If you love someone you would be willing to give up everything for them, but if they loved you back they’d never ask you to.

Anon

 
 
 
 
 
Tác giả: Duyên Anh
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 8
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1645 / 54
Cập nhật: 2016-06-17 13:09:35 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4
hợ Mới là đất lành. Ban Đồng Ấu là cánh chim mỏi. Cánh chim mỏi Đồng Ấu chọn đất lành Chợ Mới để dưỡng sức, để lấy lại phong độ hy vọng ngày về Sàigòn làm chuyện ngạc nhiên. Nửa tháng trời diễn hai vở tuồng mà khán giả vẫn thích thú. Nghệ sĩ Năm Chiêu hứng khởi. Ông hợp sức cùng soạn giả Văn Nghị viết hai loại tuồng. Một loại táp nham ca hát lung tung beng và một loại nặng phần nghệ thuật trình diễn. Loại táp nham giúp ban hát của ông sống để ông thực hiện lý tưởng.
Nghệ sĩ Năm Chiêu bắt tụi lỏi tập tuồng liên miên. Ông biết cách cấy mầm vinh quang trên cánh đồng Đồng Ấu. Tụi lỏi ngoan ngoãn, chăm chỉ dưới quyền dạy dỗ của ông. Loại tuồng nghệ thuật, nghệ sĩ Năm Chiêu gọi là "tuồng để dành". Tôi đã đưọc coi vở "tuồng để dành" của ông.
Khán giả vỏn vẹn bốn người: Nghệ sĩ Năm Chiêu, ông Nghị, bà Bảy và tôi. Tụi lỏi đóng thật hay. Thế mà nghệ sĩ Năm Chiêu không hề tán thưởng, trái lại, ông còn vò đầu, dậm chân, chửi mắng con Liên Hương, thằng Văn Hội như tát nước vào mặt. "Đóng như vầy thì suốt đời đi lang thang". Nghệ sĩ Năm Chiêu rít qua kẽ răng câu ấy. Ông hét lớn. "Chúng mầy muốn nổi tiếng ở Sàigòn như các ông Tư Chơi, Năm Châu, Bảy Nhiêu, các bà Phùng Há, Kim Cúc, Bảy Nam ngày xưa không?" Chẳng đứa nào dám trả lời. Nghệ sĩ Năm Chiêu long lanh cặp mắt già: "Tao muốn tụi bay qua Ba Lê trổ tài như tao ngày xưa, thế rồi tao sẽ nhắm mắt. Tụi bay đừng phụ công tao"
Vở "tuồng để dành" này tập ròng rã mười ngày. Và không ngày nào nghệ sĩ Năm Chiêu không nặng lời chửi bới. Con Kim Chi đã bị nghệ sĩ Năm Chiêu tát giữa sân khấu và bị dọa "Tao đuổi mầy về, trả ba mầy à, liệu hồn" Kim Chi mắc tội không dám ngã đau khi con Kiều Thu xô nó. Nghệ sĩ Năm Chiêu quăng cái ống vố xuống sàn gỗ, giận dữ: "Diễn hời hợt, giả tạo như bọn chúng nó, chỉ cần hát mùi mẫn áo quần lộng lẫy không phải là diễn tuồng. Nếu tao bằng lòng sân khấu hôm nay, tao đã không đói khổ vì tụi bay, tao đã lái xe hơi tối ngày nhậu nhẹt ở Thanh Thế. Tao muốn diễn tuồng thật sự, thật như cuộc đời. Tao hài lòng chôn vùi tên tuổi tao cho tụi bay nổi danh, tụi bay nỡ hại tao à?" Con voi già của nền cải lương Nam Kỳ khe khắt với các diễn viên nhi đồng quá thể. Hôm bị nghệ sĩ Năm Chiêu tát, con Kim Chi đã rủ tôi ra bờ sông khóc lóc. Nó không dám khóc trước mặt nghệ sĩ Năm Chiêu. Ông Nghị đã an ủi tôi như thế nào, tôi an ủi Kim Chi như thế ấy.
- Em đừng khóc nữa.
- Thầy Năm ghét em, thầy hổng uýnh đứa nào, thầy uýnh em.
- Thầy thương em nhất đó, thầy muốn em nổi tiếng như là bà Phùng Há đấy mà... Thương ai người ta mới mắng mỏ, đánh đập vì mong mình giỏi giang, em ạ.
