Love, like a mountain-wind upon an oak, falling upon me, shakes me leaf and bough.

Sappho

 
 
 
 
 
Tác giả: Duyên Anh
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 8
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1645 / 54
Cập nhật: 2016-06-17 13:09:35 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 8
ùa mưa dứt, gánh Đồng Ấu đã rời Tân Châu. Qua một quãng đường và một con đò, chúng tôi tới tỉnh lỵ Châu Đốc. Gánh hát không gặp may ở đây. Bữa tạnh bữa mưa. Mới diễn được ba đêm thì đại ban từ Sàigòn xuống, gánh Đồng Ấu cảm thấy lép vế, thu dọn đồ nghề ra đi. Lại dọc đường gió bụi, lui về quận Cái Dầu. Rồi về Long Xuyên, Thốt Nốt, Ô Môn... Càng đi xa, đi nhiều, gánh Đồng Ấu càng nghèo nàn, rách rưới. Tôi thương nghệ sĩ Năm Chiêu, ông Nghị bội phần. Tình thương, đôi khi, đã làm mờ tình tôi yêu Liên Hương.
Hai con người đã từng làm vua, làm hiệp sĩ trên sân khấu Bắc, Nam, từng làm đau nhói biết bao con tim phụ nữ ở bốn phương trời; hai con người từng tạo ra vua, hoàng hậu, hiệp sĩ, từng xây dựng những vương quốc hạnh phúc ấm no trong trí tưởng tượng. Và trí tưởng tượng đó giãi bày xuống giấy trắng thành những vở tuồng. Giờ đây, túng đói, cực khổ vì chuyện tạo ra vua, tạo ra hiệp sĩ, tạo ra ý nghĩa đẹp đẽ cho cuộc đời. Người nghệ sĩ chỉ đủ khả năng dựng lớp lang cho nhân loại nhưng đã bất lực khi muốn dựng một đoạn kết đẹp rực rỡ cho chính bản thân mình.
Số kiếp người nghệ sĩ Việt Nam, dường như, đều bị ràng buộc bằng đói rách, bênh hoạn. Ít có người chết bình thường, chết sau khi đã bằng lòng những gì mình làm xong. Những người viết văn làm thơ, soạn kịch, chết đi còn để lại tí tên tuổi còm. Chứ nghệ sĩ Năm Chiêu, ông Nghị chết đi sẽ để lại cái gì? Ai biết ông Tư Chơi, ai biết ông Huỳnh Thái bây giờ ra sao? Cùng lắm, người ta nói "Họ đã chết rồi, họ đã giải nghệ rồi". Sau này, người ta ngâm thơ Đinh Hùng, người ta nức nở khen. Nhưng mấy ai chịu nhớ, khi ông nằm yên dưới mộ, bạn bè thân thích của Đinh Hùng phải góp tiền mua cho vợ con Đinh Hùng căn nhà bé nhỏ tiều tụy.
Tôi bắt đầu sợ cái tương lai "nằm gánh". Tôi phải thú thật rằng tôi không dám liều lĩnh, không dám bỏ cái gì đang có để kiếm cái gì sắp có. Vì thế, tôi thiếu đam mê không si tình mãnh liệt. Tôi dễ chán nản. Việc gì khó khăn, tôi lẩn tránh, Tôi bằng lòng với trái cây vừa tầm tay tôi, dù trái cây đó èo ọt, xanh chua. Tôi lười biếng tỏ tình vì nhút nhát. Bị thất vọng, tôi quên ngay. Và bị hắt hủi, tôi không dám nhìn mặt người hắt hủi tôi. Đau khổ cho một người con gái nào trót yêu tôi. Ví như nàng hẹn hò thì chỉ cần một cơn mưa nhỏ, tôi cũng sẵn sàng bắt nàng chờ đợi. Tôi không đến.
Tình tôi yêu Liên Hương thoang thoảng dần "dọc đường gió bụi". Tôi không biết mơ mộng. Phải chăng, đời tôi nhiều gian truân ở tuổi thanh xuân.
Ông Nghị đã nằm bên tôi suốt đêm mưa khi gánh Đồng Ấu đổi lộ trình lùi lại Thốt Nốt qua đò Vàm Cống và nằm tạm ở quận lỵ Lấp Vò. Ông buồn rầu nói:
- Thầy ốm yếu quá rồi, con ạ!
Câu nói thật ai oán não nề.
- Thầy sợ không còn sống lâu chờ ngày con đi xa trở về. Nhưng thầy đã viết thư gửi gấm con cho một người bạn ở Sàigòn.
