Every breath we take, every step we make, can be filled with peace, joy and serenity.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Kazuo Ishiguro
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Số chương: 26
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 5930 / 605
Cập nhật: 2016-05-05 19:46:01 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 23
ó vẻ như chẳng có gì thay đổi trong khoảng một tuần sau chuyến đi đó. Tuy nhiên tôi trông không chờ nó vẫn như vậy mãi, và quả nhiên, cho đến cuối tháng Mười tôi bắt đầu nhận thấy những sự đổi khác nhỏ. Một mặt, tuy Tommy vẫn tiếp tục vẽ các con thú, nhưng anh chẳng thích thú gì làm việc đó khi có mặt tôi. Không hẳn là chúng tôi trở lại như hồi đầu khi tôi mới trở thành người chăm sóc cho anh và tất cả những chuyện ở Nhà Tranh vẫn còn ám ảnh chúng tôi. Nhưng có vẻ như anh đã suy nghĩ rồi quyết định: rằng anh vẫn sẽ tiếp tục vẽ các con thú nếu thấy hứng, nhưng nếu tôi vào, anh sẽ thôi vẽ mà cất chúng đi. Tôi không đến nỗi quá đau lòng vì chuyện đó. Thực ra thì, theo nhiều cách, chuyện đó còn làm tôi nhẹ nhõm: nếu những khi chúng tôi ở bên nhau mà những con thú ấy cứ chăm chăm nhìn vào mặt chúng tôi thì mọi chuyện chỉ càng thêm khó xử.
Nhưng còn có những thay đổi khác mà tôi thấy khó chịu hơn. Tôi không định nói là chúng tôi không còn có những lúc vui vẻ trong phòng anh nữa. Thậm chí thỉnh thoảng chúng tôi vẫn làm tình với nhau. Nhưng cái mà tôi không thể không nhận thấy là, Tommy ngày càng có xu hướng đồng hóa mình với những người hiến khác tại trung tâm. Chẳng hạn, nếu hai chúng tôi đang nhắc lại những người cũ hồi ở Hailsham, sớm muộn gì anh ấy cũng sẽ lái cuộc nói chuyện sang một trong những người bạn cũng là người hiến tạng ở trung tâm này nếu người đó cũng nói hay làm gì đó tương tự như chuyện chúng tôi đang nói. Đặc biệt có một lần, khi tôi lái xe vào Kingsfield sau một chuyến đi dài rồi bước ra khỏi xe. Quảng trường trông hơi giống lần tôi cùng Ruth đến trung tâm hôm chúng tôi đi xem chiếc thuyền. Đó là một chiều thu u ám, quảng trường vắng tanh ngoại trừ một nhóm người hiến tụ tập dưới cái mái chìa của ngôi nhà dùng làm hội trường. Tôi thấy Tommy đang ở trong nhóm đó – anh đứng tựa lưng vào một cây cột, lắng nghe một người hiến khác đang ngồi co ro trên những bậc tam cấp lối vào. Tôi tiến về phía họ một quãng rồi đứng lại đợi, ngay giữa quảng trường dưới bầu trời xám xịt. Nhưng Tommy, mặc dù có thấy tôi, vẫn tiếp tục nghe bạn nói, cuối cùng thì anh cùng tất cả những người khác phá lên cười. Ngay cả khi đó anh vẫn tiếp tục vừa lắng nghe vừa mỉm cười. Về sau anh bảo rằng anh đã ra hiệu bảo tôi đến, nhưng nếu anh có làm vậy thì cũng không hề rõ rệt chút nào. Tôi chỉ nhận thấy mỗi một điều rằng anh mỉm cười một cách mơ hồ về phía tôi, rồi lại quay sang nghe bạn mình đang nói. Phải, anh ấy đang nghe nửa chừng cái gì đó, và sau chừng một phút hay sao đó anh cũng lại chỗ tôi và hai chúng tôi lên phòng anh. Nhưng như vậy khác hồi trước quá. Mà cũng không chỉ chuyện anh ấy để tôi đợi ngoài trời giữa Quảng trường. Chuyện ấy tôi cũng chẳng bận tâm lắm. Nhưng điều đáng nói hơn là hôm ấy lần đầu tiên tôi nhận ra, là có cái gì đó gần như giận dỗi về phía anh ấy khi phải rời đám bạn mà đến với tôi, và khi chúng tôi đã lên phòng anh rồi, bầu không khí giữa hai chúng tôi chẳng lấy gì làm vui vẻ.
