There is always, always, always something to be thankful for.

Unknown

 
 
 
 
 
Tác giả: Duyên Anh
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 8
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1645 / 54
Cập nhật: 2016-06-17 13:09:35 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3
an hát có hơn mười đào kép nhi đồng. Tôi chả cần nhớ hết tên chúng nó. Chiều nay, tụi lỏi bận tập tuồng mới, nên cuộc giao chiến giữa tôi và thằng Văn Hội tạm hoãn. Tôi nhận việc bôi hề, dắt lông gà đầy đầu, ngồi trên xe lôi đạp, đi khắp các phố quận lỵ, đánh trống và quảng cáo tuồng. Buổi trưa, tôi đã làm lé mắt tụi lỏi khi tôi dám trèo cây cao, một mình căng cái băng-đờ-rôn. Nghệ sĩ Năm Chiêu khen tôi rối rít. Ông sai tôi đi dán "áp phích" - những tấm "áp phích" do ông Nghị viết - Lần đầu tiên, nghệ sĩ Năm Chiêu khen tôi, làm tôi phấn khởi công việc hèn mọn của mình.
Con Kim Chi không được đóng tuồng mới. Nó mặc áo đẹp, đánh phấn, thoa son đi quảng cáo tuồng với tôi. Ngồi bên tôi trên chiếc xe lôi đạp, con Kim Chi hiền hậu, dễ thương, khác hẳn những lúc nó nhập bọn cùng tụi lỏi chế riễu tôi. Xe chạy quá khỏi quận, vào những xóm quê. Lúc về, tay và miệng đều mỏi, tôi không thiết đánh trống "a lô"nữa. Con Kim Chi gạ chuyện tôi. Nó hỏi chuyện miền của tôi thật ngớ ngẩn.
- Ngoài Bắc có tre không?
- Có.
- Kêu bằng cây gì?
- Cây tre.
- Cái ghe ngoài Bắc kêu là gì?
- Cái thuyền.
- Cái chén kêu là gì?
- Cái bát.
- Cái ly kêu là gì?
- Cái cốc.
- Cái muỗng kêu là gì?
- Cái thìa.
- Ngộ quá he?
- Ừ, ngộ lắm.
- Vậy con cắc-kè nó giống con chó thiệt hả?
- Đâu có.
- Sao anh biểu nó giống con chó?
Con Kim Chí ít tuổi hơn tôi. Lại một mình ngồi bên tôi, nên, có lẽ, nó sợ tôi nên gọi tôi bằng anh. Tự nhiên, tôi thương con Kim Chi, muốn nó là em gái tôi.
- Anh nói dóc mà.
- Nói dóc làm chi?
- Vì anh ghét thằng Hội.
- Sao anh ghét nó?
- Nó cứ kêu anh là thằng Bắc kỳ. Đứa nào kêu anh là Bắc kỳ, anh cũng ghét. Anh sẽ đánh chúng nó nữa.
Con Kim Chi lè lưỡi:
- Uýnh nhau sợ thấy mồ. Anh nè, sao người ta biểu "Bắc kỳ ăn cá rô cây" hả, anh? Bộ người Bắc ăn cá gỗ thiệt à?
Hồi di cư vào Nam tôi mới được nghe câu "Bắc kỳ ăn cá rô cây". Tôi hỏi mẹ tôi. Mẹ tôi kể cái tích mấy anh học trò nghèo miền Trung ra Bắc trọ học, muốn giữ thể diện của mình, mỗi anh thường mang theo một con cá bằng gỗ. Đến bữa ăn, anh học trò nghèo lôi con cá đặt lên đĩa để có ai đi qua, ngó mâm cơm của mình, không chê mình nghèo nàn, cơm rau đạm bạc. Ngày xưa, các ông đồ đi dạy xa cũng thế. Luộc một quả trứng gà thì hàng năm không bóc vỏ. Mỗi bữa mỗi bỏ trứng ra đĩa. Xong bữa lại cất trứng vào tráp. Đó là sự phù phiếm đáng thương hại của kẻ sĩ nghèo sống trong một xã hội ưa đòm ngó, bĩ thử "Ăn cá rô cây" nào xấu xa gì? Tôi giải nghĩa cho Kim Chi hiểu câu "Bắc kỳ ăn cá rô cây". Con bé tròn xoe mắt:
- Tội nghiệp quá hé, anh? Thế người Bắc có ăn thit người không mà răng đen?
