A house without books is like a room without windows.

Heinrich Mann

 
 
 
 
 
Tác giả: Tô Hoài
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 9
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2327 / 57
Cập nhật: 2017-07-11 14:13:18 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Trở Lại Phnôm Pênh
ừ năm1943, hơn ba mươi năm đã qua, tác giả có nhiều dịp đến Phnôm Pênh. Năm 1979, trở lại Phnôm Pênh chỉ thấy rỗng không. Phnôm Pênh bị hủy diệt khủng khiếp. Cực kỳ bàng hoàng, tự thấy không còn chữ nghĩa nào ghi lại nổi. Phải viết thành cái ký sự liêu trai “nghe ma nói mấy lời” này.
o O o
Tôi đi không nhớ mấy ngày rồi. Trông ra thấy đến đường Kông-pông Năng vào thành phố. Đi mãi cũng phải về được. Những người trở về. Nhưng chẳng bao giờ còn về. Ngẫm từ mình. Bây giờ chỉ còn một mình mình lầm lũi trờ về mà thôi. Tha Ra, Tha Ra đâu?
Tôi còn nhớ, tôi vẫn nhớ đường này. Bến đò đằng sau dinh tháp cố đô Uđom nhô lên trên làn cây thốt nốt xanh rợ xa xa kia. Ngay bên tay phải, một làng người Chăm tựa lưng vào Mê Kông ở thành dãy dài, trắng xóa một đỉnh tròn nhà thờ đạo Hồi. Xóm nhà người Chăm bao đời thế này.
Năm trước, ông già cởi trần lực lưỡng đen thui đứng chèo thuyền độc mộc sang sông. Thuyền đánh cá, thuyền lấy củi. Xóm người Chăm sống bằng sông và bờ rừng. Ông già bước lên thang giữa căn nhà sàn mảnh khảnh, lát gỗ lim chắc chắn, đen bóng. Trước nhà một luống cúc vạn thọ hoa vàng sẫm, dãy phố nhà sàn đều tăm tắp, mảnh lụa đào che cửa và những cây vạn thọ như nhau.
Bây giờ tôi vẫn nhận ra dãy phố vuông vắn y nguyên, sau lưng dòng sông lấp lánh. Nhận ra, mà ngờ ngợ. Bởi thiếu màu đào, không có cúc vạn thọ, nhà lẫn lộn với mặt đất, trông kỹ mới phân biệt được chấn song phơi quần áo và bóng người ủ rũ. Tất cả mờ nhạt. Dãy phố người Chăm không phải dãy phố người Chăm, vẫn như xưa mà không phải như xưa. Như cái bóng của dãy phố như có như không.
Tôi là Nu Xuông. Nhà tôi ở bên kia cầu Mô-ni-vông. Ở đấy, ai cũng biết tôi. Nhưng không mấy người đến thành phố tôi lại đế ý quãng sông chỗ ấy có một dãy nhà sàn chen chúc mặt nước như những dãy nhà sàn của người Việt bên kia cầu Chang Va. Tôi làm nghề đạp xích lô. Sinh thời, bố tôi chài lưới. Bố tôi sống nhờ sông nước. Đến đời tôi, tôi sống vì đường phố của thành phố tôi.
Hôm ấy, cách đây bốn năm rồi, bốn năm xa lăng lắc, thăm thẳm. Tôi và vợ tôi tíu tít đi qua cầu. Tha Ra hớn hở cõng thẳng Nu Xom trên lưng.
Mẹ tôi nói:
- Tha Ra để con nhỏ ở nhà, mẹ trông cho.
Tha Ra cười:
- Mẹ ạ, trẻ con cũng phải được đi hoan hô Phnôm Pênh giải phóng.
Buổi trưa, chúng tôi trở về kể chuyện mẹ tôi nghe: người Phnôm Pênh ra đường như nước Mê Kông tràn bờ, chúng tôi nhảy lên hoan hô thế nào.
Thình lình, một người lạ cầm súng vào nhà tôi, mắt vằn đỏ, nói:
Máy bay Mỹ sắp đến ném bom Phnôm Pênh. Yêu cầu mọi người ra khỏi thành phố ngay.
Có thể như thế. Đế quốc bao giờ cũng ghét cách mạng. Mẹ tôi bế cháu ngồi lên xích lô, đợi tôi đưa cùng đi.
Người kia hầm hầm nói:
Không được, cái xe phải để lại. Nhanh lên.
