Love is always within. When you try to dramatize your love, you lose the depth of the love.

Charan Singh

 
 
 
 
 
Tác giả: Agatha Christie
Thể loại: Trinh Thám
Nguyên tác: The Monogram Murders (2014)
Dịch giả: Tuấn Việt
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 26
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 257 / 35
Cập nhật: 2020-04-04 20:28:24 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 7 - Hai Chiếc Chìa Khóa
hi Poirot đến nơi, quán cà phê đã đông nghẹt. Một mùi hỗn hợp giữa khói thuốc và vị ngọt của bánh mật tỏa ra. “Tôi cần bàn mà hết cả rồi,” ông than phiền với Fee spring. Cô này vừa mới đến, đang đứng bên chiếc giá treo đồ, áo khoác vắt trên tay. Khi lột chiếc nón ra, mái tóc bồng bềnh của cô kêu lách tách và lơ lửng trên không mất vài giây trước khi bị trọng lực khuất phục. ‘Hiệu ứng này trông khá hài hước,’ Poirot nghĩ.
“Thế thì nhu cầu của ông gặp rắc rối rồi nhỉ?” cô ta vui vẻ nói. “Tôi đâu thể nào đuổi khách ra đường, dù là để lấy chỗ cho một thám tử lừng danh.” Cô hạ giọng, thì thào. “Ông bà Ossessil sắp đi rồi đó. Ông có thể lấy chỗ họ.”
“Ông bà Ossessil? Tên nghe lạ nhỉ.”
Fee cười với ông rồi thì thầm tiếp. “‘Ôi, Cecil.’ Đó là câu bà ta suốt ngày nói, cái bà vợ ấy mà. Ông chồng đáng thương kia chưa kịp mở miệng nói nửa lời đã bị bà vợ bác cái rụp. Ông ta nói thích ăn trứng với cả bánh mì nướng ư? Lập tức bà ta trỏ miệng vào, ‘Ôi, Cecil, không được ăn trứng và bánh mì nướng!’ Ông ta chớ có cự cãi! Ông ta mới ngồi vào chiếc bàn đầu tiên là bà ta nói liền, ‘Ôi, Cecil, không ngồi bàn đó!’ Dĩ nhiên ông ta buộc phải muốn những gì ông ta không muốn, không được muốn những gì ông ta muốn. Tôi thì thế này. Tôi đợi ông ta nổi dậy, nhưng thực sự mà nói, ông ta là một lão độn vô dụng. Bộ não cứ như bắp cải mốc ấy. Tôi nghĩ cũng vì thế mới đẻ ra cái loạt ‘Ôi, Cecil’ của bà ta.”
“Nếu ông ta không sớm nhường bàn, đích thân tôi sẽ nói ‘Ôi, Cecil’ với ông ta cho xem,” Poirot nói. Chân ông đã bắt đầu thấy tê tê, vừa do phải đứng lâu vừa do khao khát được ngồi.
“Họ sẽ đi trước khi tách cà phê pha xong,” Fee nói. “Bà ta dùng bữa xong rồi đó, ông thấy chưa. Bà ta sẽ nhanh chóng ‘Ôi, Cecil ra khỏi đây thôi.’ Mà ông đến đây vào bữa trưa làm gì vậy? Tôi nghe nói sáng hôm nay cũng là lần đầu tiên ông đến đây.”
“Làm sao cô nghe được?” Poirot hỏi. “Cô chỉ mới đến thôi mà, n’est-ce pas!”
“Tôi luôn quanh quẩn nơi đây,” Fee nói một cách bí ẩn. “Chẳng ai thấy mặt mũi Jennie đâu cả, nhưng ông biết không, ông Poirot, cũng giống như ông, tôi đang bị cô ta bám riết theo trong đầu.”
“Cả cô cũng lo lắng sao?”
“Ồ, không phải vì cô ta gặp nguy đâu. Đâu đến lượt tôi cứu cô ta.”
“Non.”
“Cũng chẳng đến lượt ông.”
“À, nhưng Hercule Poirot thì đã cứu nhiều mạng người rồi đấy. Ông ta đã cứu nhiều người vô tội khỏi giá treo cổ.”
