Love, like a mountain-wind upon an oak, falling upon me, shakes me leaf and bough.

Sappho

 
 
 
 
 
Tác giả: Dave Pelzer
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: hoang viet
Số chương: 10
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3276 / 55
Cập nhật: 2017-04-04 13:32:27 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3 - Đứa Trẻ Hư Hỏng
ối quan hệ giữa mẹ và tôi dần trở nên xấu đi. Từ việc áp dụng những hình thức kỷ luật mang tính răn đe, mẹ bắt đầu đối xử với tôi ngày càng cay nghiệt hơn. Thậm chí, nhiều lần mẹ đánh đập tôi thẳng tay đến nỗi tôi không còn sức lết đi chỗ khác để tránh đòn.
Từ khi tôi còn nhỏ, giọng nói của tôi dường như đã khác hẳn so với những đứa trẻ khác. Tôi cũng không may mắn khi cứ bị mẹ bắt quả tang và buộc tội là kẻ đầu tiêu trong khi cả ba anh em chúng tôi cùng góp phần gây ra những trò đùa tai quái. Thời gian đầu, tôi bị phạt phải đứng ở góc phòng ngủ của mình trong nhiều giờ liền. Lúc đó, tôi bắt đầu sợ mẹ. Rất sợ. Tôi không bao giờ dám xin mẹ cho ra ngoài chơi. Tôi cứ ở đó và chờ cho đến khi em trai tôi vào phòng, tôi sẽ bảo nó ra ngoài xin mẹ hộ tôi.
Cũng từ dạo đó, cách cư xử của mẹ tôi bắt đầu thay đỏi hoàn toàn. Những khi cha đi làm, cả ngày mẹ chỉ ở nhà, mặc mỗi một chiếc áo ngủ nhăn nhúm và nằm dài trên trường kỷ xem tivi. Chỉ khi nào mẹ cần vào nhà tắm, muốn lấy thêm rượu hay hâm lại thức ăn thừa thì mẹ mới ngồi dậy. Mỗi khi mẹ quát mắng chúng tôi, giọng bà lại sang sảng và the thé như mụ phù thủy độc ác tôi vẫn thường xem trên tivi. Ít lâu sau, chẳng hiểu sao chỉ cần nghe tiếng mẹ, tôi lại cảm thấy lạnh xương sống và rợn cả người. Thậm chí khi mẹ quát tháo Ron và Stan thì tôi cũng nhanh nhanh tìm đường trốn về phòng mình, chỉ mong sao mẹ mau chóng quay lại ghế trường kỷ, uống rượu và xem tivi. Dần dần, chỉ cần nhìn qua cách ăn mặc của bà, tôi có thể đoán được ngày hôm đó của tôi sẽ như thế nào. Tôi sẽ thở phào nhẹ nhõm khi thấy mẹ ra khỏi phòng mà ăn mặc thật đẹp và trang điểm thật kỹ. Những ngày này, mẹ luôn ra khỏi nhà với nụ cười rất tươi.
Rồi đến một ngày nọ, khi cảm thấy hình phạt “đứng ở góc phòng” không còn hiệu quả nữa, thế là mẹ chuyển sang áp dụng “hình phạt gương soi”. Lúc đầu, tôi không nghĩ mẹ dùng cách ấy để trừng phạt tôi. Mẹ thường túm lấy tôi, dí sát mặt tôi vào gương, di di khuôn mặt nhòe nhoẹt nước mắt của tôi trên bề mặt bóng loáng của tấm gương treo trên tường, rồi bà ép tôi lặp đi lặp lại câu: “Tôi là một đứa hư hỏng. Tôi là một đứa hư hỏng. Tôi là một đứa hư hỏng”.
