dùng, có nghĩa là em vợ, chớ không phải tiếng em âu-yếm mà bạn trai thân dùng gọi bạn gái rất thân. Nàng nũng-nịu:
- Chiều nay đưa em đi xem chiếu bóng nha anh.
- Hết cả tiền rồi.
- Thì đi dạo mát vậy.
- Để xem.
- Sao lại để xem? Xem cái gì? Có cần xin phép ai hay không?
- Để xem tôi có đến được hay không. Lắm hôm vừa ngủ trưa thức dậy thì bạn-hữu nó đến kéo đầu tôi đi mãi đến tối.
- Nhưng nếu anh tha-thiết đưa em đi dạo mát thì dầu ở trong tù anh cũng trốn thoát được kia mà.
Thăng muốn đáp bằng một câu tàn-nhẫn cho xong, câu ấy là "đúng như thế" nhưng chàng không nỡ. Không, chàng không tiếc nếu mất tình bạn của Tuyết, nhưng quả thật khó mà làm buồn một cô gái.
- Chiều nay em đợi anh, anh mà không đến sẽ biết tay em.
- Tay của công-chúa Bạch-Tuyết nấu xúp khéo lắm. Bảy chú lùn đã ghiền thứ xúp đó. Tôi cũng mong được ăn một bữa gì đây.
- Em chuyên-môn món gỏi bao-tử heo. Anh biết nhậu hay không?
- Cũng lai-rai.
- Chúa nhựt mời anh ăn cơm trưa ở đây.
- Còn chị Thu-Vân chuyên-môn món gì?
- Chị Ba em giỏi nội-trợ lắm, nấu ăn khéo có tiếng...
- Nhưng sao lại...
Tuyết hiểu ngay câu nói mà Thăng bỏ dở chừng, không dám thốt ra luôn, sợ vô-lễ xen vào đời tư của người ta. Nàng hiểu những lời không thốt ra ấy, và hiểu luôn e-ngại của Thăng nữa. Nhưng đã có cảm-tình với anh con trai nầy nhiều lắm rồi, nàng xem anh ta như kẻ có quyền được nghe tâm-sự của mỗi người trong gia-đình nàng. Vì thế nàng đáp:
- Phải, chị Ba em thật vô phước. Chị đã được tạo-hóa và má em võ-trang đầy đủ để bước vào trận đời, ai cũng ngỡ là chị thắng, nhưng chị lại đại-bại. Em thương chị Ba em lắm.
- Còn cô, cô được võ-trang tới mức nào? Đại-liên hay tiểu-liên.
- Tiểu-liên. Em nói nhiều quá, nên chị Ba em cho em cái tục-danh tiểu-liên ấy. Anh không biết cái không-khí của trường Marie Curie, không khí rất trẻ, vì là trường đầm. Đầm bây giờ rất hiếm-hoi, nhưng không-khí ngày xưa vẫn còn.
- Tôi biết; học ở Âu-châu về mà! Thiếu-nữ Âu-châu không trầm-lặng như thiếu-nữ ta.
Thăng hơi lo-lo. Tuyết đã cho rằng chị nàng đại-bại. Nhưng đó là cái bại yên-thân, và dầu sao nhà nàng cũng đang no ấm. Nếu vạn-nhứt Thu-Vân dấn-thân vào một cuộc mạo-hiểm tình-cảm nào thì đại-bại có thể xoay thành thảm-bại.
Như thế Tuyết sẽ nghĩ sao, sẽ phản-ứng ra sao khi biết được tình-cảm chàng và nhứt là khi chàng thố-lộ tình-cảm ấy và lôi Thu-Vân vào cuộc phiêu-lưu. Phải, rất phiêu-lưu, không phiêu-lưu, vì sự so-le tuổi tác (chàng mà có yêu thì chắc không phụ ai, vì tình chàng có cân-nhắc) nhưng phiêu-lưu, vì chàng là một gã không xu.