“Quá nửa số đó chắc là cũng có tội,” Fee vui vẻ nói, như thể ý tưởng đó khiến cô thấy thích thú.
“Non, mademoiselle. Vous êtes misanthrope.”
“Ông nói thế thì tùy. Tôi chỉ biết nếu cứ lo lắng cho từng người đáng lo lắng ở đây thì tôi chẳng còn một khoảnh khắc bình yên nào cả. Cứ hết dự cảm đáng ngại này đến dự cảm đáng ngại khác, hầu hết đều từ trong đầu mà ra chứ nào phải thực.”
“Điều gì từ đầu người ta mà ra thì đó là thực,” Poirot nói.
“Không phải thế nếu đó là những thứ nhảm nhí, tưởng tượng, từ hư không, mà hay vậy lắm,” Fee nói. “Không, ý tôi về Jennie là tôi có nhận thấy điều gì đó tối qua… nhưng tôi không nhớ là điều gì. Tôi nhớ mình đã nghĩ: Thật lạ khi Jennie làm thế này hay nói thế nọ… Rắc rối duy nhất là tôi không thể nhớ điều gì khiến tôi nghĩ cô ta làm gì hay nói gì. Tôi đã cố nhớ, cố nhớ cho đến khi đầu óc tôi quay mòng mòng! À, coi kìa, ông bà ‘Ôi, Cecil’ đã đi khỏi rồi đấy. Ông vào chỗ họ đi. Cà phê nhé?”
“Vâng, thưa cô. Cô tiếp tục cố nhớ xem Jennie đã nói hay làm gì nhé! Tôi không thể diễn tả cho cô hiểu hết việc đó quan trọng như thế nào đâu.”
“Quan trọng hơn việc các kệ phải ngay ngắn chứ?” Fee hỏi, sắc sảo đến bất ngờ. “Hơn là dao nĩa phải xếp đúng chỗ ở trên bàn chứ?”
“À. Cô nghĩ đó là những thứ tưởng tượng nhảm nhí sao?” Poirot hỏi.
Khuôn mặt Fee đỏ dừ lên. “Xin lỗi, tôi nói năng lung tung quá,” cô nói. “Chỉ vì… mà nếu ông thôi nhặng xị về việc nĩa phải nằm ở đâu trên khăn bàn thì ông sẽ vui vẻ hơn, đúng vậy không?”
Poirot tặng cô nụ cười lịch sự nhất. “Tôi sẽ vui vẻ hơn rất nhiều nếu cô nhớ ra điều gì ở cô Jennie đã bám riết tâm trí cô.” Nói đoạn, ông kiêu hãnh thoát ra khỏi cuộc đối thoại và ngồi vào bàn của mình.
Ông đợi suốt một tiếng rưỡi. Trong thời gian đó ông dùng một bữa trưa ngon miệng, nhưng chẳng thấy tăm hơi Jennie đâu cả.
Khoảng gần hai giờ, tôi đến Pleasant cùng một người đàn ông mà thoạt đầu Poirot ngỡ là Henry Negus, em của Richard Negus. Đã có chút nhầm lẫn cho đến khi tôi giải thích rằng tôi đã cắt đặt viên đội Stanley Beer đón Henry Negus và đưa ông ta đến đây, và sở dĩ tôi làm vậy là vì người duy nhất tôi quan tâm lúc này chính là người đàn ông ở bên tôi.
Tôi giới thiệu ông ta – ông Samuel Kidd, thợ gò nồi – và thích thú ngắm Poirot hơi chùn lại trước chiếc áo thiếu nút, đầy vết bẩn và khuôn mặt cạo dở. Bộ râu hay ria mép của ông Kidd cũng bình thường thôi, nhưng ông ta chắc chắn có vấn đề với dao cạo. Rõ ràng ông ta đã cạo râu, bị lẹm vào thịt một cách thảm hại và đành bỏ dở việc đang làm. Hậu quả là ông ta có một bên mặt nhẵn nhụi nhưng bị thương, còn bên không thương tích thì phủ một mớ râu sậm cứng còng. Bên nào trông tệ hơn là cả một câu hỏi khó.
