Trong mỗi khó khăn đều ẩn chứa một cơ hội.

Albert Einstein

 
 
 
 
 
Tác giả: Duyên Anh
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 8
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1645 / 54
Cập nhật: 2016-06-17 13:09:35 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 7
heo con đường đá củ đậu, củ khoai, một bên là bờ tre, một bên là sông nước, gánh hát Đồng Ấu rời bỏ chợ Đình đến Tân Châu. Tân Châu là quận lỵ thuộc tỉnh Châu Đốc, gần biên giới Việt-Miên. Tầu bè sang Cao Miên phải qua Tân Châu. Cảnh trên bến dưới thuyền tấp nập hơn Chợ Mới. Ở đây có cả trụ sở của Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến. Khách thương hồ tới, đi. Dân buôn lậu hoạt động ráo riết. Tôi thích sự ồn ào của Tân Châu. Chỉ tiếc mùa này mưa nhiều, tôi không thể nào vui được khi thấy khuôn mặt buồn thảm của nghệ sĩ Năm Chiêu.
Gánh hát ế giàn liên miên. Ông Nghị có thì giờ gần gũi tôi. Ông đã kiếm đâu ra hai cuốn "Con dế mèn" và "Dế mèn phiêu lưu ký" của Tô Hoài. Ông bắt tôi đọc ngay. Tôi đọc và say mê ngay từ trang đầu. Hai cuốn truvện đều mỏng, tôi đọc một buổi chiều là xong. Từ trước đến nay, chưa có truyện nào lôi cuốn tôi mãnh liệt bằng hai cuốn "Con dế mèn" và "Dế mèn phiêu lưu ký". Tôi có cảm tưởng tôi là con dế mèn. Tôi buồn ghê lắm vì cũng ao ước, sau những ngày lang bạt kỳ hồ, trở về mái nhà xưa, gục đầu trên đôi càng của mẹ già như con dế mèn để khóc lóc với mẹ rằng "con đã nên người". Mẹ tôi chết rồi.
Ông Nghị hỏi tôi:
- Con nghĩ gì về cuộc phiêu lưu của con dế mèn?
Tôi đáp:
- Nó khổ quá.
Ông Nghị cười:
- Đi xa, ai mà chẳng khổ? Đấy, con thấy chưa, tuổi trẻ của con dế mèn nó đáng yêu vậy đó. Nó gây ra bao nhiêu điều khổ tâm cho nó, cho người khác. Rồi nó học được bao nhiêu điều trên đường đời. Ngày con dế mèn trở về, nó biết chê trách sự háo thắng của tuổi trẻ, sự vênh vang phách lối của người đời, sự đau khổ của tù đầy, giam giữ. Nó yêu tự do và sẵn sàng tỏ lòng hào hiệp. Cứ ở nhà với mẹ, con dế mèn đâu hiểu trời đất mênh mông, cái thiện giữa cái ác. Thầy chắc nó sẽ tưởng tượng suốt đời nó rằng, trời đất nhỏ bằng cái miệng hang của nó.
Ông Nghị xoa đầu tôi:
- Con đừng tưởng tượng trời đất rộng bằng mái nhà rạp hát, con nhé!
Tôi chớp mắt cảm động:
- Con nhớ lời thầy.
Ông Nghị dứt một sợi tóc của tôi:
- Mày coi, thằng Bắc kỳ, con dế mèn có thích đi cặp đôi với con đào hát nào đâu.
Tôi xấu hổ. Ông nghị gật gù:
- Sắc bất ba đào di nịch nhân... Nó chết đuối ở giòng sông tình ái thì đâu còn trở về. Rồi nó cũng nghiền thuốc phiện, hỏng đời nó. Này Bắc kỳ...
- Dạ.
- Tao cấm mày không được ngó vào bàn đèn thuốc phiện. Từ nay tao không sai mày đun nước nữa. Bàn đèn là sợi dây treo cổ, Bắc kỳ.
- Dạ.
- Nó đã giết chết hàng ngàn nhân tài. Dính vào nó, con người mất nhân phẩm.
- Dạ.
- Đấy, mày đã thấy ông Nguyên Hồng tả bố ông ấy rồi đấy. Thằng con đi đánh đáo được tiền, bố nặn hết để mua thuốc. Tao không muốn cuộc đời ghê tởm mày như cuộc đời ghê tởm tao.
- Con nhớ lời thầy.