Nói cho công bằng, chuyện đó cũng bởi tại tôi chẳng kém bởi tại anh ấy. Bởi trong khi tôi đứng đó nhìn họ chuyện trò cười cợt, tôi bất ngờ cảm thấy hơi bực bội; bởi có cái gì đó trong cung cách những người hiến kia tự bố trí thành một hình gần như nửa vòng tròn, có cái gì đó trong tư thế của họ, thoải mái một cách hầu như đầy chủ ý, dù đứng hay ngồi, như để công bố với toàn thế giới rằng mỗi người trong số họ thích thú đến nhường nào cái hội bạn bè này, khiến tôi nhớ lại kiểu cái nhóm nho nhỏ của chúng tôi hay ngồi với nhau trong căn đình tạ. Sự so sánh đó, như tôi nói, đã khích động cái gì trong tôi, vậy nên khi chúng tôi đã lên phòng anh, tôi cũng cảm thấy bực tức chẳng kém gì anh bực tức tôi.
Tôi cũng cảm thấy một chút giận dỗi tương tự mỗi khi anh bảo sở dĩ tôi không hiểu điều này hay điều nọ là do tôi chưa phải là người hiến. Nhưng ngoài một lần cụ thể mà tôi sẽ kể ngay sau đây thì tất cả chỉ là bực một chút, thế thôi. Thường thì anh ấy nói những điều đó với tôi với vẻ nửa đùa cợt, hầu như âu yếm. Và thậm chí nếu có gì đó nhiều hơn thế, như cái lần anh ấy bảo tôi đừng mang quần áo bẩn của anh ấy đến phòng giặt nữa vì việc đó anh tự làm được, thì cũng chẳng mấy khi chuyện nhỏ thành ra cãi cọ nhau. Lần đó tôi đã hỏi anh:
"Ai trong chúng mình mang khăn bẩn đi thì có khác gì nhau? Đằng nào em cũng đi lối đó mà."
Để trả lời anh lắc đầu rồi nói: "Này, Kath, đồ của anh thì tự anh thu xếp lấy. Nếu em là người hiến thì em sẽ hiểu."
Nghe cũng hơi bực thật, nhưng chuyện đó tôi có thể quên khá nhanh. Song như tôi nói, có một lần, khi anh nhắc đến việc tôi không phải là người hiến, tôi đã thực sự nổi cáu.
Chuyện xảy ra khoảng một tuần sau khi anh nhận được thông báo hiến lần thứ tư. Chúng tôi vẫn đang chờ đợi việc đó và đã bàn cặn kẽ với nhau về nó khá nhiều. Trên thực tế, chúng tôi đã có những cuộc trò chuyện chân tình nhất từ dạo đi Littlehampton đến giờ, chỉ bàn quanh chuyện lần hiến thứ tư. Tôi đã biết rằng những người hiến thường phản ứng trước lần hiến thứ tư của mình theo đủ cách khác nhau. Một số người cứ muốn nói mãi về chuyện đó, nói hoài không dứt và vô nghĩa. Người khác thì chỉ lấy đó làm đùa bỡn, nhũng người khác nữa thì hoàn toàn cự tuyệt không nói năng gì đến nữa. Lại còn có một khuynh hướng kỳ quặc ở những người hiến là coi lần hiến thứ tư như một cái gì đáng được chúc mừng. Một người hiến "ở bậc tư", cho dẫu là người mà ngay trước đó chẳng mấy ai ưa, được tất cả mọi người đặc biệt tôn trọng. Ngay các bác sĩ và y tá cũng làm ra vẻ vậy: khi một người hiến "ở bậc tư" đi kiểm tra sức khỏe, anh hay chị ta sẽ được những người mặc áo choàng trắng đón chào, tay bắt mặt mừng. Tommy với tôi thì chúng tôi đã bàn tất cả chuyện này, lúc thì đùa, khi thì nghiêm túc và cẩn trọng. Chúng tôi bàn tất cả những cách khác nhau mà người ta đã thử để đối mặt với nó, và cách nào là cách khôn ngoan nhất. Có lần, khi chúng tôi nằm bên nhau trên giường lúc trời đang tối dần, anh nói:
"Kath à, em có biết tại sao ai cũng lo lắng đến thế về lần thứ tư không? Đó là vì họ không chắc liệu họ có thực sự xong hẳn không. Nếu mình biết chắc mình sẽ xong hẳn thì sẽ dễ hơn. Nhưng người ta chẳng bao giờ cho mình biết chắc cả."
Lúc ấy tôi thoáng tự hỏi liệu đây có trở thành chuyện phải bàn không, và cũng nghĩ xem mình đáp lại thế nào. Nhưng khi thấy đúng là chuyện cần bàn thật thì tôi lại không tìm được gì nhiều để nói. Nên tôi chỉ nói: "Toàn chuyện vớ vẩn thôi mà, Tommy. Toàn nói nhăng thôi. Thậm chí không đáng nghĩ tới nữa kìa."
