As a rule reading fiction is as hard to me as trying to hit a target by hurling feathers at it. I need resistance to celebrate!

William James

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: hoang viet
Số chương: 18
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 6213 / 110
Cập nhật: 2016-03-24 21:05:58 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2
ối hôm sau, Quỳnh ngồi uể oải với tờ nhật báo, mắt vẫn lần lượt đưa trên những dòng chữ đen, song trí vẫn để vào đâu đâu, vẫn đọc nhưng không biết tin tức trong nước có những gì. Lúc ấy, bà phán Hòa cũng ngồi ghế cạnh nàng đương vá một cái áo. Thỉnh thoảng bà ngừng tay, ngửa cổ lên, bưng miệng ngáp dài, than vãn:
- Chết, chết! Hàng ế đến thế này thì chết!
Quỳnh cũng nhìn cô nói:
- Cuối tháng, cô chả nên lấy làm lạ.
Rồi, qua cái tủ kính, nàng nhìn ra ngoài phố. Thỉnh thoảng mới có một vài khách qua đường dừng chân trước tủ kính, trố mắt ngắm nghía những hàng hóa, mũi để gần miếng kính đến nỗi hơi thở bốc ra làm thành một vòng trắng mờ, đứng xích ra chỗ khác, lại làm mờ một mảng kính ở chỗ khác nữa, rồi quay gót lững thững đi. Quỳnh nghiệm rằng trong mười người dừng lại xem, có đến tám người vô ý như thế, và cũng bỏ đi một cách suông tình như thế, nếu họ không nhìn vào mặt nàng một cách trâng tráo không biết ngượng là gì nữa, và khiến nàng cứ phải cắm mặt xuống tờ báo, lặng lờ như không biết có ai nhìn mình. Những lúc như thế, Quỳnh lại đỏ mặt lên vì kiêu ngạo và sung sướng, cái sung sướng của những gái đẹp biết rằng trong thiên hạ đã có người gọi mình là hoa khôi. Nàng lại tự nhủ: “Phải, như ta mà được Liêm yêu là đích đáng lắm”.
Ông phán Hòa cùng cậu Phúc lúc ấy ung dung từ nhà trong bước ra. Tối hôm nay ngoài bộ Âu phục vải vàng của một cậu học sinh 12 tuổi, cậu Phúc lại có cái đầu chải bóng mượt, rõ ra vẻ đi đâu, có việc gì long trọng lắm. Ông phán nói:
- Mợ ở nhà, chị Quỳnh ở nhà.
Bà phán ngẩng lên hỏi:
- Hai bố con đi đâu thế?
- Đi xem chớp bóng. Đêm nay bảo thằng nhỏ nó chờ cửa tôi. Mợ nhớ đừng khóa.
Quỳnh nhìn đứa em họ tươi cười một cách ranh mãnh:
- Gớm, Phúc hôm nay trông công tử quá nhỉ?
Cậu Phúc bĩu môi:
- Chị thì chỉ được cái bộ chế người là không ai bằng!
Người chú và đứa em đi khỏi rồi, Quỳnh cũng bỏ tờ báo, ra đứng bậu cửa nhìn theo. Óc nàng lúc ấy hình dung ngay ra một cảnh hạnh phúc gia đình như cô và chú nàng. Mai sau, Liêm cũng dắt con đi tìm một cuộc giải trí thanh tao như thế, để cho nàng cũng ở nhà làm những việc tề gia nội trợ như cô nàng, cho nó ra vẻ là một người vợ tốt và hơi cổ một chút. Nàng thấy rằng hạnh phúc êm đềm là một điều rất dễ kiếm, nhất là khi người ta đã yêu và được yêu. Như cô và chú nàng, đó là một cặp vợ chồng gương mẫu. Người chồng ngoài cái phận sự một ngay hai buổi đi làm, về nhà chỉ đọc báo đọc sách để chờ đến chiều thứ Bảy thì dắt con đi xem một cuốn phim. Người vợ chỉ biết trông nom gia đình cho êm ấm thôi chứ không hề cờ bạc cũng như không hề đồng bóng. Đối với nhau hai người vẫn giữ đúng câu “tương kính như tân” và được hưởng hạnh phúc lắm, bởi lẽ rất bằng lòng cuộc đời.
