Books are a refuge, a sort of cloistral refuge, from the vulgarities of the actual world.

Walter Pater

 
 
 
 
 
Tác giả: Jo Kyung Ran
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 35
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1875 / 41
Cập nhật: 2017-08-04 14:03:44 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 28
ứt sát trong nhà bếp cũng không phải rắc rối gì to tát, nhưng đứt tay vào sáng sớm chẳng phải cách hay để khởi động một ngày. Đang chặt thịt gà thì tôi cứa trúng đốt đầu tiên của ngón út, mà con dao thì có được mài sắc đâu. Tôi gại thử qua lưỡi dao. Thấy cùn. Trong căn bếp hỗn độn có bao nhiêu người cùng làm việc, cùng va chạm, nên để dao cùn một chút, không như ở bếp riêng nhà mình. Dao mà sắc quá thì chỉ cần lơ đãng một tích tắc thôi cũng có thể làm bản thân bị thương nặng. Dao sắc không thực sự cần thiết trừ phi phải thái thịt gia cầm hoặc tỉa rau củ quả. Tôi lúng túng, không phải vì đứt tay trước mặt mọi người, mà vì bị thương bởi một lưỡi dao cùn như thế.
Nhà bếp là nơi làm việc với lửa và dao, nơi rập rình đủ mọi nguy hiểm lớn nhỏ, nơi lý tưởng để che đậy bản năng tàn phá. Nhìn máu tươi rỏ giọt xuống thớt, thay vì đau tôi lại chìm ngập trong một khoái cảm bốc đồng, như thể giải tỏa được một điều bí bách, hoặc khuây khỏa rằng sự cố nhỏ này xuất hiện có thể là để tôi tránh được một tai họa lớn hơn. Nếu không có nguy hiểm, thì chưa chừng tôi chẳng bao giờ biết đến căng thẳng, kể từ khoảnh khắc bắt đầu cầm tay vào dao.
Tôi không băng bó, mà đút ngón tay vào mồm. Vị kim loại loang trong miệng, cảm giác như liếm sắt vậy. Có lẽ nên mài dao cho sắc để cẩn thận và lưu tâm hơn khi sử dụng. Tôi bắt đầu miết nó qua lại trên đá mài chỗ góc bàn. Khi bận đến độ không đủ thời gian để mài dao, tôi chỉ đơn giản là liếc nó trên sắt mài vài ba lượt. Dùng sắt mài thì nhanh, nhưng mau mòn lưỡi dao, sử dụng đá mài vẫn là tốt nhất.
Ở vị trí làm việc của tôi có lắp tủ thép không gỉ, cất muối và tiêu hột, xốt mì ống, dầu ô liu, các loại hương thảo, mùi tây thái nhỏ, rượu vang trắng và đỏ, cà chua thái sẵn, bơ, rượu mạnh, và nằm trong tầm với là đũa cả, muôi, cặp, các thìa cỡ lớn, chảo, nồi. Đều là những món đặc trưng cho một quầy bếp. Dĩ nhiên không thể thiếu dao. Trên tư cách đầu bếp, nếu phải chọn một món đồ bắt buộc thì đó nhất định là dao làm bếp loại tốt. Một con dao tốt quan trọng hơn đam mê nấu nướng. Nếu có dao tốt trong tay, người ta sẽ tự khắc sinh ra khát khao chế biến thức ăn. Mỗi đầu bếp có ít nhất một con dao của riêng mình. Với các đầu bếp phương Tây, dao là cánh tay thứ ba, giống như đũa cả với đầu bếp Trung Hoa. Sự thật thì, kỹ năng sử dụng dao chính là điều kiện tiên quyết để đánh giá đầu bếp.
Tôi có ba con dao. Một con dao sushi mỏng, dài để làm cá. Một con dao ngắn và cơ động để làm gà vịt. Một con Henkel Đức đơn giản để sử dụng cho tất cả các mục đích còn lại. Thường thì chỉ con Henkel này là đủ. Khi gọt tỉa rau củ tôi dùng mũi dao, khi xử lý những thứ lớn hoặc rắn hơn tôi dùng lưỡi dao. Con Henkel đã cũ và mẻ, nhưng chưa từng rời tay tôi, kể từ ngày đầu tiên tôi đến Nove làm. Hồi ở bếp của Bà, nó đã phải nằm đóng bụi trong hộp một thời gian dài. Bà có vài con dao, một trong số đó có răng cưa để thái lát bánh mì hoặc bổ hoa quả. Hồi còn nhỏ tôi rất thích con dao ấy, đến lúc vào nghề lại chẳng tìm thấy nó đâu. Dao của Bếp trưởng là một con Global Nhật Bản mũi nhòn nhọn, nhưng cũng thuộc loại dao làm bếp thông thường. Dao của tất cả chúng tôi cùng cắm san sát trên giá, nghiêng một góc 45 độ so với mặt đất. Dù chuôi dao quay ra ngoài và trông cứ từa tựa nhau, hễ cần đến là ai nấy đều rút trúng ngay con dao của mình. Việc có một con dao quen thuộc, bởi vậy, rất quan trọng.