Nhưng Tommy biết tôi chẳng có gì làm cơ sở cho lời tôi nói. Anh ấy hẳn cũng biết rằng anh đang nêu những câu hỏi mà ngay các bác sĩ cũng không có câu trả lời chắc chắn. Hẳn các bạn cũng đã nghe những chuyện như vậy. Rằng có thể, sau lần hiến thứ tư, thậm chí dù về mặt kỹ thuật thì ta đã xong hẳn, nhưng bằng cách nào đó ta vẫn còn ý thức; rằng khi đó ta sẽ nhận ra rằng vẫn còn những lần hiến nữa, nhiều lần hiến nữa, ở bên kia cái lằn ranh đó; rằng sẽ không còn trung tâm phục hồi nào nữa, không còn người chăm sóc, không còn bạn bè gì nữa; rằng sẽ chẳng còn việc gì làm ngoại trừ quan sát những lần hiến còn lại của mình cho đến khi người ta cho mình tắt hẳn. Đó chẳng khác gì phim rùng rợn, và hầu hết thời gian người ta không muốn nghĩ về chuyện đó. Những người mặc áo trắng, không, những người chăm sóc, không, và thường là các người hiến tạng, không. Nhưng thỉnh thoảng, một người hiến lại khơi ra chuyện đó, như Tommy đã làm chiều hôm ấy, và giờ đây tôi ước gì chúng tôi đã bàn về chuyện đó. Dù sao thì, sau khi tôi gạt chuyện đó đi coi nó là vớ vẩn, cả hai chúng tôi thôi hẳn không nói năng gì về đề tài đó nữa. Tuy vậy, tôi vẫn biết nó vẫn cứ nằm trong trí Tommy sau lần đó, và tôi vui rằng ít nhất anh ấy cũng đã tin cậy mà thổ lộ với tôi đến thế. Tôi chỉ muốn nói rằng, nói chung, tôi luôn có ấn tượng là chúng tôi đã cùng nhau đối mặt khá tốt với lần hiến tạng thứ tư, chính vì vậy tôi mới choáng váng đến thế bởi những gì anh ấy nói ra vào hôm chúng tôi tản bộ quanh cánh đồng.
o O o
Trung tâm Kingsfield không có nhiều sân vườn lắm. Quảng trường hiển nhiên là nơi người ta hay tụ họp, còn mấy khoảnh đằng sau các tòa nhà trông chỉ giống như đất hoang. Khoảnh đất rộng nhất, mà những người hiến gọi là "cánh đồng", là một khoảnh hình chữ nhật mọc đầy cỏ dại và cây kế hoang, bốn phía có chăng hàng rào lưới. Người ta cứ luôn mồm nói sẽ biến nó thành một bãi cỏ đàng hoàng đúng nghĩa cho những người hiến tạng, nhưng mãi đến giờ vẫn chưa làm. Thậm chí dù người ta có làm vậy đi nữa thì nó cũng chẳng lấy gì làm yên tĩnh, bởi ngay bên cạnh là xa lộ lớn. Dẫu vậy, mỗi khi những người hiến thấy bứt rứt và cần đi bộ cho quên thì họ thường ra đấy, đi tới đâu là cọ mình vào những đầu lá nhọn và bụi mâm xôi đến đó. Vào buổi sáng tôi đang nói ở đây, trời sương rất dày nên tôi biết cánh đồng đang sũng nước, nhưng Tommy cứ nằng nặc bảo chúng tôi ra đó đi dạo. Chẳng lạ rằng ngoài chúng tôi ra đó chẳng có ai – điều đó hẳn rất hợp với tâm trạng của Tommy. Sau khi chật vật len qua những bụi cây rậm rạp trong vài phút, anh dừng lại cạnh hàng rào nhìn đăm đăm vào màn sương phía bên kia. Rồi anh nói:
"Kath này, anh không muốn em hiểu lầm chuyện này. Nhưng anh nghĩ kỹ lắm rồi. Kath ạ, có lẽ anh nên tìm một người chăm sóc khác thì hơn."
Trong khoảng mấy giây sau khi anh nói thế, tôi nhận ra rằng tôi chẳng ngạc nhiên vì điều đó chút nào; rằng theo một cách kỳ quặc nào đấy tôi vẫn đang chờ đợi nó. Nhưng dẫu vậy tôi vẫn tức giận và không nói năng gì.