Nghĩ thế, Quỳnh lại tự nhủ: “Ta và Liêm tất nhiên ít nhất cũng phải trở nên một cặp vợ chồng như thế chứ không thể kém được! Liêm có bằng tú tài, vậy có rất nhiều hy vọng về một việc làm chắc chắn và thảnh thơi. Ta chẳng ước mong ô-tô nhà lầu làm gì, miễn là lúc nào cũng được đủ ăn và có tiền thết bạn hữu của chồng những bữa tiệc trông được. Ta cũng chẳng cần nhiều con mà làm gì: đẻ nhiều vừa khổ thân mình vừa không đủ sức nuôi con và dạy dỗ chúng cho nên người hẳn hoi; vậy thì chỉ cần một trai một gái cho nó có dâu, có rể. Ta sẽ hết lòng yêu quý Liêm cho ra một người vợ hiền, chứ chẳng cần phải như các bà tân thời bây giờ, không được nay mốt này, mai mốt khác, nay chợ phiên, mai khiêu vũ, nay Tam Đảo, mai Sầm Son thì không xong. Không, ta cam tâm làm người đàn bà cổ hủ cũng được! Chẳng cần đòi bình quyền giải phóng, vì hạnh phúc quả thực không phải ở những điều ấy. Ta cứ việc buôn bán để giúp đỡ chồng và chỉ làm những điều gì không trái ý chồng mà thôi. Thế rồi thì... yêu nhau, mãi mãi, mãi cho đến lúc bạc đầu!”.
Quỳnh thấy sung sướng ở câu thầm nhắc: “Cho đến lúc bạc đầu, thật thế!”. Ái tình đã làm cho cô gái ngây thơ ấy suy tính về tương lai như một người đứng tuổi rồi. Óc Quỳnh không phải là một óc lãng mạn, cho nên sự mơ mộng của nàng, bảo là tầm thường cũng được, mà khen là bình dị cũng vẫn có lý. Nói cho đúng, Quỳnh tuy không còn là một cô gái hủ lậu hoàn toàn, nhưng cũng không có những tư tưởng cấp tiến đến bậc tương phản với cái luân lý cũ. Nàng chính là người trung dung, và chỉ phải lẽ ở sự dung hòa cái mới với cái cũ. Cho nên nàng vẫn yên trí rằng mình là người ngoan ngoãn mặc dầu sau khi đã hẹn hò với Liêm, lẻn nhà đi chơi với Liêm, làm cái việc mà nền luân lý nghiệt ngã kết án là hư hỏng, vì đã “đi với trai”. Không, dẫu sao Quỳnh cũng phải yêu, phải nếm trải cái gì là ái tình, miễn cái ái tình ấy nàng vẫn giữ được sự trong sạch và dắt đến hôn sự. Nàng cho rằng giá có lăng nhăng “nay thằng này mai thằng khác” như một số chị em bạn của nàng, ấy đó mới là hư hỏng. Nàng cho rằng người con gái phải được có quyền yêu, trước khi lấy. Do ý nghĩ ấy Quỳnh không hiểu vì những lẽ bí mật gì mà cô với chú nàng, chỉ là “chồng cha vợ mẹ” thôi, mà lại được hưởng hạnh phúc như thế, và không thể được sung sướng như thế.
