Books are the quietest and most constant of friends; they are the most accessible and wisest of counselors, and the most patient of teachers.

Charles W. Eliot

 
 
 
 
 
Tác giả: Brian D’Amato
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: In The Courts Of The Sun
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 37
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2523 / 64
Cập nhật: 2015-08-20 15:26:33 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 21
0
Vào giờ phong lan thứ chín – tức là phiên gác đầu tiên, ngay sau khi mặt trời lặn – Sọ Đá Quý 2 đưa tôi tới trình diện trước Đoàn Lữ Hành Rắn Vipe 11 của nhà Đại Bàng. Đó là một tổ chức – hay các bạn có thể gọi nó là hội ái hữu hoặc thậm chí tập đoàn – mới thành lập, trên danh nghĩa là để thực hiện một thương vụ đột xuất, nhưng mục đích thực sự là đưa tôi đến Teotihuacán.
Chúng tôi ngồi trên những tấm thảm lông chim, trên đỉnh một quả đồi tròn, thấp, được đốt quang, nằm khuất giữa hai vách cao hơn của dãy núi. Chúng tôi vẫn đang ở khá gần làng Cacao – đó là tên họ đặt cho thủ phủ của Sọ Đá Quý 2 – đủ để thoáng ngửi thấy mùi sô-cô-la trong không khí. Tôi ngồi hướng mặt về phía đông nam. Mười chín k’iik khác các đoàn – các k’iik thường đi thành từng k’at, nghĩa là một nhóm hai mươi người – ngồi quây thành hình bán nguyệt đối diện tôi, hai chân, hai tay khoanh lại. Rất lâu sau này, những người thổ dân Oglala Sioux trong vở kịch “Miền Tây hoang dã” của Buffalo Bill cũng ngồi theo lối tương tự và nó được gọi là “ kiểu ngồi thổ dân”. Nhưng khi những người này ngồi, đó không chỉ là tư thế ngồi, mà là tư thế sẵn sàng bật dậy, như một cái lò xo trong trạng thái nén. Sọ Đá Quý 2, Bacab của miền Đông, tộc trưởng của thị tộc Harpy, tên đao phủ của thằng đần Jed DeLanda, cái bánh mì thịt toàn thiện toàn mỹ, ngồi bên tay “đàn ông”, nghĩa là tay phải tôi. Sên Xanh 3, lão thầy tế lùn, lật đật đi qua đi lại trước mặt ông ta, sắp xếp gói này bọc nọ trên chiếc thảm cúng. Lão nói bằng cái giọng không ra già không ra trẻ của mình:
- Như chúng ta, những kẻ dưới chân ngài,
Được biết:
Thủ lĩnh của chúng ta,
Tấm gương của chúng ta,
Người xua tan mây mù,
Sọ Đá Quý 2
Sẽ ban cho chúng ra đôi lời.
Chúng ta lắng nghe
Dưới chân ngài,
Chúng ta
Cúi mình chờ đợi.
Sọ Đá Quý 2 nói: - Ta, ở trên các ngươi, muốn hỏi.
Tất cả, trừ tôi, đồng thanh trả lời: - Chúng tôi, ở dưới chân ngài, xin trả lời
- Các ngươi có nhận món quà này?”
Gánh vác trách nhiệm này?
Sọ Đá Quý 2 hỏi. Giọng ông ta không to hơn những người khác, nhưng dường như nó vang xa hơn và vọng lại từ một vách đá xa tít ngoài tầm mắt. Tôi vẫn biết ông ta nổi tiếng về tài hùng biện, nhưng đến giờ tôi mới hiểu tại sao.
Các k’iik yên lặng một chốc để quan sát tôi. Tôi cũng giương mắt nhìn họ. Trao đổi ánh mắt là một kiểu thách thức ở đây. Nếu anh làm thế, hãy sẵn sàng mà oánh nhau. Họ chằm chằm nhìn tôi. Hun Xoc và thằng em trai, Tay 2, ngồi cạnh nhau, phía ngoài cùng bên tay phải. Đó từng là hai hậu vệ số một và số hai của Chacal, cũng là hai người đã để mắt canh chừng cho tôi trong chuyến săn hươu. Hun Xoc và Tay 2 là hai trong bốn người duy nhất trong đoàn biết láng máng chuyện gì đã xảy ra, nghĩa là biết tôi từng là Chacal nhưng bây giờ tôi đã là người khác. Các k’iik khác cũng từng xem Chacal chơi bóng, nhưng chưa từng thấy anh ta ở khoảng cách gần, và đến lúc này, chưa ai có ý nghi ngờ gì. Người đứng tuổi ngồi cạnh họ tên là Mưa Chết 18, là Người Quản Lý Nợ của chúng tôi, chức danh này từa tựa như giám đốc tài chính vậy. Lão tròn trĩnh, da dẻ hãy còn căng và xem ra tốt tính. Gã dần dần ngồi bên trái ông ta là một người ghi nhớ, nhưng không phải gã trong hang của Sọ Đá Quý 2. Hắn thấp bé, mảnh khảnh, với cặp mắt lồi và hoá trang kiểu con khỉ. Và phía ngoài cùng bên tay trái là một lão già người dong dỏng, đôi mắt sâu đỏ rựng và làn da săn chắc vì dai nắng, tên là Cá Sấu 12. Lão là anh chồng của cháu gái Sọ Đá Quý 2 và chức danh chính của hắn là Người Quản Lý Tay Dài. Căn bản, nó có nghĩa là “chủ nhân của những cánh tay”, thủ lĩnh trong chiến trận. Lão cũng đồng thời là nojuchil, người dẫn đầu đoàn. Lão có bộ răng khấp khểnh chẳng mấy ưa nhìn, hai cục u lồi lên hai bên vai nơi những mảnh sót lại của mũi lao đá hẵng còn cắm sâu trong thịt. Hai bên mình lão lấm chấm những hình xăm tưởng niệm một người anh có vị trí tồn quý đã chết trong một trận đột kích ở Motul. Người ta đồn rằng lão có thể nhìn thấy trong bóng tối đen như mực bởi ông nội lão là một con lửng. Lão là người già nhất trong đoàn. Tiếp đến, bên phải lão, là một k’iik ít tuổi hơn, khắp mình tô vẽ những màu sắc dành cho thầy mo, tên là Hun Aat, hoặc ngắn gọn là Aat, nghĩa là “Dái”. Hắn là phụ lễ cho Sên Xanh 3, cũng là người thứ tư biết chuyện về Chacal. Hắn sẽ giữ vai trò thầy hành lễ kiêm người đếm mặt trời chính thức của đoàn chúng tôi. Hắn thạo cờ Hiến tế đến mức nào nhỉ? – tôi ngẫm nghĩ. Có khi chưa chắc đã bằng Răng Ngạnh 7. Giời ạ, cả một lũ kém cỏi. Rồi, còn ai…mẹ kiếp, cái phút im lặng này kéo dài hơi lâu đấy. Có lẽ họ sắp lại gần, chọc ngoáy tôi, tìm ra yếu điểm nào đấy để từ chối tôi. Tất cả những trò này sẽ chẳng đi đến đâu. Đếch gì…
Đột nhiên, các k’iik đặt tay phải lên vai trái, tỏ ý chào mừng và nói, gần như đồng thanh:
- Chúng tôi, những kẻ dưới chân ngài,
Không xứng với một món quà như vậy,
Nhưng chúng tôi sẽ giữ gìn,
Sẽ bảo vệ anh ta.
Phù, - tôi nghĩ, - rất mừng là chúng ta làm rõ được điều đó.
Sọ Đá Quý 2 quay sang nói với tôi:
- Vậy từ nay,
Đây là những người anh của ngươi,
Những người em của ngươi,
Hãy đi theo họ,
Nghe lời họ,
Đừng hèn nhát,
Đừng làm ta hổ thẹn,
Tôi đáp:
- Tôi, kẻ dưới chân ngài
- Sẽ vượt qua thử thách.
- Ngươi được chấp nhận, chúng ta đã quyết định xong, - Sọ Đá Quý 2 tuyên bố.
