The act of love . . . is a confession. Selfishness screams aloud, vanity shows off, or else true generosity reveals itself.

Albert Camus

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: hoang viet
Số chương: 18
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 6213 / 110
Cập nhật: 2016-03-24 21:05:58 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phần II - Chương 1
ai tháng đã qua.
Trong thời gian ấy, Liêm đã sống những ngày sáng sủa, ngắn ngủi quá, để hưởng tất cả những điều gì đáng gọi là hạnh phúc, và để nếm trải tất cả mọi cái hạnh phúc mà một người phàm trần tốt số có thể được hưởng. Chàng được hoàn toàn lạc quan mà nhìn thế sự. Chàng được bằng lòng bố mẹ đã đưa trầu cau đi chạm ngõ cho mình, bằng lòng cái địa vị thầy giáo dạy tư rất nhũn nhặn của mình. Chàng bằng lòng người vợ sắp cưới mà chàng trông thấy rằng chỉ có những đức hạnh chứ không có lấy một tính xấu nào cả, một thiếu nữ kể về phương diện nào cũng là hoàn toàn, người mà mỗi khi nghĩ đến, chàng đã tìm được một cách mệnh danh đầy thú vị là “người mà cuộc đời là một bài thơ!”. Liêm được bằng lòng về mặt trời cứ tuần tự mọc lên ở vừng đông, mỗi buổi sáng, về một cái lá vàng nọ rụng và bay tơi tả theo ngọn gió heo may, về ánh sáng đèn điện của những phố xá chỉ đông người vào ban đêm, về những xe cộ làm phiền nhiễu cho sự giao thông của phố xá ấy... Bất cứ sự vật gì, đối với chàng, cũng đều có nghĩa lý cả, nếu nó không có một thứ thú vị riêng của nó. Chàng đã sống để mà không biết rằng đời là một sự vô nghĩa lý, chỉ vì chàng yêu và được yêu... Liêm thấy rằng mình còn trẻ, tiền đồ còn rộng rãi thênh thang, mà đã được hưởng thụ cuộc đời, có nhà cửa, có bố mẹ, có học thức, công danh, lại có cả tấm yêu của một thiếu nữ đáng yêu vào bậc nhất.
Bữa nay, Liêm nằm ở cái phòng garconière của Cử Tân, trên một cái ghế bành có đệm rất êm dịu để hưởng cái êm dịu của một điếu thuốc lá Hồng Mao 1 như một dân nghiện sành sỏi. Hôm trước, Cử Tân có việc phải đi xa, đã bảo Liêm đến “trông nhà”.
- Mày cứ việc dùng cái lỗ 2 của tao bằng địa vị một người có quyền sở hữu. Mày muốn đem con “gà mái” nào của mày đến cũng tùy ý... Và bồi bếp của tao đấy, mày cứ việc sai bảo chúng nó y như tao vậy. Tao đi đúng một tuần lễ thì tao về. Được không?
Trước sự mời mọc tình cờ như thế, Liêm đã nhận ngay, tuy chưa biết nhận để làm gì. Vì dạo này nhà Liêm co may ngươi trong họ ở nhà quê ra chơi, phải đụng chạm với một bọn người nói chuyện cứ như cãi nhau, Liêm không chịu nổi sự huyên náo vô ý thức ấy, và hễ ăn cơm xong, nếu không đến nhà Quỳnh chàng không còn cách gì khác là đi thư viện để đọc sách một cách bất đắc dĩ. Cho nên khi nhận lời mời của một người bạn già mà địa vị cùng cách ăn ở cao hơn mình, lại bỗng dưng tỏ ra có tình với mình đến thế, Liêm cảm động lắm, và chỉ thấy rằng nhận lời bạn là một điều làm vui lòng bạn. Vả lại được có một chỗ an tĩnh để nghỉ ngơi, đọc sách, dẫu rằng chỉ trong một tuần lễ, Liêm cũng thấy sẽ có thú vị hơn là phải đi thư viện, vì cái nhà Cử Tân có cách bài trí cực kỳ cám dỗ người, nhất là đối với thiếu niên 3.
Đến đấy được một buổi, Liêm bỗng nghĩ khác.