"Không phải chỉ vì lần hiến thứ tư sắp tới," anh nói tiếp. "Không phải chỉ vì vậy. Mà còn vì những chuyện như đã xảy ra tuần trước. Lúc anh bị bệnh thận ấy. Sắp tới sẽ còn xảy ra nhiều chuyện như vậy nữa."
"Chính vì vậy em mới đến tìm anh," tôi nói. "Chính vì vậy em mới đến để giúp anh. Vì những gì mãi bây giờ mới bắt đầu. Và đó cũng là điều Ruth muốn."
"Ruth muốn là muốn điều khác cho chúng ta," Tommy nói. "Không nhất thiết cô ấy muốn em phải làm người chăm sóc anh cho tới hết cái đận cuối này."
"Tommy ơi," tôi nói, và chắc là đến lúc này tôi đã phẫn nộ lắm, nhưng tôi vẫn giữ giọng bình thản và kiềm chế. "Em là người duy nhất giúp anh. Chính vì vậy em mới đến đây tìm lại anh."
"Ruth muốn là muốn điều khác cho chúng ta," Tommy lặp lại. "Còn chuyện này hoàn toàn khác. Kath ạ, anh không muốn cứ thế này trước mặt em."
Khi nói vậy anh nhìn xuống đất, một bàn tay áp lên hàng rào lưới, và trong một lát trông anh có vẻ như đang ráo riết lắng nghe tiếng xe cộ đâu đó đằng sau màn sương. Và đó chính là lúc anh thốt ra điều ấy, vừa nói vừa khẽ lắc đầu:
"Ruth thì chắc sẽ hiểu. Cô ấy đã là người hiến, nên cô ấy chắc sẽ hiểu. Anh không nói rằng nhất định cô ấy cũng đã muốn điều như vậy cho mình. Nếu được thì cô ấy hẳn đã muốn em làm người chăm sóc cho cô ấy cho tới cuối. Nhưng cô ấy chắc đã hiểu, rằng anh thì anh muốn khác thế. Kath ạ, đôi khi em không hiểu được. Em không hiểu vì em không phải là người hiến tạng."
Chính lúc anh nói ra điều đó thì tôi quay lưng bỏ đi. Như tôi đã nói, tôi hầu như đã sẵn sàng lắng nghe anh nói không muốn tôi làm người chăm sóc anh nữa. Nhưng điều thực sự làm tôi bị xúc phạm, sau tất cả những chuyện nhỏ nhặt khác kia, như khi anh nói lúc đó, cái kiểu anh lại tách tôi ra một lần nữa, lần này không phải tách khỏi tất cả những người hiến tạng mà còn tách tôi ra khỏi anh và Ruth.
Tuy nhiên chuyện đó chẳng hề chuyển thành cuộc cãi vã to nào. Khi quay lưng đi thẳng, tôi chẳng có gì khác để làm ngoài quay trở lại phòng anh, rồi chính anh cũng về phòng sau đó mấy phút. Đến khi đó thì tôi đã nguôi và anh cũng vậy, nên chúng tôi có thể trò chuyện với nhau về việc đó kỹ hơn. Cũng hơi căng thẳng, nhưng chúng tôi đã muốn thay người chăm sóc. Thế rồi, giữa khi chúng tôi ngồi trong ánh sáng lờ mờ, sát bên nhau trên mép giường, anh nói với tôi:
"Anh không muốn chúng mình lại cãi nhau, Kath à. Nhưng anh cứ muốn hỏi em điều này mà chưa hỏi. Ý anh là, làm người chăm sóc mãi em không thấy mệt sao? Tất cả những người khác như anh, bọn anh đã trở thành người hiến từ lâu rồi. Em đã làm người chăm sóc suốt bao năm nay. Kath à, chẳng lẽ em không thỉnh thoảng mong người ta hãy nhanh nhanh gửi thông báo cho em sao?"
Tôi nhún vai. "Em không quan tâm. Dù sao thì có những người chăm sóc giỏi cũng là điều quan trọng chứ. Mà em thì là một người chăm sóc giỏi.
"Nhưng liệu có thực là quan trọng thế không? Ừ thì có một người chăm sóc giỏi cũng hay. Nhưng rốt cuộc thì có thực là quan trọng đến không? Đã là người hiến thì ai cũng đều sẽ hiến, như nhau hết, rồi thì sẽ xong cả thôi."
"Dĩ nhiên là quan trọng chứ. Người chăm sóc giỏi sẽ làm cho cuộc sống của người hiến trên thực tế khác hẳn đi."
