Có người biết cách biến những trở ngại trong cuộc đời mình thành những bệ phóng, nhưng cũng không ít người lại biến chúng thành những viên đá chắn lối đi.

R. L Sharpe

 
 
 
 
 
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 40
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 6160 / 87
Cập nhật: 2017-05-25 16:41:48 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Thầy Trò Một Thuở
. Sắp đến ngày hội trường, bạn bè gọi điện réo suốt ngày, nói mày có về không, hả, mày có về không. Mình cũng muốn về lắm nhưng phần thì kẹt cái dự án nho nhỏ phải cố làm cho xong, phần thì thân già da cóc, đi lại khó khăn nên cứ chần chừ mãi. Bà xã, cũng là học sinh cũ nhà trường, chờ mình không được đã bỏ về trước. Thứ 7 hội trường thì 4 giờ chiều thứ 6 thằng Đại Phúc gọi điện, nói mười năm hội trường một lần, mày không về lần này mười năm sau liệu còn sức lết về nữa không. Khi đó liệu bạn bè còn sống sót được bao nhiêu, mày muốn gặp đủ cũng chẳng có đâu.
Mình chưa kịp phân bua nó lại bồi thêm, nói trường không chỉ của mày mà của bốn anh em trai nhà mày, của chính ba mày nữa. Dứt lời nó dập máy liền, không thèm nói thêm một câu nào nữa. Mình ngồi thừ.
Ừ nhỉ, lâu ngày quá quên mất. Ba mình là một trong chín thầy cô đầu tiên năm 1962 về đây lập trường, ông là bí thư chi bộ, hiệu phó. Bỗng vụt hiện cái thời mình sáu tuổi, vẫn chạy lon ton theo ba mình đến trường. Và rồi hình ảnh ngày lập trường đầu tiên bỗng hiện về: ba mình cùng thầy hiệu trưởng Trần Đình Côn dựng nên cái cổng trường bằng hai cột cây phi lao và tấm biển gỗ xoan “Trường cấp 3 Bắc Quảng Trạch” viết bằng vôi trắng. Chỉ một thoáng kí ức mỏng manh ấy đã làm mình quyết định bay về. Máy bay Sài Gòn - Đồng Hới hai ngày một chuyến, may còn đúng một ghế dự phòng, nhờ ông bạn tích cực can thiệp mình mới về kịp ngày hội trường vào sáng hôm sau.
Mới đó đã 50 năm, đúng nửa thế kỉ, thật nhanh quá. Ngồi trên máy bay mình cứ nghĩ vẩn vơ, cả ba mình và thầy Côn đều đã mất, chín thầy cô ngày đầu lập trường hình như chỉ còn hai thầy, đó là thầy Thành và thầy Đăng, hai thầy cũng đã già lắm rồi. Chắc chẳng còn ai nhớ những giây phút dựng cái cổng trường đầu tiên, duy nhất chỉ có mình nhớ, dù khi đó mình chỉ là chú bé sáu tuổi. Trời phú cho mình trí nhớ về hình rất tốt. Những gì thuộc về kiến thức mình chẳng nhớ hơn người khác được bao nhiêu, thậm chí kém thua, nhưng những gì về hình thì mình nhớ tốt đến nỗi chính mình cũng phải ngạc nhiên.
Mình nhớ lúc mình ba tuổi, buổi sáng phiên chợ sáu mình được chị Nghĩa dắt ra chợ ăn xôi bắp thế nào; buổi chiều tối mùa hạ mạ mình đẻ cu Vinh, mình cứ nằng nặc đòi vào buồng xem mạ đẻ em làm sao. Bây giờ kể lại nhiều người chả tin, cho là bịa. Năm mình hai tuổi, nằm võng ăn đào bị hột đào trôi tuột vào cổ, nghẹt thở sắp chết, may có chị Nghĩa thò tay móc họng lấy hột đào ra. Chuyện này cả nhà chẳng ai nhớ, cả chị Nghĩa cũng chẳng nhớ, chỉ đến khi mình nhắc lại chị mới kêu lên, nói đúng rồi, Ua trời răng thằng ni nhớ hè. Hi hi.
