"True self is non-self, the awareness that the self is made only of non-self elements. There's no separation between self and other, and everything is interconnected. Once you are aware of that you are no longer caught in the idea that you are a separate entity.",

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Kazuo Ishiguro
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Số chương: 26
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 5930 / 606
Cập nhật: 2016-05-05 19:46:01 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3
ái ao nằm ở phía Nam ngôi nhà. Muốn đến đấy thì phải đi ra theo cổng sau, men theo con đường mòn hẹp quanh co, vừa đi vừa dẹp những cành dương xỉ mọc tràn lan trong tiết chớm thu che khuất cả lối đi. Hoặc nếu không có giám thị nào ở quanh thì ta có thể đi tắt ngang qua bãi cây đại hoàng. Dù thế nào đi nữa, khi đã ra đến ao, ta sẽ gặp một bầu không khí tĩnh lặng đang đợi sẵn ở đó, với lũ vịt, những cây hương bồ và những đám rong. Dẫu vậy, đó không phải là nơi thích hợp để chuyện trò riêng tư, không hay bằng so với khi xếp hàng đợi lấy suất ăn trưa. Đầu tiên là từ trong nhà nhìn ra ai cũng có thể thấy rõ mình. Lại nữa, âm thanh khi truyền qua mặt nước sẽ đi theo đường nào thì khó mà đoán được; nếu người ta muốn nghe trộm thì chỉ việc men theo lối mòn ở vòng ngoài rồi núp trong bụi rậm ở phía bên kia ao, quá dễ. Nhưng bởi chính tôi đã ngắt lời cậu ấy nửa chừng mà bỏ đi lúc xếp hàng đợi lấy suất ăn trưa, nên chắc tôi phải cố mà chịu vậy. Bấy giờ đã qua tháng Mười từ lâu, nhưng hôm đó trời hửng nắng, nên tôi quyết định mình có thể làm bộ chỉ đi dạo vơ vẩn ra ao thì tình cờ gặp Tommy.
Có lẽ vì tôi chủ ý duy trì cái ấn tượng như vậy – dù không biết liệu có thật ai đó đang quan sát không – nên khi cuối cùng cũng gặp cậu đang ngồi trên tảng đá phẳng to không xa mép nước lắm thì tôi không ngồi xuống. Hôm ấy chắc phải thứ Sáu hay cuối tuần gì đó, bởi tôi nhớ chúng tôi đang mặc quần áo bình thường chứ không mặc đồng phục. Tôi không nhớ chính xác Tommy hôm đó mặc gì – có lẽ là một trong những chiếc áo đá bóng rách xác xơ mà ngay cả khi trời se lạnh cậu vẫn mặc – nhưng tôi thì chắc chắn đang mặc bộ đồ màu hạt dẻ kéo khóa đằng trước mua được ở cuộc Bán hàng hồi lớp Cao 1. Tôi đi vòng quanh cậu ấy rồi đứng quay lưng về phía mặt nước, đối diện ngôi nhà, để xem liệu thiên hạ có bắt đầu tụ tập lại bên những ô cửa sổ không. Thế rồi trong khoảng vài phút chúng tôi chẳng nói chuyện gì cụ thể, như chưa hề vậy. Tôi không chắc là để Tommy nhận thấy hay để kẻ nào đó đang quan sát chúng tôi nhận thấy, nhưng tôi vẫn giữ nguyên tư thế của mình sao cho trông như chỉ dừng chân chốc lát, và có một lúc tôi còn dợm bước ra vẻ lại đi dạo và để Tommy ở đó. Tôi thấy có một nỗi hoảng hốt thoáng qua trên mặt Tommy, và lập tức tôi thấy hối tiếc mình đã trêu cậu mặc dù không có ý như vậy. Thế nên tôi nói, như thể vừa nhớ ra:
"Nhân thể, ban nãy cậu đang nói dở chuyện gì ấy nhỉ? Về việc cô Lucy bảo cậu gì đó phải không?"
"À…" Tommy nhìn qua tôi về phía cái ao, vờ như chủ đề đó cậu đã quên khuấy rồi. "Cô Lucy. Chuyện ấy à."