"Nhưng em thì cứ phải tất tả ngược xuôi. Vắt kiệt sức rồi thì lúc nào cũng chỉ một mình. Anh vẫn quan sát em đấy. Nó đang làm em hao mòn đi. Hẳn là em phải muốn chứ, Kath, đôi khi em cũng muốn người ta bảo em có thể thôi được rồi. Anh không biết tại sao em không nói gì với họ, không hỏi họ xem tại sao lại để lâu đến vậy." Rồi trong khi tôi im lặng, anh ấy nói: "Anh chỉ nói thế thôi. Chúng mình đừng cãi nhau nữa."
Tôi tựa đầu lên vai anh rồi nói: "Ừ, thôi. Có lẽ cũng không còn lâu quá nữa đâu. Nhưng hiện giờ em vẫn phải làm. Thậm chí dù anh không muốn em gần anh nữa thì vẫn có những người khác muốn."
"Anh nghĩ em nói đúng, Kath ạ. Em đúng là một người chăm sóc giỏi. Dù em không phải là em đi nữa thì em vẫn cứ là người tốt nhất cho anh." Anh bật cười rồi quàng tay ôm lấy tôi, mặc dù chúng tôi vẫn đang ngồi bên nhau. Rồi anh nói: "Anh cứ nghĩ mãi về một dòng sông ở nơi nào đó, nước chảy rất xiết. Rồi có hai người đang ở dưới nước, cố ôm chặt nhau, ôm riết nhau hết sức bình sinh, nhưng rốt cuộc cũng không giữ nổi. Dòng nước quá mạnh. Họ đành rời nhau ra, trôi mỗi người một ngả. Anh nghĩ về chúng mình như vậy đó. Thật đáng tiếc, Kath ạ, bởi chúng mình đã yêu nhau suốt đời. Nhưng rốt cuộc chúng mình không thể ở bên nhau mãi mãi."
Khi anh nói vậy, tôi nhớ lại mình đã ôm chặt anh vào đêm nọ trên cánh đồng lộng gió trên đường từ Littlehampton về. Tôi không biết liệu anh cũng nghĩ về điều đó hay không, hay anh vẫn đang nghĩ về những con sông và dòng nước xiết của anh. Dù thế nào thì chúng tôi cứ ngồi bên nhau như vậy trên cạnh giường một hồi lâu, chìm đắm trong suy nghĩ. Rồi sau cùng tôi nói với anh:
"Em xin lỗi đã nổi đóa với anh hồi nãy. Em sẽ nói chuyện với họ. Em sẽ thử xem liệu anh có tìm được người nào đấy giỏi không."
"Thật xấu hổ, Kath ạ," anh lại nói. Và có lẽ chúng tôi đã không nói gì thêm về chuyện ấy vào buổi sáng hôm đó.
o O o
Tôi nhớ rằng mấy tuần sau hôm đó – mấy tuần cuối cùng trước khi người chăm sóc mới tiếp nhận công việc – bình lặng đến lạ lùng. Có lẽ Tommy và tôi đều nỗ lực một cách đặc biệt để tỏ ra thân ái với nhau, nhưng thời gian dường như cứ trôi qua một cách hầu như vô tư lự. Bạn có thể cho rằng hẳn phải có một bầu không khí phi thực tại nào đó nếu chúng tôi như vậy, nhưng dạo ấy thì chúng tôi thấy điều đó dường như không có gì lạ cả. Tôi quá bận bịu với hai người hiến khác của mình ở North Wales nên không thể đến Kingsfield nhiều hơn như tôi muốn, nhưng tôi vẫn cố thu xếp đến đó mỗi tuần ba, bốn lần. Thời tiết chuyển lạnh hơn, nhưng vẫn khô và thường có nắng, và chúng tôi thường ở lì hàng tiếng đồng hồ trong phòng anh, đôi khi làm tình với nhau, nhưng thường thì hay chuyện gẫu hơn, hoặc tôi đọc sách cho Tommy nghe. Một hai lần Tommy còn mang cuốn sổ ra mà nguệch ngoạc những ý tưởng về các con vật mới trong khi tôi ở trên giường đọc sách cho anh nghe.