Lại nói về cái lễ dựng cổng trường. Cái lễ thật đơn giản, sơ sài là đằng khác, nhưng trong con mắt của đứa bé sáu tuổi là mình nó diễn ra mới lộng lẫy, hoành tráng làm sao. Chín thầy cô đều tập trung ở cổng trường, tất cả đều mặc áo phin trắng, các thầy mặc quần kaki, các cô mặc quần phíp, trang phục sang trọng thời đó. Ba mình và thầy Côn nói gì đó, rồi mỗi người một cột cùng dựng cái cổng trường lên. Cái biển “Trường cấp 3 Bắc Quảng Trạch” từ dưới đất dần vút thẳng lên cao. Mọi người vỗ tay hoan hô, thầy Đăng (hình như thầy Đăng thì phải) cột dây pháo lên cổng và đốt. Pháo nổ, chỉ là dây pháo tép thôi, và năm bảy tiếng vỗ tay sao mà mình thấy tưng bừng đến thế.
Mình học khóa 1971-1974, nghĩa là mười năm sau ngày lập trường mình mới có mặt, nhưng kí ức về những năm tháng đầu tiên của Trường cấp 3 Bắc Quảng Trạch mình không thiếu, có khi còn nhiều hơn các anh chị học các khóa trước. Suốt cả tuổi thơ mình theo ba mình đến trường. Thoạt đầu trường đóng ở gần khu Điều Dưỡng, khu vực Bệnh viện huyện bây giờ, nhà mình cách trường không đầy cây số. Đến 1964, trường đã có ba dãy nhà ngói, cổng trường được xây cất rất đẹp. Học sinh cấp 3 thích chụp ảnh lấy le với bạn bè thường chọn cổng trường làm bối cảnh. Tóc chải mượt, vai tựa cổng trường, tay chống nạnh, mắt nhìn đăm chiêu xa xôi, rất chi là trí thức. Hi hi.
Thời này học sinh cấp 3 rất được trọng vọng, gọi là đội ngũ trí thức của huyện nhà. Cũng phải thôi, các ông học trường Pháp có bằng primaire (lớp 4), diplôme (lớp 7) còn được gọi là trí thức, huống hồ là học sinh cấp 3. Là trí thức huyện nhà nên ai nấy ăn mặc đi đứng nói năng rất đàng hoàng, tuyệt không có chuyện nói tục chửi bậy, đánh nhau lại càng không. Có ai đó nói năng thất thố lập tức bị mắng ngay, nói trí thức mà ăn nói thế à. He he, kinh.
Thầy Côn hiệu trưởng được coi là trí thức lớn nhất huyện nhà. Thầy nghiễm nhiên trở thành “người của công chúng”, nhân vật quan trọng số 2 sau bí thư huyện ủy. Có khi bí thư huyện ủy không oách bằng thầy vì ông chưa học qua lớp 7, dù là lớp 7 bổ túc công nông, bằng văn hóa cán bộ thời này. Mỗi lần thầy bước ra khỏi cổng trường đi về hướng nào đều được dân chúng rất để ý, nói câu gì cũng được mọi người bàn tán. Từ trẻ đến già đều kính cẩn chào thầy. Nhiều người đang đi xe đạp, thấy thầy liền nhảy vội xuống xe, lật mũ khoanh tay cúi đầu, nói dạ thưa thầy. Tiếng chào rất to vừa tỏ thái độ kính trọng ngưỡng mộ thầy, vừa để khoe là mình có quen thầy hoặc là học trò của thầy. Cả hai đều cực kỳ sang trọng, tội gì không khoe, hi hi.
Nhà mình sang lên cũng nhờ thầy, là nhà duy nhất trong Thị trấn được “trí thức lớn nhất huyện nhà” thăm viếng luôn luôn. Cứ chiều tối sau bữa cơm chiều, thầy đi bộ đến nhà mình, uống nước chè với ba mình. Cả hai ông đều nghiện chè mạn. Ba mình rất khéo pha chè. Cũng chè ấy thôi người khác pha nước chè sẫm màu, mùi chè khê khê khen khét, vào tay ba mình chén chè xanh trong, thơm nức, rất lạ.
Mỗi lần thầy Côn đến nhà uống chè với ba mình là mình nhảy ra cổng đứng canh không cho đứa con nít nào lai vãng, sợ ồn. Thầy chỉ uống chè tán gẫu với ba mình thôi nhưng nhà mình và dân quanh xóm đều bảo là hai thầy đang đàm đạo. Đúng rồi, trí thức lớn ai lại ngồi tán gẫu, đàm đạo chứ, hi hi. Nhà mình sân rộng, trước cổng có mấy cây xoan to đổ bóng râm mát nên con nít hay tụ bạ ở đây. Chẳng có ai bảo nhưng mình tự thấy phải đuổi chúng đi, thầy của các trí thức đang đàm đạo, không thể để cho con nít quấy rầy, hi hi. Có đứa bị đuổi tức quá mắt trợn tay chỉ, nói thằng ni láo gớm bay, ai nỏ biết nhà mi quen thầy hiệu trưởng.