Tôi xúc động quá, chưa kịp nói gì, ông Nghị đã tiếp:
- Đấy, đoạn kết của một kép hát nó như vậy đấy. Thầy biết con mê Liên Hương.
Tôi chối ngay:
- Con không mê nó.
Và tôi nói thật:
- Con sợ "nằm gánh" rồi.
Ông Nghị luồn tay vào mình mẩy tôi. Bao giờ cũng thế, mỗi lần ông Nghị mơn man những ngón tay ông lên da thịt tôi, tôi đều cảm giác ông sang máu ông cho tôi. Lần này, ông Nghị mơn man thật lâu. Ông nói với tôi thật nhiều. Tôi khóc. Ông Nghị để mặc tôi khóc. Cha tôi chết sớm quá, chết vào những ngày tôi chưa biết hưởng thụ tình cha con. Ông Nghị đã đền bù tôi tình thương yêu cao cả đó. Lúc ông Nghị nằm bên tôi, khuyên bảo tôi, tôi không muốn nhớ Liên Hương. Tôi quên "nàng" quên hẳn "nàng" hôm "nàng" gọi tôi là "em". Tôi thiếu tự tin suốt đời. Tôi biết tôi sẽ chẳng làm nên chuyện gì bất ngờ khác, ngoài chuyện viết tiểu thuyết buồn tẻ cho các nhật báo để nuôi vợ con. Như ông Nghị, tôi đang làm anh kép hát già, hy vọng chuyến đi xa của con tôi. Bởi tôi bình thản cơ hồ bữa cơm gia đình, không một mối tình trai gái đẫm lệ tuyệt vọng. Không một tham vọng qua tầm tay với của mình. Có lẽ, nhờ vậy, tôi không được hưởng cái "thú đau thương".
Những ngày nằm ở Lấp Vò, tôi thấy tôi lớn lên, khôn ra. Tôi nhìn thấy sự tơi tả của gánh Đồng Ấu và cảm ơn ông Nghị đã khuyên tôi đừng gửi đời mình làm kép hát cải lương. Nhiều lần nghe ông Nghị khuyên bảo, tôi đã hứa vâng lời ông. Rồi tôi quên. Tôi không muốn vươn lên, đi xa, khác những người khác; tôi muốn theo gánh Đồng Ấu "làm mọi" cho Liên Hương suốt đời. Lần này, ông Nghị bảo sẽ gửi tôi về Sàigòn, tôi bỗng sợ sệt cuộc sống. Rủi ro ông Nghị chết trên đường lưu diễn, tôi sẽ ra sao.
Ai sẽ vì tôi nói hết với tôi chuyện cuộc đời? Ai sẽ luồn tay mơn man lên da thịt tôi, an ủi tôi những lần tôi bị hắt hủi, xua đuổi?
Dạo này, ông Nghị ít ăn, ít ngủ. Đêm nào ông cũng ngủ bên tôi để tôi gối đầu trên cánh tay gầy yếu của ông. Và những lời ông nói mơ hồ như những lời giăng giối. Tôi đã khóc. Ông Nghị vẫn mặc tôi khóc. Nhưng tuyệt nhiên, người cha nuôi Nam kỳ của tôi không vẽ cho tôi con đường mà ông muốn tôi ra đi. Chắc ông Nghị chưa nghĩ ra. Ông chỉ biết, trước hay sau, tôi sẽ giã từ gánh Đồng Ấu. Tôi có nhiều kỷ niệm gửi ở gánh Đồng Ấu. Màu sắc phông cảnh sẽ phai lạt đi song kỷ niệm của tôi còn nguyên. Vì những phông cảnh do ông Nghị vẽ đã nằm trong trí nhớ của tôi. Ở gánh Đồng Ấu, tôi được nghe nước reo và mường tượng tương lai mình reo. Ở gánh Đồng Ấu, tôi được Kim Chi, Ba Bé yêu thương. Tôi được nhiều thứ nhưng có một thứ tôi phải nhớ suốt đời tôi là không ai kêu ba tiếng "thằng Bắc kỳ" với giọng điệu miệt thị. Giá như tôi là người đam mê, thích sự gì thì phải thực hiện đến nơi đến chốn, tôi đã trở thành kép mùi thay chỗ thằng Văn Hội. Và đã được đào thương Liên Hương yêu dấu. Tôi sẽ có kỷ niệm bất diệt, nếu một mai ra đi.
