Bí mật của thiên tài là có được tinh thần của trẻ con khi mình đã lớn, có nghĩa là không bao giờ mất nhiệt huyết.

Aldous Huxley

 
 
 
 
 
Tác giả: Duyên Anh
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 8
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1645 / 54
Cập nhật: 2016-06-17 13:09:35 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 5
húng tôi rời bỏ Chợ Mới sang Hòa Hảo. Lại qua hai chuyến đò. Miền Nam là miền của sông nước. Bến đò Thuận Giang buồn hơn bến An Hòa. Qua con sông này, chúng tôi tới làng Mỹ Lương, thánh địa Hòa Hảo, nơi chôn rau cắt rốn của ông Huỳnh Phú Sổ. Làng mạc miền Nam thường nằm trên một chiếc cù-lao. Nếu chung quanh làng mạc miền Bắc có lũy tre bao bọc thì ở miền Nam, chung quanh làng có kinh ngòi bao bọc. Người thôn quê miền Bắc, miền Trung hay miền Nam đều hiền lành, nhân hậu. Thoạt nhìn những người đàn ông Hòa Hảo để tóc dài buông xuống vai, tôi thấy sờ sợ. Nhưng nghe giọng nói, nụ cười của họ, ý nghĩ sợ hãi của tôi tiêu tan ngay. Dân tình càng xa xôi thành phố, càng cách ánh sáng kinh kỳ trăm bến nghìn sông, càng chất phác, đáng yêu, đáng kính.
Gánh Đồng Ấu diễn ở bến Đình. Từ đây vô chợ Mỹ Lương xa chừng hai cây số. Đi xe lôi đạp mất có mấy đồng bạc. Chúng tôi thường vào chợ Mỹ Lương chơi. Xe lôi qua nhà Đức ông Huỳnh Công Bộ phải dắt. Người phu xe xuống xe dở nón ra. Ông lễ phép dắt xe một quãng đường rồi mới dám nhảy lên xe. Chợ Mỹ Lương nhỏ xíu. Một vài nhà máy xay lúa gạo phun tỏa khói. Mấy chục quán hàng và ngôi trường trung học bán công. Đặc biệt nhất, chợ Mỹ Lương có cái chòi cao gắn bốn cái ống khuếch đại âm thanh. Vào những ngày ba mươi, mồng một, mười tư, rằm người ta cho phát thanh những giáo điều của đức thầy Hùynh Phú Sổ. Những ngày đó, tín đồ Hòa Hảo ăn chay. Chợ búa không bán thịt heo và quán hủ tíu chỉ bán cà-phê.
Ông Nghị kể tôi nghe nhiều huyền sử chung quanh nhân vật Huỳnh Phú Sổ. Dân ở đây kính trọng đức thầy của họ hơn cả cha mẹ. Không ai dám gọi đích danh đức thầy. Mỗi nhà đều có một bàn thờ trước cửa. Họ lồng ảnh ông Huỳnh Phú Sổ vào khung kính treo giữa lá cờ Hòa Hảo màu dà. Đức thầy cũng để tóc dài buông xõa như tín đồ của ông. Những năm một ngàn chín trăm bốn mươi lăm, bốn mươi sáu, chợ Mỹ Lương là Bộ Tổng Tham Mưu của lực lượng Hòa Hảo chống Việt Minh, kháng Pháp. Quân lính của Năm Lửa, Ba Cụt, Nguyễn Giác Ngộ, Lâm Thành Nguyên đã đẩy ảnh hưởng của Việt Minh ra khỏi vùng của họ. Người Hòa Hảo thù Việt Minh vì Việt Minh đã giết ông Huỳnh Phú Sổ. Mối thù đó mỗi ngày một to. Cho tới nay, Việt Minh vẫn là kẻ thù bất cộng đái thiên của dân Hòa Hảo.