- Anh thương em anh có uýnh, mắng em đâu?
- Anh khác.
- Khác chi?
- Anh đâu có dạy em đóng tuồng.
Kim Chi đưa cánh tay áo bà ba quệt nước mắt:
- Thầy Nghị có hay rầy la anh hôn?
Tôi vỗ vai con bé:
- Thầy Nghị rầy anh hoài à....
Con bé nhìn tôi. Đôi mắt nó còn sũng ướt. Chúng tôi ngồi dưới gốc cây dừa lửa. Kim Chi gục đầu xuống lòng tôi.
- Hôm nọ anh hát bài gì có con kiến, anh dạy em đi.
- Anh dạy em rồi thôi.
- Em quên hết trơn.
Tôi dạy Kim Chi những bài ru mà mẹ tôi đã dạy tôi ngày tôi còn bé. Những bài ru quê mùa Bắc kỳ ngợi ca và chê trách những con vật lười biếng, chăm chỉ, hay giận nhau. Tôi thích những bài này nên thuộc lòng.
- Nào, học lại bài "Con kiến kiện củ khoai" nhé.
- Dạ...ạ..ạ...
Tiếng dạ của con bé Nam kỳ ngọt như nước dừa. Tôi vuốt má Kim Chi:
- Con kiến mà kiện củ khoai.
Kim Chi nhắc lại:
- Con kiến mà kiện củ khoai.
Mỗi câu tôi đọc lên, nó nhắc lại hai ba lần.
-... Kiện đi kiện lại đã hai năm tròn
Bây giờ kiến đã có con
Củ khoai mọc mộng vẫn còn kiện nhau.
Học thuộc bài "Con kiến kiện củ khoai" Kim Chi bắt tôi dạy thêm. Tôi dạy nó bài:
- Con ngựa đi Bắc về Nam
Hay ăn hay ngủ hay làm hay lo
Con mèo nằm bếp co ro
Biếng ăn biếng ngủ biếng lo biếng làm.
Rồi đến bài:
- Con gà cục tác lá chanh
Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi
Con chó khóc đứng khóc ngồi
Mẹ ơi đi chợ mua tôi đồng giềng.
Con Kim Chi dễ thương như con kiến, củ khoai, con ngựa, con mèo, con gà, con lợn, con chó trong những vần ca dao mộc mạc mà tôi dạy nó. Chả biết nhà thi sĩ nào đã sáng tác những bài thơ giản dị, tươi sáng như thế? Tôi tiếc không thuộc thật nhiều để dạy Kim Chi mỗi lần nó tủi thân vì bị nghệ sĩ Năm Chiêu mắng mỏ. Kim Chi chưa đủ tuổi phả vào tâm hồn tôi những điệu hò miền Nam hay "ù ơ" buồn tênh xa vắng. Nhưng xuyên qua đôi mắt nó, xuyên qua hai cửa sổ của linh hồn nó, tôi đã nhìn rõ miền Nam. Miền Nam chất phác và độ lượng. Đôi mắt Kim Chi đầy ắp tình yêu mến. Đôi mắt nó ví như hai giòng sông Tiền và sông Hậu. Và tình yêu mến là phù sa đã bồi lớp lớp trên cánh đồng khô cằn của đời tôi...
- Còn bài gì nữa hôn, anh?
- Còn.
- Bài gì?
- Bài "Con cò".
- "Con cò mà đi ăn đêm" hả?
- Không phải.
- "Con cò, con diệc, con nông" hả?
- Không, con cò khác cơ.
- Con cò gì?
- "Con cò lặn lội bờ sông"
- Anh dạy em đi
- Để mai anh dạy.
- Em hổng chịu đâu, anh dạy em liền đi. Mai ngộ anh "đi xa" thì uổng "chớt".
Con bé phụng phịu bắt tôi dạy bài "Con cò". Nó mê những vần ca dao miền Bắc rồi.
Con cò lặn lội bờ sông,
Cẳng dài mỏ cứng cổ cong lưng gù.
Bãi xa sông rộng sóng to
Vì lo cái bụng nên mò cái ăn.
Kim Chi níu ngực áo tôi:
- Tội nghiệp con cò hén anh....
Tôi nhéo khẽ con bé:
- Cái gì em cũng tội nghiệp. Nó sợ đói thì phải mò đi ăn chớ bộ.
- Mà nó đi xa quá. Anh nè...