Mẹ tôi vui tin tự nhiên.
- Thôi được, các con ra ngoài làng tìm chỗ tránh máy bay rồi chốc nữa về đón mẹ. Đừng bận tâm về mẹ. Mẹ ngồi đây đợi. Các con đi ngay đi.
Tha Ra địu con lên lưng và chúng tôi đi.
Chúng tôi không được trở lại như mẹ tôi tưởng thế. Cả thành phố bị đuổi đi.
Bốn năm đã qua.
Bây giờ Phnôm Pênh trước mặt. Phnôm Pênh đương đến trước mặt tôi, mỗi lúc một gần. Nhấp nhô những nóc nhà chênh vênh khấp khểnh phố Mô-ni-vông. Vòm xi măng tròn nóc Chợ Mới. Tôi trông thấy ngã tư đường. Tôi đã thấy khoảng bãi trống trước cửa chợ - ban ngày, chỗ này chen chúc xe xích lô, xe thổ mộ, xe tắc xi đỗ đợi khách. Tôi thường ghếch cái xích lô của tôi đứng đấy. Đấy là cái chợ đủ thứ hàng quán ăn uống, người đông vui suốt đêm, đến tảng sáng vẫn chén lai rai được.
Trước mặt tôi không một bóng người. Chỉ có dãy phố trống hốc, bông ghế, bông gối rơi ra, ngập đến lưng các tường phòng, gió thổi lên, bông bay mù mịt như hoa lau trong rừng.
Nỗi kinh rợn chưa bao giờ thấy. Tôi không nghĩ được ra một ngày thấy Phnôm Pênh khác lạ đến như thế. Nhà thành phố tôi, hè phố tôi, đường cái, chợ búa, trường học, nhà thương, công viên, cái xe đạp để người thành phố tôi ở, người thành phố tôi đến, người thành phố tôi đi, đi chơi, chẳng có cái gì cả. Chẳng khi nào thấy thành phố tôi không có người. Thế mà quanh tôi bây giờ lạnh tanh, im phăng phắc. Phải thành phố hay cái bóng thành phố. Tôi sờ lên vai áo tôi, cả tôi đây, không biết có phải tôi hay chiếc bóng tôi.
Cái gì cũng không phải thật, mà như thật, cỗ xe ép mía đứng chơ vơ một mình ở ngã ba đầu chợ, không có trẻ con xúm xít quanh. Những chiếc xe bán quà, lắc chuông inh ỏi. Không bao giờ tiếng chuông lạnh lẽo thế. Nó là cái xe ma. Chiếc ghế tựa đệm lòi bông tại sao lại nằm ngửa giữa đường? Chiếc ghế bao giờ cũng chỉ thấy ở trong nhà, bây giờ cái ghế cô đơn lạ lùng này, thế thì nó là cái ghế ma. Những sợi bông gòn bay trắng lả tả quanh chiếc ghế ma. Quán hủ tíu nổi tiếng ở Tác Mau lúc nào cũng đông khách. Tôi trông thấy cánh cửa mở toang, nồi nước dùng bắc cao dưới bức tường trắng toát. Tôi giơ tay vịn vào vách. Bỗng tường vách mủn ra, rơi theo tay. Quán lạnh tanh, nó là cái quán ma ở.
Tôi tha thẩn đi.
Làm sao tôi lại cảm thấy mỗi lúc vào sâu thành phố, mỗi lúc tôi thấy một đông người, khác hẳn lúc nãy.Thành phố đương thật nhiều người.
Những người áo đen quần đen. Đàn bà cắt tóc ngắn váy đen. Cả thành phố bao trùm người đi trong một màu đen nhờ nhệch lũ lượt, nhanh nhanh, nét mặt loáng thoáng lướt như gió.
Tôi bị rùng rùng cuốn theo, hối hả, lật đật trong dòng người lặng im, đen ngòm. Nhưng tôi đã thật háo hức. Đường cái có nhiều người thế này, biết đâu tôi lại gặp được Tha Ra. Có thể Tha Ra về thành phố trước tôi.Có thể Tha Ra dắt thằng Nu Xom đương đi tìm tôi.
