Đôi khi cố gắng hết sức cũng chưa đủ, mà còn phải làm những gì cần làm.

Sir Winston Churchill

 
 
 
 
 
Tác giả: John Perkins
Nguyên tác: Confessions Of An Economic Hit Man
Dịch giả: Lê Đồng Tâm
Biên tập: Quyen Thuy
Upload bìa: Viet Quang Luong
Số chương: 38
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 261 / 76
Cập nhật: 2020-06-28 13:34:21 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 18: Vụ rửa tiền của Ảrập Xêút
Năm 1974, một nhà ngoại giao Ảrập Xêút cho chúng tôi xem các bức ảnh của Riyadh, thủ đô của đất nước ông ta. Trong số đó có hình một đàn dê đang lục lọi đống rác thải bên ngoài một tòa nhà chính phủ. Khi tôi hỏi nhà ngoại giao về chúng, câu trả lời của ông ta khiến tôi sửng sốt. Ông ta bảo chúng chính là hệ thống xử lý rác thải chủ yếu của thành phố này. “Không một người dân Ảrập Xêút có lòng tự trọng nào lại chịu đi thu lượm rác.” Ông ta nói. “Chúng tôi để việc đó cho súc vật.” Cho ngân hàng con dê! Tại thủ đô của vương quốc dầu lửa lớn nhất thế giới này. Thật khó mà tin nổi. Vào thời điểm đó, tôi đang làm việc trong nhóm chuyên gia tư vấn.
Chúng tôi cũng chỉ vừa mới hợp lại để cố gắng chắp vá mọi sự kiện hòng tìm ra một giải pháp cho cuộc khủng hoảng dầu lửa. Những con dê đó hóa ra lại gợi ý cho tôi một giải pháp, nhất là khi tôi đã biết đường lối phát triển của quốc gia này trong suốt 3 thế kỷ trước. Lịch sử của Ảrập Xêút đầy rẫy bạo lực và sự cuồng tín tôn giáo. Vào thế kỷ thứ XVIII, Muhammad Ibn Saud, Tổng chỉ huy quân đội địa phương đã liên kết với nhóm những người theo trào lưu chính thống từ phái bảo thủ cực đoan Wahhabi. Liên minh này rất mạnh. Trong suốt 200 năm tiếp theo, gia đình Saud và đồng mình Wahhabi đã chinh phục hầu khắp bán đảo Ảrập, trong đó có cả những thánh địa linh thiêng nhất của đạo Hồi là Mecca và Medina.
Xã hội Ảrập Xêút phản ánh chủ nghĩa lý tưởng khắt khe của những người sáng lập ra nó và sự tuân thủ chặt chẽ tín ngưỡng kinh Koran. Cảnh sát đạo giáo đảm bảo việc thực hiện chặt chẽ nghi lễ cầu nguyện 5 lần mỗi ngày. Phụ nữ bắt buộc phải che mạng từ đầu đến chân. Hình phạt đối với tội phạm rất hà khắc; hành hình và ném đá công khai rất phổ biến. Lần đầu đến Riyadh, tôi cực kỳ ngạc nhiên khi lái xe nói tôi có thể để máy ảnh, cặp số và thậm chí là cả ví ở trong xe đậu ngay gần chợ trời mà không cần khóa. Anh ta bảo: “Ở đây chẳng ai dám nghĩ đến chuyện ăn cắp. Những kẻ ăn trộm sẽ bị chặt tay.”
Cũng trong ngày hôm đó, anh ta hỏi tôi có muốn đi thăm nơi gọi là Quảng trường Chop Chop và xem xử tử chặt đầu không. Lòng trung thành triệt để của chế độ Wahhabi với cái mà chúng tôi coi là chủ nghĩa đạo đức cực đoan đã quét sạch trộm cắp ở thành phố này, đồng thời đặt ra những hình phạt thể xác tàn nhẫn nhất đối với những người vi phạm pháp luật. Tôi từ chối lời mời đó.
Các cách người Ảrập coi tôn giáo là một nhân tố quan trọng của chính trị và kinh tế đã góp phần đưa đến lệnh cấm vận dầu mỏ làm rung chuyển cả thế giới phương Tây. Ngày 6 tháng 10 năm 1973 (ngày Yom Kippur, ngày lễ thiêng liêng nhất của người Do Thái), Ai Cập và Xiri đã đồng loạt tấn công vào Israen.
Đó là màn khởi đầu cho cuộc chiến tranh tháng mười - cuộc chiến thứ 4, và cũng là cuộc chiến tàn khốc nhất trong số các cuộc chiến giữa Ảrập - Israen, có ảnh hưởng sâu rộng nhất đến toàn thế giới. Tổng thống Ai Cập Sadat ép vua Faisal của Ảrập Xêút sử dụng cái mà Sadat gọi là “vũ khí dầu lửa” để trả đũa Mỹ vì tội đồng lõa với Israen. Ngày 16 tháng 10, Iran và 5 quốc gia vùng vịnh Ảrập, trong đó có cả Ảrập Xêút, đồng loạt công bố tăng 70% giá dầu niêm yết. Trong cuộc gặp mặt tại thành phố Côoét, các bộ trưởng dầu mỏ của Ảrập tiếp tục bàn luận về các phương án tiếp theo. Bộ trưởng Irắc ủng hộ mạnh mẽ việc tấn công vào Hoa Kỳ. Ông ta kêu gọi các nước còn lại tiến hành quốc hữu hóa các công ty Mỹ đang hoạt động trong thế giới Ảrập, ra lệnh cấm vận dầu mỏ hoàn toàn với Mỹ và với tất cả những quốc gia khác có quan hệ thân thiết với Israen, đồng thời rút tất cả tiền vốn của Ảrập ra khỏi các ngân hàng Mỹ.
