Vấn đề không phải ở chỗ bạn đang gặp khó khăn mà chính ở chỗ bạn xem khó khăn là một vấn đề.

Theodore Rubin

 
 
 
 
 
Tác giả: John Perkins
Nguyên tác: Confessions Of An Economic Hit Man
Dịch giả: Lê Đồng Tâm
Biên tập: Quyen Thuy
Upload bìa: Viet Quang Luong
Số chương: 38
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 261 / 76
Cập nhật: 2020-06-28 13:34:21 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 36: Phá Vỡ Lớp Vỏ Bọc
hỉ ít lâu sau khi tôi từ Êcuađo trở về, năm 2003, Mỹ tiến hành xâm lược Iraq lần thứ hai trong vòng hơn mười năm. Các EHM đã thất bại. Lũ chó săn giết người đã thất bại. Vì thế mà có thêm rất nhiều thanh niên, cả nam lẫn nữ, bị đưa đến vùng gió cát sa mạc này để giết chóc và rồi chính họ cũng bị chết. Cuộc xâm lược này đã đặt ra một câu hỏi quan trọng, mà theo tôi chỉ có một số ít người Mỹ có đủ tư cách để trả lời. Câu hỏi đó là cuộc chiến này có ý nghĩa như thế nào đối với Hoàng gia Ảrập Xêút. Một khi Mỹ chiếm được Iraq, đất nước mà theo nhiều ước tính có trữ lượng dầu mỏ còn lớn hơn cả Ảrập Xêút, Mỹ hẳn sẽ không phải tiếp tục tôn trọng cái thỏa thuận mà chúng tôi đã ký với Hoàng gia Ảrập Xêút vào thập niên 70, bắt nguồn từ vụ rửa tiền của Ảrập Xêút.
Sự kết thúc của chính quyền Saddam, cũng giống như của chính quyền Noriega ở Panama, có thể sẽ khôi phục lại chính quyền bù nhìn, Mỹ đã kiểm soát được kênh đào Panama, bất chấp tất cả những điều kiện ghi trong Hiệp ước đàm phán giữa Torrijos và Tổng thống Carter. Vậy một khi Mỹ có được Iraq, liệu Mỹ có thể phá vỡ khối OPEC được không? Phải chăng Hoàng gia Ảrập Xêút sẽ chẳng còn vai trò gì trên trường chính trị dầu mỏ toàn cầu? Một số học giả đã cho đặt câu hỏi, tại sao chính quyền Bush lại tấn công Iraq mà không dồn toàn lực để truy quét AlQaeda ở Afghanistan. Liệu có phải trong con mắt của chính quyền này - cái gia đình dầu lửa này - thì có việc tạo lập các nguồn cung cấp dầu, cũng như việc cần phải có các hợp đồng xây dựng còn quan trọng hơn nhiều so với việc chống khủng bố?
Tuy nhiên, vẫn còn có một khả năng khác nữa là OPEC sẽ cố gắng lên tiếng đòi quyền lợi của mình. Nếu Mỹ chiếm được Iraq, các nước có nhiều dầu mỏ khác cũng chẳng mất gì vì họ có thể tăng giá dầu hoặc giảm lượng cung dầu. Khả năng này gắn liền với một kịch bản khác. Kịch bản đó chỉ xảy ra với một số ít người nằm ngoài thế giới tài chính quốc tế cấp cao, song lại có thể làm nghiêng cả cán cân quyền lực địa chính trị và dần dà sẽ phá vỡ hệ thống mà chế độ tập đoàn trị đã cố hết sức để dựng lên. Trên thực tế, có thể đây là nhân tố duy nhất khiến đế chế toàn cầu thực sự đầu tiên trong lịch sử đi đến chỗ hủy diệt. Suy cho cùng, đế chế toàn cầu phụ thuộc rất nhiều vào việc đồng đô la hiện đang là đồng tiền tiêu chuẩn của thế giới và chỉ có cơ quan in tiền Mỹ có quyền in những đồng đôla này mà thôi.
