A friend is someone who knows all about you and still loves you.

Elbert Hubbard

 
 
 
 
 
Tác giả: Lê Phú Khải
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Trần Bình
Upload bìa: hoang viet
Số chương: 23
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 43682 / 339
Cập nhật: 2023-04-08 21:55:05 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 7 (3) -Trở Về Đài Tiếng Nói Việt Nam
au ba năm làm việc ở Đài Phát thanh tỉnh Tiền Giang mà chủ yếu thời gian dùng để đọc sách của các tác giả như Hồ Bửu Chánh, Phi Vân (giải thưởng văn học Cần Thơ 1943), Sơn Nam, Nguyễn Hiến Lê… đi dậy viết tin viết bài cho các Đài truyền thanh các huyện và viết cho các báo như Nhân Dân, Văn Nghệ… Các đề tài tôi viết lúc đó rất cần cho đài, báo miền Bắc, vì đã gần 10 năm thống nhất đất nước các đài báo miền Bắc vẫn chỉ quanh quẩn các vấn đề của các tỉnh miền Bắc; luôn bị Ban bí thư phê phán là báo đài của “Thung lũng sông Hồng”! Đất nước ta tuy bé nhưng lại dài, từ Bắc vào Nam cả ngàn cây số, từ TP HCM xuống Cần Thơ trước đây phải qua hai con phà đã mất cả ngày đường. Dân trí thấp đã đành, “báo trí” của các nhà báo nước ta cũng đáng ngại vô cùng. Sự hiểu biết của các vị đó về Đồng bằng sông Cửu Long, vùng trọng điểm nông nghiệp rộng lớn của cả nước rất mơ hồ. Có vị ở báo Nhân Dân đi từ miệt dưới lên, đến Mỹ Tho ghé tôi chơi, sau vài câu hỏi thăm sức khỏe ông nói: Tôi mới ở Đồng Tháp Mười lên, ở dưới ấy vui lắm(!) Tôi hỏi Đồng Tháp Mười nào? Vị ấy trả lời: Ở dưới Cà Mau ấy! Hể cứ nói đến vùng đất hoang Đồng Tháp Mười là người ta hình dung nó ở xa lắm. Mà đã ở xa là phải ở tận Cà Mau! Người ta không hay trung tâm Đồng Tháp Mười là Mộc Hóa chỉ cách TP HCM đường chim bay 60-70 km. Hễ nói đến một vùng cây trái tập trung ở Nam Bộ là các vị ấy nghĩ ngay đến cây dừa ở Bến Tre!
Một lần, tôi viết về vùng chuyên canh cây khóm (dứa) ở tỉnh Kiên Giang có diện tích lớn nhất đồng bằng Nam Bộ. Khi viết tôi đã chú thích rất rõ là cây khóm Nam Bộ, miền Bắc gọi là cây dứa. Thế mà vị biên tập ở báo Nhân Dân đã gạch tuốt đi, chữa chữ “dứa” thành chữ “dừa”. Vậy là vùng dừa lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long không phải ở Bến Tre mà ở tận Kiên Giang! Một lần, tôi viết cái tin, một năm cồn Tân Long thuộc Mỹ Tho xuất khẩu được ba tấn vi cá. Có nghĩa là chỉ lấy cái vây con cá để xuất khẩu. Vậy là, phải đánh bắt được nhiều tấn cá quý mới lấy được ban tấn vi cá. Đến khi cái tin ấy được đăng trên trang nhất ở báo Nhân Dân, người ta đã “biên tập” lại, xóa chữ vi cá đi, chỉ là là “xuất khẩu ba tấn cá”. Có ai đời, một cái cồn giữa sông Tiền, biên chế một xã mà một năm chỉ xuất khầu có ba tấn cá mà cũng đưa lên trang nhất báo Nhân Dân! Thời đó, báo Nhân Dân quan trọng lắm, cán bộ lãnh đạo các tỉnh thành, huyện, xã đều đọc hàng ngày. Vì thế ở Mỹ Tho, các vị lãnh đạo bảo nhau, có lẽ thằng Phú Khải nó ăn tiền của bọn cồn Tân Long nên mới đăng tin xuất khẩu ba tấn cá, trong khi đó có đơn vị hàng năm xuất khẩu hàng ngàn tấn cá mà nó không đưa tin! Ra đến Hà Nội thì có người lại chửi (rủa) tôi: Mày cậy quen biết Hữu Thọ, Minh Tân ở báo Nhân Dân nên muốn viết gì thì viết à?! Thật là “oan thị Kính”! Nhưng chưa oan uổng bằng vụ “Cầu Mộc Hóa bắc qua sông Vàm Cỏ Tây”. Đó là nguyên văn đầu đề bài ghi nhanh tôi gửi ra báo Nhân Dân năm 1985, vào một dịp kỷ niệm một ngày lễ lớn trong năm (2-9). Vậy mà 8h sáng, trưởng Ban tuyên huấn tỉnh ủy Sáu Cao cầm tờ báo trong tay đến nhà tôi ở 316 Trần Hưng Đạo, Tp Mỹ Tho rủa: Cầu mới bắc qua Sông Tiền từ bao giờ thế Phú Khải? Tôi giở tờ báo ra xem, suýt ngất xỉu vì cái tít bài báo là: “Cầu mới bắc qua sông Tiền”! Đến 3h chiều ngày hôm đó thì tôi nhận được tin ông Hai Văn, phó chủ tịch tỉnh Long An nhắn: Phú Khải đừng qua Long An nữa, ông Tư Thân dọa gặp cậu sẽ bắn đó! Thì ra ông Tư Thân vốn là thiếu tướng quân đội, người dẫn đầu mũi tấn công thứ 5 từ miền Tây lên Sài Gòn vào ngày 30-4-1975. Tính nóng như lửa, khi đọc được bài báo đó, ông đã nói thế. Chả là trước đó vài ngày, ông có cho xe đón tôi từ Mỹ Tho qua Long An để dự lễ khánh thành cây cầu bê tông tiền áp dài 229,35 mét lớn nhất từ trước đến nay kể từ 1975, bắc qua sông Vàm Cỏ Tây ở địa phận Mộc Hóa nhằm phát triển kinh tế xã hội vùng Đồng Tháp Mười rộng lớn thuộc Long An. Báo viết như thế nên ông nổi nóng dọa bắn là phải! Tôi phải “bí mật” sang Long An gặp phó chủ tịch Hai Văn, đưa các bản lưu bài ghi nhanh cho Hai Văn xem, để “chạy tội”! Giữ lại bản lưu bài viết đó là kinh nghiệm xương máu của tôi, nhờ đó mà tôi “thoát nạn” nhiều lần sau này. Tôi không có máy chữ, viết bài trên giấy pơ-luya rồi đặt tờ giấy than bên dưới (như cô kế toán viết hóa đơn). Bao giờ cũng vậy, tôi gửi bản chính đi, giữ bản phụ lại. Hai Văn xem xong vui vẻ hứa “sẽ báo cáo lại Tư Thân”! Xin mở ngoặc nói ít chuyện về cái vùng Mộc Hóa lắm chuyện vui và ông chủ tịch tỉnh Tư Thân nóng tính như lửa. Ở Mộc Hóa có ông chủ tịch quê ở Cà Mau là Năm Tâm. Ông có một bản báo cáo hàng năm của huyện bằng 100 chữ mà chữ nào cũng bắt đầu bằng vần “L”!
Năm nào cũng bản báo cáo đó, chỉ đổi con số mà thôi. Có lần anh Hữu Thọ về Mộc Hóa thăm anh hùng lao động nông nghiệp Võ Thị Hồng, tôi dẫn anh đến nghe ông Năm Tâm đọc bản báo cáo đó để “cười bò ra”! Vậy mà trong một lần chủ tịch tỉnh Tư Thân dẫn các ban, ngành đi kiểm tra vùng Đồng Tháp Mười cả tuần lễ, chủ tịch huyện Năm Tâm dám đem bài báo 100 chữ L ấy ra đọc. Tư Thân nổi giận… Năm Tâm sau đó phải “trốn” không dám ló mặt. Chủ tịch Tư Thân cấm cả đoàn không ai được nhắc đến vần L của Năm Tâm làm mất tư thế đoàn kiểm tra! Đi trong vùng Đồng Tháp Mười chỉ có toàn nước phèn nên cả tuần nam giới chẳng ai dám tắm rửa, nước ngọt ở nhà khách ủy ban huyện phải để dành cho mấy chị trong đoàn, trong đó có bà Chín, trưởng Ty Y tế. Vậy mà bà Chín lại vô tình chê ông Tư ở dơ (bẩn). Vốn tính nóng như lửa, ông Tư quát: có ít nước ngọt dành cho chị rửa L hết rồi, còn chê bai tôi ở dơ nỗi gì! Thế là chính Tư Thân đã phá lệ, nhắc đến vần L! Cả đoàn lại lăn ra cười và báo cho Năm Tâm không phải lánh mặt nữa. Hình như ở cái vùng đất hoang vu này, con người phải biết cười vui để sống: vì đã “buồn lắm rồi, heo hút cô đơn lắm rồi…”.
Lại nói về cây cầu Mộc Hóa bắc qua sông Vàm Cỏ Tây. Hai Văn vốn là bạn với Hữu Thọ nên gọi điện mời Hữu Thọ vào Long An chơi. Ông đưa Hữu Thọ lên cầu Mộc Hóa, chỉ xuống sông hỏi Hữu Thọ: Sông này là sông gì? Trả lời: Sông Vàm Cỏ Tây! Hai Văn lại nói: Thế sao báo Nhân Dân lại bảo cầu Mộc Hóa bắc qua sông Tiền? Hữu Thọ lại bảo: Mình tưởng nó là một nhánh của sông Tiền! Đến một nhà báo nổi tiếng như Hữu Thọ mà còn lơ mơ về địa lý Nam Bộ như thế thì còn trách gì ai(!) Báo Nhân dân năm 1985 còn đủ 365 số lưu trữ trong thư viện quốc gia, tôi đâu dám bịa chuyện nhầm lẫn “động trời” này!
Cái thời điểm đó chưa có một cơ quan đài báo nào ở trung ương đặt phóng viên thường trú ở Đồng bằng sông Cửu Long nhưng ở miền Bắc thì tỉnh nào cũng có thường trú. Giám đốc Nguyễn Thành sốt ruột cũng phải. Ông làm công văn xin Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang cho tôi được trở về Đài tiếng nói Việt Nam nhưng vẫn “đóng quân” ở Mỹ Tho. Chủ tịch Tiền Giang Nguyễn Công Bình đồng ý. Thế là tôi trở thành phóng viên thường trú đầu tiên của báo, đài trung ương tại Đồng bằng sông Cửu Long. Trong quyết định, giám đốc Nguyễn Thành giao cho tôi viết tin, bài ở ba tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và Đồng Tháp. Ông nói miệng: Có sức thì Phú Khải cứ đi cả đồng bằng thì càng tốt!
Thực trạng thông tin về Đồng bằng sông Cửu Long như thế nên tôi có tham vọng tìm hiểu toàn diện về đồng bằng để trước hết là thông tin chính xác, làm cơ sở cho các đồng nghiệp của mình. Tôi kiếm được cái bản đồ đường sông và đường bộ Đồng bằng sông Cửu Long tỷ lệ 1:500.000 của Cục đường sông Bộ Giao thông vận tải in. Tôi bắt đầu đi khảo sát đồng bằng từ 6 vùng sinh thái (vùng phù sa nước ngọt ven sông Tiền, sông Hậu, vùng nhiễm mặn ven biển, vùng tây sông Hậu, vùng bán đảo Cà Mau, vùng tứ giác Long Xuyên, vùng Đồng Tháp Mười) của đồng bằng cho đến vác vấn đề then chốt nhu hệ thống đường sông, tiềm năng giao thông đường sông, tiềm năng thủy lợi, du lịch, văn hóa Khơ me… Có lần đi cả tháng liền, đi đâu cũng mang bản đồ theo, đến chỗ nào thì đánh dấu vào bản đồ hoặc vẽ thêm vào những con đường, dòng kinh mới xuất hiện. Thời điểm đó (1985-1995) công cuộc khai hoang Đồng Tháp Mười rầm rộ nên tôi chú ý đến vùng này. Tấm bản đồ của tôi về vùng Đồng Tháp Mười dầy đặc những nét vẽ mới, nó rách bươm đến nỗi phải “vá víu” chằng đụp. Sai hai năm mải miết đi khảo sát như thế, tôi có thể tin rằng mình đã nắm sơ bộ về Đồng bằng sông Cửu Long. Nơi đây là một vùng nông nghiệp đa dạng, phong phú, có vùng rất trù phú như vùng phù sa nước ngọt ven sông Tiền, sông Hậu, ở đó có lúa một năm 2-3 vụ, có vườn cây trái tốt tươi, quanh năm có phù sa nước ngọt. Đời sống vật chất ở vùng này rất cao như có khách du lịch đã ghi cảm tưởng trong một nhà vườn: Đây là một “thiên đường nhỏ” (petit parade). Nhưng cũng có những vùng vô cùng khắc nghiệt vì xa nguồn nước ngọt, đất trũng, mùa lũ thì bị ngập tràn cả tháng nhưng mùa khô lại như sa mạc, đất phèn nặng … đó là các vùng Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên.
Đến năm 1988, tôi đã hoàn thành bản thảo cuốn “Đồng Tháp Mười hôm nay”. Trong một lần đi tháp tùng phó chủ tịch hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt đi khảo sát, kiểm tra vùng Đồng Tháp Mười, tối ngủ lại ở nông trường khai ohang trồng khóm Tân Lập tỉnh Tiền Giang. Sáng hôm sau, lúc ngồi ăn điểm tâm tôi có nói với ông Kiệt: cuốn sách viết về Đồng Tháp Mười của tôi đã xong, nhưng bản thảo nằm ở một nhà xuất bản trên Tp HCM cả năm nay mà chưa được in. Ông Kiệt nhìn tôi cười hóm hỉnh: Phú Khải cứ đặt tên cho nó là “hoa hậu Đồng Tháp Mười” tôi đảm bảo là được in liền! Mọi người có mặt ăn sáng lúc đó đều tán đồng. Sau này tôi có viết một bài ký dự thi cuộc thi viết ký văn học của báo Sài Gòn giải phóng năm 2005 với cái đầu đề: “Hoa hậu Đồng Tháp Mười” viết về một nữ doanh nhân ở TP HCM thuê 2000 ha đất trong vùng hoang Đồng Tháp Mười của tỉnh Long an mà trước đó các nông trường quốc doanh khai hoang đều thất bại, nhưng chị Bé Hai (tên doanh nhân) lại thành công. Bài ký đó tôi đã nhận được giải thưởng 6 triệu (5 triệu giải thưởng + 1 triệu nhuận bút đăng báo), hơn cả nhuận bút cuốn “Đồng Tháp Mười hôm nay”. Cuốn sách này do nhà xuất bản tổng hợp TP HCM xuất bản (1989) có cả bản đồ Đồng Tháp Mười in năm 1939 lấy từ sách “Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười” của Nguyễn Hiến Lê, và một số ảnh về Đồng Tháp Mười hôm nay do tôi chụp. Đó là cuốn sách thứ 2 tôi xuất bản về Đồng bằng sông Cửu Long sau cuốn đầu tiên “Rắn độc trong tay người” viết chung với Trần Đồng Minh về trại nuôi rắn Đồng Tâm của Bs Tư Dược ở Xí nghiệp dược liệu quân khu 9 đóng tại Tiền Giang - Một cuốn sách thiếu nhi do nhà xuất bản Trẻ ấn hành.
Cho đến bây giờ vẫn có ý kiến tranh luận về vấn đề khai hoang ở Đồng Tháp Mười. Có lập luận rằng khai hoang là phá môi trường sinh thái do tự nhiên sắp đặt. Thì ngay từ ban đầu, sau 1975 chuyên gia Liên Xô cũng khuyên ta không nên khai phá Đồng Tháp Mười, để đó làm du lịch. Đây là vùng đầm lầy ngập nước rộng lớn nhất ở Đông Nam Á, để nguyên nó sẽ thu hút chim chóc cả vùng về đây sẽ thành điểm du lịch quốc tế lý tưởng (nay ta còn khoảng 7000 ha ở Tam Nông Đồng Tháp cho loài sếu đầu đỏ đi về). Nhưng do sức ép về lương thực thời đó, nên buộc ta phải khai hoang Đồng Tháp Mười để trồng lúa. Nhưng những người đưa ý kiến không nên khai phá Đồng Tháp Mười lại phản biện rằng, vì chính sách hợp tác hóa nông nghiệp sai lầm nên ta mới thiếu lương thực. Nay bỏ hợp tác hóa thì ngay cả đồng bằng Bắc Bộ cũng thừa gạo ăn cho miền Bắc, có năm còn xuất khẩu thì cần gì phải khai thác Đồng Tháp Mười. Lịch sử trớ trêu là vậy. Nếu còn nguyên Đồng Tháp Mười hoang vu thì quý hóa biết mấy. Có nhà khoa học đã nói: một đất nước không ra đất nước nếu không có những vùng đất hoang. Một nhà thơ Pháp André Theuriet đã viết: “Hồn tổ quốc ngự nơi rừng sâu thẳm”! Nếu để vùng Đồng Tháp Mười là sân chim của cả vùng ĐNÁ như chuyên gia Liên Xô đã từng khuyên ta thì bây giờ tiền thu được từ dịch vụ du lịch còn lớn hơn nhiều tiền xuất khẩu gạo trầy trật. Nhưng lịch sử không có chữ “nếu”! Người Pháp có câu ngạn ngữ rằng. “Với một chữ nếu, tôi có thể bỏ cả cái thành Paris vào trong một cái lọ!” Than ôi!
Sau cuốn Đồng Tháp Mười, tôi lần lượt cho xuất bản tập bút ký “Viết về Đồng bằng sông Cửu Long” (NXB Tổng hợp TP HCM 1998) “Dòng đời xuôi ngược” (NXB Công an nhân dân 1998); “Hồ sơ Đồng bằng sông Cửu Long” (NXB Thanh niên 2000); “Chung sống với lũ” (NXBTN 2001). Các sách trên đều đã được tái bản.
Viết những cuốn sách đó, tôi chỉ hy vọng cung cấp ít nhiều tư liệu chính xác cho các bạn đồng nghiệp của mình về vùng đất mà cả nước quan tâm là vùng Đồng bằng sông Cửu Long mà thôi. Cùng với việc cho ra đời các cuốn sách, hầu như tháng nảo tôi cũng có bài phát trên Đài tiếng nói Việt Nam và báo Sài Gòn giải phóng về Đồng bằng sông Cửu Long. Đôi khi còn viết ký cho báo Văn nghệ Hội nhà văn. Những bài nào theo suy nghĩ của tôi là có “nhận định”, có đề xuất vấn đề ở tầm vĩ mô với Đồng bằng sông Cửu Long thì tôi gửi cho báo Nhân Dân, và hầu hết được đăng, như các bài: Tiền Giang từ khi có nghị quyết lần thứ V của Đảng (báo ND 19.11.1982); Nhìn lại vận tải đường sông ở Đồng bằng sông Cửu Long (báo ND 24.4.90). Nhà văn Mai Văn Tạo quê ở An Giang đã đọc kỹ cuốn “Đồng Tháp Mười hôm nay” của tôi và bản thảo tập ký “Viết từ Đồng bằng sông Cửu Long” và ông đã viết lời giới thiệu cho tập ký này của tôi với tất cả tình cảm của người đi trước để động viên một nhà báo quê ở miền Bắc đã có công lặn lội để viết về miền Nam quê hương ông.
Quả thật, trong suốt thời gian làm phóng viên thường trú của Đài tiếng nói Việt Nam tại Đồng bằng sông Cửu Long (từ 1984-1992) rồi lên TP HCM, tôi vẫn đi, vẫn viết về Đồng bằng sông Cửu Long cho đến năm về hưu (2002), và cả khi hưu rồi. vẫn đi vẫn viết về đồng bằng… Tôi đã không tiếc mồ hôi để hy vọng góp một chút sức lực của mình cho sự phát triển Đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa của cả nước, mà chỉ có Đồng bằng sông Cửu Long mới có thể cứu nguy cho nhiều vùng đói khổ của đất nước. Đúng như nhà thơ Bùi Minh Quốc đã viết:
“Cả tuổi xuân ta hiến dân cuồng nhiệt
Để đúc nên chính cỗ máy này”
Thật là chua chát! Cho đến nay khi Việt Nam đã xuất khẩu gạo vào hàng nhất nhì thế giới, nhưng càng xuất nông dân Đồng bằng sông Cửu Long càng nghèo và các nhóm lợi ích càng giàu. Người làm ra hạt lúa thì nghèo, kẻ đi buôn gạo được lấy tiền ngân hàng lãi xuất thấp đi buôn, buôn độc quyền thì phè phỡn. Tham nhũng thành quốc nạn, lãnh thổ bị gặm dần bởi anh bạn 16 chữ vàng, đất nước đứng bên bở vực thẳm. Đó là kết quả của đại hội 6, chỉ cải cách kinh tế mà không cải cách chính trị, dẫn đến một nền kinh tế của bọn mafia. Tôi chỉ còn một con đường là cầm bút viết cho báo “lề trái”, viết cho mạng Internet tự do!
Cũng cần phải nói rõ thêm về khẩu hiệu “chung sống với lũ” mà tôi là người đầu tiên đưa nó lên phương tiện thông tin, báo chí. Tháng 10-1997, anh Lê Huy Ngọ lên làm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Lần đầu tiên vô Sài Gòn, anh kêu chuyên gia thủy lợi Nguyễn Nhiệm đang công tác tại văn phòng II của Bộ ở đường Pasteur đến giao nhiệm vụ: cậu tìm xem ai là người đầu tiên nêu khẩu hiệu “chung sống với lũ” để tôi thưởng. Anh Nhiệm mời tôi đến văn phòng II chơi, rồi đưa tôi đi nhà hàng ăn trưa. Anh kể lại nhiệm vụ Bộ trưởng Ngọ mới giao và nhờ tôi, một người hay viết về Đồng bằng sông Cửu Long tìm hộ tác giả đó. Anh còn nói: Bộ trưởng mới giao việc cho tôi, anh Phú Khải cố giúp tôi việc này. Tôi bảo với anh Nhiệm: cứ yên tâm, mai tôi sẽ trả lời anh ngay. Anh Nhiệm mừng lắm.
Hôm sau tôi mang đến cho anh Nhiệm bản photo ba bài viết của tôi trên báo. Bài thứ nhất: Ơi! Đồng bằng sông Cửu Long Báo xuân Sài Gòn giải phóng Nhân thân 1992; Bài thứ hai nhan đề: Chung sống với thiên nhiên ở Đồng bằng sông Cửu Long (đăng liền 2 số báo Sài Gòn giải phóng từ số 21/10/94 đến 1/11/94 và số tiếp theo). Bài thứ ba: Né lũ (báo Văn nghệ Hội nhà văn VN 5/11/1994).
Tôi nói với anh Nhiệm: anh đọc kỹ ba bài báo này theo thứ tự thời gian đăng. Nếu anh không tìm thấy văn bản nào, bài bào, cuốn sách hay quyết định công văn nào trước đó đã nêu khẩu hiệu “chung sống với lũ” thì tôi là tác giả của khẩu hiệu này. Anh Nhiệm mừng lắm, cảm ơn tôi. Ba ngày sau anh điện cho tôi lên văn phòng II dùng cơm với anh Ngọ, để anh Ngọ thưởng tôi. Bữa cơm có cả chị Năm Triều, Tổng giám đốc công ty lương thực miền Nam và một vài nhà bào khác. Lúc đã ngà ngà say, anh Ngọ nói: giá bây giờ có cái chiếu giải xuống đất ngồi mà nhậu thì hay quá! Tôi nhớ mãi câu này vì ai đời đang ngồi bàn có ghế tựa lưng để ăn nhậu rất sang trọng lại ước ngồi chiếu ở dưới đất(!) Ông Ngọ đúng là một “Bộ trưởng của nông dân”! Tiệc xong, cậu Nhạn thư ký của anh Ngọ đưa cho tôi một chai rượu Hennessy và nói: Bộ trưởng tặng thưởng nhà báo! Tôi đem chai rượu về khoe với bà xã. Bà bảo tôi: Bộ trưởng thưởng công mà chỉ có một chai rượu thôi à? Sau đó tôi có việc phải đi Hà Nội. Tôi kể cho chú em họ tôi là Lê Phú Hoành đương kim vụ trưởng Vụ Quan hệ Quốc tế Bộ Tài chính nghe câu chuyện “chung sống với lũ” và phần thưởng của Bộ trưởng Ngọ cho tôi. Chú em tôi nói: Mồm anh bé mà nói một câu lớn như thế người ta không cắt lưỡi là may lắm rồi(!) còn đòi gì nữa. May cho họ Lê Phú nhà ta không có người bị cắt lưỡi! Tôi là một nhà báo, mà nhà báo thì là người làm chính trị mà không mưu đồ quyền lực nên đã “ngây thơ” chăng?
