Love is like a roller coaster,

Once you have completed the ride,

you want to go again.

Unknown

 
 
 
 
 
Tác giả: Robert C. O'brien
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 28
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1077 / 13
Cập nhật: 2017-06-11 10:58:02 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Lưỡi Cày Của Ông Fitzgibbon
ào đến nhà, chị Frisby thấy Timothy đã ngủ còn các con ngồi quanh đợi, vừa sợ vừa buồn, nín lặng.
“Mẹ đi thì em ngủ luôn,” Teresa nói. “Em bị tỉnh dậy hai lần, lần sau thì không mê sảng. Em nói bị đau ở ngực và đau đầu nữa. Nhưng em có vẻ yếu lắm mẹ ạ, em gần như không nói được. Em hỏi mẹ ở đâu nên con trả lời. Rồi em ngủ lại.”
Chị Frisby đến bên Timothy đang nằm, cuộn tròn thành nắm lông ướt dâm dấp dưới mẩu chăn vải. Trông chú chẳng lớn hơn cái hồi sơ sinh được bố mẹ mang tới nhà thầy Ages là mấy, và nghĩ tới đó chị lại ước giá gì anh Frisby còn sống, anh sẽ vỗ về lũ trẻ, bảo chúng đừng lo. Nhưng anh mất rồi, nên chính chị sẽ phải nói thay câu đó.
“Các con đừng lo,” chị nói. “Thầy Ages có cho mẹ ít thuốc cho em uống, thầy bảo em sẽ khỏi.” Chị hòa thứ bột nửa xanh nửa xám trong một gói vào nước, rồi nhẹ nhàng lay Timothy.
Chú mỉm cười. “Mẹ về rồi à,” chú chỉ đủ sức thì thầm rất khẽ.
“Mẹ về rồi, mẹ mang thuốc về cho con đây. Thầy Ages nói uống vào con sẽ đỡ lắm.” Chị nâng đầu chú trên tay, chú uống hết cốc thuốc. “Mẹ nghĩ là đắng đấy,” chị nói.
“Không đắng lắm đâu,” chú nói. “Vị nó như hạt tiêu thôi.” Rồi chú lại lập tức ngủ thiếp.
Sáng hôm sau, như đã tính, cơn sốt hạ xuống, chú thở dễ hơn và nhịp tim cũng dịu lại, nhưng chú vẫn ngủ thẳng bảy giờ liền mới tỉnh mỗi lần. Ngày hôm sau chú thức được lâu hơn, đến ngày thứ ba thì hoàn toàn không sốt nữa, đúng như thầy Ages nói. Nhưng thầy Ages đã nói đúng mọi chuyện ấy thì chị Frisby hiểu rằng chắc chắn thầy cũng nói đúng những chuyện còn lại: Timothy vẫn chưa khỏe hẳn đâu. Chú sẽ phải nằm yên trong giường, giữ ấm và chỉ được thở không khí ấm.
Trong ba ngày đó chị ở sát bên giường chú, nhưng đến ngày thứ tư chị đã hởi lòng hởi dạ quyết định ra ngoài đi dạo, và đi lấy thêm ít ngô ở gốc cây cụt làm bữa tối cho cả nhà.
Chị bước ra cửa trước là chìm trong ánh nắng và rất ngạc nhiên thấy mùa xuân đang đón chờ mình. Trong mấy ngày chị ở trong nhà thì trời đã chuyển ấm, tháng Hai đã qua và tháng Ba đã về như một chú cừu non tung tăng, như người ta thường nói. Không khí có mùi ẩm ướt vì băng đang tan trên nền đất đông, mùi vạn vật chuẩn bị vươn vai dậy. Cảnh đó khiến chị càng thêm khoan khoái, chị gần như hớn hở bước đi qua khu vườn.