Một vài người lớn vẫn hay thập thò ở cổng, mặt mày nghiêm trọng vẫy mình tới, dúi cho 5 xu, nhờ mình vào xin phép được gặp thầy dăm ba phút để hỏi chuyện gì đó. Đối với dân Thị trấn, thầy Côn có cái túi khôn vô tận, ai không biết bất kì chuyện gì cứ hỏi thầy là xong. Một lần anh cu Kỷ cứ thập thò mãi ở cổng. Mình chạy ra, nói anh muốn hỏi chi thầy thì vô đi. Anh nói tau sợ, không dám. Mi vô hỏi thầy Côn... răng lại gọi Cu Ba. Gọi cu Lập cu Vinh cu Kỷ... chớ ai gọi một nước Chủ Nghĩa Xã Hội bằng cu, có phải phiên dịch sai không. Mình chạy vào nói nguyên xi như vậy, thầy Côn cười phì, phun cả nước chè đầy mặt mình.
Ngày 5/8/1964 là một ngày đáng nhớ, lần đầu tiên máy bay Mỹ đem bom phá hoại miền Bắc. Thị trấn Ba Đồn bị bom nặng nhất. Bệnh viện, Khu điều dưỡng, Cửa hàng tổng hợp, hai trường cấp 2, cấp 3 và hơn trăm nhà dân bị máy bay Mỹ dội bom. Hầu như tất cả các nhà ngói, đa phần là nhà ngói cấp 4, đều là mục tiêu đánh bom của Mỹ. Trường cấp 3 bị bom đầu tiên. Một quả bom đánh tan cái cổng trường, hai quả bom khác làm sụp luôn dãy nhà ngói phía trước. Sân trường bị bốn năm quả bom tấn sâu hoắm, bùn đất đùn lên từng đống cao. Tan trận bom, chị Nghĩa khóc rú lên, nói bom thả trường cấp 3, ba mình e chết rồi Lập ơi.
Mình vọt ra khỏi hầm chạy về trường cấp 3. Không thấy ai hết, đang kì nghỉ hè nên trường vắng hoe, may thế. Thầy Côn bước thấp bước cao mệt mỏi đi từ khu trường ra. Thầy ngồi xuống cầm tay mình, nói tìm ba phải không. Ba con đi họp trong tỉnh, không có đây. Mình đứng trố mắt nhìn thầy. Bùn đất bám đầy mặt chưa kịp chùi, gương mặt sáng trưng của thầy bỗng đen đúa hốc hác lạ thường. Thầy móc túi ra một cái kẹo đưa mình, nói về đi con, máy bay sắp tráo trở lại rồi, về mau lên.
Đó là lần cuối cùng mình gặp thầy, sau đó thầy vẫn làm hiệu trưởng cấp 3 Bắc Quảng Trạch cho đến năm 1969 nhưng mình không còn gặp thầy nữa, hoàn toàn không.
Thực sự mình không thích gọi trường cũ của mình là Trường THPT số 1 Quảng Trạch. Cái tên Trường cấp 3 Bắc Quảng Trạch đã gắn bó với kỉ niệm của hàng vạn học trò thời khói lửa chiến tranh. Nó còn là niềm tự hào nữa, thời đó nhắc đến Trường cấp 3 Bắc Quảng Trạch dân trong ngành giáo dục không ai không biết, nó nổi tiếng chẳng kém gì các trường cấp 3 Xuân Đỉnh, cấp 2 Bắc Lý cả. “Học hiệu” Trường cấp 3 Bắc Quảng Trạch rất xứng đáng được lưu giữ, tại sao lại đổi đi?
Hôm hội trường, mình cùng anh Tri Nguyên đứng ở cổng trường, ngửa mặt nhìn cái biển Trường THPT số 1 Quảng Trạch, anh em nhìn nhau buồn thiu. Anh Nguyên nói mình dân Thị trấn, nhiều lần về quê đều đi qua đây, nhìn cái biển thấy ngậm ngùi, giống như nơi đây không còn là trường cũ của mình nữa.