Tôi đứng lên và xoay một vòng ngược chiều kim đồng hồ, trình diện với năm phương rồi quỳ xuống, cúi đầu chạm đất, hai tay đặt dưới trán, ra mắt gia đình mới. Cá Sấu 12 bước lên trước tiên và đưa tặng tôi một chiếc ống xì đồng. Cảm ơn, đúng cỡ của tôi. Tiếp đến, tôi nhận được một wi’kal, một loại áo khoác lửng may bằng vải bông chần, rất oai vệ, mới tinh và được ướp hương bạc hà. Người ta mặc nó khi trời lạnh. Gọi là áo choàng poncho (Loại áo choàng khoét lỗ ở giữa để chui vào) thì không chính xác lắm, vì loại áo này hoặc tròn, hoặc có hình bát giác, có đường xẻ chạy dọc từ cổ xuống chân áo. Gọi là áo choàng không tay thì nghe kiểu cách quá mà người ta lại tưởng nó có mũ chum. Thôi, tôi cứ gọi nó là áo choàng manta (Loại áo choàng của phụ nữ Hopi (một dân tộc bản xứ châu Mỹ), chỉ là một mảnh vải khoác lên người) vậy. Chiếc của tôi được viền những đường trang trí hình móng vuốt lồng vào nhau, màu đỏ và đen, giống áo của tất cả các k’iik khác nhà Đại Bàng. Cái khung bên trong làm bằng một loại tre nào đó, nhưng bên ngoài thì được quấn một lớp sợi da hươu dệt thành chữ tên tôi và các ký hiệu phả hệ. Bác thợ cả của Cá Sấu 12 đã phải thức trắng hai đêm để làm khâu ấy. Sau đó, các k’iik còn lại, mỗi người đều đứng lên tặng tôi một thứ gì đó: một đôi dép đế cao su tinh xảo, một đôi khuyên tai hình ống, một bộ dây đai bằng da hươu, một chiếc vòng tay phải màu đen, một bộ hai mươi mũi tiêu dùng cho ống xì đồng, đầu gắn những quả thông non nhỏ xíu để tránh tai nạn, một chiếc mặt nạ đi đường, một lọ thuốc độc ngoài da, một lọ thuốc độc nữa – loại này phải uống, một cái túi để tôi đựng những vật dụng cá nhân lặt vặt, một tấm chăn trơn, nói chung là tất tần tật đủ thứ, chỉ thiếu có con chim đuôi seo đậu trên cành lê gai nữa thôi. Cuối cùng, Sọ Đá Quý 2 trao cho tôi một cây lao có gắn lông đại bàng ở mối nối mũi lao, điều đó có nghĩa rằng tôi không chỉ là một lính thổi ống xì đồng, tôi còn là thành viên đội vệ sĩ của gia tộc. Hai người phu kiệu bước vào giữa vòng tròn, nâng Sọ Đá Quý 2 lên vai, quay khắp bốn hướng rồi khởi hành theo hướng đông, xuống đồi. Ngay khi họ đi khuất tầm mắt, chúng tôi sẽ được tuỳ ý giải tán. Các k’iik đứng dậy và chỉnh trang lại. Thằng đầy tớ riêng của tôi tiến lại chỗ tôi và cúi gập người như một quả bóng, quỳ lạy. Đây là lần đầu tiên tôi gặp nó, nhưng tôi biết cái tên tạm thời trước khi chính thức trở thành k’ikk của nó là Cứt Ta-tu. Nó mười ba tuổi. Có lẽ tôi nên gọi nó là cận vệ thay vì đầy tớ - chỉ có điều gọi thế nghe cứ như tôi đã được phong tước tương tự hiệp sĩ hay samurai rồi, mà có phải đâu. Chưa thôi. Có lẽ tôi nên gọi nó là phụ tá riêng, nhưng gọi như thế lại không thể hiện được phận sự mua vui của nó. Ừm… thực ra, tôi thấy hơi ngại nên không muốn dùng cái tên mà ở đây người ta gọi nó và những thằng đầy tớ khác. Nhưng vì chúng ta đã đi được cùng nhau đến đoạn này của câu chuyện rồi nên tôi nghĩ tôi có thể huỵch toẹt ra. Chúng được gọi là các a’anat – “bọn liếm dương vật”. Nguyên nhân là khi tham gia một trận đánh, hay một chuyến đi săn, hay những sự kiện tương tự, anh không được phép quan hệ tình dục với bất cứ ai hay bất cứ thứ gì vì chuyện đó có thể làm xẹp mất sự đàn ông của anh, và tệ hơn, mùi của nó có thể dẫn đường cho các uay đi thám thính của kẻ thù, và tệ hơn nữa, nếu anh để lại tinh dịch quanh “lỗ” của một người lạ, kẻ thù của anh có thể vớ được và dùng nó để reo rắc ghẻ lên người anh. Thế nhưng, hầu hết các k’iik tham gia đánh trận, hay đi săn, hay theo đoàn lữ hành thường là đàn ông, tuổi từ mười bốn đến hai mươi. Cho nên các bạn có thể hình dung được cái luật lệ kia đối với họ thật hà khắc. V́ vậy, thỉnh thoảng, những thằng bé tập sự này phải chăm sóc thú vui xác thịt cho chúng tôi. Bằng cách đó, chúng tôi giữ được những thứ không nên dây ra ngoài. Và đó là một trong những cái gọi là bí mật của Hội Chiến Binh.
Phù, tôi nhẹ cả người khi trút được cái bí mật ấy khỏi ngực.
Cứt Ta-tu thu vào túi tất cả số của cải mới kiếm được của tôi, cả đến đôi khuyên tai cũng không bỏ sót. Cá Sấu 12 ra hiệu cho tất cả đứng lên. Các k’iik hướng về phía ngôi làng của tổ tiên họ để chào tạm biệt và tôi cũng bắt chước họ, cảm giác ngượng ngập cứ như ngày đầu tiên đến trường, rồi theo họ bước qua cổng lễ dựng tạm.
Không trao đổi với nhau lời nào, chúng tôi kéo nhau rời đỉnh đồi xuống sườn phía đông bằng phẳng. Một hàng dài lính hầu – hay có thể gọi là người giúp việc – hành lý gọn ghê, đứng chờ sẵn sàng trên con đường mòn mới tưới nước, theo đội hình hành quân:
- Sáu trinh sát tiền trạm
- Bốn người canh chừng rắn, xách theo bầu tưới nước, lục lạc và những cây chổi lớn giống như chổi cời lá
- Hai người đưa tin với cây sáo gỗ dài buộc vắt qua vai
- Bốn trinh sát cánh.
- Mười phu kiệu vác sau lưng những cái giá lớn đan bằng liễu gai, nhìn như những cái địu trẻ con to tướng
- Chín phu khuân vác phụ trách ba chiếc xe cáng
- Năm phu khuân vác đi riêng lẻ, mỗi gã đeo trên lưng một cái thúng lớn hình trụ tròn, được giữ bằng một sợi dây quàng qua trước trán. Họ vác những đồ dự trữ khẩn cấp, phòng khi chúng tôi mất những chiếc xe cáng
- Hai gã – hai anh em – đến từ một thị tộc nhỏ, nói một thứ tiếng xa lạ khó hiểu, có nghề cha truyền con nối là mua, mang vác, làm sạch và phân phát nước uống
- Một “hàm nhai”, tức người kiêm công việc nấu nước, nếm đồ ăn và bào chế thuốc
- Hai tên dắt chó, mỗi tên phụ trách mười lăm con chó thịt và mười con chó săn
- Bốn tên tiện dân cực kỳ thấp hèn mà tôi xin gọi là “bồi”, hay “bồi xua rận” thì chính xác hơn, vì công việc chính của chúng là xua rận rệp.
- Một thợ may, hoặc gọi là hầu phòng cũng được
- Một thợ làm dép
- Một thợ làm mặt nạ. Hắn phụ trách toàn bộ y phục chứ không chỉ là mặt nạ
- Hai thợ làm vũ khí, hoặc có thể gọi là thợ rèn lao, phục vụ cho Cá Sấu 12
- Một tên hầu nhóm lửa, mang theo những viên đá lửa, dũa và một giỏ than hồng ủ sẵn
- Một thợ làm dép riêng cho bọn người dưới
- Một đầu bếp riêng cho bọn người dưới
- Bốn tên tiện dân hạ đẳng. Hai tên dắt theo hai mươi con chó, chuyên hót phân. Nhiệm vụ duy nhất của những con chó này là ăn hết phân chúng tôi thải ra để kẻ thù không thể vớ được và dùng nó để nguyền rủa chúng tôi. Hai tên còn lại là nacam – một dạng thầy tế - chúng đứng tách riêng sang bên cạnh, như hai con quạ đứng chờ đàn kền kền bỏ đi để ăn nốt cái xác thối. Chúng sẽ làm mọi công việc giết chóc cần thiết, kiêm dọn dẹp xác chết. Bốn tên này, và phu khuân vác của chúng nếu có, sẽ phải ngồi riêng thuyền khi qua sông hoặc đi cách chúng tôi bốn mươi bước, hơi dẹp sang một bên để khỏi làm ô uế đường đi
- Chín tên lính lưu tinh. Bốn trong số đó là lính hầu chạy việc vặt. Năm tên còn lại là “người đưa tin bốn ngày”, tức là những người đưa tin bí mật, đặc biệt giỏi, có nhiệm vụ mang tin tức và Bụi của cờ Hiến tế từ Teotihuacan về cho Sọ Đá Quý 2. Họ nói năm gã đó có thể chạy liền bốn ngày bốn đêm, cứ hai người ngủ thì được những người còn lại thay phiên cõng trên lưng. Tuy nhiên, tôi chắc chắn đấy chỉ là sự phóng đại.
- Cuối cùng là một toán vệ sĩ gồm bốn người. Ba người sẽ đi lùi hẳn phía sau để canh chừng những cái đuôi bám theo. Người còn lại đi áp sát đoàn hơn để đảm bảo rằng không ai đánh rơi thứ gì, dù chỉ là một hạt cườm gài tóc. Hắn cũng sẽ rải ớt bột sau lưng chúng tôi để xoá dấu vết, việc này có tính chất nghi lễ, nhưng cũng phần nào xoá bớt mùi khiến kẻ thù không thể đánh hơi.