Cô Lucy là người có khí chất thể thao nhất trong số các giám thị ở Hailsham, mặc dù nếu chỉ nhìn bề ngoài thì không thể đoán ra. Cô có bộ dạng thấp bè bè, gần giống con chó ngao, và mái tóc đen kỳ quặc của cô hễ mọc ra là dựng đứng lên nên chẳng bao giờ che được đôi tai hay cái cổ to nần nẫn. Nhưng thực sự là sức cô rất khỏe, và ngay cả khi chúng tôi đã lớn hơn, hầu hết chúng tôi – kể cả đám con trai – không theo nổi cô khi chạy vòng quanh sân. Cô chơi khúc côn cầu thật cừ khôi, và thậm chí khi đá bóng với bọn con trai lớp Cao thì cô vẫn cứ chơi ngang ngửa. Tôi nhớ có lần quan sát thấy James H. cố cản cô khi cô dẫn bóng ngang qua, nhưng rồi chính cậu ta mới là kẻ ngã bổ chửng. Hồi còn ở lớp Sơ, mỗi khi có chuyện bức xúc là chúng tôi lại tìm đến cô Lucy cả. Trên thực tế, hồi chúng tôi còn rất bé thì cô không hay nói chuyện với chúng tôi. Chỉ đến khi lên lớp Cao thì chúng tôi mới thực sự cảm nhận được đúng phong cách mạnh mẽ của cô.
"Cậu đang kể gì đó nửa chừng," tôi bảo Tommy. "Về chuyện cô Lucy có bảo cậu rằng nếu cậu không có khả năng sáng tạo thì cũng không sao hết."
"Đúng là cô ấy có nói đại loại như vậy. Cô ấy bảo mình không phải lo. Đừng bận tâm người khác nói gì. Cách đây khoảng hai tháng. Cũng có thể lâu hơn."
Ở phía ngôi nhà, một số học sinh lớp Sơ đã túm tụm lại bên một ô cửa sổ tầng trên để quan sát chúng tôi. Nhưng lúc này tôi đang cúi mình xuống trước mặt Tommy, không còn giả vờ gì nữa.
"Tommy này, cô ấy nói thế thì lạ thật đấy. Cậu có chắc là mình hiểu đúng không?"
"Dĩ nhiên là mình hiểu đúng," giọng cậu đột nhiên chùng xuống. "Cô ấy nói thế không chỉ một lần đâu. Mình với cô ấy nói chuyện trong phòng cô ấy, cô ấy nói với mình cả một thôi một hồi về chuyện đó mà."
Tommy giải thích rằng ban đầu lúc cô Lucy bảo cậu đến phòng cô ấy sau giờ Thưởng thức Nghệ thuật, cậu cứ nghĩ mình lại sắp phải nghe một bài giáo huấn về chuyện cậu cần phải cố gắng hơn, những gì mà cậu đã nghe từ nhiều giám thị khác kể cả cô Emily. Nhưng trong khi hai người đi từ ngôi nhà sang bên Vườn Cam – ở đó có khu nhà ở của các giám thị –, Tommy bắt đầu mơ hồ hiểu ra rằng lần này khác. Thế rồi, khi cậu đã ngồi trên chiếc ghế bành của cô Lucy – còn cô thì đứng cạnh cửa sổ –, cô liền bảo cậu kể hết cho cô nghe, theo cách nhìn nhận của cậu về những gì đang xảy ra với cậu. Thế là Tommy kể hết đầu đuôi. Nhưng cậu chưa kể được nửa chừng thì đột nhiên cô Lucy ngắt ngang và bắt đầu tự nói. Cô bảo rằng cô biết rất nhiều học sinh trong suốt một thời gian dài cảm thấy sáng tạo ra cái gì đó mới khó làm sao: nào vẽ, nào họa, nào thơ, chẳng thứ gì nên hồn suốt nhiều năm trời. Thế rồi một ngày kia họ qua được cơn lận đận và bắt đầu đơm hoa kết trái. Rất có thể Tommy cũng nằm trong số đó.
Tommy từng nghe người ta nói vậy từ trước, nhưng trong phong thái của cô Lucy có gì đó vẫn khiến cậu lắng nghe chăm chú.
"Mình có thể nhận ra cô ấy đang dẫn câu chuyện đến một điều gì đó. Một điều gì khác kia," cậu bảo tôi.
Đúng vậy, chẳng mấy chốc cô Lucy đã chuyển sang nói những điều mà Tommy khó lòng theo kịp. Nhưng cô cứ nhắc đi nhắc lại cho đến khi cậu bắt đầu hiểu. Cô nói rằng nếu quả Tommy đã cố gắng nhưng vẫn không tỏ ra mình có khiếu sáng tạo cho lắm thì cũng không sao, cậu chẳng việc gì phải lo âu. Bất cứ ai, dù học sinh hay giám thị cũng vậy, vì chuyện đó mà trừng phạt cậu hay gây áp lực với cậu bằng cách này hay cách khác đều sai cả. Đơn giản là đó chẳng phải lỗi của cậu. Và khi Tommy phản đối, nói rằng cô Lucy nói vậy thì tốt quá, nhưng ai ai cũng thực sự cho rằng đó là lỗi của cậu, cô Lucy bèn thở dài nhìn ra ngoài cửa sổ. Đoạn cô nói:
"Có thể nói vậy cũng chẳng giúp được gì nhiều cho em. Nhưng em cứ hãy nhớ lấy. Ít nhất là có một người ở Hailsham này tin ở điều khác. Ít nhất là có một người tin rằng em là một học sinh rất giỏi, giỏi như bất cứ học sinh nào người đó từng gặp, cho dù khả năng sáng tạo của em như thế nào đi nữa."