Vì thế, chúng tôi cho những nước như Êcuađo vay những khoản vay mà chúng tôi biết chắc rằng họ không bao giờ có thể trả được. Trên thực tế, chúng tôi cũng không muốn họ thanh toán các khoản nợ này đúng hạn vì có như thế chúng tôi có quyền và có cớ để thúc nợ. Thông thường, chúng tôi có thể gặp rủi ro vì nguồn vốn của chúng tôi sẽ dần hao kiệt khi làm như vậy vì xét cho cùng, không chủ nợ nào có thể cầm cự được khi có quá nhiều khoản vay không được thanh toán. Tuy nhiên, trường hợp của chúng tôi lại khác. Tiền nước Mỹ in ra không dựa trên kim bản vị.
Trên thực tế, sức mạnh của đồng đôla không dựa trên bất cứ thứ gì ngoài lòng tin nói chung của toàn thế giới đối với sức mạnh của nền kinh tế Mỹ và đối với khả năng kiểm soát được tất cả các nguồn lực và thế lực của đế chế mà Mỹ đã tạo ra để hậu thuẫn cho mình. Việc có được đồng ngọai tệ mạnh nhất thế giới đã đem lại cho nước Mỹ một sức mạnh vô biên.
Điều này có nghĩa là, Mỹ có thể tiếp tục cung cấp những khoản vay không bao giờ được hoàn lại, và chính nước Mỹ cũng có thể tích lũy những khoản nợ khổng lồ. Tính đến đầu năm 2003, nợ quốc gia của Mỹ đã vượt quá mức 6.000 tỷ USD - một con số khổng lồ và được báo sẽ lên tới 7.000 tỷ USD trước khi bước sang năm 2004. Như vậy, trung bình mỗi công dân nước Mỹ nợ 24.000 USD. Phần lớn các khoản nợ của Mỹ là nợ các nước Châu Á, đặc biệt là Nhật Bản và Trung Quốc. Những nước này mua trái phiếu kho bạc Mỹ (về cơ bản dưới dạng vay nợ không chính thức) từ tiền tích lũy được qua việc bán đồ tiêu dùng - các mặt hàng điện như đồ điện tử, máy tính, ôtô, các thiết bị và hàng may mặc sang thị trường Mỹ và thị trường thế giới.(1)
Chừng nào cả thế giới còn công nhận đồng đôla là đồng tiền của thế giới, khoản nợ quá mức này sẽ chẳng gây ra cản trở nghiêm trọng nào đối với chế độ tập đoàn trị. Tuy nhiên, trong trường hợp có một đồng tiền khác mạnh lên và đủ sức thay thế đôla, và nếu các chủ nợ của Mỹ, như Nhật Bản hay Trung Quốc, quyết định thu hồi các khoản nợ của Mỹ, tình hình sẽ trở nên hết sức tồi tệ. Khi đó, nước Mỹ sẽ bất thình lình rơi vào tình thế vô cùng nguy hiểm. Trên thực tế hiện nay, sự tồn tại một đồng tiền như vậy không còn chỉ là một giả thiết. Sau khi xuất hiện trên thị trường tài chính thế giới vào tháng 1 năm 2002, hàng tháng, sức mạnh và vị thế của đồng Euro không ngừng tăng lên. Đồng Euro mang lại một cơ hội hiếm có cho các nước OPEC nếu các nước này quyết định trả đũa cho cuộc tấn công của Mỹ vào Iraq, hoặc bất chợt vì một lý do nào đó họ muốn đối đầu trực diện với Mỹ.
Quyết định của OPEC sử dụng đồng Euro thay cho đồng đôla làm đồng tiền tiêu chuẩn của tổ chức này sẽ làm rung chuyển đến tận gốc rễ đế chế toàn cầu Mỹ. Một khi điều đó xảy ra, và nếu một hoặc cả hai chủ nợ của Mỹ đòi tới nước Mỹ thanh toán các khoản vay bằng Euro, tác động của chúng tới nước Mỹ sẽ thật khủng khiếp. Buổi sáng ngày thứ sáu Tuần thánh, 18/4/2003, vừa đi bộ từ nhà ra gara cũ đã được cải tạo lại làm văn phòng, tôi vừa nghĩ về những điều này. Nhưng khi đến nơi, ngồi vào bàn, bật máy tính lên và như thường lệ, mở trang tin của tờ New York Times, một tiêu đề báo đập ngay vào mắt tôi: “Mỹ trao cho tập đoàn Bechtel một hợp đồng quan trọng để tái thiết Iraq”.