Mỗi câu hỏi của con bé Kim Chi là một câu trả lời dài dòng. Tôi nói về tục lệ nhuộm răng. Và khi tôi bảo:
- Người Bắc có ăn thịt người.
Con bé đưa tay bưng mặt. Nhưng tôi kể chuyện tháng ba năm Ất Dậu, nó chớp mắt lia lịa:
- Tội nghiệp người Bắc...
Từ lần đó, Kim Chi gần gũi tôi. Con bé tách rời đám đông, không chế riễu tôi nữa. Dưới mắt nó, tôi hết là thằng Bắc kỳ.
Ban Đồng Ấu diễn mãi ở Chợ Mới. Tôi và con bé Kim Chi tình nguyện đi dán "áp-phích" và đi quảng cáo tuồng. Quảng cáo tuồng là công việc chẳng thú vị gì. Bôi hề, trát phấn lên mặt, mặc quần áo lố lăng để đàn bà, con nít chỉ trỏ bàn tán, cười cợt, chế riễu và... ăn đá chọi nghịch ngợm. Ít đứa nào muốn lãnh, nếu nghệ sĩ Năm Chiêu không bắt buộc. Thế mà tôi và con bé Kim Chi lại tình nguyện bôi hề, trát phấn. Vì con bé thích nghe chuyện miền Bắc và tôi thích kể chuyện miền Bắc thân yêu của tôi.
- Cái "bắc" ngoài Bắc kêu chi hả, anh?
- Cái phà.
- Cái quặng kêu chi?
- Cái phễu.
- Cái tĩn kêu chi?
- Cái lu.
- Vậy cái lu kêu chi?
- Cái chum.
Hỏi chán chê, con bé kết luận:
- Ngoài Bắc ngộ hết sức...
Tôi kể cho Kim Chi nghe về mùa đông miền Bắc. Con bé mới hiểu thế nào là mưa dầm gió bấc. Và nó bảo lửa bếp ấm vô cùng nếu có mùa đông. Dần dần, Kim Chi biết heo may giải đồng ra làm sao; mùa thu trên đất Bắc, cốm vòng hồng đỏ, chuối tiêu trứng cuốc thế nào; mùa xuân hội hè, đình đám khác mùa xuân miền Nam. Và, hơn tất cả mọi chuyện Kim Chi biết là chuyện giông tố, đê vỡ, mất mùa, đất cầy lên sỏi đá, chết đói, chết giặc của đồng bào ta ở miền Bắc. Luôn luôn, con bé chớp mắt:
- Tội nghiệp người Bắc...
"Tội nghiệp người Bắc". Không còn gì cảm động bằng câu nói của Kim Chi. Tôi có thể quên hẳn thằng Văn Hội với những tiếng kêu cắc-kè của nó.
- Này em?
- Dạ..ạ...ạ...
- Lúc nào em thích, em cứ gọi anh là "anh Bắc kỳ" nghe em...
- Vậy anh ghét thì sao?
- Anh không ghét em đâu. Em thương người Bắc kỳ mà.
Kim Chi lắc đầu nguây nguẩy:
- Em chả kêu người Bắc kỳ là Bắc kỳ đâu, anh nè..
Tôi vuốt tóc con bé:
- Gì em?
- Giá sống ngoài Bắc kêu chi hả, anh?
- Giá đỗ.
- Anh biết ăn giá sống không?
- Biết chứ. Giá đỗ vào trong Nam ăn sống ngon ngọt lắm. Xào với thịt bò thì tuyệt, em ạ.
- Vậy giá sống ngoài Bắc không ngon à?
- Giá đỗ ngoài Bắc ngon nhưng không ngọt. Mà ăn sống nó tanh lắm cơ.
- Rau muống ở ngoài đó bộ ngon lắm sao mà người Bắc ham ăn vậy?