Tôi nhận thấy, qua khóe mắt, quản lý Park và cô làm xốt mới về đang trao đổi với nhau cái nhìn ngụ ý, Có chuyện gì với chị ấy thế nhỉ? Tôi đứng nguvên tại chỗ của mình, cầm chắc con dao như sợ ai giằng mất, máu vẫn nhỏ tong tong từ đầu ngón tay. Lúc họ đi ngang qua, tôi bắt gặp anh ta đặt bàn tay thanh nhã lên eo cô đầu bếp. Người ta nói có ba thứ không thể giấu được, là của cải, đau ốm và tình yêu. Trong căn bếp chật chội đông đúc nhường này, điều khó che giấu nhất chính là ánh mắt của những người đang mặn nồng tình ái. Như ở bể cá trong suốt, tình cảm của họ sẽ bị phát hiện ngay cả khi mới chỉ tồn tại được một ngày. Không có nơi nào dễ phải lòng nhau hơn nhà bếp. Nhưng nếu tình yêu tan vỡ, mọi chuvện luôn kết thúc bằng cách có một người nghỉ việc, thường là người phụ nữ. Chuyện chia tay giữa các đầu bếp là khá phổ biến, nhưng cũng không hiếm những cặp đôi cưới nhau và cùng mở nhà hàng.
Đối với tôi, tình yêu là gì? Tôi đặt con dao xuống thớt. Với tôi tình yêu giống như âm nhạc, tôi cảm nhận được giai điệu, trái tim và khối óc tôi có phản ứng với tiết tấu mặc dù không được đào tạo chút gì về nhạc lý. Tình yêu giống như thức ăn, làm tôi chảy nước miếng, mài giũa vị giác giúp tôi. Tình yêu là thức ăn và âm nhạc. Từng lỗ chân lông đều biết nở ra trước niềm hân hoan thuần khiết, tôi bi ai nhưng được nâng đỡ, tôi bối rối nhưng đầy khát khao. Tình yêu nảy sinh rất đơn giản, nhưng đẹp, nhạy cảm và ảnh hưởng đến cả con người tôi. Tôi đã từng nghĩ như vậy về tình yêu.
Ảnh Se Yeon và Seok Ju trải suốt ba trang tạp chí. Có một tấm, họ đứng trong căn bếp của trường-nấu-ăn-sắp-khai-trương, nhìn nhau tinh nghịch, bàn tay đẫm mật ngọt. Liếm mật ở lòng bàn tay nhau là một truyền thống hẹn thề của Đức, qua đó những cặp uyên ương thể hiện rằng mình sẽ cùng chia sẻ thức ăn và những lời yêu đương. Đây hẳn là ý tưởng của Mun Ju. Mặc dù cô không muốn, nhưng một khi đã quyết định phỏng vấn thì bản năng biên tập trong cô sẽ làm hết sức mình để có được tấm ảnh đẹp nhất, nguyên sơ nhất. Chẳng mấy ai hay truyền thuyết về mật ấy. Tôi biết là nhờ Mun Ju kể cho nghe. Cũng tạ ơn Trời là họ không liếm lòng bàn tay nhau trong tấm ảnh nào cả. Các tín đồ của chủ nghĩa thần bí thường phết mật lên tay và lưỡi để giao đấu với ác quỷ và nhận chân điều thiện. Bây giờ, người xứng đáng có lòng bàn tay phết mật đúng ra phải là tôi chứ không phải hai người họ.
Cẩn thận đấy! Tình yêu giống như cái nấm, đừng thu hoạch nấm bằng cách tuốt bật nó ra khỏi đất, mà phải cẩn thận cắt hái bằng dao con, nấm mới tiếp tục sinh trưởng được. Tôi muốn nói với quản lý Park và cô làm xốt như vậy. Nhưng đối với tôi, tình yêu không còn là âm nhạc, thức ăn, mật ngọt hay nấm nữa. Mọi thứ đã biến chất cả rồi.
Tôi nghe có âm thanh gì đó. Máu tuôn ồng ộc, xương gãy răng rắc, rồi tiếng chảy ngừng bặt. Các đầu bếp cũng là những nghệ sĩ múa dao. Qua đôi tay, chúng tôi thể hiện bản thân mình. Nhà bếp rất dễ dàng trở thành chốn sa trường tàn sát. Trên thớt là con gà sống mập, mào nó óng ánh kiêu hãnh và có màu đỏ rực, giống cái lưỡi ngạo mạn của một kẻ dối gian. Tôi đâm phập xuống cái lưỡi ấy, bằng con dao của mình.
Lưỡi Lưỡi - Jo Kyung Ran Lưỡi