Tổng cộng một trăm hai mươi cái đầu, không kể chó. Tính ra, mỗi k’iik có tới năm mươi người giúp việc, mà họ thực ra cũng chưa phải quý tộc hạng nhất gì. Nhưng Sọ Đá Quý 2 muốn phải đi một đoàn đủ đông để chặn kẻ địch từ xa cho tôi có cơ hội chạy thoát nếu bị tấn công, nhưng cũng không quá đông như một đội quân kẻo nhìn chết khiếp.
Tất cả im bặt. Hàng ngũ như xiết chặt lại.
Mưa Chết 18 ra hiệu. Mười chín k’iik và tôi – hay tôi nghĩ tôi có thể hãnh diện mà nói rằng “hai mươi k’iik chúng tôi” – lặng lẽ vào vị trí của mình ở giữa hàng, đi đầu là Cá Sấu 12 và đi cuối là k’iik cấp thấp thứ 2 từ dưới đếm lên. Tôi là k’iik cấp thấp nhất nhưng được phá lệ đứng giữa, sau Hun Xoc và cạnh Tay 2. Hai mươi mốt thằng đầy tớ riêng xếp hàng sau chúng tôi.
Được rồi, - tôi nghĩ bụng, - biến khỏi chỗ này và bắt tay vào chiến dịch thôi. Ta cùng đi trên con đường vàng đến Tamoan nào.
Cá Sấu 12 ra hiệu cho một tên lính lưu tinh. Hắn chạy lên phía trước. Rất lặng lẽ, không một tiếng xôn xao, đoàn người chuyển động và tiến lên phía trước êm như một con tàu điện từ lướt ra khỏi ga, đến một tiếng hơi nước phun xì xì cũng không có. Đàn chó chạy lon ton bên cạnh cũng không một tiếng ủng oẳng. Ngay cả lũ chó non cũng không nghĩ đến chuyện sủa trừ khi được lệnh canh gác. Chỉ có vài tiếng kẽo kẹt của những chiếc xe cáng và một hai tiếng cót két phát ra từ một trong hai trăm bốn mươi chiếc dép xăng đan đã được tra dầu. Chúng tôi đi xuống một loạt dốc núi được đẽo bậc thang, thẳng hướng đông bắc tới một thung lũng được cấy cầy. Nhịp chân nhanh gần như chạy bộ. Thực ra, chúng tôi còn có thể đi nhanh hơn, nhưng cần phải tỏ ra bình thường.
Con đường chạy men theo bờ phải của một lòng suối cạn gần đến đáy, cứ đi được bốn mươi sải tay, chúng tôi lại phải nhảy qua một rãnh nước tưới tiêu dẫn vào một cánh đồng ngô mới đốt, thửa đất cháy đang há cái miệng khát khô chờ mưa. Hai thửa ruộng bị bỏ hoang từ những vụ trước, rồi lại một thửa được đốt. Thỉnh thoảng, trên các cánh đồng, cũng bắt gặp những kho chứa thóc tạm mới dựng dở được cái khung. Một vài thửa vẫn còn đang cháy âm ỉ, nhưng cây cối trong những dải vườn nuôi tằm xen giữa các cánh đồng ngô vẫn được giữ nguyên bộ lá, không có dấu hiệu nào chứng tỏ ngọn lửa vượt quá tầm kiểm soát. Việc đốt ruộng đã xong xuôi mà không gây tai nạn đáng kể nào cho các khu làng Đại Bàng. Đó là một điềm, một dấu hiệu tốt đẹp cho thấy, bất chấp những rắc rối đang gặp phải, Sọ Đá Quý 2 vẫn điều hành công việc hết sức trôi chảy.
Hình như chúng tôi đang đi xa dần khỏi thành phố. Tôi thấy thoải mái. Có lẽ mọi chuyện đang ổn thoả dần. Dù sao chúng tôi cũng có trong tay một kế hoạch, hay ít ra cũng là mấy cái gạch đầu dòng của một thứ gọi là kế hoạch. Ngay khi thu xếp ổn định ở Teotihuacan, tôi sẽ tìm cách diện kiến với công nương Koh. Sọ Đá Quý 2 và tôi đã nhất trí rằng tôi sẽ không nói thật với bà ta tôi là ai – tức là không tiết lộ về Jed (chuyện ấy thì đằng nào bà ta cũng không tin), thậm chí không nhắc gì đến Chacal, nếu tôi có thể kìm được. Thay vào đó, tôi sẽ cố giản lược câu chuyện nhưng vẫn phải được thu hút được sự chú ý của bà ta. Tiếp đến, tôi sẽ thuyết phục bà ta rằng tôi biết Teotihuacan chẳng mất chốc nữa sẽ sụp đổ và bà ta nên để chúng tôi đưa đi khỏi thành phố. Hoặc nói theo ngôn ngữ của ngành hành pháp và nghề gián điệp, tôi sẽ phải khiến bà ta quay sang phe mình. Ngay khi bà ta cho chúng tôi biết các thành phần của chất ma tuý dùng trong trò chơi, và ngay khi tôi ghi lại được cách pha chế, tôi sẽ phải đội đưa tin bốn ngày gửi về cho Sọ Đá Quý 2. Đổi lại, ông ta sẽ chôn giúp tôi một chiếc hộp đá niêm phong kín, đựng một mẩu ma tuý và những ghi chép của tôi về cờ Hiến tế. Chiếc hộp sẽ nằm chính tâm một hình chữ thập bằng sắt từ để đội của Marenac có thể tìm thấy. Đến lúc đó, tôi có thể coi nhiệm vụ của mình đã căn bản hoàn thành. Các dữ liệu sẽ được chuyển về năm 2012 và nhóm Chocula sẽ nâng cấp trò chơi, xác định tên doomster và thế giới sẽ quay về nhịp sống bình thường và thiên hạ sẽ được sống cho đến ngày cuối đời.
Tất cả mọi người, trừ tôi, vì tôi sẽ vẫn kẹt lại ở đây. Tuy nhiên, đó chính là lý do vì sao có giai đoạn 2. Khi tôi trở về Ix, Sọ Đá Quý 2 sẽ dùng việc sản xuất ma tuý dùng cho trò chơi làm con bài để mặc cả. Nếu ông ta kiểm soát được nguồn cung cấp thứ thuốc này, tất cả những người đếm mặt trời chín sọ sẽ phải đến với ông ta. Và nếu ông ta chế được một mẻ thuốc hiệu nghiệm hơn. Răng Ngạnh 7 sẽ có thể đấu lại được Gió Lốc 11 của nhà Mèo Rừng. Mặc dù tôi không chắc lắm chuyện đó, vì tôi cho rằng Răng Ngạnh 7 chẳng tài giỏi đến mức ấy. Có lẽ ý của Sọ Đá Quý 2 là “ ngay cả Răng Ngạnh 7 cũng có thể đấu lại được”. Dù sao, nếu Sọ Đá Quý 2 có thể tự đưa mình lên ngôi K’alomte’, hay chí ít là xua tan mối đe doạ từ phía nhà Mèo Rừng, và nếu tôi kịp trở về, chúng tôi sẽ thực hiện lại một việc, có điều phải dùng một cái hộp đá lớn hơn và tinh xảo hơn, vì cái xác tôi cũng sẽ nằm trong đó.
Đương nhiên, tôi không rõ vì sao Sọ Đá Quý 2 nghĩ tôi có thể làm nổi việc này. Có lẽ một khi rời khỏi Ix, không bị kìm kẹp nữa, tôi có thể phát huy tốt nửa kia của mình. Chắc Sọ Đá Quý 2 cho rằng nếu tôi đã làm được đến thế - đến được đây, thậm chí chui được cả vào đầu ông ra – thì ông ra cũng nên cho tôi một cơ hội. Và ông ra biết tôi có động cơ trong sáng. Ngoài việc gửi những thứ cần thiết về năm 2012, tôi không hề có tham vọng cá nhân nào khác ở đây, vì tôi cũng không còn sống được bao lâu nữa. Và cũng chẳng còn nơi nào khác để đi. Tôi nằm trong tay ông ta. Hơn nữa…
…cái gì thế kia?