Anh Tri Nguyên là học sinh khóa 1, cũng là lứa học sinh đầu tiên của nhà trường lên đường nhập ngũ. Từ đó về sau năm nào cũng có một hai đợt tuyển quân, hơn chục lứa tuyển quân có chừng ngàn học sinh lên đường nhập ngũ chứ không ít. Bao nhiêu người lính học sinh cũ của nhà trường trở về sau chiến tranh như anh Nguyên? Chưa ai thống kê nhưng rất ít, ít hơn rất nhiều những người nằm lại ở chiến trường.
Anh Nguyên học giỏi khét tiếng, học trò nhiều khóa sau đều biết đến tên anh. Nhà anh ở sát nhà mình. Mình nhớ mãi cái ngày anh Nguyên đi bộ đội. Đấy là buổi chiều mùa hạ năm 1965. Mình học lớp 2, hôm đó hỏi anh Tường học lớp 5, nói răng người ta nói nước mắt chảy xuôi. Anh cốc đầu mình một phát, nói ngu. Nước mắt không chảy xuôi thì chảy ngược à, hỏi chi ngu rứa. Mình trương gân cổ lên cãi. Anh lại cốc đầu, nói ngu. Tau đố mi khóc cho nước mắt chảy ngược được đó. Hi hi tức chết được.
Mình chạy sang nhà anh Nguyên, khi nào gặp cái gì khó mình đều chạy sang nhà hỏi anh. Anh đang soạn tư trang, ngồi lẩn thẩn giở từng trang nhật kí. Mình hỏi anh đi mô, anh nói đi bộ đội. Anh cười rất tươi, tặng mình cái bút máy cũ của anh, nói Lập ở nhà học giỏi nhé. Mình hỏi anh nhà dột từ nóc, nước mắt chảy xuôi là sao. Ngày thường gặp khi mình hỏi anh vẫn ôn tồn giảng giải cặn kẽ nhưng ngắn thôi, độ dăm ba phút, hôm đó anh ngồi nói rất lâu, như là anh đang nói cho chính anh chứ không phải giảng giải cho mình, nhất là câu “nước mắt chảy xuôi”. Mình ngồi nghe sướng rêm, nhớ mãi đến giờ.
Tối đó anh Nguyên lên đường, cuộc chia tay không nước mắt, mọi người cười nói râm ran. Khóc lóc là mất lập trường, không ai dám. Bác Thông gái, mẹ anh Nguyên, chạy ra sau cột đèn, nấp vào bóng tối đứng khóc một mình, rồi lại lau khô nước mắt vào đám đông nói cười vui vẻ. Anh Nguyên đứng trên xe nhoài người xuống bắt tay mình, nói ở nhà học giỏi nghe Lập. Xe chạy, trong tiếng ồn ào tiễn biệt nhau mình vẫn nghe tiếng anh Nguyên rất to gần như hét, nói ở nhà học giỏi nghe Lập.
Mặc dù đã ra trường, đã có giấy báo đi bộ đội, anh Nguyên và lứa học sinh nhập ngũ đầu tiên của nhà trường vẫn cùng thầy trò trong trường bốc dỡ trường lớp, khuân vác gồng ghềnh đưa trường về nơi sơ tán an toàn. Lúc này máy bay Mỹ càn nát cả tỉnh Quảng Bình. Xe cộ chẳng có, mọi cơ quan đoàn thể trong huyện đều sơ tán, cơ quan nào tự lo cơ quan đó, chẳng ai giúp đỡ ai. Thầy trò đều phải khuân vác đi bộ cả chục cây số dưới nắng lửa và bom đạn, tự đào hầm dựng lớp, tự lo lấy cái ăn chỗ ở, vẫn phải đảm bảo an toàn tính mạng tuyệt đối cho học sinh, phải khai giảng đúng ngày và dạy tốt học tốt. Nói mấy câu đơn giản vậy chứ cả một trời gian khổ, bây giờ nghĩ lại mới thấy rùng mình, không hiểu sao thầy trò trường mình lại có thể làm những chuyện tày trời như vậy.
Trong khoảng 10 năm trong chiến tranh, từ Hướng Phương lên Bàu Mây, lên Phù Lưu, về Đông Dương, năm nào cũng xây dựng trường mới, thầy trò tự lo lấy tất tần tật. Năm nào cũng vậy, nghỉ hè chỉ khoảng hai chục ngày là tựu trường, kéo nhau lên rừng chặt cây đẵn cột đem về đục đẽo cưa bào dựng lớp, làm hầm, đóng bàn ghế. Mình biết cưa đục đan tranh lợp nhà là nhờ 3 năm học cấp 3, cả cày bừa cũng học được từ nhà trường, dân Thị trấn những chuyện này chưa bao giờ đụng tới.