Viết lại câu chuyện tôi chỉ muốn nói rõ một điều là, trên thực tế nông dân ĐBSCL vẫn chung sống với lũ từ xưa đến nay. Bà con gọi là “mùa nước nổi”, là “lũ lành”. Khi chúng ta khai hoang những vùng đất xưa kia, bà con chỉ vào thu hoạch lúa nổi, lúa trời chứ không ở lại đó. Nay làm lúa 2 vụ ở những vùng đó, xây nhà, xây trường học ở những vùng xưa kia không ai ở, chỉ đến xâm canh mà thôi. Vì thế, mới thiệt hại và chưa có biện pháp chung sống với lũ ở các vùng mới định cư đó. Và, nhà nước vội vàng hô “chống lũ”, báo chí hùa theo viết bài “chống lũ”! Ông Đỗ Mười còn dọa sẽ “huy động toàn Đảng, toàn dân đắp đê cho Đồng bằng sông Cửu Long”! Khi ông ở ngoài Bắc vào Nam để triển khai tư tưởng này, Thứ trưởng Bộ Thủy lợi là ông Nguyễn Giới đã phải đem cả một tốp chuyên gia thủy lợi đến thuyết phục, may quá ông Đỗ Mười đã nghe ra và bỏ ý định “huy động toàn Đảng toàn dân …” đắp đê cho Đồng bằng sông Cửu Long.
Ngay cả bà con đang sống trong vùng kinh tế mới giữa Đồng Tháp Mười đã khẫn hoang, họ vẫn có cách “né lũ” để sống chứ không phải họ chống lũ. Vì thế tôi chỉ là người có công gọi đúng tên sự vật khách quan là nhân dân đang “chung sống với lũ” chứ tôi không phát kiến ra cái gì mới lạ cả. Có điều là, nhà báo phải sát dân, không ngồi trong phòng lạnh để chờ ăn theo, nói leo các ông lớn. Tôi nẩy ra ý định viết hàng loạt bài cổ vũ cho khẩu hiệu “chung sống với lũ” trong một chuyến đi thực tế quan sát lũ. Hôm đó là một buổi chiều cuối năm 1991, phó giám đốc Sở Nông nghiệp Tiền Giang là anh Nguyễn Văn Khang hiện nay (2013) đang là chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh. Anh Khang đến rủ rôi và nhà báo Hải Bình, trưởng cơ quan TTXVN tại Tiền Giang đi Cái Bè gấp với anh. Anh nói: Lũ miệt trên (tức An Giang-Đồng Tháp) đã về đến xã Hậu Mỹ Bắc A cùa Cái Bè Tiền Giang rồi, tôi sốt ruột lắm, mời 2 anh đi với tôi, các anh “la lên” cho mọi người biết lũ năm nay to lắm, chuẩn bị mà đối phó. Thế là chúng tôi đi. Đến xã Hậu Mỹ Bắc thì cánh đồng còn khô ráo, bà con đang gặt lúa gấp để né lũ. Lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long là lũ chảy tràn trên một mặt bằng rất rộng lớn nên nó bò từ từ, qua rất nhiều chướng ngại vật là bờ ruộng, bờ kênh, nhà cửa, vườn tược. Nước lên nhích dần từng centimet. Chiều tối hôm ấy chúng tôi quyết định ngủ lại một nhà dân đang gặt lúa chạy lũ. Mâm rượu được dọn ra đãi khách. Lúc chúng tôi cởi dép lên giường ngồi nhậu thì sàn nhà còn khô ráo. Một lúc sau quờ chân xuống đất tìm đôi dép thì đã chạm chân vào nước. Nước đã vô nền nhà và đôi dép chui vô gầm giường. Sáng hôm sau thì cả vùng đất rộng lớn là huyện Cái Bè của tỉnh Tiền Giang, vùng giáp ranh với Đồng Tháp Mười đã mênh mông nước. Những gia đình nào chưa kịp thu hoạch lúa thì đang gặt mò! Gia đình nào đã thu hoạch xong thì lo chở lúa lên lộ cao phơi. Bấy giờ mọi người đi lại bằng chiếc xuồng ba lá bé nhỏ. Tôi đứng nhìn cánh đồng ngập nước mênh mông… cảnh sắc giống hệt vùng chiêm trũng Hà Nam-Phủ Lý mùa mưa bão ngoài Bắc. Nhưng nên nhớ rằng, nước đồng chiêm trũng ngoài Bắc là thứ nước chua có hại cho lúa mà bà con gọi là vùng “chiêm khê mùa thối”. Còn “nước nổi” mà chúng tôi đang cởi quần dài vắt lên cổ để lội ở Cái Bè này là nước ngọt phù sa, rất tốt cho cây lúa. Nó là thứ phân bón hảo hạng nhất cho đồng ruộng luôn “trẻ” lại. Nó còn diệt cỏ, diệt hết chuột bọ trên cánh đồng để bà con làm vụ lúa sau khỏi phải phun thuốc trừ sâu, trừ cỏ. Nó còn đem tôm cá vô tận sân nhà cho bà con. Cảnh vậy quanh tôi lúc đó vẫn yên tĩnh, êm ả, có hơi buồn một chút vì ai đó ngồi nhà, có việc mới chống xuồng “đi câu chuyện”. Tôi nghĩ ra cái chủ đề phải “chung sống với lũ” từ cái đầu đang cuốn chiếc quần dài để “né lũ” và đôi chân đang ngâm dưới biển nước phù sa mát rượi ở huyện Cái Bè hôm đó. Những bài báo với chủ đề “chung sống với lũ” của tôi đã ra đời như thế, may mà không bị “cắt lưỡi”! Sau này khi cuốn “Chung sống với lũ” của tôi ra đời, sách viết chung với Ts Tô Văn trường (NXB Thanh Niên 2001), thì có nhiều bái báo viết về tác giả của khẩu hiệu “chung sống với lũ” như bài “Người đầu tiên nêu khẩu hiệu ‘chung sống với lũ'“ của nhà báo Nguyễn Thị Kỳ, phóng viên báo SGGP đăng trên tạp chí Văn Hiến số 11/2006, hay bài “Người đầu tiên chung sống với lũ” đăng trên báo Văn Nghệ Trẻ số ra ngày chủ nhật 2/11/2008… của luật sư Bùi Mạnh Hảo.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người đọc rất kỹ những bài báo viết về ĐBSCL, về lũ. Có lần ông hỏi tôi: Vợ chồng Phú Khải sống với nhau thế nào? Câu hỏi đột ngột quá khiến tôi chưa biết trả lời ra sao thì ông nói: phải sống hòa thuận chứ như chung sống với lũ mà Phú Khải viết thì không ổn! Và sau đó, hàng loạt những chương trình để chung sống với lũ như khu dân cư vùng lũ, cơ cấu lại thời gian gieo, sạ hè thu để né lũ, thời gian học của học sinh vùng lũ được khai giảng sớm hơn và kết thúc năm học sớm hơn các vùng khác… đã được chính phủ dưới thời ông Võ Văn Kiệt làm Thủ tướng tiến hành có hiệu quả. Năm 1998, ĐBSCL lũ rất thấp, sâu bệnh hoành hành, thất mùa lúa, mùa cá. Ông Vọ Văn Kiệt lúc đó là cố vấn BCH trung ương Đảng trong một cuộc họp đã nói một câu bất hủ mà tôi chưa nghe thấy bao giờ! Không có lũ là thiên tai với ĐBSCL!
Chúng ta hôm nay lên án mạnh mẽ những kẻ đang xây đập trên thượng nguồn sông Mekong làm ảnh hưởng đến dòng chảy, làm khô cạn nguồn lũ về vùng hạ lưu… càng thấm thía lời nói, càng thấy sự sáng suốt Võ Văn Kiệt - con người sinh ra từ phù sa nước ngọt, từ nắng mưa hào phóng của ĐBSCL!
Cuối những năm 1980, một cuộc tranh chấp ruộng đất làm rung chuyển ĐBSCL. Khi các hợp tác xã và tập đoàn lần lượt tan rã, rồi khoán 100, khoán 10 ra đời… Sản xuất được phục hồi thì đất đai có giá. Cuộc tranh chấp đất đai tự phát bùng nổ. Nguyên nhân là khi xây dựng hợp tác xã và tập đoàn sản xuất chúng đã cào bằng để chia lại ruộng đất theo bình quân nhân khẩu. Những hộ thừa đất tính theo bình quân thì phải “nhường cơm xẻ áo” cho hội thiếu đất. Khi chia lại như thế có tình trạng hộ A thừa đất phải cắt cho hộ B. Nhưng ngay cả diện tích đất của hộ A được giữ lại nhưng không được canh tác trên đất cũ của mình mà phải đi nhận ruộng ở chỗ khác. Sau này, người chủ cũ về đòi lại ruộng của hộ A, mà hộ A không đòi được ruộng gốc cũ của mình thì hộ A đó coi như trắng tay. Người nông dân chỉ có ruộng để sinh sống, vì vậy, sau câu chuyện “nhường cơm xẻ áo” kia là sự tranh đấu vô cùng khốc liệt. Cả nông thôn đồng bằng náo loạn: cướp phá, đốt nhà, đánh nhau, kéo nhau lên tỉnh, lên thị xã biểu tình rầm rầm… chính quyền không biết đường nào mà giải quyết. Chính sách hợp tác hóa của Đảng là nguyên nhân của tội ác này. Và nói thật công bằng, giới báo chí cũng phải chịu trách nhiệm về tội ác này vì đã cổ vũ cho phong trào “hợp tác hóa”. Trong những tội ác mà báo chí đã gây ra, có tôi - kẻ viết những dòng chữ này cũng nhúng tay vào tội ác đó. Chính tôi đã viết không biết bao nhiêu tin, bài cho đài cho báo để cỗ vũ cho hợp tác hóa vì sự ngu dốt, ngộ nhận của mình. Đài phát thì gió bay đi, còn báo in thì còn đó. Những bài tôi viết trên báo Nhân dân vẫn còn đó. Tôi có muốn chối cũng không được. Thế mới biết các cụ ta ngày xưa thâm thật, các cụ dậy: “Khôn thì viết văn tế, dại mới viết văn bia”!
Trước tình hình đó, tôi muốn chuộc tội của mình bằng các thu thập tài liệu để dự báo cho cả nước biết tình hình tranh chấp ruộng đất đang nhen nhúm và có khả năng bùng phát lớn ở ĐBSCL. Nhưng tôi lại ngu một lần nữa, vì báo chí dưới sự lãnh đạo của Đảng chỉ để ca ngợi, để minh họa đường lối của Đảng, để “đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống”. Báo chí không cần dự báo, không được “bôi đen” chính sách của Đảng và không cần đưa cuộc sống vào nghị quyết Đảng! Bài viết “Tranh chấp ruộng đất ở ĐBSCL của tôi gửi ra, Đài TNVN không chịu phát, báo Nhân Dân không dám đăng. Cuối cùng, tổng biên tập báo QĐND, thiếu tướng Trần Công Mân vào Tiền Giang, đích thân ông đã đem bài báo đó ra để báo Quân đội đăng. “Tai hại” nhất cho tôi và phóng viên nhiếp ảnh Nguyễn Bá là bài báo có kèm bức ảnh bà Kiểu ở xã Điền Hy huyện Chợ Gạo tỉnh Tiền Giang bị xã trói giật cánh khuỷu bằng một sợi dây rất to do Nguyễn Bá chụp để minh họa về tình trạng cường hào mới ở nông thôn. Bức ảnh một bà già gầy yếu, bị trói giật hai tay ra sau lưng đó đã gây xúc động, gây tiếng vang. Báo chí Phương Tây có đăng lại. Thế là người ta đặt câu hỏi có bàn tay của CIA không? Nguyễn Bá bị điều tra lý lịch, còn tôi thì bị nghi đã “vẽ” cái dây trói ấy vào tay bà Kiểu? May đời, Nguyễn Bá còn giữ được phim gốc (và được báo Ấp Bắc bênh vực), tôi còn giữ một ảnh lưu nên mới thoát nạn. Vì thế tôi mới cho rằng, giữ bản lưu là chuyện sống còn với các nhà báo viết phóng sự điều tra.
Nguy hại nhất là người ta không dám nhìn thẳng vào sự thật là nguyên nhân tranh chấp ruộng đất do chính đường lối cải tạo nông nghiệp sinh ra, là mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, không có bàn tay CIA nào cả. Chính quyền không giải quyết các vụ tranh chấp ruộng đất vì không biết giải quyết theo luật nào khi các hợp tác xã và tập đoàn đã tan rã, trung ương thì chưa có ý kiến gì. Một số nơi, cán bộ xã vì tư lợi đã đứng về một phía để làm càn. Một buổi sáng còn chưa rõ mặt người, các anh Quốc Thái và Dũng ở Phân xã Tiền Giang thuộc TTXVN đến kêu tôi đi điều tra về một tranh chấp quyết liệt và súng nổ ở huyện Châu Thành do người nhà của nạn nhân đến cầu cứu báo chí. Các anh mặc áo mưa, che kín mặt chở tôi đi … như đi hoạt động bí mật. Chúng tôi đến nơi thì ruộng lúa đến ngày thu hoạch bị phá nát. Đầu đuôi là một thanh niên trong xã phải đi nghĩa vụ quân sự. Diện tích ruộng của anh phải điều hòa cho người khác. Khi hết hạn nghĩa vụ, theo đúng luật nhà nước đề ra thì anh phải được trả lại ruộng để canh tác. Nhưng người làm mảnh ruộng đó cậy có người nhà làm cán bộ lãnh đạo xã nên không chịu trả. Anh thanh niên đó cứ cày bừa, gieo sạ trên mảnh đất của mình đã được cấp trước khi đi nghĩa vụ. Đến khi anh thu hoạch thì xã điều du kích đến đàn áp, phá ruộng lúa của anh ta. Súng đã nổ để thị uy nhưng người thanh niên đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự đó vẫn không buông con dao trên tay mình để tự vệ. Sau đó nhà anh bị quân đội bao vây, vì xã báo lên huyện đội là anh có vũ khí, lựu đạn. Nhưng quân đội chỉ bao vây mà không đột nhập vào nhà rồi rút lui. Tôi phỏng vấn người thanh niên dung cảm bảo vệ ruộng đất của mình: vì sao súng nổ quanh người mà chú vẫn không hạ dao? Anh ta trả lời một cách xanh rờn: người lính hạ vũ khí là tự sát! Rồi anh giải thích: tôi biết thừa du kích không dám nã súng vào tôi. Ai lại dại gì giết người để giữ ruộng cho người khác. Còn nếu tôi hạ vũ khí, bị bắt trói giam trong ủy ban xã, thì ngay đêm ấy ăn một trận đòn hội chợ là tiêu mạng! Anh cầm con dao dựa dài giơ lên trước mặt tôi: vũ khí phải cầm chắc. Anh còn dẫn chúng tôi đi xem con đường từ ruộng về nhà, lối anh đi bị đạn bắn cầy hai bên nhưng anh vẫn đi bình tĩnh. Chúng tôi phỏng vấn ghi âm chụp hình hiện trường thì có người báo, phải rút ngay (vì xã đã báo công an huyện về bắt các nhà báo). Quốc Thái và Dũng là những nhà báo đã từng cầm máy ảnh lăn lộn chiến trường miền Nam năm xưa trong đội quân TTX nên kinh nghiệm đầy mình. Các anh hóa trang cho tôi và rút về Mỹ Tho theo một đường khác. Vừa rời hiện trường được một đoạn thì Quốc Thái dừng xa lại, chỉ cho tôi và Dũng chiếc xe jeeo chở công an huyện về bắt chúng tôi đang chạy trên con đường vào xã mà sang nay chúng tôi vừa đi. Thái chửi thề: đù mẹ! Mấy thằng con nít kia thì làm gì được mấy cựu chiến binh chúng tao. Tấm hình Quốc Thái chụp tôi đội nón phớt đứng giữa thửa ruộng đã bị phá nát đã được tờ Tuần Tin Tức của TTXVN đăng để minh họa cho một bài viết có chủ đề về tranh chấp ruộng đất ở ĐBSCL lúc đó. Tờ này tôi còn giữa được cho đến bây giờ.
Chúng tôi đã làm nhiều cuộc điều tra “bí mật” như thế trong những trường hợp gây cấn không kém, phải ngủ bờ, ngủ bụi… để nắm rõ các nguyên nhân tranh chấp ruộng đất. Để chứng minh mình là không có “địch”! Tờ báo tuần “An ninh Tiền Giang” của Sở Công An Tiền Giang do thiếu tá Võ Thị Cẩm Hồng phụ trách sau đó đã đăng bài nhan đề: “10 nguyên nhân tranh chấp ruộng đất” của tôi. Khi tình hình đã chín mùi khiến trung ương phải giải quyết, anh Hữu Thọ đã vào miền Nam để nắm tình hình. Và, thật sung sướng cho tôi là báo Nhân Dân (15.8.1988) đã đăng bài viết về đề tài tranh chấp ruộng đất ở Tiền Giang của tôi. Sau đó cuộc hội nghị về tranh chấp ruộng đất ở ĐBSCL ở Cần Thơ do phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng chủ trì đã có kết luận gần tương tự với các nhận định của báo Nhân Dân ngày 15.8.1988. Những người ủng hộ quan điểm “không có bàn tay của địch” trong các vụ tranh chấp ruộng đất đã chúc mừng các nhà báo chúng tôi.
Mát-xcơ-va không tin vào nước mắt (tên một bộ phim Liên Xô)
Anh TX, phóng viên Đài TNVN tại cơ quan thường trú ở TP HCM nói với phó Tổng giám đốc đài Mai Thúc Long: phóng viên lâu năm của đài ta ai cũng được đi nước ngoài ít nhất một lần, tội nghiệp anh Phú Khải, quanh năm lúi húi dưới ĐBSCL, bài gửi ra thì đài phát ngay mà chẳng được đi đâu bao giờ!
Thế là tôi được đi công tác ở Liên Xô. Nói là đi công tác cho oai, vì Đài các nước XHCN hàng năm đều có trao đổi cán bộ nhưng thực chất là đi chơi. Từ Mỹ Tho, tôi lên TP HCM rồi đi xe lửa ra Hà Nội, vợ tôi cũng đi tiễn chân tôi tiện thể về quê ở Đồ Sơn luôn. Tôi phải đi xe lửa, vì như đã nói ở đầu sách, nếu không phải là trưởng phó phóng biên tập trở lên thì không có tiêu chuẩn đi bằng máy bay!!! Mặc dù nếu phải đi gặp Thủ tướng để phỏng vấn thì ở cơ quan thường trú của Đài tại TP HCM chỉ có thể là tôi mà thôi. Là nhà báo đúng nghĩa của nó, phải là người “trinh thám” cuộc sống, là cầm bút suốt đời, không làm “lãnh đạo” ngồi nhà. Tôi có đủ kinh nghiệm để gặp Thủ tướng, vì tôi đã xây dựng được một quan hệ xã hội, để khi cần vẫn có thể gặp được Thủ tướng, vì tôi biết chắc chắn sẽ có lúc phải đi gặp Thủ Tướng mà “chưa được bên an ninh duyệt”. Lấy trường hợp năm 1997, Thủ tướng Phan Văn Khải đi dự hội nghị thượng đỉnh khối ASEAN và lúc về lại xuống ngay TP HCM là một ví dụ. Chuyến đi ấy của ông Khải, mà sau này tôi biết, chỉ có BTV xinh đẹp Thu Uyên của Đài THVN là được đi tháp tùng. Nhưng Đài TNVN lại muốn có ngay tin phỏng vấn thu thanh ông Thủ tướng sau chuyến đi quan trọng này để phát ngay chương trình thời sự chiều tối hôm đó. Đây là thế mạnh tuyệt đối của phát thanh so với các phương tiện thông tin khác là báo viết, truyền hình… Hà Nội điện vào cho cơ quan thường trú tại TP HCM yêu cầu có tin phỏng vấn thu thanh Thủ tướng, ngay lúc ông xuống máy bay. Giám đốc thường trú là Đào Quang Cường giao nhiệm vụ này cho tôi. Bình thường các cơ quan báo chí loại A như báo Nhân Dân, Thông tấn xã VN, Đài THVN, Đài TNVN có một phóng viên chuyên trách được cử và được bên an ninh người ta chấp thuận để đi tháp tùng Thủ tướng trong những chuyến đ công cán trong và ngoài nước. Những phóng viên này có phù hiệu đóng dấu của Cục Bảo Vệ để tiện ra vào đi lại qua các hang rào an ninh trong mỗi chuyến công tác. Tôi hoàn toàn không có những thứ đó. Cho dù tôi quen biết anh Phan Văn Khải trước 1975 trong thời gian ở ngoài Bắc, nhưng khi ông đã là Thủ tướng thì tôi không có cách gì gọi điện thoại trực tiếp cho ông mà không phải thông qua thư ký riêng hoặc bảo vệ của ông. Đó là cách “quản lý” người, các nhân vật lớn của chế độ. Tôi cũng có dẫn chứng cụ thể về việc “quản lý thông tin” này. Đó là trường hợp bác sĩ Ngô Văn Quỹ, một trí thức nổi tiếng ở TP HCM, bạn với ông Võ Văn Kiệt. Khi Bs Quỹ qua đời, bốn cô con gái của ông khóc lóc với tôi rằng, trước khi cha cô mất chỉ dặn lại một điều là vào nghĩa trang thành phố để được nằm cạnh mẹ các cô đã nằm trong đó. Nhưng gia đình đã làm đơn, quản lý nghĩa trang trả lời rằng, bố các cô còn thiếu ba tháng nữa mới đủ tiêu chuẩn là cán bộ lão thành hoạt động trước CM để được vô nghĩa trang thành phố(!) Chỉ còn có tôi là có thể giúp các cô việc này. Nói rồi họ lại thút thít khóc, nài nỉ: “Chú giúp các con”. Tuy gọi tôi bằng chú, xưng “con”, nhưng các cô chỉ kém tôi ít tuổi (vì Bs Quỹ hơn tôi 20 tuổi). Tôi rất ngạc nhiên về việc họ tin cậy này, các cô giải thích: chú xin với ông Võ Văn Kiệt là được. Tôi băn khoăn quá, nhưng đánh liều gọi điện đến nhà riêng của ông. Ở đầu dây bên kia, tôi nghe rõ giọng Bắc của người trung niên bảo vệ của Thủ tướng (tôi “phát hiện” ra từ lâu các chú bảo vệ Sáu Kiệt, Sáu Phan, Sáu Khải phải là dân Bắc… kể cả khi các vị đó về Nam ăn Tết thì các chú bảo vệ này cũng phải theo thủ trưởng về Nam ăn Tết!). Nghe được tin Bs Quỹ mất, người bảo vệ vốn biết Bs Quỹ từng đến nhà ông Sáu nhiều lần nên hỏi tôi rất kỹ số nhà để “chú Sáu” gửi vòng hoa đến phúng. Nhưng khi tôi đề nghị xin cho Bs Quỹ vô nghĩa trang TP, thì anh bảo tôi “tắt máy” rồi gọi vào điện thoại di động của anh ta. Sau khi tôi làm theo chỉ dẫn, tôi nghe rõ tiếng anh bật máy rồi bảo tôi cứ giữ di động… rồi tôi nghe rõ tiếng giày của anh đi lộp cộp lên thang gác gỗ… cho đến khi anh nói: thưa chú Sáu, có nhà báo Phú Khải muốn gặp. Vậy là ông Sáu không có điện thoại bàn, hay di động, mọi thông tin đến ông đều phải qua bảo vệ! Nếu ông gọi cho ai thì cũng phải qua “bảo vệ”(!) Một lần khoảng 6 giờ chiều tôi đang ăn cơm, điện thoại bàn reo, nghe rõ tiếng ông Sáu Phan ủy viên Bộ chính trị mà không qua “bảo vệ”, ông nhắn tôi lên T 78 có việc muốn nói. Hôm đó là áp Tết, ông về quê ăn Tết. Vậy mà khi tôi lên đến T 78, muốn vào gặp ông, người bảo vệ nói giọng Bắc (theo ông về Nam) mắng tôi ngay: thủ trưởng trực tiếp gọi cho anh thì anh cứ việc lên lầu, không phải hỏi tôi nữa(!) Vẻ mặt anh hầm hầm có vẻ tức giận lắm. Không biết anh tức giận tôi hay thủ trưởng của anh “vô nguyên tắc”?
