The man who does not read good books has no advantage over the man who can't read them.

Mark Twain, attributed

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: hoang viet
Số chương: 18
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 6213 / 110
Cập nhật: 2016-03-24 21:05:58 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 5
hưng mà hôm sau Quỳnh lại đến, một cách rất đúng hẹn, rất ngoan ngoãn, rất sợ sệt nữa, mặc dầu đã có sự gì xảy ra nữa, mặc dầu lòng tự ái của nàng đã bị thương rất nặng đi nữa, nàng cũng vẫn thấy cái linh trí hay linh giác chi đó nó bảo nàng rằng nếu không vâng lời y hẹn, ắt là không xong. “Không xong”, thật thế! Nàng đã ở vào cảnh trót “đâm lao phải theo lao” mất rồi, còn gì! Cho nên sự thật tuy rằng nàng không có tội gì cả, lúc đứng trước mặt Liêm, Quỳnh cũng co quắp quá một con cua trước một con ếch, lại sợ hãi quá một người có tội rất nặng trước một ông bố cực kỳ nghiêm khắc nữa.
Được thể, Liêm so vai, dang hai tay ra bảo:
- Xin mời cô ngồi.
Cái tiếng “cô” ấy quả thật có một ngụ ý khinh bỉ lắm, song Quỳnh chỉ còn biết ngồi ngay xuống ghế đi-văng. Nàng gượng cười một cách đáng thương, và làm lành:
- Chắc mấy hôm nay, anh giận em lắm.
Liêm đút hai tay vào túi quần, không đáp. Chàng đứng nhìn Quỳnh trừng trừng. Rồi trong khi Quỳnh không chờ đợi một lời nào cả, thốt nhiên Liêm nói:
- Này em... Anh hỏi thật em nhé? Có phải bụng dạ em đã thay đổi rồi, phải không?
Quỳnh ngước mắt lên, không biết đáp thế nào, rồi lại cúi mặt xuống. Nàng vốn bẩm tính thực thà một cách đáng quý, cho nên câu hỏi bất kỳ ấy khiến nàng chột dạ. Vì rằng câu hỏi ấy lại đúng sự thực lắm, thế thôi. Đêm qua, cả đêm qua, nàng đã trằn trọc thâu canh, đau khổ vô cùng, giận người yêu vô cùng và đã nhiều lần nghĩ đến sự đoạn tuyệt để cho lòng tự ái được đỡ đau thương... Nếu nàng sắc sảo một chút, hẳn nàng đã nói một cách rắn rỏi đại khái: “Vâng, quả có thế. Nếu không có cái lá thư của anh như thế, hẳn tôi cũng không nghĩ gì sự thay đổi. Nhưng mà đã có lá thư của anh! Tôi cũng muốn thay đổi lắm, hay là rất có thể thay đổi được, nhưng mà cái đó cũng lại còn là tùy anh”. Nhưng than ôi! Còn xa Quỳnh mới được là người sắc sảo và khôn ngoan. Ngay lúc ấy, sự thật nàng tuy cũng có thoáng thấy cái ý muốn nói những câu quyết liệt như thế kia đấy. Nhưng không hiểu sao, nàng chỉ lại cúi đầu! Có lẽ thái độ của Liêm nghiêm quá, “chồng” quá, nên Quỳnh không dám... Và có lẽ tại cả số kiếp của nàng nó xui khiến ra như thế nữa. Mặc dầu thế nào đi nữa, Quỳnh cũng không thể nào mà lại có thể có được cái thái độ ngỗ nghịch mà nàng sợ là sẽ lếu láo với Liêm. Ngay lúc ấy, cúi đầu xuống, Quỳnh chỉ tưởng rằng mình đã tỏ ý ngoan ngoãn thôi, chứ nàng cũng không biết rằng vô tình nang đã phải khuất phục sự vô lý một lần nữa, vì rằng, trò đời là thế, khi đã chịu một lần rồi, sự nhẫn nhục tức khắc thành thói quen, để cho nàng sẽ cứ phải chịu mãi mãi.
