Love is as much of an object as an obsession, everybody wants it, everybody seeks it, but few ever achieve it, those who do will cherish it, be lost in it, and among all, never… never forget it.

Curtis Judalet

 
 
 
 
 
Tác giả: Duyên Anh
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 8
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1645 / 54
Cập nhật: 2016-06-17 13:09:35 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 6
im Chi vái trời để mầm ước mơ của tôi chồi lên mặt đất. Giá ngoài Kim Chi còn thêm một người con gái "vái trời" cho tôi thành công trên đường đời, tôi chắc, tôi đã tới chỗ mà ông Nghị mong muốn. Chứ đâu vất vưởng như hôm nay, làm cái nghề viết tiểu thuyết nhật báo nuôi vợ con để đợi ngày mai già yếu không tương lai và bị đào thải theo luật tàn nhẫn của cuộc đời. Có thể, bây giờ tôi đang được một số độc giả yêu mến, ngưỡng mộ, một vài ông chủ báo đối đãi hậu hĩnh, một vài nhà xuất bản chiều chuộng, o bế. Nhưng, hãy tin tôi đi, chưa ai nghĩ chuyện xây cái viện dưỡng lão cho bọn nhà văn khốn nạn yên hưởng tuổi già. Mà họ đã nghĩ sẽ quên chúng tôi, sẽ đá chúng tôi văng xa, rớt xuống vực thẳm của đói rách, bệnh tật.
Nhà văn là người làm đẹp cho quê hương cuộc đời. Huyết tâm nhả ra, dẫu thành kiệt tác cũng chỉ "mua vui may được một vài trống canh". Cuộc đời không xót thương nhà văn, nhà thơ khi bị phế thải. Những người phụng dưỡng nghệ thuật ở xứ này đều chung một số phận hẩm hiu. Người ta đã say sưa ngâm thơ Đinh Hùng, hết lời ngợi ca Vũ Trọng Phụng, mê tiểu thuyết Lê văn Trương, khoái tài nghệ Bảy Nhiêu... Song mấy ai xúc động nghe tin Đinh Hùng đang vật vã trên giường bệnh, thiếu thuốc, đói cơm; Vũ Trọng Phụng đã thổ huyết chết vì nghèo khổ; Lê văn Trương đã chết thê thảm vì hết thời; Bảy Nhiêu đang bán cà phê, nhặt từng đồng bạc cắc, sống chờ chết vì bị đào thải.
Không hiểu tại sao tôi lại viết văn, làm thơ? Cái nghề bạc bẽo này giúp tôi giải tỏa nhiều ẩn ức, tặng tôi dăm bảy niềm vui nhỏ. Nhưng nghĩ đến ngày mai tôi đã nhắm mắt, hối hận âm thầm. Tôi cứ tiếc hoài "Giá ngoài Kim Chi, còn thêm một người con gái vái trời cho tôi thành công trên đường đời".
- Nhỡ anh không ca mùi bằng thằng Văn Hội thì sao?
- Anh sẽ ca mùi gấp mười anh Văn Hội.
Tôi nhớ mãi câu khích lệ của Kim Chi. Và tôi đã ngỏ ngay ý muốn "ca mùi" của tôi cho ông Nghị hay. Ông Nghị hỏi tôi:
- Con nhất định chọn chỗ này?
- Không.
- Vậy ca mùi làm chi?
- Thưa thầy, con muốn trở thành kép chánh.
- Làm chi?
- Con muốn hay hơn chúng nó.
- Làm chi? Con đã chẳng hay hơn chúng nó à? Thế này con đã hay hơn chúng nó rồi. Con sẽ đi xa, bỏ rơi chúng nó. Khi con trở về gặp chúng nó, con sẽ thấy thương xót dĩ vãng của chúng nó. Thầy không bằng lòng ai thương xót dĩ vãng của con. Con phải đi xa. Và chỗ của con không ở chỗ này.
Tôi bối rối. Luôn luôn, tôi bối rối trước mặt ông Nghị.
- Thầy không muốn dạy con ca?
Ông Nghị xoa tóc tôi:
- Thằng Bắc kỳ mày kỳ cục quá xá. Tao cho mày cả cuộc đời tao, tao không tiếc, lại tiếc mày nghề mọn à? Mày thích ca, tao sẽ cho mày ca. Tao hỏi mày thì mày trả lời thiệt tình nghe? Mày muốn ca mùi làm chi?
Tôi đáp:
- Con muốn đóng cặp với con Liên Hương.
Ông Nghị đẩy xa tôi khỏi ông. Ông ngó tôi chằm chằm:
- Thầy quên không chú ý. Hà hà, con gà nòi của thầy đã trổ mã.
Ông gật gù cái đầu tóc muối tiêu:
- Mày mới tập gáy!
Ông nghiêm giọng:
- Rán giữ lấy hồn mày, lòng mày, thằng Bắc kỳ ạ!
Tôi đứng lặng chờ ông Nghị mắng mỏ. Ông không rầy la mà đọc hai câu thơ cổ:
- Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách
Sắc bất ba đào dị nịch nhân.
Ông Nghị nhìn tôi. Lần này, đôi mắt ông rực rỡ những kinh nghiệm cuộc đời.
- Con ạ, mưa không kiềm tỏa ai vẫn giữ khách lại. Sắc đẹp không phải là sóng gió mà vẫn làm con người chết đuối. Nó đã làm thầy chết đuối đấy, con ơi!
Ông Nghị bước tới gần tôi, ôm tôi trong hai cánh tay của ông.
