Books can be dangerous. The best ones should be labeled "This could change your life."

Helen Exley

 
 
 
 
 
Tác giả: Tô Hoài
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 19
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1778 / 36
Cập nhật: 2017-08-29 15:43:50 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Thảo Nguyên Ở Ca-Dắc-Xtan
ÁY BAY AN10, bốn cánh quạt, dữ như một con đại bàng khổng lồ, rời Mát-xcơ-va lúc 11 giờ rưỡi, bay liền năm giờ tới An-ma A-ta, thủ đô nước Cộng hòa Xô Viết Ca-dắc-xtan. Trên cao tám nghìn thước nhìn xuống, thấp thoáng những tấm đệm mây trắng đặc quánh, và mặt đất nâu xám vằn lên như trong bản đồ giấy.
Mới bốn giờ chiều. Thế mà ngoài cửa sổ, đã thấy bay tạt vào những ánh sao xanh biếc. Mới nhớ rằng thời gian ở đây đi nhanh hơn ở Mát-xcơ-va những hơn ba giờ. Bây giờ theo giờ An-ma A-ta, đã là hơn bảy giờ tối. Thế là chúng tôi đã đang bay trên bầu trời Trung Á, trên Ca-dắc-xtan nổi tiếng vì đất nước rộng lớn có những công cuộc khai hoang hùng vĩ, nổi tiếng vì sự thay đổi thần kỳ của một vùng mà cách đây bốn mươi năm còn là những nơi trú chân vô định của những người du mục, bây giờ đã trở nên một nước cộng hòa giàu có, phồn thịnh, mang trong mình những kho tàng thóc lúa và hầm mỏ nhiều hơn của bất cứ nước nào ở châu Âu.
Trong Liên Xô, nước Cộng hòa Xô Viết Ca-dắc-xtan đứng thứ hai về diện tích, sau liên bang Nga. Ca-dắc-xtan chạy dài từ bờ biển Cát-spiên phía cửa sông Vôn-ga sang tít cùng biên giới phía Tây nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, từ Bắc xuống Nam trên 1.700 cây số, từ Đông sang Tây trên 3.000 cây số, diện tích 2.756.000 cây số vuông, trong đó tưởng như không bao giờ đi hết được thảo nguyên như ở Xi-bê-ri và sa mạc, cháy nắng của các vùng lục địa Trung Á. Người ta đã tò mò tìm ra những con số so sánh thú vị: nước Ca-dắc-xtan bằng tất cả các vùng phía Tây và phía Bắc châu Âu bao gồm các nước Anh, Iếc-lan, Pháp, Bỉ, Đức, Đan Mạch, Thụy Điển, Áo, Thụy Sĩ, Ý, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha!
Mênh mông, dữ dội, thảo nguyên và sa mạc liên miên trên quá nửa nước Ca-dắc-xtan chỉ có tám triệu rưỡi người. Ca-dắc-xtan nằm thăm thẳm giữa lục địa, xa hẳn Đại Tây Dương, Thái Bình Dương, khuất Ấn Độ Dương, những rặng núi cao nhất thế giới. Cho nên, khác hẳn những vùng bình thường khác, ngày đêm ở đây cứ cuồn cuộn những trận gió tung hoành trên mặt đất ngày càng khô cằn mà mỗi cây số vuông không đứng được đủ ba người, gió cứ miên man thổi dài, mù mịt thâu ngày thâu đêm, không vướng núi, không vướng rừng, không một sức cản trở, gió lại gió nối tiếp nhau tạo nên những trận bão cát, bão tuyết, có khi quét cả mùa màng bay đi. Có những vùng đất trồng chỉ ăn gió, người vừa cày đến thì gió quét bay đi hết đất cày. Ngày và đêm, gió thổi cạn hết nước sông, khô xác tất cả cây cối, tất cả mặt đất, người ta chỉ dám ở vun lại từng nơi còn lại chung quanh là đồng hoang và sa mạc. Trên những vùng đất đai khủng khiếp ấy, đã sinh sống các dân tộc Ca-dắc, Nga, U-cờ-ren, U-dơ-bếch, Triều Tiên, U-i-gua, Đun-gan. Nhưng, thật ra xưa kia cũng chẳng phải đất của dân tộc nào. Bấy nhiêu dân tộc sống trôi nổi trong gió bão và trong những tàn bạo của các đời phong kiến Nga, cả đời họ chỉ quay cuồng khắp đây đó. Gió bão cùng mọi thế lực phong kiến đã nhổ, đẩy những chiếc nhà lều và người, và cừu, lạc đà, ngựa, tất cả đi không biết đâu là nơi ở, đâu là nơi đến. Tôi muốn ví bằng một hình ảnh thảm thương: các dân tộc ở đây, như một loài dê rừng của vùng đất cằn Ca-dắc-xtan.
