Books had instant replay long before televised sports.

Bern Williams

 
 
 
 
 
Tác giả: Robert C. O'brien
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 28
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1077 / 13
Cập nhật: 2017-06-11 10:58:02 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Điền Trang Boniface
hị Frisby nói: “Jonathan và thầy Ages đã bung lưới chắn.”
“Phải,” Nicodemus nói, “và không có họ thì tôi không tin chúng tôi làm nổi. Khung thép rất khỏe, cái chốt rất chắc, còn lưới thì cứng đến nỗi chúng tôi chẳng đời nào uốn được đến khi đủ rộng cho một đứa trong bọn chui ra. Thế nên chúng tôi rất mừng có họ đi cùng và hỏi, sau cùng, họ có muốn ở lại cùng chúng tôi không. Vì chỉ còn lại hai người nên họ nói có, ít nhất là trước mắt.”
Và chuyện ấy khởi đầu cho một hành trình sẽ kéo dài gần hai năm, với vài lần ngắt quãng. Có những chặng dễ chịu (ban đầu cảm giác thật tuyệt vời, chỉ cần được tự do trở lại và quẳng hết những đai đeo cổ), có những chặng thật kinh hoàng. Tôi đã ghi chép lại tất cả mọi chuyện, và nếu có bao giờ chuột tự xuất bản sách thì tôi sẽ viết một cuốn về chuyện ấy. Đấy sẽ là một cuốn sách dài đầy khổ ải hiểm nguy, quá nhiều chuyện chẳng thể kể ngay bây giờ được. Cũng chính trong một giai đoạn nguy hiểm ấy mà tôi mất một bên mắt và nhận cái sẹo bà đang thấy bây giờ.
Nhưng chúng tôi cũng có nhiều thời điểm sung sướng, và một vài trường hợp đại may mắn, đặc biệt là hai lần, góp phần giải thích làm sao chúng tôi lại ở đây và kế hoạch bây giờ là gì.
Khi chúng tôi thoát ra thì đang là chớm hè. Chúng tôi đã biết từ trước - có thể đoán ra nhờ ánh sáng vào cửa sổ mãi cuối ngày, dù khi cuối cùng lên được mái nhà thì trời đã tối. Nhưng chúng tôi xuống theo mặt tường nhà không khó khăn gì. Ở góc tường có những máng nước dọc rất nhiều chỗ bám chân (chúng tôi thả tuốc nơ vít và cuộn chỉ vào một máng); thấp hơn tí nữa thì có dây thường xuân; chúng tôi đều leo trèo giỏi, và lại còn ánh trăng soi đường. Chưa đến mười lăm phút chúng tôi đã xuống tới mặt đất. Chọn đường trong những vệt bóng tối nhất, luồng dưới bụi rậm khi có thể, chúng tôi nhanh chân chạy xa khỏi Nimh, ban đầu chẳng biết cũng chẳng cần biết đang đi về phía nào. Không ai thấy chúng tôi cả.
Trong vài tuần tiếp theo chúng tôi cố sức sống. Về mặt nào đó chúng tôi phải học lại từ đầu cách sống như thế nào, bởi cho dù thế giới bên ngoài phòng thí nghiệm vẫn như cũ nhưng chúng tôi đã khác xưa rồi. Có đôi lúc chúng tôi buộc lòng phải tìm thức ăn trong đống rác hay thùng rác. Nhưng vì biết đọc, chúng tôi nhận ra được các biển hiệu: Thực phẩm, Siêu thị, Thịt & Rau, chẳng hạn, cho biết bên trong có thức ăn có thể lấy đi. Và có lần trong siêu thị ban đêm (người ta luôn để lại vài ngọn đèn) chúng tôi còn đọc được biển hiệu trên tường chỉ cho đến Khu số 8: Sản phẩm Bơ sữa (pho mát), Khu số 3: Bánh nướng các loại, vân vân. Ở nông thôn thì có những nhà kho hay hầm ủ chất đầy ngũ cốc, những chuồng gà đầy trứng gà.
Đôi lúc chúng tôi cũng gặp những chuột khác, hai ba lần còn nói chuyện với chúng nhưng chẳng được lâu. Vì chỉ sau vài lời trao đổi là chúng sẽ nhìn chúng tôi bằng con mắt lạ lẫm rồi lủi đi mất. Bằng cách nào đó chúng nhận ra chúng tôi không giống mình. Tôi nghĩ ngay cả bề ngoài chúng tôi cũng khác: hoặc đồ ăn, hoặc những mũi tiêm ở Nimh đã làm chúng tôi to khỏe hơn hẳn chuột bình thường, và mọi chuột lạ mặt chúng tôi gặp trông đều có vẻ yếu và lùn đến ngạc nhiên. Thế là ngay đến giống loài mình, chúng tôi cũng bị tách biệt.