"Cô ấy không phỉnh cậu đấy chứ?" tôi hỏi. "Liệu đó có phải là một cách khôn ngoan hơn để trách móc cậu không?"
"Nhất định là không phải vậy. Dù thế nào…" Lần đầu tiên cậu tỏ vẻ lo không biết có ai nghe lỏm không, ngoái nhìn qua vai về phía ngôi nhà. Đám học sinh lớp Sơ bên cửa sổ đã thôi không quan tâm nữa mà bỏ đi, vài đứa con gái lớp chúng tôi đang đi bộ về phía đình tạ, nhưng còn cách chúng tôi khá xa. Tommy quay lại tôi mà nói hầu như thì thầm:
"Dù thế nào đi nữa, khi nói những chuyện này cô ấy cứ run bần bật suốt."
"Run bần bật, cậu nói vậy là ý gì?"
"Run. Vì giận dữ. Mình có thể hiểu cô ấy. Cô ấy phẫn nộ. Nhưng là phẫn nộ tận sau bên trong ấy."
"Giận ai?"
"Mình không biết. Dù thế nào cũng không phải giận mình, đó mới là điều quan trọng nhất!" Cậu bật cười, rồi lại trở nên nghiêm trang. "Mình không biết cô ấy giận ai nữa. Nhưng cô ấy giận thật."
Tôi lại đứng dậy vì thấy đau bắp chân. "Lạ thật đấy Tommy à."
"Điều buồn cười là cuộc nói chuyện với cô ấy có tác dụng thật. Nhiều là khác. Ban nãy cậu có nói mọi chuyện bây giờ dường như đang tốt đẹp hơn với mình. Đều nhờ đó mà ra. Bởi vì sau đó, khi nghĩ về những gì cô ấy nói, mình nhận ra rằng cô ấy nói đúng, đó không phải lỗi của mình. Ừ thì mình làm chẳng nên hồn. Nhưng trong sâu xa đấy đâu phải lỗi tại mình. Khác là khác ở chỗ ấy. Và hễ khi nào mình thấy hoang mang về chuyện ấy, mình lại nhìn thấy cô ấy qua lại, hoặc mình đang ở trong một giờ học của cô ấy, cô ấy chẳng nhắc gì về cuộc nói chuyện lần trước, nhưng mình cứ nhìn cô ấy, và đôi khi nhìn thấy mình, cô ấy khẽ gật đầu. Mình chỉ cần có thế thôi. Lúc nãy cậu có hỏi có chuyện gì đã xảy ra không. Thì chuyện đó đấy. Nhưng nghe này, Kathy, cậu đừng hé răng một lời về chuyện này cho bất cứ ai, nhé?"
Tôi gật, nhưng liền hỏi: "Cô ấy có bắt cậu phải hứa vậy không?"
"Không, không, cô ấy không bắt mình hứa gì cả. Nhưng cậu không được hở ra một tiếng nào đâu đấy. Cậu phải thực sự hứa với mình cơ."
"Được rồi." Đám con gái đang đi về phía đình tạ đã nhác thấy, liền vẫy tay gọi tôi. Tôi vẫy lại rồi nói với Tommy: "Mình đi thì hơn. Ta có thể nói chuyện ấy sau, chóng thôi."
Nhưng Tommy lờ đi. "Còn một điều khác nữa," cậu nói tiếp. "Có một điều khác nữa cô ấy nói nhưng mình không thật hiểu rõ. Mình muốn hỏi cậu đây. Cô ấy bảo chúng mình không được dạy đủ, đại loại như vậy."
"Dạy đủ á? Ý cậu cô ấy cho rằng chúng mình cần học cật lực hơn bây giờ nữa sao?"
"Không, mình nghĩ chắc cô ấy không có ý vậy. Cô ấy muốn nói về chúng mình, cậu hiểu chứ. Điều sẽ xảy ra với chúng mình một ngày nào đó. Hiến tạng và những gì gì nữa."