Những con dê rừng có bộ sừng cong tròn, to, cao hơn cả thân mình. Mỗi khi nhảy từ trên cao, bao giờ dê rừng cũng nhảy đâm thẳng đầu xuống. Hai làn sừng tròn húc mạnh vào đất, vào đá, rồi uốn vòng hất dê nhảy đi, băng đi và rồi lại nhảy nữa, bao giờ cũng nhảy húc sừng xuống trước. Những dân tộc ở Ca-dắc-xtan cũng gian khổ như những dê rừng nhảy, húc sừng lăn vào trong đá, trong gió cuốn. Thật khổ cực, nhưng cũng thật là dũng mãnh, những con dê rừng đặc biệt - một loài vật quen thuộc mà người Ca-dắc rất thích. Ngày nay, ở đâu - từ Nhà hát thành phố cho đến trên các vải thêu, màu áo phụ nữ, tôi đều thấy nhiều kiểu trang trí khoanh tròn theo hình những cặp sừng uốn tròn kỳ lạ ấy.
Cái nhà lều là một hình ảnh đặc biệt và điển hình nhất trong cuộc đời đau khổ của người Ca-dắc du mục. Trên thảo nguyên, người Ca-dắc cắm nhà lều ở. Nhà lều chỉ cắm một lúc thì xong. Khi phải đi, nhổ lên, và đi ngay được. Người Ca-dắc ăn bốc. Khi chuyển nhà lều, như thế cũng thêm nhẹ và chóng, không cần mang theo thứ gì lịch kịch cả. Trong nhà lều mái da, mái vải rách thủng đã nát, người nằm ngay trên mặt đất. Nếu rét quá thì treo thêm lông cừu, lông lạc đà cho có hơi ấm hơn.
Nhưng đấy là những khổ ải cách đây đã ngoài bốn mươi năm. Bây giờ ai đến Ca-dắc-xtan chỉ còn trong thấy những cái nhà lều ấy ở Viện Bảo tàng Lịch sử. Bây giờ các dân tộc du mục trước đã ở êm ấm trong các thị trấn, các làng mạc. Họ đã có bánh mì và biết trồng lúa mì, không còn như ngày trước, chẳng bao giờ được ăn bánh.
Tôi cũng chỉ còn được trông thấy chiếc nhà lều ở Bảo tàng Lịch sử. Hết thảy đã đổi khác. Đây là một ít con số có ý nghĩa: thường thường ở các dân tộc chậm tiến, người phụ nữ phải chịu khổ nhất trong đời sống gia đình, xã hội và chế độ đa thê. Ngày này, phụ nữ Ca-dắc chiếm ba mươi tư phần trăm tổng số công nhân và cán bộ kỹ thuật toàn quốc. Riêng trong một vùng Ka-ra-gan-đa, có bốn nghìn kỹ sư và cán bộ kỹ thuật là phụ nữ. Cả nước có bốn vạn giáo viên và sáu nghìn bác sĩ là phụ nữ. Đã hai mươi năm nay, nạn mù chữ coi như bị xóa hẳn ở Ca-dắc-xtan. Từ 1949, bậc học tiểu học bảy năm là bắt buộc. Bắt đầu sang 1960, bậc học trung học phổ thông sẽ bắt buộc cho tất cả mọi người ở thành thị, cũng như ở nông thôn.
Bốn mươi năm biến đổi, nhưng cũng là bốn mươi năm đương đầu với những hoàn cảnh cực kỳ khó khăn. Những năm đầu đã phải làm sao cho trong một thời gian ngắn thoát khỏi tình trạng lạc hậu, đuổi kịp những nước tiến bộ nhất trong liên bang. Nhưng dĩ vãng đã để lại một cái gia tài có những hậu quả đáng khiếp. Lương thực, mùa màng đã bị phá hết, sau Cuộc chiến tranh Thế giới và cuộc nội chiến. Từ 1920 và liền ba năm sau, một nạn mất mùa và dịch khủng khiếp đã cướp đi gần hết bò, cừu, lạc đà, ngựa. Còn công nghiệp thì chưa có gì.