Cặp mắt tôi tự động đảo quanh, như tai loài hươu, để rà soát động tĩnh. Chỉ là mấy con sóc trên cành cây. Tiếng chim bắt muỗi kêu o o. Con đường thu hẹp lại thành một vệt đường mòn. Lúc này, chúng tôi đã cách xa khu làng mạc, nhưng vẫn còn trong khu vực săn bắn dành riêng cho các k’iik của thị tộc Đại Bàng. Lối mòn mỗi lúc một ngoằn nghoèo hơn, uốn vòng quanh những thân cây khổng lồ. Ngay cả cặp mắt của Chacal cũng chẳng nhìn được mấy tí dưới ánh sao lờ mờ này, nhưng hai bàn chân tôi vẫn tự tìm được đúng vết mà chân người đi trước đã dẫm lên. Bất cứ kẻ nào bám theo chúng tôi cũng sẽ không xác định nổi chúng tôi có bao nhiêu người qua những vết chân. Và bất cứ ai trong khu rừng này – thợ đặt bẫy thú, tên buôn lậu hay gián điệp, ví dụ thế - nếu không tình cờ đi thật gần con đường thì sẽ không nghe thấy một tiếng động nào hết. Hấp. Hấp. Qua lần da hươu, cói đan rồi đến cao su của đôi dép săng-đan mới hãy còn cứng đơ, tôi có thể cảm thấy cỏ lau bị xéo nát dưới chân. Chúng tôi đi qua ba ngôi làng nhỏ xíu, tất cả đều nằm dưới sự cai quản của thị tộc tôi. Sau khi qua ngôi làng thứ ba, Hun Xoc đi tuột lại phía sau và kéo tôi ra khỏi hàng. Hai trong năm k’iik vóc người bằng tôi và ăn mặc giống tôi để đảm bảo an toàn (ý tôi là an toàn cho tôi) cũng đi chậm lại. Hun Xoc thì thào với tôi rằng đầu gối tôi vẫn cần thời gian để lành lại sau khi tải các mép trai. Tôi đáp rằng chúng ổn rồi. Nó sờ thử đầu gối phải. Máu đang rỉ ra. Nó bèn ra hiệu cho mấy tên phu khiêng kiệu. Bốn tên bước ra khỏi hàng và quỳ xuống. Bốn người chúng tôi leo lên ngồi trên những chiếc ghế nhỏ, chân quặp quanh hông tên phu kiệu. Tên khiêng tôi đứng lên, đưa tay giữ lấy đầu gối tôi, ép nó chặt vào hai bên lườn hắn và chạy nhanh lên phía trước, tìm lại vị trí của tôi trong hàng và hoà cùng nhịp bước của cả đoàn.
Sau mười tám dặm tính từ điểm xuất phát, con đường rẽ về hướng bắc, ra khỏi vùng cao nguyên, xuống bãi cây bụi hoang vu và chạy thẳng vào một bức tường cây lá tối om. Có tiếng ầm ì phía trước, tiếng ngáy của Ông Bác Đường Vàng, dòng sông chảy về hướng bắc, tới sa mạc mặn mặn và rìa trắng của thế giới.
41
Chúng tôi nối đuôi nhau xuống đồi, lọt vào một thung lũng tối đen nơi con sông cuộn chảy ào ào. Đoàn người đi chậm dần và tập họp lại gần nhau. Tôi là một “gói ngọc bích”, nghĩa là “người cần bảo vệ”, cho nên có tới năm k’iik vây kín lấy tôi, nhưng qua khe hở giữa họ, tôi vẫn còn thoáng thấy những căn lều của người chèo đò in bóng xuống một dải nước xám đục. Con sông này về sau sẽ có tên là Río Sebol, còn bây giờ, nó được gọi là Ka’nbe – Đường Vàng. Ở quãng này, sông rộng chưa đầy ba mươi sải tay, và chỉ cao hơn mức nước cạn vào mùa đông một chút, xem ra chỉ đủ cho rất ít thuyền bè qua lại, thế nhưng, bờ bên này neo tới gần bốn mươi chiếc thuyền mười người. Trong vòng chưa tới ba mươi phút, đám người hầu đã tháo dỡ xong đồ đạc trên xe cáng, bọc chúng vào những tấm vải tráng cao su và theo chỉ dẫn của những người lái đò, chất chúng xuống lòng thuyền. Không có lấy một ánh đuốc. Nhưng tôi đoán họ có thể làm xong việc này ngay cả khi mắt mũi bị bịt kín.
Đám phu khuân vác đập nát những chiếc xe cáng. Chúng tôi tháo dép xăng đan. Cá Sấu 12 dâng cúng một gói lễ vật cho một tảng đá lớn được coi là nơi trú ngụ của uay của con sông. Những người chèo đò đỡ chúng tôi xuống thuyền. Các k’iik ngồi trên năm chiếc đi gần cuối, cách hai chiếc chặn hậu khoảng mười thân thuyền. Mỗi chiếc chở tám người, bốn k’iik và đầy tớ riêng của họ ngồi giữa chủ thuyền – hắn đứng trên một mảnh ván chìa ra trước mũi thuyền với một cây sào dài trong tay – và người đứng lái ở cuối thuyền. Họ xếp tôi ngồi trên chiếc thuyền áp chót, là vị trí an toàn nhất. Khi tôi bước vào, lòng thuyền lún xuống dưới chân tôi. Nó không được đóng bằng gỗ mà được đan, hay đúng hơn, được bó bằng thân sậy. Rất nhiều cảm giác thay đổi trạng thái khi bước xuống một không gian nổi bập bềnh với những định luật cơ học riêng. Chúng tôi tách bến bơi xuôi dòng. Những ngôi sao mờ dần khi mây kéo tới, và chúng tôi chìm trong bóng tối mờ ảo, có phần đáng sợ hơn. Tuy thế, những người lái đò vẫn không thắp ngọn đuốc mà họ thường cắm ở mũi thuyền, cứ dựa vào cảm giác và ánh le lói thi thoảng lóe lên từ những đám nấm gỗ phát sáng và những con đom đóm để chống thuyền lướt đi. Những cặp mắt sáng lóe chớp chớp giữa những thân cây vô hình, mắt khỉ, mắt gấu trúc, mắt cú, và người ta có thể tưởng tượng ra cả mắt báo nữa. Thuyền chúng tôi bơi qua những tiếng rột roạt khe khẽ nhưng râm ran, và tôi nhận ra đó là tiếng lũ sâu bướm đang nhai lá cây, qua những quãng phát ra âm thanh ken két chói tai của hàng trăm loài bọ cánh thẳng, át hết những tiếng động khác, rồi qua nơi bầy ễch ương nghiến răng, hệt như những chiếc máy kéo cổ lỗ sĩ chạy bằng dầu đi-ê-zen rít lên ầm ầm mà vẫn không khởi động được, thứ âm thanh này, trong ký ức thời thơ ấu của tôi, tức là của Jed, mang một thông điệp vô cùng hân hoan rằng “SẮP MƯA RỒI”, và nhắc đến chuyện này…
Chính nó rồi. Nó chính là thứ mà tôi cảm thấy thiêu thiếu khi ở đây cùng Marena vào năm 2012.
Chúng tôi không thể tuyệt chủng được, - tôi nghĩ thầm, - phải vậy không?
Cũng có thể đấy. Cái thứ PAH (Một nhóm chất độc gây ô nhiễm môi trường) ấy cũng độc lắm chứ chẳng phải vừa. Mẹ kiếp.
Ngay cả giữa những tiếng ồn này, đôi tai của Chacal vẫn nghe thấy điều gì đó không ổn. Có lẽ nó hơi quá ầm ĩ. Hoặc âm sắc không đúng. Hoặc do thiếu tiếng cú kêu. Loài cú khá tinh khôn. Chúng rất nhạy cảm với thời tiết, chúng biết vụ phun trào đã làm đảo lộn điều gì đó.
Các k’iik chắc cũng cảm nhận được điều ấy. Trong bước chân của họ có sự căng thẳng bất thường… và không chỉ với tôi. Cũng không chỉ vì căng thẳng chính trị. Ai nấy đều thực sự âu lo hơn bình thường. Vụ động đất khiến mọi sinh vật cũng lo lắng. Những cơn địa chấn! Vào thời này, chúng được coi là những con quái vật khổng lồ dưới lòng đất.
Khi dòng sông mở rộng hơn, chúng tôi gặp các đoàn thuyền khác, vài thuyền có thắp nến bấc ở đằng mũi, và trước lúc trời hửng sáng, chúng tôi đã hòa vào một dòng thuyền buôn tấp nập ngược xuôi. Chúng tôi bơi nhanh hơn và vượt vài tá thuyền khác. Thỉnh thoảng, tôi lại nghe tiếng Cá Sấu 12, ngồi trên chiếc thuyền gần đầu, quát những người đánh cá thu lưới ở giữa dòng lại. Trời vừa rạng là lúc Đường Vàng gặp Đường Xám – dòng sông sau này được gọi là Río San Diego – tại thành phố Quảng Trường Luôn ồn ã mà tàn tích của nó được biết đến với cái tên Tres Islas. Cũng như Tyre (Một thành phố của Libăng), đô thị nhỏ này phát triển quá mức, tràn ra cả ngoài bán đảo, những ngôi nhà mới xây vươn thẳng lên từ dưới mặt nước. Tôi mường tượng ra những đốm lửa không bao giờ tắt trên ô cửa cao của các kim tự tháp nhỏ và cảnh những người quét rác lui cui trên quảng trường chợ không một bóng cây, được thắp sáng bởi những ngọn đuốc treo cao hệt như đèn đường. Dưới ánh nắng ban ngày, nước có màu sắc và vẻ thô ráp như tấm vải lót sàn tã nát trên con tàu chiến, hai bên bờ nối tiếp những vườn cây ăn quả sapote (Từ trong tiếng Nahuatl dùng để chỉ chung các loài hoa quả như trứng gà, hồng xiêm và một số loài cây ăn trái bản địa Trung và Nam Mỹ khác) xanh non đơn điệu, xen lẫn các halach yotlel – những vựa thóc kê cao và giá phơi – nửa đóng nửa đan bằng cành cây. Đến giờ một-phần-mười-ba thứ hai trong ngày. Đường Vàng hòa vào một con sông rộng và chảy xiết hơn, sông Ayn Be – Đường Cá Sấu – sau này là sông Río Paisión. Xa xa thấp thoáng mộtt thành phố có tên Chakha’, nghĩa là “Nước Đỏ”, tức El Ceibal ngày nay. Vô số lâu đài và nhà kho một màu trắng xóa, nằm chen chúc trên một quả đồi hình khom khom, chẳng khác gì một đống đường thỏi chồng chất hỗn độn khiến người ta khó mà phân biệt được ngôi nào là xây, ngôi nào là đẽo thẳng vào đá nguyên khối. Thành phố biến mất khi con sông uốn khúc chạy về nam. Khi bắt đầu nghe thấy tiếng nước xiết sủi bọt phía trước, những người lái đò cho thuyền dừng lại bên một bờ sông được lát đá, một tốp phu dỡ đồ xuống, nâng những chiếc thuyền lên quá đầu và chạy theo con đường dọc bờ sông. Khi các phu kiệu nâng tôi lên và chạy theo họ, tôi thoáng nhìn thấy một thác nước giữa những túp lều và những ngôi nhà lớn có hàng cột, nó chảy thành từng dòng đều đặn một cách kỳ lạ trên những nề đá vôi được chạm khảm. Hun Xoc nói đó là tháp hiến tế mà những người bùn đã xây dựng vào mặt trời thứ ba. Chúng tôi lao nhanh qua một quãng nước xiết, đến khúc sông mà chúng tôi gọi là Đường Trắng Của Khỉ Rú Lớn, chính là Río Usumacinta ngày nay.