Ông ta chỉ ra rằng, các tài khoản ngân hàng của người Ảrập là rất lớn và vì thế hành động này có thể dẫn đến một thảm họa kinh hoàng, hoàn toàn khác với những gì xảy ra năm 1929. Bộ trưởng các nước Ảrập khác không hẳn hài lòng với một kế hoạch quyết liệt đến vậy. Song vào ngày 17 tháng 10, họ quyết định tiến thêm một bước bằng cách thực hiện một lệnh cấm vận dầu hà khắc hơn, bắt đầu bằng việc cắt giảm 5% sản lượng, và sau đó hàng tháng giảm thêm 5% nữa cho đến chừng nào đạt được các mục tiêu chính trị của mình. Họ nhất trí là cần phải trừng phạt Mỹ vì đã ủng hộ Israen và nên áp dụng lệnh trừng phạt Mỹ vì đã ủng hộ Israen và nên áp dụng lệnh trừng phạt nghiêm khắc nhất đối với Mỹ.
Rất nhiều nước tham dự cuộc họp còn tuyên bố họ sẽ thực hiện lệnh cắt giảm 10% thay vì 5% sản lượng dầu nước mình. Ngày 19 tháng 10, Tổng thống Nixon đề nghị Quốc hội viện trợ 2,2 tỷ USD cho Israen. Ngay ngày hôm sau, Ảrập Xêút và các nước sản xuất dầu mỏ Ảrập khác áp đặt lệnh cấm vận dầu hoàn toàn với Mỹ. Lệnh cấm vận chấm dứt ngày 18 tháng 3 năm 1974. mặc dù thời gian diễn ra lệnh cấm vận rất ngắn, nhưng ảnh hưởng của nó lại vô cùng to lớn. Giá bán dầu của Ảrập Xêút nhảy vọt, từ mức 1,39 USD/thùng ngày 1 tháng 1 năm 1970 lên đến 9,32 USD/thùng vào ngày 1 tháng 1 năm 1974. Các chính trị gia và chính quyền nhiều nước sau này không bao giờ có thể quên những bài học rút ra trong suốt thời gian từ đầu đến giữa những năm 70. Về lâu dài, những chấn động mà giai đoạn ngắn ngủi này để lại đã củng cố chế độ tập đoàn trị. Ba trụ cột của nó là các tập đoàn lớn, các ngân hàng quốc tế và các chính phủ - trở nên gắn kết hơn bao giờ hết. Và sự gắn kết đó sẽ còn tồn tại lâu dài. Lệnh cấm vận đã đưa đến những đổi thay quan trọng trong thái độ và chính sách của Mỹ.
Nó khiến Wall Street và Washington hiểu rằng, khó mà có thể chịu đựng thêm một lệnh cấm vận như vậy nữa. Trước đó, nhiệm vụ bảo vệ nguồn cung cấp dầu đã luôn là một ưu tiên đối với nước Mỹ. Nhưng từ sau năm 1973, nó thực sự trở thành một nỗi ám ảnh. Lệnh cấm vận đã nâng cao vị thế của Ảrập Xêút trên trường quốc tế, buộc Washington công nhận tầm quan trọng mang tính chiến lược của vương quốc này đối với Mỹ. Còn nữa, nó hối thúc lãnh đạo các tập đoàn Mỹ tìm mọi cách để đưa những đồng đô la dầu mỏ trở lại Mỹ, đồng thời suy nghĩ đến một thực tế là Chính phủ Ảrập Xêút còn chưa có được những khung khổ thể chế và hành chính đủ để quản lý nguồn tài nguyên đang không ngừng sinh sôi nảy nở của nước này. Đối với Ảrập Xêút, nguồn thu có thêm được từ cú tăng giá dầu mang lại cả điều tốt và điều xấu. Hàng tỷ đô la đổ vào ngân khố quốc gia. Nhưng nó cũng làm xói mòn đi những đức tin khắt khe của Wahhabi. Những người Ảrập Xêút giàu có đi du lịch khắp thế giới.
Họ đi học ở Châu Âu và Mỹ. Họ mua những chiếc ôtô đắt tiền và trang hoàng nhà cửa bằng những đồ đạc kiểu dáng Châu Âu. Các đức tin tôn giáo bảo thủ được thay bằng một hình thức mới của chủ nghĩa vật chất. Chính chủ nghĩa vật chất này mang đến một giải pháp cho nỗi lo về các cuộc khủng hoảng dầu mỏ trong tương lai. Sau khi lệnh cấm vận được bãi bỏ, gần như ngay lập tức, Mỹ bắt tay vào việc đàm phán với Ảrập Xêút, đề nghị họ để Mỹ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, vũ khí hạng nặng và đào tạo, và chuẩn bị để đưa đất nước này bước vào thế kỷ XX. Đổi lại, Mỹ thu hồi được những đồng đô la dầu mỏ và quan trọng nhất là đảm bảo rằng sẽ không bao giờ xảy ra cấm vận nữa.