- Gì em?
- Còn bài gì nữa?
- Hết rồi.
- Anh xạo, em hổng chơi với anh đâu, em nghỉ anh ra à..
Tôi chiều con bé dạy nó cả bài "Con cua tám cẳng hai càng/ Một mai hai mắt rõ ràng con cua" lẫn bài "Con bống đi chợ cầu Nôm/ Sao mầy không rủ con tôm đi cùng/ Con tôm nó giận đùng đùng. /Mẹ tao khuyên nó thôi đừng giận nhau".
Kim Chi khen tôi:
- Anh nhớ tài số dách
Nó bảo:
- Anh đóng tuồng khỏi cần nhắc.
Và hỏi tôi câu nó đã hỏi tôi một lần:
- Tại sao anh hổng đóng tuồng?
Tôi nâng đầu nó dậy:
- Thầy Nghị nói chỗ của anh không ở đây.
- Vậy chỗ của anh ở đâu?
- Anh không biết.
Quanh quẩn một lúc, Kim Chi lại thắc mắc câu "bao giờ anh đi xa".
Tôi cầm tay nó, nói nhỏ đủ cho nó nghe là còn lâu lắm, khi nào tôi khôn lớn, tôi mới đi. Con bé buột miệng "khôn lớn, em đi theo anh". Nó nói thật tự nhiên và không hề biết nó đã làm tôi xao xuyến.
Tôi đưa con bé về rạp hát. Thằng Văn Hội vẫn còn thù tôi về chuyện con cắc-kè. Nó thèm đánh tôi một trận nhừ đòn. Nhưng nghệ sĩ Năm Chiêu phát khùng giấc mộng nghệ thuật của ông, ông không cho tụi lỏi nòng cốt của gánh Đồng Ấu lêu lổng chơi bời. Ông bắt tụi lỏi tập "tuồng để dành" ngay sau khi tập xong loại tuồng táp nham kiếm tiền. Vở "Người đi tìm ngày xưa" của ông Nghị tập hoài tập hủy. Thằng Văn Hội và con Liên Hương đóng rất hay, thuộc vở làu làu mà nghệ sĩ Năm Chiêu vẫn la hét om sòm, rầy la cả bọn thậm tệ. Khiến ông Nghị phải bênh vực tụi lỏi. Ông Nghị cũng cảm thấy còn thiếu sót một cái gì đấy nhưng ông tìm không ra.
Ông Nghị hỏi đùa tôi:
- Mầy biết tuồng hỏng cái gì không, thằng Bắc kỳ?
Tôi lắc đầu:
- Con không biết.
- Cố nghĩ coi, Bắc kỳ
- Có lẽ...
- Có lẽ sao?
- Đoạn thằng Văn Hội hồi tưởng quá khứ, thầy để thằng Phượng Hoa nó nói y hệt người lớn.
Ông Nghị mím môi suy nghĩ giây lát. Rồi ông phát tôi một cái đau điếng.
- Số dách, Bắc kỳ ơi! Mầy giúp thầy tìm ra chỗ hỏng của tuồng rồi.
Ông Nghị hì hục viết lại những tờ đối thoại của con nít. Ông đưa tôi coi. Tôi bảo ông rằng ông nên chữa lại thật đúng ngôn ngữ của con nít. Ông Nghị nghe tôi và vở "Người đi tìm ngày xưa", nghệ sĩ Năm Chiêu đã hài lòng. Ông thả tụi lỏi tự do một buổi. Thằng Văn Hội đi kiếm tôi sinh sự liền.
- Ê, Bắc kỳ, mầy ngon dữ hén?
- Ngon cái gì?
Thằng Văn Hội hất đầu.
- Mầy còn ngon không?
Mấy thằng lỏi về bè thằng Văn Hội, xúi dục:
- Bắt con cắc-kè kêu đi mầy, Hội.
Tôi biết khó mà thoát khỏi tụi lỏi, nói bằng giọng tự tin:
- Tụi bây có "nghề" không mà dám đụng vào tao. Ngon hay không ngon, ông đếch cần khoe khoang. Một chọi một, ông cho tụi bay ốm đòn.
Thằng Phi Thường nhái giọng tôi:
- Thằng Bắc kỳ nó biểu nó "đết cần". Vậy mầy bắt chước con cắc-kè kêu xem có giống dân Bắc kỳ la lối không mầy.