…Công cuộc khai hoang vĩ đại của Ca-dắc-xtan đang là một trang sử oanh liệt nổi tiếng khắp thế giới của Ca-dắc-xtan. 20 triệu cây số vuông đất hoang đã khai phá cho tới cuối năm 1956. 166.000 máy cày, hàng chục vạn máy gặt, đập, và các thứ máy khác trong toàn Liên Xô đã đưa về Ca-dắc-xtan. Từ ba năm nay, mức độ khai hoang mỗi năm mỗi lớn.
Người, và người ở tất cả các nơi trong Liên Xô đã ùa về Ca-dắc-xtan. Những kỹ sư, những cán bộ chuyên nghiệp, những sinh viên, những thanh niên cộng sản và tất cả những ai nhiệt tình khai hoang, họ đã tình nguyện rời quê hương, từ U-cờ-ren, từ Bi-ê-lô-rút-xi, từ Lét-tô-ni, từ những đâu đâu nữa, tính đến năm 1959 đã có hơn một triệu người tiến tới các vùng đồng hoang Ca-dắc-xtan. Những người đầu tiên tới dựng bạt lên ở giữa thảo nguyên và bắt đầu công việc. Chỉ trong hai ba năm đầu đã vỡ được những khoảng đất cộng lại nhiều hơn cả đất đai đang trồng trọt của cả hai nước Pháp và nước Ý. Nhờ biến đồng hoang thành ruộng, cho tới 1956, Ca-dắc-xtan đã trở thành vựa thóc đứng hàng thứ hai của Liên Xô.
o O o
Tôi đến với những anh hùng khai hoang của thời đại.
Hôm nay nắng. Trời xanh và mây vẫn từng mảng trắng như trời mùa thu nước ta. Xe chúng tôi đã vào thảo nguyên. Rồi dần dần trông thấy những cảnh không thể có ở quanh các thành phố, cảnh mênh mông, không bao giờ hết, chỉ có thảo nguyên nối tiếp thảo nguyên. Những con bồ các trắng vỗ cánh trên đồng cỏ, như trên mặt biển, càng thêm mênh mang… Những tụm cỏ mùa thu có lẫn tuyết dưới gốc, đã úa thành nhiều màu lạ: xanh, vàng, trắng lổ đổ - và một mùi thơm nồng nàn kỳ dị cứ bốc lên trên đồng cỏ và sực nức qua cả xe chúng tôi.
Những vùng khai hoang đã trở thành ruộng phơi màu đất đen xì nhưng trước mắt và đằng xa vẫn chập chờn im lặng, cái im lặng rộng lớn trên thảo nguyên. Một chấm vàng động đậy đằng xa. Tới gần, đó là chiếc xe chở rơm cho cừu. Lúa mì mùa đông đã nẩy mầm xanh trên mặt đất ruộng đen. Mầm lúa đợi để chịu dựng những lớp tuyết sẽ phủ xuống rồi cứ nằm im dưới tuyết như thế cho tới sang xuân, tuyết tan thì mầm nẩy lên thành cây lúa.
Những vùng khai hoang này chạy dài về phía nam đến chân dãy núi A-la-tau, mà đứng đây chỉ trông thấy những đỉnh nhọn phủ tuyết, phía bắc đi lên tới đầu hồ Ban-khát. Đường mùa thu lầy lội đất thó vàng rợn và trơn. Phía trái chúng tôi, tít tắp đồng cỏ đến tận chân trời vẫn là đồng cỏ lẫn với sương mù. Các bạn cùng đi với chúng tôi nói rằng phía ấy có con đường tên là đường Lụa.
Con đường Lụa trước kia là con đường đau khổ, mà cũng là con đường hy vọng. Ngày xưa, cứ vào quãng mùa đông sắp tới như bây giờ, những người lái buôn ở Trung Quốc lại vượt không biết bao nhiêu đèo núi trong dãy Thiên Sơn vòi vọi kia, sang đây với cả đàn ngựa và lạc đà kéo lên, đem theo lúa mì, vải, muối. Người Ca-dắc chỉ nuôi súc vật và săn bắn, không biết trồng lúa. Những người lái buôn đem lúa mì và vải tới đổi lấy da và thịt cừu sấy của người Ca-dắc. Cứ mỗi năm đến độ có phường buôn, từ Trung Quốc qua dãy Thiên Sơn tới thì đâu đâu cũng lại thấy tấp nập đôi chút, vì có lúa mì và vải mặc.