Kết quả của các cuộc đàm phán là sự ra đời một tổ chức đặc biệt là Ủy ban Kinh tế chung Mỹ - Ảrập Xêút. Được biết đến với cái tên JECOR, tổ chức này hàm chứa một khái niệm mới, hoàn toàn đối lập với các chương trình viện trợ nước ngoài truyền thống: nó lấy tiền của Ảrập Xêút để thuê các công ty Mỹ xây dựng Ảrập Xêút. Mặc dù trách nhiệm chung về tài chính và quản lý được giao cho Bộ Tài chính Mỹ, song Ủy ban hoàn toàn độc lập. Về cơ bản, Ủy ban có thể chi tiêu hàng tỷ đô la trong khoảng thời gian hơn 25 năm mà hoàn toàn không bị Quốc hội giám sát. Mặc dù Bộ Tài chính có chân trong Ủy ban này nhưng do Mỹ không bỏ vốn vào đây nên Quốc hội không có quyền quyết định. Sau khi nghiên cứu kỹ về JECOR, David Holden và Richard Johns đã kết luận “Đó là thỏa thuận có ảnh hưởng sâu sắc nhất trong số những thỏa thuận thuộc loại này mà Mỹ từng ký với một nước đang phát triển. Nó giúp Mỹ bám rễ ở vương quốc này, và củng cố khái niệm về sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia.” Bộ Tài chính đã để MAIN tham gia ngay từ đầu với vai trò cố vấn.
Người ta gọi tôi lên và thông báo rằng nhiệm vụ của tôi là tối quan trọng và rằng mọi thứ tôi làm và học được phải giữ kín tuyệt đối. Nhìn từ vị trí của tôi thì đó có vẻ như là một hoạt động bí mật. Người ta khiến tôi tin rằng MAIN là công ty tư vấn tiên phong trong quá trình đó. Nhưng về sau tôi nhận ra rằng, chúng tôi chỉ là một trong rất nhiều công ty tư vấn có năng lực mà người ta tìm đến. Do mọi thứ được tiến hành hết sức bí mật nên tôi không tham gia vào các cuộc thảo luận của Bộ Tài chính với các nhà tư vấn khác. Vì thế, tôi không chắc về tầm quan trọng của mình trong phi vụ chưa từng có này. Tôi không biết rằng thỏa thuận này đã thiết lập nên những chuẩn mực mới cho các EHM, và đưa vào áp dụng rất nhiều phương án sáng tạo so với những phương pháp truyền thống nhằm thúc đẩy các lợi ích của đế chế. Tôi cũng biết rằng, hầu hết các kịch bản có được từ các nghiên cứu của tôi về cơ bản đều đã được thực hiện, rằng MAIN đã có trong tay một trong những hợp đồng quan trọng đầu tiên - và có lẽ là béo bở nhất ở Ảrập Xêút. Năm đó tôi được thưởng một khoản lớn. Công việc của tôi là đưa ra các dự báo về những gì có thể xảy ra ở Ảrập Xêút nếu đầu tư những khoản tiền khổng lồ cho cơ sở hạ tầng, và dựng nên các kịch bản về việc sử dụng số tiền đó. Tóm lại, người ta yêu cầu tôi phát huy tối đa sức sáng tạo để biện minh cho việc đổ hàng trăm triệu đô la vào Ảrập Xêút, với điều kiện để cho các công ty xây dựng và công trình Mỹ được tham gia. Người ta yêu cầu tôi phải tự làm công việc này, không nhờ đến các nhân viên của tôi. Tôi phải làm việc trong một phòng họp nhỏ cách ban tôi vài tầng.
Người ta căn dặn tôi rằng, công việc của tôi không chỉ là vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia mà còn rất có lợi cho MAIN. Tất nhiên tôi hiểu rằng mục đích chính ở đây không phải như thường lệ - là trút gánh nặng nợ nần lên quốc gia này khiến cho nó không bao giờ trả được hết nợ mà là tôi phải tìm cách kéo phần lớn những đồng đô la dầu mỏ quay trở lại Mỹ. Dần dần, Ảrập Xêút sẽ bị lôi kéo theo. Nền kinh tế nước này sẽ càng ngày càng Tây hóa và vì thế mà sẽ dễ đồng cảm hơn và hội nhập sâu hơn vào hệ thống của chúng tôi. Đến khi bắt tay vào việc tôi mới nhận ra rằng, những đàn dê lang thang trên đường phố thủ đô Riyadh là điểm then chốt mang tính biểu tượng. Chúng động đến lòng tự trọng của những người Ảrập Xêút giàu có đang đi du lịch khắp thế giới bằng chuyên cơ.