Ngay lập tức, nó khiến suy nghĩ của tôi chuyển từ những cục diện mới của thế giới tài chính quốc tế, về nợ quốc gia và đồng Euro sang công việc trước đây của tôi. Bài báo viết: “Chính quyền Bush đã ban tặng cho tập đoàn Bechtel ở San Francisco hợp đồng đầu tiên của ngày hôm nay trong một kế hoạch rất lớn về tái thiết Iraq”. Ở đoạn dưới, tác giả thông báo cho người đọc biết: “Người Iraq sau đó sẽ làm việc với Ngân hàng Thế giới và Quỹ tiền tệ Quốc tế, những cơ quan quốc tế mà Mỹ có tầm ảnh hưởng lớn, để tái thiết lại đất nựớc”.(2) Tầm ảnh hưởng lớn! Rõ ràng tác giả đã nói nhẹ đi rất nhiều Tôi nhắp chuột chuyển sang một bài báo khác của Times có tiêu đề “Một công ty có những mối quan hệ ở Washington, và với Iraq”.
Tôi bỏ qua vài khổ đầu, chủ yếu là nhắc lại các thông tin đã nêu trong bài báo trước, và đọc tới đoạn: Bechtel có những mối quan hệ gắn bó lâu năm với hệ thống cơ quan an ninh quốc gia... Một giám đốc của công ty là Geogre P.Shultz, người trước đây từng giữ chức ngoại trưởng dưới thời tổng thống Ronald Reagan. Trước khi làm việc cho chính quyền Reagan, ông Shultz, người hiện đang giữ cương vị cố vấn cấp cao của Bechtel, đã từng là chủ tịch công ty, làm việc cùng với Caspar W.Weinberger, từng là giám đốc điều hành công ty đặt tại San Francisco trước khi được bổ nhiệm làm bộ trưởng bộ quốc phòng. Trong năm nay, Tổng thống Bush đã bổ nhiệm ông Riley P.Bechtel, Tổng giám đốc của Bechtel tham gia trong hội đồng xuất khẩu của tổng thống.(3)
Những gì viết trong các bài báo này đã tóm gọn lịch sử hiện đại và sự phát triển của đế chế toàn cầu. Những gì đang diễn ra ở Iraq và được miêu tả trong tờ báo buổi sáng đó là kết quả của công việc mà Claudine đã huấn luyện tôi khoảng 35 năm về trước, và công việc mà những người khác đã làm, những người có chung một lòng tự phụ không khác gì tôi trước đây. Nó đánh dấu bước tiến của chế độ tập đoàn trị trên con đường quy phục tất cả mọi người trên thế giới trong vòng ảnh hưởng của mình. Những bài báo trên viết về cuộc xâm lược Iraq của Mỹ năm 2003 và về những hợp đồng đang được ký kết, cả hai đều nhằm tái thiết đất nước này từ sự điêu tàn do chính quân đội Mỹ gây ra, và xây dựng lại theo một mô hình hiện đại và tây hóa.
Tất nhiên, dù không nói thẳng ra nhưng tin tức của ngày 18/4/2003 cũng quay trở lại với giai đoạn những năm đầu thập niên 70 và phi vụ rửa tiền của Ảrập Xêút. SAMA với các hợp đồng của mình đã tạo nên những tiền lệ mới và không thể thay đổi, đó là cho phép thực tế là ủy thác các công ty chế tác, xây dựng và ngành dầu khí Mỹ tham dự vào sự phát triển một vương quốc trên sa mạc. Cũng với một sự ủng hộ tương tự, SAMA đã thiết lập nên các quy định mới về vấn đề quản lý xăng dầu trên toàn cầu, đánh giá lại tình hình địa chính trị và cùng với Hoàng gia Ảrập hình thành một liên minh nhằm bảo đảm vị trí bá chủ của họ cũng như những cam kết của họ về việc tuân thủ các luật chơi của chúng tôi. Khi đọc những bài báo này, tôi không thể không thắc mắc, có bao nhiêu người, giống như tôi, đã biết rằng Saddam có thể vẫn nắm quyền nếu như ông ta đi theo con đường mà người Ảrập Xêút đã đi.