Trở lại chuyện Bs Quỹ, sau khi nghe tôi trình bày, ông Kiệt từ tốn nói: để tôi bảo với Ba Đua việc này cho. (Ba Đua, tức Nguyễn Văn Đua, phó bí thư thành ủy). Thế là chỉ ít phút sau, gia đình Bs Quỹ nhận được tin từ giám đốc nghĩa trang báo cho biết “cứ đưa Bs Quỹ vô nghĩa trang, không cần cả giấy quyết định nữa”!
Với ông Phan Văn Khải, tôi vẫn thực hiện được cuộc phỏng vấn chuyến đi của phái đoàn Thủ tướng dự thượng đỉnh ASEAN. Tôi gọi điện đến 24 Tú Xương, nhà riêng của ông từ khi ông còn là chủ tịch TP HCM. Tôi xin gặp bác Tám, gia nhân và là người quản gia thân tín của gia đình. Cách gọi điện đến nhà các VIP cũng là một “nghiệp vụ” của người làm báo. Đừng bao giờ gọi điện đến mà chỉ xin gặp ông này, bà kia. Người ta có thể tự ái mà trả lời “ông chủ đi vắng” ai làm gì được người ta. Còn chủ nhân của người ta thì rất khó cho nhà báo tiếp cận trực tiếp (mà không qua họ). Ở một nước không có dân chủ thì điều này trở nên tuyệt đối. Bác Tám biết là tôi gọi. Vì dịp tết nhất tôi đã nhiều lần gọi điện hỏi thăm bác và không hề thăm hỏi ai nữa, ngoài bác ra(!). Bác Tám cho tôi hay, Thủ tướng xuống máy bay giờ nào là bí mật, nhưng bác bày vẽ cho tôi cách gặp, bác cho tôi số điện thoại di động của nhân viên an ninh sẽ đến đón Thủ tướng tận chân cầu thang máy bay lúc ông xuống. Bác còn dặn tôi cứ nói rõ lý do biết tên anh ta và số điện thoại là do bác cung cấp. Từ đó tôi biết giờ máy bay đáp và sẽ đi cùng đồng chí an ninh bảo vệ Thủ tướng. Khi Thủ tướng Phan Văn Khải xuống máy bay, tôi trông rõ BTV Thu Uyên cùng bước xuống, nhưng ông dược một chiếc xe du lịch đón ngay ở chân cầu thang và đi luôn. Sau này tôi được biết là các bà ở Hội cầu lông đã đón ông đi đánh cầu lông ngay (ông Khải là chủ tịch Hội cầu lông VN). Thế là phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm vào phòng VIP của Tân Sơn Nhất trả lời phỏng vấn của các nhà báo. Nhưng rất ít báo chí thành phố biết giờ ông xuống nên chỉ có nữ phóng viên Mai Hoa, giám đốc Cường cử đi cùng tôi để phụ trách máy ghi âm, còn tôi thì phỏng vấn Thủ tướng. Nhưng khi nhìn thấy cái ông phó Thủ tướng có bộ mặt hãm tài kia thì tôi không phỏng vấn nữa và giao cho cô Mai Hoa… “muốn làm gì thì làm”. Tôi ngồi quan sát, thấy ông Nguyễn Mạnh Cầm vừa trả lời phỏng vấn của Đài TNVN vừa nhìn sang phía quầy bán hàng phục vụ khách VIP, nơi cô Phương Uyên đang nhổm người lên để lộ cả quần xi líp màu hồng bên trong(!). Lúc về cơ quan, tôi bảo với sếp Cường là tôi sẽ viết lại giáo trình bài “phỏng vấn”, rằng mỗi khi một cơ quan báo chí cử phóng viên đi phỏng vấn các VIP, thì nên cử nữ phóng viên xinh đẹp, mặc váy ngắn, xi líp màu hồng! Từ đó trở đi hễ có đài, báo địa phương nào mời Đài TNVN đi giảng các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho phóng viên của họ… sếp Cường càng bắt tôi đi bằng được. Lý do: tôi đã “viết lại giáo trình” thì phải đi giảng, tôi có đi giảng thì uy tín của cơ quan mới được nâng cao! Chẳng biết ông nói thật hay nói đùa!
Ngay ngày hôm sau, ông Phan Văn Khải phải đi xuống Cà Mau để chỉ đạo khắc phục cơn bão số 5 chưa từng có ở Nam Bộ, gây thiệt hại ghê gớm cho nghề cá ở hai tỉnh Cà Mau và Kiên Giang. Đương nhiên là ông Cường lại cử tôi đi viết tin, vì Hà Nội bảo “không có không được”! Tối hôm đó, tôi phải viết một lá thư cho anh Khải, đến đưa trực tiếp cho bác Tám, xin tháp tùng đi Cà Mau với Thủ tướng “vì nhiệm vụ trên giao”!
Khoảng 5h sáng hôm sau, điện thoại bàn reo. Vợ tôi hoảng hốt nhỏm dậy. Tôi phải trấn an bà, bảo đừng lo, đó là điện thoại “lành” thôi. (vì thông thường điện thoại vào giờ đó thường là tin “dữ” như gia đình có người chết, hay bệnh nặng phải đi cấp cứu…). Ở đầu dây bên kia, giọng Nam Bộ của bác Tám quản gia cho biết Thủ tướng gửi lời thăm hỏi tôi, nhưng vì máy bay hết chỗ nên không thể bố trí cho nhà báo cùng đi. Tôi vội đến cơ quan ngay, định bụng sẽ xin xe đi Cà Mau đến tối sẽ tới nơi nhưng nghĩ đến 2 cái phà thì ngán quá nên lại đổi kế hoạch. Tôi liền gọi điện cho các học trò của tôi ở các lớp nghiệp vụ báo chí hiện đang làm việc ở Đài, báo Cà Mau, chuyễn gấp tin thu thanh Thủ tướng đi chỉ đạo khắc phục bão số 5 cho tôi, để gửi ra Hà Nội. Làm báo cũng phải “thiên biến vạn hóa” như cụ Hồ dặn tướng Giáp khi đi trận Điện Biên! Biết vậy nhưng tôi vẫn tức, vì sao Phương Uyên thì đi máy bay trực thăng được, sao tôi lại không có chỗ (lại hết chỗ!) hay là tôi phải mặc váy ngắn như Phương Uyên! Sau này, tôi nói thẳng với Bộ trưởng thủy sản Tạ Quang Ngọc cái ý đó. Vì tôi biết ông có mặt trên chuyến máy bay trực thăng đó để đi giải quyết hậu quả của nghề cá 2 tỉnh Cà Mau, Kiên Giang cùng ông Sáu Khải. Anh Ngọc phân trần thằng phi công lái trực thăng nó kiêng kỵ lắm, nhất định không chịu chở 13 người. Chủ tịch tỉnh Cà Mau muốn lên máy bay sang Kiên Giang sau đó, đã xin phép Thủ tướng, nhưng thằng phi công không cho lên, Thủ tướng cũng chịu. Nó còn coi giờ tốt mới bay. Nghe vậy tôi nói với ông Ngọc: vậy mà các ông còn định “công nghiệp hóa đất nước” cái nỗi gì?!
Nói tiếp về chuyện đi Liên Xô. Ra đến Hà Nội có người bạn bảo tôi: thấy ông ở trong ấy viết lách cũng được, vậy mà làm sao bị đi đày ở Liên Xô? Thì ra, ở Hà Nội thời điểm đó ai đi công tác Liên Xô coi như bị “đi đày”. Người đi Liên Xô về cho hay, bất cứ mua cái gì cũng phải xếp hàng rồng rắn. Thiếu thốn đủ thứ. Trước đây đi Liên Xô là để mua quạt tai voi, nồi áp suất, bàn là… (những thứ như người Hà Nội nói là “dùng cả đời không hỏng”) để dùng, để bán lấy lời. Bây giờ ngược lại, ai đi thì mang quần xịp (quần lót), quần jean Thái Lan, đồng hồ điện tử… sang Liên Xô bán. Người ta lèn những thứ đó trong va li mỗi khi lên đường. Tôi lại nghĩ khác. Tôi nghĩ đến lời chủ tịch Sáu Bình ở Tiền Giang “đồng chí đã đi nhiều nước”! Vậy tôi phải đi Liên Xô là nước thứ hai sau Campuchia để nâng con số 1 lên thành số nhiều, là số 2. Hơn nữa, tôi đâu có đi buôn. Tôi muốn đi để được nhìn tận mắt “thành trì của hòa bình thế giới” đang lung lay. Thời điểm tôi đi là tháng 3/1991. Chỉ cuối năm đó là Liên Xô tan rã.
Tuy vậy mà cũng có vẻ quan trọng. Tôi và anh Trần Kiên, trưởng phòng phụ trách chương trình phát thanh nông thôn của Đài TNVN phải lên gặp phó tổng biên tập Mai Luân để nghe ông dặn dò trước khi đi. Ông nói nhiều điều, trong đó có vụ cô Irina, trưởng ban Việt ngữ của Đài phát thanh đối ngoại Mát-xcơ-va, đang “chống Việt Nam” phải cảnh giác(!) Ông càng nói, trưởng đoàn Trần Kiêm càng ghi và càng ghi ông càng nói… sốt ruột quá, tôi lấy cái mũ phớt đội lên đầu. Thấy thế ông Mai Luân nói: thôi, thằng Khải nó không muốn nghe, tao cũng đéo nói nữa. Chúng mày về đi. Ông Luân là người hiền hậu, có chuyên môn, đi từ phóng viên lên lãnh đạo cấp cao của Đài nên rất thông cảm với anh em phóng viên… Ông văng tục như thế là để thể hiện việc xuề xòa của mình chứ không có ác ý gì. Biết tính ông nên tôi mới dám đội mũ lên đầu để… chấm dứt cuộc họp. Vậy mà đến chiều, khi tôi đang ngồi uống trà tại nhà chú em họ tôi ở đường Lý Nam Đế, một cán bộ tổ chức của Đài lại đến gõ cửa hỏi tên tôi, rồi anh ta bảo tôi: sáng mai anh lên Vụ tổ chức để nghe các anh ở tổ chức dặn dò trước lúc lên đường. Tôi “điên” quá và tôi còn lạ gì cái Vụ tổ chức của Đài, toàn mấy ông người dân tộc ở Cao Bằng, Lạng Sơn về làm “cán bộ tổ chức” suốt ngảy ngồi uống trà vặt, còn ông vụ trưởng béo ị thì là vua quan trọng hóa các vấn đề… Tôi mời cậu cán bộ tổ chức vào nhà “uống nước đã”! Tôi nói với cậu ta: cậu về nói với các anh ở Ban tổ chức rằng anh Lê Phú Khải nói năm nay anh ấy đã 50 tuổi rồi. Một thằng đàn ông đã 50 tuổi thì không cần ai dặn dò nó cả, thế thôi. Cậu ta bẽ mặt quá, về ngay. Cô em dâu tôi đang lúi húi dọn dẹp trong buồng nghe thấy tôi nói thế, hoảng quá, chạy ra nói: sao bác lại nói thế, họ không cho đi nữa thì sao? Tôi bảo “nếu không cho đi thì anh lại về ĐBSCL, đi Campuchia vậy”!
Vậy mà lúc đi, cái vali to đùng của tôi cũng xếp kín hàng hóa. Ông Trịnh, đã làm Bộ trưởng đến nhiệm kỳ hai ở bộ Thủy sản, cho tôi 10 chai rượu Lúa mới và 5 cây thuốc vinataba. Lúc đó Gooc-ba-chop đang cấm rượu, nên đem rượu đi tặng bạn là quý nhất. Vợ tôi mua cho tôi đồ trang điểm phụ nữ, phấn son, nước hoa và 10 cái hộp quẹt ga… để tôi tặng nữ nhà báo Irina. Cô em dâu mua cho tôi 10 cái đồng hồ điện tử “để bác bán đi lấy tiền tiêu”… Tôi mua 2 cái lọ hoa sơn mài để tặng Ban Việt ngữ. Đặc biệt, ts nguyễn Tấn Trịnh cỏn viết một bức thư bằng tiếng Nga cho Bộ trưởng Bộ Nghề cá của Liên Xô, giới thiệu tôi và yêu cầu Bộ trưởng giúp đỡ tôi khi cần thiết. Phát thanh viên Trần Phương, công tác ở Liên Xô mới về cho tôi 5 rúp. Trần Kiên thì chủ yếu anh ta mang quần xịp, quần jean theo thư dặn của vợ anh ấy đang lao động xuất khẩu ở Liên Xô.
Chúng tôi đi máy bay IL86-350 chỗ ngồi loại lớn của hang Airoflot của Liên Xô. Các cô tiếp viên Nga đẹp như sao trên trời! Sau 3 giờ bay, trạm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là thành phố Calcuta Ấn Độ. Mọi người vào nhà ga sân bay nghỉ ngơi còn tôi vẫn đứng dưới trời nóng như thiêu để quan sát. Sân bay Calcuta nông dân Ấn vào canh tác ở những thửa ruộng sát ngay đường băng bê tông, không có rào cản nào cả. Họ lao động lặng lẽ dưới nắng. Mấy khi được đặt chân đất nước của Ta-go-ro, “Đất nước từng đau như chiếc kèn đồng vùi trong cát bụi”! Nên tôi đi ra tận các thửa ruộng xem họ làm việc. Những nông dân Ấn này gày gò, bé nhỏ, có vẻ họ rất nghèo và gương mặt rất buồn. Trái lại, khi vào trong nhà ga, những nhân viên mặc đồng phục như bảo vệ sân bay, cảnh sát, sĩ quan… tên nào cũng cao to lực lưỡng, oai vệ, râu để cong lên trông rất hãnh tiến. Chỉ cần quan sát vẻ bề ngoài như thế thôi, người ta cũng thấy xã hội Ấn Độ khoảng cách giàu nghèo phân chi đẳng cấp rất rõ nét(!)
Rời Calcuta bay một hồi dài nữa ngang qua nước Ấn Độ, chúng tôi đến sân bay Karachi thuộc Pakistan. tại đây hành khách không được ra khỏi máy bay, ngồi chờ tại chỗ trong khi chờ tiếp nhiên liệu. Từ Karachi, chiếc IL86 bay ngược lên phía Bắc, cho chúng tôi xuống sân bay Tasken, thủ đô của nước cộng hòa U-dơ-bê-ki-xtan. Tasken là một thành phố đẹp nhất của vùng Trung Á thuộc Liên Xô. Các cuộc liên hoan điện ảnh quốc tế do Liên Xô đăng cai đều diễn ra ở Tasken.
Từ trên máy bay nhìn xuống, Tasken rực rỡ trong ánh điện vàng, đó là dấu hiệu của các thành phố ở xứ lạnh. Tôi rét run, cắm đầu chạy vào nhà ga có hệ thống sưởi nóng. Cũng là một nước thuộc vùng Trung á, có cái đuôi “xtan” như Ca-dắc-xtan, Tát-gi-ni-xtan, Ap-ga-ni-xtan, Tuốc-mơ-ni-xtan, Pa-kit-xtan… luôn xáo động vì bạo lực, luôn được phương tiện thông tin thế giới nhắc đến, nhưng cộng hòa U-dơ-bê-ki-xtan chưa thấy ai nhắc đến bao giờ. Những nhân viên ở nhà ga Tasken mà tôi gặp rất đẹp trai, nước da ngăm đen, mặt trái xoan, mũi dọc dừa, hầu hết đều để ria mép… rất phong độ. Phụ nữ thì nhỏ nhắn, xinh đẹp, vui vẻ.
Từ Tasken phải bay 5h nữa mới đến Maxcơva. Lúc đó theo giờ địa phương là 9h tối. Cô Irina đón chúng tôi ở sân bay. Chị nói tiếng Việt hay đến nỗi, các bạn Việt Nam ra đón người nhà, bạn bè qua Mát (tiếng gọi tắt của Maxcơva) đều quay lại nghe. Irina đẹp, mũi cao, mắt biếc xanh, tóc màu hung… Câu đầu tiên chị hỏi: Anh Kiên, anh Khải đi đường có mệt không? Rồi hỏi thăm “anh ba Trần Phương dạo này thế nào, đã có tin vui gì chưa?”. Trần Phương là phát thanh viên giọng Nam Bộ nổi tiếng của Đài tiếng nói Việt Nam, được cử sang đài phát thanh đối ngoại Mátx-cơ-va là phát thanh viên giọng nam cho đài còn Irina là phát thanh vên tiếng Việt giọng nữ. Hai người làm việc với nhau đã 5 năm. Anh Phương mới về nước. Nhưng trong cách hỏi thăm, Irina dùng cụm từ “anh ba Trần Phương” vì anh là dân Nam Bộ, quê ở An Giang. Irina nói tiếng Việt giọng Hà Nội, nói rành rẽ, chính xác, dùng từ rất chuẩn và am tường phong tục Việt Nam. Sở dĩ chị hỏi anh ba “có tin vui gì chưa” vì anh Ba Nam Bộ này chưa có vợ và còn đang “kén”.
Tôi đưa tặng quà của vợ tôi cho Irina ngay trên chuyến xe đi về nhà khách của các chuyên gia nước ngoài làm việc cho Ban đối ngoại Đài Mát. Dẫn chúng tôi lên căn hộ khép kín ở tầng 11 (của một “ốp” 18 tầng). “Ốp” là tiếng Nga gọi nhà chung cư cao tần. Căn hộ nhỏ, chỉ có 1 phòng ngủ chừng hơn 10 m2 và 1 phòng ăn chửng 6 m2. Irina chỉ tay vào 2 cái giường cá nhân kê cách xa nhau ở phòng ngủ, bảo tôi và Trần Kiên: hai anh ở với nhau sướng nhé! Tôi kéo tay Irina ngồi xuống ghế và nói: Em là chuyên gia về Việt Nam mà nói thế à? Anh ngủ với anh Kiên thì làm sao mà “sướng” được. Em đã nghe câu ca dao tục ngữ Việt Nam này bao giờ chưa:
“Đàn ông ngủ với đàn ông, như gậy như gộc như chông như chà
Đàn ông ngủ với đàn bà, như lụa như là, như gấm như nhung”
Irian nghe xong, bất ngờ quá. Chị vội lấy giấy bút ra để ghi ngay câu đó lại. Chị bảo: Anh Khải đọc lại để cho em ghi. Ghi xong chị còn đọc lại, thích thú lắm rồi chúc chúng tôi ngủ ngon trước khi ra về. Thật trớ trêu, vợ Kiên sau khi đón chồng ở sân bay cũng về nhà khách này để nghỉ lại. Vợ chồng họ xa nhau cả năm trời, nay gặp nhau lại phải ngủ chung với một người lạ trong cùng một căn phòng chật hẹp thì thật bất tiện cho cả tôi và họ. Cả đêm đó tôi trằn trọc, phần vì chệch múi giờ (cảm giác đêm không ra đêm, ngày không ra ngày), phần thì vợ chồng Kiên lục xục soạn đồ, soạn hàng và cằn nhằn nhau vì hàng hóa đem sang nhiều, ít! Tôi nằm suy nghĩ, sẽ nhường lại cho vợ chồng bạn căn phòng này, ngay ngày mai tôi sẽ liên hệ với phóng viên ảnh Dương Minh Long để Long đưa tôi sang Trường viết văn, nơi nhà thơ Trần Đăng Khoa đang học ở đó (vì lúc đi, Trần Mạnh Hảo có nhờ tôi đem cho Khoa 2kg mực khô). Tôi sẽ nói và nhờ Khoa cho tôi tá túc nơi cậu (và nằm dưới sàn cũng được). Suy nghĩ mien man, chợp mắt lúc nào không hay. Lúc tỉnh dậy thấy vợ chồng Kiên đã đi, đem hết hàng hóa theo, có lẽ đi giao hàng cho khách, chỉ để lại đồ dung cá nhân…
Ngày đầu tiên trên nước Nga mênh mông. Từ lầu 11 chung cư tôi nhìn xuống bốn bề thấy một màu trắng bang tuyết bao phủ. Bây giờ mới là tháng Ba, chưa phải mùa bang tan. Tôi thấy nao nao trong lòng bèn lấy ba nén nhang ra đốt. Mùi nhang thêm ngào ngạt căn phòng, tự dưng thấy ấm cúng như đang ở quê nhà… Bỗng có tiếng đập cửa rất mạnh. Một bà bảo vệ già, mập vẻ hốt hoảng chỉ tay vào các cây nhang đang cháy ra hiệu cho tôi dập tắt. Bà ta phát hiện ra mùi lạ, sợ cháy nhà. Tôi xin lỗi bà ta, rồi tạ lỗi bằng cách tặng bà một cái khăn quàng Thái Lan màu đỏ. Thứ khăn quàng mà tôi thấy các bà Liên Xô hay mua ở chợ Mỹ Tho. Bà ta mừng lắm rồi ra hiệu bảo tôi đi ăn sáng. Tôi theo bà xuống một tầng lầu có căn tin của “ốp”. Phòng ăn rộng này lúc đó có nhiều người đang ăn điểm tâm, đủ mọi màu da sắc tộc vì đây là “ốp” của chuyên gia tất cả các nước mà Đài đối ngoại Mátxcơva phát tiếng nước họ. Tôi đưa 1 rúp ra để mua một phần ăn sáng và còn được trả lại mấy đồng cô-pếc bằng đồng mòng dính to chỉ bằng cái cúc áo sơ mi. Đấy là đơn vị tiền tệ nhỏ nhất của Liên Xô lúc bấy giờ. Đồng rúp thời kỳ này còn cao giá lắm. Một rúp ăn hơn 1 USD. Để bạn đọc dễ hiểu, có thể hình dung, trước 1975 Mỹ giúp ông Thiệu ở miền Nam 1 tỷ đô la để duy trì chiến tranh. Liên Xô giúp cho miền Bắc 800 triệu rúp để “chống Mỹ”! Họ giúp hai miền Việt Nam để đánh nhau (cho họ!). Có lần Bộ trưởng N tâm sự với tôi, người ta thấy Việt Nam có “năng khiếu” đánh nhau nên mượn máu mình để đánh nhau. Chí lý quá!
… Tôi được người phục vụ đem cho một đĩa gồm một khúc bánh mì, hai cái xúc xích nhỏ, một quả trứng vịt luộc và một ly café đen nóng khá lớn có sẵn đường dưới đáy ly. Một bữa ăn sáng như thế thật ngon và đủ chất. Uống hết ly café nóng, tôi thấy người khỏe lại.
Tôi về phòng thì đã thấy PTV Văn Khoa dân Sông Bé, làm việc trong Ban tiếng Việt Đài Mát đứng chờ ở trước cửa phòng. Anh bảo với tôi: trưởng ban Irina khen anh lắm. Bọn tôi rất mừng vì như thế có lợi cho các chuyên gia Việt Nam đang làm việc tại đây. Rồi anh bảo tôi dọn đồ đạc lên phòng anh ở lầu 13, trên đó có 2 phòng. Tôi lên đến nơi thì anh giới thiệu chị vợ và đứa con trai 3 tuổi. Vợ Khoa là dân buôn bán lặt vặt ở vỉa hè, phố Bạch Mai. Chị là dân Hà Nội theo chồng sang đây đã 5 năm. Chị trông béo trắn, ăn mặc váy áo lòe loẹt như một bà đầm Nga. Chị nhanh nhẩu, vui tính. Căn hộ Khoa ở là căn hộ làm cho một gia đình Nga đã có con: một phòng ngủ và một phòng khách. Tối đến kéo cái đi-văng ra thành cái giường. Khoa bảo tôi ở phòng đó. Phòng treo quần áo, phòng vệ sinh và nhà bếp ở đối diện phía bên kia, có lối đi ở giữa. Vậy là tôi có thể ở đây cho đến lúc về khỏi phải đi xin ngủ nhờ.