Nhớ những chuyến lên rừng chặt cây làm nhà. Những cột nhà to nặng đến thế tụi mình vẫn vác được, chỉ cần nhấc lên được là cứ thế vác đi bảy tám cây số đường rừng. Con trai ra đến cửa rừng lại phải quay lại đón con gái. Chẳng ai bắt chuyện đó nhưng mỗi anh thích một “em”, quay lại gánh vác đỡ cho các “em” là cách tỏ tình hiệu quả nhất. Lắm anh tham, thích đến hai ba “em”, chạy đi chạy lại hai ba chuyến đón các “em”, mệt bở hơi tai nảy đom đóm vẫn không dám bỏ “em” nào.
Cái thứ tình con nít ranh, thích thế thôi chứ được xơ múi gì đâu, có cho cũng chẳng dám. Nhưng doping tình loại này không gì sánh được. Anh thanh niên choai “chưa dập bọng cứt” vác cột đi trước, em thiếu nữ “chíp hôi” chạy theo sau, nói mệt không mệt không, nghỉ đi nghỉ đi. Lắm khi mệt quá muốn quỵ, nghe em hỏi sức trai bỗng trỗi dậy, vác cột đi băng băng, cười hề hề, nói có chi mô có chi mô.
Trường lớp hồi bấy giờ là những cái nhà hầm nửa chìm nửa nổi, vách tường ken dày những dãy cột to, thông với những cái hầm kiên cố như hầm tướng Đờ Cát, toàn là sức của đám thanh niên choai dựng nên cả. Không hiểu sao ngày xưa tụi mình khỏe thế, nhớ lại thật tự hào, niềm tự hào ứa nước mắt.
Ngày nay dưới 20 vẫn được coi là con nít, chưa rời được vòng tay bố mẹ. Ngày xưa đến tuổi 15 được coi là thanh niên. Mình được kết nạp vào Đoàn năm 15 tuổi khi vừa học xong lớp 7. Vào Đoàn được thì làm việc gì chẳng được. Lên lớp 8, mười sáu tuổi đầu là rời khỏi vòng tay bố mẹ, tự mang bị gạo, ôm sách vở đến trường, trú ở đấy đến cuối tuần mới quay về nhà lấy gạo, chẳng bao giờ có chuyện bố mẹ chở đến trường lớp như bây giờ. Cái thời đói kém, đứa nào khá được nhà phát cho chục lon gạo một tuần, đa phần đều bảy lon khoai hai lon gạo. Mình nhớ con đường từ làng Pháp Kệ lên làng Đông Dương chiều chủ nhật từ nhà về trường, từng tốp hàng chục đứa học trò vai khoác bịch khoai khô, tay xách túi gạo nhỏ vừa đi vừa nghêu ngao hát nhại theo nhạc hiệu sáu giờ: “Từng ni gạo, từng ni gạo, từng ni gạo... ăn răng cho đủ một tuần...” Hi hi.
Ăn uống đói kém, lao động sản xuất tối ngày thế mà học vẫn giỏi. Năm nào tỉ lệ tốt nghiệp cũng cao nhất tỉnh, nhiều năm tỉ lệ tốt nghiệp được xếp một trong mười trường cao nhất miền Bắc. Nên nhớ ngày xưa học thật thi thật chứ không phải thứ tỉ lệ tốt nghiệp 100% như bây giờ. Mình kể chuyện này cho tụi bạn ở Hà Nội, chúng nó chả tin, nói ở cái nơi sống được còn khó, học giỏi là học thế nào. Là học thế này: Mỗi lớp chỉ có một bộ sách giáo khoa, đa phần chỉ nghe giảng suông, ghi được chữ gì thì học chữ đấy. Tối về thắp đèn dầu hạt đỗ nằm tùm hum trong hầm làm bài tập, khói đèn dầu luynh đen sì cả hai lỗ mũi. Không có giấy, phải lấy giấy cũ ngâm vôi cho mất chữ đi để viết, phải thay nhau đi tìm mỏ đất trắng làm phấn cho thầy cô, còn chế tạo cả phấn màu viết vẽ rất đẹp.