Tôi trông về phía con đường Lụa đó. Vẫn những thảo nguyên xa mãi, và dưới chân tôi vẫn con đường lầy lội, nặng nhọc. Nhưng trên quãng đường lầy lội, chỉ thấy vết bánh xe, xe hơi và xe ngựa, những chuyến xe lũ lượt qua trước mặt đang tải rơm, tải củ cải đường, tải lông cừu từ các nông trường ra. Chỉ thấy những chiếc xe máy không thấy vết chân người trong bùn lội. Câu chuyện đường Lụa của hi vọng và gian khổ là chuyện qua rồi, đã qua rồi.
Chúng tôi bỏ đường lớn đi vào vùng Chê-môn-gan. Tôi đã được biết trước ở vùng Chê-môn-gan có bảy nông trường và bảy nông trang tập thể. Tất cả đều là nông trường và nông trang khai hoang.
Buổi chiều đỏ rực, những cánh đồng cao cũng rực mùa cây “ngải cứu” và càng đi càng chỉ thấy im lặng bao la trên những quãng đường bùn lẫn tuyết lầy lội. Không khí câm lặng đến kỳ dị. Thảo nguyên loang lổ đất đỏ và cỏ “dút-san” trong một cảnh buồn buồn cuối thu. Cỏ úa cúi xuống ở những mỏm đồi cháy, nhấp nhô xanh đen. Đồng cỏ, xa xa trời và cỏ và sương mù vẫn lẫn lộn với nhau, thăm thẳm có lẽ không bao giờ hết. Đi đã xa mà lại vẫn chỉ trông thấy trời, đồng cỏ, với liên tiếp những lưng đồi nhấp nhô… Một phút đứng dừng lại, đồng cỏ càng lặng im, lắng xuống. Đột nhiên, những con bồ các cánh trắng đến lượn trên đỉnh đồi; những con bồ các cứ quay lượn, con nào cũng giống con nào, càng làm cho thảo nguyên thêm lặng lẽ, kỳ dị với những đồng cỏ, đồi, trời và vẫn chỉ một mùa vàng xa, mãi mãi.
Rồi đột nhiên, từ trong màu vàng úa chân trời nổi lên từng đàn ngựa đang phi tràn lên, ngựa phi như bay, đúng như câu tục ngữ “Ngựa là cánh của người Ca-dắc”. Sau lưng đàn ngựa, xa xa, chúng tôi đã trông thấy nông trường Cát-kê-liên-xki. Nông trường Cát-kê-liên-xki trắng xóa giữa thảo nguyên, ánh lên những bức tường trắng của thị trấn và trụ sở nông trường, một thị trấn ba năm trước đây chưa có tên trong bản đồ địa phương. Rồi lại trông rõ cả những trang trại nuôi gà ngay trên bờ con sông cạn, gà ra kín cả mấy khoảng đồi, trắng lốm đốm như rắc gạo nếp trên đồng cỏ.
Đồng chí Cô-sên-ny, chủ tịch nông trường Cát-kê-liên-xki ra đón chúng tôi. Người to lớn, dáng vui và tươi cười vờn vỡ, mới trông cũng biết đấy là dáng người các vùng phương nam U-cờ-ren. Đồng chí Cô-sên-ny chính là người U-cờ-ren.
Câu chuyện khai hoang trên đồng cỏ, đồng chí Cô-sên-ny kể:
Tôi là một kỹ sư nông học ở U-cờ-ren. Từ thuở nhỏ, sinh ra ở quê hương U-cờ-ren cho tới khi lớn lên, làm công tác nông nghiệp, tôi chỉ ở các vùng đồng ruộng U-cờ-ren.