Quỳnh nhìn lên đầu phố lại nhìn xuống cuối phố. Nàng muốn Liêm đến chơi lắm, tuy rằng nàng đã dặn Liêm không nên lui tới nhiều quá e lộ mất chuyện. Nàng tự hỏi rằng “Lúc này Liêm làm gì, bận gì mà lại không đến ngay!”. Quỳnh lại bắt đầu giận nữa, cho rằng đối với mình mà chưa chi Liêm đã lãnh đạm như thế thì thật không thể tha thứ được! Mới cách nhau có một ngày mà sao nàng thấy hình như đã lâu lắm, lâu quá đi mất! Nàng rất cần gặp mặt người yêu. Đó là ái tình, thứ ái tình rất nồng nàn của buổi đầu, của một người thiếu nữ giàu tình cảm, với tất cả những sự ỏe họe của thứ ái tình ấy trong cái thời kỳ mà những người tùng trải gọi là “phải lòng mặt”. Xưa kia, khi còn ở lúc yêu vụng dấu thầm Liêm, nàng đã đau khổ lắm, tưởng chừng như được Liêm ngỏ ý yêu mình, nàng mãn nguyện lắm và sẽ không bao giờ dám giận Liêm, dẫu là Liêm làm một việc gì đáng giận hết sức nữa. Nhưng bây giờ, trái hẳn lại, Quỳnh thấy mình mà giận người yêu là cái quyền rất chính đáng nữa. “Thật thế, nếu yêu ta, Liêm lại bẵng đi như thế à? Yêu thế à!”.
Giữa lúc bồn chồn bâng khuâng, nóng ruột ấy, Quỳnh không còn cách gì khác là quay vào với tờ nhật báo. Nàng thấy rằng nếu cứ đứng mãi ở bậu cửa, thiên hạ sẽ bảo nàng là “ngóng trai”. Có tật giật mình, từ khi được Liêm yêu, thỉnh thoảng nàng lại lo sợ vu vơ, tưởng chừng như cuộc tình duyên vụng trộm kia dễ đã lộ chuyện.
Đến lần này, giở tờ báo nàng để ý đến cái phụ trương về văn chương. Trang giấy có bài phê bình một cuốn tiểu thuyết, một bài truyện ngắn, vô số bài thơ, thơ mới, thơ cũ, thơ dịch. Quỳnh đọc một bài mà người ta nhũn nhặn để dưới cái mục văn vần. Đó là một bài phong dao, của một cô thôn nữ vô danh. Một cô gái nhà quê? Lại không thèm ký tên? Chà! Sao mà thời buổi này lại có người nhũn nhặn đến thế nữa! Quỳnh sốt sắng đọc:
I
Lá này gọi lá xoan đào
Tương tư gọi nó thế nào hỡi anh!
Lá khoai em nghĩ lá sen
Bóng giăng em nghĩ bóng đèn em khêu
II
Làm quen mà chả nên quen,
Làm bạn mất bạn ai đền công cho?
Bây giờ tờ ấp lấy mo,
Mo ấp lấy bẹ mà mo chả rời!
Bây giờ... tờ rã mo rơi,
Đôi ta chểnh mảng, mỗi người mỗi phương!
Quỳnh ngừng đọc để hưởng cái thú vị của những câu văn mộc mạc ấy, thấy nó tự nhiên biết bao, hay biết bao? Một cô gái quê mà có tài đến thế? “Thôi đi! Chắc lại ông văn sĩ nào tinh quái đội lốt gái quê đấy chứ gì!”. Nàng lại đọc tiếp:
III
Khăn thương nhớ ai?
Khăn rơi xuống đất?
Khăn thương nhớ ai?
Khăn vắt trên vai?
Khăn thương nhớ ai?
Khăn chùi nước mắt,
Đèn thương nhớ ai?
Mà đèn không tắt?
Mắt thương nhớ ai?
Mắt ngủ không yên!
Đêm qua em những lo phiền.
Lo vì một nỗi chưa yên một bề.
IV
Làm quen mà chả nên quen,
Một thương, hai nhớ, ba sầu,
Cơm ăn chẳng được - ăn trầu ngậm hơi,
Thương chàng lắm lắm, chàng ơi!
Biết đâu thanh vắng mà ngồi thở than!
Đương đọc, Quỳnh bỗng phải dừng lại để tay áp ngực. Quả tim nàng lúc ấy đập rộn rã vì một luồng cảm giác mạnh vừa chạy qua tâm hồn. Nàng vội tìm tòi căn nguyên sự xúc động ấy, và thấy ngay rằng đó là vì cái câu:
Yêu chàng lắm lắm, chàng ơi!