Cử chỉ ấy càng khiến Liêm được quá đáng. Đáng lẽ phải được hài lòng, chàng lại đi cho rằng sự im lặng ấy, cái cúi đầu ấy, chỉ là một sự thú tội kín đáo của Quỳnh mà thôi. Chàng lại hỏi xẵng:
- Thế nào? Có gì, xin em cứ việc nói thẳng ra, thế thôi!
Quỳnh ngước mắt lên nhìn một lần nữa, để rồi lại cúi mặt xuống một lần nữa.
- Thật thế, em cứ nói phăng ngay ra đi thôi! Không việc gì còn phải úp mở! Nếu quả thật em muốn thay đổi, thì để anh liệu...
Hồi lâu, vẫn cúi mặt, Quỳnh khẽ nói ấp úng:
- Em chả hiểu sao cả... Thật là... Không có chuyện gì cả. Em rất lấy làm lạ.
Liêm oai nghiêm ngồi xuống bên cạnh người yêu. Hai con mắt sáng quắc lên nhìn chòng chọc vào mặt nàng, như một ông cẩm, mật thám lúc lấy cung một quân gian. Chàng lại hỏi:
- Không có chuyện gì cả? Thật thế? Em có muốn anh nói thật không? Đây này anh xin nói phăng ngay ra thế này: Nếu một khi em đã yêu anh, mà em lại toan lòng chim dạ cá, thì... một là em sống, anh chết, hai là em chết, anh sống!
Quỳnh rên rỉ hỏi:
- Giời ơi! Có gì mà anh làm dữ đến như thế!
Cái ghen đã chất chứa trong tim gan từ mấy ngày, nó đã tức hơi trong đáy lòng, bây giờ mới được lúc phát phì ra, Liêm chẳng còn tự chủ được nữa:
- Em bảo không có gì? Em không biết em là người lẳng lơ? Em hư hỏng mà em không biết rằng em hư hỏng?
Quỳnh đã đến lúc không còn biết sợ nữa, và đã biết tức. Nàng cười nhạt, hỏi lại:
- Thế em đã lẳng lơ, đã hư hỏng ra làm sao?
Liêm đứng ngay lên, mặt đã đỏ bừng:
- Em lại còn bắt anh kể lại cái sự ấy nữa thì thật bẩn cả mồm anh, thì khốn nạn thật! Em chóng quên đến thế cơ à? À quên là phải, nếu những người đã biết được cái tội của mình là lẳng lơ thì đời nào còn lẳng lơ! Phương ngôn có câu: “Nếu cú biết thân cú hôi thì cú đã chẳng hôi” là đúng lắm.
Nói thế xong, Liêm thích chí lắm, cho rằng tự nhiên nghĩ ngay đến câu phương ngôn ấy thì, dẫu mình có nói quá đáng, hẳn cũng không còn ai cãi lại được mình nữa. Không đợi Quỳnh phải đáp, chàng lại nói tiếp luôn:
- Em quên mất thật rồi đó à? Em quên rằng buổi chiều hôm ấy, đã có hai thằng khốn nạn nó tỏ ra vẻ say mê em, và em đã lấy thế làm thích lắm, em đã cười tít cả mắt lại, đã đáp chuyện chúng nó nở như ngô rang? Em không biết biết rằng chỉ vì thế mà em sai hẹn với anh, mà em vội coi không ra gì? Phải, em đẹp lắm, anh biết. Em chả đẹp mà lại ai cũng say mê em! Khônị phải anh ghen cho nên anh nói thế đâu...
Liêm thành thực tưởng rằng mình không ghen, vì sau một phút chàng lại nói:
- Thật thế, anh không thèm ghen với những quân khốn nạn ấy đâu! Anh ghen với hạng ấy anh tự thấy mất giá trị lắm! Mà em thì lại cứ làm cho anh phải mất giá trị, đó là một điều nhục nhã. Một sự vô cùng khốn nạn...
Liêm ngừng bặt, không còn biết tìm danh từ nào xúc phạm hơn, tệ ác hơn nữa. Thấy cái tội của mình đã rành rành ra đó, Quỳnh chỉ còn biết chống chế một cách dại dột:
- Người ta là khách mua hàng, em là người bán hàng, em làm thế nào được? Không nhẽ em lại đi mắng người ta.