- Mày phải vươn lên, đi xa... Con phải đi xa hơn thầy. Thầy ao ước được làm đôi càng của con dế mẹ già để con gối đầu lên, kể chuyện phiêu lưu cho thầy nghe.
Tôi muốn khóc thật lớn. Nhưng không dám khóc. Ông Nghị sẽ mắng tôi hèn nhát ngay. Ai biết đâu người cha nuôi Nam kỳ của tôi đã muốn tiếp hết máu mình vào máu một thằng Bắc kỳ lạc lõng. Ồng Nghị bớt nằm bàn đèn. Không phải vì ông đã muốn ly khai nàng tiên nâu. Mà vì đói thuốc. Gánh Đồng Ấu gầy ốm, bệ rạc ở quận lỵ giàu có này. Mưa. Mưa là kẻ thù của các gánh hát.
Những ngày nằm chờ nắng tại Tân Châu, ông Nghị dạy tôi đọc cuốn "Livre de mon ami" của Anatole France. Tôi không thể quên bài học yêu nước khi ông Nghị dạy tôi đọc truyện ngắn "Buổi học cuối cùng" của Alphonse Daudet. Hai tiếng đồng hồ liền, ông Nghị không hề nhắc tới một tiếng Nam, Bắc hay Trung. Ông cứ lặp đi lặp lại hai tiếng Việt Nam.
- Người Pháp không muốn bị đồng hóa bởi người Đức nên họ yêu tiếng họ, họ dùng tiếng nước họ đặng làm chìa khóa mở cửa giải phóng quê hương họ. Con phải thuộc lòng truyện này để yêu tiếng Việt Nam. Thương yêu tiếng Việt Nam là thương yêu nước Việt Nam, thương yêu người Việt Nam con ạ!
Những lời dạy bảo của ông Nghị, tôi thường đem kể cho Ba Bé, Kim Chi nghe. Chúng nó đã cảm động như tôi cảm động, Ba Bé bắt tôi dạy nó nói tiếng Bắc. Hôm nào trời trở lạnh, Ba Bé lại hỏi tôi:
- Ngoài Bắc chắc lạnh dữ hả, mầy?
- Lạnh lắm. "Tháng ba bà già chết rét" mà...
- Vậy là nghĩa gì?
- Tháng ba là mùa xuân ấm áp, thế nhưng có năm mùa đông kéo dài. Cá rô chết cóng nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Cá còn không chịu nổi rét nữa là người.
Nói chuyện mùa đông miền Bắc, tôi có dịp nói về quê nhà tôi với ý nghĩ đằm thắm của ổ rơm, bếp lửa, với sự đìu hiu của mưa dầm gió bấc. Ba Bé ao ước được ra Bắc. Nó thèm ăn cốm vòng, ăn canh bánh đa nấu cua đồng, thèm ăn canh bún cá điểm những cuộn rau rút. Và điều Ba Bé thèm muốn nhất là nằm trên nấm mộ giữa bãi tha ma, nghe sáo diều vi vu trong bầu trời chiều hạ. Tôi có thể kể chuyện quê nhà tôi cả đời cho tụi lỏi nghe. Chỉ tiếc chúng tôi không có thì giờ liên tục. Thành ra, chuyện miền Bắc đối với Ba Bé, Kim Chi, y hệt các món ăn ngon ít ỏi, ăn hết vẫn còn thòm thèm.
Cái miền Bắc xa xôi ấy, sao nó đẹp thế, nó "tội nghiệp" thế trong ý nghĩ của Ba Bé, Kim Chi...
Rồi đào thương Liên Hương của tôi cũng thích nghe chuyện Bắc kỳ. Giòng sông tình ái dục con thuyền yêu đương nhổ sào. Con dế mèn hẩm hiu quá, thiên phiêu lưu ký của nó thiếu sót đoạn này. Tôi quên câu "Sắc bất ba đào di nịch nhân" mà ông Nghị đã diễn nôm. Tôi quên tất cả, quên chuyến đi xa ước vọng của ông Nghị, quên ngày về gục đầu trên đùi người cha nuôi Nam kỳ. Tôi lại yêu Liên Hương, yêu rụt rè, khúm núm, xấu hổ.