Thăng vừa nghĩ đến đó thì Tuyết hỏi:
- Khi học ngành điêu-khắc, anh có biết xứ ta không có đất dung-thân cho môn ấy không?
- Có biết. Nhưng một là tôi yêu ngành ấy quá, hai là tôi ngỡ sống ở ngoại-quốc được.
- Sao không sống ở ngoại-quốc được?
- Cô tính, bên La-mã người ta thừa-thãi điêu-khắc-gia cho đến xuất-cảng họ đi các nơi khác, mà các nơi khác cũng thế, thì làm sao mà sống.
- Vậy anh định làm gì?
- Cố-nhiên là chắc tôi phải đi dạy trường tư. Cô Tuyết nè, nhà nầy tiêu-phí mỗi tháng bao nhiêu. Tôi thì chỉ có một thân, mỗi ngày xin được hai giờ dạy học là đủ sống rồi.
Thăng làm bộ như muốn so-sánh hai tổn-phí sanh-hoạt nên hỏi thế, chớ thật ra chàng tò-mò về gánh nặng mà một người đờn-ông phải chở cho gia-đình nầy.
- Em không biết rõ được vì chị Ba em xuất phát. Nhưng chắc là chúng em tiêu-pha nhiều lắm.
- Nếu bớt tiêu-pha, cô có nghe khó lắm không?
Tuyết chỉ mến Thăng thôi, mến nhiều lắm, và rất sung-sướng vì tình bạn mới giữa hai người. Có thể rồi nàng sẽ yêu Thăng, nhưng chưa hề nàng nghĩ đến mối tình như vậy. Con gái ngày nay giao-thiệp rộng nên không phải hễ cứ quen với con trai là yêu họ ngay.
Tuy-nhiên, nàng không khỏi nghĩ đến một cuộc dọ hỏi của Thăng với ý-định lập gia-đình. "Sao hắn lại hỏi thế, định cưới mình à, và lo thiếu ăn à?".
Tuyết tự hỏi thế rồi nhìn lại Thăng và buồn cười hết sức. Nàng cùng tâm-trạng, cùng với quan-niệm người con gái của thế-hệ bây giờ: Một bạn trai mới, đâm ra yêu họ thì họ xem là tự-nhiên. Nhưng nếu anh bạn trai ấy chưa yêu mà muốn cưới họ thì họ thấy buồn cười.
- Cái đó cũng tùy, nàng đáp, khổ thì đành là khổ, nhưng vấn-đề phải đặt như thế nầy: em chịu đựng sự khổ có được hay không, và có lý-do gì để phải chịu đựng như thế hay không?
Tuyết đặt vấn-đề rất đúng, Thăng nghe như vậy, và tự-nhiên chàng nghĩ đến Thu-Vân. Thu-Vân đã được võ-trang đầy đủ để chinh-chiến trong trận đời. Như vậy nàng chịu khổ dễ-dàng. Nàng có lý-do gì hy-sinh sung-sướng vật-chất hay không? Có, nàng được dịp làm lại cuộc đời với một người chưa vợ. Người ấy trẻ, khỏe-mạnh, có học, và có thể có tương-lai. Đúng lý ra thì như thế, nhưng biết Thu-Vân có nghĩ như vậy hay không?
Trong khi Thăng nghĩ vẩn-vơ thì Tuyết đã mở tủ sách lấy ra một tập lưu-bút, thứ bán trên thị-trường mà cô nữ-sinh nào cũng có. Nàng mở tập ra, chìa trước mặt Thăng mà đòi:
- Anh cho ba chữ làm kỷ-niệm.
- Tôi giỏi tạc đá, nhưng viết rất tồi.
- Không hề gì, miễn có chữ ký của nhà điêu-khắc là đủ lắm rồi.