Rồi tôi bị bắt phải đứng yên đó, mắt dán vào gương. Tôi cứ đứng như vậy, hai tay ép sát vào thân người, thỉnh thoảng tôi lén mẹ đung đưa qua lại cho đỡ mỏi. Những lúc ấy, tôi rất lo sợ khi nghĩ đến lúc bắt đầu chương trình quảng cáo yêu thích của mẹ trên tivi. Bởi ngay lúc ấy mẹ sẽ chạy xuống để xem tôi có còn nhìn vào gương hay không và mắng vào mặt tôi rằng tôi là một đứa bệnh hoạn Mỗi khi Ron hay Stan vào phòng trong lúc tôi đang chịu phạt, họ chỉ biết nhìn tôi trân trân, nhún vai hờ hững rôi lại tiếp tục chơi đùa, cứ như chẳng hề có mặt tôi ở đó vậy. Lúc đầu, tôi còn ganh tị và cảm thấy hơi giận họ, nhưng rồi tôi cũng nghiệm ra rằng họ có thái độ như vậy cũng chỉ vì muốn tự bảo vệ mình khỏi những trận đòn xé da xé thịt của mẹ mà thôi.
Những khi cha tôi vắng nhà, mẹ thường quát tháo, la mắng buộc anh em tôi lục tung nhà cửa lên để tìm vài món đồ mà mẹ đã để lạc. Những cuộc tìm kiếm như thế thường bắt đầu từ buổi sáng và kéo dài nhiều giờ liền. Được một lúc, mẹ lại bắt tôi phải xuống nhà xe ở tầng hầm để tìm tiếp. Ngay cả khi đã ở dưới đó, tôi cũng phải co rúm người lại khi nghe thấy tiếng mẹ quát tháo Ron và Stan.
Những cuộc tìm kiếm cứ thế diễn ra liên tục trong nhiều tháng, nhưng rồi cuối cùng, tôi trở thành chiến binh đơn độc tiếp tục cuộc tìm kiếm những món đồ cho mẹ. Một lần, chẳng hiểu sao tôi lại quên mất mình đang tìm thứ gì. Khi tôi rụt rè lại gần hỏi lại xem mẹ đang cần tôi tìm thứ gì, mẹ liền thẳng tay giáng vào mặt tôi một cái nảy lửa. Lúc đó, mẹ vẫn nằm dài trên trường kỷ, mắt không rời màn hình tivi. Mũi tôi tứa máu, đau, tôi bật khóc. Tiện tay, mẹ vơ lấy một mảnh khăn ăn trên bàn, xé một miếng rồi nhét vào mũi tôi.
- Mày biết rõ là mày phải tìm cái quái gì mà. - Mẹ trừng mắt quát - Đi tìm ngay cho tao!
Tôi vội vã chạy ngược về phía tầng hầm, cố tạo nên thật nhiều tiếng ồn để mẹ tin rằng tôi đang cuống cuồng tuân theo mệnh lệnh của bà. Kể từ khi việc tìm đồc ho mẹ trở nên quá quen thuộc, tôi bắt đầu mơ tưởng viễn vông đến việc một ngày nào đó mình sẽ tìm ra những đồ vật bị thất lạc của mẹ. Tôi tưởng tượng cảnh mình đứng trên gác, tay đưa cao chiến lợi phẩm và mẹ sẽ ôm hôn chúc mừng tôi. Trong giấc mơ ấy, tôi còn thấy hình ảnh gia đình mình sống đầm ấm và hạnh phúc bên nhau. Nhưng rồi sau đó tôi như người bừng tỉnh cơn mê, hốt hoảng và hoang mang khi nhận ra sự thật đau lòng là mình chẳng bao giờ tìm được món đồ thất lạc nào của mẹ cả. Còn mẹ thì luôn đay nghiến và xéo xắt rằng tôi chỉ là một kẻ bất tài vô dụng.
Từ dạo ấy, tôi đã nhận thấy rằng khi có cha ở nhà, mẹ hoàn toàn khác hẳn so với những lúc cha đi vắng. Mẹ chăm chút đầu tóc gọn gàng hơn, mặc những bộ quần áo thẳng thớm và đẹp hơn; những lúc ấy, trông mẹ mới thoải mái và tươi tắn làm sao. Tôi rất thích những ngày có cha ở nhà, bởi những ngày ấy sẽ không có cảnh đánh đập, cũng không có hình phạt soi gương hay những cuộc tìm kiếm mệt mỏi những món đồ bị thất lạc. Cha đã trở thành thần hộ mệnh của tôi. Hễ thấy cha đi xuống nhà xe làm việc là tôi liền lẽo đẽo theo sau. Khi cha ngồi trên chiếc ghế bành yêu thích của ông để đọc báo, thì tôi cũng sẽ ngồi nagy dưới chân ông. Sau buổi cơm chiều, ba anh em tôi dọn chén bát xuống, cha sẽ là người rửa, còn tôi đứng kế bên lau khô và úp chúng lên. Tôi biết rằng chỉ cần tôi được ở bên cạnh cha thì tôi sẽ tránh được những trận đòn roi của mẹ.