Người ta gọi Río Usumacinta là sông Nile của người Maya. Nhưng sông Nile chảy tương đối thẳng, qua những vùng sa mạc phẳng phiu và dâng lũ theo chu kỳ khá đều đặn. Trong khi đó, Usumacinta chảy vòng vèo quanh núi non, qua nhiều hang hẻm, sau đó mới mở rộng ra và chảy chậm lại khi băng qua vùng đất thấp, uốn thành những khúc dài. Dù vậy, ở một vùng đất không bánh xe, không ngựa, thậm chí không lạc đà như thế này, nó vẫn là lựa chọn duy nhất để chuyên chở.
Bình minh lại lên, chậm chạp ì ạch mãi với một màu tím hoa cà thẫm đục. Màu sắc đó có nghĩa rằng những đám mây trên đầu chúng tôi không phải là mây như ngày thường. Đó là tro từ núi lửa San Martín. Một-phần-mười-ba thứ hai, Pa’Chan – “Đổ Trời” – tức Yaxchilán, xuất hiện bên tay trái chúng tôi. Thành phố trải rộng trên một triền dốc nằm chính giữa điểm uốn khúc của con sông, vì vậy, giống như Constantinople, nó được nước vây kín ba mặt, mặt thư tư được củng cố vững chãi. Mặt tiền của các tòa lâu đài hướng ra sông để trưng ra sự giàu có của các thị tộc. Năm dãy bậc thang rộng chạy theo hình zích-zắc lên một vệ thành gồm năm kim tự tháp nằm trên đỉnh quả đồi lớn nhất. Vị trí này thật hoàn hảo bởi người lạ có thể lại gần, có thể đi thăm quan một vòng men theo khúc quanh nhưng không thể dễ dàng tấn công từ trên mặt nước. Nước ở quãng này chảy quá xiết để cập bờ. Ngay cả khi có chỗ cập bờ thuận tiện và nếu có người dám thử, họ vẫn có thể quăng lưới xuống nước, chặn hai đầu và nhốt những kẻ xâm nhập ở giữa.
Thuyền chúng tôi men theo đường cong cuối cùng của dãy đồi và trôi vào gầm halach be, cây cầu treo lớn dài sáu trăm feet, riêng nhịp ở giữa dài hai trăm lẻ ba feet, với hai trụ cầu hình vuông khổng lồ cao sáu mươi feet, bề ngang chân trụ rộng ba mươi sáu feet. Vào năm 664 này, nó là cây cầu treo dài nhất thế giới; và ở châu Âu không hề có một công trình nào dài đến vậy cho mãi đến năm 1377 khi người ta xây xong cây cầu Charles ở Prague. Ngay phía trước cầu, dọc bờ sông được lát đá, có một dãy bốn mươi tên tù trần trụi, vàng ệch, bị treo trên những cây sào dài nom hệt như bù nhìn giữ dưa. Khi đến gần, tôi mới nhìn rõ đó chỉ là những bộ da được nhồi căng lên, vẫn còn đầy đủ chân tay, nhưng đầu được làm giả, có lẽ bằng vỏ bầu, và chúng có màu vàng như vậy là do được tẩm nhựa cây. Chân tay của những cái xác căng mọng lên và mất hết đường nét, nhìn không khác gì cây xúc xích. Tôi đoán chúng được nhồi bằng phấn hoa ngô, Hun Xoc nói bốn trong số đó là các k’iik của thị tộc Dơi Quỷ ở Ix bị bắt sau một cuộc đột kích bất thành cách đây sáu năm. Trong lúc đó, chiếc thuyền dẫn đầu đoàn chúng tôi đã rẽ vào bờ, và một trong số các k’iik của Cá Sấu 12 nhảy lên. Hắn lội đến chỗ bờ đắp đất cao, leo ba bậc thang xếp bằng thân cây, chạy tới chỗ bốn anh bạn nhà Dơi Quỷ, thêm một gói đồ lễ của chúng tôi vào đống đồ lễ vật chất cao như núi dưới chân họ rồi quay lại, nhảy lên chiếc thuyền cuối cùng đúng lúc nó sắp bỏ lại hắn. Các k’iik khác huýt gió thật to để hoan hô tán thưởng. Cái đồ phô trương.
Khi chiếc thuyền chở tôi đi vào dưới gầm cầu, tôi thấy như có tuyết rơi xung quanh. Tôi ngẩng đầu lên. Quãng này, lòng cầu cao hơn đầu chúng tôi mười lăm feet và rộng mười feet, được giữ bởi một sợi chão đôi dày phải đến sáu inch. Một dãy đàn ông và một nhóm thiếu nữ quý tộc – điều này rất khác thường – đang đứng trên đó quan sát thuyền bè qua lại. Một cô gái khác lắc lắc chiếc giỏ trong tay, rải xuống những chiếc thuyền bơi qua bên dưới một thứ màu trắng cuốn theo gió thành một đường xoáy dài. Hun Xoc liều lĩnh nhoài người ra khỏi mép thuyền, bắt được một bông và ăn lấy may. Đó là bỏng ngô.
Bên tay phải chúng tôi, những tòa nhà lớn dần lên và rốt cuộc, tôi nhận ra chúng tôi đang nhìn thấy kẻ kình địch lớn nhất của Yaxchilán, thành phố Yokib’. Người ta còn gọi bằng cái tên “công chúa của các thành phố châu báu”, và rất lâu sau này, nó sẽ được gọi là Piedras Negras, Yokib’ có nghĩa là “Lối vào” hoặc “Ngưỡng cửa”, nơi được cho là có lối hang dẫn xuống thẳng sân bóng hông lớn của thế giới âm phủ Xib’alb’a. Màu của Yaxchilán là màu hồng đào, Ix – màu xanh ngọc bích, còn Yokib’ là màu vàng. Thực tế, cả thành phố này là một màu vàng rực gay gắt, gần giống hệt màu vàng cam Bloxx, lại được viền những dải màu đen khiến nó rất khó nhìn, ngay cả ở dưới ánh sáng nhợt màu tro, có độ khuyếch tán rộng như thế này; một thung lũng được họa theo hình khối với những ánh sáng bóng và nhoáng ướt như được họa bởi bàn tay của Bridget Riley (Họa sĩ người Anh, một trong những người đi tiên phong trong nghệ thuật ảo thị). Kim tự tháp lớn nhất tuyền một màu vàng, một bề mặt dốc nhô ra giữa khoảng sáng lập lòe, trên đó, những người thợ lui cui bò toài, dùng những mảnh giấy sáp ong dính như vữa xi măng để trát lại các bức tường. Tôi phỏng chừng lớp tường ngoài cùng của kim tự tháp được xây cách đây một k’atun, bằng vôi nghiền từ xương của hàng ngàn tù nhân họ bắt được khi làm cỏ tận gốc hai thành phố thù địch, tương tự Lâu Đài Máu Và Bùn ở Dahomey (Tức cộng hòa Benin, một nước thuộc châu Phi ngày nay). Tôi đếm được năm mươi tư cái đầu lâu bày ở cửa sông. Con số đó không nhiều nhặn gì, vả lại nhìn còn mới đến mức tôi đoán chúng được làm giả bằng gỗ. Nhưng, khi đi ngang qua, tôi mới thấy những cái cũ hơn, đặt trên các ngăn giá thấp hơn, đã nhăn nhúm lại. Như thế có nghĩa chúng là thật, nhưng đã được làm sạch, ngâm muối, căng trên khung bằng đất sét, phết dầu, trang điểm và thậm chí được che đậy khi trời mưa. Tên tuổi và ngày bị bắt của từng người được xăm trước trán, có lẽ từ lúc còn sống; chỗ miệng bị khâu kín được làm phồng lên sao cho giống với người sống thật; con ngươi được thay thế bằng đá trắng tinh, vì vậy, nom cứ như chúng đang nhìn trừng trừng vào anh vậy. Có lẽ óc, lưỡi và các bộ phận khác đã bị rút ra ngoài qua đỉnh đầu, để chúng khỏi thối rữa, ít ra nhìn chúng cũng không rúm ró như cái đầu ở Yaxchilán, hay như những cái họ vứt cho giòi bọ ăn ở Temple Bar (Khu vực được bảo tồn từ thời trung cổ ở thành Dublin, Ireland) và cứ nằm phơi ở đấy cho tới tận năm 1746.