Tôi tìm Tha Ra trong đám người bề bộn, cố nhìn mặt từng người đi qua. Nhưng tôi nhận ra khi thật đông người, đám người không tiếng nói, không tiếng cười, không tiếng la hét, không tiếng chửi rủa, tôi không nghe tiếng sột soạt quần áo, không nghe tiếng bước chân đất bước, người đông mà lặng rợn, lặng không, dần dần tôi thấy ra như không phải đây là người đi, mà đấy là dòng nước, là con sông đen kịt đương cuồn cuộn chảy đi đâu. Tôi đi theo, cũng không biết người ta đi đâu. Đi mãi rồi tôi lách ngược lại, cũng không nhận được lối ở đâu người ta đi ra giữa dòng người chen chúc thế kia.
Người từ các phố ra nhiều lắm, người đùn đùn chen nhau đi đầy trong các phố hẹp không có bờ hè. Tôi nhớ cuối phố này có cái trường học. Hay ta vào xem. Biết đâu chẳng gặp Tha Ra đưa thằng Nu Xom đi xin học.Năm nay Nu Xom đã lớn được mười tuổi rồi.
Cửa trường thông thống lối đi, ai vào cũng được.Mùi hôi ghê gớm từ đằng cuối sân xông ra. Mùi hôi thối nặng nề, biết ngay là mùi người chết. Bốn năm nay, chỗ nào cũng ngửi được mùi người chết, đến nỗi tôi quen mũi, biết ngay. Người đi tới đâu, gió Mê Kông thổi lên, gió xua nhạt mùi hôi đi, ra đến đường cái chỉ còn làn người miên man chập chờn, cũng như là gió lung lay, cũng như gió không có mùi vị gì nữa. Nhưng vào đây khủng khiếp quá. Cái sân nhỏ, những bức tường cao, nặng trịch mùi thối xác chết. Tôi đứng lại, ói lên đến cổ, nôn thốc ra. Nhưng trong người tôi đã lâu không còn gì. Tôi chỉ nôn ra toàn nhớt dãi, nôn mãi đến muốn lòi cuống họng ra.
Rồi tôi cố bước vào. Trong ghê gớm, tôi đi tìm hy vọng của tôi.
Tôi nhận thấy đằng xa có những người như từ dưới đất nhô lên, đi đờ đẫn sờ soạng rồi bước nhanh dần. Tôi tới chỗ bắt đầu người ta đi ra. Tôi ngạc nhiên vì thấy những người ấy đã từ dưới hố bước lên thật. Những cái hố to như mặt ao, đen ngòm, không biết sâu đến đâu. Một người đứng lên, trèo ra khỏi hố, người khác ngồi dậy, đứng lên, trèo theo. Người nằm chồng đống lên nhau trong hố, bây giờ lần lượt nhỏm lên, trèo lên.Người dưới hố trèo lên.
Tôi cũng không ngạc nhiên nữa. Bởi tôi đã nhớ ra những cái hố như thế này nhan nhản khắp nơi, chỗ nào cũng có. Và cả nước tôi đã xuống nằm trong hố. Bây giờ, những người chết đương đi ra, những người dưới hố lên.
Tôi cất tiếng gọi:
- Các người ôi, cho tôi đi với.
Những bóng đen phấp phới đi như gió. Trước mặt tôi, những ánh mắt không biết bao nhiêu ai oán, bao nhiêu hận thù, những con mắt và hàm răng lồi ra trắng nhả… Tôi ôm mặt, tôi nhớ, tôi rú lên.
Chẳng biết tôi ngã xuống như thế bao nhiêu lâu. Tôi ngồi dậy, tôi mở mắt. Tôi thấy những bước chân liên liến qua đầu tôi, không một tiếng động. Tôi không dám nằm nữa. Tôi vịn tay vào bờ tường.
Tôi lần lần ra khỏi cái trường ngày xưa có trẻ con học, bây giờ cái hố vùi bao nhiêu là người. Tai tôi nghe trẻ con cười nói ríu ran. Tôi mở to mắt. Chỉ thấy dòng người nhấp nhô đen sẫm. Tiếng trẻ thơ ấy chỉ là tiếng của những năm trước còn sót lại trong tai tôi. Buổi sáng, những đứa trẻ ngồi lên xích lô, tôi đưa chúng nó đến trường. Tôi chợt lại nghe tiếng, những tiếng chờ đợi của tôi. Nu Xom con tôi, có phải con tôi?