Một ngày nọ trước khi cha đi làm, tôi bõng cảm nhận một cú sốc khủng khiếp. Sau khi chào tạm biệt Ron và Stan, ông quỳ xuống giữ chặt vai tôi và nói rằng tôi hãy là một “cậu bé ngoan”. Lúc ấy mẹ đang đứng sau lưng cha, hai tay bà khoanh trước ngực, miệng nở một nụ cười nham hiểm. Tôi nhìn vào mắt cha, và ngay lúc đó tôi biết rằng trong mắt mọi người, tôi chỉ là một thằng bé hư hỏng. Tôi rùng mình. Tôi muốn giữ chặt lấy cha và không để ông đi, nhưng tôi chưa kịp ôm lấy cha thì ông đã đứng bật dậy, quay lưng và bước nhanh ra cửa, không nói thêm một lời nào nữa cả.
Sau hôm đó, tình hình giữa mẹ và tôi dường như cũng lắng dịu. Mỗi khi cha ở nhà, ba anh em tôi cùng chơi đùa trong phòng hoặc ngoài sân đến khoảng ba giờ chiều mỗi ngày. Sau đó, mẹ sẽ mở tivi để cả ba anh em xem phim hoạt hình. Đối với cha mẹ, thời gian lúc ba giờ chiều là “khoảnh khắc hạnh phúc”. Những lúc ấy, cha sẽ lấy rượu, cắt chanh thành từng lát mỏng đặt vào một cái tô nhỏ rồi lấy hũ sơ ri mang lên bàn ăn. Cha mẹ thường bắt đầu uống rượu từ giữa trưa cho đến tận lúc ba anh em tôi lên giường ngủ. Rồi họ cùng nhau khiêu vũ khắp nhà bếp trong tiếng nhạc phát ra từ chiếc radio. Họ ôm nhau thật chặt, khuôn mặt cả hai rạng ngời hạnh phúc. Trong giây phút ấy, tôi cứ nghĩ rằng thế là mình có thể chôn vùi những ngày tồi tệ đã qua. Nhưng tôi đã lầm. Những ngày tồi tệ bây giờ mới thật sự bắt đầu.
Sau đó một hoặc hai tháng, vào một ngày Chủ nhật nọ, trong lúc cha vắng nhà, mấy anh em tôi đang chơi trong phòng thì nghe thấy tiếng mẹ chạy từ trên nhà xuống, miệng la hét réo tên chúng tôi. Ron và Stan vội chạy đi tìm chỗ nấp trong phòng khách, còn tôi chỉ biết ngồi chết sững trên ghế. Mẹ giơ cao hai cánh tay thẳng về phía trước và xồng xộc lao về phía tôi. Khi mẹ sấn lại gần, tôi giật hốt hoảng lùi ghế lại, đến khi chạm phải bức tường phía sau lưng thì người tôi co rúm, cứng đờ, miệng ú ớ như con chó con bị dồn vào chân tường. Đôi mắt mẹ đỏ ngầu, đờ đẫn, còn hơi thở thì nồng nặc mùi rượu. Tôi nhắm nghiền mắt, rụt người đón những cú đánh tới tấp mẹ nện xuống người. Tôi cố dùng tay đỡ những cái tát xối xả vào mặt, nhưng mẹ gạt tay tôi sang một bên rồi liên tục thụi vào mặt, vào người tôi. Khi mẹ dùng hết sức để túm lấy cánh tay của tôi, bà mất thăng bằng và lảo đảo lùi về phía sau một bước. Trong lúc mẹ chới với quơ tay để lấy lại thăng bằng, tôi nghe thấy một tiếng “bốp” rõ to và một cảm giác đau đớn khủng khiếp lan nhanh khắp vai và tay tôi. Thoáng sững sờ trên gương mặt mẹ cho tôi biết bà cũng nghe thấy âm thanh đó. Nhưng bà chỉ buông tay tôi ra, rồi quay phắt đi như thể chẳng có chuyện gì xảy ra. Tôi nâng cánh tay của mình lên, cảm giác đau đớn đến tê liệt. Tôi chưa kịp xem tay mình bị thế nào thì mẹ đã gọi tôi lên ăn tối.