“Ông Kidd có câu chuyện rất hay muốn kể cho chúng ta,” tôi nói. “Tôi đang đứng bên ngoài khách sạn Bloxham đợi ông Henry Negus thì…”
“A!” Poirot ngắt lời tôi. “Anh và ông Kidd vừa từ khách sạn Bloxham đến?”
“Vâng.” Ông ta nghĩ chúng tôi từ đâu đến vậy? Timbuktu chắc?
“Anh và ông ta đến đây bằng cách nào?”
“Ông Lazzari cho tôi mượn một xe của khách sạn.”
“Chuyến đi kéo dài hết bao lâu?”
“Chính xác ba mươi phút.”
“Đường sá thế nào? Có nhiều xe cộ không?”
“Không. Chẳng có mấy xe cộ.”
“Anh có nghĩ nếu ở điều kiện khác thì chuyến đi có thể nhanh hơn không?” Poirot hỏi.
“Không, trừ phi tôi mọc cánh. Ba mươi phút đã là nhanh lắm rồi, tôi đảm bảo đấy.”
“Bon. Ông Kidd, ông ngồi xuống kể cho Poirot tôi nghe câu chuyện lý thú của ông đi.”
Tôi sững sờ khi Samuel Kidd, thay vì ngồi xuống, lại phá lên cười và lặp lại từng lời Poirot vừa nói ra bằng một giọng Pháp đặc sệt, hay giọng Bỉ, hay một giọng nào đó mà Poirot vẫn thường dùng: “Ônk Kiid, ônk ngồi xuống kể cho Poirr-oh tôi nghe cấu chiện rát lý thúú của ônk đi.”
Poirot có vẻ tự ái vì bị nhại giọng. Tôi chợt thấy cảm thông… cho đến khi ông nói: “Ông Kidd phát âm tên của tôi nghe còn chuẩn hơn cả anh nữa đấy, Catchpool.”
“Ônk Kiid,” người đàn ông nhếch nhác bật cười hô hố. “Ồ, xin đừng giận tôi, ông nhé. Tôi chỉ đùa chút thôi. Ônk Kiid!”
“Chúng ta không đến đây để ông đùa,” tôi nói, bắt đầu thấy ngán ngẩm cái trò hề này. “Xin làm ơn kể lại những gì ông đã nói với tôi ở bên ngoài khách sạn.”
Kidd mất mười phút để kể lại một câu chuyện có thể tách lọc ra thành ba câu chuyện, nhưng cũng đáng để nghe. Khi đi ngang qua khách sạn Bloxham ngay sau 8 giờ tối hôm qua, ông ta thấy một phụ nữ chạy ra khỏi khách sạn, lao xuống bậc thang, xông ra đường. Hơi thở hổn hển và có vẻ hoảng hốt. Ông ta dợm bước đến để hỏi xem có giúp được gì không, nhưng người phụ nữ chạy quá nhanh, bỏ xa ông, khiến ông không bắt kịp. Khi chạy, người phụ nữ đánh rơi vật gì đó xuống sàn: hai chiếc chìa khóa trông như bằng vàng. Nhận ra vừa đánh rơi chúng, người phụ nữ bèn quay đầu, chạy đến để nhặt lại, nắm chặt chúng trong bàn tay đeo găng, rồi biến mất vào màn đêm.
“Tôi tự nhủ, chuyện này lạ ghê, bà ta trông lạ thật,” Samuel Kidd đăm chiêu nói. “Rồi đến sáng nay tôi thấy cảnh sát ở khắp nơi. Tôi hỏi một cảnh sát có chuyện gì ầm ĩ. Khi nghe nói có ba án mạng, tôi nghĩ, ‘Có khi mày đã gặp hung thủ đó, Sammay.’ Bà ta trông hoảng hốt, đúng là hoảng hốt mà!”
Poirot đang nhìn vào một trong rất nhiều vết bẩn trên áo người đàn ông. “Hoảng hốt,” ông thì thầm. “Câu chuyện của ông rất lý thú đấy, ông Kidd. Ông nói có hai chiếc chìa khóa?”