Tôi nhớ con tôi. Tiếng cười nói ríu rít kia là tiếng con tôi. Nu Xom! Nu Xom! Con tôi đâu? Tha Ra ở đâu bây giờ? Hay là tôi trở lại cái hố chôn người trong trường học, nhìn từng người trong hố xem có gặp? Hay là tôi đi khắp nơi, tìm những cái hố khác? Hay là tôi về nhà?... Có ai thấy vợ tôi đi ra trong những bóng đen im lặng thất thểu kia không?
Tôi đã ra khỏi cái ngõ phố có trường học thành nhà tù và hố chôn người, đi xa, đi như chạy, mà mùi mồ hôi còn làm tôi ngạt thở. Tôi như con vật bị sặc nước, cứ tự nhiên ngoi mãi về phía thoáng đãng. Hai đầu gối tôi, môi tôi run lên bần bật. Đến nỗi tôi phải vịn tay vào tường, bước lần lần. Tôi nhìn ra dòng người đi đen ngòm lạnh toát cả thành phố. Tôi thở dài. Mỗi lúc một nhiều người chết ra đông thế này, có bao nhiêu người bị đem về giết ở đây. Tôi hốt hoảng nhìn, tôi nhìn ra tìm, tìm xem mà lại không muốn thấy trong dòng bóng ma đương kia có em Tha Ra của tôi, có bé Nu Xom của tôi, cầu trời đừng cho… Tôi đương trở về thành phố tìm gặp con tôi, vợ tôi, mẹ tôi.
Sao người lạnh thế này? Cái lạnh dần dà lan khắp người tôi, lên đầu tôi. Tôi cũng là thây người đương đi đòi mạng ngoài đường kia. Không, tôi đương sống. Chúng mày mấy lần giết tao, tao vẫn còn sống. Tôi sống sót trở về. Tôi không phải những người bị chúng nó đánh chết vứt xuống hố. Tôi sống. Tôi là người sống trở về.
Tôi không thể bước đi được nữa. Tôi đứng lại bên đường, dựa vào tường một tòa nhà, tôi thở. Sông Mê Kông mơn man đưa lên những ngọn gió mát ngọt. Những ngọn gió của dòng sông mẹ. Bây giờ tôi mới thấy đáng lẽ thành phố phải đầy mùi người chết, trong tôi cũng u ám mùi người chết rồi, tôi cùng đi với đám xác im lặng ngoài kia. Nhưng con sông mẹ, con sông mẹ hiền đã nuôi dưỡng tôi từ tấm bé thành phố bốn mặt sông tỏa gió lên, rửa sạch tất cả và tôi tỉnh lại.
Trong cổng, bước ra một người. Đấy là một người lực lưỡng. Tôi lại nhận ra trên lưng người ấy khoác khẩu súng. Hốt hoảng, tôi chạy. Khẩu súng, cái gậy, thanh sắt còn làm run gáy tôi đến bây giờ.
Người ấy gọi to:
- Anh đi đâu?
Ôi, tiếng người, tiếng người. Lần đầu tiên từ lúc đặt chân vào thành phố, bây giờ mới nghe tiếng người, tiếng người cất lên giữa những thây người lểu đểu chen chúc đông nghịt đường. Tiếng người, tiếng người ấm áp làm sao.
Tôi không sợ khẩu súng nữa. Tôi đứng lại. Tôi lễ phép chắp tay:
- Thưa ông, tôi về Phnôm Pênh tìm vợ tôi. Tôi tìm con tôi. Tôi tìm mẹ tôi. Đây là thành phố quê tôi. Ông ở đâu về?
Người ấy đỡ hai vai tôi:
- Anh có vẻ mệt. Vào đây nghỉ một lúc đã.
Đã lâu lắm mới lại gặp lời mời mình, nói những tiếng tử tế. Mấy năm nay, những tiếng ngọt ngào quanh mình biến mất rồi. Thoạt nghe ngỡ ngàng, nhưng nhớ lại, thấy yên vui khác thường.
Tôi rụt rè hỏi:
- Ông là ai?
- Tôi là bộ đội giải phóng.
Rồi tôi hỏi:
- Trong nhà này có hố chôn người không?
Anh bộ đội giải phóng cười:
- Có mỗi một cái hố mới đào để đợi chôn Pôn Pốt thôi.
Tôi sửng sốt.
- Thế à?
Anh giải phóng lại cười.
- Bây giờ thành phố của chúng ta rồi.