Thế nhưng dù ngày có ấm áp dễ chịu đến mấy - hoặc đúng hơn là chính vì thế - chị Frisby chẳng thể xua tan nỗi lo lắng dai dẳng vẫn lấp ló trong đầu; đấy là thứ nỗi lo nếu đẩy ra khỏi góc này thì sẽ lại nảy ra ở góc kia trong trí, rồi cuối cùng ở chính giữa và lúc đó thì chẳng thể trốn đối mặt với nó được. Đấy là nỗi lo về buổi Dọn Nhà.
Ai cũng biết là chuột mác mốt thường ló đầu khỏi cái hang sâu đã ngủ suốt mùa đông, nhìn quanh một vòng, và nếu nghĩ trời vẫn chưa hết lạnh sẽ chui xuống ngủ thêm sáu tuần nữa. Chuột đồng như nhà chị Frisby thì không có được cái may mắn này. Khi đông hết, họ sẽ phải dời ra khỏi vườn, trở lại đồng cỏ hay bãi chăn thả. Vì ngay khi thời tiết thuận lợi, ông chủ trại Fitzgibbon sẽ cho máy kéo chạy ầm ì, kéo lưỡi cày sắc bén qua lòng đất mà lật tung từng tấc một. Chẳng con vật gì kẹt lại trong vườn hôm ấy hòng sống sót, mọi nhà ở mùa đông dù là đường hầm hay hang hốc, tổ chim hay kén đều bị xé toang. Sau lưỡi cày là đến lưỡi bừa, những vành tròn nặng ken két, sau nữa là đoàn người vác cuốc gieo hạt.
Tất nhiên cũng không phải chuột đồng nhà nào cũng dọn vào vườn sống mùa đông. Một số tìm đến gác xép kho thóc, số khác thậm chí còn lẻn vào nhà con người, ở dưới mái hiên hay gác mái, liều mình sống chung với bẫy chuột. Nhưng nhà Frisby trước nay vẫn vào ở trong vườn để có được sự an toàn và tự do tương đối của cuộc sống ngoài trời.
Vì thế ngày Dọn Nhà của họ phụ thuộc vào thời tiết, và cũng vì thế ngày đẹp trời khiến chị Frisby lo lắng, tuy vẫn làm chị vui lòng. Chỉ cần băng giá thôi đóng cứng đất là lưỡi cày sẽ bập xuống, và ngày ấy có thể lệch sớm tới một tháng (hay một tháng muộn hơn) từ năm này qua năm khác.
Và chị lo lắng là vì thế này: Nếu ngày ấy tới sớm quá, Timothy sẽ chưa thể đi lại được. Chú cần phải ở yên trên giường, mà dọn nhà thì sẽ phải đi bộ quãng dài qua đồng lúa mạch vụ đông, lên đồi rồi xuống đồi cho tới ven con suối là nơi có nhà ở mùa hè của gia đình Frisby. Không chỉ có thế, nhà ấy cũng sẽ ẩm ướt lạnh lẽo mất vài tuần đầu (vì nhà mùa hè nào cũng thế) tới khi đầu xuân chuyển qua cuối xuân và đêm ấm hẳn. Cứ như mọi khi thì chị Frisby và các con chẳng bao giờ lấy đó làm lo ngại; thậm chí ngày Dọn Nhà thông thường còn là một ngày vui, chấm dứt thời tiết u ám và băng giá. Chẳng khác nào ngày mở đầu kỳ nghỉ hè.
Nhưng còn năm nay thì sao? Đã đối mặt với vấn đề này, chị Frisby chẳng tìm ra cách nào mà chỉ còn hy vọng ngày ấy không đến sớm quá. Chỉ một tháng nữa (theo thầy Ages bảo), Timothy sẽ khỏe khoắn trở lại. Có thể chị chỉ đang mua phiền chuốc não thôi. Chị tự nhủ một ngày ấm chẳng làm nên mùa hạ. Kể cả mùa xuân cũng không.