"Nhưng chúng mình đã được dạy về điều đó cả rồi còn gì," tôi nói. "Mình tự hỏi ý cô ấy là gì vậy. Có phải cô ấy cho rằng có những thứ người ta chưa cho chúng mình biết chăng?"
Tommy suy nghĩ một chút rồi lắc đầu. "Mình thì cho là cô ấy không định nói vậy. Cô ấy chỉ nghĩ rằng chúng mình chưa được dạy đầy đủ về chuyện đó. Bởi vì cô ấy nói cô ấy rất muốn tự nói với chúng mình về điều đó."
"Chính xác là về chuyện gì?"
"Mình không biết. Có thể mình hiểu sai hết cả, Kathy à. Mình chẳng biết. Có khi cô ấy định nói một điều hoàn toàn khác, một điều khác liên quan đến chuyện mình không sáng tạo. Mình không thực sự hiểu được."
Tommy nhìn tôi như thể chờ tôi nảy ra câu trả lời. Tôi tiếp tục nghĩ thêm chừng vài giây rồi nói:
"Tommy này, cậu nghĩ kỹ lại đi. Cậu bảo là cô ấy giận…"
"Ừ thì trông giống vậy. Cô ấy cũng trầm tĩnh, nhưng cứ run bần bật."
"Thôi thì sao cũng được. Cứ cho là cô ấy giận. Có phải chính là lúc cô nổi giận thì cô mới bắt đầu nói về cái chuyện khác kia không? Về chuyện chúng mình chưa được dạy đầy đủ về việc hiến tạng và những thứ còn lại nữa?"
"Mình cho rằng…"
"Này Tommy, suy nghĩ đi. Sao cô ấy nêu chuyện đó ra? Cô ấy đang nói về cậu, về chuyện cậu không có sáng tạo. Thế rồi tự dưng cô ấy nhảy sang nói chuyện khác. Đâu là mối liên kết giữa hai chuyện đó? Tại sao cô ấy khơi chuyện hiến tạng ra? Cái ấy có liên quan gì đến chuyện cậu có khả năng sáng tạo chứ?"
"Mình không biết. Chắc hẳn phải có lý do, mình nghĩ vậy. Có lẽ chuyện này làm cô ấy nhớ ra chuyện kia. Kath này, chính cậu bây giờ cũng đâm ra bứt rứt về chuyện này rồi đấy."
Tôi bật cười, vì cậu ấy nói đúng: tôi đang cau mày, hoàn toàn đắm mình trong suy nghĩ. Thực tế là tâm trí tôi đang đi theo nhiều hướng cùng một lúc. Và việc Tommy thuật lại cuộc trò chuyện với cô Lucy đã nhắc tôi nhớ lại một điều khác, có thể là cả một loạt những điều khác, những sự kiện trong quá khứ có liên quan đến cô Lucy đã làm tôi bối rối vào hồi đó.
"Chỉ là…" tôi dừng lời, thở dài. "Mình không thể nói cho rành mạch được, kể cả với chính mình. Nhưng toàn bộ chuyện cậu đang nói ấy, nó có phần khớp với nhiều chuyện khác đang làm mình bối rối. Mình cứ nghĩ mãi về những chuyện ấy. Tỉ như tại sao Madame cứ đến lấy những bức tranh đẹp nhất của bọn mình đem đi mất. Để làm gì cơ chứ?"
"Để cho Phòng Tranh."
"Nhưng Phòng Tranh của bà ấy là cái gì mới được? Bà ấy cứ lui tới đây đem đi hết những bức tranh đẹp nhất của chúng mình. Đến giờ chắc bà ấy đã có hàng đống chứ không ít. Có lần mình hỏi cô Geraldine xem Madame sẽ còn đến đây trong bao lâu, cô ấy nói chừng nào còn Hailsham ở đây thì Madame còn đến. Cái Phòng Tranh ấy là gì kia chứ? Tại sao bà ấy lại phải có một Phòng Tranh gồm toàn những thứ do chúng mình làm ra?"
"Có lẽ bà ta bán đi. Bên ngoài, ngoài kia ấy, gì người ta cũng bán."
Tôi lắc đầu. "Không thể thế được. Hẳn là phải liên quan thế nào đó đến điều cô Lucy nói với cậu. Về chúng mình, về việc chúng mình một ngày nào đó sẽ bắt đầu hiến tạng. Mình chẳng biết tại sao, nhưng mình có cái cảm giác đó ít lâu nay, rằng mọi chuyện đều có liên quan với nhau, mặc dù mình chưa hình dung được liên quan thế nào. Mình phải đi bây giờ Tommy ạ. Đừng kể với ai về những chuyện chúng mình vừa nói nhé."