- Thì ít ra em cũng phải biết câm mồm đi chứ? Em cần phải cười nói ríu rít thì mới có khách mua hàng hay sao? À, thôi, anh trách em làm gì? Em chẳng qua cũng chỉ như thiên hạ, đem cái nhan sắc ra mà đưa đẩy để kiếm khách và giữ khách, dẫu biết rằng cái giá trị của mình có vì thế mà giảm đi một chút thì cũng không sao, vì điều cốt yếu chỉ là bán được hàng, kiếm được lãi, sao cho có tiền thì thôi. Nhưng có lẽ em không biết răng đó chính là một cách, một phương pháp... cái gì nhỉ? - mãi dâm - phải, chính thế, một lối mãi dâm cái nhan sắc của mình với khách, và đã mãi dâm thì dù cái đẹp của mình thôi, hay cả xác thịt của mình nữa, cái ý nghĩa của nó cũng đến vậy mà thôi, và thà rằng chết đói còn hơn đắt hàng kiếm lợi như thế.
Không những Liêm không để ý đến sự quá đáng, mà trái lại, sau khi nói thế, lại còn tưởng bở lắm, vì chàng cho mình là có học thức lắm mới nói được những câu hiểm độc đến thế, cay như thế, đau như thế. Chàng không biết mình lọ, đáng tức cười, và vô cùng trẻ con. Trái lại, Quỳnh cũng không hiểu rằng đó là vì Liêm quá ghen mà thôi, và vì ghen nên mới phụ mồm. Nàng biết sao được rằng một người chồng ghen đến bậc hóa ra phụ thì chính là một người chồng có thể rất chung tình được nữa. Nàng chỉ đau đớn mà thôi, cho nên nàng cũng đổi giọng:
- Vâng, dễ thấy đấy. Em không lẳng lơ thì ai nữa mới lẳng lơ! Nhưng đã thế, anh yêu em làm gì? Thì anh bỏ phăng ngay đi, anh hồi hôn đi, có được không?
- Ấy là tự em, em nói như thế trước nhất đấy nhé?
- Em nói trước, để anh khỏi phải nói trước, mà được nói sau, thế chứ gì? Thôi, anh ạ, em hiểu rõ lòng người lắm. Giá dụ nếu em trước kia biết giữ gìn thì không sao đâu! Nhưng em quá tin anh, đã trót quá yêu anh... Bây giờ thì anh làm gì cũng được. Em cũng xin tùy ở anh!
Những lời ấy khiến cho Liêm không biết nói gì vào đấy nữa. Chàng mím môi lại, căm tức lắm. Thật không ngờ Quỳnh lại quay trở lại buộc chàng như thế. Không, Liêm không có lỗi chút nào. Nếu trong sự cãi lộn này, Quỳnh mà không có lỗi thì thôi, chứ quyết kẻ có lỗi chẳng phải là Liêm. Chàng chỉ vì yêu Quỳnh mà phải nói thế, có lẽ yêu quá nữa, thế thôi, chứ chàng chưa hề nghĩ đến sự trở mặt. Vậy mà chàng bị buộc tội như một Sở Khanh thì có tức không? Liêm nhìn Quỳnh, lúc ấy thu mặt trong hai cánh tay, gục xuống, hai cánh tay trên đầu gối. Chàng nhớ lại lúc Quỳnh bông lơn hai anh công tử bột, rồi khi thấy Liêm, lại chạy trốn vào trong nhà. Chàng nhớ lại lúc Quỳnh sai hẹn, để Liêm phải mất công toi chờ đợi cả một buổi. Sau những sự như thế, Liêm có quyền thấy thái độ ấy là bất chính, và, một khi đã thấy cái bất chính ấy rồi, hỏi rằng chàng có quyền nói nữa hay không?
Lúc ấy, trông thấy người thiếu nữ mà mình đã yêu, mà mình đã làm chủ cả phần hồn lẫn phần xác, đương gục đầu đau đớn, Liêm không thể có một ý kiến nhất định được nữa. Thật thế, chàng biết chàng sẽ thay đổi, tùy theo một vài cử chỉ, hay một vài ngôn ngữ của người ấy. Chàng bâng khuâng tự hỏi con người như thế không biết là bị mắng oan hay là đáng tội, gục mặt xuống để giả vờ hay là khổ sở thật sự, rằng người ấy có thể trở nên một vợ hiền hay sẽ là người lẳng lơ, và điều nguy hiểm nhất, hay đó chỉ là “gái khôn lắm nước mắt” mà thôi? Than ôi, Liêm thật không sao biết được!