Thế rồi một hôm nọ tôi đến, đó là lần cuối. Tôi đến chỉ sau một giờ một chút, vào một buổi chiều tháng Chạp khô lạnh. Tôi lên phòng anh, nửa chờ đợi một sự thay đổi nào đó – thay đổi gì tôi không rõ. Có lẽ lúc ấy tôi cho rằng anh đã treo những món trang trí lên phòng anh hay sao đó. Nhưng dĩ nhiên mọi thứ vẫn như bình thường, và nói chung điều đó làm tôi nhẹ nhõm. Tommy trông cũng không có gì khác, nhưng khi chúng tôi bắt đầu trò chuyện, thật khó giả vờ rằng đây cũng chỉ là một chuyến thăm như mọi khi. Lại nữa, chúng tôi đã nói chuyện quá nhiều trong mấy tuần trước đó, nên dường như chúng tôi chẳng có gì đặc biệt phải nói cho xong lần này. Và có lẽ chúng tôi cảm thấy miễn cưỡng không muốn mào đầu cho một cuộc trò chuyện mới mà chúng tôi rồi sẽ hối tiếc rằng không thể kết thúc đến nơi đến chốn. Vậy nên có cái gì đó trống rỗng ở cuộc trò chuyện của chúng tôi hôm ấy.
Tuy nhiên, có một lần, sau khi tha thẩn loanh quanh trong phòng anh một hồi chẳng để làm gì, tôi hỏi anh:
"Tommy này, anh có mừng rằng Ruth đã xong hẳn trước khi phát hiện được tất cả những gì mà rốt cuộc chúng ta đã phát hiện không?"
Anh đang nằm trên giường, vẫn tiếp tục nhìn đăm đăm lên trần nhà một lát rồi mới nói; "Lạ nhỉ, vì gần đây anh cũng nghĩ về chuyện ấy. Về Ruth thì em phải nhớ rằng, về những chuyện đó cô ấy luôn luôn khác chúng mình. Em với anh thì, ngay từ đầu, ngay từ hồi chúng mình còn bé, chúng mình đã luôn luôn cố tìm ra sự thật về chuyện này chuyện nọ. Chúng mình vẫn hay bí mật nhỏ to trò chuyện với nhau, em nhớ không Kath? Nhưng Ruth không vậy. Cô ấy luôn luôn muốn tin ở mọi điều. Ruth là vậy. Thành thử, ờ, theo cách nào đó thì anh nghĩ cứ như vậy có khi lại hay nhất." Rồi anh nói thêm: "Dĩ nhiên là những gì chúng mình phát hiện được, cô Emily, hết thảy những chuyện ấy, nó chẳng làm thay đổi điều gì về Ruth cả. Rốt lại thì cô ấy đã luôn muốn điều tốt đẹp cho chúng mình. Cô ấy thực sự muốn điều tốt đẹp nhất cho hai ta."
Tôi không muốn chúng tôi lại bàn luận căng về Ruth lúc này, nên tôi chỉ đồng ý với anh. Nhưng nay, dù đã có nhiều thời gian hơn để nghiền ngẫm về chuyện đó, tôi vẫn không biết chắc mình cảm thấy ra sao. Một phần trong tôi vẫn ao ước giá như chúng tôi bằng cách nào đó đã có thể chia sẻ với Ruth tất cả những gì chúng tôi khám phá được. Phải, điều đó hẳn sẽ khiến cô ấy khổ tâm; khiến cô ấy nhận ra, không thể nào sửa chữa được những tổn thất cô ấy từng gây ra cho chúng tôi một cách dễ dàng như cô ấy đã mong. Và có lẽ, nếu tôi thành thật, ấy là một phần nhỏ mong ước của tôi rằng cô ấy biết tất cả điều đó trước khi tắt nghỉ. Nhưng rốt cuộc, tôi nghĩ đó là một cái gì khác, cái gì đó lớn hơn nhiều so với việc tôi cảm thấy mình chăm chăm muốn trả thù và tâm địa nhỏ nhen. Bởi, như Tommy nói, cô ấy đã muốn điều tốt đẹp nhất cho chúng tôi vào phút cuối, và mặc dù hôm ấy ở trong xe cô đã nói tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho cô, nhưng cô đã lầm. Nay thì tôi không giận gì cô nữa. Khi tôi nói ước gì cô đã biết rõ sự thật phần nhiều là vì tôi cảm thấy buồn khi nghĩ cô đã có một kết cục khác tôi và Tommy. Cứ theo cách đó thì như thể có một lằn ranh, chúng tôi một phía còn Ruth một phía, và khi mọi chuyện đã được nói rồi, đã được làm rồi, tôi thấy buồn về điều đó, và tôi nghĩ giá như cô biết thì cô cũng sẽ buồn như vậy.