Tôi ngồi bệt xuống bên khay thức ăn của mình và cố nuốt lấy miếng cơm. Khi tính với tay lấy ly sữa, cánh tay trái của tôi không thể nhúc nhích. Những ngón tay vẫn ngọ ngoạy theo sự điều khiển của tôi, nhưng cánh tay thì tê liệt như đã chết. Tôi nhìn mẹ như van lơn. Bà ấy vẫn cứ lờ tôi đi. Tôi biết có điều gì đó rất nghiêm trọng đã xảy ra với cánh tay của mình, nhưng tôi lại quá sợ hãi đến nỗi chẳng thốt được nên lời. Tôi chỉ biết ngồi đó, mắt liếc nhìn khay thức ăn. Sau cùng, mẹ cũng lên tiếng xin lỗi tôi và cho tôi đi ngủ sớm. Mẹ bảo tôi leo lên tầng trên cùng của chiếc giường mà nằm. Điều này thật bất thường vì từ trước tối giờ tôi chỉ ngủ ở tầng dưới cùng mà thôi. Phải đến gần sáng tôi mới có thể thiếp đi trong tư thế tay phải ôm lấy cánh tay trái nhức buốt.
Tôi ngủ chưa được bao lâu thì mẹ gọi tôi dậy, bà nói rằng đêm qua tôi đã lăn ngã xuống giường. Bà làm ra vẻ rất lo lắng cho tôi và lái xe đưa tôi đến bệnh viện. Khi bà nói với bác sĩ rằng tôi bị ngã từ trên giường tầng xuống, tôi nhìn vào mắt ông và hiểu ông không tin vào những lời mẹ tôi nói. Ông biết cánh tay tôi không phải bị gãy do tai nạn. Một lần nữa, tôi vì quá sợ nên không dám nói lên sự thật. Lúc về nhà, mẹ thậm chí còn vẽ nên một câu chuyện cực kỳ xúc động khi kể lại với cha. Trong kịch bản mới này, mẹ còn thêm vào chi tiết là bà đã cố hết sức để đỡ lấy tôi trước khi tôi rớt xuống sàn nhà. Ngồi trong lòng mẹ, lắng nghe câu chuyện bịa đật của bà, tôi đã nghĩ rằng bà bị bệnh. Nhưng nỗi sợ hãi trong tôi đã giữ cho tai nạn kia mãi là một bí mật giữa tôi và mẹ. Tôi hiểu rằng, nếu tôi hé răng nói với ai về chuyện đã xảy ra, “tai nạn” kế tiếp sẽ còn tồi tệ hơn.
Trường học chính là nơi ẩn náu bình yên của tôi. Tôi thật sự vui sướng khi được thoát khỏi mẹ. Giờ giải lao, tôi là một người tự do. Tôi chạy nhảy như con chim non dọc ngang khắp sân trường, tìm kiếm những trò chơi kỳ thú và mới mẻ. Tôi dễ dàng kết bạn với mọi người và cảm thấy vui vẻ vô cùng khi ở trường. Một ngày cuối xuân nọ, khi tôi vừa đi học về, mẹ lại ném tôi vào phòng của bà. Mẹ mắng xối xả vào mặt tôi, bảo rằng tôi phải học lại lớp một vì tôi là một đứa hư hỏng. Tôi không hiểu gì cả. Tôi nhớ là mình có nhiều bài kiểm tra điểm cao hơn bất kỳ bạn bè nào trong lớp. Tôi vâng lời cô giáo và cảm thấy cô ấy cũng rất quý mến tôi. Nhưng mẹ vẫn tiếp tục gào rống lên rằng tôi đã làm cho gia đình xấu hổ và tôi sẽ bị phạt thật nặng. Bà cấm tôi không bao giờ được xem tivi nữa. Tôi cũng sẽ không được ăn bữa tối và phải làm bất cứ việc vặt nào trong nhà mà mẹ có thể nghĩ ra. Mẹ tát tôi thêm một cái rõ đâu rồi tống tôi xuống nhà xe, bắt tôi đứng đó cho đến khi bà cho phép đi ngủ mới thôi.