Khi Quỳnh gượng ngẩng đầu lên, nước mắt đã đầm đìa hai cánh tay áo. Nàng lấy khăn ra lau mặt, cái mặt hoen ố, vì nước mắt đã làm hỏng mất cả hai áng má đào tô điểm bằng phấn, son. Nàng lau một lần chưa đủ, vì những hàng lệ lại tuôn theo, lã chã... Cả người nàng rung động vì cái cơn hậm hực không ngừng, đủ biết rằng cái đau khổ đã vò nát tâm can...
Trước cảnh ấy, Liêm cảm động.
Chàng chưa hề trông thấy một sự khổ nào lại đầy đủ nghĩa lý đến thế! Lần đầu trong đời, Liêm mục kích một thiếu nữ khóc lóc âm thầm, mà lại là vì chàng. Tất cả những sự ghen giận, tất cả những cái bực tức, tất cả lòng tự kiêu của chàng hầu như tan biến ra mây khói mất cả. Liêm thấy động tâm, muốn yêu, thương... Thế là, như là rất hối hận, chàng đứng lên, quỳ xuống trước mắt người yêu. Từ trong thâm tâm, Liêm thấy một cả giác sung sướng vu vơ, hình như lòng tự ái của chàng được phỉnh nịnh đầy đủ lắm. Hình như có một tiếng nói vô thanh đã nhắc nhỏm vào lương tâm của chàng: Ấy đó, người thiếu nữ như thế ấy, đã phải khóc lóc vì ta! Tuy nhiên, Liêm cũng không kịp nhận ra được cái chân lý, một cái công lệ thiên nhiên, là muốn yêu cho tha thiết và nồng nàn, thì phải đã có làm cho nhau đau khổ.
Cũng hóa ra nghẹn ngào, Liêm áp úng gọi:
- Quỳnh! Quỳnh! Anh van em... Anh xin lỗi! Anh biết anh có lỗi lắm, nhưng mà chính là chỉ vì quá yêu em, quá ghen em...
Nàng ngẩng mặt lên, trồng ra đường mà thẫn thờ như trông ra một phong cảnh nào xa thẳm, mịt mù, ở chỗ mà tầm mắt không đến được vậy. Nàng không đáp, không chống cự, cứ để yên... Liêm nắm lấy hai bàn tay xinh xắn ấy mà hôn lấy hôn để. Rồi chàng áp mặt vào mặt Quỳnh, như muốn uống lấy mấy giọt lệ còn đọng lại để hưởng cái thi vị của đau khổ, cái nên thơ của hối hận.
Cả hai người cứ thế, trong cái im lặng, rất lâu...
- Quỳnh ơi, em có giận anh không? Em có còn yêu anh không?
- Anh đừng nên như thế nữa. Chúng ta cần phải nên hiểu nhau lắm mới được.
- Anh xin lỗi em nhé? Ừ đi, để cho anh yên tâm nào.
Quỳnh khẽ gật đầu một cái.
Thế là Liêm phủ kín cả mặt Quỳnh bằng những cái hôn yêu thương. Môi chàng đặt lần lượt vào má, mũi, mắt, trán, cổ, gáy... Quỳnh ngồi đờ ra, vì cơn đau ghê gớm vừa dứt thì sự an ủi bất ngờ cũng gây cho tâm hồn nàng những cảm giác quá mạnh, đến nỗi chẳng lúc nào nàng kịp được như trí phán đoán. Nàng cứ ngồi yên.