Tommy với tôi, chúng tôi không nói lời từ biệt gì to tát ngày hôm đó. Khi đến giờ, anh xuống cầu thang cùng tôi, thường thì anh không làm vậy, và chúng tôi đi bên nhau ngang qua Quảng trường ra chỗ đỗ xe. Do mùa này trong năm, mặt trời hầu như đã lặn sau những ngôi nhà. Có vài bóng người lờ mờ dưới cái mái chìa như mọi khi, nhưng bản thân Quảng trường thì vắng ngắt. Tommy im lặng suốt đường ra đến xe. Rồi anh khẽ bật cười mà nói:
"Em biết không Kath, hồi anh còn hay chơi bóng ở Hailsham ấy mà, anh có một bí mật. Mỗi khi ghi được một bàn, anh lại quay tròn như thế này" – anh giơ cả hai tay lên với vẻ hân hoan đắc thắng "rồi quay lại với các đồng đội. Anh chẳng bao giờ phát cuồng lên hay gì cả, anh chỉ chạy trở về mà hai tay giơ lên, như thế này." Anh ngừng nói một chút, hai tay vẫn giơ lên không trung. Rồi anh hạ tay xuống và mỉm cười. "Trong đầu anh, Kath ạ, mỗi khi anh chạy về, anh luôn luôn tưởng tượng mình đang lội lõm bõm trong nước. Không sâu mấy đâu, đến mắt các chân là cùng. Anh hay tưởng tượng vậy đó, lần nào cũng vậy. Bõm, bõm, bõm." Anh lại giơ hai tay lên. "Thật là thích. Mình mới ghi bàn xong, rồi quay lại, và thế là bõm, bõm, bõm." Anh nhìn tôi rồi lại bật cười nho nhỏ lần nữa. "Suốt từ đó tới giờ anh chẳng nói cho ai biết cả."
Tôi cũng bật cười mà nói: "Anh đến là điên, Tommy ạ."
Sau đó chúng tôi hôn nhau – chỉ hôn nhẹ thôi –, rồi tôi vào xe. Tommy vẫn đứng đó trong khi tôi quành xe lại. Rồi khi tôi lái xe đi, anh vừa mỉm cười vừa vẫy tay. Tôi quan sát anh trong kính chiếu hậu, anh vẫn đứng đó gần như đến giây phút cuối. Ngay lúc sau cùng, tôi thấy anh lại giơ hai tay lên một cách mơ hồ rồi quay lưng đi về phía cái mái đua. Rồi Quảng trường khuất khỏi tầm kính.
o O o
Mấy hôm sau, tôi trò chuyện với một người hiến khác, người này đang than vãn với tôi rằng những ký ức, dẫu là ký ức quý giá nhất của ta đi nữa, đều phai nhạt nhanh đến lạ lùng. Nhưng tôi không đồng ý. Những ký ức mà tôi trân quý nhất, tôi không hề thấy chúng phai nhạt đi. Tôi đã mất Ruth, rồi tôi mất Tommy, nhưng tôi sẽ không đánh mất ký ức của tôi về họ.
Chắc là tôi đã mất cả Hailsham nữa. Ta vẫn còn nghe những chuyện kể rằng một số cựu học sinh Hailsham cố gắng tìm nó, đúng hơn là tìm cái nơi từng có nó. Và đôi khi người ta sẽ truyền nhau cái tin đồn kỳ quặc về chuyện Hailsham dạo này đã trở thành gì – khách sạn, trường học, hay một đống đổ nát. Bản thân tôi, dù lái xe rong ruổi đến đâu đi nữa, tôi chẳng bao giờ cố công tìm nó. Tôi không thực sự quan tâm đến chuyện mình nhìn thấy nó, dù bây giờ nó có thế nào.
Xin bạn lưu ý cho, dù tôi nói tôi chẳng bao giờ đi tìm Hailsham, nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn nhận ra rằng, trong khi lái xe đến chỗ này chỗ nọ, đột nhiên tôi tưởng như mình nhìn thấy một mẩu nào đó của nó. Tôi thấy một căn đình tạ thể thao ở đằng xa và tin chắc đó là căn đình tạ của chúng tôi. Hoặc một hàng cây dương nơi chân trời cạnh một cây sồi lớn mượt như tơ, thế là trong một giây tôi tin chắc mình đang đến gần Sân chơi Phía Nam từ phía bên kia. Có lần, vào một buổi sáng âm u, trên một quãng đường dài ở Gloucestershire, tôi đi ngang qua một chiếc xe rệu rã trong một góc đỗ xe, và tôi tin chắc cô gái đang đứng trước chiếc xe đó nhìn đăm đăm một cách trống rỗng về phía những chiếc xe đang lại gần chính là Susanna C., ở lớp trên chúng tôi vài năm và là một trong những người điều hành các cuộc Mua bán. Những khoảnh khắc đó ập đến tôi đúng vào những lúc tôi ít ngờ nhất, những khi tôi đang vừa lái xe vừa nghĩ đến những chuyện hoàn toàn khác. Cho nên có lẽ ở mức độ nào đó cả tôi cũng đang tìm kiếm Hailsham.