Thời đó chỉ có ba ước mơ, một là mơ không chết bom, hai là mơ học giỏi, ba là mơ đi bộ đội. Chỉ có ba ước mơ ấy thôi, không có ước mơ thứ tư. Được học càng tốt, được đi bộ đội càng tốt hơn. Anh Thắng mình tốt nghiệp lớp mười, có giấy tuyển thẳng đi học nước ngoài nhưng không đi, anh viết đơn bằng máu đòi đi bộ đội cho bằng được. Anh Tường mình học hết lớp 8 năm 1969, đến ngày khai giảng vào lớp 9 thì nghe tin Bác Hồ mất, anh bỏ học ngay tức thì, viết đơn xin đi bộ đội. Người ta khuyên anh nên ở lại học, nhà đã có hai người đi bộ đội rồi nhưng anh không chịu, nói Bác mất rồi, học mần chi, ẻ vô! Hi hi.
Ngày nhập ngũ, anh giấu mạ mình, chỉ mật báo cho mình thôi. Mình chạy tắt qua trảng cát rộng về Quảng Long vừa đúng lúc xe chở anh bắt đầu chuyển bánh. Mình chạy đuổi theo xe, anh đứng trên xe vẫy vẫy, nói ở nhà học giỏi nghe Lập.
Ba năm sau mình học hết lớp 8 lại tiễn bạn bè cùng lớp lên đường. Thằng Sơn, Thằng Học, thằng Dũng, thằng Phú, thằng Tạo... những chú lính tuổi 17 đứng trên xe tải vẫy vẫy, nói đi Lập nha, ở nhà học giỏi nha Lập.
Lúc đó lời dặn dò ở nhà học giỏi mới cảm động làm sao. Chẳng phải như thời của mình, năm 1980 nhập ngũ tại trường Bách Khoa, đứng trên xe tải vẫy vẫy bạn bè, nói đi nhé, ở nhà học giỏi nhé. Thằng bạn đứng cạnh mình nhăn mũi cười, nói mày chập mạch à, thân mình lo chả xong còn dám dặn dò đứa ở nhà học giỏi, hâm!
Hic hic.
3. Mình nhận được email của một người anh học cùng Trường cấp 3 Bắc Quảng Trạch, trước mình mấy khóa, viết: “Những chuyện Lập kể trong Thầy trò một thuở thật cảm động. Lập nói đúng đấy, chúng ta có niềm tự hào ứa nước mắt. Bây giờ nghĩ lại không hiểu vì sao khổ như thế. Khổ vì bom đạn thì đã đành, nhưng có những cái khổ không đáng khổ, ví dụ cái thời vừa học vừa làm của anh em mình, thời “phân bò và dầu tràm” ấy mà. Nào có ai bắt mình phải vừa học vừa làm đâu nhỉ? Anh nhớ là không ai bắt chúng ta cả, đúng không?”.
Mình chẳng biết nói sao với anh ấy cả. Mỗi thời có lý lẽ riêng của nó. Thời đó học và hành được hiểu là học tập và lao động, học sinh cấp 3 mà không biết lao động, lười lao động là quân tiểu tư sản, thuộc tầng lớp ăn bám xã hội. Hơn nữa khi đó Bắc Nam chia cắt, khẩu hiệu “Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước” đốt cháy hết thảy tâm can mọi người, từ con nít đến người lớn. Có ai hô hào làm việc gì đó để “góp phần giải phóng miền Nam” là háo hức làm ngay.
Năm mình học lớp 4, thầy hiệu trưởng phát động phong trào “Hũ gạo chống Mỹ”, mỗi ngày bớt một nắm gạo gửi vào chiến trường cho bộ đội ăn no thắng Mỹ. Tất cả học sinh đều tự giác thực hiện rất nghiêm túc. Nhà mình còn có một nắm gạo bỏ vào hũ chứ nhà thằng Xuân chỉ có một nắm gạo nấu cháo cho cả nhà, nó vẫn bỏ nắm gạo ấy vào hũ. Cả nhà nó chấp nhận ăn khoai sắn để dành gạo gửi ra chiến trường. Cứ cuối tháng học sinh lại ôm hũ gạo ấy đến trường, khoe gạo của nhau, cãi nhau ỏm tỏi, nói gạo tao ngon hơn - Gạo mi mà ngon - Gạo mậu dịch không ngon thì gạo mô ngon - Ê ê ngu ngu, gạo mậu dịch mà ngon.