- Rau muống bổ lắm. Rau muống xào thịt trâu với tỏi thì tuyệt vời. Rau muống nấu canh cua, rau muống luộc, nước vắt chanh, rau muống chẻ nhỏ ăn thịt nướng, rau muống làm món gì cũng ngon cả. Người ta làm thơ ca ngợi rau muống đấy em ơi! "Còn ao rau muống còn đầy chum tương". Rau muống luộc chấm tương Bần thì nhất.
- Tương Bần là gì?
- Là tương làm ở làng Bần Yên Nhân. Làng này nổi tiếng làm tương ngon. Những nơi nào có món ngon người ta ghi vào sách hết: "Dưa La, cà Láng, nem Báng, tương Bần, nước mắm Vạn Vân, cá rô Đầm Sét".
Con Kim Ghi lè lưỡi:
- Chuyện Bắc kỳ... kỳ cục ghê hé, anh?
Tôi cười:
- Kỳ cục ghê lắm. Thế em có thích nghe nữa không?
- Em ham nghe quá trời. Anh kể hoài hoài, nghe anh.
- Ừ, mỗi ngày anh kể vài chuyện.
Kim Chi bỗng nhớ chuyện con cắc-kè.
Nó hỏi tôi:
- Con cắc-kè nó giống con gì?
Tôi vỗ nhẹ vai Kim Chi:
- Nó giống... con cắc-kè. Cắc-kè Bắc kỳ chả khác cắc-kè Nam kỳ đâu, em nhỉ?
Con bé ngạc nhiên:
- Vậy anh chưa trông thấy con cằc-kè Bắc kỳ à?
Tôi đáp:
- Ừ, cắc-kè Bắc kỳ nó ở tận trên rừng cơ.
Cứ thế, câu chuyện miền Bắc, theo sự hiểu biết của tôi ngày ngày được kể cho con bé Kim Chi nghe. Và luôn luôn tôi nhận những lời tán thưởng "ngộ hết sức, hay thiệt đa, kỳ cục ghê, tội nghiệp".
Cuộc sống của tôi không còn lui cui ở gánh hát Đồng Ấu nữa. Một người dạy tôi nghiến răng chịu đựng sự mỉa mai của cuộc đời để vươn lên, đi xa. Một người cho tôi cái vốn hồn nhiên của tuổi thơ mà tôi tưởng tôi đã mất từ ngày tôi trở thành đứa trẻ mồ côi. Tôi không hỏi con bé Kim Chi cha mẹ nó ở đâu, làm nghề gì, tại sao nó "chọn nghề"... ca hát. Nhưng con Kim Chi biết tôi là đứa trẻ lạc loài.
Tôi đến với nó từ miền Bắc, cái miền xa vời vợi, cái miền mà trước đây Kim Chi cứ tưởng là "nước Bắc kỳ" với những huyền thoại "Bắc kỳ ăn cá rô cây, Bắc kỳ răng đen ăn thịt người". Bây giờ, còn bé răng khểnh Kim Chi của tôi đã biết Bắc kỳ không phải là một "nước" mà là một miền của Việt Nam. Con bé chỉ biết đến thế và những "ngộ hết sức, hay thiệt đa, kỳ cục, tội nghiệp" của miền Bắc. Dần dần, con bé mười hai tuổi, chưa từng học ở trường ngày nào, biết thêm rằng tổ tiên của nó trước kia cũng ở miền Bắc qua những bài lịch sử, địa lý ngắn ngủi của tôi. Chẳng hạn, nó hỏi tôi tại sao tổ tiên ta "đi xa" thế, đi từ Bắc vô Nam. Hồi ấy, tôi chưa đủ kiến thức nói về cuộc Nam tiến của dân tộc ta, nói về sự kiên nhẫn hào hùng của tổ tiên ta đi tìm chỗ dưới ánh mặt trời cho con cháu. Nhưng tôi đã biết kể chuyện ông Nguyễn Hoàng âm thầm trốn vào Nam lập cơ nghiệp để khỏi chết tuyệt giòng họ. Rồi họ Trịnh xưng chúa ngoài Bắc, họ Nguyễn xưng chúa trong Nam, đánh nhau cả trăm năm ròng rã. Mỗi lần chúa Nguyễn thua là mỗi lần tổ tiên ta "đi xa", đi sâu xuống miền cực Nam. Giá mà mũi Cà Mau ở tận Nam Dương quần đảo, chắc chắn, đất nước ta còn dài nữa.