Chính trong thời kỳ ở nông thôn mà chúng tôi gặp điều may mắn lớn đầu tiên. Khi ấy chúng tôi mới vừa quyết định kiếm nơi nào sống lâu dài sau bốn tháng tự do lang bạt, nếu không phải vĩnh viễn thì ít nhất cũng qua mùa đông. Chúng tôi nghĩ tốt nhất là ở nông thôn nhưng cũng đừng xa thành thị quá, để vừa tiện đường đến hàng thực phẩm vừa đến được kho thóc hay vườn.
(Cũng chính vào khoảng này tôi bắt đầu suy nghĩ, có phần e ngại, về chuyện bất cứ thứ gì mình ăn hay bất cứ thứ gì cần dùng đều phải đi ăn cắp. Đấy vẫn là cách sống của chuột trước nay. Thế nhưng - sao lại thế? Tôi có nói chuyện với vài người khác. Chuyện đó mở đầu cho một nỗi bức xúc và một ý tưởng mạnh lên không ngừng, dù chậm.)
Khi ấy là mùa thu. Tối hôm ấy chúng tôi đang đi trên con đường quê uốn khúc. Không hẳn là chúng tôi đi trên đường, mà là sát mép đường, dễ lẩn vào bụi cây hay mương nước nếu có người tới gần. Chắc bà cũng hiểu là hai chục chuột cống cùng một đôi chuột nhắt nối đuôi nhau đi sẽ gợi chút hiếu kỳ, mà chúng tôi thì không muốn thế.
Đang đi, chúng tôi gặp một hàng rào sắt uốn rất cao, trông như một hàng giáo sắt đen chằng vào nhau, mũi chĩa lên trời - một hàng rào khá đắt tiền bao quanh một điền trang lớn, ở giữa có ngôi nhà to trông rất sang trọng, xung quanh là sân bãi vườn tược chỉn chu. Chúng tôi cứ đi qua hàng rào đến khi gặp cổng.
“Trong này chẳng có ai sống đâu,” Justin nói.
“Sao cậu biết?”
“Cổng có ổ khóa kìa. Và anh nhìn xem. Cỏ khô mọc ngay ngoài cổng và cũng không bị gãy gập nữa. Lâu lắm rồi chẳng có ai lái xe qua cổng này.”
Ngôi nhà trông có vẻ tĩnh mịch hoang vu. Trước cửa, hộp thư há hốc cái miệng rỗng.
“Anh đang nghĩ không biết ta có vào được không,” Jenner nói.
“Để làm gì?”
“Nhà này rất lớn. Thế nào cũng có tủ thức ăn lớn, tủ ly lớn, tủ lạnh lớn. Nếu cái nhà cũng trống rỗng như bề ngoài thì...”
Chúng tôi hướng về phía sân bãi, di chuyển rất thận trọng, dừng chân dưới mấy bụi cây theo dõi các cửa sổ. Khi hoàng hôn xuống, đèn bật sáng ở vài cửa sổ cả tầng trên lẫn tầng dưới.
Jenner nói: “Cái đó là để chúng ta nghĩ có người bên trong.”
“Đúng thế,” Justin nói, “nhưng thực ra không có. Tôi nhìn thấy một cái đèn bật lên. Bên cạnh không có ai cả. Và tất cả cùng bật một lúc.”
“Công tắc tự động à. Để xua đuổi trộm.”
“Đừng hòng xua đuổi được tôi,” Justin nói. Cậu chạy lại ngôi nhà, trèo lên một bệ cửa sổ nhìn vào trong. Cậu chuyển sang cửa khác. Rồi cậu trở lại. “Chẳng có ai cả,” cậu nói.
Thế là chúng tôi kéo vào. Có một cửa sổ nhỏ sau nhà mặt kính bị nứt, chúng tôi gõ một góc cho rời ra rồi trèo vào qua đó. Ban đầu chúng tôi dự định chỉ đi tìm thức ăn. Thức ăn thì chúng tôi đã tìm được, đủ để sống một năm hoặc hơn nữa. Như Jenner đã dự đoán, có một tủ lạnh rất lớn với đủ chủng loại đồ ăn - bánh mì, thịt, rau, gì cũng có - lại còn cả một phòng chất đầy kệ toàn là đồ hộp. Ban đầu đồ hộp có làm chúng tôi lúng túng như lúc ở trong siêu thị. Chúng tôi đọc được bên trong có gì nhưng chẳng biết cách nào lấy ra được. Rồi Arthur tìm thấy cái máy trên mặt bếp. Anh đọc hướng dẫn trên thân máy: Đẩy lon vào dưới dao rồi gạt công tắc. Chúng tôi thử làm. Cái lon chầm chậm xoay trong máy và khi chúng tôi lôi ra thì nắp đã được cắt rời. Tôi chẳng bao giờ quên món đồ trong hộp ấy: trai hầm hành, ngon tuyệt.