Ông ta sẽ có tên lửa và các nhà máy sản xuất hóa chất; chúng tôi - nước Mỹ sẽ xây dựng chúng cho ông ta, và người của chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm nâng cấp và bảo quản những nhà máy và tên lửa đó. Đó sẽ là một thỏa thuận tuyệt vời, thậm chí có thể sánh ngang với vụ làm ăn ở Ảrập Xêút. Mới gần đây, các phương tiện truyền thông chính thống vẫn còn rất thận trọng chưa hề công bố gì về câu chuyện này. Nhưng hôm nay, câu chuyện đó đã xuất hiện trên mặt báo. Đúng là nó vẫn còn là một ý niệm mơ hồ; các bài báo chỉ đưa ra vài nét dễ nghe nhất của một bản tóm tắt, song dường như câu chuyện đó đang nổi lên. Tôi tự hỏi không hiểu có phải tờ New York Times có quan điểm khác với đa số hay không, tôi vào website của hãng CNN và đọc bài báo có tiêu đề “Bechtel giành được hợp đồng tại Iraq”.
Câu chuyện mà CNN đăng tải khá giống bài báo của Times, ngoại trừ đoạn sau đây: Có vài công ty khác cũng đã nhiều lần được nhắc đến trong vai trò các đối thủ cạnh tranh đối với hợp đồng đó, hoặc với tư cách là nhà thầu chính hay tham gia trong một nhóm chung, trong đó có Kellogg Brown và Root (KBR), một nhánh của tập đoàn Halliburton - tập đoàn mà trước đây Phó Tổng thống Dick Cheney giữ từng chức tổng giám đốc... Halliburton đã thắng một hợp đồng trị giá tới 7 tỷ USD và có thể kéo dài trong hai năm, nhằm sửa chữa khẩn cấp các cơ sở vật chất về dầu của Iraq.(4)
Câu chuyện về con đường đi lên đế chế toàn cầu có vẻ thực sự đang bị rò rỉ ra bên ngoài. Không phải những chi tiết hay sự kiện cho thấy đó là một bi kịch về những khoản nợ, về sự lừa dối, tình trạng nô dịch hóa, tình trạng bóc lột hay sự chiếm đoạt những trái tim, khối óc, linh hồn và các nguồn lực của nhân loại trên thế giới một cách trắng trợn nhất. Cũng chẳng có chi tiết nào trong các bài báo này ám chỉ rằng câu chuyện Iraq năm 2003 là đoạn tiếp nối của một câu chuyện này, dù đã cũ như chính cái đế chế đó, song giờ đây đang phát triển theo những hướng mới còn kinh khủng hơn cả bởi vì quy mô của trong thời đại toàn cầu hóa và cả vì bản chất tinh vi của nó.
Cho dù đã được cắt xén đi, trong câu chuyện thực sự có vẻ đang bị rò rỉ ra bên ngoài, dù là bất đắc dĩ. Việc này đã đánh trúng suy nghĩ của tôi. Nó làm tôi nhớ tới câu chuyện của chính tôi mà trong rất nhiều năm tôi đã chần chừ không dám kể lại. Tôi đã biết từ lâu rằng tôi có những chuyện cần phải thú nhận; tuy nhiên tôi vẫn cứ lần nữa không làm. Nghĩ lại, tôi thấy, những nghi ngờ, những lời thì thầm về tội lỗi đã xuất hiện trong tôi ngay từ ban đầu. Chúng tôi bắt đầu có trong tôi từ lúc tôi bước vào căn hộ của Claudine, thậm chí trước cả khi tôi cam kết đến Inđônêxia trong chuyến công tác đầu tiên của mình, và không ngừng ám ảnh tôi trong suốt những năm tháng sau đó. Tôi cũng biết rằng nếu như những nghi ngờ, những đau đớn, dằn vặt và cảm giác tội lỗi đó không liên tục day dứt tôi, tôi sẽ không bao giờ thoát ra được khỏi hệ thống đó. Giống như nhiều người khác, tôi sẽ bị trói buộc vào đó mãi mãi.