Ngày hôm sau Khoa đưa tôi và Kiên đến Ban tiếng Việt “làm việc”! Lần đầu tiên tôi đi tàu điện ngầm thấy hệ thống giao thông này sang quá. Có ga xuống sâu đến hàng mấy chục mét. Tôi đưa 5 chai lúa mới, 2 cây Vinataba và 2 cái lọ sơn mài bào Kiên thay mặt đoàn Việt Nam tặng các bạn Ban Việt ngữ Đài Mát. Ban khá rộng, có treo một cái bản đồ Việt Nam rất to ngay giữa phòng, tự nhiên tôi thấy gần gũi như ở nhà. Đến cả chị Ta-nhi-a, bố là người Nga, đi lính lê dương cho Pháp, rồi chạy sang theo Việt Minh lấy vợ Bến Tre rồi sinh ra Ta-nhi-a ở Việt Nam, năm 18 tuổi cô mới về Nga vậy mà nói tiếng Việt còn thua Irina. Sau những thủ tục xã giao có tính hình thức, Irina lấy bút ra ghi. Nàng hỏi anh Kiên sang làm việc có yêu cầu những gì? Kiên đưa ra nhiều yêu cầu lắm, nào đi thăm chỗ này, tìm hiểu cái kia… Irina ghi chép rất cẩn thận. Đến lượt tôi, tôi trả lời: chẳng có yêu cầu gì cả. Mọi người ngạc nhiên. Irina hỏi lại, vậy anh Khải không có yêu cầu gì thật à? Tôi trả lời: tôi sang đây được đi máy bay IL 350 chỗ ngồi to đùng, thấy các cô tiếp viên Nga đẹp như sao trên trời. Đến Mát-xcơ-va thấy nhà cao ngất, đường phố thẳng băng, tàu điện ngầm thật hiện đại và sang trọng, thấy được các bạn Nga nói tiếng Việt như thế này thì thỏa mãn yêu cầu rồi còn gì nữa… Thế là mọi người đều cười rất vui vẻ. Lúc về nhà, Khoa bảo với tôi, anh rất khôn. Họ bảo yêu cầu thế thôi chứ biết rõ Việt Nam sang đây đi mua quạt tai voi là chính, còn biết gì mà tìm hiểu… Irina bảo với tôi, chưa thấy tay phóng viên nào sắc sảo như anh! Irina đã đọc được mấy trang cuốn “Đồng Tháp Mười hôm nay” của anh tặng nàng lúc sáng. Cô ta nói rất thích, có tư liệu để nghiên cứu về Nam Bộ Việt Nam, lại do phóng viên của Đài TNVN viết thì càng quý.
Từ lầu 13 căn hộ của Khoa, tôi ngắm nhìn một góc Mát-xcơ-va. Thành phố được quy hoạch rất nghiêm chỉnh. Các khối nhà chung cư thường chỉ cao 20 tầng trở xuống, mỗi ốp cách nhau rất xa, giữa là cây. Mùa này, cây trút hết lá nhưng đến hè, cây ra lộc ra lá thỉ cả Mát-xcơ-va là một rừng cây. Các khối nhà ẩn trong rừng cây. bây giờ đã là cuối đông nên cảnh vật buồn tẻ. Chỉ thấy các con quạ đen đậu trên các cành cây khô. Thỉnh thoảng dưới ghế đá, có những ông già ngồi như tượng trong tuyết rơi, bên cạnh là một chú chó làm bạn. Trẻ con vẫn mặc áo ấm chơi đùa trong băng tuyết, Chúng chơi cầu trượt hay bốc tuyết ném nhau. Tuyết phủ đầy trên mặt đất. Khi nhiệt độ xuống thấp nữa thì đóng băng. Trời khô ráo nhưng rất lạnh vì nhiệt độ đã xuống dưới độ âm. Có thể nói mùa này cả Mát-xcơ-va là một cái tủ cấp đông. Trong nhà vẫn ấm áp, có thể mặc quần áo mỏng. Các khối nhà đều có hệ thống dẫn nước nóng đến từng căn hộ. Các ống nước nóng đó chạy nối chung quanh tường. Cả thành phố có 2 hệ thống dẫn nước. Một hệ thống ống nước sinh hoạt lạnh và một hệ thống dẫn nước nóng để sưởi. Thỉnh thoảng nhiệt độ trong nhà lên cao thì người ta lại hé cửa sổ để cái “tủ cấp đông” khổng lồ bên ngoài phả hơi lạnh vào nhà. Khi ra khỏi nhà phải mặc quần áo, đi giầy, đội mũ, ít nhất phải mất 15-20 phút. Về nhà cởi ra lại mất thời gian như thế. Khi chúng tôi đến Đài phát thanh đối ngoại Mát-xcơ-va làm việc, vào nhà rồi phải cởi quần áo ra, gửi vào một cái ngăn tủ rồi nhận thể gửi quần áo rồi mới lên phòng làm việc. Khoản biên chế nhân viên cho việc này khá lớn. Xứ lạnh phức tạp, khó khăn cho con người tồn tại như thế. Nếu cứ mặc nguyên quần áo đi ngoài trời thì không cựa quậy được khi ngồi trong nhà để làm việc.
Sáng hôm sau thì Dương Minh Long xuất hiện ở nhà Khoa. Long trẻ trung, đẹp trai, nhanh nhẹn. Vốn xuất thân là một lao động hợp tác, nhưng từ ngày còn đi học, Long đã mê chụp ảnh. Sang Nga, trước thiên nhiên kỳ vỹ của đất nước này, với năng khiếu bẩm sinh, Long đã phát hiện ra vẻ đẹp thiên nhiên Nga mà nhiều tay nhiếp ảnh sừng sỏ của xứ sở này phải sửng sốt. Anh được nhiều giải thưởng nhiếp ảnh nghệ thuật và trở nên nổi tiếng. Ảnh của Long được trưng bày ở Hà Nội, TP HCM do sự giúp đỡ của bè bạn. Anh trở thành nhà báo nghiệp dư, cộng tác viên của báo Lao Động Việt Nam tại Liên Xô. Long rủ tôi đi theo anh để “thâm nhập” Mát-xcơ-va. Vợ chồng Khoa đều khuyên tôi nên đi theo Long, vì Long là “con ma” của TP này!
Trước tiên, Long đưa tôi đi thăm phố Arbat, một phố nằm trong khu phố cổ của Mát-xcơ-va. Thời đó, nếu ai đến Mát mà chưa thăm khu phố Arbat thì coi như chưa đến Mát. Nếu nhìn vào bản đồ, thì khu phố cổ nằm ở trung tâm thành phố, thành một cái vòng tròn nhỏ gồm những phố ngắn, hình chân chim, bao quanh là những con đường dài, thẳng tắp của thành phố hiện đại rộng mênh mông.
Tôi có một cái thú là bất kỳ đi đâu, việc đầu tiên là ra nhà sách mua một cái bản đồ hay xin các quan chức một cái bản đồ địa phương của họ. Có bản đồ rồi, đi đâu tôi cũng đánh dấu nơi mình đã đến. Nhìn vào bản đồ rất dễ dàng hình dung ra mọi sự kiện, sự việc, rất dễ giải thích các mới quan hệ. Khi viết bài, viết tin sẽ dễ dàng hơn nhiều. Trong “kho” tư liệu của tôi thì bản đồ được xếp hàng đầu. Hiện tôi đang có hầu hết các bản đồ của tỉnh, huyện của Nam Bộ. Tôi cũng có bản đồ của Mát-xcơ-va, Paris, Quảng Châu, Thẩm Quyến, Hồng Kông. Môn địa chính trị ngày xưa ít được quan tâm, ngày nay càng thấy quan trọng. (Giá như Việt Nam đừng ở cạnh Trung Quốc thì phúc cho dân tộc biết bao nhiêu!). Kinh nghiệm viết báo của tôi là nhìn bản đồ mà suy nghĩ, nhìn bản đồ mà viết.
Phố Arbat là một trung tâm mà “đời thường” của Mát-xcơ-va cổ được phục hồi trong công cuộc cải tổ của Liên Xô lúc đó. Các nghệ sĩ kéo violon, đánh đàn bên hè phố, ai hảo tâm thì cho tiền vào cái mũ đặt dưới chân họ. Tôi say sưa nghe một ca sĩ vừa đàn vừa hát những bài mà dân Mát yêu thích. Một vài thứ đồ cổ cũng được bán ở đây. Nói chung người ta đã làm lại những gì mà người ta đã xóa đi trên hè phố cổ này thời Xô Viết. Có điều là sự “phục hưng” này náo nức, rốn rang hơn bao giờ hết. Tôi cũng đã nhìn thấy cái thùng kính to để giữa phố để nhân dân quyên góp tiền xây dựng lại các nhà thờ Nga mà trước đây đã bị hủy hoại hoặc xóa bỏ đi. Nhìn qua kính, tiền đầy ắp trong thùng!
Long còn đưa tôi đi thăm Điện Kreml bên Quảng trường đỏ, lăng Lenin, nhà thờ củ hành. Đài liệt sĩ luôn có lửa cháy ngày đêm. Anh chụp cho tôi những tấm hình có “Ngôi sao điện tháp Kreml” làm nền. Anh mua vé cho tôi vào nghe ca nhạc tại cái hội trường lớn trong khu vực Kreml mà trước đây thời Xô Viết cũ là nơi thâm cung bí sử, dân thường không được bước chân vô. Tôi được xem một tốp chơi đàn accordion mà chỉ có dân Nga mới chơi “bạo” như thế. Khi cao trào, các nghệ sĩ giữ chặt một bên có phím đàn rồi buông tay phía bên kéo đàn, ném mạnh cây đàn ra không gian để nó “bung” hết cỡ… tạo nên một vụ “nổ” âm thanh… Tiếng vỗ tay như sấm. Tiết mục tiếp theo vừa kéo màn lên là Long đã kéo tôi ra khỏi nhà hát. Tôi ngạc nhiên quá, hỏi Long vé vào cửa đắt thế mà chỉ xem có thế đã thôi à? Long trả lời: mua vé cho anh vào cửa là để anh xem cái hội trường Điện Kreml nó vĩ đại thế nào, để anh thấy thời Xô Viết nó thế, đâu phải để xem ca nhạc. Tôi không ngờ Long chơi sang như thế. Đang ở trong nhà hát ấm áp, ra ngoài lại rét run. Phải vừa đi vừa chạy tôi mới đuổi kịp Long. Có lúc thấy cự ly đã xa quá, tôi gọi Long, cậu ta quay lại bảo tôi: bên này không ai gọi to ngoài đường. Người ta nhìn mình đấy. Tôi đành lặng lẽ chạy gần theo Long. Qua mấy lần lên xuống xe buýt, Long dẫn tôi đến nơi đặt tượng Hồ Chí Minh. Trước mắt tôi là một cái phù điêu, một cái vòng tròn bằng chất liệu gì tôi không rõ, to hơn cái nong ở quê nhà. Ở giữa là chân dung Hồ Chí Minh đắp nổi có lẽ bằng chất liệu đồng. Cả khối phù điêu đó được đặt ngay trên lề hè phố, không có chân đế xây cao nên rất đơn sơ. Long giải thích, trước đây họ định xây một cái tượng đài HCM tại khu đất này, Long chỉ tay vào phía trong, nhưng bị phản đối nên cuối cùng chỉ làm thế này thôi.
Đây chính là điểm nhấn của chuyến đi “công tác” Liên Xô của tôi. Irina đã trở nên “chống Việt Nam” như người ta đã dặn dò tôi trước lúc đi là ở cái chuyện xây dựng tượng đài này. Tôi định sẽ làm việc với chị để “tìm hiểu” trong chuyến đi này như chính từ “tìm hiểu” mà Irina đã đặt ra trong cuộc làm việc ngày đầu tiên. Long đã “bật mí” cho tôi trước thì càng hay. Đến trưa, Long đưa tôi về ốp ZiL để chiêu đãi tôi … bánh cuốn nóng! Ốp ZiL là một chung cư 20 tầng như bất cứ chung cư nào ở Mát. Vì nó được phân cho công nhân làm ở nhà máy ô tô ZiL ở nên gọi là “ốp ZiL”. Lao động Việt Nam ở ốp này cũng nổi tiếng ở cộng đồng người Việt lao động hợp tác, và cũng tai tiếng nhất về sự bệ rạc của người Việt. Từ xa người ta đã thấy cái thùng rác rất lớn bằng sắt có quai ở bên trên để hàng ngày xe thu gom rác đến để cẩu đi, đặt cái thùng rác mới thay vào… ruồi nhặng bay lên rào rào! Trước cửa ốp ZiL luôn có những chiếc xe du lịch bẹp rúm, của những kẻ say rượu người Nga đến đây ăn nhậu trong ốp ZiL. Vừa đến nơi tôi đã thấy một cái xe Lada lao tới, cái xe mất một cánh cửa. Đó là lần đầu tiên tôi trông thấy một cái xe du lịch mác lada (mà ở Việt Nam phải hàm Thứ trưởng mới được đi) đã mất một cửa mà người ta vẫn đi. Tay lái xe người Nga đầu tóc bù xù rời khỏi xe, lên ốp ZiL. Long tỉnh queo dắt tôi vô thang máy. Thang máy chật ních người lên, xuống. Người ta khiên cả một bao gạo lớn vô, thang máy chạy rùng rùng vì quá tải, trên tường trong và ngoài thang dán kín vác tờ quảng cáo, mỗi cái chỉ to bằng bề mặt vỏ bao thuốc lá, rao bán đủ các thứ trên đời từ quạt tai voi, nồi áp suất, đầu máy khâu cũ đến áo vét tông cũ, giầy da có lông bên trong cho mùa đông … bẩn thỉu nhem nhuốc như đi vô một cái chợ nông thôn nước ta. Long sẵn sàng lấy tay “chém” mạnh vào các cánh tay giơ lên bấm nút thang máy nếu trái ý cậu ta. Thái độ của Long rất “anh chị”.. Cuối cùng thì chúng tôi vô một “gian hàng” bán bánh cuốn nóng. Tôi nhìn kỹ thì nó là một gian hộ như gia đình Khoa đang ở, nhưng chủ nhân thu lại một góc để nằm và chứa hàng hóa, còn lại là “nhà hàng”. Người ta biến cả cái ốp ZiL 20 tầng này thành một “lâu đài” ăn uống có cơm, phở, xôi vò, bánh cuốn… Người ta còn mổ cả lợn trong cái ốp này nữa để nấu nước (nên cái thùng rác ngoài cửa ốp mới đầy ruồi nhặng như thế), mặc dù ai cũng biết ở cái xứ rét thì rất hiếm ruồi nhặng như vậy. Rượu quốc lủi của Việt Nam ở đây có thể uống tràn cung mây nên thu hút đám bợm nhậu người Nga dưới thời Gooc-ba-chốp cấm rượu nên mới đến đông như thế. Phải công nhận ở xứ rét, được đĩa bánh cuốn nóng ăn với giò chả (cũng nóng) và ly rượu quốc lủi thì tỉnh người. Ăn xong tôi vô nhà vệ sinh thì suýt nữa phải vô bệnh viện vì tối om, tôi trượt chân đập cả trán vào bồn tắm, choáng váng đứng dậy, cố gắng tìm cái quẹt ga. Trong thứ ánh sáng lờ mờ, tôi không thể tưởng tượng nổi cái bồn to đùng ấy đang được ngâm đầy gạo nếp trong nước nóng. Nếu tôi ngã sấp mặt vào bồn thì dính bỏng là cái chắc. Quên cả đi vệ sinh, tôi kéo Long về ngay. Tôi kể lại câu chuyện trong buồng tắm, cậu ta nói tỉnh queo “anh chẳng hiểu gì cả” (câu này tôi nghe lần đầu từ cậu lái xe đoản 12 ngày đi Lạng Sơn năm nào, bây giờ nó lại được tuôn ra từ Long). Cậu giải thích: người ta ngâm gạo nếp vô nước sôi thì khi đồ nó mau chín hơn. Nói xong lại đệm câu “anh chẳng hiểu gì cả”!
Về đến nhà Long ở cách xa khu trung tâm Mát thì đã xế chiều. Căn hộ của gia đình Long ở lầu thứ 10, giống y chang căn hộ dành cho tôi và Kiên ở nhà khách ban đối ngoại. Vợ Long tên là Minh, một phụ nữ đẹp đằm thắm và có ánh mắt hơi buồn. Chị Minh tốt nghiệp đại học trong nước và làm ăn ở Nga đã 8-9 năm. Tối hôm đó Long chui vào buồng tối in, tráng phim cả đêm. Có lẽ vợ chồng Khoa gọi Long là “con ma” vì thế. Anh ta để cho tôi ngủ ở một giường cá nhân, góc bên kia cũng là một giường cá nhân. Chị Minh ngồi làm việc trước cái máy khâu, lâu lâu điện thoại réo, tôi lại thấy chị cầm máy lên như cãi nhau với một người Nga ở đầu dây đằng kia… Tôi nằm trằn trọc mãi rồi vớ tay lấy chiếc máy ảnh chụp một kiểu chị Minh ngồi làm việc với cái máy khâu trong đêm khuya, bức hình này hiện tôi vẫn còn giữ, mỗi lần giở ra xem lại, hình dung ra căn phòng nhỏ trên lầu cao giữa Mát-xcơ-va lạnh lẽo mênh mông, có một đôi vợ chồng trẻ người Việt cặm cụi làm việc thâu đêm suốt sáng mà suy nghĩ về thân phận con người Việt Nam đi tha phương xứ người. Vậy mà nghe đâu vợ chồng chị cũng không khá được. Hai người dẫn nhau về nước. Cả hai đến thăm tôi tại Sài Gòn. Minh cho biết chị đã xin được vào làm ở Đài THVN, làm phim về du lịch. Tôi hỏi Minh: thằng Khải Hưng dạo này còn chửi bới chị em nữa không? Minh hoảng hốt, sao anh rành Đài truyền hình của chúng em thế? Rành Khải Hưng thế? Tôi cười rồi bảo: anh từ cái tổ con tò vò đó chui ra thì làm gì không biết trong tổ tò vò có gì! Có điều là sau này khi Minh đi làm phim về ĐBSCL, tổ làm phim của chị lại không đem máy quay phim đi theo (có lẽ là Đài đã hạch toán về máy móc như thế nào đó, tôi không hiểu). Minh nhờ tôi mượn máy của các tỉnh mà chị đến làm việc. Tôi gọi điện đến giám đốc các đài, nhận Minh là em. Chị còn cẩn thận nhắn tôi nhớ nói là “em vợ” (vì chị không cùng họ với tôi). Nhưng với các “anh Hai Nam Bộ” thì chuyện đó là chuyện nhỏ: em nào chẳng là em, “Khải nào chẳng là Khải”!
Viết đến đây tôi lại nhớ đến chuyện “em vợ”. Một lần tôi nói với ông Sáu Kiệt rằng, Bảy Nhị ở An Giang hắn thông minh lắm, vậy mà làm phó chủ tịch tỉnh đến 9 năm, lên được chủ tịch có 1-2 năm đã đến tuổi hưu uổng quá (người Bắc nói phí quá!) Ông Sáu nghe xong chẳng nói gì cả. Mấy tháng sau, tôi gặp ông trong một cuộc họp, ông vỗ vai tôi nói: thằng Bảy Nhị nó thông minh thật, tôi hỏi nó con cá tra với cá basa (đều là loài cá da trơn), vậy nó giống nhau ở chỗ nào? Nó nói ngay: giống như vợ với em vợ đó!
… Chợp mắt được ít phút thì trời sáng hẳn. Tôi nhìn ra ngoài thấy trời nắng ong ong, mừng quá reo lên: hôm nay trời ấm rồi. Vợ Long nói: anh không nhìn thấy các đám tuyết đã đóng băng hết à, trời nắng mà băng đóng hết mặt đất như thế kia thì còn lạnh gấp 10 lần trời có tuyết. Chị khuyên tôi nên ở nhà. Tôi đời nào chịu, nhất định đòi đi. Long đã chuẩn bị xong máy móc, chỉ còn có chờ tôi mặc quần áo. Lúc tôi đi giầy, thấy tôi đi đôi tất mỏng, Minh kêu lên: ở đây mà đi tất mỏng thế kai thì lạnh buốt chân không đi nổi đâu. Chị lục trong tủ, đưa tôi một đôi tất bằng len to xù. Giày thì nhỏ mà tất thì to nên tôi cố len chân sao cho vừa. Đến khi xuống đường, đi được một quãng thì tức chân không sao đi nổi. Tôi phải cởi tất ra để đi giày không. Quả thật như Minh nói, tôi thấy trời lạnh đến mức vừa nhức chân, vừa nhức đầu. Long lại đưa tôi lên đồi Lenin để thăm trường Đại học Lô-mô-nô-xốp nên càng lạnh. Từ trên đồi cao, tôi ngắm toàn cảnh Mát-xcơ-va… chìm trong giá buốt. Long còn đưa tôi đến sứ quán Việt Nam ở Liên Xô “cho biết”. Cuối cùng chúng tôi đến quảng trường Đỏ để chứng kiến một cuộc biểu tình. Đa số người biểu tình là người già. Một ông râu dài đến rốn, đứng như trời trồng trong giá lạnh, với tấm biển có ghi dòng chữ (mà Long dịch cho tôi). Yelsin là nước Nga! Lúc đó Gooc-ba-chốp đã mất uy tín vì đời sống dân Nga ngày càng khó khăn. Dân chúng ủng hộ Ensin. Dư luận về một sự tan rã liên bang Xô Viết lan rộng. Tôi đi trên đường phố, lên xe buýt, xuống tàu điện ngầm… thấy một bầu không khí rất trầm uất. Người Nga nào mặt mũi cũng đăm chiêu, hình như trong đầu họ chứa chấp nung nấu, đang dồn lên một cái gì ghê gớm lắm. Không ai nói với ai một câu nào, không nhìn thấy một nụ cười nào ngoại trừ những nụ hôn say đắm của những cặp trai gái siết chặt lấy nhau dưới các ga tàu điện ngầm! Không khí xã hội oi bức như đêm trước của một ngày giông bão lớn hôm sau. Tôi học thuộc mấy câu tiếng Nga, đứng trên xe buýt nói lớn: tôi là nhà báo Việt Nam. Xin hỏi quý vị, Gooc-ba-chốp? Tất cả mọi người lắc đầu. Enxin? Tất cả mọi người gật đầu.
Chiều tối hôm đó Long đưa trả tôi về nhà Khoa để sáng hôm sau anh còn đi gấp một nước cộng hòa vùng Ban tích của Liên Xô cũ sẽ nổ ra một cuộc biểu tình lớn đòi giải tán liên bang. Long là phóng viên nhiếp ảnh xông xáo một cách kỳ lạ. Tôi đã chứng kiến anh chụp hình trong lần đón diễn viên Nhật Bản đóng vai Ô-sin (thủ vai Ô-sin lúc bé) ở sân bay Tân Sơn Nhất năm nào. Trong đám phóng viên chen chúc, anh nhảy vào giữa và nằm ngữa người bấm máy lia lịa rồi sau đó ngã đè lên những người khác ở sau lưng mình giữa tiếng la ó …
Tôi kể lại những nơi đã đi với Long thì vợ chồng Khoa đều nói, ở Mát 5 năm rồi nhưng chúng tôi cũng chưa đặt chân đến ốp ZiL, chưa đến những chỗ Long và tôi đi. Một cô nàng Việt đến nhà vợ chồng Khoa chơi, thấy tôi có hộ chiếu công vụ thì nhiệt tình rủ tôi đi Ba Lan. Cô nói có hội chiếu công vụ thì đi lại dễ dàng lắm. Cô hứa sẽ mua vé tàu nằm một khoang riêng 2 người. Sang Ba Lan cô sẽ thuê khách sạn. Vợ Khoa cho tôi biết, cô là giáo viên cấp 2 ở nhà và đã có một con gái đang học lớp 1. Gia đình túng bấn quá, cô sang đây chủ yếu buôn mỹ phẩm để kiếm chút vốn, cô rất muốn đi Ba Lan vì bên đó nhiều mỹ phẩm. Vợ Khoa bảo tôi “chả mấy khi có dịp” anh cứ đi đi. Đi quá hạn về cũng chẳng sao, có Irina lo hết. Tôi trong bụng rất muốn đi vì tiện thể qua Pháp luôn, thăm ông chú ruột tôi là Lê Phú Hào đã định cư ở Paris từ 1980. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, tôi chỉ ngại một điều, nhà báo Bùi Tín vừa đi Pháp và không về hồi đầu năm, ầm ỉ cả nước. Nếu tôi đi quá hạn, mặc dù không có ý định ở lại, thì cũng bị phao tin đồn ầm ỉ làm ảnh hưởng đến anh Mai Thúc Long là người cho tôi đi Liên Xô chuyến này. Làm ảnh hưởng đến một người tớt với mình thì tôi không dám làm. Cuối cùng tôi đành từ chối nàng y. Cô nàng có vẻ rất buồn. Phụ nữ Việt Nam qua làm hợp tác lao động ở các nước Âu châu, xa nhà, cô đơn, cuộc sống bên trời Âu lại hoàn toàn tự do nên việc quan hệ nam nữ coi như không ai bàn đến. Có bà cán bộ phụ nữ VN qua Liên Xô, thấy tối đến nam nữ thuê phòng ngủ chung, ban đầu bà tưởng là vợ chồng, sau biết không phải, bà la trời đất, làm trò cười cho mọi người… Tôi phải an ủi nàng y bằng cách nói với nàng, tôi không mua gì về VN cả, vali tôi rộng dành chỗ mang đồ về cho cô.