- Thầy đã chết đuối, thầy không để con chết đuối.
Ông Nghị luồn bàn tay qua chiếc áo mỏng của tôi. Da thịt ông mơn man trên da thịt tôi. Năm ngón tay của con voi già cải lương Nam kỳ như năm ngón tay của thần thánh vẽ vời những đường đầy cạm bẫy lên mình mẩy tôi.
- Chết đuối ở giòng sông tình ái là chết đuối ở con lạch nhỏ vô danh. Một người muốn không giống những người khác nó phải xuống thuyền ra khơi, chiến đấu với cá mập, giông bão. Và có chết đuối, nó vinh dự chết đuối ở giữa đại dương cuồng sóng.
Tôi biết ông Nghị đã bị ái tình hành hạ nên ông ngăn cản tôi. Một thi sĩ thù ghét mùa xuân, muốn góp hết lá vàng chắn lối xuân sang. Nhưng mùa xuân cứ sang. Ông Nghị bắt chước Chế Lan Viên, ông đem kinh nghiệm đời ông, xây bức thành chắn lối tình ái của tôi. Với những người yêu say mê, mãnh liệt, tôi chắc, ông Nghị sẽ thất bại. Chỉ tiếc tôi không yêu say mê. Năm nay, ba mươi tư tuổi tôi vẫn chưa được hưởng một mối tình trai gái nào sôi nổi, đau thương, đằm thắm như những mối tình trai gái tôi viết trong tiểu thuyết của tôi. Đó là sự thật, một sự thực thiệt thòi lớn. Tôi không đam mê một thứ gì. Tình yêu đối với tôi mong manh nắng lụa. Nó đến rồi đi, giống hệt cơn râm nhẹ nhàng lột khỏi mặt đường nhựa.
Tôi đón nó hững hờ. Nó từ bỏ tôi, tôi chẳng hiểu nó đau xót dường bao, riêng tôi, chỉ hơi hơi buồn. Vợ tôi đã khổ sở âm thầm vì trái tim tôi chưa một lần rung động tột độ vì tình yêu.. Khi có con, tôi xây cho những đứa con tôi nhiều đồn trại ở trái tim tôi. Tôi lập công sự chiến đấu, rào kẽm gai canh gác cẩn mật dùm chúng. Tôi biết, không một người con gái nào có thể gõ cửa tim tôi được. Sự nghiệp tôi đã định cư, đã định cư từ ngày tôi làm nghề viết tiểu thuyết nhật báo. Ví dù, có người con gái vái trời, cầu nguyện cho tôi, tôi cũng không đi xa hơn mấy nữa. Muộn màng rồi, tôi bằng lòng đồn trú ở đây chờ ngày bị đào thải. Cái chỗ ông Nghị dự tính cho tôi, tôi không đủ sức đi tới. May ra, con cái tôi sẽ đi tới.
- Bây giờ, con muốn học ca không?
- Thưa thầy thôi ạ!
- Tao biết mày không muốn giống thằng Văn Hội mà. Không, con không thể giống bất cứ ai. Để người khác muốn giống con, thằng Bắc kỳ nhé!
Ông Nghị bắt tôi đọc sách nhiều hơn. Tôi được đọc "Những ngày thơ ấu" của Nguyên Hồng. Từ đó, tôi mê những cuốn truyện viết về những nỗi đau khổ của con người. Ở trong nỗi đau khổ, người ta suy nghĩ chín chắn, tâm hồn rộng rãi và cuộc đời trang trải. Tôi thú thật tôi không ưa tiểu thuyết của Tự Lực Văn Đoàn. Tôi thấy nỗi xót xa, bùi ngùi trong tiểu thuyết của họ nó hời hợt, phù phiếm làm sao ấy. Cho đến hôm nay, dẫu biết những Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Đình Toàn là những nhà văn tư tưởng mới, là những thiên tài, đọc họ lòng rửng rưng. Nhưng đọc Nhật Tiến tôi xốn xang khôn tả. Tôi đã buồn, đã khóc, đã thẫn thờ. Có lẽ, tại tâm hồn tôi giản dị. Và, có lẽ, tại kiến thức của tôi còm cỏi quá chăng?
Ông Nghị có ảnh hưởng lớn với sự đọc và viết của tôi sau này. Bởi ông đã chọn giùm tôi sách của Charles Dickens, Alphonse Daudet, Anatole France, Nguyên Hồng, Thanh Tịnh, Tô Hoài... Lớn lên, tôi tự kiếm những truyện viết về tuổi thơ của Lê văn Trương, Nguyễn Đức Quỳnh, Mark Twain nghiền ngẫm. Tôi không thể đọc nổi Jean Paul Sartre, Albert Camus. Người ta đã dịch vô khối sách của hai ông này. Tôi đọc rất kỹ mà không cảm.
Tôi thất học từ nhỏ, làm lấy đời mình, khởi nghiệp viết văn trong cô đơn, nghèo túng, tôi đã khiêm lốn chọn con đường đi mà không ai thèm đi. Đó là con đường bé nhỏ dành riêng cho con nít nô đùa, nghịch ngợm. Người ta đã chê tôi, khinh tôi chỉ có tài đi trên con đường hèn mọn đó. Tôi chẳng dám cãi vì lượng nổi sức mình.
Thầy Nghị kính mến, nếu như chỗ của con mà thầy mong mỏi là chỗ này thì con đã tuân ý thầy, con không muốn giống những người khác.
Mây Mùa Thu Mây Mùa Thu - Duyên Anh Mây Mùa Thu