“Đúng vậy, thưa ông. Hai chiếc chìa khóa vàng.”
“Ông ở đủ gần để nhìn rõ chứ?”
“Ồ, vâng, thưa ông. Đường phố bên ngoài Bloxham sáng mà. Mọi thứ đều tỏ tường.”
“Ông có nhớ chi tiết nào khác về hai chiếc chìa khóa, ngoài việc chúng trông như bằng vàng không?”
“Có chớ. Chúng có khắc số bên trên.”
“Số ư?” Tôi thốt lên. Đó là chi tiết mà Samuel Kidd đã không tiết lộ với tôi khi thuật lại câu chuyện lần đầu tiên ở bên ngoài khách sạn, và cả lần thứ hai khi ngồi trong xe đến đây. Và… chết tiệt, lẽ ra tôi phải nghĩ đến việc hỏi ông ta chứ. Tôi đã thấy chìa khóa của Richard Negus, chiếc mà Poirot tìm thấy sau viên gạch lỏng ở lò sưởi. Nó có khắc số 238 ở bên trên.
“Đúng vậy, thưa ông, có số. Ông biết đấy, như là một trăm, hai trăm…”
“Tôi biết là số nào rồi,” tôi cộc cằn nói.
“Có phải đó là những con số mà ông thấy trên các chìa khóa không, ông Kidd?” Poirot hỏi. “Một trăm và hai trăm?”
“Không, thưa ông. Một chiếc có số một rồi gì gì đó, nếu như tôi không lầm. Chiếc kia…” Kidd gãi đầu rất lung. Poirot hướng mắt đi nơi khác. “Nó bắt đầu bằng số ba rồi gì gì đó, tôi nghĩ vậy, thưa ông. Nhưng tôi không dám thề đâu, ông hiểu cho. Đó là những gì con mắt trong đầu tôi đang thấy lúc này đây: một gì gì đó, và ba gì gì đó.”
Phòng 121 là của Harriet Sippel và phòng 317 là của Ida Gransbury. Tôi cảm thấy một không gian trống rỗng đang mở ra trong bụng. Tôi nhận ra cảm giác ấy: tôi đã từng cảm thấy thế khi lần đầu tiên nhìn thấy ba xác chết và được bác sĩ pháp y cho biết trong miệng mỗi người họ đều có một chiếc khuy măng-xét vàng có khắc chữ.
Có vẻ như tối qua Samuel Kidd đã ở cách tên hung thủ chỉ trong gang tấc. Một người phụ nữ trông hoảng hốt. Tôi rùng mình.
“Người phụ nữ mà ông thấy,” Poirot nói, “có tóc vàng, nón và áo khoác đều màu nâu?”
Dĩ nhiên ông đang nghĩ về Jennie. Tôi vẫn tin cô ta chẳng liên can, nhưng tôi thấy lý lẽ của Poirot: Jennie đã chạy quanh London tối qua trong trạng thái rất khích động và người phụ nữ kia cũng vậy. Rất có thể họ là cùng một người chăng.
“Không, thưa ông. Cô ta có đội nón nhưng nó màu xanh nhạt, còn tóc cô ta thì màu đen. Xoăn và đen?
“Cô ta trạc bao nhiêu tuổi?”
“Tôi không giỏi đoán tuổi phụ nữ lắm đâu, thưa ông. Tôi chỉ có thể nói là không già, không trẻ?
“Ngoài chiếc nón xanh nhạt ra, cô ta ăn mặc thế nào?”
“Tôi không nhớ, thưa ông. Lúc đó tôi mải nhìn khuôn mặt cô ta?
“Cô ta có đẹp không?” tôi hỏi.
“Đẹp, nhưng tôi không nhìn vì lý do đó đâu, thưa ông. Tôi nhìn vì tôi có biết cô ta, ông hiểu chứ? Tôi mới nhìn một phát là nghĩ ngay trong đầu: ‘Sammy. Mày biết cô nàng này mà.’”
Poirot cựa quậy trên ghế. Ông nhìn tôi rồi nhìn lại Kidd. “Nếu ông biết cô ta, ông Kidd, hãy cho chúng tôi biết cô ta là ai đi.”