"Ừ. Mà cậu cũng đừng nói với ai về cô Lucy đấy."
"Nhưng nếu cô ấy lại nói chuyện gì đó khác với cậu kiểu như vậy thì cậu cho mình biết chứ?"
Tommy gật, rồi lại nhìn quanh. "Đúng như cậu nói, cậu đi đi thì hơn Kath à. Kẻo chẳng mấy chốc có người nghe lỏm chúng mình đấy."
Phòng Tranh mà Tommy và tôi vừa bàn tới là một thứ luôn có mặt cùng chúng tôi suốt những năm chúng tôi khôn lớn. Ai cũng nói về nó cứ như là nó tồn tại, mặc dù trên thực tế chẳng ai trong chúng tôi biết chắc nó có tồn tại thật không. Tôi tin chắc mình khá tiêu biểu cho bọn chúng tôi ở chỗ tôi không thể nhớ mình nghe nói đến Phòng Tranh lần đầu tiên khi nào hay bằng cách nào. Hẳn là không phải từ các giám thị: họ chẳng bao giờ nhắc tới Phòng Tranh, và có một luật bất thành văn là chúng tôi không bao giờ nêu chủ đề ấy khi có mặt giám thị.
Tôi đồ rằng chuyện đó đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ học sinh ở Hailsham. Tôi nhớ có lần hồi mới năm sáu tuổi, tôi ngồi bên một chiếc bàn thấp cạnh Amanda C., tay chúng tôi bết đất sét nặn. Tôi không nhớ lúc đó có đứa trẻ nào khác ngoài chúng tôi không, hoặc giám thị nào coi lớp hôm đó. Tôi chỉ nhớ rằng Amanda C., vốn lớn hơn tôi một tuổi, nhìn cái tôi đang làm mà reo lên: "Đẹp, đẹp thật đó Kathy! Đẹp quá chừng! Mình cá là sẽ được đưa vào Phòng Tranh đấy!"
Lúc đó chắc hẳn tôi đã có biết về Phòng Tranh, bởi tôi vẫn nhớ mình đã thấy phấn khích và tự hào khi nghe cô ấy nói vậy, nhưng liền sau đó lại tự nhủ: "Khôi hài quá. Chưa ai trong bọn mình đủ giỏi để được đưa vào Phòng Tranh đâu."
Khi lớn lên, chúng tôi vẫn tiếp tục nói chuyện với nhau về Phòng Tranh. Nếu muốn khen tác phẩm của ai đó, chúng tôi nói: "Đẹp thế thì đưa vào Phòng Tranh được." Và sau khi chúng tôi phát hiện ra thế nào là mỉa mai thì mỗi khi gặp một tác phẩm tồi đến mức buồn cười của ai đó, chúng tôi lại bảo: "Ừ phải rồi! Đưa thẳng tới Phòng Tranh được đấy!"
Nhưng chúng tôi có thực sự tin ở Phòng Tranh không? Giờ thì tôi không chắc. Như tôi đã nói, chúng tôi chẳng bao giờ nhắc đến nó với các giám thị, và giờ đây nhìn lại, tôi thấy dường như đó là một thứ luật chúng tôi tự áp đặt cho mình, cũng như bất cứ điều gì mà các giám thị đã quyết. Có một chuyện tôi vẫn nhớ, là hồi chúng tôi khoảng mười một tuổi. Một buổi sáng mùa đông ngày nắng, chúng tôi đang ở trong Phòng 7. Vừa hết tiết học của thầy Roger, vài đứa vẫn nán lại để tán chuyện với thầy. Chúng tôi ngồi ở bàn, tôi không thể nhớ chính xác chúng tôi đã nói chuyện gì, nhưng thầy Roger, cũng như mọi khi, làm chúng tôi cười phá lên mãi. Carole H. vừa cười rúc rích vừa nói: "Thậm chí thầy có thể chọn nó cho Phòng Tranh cũng được!" Rồi nó lập tức đưa tay lên che mồm mà thốt lên "Ôi cha!", và bầu không khí vẫn tiếp tục nhẹ nhõm như bình thường, nhưng tất cả chúng tôi, kể cả thầy Roger đều hiểu rằng nó đã phạm sai lầm. Thật ra thì không phải chuyện gì ghê gớm cả: cũng chẳng có gì khác so với nếu một đứa trong bọn tôi thốt ra một từ thô tục hoặc dùng tên lóng của một giám thị ngay trước mặt ông ta hay bà ta thôi. Thầy Roger cười với vẻ nuông chiều, như thể muốn nói: "Cho qua đi, chúng ta sẽ vờ như em chưa nói thế bao giờ cả," và chúng tôi tiếp tục chuyện trò như trước.