Thật vậy, nếu đến bây giờ, Liêm mới biết lợi dụng nơi kín đáo ấy thì thật đáng ngạc nhiên lắm! Ừ, sao không hẹn Quỳnh đến chơi đây? Sao lại cứ phải hẹn hò nhau trên cầu Paul Doumer, một nơi có trăm nghìn con mắt tò mò của thiên hạ rất nguy hiểm cho danh tiếng của người mà chàng yêu, và có thể cũng có hại cho chính chàng nữa? Liêm nghĩ đến sự lo sợ kể ra cũng chính đáng của Quỳnh, nó làm cho hai người mất cả hứng thú, những khi chàng cùng Quỳnh sóng đôi nhau đi, đứng trên cầu sông Cái. Chàng lại tiếc những cái hôn đáng lẽ nồng nàn đằm thắm của mình, của hai người, vào những lúc mà Quỳnh cứ phải giật mình hoảng sợ, tưởng chừng có kẻ nào vẫn đứng rình mò ở sau lưng. Cho nên cái hôn là cái cử chỉ mà có thể nhờ nó mà một cặp trai gái được lên một cõi Nát Bàn riêng của một thế giới riêng; thì trái lại, đối với Liêm và Quỳnh, chỉ là sự khiêu khích đến cái tò mò không được thỏa mãn, và gây cho Liêm, nhất là cho Liêm, một sự khó chịu, một sự bực dọc... Liêm chỉ ao ước, trong những lúc ấy, rằng Quỳnh sẽ lim dim cặp mắt, ngả đầu về đằng sau, mở hé cặp môi son để lộ cái ánh sáng của những cái răng màu hạt trai, để mà nhận cái hôn của chàng một cách rất đằm thắm, rất say sưa... Thì là chàng được mãn nguyện! Thì chàng mới có thể được biết cái gì là thú vị của một cái hôn! Nhưng chẳng bao giờ Quỳnh lại làm như ý của Liêm muốn! Nàng chỉ hay cúi mặt xuống, vì hổ thẹn, hoặc là quay hẳn mặt đi tránh sự âu yếm của người yêu một cách gián tiếp, hay là nhìn sang tả, nhìn sang hữu, quay lại sau lưng, sợ có ai trông thấy mình.
Cái cao hứng của Liêm thường bị dập tắt đi như thế.
Cho nên, khi ý nghĩ kia nảy ra trong óc, là tức khắc Liêm thảo một lá thư nhỏ trong có ba dòng, hẹn Quỳnh đến nhà của Cử Tân. Trong ba dòng, Liêm đã tìm ra được những câu văn mạnh mẽ để cho người yêu khỏi phải nghi ngờ, khỏi phải do dự, khỏi phải sợ hãi. Nhất là Liêm lại hẹn vào lúc hai giờ chiều, thì đó là một cái cớ cho Quỳnh an tâm ra đi. Ban ngày ban mặt, một thiếu nữ ra đi đường hoàng giữa thanh thiên bạch nhật, như vậy, ắt nàng chẳng phải lo ông và bà phán Hòa ngờ vực gì nữa. Mà thiên hạ liệu còn có người nào bảo rằng một thiếu nữ sau khi kiếm được một cái cớ nhỏ để bỏ cửa hàng trong một vài giờ, giữa lúc hai giờ chiều, mà lại là “đi với trai”!
Liêm chắc Quỳnh thế nào cũng đúng hẹn.
Nhưng hai giờ rồi mà vẫn không thấy gì cả! Liêm hé mở cửa sổ, nhìn qua cái hàng rào sắt, trông ngóng... Rồi tình cờ, Liêm xuống hẳn sân, nhìn vào cái hầm, cái chỗ ở của bọn gia nhân nhà Cử Tân. Người bếp lúc ấy nằm ngủ thẳng cẳng trên cái chõng tre, ngáy ran lên, tựa hồ như đó là một người suốt một đời chưa bao giờ được ngủ ngon như thế. Chàng gật đầu, hài lòng lẩm bẩm: “Ấy nó chẳng biết chuyện gì là hơn!”. Chàng ra cửa hé một bên cánh cổng sắt để cho người yêu lúc nào đến, thì sẽ khỏi e ngại. Chàng chỉ định thế rồi quay lên ngồi chờ, nhưng, không nghĩ ngợi lại vô tâm bước ra... Chàng nhìn về phía đầu phố thì trông thấy Quỳnh đã lững thững đi đến. Liêm để cho tình nhân thấy mình, nhận được nhà rồi lại quay vào.