Những tín đồ chân thành tin tưởng đức thầy của họ chưa chết. Đức thầy không bao giờ chết vì không có thứ súng đạn nào giết nổi đức thầy. Đức thầy đi xa và đức thầy sẽ trở về với tín đồ. Nhiều tín đồ nuôi heo chờ ngày đức thầy hồi hương sẽ mổ heo ăn mừng. Những con heo to lớn, già nua hàng chục năm, lẩm cẩm té xuống hố, xuống mương chết dần mòn. Mà đức thầy còn ở tận chân mây cuối trời. Tín đồ Hòa Hảo thương nhớ đức thầy, không quên xao lãng truyền bá giáo lý của đức thầy cho con cháu. Họ kính trọng đức ông và đức bà vì hai vị là đấng sinh thành của đức thầy. Khi đức thầy bị sát hại, đức ông lãnh đạo tinh thần cả triệu tín đồ. Những ông tướng Ba Cụt, Năm Lửa, Nguyễn Giác Ngộ, Lâm Thành Nguyên có phen tranh dành ảnh hưởng, hục hặc xua quân thanh toán nhau. Những ông tướng hét ra lửa của thời nhiễu nhương ấy đều đã về tư dinh đức ông, nằm rạp dưới đất chịu những cái ba-toong của đức ông cùng những lời mắng nhiếc thậm tệ. Đức ông mỗi sáng, đi kinh lý thánh địa một vòng. Tín đồ quỳ mọp chào đức ông. Đức ông không muốn văn minh vật chất tràn lan tới đây nên đức ông dùng ba-toong phá vỡ nhiều máy thu thanh và nhạc cụ Tây phương. Thanh niên Hòa Hảo, do đó, thật thà đến ngớ ngẩn, dễ yêu và đáng thương lạ lùng.
Đức thầy dạy: "Ta không nên ăn thịt những con vật giúp ích cho ta". Dân chúng miền Hòa Hảo tuân lời dạy của đức thầy chỉ ăn tôm cá, thịt gà, thịt vịt, thịt heo. Không ai dám ăn thịt bò. Ăn thịt bò là phá đạo, là phản đức thầy. Tín đồ Hòa Hảo đã sống kham khổ cho đạo lý ròng rã mấy chục năm. Khi ông Ngô Đình Diệm dẹp tan các giáo phái, một đại đội Bảo An đã "vào" thánh địa, dùng vựa lúa của đức ông đóng đồn. Và lần đầu tiên, quốc kỳ Việt Nam mới thấy phất phới ở đây. Đại đội Bảo An của thiếu úy Đạt đã làm đổi thay nơi quân lính của ông đồn trú. Các tín đồ chỉ đứng nghiêm cúi đầu chấp tay kính cẩn chào đức ông. Ngài không muốn tín đồ quỳ mọp chào ngài, không đập các máy thu thanh nữa. Thanh niên thiếu nữ sống cởi mở hơn nhưng bộ tham mưu của đức ông buồn đi, khó hiểu thêm. Võ khí chỉ nộp tượng trưng cho chính phủ một phần. Còn bao nhiêu gói bằng ni-lông chôn giấu kỹ lưỡng, chờ ngày đào lên chống ông Ngô Đình Diệm. Người ta càng ít nói khi biết lính ở đồn đêm đêm kích dưới gầm nhà sàn nghe ngóng chuyện chôn súng.
Ông Nghị nói bằng giọng luyến tiếc nên tôi đâm thương tín đồ Hòa Hảo. Có một câu chuyện làm tôi giật mình nhiều đêm là chuyện ông Sáu bù-loong. Ông Sáu bù-loong là một chiến sĩ Hòa Hảo can trường trong các trận đánh nhau với Việt Minh và Pháp. Nhưng ông nổi tiếng nhờ xử dụng cái đinh bù-loong dài. Ông thường trực tại đồn canh dinh đức ông. Khách bộ hành qua lại, nếu quên không xuống xe, dở nón thì dù mới qua lại hay đã qua lại nhiều lần, ông Sáu liền dùng bù-loong đập vào gáy. Khách tỉnh dậy, ông Sáu dạy khách một bài học để nhớ đời đời. Khách không bao giờ dậy nữa, ông Sáu hất xác khách xuống dòng sông trước mặt.