- Tôi chưa nổi danh và chắc không bao giờ nổi danh
Cầm bút suy-nghĩ để viết một câu ý-nhị, Thăng lại nghĩ miên-man đến Thu-Vân. Chàng để bút trong tập nầy vào trang kế chót. Tập vở của Bạch-Tuyết đã bị người ta bôi mực lọ-lem gần hết, và tập vở đời của Thu-Vân cũng thế. Nhưng vì chỉ là tập vở thôi, nên Bạch-Tuyết còn chọn lựa. Nếu Bạch-Tuyết ngày kia có yêu chàng chăng nữa, thì tình yêu ấy cũng không tuyệt-đối cho lắm. Còn chán vạn thanh-niên mà Tuyết có thể thấy là hơn chàng.
Thu-Vân thì khác. Nàng đã sống thật-sự trong bao nhiêu trang đầu của tập vở đời nàng, đã biết rõ những kẻ đề-bút, đã thất-vọng về họ, đã đau-khổ vì họ. Không, Thu-Vân sẽ không còn tiếc đã hụt lấy ai, và không ao-ước ai nữa. Nàng sẽ yêu chàng bằng thứ tình cặn, và chính vì nó là cặn, nó không còn lắng xuống nữa, nó sẽ năm yên dưới đáy cốc.
Đã hơn mười giờ sáng rồi. Thăng đến đây hồi chín giờ kém mười lăm, kể ra đợi chờ trong bao lâu đó cũng là nhẫn-nại lắm rồi.
Chàng bắt đầu sốt ruột và ngó ra cửa rất thường, khiến Tuyết cũng sốt ruột lây. Người reo lên trước tiên không phải là chàng mà là Tuyết. Tuyết reo như em nhỏ mừng mẹ đi chợ về:
- A! Chị Ba về!
Thăng không nói gì nhưng xô ghế kêu một cái rột, đứng lên như mông bị phỏng lửa, khiến trong giây phút, Tuyết chợt thoáng hiểu được tình-cảm của anh con trai nầy đối với chị nàng.
Không hiểu vì sao, nàng bỗng nghe hơi khó chịu nơi lòng.
Sự vui mừng của Thăng phù-du như xe hơi qua cửa. Chàng cụt hứng một giây vì theo sau bén gót Thu-Vân là một người đờn-ông cùng lứa với nàng. Người nầy ôm kè-kè nào là hộp giấy, nào là giỏ dây ni-lông. Chắc hắn thấy Thu-Vân cồng-kềnh nên theo đưa về nhà.
Thình-lình một ý-nghĩ khiến cho Thăng sa-sầm nét mặt lại. Thu-Vân đã nói là có ký hiệp-ước với "ổng" không có bạn traì nữa, và nàng chỉ xé rào một lần vì chàng. Thế người nầy bà con à?
Chàng bối-rối đến đỗi quên cả lịch-sự, không đáp cái chào vui-vẻ của Thu-Vân, mà cũng không chào người khách mới.
Thăng đang bắt chợt lòng chàng hồ-nghi và ghen. Ừ, chàng ghen.
- A, ha, thế ra mình đã yêu rồi đây! Chàng reo thầm lên như vậy.
Đồng thời Bạch-Tuyết cũng bắt chợt được tâm-trạng đó nơi nàng, khi tế-nhận cơn ghen của Thăng, và biết chắc là hắn yêu chị nàng, tức là không yêu nàng.
Tình yêu đang phôi-thai nơi lòng đôi bạn trẻ, chưa chín muồi và chính họ cũng không dè, được hai cơn ghen làm cho trưởng-thành một cách đột-ngột, đốt giai-đoạn khiến họ kinh-ngạc cho lòng họ hết sức.
Đây là giây phút đầu-tiên trong đời họ mà họ nghe một niềm đau xót vô-ngần dày-vò tim non của họ. Cả hai đều mới vở lòng yêu, và đều vở lòng đau-khổ vì yêu.
--------------------------------
1 Không tốt (pas bon)
Mối Tình Cuối Cùng Mối Tình Cuối Cùng - Bình Nguyên Lộc Mối Tình Cuối Cùng