Tôi sẽ không thể đứng trên bãi biển ở Virgin Island và quyết định rời khỏi MAIN. Mặc dù vậy, tôi vẫn cố trì hoãn, hình như trì hoãn đã trở thành một nét văn hóa của tôi vậy. Những tiêu đề này dường như ám chỉ đến liên minh giữa các tập đoàn như bản lý lịch của tôi ở MAIN, những bài báo này mới chỉ chạm đến bề nổi, đến bề ngoài của vấn đề. Thực chất của câu chuyện chẳng liên quan gì đến việc các công ty chế tác và xây dựng lớn tiếp tục nhận được hàng tỷ đôla để xây dựng lại một đất nước theo tưởng tượng của chúng tôi - cho một dân tộc chắc chắn không muốn điều đó xảy ra.
Nó cũng chẳng liên quan gì đến chuyện một nhóm nhỏ tầng lớp quý tộc đang lặp lại cái thói quen xấu có từ xa xưa là lợi dụng chức quyền trong chính phủ để thu lợi bất chính. Bức tranh đó còn quá đơn giản. Nó hàm ý rằng tất cả những gì chúng tôi cần làm, để sửa đổi cả hệ thống, là vứt bỏ tất cả những con người đó đi. Nó nuôi dưỡng thuyết âm mưu và vì thế tạo lý do chính đáng cho tất cả mọi người bật tivi lên xem, quên đi tất cả những điều sai trái, và thoải mái nhìn nhận lịch sử bằng đôi mắt của học sinh lớp 3 là “Họ” sẽ lo điều đó; con tàu đất nước có thể chống chọi với sóng gió và vẫn luôn được giám sát. Chúng tôi có thể phải đợi tới cuộc bầu cử lần sau, nhưng tất cả diễn ra theo chiều hướng tốt nhất.
Câu chuyện thật về đế chế hiện đại - đế chế của chế độ tập đoàn trị đang bóc lột đến tận xương tủy những con người tuyệt vọng và đang tiến hành những cuộc vơ vét nguồn lực một cách tàn bạo nhất, ích kỷ nhất và cuối cùng sẽ đi đến tự hủy diệt - chẳng liên quan gì đến những điều được tiết lộ trong các bài báo buổi sáng hôm đó, song lại liên quan trực tiếp đến chúng tôi. Và tất nhiên điều đó giải thích tại sao chúng tôi khó lòng muốn nghe câu chuyện thực đó. Chúng tôi muốn tin vào một điều hoang đường là, hàng nghìn năm tiến hóa của xã hội loài người cuối cùng đã hoàn thiện một hệ thống kinh tế lý tưởng chứ không muốn đối mặt với thực tế là chúng tôi đã mang lại một khái niệm sai lầm và rồi chấp nhận nó như một đức tin.
Chúng tôi đã tự lừa dối mình rằng tăng trưởng kinh tế luôn đem lại lợi ích cho nhân loại, tăng trưởng càng cao, lợi ích càng rộng khắp. Cuối cùng, chúng tôi thuyết phục hết người này đến người khác rằng hệ quả của khái niệm này là đúng đắn và xét về mặt đạo đức là công bằng: Chính những con người có tài nhóm lên ngọn lửa tăng trưởng kinh tế phải được đề cao và được đền đáp xứng đáng, còn những người sinh ra từ tầng lớp hèn kém thì đáng bóc lột. Khái niệm này và hệ quả của nó được dùng để biện minh cho tất các kiểu cướp bóc - người ta cấp giấy phép cho tất cả các hành động hãm hiếp, cướp bóc và sát hại con người vô tội ở Iran, Panama, Côlômbia, Iraq và còn nhiều nơi khác. Chừng nào những hoạt động của những sát thủ kinh tế, lũ chó săn giết người, và quân đội còn được chứng minh là để tạo ra tăng trưởng - và đúng là các hoạt động này cũng luôn chứng tỏ sự tăng trưởng như vậy thật, chừng đó những con người này vẫn còn chỗ đứng. Nếu anh ném bom một thành phố và sau đó tái thiết nó thì nhờ các ngành “khoa học” sai lệch về dự báo, dự báo kinh tế và thống kê, anh sẽ đưa ra được các dữ liệu cho thấy một sự tăng trưởng kinh tế vượt bậc.