Khi về cô gửi tôi một cái cặp da đẹp, nhiều đồ chơi và kẹo sôcôla cho cô con gái. Ôi tấm lòng các bà mẹ Việt Nam, ở phương trời nào cũng ấm áp.
Sáng hôm sau, Ban đối ngoại đài mát bố trí một phóng viên nam lái xe cho tôi và Kiên đi thăm các địa điểm đáng phải thăm ở Mát-xcơ-va, trong đó có tượng đài Lê-nin và tượng đài Ga-ga-rin - phi công vũ trụ đầu tiên của thế giới. Lúc về, Irina hỏi tôi: Các anh thấy Mat-xcơ-va thế nào? Tôi bảo Irina: Liên Xô khủng hoảng là tất yếu. Cô hỏi: Tại sao? tôi rút bài thơ ngắn mới làm lúc xem tượng Lê-nin ra, đưa cho Irina coi:
TƯỢNG
Dẫm lên khối phù điêu lúc nhúc nhân dân
Tượng lê-nin hoành tráng
Nghệ thuật thế này ư?
Sao khinh bỉ con người?
Đọc xong Irina hỏi tôi: Còn gì nữa không anh Khải? Tôi nói tiếp: Tượng Ga-ga-rin thì là hình tượng ông này đang bay vút lên trời, đạp dưới chân ông là quả địa cầu thế giới nhỏ xíu. Cả nhân loại này như bị người Nga đạp dưới chân mình. Tôi thấy nó hãnh tiến, khoa trương một cách vô lối. Cái đáng buồn là chính các nghệ sẽ Nga, bộ phận tinh hoa nhất của dân tộc Nga lại suy nghĩ như thế thì còn gì để nói!!! Irina nghe nhưng không nói gì cả. Khi ăn trưa, tôi hỏi thẳng cô một câu chuyện khác: Khi ở Việt Nam, anh được người ta nói là em chống Việt Nam. Vậy Irina đã “chống Việt Nam” thế nào, nói thử anh nghe? Cô bảo tôi: Anh Khải cứ ăn trưa cho ngon miệng đi, rồi em sẽ trả lời anh…
Hôm sau, Irina đưa tặng tôi tập san “Lửa ấm”, một tập san xuất bản bằng tiếng Việt, Ban Việt ngữ in ấn lấy nên giấy đen không được đẹp lắm. Đối tượng của tập san là các lao động Việt Nam đang làm việc ở Liên Xô. Bài vở do các bạn Nga viết bằng tiếng Việt. Tôi thấy trong tập san này có nhiều hình chụp minh họa cho bài viết của Dương Minh Long và bài thơ “Nhìn từ xa… Tổ Quốc” nổi tiếng của Nguyễn Duy. Sau này về nước tôi có đưa Nguyễn Duy xem tập san này, anh rất thích thú vì đó là bài thơ của anh lần đầu tiên được in trên báo ngay sau khi anh sáng tác trong chuyến đi Liên Xô năm đó mà anh cũng không hay. Bên cạnh bài thơ có hình Nguyễn Duy do Dương Minh Long chụp. Theo Duy đó là tấm hình mà anh rất thích.
Đưa tập san “Lửa Ấm” tặng tôi, đó là Irina muốn trả lời câu hỏi của tôi, vì trong tập san đó có bài tường thuật của chị về cuộc biểu tình của học sinh trường trung học số 45 và các cụ phụ lão khu phố nơi dự định khởi công dựng tượng đài Hồ Chí Minh vào dịp sinh nhật của Người 19 tháng 5. Irina nói: Anh đọc bài em viết thì sẽ rõ. Chị nói thêm: Quyết định xây dựng tượng đài HCM của thành ủy Mát-xcơ-va cách đây đã 10 năm. Đó là thời kỳ khoa trương, nay tình hình đã đổi khác. Hơn nữa muốn xây dựng tượng đài Bác Hồ ở đó thì phải chặt đi cả một rừng cây, không đúng với lời dặn phải trồng cây của Bác, lại tốn một khoản tiền bằng xây một cao ốc 18 tầng trong lúc Mát-xcơ-va đang thiếu nhà ở cho nhân dân và cán bộ, Irina dừng lại, ánh mắt xanh biếtc của chị nhìn … xa xăm. Bất ngờ chị nói một câu mà khó có nhà văn nào nói được, khó có ai hiểu chủ tịch HCM như thế, ít nhất là sự đồng cảm của tôi với lời của chị. Chị nói: kỷ niệm ngày sinh nhật của Bác Hồ ư? Đợi đến này 19/5 này, hãy cùng nhau dắt tay vào rừng Nga mà nghe chim hót!
Vậy là tôi đã rõ. Hễ ai nghĩ khác những nhà lãnh đạo Việt Nam thì là “chống Việt nam”! Chúng ta đã sống ngoài nhân loại đã quá lâu rồi, kể từ khi những người cộng sản dẫn dắt dân tộc này “đi từ thảm họa này đến thảm họa khác” (Phạm Đình Trọng). Tự dưng lúc đó tôi thấy buồn vô hạn. Những người như Irina là bạn tốt của nhân dân Việt Nam, là cái cầu nối giữa hai dân tộc. Chị đã bỏ cả đời để học tiếng Việt, nói tiếng Việt giỏi đến mức người Việt phải ngạc nhiên. Có lần tôi than: Việt Nam vì theo Liên Xô nên bây giờ rất khổ. Irina ngắt lời tôi: Thì nước Nga chúng tôi cũng đang rên siết đây này! Chao ôi, một người Nga chính cống mà biết dùng từ “rên siết” để mô tả cái tình thế của dân tộc mình lúc này thì một người Việt bình thường cũng chưa chắc chọn được từ ngữ đắt thế. Phải yêu Việt Nam lắm chị mới gian khổ để học tiếng Việt đến trình độ đó. Tôi có cảm giác chị đã đánh cược cả cuộc đời mình vào tiếng Việt. Một lần tôi khen: Irina nói tiếng Việt giỏi quá. Chị cười nói: Thông cảm đi anh, “cần câu cơm mà”! Chị được trí thức Nga mệnh danh là nhà “Đông phương học”! Chị đã 17 lần sang Việt Nam đa số là do bạn nghe đài Mát-xcơ-va tiếng Việt ở Chợ Lớn mời vì mê giọng đọc của chị và anh Trần Phương giọng Nam Bộ trên đài Mát. Chị am hiểu văn hóa Việt Nam và tình hình chính trị ở Việt Nam. Chị nói với tôi, Việt Nam có đội ngũ trí thức sáng giá. Lấy đâu ra một trí thức như Nguyễn Khắc Viện ở các nước ASEAN? Lúc đó, ông Bùi Tín mới qua Pháp, đang phát biểu trên các đài Phương Tây kiến nghị Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh thay đỗi nhận thức, thực hiện những cải cách triệt để về chính trị… Irina bảo với tôi: Ông Bùi Tín ngây thơ quá, ai mà khuyên các nhà lãnh đạo cộng sản thay đổi được. Phát biểu như ông Nguyễn Khắc Việt còn dễ nghe hơn. Lúc đó, ông Nguyễn Khắc Viện cũng đang bị các nhà lãnh đạo Việt Nam phê phán rất nặng, tưởng là đi tù đến nơi. Trước lúc tôi đi Liên Xô, tôi được mời dự một cuộc họp giao ban của Đài, Tổng giám đốc Phan Quang còn căn dặn: Việc phê phán trên đài thì giữa Dương Thu Hương và Nguyễn Khắc Viện ta phải cân nhắc không thể đánh đồng được(!)
Irina lại là người có uy tín trong giới trí thức Nga khi bàn đến vấn đề Việt Nam. Dương Minh Long nói với tôi: Chị Irina ghê gớm lắm, đến chủ nghiệm Ủy ban phát thanh truyền hình toàn Liên Xô phải nể nang chị. Khi ông này nhờ chị phiên dịch cho ông trong dịp tiếp bà Nguyễn Thị Bình sang Liên Xô công tác. Chị ra giá ngay phải mời ca sĩ Trần Tiến, bạn của chị sang hát trên truyền hình Liên Xô chị mới đồng ý phiên dịch giúp. Ông chủ nhiệm phải chịu. Vì thế Trần Tiến mới được qua Liên Xô. Giấy mời do đích thân Chủ nhiệm UBTP và TH Liên Xô ký. Chương trình ca nhạc trên Đài truyền hình toàn Liên bang đã đăng báo trước cả tháng vậy mà phải chen vào 6 phút để Trần Tiến hát. Long hỏi tôi: Anh thấy chị Irina có ghê gớm không?
Một người như Irina là một bạn tốt của Việt Nam, vậy mà đùng một cái, chị trở thành kẻ “chống Việt Nam”. Mà chị đã chống Việt Nam thật sau khi chúng ta tuyên bố “Irina chống Việt Nam”. Đài phát thanh cá nhân mang tên Radio Irina đã ra đời sau khi Liên Xô tan rã. Tất cả các buổi phát thanh của Đài này buộc Đài TNVN phải thu băng lại, và gỡ băng ra in thành văn bản đưa cho lãnh đạo đọc để tìm cách đối phó. Bài phát thanh mang tên “bài học Dương Thu Hương” đã làm lãnh đạo Việt nam đau đầu. Tôi được một vị lãnh đạo của Đài đưa cho đọc bài này và nhớ như in từng đoạn văn viết khi nói về ĐCSVN và đội ngũ trí thức Việt Nam. Nói về Đảng chị viết: Đảng cộng sản VN có một vốn chính trị giàu có là hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ nhưng với chuyên chính vô sản và tập trung dân chủ, Đảng đã mau chóng tiêu hết cái vốn đó. Về đội ngũ trí thức, chị viết: Đảng không mong muốn gì hơn là có một đội ngũ trí thức thông minh, béo tốt và… dễ bảo! Vì thế cứ mỗi lần tôi thấy có hội nghị gì quan trọng tập trung nhiều trí thức, tôi thấy các vị GS, tiến sĩ, viện trưởng này, vụ trưởng kia… com lê cà vạt sang trọng, nhưng đi rón rén, nói thì thào trước mặt Thủ tướng thì đúng là: “Thông minh, béo tốt và dễ bảo”! Radio Irina gây khó khăn cho Việt Nam đến mức khi phó Thủ tướng Nga sang thăm và làm việc với Việt nam, trong chương trình nghị sự ký kết giữa Thủ tướng Phan Văn Khải và phó Thủ tướng Nga có riêng một mục là Nga phải dẹp bỏ Radio Irina!
Chiều hôm đó Irina mời tôi và Trần Kiên phát biểu cảm tưởng trên Đài phát thanh đối ngoại Mát-xcơ-va. Trưởng đoàn Kiên được mời vào phòng thu trước. Kiên yêu cầu tôi phát biểu trước để anh còn chuẩn bị. Tôi nghe theo lệnh của trưởng đoàn. Phòng thu bằng pha lê, ngồi trong nhìn rõ bên ngoài. Irina hỏi: Xin nhà báo Phú Khải cho biết cảm tưởng lần đầu tiên đến thăm thủ đô Mát-xcơ-va? Trả lời: Thưa các bạn thính giả Đài Mát-xcơ-va, thưa các bạn Nga, ở nước Việt Nam tôi có câu chuyện cổ tích thế này: Một bác nông dân bị lạc vào rừng, bác ta gặp một con hổ. Con hổ định ăn thịt bác. Bác nông dân bình tĩnh nói: sau khi ăn thịt tôi, hổ phải phát biểu cảm tưởng!!! Thế là hổ cúp đuôi chạy mất (ở ngoài phòng thu tôi thấy mọi người ngồi nghe há mồm cười, vỗ tay). Tôi bình tĩnh trả lời tiếp: Vậy là ở nước tôi, phát biểu cảm tưởng là điều mà hồ còn phải sợ, nhưng tôi hôm nay cứ liều phát biểu một vài cảm nhận của mình khi lần đầu tiên được may mắn đến thăn thủ đô của Liên Xô vĩ đại. Tôi đi từ Hà Nội của hãng Aeroflot có hàng trăm ghế ngồi, các tiếp viên của hãng đẹp như sao trên trời, sang đây nhìn thấy cái gì cũng to lớn, nhà cao, tàu điện ngầm thật là một công trình kỳ vĩ. Các bạn Nga đón tiếp chúng tôi rất nhiệt tình. Tôi đã thấy tận mắt thành tựu vĩ đại của Liên Xô. Nhưng tôi cũng thấy các bạn tôi - cả người Việt lẫn người Nga đều xếp vào vali từ cái quần lót phụ nữ để sang Mát-xcơ-va bán. Vậy là Liên Xô chỉ chú ý đến cái vĩ mô, bỏ quên mất cái vi mô (ngoài phòng thu mọi người gật gù tán đồng). Tôi lại mạnh dạn nói tiếp: Tôi tin là công cuộc cải tổ ở Liên Xô hiện nay là sự điều chỉnh cái mâu thuẫn đó (thấy vỗ tay bên ngoài). Tôi nói tiếp: Tôi tin là, những nguyên tắc Lênin nít của CNXH sẽ được phục hồi từ công cuộc cải tổ này (bên ngoài lắc đầu, có người nhún vai tỏ thái độ chê bai, có người còn xua tay). Hoảng quá, nhưng tôi vẫn bình tĩnh “cảm ơn và chào thính giả nghe đài”…
Ra khỏi phòng thu tôi phải chạy vô nhà vệ sinh để hút thuốc cho giảm căng thẳng. Vậy là tôi đã hiểu, người Nga biết rõ không thể cải tổ được xã hội Xô Viết mà cái xã hội ấy chỉ có tan rã thôi. Tôi còn ngây thơ quá nên bị họ cười! Ở Đài phát thanh đối ngoại Mát-xcơ-va kỷ luật nghiêm lắm. Hút thuốc phải vô phòng vệ sinh, đứng hút thuốc bên cạnh những người đang tiểu tiện. Thế mà nhà vệ sinh mịt mù khói thuốc. Một bạn người Nga đã lớn tuổi nói với tôi: Bỏ thuốc lá có gì khó đâu, tôi đã bỏ ba trăm lần rồi!
Hút xong điếu thuốc, tôi quay vào thì Trần Kiên cũng vừa phát biểu thu thanh xong. Irina đưa tôi và Kiên ký vào biên nhận để mỗi người nhận một bao thơ nhuận bút. Thì ra, đây là thiện ý của các bạn Ban Tiếng Việt, mời chúng tôi phát biểu để có cớ chi tiền cho chúng tôi. Tôi cảm ơn Irina và mở phong bì thơ ra coi, có 25 rúp trong đó. Tôi và Kiên đều mừng. Bài của tôi được phát sóng ngay tối hôm đó. Khoa bảo với tôi: Bài của anh được phát, bài của anh Kiên không được phát. Tôi hỏi lý do vì sao, Khoa nói: Irina bảo, anh Kiên quên không chào thính giả nên bài không phát!
Không hiểu Trần Kiên đi với Irina “tìm hiểu” được những gì ở Mát-xcơ-va? Còn tôi thì hết lang thang với Dương Minh Long rồi lại theo vợ Khoa đi xếp hàng mua đồ ở chợ Nông Trường. Đứng xếp hàng tôi thấy rất buồn. Những người đàn ông Nga cao lớn phải xếp hàng rồng rắn chỉ để mỗi người mua được một cục pin nhỏ xíu cho cái đồng hồ điện tử mà nước ngoài mới được nhập vào Liên Xô. Ôi, một đất nước làm ra cả tên lửa vượt đại dương, đất nước có người bay lên vũ trụ đầu tiên mà cuộc sống đời thường cho nhân dân thì lại thua cả cái anh Thái Lan, Philippines thì giải thích thế nào đây? Hay là bị Mỹ nó lừa trong cuộc chạy đua vũ trang mà cái tượng Gagarin kiêu ngạo kia là một bằng chứng? Người Nga xếp hàng yên lặng và trật tự. Còn đám dân Việt đầu đen, đồng bào của tôi, người thì thấp bé, lùng thùng trong chiếc áo Na-tô cười nói bô bô huyên náo cả một khu chợ. Người ta nhìn những cái đầu đen đang huyên náo kia như nhìn những người từ hành tinh khác vừa mới đến! Một bà già vừa mới mua được ký dưa chuột muối còn cầm trên tay loay hoay chưa biết xếp vào cái giỏ nào dưới chân, tôi vội nâng cái túi của bà lên, mở rộng miệng túi để bà bỏ dưa chuột vào. Bà nhìn tôi cảm ơn rồi hỏi bằng một từ: Corée? (Người Triều Tiên - Hàn Quốc). Thật buồn!
Mua được hàng, buổi tối chúng tôi kéo xuống tầng 11 nhà vợ chồng Kiên đang ở để liên hoan nhẹ. Một anh chàng người Nga cao to, bạn hàng của vợ Kiên cũng đang ở đó. Vợ Kiên cho biết anh ta vừa đi khám bệnh về, bị viên phế quản. Vậy mà khi tôi mời anh ly rượu Lúa mới, anh làm hết cái ly cối trong một hơi. Uống xong, anh lấy tay áo chùi ria mép, rồi ba hoa. Tôi nghe được câu ba hoa ấy qua lời dịch của vợ Kiên: Nước Nga của chúng tao luôn là một cái làng lớn đầy hủ tục! (Người Nga thật thà như một tảng đá, không che giấu cái sức ỳ của chính mình).
Sáng hôm sau, Khoa chở tôi đến Đài từ sớm. Đây là ngày thứ 10, ngày cuối cùng của chuyến đi theo quyết định đã ký. Tôi gặp Irina ngay ở phòng thay quần áo ở tầng trệt của ngôi nhà lớn 7 tầng lầu này. Irian hỏi tôi rất nghiêm túc: Thế anh Khải định không tìm hiểu gì thật trong chuyến đi này à? Tôi trả lời nghiêm túc: Có định tìm hiểu nhưng khó lắm. Chị tiếp lời: Thì anh cứ nói đi. Tôi trình bày rằng, thì là tôi một gặp một trí thức hàng đầu của nước Nga để tìm hiểu về công cuộc cải tổ đang diễn ra đầy kịch tính hiện nay ở Liên Xô, mà người phiên dịch phải là Irina! Tôi không ngờ chị cười và nói ngay: dễ thôi, đi ngay bây giờ. Thế là Irina kéo tôi ra cửa, đi luôn. Rất may là chúng tôi chưa kịp gửi quần áo, còn mặc nguyên bộ đồ đi trong băng tuyết…
Lên xe điện rồi, Irina bảo với tôi: Em đưa anh đi gặp viện sĩ, giáo sư X, người đang là trưởng Ban cải cách Hiến pháp Liên Xô. Tôi không ngờ Irina quen biết ghê gớm đến thế. Tôi mừng thầm là chuyến đi này đã đạt được mục đích ở ngày cuối cùng. Tôi chào ông viện sĩ có vẻ bề ngoài rất quắc thước này bằng tiếng Pháp. Ông ta đứng dậy bắt tay tôi rồi lại ngồi xuống cái ghế bành to đùng. Irina giới thiệu tôi một hồi với ngài viện sĩ mà tôi không biết nàng đã nói những gì. Sau đó nàng giục tôi: Anh hỏi đi. Tôi hỏi: Thưa ông viện sĩ, chúng tôi từng đọc sách thấy Lênin nói, nền dân chủ XHCN ở Liên Xô gấp triệu lần nền dân chủ ở những nước tư bản chủ nghĩa. Vậy bây giờ Liên Xô cải cách Hiến Pháp là dựa trên nguyên tắc, nguyên lý nào? Irina dịch và ngài viện sĩ trả lời tôi qua lời dịch của chị: Chúng tôi đang nghiên cứu Montesquieur… Tôi nghe xong câu ấy thì đứng lên cúi đầu rất thấp chào ngài viện sĩ và nói với Irina: Thôi, thế là đủ rồi. Chúng ta về thôi…
Ra đến cửa, tôi bảo Irina: vậy là quay lại thế kỷ 18 để thực hiện tam quyền phân lập. Và như vậy là Việt Nam chúng ta đã đi lộn đường hơn 2 thế kỷ rồi! Irina không nói gì cả. Nhưng nàng lại đưa tôi đi tiếp. Đến một ngôi nhà cao tầng ở một phố không có vẻ gì là sang trọng, nàng bảo tôi: Em đưa anh đi gặp Tổng Bí thư của một đảng đối lập, tầng lầu mà ta sắp lên là chính đảng cộng sản thuê cho đảng đối lập này làm trụ sở. Vậy là tôi lại hiểu thêm một “kênh” chính trị nữa ở Liên Xô lúc đó.
Tổng bí thư đảng đối lập là một người đàn ông trung niên tầm thước, gương mặt trông hiền hòa nhưng có đôi mắt rất sáng. Trong cuộc trao đổi với ông, tôi nhớ không bao giờ quên hai câu nói đầy ấn tượng của ông. Câu thứ nhất nói về Liên Xô: Liên Xô của chúng tôi là một cái chiến hạm mắc cạn còn Việt Nam là một chiếc thuyền thúng không biết nó trôi dạt đi đâu(!) Câu thứ hai nói về xã hội Xô Viết: Thằng I-van nó không có gì cả thì nó không thể nên người được. Nó phải có gia sản thì mới nên người! (I-van là cách nói tượng trưng chỉ một người đàn ông Nga; như người Việt nói anh Ất, Anh Giáp). Ra về, khi chỉ có tôi và Irina trong thang máy, nàng lấy tay gỡ cái huy hiệu biểu tượng của đảng đối lập mà ông Tổng Bí thư vừa gắn lên ngực áo tôi để làm kỷ niệm ra, gắn lên áo của mình, mồm nói: Em tịch thu cái huy hiệu này của anh!
Hôm nay, khi tôi đang viết những dòng chữ này, tức là hơn 20 năm sau khi Liên Xô lúc đó phải đọc lại Montesquieur thì Việt Nam đang trưng cầu ý kiến nhân dân về sửa đổi Hiến Pháp. Ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn kiên quyết bác bỏ “tam quyền phân lập”! Tôi bỗng nhớ đến câu nói nổi tiếng của Lenin: “Nước Nga luôn đội trên đầu mình cái mũ mà cả loài người tiến bộ đã vứt bỏ”. Vậy mà Việt Nam vẫn quyết đội trên đầu mình cái mũ mà cả loài người tiến bộ đã vứt bỏ. Cái mũ độc đảng! Cũng hơn 20 năm sau, cái chiến hạm Liên Xô đã thoát cảnh mắc cạn, nhưng cái chiến hạm ấy do anh chàng KGB Putin cầm lái chưa biết nó sẽ đi về đâu… Còn con thuyền thúng Việt Nam thì đang trôi dạt vào một vùng sóng to gió lớn. Chắc chắn nó sẽ bị lật úp nếu những người trên con thuyền thúng đó không dám can đảm nhảy xuống nước mà bơi vào bờ, cứ khư khư ôm lấy con thuyền đó.
… Trưa hôm đó Irina đãi tôi ở căn tin của Đài. Nàng nói: cái gì ăn không thấy ngon thì thôi ngay nhé. Tôi thấy nàng gọi nhiều món lắm, nhưng ăn chẳng thấy thứ gì ngon cả. Có thứ chỉ là khoai tây nghiền nát phe thêm chút bơ vào, ăn nhạt nhẽo vô cùng. Khoa đến chỗ chúng tôi ngồi ăn. Anh ghé vào tai tôi nói đủ nghe… Thì ra chúng tôi sẽ phải về nhà sớm để chiều tối hôm ấy Irina đến nhà anh liên hoan, tiễn chúng tôi về nước trưa ngày hôm sau.
Vợ chồng Khoa phấn khởi lắm. Anh nói: Đây là lần đầu tiên trưởng ban Việt ngữ Irina đến thăm và ăn tối tại nhà riêng một cán bộ Việt Nam tại chung cư dành cho các chuyên gia nước ngoài, Anh còn biểu dương tôi: nhờ có anh mà Irian mới tới đó. Đây là vinh dự cho vợ chồng tôi. Anh cũng mời cả Dương Minh Long, anh Hùng (cũng là phát thanh viên đã hết hạn hợp đồng làm việc đang chờ vé máy bay về nước) và một người bạn của anh đang làm luận án tiến sĩ ở trường Đảng cao cấp Liên Xô… và dĩ nhiên có cả Trần Kiên.
Tôi thấy vợ Khoa lấy ra một cái rìu, đúng là rìu bổ củi bên ta, nhưng cán rìu sơn màu đỏ rất đẹp. Tôi không biết cái rìu ấy dùng vào việc gì? Một lúc sau vợ Khao bật nắp tủ cấp đông khiêng ra từng tảng nước đá và sai chồng bổ nước đá để lấy ra những cái đùi gà lớn được dự trữ trong tủ … không biết từ bao giờ! Khoa giải thích: đây là gà công nghiệp Mỹ mà Liên Xô phải nhập về để cứu nguy cho tình trạng thực phẩm khan hiếm chưa từng có ở Mát-xcơ-va! Vợ chồng Khoa dùng những cái đùi gà ấy để làm nem, món ăn truyền thống Việt Nam mà các bạn Nga rất thích.