Mặc kệ chúng nó nói, mình vẫn tin gạo mậu dịch của mình là ngon nhất. Hũ gạo của mình ghi dòng chữ bằng vôi trắng: Hũ gạo chống Mỹ của em Nguyễn Quang Lập, học sinh lớp 4c... Mình tưởng tượng các chú bộ đội ôm hũ gạo của mình đổ vào nồi, tấm tắc khen gạo của em Nguyễn Quang Lập lớp 4c rất ngon, tự nhiên mình sướng rêm, tự hào kinh khủng. He he.
Bây giờ nhớ lại mới giật mình đặt câu hỏi: chẳng biết “Hũ gạo chống Mỹ” của tụi mình có ra được chiến trường không, hay là ở lại trong kho ông chủ nhiệm hợp tác? Là nghĩ vậy thôi chứ tụi mình không hề ân hận gì về những việc đã làm. Dù gạo có chạy đi lối nào thì niềm tự hào ấy vẫn không thay đổi, chỉ cần mình hoàn thành nghĩa vụ của một người yêu nước là quá đủ, không cần phải nghĩ ngợi gì nhiều.
Dài dòng như vậy để nói không phải thầy trò trường mình điên khùng, tự dưng ách giữa đàng muốn quàng vô cổ, không ai bắt sản xuất cũng lao đầu vào sản xuất. Chỉ vì khẩu hiệu “Tất cả vì miền Nam ruột thịt” lúc đó quá đỗi thiêng liêng, được góp phần cho bộ đội ăn no thắng Mỹ là công việc quá lớn lao, không thể thoái thác.
Ngày đó trường mình chia làm ba đội: đội trồng trọt, đội chăn nuôi và đội công nghiệp. Lớp mình lúc đầu thuộc đội trồng trọt, sau chuyển sang đội công nghiệp. Gọi công nghiệp cho oách, kì thực là nấu dầu tràm. Không biết ai đã sáng chế ra cái nồi nấu dầu tràm to cao như đống rơm, chắc là các thầy bên tổ tự nhiên. Nấu dầu tràm na ná như nấu rượu. Đại khái bứt lá tràm về cho vào nồi, đun thật sôi, hơi dầu bốc lên đi qua ống lọc dẫn đến bể làm lạnh, dầu hóa lỏng chảy vào chai, xong. Một nồi tràm to đùng thế kia cũng chỉ thu được đôi ba chai dầu thôi, nhưng mà háo hức lắm. Mỗi tháng được chừng năm chục chai dầu tinh lọc, mỗi chai rót vào hai chục lọ nhỏ, vậy là có cả nghìn lọ dầu gửi ra chiến trường, sướng rêm.
Các lớp thay nhau nấu suốt ngày đêm, mỗi ngày đêm nấu được 3 nồi, mỗi nồi mất chừng hơn ba tạ lá tràm, cả tấn lá tràm một ngày đêm, một tháng ngốn chừng 30 tấn lá tràm. Bãi tràm sau trường bát ngát mênh mông là thế, chỉ vài tháng bị cắt sạch. Lúc đầu quy định mỗi đứa một tuần 30 cân lá tràm thấy nhẹ hều. Ra bãi tràm cắt chừng một giờ là đầy gánh. Sau, khi bãi tràm sau trường bị cắt sạch, tụi mình phải đi xa hơn, có khi đi ra tận Quảng Tùng, Quảng Xuân, suốt ngày kiếm không đủ một gánh tràm. Khi đó lũ “nhất quỉ nhì ma” tha hồ trổ tài tháu cáy nhằm tăng cân gánh tràm. Đứa nhúng nước, đứa ngâm bùn, đứa lót gạch vào giữa gánh, hết thảy đều bị lật tẩy. Đứa nào đứa nấy méo mặt, đi học chẳng lo thiếu điểm, chỉ lo gánh tràm thiếu cân.
Một hôm mình phát hiện ra một bãi tràm rất tốt chừng ba bốn chục gánh, mừng như cha chết sống lại. Sợ chúng nó phát hiện được cắt hết, mình liền làm cái biển gỗ: “Khu vực có bom từ trường, cấm vào”, đóng cọc cắm lên đấy. Từ đó cứ đến ngày thứ 5 (phiên nộp lá tràm của lớp mình) mình túc tắc quảy gánh ra, cắt một gánh đầy, khỏe re. Chúng nó thấy mình cắt được tràm tốt, đi về rất nhanh, ngạc nhiên lắm, phục mình sát đất. Nhiều đứa năn nỉ hỏi mình cắt ở đâu. Tất nhiên mặt mình vênh lên, nói thiên cơ bất khả lộ. Được vài tuần, một hôm mình quảy gánh đi ra thì bãi tràm đã bị cắt sạch. Cái biển của mình bị xóa đi, đứa nào đó viết đè lên: “Tổ bọ thằng Lập!” Tức chết được hi hi.