Thằng Ba Bé xăn tay áo:
- Rồi, một "công" một, ra bờ sông gấp, thằng Bắc kỳ.
Tôi theo tụi lỏi ra bờ sông. Thằng Văn Hội cởi áo trước nhất. Trông bộ ngực gầy lép của nó, tôi phì cười:
- Ngực mầy "xi cà hom" thế, ông búng một cái thì lũng phổi con ạ
Nó chửi thề:
- Đ. má thằng Bắc kỳ phách lối quá xá... Nhào vô coi
Tôi khoanh tay:
- Ông giao hẹn đã.
Thằng Ba Bé trợn mắt:
- Giao hẹn con c. "Oong công oong" rồi. Giao hẹn gì thêm?
- Hễ tao thắng tụi bay, tao cấm tụi bay gọi tao bằng Bắc kỳ. Thằng nào không nghe, ông tẩn gẫy xương.
Thằng Phi Thường dậm chân:
- Đ. má mầy, thằng Bắc kỳ lộn xộn dữ... Úynh đi đã nào, mầy chưa thắng đã giao hẹn.
Thằng Văn Hội nhảy tới đá gió. Tôi giơ tay bắt chân nó, nhưng không kịp. Tụi lỏi khuyến khích nó:
- "Xơi phở tái rau muống" nó đi.
- Cho nó "ăn cá rô cây" đi.
Văn Hội đúng là kép cải lương. Nó đã múa võ đánh tôi như nó múa võ "Lục Vân Tiên đánh Phong Lai" trên sân khấu. Tôi chỉ né tránh. Chờ đúng dịp tôi đá nó một cú trúng bụng. Thằng Văn Hội la lớn. Nó lăn xả, quyết ăn thua đủ cùng tôi. Lúc nó gần thua, thằng Ba Bé tiếp tay nó. Tôi chạy xa khỏi vòng chiến:
- Tụi bay hèn nhát.
Ba Bé quát tháo:
- "Oong công oong" mà hèn cái gì? Giờ đến "tua" tao, Bắc kỳ đừng có rỡn mầy.
- Nhớ nhé.
- Tao đâu có giả dối như tụi... Bắc kỳ...
Ba Bé đấm đá hung hơn Văn Hội. Tôi nhớ đến những miếng hoa mai quyền mà ông chủ gánh sơn đông bán thuốc đã dạy tôi. Tôi xuống tấn, múa lung tung beng. Thằng Văn Hội kêu:
- Ba Bé coi chừng, thằng Bắc kỳ có... nghề.
Ba Bé không nghe lời Văn Hội. Nó ỷ y to hơn thằng Văn Hội, quyết đánh ngã tôi. Vô phúc cho nó, bài mai hoa quyền biểu diễn trước khi bán thuốc giun đã giúp tôi cầm cự dai dẳng. Mấy phút liền, thằng Ba Bé không đấm được tôi cú nào. Nó ức lắm, chửi thề luôn miệng. Thằng Phi Thường đứng ngoài "bình luận".
- Đ. má... "cá rô cây" coi bộ nuốt hổng dô...
Con nhà Tám Đủ khích thằng Ba Bé:
- Thằng Ba gắng bắt Bắc kỳ nuốt "cá rô cây" đi. Tao kiếm rau muống nhét dô họng nó.
Ba Bé điên tiết nhảy cao, đá song phi. Tôi tránh sang một bên, tiện đà đấm không khí thị uy. Bất ngờ, cú đấm gió của tôi trúng mũi thằng Ba Bé. Nó ngã nhoài, lấy tay ôm mũi, không đứng dậy nổi. Tụi lỏi phá lệ, xông vào đánh tôi. Một mình tôi chống ba thằng. Chúng đấm đá tôi tơi bời. Thằng Ba Bé vẫn nằm ôm mũi. Nó nhắm chặt mắt vì tưởng dập mũi rồi. Chẳng lâu la gì, tôi bị tụi lỏi quật ngã. Thằng Phi Thường lật ngửa người tôi. Nó nằm trên bụng tôi. Thằng Văn Hội dùng hai chân đè chặt hai cánh tay tôi. Còn thằng Tám Đủ bứt cỏ nhét vô miệng tôi. Nó đắc chí cười ha hả:
- Rau muống đấy Bắc kỳ ơi
Thằng Văn Hội day chân nó thật mạnh, khiến đôi tay tôi tê liệt hết cựa quậy.