Xế chiều thì mọi người đã đến đông đủ. Dương Minh Long bảo tôi để cho Kiên về trước, tôi cố ở đây đến tháng 5, mùa hè các cây khô kia đâm chồi ra lộc. Con gái Nga sau những tháng mùa đông, hè đến các cô cởi tung ra, mặc váy ngắn khoe các cặp đùi non… thì lúc đó mới đúng là Mát-xcơ-va! Tôi biết thế nhưng đành chịu. Dương Minh Long đã bán hộ tôi cái máy chụp hình của Nhật đã cũ nhưng dân Nga lại rất thích, để mua hộ tôi cái máy chụp hình Zennit mới toanh to đùng mà tôi cũng rất thích. Đúng 6 giờ chiều thì Irina đến. Nàng ăn mặc rất đẹp, môi son má phấn đàng hoàng. Thằng bé con Khoa nhảy ra trước đón khách. Irina reo lên: Ối giời ơi! Nó lớn nhanh quá! Tôi đảm bảo 100% nếu nghe câu nói này mà không nhìn thấy người nói thì người ta sẽ nghĩ rằng đó là một phụ nữ Hà Nội (vì không phải là “ối trời ơi”, mà là “ối giời ơi”).
Chúng tôi đã ngồi xuống sàn ăn nhậu như ở Việt Nam và Irina rất thuần thục với lối ăn ngồi dưới chiếu trải trên nền nhà. Nàng thu váy vào lòng và ngồi xếp bằng. Khi mỏi lại đổi tư thế ngồi nghiên quẹo chân sang một bên rồi cầm đũa gắp nem chấm nước mắm pha ăn ngon lành. Đôi lúc còn đưa cả bát lên húp nước chấm còn dư trong bát, xuýt xoa khen ngon! Một phụ nữ Nga như thế thì làm sao mà “chống Việt nam” được? Sứ quán của ta, cán bộ chỉ quen đi buôn nồi áp suất, quạt tai voi nên đã báo cáo về Việt Nam là “Irina chống VN”.
9 giờ tối trước khi ra về, Irina còn dặn kỹ chúng tôi là không đem thuốc tây trong hành lý về nước. Đó là thứ quốc cấm ở Liên Xô. Nếu đem trong valy, hải quan khám thấy sẽ phạt rất nặng, có khi còn làm nhỡ cả chuyến bay (lúc đó mua vé rất khó, phát thanh viên Hùng nằm chờ cả tháng nay chưa có vé). Tôi và Khoa phải mặc quần áo rồi tiễn chân Irina ra đường vẫy taxi (cách chung cư cả mấy trăm mét). Ngoài trời là âm 10 độ. Tôi vừa đi vừa nhảy lên cho khỏi rét. Thấy thế, Irina nói: Napoléon Bonaparte xưa kia thua trận cũng vì cái rét của nước Nga đấy các nhà báo ạ. Khoa đã ôm hôn Irina để chia tay nàng.
Đêm hôm ấy chúng tôi thức rất khuya để đóng hàng. Khoa lấy thang để trèo lên cái kho khui ra biết bao nhiêu thứ. Lúc này tôi mới quan sát kỹ. Căn hộ tuy nhỏ nhưng được các nhà kiến trúc thiết kế rất hợp lý. Cái hành lang chạy dọc chia căn hộ ra làm từng khu vực. Một bên là phòng khách, phòng ngủ. Một bên là nhà vệ sinh, nhà bếp…thì cái trần trên hành lang được hạ thấp sát với đầu người, trên đó trở thành một cái kho chạy dài như cái toa tàu để chứa đồ. Vì theo quy luật, không ai dừng lại ở hành lang lâu, đó chỉ là lối đi nên trần rất thấp. Trong khi các phòng khác, trần nhà rất cao, không gây ức chế cho người luôn nằm ngồi ở đó. Các nhà kiến trúc Việt Nam đi Liên Xô như đi chợ sao họ chẳng học được cách xây các chung cư kiểu đó!
Ngày thường căn hộ của Khoa rất gọn gàng, vậy mà bây giờ anh khui từ trên cái “kho” đó ra bao nhiêu là thứ. Lúc đi vợ tôi chỉ dặn mua một bộ sấy tóc Liên Xô thì Khoa đã cho tôi rồi, vì thế toàn bộ chiếc valy của tôi để dành cho Khoa xếp đồ gửi về Hà Nội. Anh bạn đang làm luận văn tiến sĩ về Đảng của Khoa vừa xếp đồ vừa tuyên bố: trình độ tiến sĩ thì xếp đồ cũng trình độ tiến sĩ. Mà anh ta xếp hay thật. Bất cứ một kẽ hở nào trong valy cũng được nhét vào đó một thứ gì đó có khối lượng vừa vặn khoảng trống ấy. Cái valy của tôi nặng còn hơn cái cùm. Xếp xong đồ thì trời đã gần sáng. Đêm cuối cùng chúng tôi thức uống trà đặc để chia tay nhau. Tôi nhớ mãi câu tâm sự của anh chàng đang thi tiến sĩ: một tháng tôi ở trường Đảng cao cấp ở đây thì được ăn một lượng thịt bằng ở nhà được ăn trong một năm. Ba năm tôi ở đây thì bằng cả đời ở Việt Nam! Chỉ thương vợ con ở nhà khổ quá! (nếu Nam Cao sống lại thì ông sẽ viết được cuốn tiểu thuyết hay hơn cuốn “Sống mòn” về anh bạn tiến sĩ tương lai, bạn thân của Khoa).
… Sân bay quốc tế Mát hỗn loạn như một cái chợ. Các mụ đi buôn lậu từ Bun, từ Ba Lan sang Nga sẵn sàng trèo lên quầy bán vé, các hàng rào bằng ống sắt để người xếp hàng đứng ở giữa chờ vào phòng làm thủ tục đi máy bay… Các mụ này bước cả qua đầu những người đang xếp hàng ở dưới … vô tư! Irina không đưa chúng tôi ra sân bay được. Một bạn nam trong Ban Tiếng Việt lái xe và cầm giấy tờ, vé máy bay của chúng tôi đi làm mọi thủ tục ở sân bay. Anh ta chờ cho chúng tôi vào lọt phòng đợi lên máy bay rồi mới dám quay về. Vậy mà suýt nữa phải ở lại vì Kiên có đem theo một gói to thuốc kháng sinh của Liên Xô sản xuất trong valy của mình về Việt Nam. May quá, chỉ bị tịch thu không bị giữ người.
Irina không tiễn chúng tôi được. Nàng gửi tôi một lá thư chữ rất đẹp. Tôi còn giữ lá thư này đến ngày hôm nay để làm kỷ niệm. Nguyên văn: ”Anh Khải ạ! Em nhờ anh chuyển mấy thư này như anh đã hứa, nhưng em không biết sau này có cách nào cảm tạ anh về chuyện đó? Chắc là em phải truyền cho con cháu xây đền thờ để thờ anh bao đời sau. Đúng không anh? Còn em chúc anh đi đường may mắn, vô sự, cái gì dở thì cố quên đi ngay, anh hứa với em đi. Em xin gửi anh mấy cái hôn ly biệt và nhớ. Ký tên Irina”. Một lá thư khác được dán kín. Nàng gửi cho nữ nhà văn Dương Thu Hương, có địa chỉ ở đường Ngôi Thời Nhậm Hà Nội. Nhờ tôi đem về đưa tận tay cho Hương, như lời anh bạn Nga nói lại lúc trao thư.
Thật may cho tôi, khi tôi đến phố Ngô Thì Nhậm trao thư cho chị Hương ngày hôm trước thì hôm sau anh Hà Sĩ Phu - tức Nguyễn Xuân Tụ - đến thăm mẹ chị Hương bị ốm giữa lúc chị đang bị công an khám nhà. Anh Hà Sĩ Phu bị câu lưu 10 ngày để hỏi cung. Sau này chính anh nói với tôi, tay sĩ quan an ninh hỏi cung anh là Lê Hoài Nguyên. Tay này nói với anh là, tôi làm việc với anh là đỡ cho anh, nếu không phải là tôi, anh còn mệt mỏi nhiều hơn. Hà Sĩ Phu còn khen Lê Hoài Nguyên sau này có viết lại vụ án “Nhân Văn Giai Phẩm” khá trung thực và anh khen Lê Hoài Nguyên làm thơ nữa.
Anh than: Thật là những người anh em máu đỏ da vàng với nhau mà vì những chuyện chẳng đi đến đâu mà có thời gian phải làm khó cho nhau. Cuối cùng nghĩ lại cả đôi bên đều thấy rất buồn! Anh Hà Sĩ Phu nói thế là thực lòng. Tôi biết anh từ năm 1988 khi anh viết “Dắt tay nhau đi dưới tấm biển chỉ đường của trí tuệ”. Tôi đã lên Đà Lạt thăm anh năm đó. Hai anh em nói chuyện với nhau suốt ngày. Tính anh hiền hậu, dễ thường dễ mến. Tôi chụp cho anh tấm hình ngồi bên cửa sổ, lúc đó râu tóc còn đen láy. Vậy mà bây giờ (2013) râu tóc đã bạc trắng. Tấm hình đó anh vẫn giữ, thỉnh thoảng còn đem khoe với bạn bè.
… Khoản tiền 25 rúp Ban Tiếng Việt trả nhuận bút cho tôi, khi về đến Tasken, tôi mua 10 rúp cam đựng trong một cái giỏ to đem về Hà Nội làm quà đi Liên Xô, ai ăn cũng khen ngon. Nhà lý luận nổi tiếng Nguyễn Kiến Giang (người mà bác sĩ Nguyễn Khắc Viện gọi là “nhà Xô Viết học”) khi giới thiệu với tôi lần đầu gặp nhau, nghe được bài phát biểu cảm tưởng của tôi trên Đài phát thanh đối ngoại Liên Xô đã khen là “được”! Lúc đó trí thức Việt Nam, những người quan tâm đến thời cuộc đều nghe đài Mát-xcơ-va tiếng Việt. Về đến Mỹ Tho, anh Kim Tinh phó tổng biên tập báo Ấp Bắc Tiền Giang gặp tôi cũng nói là có nghe được bài đó. Duy chỉ có anh Hữu Thọ báo Nhân Dân, khi tôi đến thăm bạn bè ở báo, anh có lời khuyên tôi. Anh nói đại ý là anh vừa đi Bắc Triều Tiên cùng với Kim Hạnh Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ. Kim Hạnh về viết bài trên Tuổi Trẻ phê phán Bắc Triều Tiên là một quốc gia bí mật, dân làm nhà phải quay mặt vào phía trong… Anh cũng thấy như thế, nhưng người ta là nước có quan hệ ngoại giao với mình nên sứ quán họ vừa có công hàm phản đối với Bộ Ngoại Giao ta (về bài báo đó). Tôi mới đi Liên Xô về, đừng phê phán gì Gooc-ba-chop cả, vì người ta là nguyên thủ quốc gia, phê Goo-bachop thì không có lợi về ngoại giao với ta. Anh Hữu Thọ còn bảo tôi, có viết cái gì cũng không ai đăng cho cậu đâu!
Như vậy là tôi và Trần Kiên đã “kết thúc tốt đẹp” chuyến đi “công tác” 10 ngày tại Liên Xô. Nếu có ai hỏi tôi, anh đã thu được cái “khôn” nào trong 10 “ngày đàng” đi xa đó như ông bà ta đã nói “đi một ngày đàng học một sang khôn” thì tôi xin thưa, tôi đã ngộ ra hai điều. Một là, Liên Xô không thể cải tổ được mà nhất định sẽ sụp đổ, vì chính người Liên Xô đả nhìn ra điều đó. Các bạn Nga đã cười, lắc đầu khi tôi nói công cuộc cải tổ ở Liên Xô đã để “phục hồi những nguyên tắc Lenin-nít của CNXH!”Hai là, cũng như nhiều người hay đọc sách ở Việt Nam tin rằng chỉ có Stalin độc tài, còn Lenin là dân chủ! Nhưng đó là sự ngộ nhận của những người không “nằm trong chăn”. Tôi đã được nghe hai câu chuyện do chính các bạn Nga ở Ban Tiếng Việt của Đài Mát-xcơ-va kể. Một là: bạn có biết vì sao Lênin là người nói về dân chủ nhiều nhất ở Liên Xô không? Vì nếu có người thứ hai nói về chữ “dân chủ” thì đã bị ông đập đầu chết rồi(!) Câu chuyện tiếu lâm thứ hai là, một anh cán bộ làm việc ở Mát-xcơ-va, thứ bảy chủ nhật không về với vợ ở tỉnh. Lần sau anh ta về, chị vợ hỏi tại sao lần trước không về? Anh ta nói: còn đi viếng lăng Lênin. Chị vợ nổi xung quát: sao ngu thế, không viếng cái lăng này thì viếng cái lăng khác chứ lo gì(!)
Chính người Liên Xô đã thù ghét ông ta như thế cơ mà. Có lẽ tôi là một trong những nhà báo Việt Nam cuối cùng đến thăm Liên Xô trước khi “đế quốc” này tan rã vào cuối năm 1991.
Ba ông họ Võ: Võ Nguyên Giáp - Võ Văn Kiệt - Võ Viết Thanh
Giữa năm 1991, sau khi tôi đi Liên Xô về, Tuất Việt, Tổng Biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng (SGGP) nhờ tôi làm một cuộc họp mặt, mời các cây bút của đồng bằng để mở mục “Đồng bằng Sông Cửu Long” trên báo SGGP. Theo anh Tuất Việt thì các tỉnh đồng bằng, đặc biệt là các cơ quan chính quyền, đoàn thể… đều mua SGGP. Vậy mình phải nói gì về người ta thì mới có sự gắn bó giữa người đọc đồng bằng và tờ báo của TP HCM.
Tuất Việt là một Tổng biên tập tận tụy với nghề báo, có kiến thức và tâm huyết với bạn đọc. Sau Tô Hòa, ông là Tổng biên tập sáng giá của tờ SGGP. Tôi đã cộng tác với nhiều tờ báo trong cả nước nhưng chưa thấy Tổng biên tập nào tận tụy như anh. Có lần tôi đang ở tận Năm Căn - Đất Mũi, có một cái tin về xuất khẩu tôm đáng đưa lên mạng thông tin đại chúng cấp quốc gia. Tôi đọc tin qua điện thoại ra Hà Nội để Đài TNVN phát ngay buổi thời sự chiều. Về đến nhà nghỉ, tôi nghĩ đến Tuất Việt và gọi về nhà riêng cho anh, bảo anh cầm bút ghi cái tin tôi đọc. Tuất Việt ghi và anh bảo tôi, sẽ sang ngay tòa soạn để đưa cái tin đó cho báo vào sáng hôm sau.
Chiều hôm sau, khi tôi về đến Cà Mau và đến làm việc với các cán bộ của ngành thủy sản ở thị xã, đến 4 giờ chiều ai cũng vui mừng là đã đọc được cái tin của SGGP về xuất khẩu tôm ở Năm Căn, khen SGGP đưa tin nhanh quá. Thời đó chưa có điện thoại di động, chưa có Internet, chưa có báo mạng, chưa xây dựng được hai cây cầu qua sông Tiền, sông Hậu, các báo ở Sài Gòn phát hành lúc 4 giờ sáng, xe đò nhận báo rồi chạy miết thì 4-5 giờ chiều Thị xã Cà Mau mới được đọc báo xuất bản ở TP HCM trong ngày. Chỉ có Tổng biên tập như Tuất Việt mới chịu khó chép tin như thế để tạo nên “sự gắn bó” với bạn đọc của mình, như anh đã tâm sự với tôi.
Đầu năm 1994, tôi đang làm giảng viên cho một lớp bồi dưỡng nghiệp vụ của Đài Phát thanh tỉnh Sóc Trăng thì Tuất Việt lại nhắn tôi cố về sớm để giúp anh đi Điện Biên, chuẩn bị bài vở cho số báo ngày và tuần san SGGP thứ 7, nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-1994).
Tôi nhận lời và chuẩn bị lên đường vào trung tuần tháng 3/1994. Tuất Việt cấp thẻ đặc phái viên báo SGGP cho tôi, đồng thời anh thảo hai lá thư gửi Tỉnh ủy và UBND tỉnh Lai Châu, hai lá thư gửi huyện ủy và UBND huyện Điện Biên giới thiệu tôi, nhờ địa phương giúp đỡ để lấy tài liệu viết bài. Nhưng có một điều trớ trêu là anh không cấp cho tôi một xu nào lộ phí đi đường và ăn ở những ngày ở Điện Biên. Anh chỉ hứa sẽ “trả nhuận bút xứng đáng”(!). Đây chính là đề tài để tôi “nghiên cứu” về chế độ nhuận bút của các báo ở Việt Nam sau chuyến đi Điện Biên Phủ năm ấy và chuyến đi Hồng Kông, Ma Cao của tôi sau này, đi để thu thập tài liệu, tin tức cho ngày Hồng Kông, Ma Cao trở về với Trung Quốc năm 1977(!).
Tôi sẽ viết về đề tài này ở phần sau.
Lại nói về chuyến đi ĐBP. Cầm tấm thẻ “đặc phái viên” SGGP và 4 tờ giấy giới thiệu, viết rất tỉ mỉ của Tuất Việt, tôi rất băn khoăn… lấy tiền đâu mua vé máy bay từ TP HCM ra Hà Nội. Rồi từ Hà Nội đi Điện Biên và cả tuần lễ sống ở trên đó. Rồi còn khứ hồi nữa?!
Tôi nhớ đến một bài bút ký của nhà văn xứ Huế Hoàng Phủ Ngọc Tường. Khi anh đến được Đất Mũi Cà Mau, trong bài ký của anh, nhà văn đã cho rằng anh đã đến được “một cái đích” của đời mình. Vậy Điện Biên không phải là “một cái đích” của đời tôi hay sao? Tôi phải đến được cái đích đó! Dù bất kỳ khó khăn nào. Thế là tôi lên đường. Sáng hôm tôi đi, vợ tôi tiển tôi ra tận chỗ hẹn với anh bạn chờ để chở tôi ra sân bay.
Cả cuộc đời phóng viên của tôi có biết bao nhiêu chuyến đi, vậy mà sao sáng hôm đó vợ tôi lại phải tiễn? Chả là, mấy ngày trước đó, báo đài cả nước đều đưa tin về một vụ máy bay đi Điện Biên, cả phi công và máy bay đều tan xác vì máy bay trực thăng đâm thẳng vào núi! Vợ tôi lo! Tôi phải bảo bả quay về vì “người ta chết có số!” Vất vả nhất cho tôi chuyến đi này là Tuất Việt còn tặng báo Lai Châu một bức trướng của báo SGGP rất cồng kềnh! Nhưng tôi đã “tương kế tựu kế” bóc bỏ đi bao bì của bức trướng đó, để lộ dòng chữ “Báo SGGP tặng Báo Lai Châu nhân kỷ niệm 40 năm chiến thắng ĐBP”. Nhờ vậy tôi được mọi người “chiếu cố” khi lên xuống các phương tiện giao thông, vì là người Việt Nam ai cũng yêu mến Điện Biên Phủ.
Khi tôi xếp hàng mua vé thì cô bán vé hàng không trả lời: Hết vé! Đây là những chuyến bay đầu tiên được nối lại giữa Hà Nội và Điện Biên sau nhiều năm chuyến bay này bị hủy bỏ. Tôi năm nỉ cô nhân viên bán vé “chiếu cố” tôi là nhà báo, từ Miền Nam ra, đi Điện Biên Phủ chuyến này để viết về Điện Biên Phủ nhân kỷ niệm 40 năm… cô nhân viên gọi điện vào bên trong, không biết họ trao đổi với nhau cái gì rồi bán vé cho tôi.
Lúc tôi đứng chờ làm thủ tục để ra sân bay, có tiếng một người đàn ông đứng sau hỏi:
Anh cũng biết đại tướng đi chuyến này à?
Tôi quay lại thì thấy một người đàn ông đeo lon thiếu tướng và sau ông là mấy vị đeo lon đại tá, cuối cùng là một cô đầm trẻ rất đẹp, mắt xanh biếc. Thấy vị thiếu tướng mặt khó đăm đăm, nhìn tôi vẻ soi mói, tôi trả lời ông nửa đùa nửa thật: Có lẽ đại tướng thấy tôi đi chuyến này nên ông cũng đi(!). Sau câu trả lời của tôi, mấy vị quân nhân đứng đó đều tỏ ra bất bình. Có lẽ mấy vị ấy cho tôi là “phạm thượng”! Sau này tôi mới biết, vị đeo lon thiếu tướng đó là ông Cao Pha, Cục phó Cục Quân báo, đã cùng Đại tướng chiến đấu trong chiến dịch Điện Biên năm xưa. Các vị Đại tá kia đều là các cựu chiến binh Điện Biên Phủ. Cô đầm xinh đẹp kia là Catherine, phóng viên nhiếp ảnh nổi tiếng Mỹ, tất cả đều đi tháp tùng Đại tướng trong chuyến máy bay lên thăm Điện Biên nhân sắp kỷ niệm 40 năm chiến thắng ĐBP.
Lúc lên máy bay thì rộng thênh thang. Chiếc Airbus hơn 70 chỗ ngồi này chỉ chở có vợ chồng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, mấy vị tôi vừa gặp, ngoài ra còn mấy người khác là đạo diễn Trí Việt, quê Bến Tre, một trong ba người Nam Bộ dự trận Điện Biên năm xưa, nhà văn Triều Dương ở báo Văn Nghệ, Hội Nhà văn và hai bố con một ông già. Đây là chuyến chuyên cơ đặc biệt do chính Tổng Cục trưởng Hàng không Việt Nam Nguyễn Hồng Nhị lái chở vợ chồng Đại tướng lên thăm lại chiến trường xưa sau 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Những người đi tháp tùng là quân nhân và nhà báo thì không có gì đáng ngạc nhiên. Còn ông già để râu dài, đeo kính râm và người thanh niên đi cùng là ai khiến tôi phải đến hỏi. Ông cụ hóm hỉnh nói, tôi là Dư Văn Tư, đã 76 tuổi, là “tư lệnh một khẩu pháo” trong chiến dịch Điện Biên Phủ (khẩu đội trưởng một khẩu pháo). Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, cụ Tư ở lại làm công nhân nông trường Điện Biên và định cư ở chiến trường cũ này. Nay cụ về Hà Nội mổ mắt nên có anh con rể đi theo. Vì là chiến sĩ Điện Biên năm xưa nên cụ được ưu tiên mua vé để đi chuyến chuyên cơ đặc biệt này, nếu không phải nằm chờ ở Hà Nội 3 ngày nữa vì lúc đó hàng tuần chỉ có 2 chuyến bay dân dụng Hà Nội - Điện Biên Phủ. Vậy là tôi cũng là người được “ưu tiên” mua vé đi chuyên cơ này. Và một điều thú vị là trên máy bay hôm đó có đến hai vị tư lệnh, một Tổng Tư lệnh của cả chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ và một “tư lệnh một khẩu pháo”! Còn gì thú vị hơn cho một nhà báo mà trên máy bay được gặp hai vị tư lệnh cùng một lúc như thế. Sau khi phỏng vấn “tư lệnh một khẩu pháo”, chụp hình vị tư lệnh râu dài, đeo kính đen và cậu con rể đi tháp tùng, tôi còn được biết địa chỉ của người cựu chiến binh này ở Phường Him Lam để “đến chơi làm ly quốc lủi” như lời mời của chủ nhân. Rời hàng ghế của “tư lệnh một khẩu pháo” tôi đến chào Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp và phu nhân Đặng Thị Hà. Sau khi trình Đại tướng thẻ đặc phái viên báo SGGP, tôi nói: Thay mặt Tổng biên tập SGGP Vũ Tuất Việt, tôi kính mời Võ Đại tướng đến thăm tòa soạn báo dịp 40 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Đại tướng niềm nở cười. Tôi không ngờ lại thực hiện được lời mời của Tổng Bí thư Vũ Tuất Việt sớm như thế. Theo lời dặn của ông, sau chuyến đi Điện Biên tôi phải đến nhà riêng Đại Tướng để mời dùm ông. Nhưng câu trả lời của Đại tướng phu nhân hôm đó làm tôi rất bất ngờ và suy nghĩ. Bà Hà nói: “đã là báo Đảng mời thì nhất định anh Văn phải tới!”