Sau khi ăn no chúng tôi dạo quanh nhà. Đây đúng là biệt thự nhà giàu, đồ đạc tuyệt đẹp, thảm treo và thảm trải sàn cũng vậy. Phòng ăn có đèn chùm pha lê, phòng khách có lò sưởi đá lớn.
Nhưng món quà vô giá cho chúng tôi lại nằm trong phòng làm việc. Đấy là một căn phòng lớn hình chữ nhật, tường ốp gỗ óc chó, bàn gỗ óc chó, ghế bành da, sách xếp kín tường đến tận trần. Hàng ngàn cuốn sách về mọi chủ đề có thể tưởng tượng ra. Có hàng kệ sách bìa mềm, có từ điển bách khoa, sách sử, tiểu thuyết, sách triết, sách giáo trình vật lý, hóa học, điện tử học và các loại khác tôi không kể xuể. May hơn nữa là còn có cả một cái thang có bánh xe nhỏ người ta vẫn dùng trèo lên giá cao trong thư viện.
Thế là chúng tôi nhào vào kho sách ấy, hau háu còn hơn khi nhào vào đồ ăn nữa, và sau cùng chúng tôi dọn vào ở trong nhà ấy suốt mùa đông. Chúng tôi về sau đã phát hiện ra có thể làm thế mà không sợ bị bắt gặp. Phát hiện đó là nhờ vài mảnh báo cắt tôi thấy trên bàn trong phòng làm việc: tất cả đều đưa tin về một đám cưới, và hầu như báo nào cũng đăng ảnh đôi uyên ương mới cưới rời khỏi một ngôi nhà bắt đầu chuyến trăng mật. Chú rể là một ông Gordon Boniface nào đó - “người thừa kế gia sản nhà Gould-Stetson”- còn ngôi nhà họ rời đi chính là ngôi nhà chúng tôi đang ở. Theo như báo đăng thì họ đang trong một chuyến du hành vòng quanh thế giới. Họ sẽ trở lại Điền trang Boniface vào tháng Năm. Từ giờ đến đó thì đây sẽ là điền trang của chuột.
À, còn có một người quản gia kiêm làm vườn ghé đây ba lần một tuần, thi thoảng ông ta cũng kiểm tra ngôi nhà một cách chiếu lệ. Cụ thể là ông ta mở cửa chính, nhìn quanh một vòng xem mọi thứ trông có ổn không, rồi khóa cửa ra về. Nhưng ông ta không sống ở đây mà ở căn nhà nhỏ cuối đường. Và chúng tôi đã lường trước sẽ có ông ta. Nhìn vẻ sạch sẽ của ngôi nhà, cỏ được xén, lá được cào, vườn được rẫy cỏ và tưới nước, chúng tôi đã đoán chắc hẳn có ai vẫn chăm sóc ngôi nhà. Thế nên chúng tôi cắt gác, nhìn thấy ông ta đang đến, và theo dõi suốt thời gian ông ta ở đây. Và chúng tôi cẩn thận để mỗi khi ông ta nhìn vào trong nhà, mọi thứ trông đều ổn.
Như thế cũng đòi hỏi khá nhiều công sức. Chúng tôi phải tha hết lon đồ hộp rỗng và các món rác khác ra ngoài vào buổi đêm, giấu vào một chỗ trong rừng khá xa nhà. Chúng tôi làm gì cũng dọn dẹp rất cẩn thận. Chúng tôi học cách dùng vòi nước và giẻ lau bụi cất trong ngăn chổi trong bếp. Nếu người quản gia có nhìn kỹ thì ông ta sẽ thấy bếp còn bóng hơn các nhà vắng chủ thông thường là khác. Nhưng ông ta chẳng nhìn. Ông ta cũng chẳng bao giờ nhận ra góc kính nhỏ bị vỡ ở cửa sổ sau nhà.
Và suốt mùa đông, cho đến tận khuya, chúng tôi đọc sách và học viết.
Mẹ Frisby Và Gia Đình Chuột Mẹ Frisby Và Gia Đình Chuột - Robert C. O'brien Mẹ Frisby Và Gia Đình Chuột