Tôi nhìn lên tòa nhà cao. Tôi nhận ra nhà này rồi. Đây là khách sạn “Hoàng gia” to nhất thành phố. Nó sừng sững những bức tường vàng đồ sộ. Tôi trông lên tòa nhà. Tôi không có cảm tưởng gì về nhà đó. Ngày trước có khi tôi đã đưa khách tới kề những bậc thềm nhà cao ấy, song tôi chưa được bước chân vào nơi sang trọng này bao giờ. Nhưng rồi tôi yên tâm hơn. Có người đứng cạnh tôi. Hơi ấm con người với con người cho tôi thấy sự sống, cho tôi thấy thật có người ở trước mặt tôi.
Anh bộ đội giải phóng đưa tôi vào khách sạn.
Tôi lần đi khắp tầng nhà dưới. Cửa buồng đóng im ỉm, mà như ở trong có người. Tôi nghe tiếng đụng đậy. Rõ ràng tiếng đụng đậy, lào xào. Tiếng gió quẩn chân người bước, không phải tiếng chuột chạy, tiếng chuột gặm. Phải rồi. Có khi anh giải phóng không biết. Mình chả vừa nói ngoài đường người đi nhiều lắm anh có trông thấy không. Anh ấy nói làm gì có, rồi lại cười.
Cả tầng một, tầng hai đầy tiếng lào thào bên trong những cánh cửa. Có lẽ đấy là những người chết đương sốt ruột vì chưa ai mở cửa cho đi ra được. Có lẽ.
Tôi lên tầng ba. Buồng số... Buồng số... Cánh cửa buồng số 5 mở hé. Tôi đẩy khẽ, bước vào. Căn buồng tường vôi trắng, xinh xắn. Cửa sổ trông xuống sân trước mênh mông vườn cây. Một giàn hoa ti-gôn đỏ dịu. Một cây đề cổ thụ, vòm lá xanh nõn óng ánh từng chiếc bên cửa.
Trong buồng, một cái giường kê sát tường. Tôi trông thấy trên giường có một cái xác, mặt xám ngắt, ngực và chân máu đọng trên quần áo và máu đen còn tím cả từng đám trên tường[1].
Tôi rụt rè hỏi:
- Ông là ai?
Cái xác dõng dạc trả lời:
- Tôi, Mai-cơn Can-oen, bốn mươi bảy tuổi, Giáo sư Kinh tế phương Đông, trường Đại học Luân Đôn.
- À, ông là nhà báo Anh.
- Phải, giáo sư Mai-cơn Can-oen là tôi. Pôn Pốt bắn tôi đúng nửa đêm, giờ cuối cùng của ngày 23 vừa rồi.
Cái xác bỗng khóc hu hu.
- Trời ơi! Nếu không, thì sáng hôm sau tôi đã về Luân Đôn, thành phố của tôi.
Cái xác vẫn nức nở.
Tôi hỏi:
- Tại sao người ta mời ông đến làm khách rồi lại bắn ông?
- Giản dị quá. Chỉ vì hai câu nói thôi. Câu thứ nhất. Họ chỉ cho tôi cánh đồng và bảo rằng đến mùa gặt, các công xã vừa gặt vừa hát. Tôi cãi: “Cánh đồng ngập máu, ca hát làm sao được”[2]. Câu thứ hai là câu của tôi. Tôi đi qua cánh đồng, tôi hỏi: “Đâu rồi, những người lính của các ông thường giải nông dân ra đồng làm?”[3]
Cái xác nhà báo Anh lại khóc, tiếng nức nở vang động.
Tiếng khóc của ông ấy khiến tôi nhớ vợ tôi. Tha Ra của tôi, thằng Nu Xom con tôi. Tôi không thể nghỉ ở đây với một người chết nằm khóc vì bị giết vào đêm sau cùng, trước khi được rời Phnôm Pênh. Vả lại, đây là khách sạn, đây không phải nhà tôi.
Tôi cứ nhìn cái xác ông nhà báo Anh một cách thương hại. Đây không phải nhà tôi. Mà đây cũng không phải nhà ông ta, nhà ông ta tận Luân Đôn kia.
- Sao ông không về Luân Đôn? Bây giờ không còn chúng nó ở đây nữa đâu.
- Tôi không đi được.
- Tại sao?
- Cả hai chân tôi bị bắn gãy rồi.
Rồi ông lại kể:
- Đến nỗi chỉ một việc nhỏ trong phòng này tôi cũng không làm được. Chúng nó đã vào ăn cắp hết đồ đạc của tôi mà tôi đành chịu. Ông xem hộ trong ngăn kéo còn gì của tôi không?