Nhưng mà, chưa chi xác thịt đã muốn đòi lấy cái quyền của nó. Ôm ấp trong cái thân hình óng chuốt ấy lâu như thế, trong một căn phòng nửa sáng nửa tối, giữa lúc bốn bề tịch mịch, sau một cơn giông tố của cõi lòng, Liêm đã thụ động cái tính chất cổ truyền, cái tính chất của cái giống đực dã man, từ đời thượng cổ đến nay vẫn là bất di bất dịch giữa mọi biến hóa của y phục, ngôn ngữ, lễ giáo, văn minh... Dầu sao, Liêm cũng vẫn chỉ là một thằng đàn ông, cũng như mọi thằng đàn ông. Một lần nữa, cái động lực cửa thiên nhiên vẫn là mạnh hơn hết cả mọi sự kiềm chế, và Liêm lại muốn chiếm đoạt thân thể của Quỳnh, một lần nữa. Từ sự an ủi dịu dàng, và từ những cách mơm trớn chàng lại dấn bước đến những cử chỉ phũ phàng khó coi...
Đến lần này, người thụ động đã không còn chịu nổi nữa. Cái bản năng bảo tồn, sự nghi ngại, sự ghê tởm nữa, đã khiến Quỳnh trở nên cương quyết. Nàng đẩy Liêm ra, giằng ra. Trong một lúc lâu, đó gần như là một cuộc vật lộn, ẩu đả, tuy rằng không có ai nói gì với ai cả. Liêm hơi ngạc nhiên, thấy Quỳnh tỏ ra một sức khỏe khác ngày thường.
Nhưng mà, bên ngoài, tiếng còi xe hơi đã rúc vang lên. Liêm bất đắc dĩ phải thôi, để cho Quỳnh cài lại những khuy áo và vấn lại mớ tóc đã sổ. Khi Cử Tân bước vào buồng, chính bộ y phục của Liêm cũng vẫn còn xộc xệch, khó coi. Cử Tân chào cả hai người, vừa lùi ra vừa xin lỗi...
Cáu kỉnh hết sức, Quỳnh nhìn Liêm nói:
- Thật nhục nhã đến thế này là cùng!
Rồi nàng nhổ ngay nước bọt xuống đất, nghĩa là xuống tấm thảm sặc sỡ. Liêm bẽn lẽn, phải chạy ra ngoài để chuyện trò qua loa vài câu với người bạn đi xa trở về, giữa lúc mình, lại nhà người bạn ấy, được đủ quyền tự do...
Y phục đã chỉnh đốn rồi, Quỳnh đứng lên. Khi nghĩ rằng lúc ra đi thế nào cũng phải chạm trán với người đàn ông, tuy lạ mặt nhưng có lẽ là chủ nhà ấy, nàng lại càng bực mình hơn nữa. Nàng gọi giật giọng:
- Liêm! Anh Liêm!
Chàng quay vào...
- Em về đây!
Liêm sợ hãi, cho thế là thất sách, khẽ bảo:
- Hãy ở lại lát nữa nào?
- Không! Em nhất định phải về!
Nói xong nàng phăng phăng đi ra, khiến Liêm cũng phải ra trước lấy lối cho người yêu đi. Chàng đỏ mặt giới thiệu:
- Ông Cử Tân, bạn đồng sự của tôi... Đây, vợ chưa cưới của tôi.
Cử Tân reo lên, vẫn có vẻ bông lơn:
- A! Rất hân hạnh!
Quỳnh bẽn lẽn cúi đầu, mỉm cười chào. Mặt nàng từ đỏ ngã sang tái nhợt. Rồi nàng thoăn thoắt bước xuống thang, để Liêm trơ trẽn, tưng hửng trước mặt Cử Tân.
Bữa ấy, Liêm thấy Quỳnh ngu ngốc lắm. Sự thể đã trót xảy ra rồi, đáng lẽ Quỳnh phải ráng ở lại, dẫu chỉ một phút nữa, ít ra cũng phải có một thái độ bình tĩnh hơn thế. Nhưng Quỳnh đã giận dỗi ra về một cách mới vô lễ làm sao, đáng ghét làm sao.
Trên con đường về, Quỳnh xấu hổ với hết tất cả những khách đi đường, mà vẫn không dám thuê xe ngay, và thấy rằng người yêu nhất đời của nàng chỉ là một kẻ thô tục, đáng khinh bỉ hết sức.
Lấy Nhau Vì Tình Lấy Nhau Vì Tình - Vũ Trọng Phụng Lấy Nhau Vì Tình