Tôi rất bất ngờ về chữ “phải”. Sao lại có sự khiêm tốn đến quá mức như thế? Sao lại “phải” tới đối với một vị tướng lừng danh thế gian này! Và quả thật sau đó Đại tướng có vô TP HCM, thăm tòa soạn báo SGGP khiến Tuấn Việt rất phấn khởi (nhưng không vì thế mà ông tăng nhuận bút các bài viết về ĐBP năm đó cho tôi như đã hứa!).
Rời hàng ghế của Đại tướng, tôi đến ngồi bên cạnh cô đầm xinh đẹp. Cô này nói được tiếng Pháp bập bẹ như tôi. Qua cuộc đối thoại có sự “giúp đỡ” của tay chân, điệu bộ, tôi được biết cô là một phóng viên nhiếp ảnh tự do của Mỹ và vừa nhận 100 cuộn phim để sẽ chụp trong 1 ngày! Thời kỳ đó có một hãng phim ảnh quảng cáo, tiếp thị bằng cách biếu các phóng viên nhiếp ảnh nổi tiếng các nước 100 cuộn phim và phải chụp hết trong 1 ngày về bất cứ đề tài gì và gửi về cho họ. Sau đó họ sẽ tùy ý sử dụng những tấm ảnh đó và trả công cho các phóng viên. Catherine là một phóng viên đã nhận 100 cuộn phim như thế. Và, cô ta sang Việt Nam, chọn đề tài Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sau này, các bức hình về Đại tướng được đăng trên các báo Phương Tây, kể cả ở Việt Nam, tôi đọc thấy tên Catherine ở bên dưới và nhận ra là các tấm hình ấy cô đã chụp trong chuyến đi đó. Cũng không ngờ tôi trở thành “địch thủ” của Catherine trong những ngày sau. Đó là ngày đầu tiên ở Điện Biên Phủ, các nhà báo chúng tôi đi theo tướng Giáp thăm lại chiến trường xưa. Khi thăm và làm việc với Bảo tàng Điện Biên, tướng Giáp ngồi nói chuyện với cán bộ bảo tàng, có cả Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu dự. Ngày hôm đó cũng là ngày Catherine thực hiện chụp 100 cuộn phim, có nghĩa là phải bấm máy 3.6000 lần trong ngày. Vì thế cô bấm máy liên tục. Tướng Giáp chỉ đi ba bước là cô bấm một kiểu ảnh. Có lẽ tướng Giáp biết chuyện này nên ông luôn miệng hỏi: “quell couronne?” (bao nhiêu cuộn rồi?). Khi tướng Giáo ngồi nói chuyện với cán bộ công nhân viên bảo tàng, tôi đứng sau, luồn tay đưa cái máy ghi âm ra phía trước để ghi âm lời ông nói, Catherien xông lên, giằng tay tôi ra để cô chụp cho đẹp. Tôi đâu có chịu, khi Catherine chạy lại phía trước thì tôi lại luồn tay đưa cái máy ghi âm ra. Cô ta lại chạy tới hất tay tôi ra. Chuyện giằng co như thế làm mọi người rất khó chịu, kể cả tướng Giáp. Tôi quyết định phải “dạy cho Catherine một bài học”, và cũng để chấm dứt cảnh giằng co này. Vì thế, lần thứ ba cô chạy tới giơ tay định làm như lần trước, tôi giơ thẳng tay, đánh mạnh vào cánh tay của cô, khiến cô kêu á một tiếng rồi lùi lại. Sự việc diễn ra quá nhanh và bất ngờ khiến mọi người sửng sốt, nhưng sau đó lại đâu vào đấy. Từ đó, các cú bấm máy của Catherien đều có hình tôi đứng sau, luồn tay ra phía trước cầm cái máy ghi âm đưa ra trước mặt đại tướng.
Tối hôm đó, chúng tôi lại sang nhà khách mà Tướng Giáp nghỉ để hàn huyên vì khách sạn các nhà báo chúng tôi thuê đối diện ngay với nhà khách Tướng Giáp ở. Đúng như tôi đã dự đoán, Tướng Giáp hỏi tôi: “sao lại xử sự như vậy lúc ban chiều?”. Tôi trả lời vị tướng tài ba này rất “đúng lập trường”: Thưa anh Văn - Tôi bắt chước các tướng lĩnh đi tháp tùng Đại tướng, gọi ông là “anh Văn” - Catherine là phóng viên một nước tư bản, cô ta chụp ảnh để bán lấy tiền, tôi là phóng viên Đài TNVN, tôi ghi âm để phát cho đồng bào cả nước nghe đài biết là Đại tướng nói gì về việc gìn giữ di tích ĐBP. Tôi và Catherine e’gal (bình đẳng) trong việc hành nghề, cô ta làm như thế là coi thường người khác, tôi phải dậy cho cô ta một bài học. Hơn nữa, tôi cũng muốn nói với các đồng nghiệp Việt Nam của mình là không việc gì phải sợ phóng viên nước ngoài cả. Tất cả đều bình đẳng! Tướng Giáp vỗ vai tôi nói: “Très bien!” (rất tốt).
Từ hôm đó trở đi, mỗi khi gặp tôi ở hành lang khách sạn mà chúng tôi thuê, Catherine đều đi né sang một bên tránh đối diện với tôi. Kể cũng tội nghiệp cho cô, một cô gái đẹp(!). Tấm hình Trí Việt chụp cho tôi và Catherine khi ngồi trên máy bay chuyện trò vui vẻ tôi vẫn còn giữ đến bây giờ để “nhớ” một kỷ niệm không vui trong đời làm báo.
Thế là trong suốt ba, bốn ngày ở Điện Biên, tôi và các đồng nghiệp luôn ở bên Tướng Giáp, từ sớm cho đến chiều tối để đi thăm các chiến địa xưa: đồi Him Lam, đồi D1, đồi A1, nghĩa trang liệt sĩ dưới chân đồi A1, các tượng đài mới dựng lên ở Điện Biên v.v., tối về lại quay quần bên ông ở nhà khách để hỏi han ghi chép. Có một sự kiện như là một điểm nhấn của chuyến đi năm đó là khi Tướng Giáp và chúng tôi vào thăm lại hầm De Castries, Đại Tướng xem rất kỹ di tích này. Bất chợt ông chỉ tay váo sát bức tường của một ngách hầm và hỏi: “cái e’tagère lớn của De Castries ở chỗ này đâu rồi?” Không ai trả lời. Đại tướng hỏi lại lần nữa, nói gần như quát(!). Tôi vội đỡ lời: Đại tướng hỏi cái giá sách của De Castries ở đây bây giờ đâu rồi? Có tiếng đáp ngập ngừng: Thưa … đốt rồi ạ!!! Tất cả lại lặng im. Đại Tướng căn dặn phải giữ gìn tất cả những hiện vật của trận Điện Biên năm xưa. Nhưng “điểm nhấn” là câu hỏi cuối cùng của ông: “Hầm tướng giặc thì được ta tạo làm di tích lịch sử để tham quan, còn hầm của tướng ta thì bây giờ ra sao? Nhân dân sẽ hỏi các đồng chí, hầm của tướng ta đâu, không lẽ chỉ có hầm tướng giặc thôi à?” Tất cả mọi người có mặt trong hầm De Castries hôm đó đều lặng đi. Mọi người thấy đại tướng nói đúng quá, có lý quá!
Sáng hôm sau, người ta tổ chức để Đại Tướng đi thăm lại hầm Tổng Tư lệnh chiến dịch ĐBP ở Mường Phăng, cách thung lũng Điện Biên 10 km đường chim bay, đi đường bộ mất 25 km, nhưng đường bộ đã bị “lãng quên”, hư hại, xe ô tô đi rất khó khăn. Nghe tin Đại Tướng đi Mường Phăng, sáng sớm hôm sau hai phóng viên hãng Truyền hình Nhật Bản đã thuê 1 xe U-Oát lên đường từ sớm. Catherine cũng đã thuê được một xe đi từ sớm. Tôi không có tiền thuê xe đành bám theo Đại Tướng để xin đi trực thăng. Nhưng thật “đau khổ”, trực thăng của quân khu nổ máy mấy lần mà cánh quạt vẫn đứng yên(!) Người ta phải đem kìm búa ra chữa. Tiếng búa đập vang dội cả một góc rừng(!), vậy mà máy bay trực thăng vẫn ì ra, không chịu nhúc nhích cánh quạt(!) Đến quá trưa vẫn chưa chữa xong máy bay(!), trong khi đó thì đồng bào Mường Phăng đã dậy từ sớm chờ Đại Tướng lên thăm! Nản quá, tôi về khách sạn nằm, đọc tiếp cuốn “Lịch sử Đảng bộ Điện Biên” do Phó Ban Tuyên huấn Huyện Ủy Ngô Phong, người biên soạn cuốn sách tặng tôi hôm trước.
Đến 2 giờ chiều thì máy bay trực thăng của không quân từ Hà Nội bay lên, và đến 4 giờ chiều hôm đó thì đồng bào Mường Phăng hân hoan đón Đại tướng.
Nguyễn Trí Việt, dân Bến Tre dự trận ĐBP, anh là Chính trị viên Đại đội xung kích 245, Tiểu đoàn 11 Phủ Thông, Trung đoàn 141 Ba Vì, Đại đoàn 312, từng chỉ huy kéo pháo vào kéo pháo ra ở ĐBP năm đó. Từ sớm hôm đó anh đã thuê được một chiếc mô tô Min, thứ xe môtô do Liên Xô sản xuất leo đồi rất tốt để lên Mường Phăng. Anh kể, từ sáng sớm đồng bào Mường Phăng đã tập hợp trên một bãi đất rộng mà xưa kia Đại Tướng từng duyệt binh sau chiến thắng Điện Biên để đón Đại tướng. Nhiều người mang theo trứng gà và mật ong để biếu Đại Tướng. Đồng bào đã kiên trì đứng từ sáng tới 4 giờ chiều dưới nắng để chờ, ai cũng sợ bỏ đi thì không kịp quay lại để nhìn thấy Đại Tướng. Hai phóng viên truyền hình Nhật Bản đã đứng cả ngày, cởi áo để che nắng cho máy quay phim chờ Đại tướng đến là bấm máy. Trí Việt nói một hơi rồi anh vén quần lên, chỉ vào vết thương ở đầu gối nói: Tao ngồi sau xe Min, gặp cái ổ gà lớn quá, xe sóc, văng tao té xuống đất, đầu gối va vào cục đá, máu túa ra. vậy là hai lần tao bị thương trong đời đểu ở Điện Biên, cách nhau 40 năm, trước là ở đồi Him Lam, sau là trên đường vào Mường Phăng!
Trí Việt là người vui tính, hay nói. Bữa trước anh vừa làm chúng tôi cười nôn ruột! Số là, Trí Việt và một cựu chiến binh ngày xưa là dân Nam Bộ nên được một hãng phim ở Sài Gòn mời ra dịp kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên để làm phim tài liệu. Khi được phỏng vấn “vì sao đồng chí lại có mặt trong trận Điện Biên?”, Trí Việt thật thà nói: “Tôi đi nhận vũ khí, rồi kháng chiến bùng nổ, không về Nam được nên nhập vào một đơn vị bộ đội miền Bắc rồi đi đánh giặc mút mùa cho đến trận Điện Biên! Đến khi người ta phỏng vấn ông kia, ông ta nói: tôi đi đánh trận Điện Biên là do “Trung ương điều”! Nghe chướng tai quá, Trí Việt nổi khùng quát: Thôi đi cha nội, nói dóc vừa thôi, Trung ương điều cái con cặc! Thế là cái cụm từ “Trung ương điều cái con cặc” được thu vào tất cả các máy ghi âm của bọn nhà báo chúng tôi đang “ăn theo” cuộc phỏng vấn đó!
Khi về tới khách sạn, khi bật máy ghi âm lên, nghe lại cuộc phỏng vấ, đến đoạn Trí Việt quát “trung ương điều… là lăn ra cười!!!
Vậy là cho đến năm 1994, khi bước lên chiếc chuyên cơ đi Điện Biên, thấy vợ chồng Tướng Giáp ngồi thủ thỉ nói chuyện với nhau ở hàng ghế giữa máy bay, người am hiểu chính trường ở Việt Nam mới hết lo cho số phận của ông tướng nổi danh cả thế giới này.
Vì, các đối thủ nổi danh của ông đã chết hết, hoặc còn sống thì cũng không cò đủ thế lực để tác oai, tác quái với ông nữa. Những người yêu mến ông trong bộ máy quyền lực đã hết sợ “mang vạ” vào thân nên đã mỉm cười với ông, Hiển nhiên là ông đang ngồi trên chuyến chuyên cơ này để về thăm lại chiến trường xưa.
Kể từ sau 1975, khi Lê Duẩn, Lê Đức Thọ nắm toàn bộ quyển lực trong tay thì số phận của “Vainqueur de ĐBP” (người chiến thắng ở ĐBP) như báo chí Phương tây thường gọi là vô cùng cay nghiệt. Nhất là từ sau Đại hội Đảng lần thứ 5, ông bị loại hẳn ra khỏi Bộ Chính trị, cho đến năm 1983 được Hội đồng Bộ trưởng phân làm “Chủ nhiệm ủy ban Quốc gia Dân số và Sinh đẻ có kế hoạch”, thì sự cay đắng đã được đẩy đến tận cùng. Dân gian có câu:
“Ngày xưa Đại Tướng cầm quân - Ngày nay Đại Tướng tụt quần chị em!”
Nhưng ông đã tôn thờ chữ “nhẫn” để tồn tại và thời gian đã ủng hộ ông. Tôi nhớ, vào đầu năm 1991, một nhân vật của kịch Lưu Quang Vũ trên sân khấu nói một câu rất bình thường: - Vậy là những kẻ khốn nạn cuối cùng cũng phải chết! Cả rạp đã vỗ tay rần rần. Đó là khán giả Hà Nội đã vỗ tay mừng cho Tướng Giáp và năm 1990 “kẻ khốn nạn” luôn hãm hại Tướng Giáp vừa qua đời.
Trong suốt một thời gian dài tôi đã đọc biết bao thông tin về sự trù úm, hãm hại Tướng Giáp. Người ta hãm hại ông không phải vì sợ ông tranh quyền, cướp vị mà vì sự tồn tại của ông làm lu mờ họ. Khi ông là Đại Tướng thì có kẻ mới là viên đại tá vô danh. Vì thế, dù có mưu mô cơ cấu cấp dưới của ông lên đến vị trí cao ngất thì cũng không thể vì thế mà tỏa hào quang. Thôi thì, bôi đen hào quang đi vậy! Vụ án “Bà Sáu Sứ” do Tổng cục II dựng lên là một âm mưu bôi đen không thành đối với Tướng Giáp. Nhờ một ông họ Võ khác là Võ Viết Thanh đã hành động theo lẽ phải và đạo lý. Sẽ còn nhiều bút mực đổ ra để các nhà sử học sau này bàn luận về cuộc đời và sự nghiệp của Võ Nguyên Giáp.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Tụ, hiệu là Hà Sĩ Phu đã có bài thơ tặng Đại Tướng nhan đề “Trăm năm nguyên giáp”
Tính số trời cho đã bách niên
Thử cân hạnh phúc với ưu phiền
Tiếc trang độc lập còn dang dở
Thương chữ quyền dân chửa đáp đền
Một đời ái quốc văn thành võ
Chưa cởi chiến bào giáp vẫn nguyên
Nhưng cũng có người đưa ra ý kiến rằng, với Võ Nguyên Giáp thì lịch sử có những “tiêu chuẩn riêng của nó”. Tôi hiểu tác giả viết trên trang mạng Bauxite này muốn nói, độc lập phải đi liền với tự do và dân chủ.
Riêng tôi, chỉ muốn cung cấp cho bạn đọc những điều mắt thấy tai nghe về những điều trắng trợn đến vô lý mà người ta đã đối xử với Đại Tướng. Những điều mà chỉ có thể xảy ra trong một thể chế độc tài, chuyên chế của một vài cá nhân mà thôi. Và, trong một thể chế độc tài như thế thì dù một người có tài, có đức, hào quang cùng mình như Võ Nguyên Giáp vẫn không thoát được hiểm họa. Một thể chế đem đến bi kịch cho tất cả mọi người.
Vào những năm tám mươi ở Tiền Giang, Giám đốc xí nghiệp dược liệu Quân khu 9, trong đó có Trại nuôi rắn Đồng Tâm nổi tiếng khắp vùng là Trần Văn Dược, tức Tư Dược. Một lần Đại Tướng đến thăm Trại rắn Đồng Tâm, phóng viên nhiếp ảnh của Phân xã Tiền Giang là anh Thái, sau cuộc viếng thăm của Đại Tướng, có đem một tấm hình Đại Tướng và Tư Dược phóng to để biếu trại Đồng Tâm làm kỷ niệm. Tư Dược đem tấm hình ấy trưng bày ở phòng khách của trại. Cái tin này đã được báo về Quân khu 9. Lệnh của quân khu đưa về là Tư Dược phải cất gỡ cái hình đó xuống(!) Tư Dược gỡ xuống và đem về phòng làm việc riêng của mình treo. Ông tuyên bố: “đứa nào vào phòng ông gỡ tấm hình này xuống thì ông nổ súng liền!” Khi tôi đưa nhà báo Hữu Thọ - báo Nhân Dân và nhà báo Thái Duy - báo Đại Đoàn Kết đến Trại rắn tham quan, Tư Dược kể lại chuyện này với hai nhà báo ở trung ương. Thái Duy, tức nhà văn Trần Đình Vân, tác giả cuốn sách “Sống như Anh” viết về anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi - đã nổi nóng đập bàn quát: “Đứa nào ra cái lệnh ấy, anh nói tên nó cho tôi, tôi sẽ đưa nó lên mặt báo!”
Khi tôi đưa đoàn cán bộ biên tập của Nhà xuất bản Trẻ Thành phố HCM xuống tham quan Trại rắn nhân dịp cuốn sách “Rắn độc trong tay người” của tôi viết chung với một người bạn, được Nhà xuất bản Trẻ phát hành viết về người giám đốc tài ba này thì ông vừa bị cách chức. Tôi kể lại câu chuyện tấm hình có hình Đại Tướng mọi người khuyên tôi: là một nhà báo anh phải ghi chép để viết về câu chuyện bẩn thỉu này! Trước lúc ra đi, Tư Dược có nhắn tôi và nhà báo Hải Bình cỉa Phân xã Tiền Giang đến gặp ông để trăn trối về tấm lòng của một chiến sĩ với Tổng Tư lệnh của mình.
Ở tận phía Nam của đất nước thì câu chuyện về Tướng Giáp là thế. Còn ở miền núi xa xôi Tây Bắc thì Ngô Phong tâm sự với tôi, dịp kỷ niệm 30 năm chiến thắng Điện Biên, anh nhận được chỉ thị là không được đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên Điện Biên. Anh và các cán bộ lãnh đạo của huyện Điện Biên buồn lắm nhưng không biết làm sao cả. Vì thế, đợt kỷ niệm 40 này, không thấy có chỉ thị đó nên anh, với tư cách là Ban Tuyên huấn huyện Điện Biên đã về tận Hà Nội, đến tận nhà riêng Đại Tướng để mời ông lên thăm lại chiến trường xưa. Ngôi Phong là người rất “dễ thương” theo cách nói của Nam Bộ. Anh chính là con đẻ của chiến thắng Điện Biên Phủ theo đúng nghĩa “con đẻ”. Bố anh là bộ đội đánh trận Điện Biên sau đó ở lại xây dựng Nông trường Điện Biên và lấy mẹ anh là người Thái. Anh ra đời sau 1954. Đến dịp kỷ niệm này, anh củng tròn 40 tuồi mụ! Anh cũng chính là người chấp bút cuốn “Lịch sử Đảng bộ Điện Biên” vừa mới phát hành nhân dịp 40 năm. Anh dẫn tôi đi nhiều nơi quanh huyện Điện Biên. Anh tâm sự, cán bộ tuyên huấn ở huyện vất vả lắm. Địa bàn của huyện còn rộng hơn một tỉnh dưới xuôi. Có xã như xã Háng - Lìa chót đầu huyện, cách Mường Thanh, trung tâm của Điện Biên đến 93 km, và chỉ có thể đến đó bằng ngựa. Vậy mà anh vẫn phải tháng nào cũng đến thăm cán bộ, đồng bào ở một xã như thế. Anh cho tôi hay, các giáo sĩ đạo Tin Lành đã đến ở đó và giảng đạo thì cán bộ tuyên huấn phải đến tận nơi là đương nhiên. Anh rủ tôi ở lại để cùng anh lên thăm Háng Lìa, nhưng phải mất ba ngày đi bộ ròng rã!!! Ngôi Phong còn kể cho tôi nghe nhiều chuyện cảm động ở Điện Biên. Như ở Mường Phăng, tuy là nhà nước không có chủ trương (hay nói đúng hơn là những người ở trên cấp cao muốn xóa đi mọi dấu tích về tướng Giáp), vậy mà nhân dân Mường Phăng vẫn tự giác giữ gìn di tích lịch sử này. Có cụ già đã 40 năm nay tình nghuyện trông coi hầm chỉ huy của Đại Tướng, hàng ngày quét dọn, chăm sóc như nhà của mình.
Viết đến đây tôi nhớ đến mấy ngày trước đến thăm nhạc sĩ Tô Hải nay đã 86 tuổi, nhân nhắc đến nhạc sĩ Huy Du, Tô Hải kể, dịp 50 năm Hội nhạc sĩ Việt nam, ông được mời ra Bắc thì huy Du vừa mất. Anh em nhạc sĩ Hà Nội kéo ông lên Nghĩa trrang Mai Dịch viếng mộ Huy Du, nhân đó ông có tò mò đến thăm mộ ông Lê Đức Thọ vì có tin đồn từ lâu hàng ngày vẫn có người đem cứt trét lên mộ ông Thọ. Đến nơi ông mục sở thị mộ Lê Đức Thọ vừa mới được gia đình dọn đi, các vết đào bới rõ rành rành trên các phiến đá ga-li-tô đã bị nạy phá!!!
Các nhà độc tài lúc còn sống có bao giờ nghĩ đến cõi đời “tạm bợ” này như Tagore từng viết.
“Tôi để lại đây chìa khóa ngôi nhà tôi ở
Ngổn ngang qua tạm cuộc đời!”
Sau chuyến đi Điện Biên mùa xuân 1994, về đến Hà Nội, tôi có viết một cái tin cho Đài TNVN về chuyến trở lại Mường Phăng của Đại Tướng, nhưng Đài không phát. Và tôi còn được biết không có một đài báo của trung ương nào ở Hà Nội, kể cả báo Quân đội Nhân dân cử phóng viên đi chuyến ấy. Vậy là còn thua cả tờ “Mực Tím” chuyên viết cho thiếu nhi ở Tp HCM cũng cử phóng viên lên tận Điện Biên dịp đó.
Tôi đến tá túc ở cơ quan đại diện báo SGGP ở Hà Nội tại đường Lê Văn Hưu và viết ngay tin bài gửi về TP HCM như chỉ đạo của Tổng Biên tập Tuất Việt là “làm một vệt dài” về Điện Biên Phủ cho tới ngày kỷ niệm chính 7.5.1994. Tối hôm ấy thì nhà văn Triều Dương lò dò tới. Anh nói với tôi với vẻ mặt rất nghiêm túc: ông Văn - tức Đại Tướng - bảo tôi đến dặn anh rằng, Đại Tướng rút lui ý kiến hôm chỉ đạo về cái tượng hai người phụ nữ ở Điện Biên. Anh về Sài Gòn khi viết nhớ là không đưa ý kiến đó của Đại Tướng vào bài viết. Tôi hỏi Triều Dương vì sao vậy, hôm đó Đại Tướng nói rất mạnh mẽ, quyết liệt cơ mà! Triều Dương nói: Nhưng về đến Hà Nội ông Văn biết được rằng Bộ Chính trị đã duyệt cái tượng đó rồi, nên ông rút lui ý kiến đó. Ông Văn dặn tôi, nhớ dặn kỹ cậu Phú Khải để nó đừng viết cái ý đó. Trước khi ra về, Triều Dương còn bảo tôi: Tôi đi đến đây chỉ có mỗi việc đó, anh nhớ đừng quên.