Tôi lục tủ. Không còn gì. Trong ngăn ở cái bàn đầu giường có tập báo cáo in rô-nê-ô của Pôn Pốt. Nhấc tờ giấy lên, thấy lăn ra cái bàn chải răng cán nhựa đỏ có chữ Zeep vàng chóe. Chắc bàn chải này ông nhà báo mua nó ở Luân Đôn trước chuyến đi Cam-pu-chia. Cái bàn chải để dưới mấy tờ giấy báo cáo. Chúng nó lấy đồ đạc của ông mà không biết còn chiếc bàn chải lọt dưới tờ giấy.
- Cái bàn chải răng ấy của tôi! Xin ông cứ giữ, tôi biếu ông làm kỷ niệm, ông cầm lấy, ai hàng ngày cùng phải có cái bàn chải đánh răng. Chúng ta còn gì nữa đâu.
Ông nhà báo Anh nói làm tôi mủi lòng, ừ, quả thực tôi cũng có còn gì đâu. Ông ấy cũng chẳng còn gì nữa. Tôi cầm chiếc bàn chải răng, tôi lẩm nhẩm cám ơn ông rồi tôi lập cập đi ra. Tôi mệt lả người, nhưng tôi không dám nghỉ lại. Nghỉ lại đây, tôi sẽ chết mất. Tôi lại đi, tôi còn phải đi về nhà tôi. Tôi phải về với vợ con tôi.
o O o
Thành phố ngổn ngang người đi mà cứ chập chờn thành phố không người. Mà cũng không phải cái bóng. Nó là cái gì không có thật. Nó là ma hay sao?
Ở một chỗ nào có khói lên. Khói dọn vệ sinh thành phố hay là thành phố bấy lâu không có người ở, mạng nhện đã chăng lên một tấm màn bao da, nhìn tường khói trước mặt? Chỉ có những con nhện đu đưa là có thật. Những con nhện sống. Xa xa, nghe tiếng chim tu hú. Con tu hú đương gọi nắng mùa hè. Những con tu hú còn sống. Chúng nó giết hết người, nhưng những con chim trên trời chúng nó không với tay lên giết hết được.
Không biết thật là khói hay là mạng nhện phủ lên thành phố. Tôi lần mò xuống vùng ngoại ô phía Nam. Thành phố này tôi thuộc như lòng bàn tay tôi. Chỉ nghe gió sông thổi lên mặt, gió tràn đầy mặt mũi tôi, cũng biết được mình đương đi tới chỗ nào. Gió nhẹ nhẹ, ấy là có bóng dãy phố chắn đằng kìa. Tháp chùa trên đồi Pênh che mất một quãng gió sông vào giữa thành phố.Đến ngã tư ngã năm thảnh thơi, làn gió lại ùa thênh thang khắp người, mát từ bàn chân trở lên. Mẹ tôi sinh ra tôi bên kia cầu Mô-ni-vông. Từ lúc biết đi kiếm miếng ăn nuôi thân, tôi đã quảy rượu thốt nốt bán rong khắp các ngõ phố.
Tiếng cuốc kêu khắc khoải. Những con cuốc cũng còn sống. Tôi nhớ phía bãi sậy bên bờ sông, vào mùa hạ, cuốc ra ăn đàn. Nó kêu ra rả đến tối khuya. Nhưng ngày trước, phải đi gần đến nơi mới nghe được, vì những tiếng ồn ào thành phố. Bây giờ đâu cũng im như cánh đồng giữa trưa. Ở chân đồi trung tâm Phnôm Pênh mà cũng nghe bìm bịp kêu gọi con nước.
Có tiếng cuốc, thế là đã đến đám sậy bờ sông gần nhà tôi.
Tôi đã trông thấy nhà tôi trong lùm lá cây ổi, lá ổi mùa này xơ xác. Quãng sông đến chỗ ấy có một cụm nhà sàn mọc trên mặt nước. Nhà tôi ở trên bờ, như cái phố dưới nước vắt mẩu đuôi lên cạn, chỗ đầu ngã năm bên này cầu.