Những đàn dê phải được thay thế bằng cái gì đó tương xứng hơn với một vương quốc trên sa mạc đang khao khát gia nhập thế giới hiện đại. Tôi cũng biết rằng các nhà kinh tế của OPEC đang nhấn mạnh đến việc các nước giàu dầu lửa phải sản xuất được nhiều hơn những sản phẩm có nguồn gốc từ dầu mỏ để bán cho các nước khác trên thế giới với giá cao hơn nhiều giá bán dầu thô. Sự nhận thức đồng thời này mở đường cho một chiến lược mà tôi đoán sẽ mang lại lợi ích cho tất cả mọi người. Tất nhiên, những con dê chỉ là điểm khởi đầu. Có thể dùng nguồn thu từ dầu mỏ để thuê các công ty Mỹ thay thế những con dê kia bằng hệ thống thu gom và xử lý rác thải hiện đại nhất thế giới. Người Ảrập sẽ hãnh diện vì thứ công nghệ tối tân này. Tôi chuyển sang nghĩ về những con dê như một vế của một phương trình có thể áp dụng vào hầu hết các lĩnh vực kinh tế của vương quốc này, một công thức để có được thành công trong mắt của Hoàng gia, Bộ Tài chính Mỹ và sếp của tôi ở MAIN. Theo công thức này, người ta sẽ dùng tiền để xây dựng một ngành công nghiệp chuyên biến dầu thô thành các thành phẩm phục vụ xuất khẩu. Các tổ hợp hóa dầu lớn sẽ mọc lên trên sa mạc này và quanh đó là những khu công nghiệp lớn.
Tất nhiên là một dự án như vậy cũng đòi hỏi phải xây dựng các nhà máy điện với công suất hàng ngàn megawat, các đường dây truyền tải và phân phối điện, đường cao tốc, đường ống dẫn dầu, các mạng lưới viễn thông, các hệ thống giao thông, trong đó có cả các sân bay mới, các cảng biển đã được cải tạo, hàng loạt các ngành dịch vụ và cơ sở hạ tầng cần thiết để tất cả các mắt xích trong guồng máy này quay đều. Tất cả chúng tôi đều hy vọng, kế hoạch này sẽ trở thành một hình mẫu cho tất cả các nước khác trên thế giới. Người Ảrập rong ruổi khắp thế giới sẽ ngợi ca chúng tôi. Họ sẽ mời lãnh đạo nhiều nước đến thăm Ảrập Xêút và chứng kiến sự kỳ diệu mà chúng tôi đã tạo ra. Những nhà lãnh đạo này sau đó sẽ mời chúng tôi giúp họ thiết kế những dự án tương tự cho đất nước họ và hầu hết là các nước nằm ngoài khối OPEC. Họ sẽ tìm đến Ngân hàng Thế giới hay các biện pháp vay nặng lãi khác để tài trợ cho những dự án kiểu đó.
Tất cả đều phụng sự cho sự phát triển của đế chế toàn cầu. Khi cân nhắc những ý tưởng này, tôi nghĩ về những con dê, và lời nói của người tài xế vẫn văng vẳng bên tai: “Chẳng một người Ảrập Xêút có lòng tự trọng nào lại làm nghề thu gom rác.” Tôi thấy điệp khúc này lặp đi lặp lại rất nhiều lần trong những hoàn cảnh khác nhau. Rõ ràng là người Ảrập Xêút không hề có ý định để người dân nước mình đi làm công, cho dù là lao động trong các khu công nghiệp hay ở các công trường xây dựng của bất kỳ dự án nào. Trước tiên là vì họ có quá ít dân.
Hơn nữa, Hoàng gia Ảrập Xêút đã cam kết mang lại cho thần dân của họ trình độ giáo dục và lối sống hoàn toàn không phù hợp với những công việc lao động chân tay kiểu đó. Người Ảrập Xêút có thể quản lý người khác, song họ chẳng mong muốn hay có động lực trở thành công nhân xây dựng hay làm việc trong các nhà máy. Vì thế, cần phải nhập khẩu lao động từ các quốc gia khác - nơi có giá nhân công rẻ và người dân cần việc làm. Nếu có thể thì tốt nhất là các nước Trung Đông hay Hồi giáo khác như Ai Cập, Palestin, Pakistan và Yêmen. Triển vọng này còn làm nảy sinh một mưu đồ mới về các cơ hội phát triển lớn hơn rất nhiều. Các lao động này cần phải có những khu nhà khổng lồ, các trung tâm mua sắm, các bệnh viện, các sở cảnh sát, cứu hỏa, các nhà máy nước và xử lý nước thải, mạng lưới điện, viễn thông và giao thông. Kết cục là những thành phố hiện đại sẽ mọc lên ở nơi đã từng là sa mạc. Rồi cũng sẽ có cơ hội để khám phá các công nghệ mới nổi lên như các nhà máy khử mặn, các hệ thống sử dụng sóng viba, các khu chăm sóc sức khỏe và công nghệ thông tin. Ảrập Xêút là nơi biến giấc mơ của các nhà kế hoạch thành sự thực, và hiện thực hóa bất kỳ ý tưởng kinh doanh nào trong lĩnh vực xây dựng và công trình. Nó mang lại cơ hội làm giàu chưa từng có trong lịch sử: Một nước kém phát triển, với nguồn tài chính vô hạn và một khao khát tiến sang kỷ nguyên hiện đại một cách hết sức nhanh chóng và với quy mô lớn.