Mùa hè năm ấy, trên đường cả nhà đi cắm trại, mẹ bỏ tôi lại ở nhà dì Josie mà không một lời báo trước. Chẳng ai nói với tôi về điều này cả, và tôi cũng không hiểu tại sao mình lại bị đối xử như vậy. Tôi cảm nhận rõ cảm giác tủi thân của một kẻ bị hắt hủi và ruồng bỏ khi chiếc xe tải nhỏ chở cả nhà tiếp tục lăn bánh, để lại mình tôi bơ vơ phía sau. Tôi cảm thấy vô cùng buồn bã và lạc lõng. Thế là tôi đã cố trốn khỏi nhà dì. Tôi muốn đi tìm gia đình của mình. Và thật khó hiểu, tôi muốn được ở bên cạnh me. Tôi đi chẳng được bao xa thì dì tôi đã thông báo với mẹ về việc tôi bỏ trốn. Và thế là vào ngày hôm sau khi cha tôi đi làm cả ngày, tôi đã phải trả giá cho tội lỗi đó của mình. Mẹ đánh, đấm và đá vào người tôi cho đến khi tôi quỵ ngã xuống sàn nhà. Tôi đã cố nói với mẹ rằng tôi bỏ trốn khỏi nhà dì chỉ vì tôi muốn ở cạnh mẹ và gia đình. Tôi đã cố nói với mẹ rằng tôi nhớ bà ấy, nhưng mẹ cấm tôi không được nói nữa. Khi tôi cố nói hết những suy nghĩ trong lòng mình thì ngay lập tức mẹ xông vào nhà tắm, vồ lấy một cục xà phòng và tộng thẳng nó vào miệng tôi. Từ đó, tôi không được phép mở miệng nói bất cứ điều gì khi mẹ chưa cho phép.
Học lại lớp một quả là một niềm vui đôi với tôi. Tôi đã thuộc làu các bài học vỡ lòng và nghiễm nhiên tôi trở thành học sinh giỏi nhất lớp. Từ khi ở lại lớp, tôi trở thành bạn học của Stan - em trai mình. Giờ giải lao, tôi lại chạy sang lớp Stan rủ nó đi chơi. Ở trường, chúng tôi là hai đứa bạn thân, nhưng khi ở nhà, cả hai đều hiểu rằng tôi không được mẹ thừa nhận.
Một ngày nọ, tôi chạy về nhà để khoe mẹ một bài kiểm tra tôi đạt được điểm cao. Tôi chưa kịp mở miệng, mẹ đã ném tôi vào phòng của bà, miệng không ngừng la hét về một lá thư mà bà nhận được từ Bắc Cực. Bà khẳng định lá thư ấy nói rằng tôi là một “đứa bé hư” và Ông già Noel sẽ không tặng bất kỳ món quà Giáng sinh nào cho tôi cả. Mẹ cứ thế nổi giận đùng đùng và luôn miệng mắng rằng tôi lại làm cho gia đình xấu hổ. Tôi đứng sững như trời trồng, mặc cho những lời xỉa xói của mẹ cứ ong ỏng không dứt bên tai. Tôi có cảm giác như mình đang sống trong một cơn ác mộng do chính mẹ tạo nên, và tôi ước sao mẹ hãy mau chóng tỉnh lại. Giáng sinh năm đó, trong những gói quà rực rỡ sắc màu dưới gốc cây thông, chỉ có hai món quà dành cho tôi. Chúng được những người bà con xa của tôi gửi đến, chứ không phải của những người thân sát bên cạnh tôi. Vào buổi sáng ngày lễ Giáng sinh, Stan đánh liều hỏi mẹ tại sao Ông già Noel chỉ tặng cho tôi hai bức tranh vẽ mấy con số. Mẹ liền giảng giải cho nó nghe:
- Ông già Noel chỉ tặng quà cho những đứa trẻ ngoan.