Con bé Kim Chi há miệng nghe tôi kể lịch sử. Phải chi bây giờ tôi được kể lịch sử cho Kim Chi nghe nhỉ? Chắc tôi sẽ nói thật nhiều, thật say sưa về quê hương Việt Nam yêu dấu của tôi. Quê hương yêu dấu của tôi, miền Bắc có những anh hùng Lý Thường Kiệt, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi; miền Trung có những Phan Đình Phùng, Nguyễn Huệ, Nguyễn Tri Phương, Phan Bội Châu, Trần Quý Cáp; miền Nam có những Nguyễn Trung Trực, Lê văn Duyệt, Trương Minh Giảng, Phan Thanh Giản.
Tôi sẽ bảo Kim Chi rằng tôi đang nghe rõ tiếng nói bất khuất của anh em Phan Liêm trận Mười Tám Thôn Vườn Trầu, đang nhìn rõ ngọn lửa chiến thắng của Nguyễn Trung Trực trên sông Nhật Tảo. Và tôi đang thấy hình ảnh rạng ngời của Phan Thanh Giản đền nợ nước bằng chén thuốc độc... Tôi sẽ bảo Kim Chi rằng tôi biết về miền Nam hơn nó, yêu miền Nam hơn nó yêu miền Bắc.
Và, điều chắc chắn, tôi sẽ bảo Kim Chi là tôi không muốn về Bắc nữa nếu một mai đất nước mình hết chiến tranh. Nó sẽ lại tròn xoe mắt. Thì tôi bảo nó tôi chẳng cần biết miền nào là miền Bắc, miền nào là miền Nam. Ở đâu tôi nói tiếng Việt không ngỡ ngàng, người nghe tôi nói hiểu hết ý nghĩ của tôi và nói tiếng Việt như tôi, đó là quê hương tôi. Tôi không còn gì ở ngoài Bắc ngoài ít nhiều kỷ niệm ấu thơ. Tôi có muôn vàn kỷ niệm trên đất mẹ miền Nam. Tôi lớn lên, khôn ra, làm đời mình trên đất miền Nam.
Cũng trên dải đất hiền lành, mầu mỡ, rợp bóng mát thương yêu, tôi được nuông chiều, âu yếm, tôi không bị chìm trong sự tầm thường như số phận của bao nhiêu đứa trẻ mồ côi hẩm hiu. Nhờ một người miền Nam muốn tôi "khác những người khác". Cha mẹ tôi sinh ra tôi, ông Nghị nuôi tôi, dạy dỗ tôi. Công dưỡng dục của người cha nuôi Nam kỳ cũng lớn bằng núi Thái. Miền Bắc đã mang nặng đẻ đau, miền Nam vất vả, khổ sở, vì tôi. Tôi yêu miền Bắc bao nhiêu thì yêu miền Nam bấy nhiêu. Tôi phải sống chết trên đất miền Nam, sống chết cho miền Nam.
Có gì lạ đâu Kim Chi! Em hãy nghe anh nói: Vợ anh người Long Xuyên, nơi ban hát của chúng mình đã diễn tuồng, đã nằm gánh. Ba đứa con anh đều chôn rau dưới đất Sàigòn. Chúng kêu anh bằng bố, kêu mẹ chúng bằng mẹ. Chúng nói tiếng miền Nam. Đôi khi, anh hỏi con anh "Bố dân gì?", chúng nó nói: "Bố Bắc kỳ". Hai tiếng Bắc kỳ nghe cảm xúc lạ thường - Mỗi lần nghe con nhắc nhở Bắc kỳ anh đã bồi hồi tưởng nhớ tới thầy anh, tới em và tới cả thằng Văn Hội nữa. Bây giờ, anh không ghét nó mà thương hại nó. Giá nó lưu lạc ra Bắc như anh lưu lạc vô Nam nó sẽ cảm động đến rơi nước mắt khi nó được người ta gọi nó là "thằng Nam kỳ" với tất cả lòng yêu mến.