Nếu như đối với chúng tôi Phòng Tranh nằm ở một cảnh giới mơ hồ thì có một thực tế khá rõ ràng, là cứ mỗi năm hai lần – đôi khi ba hoặc bốn lần – Madame lại đến Hailsham để chọn những tác phẩm tốt nhất của chúng tôi. Chúng tôi gọi bà là "Madame" bởi bà là người Pháp hoặc người Bỉ – chúng tôi có lần cãi nhau xem bà là dân nước nào – và bởi bản thân các giám thị cũng luôn luôn gọi bà như vậy. Bà là một phụ nữ cao, gầy nhẳng, tóc ngắn, có lẽ vẫn còn khá trẻ mặc dù hồi đó chúng tôi không nghĩ về bà như vậy. Bà luôn luôn mặc bộ đồ màu xám chải chuốt, và không như những người làm vườn, không như các lái xe thường chở các thứ nhu yếu đến cho chúng tôi – hầu như không giống bất cứ ai từ bên ngoài vào – bà chẳng bao giờ trò chuyện với chúng tôi mà giữ một khoảng cách bằng cái nhìn lạnh nhạt. Suốt nhiều năm chúng tôi cho rằng bà "kiêu kỳ", nhưng rồi một tối nọ, hồi chúng tôi khoảng tám tuổi, Ruth lại nảy ra một các giải thích khác.
"Bà ấy sợ tụi mình," cô tuyên bố.
Chúng tôi đang nằm trong bóng tối phòng ngủ. Hồi còn ở lớp Sơ chúng tôi được phân mười lăm đứa một phòng nên thường không có cái kiểu thủ thỉ tâm tình như khi chuyển qua phòng ngủ của lớp Cao. Nhưng hầu hết các thành viên "nhóm" của chúng tôi sau này thì ngay từ hồi đó cũng đã có giường kê gần nhau, nên chúng tôi có thói quen chuyện trò mãi đến đêm khuya.
"Sợ tụi mình, ý cậu là sao" ai đó hỏi. "Làm sao mà bà ấy lại sợ tụi mình được? Tụi mình có làm gì bà ấy đâu?"
"Mình không biết," Ruth nói. "Mình không biết, nhưng mình tin chắc là bà ấy sợ. Trước đây mình vẫn nghĩ bà ấy chỉ kênh kiệu thôi, nhưng giờ mình tin chắc thật ra thì khác. Madame sợ tụi mình."
Suốt mấy ngày kế tiếp, thỉnh thoảng chúng tôi lại bàn về chuyện đó. Hầu hết chúng tôi không đồng ý với Ruth, nhưng điều đó chỉ khiến cho cô càng thêm quyết tâm chứng minh mình đúng. Thế là rốt cuộc chúng tôi thống nhất một kế hoạch để thử nghiệm giả thuyết của Ruth khi Madame đến Hailsham lần sau.
Mặc dù những lần Madame đến không bao giờ được báo trước, song hầu như luôn có thể thấy rõ khi nào bà ta sắp đến. Mấy tuần trước khi bà ta đến mọi thứ đã rục rịch rồi, các giám thị sàng qua lọc lại toàn bộ các tác phẩm của chúng tôi – nào tranh, nào phác thảo, nào đồ gốm, nào luận, nào thơ. Việc này thường kéo dài ít nhất mười lăm ngày, kết cục là cứ mỗi lớp Sơ và mỗi lớp Cao lại có bốn, năm món được chọn đưa vào phòng bi-a. Phòng bi-a đóng cửa trong suốt thời gian này, nhưng nếu đứng trên bức tường thấp của sân thượng bên ngoài ta vẫn có thể nhìn thấy qua cửa sổ những thứ được chọn càng ngày càng nhiều. Khi các giám thị bắt đầu bày biện các thứ đó cho ngăn nắp lớp lang trên những cái bàn và khung vẽ, như mẫu thu nhỏ của một trong các cuộc Trao đổi của chúng tôi, ấy là lúc ta biết rằng Madame sắp đến trong ngày một ngày hai.
Vào mùa thu tôi đang nói tới ở đây, chúng tôi cần biết không phải bà ta đến vào ngày nào mà chính xác thời điểm nào bà ta sẽ xuất hiện. Thế nên ngay khi nhìn thấy các món đồ được trưng bày trong phòng bi-a, chúng tôi quyết định phân công nhau canh chừng.