Rồi trời dứt mưa. Gánh Đồng Ấu khởi sắc ở quận lỵ Lấp Vò. Chợ Mới đã đãi ngộ chúng tôi ra sao, Lấp Vò cũng đãi ngộ chúng tôi như vậy. Tiếng trống quảng cáo tuồng nghe ròn rã biết mấy. Tôi và Kim Chi lại ngồi trên xe lôi, đi khắp phố quận, ra cả ngoài châu thành. Kim Chi đã quên cụm mây "dại dột" của nó. Nó quấn quít tôi, trách móc tôi đã có hồi "cứ kể chuyện với chị Liên Hương" quên nó.
- Bộ anh thương chị Liên Hương hơn em hả?
Con bé nhắc hoài câu đó. Tôi đem chuyện miền Bắc kể cho nó nguôi giận.
Nửa tháng trời sống đỡ nheo nhóc, nghệ sĩ Năm Chiêu đã quát tháo tụi lỏi và tưới nước hy vọng trên mảnh đất cằn khô "Tụi bây sắp về Sàigòn". Sắp về Sàigòn? Điều này như nắng mùa xuân ửng hồng đôi má Liên Hương. Đôi mắt tròn to, đen lay láy. Mái tóc "nàng" thơm mùi gạo tám. Má "nàng" ngon như trái táo. Tôi không với tới vì ngại rướn người cho tay cao. Tôi ngu dại không biết tỏ tình. Tôi đã gọi "nàng" bằng "chị" xưng "em". Tôi hết hy vọng được "nàng" yêu rồi. Biết ngay mà, biết từ tối ăn mì ở Chợ Mới, đôi mắt "nàng" nhìn tôi với sự khoan dung và lòng thương hại. Thế tại sao còn ngớ ngẩn yêu "nàng"? Tình ái đó, tình ái của tôi đó. Nó lẩm cẩm, khôi hài, ngộ nghĩnh vậy đó.
Tôi đã thú thật tôi không "mê" Liên Hương. Khốn nỗi, nhìn đôi má "nàng" ửng hồng, tôi vẫn có cảm giác đê mê như hưởng thụ năm ngón tay người cha nuôi Nam kỳ mơn man trên da thịt. Tôi cố hồi tưởng những tấm phông rách rưới, bàn đèn thuốc phiện của nghệ sĩ Năm Chiêu, vòng vàng rút dần từ cổ tay má Bảy và cuộc đời ông Nghị để giữ lời hứa với ông Nghị. Tôi xa lánh Liên Hương. Thì Liên Hương càng tìm cách gần gũi.
- "Em" giận "chị" à?
- Không.
- Vậy chớ sao em không kể chuyện miền Bắc cho "chị" nghe?
- Em hết chuyện rồi.
Liên Hương nhìn tôi đăm đăm, hỏm hỉnh cười:
- Vũ kể hết cho em Kim Chi nghe rồi, hả?
Tôi đứng lặng người. Liên Hương bỏ đi. Và đến đây, mối tình đầu, mối tình câm nín của tôi chấm dứt. Không biết nhà thơ nào đã viết "Điều đau khổ nhất trên đời. Là yêu người mãi mà người chẳng yêu". Hai câu thơ không diễn nổi tâm sự của tôi. Tôi chẳng thấy đau khổ mấy, chỉ hơi buồn. Đã chắc gì tôi yêu Liên Hương? Tình tôi yêu Liên Hương biết đâu không phải là cơn gió thoảng qua vào tuổi niên thiếu? Ai đó, dường như, có viết tiểu thuyết rằng, ái tình trai gái dưới tuổi hai mươi chỉ là thứ ái tình phù du, ái tình mưa bóng mây. Trên ba mươi tuổi, người con trai mới biết yêu. Và yêu mãnh liệt.
Dù sao, tôi cũng đã hơi hơi buồn. Nhưng không ốm tương tư. Vào đúng dịp này, ban Đồng Ấu đụng độ ban Sông Hồ tại Lấp Vò. Sông Hồ của ông bầu Xưởng rách rưới thảm thê như Đồng Ấu của ông bầu Năm Chiêu. Họ là bạn nhau thuở oanh liệt cũ. Họ rủ nhau diễn một đêm "tri kỷ" cho tụi lỏi thưởng thức tài nghệ. Và đêm "tri kỷ" đó, ban Đồng Ấu nghỉ diễn để ban Sông Hồ chơi tuồng "Chu Du thổ huyết".