“Tôi không thể, thưa ông. Từ lúc thấy cô ta chạy, tôi đã cố moi móc trí nhớ. Tôi không rõ bằng cách nào tôi lại biết cô ta hay tên cô ta hay điều gì đó về cô ta. Không phải bằng nghề gò nồi mà tôi biết cô ta, tôi chỉ nói được có vậy thôi. Cô ta trông thanh tú. Một cô gái đứng đắn. Tôi không quen nhiều người như thế, nhưng tôi biết cô ta. Khuôn mặt đó… không phải là khuôn mặt tôi thấy lần đầu tối qua. Đúng đấy, thưa ông.” Samuel Kidd lắc đầu. “Rối quái Giá cô ta đừng chạy thì tôi đã hỏi cho ra lẽ.”
Tôi tự hỏi, trong số những người đang trốn chạy liệu có bao nhiêu người chịu trả lời. Họ trốn chạy chính vì không muốn bị hỏi han, cho dù là hỏi gì.
Ít lâu sau khi tôi giúi cho Samuel Kidd hàng đống mệnh lệnh, buộc ông phải lục tìm cho ra trong ký ức cái tên người phụ nữ bí ẩn đó lẫn chi tiết về thời gian và nơi chốn ông quen biết cô, viên đội Stanley Beer đưa Henry Negus đến quán Pleasant.
Ông Negus trông mát mắt hơn đáng kể so với Samuel Kidd: một người đàn ông đẹp mã, tuổi khoảng năm mươi, tóc màu xám sắt, khuôn mặt thông minh. Ông ăn mặc bảnh bao, nói năng nhỏ nhẹ. Tôi thích ông ngay tức thì. Có thể cảm nhận nỗi buồn đau của ông trước cái chết của anh trai, mặc dù xuyên suốt cuộc đối thoại với chúng tôi, ông tỏ ra là mẫu mực về tự kiềm chế.
“Xin ông nhận lời chia buồn của tôi, ông Negus,” Poirot nói. “Tôi rất tiếc. Mất đi người anh trai thân thiết quả là điều khủng khiếp.”
Negus gật đầu hàm ơn. “Việc gì tôi giúp được – bất cứ việc gì – tôi sẽ vui vẻ giúp ngay. Ông Catchpool nói ông có những câu hỏi dành cho tôi?”
“Vâng, thưa ông. Ông có quen ai tên Harriet Sippel hay Ida Gransbury không?”
“Họ có phải là hai người bị…?” Henry Negus ngưng nói khi Fee Spring tiến tới với tách trà mà ông gọi khi đến.
Đợi cho cô lui ra, Poirot nói: “Phải. Harriet Sippel và Ida Gransbury cũng bị giết tại khách sạn Bloxham tối qua.”
“Tôi không biết gì về cái tên Harriet Sippel. Còn Ida Gransbury thì cô ta đã đính hôn với anh tôi nhiều năm trước.”
“Vậy ra ông có quen cô Gransbury?”
Tôi nghe thấy sự hồi hộp dâng lên trong giọng nói của Poirot.
“Không, tôi chưa từng gặp cô ta,” Henry Negus nói. “Dĩ nhiên, tôi biết tên cô ta từ các lá thư của Richard. Khi anh ấy đến sống tại Great Holling, hai anh em tôi rất hiếm khi gặp nhau. Chúng tôi chỉ trao đổi thư từ.”
Tôi cảm thấy một mảnh ghép hình khác đã vào đúng vị trí cùng với một tiếng tách.
“Richard sống ở Great Holling sao?” tôi hỏi, cố đấu tranh để giữ cho giọng nói bình thản. Nếu Poirot cũng chia sẻ sự ngạc nhiên của tôi trước phát hiện mới này thì ông sẽ không để lộ ra.
Một làng cùng nối kết ba nạn nhân. Tôi nhắc lại cái tên của nó nhiều lần trong đầu: Great Holling; Great Holling; Great Holling. Mọi thứ như đều trở về hướng đó.