Tôi phải thừa nhận rằng tôi rất thích công việc này. Chẳng hề có số liệu đáng tin cậy nào ở Ảrập Xêút, ở Thư viện Công cộng Boston hay ở bất cứ đâu để có thể nghĩ đến việc dùng các mô hình dự báo kinh tế ở đây cả. Song, thực tế là, bản chất của công việc này- tức là việc ngay lập tức chuyển đổi toàn bộ một quốc gia trên một quy mô chưa từng có - cũng cho thấy, ngay cả nếu có được các số liệu lịch sử, thì các số liệu đó cũng chẳng giúp ích được gì. Hẳn là chưa ai từng nghĩ đến một phân tích định lượng kiểu này, ít nhất là vào thời điểm đó. Đơn giản là tôi vận dụng trí tưởng tượng của mình để viết ra các báo cáo, trong đó dựng nên triển vọng về một tương lai xán lạn cho vương quốc này. Tôi có các số liệu theo kinh nghiệm mà tôi có thể dùng để ước tính một số thứ như chi phí sơ bộ để sản xuất ra một mêgawatt điện, làm một dặm đường, hoặc khối lượng nước sạch, nước thải, nhà ở, lương thực và các dịch vụ công cộng khác cần cho một người lao động. Tôi không phải hoàn thiện những con số dự toán này hay đưa ra kết luận cuối cùng nào. Công việc của tôi chỉ đơn giản là miêu tả một loạt các kế hoạch (hay chính xác hơn có lẽ là những viễn cảnh) về những gì khả thi, và đi đến những ước tính sơ bộ về chi phí cần thiết. Tôi luôn ghi nhớ những mục tiêu cuối cùng: tối đa hóa lượng tiền trả cho các công ty Mỹ và làm cho Ảrập Xêút ngày càng phụ thuộc nhiều vào Mỹ.
Chẳng mất nhiều thời gian mới thấy được mối quan hệ khăng khít giữa hai nước. Gần như tất cả các dự án mới triển khai đều đòi hỏi phải được bảo dưỡng và nâng cấp thường xuyên. Vì những dự án này lại đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao nên không có cách nào khác là chính các công ty đã xây dựng chúng sẽ phải bảo dưỡng và hiện đại hóa chúng. Thực tế, khi triển khai công việc, tôi bắt đầu ghép 2 danh sách cho mỗi dự án mà tôi hình dung ra: một dùng cho các loại hợp đồng thiết kế và xây dựng mà chúng tôi hy vọng sẽ có được; và một là các thỏa thuận về quản lý và bảo dưỡng dài hạn. MAIN, Bechtel, Brown & Root, Halliburton, Stone&Webster, cùng nhiều kỹ sư và nhà thầu khác của Mỹ rồi sẽ kiếm được những khoản tiền kếch xù trong nhiều thập niên tới.
Ngoài lý do kinh tế đơn thuần, còn có một lý do nữa khiến Ảrập Xêút phải phụ thuộc vào chúng tôi dù ở một góc độ hoàn toàn khác khi mà quá trình hiện đại hóa vương quốc dầu lửa này tạo ra những phản ứng tiêu cực. Chẳng hạn, những người Hồi giáo bảo thủ có thể sẽ tức giận. Israen và các quốc gia láng giếng cũng sẽ cảm thấy bị đe dọa. Sự phát triển kinh tế của nước này sẽ kéo theo sự phát triển một ngành khác: đó là bảo vệ bán đảo Ảrập. Các công ty tư nhân chuyên về các hoạt động này cũng như quân đội Mỹ và công nghiệp quốc phòng có thể được những hợp đồng béo bở - và một lần nữa, các hợp đồng về quản lý và dịch vụ lâu dài. Sự xuất hiện các công ty này đòi hỏi các dự án công trình xây dựng, bao gồm sân bay, bãi phóng tên lửa, nhân sự và tất cả cơ sở hạ tầng gắn liền với các cơ sở trên phải bước sang một giai đoạn mới.
Tôi gửi báo cáo trong phong bì niêm phong kín qua hòm thư nội bộ, tới “Giám đốc Dự án - Bộ Tài chính.” Thỉnh thoảng tôi gặp vài thành viên khác trong nhóm - các phó chủ tịch của MAIN và sếp của tôi. Do dự án này chưa có tên chính thức vì còn đang ở trong giai đoạn nghiên cứu và phát triển, chưa trở thành một bộ phận của JECOR nên chúng tôi chỉ nhắc tới - mà cũng rất kín đáo - dưới cái tên là SAMA. Có vẻ như tên này cũng là một cách chơi chữ: Ngân hàng Trung ương của Ảrập Xêút được gọi là Cơ quan tiền tệ Ảrập Xêút, hay SAMA. Thỉnh thoảng một quan chức Bộ Tài chính cũng tham dự các cuộc thảo luận cùng chúng tôi. Trong những cuộc họp như vậy, tôi thường rất ít khi đặt câu hỏi. Chủ yếu là tôi báo cáo công việc của mình, trả lời các nhận xét của họ và hứa sẽ cố gắng thực hiện những gì được yêu cầu. Các vị phó chủ tịch MAIN và vị quan chức Bộ Tài chính rất ấn tượng với ý tưởng về các hợp đồng quản lý và dịch vụ dài hạn của tôi. Chính ý tưởng đó đã gợi ý cho một vị phó chủ tịch sáng tạo ra một cụm từ mà về sau chúng tôi vẫn thường sử dụng khi ông ví von vương quốc này như “con bò cái mà chúng ta có thể vắt sữa cho đến khi về hưu.” Với riêng tôi, cụm từ đó luôn gợi nhớ tới hình ảnh những con dê hơn là con bò.