Kiếm lá tràm còn dễ hơn kiếm phân trâu bò (gọi tắt phân bò cho nó gọn). Ở đội trồng trọt, cày cuốc cấy gặt không sợ, sợ nhất là việc nhặt phân bò. Quy định mỗi tuần một đứa phải nộp 30 cân thôi, nhưng trâu bò ba xã quanh trường chắc không đủ ngàn con mà ngày nào cũng có cả ngàn đứa quảy gánh ra đồng nhặt phân bò, kiếm đâu ra? Khắp cánh đồng ba xã ngày ấy, ở đâu cũng thấy học sinh cấp 3 quảy gánh lượn lờ quanh các đàn trâu bò. Hễ thấy con nào cong đuôi, cả chục đứa bưng rổ chạy đến tranh nhau hứng, cãi nhau chí chóe, nói tau thấy trước tau thấy trước - Ê ê đừng có gian, tau thấy trước không phải mi. Lắm khi mất bạn mất bè vì một bãi phân bò.
Nhưng tình yêu cũng nảy nở từ phân bò, hi hi. Con trai thường tinh nhanh hơn con gái, nhiều đứa nhặt phân bò nhanh như chớp, chỉ cần hy sinh một bãi phân bò đôi khi cũng lấy được cảm tình của các “em”. Các “em” cũng khôn lắm, thấy chú nào hăm hở xăm xăm đi tới nơi có phân là các “em” đã kêu to, nói ê ê của em của em, em thấy trước. Chú cười cái xoẹt, vội tránh ra cho người đẹp dù biết thừa người đẹp chẳng hề thấy cái “của em” nằm ở đâu. Có chú đã nhặt phân bỏ vào gánh rồi, nghe các “em” nũng nịu, nói của em... của em mừ, đành ngậm bồ hòn “nôn” ra cho người đẹp.
Mất bãi phân bò nhưng được các “em” nhoẻn miệng cười, ném cho cái liếc, thật sướng củ tỉ. Có chú còn nói: các “em” bảo ăn hết bãi phân bò tao cũng ăn ngay, nói chi việc nhường nhau một bãi phân. Hy sinh phân bò cho các “em”, được các “em” ném cho mấy nụ cười, mấy cái liếc thế là quá hạnh phúc rồi, không dám mơ tưởng gì thêm nữa.
Thằng Cảnh mê gái đẹp nhất hạng, trong lớp chục “em” nó mê 5 em, lại còn mê tràn sang các “em” lớp khác, mê nhất là “em” Thuận lớp 8E xinh nhất trường. Nó làm thơ tặng các em trong lớp: Ước gì anh hóa phân bò/ để em nhặt lấy nộp cho thầy Hiền. Mình chê dở, sửa lại thơ cho nó: Ước gì anh hóa phân bò/ để em nhặt lấy ủ cho thật nồng. Thằng Cảnh gật gù khen hay, nó chép lại tặng cho con Thuận. Chẳng dè con Thuận khóc như cha chết, nói anh Cảnh khinh em, coi em không bằng cục cứt. Thằng Cảnh hãi quá, cầu cứu mình. Mình bèn trổ tài đấu hót, nỉ non với con Thuận về “giá trị thiêng liêng của phân bò” suốt buổi chiều nó mới hết giận. Từ đó nảy nòi ra “thơ ca trường phái phân bò”, đứa làm thơ, đứa “phổ nhạc” loạn cả lên. Sáng sáng chủ nhật, đàn con trai quảy gánh ra đồng, vừa đi vừa hát rống lên bài hát nhại theo bài “Cung đàn mùa xuân”: Em ơi tới đây nhặt phân bò. Kìa bò đã cong đuôi, trâu cày đang dạng háng ơ hơ...
Thằng Thái Bình lớp 8A mê con Châu lớp mình, một hôm nó đứng cửa sổ ném thơ cho con Châu, chẳng may trúng đầu mình. Mình giở ra đọc oang oang: “Châu ơi giấc mơ học trò/ đêm nào cũng thấy phân bò và em”.
He he có lẽ đó là câu thơ hay nhất thời phân bò và dầu tràm.
Ký Ức Vụn 2 Ký Ức Vụn 2 - Nguyễn Quang Lập Ký Ức Vụn 2