Song như tôi nói, tôi không đi tìm nó, và dù thế nào thì đến cuối năm tôi sẽ không lái xe vòng vòng suốt như thế này nữa. Thành thử rất có thể tôi sẽ không bao giờ còn tình cờ gặp nó nữa, và nay hồi tưởng lại, tôi thấy vui rằng chuyện rồi sẽ như thế. Cũng như ký ức của tôi về Tommy và Ruth thôi. Một khi tôi có thể sống một cuộc sống bình lặng hơn, dù người ta cử tôi đến trung tâm nào đi nữa, tôi vẫn sẽ có Hailsham cùng tôi, an toàn trong tâm trí, và nó là một cái gì mà không ai lấy khỏi tôi được.
Việc duy nhất tôi tự nuông mà cho phép mình làm, chỉ một lần, là khoảng hai tuần sau khi tôi nghe tin Tommy đã xong hẳn, tôi đã lái xe tới Norfolk mặc dù thật ra không có việc gì cẩn cả. Tôi không định tìm kiếm gì cụ thể, cũng không đi xa quá chỗ bờ biển. Có lẽ tôi chỉ cảm thấy muốn nhìn tất cả những cánh đồng phẳng lặng không là gì cả đó, nhìn bầu trời cao rộng màu xám. Đến một lúc tôi nhận ra mình đang đi trên một con đường tôi chưa bao giờ đến, và trong khoảng nửa tiếng đồng hồ tôi không biết mình đang ở đâu mà cũng chẳng bận tâm. Tôi lái xe qua hết cánh đồng phẳng lặng này đến cánh đồng giống y như đúc nọ, hầu như chẳng có gì thay đổi trừ khi một bầy chim nghe thấy tiếng động cơ xe tôi liền ùa nhau bay ra khỏi bụi rậm. Rồi rốt cuộc tôi thấy vài ngọn cây đằng trước, không xa vệ đường mấy, thế là tôi lái xe lại gần, đỗ lại rồi bước ra.
Tôi thấy mình đang đứng trước nhiều hécta đất cày. Có một hàng rào ngăn không cho tôi bước vào cánh đồng, gồm hai hàng dây kẽm gai, và tôi có thể thấy hàng rào này cùng với cụm cây gồm ba, bốn ngọn cây trên đầu tôi là những gì duy nhất cản gió trong suốt hàng nhiều dặm. Và dọc hàng rào, đặc biệt là dọc hàng kẽm gai bên dưới có đủ thứ rác rưởi mắc vào nhằng nhịt. Nó giống như những thứ phế thải ta thường gặp trên bờ biển: gió ắt hẳn đã mang chúng đi suốt dặm này sang dặm khác trước khi rốt cuộc vấp phải những ngọn cây và hai hàng dây kẽm này. Ngay cả trên những cành cây tôi cũng thấy những mảnh khăn trải giường bằng nhựa rách tả tơi và những mẩu túi đựng hàng cũ bay phần phật. Đó là lần đầu tiên, trong khi tôi đứng đó nhìn những thứ rác kỳ lạ nọ, cảm thấy gió thổi ngang qua những cánh đồng trống trải kia, tôi bắt đầu nghĩ trong đầu chỉ một điều tưởng tượng nhỏ, bởi nói gì thì nói đây là Norfolk, và từ khi tôi mất anh ấy đến lúc này chỉ mới hai tuần. Tôi nghĩ đến thứ rác kia, đến những mảnh nhựa bay phần phật trên mấy cành cây, cái dãi bờ những thứ kỳ cục vướng vào dọc hàng rào, và tôi khép hờ mắt lại tưởng tượng rằng đây chính là nơi mọi thứ tôi đã mất từ thời thơ ấu đến nay được tấp lên, và giờ đây tôi đang đứng trước nó, nếu tơi đợi đủ lâu thì một hình bóng nhỏ xíu sẽ hiện ra trên đường chân trời phía đầu kia cánh đồng, rồi dần dần lớn lên cho đến khi tôi thấy rõ ấy là Tommy, và anh ấy vẫy tay, thậm chí còn gọi tôi. Cái ảo tưởng đó chẳng hề đi xa hơn thế – tôi không cho nó đi xa – và mặc dù lệ tuôn trên mặt tôi, tôi không khóc nức nở hoặc mất tự chủ. Tôi chỉ đợi một chút rồi quay trở lại xe, lái đến nơi tôi phải đến, dù đó là nơi nào đi nữa.
Mãi Đừng Xa Tôi Mãi Đừng Xa Tôi - Kazuo Ishiguro Mãi Đừng Xa Tôi