Thực sự là chúng tôi đang sống trong sự dối trá. Giống như bản lý lịch của tôi ở MAIN, chúng tôi đã tạo ra một vỏ bọc bên ngoài che giấu đi tất cả những tế bào ung thư chết người bên trong. Những tế bào ung thư này sẽ hiện ra dưới tia X-quang của các số liệu thống kê của chúng tôi, làm hé lộ một thực tế khủng khiếp là trong cái đế chế hùng mạnh và giàu có nhất lịch sử, tỷ lệ tự sát, nghiện ma túy, ly hôn, quấy rối trẻ em, hãm hiếp, và giết người cao đến mức kỳ quặc. Giống như khối u ác tính, những tai họa này di căn đến khắp các tế bào với bán kính không ngừng mở rộng mỗi năm. Trong sâu thẳm trái tim mỗi chúng tôi, ai cũng cảm nhận được sự đau đớn.
Chúng tôi thét lên đòi phải thay đổi. Song chúng tôi lại tự lấy tay bịt miệng mình, cố nén tiếng thét đó và vì thế mà chẳng ai nghe thấy chúng tôi cả. Sẽ thật tuyệt vời nếu chúng tôi có thể buộc tội cho một âm mưu về tất cả những điều trên, nhưng chúng tôi không thể. Đế chế này phụ thuộc vào hiệu lực của các ngân hàng lớn, các tập đoàn và các chính phủ chế độ tập đoàn trị, song nó không phải là một âm mưu. Chế độ tập đoàn trị chính là bản thân chúng tôi - chúng tôi biến nó thành hiện thực và đó chính là lý do vì sao chúng tôi cảm thấy khó có thể vùng lên và chống lại đế chế đó. Chúng tôi đành cứ phải nhìn thấy những kẻ chủ mưu đứng trong bóng tối, bởi vì đa số chúng tôi làm việc cho một trong số những ngân hàng, tập đoàn hay chính phủ đó, hoặc là theo cách nào đó chúng tôi bị lệ thuộc vào những hàng hóa và dịch vụ mà họ đã sản xuất ra và quảng cáo. Chúng tôi không thể phản lại những kẻ đang nuôi sống chúng tôi. Đó là tình huống mà tôi suy nghĩ khi nhìn chằm chằm vào những tiêu đề báo trên màn hình máy tính trước mặt. Và tôi lại đặt ra vô số câu hỏi.
Làm thế nào anh có thể chống lại cái hệ thống có vẻ như đã đem lại cho anh nhà cửa, xe cộ, cơm ăn áo mặc, điện nước và hệ thống y tế, ngay cả khi anh biết rõ rằng cũng chính hệ thống này đã tạo ra một thế giới mà cứ mỗi ngày lại có hai mươi tư nghìn người chết vì đói, cái thế giới khiến hàng triệu người căm ghét anh, hay ít nhất là căm ghét chính sách mà những đại diện cho các anh bầu ra vẽ lên? Làm thế nào anh có đủ can đảm bước ra khỏi hệ thống và thách thức cái khái niệm mà anh cũng như những người xung quanh anh vẫn thường coi là đức tin, ngay cả khi anh nghi ngờ rằng hệ thống đó đang trên đường đi đến chỗ diệt vong? Tôi chậm rãi đứng lên, quay về nhà để uống thêm một tách cà phê nữa. Tôi đi đường vòng và lấy tờ Palm Beach Post đặt gần hộp thư trên đường lái xe vào nhà. Tờ báo này cũng có một bài về vụ Bechtel - Iraq, trích từ tờ New York Times. Nhưng giờ đây, điều làm tôi chú ý là ngày tháng ghi trên tiêu đề: Ngày 18 tháng 4. Đó là một ngày nổi tiếng, ít nhất là ở New England, đã khắc sâu trong trí nhớ của tôi nhờ cha mẹ tôi, những người luôn nhắc đến cuộc Cách mạng giải phóng kể đi kể lại và nhờ những câu thơ của Longfellow.
