Nghị lực và sự kiên nhẫn cần có cho bất kỳ ai, ở bất kỳ vị trí nào.

Theodore F. Merseles

 
 
 
 
 
Tác giả: Cao Hành Kiện
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Trần Đĩnh
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Bach Ly Bang
Số chương: 82
Phí download: 8 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 7882 / 154
Cập nhật: 2015-08-05 20:17:40 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 29
ột sứ giả của phù thủy ở Thiên Môn quan, Đèo Cổng trời, đã đến Mộc Tượng Binh, sân bãi của những người thợ mộc yêu cầu ông thợ điêu khắc già tạc đầu nữ thần Thiên La. Ông ta nói sẽ đích thân quay lại lấy tượng để dâng lên nữ thần ngày hai mươi bảy tháng Chạp trên bàn thờ tổ tiên. Sứ giả trả trước một phần tiền công bằng một con ngỗng sống và hứa rằng nếu công việc xong đúng hạn thì sẽ cho một hũ rượu trắng và một nửa đầu lợn: ông già có thể ăn Tết nguyên đán bằng các món đó được. Lúc ấy ông thợ điêu khắc già bèn thất kinh, thấy rằng mạng của ông thế là đã được đếm từng ngày. Đức Phật bà Quan âm là người cai quản đời sống chúng ta, Thiên La là nữ thần.
Những năm vừa qua, ngoài việc mộc ra, ông đã làm không ít tượng, ông đã tạc tượng Thần Tài, thần La Hán cười, hòa thượng Kiểm Túc, Nam Tào Bắc Đẩu trông nom sổ sách người sống và người chết, ông cũng gia công cho gánh hát nuo hàng loạt mặt nạ, những Trương Khai San nửa người nửa thần, những Mã Soái nửa người nửa vật, những súc sinh tiểu yêu nửa người nửa quỷ và cả những tượng hề của Tần Đồng nhăn nhở cho người ta vui. Ông lão cũng tạc tượng Quan Âm cho những người đến từ phía bên kia núi, nhug chưa có ai, thật thế, bảo ông tạc tượng nữ thần Thiên La, chúa tể hung tín cai quản mạng người; thế mà đấy, bây giờ bà đến đòi mạng ông. Làm sao ông lại có thể hồ đồ nhận lời dễ dàng như vậy được? Đó là vì tuổi già của ông, vì lòng tham to quá của ông. Chỉ cần người ta dạm với ông một vật có giá trị là ông tạc bất cứ cái gì ngay. Mọi người đồng thanh nói các bức tượng của ông lão đầy sức sống. Thoạt nhìn là người ta nhận ra ngay Thần Tài, hòa thượng Kiểm Túc, Nam Tào Bắc Đẩu cai quản sổ sống sổ chết, tướng Trương Khai San, một Mã Soái hay Quan Âm, ông chỉ biết đó là một bà mẹ phù hộ cho sự sinh nở con trẻ. Khi một người đàn bà đến từ bên kia núi mang lại cho ông hai tấc vải đỏ để nhờ làm một tượng Quan Âm, chị ta đã nghỉ đêm tại nhà ông. Sáng sau, chị ta lại lên đường, hết sức hài lòng, mang theo tượng Quan Âm mà chính đôi tay ông đã cho ra đời trong một đêm. Nhưng cả đời ông chưa bao giờ tạc tượng Thiên La, trước hết vì không ai nhờ ông việc đó, sau nữa là cái mặt hung dữ này chỉ có thể đem đặt ở trên bàn thờ của phù thủy. Ông không thể giữ được khỏi rùng mình. Người ông lạnh toát; ông biết thần Thiên La đã ở bên chờ lấy đi mạng sống của ông.