Được cái nhờ địa thế của trường mà việc canh chừng rất dễ. Hailsham nằm trên một chỗ hơi trũng, bốn bề là những cánh đồng. Thế nghĩa là hầu như từ bất cứ cửa sổ phòng học nào ở ngôi nhà chính – và thậm chí từ chỗ đình tạ – ta đều có thể nhìn rõ con đường dài hẹp băng qua những cánh đồng dần đến cổng chính. Bản thân cổng thì cách khá xa, nên bất cứ xe nào vào cũng phải chạy trên lối rải sỏi dành cho xe, ngang qua nhiều bụi cây và bồn hoa rồi mới đến được sân trước ngôi nhà chính. Đôi khi suốt cả ngày chúng tôi chẳng thấy một chiếc xe nào đi dọc theo con đường hẹp đó, nhưng hôm nào thấy thì đó thường là những chiếc xe tải chở đồ nhu yếu phẩm, người làm vườn hoặc công nhân. Hiếm khi có chiếc xe hơi nào, nên đôi khi chỉ cần nhìn thấy một chiếc ở đằng xa là đủ để làm náo loạn giờ học.
Chiều hôm đó xe chở Madame bị phát hiện đang băng qua cánh đồng, trời lộng gió và chan hòa nắng, có vài đám mây mang bão bắt đầu tụ lại. Chúng tôi đang ở trong Phòng 9 – trên tầng một ngay phía trước ngôi nhà – nên khi tiếng rì rầm vang lên tú phía, thầy Frank tội nghiệp, đang cố dạy chúng tôi đánh vần, chịu không hiểu vì sao tự dưng chúng tôi lại nhấp nhổm thế kia.
Kế hoạch mà chúng tôi bày ra để thử nghiệm giả thuyết của Ruth rất đơn giản: chúng tôi – sáu đứa tất cả – sẽ phục sẵn chờ Madame ở đâu đó, rồi "bâu quanh" bà ta cùng một lúc. Chúng tôi vẫn sẽ tỏ ra đàng hoàng đúng mực, đường ai nấy đi, nhưng nếu chúng tôi chọn đúng thời điểm và bà ta giật mình thon thót thì chúng tôi sẽ thấy rõ rằng bà ta sợ chúng tôi, Ruth đoán chắc như vậy.
Mối lo chính của chúng tôi là biết đâu chúng tôi không có được cơ hội nào trong khoảng thời gian ngắn ngủi bà ta nán lại Hailsham. Nhưng vì giờ học của thầy Frank sắp kết thúc nên chúng tôi có thể gặp Madame ngay dưới sân trong khi bà ta đang đỗ xe. Chúng tôi hội ý chớp nhoáng ở chiếu nghỉ cầu thang, rồi theo các bạn còn lại trong lớp xuống thang, đứng la cà ngay nơi ô cửa chính. Madame vẫn đang ngồi sau tay lái, lục lọi gì đó trong cặp xách. Cuối cùng bà ta cũng chui ra khỏi xe tiến về phía chúng tôi, vẫn mặc bộ đồ màu xám thường lệ, ôm kè kè cặp xách bằng cả hai tay. Nhận được tín hiệu của Ruth cả bọn chúng tôi xổ ra, đi thẳng về phía bà ta, song như thể tất cả bọn tôi đang ở một giấc mơ. Chỉ khi bà ta đứng sững lại mỗi đứa chúng tôi mới lẩm bẩm "Xin lỗi cô" rồi tách nhau ra.
Tôi sẽ không bao giờ quên sự thay đổi kỳ lạ đã chiếm lĩnh chúng tôi khoảnh khắc ngay sau đó. Cho mãi tới khi ấy, toàn bộ cái vụ về Madame nếu không hẳn là một trò đùa thì cũng là một chuyện hết sức riêng tư mà chúng tôi chỉ muốn trong nhóm biết với nhau mà thôi. Chúng tôi chẳng mấy nghĩ xem bản thân Madame hay bất cứ ai khác sẽ bị tác động thế nào bởi nó. Ý tôi là cho tới lúc đó, đây vẫn là một chuyện khá vui vẻ vô tư, chỉ có một chút liều lĩnh. Mà thậm chí chẳng phải Madame đã làm một cái gì đó không như chúng tôi đoán trước bà ta sẽ làm: bà ta chỉ đứng sững lại, chờ chúng tôi đi ngang qua. Bà ta không thét lên, thậm chí cũng chẳng há mồm thở dốc. Nhưng tất cả chúng tôi đang quá chú tâm theo dõi phản ứng của bà ta, có lẽ thế nên điều đó mới có tác dụng đến chúng tôi đến vậy. Khi bà ta đứng khựng lại, tôi liếc nhanh lên mặt bà ta – có lẽ tất cả các bạn khác cũng vậy. Và ngay cả giờ đây tôi vẫn có thể nhìn thấy rõ: cái run bắn mà bà ta đang cố nén, nỗi sợ chết khiếp của bà ta rằng một đứa trong bọn tôi có thể tình cờ chạm phải bà ta. Và mặc dù cứ tiếp tục đi, tất cả chúng tôi vẫn cảm thấy điều đó; như thể chúng tôi đang đi từ chỗ nắng sang thẳng bóng râm mát lạnh vậy. Nhưng bà ta sợ chúng tôi cũng như ai đó sợ nhện mà thôi. Chúng tôi không sẵn sàng đón nhận điều này. Chúng tôi chưa bao giờ tự hỏi bản thân chúng tôi sẽ cảm thấy thế nào nếu bị ai đó xem như vậy, xem như lũ nhện.