“Phải, Richard sống ở đó cho đến năm 1913,” Negus nói. “Anh ấy có văn phòng luật sư ở Thung lũng Culver. Đó là nơi hai anh em tôi lớn lên – tại Silsford. Rồi, vào năm 1913, anh ấy chuyển đến sống tại Devon cùng tôi cho đến tận giờ. Ý tôi là… cho đến trước khi chết,” ông chỉnh lại. Khuôn mặt ông chợt phờ phạc, như thể tin tức về cái chết của người anh một lần nữa giáng xuống ông, nghiền nát ông.
“Richard có bao giờ đề cập với ông về ai đó từ Thung lũng Culver có tên là Jennie?” Poirot hỏi. “Hay nói chung ai đó mang cái tên này, có thể từ Great Holling, và cũng có thể không?”
Một khoảng lặng kéo dài. Rồi Henry đáp, “Không.”
“Còn về cái nhân vật có tên viết tắt là PIJ?”
“Không. Người duy nhất từ làng mà anh ấy có nhắc tới là Ida, vị hôn thê của anh ấy.”
“Cho phép tôi hỏi một câu tế nhị nhé, thưa ông: tại sao cuộc đính hôn của anh ông lại không dẫn đến hôn nhân?”
“E rằng tôi không biết gì cả. Richard và tôi tuy thân nhau nhưng chúng tôi thường thảo luận về lý tưởng hơn là những thứ khác, về triết học, chính trị, thần học… ấy mà. Nói chung, chúng tôi không tò mò về công việc cá nhân của nhau. Anh ấy chỉ thông báo đã đính hôn với cô ta, và rồi, vào năm 1913, anh ấy nói họ đã hủy hôn.”
“Attendez. Năm 1913, hôn ước với Ida Gransbury bị hủy, và ông ta cũng rời Great Holling để đến sống tại Devon cùng ông?”
“Cùng vợ con của tôi nữa.”
“Có phải ông ta rời Great Holling để xa lánh cô Gransbury?”
Henry Negus ngẫm nghĩ một hồi. “Tôi nghĩ đó chỉ là phần nào câu chuyện chứ không phải toàn bộ. Khi rời Great Holling, Richard thù ghét nó, và điều này không thể do mỗi mình Ida Gransbury gây ra. Anh ấy nói anh ấy ghét từng tấc đất nơi đó. Anh ấy không cho tôi biết vì sao, mà tôi cũng chẳng hỏi. Richard có cách riêng để cho người ta biết khi nào anh ấy đã nói hết những gì muốn nói. Theo tôi nhớ, nhận định của anh ấy về ngôi làng có vẻ gần với tinh thần: ‘Từ rày sẽ không đếm xỉa đến nó nữa.’ Có lẽ nếu tôi cố tìm hiểu…” Negus dừng lại, vẻ đau khổ hiện lên trên khuôn mặt.
“Ông không cần tự trách mình, ông Negus,” Poirot nói. “Ông đâu có gây ra cái chết của anh ông.”
“Tôi cứ quẩn quanh mãi với ý nghĩ… thì đấy, có chuyện gì khủng khiếp đã diễn ra tại ngôi làng đó. Giá như tự chủ được thì chẳng ai muốn nói hay nghĩ về những thứ ghê gớm như thế.” Henry Negus thở dài. “Richard chắc chắn không muốn nói, dù đó là chuyện gì, cho nên tôi giữ lập trường là không bàn đến nữa. Anh ấy có thứ uy quyền riêng, ông hiểu đấy. Mọi người đều răm rắp nghe theo anh ấy. Anh ấy có một bộ óc lỗi lạc, ông biết đấy.”
“Thật sao?” Poirot cười hiền hòa.