Chuyện xảy ra thời chưa có đồn Bảo An đóng trên vựa lúa của đức ông. Khi lá cờ quốc gia phô màu dưới nắng của vùng trời Mỹ Lương, không còn ai bị đánh bằng bù-loong cả, và tên tuổi ông Sáu bù-loong đi vào huyền sử. Mỗi lần vào chợ Mỹ Lương, nhớ chuyện ông Sáu bù-loong, tôi và Ba Bé không quên dở nón, tuy ông Sáu không còn gác ở cửa nhà đức ông. Ông Sáu đã trở về làm ruộng, sống thật hiền lành, giản dị, nghiền ngẫm giáo lý của đức thầy rất chăm chỉ, thấu đáo. Dân Hòa Hảo không phải là những cái tên khủng khiếp Chín Cứng, Long Châu, những con người gieo khủng khiếp một dạo. Người thứ nhất khi bắt được kẻ thù thì cắn cuống họng kẻ thù cho đến chết. Người thứ hai cố giết đủ số người để biết bay. Cách bao nhiêu sông nước, nghĩ đến hai tiếng Hòa Hảo ghê gớm lắm. Nhưng dân Hòa Hảo luôn là nạn nhân của những đám giặc cỏ. Họ hiền hậu, an phận thủ thường, đứng ngoài mọi sự tranh chấp giữa những nhà lãnh đạo của họ.
Tôi và Ba Bé thường tới bệnh xá chơi, vì ở đây có cái chuồng chim bồ câu lớn. Hàng ngàn con chim bay rợp bệnh xá. Không ai dám bắt hay bắn chim ăn thịt. Đức ông cấm chỉ. Chim sinh đẻ càng ngày càng nhiều. Bệnh xá này trước đây, lính của ông Ba Cụt Lê Quang Vinh đã được tải về cứu chữa sau những trận đụng độ với quân đội quốc gia. Bây giờ, súng ống đã chôn giấu, quân lính phần về đầu hàng, phần rút sang biên giới Cao Miên theo Chín Cứng, ly khai giáo hội, bệnh xá biến thành bảo sanh viện. Đằng sau bệnh xá có cái hồ nuôi cá tra. Người ta đóng bốn, năm cái cầu tiêu công cộng ven hồ. Cá tra khỏi nuôi bằng cám. Những con cá tra béo ú đã tranh mồi, phóng lên làm bắn tung cả nước vào người ngồi trên cầu. Vài ba năm, cá đẫy đà, người ta vớt lên đem về Sàigon bán.
Bọn trẻ con biết chúng tôi trong ban Đồng Ấu, chúng nó đi theo xầm xì bàn tán, coi chúng tôi quan trọng lắm. Tôi bỗng thích thú quang cảnh tĩnh mịch của miền thánh địa. Chiều chiều, trên chiếc xe lôi đạp vô chợ Mỹ Lương quảng cáo tuồng, tôi và Kim Chi thường bắt ông phu xe dừng lại. Hai đứa bước xuống con đường nhỏ ra bến đò, bên kia là làng Tân Huề. Ngôi nhà thờ Thiên Chúa giáo nằm ngay ở bến đò trước mặt chúng tôi. Tân Huề, cái tên nghe hay quá. Làng ấy thuộc quận Hồng Ngự, tỉnh Kiến Phong. Đất Đồng Tháp Mười đấy. Tôi đã tận mắt nhìn rõ dải đất mênh mông ấy mà tôi tưởng chỉ thấy tên nó trong bài địa lý. Một hôm trời vào mùa thu. Gió rì rào từ những khóm mía sau lưng chúng tôi. Và gió trải trên sông làm mặt nước cau mày giận dữ. Mây thấp gần đụng các ngọn cau cao. Kim Chi và tôi đi đò máy sang Tân Huề. Chúng tôi ngồi ở bến đò này, nhìn bến Đình, nơi gánh Đồng Ấu đang "đóng đô". Bầu trời bến Đình cao hơn bầu trời trên đầu chúng tôi. Mây bốn phương bay tụ tập một chỗ. Mây mùa thu. Kim Chi đập lưng tôi:
- Anh ngó kìa.
Tôi nhìn lên trời theo ngón tay Kim Chi chỉ chỏ:
- Anh thấy không hả, anh? Có một đám mây nó không chịu kết bè với đám mây lớn. Nó bay một mình anh ạ! Nó dại quá hé, anh?
Tôi say mê ngắm cụm mây "dại dột" của Kim Chi. Con bé hỏi tôi:
- Mây nó có nhà không, anh Vũ nhỉ?
Tôi mỉm cười, gõ ngón tay nhẹ lên đầu con bé:
- Nó giống anh.
Kim Chi nắm cánh tay tôi:
- Nó mồ côi à? Tội nghiệp nó.... Rồi nó bay đi đâu hả, anh?
Tôi chớp mắt:
- Anh không biết. Ông Nghị, ấy quên, thầy Nghị bảo, nó sẽ bay xa lắm, em ạ!
- Nó bay mãi tận đâu?