Hôm ấy, Liên Hương đã đến gần tôi, vỗ vai tôi. Mỗi cuộc đời đều có một kỷ niệm không bao giờ quên được. Thanh Tịnh nhớ kỷ niệm đi học của ông. Và ông viết "Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, mẹ tôi âu yếm dắt tay tôi đi trên con đường làng dài và hẹp". Giá văn chương Việt Nam chưa có câu đó, may ra, tôi gò gẫm để viết nổi một câu tương tự để ghi nhớ một kỷ niệm khó phai nhòa trong tâm khảm tôi. Liên Hương sẽ như Ba Bé, Kim Chi thôi, nếu không có lần tôi trót đại yêu "nàng". Yêu "nàng", tôi quên mất "nàng" đã sống cùng tôi, đã lang thang dọc đường gió bụi cùng tôi, đã nằm chờ nắng như tôi. Tôi đã thấy "nàng" khác hẳn, mới lạ và lộng lẫy. Nhất là "nàng" đến gần tôi, vỗ vai tôi. Thì tôi lại cảm giác mới gặp "nàng" lần đầu.
- Vũ kể chuyện miền Bắc ngộ quá...
Tôi ấp úng, vụng về thế nào mà buột miệng trả lời:
- Sao "chị" biết?
Liên Hương bằng tuổi tôi. Con gái bằng tuổi con trai thường "già" hơn con trai mấy tuổi. Liên Hương chừng hiểu thế. "Nàng" có lẽ, nghĩ rằng là con của ông bầu nên "nàng" có quyền lên mặt đàn chị với tụi lỏi. Liên Hương nghe tôi gọi "nàng" là "chị" nhìn tôi rất âu yếm:
- "Chị" nghe Kim Chi nói vậy.
Từ lúc này, tôi đã là "em" của Liên Hương. Tôi trách móc tôi, xỉ vả tôi. Nhưng muộn rồi.
- Vũ kể chuyện quê Vũ cho "chị" nghe đi...
- "Chị" thích nghe chuyện gì?
- Chuyện gì chị cũng thích nghe "hớt à"...
- Chuyện Tết ở quê...
Tôi lửng câu nói vì không biết nên xưng tên mình hay xưng "em". Liên Hương níu vai tôi.
- Ừa, chuyện tết ở quê nhà Vũ.
Chúng tôi ngồi bên nhau. Tôi nghe rõ mùi hương tóc bay lẩn quẩn trong tâm hồn tôi. Mùi hương tóc Liên Hương thơm như mùi lúa tám vào sữa. Tôi nghĩ đến thứ gạo mà ở miền Nam không có: gạo tám. Lúa tám chỉ cấy vào vụ mùa, cấy trên đồng nội tức là những cánh đồng mà vụ chiêm có thể trồng khoai, trồng bông, trồng lạc... Thứ lúa đài các ấy không chịu sống chung với những thứ lúa khác, Nó đã đi vào ca dao:
- Cơm tám ăn với chả rim
Chồng đẹp vợ đẹp những nhìn cũng no
Cơm tám ăn với chả kho
Chồng đẹp vợ đẹp những no vì nhìn.
Cơm tám thì thổi bằng niêu đất, ủ than rơm thì tuyệt vời. Cháy cơm tám không có thứ bánh mì nào trên thế gian này sánh kịp. Ăn cơm gạo tám xong bữa đã đói rồi, đã muốn ăn nữa. Chuyện Tết ở quê nhà tôi bắt đầu bằng niêu cơm tám. Liên Hương nghe tôi kể chuyện cơm tám, đã nuốt nưởc miếng.
- Com tám chỉ ăn mấy ngày Tết thôi à?
- Đấy là ở nhà quê, "chị" ạ! Còn ở thành phố, những nhà giàu họ ăn cơm gạo tám hoài hoài!
- Bao giờ "chị" mới được ăn cơm gạo tám nhỉ?
- Khi nước mình hết phân chia, "em" mời "chị" ra Bắc. "Em" thổi cơm tám bằng niêu đất mời "chị" xơi.
- "Chị" mong ngày ra Bắc quá. Ngày xưa ba "chị" đã ở Bắc. Ba "chị" biểu ngoài Bắc thích lắm, đã ra là hết muốn "dìa".
Tôi kể tiếp những manh áo mới gối đầu giường cho thẳng nếp để diện Tết, những giờ mong đợi giao thừa bên nồi bánh chưng sôi sùng sục. Tôi kể cảnh tấp nập ở cầu ao, cảnh trẻ con tranh nhau cái bong bóng lợn. Tôi kể những đồng tiền mừng tuổi bỏ heo đất hay nướng cháy trên bàn cò, cua, tôm, cá. Tôi kể cảnh chợ Tết đầy màu sắc quê hương của tranh lợn gà mà chợ Tết Sàigòn không có. Tôi đã đọc cho Liên Hương nghe bài thơ "Chợ Tết" của Đoàn văn Cừ mà tôi học thuộc lòng hồi lớp nhất.