Ngoài những lúc lên bờ đi bộ qua những đoạn không bơi được, chúng tôi không hề rời thuyền nghỉ đỗ, dù chỉ lấy nước uống. Các thuyền bán hàng rong bơi lại gần, chúng tôi mua những thứ cần thiết và lại đi. Nước tiểu được bọn hầu hót phân đổ ra ngoài thuyền còn phân thì cho lũ chó ăn. Chúng có vẻ thích món ăn này. Có lẽ chúng thuộc một loài đặc biệt, có thói quen lạ bẩm sinh. Tiếp đó, cứt chó lại được bọc vào lá tai voi và chuyển sang thuyền của những gã làm nghề hót phân trên sông, chúng luôn được họ tống bởi hàng đám mây ruồi. Mấy tên lính lưu tinh cứ phải chạy hộc tốc lên bờ, trước đoàn thuyền, để đảm bảo luôn có một tốp phu trực sẵn ở đoạn nước xiết tiếp theo. Ở thế kỷ hai mốt, người ta lúc nào cũng ca cẩm, nào là “ôi chao, chẳng còn lấy một tí thì giờ”, nào là “cuộc sống hiện đại nhanh đến chóng cả mặt”, nào là “không như những ngày xưa, khi chưa có điện thoại di động, chưa có TV”, vân vân và vân vân. Nhưng nếu tôi có học được điều gì ở quá khứ thì đó là ở đây người ta cũng không thư thả gì hơn. Kể cả anh có là cô tiểu thư quý tộc hoang tưởng, anh cũng luôn phải vội vã chuẩn bị để sẵn sàng trước khi ai đó đưa anh đi chơi. Hạn chót luôn là hạn chót. Như tôi nghĩ tôi đã nhắc đến một đoạn nào đó, rằng vào ngày mồng 1 tháng 5 theo cách tính của chúng ta sẽ có hiện tượng nhật thực. Sọ Đá Quý 2 nói những người Teotihuacán có thể sẽ phong tỏa biên giới từ trước đó năm ngày, vào ngày Chết 6, Nai đực 14, tức là chỉ còn hai mươi ngày tính từ hôm nay. Vào ngày đó, toàn thể dân chúng của Teotihuacán Lớn sẽ bắt đầu cử hành việc “im lặng”, không ai được vào hoặc ra khỏi thung lũng cho đến khi mặt trời quay trở lại chu kỳ bình thường của nó. Hóa ra, trái với quan niệm thông thường, nhật thực không phải hiện tượng chỉ có giới quý tộc được biết. Mệnh lệnh được ban ra, và khi ngày đó tới gần, mọi người dân cùng tổ tiên của mình đều sẵn sàng thực hiện nghi lễ. Thành phố sẽ đóng băng. Dịp này giống một lễ vọng hoặc nghi thức canh đêm hơn là lễ hội.
Nói tóm lại, vấn đề là Sọ Đá Quý 2 nói chúng tôi sẽ đến được Teotihuacán trong vòng hai mươi bảy ngày, còn tôi thì cho đó là một kế hoạch hão huyền, ý tôi là, chặng đường dài những 658 dặm. Vì chúa! Mà đấy là nếu anh bay được theo đường thẳng như chim đây. Chứ nếu đi bằng ôtô, quãng đường sẽ là 1250 dặm, chỉ tính trên đường cao tốc. Và vào thời này, chúng tôi không có ôtô, đến cái bánh xe cũng chẳng có. Con ngựa gần nhất thì tận Ireland. Tôi nhớ mang máng một chuyện rằng quân đội của Napoleon từng hành quân được 275 dặm trong vòng hai mươi ba ngày trên đất Áo và đó đã được coi là kỳ tích. Tuy nhiên, quan đội thì không có phu khuân vác tiếp sức. Những tay lính bộ binh Pháp đáng thương đó phải tự lo lấy từng inch đường đi bằng hai bàn chân của chính mình. Và bất kể vị hoàng đế kia lùa họ đi gấp đến mức nào thì mỗi đêm họ vẫn phải cắm trại nghỉ, chí ít là một chốc. Còn chúng tôi chắc sẽ đi ngày đi đêm, ngủ nghê, ăn uống (chủ yếu là sên sống, thịt gà tây khô và ch’anac, một loại bột ngô trộn với máu chó đóng lại thành bánh), bắt rận, đi vệ sinh và những gỉ những gì nữa có trời biết ngay trên lưng lũ phu khiêng kiệu. Người ta đồn rằng những người đưa tin Inca có thể chạy tiếp sức để đưa thông điệp từ Cuzco (Thủ phủ của đế chế Inca, nằm tại Peru ngày nay) đến Quito ở Ecuado trong vòng chưa đến năm ngày, và quãng đường đó khoảng một ngàn dặm. Phải không nhỉ? Nhưng họ thì nhanh hơn chúng tôi nhiều. Tuy nhiên, nếu một người đi bộ giỏi, mang theo hành lý nhẹ có thể đi được hai mươi dặm một ngày thì chắc chắn chúng tôi sẽ đi được năm mươi nếu đổi được phu khuân vác liên tục. Rồi đến đường thủy… Ờ… đi thuyền hai mươi dặm một ngày là xuất sắc lắm rồi. Nhưng đó là với loại thuyền hai người. Thuyền càng dài đi càng nhanh. Vì vậy, nếu đổi được người chèo thuyền mới từ bờ vào chúng tôi sẽ đi được gần năm mươi dặm một giờ, ngay cả đi trên biển. Cứ tính dư cho chắc, quãng đường chúng tôi phải đi là 1600 dặm. Nếu vậy, lịch trình trên không hẳn đã là không thể, nếu không có trở ngại gì về thời tiết hay những trục trặc khác. Tuy cũng có vẻ hơi vội. Nhưng những anh chàng này quá quen với việc ấy rồi, – tôi nghĩ. Phải vậy không? Và dù sao, Sọ Đá Quý 2 cũng chẳng có lý do gì để lòe tôi chuyện này. Có lẽ chúng tôi sẽ làm được.
Tại một thành phố tên là Nơi Luộc Rùa Cạn 3 – sau này là phế tích Aguas Calientes – chúng tôi bắt gặp đoàn lữ hành đầu tiên của một thị tộc kình địch. Đô thị này dày đặc những công trình đa tầng nằm san sát hai bên bờ sông, với hai cây cầu treo bắc ngang qua đầu chúng tôi và một kim tự tháp của thị tộc cai trị nằm phía bên tay trái, hình dáng kỳ cục, được phủ kín những con búp bê bằng gỗ cao bằng nửa người thường. Tôi đoán chúng là đồ lễ được dâng trong một dịp đặc biệt nào đó. Tất cả đều được chạm khắc rất công phu và mặc đồ sặc sỡ đến mức khiến người ta nhìn rối cả mắt. Một đoàn thuyền lớn và lộng lẫy đang đậu bên một bậc cầu thang dẫn xuống sông ngay dưới kim tự tháp. Hun Xoc nói màu vàng và xanh lục trên cờ hiệu cho biết chúng là tàu của các cháu trai của K’ak Ujol K’inich, ahau của thị tộc Báo Đốm ở Oxwitzá, tức Caracol ngày nay, những kẻ nuôi mối thù truyền kiếp với năm thị tộc lớn của Ix từ hơn bốn k’atun nay.
Mệnh lệnh được truyền khắp cả đoàn rằng các lái thuyền cứ tiếp tục chèo và tất cả phải vờ như không nhìn thấy các Oxwitzá, trừ khi họ hỏi han chúng tôi trước.
Cho đến lúc này, không ít thì nhiều, chúng tôi chào hỏi tất cả các đoàn thuyền đi ngang qua. Những người chèo thuyền vẫy người quen của họ, khi thì rối rít vui vẻ, cũng có khi chỉ là một cái nhún vai phải khe khẽ, tương tự một cái gật đầu. Rõ ràng đoàn buôn của chúng tôi là khách thường xuyên của tuyến đường này, chỉ là lần này hơi vội vã bất thường và trái mùa một chút.