Tôi nhớ lại, lúc đứng trước cái tượng đài khá lớn, dựng hình tượng hai người phụ nữ, một người mặc áo cánh, búi tóc, tượng trưng cho phụ nữ Đồng bằng Bắc Bộ, đứng sát là một phụ nữ chít khăn phiêu, mặc áo của phụ nữ dân tộc Thái, tượng trưng cho đồng bào các dân tộc tây bắc Đại Tướng giận dữ nói: tôi đã chỉ đạo các anh rằng, chiến thắng Điện Biên Phủ là công lao của cả nước. Cả nước chia lửa với Điện Biên Phủ, cả nước căng địch ra mà đánh nên chúng không thể điều quân đến cứu nguy cho ĐBP. Vì thế khi dựng tượng đài ở Điện Biên Phủ, phải có hình ảnh của ba miền Trung - Nam - Bắc. Mai kia đồng bào khu 5, đồng bào Nam Bộ ra đây thăm Điện Biên, người ta hỏi hình ảnh của chúng tôi đâu trong chiến thắng này thì các anh sẽ trả lời làm sao? Điện Biên Phủ chỉ có công của Bắc Bộ và Tây bắc thôi à?
Đại Tướng đã nói rất gay gắt: Tôi đã dặn kỹ các anh rồi sao không thực hiện, sao lại làm thế này? Tất cả các bộ ngành bảo tàng ở Điện Biên lúc đó đều có mặt nhưng không ai nói gì cả(!) không một lời giải thích, vì thế Đại tướng càng tỏ ra giận dữ, xem như mọi người chống lại ông.
Vậy mà bây giờ Triều Dương lại nói thế?
Đêm hôm đó tôi nằm thao thức mãi nghĩ về sự cẩn trọng của Đại Tướng! Bộ Chính trị là cái gì? Đại Tướng chỉ đạo như vậy là quá đúng với sự thật về chiến thắng Điện Biên Phủ, là công bằng lịch sử. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, tôi thấy Tướng Giáp có lý! Ông đã chịu quá nhiều những âm mưu thủ đoạn chĩa vào ông trong nhiều năm qua từ những “đồng chí” của mình. Chỉ một sơ suất nhỏ, người ta có thể vin vào đó để vu cho ông là chống lại tập thể Bộ Chính trị, chống đảng … và… và…
Nhờ có sự cẩn trọng đến từng chi tiết của đời sống mà ông mới tồn tại được đến cái ngày gặp lại đồng bào, đồng chí của ông ở Điện Biên Phủ như tôi đã thấy. Kể từ sau vinh quang chói lọi “lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu”, ông sống trong thiên la địa võng của những hiềm tị và mưu mô. Trên đỉnh cao thì bao giờ dưới chân nó cũng là vực thẳm. Đỉnh càng cao thì vực dưới chân càng sâu. Tướng Giáp đã đứng bên bờ vực thẳm đó biết bao tháng năm mà không bị nạn nhờ ông biết cẩn trọng. Ngay khi các đối thủ của ông không còn trên cõi đời này, nhưng ông hiểu rằng tay chân của họ còn đó. Ông thận trọng là có lý. Các cụ ta xưa nói “anh hùng đa nạn” là như thế. Tôi càng nhận ra điều này về sau khi kỷ niệm 50 năm chiến thắng ĐBP tôi lại từ Sài Gòn ra Hà Nội, được ông tiếp tại nhà riêng gần một tiếng đồng hồ, sau đó tôi lại lên Điện Biên. Nhưng bài tôi viết về ông và trận Điện Biên để kỷ niệm 50 năm chiến thắng ĐBP, tờ báo đáng phải đăng nhất là là QĐND mà tôi gửi tới thì lại từ chối không đăng(?!). Báo Cần Thơ số ra ngày 6.5.2004 đã đăng bài đó. Đó là bài báo tôi viết mất nhiều công sức nhất sau hai lần lên Điện Biên, hai lần gặp Đại Tướng, sau nhiều thời gian đọc hàng chục cuốn sách do ta và tây viết về trận ĐBP, sau nhiều lần gặp nhà văn Hữu Mai, người chấp bút các hồi ký của Tướng Giáp để hỏi chuyện. tôi phải cảm ơn Báo Cần Thơ và Tổng Biên tập Trần Huy đã đăng bàoi báo nhan đề “Võ công Điện Biên Phủ và thiên tài quân sự Võ Nguyên Giáp”. Đó là lần đầu tiên cụm từ “thiên tài quân sự” được gắn với tên tuổi Võ Nguyên Giáp mà đài báo, sách vở của chế độ từ trước đến nay vẫn “thực hành tiết kiệm” với Đại Tướng.
Trong bài đó tôi viết: “… Công bằng mà nói, Tướng Giáp được chỉ huy một quân đội cách mạng sẵn sàng quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Sức mạnh vô địch của đội quân đó là lòng yêu nước nồng nàn và rực lửa căm thù. Căm thù bọn người đã đốt nhà, giết vợ con, cha mẹ họ, đã đày đọa của dân tộc họ trong một thế kỷ ôm mối hận là, dân nô lệ, làm kẻ mất nước… Vì thế khi có thời cơ họ đã chiến đấu không tiếc xương máu để rửa mối hận đó! Và, người chỉ huy đội quân không tiếc xương máu đó là người biết tiết kiệm tùng giọt máu của đồng đội, biết nuôi dưỡng sức mạnh từ việc chăm sóc bát cơm nóng cho quân lính dưới chiến hào. Những giọt máu hào hùng và những giọt máu được tiết kiệm… đã làm nên màu đỏ rực ánh mặt trời chiến thắng chiều 7.5.1954 ở ĐBP.
Tướng Giáp đã thành công ở Điện Biên Phủ. Đó lả những sư đoàn chân đất, như cách nói của giặt Pháp, biết dấu mình trong chiến hào đánh lấn, nương mình vào lòng đất mẹ quê hương để đương đầu với bom đạn sắt thép bạo tàn của kẻ thù mà đánh “trận địa chiến hào tấn công” chưa hề có trong lịch sử quân sự. Đó là sáng tạo của những người du kích Đồng bằng Bắc bộ có kinh nghiệm đào hầm bí mật chống càn giữ làng, là cách đánh du kích chỉ Việt Nam mới có; người chỉ huy đề ra phương châm chiến lược, người lính đề xuất cách đánh đào xuyên hàng rào kẽm gai. Đó là dân chủ Điện Biên Phủ! “Trận đại chiến hào xiết vòng vây lửa” ở Điện Biên Phủ là võ công hiển hách của quân dân ta ở thế kỷ 20, là một cống hiến cho khoa học lịch sử quân sự thế giới, là thiên tài quân sự Võ Nguyên Giáp.
Thông thường trong chiến tranh, phía tấn công phải có lực lượng gấp 5 lần trở lên so với phía phòng ngự. Nhưng so sánh lực lượng hai bên ở Điện Biên Phủ thì thấy: ban đầu địch có 12 tiểu đoàn và 7 đại đội bộ binh, gồm phần lớn những đơn vị tinh nhuệ nhất. Địch còn có hai tiểu đoàn pháo 105 ly, 24 khẩu, 2 tiểu đoàn súng cối 120 ly 20 khầu, 1 đại đội pháo 155 ly 4 khẩu, 1 đại đội xe tăng 18 tấn 10 chiếc. Không quân thường trực tại sân bay có 7 khu trục, 5 trinh sát, 4 vận tải và 1 trực thăng. Ngoài ra 2/3 lực lượng máy bay ném bom tiêm kích và 100% máy bay vận tải toàn Đông Dương yểm trợ cho Điện Biên Phủ. Tổng quân địch ở Điện Biên Phủ là 12.000 người. Lực lượng ta có 9 trung đoàn bộ binh (27 tiểu đoàn), 1 trung đoàn sơn pháo 24 khầu, 2 tiểu đoàn lựu pháo 105 ly 24 khẩu, 4 đại đội súng cối 120 ly 16 khẩu, 1 trung đoàn cao xạ pháo 37 ly 24 khẩu, 2 tiểu đoàn công binh. Ta hơn địch về số tiểu đoàn (27/12) nhưng quân số mỗi tiểu đoàn ta chỉ bằng 2/3 mỗi tiểu đoàn địch. Ta cũng hơn địch về số lượng pháo (64/48) nhưng đạn pháo dụ bị của ta lại rất hạn chế. Ta không có xe tăng và chỉ có một trung đoàn pháo cao xạ 37 ly để đối phó với toàn bộ không quân địch ở Đông Dương. Xét toàn cảnh ta vẫn ở vào thế yếu đánh mạnh.
Nhưng ta chủ động tấn công, tự quyết định đánh hay không đánh, chủ động lựa chọn điểm đánh và thời gian đánh. Đánh hay không đánh đều có lợi cho ta vì đương nhiên ta đã kìm chân được một lực lượng lớn địch ở đây để giành được thắng lợi trên nhiều chiến trường Đông Xuân 53-54. Địch ở Điên Biên Phủ tuy mạnh, nhưng bị nhốt trong các cũi thép gai và hầm hố một cách thụ động, không thể đem toàn bộ sức mạnh để đánh trả, cứu nguy cho một cứ điểm bị tấn công. Ta đem toàn bộ sức mạnh để đánh một điểm ta bao vây chia cắt địch ra mà đánh dần, linh hoạt và cơ động hoàn toàn. Như vậy nếu xét trong một trận đánh vào một vị trí nhất định, trong một thời điểm quyết định, thì ta vẫn mạnh hơn địch. mạnh sẽ thắng yếu. Tài thao lược của Tướng Giáp là ở chỗ phân tích sắc bén thế là lực trong những tình huống cụ thể ở Điện Biên Phủ để tìm ra cách đánh thích hợp, “đánh chắc tiến chắc” để đi đến đại thắng! Đó là gì nếu không phải là biện chứng pháp quân sự Mácxít.
Một Việt kiều ở Pháp ở Pháp tâm sự với người viết bài này. Ông ta được một sử gia Mỹ cho hay: ngay cả Napôlêông khi bước vào đường binh nghiệp thì đã có sẵn một đội quân để chỉ huy. Tướng Giáp phải xây dựng quân đội từ mấy chục người thành những binh đoàn để lần lượt đánh thắng nhiều danh tướng của cường quốc Pháp như Đờ Lát, Xa Lăng cho đến Na Va ở Điện Biện Phủ, điều đó chưa thấy trong lịch sử quân sự thế giới. Và đây cũng là lần đầu tiên một nước nhỏ đã đánh thắng một đế quốc hùng mạnh, mở đường vùng lên cho các dân tộc đang bị nô lệ”.
… Kể từ lúc Triều Dương ra về, tôi không sao ngủ được. Nằm nghĩ miên man về số phận của Tướng Giáp, hồi tưởng lại những gì tôi đã biết về ông và nhớ tới lời ông trong vụ cái chết bất đắc kỳ tử của Nguyễn Đình Tứ. Con người tinh khôn đến như Nguyễn Đình Tứ cũng không thoát được cạm bẫy và cái chết khi bước chân vào chính trường. Trong một lần xuống Mỹ Tho chơi lúc tôi còn thường trú ở Đồng bằng Sông Cửu Long, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện đã kể về ông tiến sĩ khôn ngoan này, đó là sau năm 1975, trong cơn say chiến thắng, Tổng Bí thư Lê Duẩn nghĩ đến “một Việt Nam cường quốc ở khu vực” nên nảy ra ý định làm bom nguyên tử. Đầu tiên ông Lể Duẩn cho gọi nhà khoa học danh tiếng Trần Đại Nghĩa lên hỏi, có làm được bom nguyên tử không? Ông Nghĩa trả lời là không. Ông bị Tổng bí thư đuổi về và mắng là đồ ngu, trí thức gì mà ngu vậy. Sau ngày ông Nghĩa qua đời, tiến sĩ Nguyễn Văn Hiệu có viết bài ca ngợi ông Nghĩa là một người trung thực, có nhân cách nhưng không nói cụ thể trung thực như thế nào. Chỉ ai biết việc ông từ chối Tổng Bí thư Lê Duẩn về về vụ làm bom nguyên tử mới hiểu tiến sĩ vật lý hạt nhân Nguyễn Văn Hiệu muốn nói gì. Ông Viện kể tiếp, sau ông Nghĩa đến lượt ông Hiện được ông Lê Duẩn gọi lên hỏi về vụ làm bom nguyên tử, ông Hiện nói: làm được! Tổng bí thư nói tiếp: Tiếp tục đi. Tôi thưa: “Làm được một quả thôi, sau đó phải thử, và không còn vốn liến để làm quả thứ hai!” Thế là ông Hiện củng bị đuổi về như ông Nghĩa!
Người thứ ba được gọi lên hỏi là phó tiến sĩ Nguyễn Đình Tứ, từng làm việc nhiều năm ở Viện Đúp-na, cơ quan nguyên tử hạt nhân hàng đầu của Liên Xô. Ông Tứ còn đưa cả vợ là bác sĩ sang làm bác sĩ của Viện. Khi được Tổng bí thư Lê Duẩn hỏi, ông Tứ không nói gì cả. Tổng bí thư lại hỏi, ông Tứ vẫn ngồi yên. Lại hỏi, lại ngồi yên… cứ như thế cho đến lúc ông được ra về(!) Nhờ biết im lặng mà ông Tứ được vô trung ương và làm Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp thay ông Tạ Quang Bửu. Tại Đại hội Đảng lần thứ VIII, trong phiên họp trù bị ngày 27/6/1996 ông được bầu vào Bộ Chính trị. Ngày 28/6/1996 Đại hội chính thức khai mạc thì tối 28/6 lúc 20 giờ ông chết. Ngày 30/6 ông vẫn được đại hội chính thức bầu vào Bộ Chính trị sau đó mới phát tang. Vì thế mới có dư luận Đại hội VIII bầu cả người đã chết vào Bộ Chính trị. Ông Đỗ Mười phải trấn an là “ai chả biết bầu ở phiên chính thức là…” Nhưng nếu câu chuyện chỉ có thế thì cũng chẳng có gì đáng nói, vì đã sống trong chế độ cộng sản, ai chả biết cách bầu bán ở các đại hội Đảng, bầu ở phiên chính thức chỉ là để quay phim, chụp ảnh. Cái đáng nói là, một phóing viên của hãng tin Pháp, sau phiên họp trù bị 27/6/1996 đã điện về Paris cái tin có nội dung: ông Nguyễn Đình Tứ đã được bầu vào Bộ Chính trị, nhưng lại thòng cái đuôi “nhưng chưa chắc” ở cuối tin! Lãnh đạo của hãng tin ở Paris lấy làm lạ, không biết ra thế nào nên điện hỏi ông Bùi Tín ở Paris. Ông Bùi Tín cũng không hiểu thế nào, lại điện hỏi ông Nguyễn Đình Thiên, anh ruột của ông Nguyễn Đình Tứ, hai vợ chồng đang định cư ở Balan. Ông Thiện cũng không hiểu thế nào và tối hôm đó ông điện về nhà hỏi ông bố đẻ của mình xem tình hình ra sao thì nhận được tin: “Em con vừa mất!!!”
Gia đình ông Tứ có tất cả 6 anh em trai, được cha mẹ đặt tên là Thiên, Tứ, Lương, Đống, Nhân, Nghĩa, toàn những cái tên hay (Thiên-Tứ, Lương-Đống, Nhân-Nghĩa). Và cả thảy 6 anh em đều học cao, đỗ đạt cao. Người anh cả Nguyễn Đình Thiên là thầy giáo cấp 3, dạy cùng trường Trung cấp Sư phạm Xã hội tỉnh Hải Hưng với tôi 3 năm liền (1967-1970). Khi ở Balan về thăm quê nhà, anh đã kể cho tôi và bạn bè nghe câu chuyện trên. Anh cho biết khi Đại Tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm gia đình sau cái chết của anh Tứ, ông đã mắng vợ Tứ: “Cô là bác sĩ mà sao dốt thế, không biết bảo vệ chồng. Nếu tôi để người ta đưa đi kiểm tra sức khỏe thì tôi đã chết từ lâu rồi!” (Chả là, sau bữa cơm tối, người ta đem xe đến nhà ông, bảo ông Tứ đi kiểm tra sức khỏe và ông đã chết đột ngột tại bệnh viện!).
Võ Nguyên Giáp là người lẽ ra “đã chết từ lâu rồi” với những hiềm tị, ganh ghét của các “đồng chí” của ông. Nhờ ông biết tôn thờ chữ “nhẫn”, nói đúng hơn là “nhẫn nhục” để sống đến hôm nay. Nhà văn Trần Đình Hiến, từng 10 năm làm tham tán văn hóa tại Đại sứ quán ta tại Trung Quốc, dịch giả hàng đầu các tác phẩm văn học Trung Quốc đương đại sang Tiếng Việt của các tác giả như Mạc Ngôn, Giả Bình Ao, Vệ Tuệ v.v. trong một quán cà phê gần trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam ở đường Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội, sáng này 16/4/2013 vừa qua, có cả bác sĩ, tù nhân lương tâm Phạm Hồng Sơn và tôi cùng ngồi đàm đạo, ông kể:
– Sau chiến tranh biên giới với Trung Quốc 1979, tên Trọng Hy Đông ở ủy ban Kiều vụ, Quốc vụ viện Trung Quốc, hàm ngang Bộ trưởng, sang Việt Nam để giải quyết các vấn đề hậu chiến tranh như từ binh v.v., ông được mời đến để phiên dịch cho cuộc làm việc giữa hai bên. Khi xe của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp vừa đến cũng là lúc xe của Lê Duẩn vừa tới, Lê Duẩn chỉ vào mặt Võ Đại Tướng và nói như quát:
- Cuộc họp không có anh!
Võ Nguyên Giáp nói:
- Vậy tôi về.
Thế là cụ Võ lủi thủi lên xe ra về. Kể đến đây nhà văn Trần Đình Hiến kết luận: Tôi không thể ngờ những người lãnh đạo tối cao của đất nước lại đối xử với nhau như xã hội đen như thế! Nhất là lại công khai trước mặt tất cả mọi người!
Vô sản gắn liền với vô học là ở chỗ đó!
Đánh giá về cuộc đời và sự nghiệp của Võ Nguyên Giáp là một việc lớn, sẽ còn tốn nhiều giấy mực của các sử gia Việt Nam và thế giới. Việc đó dành cho các cây bút lớn! Riêng với tôi, một nhà báo nhiều lần được gặp Võ Đại tướng, trong nhiều trường hợp, kể cả gặp riêng tại nhà riêng của ông ở 30 Hoàng Diệu, Hà Nội, gặp một thời gian dài trong chuyến ông lên thăm ĐBP sau 40 năm chiến thắng (1994) rồi lại đọc kỹ các hồi ký của ông do nhà văn Hữu Mai chấp bút, đàm đạo với Hữu Mai, đọc kỹ các tác giả nước ngoài viết về Điện Biên Phủ, tôi có nhận xét rằng, ông là một vị tướng biết tiết kiệm từng giọt máu của đồng đội để làm nên chiến thắng, chăm lo cho binh lính của mình từng miếng cơm nóng trong bữa ăn ngay giữa chiến trường máu lửa. Ông là con người võ mà văn - văn mà võ!
Về tác phong, cái con người được báo chí Phương Tây gọi bằng cái tên “Vainquer de Điện Biên Phủ” (kẻ chiến thắng ở ĐBP) lại là một con người có tác phong rất Tây, nói rất tây, ăn rất Tây. Những ngày tháp tùng ông năm 1994 đi thăm lại chiến trường xưa sau 40 năm, lâu lâu tôi lại thấy người sĩ quan tùy tùng của ông đưa cho ông một quả chuối và một hộp pho-mai, ông điềm tĩnh bóc chuối và lấy khoanh pho-mai ra ăn trước đông đủ cử tọa rồi lại tiếp tục làm việc. Tấm chụp chụp Đại tướng đang ăn chuối với pho-mai trước mọi cử tọa, tôi vẫn còn giữ đến bây giờ, xem nó như một cú bấm máy “đáng tiền” trong đời làm báo của tôi! Ăn chuối với pho-mai cho người già sức khỏe tốt, có lẽ vì thế mà Đại tướng sống đến trăm tuổi. Tôi xin mở ngoặc ở đây để chứng minh điều tôi nói. Một lần, trong một ngày hội đua ghe ngo truyền thống của đồng bào Khơ-me ở Sóc Trăng, trước cuộc đua có tổ chức biểu diễn lướt ván của vận động viên từ Tp HCM xuống góp vui. Người ta giới thiệu có một vận động viên đã trên 70 tuổi tham dự. Mọi người sửng sốt về tài nghệ lướt ván của vận động viên U80 này. Tôi phải len xuống sông để gặp ông, ông cho biết, nhờ ăn chuối với pho-mai trừ bữa nên “khỏe là vậy”!
Lại nói về tác phong “rất Tây” của Đại Tướng, khi giao tiếp, để phụ trợ cho lời nói, ông thường nheo mắt, nhún vai, khoác tay, khi cần chọn một từ dùng cho thật chính xác, ông thường dừng lại, suy nghĩ ít giây, và chen vào đó một từ tiếng Pháp(!). Người Pháp có câu ngạn ngữ tự hào về tiếng nói của mình: “cái gì không trong sáng không phải là tiếng Pháp”! Có lẽ ông bị “ảnh hưởng” về sự trong sáng ấy của tiếng Pháp chăng? Nhưng người có tác phong rất Tây ấy lại là người Việt Nam đánh Tây cấp đại tướng. Nếu cứ xét, cứ nhìn theo “con mắt gia cấp” thì ông Giáp là người có vấn đề. Và buồn thay, người ta đã lợi dụng sự ngu ngơ này của sống đông để có lần, ở Đại hội Đảng lần thứ 6, tung ra tin “ông Giáp là con nuôi của một tên thực dân Pháp”!
Về tướng Giáp, tôi cũng có nhận xét, thử nêu ra để bạn đọc tham khảo: Ông Giáp “có đóng góp riêng một môn ngôn ngữ học”! Tôi nghĩ vậy. Ông đã biến một danh từ chung của Việt Nam thành một danh từ riêng. Hiển nhiên là ở Việt Nam, nếu một ai đó nói: tôi vừa được gặp đại tướng, thì người ta hiểu rằng người đó vừa gặp ông Võ Nguyên Giáp, chứ không ai lại hiểu rằng anh ta vừa khoe được gặp ông Lê Đức Anh, ông Mai Chí Thọ, ông Lê Hồng Anh mặc dù các ông ấy đều là đại tướng. “Đại tướng” từ một danh từ chung, đã trở thành một danh từ riêng trong ngôn ngữ người Việt đương đại, chỉ để dành cho Võ Nguyên Giáp. Những ý kiến cho rằng, phải phong cho ông Giáo là Nguyên soái chỉ là những suy nghĩ chưa chín. Chỉ có nhân dân mới là người sáng suốt nhất khi đã biến một danh từ chung thành một danh từ riêng: ”Đại Tướng”. Với người Pháp thì danh từ riêng “Điện Biên Phủ” lại được người ta biến thành một động từ chỉ hành động “đánh mạnh”, “đánh thật mạnh”, “đánh cho không còn mảnh giáp” v.v. và v.v. Danh từ Điện Biên Phủ biến thành động từ “dienbienphuer”. Cái đuôi “er” của tiếng Pháp gắn vào chữ Điện Biên Phủ viết liền trở thành “đánh mạnh”! Nếu một vị sĩ quan Pháp ra lệnh: - Dienbienphuer, có nghĩa là tấn công mãnh liệt vào đối phương! Có lẽ chính vì thế mà nhân kỷ niệm 50 năm chiến dịch Điện Biên Phủ, ở paris đã có một cuộc hội thảo lớn, có mời nhiều nhà sử học, quân sự, ngoại giao tên tuổi từ nhiều nước đến dự. Cuộc hội thảo đó có tên là “chia sẻ hồi ức Điện Biên Phủ”. Người Pháp có mời Việt Nam. Nhưng tôi xem trong danh sách đi dự cuộc hội thảo năm đó ở Paris (2004) của Việt Nam thì toàn là những nhân vật “vô sanh tiểu tốt”, và không có Đại Tướng!
Nhân chuyến đi thăm lại Điện Biên Phủ vừa qua (tháng 4/2013), để chuẩn bị tái bản cuốn “Tại sao Điện Biên Phủ?” của tôi đã xuất bản năm 2004 do NXB Thanh Niên ấn hành, dạo chơi trên đường phố ĐBP hôm nay, tôi thấy các tên đường như Bế Văn Đàn, Hoàng Văn Thái, Lê Trọng Tấn v.v. Tôi trộm nghĩ, nếu có một tên đường mang tên tướng De Castries để “chia sẻ hồi ức Điện Biên Phủ” thì cũng không có gì là quá đáng, nó chỉ là để hai dân tộc Việt-Pháp làm lành với nhau (réconsilies) sau những “sự hàm hồ của lịch sử” như một trung sĩ Pháp từng dự trận Điện Biên, rồi quay lại Điện Biên sau 40 năm đã nói với Trí Việt, trên đồi Him Lam mà tôi đã nghe được hôm đó!
Lời Ai Điếu Lời Ai Điếu - Lê Phú Khải Lời Ai Điếu