- Ai mà biết.
- Chắc bay một mình, nó buồn lắm, anh nhỉ?
- Ừ, buồn lắm.
Hai chúng tôi ngồi nhìn cụm mây cô đơn. Cho đến khi cụm mây biến mất. Tự nhiên, tôi buồn quá. Tôi không muốn vươn lên, đi xa nữa. Ở đây, chẳng còn ai ghét bỏ tôi. Tụi lỏi, trừ thằng Văn Hội vẫn hậm bực tôi, còn đều thương mến tôi. Chúng nó không kêu tôi bằng hai tiếng Bắc kỳ mà lại thích nghe chuyện quê nhà tôi. Tôi dạy Ba Bé bài "Chiều quê" của Hoàng Quý hồi tôi học lớp ba trường thị xã Thái Bình.
"Quê nhà tôi chiều khi nắng êm đềm chạy dài trên khóm cây đàn chim ríu rít ca... Bao người ra, ngồi hay đứng bên thềm, chuyện trò vui với nhau, đời sống thần tiên".
Ba Bé đã hát bài "Chiều quê". Nó được vỗ tay hoan hô. Nó càng quý tôi. Nó bảo quê nhà tôi đẹp hơn quê nhà nó vì có "nắng êm đềm chạy dài trên khóm cây".
Con Liên Hương năng thăm hỏi tôi. Con Kiều Thu bớt moi móc và thằng Văn Hội hết dám trêu chọc tôi. Ba Bé dọa sẽ cho Văn Hội uống no nước sông nếu Văn Hội còn mở miệng gọi tôi là thằng Bắc kỳ. Nghệ sĩ Năm Chiêu đã nhìn tôi bằng đôi mắt khác. Ông biết tôi giúp ông Nghị viết những lời đối thoại ngây thơ của con nít nên ông thường giao cho tôi những vở tuồng mới, bắt tôi đọc và góp ý kiến. Tôi trở thành "nhà phê bình tuồng" của gánh Đồng Ấu. Tôi chẳng còn lạc lõng, bơ vơ như dạo mới nhập ban. Tôi quên khuấy tôi là thằng Bắc kỳ duy nhất tại miền này.
Và những người chung quanh tôi cũng chẳng còn coi tôi là thằng Bắc kỳ. Tôi sung sướng nhất điều đó.
Chuyện quê hương miền Bắc của tôi đã làm mọi người xót xa, tội nghiệp. Tụi lỏi kể chuyện quê hương miền Nam. Tôi nghe, nghe hoài và thèm nghe mãi như một người Bắc ăn thịt kho nước dừa chỉ muốn bữa nào cũng được ăn. Những cửa lòng không còn khép kín. Chúng ta đều là anh em. Huyền sử "Trăm con trăm trứng" cho chúng ta hai tiếng "đồng bào". Ôi hai tiếng "đồng bào" đầy cảm xúc mà chỉ có dân Việt Nam mới có. Vì chúng ta cùng chung một bọc. Tôi yêu mến nghệ sĩ Năm Chiêu, ông Nghị, Kim Chi, Ba Bé, má Bảy và tụi lỏi. Tôi muốn gắn đời tôi liền với ban Đồng Ấu để trọn đời được lang thang "dọc đường gió bụi". Ban Đồng Ấu sẽ mang tôi đi xa, đi khắp quê hương miền Nam. Và, tôi sẽ biết rất nhiều nơi như tôi đã biết về Hòa Hảo, Tân Huề... Tôi muốn chẻ đời tôi, ghép sàn sân khấu, lột da tôi vá tấm màn nhung lỗ chỗ nhiều vết thủng. Tôi không muốn "đi xa". Đi xa, tôi sẽ mất ông Nghị, mất Kim Chi, mất Ba Bé. Tôi sẽ chẳng còn gì. Tôi suy nghĩ về cụm mây dại dột của Kim Chi. Tôi vỗ vai con bé:
- Nó dại thật, em ạ!
Kim Chi ngơ ngẩn:
- Anh nói chi?
- Em vừa bảo cụm mây bay một mình dại quá, em quên rồi à?
Kim Chi nhớ ra:
- Ừa, nó dại thật nhưng nó giống anh mà.
Tôi lắc đầu:
- Nó không giống anh nữa. Anh sẽ thưa với thầy Nghị anh không thích đi xa.