Nhưng thuyền của nhà Báo Đốm lại vẫy chúng tôi nên chúng tôi đành đi chậm lại và lượn đến gần để làm như cũng định chào hỏi họ từ trước. Đến chỗ nước nông, những người chèo thuyền quay đầu mái chèo và biến chúng thành cây sào. Tôi có thể cảm thấy các k’iik trong đoàn đang gồng hết cả người lên, bàn tay của Hun Xoc dịch thêm một inch tới gần những chiếc ống xì đồng và chùy mà nó đã treo dưới mép thuyền. Có gì đâu nhỉ, - tôi nghĩ, - họ bốc mùi thân thiện và chúng ta cũng vậy mà. Nghĩa là thế này, mỗi con thuyền đều có một bức phù điêu hình đầu thú vật gắn ở đầu mũi néo buồm, đó là vị thần bảo trợ cho con thuyền, và từ lỗ mũi của nó thường tỏa ra khói thơm. Mùi nhựa cây keo hoặc bột thuốc lá cháy mang thông điệp rằng “chúng tớ không hề có ý định ẩu đả”. Khi chúng tôi lại gần, tôi nhận ra thủ lĩnh của họ đứng trên chiếc thuyền cuối cùng. Hắn đội trang phục hình đầu mèo cao ngất ngưởng, thân mình tô đen, mặt vẽ trắng xóa. Hắn quan sát chúng tôi một lượt bằng cặp mắt sâu hoắm. Tôi và năm k’iik đóng giả tôi cùng đội mũ rơm hình tròn, rộng vành, giống chiếc nón lá của người Việt Nam. Tôi nghiêng đầu xuống, cố giữ sao cho tư thế không bị dịch chuyển. Chacal từng chơi một trận với đội bóng hông Chuột Lang của Oxwitzá và đánh bại họ. Thể nào chả có một vài trong số những con mèo này xem trận đấu ấy.
Sẽ ổn thôi, - tôi tự nhủ, - không ai để ý đến mày giữa đám này đâu. Giống như mọi cầu thủ bóng hông khác, cả khi chơi bóng lẫn khi lên nhận giải thưởng. Chacal đều đội một cái mũ hình đầu thú che khuất đến hơn nửa khuôn mặt. Ngoài ra, ngay cả trên bức tượng tạc hình anh ta giống nhất, nét mặt nhìn cũng mơ hồ. Với mớ tóc nuôi dài, kiểu ăn vận khác, đầu gối không vết chai sần và sụt cân đến gầy nhom như thế này, không ai có thể nghĩ tôi từng là một người chơi bóng hông, và hy vọng không người ngoài nào nhìn tôi mà liên tưởng ra được Chacal. Sọ Đá Quý 2 muốn tôi tỏ ra ốm yếu và lờ đờ đến mức không ai dám bắt chuyện nhiều. Và dĩ nhiên, tôi không nên nhìn vào mắt ai cả.
Thầy hành lễ của Cá Sấu 12 hát một bài chào mừng. Một người đưa tin nhảy xuống nước, đến trao cho cận vệ của gã mặt trắng một cái gói đỏ đựng thuốc lá, ngọc bích và món bột sô-cô-la đặc sản của chúng tôi.
Im lặng. Nhiều năm qua, Ix đã mất hàng trăm k’iik dưới tay của những gã này trong chiến tranh, một cuộc chiến chỉ như sợi tơ nhỏ trong cái mạng nhện vĩnh cửu của sự trả thù báo oán tồn tại để làm cho thế giới này cứ ì trệ mãi không khá lên được. May thay, nó chỉ là một cuộc chiến giới hạn giữa các cá nhân với nhau chứ chưa lôi kéo tất cả vào cuộc. Chỉ là anh phải để ý đề phòng nếu có kẻ thề sẽ tóm cổ anh, hoặc nếu anh nhỡ giẫm chân lên đất của bọn kẻ cướp. Hay giống như hai băng đảng đi trên phố giữa ban ngày, khi gặp nhau thì một phe tự rẽ sang lề đường bên kia để tránh đụng nhau. Hay có thể nói ở đây giống như Trung Đông, nơi có thể, hay nói đúng hơn là lúc nào cũng có một cuộc chiến tiếp diễn nhưng đồng thời vẫn có những chuyến bay thương mại liên tục cất cánh và hạ cánh, những hàng dài xe du lịch xếp hàng gần biên giới và những người dân đi lại nhộn nhịp ngay giữa vùng tranh chấp.
Nhưng đường đi lại trên sông cũng là một kiểu nhà thờ, bãi chợ hay sàn giao dịch chứng khoán. Chúng là thứ tài sản trung thực sự duy nhất từ một ngàn năm nay. Khi ở trên mặt nước, anh nằm dưới sự bảo trợ của Phù Thủy Ngọc Bích, người đã đào con sông từ những ngày của mặt trời thứ ba, trước cả khi Vẹt Đuôi Dài 7 xuất hiện. Rất hiếm khi xảy ra những cuộc tấn công trên mặt nước và chúng bị coi là vô cùng hèn hạ, không kém ǵ chúng ta khinh vụ gia đình Pazzi (Một gia đình quý tộc ở Florence, đã ám sát Giuliano de’ Medici, ngươi cai trị xứ này vào thế kỷ 15 và được coi là người bảo trợ nghệ thuật) tấn công Giuliano de’ Medici ở Duomo. Bất cứ kẻ nào có hành vi bạo lực cũng có thể bị xé xác, không chỉ bởi những người dân địa phương luôn để mắt canh chừng, mà còn bởi chính những người đồng hành của anh ta. Ngoài ra câu nói khách sáo rằng “bước vào một ngôi làng giàu truyền thống cũng như bước vào phòng khách riêng của một nhà” hoàn toàn đúng ở xứ này. Bất kể anh đang ở đâu, anh cũng là khách của một ai đó, anh và họ bị rằng buộc bởi sự hiếu khách với nhau. Thay vì xuất trình hộ chiếu, tiền vé hay quà hối lộ, anh phải tặng quà và nhận lại những món quà rẻ tiền hơn. Nếu quà của anh không đủ hậu hĩnh, hoặc nếu như anh gây ra bất cứ rắc rối gì, người ta sẽ nhớ cái bản mặt anh và anh sẽ nhận lại đủ, có khi còn tồi tệ hơn.
Cuối cùng, ai đó trên một trong những chiếc thuyền của phe Báo Đốm cũng hát đáp lại hồi khúc của bài hát chào mừng, một người khác đưa cho chúng tôi một gói đựng thứ khỉ gió gì chả biết và chúng tôi lên đường.
- Hắn nhìn anh đấy, - Hun Xoc nói với tôi qua bờ môi khít rịt hầu như không động đậy. Khi chúng tôi ra khỏi tầm mắt họ, thằng bé giúp tôi đeo một chiếc mặt nạ mỏng, năm người đóng giả tôi cũng làm tương tự. Tôi thấy đeo mặt nạ như thế này cứ kỳ cục làm sao ấy. Nhưng thực tế, ở châu Âu, cho đến tận thế kỷ mười chín, người ta vẫn còn đeo mặt nạ. Cả đàn ông lẫn đàn bà cũng đeo mặt nạ khi đi đường, một phần để tránh bụi trên đường, một phần để tránh nhiễm bệnh tật, như mặt nạ phòng độc thời nay, nhưng chủ yếu là để tránh phiền nhiễu. Ngay cả ở Mỹ vào những năm 50 của thế kỷ trước, rất nhiều phụ nữ thường dân vẫn còn đội mũ mạng che mặt. Phải vậy không? Việc này chẳng có gì quá đáng. Vả lại, khái niệm về sự cải trang không phổ biến ở đây. Nếu anh đeo một cái mặt nạ, điều ấy không có có nghĩa là anh đang muốn che giấu chuyện gì mà chỉ là anh muốn bày tỏ lòng kính trọng hoặc muốn làm hiện thân của hình thù trên chiếc mặt nạ. Mặt nạ làm nên con người anh hơn cả chính bản thân anh.
Bị phát hiện chưa phải nguy hiểm lớn nhất, nguy hiểm lớn nhất là một phần của đoàn lữ hành bị chia tách, bị phục kích, bị lợi dụng hoặc cả ba, khi ấy, ai đó sẽ trao thứ gì đó cho kẻ thù và thứ đó cuối cùng sẽ rơi vào tay nhà Mèo Rừng. Hiển nhiên, tất cả các k’iik trong đoàn và một vài người hầu cận của họ biết Chacal không bị giết trong cuộc đi săn hươu. Nhưng họ biết hai trong số cái gọi là vía của Chacal, tức uay và tên bí mật của anh ta, đã rời khỏi cơ thể sau buổi làm phép. Bây giờ, chỉ còn hơi thở của Chacal ở lại, hai vía kia đã được thay bằng vía của tôi.
Sọ Đá Quý 2 đã xoay phắt câu chuyện sang chiều hướng tốt đẹp, đúng kiểu của ông ta, rằng Thằn Lằn Chân Lùn 10 từ đỉnh núi của nhà Đại Bàng đã đến trước khi được hạ sinh để cảnh báo cho thị tộc rằng họ đang bị nguy hiểm rình rập và giúp họ vượt qua.