Khi Quỳnh dừng chân trước cái cửa đã hé mở thì, đứng trên gác, Liêm vẫy tay ra hiệu bảo cứ việc lên. Tuy vậy, Quỳnh cũng rảo gót như một người tìm một chỗ trốn tránh, dáng điệu ngượng ngùng, hấp tấp. Đứng trước cái cửa phòng lúc ấy cũng hé mở, nàng hình như đắn đo, nghi kỵ. Liêm phải giục:
- Thì vào trong này đi nào!
Quỳnh còn hỏi:
- Nhà ai đây, hở anh?
- Hãy vào đi đã rồi nói chuyện cũng được.
Nói xong, Liêm đẩy nàng vào, khép ngay cửa lại. Muốn cứu chữa cho cái cử chỉ có lẽ lỗ mãng của mình, chàng tiếp:
- Thế này là chúng ta thật được yên ổn hoàn toàn trong nửa giờ để mà ngồi nói chuyện với nhau! Enfin... seulsz 4.
Quỳnh khẽ rú lên một tiếng. Liêm ngạc nhiên, quay lại... Đó là cái đầu lâu nó khiến Quỳnh khiếp đảm đến thế! Chàng cười, cầm tay người yêu khẽ lôi ra chỗ cái ghế dài ở góc phòng đằng kia:
- Không sợ! Cái đó là người ta bày làm đồ chơi, không có ma. Ta ngồi xa xa, ở đây vậy.
- Nhà này là nhà ai, hở anh?
- Nhà một ông giáo sư già, đỗ cử nhân, bạn dạy học của anh.
- Thế ông ấy đâu?
- Ông ấy đi xa một tuần lễ, nhờ anh đến đây ở hộ.
- Lạ nhỉ?
- Chính thế đấy.
- Người ngủ dưới nhà hẳn là đầy tớ?
- Bẩm vâng ạ.
- Sợ nó biết...
- Bẩm không ạ! Nó ngủ thì ắt nó không biết, và dẫu có biết thì nó cũng không dám nói với ai, vì nó sợ nói với ai thì chủ nó sẽ đuổi nó!
Một câu dài như thế, Liêm nói có một hơi, khiến Quỳnh phải phì cười. Nàng tiếp:
- Em bảo với cô em là em đi xem mẫu khuy.
Liêm tắc lưỡi:
- Mặc! Em chỉ ở đây lâu lắm là một tiếng đồng hồ là cùng. Ban ngày ban mặt thế này, vào một nhà tử tế như thế này, trong một nơi kín đáo, ấm cúng như thế này, thì còn sợ gì nữa.
Chưa chi một tay Liêm đã ôm lấy Quỳnh ngang lưng. Tay kia chàng nâng bàn tay người yêu lên, đặt vào đấy một cái hôn kính cẩn hơn là âu yếm. Quỳnh để vậy, nhìn ra trước mặt khẽ thở dài. Nàng thừ người ra.
Những ý nghĩ của Quỳnh lúc ấy là rất phức tạp. Trong óc nàng có sự xung đột của cái liều lĩnh và cái hối hận. Biết thế nàng chẳng đến cho xong! Nhưng mà nàng yêu! Nhưng mà sợ Liêm giận! Liêm hay hôn Quỳnh lắm, hay làm cho Quỳnh phải ngượng lắm. Nhưng chính vì cái chỗ hay làm nàng ngượng ấy mà Liêm mới đáng quý! Vả lại, có hai bên bố mẹ chồng nhận rồi, đối với một cái tình như thế, liệu nàng còn dám ngờ vực gì nữa, còn dám từ chối gì nữa.