“Ồ, trước khi Richard bị suy sụp, không ai giỏi về chi tiết như anh ấy đâu. Anh ấy việc gì cũng chi li. Ông có thể tin cậy anh ấy trong bất cứ việc gì, ai cũng tin anh ấy cả. Chính vì vậy mà anh ấy rất thành công trong nghề luật sư trước khi mọi chuyện trở nên tồi tệ. Tôi luôn tin tưởng anh ấy sẽ gượng dậy một ngày nào đó. Cách đây vài tháng, khi anh ấy có vẻ ngẩng dậy, tôi đã nghĩ: ‘Cuối cùng, Richard đã tìm lại niềm vui sống.’ Tôi hy vọng anh ấy sẽ tính chuyện đi làm lại trước khi tiền bạc hết nhẵn…”
“Ông Negus, xin ông hãy chậm lại đôi chút,” Poirot nói, lịch sự nhưng kiên quyết. “Khi đến nhà ông, anh của ông không làm việc gì sao?”
“Không. Richard đã bỏ lại cả Great Holling lẫn Ida Gransbury và công ăn việc làm khi anh ấy đến Devon. Thay vì hành nghề luật sư, anh ấy tự giam mình trong phòng và nốc rượu liên miên.”
“À, ra đó là sự suy sụp mà ông nói?”
“Phải,” Negus nói. “Richard đến nhà tôi là một Richard rất khác so với người anh mà tôi gặp lần trước. Anh ấy có vẻ nội tâm và khắc khổ. Cứ như anh ấy vừa xây một bức tường quanh mình vậy. Anh ấy không bao giờ rời nhà, không gặp gỡ ai, chẳng viết thư cho ai và cũng không nhận lá thư nào. Anh ấy chỉ đọc sách rồi nhìn trân trân vào không trung. Anh ấy từ chối theo chúng tôi đi lễ và không hề đổi ý, cho dù chỉ để làm vui lòng vợ tôi. Một ngày nọ, khi anh sống với chúng tôi chừng một năm, tôi phát hiện một cuốn Kinh Thánh ở trên thềm ngoài cửa phòng anh ấy. Xưa nay nó vẫn nằm trong ngăn kéo căn phòng ngủ mà chúng tôi dành cho anh. Tôi toan trả nó về chỗ cũ, nhưng Richard kiên quyết nói anh ấy muốn tống khứ nó khỏi phòng. Tôi phải thú nhận rằng, sau sự kiện này, tôi đã hỏi vợ tôi liệu chúng tôi có nên… vâng, liệu có nên đặt vấn đề với anh ấy để anh ấy tìm một chỗ ở nào khác bên ngoài. Sống chung với anh ấy khá là khó chịu. Nhưng Clara, vợ tôi, không chịu nghe. ‘Gia đình là gia đình,’ cô ấy nói. ‘Richard chỉ còn có mỗi chúng mình. Anh không thể đẩy gia đình ra ngoài đường được.’ Dĩ nhiên là cô ấy có lý.”
“Ông muốn nói anh của ông đã tiêu xài rất hoang phí?” tôi hỏi.
“Vâng. Tôi và anh ấy được cha mẹ để lại của cải rất sung túc.” Henry Negus lắc đầu. “Tôi đã nghĩ ông anh Richard có trách nhiệm của tôi đang tiêu sạch phần tài sản của anh ấy mà chẳng dành dụm gì cho tương lai… và đó là những gì anh ấy đang làm. Hình như anh ấy có ý định chuyển thành rượu tất cả những gì cha tôi để lại cho anh, rồi rót nó qua cổ họng. Anh ấy đang hướng đến sự bần cùng và bệnh tật, tôi đã e là vậy. Nhiều đêm, tôi nằm thao thức, lo lắng cái kết thúc bi thảm đang chờ đợi anh ấy. Nhưng không phải việc bị giết. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng Richard có thể bị giết chết, mặc dù lẽ ra tôi phải tính đến việc đó.”
Poirot chợt cảnh giác nhìn lên: “Tại sao ông phải tính đến việc đó? Phần đông chúng ta chẳng ai giả định người thân của mình sẽ bị giết. Trong đa số trường hợp, giả định vậy là không hợp lý.”
Henry Negus suy nghĩ một hồi. Cuối cùng, ông nói: “Nếu tôi nói Richard có vẻ biết trước anh ấy sẽ bị giết thì rất kỳ quặc, vì có ai biết được đâu? Nhưng từ ngày chuyển đến nhà tôi, anh ấy đã có thái độ sầu thảm, u uất của một người mà cuộc đời đã kết thúc. Tôi chỉ mô tả được đến thế.”