Ông leo lên đống gỗ để lấy một khúc gỗ phơi trên xà, khúc gỗ có những thớ thanh thoát, không thể biến dạng hay nứt nẻ. Ông đã cất nó vào đấy nhiều năm trước, không nỡ dùng nó vào một công dụng thông thường. Leo lên đến đống gỗ, khi ông với tay để lấy khúc gỗ thì ông bị trượt chân và cái đống gỗ sập xuống. Ông cả kinh nhưng ông biết cái gì đang xảy ra. Ôm chặt khúc gỗ trong tay, ông ra ngồi lên gốc cây phong vẫn dùng làm thớt. Với một việc bình thường, ông vạc vật liệu bằng vài nhát rìu, chẳng cần để tâm vào đó, rồi khắc tạc bằng đục, theo các phoi gỗ hất ra từ lưỡi đục dần dần hiện lên hình dáng. Đó là nề nếp quen. Nhưng chưa bao giờ ông tạc tượng thần Thiên La cho nên ông cứ ngồi đó, mụ mị đi, khúc gỗ trong tay. Khi cảm thấy khí lạnh nhập vào người, ông đặt khúc gỗ xuống đất. Ông vào trong nhà, ngồi lên một khúc cây đã bị khói bếp làm cho đen sì và vì nhiều người đã ngồi nên nó bóng lên. Ông đã tận số rồi. Ông nhận ra không qua được năm nay. Họ đặt ông tượng này cho ngày hai mươi bảy tháng Chạp, đúng sau ngày cúng Táo quân, chẳng cần chờ cả đến ngày rằm tháng Giêng, Hội Hoa đăng. Quyết không cho ông yên ổn qua Tết rồi.
Lão ấy đã gây nhiều tội ác, nàng nói.
Nữ thần Thiên La bảo như thế sao?
Đúng, nàng nói, lão ấy không tốt, không biết an phận.
Có thể.
Thâm tâm ông ta biết ông ta có bao nhiêu tội.
Ông ta đã quyến rũ người đàn bà trẻ đến cầu tự ư?
Chính người đàn bà ấy mới đáng khinh, chị ta hoàn toàn vui lòng mà.
Thế không coi là tội lỗi chứ?
Có thể.
Thế thì, tội lỗi của ông ấy, là...
Lão ấy đã làm hỏng đời một cô gái câm.
Ở nhà ông ta?
Ở nhà thì không dám, một hôm lão ấy ở nơi khác. Những thợ thủ công làm lụng xa nhà như lão ta thường ở một mình lâu ngày. Họ có chút ít tiền nong và lõi đời. Tìm ra đàn bà để ngủ không khó. Một số đàn bà làm cái đó vì lợi. Nhưng lẽ ra lão ta không được lạm dụng một cô gái câm chứ. Lão ta đã làm nhục, đã đùa rỡn rồi bỏ cô ấy.
Khi nữ thần Thiên La đến lấy mạng lão, lão có nhận ra rằng đó là tại cô gái câm không?
Chắc là phải nghĩ như thế rồi, cô câm ấy đã hiện ra với lão mà lão không thể xóa cô ấy đi được.
Vậy là một sự trả thù?
Đúng. Tất cả các cô gái hễ bị làm nhục đều hy vọng trả thù. Nếu cô ấy còn sống, nếu cô ấy tìm được ra lão, cô ấy sẽ móc mắt lão, cô ấy sẽ chửi ngập đầu lão lên với những câu nhục nhã nhất, cô ấy sẽ xin quỷ thần đem lão đến tận mười tám tầng âm phủ, cô ấy sẽ bắt lão chịu các thứ cực hình ghê gớm nhất! Nhưng cô gái này bị câm, không có cách nào cho người khác hiểu được; rồi đến khi bị chửa, cô ấy đã bị đuổi khỏi nhà, cô ấy bèn đi lang thang và làm điếm, ăn mày. Cô gái trở thành một đống thịt hư hỏng, ai cũng ghét. Ban đầu, cô ấy không phải không duyên dáng đâu và lẽ ra rất có thể lấy được một nông dân lương thiện, sống một cuộc đời vợ chồng bình thường. Cô gái lẽ ra đã có một mái ấm để tự che chở và cho những đứa con ra đời, rồi khi chết thì có cả một cỗ áo quan.
Lão ta không nghĩ đến cái đó, chỉ nghĩ đến lão ta.
Nhưng hai mắt của cô gái ấy trừng trừng nhìn lão không buông.
Mắt của nữ thần Thiên La.
Mắt của cô gái câm không nói được ấy.
Đôi mắt đầy kinh hoàng của cô gái khi lão chiếm đoạt cô gái?