Chính những cuộc họp đó khiến tôi nhận ra rằng, rất nhiều đối thủ của chúng tôi cũng đang tiến hành các công việc tương tự, và rằng cuối cùng tất cả chúng tôi đều mong muốn giành được những hợp đồng béo bở để đền đáp cho những nỗ lực của mình. Tôi cho rằng MAIN và cả các hãng khác đều dám thách thức những rủi ro ngắn hạn để đầu tư cho bước đi bắt đầu này. Điều này cũng đúng với thực tế là tôi chấm công cho mình dưới tên một công việc chung chung là quản lý hành chính và tổng hợp. Đây vẫn là cách làm phổ biến trong giai đoạn chuẩn bị nghiên cứu triển khai của hầu hết các dự án. Trong trường hợp này, khoản đầu tư bắt đầu vượt xa so với tiêu chuẩn, song các vị phó chủ tịch có vẻ như rất tin tưởng vào số tiền sẽ thu lại được sau này. Mặc dù biết rằng các đối thủ cạnh tranh của chúng tôi cũng tham gia, song tất cả chúng tôi đều tin sẽ có đủ công việc cho tất cả. Kinh nghiệm lâu năm trong nghề giúp tôi tin rằng, phần thưởng giành được sẽ phản ánh mức độ hài lòng của Bộ Tài chính đối với những công việc mà chúng tôi đã làm.
Chuyên gia tư vấn nào có công tìm ra các giải pháp được chọn thực hiện sẽ có được những hợp đồng béo bở. Tôi coi việc xây dựng các kịch bản làm sao để chúng được đưa vào thiết kế và xây dựng thực sự là một thách thức đối với bản thân. Không cần cái đó thì vị trí của tôi ở MAIN cũng đang được đánh giá rất cao rồi. Đóng vai trò quan trọng trong dự án SAMA sẽ đảm bảo cho sự thăng tiến đó, nếu chúng tôi thành công.
Trong các cuộc họp, chúng tôi cũng thảo luận rất cởi mở về khả năng SAMA và toàn bộ hoạt động của JECOR sẽ mở ra một tiền lệ mới. Đó là cách làm sáng tạo nhằm có được những công trình có lợi ở những nước không phải vay nợ qua các ngân hàng quốc tế. Iran và Iraq là 2 ví dụ rõ ràng nữa về những nước như vậy. Hơn nữa, căn cứ vào bản chất của con người, chúng tôi thấy hẳn là lãnh đạo các nước này rồi sẽ có động lực để cạnh tranh với Ảrập Xêút. Không nghi ngờ gì nữa, lệnh cấm vận dầu mỏ năm 1973 - mà bắt đầu tưởng như sẽ có tác động rất tiêu cực - cuối cùng lại mang đến những món quà bất ngờ cho các công ty công trình và xây dựng, và để cho đế chế toàn cầu rộng đường phát triển. Tôi còn tiếp tục nghiên cứu giai đoạn chiến lược đó trong khoảng 8 tháng nữa - mặc dù mỗi lần tập trung không quá vài ngày. Tôi tự giam mình trong phòng họp riêng hay trong căn hộ nhìn ra Boston Common. Các nhân viên của tôi đều có việc khác để làm và tự làm cả, mặc dù định kỳ tôi vẫn kiểm tra công việc của họ. Dần dần thì bí mật xung quanh công việc của chúng tôi cũng bớt đi.
Ngày càng có nhiều người biết là đang có một điều gì đó lớn lao liên quan đến Ảrập Xêút dang diễn ra. Không khí náo nhiệt hẳn lên, khắp nơi đều nghe thấy những lời đồn đại. Các phó chủ tịch và vị quan chức Bộ Tài chính cũng trở nên cởi mở hơn - tôi tin một phần là vì chính họ cũng chia sẻ nhiều thông tin hơn khi xuất hiện thêm các chi tiết về kế hoạch tài chính này. Theo kế hoạch đang được triển khai, Washington muốn người Ảrập Xêút đảm bảo rằng, nguồn cung và giá dầu có thể dao động ở những mức khác nhau song phải ở mức chấp nhận được đối với Mỹ và đồng minh của Mỹ. Nếu các nước khác như Iran, Iraq, Inđônêxia hoặc Vênêzuêla đe dọa cấm vận thì Ảrập Xêút với nguồn dầu mỏ khổng lồ sẽ phải bù vào phần thiếu hụt đó. Đơn giản là, nếu biết họ làm điều đó, thì các nước khác về lâu dài sẽ chẳng còn muốn dù chỉ là nghĩ đến việc cấm vận dầu đối với Mỹ. Để có được sự đảm bảo này, Washington đề nghị với Hoàng gia Ảrập Xêút một thỏa thuận cực kỳ hấp dẫn: cam kết hỗ trợ hoàn toàn về chính trị và nếu cần cả quân sự để đảm bảo duy trì sự lãnh đạo của họ đối với nước này. Với vị trí địa lý đặc biệt của mình, trong điều kiện không đủ tiềm lực quân sự, và dễ bị các nước xung quanh như Iran, Iraq, Syria và Israel gây khó dễ, Hoàng gia Ảrập Xêút khó có thể từ chối lời đề nghị này. Vì thế mà, hiển nhiên Mỹ đã dùng lợi thế của mình để đặt ra một điều kiện tối quan trọng khác nữa, nhằm xác định lại vai trò của EHM trên thế giới và coi đó như một hình mẫu để sau đó Mỹ sẽ cố áp dụng tiếp ở những nước khác, mà đáng chú ý nhất là ở Iraq. Khi nhìn lại quá khứ, đôi khi tôi thấy khó có thể hiểu nổi tại sao Ảrập Xêút lại có thể chấp nhận điều kiện này.