Tôi nhớ suốt đời tôi cái đêm "tri kỷ gặp tri kỷ" tại quận Lấp Vò tỉnh Sa Đéc. Khán giả chật rạp. Bầu Xưởng, nghệ sĩ Năm Chiêu và ông Nghị đua tài trong một vai Chu Du. Cả ba người cùng thổ huyết, vở tuồng Tầu kéo dài mà khán giả không chán. Ba Chu Du đã tưới bình minh xuống buổi hoàng hôn của hai gánh hát đang thoi thóp rả đám. Tôi đón ông Nghị ở hậu trường.
- Thầy có mệt không?
- Không, thầy khỏe lắm. Thầy sẽ thổ huyết hoài cho con sung sướng.
Tôi ôm chặt lấy ông Nghị, rên xiết:
- Thầy ơi, con thương thầy.
Ông Nghị vẫn cứ luồn tay trong áo tôi, mơn man những ngón tay ông lên da thịt tôi:
- Con dế mèn của thầy, mày nhớ nhé, cái nghề kép hát nó vậy đó.
- Con nhớ.
- Mày phải vươn lên, đi xa, không giống những người khác.
- Con nhớ.
- Sắc bất ba đào dị nịch nhân, nhớ chưa?
- Con nhớ.
Một đêm thổ huyết thành công, hai gánh Đồng Ấu và Sông Hồ xáp lại thành một gánh mang tên Năm Chiêu. Chúng tôi về tỉnh Sa Đéc, đóng đô tại rạp hạng lớn nhất tỉnh. Đêm đầu, đào thương Liên Hương và kép mùi Văn Hội chinh phục khán giả. Đêm thứ hai, bầu Xưởng muốn diễn tuồng "Chu Du thổ huyết". Tôi đi dán "áp phích" và đánh trống quảng cáo "Ba Chu Du: Năm Chiêu, Văn Nghị, Tư Xưởng đồng thổ huyết trong một vai Chu Du". Bất ngờ, đến tối, ông Nghị lên cơn sốt. Thành ra, chỉ còn hai Chu Du thổ huyết.
Nửa tiếng, trước khi cái vồ oan khiên nện xuống sàn gỗ của sân khấu, tôi từ rạp hát chạy về khách sạn thăm ông Nghị. Ông nắm tay tôi:
- Đông không con?
- Chật rạp, thầy ơi! Khán giả tới chậm không mua được giấy la ó quá trời!
Đôi mắt ông Nghị rực sáng. Ông tung mền, ngồi dậy:
- Thầy hết bịnh rồi. Mấy thuở có nắng ban đêm, con nhỉ? Con chạy ra tiệm xin cho thầy ít mùn thớt.
Tôi lo ngại:
- Thầy chưa lành mà.
Ông Nghị cười:
- Thằng Bắc kỳ này kỳ cục hết sức. Bộ mày ngỡ tao già nua không thèm vươn lên, đi xa chăng? Thầy khỏe lắm, đi xin mùn thớt cho thầy, lẹ lên.
Tôi đứng yên nhìn ông Nghị. Im lặng. Tiếng trống tuồng từ rạp hát gần đó thôi thúc, vọng lại, ông Nghị đứng lên, vươn vai.
- Lẹ lên con!
Tôi đi xin mùn thớt. Và rồi hai thầy trò tới rạp. Tôi đứng trong hậu trường xem ông Nghị uống cả lít mực điều. Ông say sưa uống như một người khát cháy cổ vớ được bình nước lạnh. Gói mùn thớt đã nằm trong túi áo Chu Du Văn Nghị.
Màn mở. Lần đầu tiên, từ ngày nhập gánh hát tôi mới thấy sân khấu dưới ánh sáng đèn điện, đèn màu. Ở Long Xuyên cũng có điện, nhưng, dạo ấy, tôi chưa mê sân khấu nên chẳng thấy cảm xúc mảy may. Khi Chu Du Văn Nghị ra đua tài, tôi rời hậu trường chạy xuống ghế khán giả. Tôi đứng sát tường rạp, ngắm Chu Du Văn Nghị. Những tràng pháo tay rào rào vỗ tặng Chu Du Năm Chiêu và Chu Du Tư Xưởng rồi. Bây giờ tới lượt Chu Du Văn Nghị.