Mùa thu năm 1954, bắt đầu phong trào khai hoang. Trong giới chúng tôi, người ta xôn xao bàn tán. Không phải các bạn ấy bàn tán phản đối hay không phản đối. Người ta đều tán thành khai hoang bởi vì, hơn ai hết, chúng tôi là những người làm công tác nông nghiệp, chúng tôi biết rằng công cuộc khai hoang là cần thiết, vấn đề khai hoang sẽ là cơ sở cho việc phát triển nông nghiệp cao hơn nữa, kể cả đời sống vật chất của nhân dân. Nhưng mà cái điều chúng tôi cần bàn tán chính là những khó khăn trong khai hoang, những khó khăn trong công cuộc biến từ một cái không có gì thành một cái có tất cả. Kết quả hay không là ở đấy. Và còn những băn khoăn của mỗi người. Ai sẽ đi tấn công những cái khó khăn ấy, đi như thế nào? Phải nói rằng có một số người ngại. Bởi vì cắt nghĩa cho cùng thì: không có gì cả, tức là khai hoang. Việc đời đang bình thường trôi chảy bây giờ lao vào một công việc mới mà lúc nào cũng chỉ những đối phó với khó khăn, sao mà không ngại! Đồng chí hiểu cho, thông thường của con người ta là có thể ngần ngại. Nhưng lại có những cái không thông thường khác thì ngược lại. Đối với những người không hiểu nổi xã hội Xô Viết, như một số nhà báo nước Mỹ đã tới đây thăm chúng tôi, họ không thể hiểu được rằng vì lẽ gì mà chúng tôi đã dễ dàng vượt những trở ngại đó, vì sao chúng tôi đã rời bỏ những công việc quen thuộc, cuộc sống quen thuộc và thân yêu ở quê hương, ở những cánh đồng phì nhiêu ngoài U-cờ-ren để dấn mình vào đây, chìm nổi trên những đồng hoang và sa mạc khô cằn này. Những nhà báo nước Mỹ nọ chưa thể làm sao mà hiểu được chúng ta, có phải không đồng chí?
Thế là tôi quyết định đi Ca-dắc-xtan, theo lời kêu gọi của Đảng bộ U-cờ-ren. Thể theo tinh thần tự nguyện của tôi, Đảng đã cử tôi đi. Vợ tôi, mẹ tôi, tất nhiên không ai muốn phút chốc mỗi người một nơi, nhưng ai nấy đã trải và đều biết rằng không có gì khó khăn hơn chiến tranh, mà chúng ta đã vượt qua cả chiến tranh. Năm ngoái đây, khi chúng tôi sản xuất đã vào nền nếp, đã có lãi, thì vợ tôi cũng vào làm việc trong nông trường này, cả mẹ tôi cũng theo vào… Chúng tôi càng thấm thía rằng từ lúc ra đi, Đảng đã nắm chắc sẽ có ngày tốt đẹp hôm nay rồi.
Hồi ấy, trước nhất, chúng tôi về Mát-xcơ-va. Ở U-cờ-ren, ngay chuyến đầu, đã có hàng nghìn kỹ sư và cán bộ kỹ thuật. Họ tỏa khắp từ Xi-bê-ri xuống Trung Á, nhưng tập trung nhất là vào Ca-dắc-xtan. Ở Bộ Nông nghiệp toàn Liên Xô, tôi cùng bắt đầu nghiên cứu, tìm hiểu công tác sắp làm với một kỹ sư người Ca-dắc (làm việc ở Mát-xcơ-va), một kỹ sư xây dựng quê ở Lê-nin-grát, hai cán bộ tổ chức cũng là người U-cờ-ren, chúng tôi được chỉ định thành một tổ. Chúng tôi được dẫn đến trước một bản đồ lớn vẽ những vùng sẽ khẩn trương ở Ca-dắc-xtan. Từ đợt đầu, Ca-dắc-xtan đã dự định khai phá 20 triệu cây số vuông đất hoang. Tôi phải nói lại cảm tưởng của chúng tôi lúc ấy đứng trước cái bản đồ khai hoang. Thật phức tạp, bởi vì không gì tẻ nhạt mà cũng không gì phấn khởi bằng. Tẻ nhạt, bởi vì chỉ có thể chán đến nhức mắt khi phải trông vào cái bản đồ mà chỉ thấy trắng xóa, mà trên bản đồ người ta đã kẻ ra những cái ô vuông rất ngay ngắn, trong mỗi ô vuông rỗng không đó lại chấm ra những cái chấm li ti rồi đặt tên nông trường, tên người phụ trách vào đó… Cái mênh mông trắng xóa trên bản đồ là một sự thật, là toàn những thảo nguyên và sa mạc hoang dại, mà những ô vuông và chấm đen kia là những cái tưởng tượng, là những điều sẽ có, mà chúng tôi đây là những người sắp đi làm cho nó có thật, làm cho cái bản đồ kế hoạch này, nếu lần sau ai xem đến sẽ thấy nó đã cất đi được những đường vuông kẻ và thay vào bằng những đường viền màu xanh màu vàng cong queo của những diện tích khai phá cứ mỗi ngày một lớn dần ra. Đó sẽ là sức lực sáng tạo của chúng tôi. Chúng tôi rất náo nức, phấn khởi. Như đồng chí đã biết, trong vùng Chê-môn-gan, năm năm trước chỉ có bảy cái ô vuông, mà nông trường Cát-kê-liên-xki là một trong bảy ô vuông ấy. Và năm năm trước, tôi đã được kê tên ở dưới chỗ cái chấm của cái nông trường ô vuông chưa có thực này.