Đến khi bằng qua sân ra tới bãi cỏ, chúng tôi đã là một nhóm khác hẳn so với cái nhóm háo hức đứng chờ Madame chui ra khỏi xe. Hannah trông như sắp òa lên khóc. Ngay cả Ruth cũng có vẻ bàng hoàng. Thế rồi một đứa trong bọn tôi – hình như là Laura – nói:
"Nếu đã không ưa chúng mình thì sao bà ta lại còn muốn có tác phẩm của chúng mình chứ? Sao bà ta không để chúng mình được yên? Ai mời bà ta đến đây kia chứ?"
Không ai trả lời, và chúng tôi tiếp tục đi về phía đình tạ, không nói gì thêm về chuyện vừa xảy ra.
Nay nghĩ lại, tôi có thể thấy rằng hồi ấy chúng tôi mới ở vào cái tuổi biết được đôi điều về chính mình – chúng tôi là ai, chúng tôi khác thế nào với các giám thị, với những người ở bên ngoài – nhưng vẫn chưa hiểu được những điều ấy có ý nghĩa gì. Tôi tin chắc rằng bạn cũng vậy, một lúc nào đó trong thời thơ ấu bạn cũng trải qua những điều như chúng tôi hôm đó; nếu không giống về chi tiết thì cũng giống ở bên trong, trong cảm xúc. Bởi thật chẳng ăn thua gì dù các giám thị đã gắng công chuẩn bị cho ta: những cuộc trò chuyện, những cuốn băng video, những buổi thảo luận, những lời cảnh báo, thảy đều không thực sự giúp ta hiểu rõ. Chẳng có gì giúp ta hiểu rõ về chính mình khi ta mới tám tuổi đầu và cả lũ cùng ở một nơi như Hailsham; khi ta có những giám thị như chúng tôi từng có; khi những người làm vườn và những người giao hàng luôn đùa bỡn, cười vui với ta và gọi ta là "cưng".
Nhưng đồng thời, một chút của điều đó cũng len lỏi vào ta. Nó không thể không len vào, bởi tới khi có một khoảnh khắc như vậy xuất hiện, có một phần nào đó trong ta đang chờ đợi. Có thể ngay từ khi ta chỉ mới năm, sáu tuổi, đã có một tiếng thì thầm ở phía sau đầu chúng ta, nói rằng: "Một ngày nào đó, có thể không bao lâu nữa kể từ bây giờ, mi sẽ biết điều đó là thế nào." Thế là ta đợi, cho dù ta không biết rõ lắm về điều đó, đợi cái khoảnh khắc khi ta nhận ra rằng thật ra ta khác tất cả bọn họ; rằng ngoài kia có những người như Madame, họ chẳng ghét ta hay muốn làm hại ta, nhưng dẫu vậy chỉ cần nghĩ đến ta – nghĩ đến chuyện ta đã đến thế giới này bằng cách nào và tại sao lại đến – là họ đã rùng mình, họ khiếp đảm khi nghĩ đến cái nỗi bàn tay ta chạm vào tay họ. Lần đầu tiên ta nhìn chính mình qua mắt kẻ khác như vậy, đó là một khoảnh khắc lạnh giá. Cũng giống như ta đi ngang qua một tấm gương mà ngày nào trong đời mình ta cũng đi qua, thế rồi đột nhiên tấm gương cho ta thấy một cái gì khác, một cái gì khó chịu và xa lạ.
Mãi Đừng Xa Tôi Mãi Đừng Xa Tôi - Kazuo Ishiguro Mãi Đừng Xa Tôi