Thành phố Phnôm Pênh bờ sông, trên sông có những phố mặt nước quanh co trong dãy nhà sàn, ban đêm thật kỳ lạ. Người chơi bời xuống những tiệm ăn rực rỡ như cái kiệu hoa trên mặt nước. Tôi đã ghếch xe đón khách chơi về gần sáng. Bây giờ, trông ra tiệm nhảy “Trăng sáng” vẫn còn hình cái bè nhấp nhô. Tầng lầu đã đâu mất. Trên bè chập chờn mặt nước thấy thấp thoáng bóng người. Ôi, lại những bóng người chết nhớ nơi ăn chốn chơi đã về nhảy nhót ngoài ấy.
Quanh các phố mặt nước, đêm đêm là hội đèn, những chiếc thuyền nhỏ lách ngõ này sang ngõ khác, vòng vèo theo ánh đèn như sao sa. Thuyền chè khoai, thuyền bún sáo, chim nướng, cá nướng, thuyền hủ tíu... Một chiếc thuyền nhô ra trong ánh đèn. Người đàn bà và đứa con nằm ngủ bình yên giữa sạp thuyền. Anh chài buông chèo lấy lưới quăng. Được mỗi mẻ cá, bán ngay cho những nhà trên bè, đèn sáng lấp lánh cửa sổ mặt nước.
Bây giờ chỉ còn những cái cọc sàn. Cả dãy phố bị đốt, đen sì những hàng cột nhà cháy dở.
Tôi đã đứng trước cửa nhà. Cái nhà tôi, đích là nhà tôi, nhà tôi mờ mờ trong làn khói xanh. Rồi tôi lại ngỡ không phải. Tôi ngỡ chiêm bao. Nhưng rồi tôi bước vào, gan bàn chân mát hơi những hòn đá quen thuộc, tôi biết thật nhà tôi đây rồi. Cây roi, cây ổi sân nhà, từng chùm roi rụng đỏ quanh gốc cây. Quả ổi chín vàng. Những cành ổi nặng quả bao nhiêu giờ lá cũng xơ xác. Tôi nhìn quen mắt như thế, nhiều mùa đã qua. Bây giờ cũng thế. Tôi không cần nhìn cũng đi qua được hẻm nách nhà, trong ấy có một chiếc chum đại đựng nước mưa hứng ở mái nhà. Sợi dây ống cao su đỏ kéo nước trong chum vào bếp vẫn vắt đấy, cả cái chậu nhựa xanh gài thành chum, nguyên thế.
Vẫn tất cả mà sao lại ngờ ngợ. Tôi nhận ra những đám cỏ. Chỉ có những đám cỏ là mới. Ngày trước, vườn không có cỏ. Bây giờ cỏ ken đầy mặt đất. Cỏ vờn khắp sân, lên cây, lên tường, lên mái nhà. Phải trông qua những làn cỏ xanh như khói mới thấy ra được nhà tôi.
Cỏ cao quá, cứng quá, tôi không còn sức rẽ cỏ ra được, tôi như con chồn, tôi bò vào trước hiên nhà. Tôi trông lên, sợi dây điện phơi áo chăng ngang hiên, vẫn còn cái khăn mặt của tôi và cái mũ xanh đỏ của thẳng Nu Xom phơi trên dây từ bốn năm trước.
Chiếc xích lô của tôi bên canh bậc cửa. Nửa vành bánh vẫn chôm ghếch nguyên như hôm tôi định đạp xe đưa mẹ đi. Bây giờ nhìn cái xe dưới mái hiên vẫn hệt thế, tôi bỗng có cảm tưởng mình mới chỉ đi lúc nãy.
Mẹ tôi ủ rũ ngồi trên đệm xe. Cái váy gấu nâu xám, vai vắt chiếc khăn rằn. Mẹ tôi ngồi đợi chúng tôi từ ngày ấy.
Tôi gọi:
- Mẹ ơi. Con đã về!
Mẹ tôi không nói gì. Mẹ tôi vẫn ngồi như thế. Tôi trông thấy hai bàn tay mẹ tôi, hai bàn chân mẹ tôi và mặt mẹ tôi đen như miếng than củi đước. Mẹ tôi ngồi chết khô đấy từ bốn năm nay.
Tôi lại gọi:
- Mẹ ơi!
Mẹ tôi vẫn chẳng nói gì cả.
Tôi ngồi xuống cái sàn xe, tựa vào đôi chân bé bỏng của mẹ tôi, đôi chân quắt như ống sậy và cũng chẳng có mùi gì. Tôi khóc.