Dĩ nhiên là hầu hết các nước thuộc thế giới Ảrập, OPEC và các quốc gia Hồi giáo khác đều kinh hãi khi phát hiện ra các điều khoản của thỏa thuận trên và cái cách mà Hoàng gia Ảrập Xêút phục tùng các đòi hỏi của Washington. Điều kiện đó là Ảrập Xêút sẽ dùng đồng đôla dầu mỏ này mua trái phiếu Chính phủ Mỹ. Đổi lại, lợi tức có được từ các trái phiếu sẽ được Bộ Tài chính Mỹ sử dụng để đưa Ảrập Xêút chuyển từ một xã hội thời Trung cổ sang thế giới công nghiệp hóa hiện đại. Nói cách khác, lợi nhuận tích lũy được từ hàng tỷ đô la tiền bán dầu của các nước này sẽ được trả cho các công ty Mỹ để họ biến cái viễn cảnh mà tôi (và có lẽ cả một vài đối thủ cạnh tranh của tôi nữa) đã vạch ra để biến Ảrập Xêút trở thành một cường quốc công nghiệp hiện đại.
Bộ Tài chính Mỹ sẽ thuê chúng tôi xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng và thậm chí là cả các thành phố hoàn chỉnh trên khắp bán đảo Ảrập, Ảrập Xêút sẽ lo kinh phí. Mặc dù người Ảrập Xêút vẫn còn giữ quyền cung cấp đầu vào liên quan đến những mảng công việc chung của những dự án này, song thực tế là một nhóm các chuyên gia cao cấp nước ngoài (hầu hết là những người không theo đạo, trong con mắt của người Hồi giáo) sẽ quyết định diện mạo và cơ cấu kinh tế của bán đảo này trong tương lai. Điều này sẽ xảy ra ở một vương quốc, nơi có nền tảng là những nguyên tắc bảo thủ của Wahhabi và đã đi theo những nguyên tắc này trong nhiều thế kỷ.
Với họ, đó dường như là cả một bước nhảy vọt về lòng tin. Song trong hoàn cảnh đó, cộng thêm những áp lực về chính trị và quân sự mà Washington đang áp đặt, tôi ngờ rằng Hoàng gia Ảrập cũng biết họ chẳng còn sự lựa chọn nào khác. Theo quan điểm của chúng tôi, khả năng thu được lợi nhuận khổng lồ là vô hạn. Đó là một thỏa thuận ngọt ngào, có khả năng sẽ trở thành một tiền lệ đáng kinh ngạc. Thỏa thuận này còn hấp dẫn hơn nữa bởi không ai phải cần đến sự thông qua của Quốc hội - điều mà các công ty, đặc biệt là các công ty tư nhân như Bechtel và MAIN bất đắc dĩ mới làm vị họ chẳng muốn công khai sổ sách hay chia sẻ bí mật của mình cho bất cứ ai. Thomas W.Lippman, một học giả phụ tá ở Viện Nghiên cứu Trung Đông, trước đây từng là nhà báo, đã đanh thép tổng kết những điểm nổi bật của thỏa thuận này: “Dân Ảrập đang ngập trong tiền sẽ tung hàng triệu đô la cho Bộ Tài chính. Bộ Tài chính sẽ nắm chặt những đồng vốn này cho đến chừng nào phải trả nó cho các máy bán hàng tự động và người làm công. Và như vậy tiền của Ảrập Xêút luôn được đảm bảo là sẽ quay trở lại nền kinh tế Mỹ... Đồng thời, những người điều hành ủy ban có thể tiến hành bất kỳ dự án nào mà họ và chính quyền Ảrập Xêút thấy là có ích mà không phải giải trình trước Quốc hội”.
Xây dựng nên các thông số cho sứ mệnh lịch sử này gần như chẳng tốn thời gian gì mấy. Nhưng sau đó chúng tôi phải tìm cách để thực hiện nó. Để quá trình này đi vào hoạt động, ai đó ở cấp cao nhất trong Chính phủ đã được phái tới Ảrập Xêút - đây là một nhiệm vụ tối mật. Tôi không thể biết chắc nhưng tôi đoán đặc phái viên đó là Henry Kissinger.(ở đâu cũng thấy người quen;D) Dù cho đặc phái viên đó là ai thì công việc đầu tiên của ông ta cũng sẽ là nhắc nhở Hoàng gia về những gì đã xảy ra ở nước láng giềng Iran khi Mossadegh cố hất cẳng Anh khỏi những lợi ích từ dầu mỏ. Tiếp theo, ông ta sẽ phải vạch ra một kế hoạch hấp dẫn khiến họ khó lòng mà từ chối, mà thực tế là làm cho người Ảrập hiểu rằng họ chẳng còn lựa chọn nào khác. Không nghi ngờ gì nữa, họ chắc chắn đều ý thức sâu sắc rằng, hoặc là họ chấp nhận đề nghị của chúng tôi và nhờ thế có được sự đảm bảo rằng chúng tôi sẽ ủng hộ và bảo vệ với tư cách là người thống trị, hoặc họ có thể từ chối - và theo bước Mossadegh. Khi đặc phái viên trở về Washington, ông ta mang theo thông điệp là Ảrập Xêút chấp thuận đề nghị đó. Chỉ còn một trở ngại nhỏ.