Kim Chi hớn hở:
- Anh ở lại với em hả?
Tôi khoác tay lên vai con bé:
- Ừ, anh ở lại với em.
Chúng tôi xuống đò máy trở về Hòa Hảo. Ngày hôm sau, thằng Phi Thường trốn nghệ sĩ Năm Chiêu, bỏ gánh ra đi. Nó viết một mẩu giấy nói rằng nó nhớ ba má nó, nó xin về và bỏ nghề ca xướng. Nghệ sĩ Năm Chiêu không buồn, ông chép miệng:
- Vậy là nó hết hưởng vinh quang. Nó hết được qua Ba Lê hát tuồng.
Nghệ sĩ Năm Chiêu thân mật hỏi tôi:
- Con thích đóng tuồng không?
Một lần ông Nghị hỏi tôi câu ấy. Và tôi đã trả lời tôi không thích đóng tuồng. Ông Nghị rất hài lòng câu trả lời của tôi. Hôm nay, nghệ sĩ Năm Chiêu lại hỏi tôi có thích đóng tuồng không. Tôi nhìn ông Nghị. Rồi đáp:
- Cháu thích!
Nghệ sĩ Năm Chiêu nói:
- Cháu thay chỗ thằng Phi Thường.
Ba Bé, Kim Chi vui mừng nhất. Tôi đọc rõ niềm vui trong mắt hai đứa. Nhưng ngay đêm đó ông Nghị trách móc tôi. Ông Nghị không luồn tay dưới gáy làm gối cho tôi gối đầu. Ông thở dài:
- Sao con lại thích đóng tuồng?
- Thưa thầy, con không muốn đi xa.
- Mày làm tao thất vọng. Chỗ của mày đâu phải ở đây. Chỗ của mày đẹp hơn sâu khấu dưới ánh đèn. Rồi thầy sẽ đưa con đi xa.
- Nghề của thầy cao quý, con muốn nối nghiệp thầy.
Ông Nghị không có ý kiến gì nữa.
Một lúc lâu, ông đặt tay lên ngực tôi:
- Rán tập tuồng cho hay, nhưng đừng quên có ngày mày sẽ bỏ gánh Đồng Ấu.
- Con nhớ.
- Thầy đã hứa với vợ thầy là sau này không để con thầy lưu lạc giang hồ. Tao theo Năm Chiêu vì mày đó, thằng Bắc kỳ ạ!
Tôi nín thinh để tận hưởng tình thương yêu của ông Nghị. Và tôi ngủ đi, ngủ đầy ắp mộng mơ như tôi đã ngủ đi mỗi lần có ông Nghị nằm bên. Đám mây tôi, có ngày, sẽ bay khỏi cuộc đời Kim Chi, Ba Bé. Và rồi tất cả chỉ còn là kỷ niệm. Tôi biết chiều nào đó, đứng ở bến đò xa xôi, Kim Chi sẽ nhìn thấy cụm mây dại dột của nó. Chắc chắn nó bảo cụm mây là tôi và tội nghiệp tôi. Thương biết mấy...
Sân khấu quyến rũ tôi thật nhanh chóng. Tôi thèm đóng vai của thằng Văn Hội. Vì một phút xao xuyến nhất của tâm hồn, tôi chợt hiểu con Liên Hương đẹp tuyệt vời dưới ánh đèn măng-sông. Kép mùi Văn Hội đã vuốt ve, cầm tay, hôn tóc đào thương Liên Hương. Mà tôi, khi gần "chàng và nàng", chỉ là tên lính hầu cận, tên tiểu tốt hay tên tiểu đồng.
- Ba quân.
- Dạ... dạ...
Văn Hội hách dịch hô hoán. Luôn luôn nó làm vua, làm tướng quốc, làm hoàng tử và Liên Hương làm hoàng hậu, quận chúa, công chúa. Để trả thù tôi, Văn Hội, một đêm, đã cương những đoạn không có trong vở. Nó quát tháo:
- Tiểu tốt đâu?
Tôi khúm núm chạy ra:
- Dạ dạ... có tôi đây.
Văn Hội rút thanh kiếm gỗ khỏi bao:
- Lính mà xưng "tôi" với tướng hả?
Tôi trổ tài hề:
- Em xin lỗi... xếp.