Hãy lắng nghe, con yêu, và con sẽ thấy Tiếng vó ngựa trong đêm của Paul Revere, Vào ngày mười tám tháng tư, năm bảy mươi nhăm; Liệu có ai đang sống vẫn còn nhớ đến Những tháng năm hào hùng bi tráng đó. Năm nay, ngày Thứ sáu Tuần thánh rơi đúng vào ngày kỷ niệm hành động dũng cảm của Paul Revere. Ngày tháng trên trang bìa tờ báo Post khiến tôi liên tưởng đến hình ảnh người thợ bạc đang rạp mình phóng ngựa qua những dãy phố tối tăm trong các thị trấn của New England, vừa vẫy mũ vừa thét lớn: “Quân Anh đang tới!” Revere đã dám mạo hiểm tính mạng của mình để truyền thông điệp đó, và những người Mỹ trung thành với Tổ quốc đã đáp lại. Họ đã chặn đứng đế chế Anh ngay từ ngày ấy.
Tôi băn khoăn tự hỏi điều gì đã thôi thúc họ, tại sao những người Mỹ thuộc địa đó lại dám trái lệnh? Những người cầm đầu quân nổi dậy chống chính quyền khi đó đã rất giàu có. Vậy cái gì đã thôi thúc họ dám mạo hiểm cả công việc làm ăn của họ, chống lại chính quyền - người đã nuôi sống họ - và mạo hiểm cả cuộc sống của họ nữa? Không nghi ngờ gì, hẳn là mỗi người trong số đó đều có những lý do riêng song chắc chắn đã có một động lực chung, một năng lượng hay một cái gì đó thôi thúc họ, một tia lửa giúp thổi bùng lên những ngọn lửa nhỏ trong từng con người vào cái thời khắc duy nhất đó của lịch sử. Và tôi đã tìm ra: Đó chính là từ ngữ.
Việc kể lại câu chuyện thật về đế chế Anh, về hệ thống trọng thương đầy ích kỷ và cuối cùng đã đi đến chỗ tự diệt vong đã nhóm lên tia lửa đó. Phơi bày những ý nghĩa sâu xa qua từng câu chữ của những người như Tom Paine và Thomas Jefferson đã kích thích trí tưởng tượng của những người đồng hương, mở rộng trái tim và tâm hồn của họ. Dân đi khai phá những vùng đất mới bắt đầu đặt ra câu hỏi, và khi làm việc đó, họ phát hiện ra một thực tế mới đã bị che lấp bởi sự dối trá. Họ nhận thức được sự thật ở dưới lớp vỏ bóng bẩy bề ngoài, hiểu được cái cách mà đế chế Anh đã thao túng, lừa dối và nô dịch hóa bản thân họ.
Họ nhận ra rằng, những ông chủ người Anh đã dựng lên một hệ thống và sau đó thuyết phục những người khác tin vào một điều dối trá - rằng đó là hệ thống tốt nhất mà con người có thể nghĩ ra, rằng việc đó được một thế giới tốt đẹp hơn phụ thuộc vào việc chuyển các nguồn lực qua vị Vua của nước Anh, và rằng cái cách tiếp cận kiểu đế quốc về thương mại và chính trị là phương pháp hiệu quả nhất và nhân đạo nhất để giúp đỡ đa số nhân dân.
Trong khi đó, trên thực tế, hệ thống này chỉ làm giàu cho một số rất ít người bằng mồ hôi nước mắt của số đông những người còn lại. Sự dối trá này, và hậu quả của nó là sự khai thác đến cạn kiệt các nguồn lực đã tồn tại và vươn xa trong nhiều thập niên, cho đến khi xuất hiện một nhóm các nhà triết học, các doanh nhân, những người nông dân, ngư dân, những người dân quê sống ở các vùng biên giới, các nhà văn, nhà diễn thuyết dám đứng lên nói ra sự thật.
Từ ngữ. Tôi cứ nghĩ mãi về đến sức mạnh của từ ngữ khi rót cho mình một tách cà phê, quay lại văn phòng và ngồi trước máy tính. Ra khỏi trang web của CNN và quay trở lại với tập tài liệu tôi đang làm tối hôm qua. Tôi đọc lại khổ cuối cùng tôi đã viết: Câu chuyện này phải được kể ra. Chúng ta đang sống trong thời đại của những cuộc khủng hoảng trầm trọng - và cả của những cơ hội vô cùng lớn lao.