“Tuy nhiên, ông có nói ông ta đã ngẩng dậy vài tháng trước khi chết?”
“Phải. Vợ tôi cũng nhận ra điều đó. Cô ấy muốn tôi hỏi Richard về chuyện này – phụ nữ luôn vậy, đúng không ạ? – nhưng tôi hiểu quá rõ Richard để biết rằng anh ấy sẽ không chào đón việc xâm phạm vào chuyện riêng tư.”
“Ông ấy có tỏ ra vui vẻ hơn không?” Poirot hỏi.
“Tôi ước chỉ có thể nói vậy, ông Poirot ạ. Giá như tôi tin được rằng, vào ngày chết, Richard đã vui vẻ hơn bao năm qua. Đó sẽ là niềm an ủi đáng kể đối với tôi. Nhưng không, đó không phải là niềm vui. Mà giống như anh ấy đang có một kế hoạch gì đó. Anh ấy như sống có mục đích trở lại sau nhiều năm vật vờ. Tôi có cảm giác như vậy, mặc dù, như đã nói, tôi không biết tí gì về mục đích này.”
“Nhưng ông biết chắc sự thay đổi đó không phải do ông tưởng tượng ra?”
“Vâng, đúng vậy. Nó thể hiện ra theo nhiều cách. Richard thức dậy và xuống nhà dùng điểm tâm thường xuyên hơn. Anh ấy có nhiều sinh khí và năng lượng hơn. Vệ sinh cá nhân của anh ấy được cải thiện. Đáng chú ý nhất là anh ấy đã ngưng uống rượu, tôi không thể mô tả với ông chỉ riêng việc đó thôi đã khiến tôi mừng rỡ như thế nào. Vợ tôi và tôi đã cầu nguyện cho anh ấy được thành công, cho dù anh ấy đang toan tính điều gì. Chúng tôi cầu cho sự nguyền rủa của Great Holling cuối cùng sẽ nới lỏng những móng vuốt của nó và để cho anh ấy vui hưởng cuộc sống.”
“Nguyền rủa ư? Ông tin ngôi làng đó có thể nguyền rủa?”
Khuôn mặt Henry chợt đỏ lên. “Không hẳn vậy. Dĩ nhiên đâu thể có chuyện như thế, đúng không ạ? Đó là câu mà vợ tôi nói. Do không có manh mối nào để bám víu, cô ấy đã tưởng tượng ra cái ý niệm lời nguyền, căn cứ vào việc Richard trốn chạy khỏi Great Holling, hủy hôn ước và cả cái sự kiện duy nhất mà cô ấy biết về ngồi làng đó.”
“Sự kiện nào vậy?” tôi hỏi.
“Ồ,” Henry Negus có vẻ ngạc nhiên. Rồi ông nói, “Ừ nhỉ, tôi đâu thể giả định các ông đã biết chuyện đó. Tại sao các ông phải biết chứ? Đó là tai họa khủng khiếp đã xảy ra với vị mục sư quản nhiệm trẻ tuổi và vợ của ông ta. Richard đã viết thư kể cho chúng tôi vài tháng trước khi anh ấy rời ngôi làng,” Henry nói. “Họ đã chết cách nhau chỉ vài giờ.”
“Vậy sao? Điều gì đã gây ra cái chết của họ?” Poirot hỏi.
“Tôi không biết. Richard không nói chi tiết đó trong thư, chỉ ngụ ý rằng anh ấy biết nguyên nhân. Anh ấy chỉ viết rằng đó là một tai họa khủng khiếp. Quả thực, sau này tôi có hỏi anh ấy, nhưng anh ấy khá gắt gỏng với tôi, khiến tôi chẳng biết được gì hơn. Tôi nghĩ anh ấy quá ngập sâu vào những bất hạnh của bản thân nên chẳng muốn quan tâm thảo luận nỗi bất hạnh của ai khác.”
Kỳ Án Dòng Chữ Tắt Kỳ Án Dòng Chữ Tắt - Agatha Christie Kỳ Án Dòng Chữ Tắt