Lúc bấy giờ, mặc cho Liêm tự do hôn tay, hôn má, Quỳnh cứ thừ người ra để băn khoăn. Nàng mang máng thấy rằng thôi thế là xong, dễ thường nàng cũng hư hỏng như trăm nghìn người khác! Nhưng liệu có phải chính thế không? Quỳnh cũng hư hỏng! Có lẽ nào! Liêm, dẫu sao cũng đã là chồng nàng rồi. Nàng dẫu sao, cũng là vợ Liêm rồi. Không, có gì đâu?... Nàng không hư hỏng được! Liêm yêu nàng, đã hỏi nàng làm vợ, nay mai sẽ cưới thì nàng đành phải chiều ý người chồng cho đủ bổn phận của một người vợ ngoan ngoãn, chứ biết tính sao đây! Miễn cái yêu có chừng mực, đừng vượt ra ngoài lễ giáo một cách quá đáng, đừng dắt đến sự càn rỡ.
Gian phòng lúc ấy tranh sáng tranh tối, và cái cửa sổ mở hé. Thật vậy, bốn bề chỉ có tường, tủ sách, tranh ảnh, hai người chỉ là một, ở giữa cái thế giới riêng.
Liêm không còn tự chủ được nữa. Bao nhiêu cái biết mà chàng đã được Khánh - cô gái giang hồ tập sự - vỡ lòng cho, lúc ấy cũng đồng thời thức cả dậy, hình như để đón chờ những cảm giác cũ một lúc, rồi lại mới mãi mãi. Tay chàng lúc ấy đã để xuống chinh phục cái ngực của Quỳnh... Chàng mơn man cái da thịt còn nguyên vẹn, còn băng tuyết ấy, như một tay lọc lõi sành sõi. Chàng lại nghiệm ra rằng cái ân huệ cuối cùng trong sự vỗ về, ôm ấp một gái giang hồ chẳng đủ khiến mình được rung động như một chút ân huệ nhỏ mọn của người yêu. Nhưng Quỳnh đã hất tay Liêm ra, khẽ bảo:
- Đùng nên thế, anh! Em muốn ái tình của đôi ta cao thượng, trong sạch...
Liêm nghiêm mặt lại mà hỏi một cách dằn dỗi:
- Thì em cho anh là một kẻ thô tục, vũ phu, đểu giả lắm đó à?
Quỳnh ngước mắt nhìn lên, sợ hãi lắm. Liêm giảng giải một cách chỉ ích cho mình:
- Không, em chớ nhầm. Đã yêu nhau thì không có gì trong sạch cũng như không có gì bẩn thỉu cả. Ai cũng đến thế mà thôi! Chỉ khác rằng yêu vì một cái nghĩa lâu dài, hay vì cái nhục dục của một phút... Chúng ta nay mai lấy nhau thì dẫu đến thế nào đi nữa, cũng chỉ chính đại quang minh mà thôi. Cái dâm, dẫu rằng phải kể đến cái dâm trong đôi ta, thì cũng nên phân biệt cái gì là dâm tà, cái gì là dâm chính... Không định lấy nhau mà yêu nhau, ấy là tà, còn định ăn đời ở kiếp với nhau mà ăn nằm với nhau, ấy là chính.
Quỳnh không còn biết nói năng gì nữa... Người ấy lại chẳng là người chồng, nghĩa là người bảo gì thì nàng cũng phải vâng lời đó hay sao? Nàng đành để cho Liêm vỗ về ôm ấp...
Không thể kìm được sự rạo rực của xác thịt, Liêm tuy biết mình đương làm một việc càn rỡ mà cũng đứng lên đóng hẳn cửa sổ lại để cho hai cái mặt khỏi phải nhìn thấy nhau mà thêm ngượng. Một lát sau, trong cái tối âm u, lặng lẽ của gian phòng, có tiếng rên rỉ của Quỳnh, của một thiếu nữ lần đầu trong đời bị thương ở chỗ vô cùng trong thân thể, một tiếng kêu đáng yêu thương dịu dàng đủ vẻ:
- Anh ôi! Anh Liêm ơi!
Thế là buổi chiều hôm ấy, Liêm đã làm cái việc mà luật pháp đành phải bao dung nhưng luân lý kết án.
Chú thích
1.Thời ấy người ta quen gọi người Anh là Hồng Mao.
2.Nói theo tiếng Pháp bình dân là cái nhà.
3.Thời ấy thiếu niên có nghĩa như thanh niên ngày nay.
4.Rốt cục... một mình.
Lấy Nhau Vì Tình Lấy Nhau Vì Tình - Vũ Trọng Phụng Lấy Nhau Vì Tình