Phải chi anh được kể cho em nghe tại sao dân mình chết đói hai triệu người trong vụ đói năm Ất Dậu. Hai triệu người miền Bắc chết đói làm mười mấy triệu người miền Nam bàng hoàng, đau xót, phẫn nộ. Người miền Nam thương người miền Bắc đã gửi lúa gạo ra cứu sống dân Bắc đó em. Nhưng Nhật nó không muốn đồng bào ta thương yêu nhau. Nhật và Tây ác lắm. Chỉ có bọn ngoại quốc mới muốn phân chia tình Nam Bắc và muốn đồng bào ta ghét bỏ nhau. Còn thầy chúng ta, em, anh, chúng ta muốn đùm bọc, che chở, an ủi nhau, em thấy chưa?
Phải chi anh được kể cho em nghe sự phẫn nộ của mười mấy triệu dân miền Bắc khi hay tin thực dân Pháp trở lại miền Nam? Anh sẽ hát bài "Tiếng súng vang sông núi miền Nam ầm đất nước Việt Nam. Tiếng súng vang sông núi miền Nam dục ta ra tranh đấu. Tiếng súng vang sông núi miền Nam vì mưu lấy miền Nam. Ta muốn băng mình tới phương Nam xé xác quân tham tàn". Có gì lạ đâu. Kim Chi? Miền Nam là đất tổ tiên ta đã đổ xuống bao nhiêu mồ hôi nước mắt và máu. Đất miền Nam là đất của quê hương Việt Nam anh dũng. Hàng ngàn thanh niên miền Bắc đã từ giã gia đình, làng mạc, súng gươm lên đường vào Nam để đánh đuổi quân thù, bảo vệ dãi quê hương làm lịch sử. Những thanh niên miền Bắc kiêu hùng đó là cha chú anh, cha chú chúng ta. Họ đã gửi xác ở miền Nam. Máu họ đã thấm xuống lòng đất cho măng cụt Lái Thiêu thêm ngọt, cho xoài Mỹ Tho thêm thơm và cho anh em mình hãnh diện. Cũng như, khi Nguyễn Huệ cất quân ra Bắc dẹp giặc Thanh, hàng ngàn thanh niên miền Nam, hàng ngày thanh niên miền Trung đã theo chân Người, di diệt thù cứu quê hương. Máu ông, cha chúng ta đã thấm xuống lòng đất cho cam Bố Hạ ngọt ngon, cho nhãn Hưng Yên thơm ngát...
Con bé Kim Chi thương tôi vì tôi đến với nó từ miền quê hương Việt Nam nhiều khổ cực, lắm oan trái. Nó đã nghĩ rằng tôi khổ sở đến nỗi phải bỏ quê cũ mà đi. Kim Chi nghĩ đúng. Một hôm con bé hỏi tôi:
- Anh có muốn diễn tuồng không?
Tôi lắc đầu. Con bé lạ lùng:
- Vậy anh theo gánh hát làm chi cho khổ?
Tôi lại phải dài dòng kể lể câu chuyện mồ côi của tôi. Con bé chớp mắt lia lịa như nó đã chớp mắt sau câu chuyện "người Bắc ăn thịt người".
- Tội nghiệp anh...
Nó nắm chặt cánh tay tôi:
- Lớn lên anh đi đâu?
- Ông Nghị...
Tôi cười nhìn con bé:
- Thầy Nghị bảo anh sẽ đi xa...
- Bao giờ anh đi xa?
- Lớn lên cơ mà....
Kim Chi buông tay tôi ra:
- Anh đi, em buồn thấy mồ...
Con bé chưa hiểu nổi ý nghĩ của sự "đi xa". Nó tưởng "đi xa" là đi khỏi gánh Đồng Ấu của nghệ sĩ Năm Chiêu. Từ bữa đó, nó buồn lắm và hỏi hoài "bao giờ anh đi xa" khiến lòng tôi cũng xốn xang câu chuyện "vươn lên, đi xa" của ông Nghị.
Mây Mùa Thu Mây Mùa Thu - Duyên Anh Mây Mùa Thu