Tôi ngậm miệng. Hai hàm răng siết chặt. Tám Đủ tát tôi lia lịa. Rồi nó cậy miệng tôi. Văn Hội dục Tám Đủ:
- Lẹ lẹ chút mầy, tao đổ nước lèo cho rau muống trôi xuống bao tử.
Văn Hội đã tụt quần ra. Tám Đủ loay hoay cậy miệng tôi. Nó vô ý để tôi táp một miếng. Nó kêu lên. Tiếng kêu đau đớn của nó làm Ba Bé mở mắt. Nó nhìn thấy cảnh tượng ba thằng đánh một. Ba Bé quên hẳn cú đấm tôi vừa tặng nó. Thằng lỏi vụt đứng dậy, chạy lại, đá phóc thằng Văn Hội một cú:
- Đồ hèn hát
Ba Bé đẩy Văn Hội. Đôi cánh tay tôi thoát khỏi sự kìm cặp của Văn Hội. Tám Đủ co tay, xuýt xoa. Nó nhìn Ba Bé trừng trừng:
- Mầy phản phé, hả?
Ba Bé khoanh tay trước ngực:
- Buông nó ra
Thằng Phi Thường đứng lên. Tôi nằm im chờ đợi đòn của Ba Bé. Nó hất đầu, bảo tôi:
- Mầy cũng đứng lên đi, thằng Bắc kỳ
Tôi ngoan ngoãn nghe nó. Ba Bé nói:
- Tao đã biểu "oong công oong" là "oong công oong". Tụi bay ăn hiếp nó.
Văn Hội nghiến răng ken két:
- Mầy bênh Bắc kỳ hả, Ba?
Ba Bé nhổ nước miếng:
- Hổng bênh thằng nào hết trọi, tao đã biểu "oong công oong" là "oong công oong".
Tám Đủ nắm chắc hai nắm đấm:
- Đ.má, nó uýnh mầy tét mũi mà.
Ba Bé liếm mép:
- Thây mẹ tao, tao thua nó, tới lượt mầy chứ hổng có được "tờ raa công oong". Đã nói trước rồi, tụi bay tính cậy đông ăn hiếp, đâu có được.
Ba Bé ngó tôi:
- Tao chưa bại nghe, Bắc kỳ. Úynh nữa đi.
Tôi khép nép, nói nhỏ:
- Tôi thua anh rồi.
Ba Bé nổi sùng:
- Con c. mầy đừng giở giọng "thái sư". Uýnh nữa đi, uýnh chết bỏ, uýnh hết thằng này tới lượt thằng khác. Mầy "giao hẹn" rồi đó, Bắc kỳ.
Nó lấy ngón tay chỉ thằng Văn Hội:
- Rồi, uýnh lại từ đầu vậy. Mầy chịu thua thằng Bắc kỳ chưa, Hội?
Văn Hội lắc đầu:
- Còn "phia".
- Vậy mầy úynh nữa coi.
Văn Hội đã bớt huênh hoang. Nó không muốn đánh tôi nhưng sợ Ba Bé nên phải nhào vô. Tôi đứng im nhận cú đấm của Văn Hội. Ba Bé chửi lớn:
- Đ. má thằng Bắc kỳ, mầy hổng dám uýnh nữa hả? Mầy hổng uýnh ông bỏ mặc xác mầy đặng tụi nó nhét cỏ vô miệng mầy, tụi nó tiểu vô mặt mầy à...
Văn Hội toan đấm gỡ thêm, Ba Bé la:
- "Phan" đã!
Nó hối thúc tôi:
- Uýnh lại nó đi, Bắc kỳ.
Không hiểu sao tôi đâm sợ thằng Ba Bé. Và tôi tuân lệnh nó răm rắp. Tôi đỡ đòn của thằng Văn Hội. Bấy giờ, tự nhiên tụi lỏi chia thành hai phe. Phi Thường, Tám Đủ khuyến khích Văn Hội. Ba Bé khuyến khích tôi. Nó lải nhải hai tiếng Bắc kỳ. Nhưng tôi nghe được tình thương của Ba Bé qua hai tiếng Bắc kỳ.
- Trổ nghề của mầy ra Bắc kỳ ơi.
- Cố thắng nó nghe Bắc kỳ.
Văn Hội đấm tôi, tôi không nhường nó nữa. Tôi đá nó một cú. Ba Bé vỗ tay:
- Có đường nghe, Bắc kỳ.