Ông diễn tả cái sự uất ức. Tôi biết không phải là Chu Du thời Tam Quốc uất ức mà là kép hát Văn Nghị uất ức. Sự uất ức cùng độ của con người tụ tập ở dạ dày ông Nghị. Máu lãng tử cuồn cuộn chảy và lòng khinh bạc nổi bão tố. Chu Du mò tay móc gói mùn thớt. Ông xoay mình, hất mùn thớt vào miệng, nuốt vội. Mùn thớt có tác dựng rất nhanh. Vừa trôi qua cổ họng là Chu Du đã hộc trên sân khấu hàng lon máu. Chu Du Văn Nghị càng thổ huyết, càng say sưa hò hét. Ông đi quá vai trò Chu Du, nguyền rủa cuộc đời thậm tệ. Ông dậm chân thình thình, múa tay loạn cả lên. Khán giả vỗ tay muốn vỡ rạp. Ánh sáng đổi thành màu vàng vọt. Chu Du hộc máu ngập sàn khấu. Chu Du quát tháo, giẫy giụa trên vũng máu của mình. Rồi, khi mực điều theo mùn thớt ra hết, Chu Du thét một tiếng hãi hùng và không cử động nữa. Tấm màn nhung khép kín dần. Khán giả ca ngợi ông Nghị không dứt. Nhạc trỗi bài "tạm biệt".
Tôi rẽ khán giả chạy vội lên sân khấu định ôm lấy ông Nghị khen ngợi ông. Nhưng ông Nghị vẫn nằm bất tỉnh trên vũng máu mực điều. Đào kép vây quanh ông. Nghệ sĩ Năm Chiêu cúi thấp xuống quệt tay vào mép ông Nghị, phết lên cánh tay. Rồi nước mắt ứa ra.
- Thằng cha hộc máu thiệt.
Chu Du Văn Nghị đã hộc chính máu của mình. Nghệ sĩ Năm Chiêu la lớn:
- Bật đèn lên! Thiên tài đã chết rồi!
Tôi bàng hoàng. Thầy tôi đã chết rồi.
Tôi xô một kép hát, nhảy vô, ôm chầm lấy xác ông Nghị. Nghệ sĩ Năm Chiêu nghiến răng ken két. Nước mắt ông đã đầm đìa khuôn mặt trát đầy son phấn.
- Thằng ngu, giả ốm mà không biết mình ốm!
Ông òa lên khóc, bầu Xưởng khóc theo. Hai Chu Du sống khóc một Chu Du chết. Tôi khóc ngất đi. Lúc tôi tỉnh, tôi thấy tôi ngồi dưới ghế như một khán giả. Chung quanh tôi là đào kép, công nhân của hai gánh hát giang hồ Đồng Ấu - Sông Hồ. Sân khấu vẫn y nguyên phông cảnh. Màn nhung mở rộng. Nghệ sĩ Năm Chiêu và bầu Xưởng quỳ hai bên xác chết Chu Du. Tôi muốn chạy lên, song bị giữ lại. Về sau, nhớ sân khấu, tôi không thể nào quên thảm cảnh Chu Du sống thương Chu Du chết. Ông Nghị diễn một vai trò hay nhất đời ông, hay nhất loài người. Cát bụi trở về cát bụi. Nhưng kép hát phải tìm cái chết ngay trên sân khấu trong vở tuồng cuối cùng một đời người.
Khán giả loài người không được xem nghệ sĩ đóng tuồng cho chính mình. Tôi đã được xem nghệ sĩ Năm Chiêu, Tư Xưởng diễn xuất ở sân khấu tỉnh Sa Đéc. Và, với tôi, không còn vở tuồng nào diễn hay hơn. Người cha nuôi Nam kỳ của tôi đã chết. Thầy hài lòng nhé, thầy nhé! Thầy đòi thổ huyết trên sân khấu quê nhà, thầy đã thổ huyết để không bao giờ được thổ huyết nữa. Tôi nghĩ về một cụm mây dại dột của Kim Chi. Có lẽ, ông Nghị mới chính là cụm mây đơn độc ấy.
Ông Nghị đã mất. Cái bóng mát thương yêu của đời tôi đã mất. Con đường trước mặt tôi nóng bỏng, ngập nắng. Tôi theo nghệ sĩ Năm Chiêu để được ngửi mùi sân khấu giang hồ, nơi ông Nghị lưu lại chút tài hoa cuối mùa. Có lần, ông Nghị bảo tôi, đời người là sân khấu thu nhỏ. Câu này nhiều người nói quá nhưng phải nghe ông Nghị tâm sự mới thấy não nề, ai oán.
Ba Bé nghĩ đúng. Tôi không thể ca vọng cổ mùi. Mà ông Nghị thì muốn tôi vươn lên, đi xa. Vậy tôi nên lo lấy đời tôi. Đoạn kết của một kép hát, tận mắt, tôi đã chiêm ngưỡng.