Ngày 12 tháng giêng năm 1954 về tới thủ đô An-ma A-ta, chúng tôi phân công thành lập đội nghiên cứu đất, nghiên cứu cỏ, nghiên cứu nguồn nước và nghiên cứu trù hoạch các nguyên liệu. Rồi chúng tôi đến đây.
Nơi này đây. Nơi mà đồng chí tới, ngày nay đã là một nông trường có 150.000 mẫu tây ruộng đất với một thị trấn mà chúng ta đang ngồi nói chuyện với nhau ở đấy. Nhưng ngày ấy, cũng nơi này. Giữa mùa bão tuyết và băng đóng đầy thảo nguyên, chúng tôi đã đi xe trượt tuyết lết tới giữa đồng không mông quạnh. Những cái xe trượt tuyết dừng lại ở giữa đồng tuyết và những chiếc bạt đầu tiên được căng lên. Chúng tôi làm việc và ăn ngủ cả ở ngoài trời. Dù chúng tôi mới có mấy người, nhưng từ lúc ấy, dù là ban đêm, trên đồng cỏ cũng có ánh đèn thức và bắt đầu từ vụ cày đầu xuân năm ấy, chúng tôi đã mắc điện sáng lên để cày, gặt cả đêm, dù đồng cỏ muốn ngủ cũng không thể ngủ được với chúng tôi! Giấc ngủ vạn triệu năm của đồng cỏ đã bị phá tan!
Những người đầu tiên tới đây là những người Đảng viên Cộng sản những người lĩnh trách nhiệm khai phá. Nhưng sau đó, nông trường chúng tôi có sức hấp dẫn ngay và thanh niên các nơi kéo đến rất nhiều. Bây giờ, nông trường chúng tôi, Đảng viên Cộng sản chiếm tỉ lệ mười phần trăm, Đoàn viên Thanh niên Cộng sản là mười tám phần trăm. Sau bốn năm, Đảng kết nạp được hai mươi Đảng viên, toàn là những người xuất sắc trong các chiến sĩ thi đua. Những Đảng viên Cộng sản ở đây đều chiến đấu gương mẫu, họ vừa có tác dụng lãnh đạo, vừa làm cho người Đảng viên và người ngoài Đảng kết hợp thành một khối, ra sức làm biến đổi đồng hoang.
Lúc đầu, chúng tôi đến những làng địa phương hiểu biết vùng này, rồi chúng tôi tìm ra một nơi gần nguồn nước, thế là quyết định lập nên cái làng đầu tiên ở đây.
Có chỗ đứng chân rồi, chúng tôi vạch hướng mở mang. Nông trường của chúng tôi sẽ khẩn hoang trên những khoảng sa mạc có cát lẫn đất với cỏ và những khoảng chỉ toàn đồng cỏ. Ruộng và mọi công cuộc chăn nuôi của chúng tôi sẽ phát triển theo hướng trước mặt tiến về hồ Ban-khát, bên cạnh có con đường Lụa xuyên qua. Chúng tôi bắt đầu khoan đất đào những giếng hút nước cho cừu uống.
Khi người ở các nơi dần dần tới, chúng tôi tổ chức thành những đội sản xuất. Tất cả chúng tôi, từ chủ tịch nông trường đến cán bộ tổ chức, ai cũng phải ở trong đội sản xuất làm đội viên, bất cứ ai. Chúng tôi được tỉnh Rốt-tô cung cấp cho bảy mươi cán bộ kỹ thuật. Đoàn Thanh niên Cộng sản phát động phong trào vận động thanh niên toàn quốc đi khai hoang. Đợt đầu, chúng tôi nhận hai trăm người được giới thiệu tới - con số ấy cứ lên dần, tới nay tổng số cả người làm và gia đình ở nông trường chúng tôi đã trên một vạn người. Người ở tất cả mọi nơi tới và mọi dân tộc cùng tham gia khai hoang. Tính ra, nông trường chúng tôi có mười hai dân tộc. Có người xa nhất ở Hải-sâm-uy phía đông và từ Lê-nin-grát phía bắc tới. Nhiều người đến thấy ở đây công việc tốt lại giới thiệu thêm người quen biết tới. Một điều đặc biệt là từ đầu năm nay, chúng tôi nhận được nhiều đơn xin đến làm việc.