Đôi mắt phục thù!
Đôi mắt van xin.
Cô ấy không thể van xin, cô ấy giật tóc bứt tóc mà khóc.
Cô ấy nhìn lão, đờ đẫn ra.
Không, cô ấy kêu...
Nhưng chẳng ai hiểu các tiếng kêu i i a a ấy là gì, mọi người thấy lại cười.
Và lão ta lẫn trong đám đông lão ta cũng cười.
Đến thế?
Đến quá chứ! Lúc ấy, lão vẫn chưa biết sợ và lão còn đắc chí. Lão nghĩ chẳng ai có thể tìm được ra lão.
Số phận biết phục thù.
Bà ấy đã đến, nữ thần Thiên La, khi lão ta đang cời than hồng, bà hiển hiện ra trong lửa và khói. Lão nhắm nghiền ngay mắt lại và nước mắt chảy ra.
Đừng có làm dáng cho lão đi anh!
Ai chẳng khóc khi mắt đầy khói. Lão đã xỉ mũi vào những ngón tay khô ráp như những que củi khô của lão. Lão tập tễnh ra sân, kéo lê đôi giày vải, lão lấy khúc gỗ, ngồi xổm gần gốc cây phong, lão vạc nó bằng rìu cho đến tận chiều tối. Rồi lão quay vào nhà, miếng gỗ trong tay. Ngồi bên lửa, lão kẹp nó vào giữa hai đùi và đưa bàn tay đầy chai lên vuốt ve nó. Lão biết đây là bức tượng cuối cùng lão làm trong đời và lão sợ không đủ thì giờ để tạc xong. Lão muốn thành công trước sớm mai vì lão biết vào lúc đó cái hình ảnh lào lưu giữ trong lòng sẽ biến mất, ở đầu các ngón tay lão là bóng hình cô gái, miệng cô gái, môi trên của cô gái mím chặt khi cô lắc đầu, dái tai cô gái mềm quá nhưng đặc biệt dầy dặn, thế này có lẽ tai cô phải đeo những đôi khuyên rất to mất; da căng nhưng mềm mịn, mặt nhẵn và thanh tú, mũi và cằm nhọn nhưng không sắc cạnh. Bàn tay lão trườn vào trong cổ áo ôm lẳn lấy cổ cô...
Buổi sáng dân làng đi chợ phiên Lạc Phượng Ba, Dốc Phượng Rơi, mua sắm Tết gọi lão nhưng lão không trả lời. Cửa mở toang và phảng phất có mùi chãy. Người ta vào nhà, phát hiện thấy lão ngã vật vào trong bếp lò. Lão đã chết. Có người nói lão là nạn nhân của tai biến tim mạch, có người nói lão bị chết cháy. Dưới chân lão, nằm chỏng chơ tượng nữ thần Thiên La gần xong, đầu đội một vòng mũ gai. Ở rìa mũ có chọc bốn cái lỗ. Từ mỗi cái lỗ thò ra một con rùa đen, đầu vươn thẳng, như một thú rừng rình mồi, nấp trong hang ổ. Mí mắt bức tượng cụp xuống như ngủ mà không ngủ, sống mũi thanh tú tiếp vào đôi lông mày cánh phượng cho cảm giác chúng hơi cau lại, môi mỏng và nhỏ thì mím chặt, có một thứ ý vị khinh miệt cuộc đời, hai đồng tử đen khó nhìn thấy tuy vậy vẫn phóng ra một ánh mắt lạnh băng. Lông mày, mắt, mũi, miệng, mặt, cằm, cần cổ thanh tú và dài của bức tượng, tất cả đều cho hiện ra nét tinh tế của một thiếu nữ; chỉ hai dái tai dầy và chắc là có những cái khuyên bằng những miếng đồng hình mũi dáo treo lủng lẳng ở đấy là chớm để lộ ra chút gợi dục mà thôi, cổ bức tượng bị bó chặt trong cổ dựng lên rất cao của bộ quần áo. Và nữ thần Thiên La về sau đã được dâng lên trên ban thờ của người pháp sư ở Thiên Môn Quan Đèo Cổng Trời.
Linh Sơn Linh Sơn - Cao Hành Kiện Linh Sơn