Gã chỉ huy toán vệ sĩ chờ sẵn chúng tôi ở chặng đi bộ tránh nước xiết tiếp theo. Cá Sấu 12, Mưa Chết 18 và Hun Xoc tách ra để gặp riêng hắn. Họ không cho tôi tham gia và thì thầm với nhau bằng ngôn ngữ đi săn mà tôi không hiểu. Nhưng khi chúng tôi quay xuống thuyền, Hun Xoc kể cho tôi nghe rằng toán vệ sĩ thông báo có một tốp khoảng hai mươi người đang bám theo chúng tôi, đi bằng thuyền và có lẽ có cả phu khuân vác đi theo bằng đường dọc bờ sông nữa. Họ không biết những kẻ này từ đâu tới, và qua vài lời nghe được, chỉ biết chúng nói thứ tiếng Ix dùng trong mua bán. Gã chỉ huy nói hắn nghĩ trang phục đội đầu của chúng cho thấy chúng là người của thị tộc Cá Trê ở Xalancab, gần Kaminaljuyu, một thị tộc trung lập, không đứng về phe Đại Bàng, cũng chẳng đứng về phía Mèo Rừng. Tuy nhiên toán vệ sĩ không nhận ra bất cứ ai quen mặt trong đám đó nên rất có thể đó chỉ là giả trang. Thị tộc Cá Trê chẳng được mấy ai biết đến nên là đối tượng dễ bị đóng giả.
Hun Xoc kể thêm rằng Cá Sấu 12 đã hỏi chúng có đi lại hay ra hiệu giống bọn săn khỉ hay không. “Bọn săn khỉ” ở đây nghĩa là “bọn săn người” hoặc “bọn ám sát”. Tên vệ sĩ trả lời rằng hắn không chắc, nhưng chắc chắn chúng muốn đi sau chúng tôi một đoạn. Cá Sấu 12 hỏi liệu chúng có biết chúng tôi đang đi đâu không, hay chỉ bám theo thôi, nhưng tên vệ sĩ cũng không biết.
- Nếu tôi phải đặt cược vụ này, tôi xin cá một ăn hai rằng chúng là bọn Búa Lớn, - Hun Xoc nói. Tôi nghĩ là tôi đã nói rồi, Búa Lớn tức là người nhà Mèo Rừng. Họ có biệt hiệu này bởi họ được quyền dùng một loại búa lớn đặc biệt trong chiến trận.
Hun Xoc nói rất có thể Chim Ruồi Có Nanh 9 đã phát hiện ra chúng tôi khi ông ta lảng vảng rình mò quanh trong lốt uay ban đêm của mình. Có lẽ ông ta đã ngờ rằng Chacal vẫn còn sống. Nếu nhà Mèo Rừng bắt được chúng tôi, điều đó sẽ chứng tỏ nhà Đại Bàng phạm tội lừa dối báng bổ, và Chim Ruồi Có Nanh 9 sẽ thâu tóm được toàn bộ những gì thuộc về thị tộc Đại Bàng như người, hàng hóa, quyền lợi đối với đất đai và nguồn nước mà không thị tộc nào dám phản đối.
Tôi không biết nói gì. Đừng có đổ lỗi cho tôi nếu các người không chắc – tôi nghĩ. Tôi suýt định hỏi liệu những kẻ đang bám theo chúng tôi có phải do chính Sọ Đá Quý 2 phái đi hay không, nhưng may sao kịp ngậm miệng đúng lúc. Nếu có thế thật thì Hun Xoc hoặc không biết, hoặc sẽ nói dối tôi.
Vả lại, cũng tốt nếu những gã này tưởng tôi thân cận với Sọ Đá Quý 2. Họ đang cho tôi tham gia một số việc, cho tôi ngồi cùng bàn với những anh chàng có máu mặt trong bữa trưa, nhưng tôi vẫn có cảm giác… hừ, thôi cứ nói toẹt ra rằng họ nhận được lệnh để mắt canh chừng tôi mọi lúc. Tôi chưa lần nào tỉnh giấc mà không thấy một gã đang ngồi nhìn tôi. Tôi chưa từng bước được một bước khỏi toán k’iik mà không có Tay 2 hoặc Cứt Ta Tu chạy vượt lên trước để kèm tôi. Và tôi cũng nhận thấy họ không bao giờ để tôi gần nước, thức ăn và dép xăng-đan dự trữ.
Thực ra, Sọ Đá Quý 2 lo đề phòng là đúng. Dĩ nhiên, tôi phải tin ông ta. Tôi tham gia vào vụ thỏa thuận này vì nó là thỏa thuận duy nhất. Có điều, sự thực là ông ta đã tra tấn tôi cứ khiến tôi mơ hồ ám ảnh. Và bất chấp việc tôi được ông ta nhận làm con nuôi một cách long trọng, bất chấp mối liên hệ giữa chúng tôi, bất chấp việc một kẻ xa lạ trên một vùng đất xa lạ như tôi muốn có một gia đình đến mức nào, tôi vẫn phải thành thật thú nhận rằng tôi không có bất cứ lý do gì để tin những việc ông ta làm cũng vì lợi ích của tôi. Mục đích của ông ta khác tôi. Ông ta chỉ cần cái công thức bí mật của món thuốc đặc biệt kia. Nếu ông ta có thể phá bỏ được thế độc quyền của những người Teotihuacán về món thuốc ấy, ông ta sẽ có thể tự tung tự tác. Nhưng, nói đến viễn cảnh của riêng tôi… nếu tôi nghĩ tôi có thể chạy khỏi những gã k’iik này, tìm đến một ngôi làng hẻo lánh, dùng vài mánh gì đó để lôi kéo người dân về phía mình, thành lập một đội quân chuyên đánh phục kích, tóm lấy vài người đếm mặt trời của một thành phố nhỏ nào đấy – hình như có ít nhất bốn mươi nhăm người đếm mặt trời chín sọ trên khắp vùng Mesoamerica, ngoài khoảng bảy mươi người gì đó ở Teotihuacán – lấy vài mẫu thuốc, chôn xuống đất cho nhóm Chocula (họ chẳng cần nhiều hơn một hoặc hai miligam mỗi loại để xét nghiệm) và thế là tôi… hừ, nghĩ đến đây mà muốn nản. Nhưng vấn đề là chuyện ấy hoàn toàn có thể, và Sọ Đá Quý 2 hẳn cũng lo tôi sẽ thử làm điều đó.
Vì vậy, tôi đoán rằng, nếu tôi bỏ chạy, hay thậm chí tỏ ra có ý định bỏ chạy thôi, tôi sẽ thấy mình bị trói gô lại như con ngỗng Giáng sinh chỉ trong vòng một giây.
Tuy nhiên, - tôi nghĩ, - có lẽ mình làm việc này là đúng. Đừng quên rằng công nương Koh chính là tác giả của ván chơi được ghi lại trong cuốn Thư tịch. Đúng không nào? Ngay cả khi bà ta không phải là người đếm mặt trời có tiếng tăm nhất ở đây – theo Sọ Đá Quý 2, người giỏi nhất là Gió Lốc 11 của thị tộc Ocelot ở Ix, hoặc Heo Vòi Luộc, người đang phụng sự Pacal vĩ đại ở Palenque – nhưng bà ta vẫn là người thích hợp nhất để chúng tôi lôi kéo về phe mình. Có lẽ bà ta thực sự đặc biệt, một trong những người đếm mặt trời vĩ đại mà theo tôi lời Sọ Đá Quý 2, cả một b’akt’un mới xuất hiện một người. Có lẽ, nếu tôi gặp được bà ta, mọi việc sau đó sẽ xuôi chèo mát mái. Có lẽ bà ta biết mọi chuyện và sẽ giúp chúng tôi giải quyết ổn thỏa. Có lẽ bà ta sẽ chỉ ngay ra được tên doomster. Tôi chỉ việc gửi cái tên đó về cho nhóm Chocula và thế kỷ 21 sẽ yên lành. Có khi bà ta còn mách nước cho tôi vài món chứng khoán nên mua nữa, và khi hoặc nếu trở về được, tôi sẽ giàu hơn cả hoàng tử Alwaleed Bin Talal Bin Abdulaziz (Một hoàng tử của hoàng tộc A-rập Xê-út).
Vì thế, cứ tiếp tục theo họ đi, Jed, ít nhất là lúc này. Đừng có nghĩ ngợi quá.
Tôi liền hỏi liệu có phải những kẻ đang bám theo chúng tôi đến từ Teotihuacán chăng. Hun Xoc trả lời rằng có thể ai đó ở đó đã thuê chúng, nhưng làm thế để làm gì. Và công nương Koh, hay theo cái cách gọi của Hun Xoc là Con Gái Thứ Hai Mươi Hai Của Nhện Dệt Cầu Vàng – nó gọi thế để tránh nhắc đến tên thật có thể khiến uay của bà ta bị đánh động – cũng sẽ không thuê chúng vì bà ta là một người đếm mặt trời chín sọ, bà ta có thể đã thấy chúng tôi đang đến qua một ván cờ.
Tôi đáp rằng phải. Nhưng trong bụng thì nghĩ khác. Dù bà ta có vĩ đại đến đâu chăng nữa thì cờ Hiến tế cũng không phải là một quả cầu pha lê…
Biển.
Đó là cái mùi cổ xưa của muối biển, hay đúng hơn, mùi của những sinh vât ưa mặn. Tôi quay sang nhìn những người xung quanh. Qua cách họ rảo bước, tôi có thể chắc chắn họ cũng ngửi thấy. Chúng tôi đang đi gần tới rìa của thế giới cạn. Ngày mai, chúng tôi sẽ lênh đênh trên mặt biển, trên tuyến đường dẫn đến Vương Quốc Của Những Lưỡi Dao và Vùng Hồ Của Những Đôi Cánh.
Mật Mã Maya Mật Mã Maya - Brian D’Amato Mật Mã Maya