Từ khi có đông người, chúng tôi đã đóng được những căn nhà gỗ có bánh xe để ở, không phải ở lều bạt nữa. Chúng tôi nung gạch, có xi măng, chúng tôi làm nhà, vạch ra các đường phố, bắt tay xây dựng thị trấn. Lúc này đã có nhiều phụ nữ tới làm việc. Không phải ở lều, các chị thích nhất. Bởi vì ở lều căng giữa đồng cỏ, chẳng mấy đêm là không phải đuổi đánh những con rắn bò vào nằm quanh bạt. Các chị rất sợ rắn. Mà trong thảo nguyên chúng tôi thì rắn nhiều như cỏ, chỗ nào cũng có!
Vui nhất là đến kỳ chúng tôi gieo lúa mùa đầu tiên. Chúng tôi gieo lúa trước lúc tuyết sa. Vui lắm, bởi vì khi đã gieo được lúa thì cũng như trông thấy một phần hy vọng tới trước mắt rồi.
Sang năm 1956, nông trường đã có lò làm bánh, có bệnh viện, có trường học cấp 1, cấp 2, có hiệu ăn và cửa hàng bách hóa. Có những người thanh niên đã yêu nhau, rồi lấy nhau ở đây. Có những đứa trẻ đã được sinh ra ở đây, cái tên nơi sinh của em bé trên tờ giấy khai sinh là chữ Cát-kê-liên-xki chưa hề có bao giờ trên trái đất, nay do chính công sức mình xây dựng, đặt tên cho nó và đem chữ Cát-kê-liên-xki thân yêu ghi vào kỉ niệm của hạnh phúc đôi vợ chồng. Năm ngoái, có hai trăm trẻ sinh ở nông trường Cát-kê-liên-xki. Năm nay thì số sinh nhiều quá, chúng tôi chưa thống kê…
o O o
Nói đến câu lý thú ấy, đồng chí Cô-sên-ny cười ha hả, bây giờ chúng tôi đã đang ngồi giữa hiệu ăn của nông trường. Cô-sên-ny cười khoái trá, sóng sánh cả chén rượu cầm tay…
Đồng chí Cô-sên-ny nói:
- Năm ngoái có ba phóng viên báo Mỹ tới thăm nông trường chúng tôi. Chúng tôi không biết họ đã viết những gì về chúng tôi. Nhưng, họ có hỏi tôi rằng tại sao tự dưng tôi lại bỏ rơi quê hương tốt đẹp sung sướng U-cờ-ren mà vào làm việc ở nơi đồng hoang gian khổ này? Vì lẽ gì ghê gớm vậy? Buồn cười là khi tôi kể cho họ nghe những nguyên nhân thật, những ý nghĩa của lòng tôi, lúc tôi quyết định đi Ca-dắc-xtan, thì họ lại tưởng là tôi nói “tuyên truyền”. Thật ra, có nói đúng như thế và dù họ có hỏi như thế, thì tôi cho rằng những nhà báo Mỹ ấy cũng không hiểu được. Họ không hiểu được người Xô Viết chúng tôi, bao giờ cũng vậy, và việc gì cũng vậy, khi ở đâu mà Tổ quốc cần tới, thì chúng tôi tới. Lẽ giản dị ấy cũng là lẽ chính, chỉ có thế thôi…
Giữa lúc ấy, từ ngoài phòng bước vào một người đã luống tuổi, trán hói lên tận đỉnh, mặt đỏ như một quả táo chín. Người ấy buông khẩu súng săn vào một góc phòng, rồi ồn ào chạy lại phía chúng tôi, kéo ghế, tíu tít chạy lấy cốc, lấy đĩa rồi ngồi vào tự lấy thức ăn luôn cho mình. Ấy là đồng chí Vôn-cốp, phó chủ tịch nông trường, người rất thích đi săn và bắn rất giỏi. Người già nhưng tính trẻ, rất vui, rất ồn. Nghe có người nói nông trường có khách xa tới chơi, đồng chí bỏ cuộc săn chạy về ngay. Đồng chí ấy vốn gốc dân tộc Nga. Ngày xưa, cha mẹ bị vua Nga bắt đi đày vào vùng sa mạc Ca-dắc-xtan, đồng chí Vôn-cốp đã sinh ra và lớn lên trong sa mạc và thành quê hương ở đây. Đồng chí ấy là một trong những chiến sĩ đầu tiên đứng dậy giành chính quyền hưởng ứng Cách mạng tháng Mười ở Ca-dắc-xtan. Đồng chí Vôn-cốp vừa nói chuyện đi săn vừa uống rượu. Từ nãy hình như có một trời thảo nguyên man dại, một không khí săn bắn ở thảo nguyên ồ cả vào với Vôn-cốp. Trên đầu người thợ săn có chim đại bàng nuôi từ thuở bé bay theo, mỗi lần chim đuổi báo được một con cáo, đánh hơi được con chó sói, khi người thợ săn hạ được con vật thì chia ngay cho đại bàng một miếng thịt, đại bàng đậu lên vai người thợ săn, chén xong thịt lại bay đi tìm mồi, càng tìm càng hăng hơn. Dưới đất, người thợ săn Vôn-cốp và ngựa, và chó rầm rập chạy theo đại bàng đuổi ở trên. Đồng chí Vôn-cốp vừa đi săn chó sói theo lối săn của người Ca-dắc đấy.