Chúng tôi phải thuyết phục được người lãnh đạo then chốt trong chính quyền Ảrập Xêút. Song điều này theo chúng tôi được thông báo sẽ là vấn đề nội bộ gia đình. Ảrập Xêút không phải là một quốc gia dân chủ, song, trong nội bộ Hoàng gia Ảrập vẫn cần phải có sự đồng thuận. Năm 1975, tôi được cử tới gặp một trong những nhân vật chủ chốt trên. Tôi vẫn biết ông ta là hoàng tử W. Mặc dù tôi không biết rằng thực chất ông ta là một thái tử. Công việc của tôi là thuyết phục ông ta rằng, phi vụ rửa tiền ở Ảrập Xêút sẽ có lợi cho cả đất nước ông ta cũng như cho cá nhân ông ta. Chuyện này hóa ra không dễ như suy nghĩ ban đầu. Thái tử W. tự nhận mình là một người trung thành với đường lối của Wahhabi và khăng khăng rằng ông ta không muốn đất nước mình đi theo chân chủ nghĩa thương mại hóa phương Tây.
Ông ta cũng tuyên bố, ông ta hiểu rõ bản chất xảo quyệt đằng sau những gì chúng tôi đang đề xuất. Ông ta nói, mục đích của chúng tôi giống với mục đích của những kẻ thập tự chinh một thiên niên kỷ trước. Đó là truyền bá đạo Thiên chúa vào thế giới Ảrập. Thực ra thì ông ta cũng có phần đúng. Theo tôi, sự khác biệt giữa quân Thập tự chinh và chúng tôi chỉ là vấn đề mức độ. Những tín đồ Thiên chúa giáo thời Trung cổ của Châu Âu tuyên bố mục đích của họ là cứu người Hồi giáo khỏi nỗi thống khổ. Còn chúng tôi thì tuyên bố chúng tôi muốn giúp hiện đại hóa Ảrập Xêút. Sự thực thì, tôi tin rằng, những kẻ Thập tự chinh, cũng giống như chế độ tập đoàn trị, cả hai đều hướng tới mục tiêu mở rộng đế chế của mình.
Gạt những đức tin tôn giáo sang một bên, thái tử W. cũng có một điểm yếu - đó là ông ta rất mê phụ nữ tóc vàng. Có lẽ cũng khá lố bịch khi nói đến một thứ mà nay đã trở thành một khuynh hướng chẳng hay ho gì, song tôi cũng phải nói thêm rằng thái tử W. là người duy nhất trong số những người Ảrập Xêút mà tôi biết có khuynh hướng này, hoặc ít nhất cũng là người duy nhất cho tôi biết điều đó. Mặc dù vậy, điều đó đóng một vai trò quan trọng trong việc dựng nên phi vụ lịch sử này và nó cũng chứng tỏ tôi sẽ làm những gì để có thể hoàn thành sứ mạng của mình.
Ghi chú:
1. Để biết thêm về những sự kiện dẫn đến lệnh cấm vận dầu lửa năm 1973 và tác động của lệnh cấm này, mời xem: Thomas W. Lippman, Đằng sau ảo ảnh: Sự cộng tác lỏng lẻo với Ảrập Xêút (Boulder CO: Tạp chí Westview, 2004), trang 155- 159; Daniel Yergin, Phần thưởng Cuộc tìm kiếm trường kỳ dầu mỏ, tiền bạc và quyền lực (New York: Free Press, 1993);
2. Stephen Schneider, Cuộc cách mạng về giá dầu mỏ (Baltimore: Tạp chí của Trường Đại học Johns Hopkins, 1983);Ian Seymour, OPEC: Công cụ của sự thay đổi (London: McMillan, 1980)
3. Thomas W. Lippman, Đằng sau ảo ảnh: Sự cộng tác lỏng lẻo với Ảrập Xêút (Boulder CO: Tạp chí Westview, 2004), trang 160.
4. David Holder và Richard Johns, Ngôi nhà của Saud: Sự nổi lên và luật lệ của một đế chế hùng mạnh nhất trong thế giới Ảrập Xêút (New York: Holt Rinehart và Winston, 1981), trang 359.
5. Thomas W. Lippman, Đằng sau ảo ảnh: Sự cộng tác lỏng lẻo với Ảrập Xêút (Boulder CO: Tạp chí Westview, 2004), trang 167
Lời Thú Tội Của Một Sát Thủ Kinh Tế Lời Thú Tội Của Một Sát Thủ Kinh Tế - John Perkins Lời Thú Tội Của Một Sát Thủ Kinh Tế