Với Liên Hương hay với Ba Bé, Kim Chi, chuyện miền Bắc của tôi luôn luôn bị đứt quãng ở đoạn thật thơ mộng. Không còn thì giờ rông dài cho một gánh hát có ông bầu yêu nghề như nghệ sĩ Năm Chiêu. Rảnh rỗi phải học vở, tập diễn xuẫt để ngày mai về Sàigòn trong vinh quang. Câu chuyện Tết quê nhà tôi vấn vương trên mái tóc Liên Hương. Và hương tóc "nàng" tỏa ra thoang thoảng mùi cơm gạo tám. Tôi yêu hương vị quê nhà, tôi yêu cả hương tóc Liên Hương. Tôi nghĩ hương tóc nàng đã ướp hương gạo tám.
Tự nhiên, tôi muốn Liên Hương bé nhỏ, ngây thơ giống Kim Chi. Bé nhỏ mãi, ngây thơ mãi để chờ ngày mai thanh bình, tôi đưa nó về quê nhà tôi, đi trên con đường đất nhỏ, nghe gió heo may trải nhẹ lên cánh đồng lúa mới vào sữa. Rồi trưa hè nằm gối đầu dưới gốc sung, nghe con tu hú kêu thương nhớ suối rừng. Ở quê nhà tôi sao mà cảm xúc thế, mỗi lần nghĩ đến nó. Nhưng mường tượng những con mắt mở thao láo "lạy trời" trong những đêm giông bão, những ngày nước sông dâng cao, đe dọa tàn phá mùa màng, thôn xóm, nỗi cảm xúc đã biến thành niềm u hoài. Quê nhà tôi đau khổ quanh năm. Người nông phu ngắm trăng sao không phải vì mơ mộng. Mà để nhìn điềm trời. Nghe tiếng trống ngũ liên vang từ con đê nước lớn về, trái tim người nông phu cũng đập theo, hồi hộp nín thở. Tiếng trống ngưng kêu là đê đã vỡ.
Tôi sinh ra đời ở miền quê hương nhiều khổ, ít sướng. Tôi có khôn ngoan chuyện cũng thường. Vậy đừng bảo tôi láu cá. Hãy nên bắt chước ông Nghị, Kim Chi, Ba Bé, Liên Hương, "tội nghiệp" tôi, tội nghiệp những người nhà quê, tội nghiệp đồng bào ta đến từ miền Bắc. Tôi nhớ, có lần, tôi kể chuyện ăn cơm trộn khoai, Ba Bé khóc. Nó bảo "Người Bắc khổ sở hoài". Và nó hỏi tôi "Sao người Bắc cực vậy mày". Tôi dựa vào những bài lịch sử ngắn ngủi, giải thích rằng: "Vì khổ quá nên tổ tiên ta phải đi xuống miền Nam để con cháu được sung sướng".
Không nhớ tôi đã kể thêm cho Liên Hương nghe những chuyện gì nữa, ngoài chuyện Tết ở quê nhà. Chỉ biết những lúc rảnh rang, Liên Hương lại đến bên tôi vỗ vai tôi và đòi nghe chuyện miền Bắc. Tôi hiểu giòng sông Liên Hương không thể là giòng sông chứa con thuyền yêu đương của tôi. Nhưng tôi đã nhổ sào, căng buồm. Giòng sông im lặng. Trời vắng gió. Con thuyền đẩy xa bờ một quãng. Rồi ngất ngư ở đấy. Tôi nói thật với lòng tôi rằng tôi không dám yêu Liên Hương, tôi khờ khạo ngu ngơ quá, không biết tỏ tình. Từ giây phút ban đầu, "nàng" đã coi tôi như em nhỏ. Nói thật với lòng mà chả chịu tin. Lòng ngoảnh mặt mỉm cười khi thấy tim tôi run rẩy mỗi lần Liên Hương gọi tên tôi, vỗ vai tôi, ngồi bên tôi.