Chị đi tiếp qua vườn thấy đằng trước có một dáng hình nhỏ con quen thuộc. Đấy là một bà chuột chù tí xíu, thân hình chỉ nhỉnh hơn hột lạc nhưng cái lưỡi thì sắc bén chẳng kém gì bộ răng. Bà ta sống trong cái hang đơn giản dưới lòng đất chỉ cách đó mấy thước. Chị Frisby gặp bà ta đã nhiều và dần dà trở nên mến bà ta, mặc dù chuột chù ít khi giành được cảm tình của các loài khác, do tính khí cắm cảu và cái bụng vô đáy đã thành tiếng.
“Chúc bác một buổi sáng đẹp trời,” chị Frisby nói.
“À, bác gái Frisby đấy à. Trời đẹp thật. Đẹp không chịu nổi là đằng khác.” Bà chuột chù đang cầm một cọng rơm, cắm nó xuống mặt đất. Cọng rơm thun thút lún xuống cả năm tấc rồi mới cong lại dưới tay bà. “Bác nhìn xem. Lớp giá trên cùng đã tan đi rồi. Vài ngày như thế này nữa là hết hẳn. Rồi là chúng ta sẽ lại gặp cái lưỡi cày ở đây, đi đến đâu phá đến đấy.”
“Sớm thế cơ à? Bác nghĩ thế thật à?” chị Frisby hỏi, nỗi lo lại ập về mạnh hơn bao giờ hết.
“Ông ta lúc nào cũng cày ngay khi tan giá. Nhớ mùa xuân năm sáu lăm không? Năm đó ông ta cày ngày 11 tháng Ba, mà là Chủ nhật nữa đấy. Tôi dọn xuống rừng ngay đêm đó, suýt tí chết cóng trong một bọng gỗ rỗng xập xệ. Và đấy là sau một tuần toàn những hôm y hệt hôm nay.”
Chị Frisby nhớ rõ lần đó, cả nhà chị cũng đã run lập cập cả mấy đêm rét buốt ấy. Vì sự thể là, buổi Dọn Nhà càng đến sớm thì đêm càng rét ra trò.
“Chao ôi,” chị nói. “Tôi hy vọng năm nay không phải thế. Cháu Timothy ốm quá không thể đi được.”
“Nó ốm à? Mang đến chỗ thầy Ages ấy.”
“Tôi đã tự đến rồi. Nhưng cháu nó yếu quá không ra khỏi giường được, giờ vẫn vậy.”
“Khổ thân bác. Đành hy vọng sẽ có một đợt rét nữa, hay là cái máy kéo sẽ hỏng vậy. Tôi mong có ai lái máy kéo ủi qua nhà ông ta, xem ông ta có thích thú được không.” Vừa lẩm bẩm, bà chuột chù vừa đi mất, và chị Frisby lại đi tiếp qua vườn. Nhận xét thế thì tất nhiên hơi bất hợp lý, vì cả hai đều biết không có lưỡi cày của ông Fitzgibbon thì cũng chẳng có vườn mà sống đâu, và ông ta có cách nào xới đất mà không xới tung nhà cửa của họ lên được.
Hay là vẫn có cách? Bà chuột chù nói thế tỏ ý chia sẻ, nhưng chẳng giải quyết được gì. Chị Frisby nhận ra nói thế có nghĩa là chính bà cũng chẳng nghĩ ra được giải pháp nào cho tình thế ấy. Nhưng không có nghĩa là hoàn toàn chẳng có giải pháp nào hết. Chị nhớ lại một câu anh Frisby vẫn thường nói: Cửa nào cũng khó mở trừ khi tìm đúng chìa. Phải rồi. Chị phải cố tìm ra chìa khóa. Nhưng tìm ở đâu? Hỏi ai bây giờ?
Và rồi, như muốn tình hình xấu thêm, chị nghe thấy một âm thanh làm chị chấn động toàn thân. Âm thanh ấy từ bên kia hàng rào bay lại, một tiếng gầm lớn phành phạch nổi lên trong sân trại. Ông Fitzgibbon đang khởi động máy kéo.
Mẹ Frisby Và Gia Đình Chuột Mẹ Frisby Và Gia Đình Chuột - Robert C. O'brien Mẹ Frisby Và Gia Đình Chuột