Thật thế, câu thơ ấy có một vẻ mộc mạc đặc biệt, nếu không là người gái quê thật thì không ai nghĩ nổi. Nhất là hai chữ lắm lắm ấy mới đúng chỗ của nó làm sao! Nàng thấy ngụ trong hai tiếng ấy một mối tình thiết tha vô cùng! Thật vậy, văn chương không cứ phải cầu kỳ mới cảm được người đọc... Một cái ý muốn về tò mò rất mãnh liệt khiến Quỳnh nghĩ đến cô gái quê tác giả bài phong dao ấy, tưởng chừng biết mặt người thôn nữ ấy để kết bạn thì hân hạnh cho nàng biết chùng nào! Nàng thấy rằng chỉ câu ấy cũng đủ tả rõ cái ái tình nồng nàn của nàng đối với Liêm... Quỳnh tưởng chừng như lúc ấy có người yêu ngồi bên cạnh để cho nàng quàng tay lên vai mà khẽ ngâm: Yêu chàng lắm lắm, chàng ơi! Nàng lim dim con mắt, trí não đặt cả vào sức nặng của tưởng tượng...
- Ô kìa, chị lên chơi...
Lời rộ của bà phán Hòa khiến Quỳnh giật mình hoảng hốt như trước một sự gì đáng kinh hãi. Đó là mẹ nàng? Phải, mẹ nàng, người mà bây giờ thiên hạ gọi là bà tham Bích.
- A! Me có việc gì mà lên tối thế?
Quỳnh bỏ mặc những câu phong dao với những cái thi vị của nó, lúc ấy chỉ còn biết mừng như một cô gái chỉ còn có một người mẹ là thân yêu nhất đời mà đã mấy tháng nay mới được gặp mặt. Nhưng mẹ nàng chỉ gật đầu một cái và giở ra đổi một đồng hào:
- Con đổi cho mẹ trả tiền xe.
Sẵn tiền lẻ trong túi, Quỳnh ra đưa cho người xe, và lễ mễ xách từ thềm vào nhà một cái bồ khá nặng. Bà phán Hòa cũng bỏ kim chỉ đấy, gọi với vào trong:
- Thằng nhỏ đâu, ra đứng trông hàng cho tao đây!
Khi Quỳnh đem được cái bồ vào hẳn nhà trong rồi, mẹ nàng lại đưa đồng hào ra mà rằng:
- Thôi đây, cho cô cả chỗ lẻ.
Quỳnh bật cười, kêu:
- Gớm, me làm như con hãy còn trẻ con lắm ấy!
Tuy nhiên nàng cũng bỏ túi hào bạc một cách dễ dãi. Mẹ nàng hỏi người em chồng cũ:
- Chú ấy đâu, Phúc nó đâu, hở cô?
- Ấy hai bố con vừa dắt nhau đi xem chớp bóng xong. Sao chuyến này chị về khuya thế? Tàu tối phỏng? Có việc gì không? Ở đây lâu vào nhé?
Bà tham Bích vỗ tay vào trán uể oải:
- Lâu lâu thì cũng ở được độ hai ngày là cùng. Ở dưới có giỗ; tôi phải mua đồ về nấu đấy. Nhân thể chồng một bát họ cho người ta nữa. Thế nào, nhà yên cả? Hàng họ dạo này có khá không?
- Ế lắm! Nhà thì vẫn vô sự. Chị xơi cơm chiều chưa? Để bảo...
- Thôi, tôi ăn rồi. Bảo nó cho tôi chậu nước rửa mặt, đi tàu nhọc quá, tôi chỉ muốn nằm nghỉ một lát...
Đứa đầy tớ mắc đứng trông hàng, Quỳnh phải tự mình đi lấy nước và khăn mặt cho mẹ.
Khi bà tham đã nằm nghiêng trên cái sập gụ rồi, bà cũng không nghỉ cho khỏi mệt. Bà bắt đầu nói đủ các chuyện, về gia đình, về buôn bán, về tiền họ, về những công việc của nhà chồng ở thành Nam. Bà tuyệt nhiên không có một lời yêu quý nào với cô con gái.