Câu chuyện về sát thủ kinh tế này kể lại công việc chúng tôi đã vươn tới vị trí hiện tại như thế nào và tại sao giờ đây chúng tôi phải đối mặt với những cuộc khủng hoảng tưởng chừng không thể vượt qua. Cần phải kể ra câu chuyện này bởi vì chỉ khi chúng ta hiểu ra những sai lầm trong quá khứ, chúng ta mới có thể tận dụng những được những cơ hội trong tương lai; bởi sự kiện 11/9 đã xảy ra, và chiến tranh Iraq lần thứ 2 cũng đã xảy ra; bởi vì ngoài 3000 người đã chết vào ngày 11/9/2001, mỗi ngày còn có thêm 24000 người chết đói, vì họ không thể kiếm nổi thức ăn(1).
Quan trọng nhất là, câu chuyện này cần phải được kể ra vì đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một quốc gia có đủ khả năng, tiền bạc và quyền lực để thay đổi tất cả những điều này. Đó là quốc gia đã sinh ra tôi và tôi đã từng phụng sự với vai trò là một EHM: Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Lần này tôi sẽ không dừng lại. Những gì tôi đã làm mỗi khi gặp các sự kiện ngẫu nhiên trong cuộc đời đã đưa tôi đến ngày hôm nay. Tôi phải tiến lên phía trước. Tôi lại nghĩ về người anh hùng đó, người kỵ sỹ đã một mình phi ngựa qua những dãy phố tối tăm của New England và thét to lời cảnh tỉnh.
Người thợ bạc đó biết rằng những từ ngữ của Paine và Jeffeson đã đi trước anh, rằng nhà nhà, người người đều đang đọc những từ ngữ đó và tranh luận với nhau về chúng trong một quán rượu. Paine đã chỉ ra sự thật về sự chuyên chế của đế chế Anh. Jeffeson đã tuyên bố đất nước chúng tôi đã nguyện trung thành với những nguyên tắc cơ bản về cuộc sống, quyền tự do và sự mưu cầu hạnh phúc. Và Revere, khi phi ngựa xuyên qua màn đêm, cũng hiểu rằng những người đàn ông, đàn bà trên khắp các thuộc địa đang được những từ ngữ đó tiếp thêm sức mạnh. Họ sẽ vùng lên và chiến đấu vì một thế giới tốt đẹp hơn.
Từ ngữ... Tôi không cho phép mình chần chừ thêm nữa. Tôi quyết định phải kết thúc cái việc mà tôi đã định làm rất nhiều lần trong những năm qua để nói hết, để thú tội - và viết những từ ngữ trong cuốn sách này.
Ghi chú:
1. Thống kê về nợ quốc gia từ Vụ công nợ, được báo cáo tại www.publicdebt.treas.gov/opdpenny.htm; thống kê tài khoản quốc gia từ Ngân hàng Thế giới tại www.worldbank.org/data/databytopic/GNIPC.pdf.
2. Elizabeth Becker và Richard A. Oppel, Một quốc gia đang có chiến tranh: Tái kiến thiết. Mỹ đưa Bechtel một hợp đồng chính để tái kiến thiết Iraq, tờ Thời báo New York, ngày 18/4/2003, http:// www.nytimes.com/2003/04/18/ quốc tế / chuyên mục quốc tế đặc biệt / 18REBU.html.
3. Richard A. Oppel với Diana B. Henriques, Một quốc gia đang có chiến tranh: Nhà thầu Công ty có mối quan hệ với Washington, và với Iraq, tờ Thời báo New York, ngày 18/4/2003, http:// www.nytimes.com/2003/04/18/ quốc tế / chuyên mục quốc tế đặc biệt / 18REBU.html.
4. http://money.cnn.com/2003/04/17/news/companies/war-bechtel/index.htm. Phần kết Quản lý thông tin về năng lượng, tờ Nước Mỹ ngày nay, ngày 1/3/2004, trang 1.
Lời Thú Tội Của Một Sát Thủ Kinh Tế Lời Thú Tội Của Một Sát Thủ Kinh Tế - John Perkins Lời Thú Tội Của Một Sát Thủ Kinh Tế