Tôi để ý thấy nhà thơ Ốc-ma-nốp Ga-li, người cùng đi với chúng tôi từ An-ma A-ta về đây, đồng chí ấy vừa cùng uống với phó chủ tịch Vôn-cốp đến hai cốc liền. Hai người có vẻ thích thú nhau lắm. Có lẽ trong tất cả những người ngồi quanh đây, họ là những người già, đã sống nhiều giữa hai chế độ, họ có tâm sự của những người vào cùng lứa tuổi ấy.
Lúc ấy, đồng chí Ốc-ma-nốp yêu cầu mọi người hãy im lặng để đồng chí ấy nói. Câu nói ngắt mấy quãng, đồng chí ấy ho, vì xúc cảm, vì già yếu.
Đồng chí Ốc-ma-nốp nói:
- Tôi là một người Ca-dắc ở bờ sông Y-ly, trên đường từ đây tới hồ Ban-khát. Năm nay tôi sáu mươi ba tuổi. Thuở bé, tôi là người con trai không được phúc, tôi không có một manh áo, phải đi ở cho bọn chủ nô, không được ăn, chỉ bị đánh đập. Năm tôi hai mươi hai tuổi, sau Cách mạng tháng Mười mới được học chữ. Rồi tôi làm thơ, tôi trở thành nhà thơ của dân tộc Ca-dắc. Tôi còn biết nói thế nào nữa! Chúng tôi là Ca-dắc trước ở đồng cỏ và sa mạc, không bao giờ gặp ai. Nay chúng tôi trở thành kỹ sư, bác học, thành người thợ, thành nhà văn, và chúng tôi có rất nhiều bạn trên thế giới.
Cả những bàn ăn bên cạnh lúc ấy cũng im lặng. Đồng chí Ốc-ma-nốp nói xong đã lâu mà im lặng vẫn triền miên lắng xuống. Nghe trong phòng bếp đưa ra tiếng mỡ đổ rào rào và mùi thơm bay tỏa lựng. Vẫn nhiều người đem ca, đem cặp lồng đến mua thức ăn mang về nhà. Ngoài kia, một đám trẻ vừa tan trường cứ giỡn nhau chạy văng mạng trong bùn lội và cười như nắc nẻ. Không khí lặng lẽ của bàn tiệc bỗng trở nên hồi hộp. Trên nét mặt vui hồng của mọi người, dường như phảng phất trở lại một ánh dĩ vãng chẳng bao giờ còn nữa.
Tôi đột nhiên nhớ đến nhà thơ bạn tôi, anh Bàn Tài Đoàn người Dao, và tôi tha thiết nhớ đến các bạn của tôi, những anh Bàn Văn Chẩn, anh Triệu Văn Hương, chị Liễu, chị Pin, những bạn dân tộc Dao của tôi ở trên đỉnh núi Cứu quốc mà trong kháng chiến, tôi đã từng có khi chung sống với các bạn. Đồng chí Ốc-ma-nốp kính mến của tôi ơi, tôi trông thấy những hình ảnh lẫn lộn dĩ vãng và tương lai trong câu nói của đồng chí, và trong bóng dáng của đồng chí đứng đây có cả bóng tôi và bóng những người bạn của tôi ở quê nhà.
Ký Ức Phiên Lãng Ký Ức Phiên Lãng - Tô Hoài Ký Ức Phiên Lãng