Khán giả cười ầm. Văn Hội phang tôi những cú đau điếng. Nghệ sĩ Năm Chiêu hài lòng lối cương của Văn Hội và tôi. Ông bảo tôi và Văn Hội đóng "sống" lắm, "thật" lắm. Ông đâu biết thằng Văn Hội nhỏ mọn tìm cách đánh tôi trên sân khấu. Ba Bé biết tâm địa của Văn Hội, nó không nói năng gì, đêm sau, Ba Bé đóng vai tên phản nghịch, lúc đấu kiếm so tài cùng tướng triều đình Văn Hội, đã đâm Văn Hội một cú thật lực vào bụng rồi quăng kiếm bỏ chạy. Văn Hội ôm bụng nhăn nhó. Khán giả vỗ tay rào rào, khen nó đóng tuồng "mùi" như nó ca vọng cổ. Sự đùa bỡn của chúng tôi, ông Nghị và nghệ sĩ Năm Chiêu lại coi là nghệ thuật. Ba Bé nói riêng với tôi:
- Nó còn phang mầy, tao sẽ còn đâm nó. Mà mầy đừng hé răng chuyện này nghe. Thầy Năm sẽ rầy la đó.
Văn Hội hiểu ngay cú đâm bất ngờ của Ba Bé. Nó không cương để đánh tôi nữa. Thì nghệ sĩ Năm Chiêu lại chê tụi tôi đóng dở. Ông bắt chúng tôi đánh nhau như thật trong những đoạn tuồng có đánh nhau.
Tôi phải thú thật là tôi quên chuyện rời ban Đồng Ấu rồi. Đôi mắt đào thương Liên Hương đã nuốt linh hồn tôi. Tôi mộng mơ, mơ mộng. Làm sao có thể cầm tay Liên Hương? Làm sao có thể ôm Liên Hương vào đôi tay mình? Làm sao có thể hôn lên tóc Liên Hương? Trong ban hát, ngoài kép mùi Văn Hội, không đứa nào được cái diễm phúc ấy. Kép độc Ba Bé vừa đụng tới tay quận chúa thì tướng quân Văn Hội đã xuất hiện kịp, rút kiếm đuổi "tên phản nghịch" Ba Bé chạy dài, để an ủi, vuốt ve quận chúa Liên Hương. Tôi thẫn thờ, buồn tủi khi nhìn thằng Văn Hội hôn tóc người tôi yêu trộm. Tôi ghen với nó. Nỗi ghen có duyên cớ ấy đã khiến Văn Hội uống nước sặc sụa dưới sông mỗi bận chúng tôi tắm chung một bến.
Tôi hỏi Ba Bé:
- Tại sao mày không là kép mùi?
Ba Bé cười nhe chiếc răng nanh bọc vàng rất cải lương:
- Tao thiếu... nhan sắc!
- Nó đẹp giai hơn tao không?
- Kém mầy.
- Vậy tao có thể thành kép mùi chứ?
- Khó lắm, mầy là dân Bắc kỳ. Bắc kỳ đóng tuồng hay nhưng ca không mùi.
Ba Bé nói tiếp:
- Kim Chung ca vọng cổ đâu có hay bằng Út Bạch Lan, mầy? Bắc kỳ ca dân ca, tân nhạc thì số dzách.
Ngẫm nghĩ giây lát, Ba Bé gật gù:
- Mầy phải học nói tiếng Nam cho trúng đã. Rồi tao dạy mầy ca. Tao khẩy "ghi ta" cũng khá.
Tôi học nói tiếng miền Nam từ bữa đó. Những tiếng có chữ V chữ Q ở đầu, tôi đều luyện giọng. Tôi mê Liên Hương, tôi ao ước được hôn tóc nàng và tỏ tình trên sân khấu như thằng Văn Hội "Khi cánh tay anh còn thì giang sơn nàỵ vẫn còn và anh không để mất người anh yêu dấu nhất ớ ơ ờ ơ đời". Tôi cố gắng "nói tiếng Nam cho trúng". Ba Bé đã ngạc nhiên:
- Mầy khoái thành kép mùi chi vậy?
- Tao không thích đóng vai phụ. Tao thích đóng vai chính.
Tôi đã nói dối với Ba Bé. Làm sao có thể phơi tâm hồn mình cho người khác chụp rõ từng khía cạnh? Không, tôi không dại khờ. Ba Bé sẽ cười tôi. Chẳng cần. Nhưng Liên Hương mắng mỏ tôi thì tôi phải rời gánh Đồng Ấu trước ngày trái-đời-tôi chín hoang.