Chu Du Văn Nghị chọn cái chết lẫy lừng như "cái chết của con chó sói" của Alfred de Vigny. Biết sân khấu sẽ hủy diệt đời mình nhưng thản nhiên chờ lưỡi dao sân khấu đâm vào họng mình. Mấy ai dám đón đợi tử thần giống người cha nuôi Nam kỳ của tôi?
Tôi nấn ná ở với nghệ sĩ Năm Chiêu, Ba Bé, Kim Chi vì chưa nỡ bỏ đi, vì nhớ tiếc ông Nghị. Thấm thoát, mùa thu đã sang. Mùa thu sẽ sang mãi mãi như mùa thu đã từng sang trong cuộc đời ông Nghị. Tôi chợt hiểu, tại sao người cha nuôi Nam Kỳ của tôi yêu mến thơ Vũ Hoàng Chương. Hồi còn sống, ông Nghị hay nhìn nắng chiều thoi thóp, ngâm nga:
- Sao hôm nay lòng ta buồn không nguôi
Niềm u ất dâng cao tháng ngày trôi xuôi
Há vì cơm áo chẳng no lành
Há vì đời không ai mắt xanh
Nhớ thuở chưa có ta đường đi thênh thênh
Kịp khi có ta chông gai mông mênh
Cuồng vọng cả mà thôi
Bốn phương đều vướng mắc
Ba mươi năm trên vai
Mà trống không bình sinh
Gối vải mộng phong hầu
Vinh quang đường lối khép
Thẹn trước thương về sau
Đời tàn trong ngõ hẹp
..................................
Xuân đời chưa hưởng kịp
Mây mùa thu đã sang
Mây mùa thu đã phủ kín sự nghiệp ông Nghị. Ông chưa hưởng kịp xuân đời. Mà xuân đời, đối với ông là xuân đời tôi, xuân đời của đứa con nuôi Bắc kỳ của ông. Mùa thu năm nay là mùa thu năm qua là mùa thu năm xưa, mùa thu đời xưa. Mây vẫn kéo về xây thành ở một góc trời. Tôi lại thấy cụm mây đơn độc, cụm mây dại dột không chịu xây thành. Nó thoát lên cao bay một mình. Ông Nghị đấy, cha nuôi tôi đấy, cái bóng mát thương yêu của một đoạn đời lưu lạc của tôi đấy. Tôi nhìn đám mây và mơ hồ nghe tiếng ông Nghị trách móc "Sao con chưa chịu vươn lên, đi xa".
Xe đò dừng ở gần trạm xăng. Tôi xách hành lý bước xuống. Không ai ngăn cản tôi rời gánh hát. Con bé Kim Chi nhìn tôi không chớp mắt. Rồi hai giọt nước mắt nó ứa ra long lanh cơ hồ hai giọt ngọc. Xe từ từ chuyển bánh. Hai bàn tay của Ba Bé, Kim Chi, thò tay ra cửa vẫy vẫy. Chúng tôi đã nói nhiều, khóc nhiều với nhau, đêm hôm qua ở Cai Tàu hạ. Chẳng biết nói thêm gì nữa. Xe chạy vô tỉnh Vĩnh Long, mất hút.
Tôi qua phà Mỹ Thuận về Sàigòn. Phà tới giữa sông, tôi ngước mắt nhìn lên. Trời thấp xuống. Buổi chiều hoe chút nắng hanh vàng. Gió thổi nhè nhẹ. Mây từ bốn phương kéo về xây thành ở chân trời trước mặt tôi. Dường như, mây tụ tập trên mái rạp hát tỉnh lỵ Vĩnh Long, nơi đó, gánh Đồng Ấu sẽ diễn tuồng đêm nay. Một cụm mây đã thoát lên cao, bay một mình. Tôi nhìn xuống. Giòng sông phẳng lặng trong xanh. Bóng tôi nhỏ bé, gầy ốm in hình trên mặt nước. Một nỗi buồn đùn ngập mắt tôi. Tôi tự hỏi, chả biết cụm mây đơn độc nó sẽ bay đi đâu, đến đâu, và nó chịu đựng nỗi đơn độc của nó tới bao giờ. Nó có dại dột như con bé Kim Chi nghĩ không nhỉ?
(Phú Nhuận, mùa thu 1967)
Mây Mùa Thu Mây Mùa Thu - Duyên Anh Mây Mùa Thu