Văn Hội bị đau quên khuấy lời dọa "có nghề" của tôi. Nó vừa ức tôi, vừa ức Ba Bé. Nhưng tôi đã khinh cái ngực hom hem của nó. Tôi lừa đấm nó một trái trúng bụng. Nó kêu "hự" và ôm bụng chạy ra ngoài vòng "võ đài" mà Ba Bé đã vẽ làm giới hạn để cấm hai thằng Phi Thường, Tám Đủ nhảy vào đánh hôi.
Ba Bé khoái chí, nhảy cỡn lên.
- Thằng Bắc kỳ thắng trận đầu.
Văn Hội hậm hực:
- Đ. má thằng phản bạn.
Ba Bé lờ đi. Nó đã trở thành trọng tài công bình của trận đấu. Thằng Phi Thường nhảy vô vòng. Nó mạnh khỏe hơn Văn Hội. Nó vờn vẽ, rình rập. Nó la hét mỗi lần phóng ra một trái đấm hay một cú đá. Nó làm tôi mệt nhoài. Ba Bé phải cổ võ:
- Đừng ngán Bắc kỳ, rán lên coi.
Và mách nước tôi:
- Uýnh mé dưới.
Tôi đỡ đòn Phi Thường tối tăm mặt mũi. Rồi, cuối cùng, tôi cũng loại nó khỏi vòng đấu. Ba Bé nói rằng hễ đứa nào nhích chân ra ngoài vệt vẽ là thua. Tôi tấn công Phi Thường tới tấp. Nó lùi dần và vô ý để chân bước qua vệt vẽ. Trọng tài Ba Bé tuyên bố nó thua tôi. Lúc này, tôi thở muốn đứt hơi, chưa kịp nghỉ thì thằng Tám Đủ đã nghênh chiến. Nó đấm tôi cú nào là trúng cú ấy. Ba Bé tỏ vẻ bất bình:
- Thằng mọi Bắc kỳ, sao mầy đứng ý chịu đòn vậy?
Phi Thường khích lệ Tám Đủ:
- Hạ nó đi, mầy thắng đến nơi rồi đó.
Văn Hội vỗ tay reo:
- Sửa soạn cho nó ăn "rau muống phở tái" đi.
Tám Đủ lao thẳng tới. Tôi đưa gối cản đường nó. Cú "giơ-nu" của tôi đã cứu tôi. Tám Đủ lao mạnh nên nó hứng một cú đúng mạn mỡ. Nó ngã phịch chết điếng. Ba Bé giơ tay cao:
- Hay quá ta
Văn Hội và Phi Thường bắt đầu nhìn tôi bằng những con mắt nể sợ. Tám Đủ lồm cồm bò dậy:
- Nó có "nghề" thiệt. Tao chịu thua.
Nó bước khỏi vòng đấu. Ba Bé mỉm cười, ngó tôi:
- Úynh nữa nghe?
Tôi chưa trả lời, Ba Bé đã nói:
- Còn tao mà, thắng nổi tao mới là thắng cả bọn và tụi tao hổng kêu mầy là Bắc kỳ nữa.
Tôi đưa tay vuốt mồ hôi mặt:
- Anh cứ gọi tôi là Bắc kỳ đi.
Ba Bé gồng các bắp thịt:
- Hổng được. Tao phải uýnh mầy kẻo tụi nó biểu tao phản phé. Tao hổng phản phé chi hết trơn. Tao hổng thích "tờ-roa công oong", tao thích "oong công oong" cho nó anh hùng. Tao ghét ăn hiếp ai, mầy hiểu hôn, Bắc kỳ?
Tôi gật đầu:
- Hiểu.
Ba Bé hất hàm rất anh chị:
- Vậy đỡ đòn đi.
Nó đấm liền. Tôi không tránh. Nó đấm cú thứ hai tôi vẫn không tránh, Ba Bé chửi tôi:
- Đ. má, mầy khi tao à?
Bây giờ, tôi đâm sợ tiếng "khi" của Ba Bé. Tôi biết sẽ mất cảm tình của nó nếu tôi không làm vừa lòng nó. Ba Bé dọa tôi:
- Mầy hổng uýnh lợi, tao uýnh mầy chết bỏ nghe, Bắc kỳ. Tao buông mầy trôi sông à..