- Hay đó.
- Mầy biết chưa, kép chính bao giờ cũng được khán giả thuộc tên, nhớ mặt.
- Mầy nghĩ xa ghê hé, Vũ?
Ba Bé dạy tôi ca. Tôi còn nhớ như in những câu vọng cổ văn chương chải chuốt mà Ba Bé phả vào trí óc tôi cách đâv trên mười năm, dù hôm nay, vọng cổ đối với tôi là thứ văn nghệ xa lạ.
Ba Bé và tôi đã ngồi trên sạp bán vải ở chợ quận mỗi buổi chiều. Nó đánh đàn, nhịp chân, dạy tôi từng câu.
- Nàng thu đã về... rồi. Những chiếc lá vàng bay lả tả trên đường nhắc tôi hình ảnh quá vãng. Lá về mà sao không thấy cố nhân trở lại...
Tôi khoái nhất câu:
- Một bầu rượu, một túi thơ cùng với giai nhân sống ngoài vòng cương tỏa hoặc cùng nhau thả thuyền dưới ánh trăng trong, cũng tỉ như đôi chim nhạn cất cánh tung bay giữa khoảng trời mây sương gió lạnh lùng...
Ba Bé hy vọng tôi ca mùi hơn Văn Hội. Nó cứ luôn miệng khen "Bắc kỳ thiên tài". Nhưng một hôm nó dạy tôi câu hát trong sáu câu Trương Quân Thụy khóc Thôi Oanh Oanh:
- Hỏi trăng trăng chỉ thờ ơ, hỏi nước lại hững hờ xuôi chảy, muốn tìm em anh tìm đâu cho thấy, trăm năm tâm sự một ngọn đèn tàn...
Nó đã lắc đầu. Và đổ nước lạnh xuống nỗi ấp ủ của tôi:
- Mầy khó mà ca vọng cổ hay, Vũ ạ!
Nó đánh đàn, ca lại cho tôi nghe. Tôi mới thấy nó nói đúng. Ba Bé kết luận:
- Vọng cổ ca dễ nhất, mầy ca không nổi thì hòng gì ca các điệu khác. Mầy chỉ ngâm thơ tao đàn là mùi thôi.
Tôi buồn mất mấy ngày. Kim Chi không hiểu tại sao tôi buồn. Nó ngỡ ông Nghị rầy la tôi. Làm sao có thể cho nó biết tôi thương con Liên Hương? Phải chi con Liên Hương bé nhỏ bằng con Kim Chi. Để tôi rủ nó vô chợ Mỹ Lương, đi đò máy sang làng Tân Huề, ngồi bên bờ sông, nhìn lên trời, thương những cụm mây dại dột.
- Anh buồn chi vậy?
- Anh có buồn đâu.
- Xạo.
- Anh vui... thấy mồ.
- Em ghét anh, em hổng thèm thương anh nữa, anh xí gạt em à...
- Anh xí gạt em cái gì nào?
- Anh biểu anh hổng buồn. Thầy Nghị la anh hả, anh?
Tôi ngại con bé sẽ hỏi lôi thôi, đáp bừa:
- Ừ, thầy Nghị la anh.
Kim Chi níu lấy câu đó, hỏi thêm:
- Tại sao thầy Nghị la anh?
- Tại anh ca vọng cổ không mùi.
- Thì anh nhờ thầy Nghị dạy anh ca đi.
Kim Chi giúp tôi một ý kiến. Nỗi buồn của tôi tan biến thật nhanh. Tôi ôm chặt lấy con bé:
- Anh ngu quá.
- Sao?
- Anh đã không nhờ thầy Nghị dạy anh.
Con bé thấy tôi tươi cười thì sung sướng vô cùng. Khuôn mặt nó rạng rỡ. Tôi mở to mắt ngắm nó, Không, nó không giống Liên Hương. Nó không có chiếc răng khểnh, không có đôi mắt tròn, đen lay láy nhìn ai là thu cả linh hồn người ấy vào mắt mình.
- Em có chắc thầy Nghị dạy anh ca mùi không?
- Chắc chớ.
- Anh mà ca vọng cổ mùi, anh sẽ theo ban Đồng Ấu hoài, em ạ!
- Vái trời cho anh ca mùi.
Mây Mùa Thu Mây Mùa Thu - Duyên Anh Mây Mùa Thu