Lần đầu trong đời, Quỳnh thấy rằng mẹ nàng đối với nàng chỉ còn là một người lạ, hay là một người họ đã xa. Bao nhiêu cái tình mẫu tử mà một người mẹ có thể có được, bà chỉ để dành cho những đứa con của ông tham Bích, những đứa đối với Quỳnh là em khác cha cùng mẹ. Quỳnh thấy mình đau khổ lắm, và ngạc nhiên rằng sao mãi đến bây giờ mình mới biết cái đau khổ ấy. Ngay lúc ấy, Quỳnh muốn đi tìm ngay Liêm để gục đầu vào ngực người yêu, để nói cho hả về cái nôi có một người mẹ đi cải giá và chẳng còn có cảm tình gì với mình. Thốt nhiên, nàng thấy rằng việc đi bước nữa của mẹ là một cử chỉ đáng chê, nàng nghĩ đến bố, người bô đã mất từ lâu, và chỉ còn để lại trong trí nhớ nàng một cái hình ảnh mập mờ mà nàng trẻ thơ đã thâu nhận được vào giữa lúc chưa có trí khôn. Do thế nàng thấy giữa những cách cư xử giữa cô nàng đối với mẹ nàng, hình như là giả dối, và như vậy là rất phải. Bằng mặt nhưng chẳng bằng lòng, thật thế! Lấy anh người ta, rồi khi anh người ta chết lại đi lấy người khác, như vậy còn đáng cho người ta quý hóa nữa không? Thốt nhiên Quỳnh thấy yêu cô hơn mẹ, và nàng lại cho rằng sự vồ vập của cô mà lại không giả dối thì cô cho rằng chỉ là một người ngu! “Cô cũng như cha!”. Quỳnh lầm bầm thế mà không hiểu ra rằng chỉ vì bấy giờ nàng đã có người yêu nên mới xét thái độ của mẹ mình, mới so sánh những cử chỉ của mẹ với người yêu, và thốt nhiên ghét mẹ chỉ vì vậy.
Tiếng giày mạnh bạo khua bên ngoài. Nàng quay ra nhìn dễ cảm động, vì đó là Liêm? Chàng vào, kính cẩn chào bà mẹ của người yêu, và hỏi người mợ:
- Cậu cháu không có nhà ư, hở mợ?
Ba tham Bích hỏi ra:
- Thế nào, cậu Tú? Hai cụ có được bình yên không?
- Cám ơn bà lắm ạ, thầy đẻ cháu nhờ giời vẫn mạnh.
- Mời cậu ngồi chơi xơi nước.
- Bẩm vâng, bà để mặc cháu.
Quỳnh ra ngay cửa hàng, kiếm cớ đuổi đứa ở vào trong nhà.
Nàng bỗng thấy vui sướng ở chỗ người yêu có ý rất kính trọng người mẹ mà nàng đương ghét. Nghe thấy Liêm xưng “cháu”, nàng nghĩ thầm: “Xưng con chứ lại xưng cháu?”. Thấy mặt người yêu, nàng quên bẵng ngay nỗi buồn riêng. Và thấy rằng nếu mẹ nàng lại vẫn yêu nàng, hay là ở vậy thờ chồng nuôi con, thì té ra nàng sung sướng hoàn toàn cả mọi đường mất rồi? Phải, ở đời này làm gì có ai được đủ mọi đường sung sướng; âu là nàng thà khổ về nỗi ấy mà để được yên về những điều khác.
Không thấy người cậu, đây kia Liêm đã quay ra... Quỳnh biết rằng lần này có mặt mẹ mình người yêu cũng hơi ngượng. Liêm khẽ nói:
- Thôi để anh về vậy thôi.
Quỳnh cũng khẽ đáp:
- Vâng, anh về. Này, me em ở đây vài hôm, nếu anh làm thế nào để me em biết ngay ý muốn của chúng ta thì hay lắm.
- Để anh liệu...
Liêm lại quay vào chào hai người đàn bà. Lúc ra đi chàng không dám chào Quỳnh. Nàng thở dài, rất lấy làm áy náy cho người yêu, và bắt đầu buồn bã về chỗ mẹ mình không ở vậy...
Lấy Nhau Vì Tình Lấy Nhau Vì Tình - Vũ Trọng Phụng Lấy Nhau Vì Tình