Tụi lỏi lại về phe Ba Bé, xúi dục nó:
- Uýnh chết bỏ thằng Bắc kỳ đi
Ba Bé lao người vào tôi. Tôi giơ tay đẩy rất yếu ớt mà chẳng hiểu sao Ba Bé té lùi qua vệt vẽ. Nó đứng dậy, nhún vai:
- Mầy hay thiệt đa, Vũ ạ! Tao thua mầy. Từ nay, tụi tao kêu mầy là Vũ.
Nó đến gần tôi, vỗ vai tôi:
- Xuống lội một lúc, rồi đi ăn mì với tao. Tao bao mầy.
Chúng tôi cởi quần áo, nhảy xuống sông bơi lội. Tám Đủ, Phi Thường nói chuyện thân mật với tôi. Chỉ có Văn Hội còn ấm ức. Chúng tôi đi ăn mì. Ba Bé bắt tôi kể chuyện Bắc kỳ. Tôi đã kể chuyện quê nhà tôi cho con bé Kim Chi nghe. Và tôi lại kể chuyện ấy cho Ba Bé, Phi Thường, Tám Đủ, Văn Hội nghe. Chúng nó hỏi tôi rối rít như Kim Chi đã hỏi tôi. Thằng Ba Bé thật thà vỗ đùi đét một cái:
- Đ. má, "dzậy" mà tao cứ ngỡ Bắc kỳ là nước Bắc kỳ đó, Vũ....
Chúng tôi ăn mì, uống xá xị ngon lành vui vẻ. Phi Thường, Tám Đủ gạ tôi dạy "nghề" cho chúng nó. Tôi hứa sẽ truyền bài mai hoa quyền duy nhất mà ông chủ sơn đông bán thuốc đã dạy tôi. Văn Hội bỏ về trước. Rồi Phi Thường, Tám Đủ cũng bỏ về tập vở mới cho thuộc. Ba Bé rủ tôi đi loanh quanh phố quận. Nó hỏi tôi đủ các thứ chuyện. Nó xin lỗi đã kêu tôi là Bắc kỳ. Tôi vẫn còn thắc mắc không biết tại sao cái đẩy rất khẽ của tôi lại làm té lùi Ba Bé ra ngoài vòng đấu.
- Này Ba Bé.
- Chi vậy?
- Lúc nãy anh giả đò thua tôi, hả?
Ba Bé thúc cùi chõ vào sườn tôi:
- Rỡn hoài. Mầy có nghề, mầy đẩy tao té nhào đó.
Tôi nhìn Ba Bé:
- Tôi nói dóc anh đấy, tôi không có nghề gì sốt cả.
Ba Bé cười toe:
- Xạo tổ!
- Tôi thề với anh là tôi không có "nghề".
- Thây kệ mầy.
- Anh giả đò thua tôi, hả?
- Tao biểu mầy đẩy té tao, mầy hỏng tin tao à?
- Tôi không tin.
Ba Bé khoác tay tôi:
- Tao không thích tụi nó coi tao là thằng phản bạn, phản phé. Tao cũng hổng uýnh mầy, hổng thích để tụi nó ăn hiếp mầy. Ừ, tao hối mầy uýnh lợi tao để tao giả đò thua...
- Tôi biết rõ mà.
Ba Bé siết cổ tôi:
- Mầy biết chi?
Tôi nắm lấy tay Ba Bé:
- Tôi biết anh thương tôi.
Ba Bé không nói thêm. Một cái gì đó nổi dậy ở đáy lòng tôi. Tôi tưởng tượng ấm nước cuộc đời tôi đã reo nhờ ngọn lửa thương yêu của ông Nghị, Kim Chi và Ba Bé. Tôi muốn khóc quá.
Từ bữa đó, tình bạn giữa tôi và Ba Bé trở nên thắm thiết. Trong ban hát, chỉ còn thằng Văn Hội và con Kiều Thu không ưa tôi. Nghệ sĩ Năm Chiêu đã tỏ nhiều sự âu yếm với tôi. Ông chẳng mỉa mai, chế riễu tôi nữa. Tôi bằng lòng lang thang "dọc đường gió bụi" cùng ban Đồng Ấu, chờ một ngày "vươn lên, đi xa" mà ông Nghị, cha nuôi Nam kỳ của tôi, đã mong muốn.
Mây Mùa Thu Mây Mùa Thu - Duyên Anh Mây Mùa Thu