Tôi ngồi khóc một lúc lâu. Đến khi ngẩng đầu lên, trông thấy một người đương vạch cỏ, bước vào. Người đàn bà váy đen áo đen, cũng như trăm nghìn người đàn bà tôi gặp ngoài đường. Nhưng tôi nhận ngay ra người ấy là vợ tôi. Chỉ dáng người thôi, tôi đã biết Tha Ra, rõ Tha Ra. Bao nhiêu ngày đêm rồi, tôi nằm mê. Tha Ra, Tha Ra. Nhưng rồi tôi lại quáng mắt hay sao. Phải Tha Ra hay mới chỉ là cái bóng Tha Ra ngả vào trước, còn Tha Ra sắp vào, hay là Tha Ra còn ở chiêm bao?
Tôi ôm hai vai Tha Ra. Cái bóng Tha Ra, tôi cũng ôm cái bóng ấy. Phải đâu Tha Ra. Nét mặt thoang thoáng, nhưng giống lắm, nhưng không phải. Hai vai tôi, vai Tha Ra khúc khuỷu như hai cái cọc lồ ô. Tha Ra của tôi, vai Tha Ra của tôi ngày xưa không phải thế. Ôi, em ơi, có phải là bộ xương của em tìm về nhà, cũng như bộ xương của mẹ ngồi đã bốn năm ở đầu hè đợi các con?
Tôi lại ứa nước mắt.
Tha Ra nắm cánh tay tôi. Tha Ra hỏi tôi một câu cũng hệt ý nghĩ của tôi.
- Có phải Nu Xuông không? Phải anh Nu Xuông của em không?
Tôi im lặng.
- Con chúng ta đâu?
- Nu Xom chết rồi.
- Con chết bao giờ?
- Bốn năm rồi.
- Ở đâu?
- Ở rừng Stung Treng.
Chúng mình đi gọi con về chứ. Bốn năm rồi, thế là năm nay Nu Xom lên mười, đi học được rồi - tôi nghĩ thế.
- Làm sao người chết còn sống lại?
- Tha Ra có thấy người đương đi đầy đường ngoài kia không?
Tha Ra nhìn ra rồi lắc đầu.
Tha Ra không nhìn thấy. Tôi thấy bao nhiêu người mà Tha Ra không trông thấy gì. Không, không, Tha Ra là người, là ma, Tha Ra vẫn là Tha Ra.
Tôi bảo em ra chum lấy nước rửa mặt. Tha Ra với tay nhấc khăn mặt vắt trên dây, dáng tay nhẹ như mọi khi em vẫn rút khăn mặt như thế.
Tha Ra thả cái khăn mặt xuống chậu nhựa. Chiếc khăn như bột tan chảy mủn trong nước.
- Thôi, chúng mình rửa mặt bằng tay vậy.
Tôi sờ tay vào túi, đụng cái bàn chải răng của ông nhà báo Anh cho lúc nãy.
- Có phải bàn chải mình đánh răng đây?
Tha Ra ngước mặt lên. Răng Tha Ra trắng rợn, như con mắt và hàm răng trắng nhởn lúc nãy. Sao răng người mà trắng đến thế!
Tha Ra cầm bàn chải và đánh răng. Tha Ra nhấc bàn chải trong miệng ra, thấy máu ứa ra trên mặt bàn chải. Máu ở bàn chải của ông nhà báo Anh hay máu miệng Tha Ra?
Tôi cầm bàn chải ấy rồi tôi đánh răng tôi. Máu trong miệng tôi cũng nhỏ ra từng giọt đỏ tươi xuống chậu nước. Em ơi, máu em, máu tôi, máu con tôi, máu mẹ tôi hay máu ông nhà báo Mai-cơn Can-oen bị bắn chết ở phóng số 5 khách sạn Hoàng Gia? Mắt tôi mờ đi, tôi ngước lên. Thấy gì đâu. Tha Ra đâu? Con đâu? Tôi đâu, tôi đâu? Thành phố của tôi đâu?
[1] “Cái chết của Mai-cơn Can-oen ở Phnôm Pênh” - Bài của E-li-da-bét Bếch-cơ đăng trên báo“Bưu điện Hoa Thịnh Đốn”, 25 tháng 12 năm 1978.
[2] Những câu của M.Can-oen nói. Theo bài báo của E.Bếch-cơ.
[3] Những câu của M.Can-oen nói. Theo bài báo của E.Bếch-cơ.
Kí Ức Đông Dương Kí Ức Đông Dương - Tô Hoài Kí Ức Đông Dương