Tôi yêu Liên Hương. Yêu để làm gì? Tôi không biết. Ở tuổi vỡ lòng yêu, mấy ai biết yêu để làm gì và yêu là cái gì thì lại càng không biết. Tôi tưởng được cầm tay người con gái hít hà mái tóc là đã yêu. Nên tôi thèm cầm tay "nàng" hít hà mùi thơm gạo tám ở mái tóc Liên Hương như thằng Văn Hội đã cầm tay "nàng", đã hôn tóc "nàng" trên sân khấu. Tôi lại tưởng thằng Văn Hội đã yêu "nàng". Tôi buồn vô kể. Tôi quên lời ông Nghị dặn rằng "Con đừng bao giờ tưởng tượng trời đất chỉ rộng bằng mái nhà rạp hát". Trời đất sẽ nhỏ bé nếu thiếu Liên Hương. Trời đất sẽ chả nghĩa lý gì nếu Liên Hương không yêu tôi. Tôi ao ước ca vọng cổ mùi hơn thằng Văn Hội. Tôi muốn thay đổi chỗ nó đóng vai hoàng tử cạnh công chúa Liên Hương của lòng tôi. Tôi sẽ cầm tay nàng, hôn tóc nàng, dìu nàng lên ghế hoàng hậu khi dẹp xong phản thần Văn Hội. Tôi âm thầm luyện ca và luôn luôn bắt thằng Văn Hội uống nước sặc.
Tâm tình tôi đổi từ lúc này. Tôi đã mua cái gương nhỏ, cái lược nhựa và hộp "bi-ăng-tin" rẻ tiền. Gương lược nằm "thường trực" trong túi quần tôi. Hễ Liên Hương ngó tôi là tôi lẻn ra chỗ vắng, rút gương ngắm... nhan sắc của mình và chải lại mái tóc. Một hôm, quá tay quệt nhiều "bi-ăng-tin" lên tóc, mái tóc tôi bóng nhẫy. Liên Hương nhìn tôi mỉm cười:
- Sao Vũ lại xức dầu vậy?
Tôi nóng ran cả mặt. Liên Hương lắc đầu:
- Xức nhiều qua, chỉ tổ bắt bụi và sinh gầu. "Chị" khuyên Vũ đừng xức dầu nữa.
Bắt buộc tôi phải quăng hộp "bi-ăng-tin" đi. Tôi sung sướng quăng nó. Vì Liên Hương muốn thế. "Nàng" đã chú ý đến mái tóc tôi. Bao giờ "nàng" chú ý đến niềm ước ao âm thầm của tôi nhỉ? Nhưng tôi không chải "bi-ăng-tin" thì Liên Hương lại chẳng thèm nói gì về mái tóc tôi. Tôi muốn mua hộp "bi-ăng-tin" khác. Khốn nỗi, tôi sợ Liên Hương trách tôi không nghe lời. "Nàng" đã trách tôi lần "nàng" bắt gặp tôi soi gương, chải đầu.
- Vũ làm dáng quá xá!
Tôi chối dài:
- Đâu có,
"Nàng" nguýt tôi:
- Con trai làm dáng xấu lắm à, giống con gái lắm à...
Tôi lại phải hủy bỏ gương lược. Liên Hương bảo sao, tôi nghe vậy. Tôi mong "nàng" trách móc tôi hoài, khao khát nghe những tiếng ngọt ngào mía lùi "thôi mờ đâu có..." của "nàng". Ôi tiếng miền Nam mến yêu của tôi, sao nó dễ thương dễ cảm thế!
Ngoài ông Nghị, không ai biết tôi yêu Liên Hương. Cả Liên Hương nữa. "Nàng" nhìn tôi thản nhiên như "nàng" nhìn Ba Bé, Phi Thường... Có đêm, trời mưa tầm tã, Liên Hương ngỏ ý thèm ăn mì, tôi tình nguyện xách "gà men" khoác áo mưa ra phố mua mì. Ba Bé mắng tôi thậm tệ. Nó khuyên tôi "tội chi phải làm mọi". Tôi nín thinh. Nó đâu hiểu tôi sung sướng "làm mọi" cho Liên Hương. Tôi sung sướng làm bất cứ việc gì Liên Hương sai bảo. Vì tôi yêu nàng. Tình yêu ấy mỗi ngày mỗi lan rộng thành lớp sương mù phủ kín chuyến "đi xa" vào tương lai của tôi.
Tôi không muốn đi xa, không muốn vươn lên, không thích những người khác. Tôi muốn theo gánh Đồng Ấu suốt đời. Tôi thích nằm chờ nắng ở quận lỵ Tân Châu. Gánh Đồng Ấu nằm chờ nắng. Còn tôi, tôi nằm mơ mộng chờ ngày dám nói: "Liên Hương, Vũ yêu... chị. Em yêu chị".
Mây Mùa Thu Mây Mùa Thu - Duyên Anh Mây Mùa Thu