Tôi lén nhìn Stan, bắt gặp ánh mắt nghi hoặc của no khi nhìn mẹ. Một nỗi buồn thoáng hiện trong mắt nó, và tôi tin rằng nó thừa biết những trò quái đản của mẹ. Vì còn đang trong thời gian chịu phạt nên trong ngày lễ Giáng sinh, tôi không được mặc quần áo đẹp mà chỉ mặc bộ đồ tôi vẫn thường mặc khi ở nhà, và tôi vẫn phải làm việc nhà như thường lệ. Trong khi đang lau chùi nhà tắm, tôi nghe lỏm được cuộc cãi vã giữa cha và mẹ. Mẹ giận dữ với cha vì bà cho rằng ông đã lén mua cho tôi mấy món quà đó. Mẹ nói rằng bà vẫn là người chịu trách nhiệm quản giáo “thằng bé” và rằng ông làm như thế là đã làm mất đi quyền uy của bà. Cha càng thanh minh thì mẹ càng trở nên giận dữ. Tôi biết ông đã thua trong cuộc tranh cãi đó, và tôi cũng biết mình đang ngày càng trở nên cô độc hơn.
Vài tháng sau đó, mẹ trở thành hội trưởng của nhóm hướng đạo sinh Sói con. Bất cứ khi nào những đứa trẻ khác đến nhà tôi chơi, bà lại đối xử với chúng như những ông hoàng. Vài đứa còn nói với tôi rằng ướng gì mẹ chúng cũng giống như mẹ tôi. Tôi chẳng trả lời, nhưng tôi tự hỏi chúng sẽ nghĩ gì nếu biết được sự thật. Mẹ chỉ giữ vai trò hội trưởng trong vài tháng. Khi bà hết nhiệm kỳ, tôi như được giải thoát vì điều đó có nghĩa là tôi có thể đến nhà của những đứa trẻ khác trong những buổi họp mặt được tổ chức vào mỗi ngày thứ Tư.
Vào một ngày thứ Tư nọ, vừa đi học về, tôi chạy vội đi thay bộ đồng phục hướng đạo sinh để còn kịp qua nhà đứa bạn tham dự buổi họp mặt. Trong nhà chỉ có mẹ và tôi. Vẻ mặt của bà lúc ấy trong rất giận dữ. Sau khi dí mạnh mặt tôi vào tấm gương treo trong phòng ngủ, mẹ xốc nách tôi lên và kéo lê tôi vào trong xe hơi. Suốt đoạn dườngđi đến nhà bà hội trưởng mới, mẹ luôn miệng nói tôi nghe rằng bà sẽ làm gì tôi khi chúng tôi trở về nhà. Ngồi ở ghế trước, tôi cố nếp mình về phía cửa xe để tránh xa mẹ, nhưng vô hiệu. Chốc chốc bà lại chồm ra khỏi ghế, vươn tay chộp lấy cằm tôi, hất mặt tôi về phía bà rồi lại ném vào tôi những tia nhìn hằng học. Đôi mắt mẹ tôi đỏ ngầu, còn giọng nói của bà nghe như thể bà đang bị điều gì đó ám ảnh. Vừa đến nhà bà hội trưởng, tôi vội lao nhanh ra khỏi xe và chạy đến cửa nhà khóc nức nở. Tôi vừa khóc vừa nói với bà hội trưởng rằng tôi là một đứa bé hư hỏng và không thể tham dự buổi họp mặt. Bà hội trưởng mỉm cười lịch sự, bà nói rằng hy vọng tôi sẽ có mặt trong buổi họp mặt lần tới. Nhưng đó là lần cuối cùng tôi được gặp bà.
Về đến nhà, mẹ ra lệnh cho tôi cởi hết quần áo ra và bắt tôi đứng gần cái bếp lò trong nhà bếp. Cả người tôi run rẩy vì vừa sợ vừa xấu hổ. Rồi mẹ bắt đầu nói cho tôi biết tội lỗi của tôi là gì. Mẹ nói rằng bà vẫn thường xuyên lái xe đến trường để xem anh em tôi chơi như thế nào trong giờ nghỉ trưa. Mẹ luận rằng ngày hôm ấy chính mắt bà đã thấy tôi nghịch ngợm trên bãi cỏ trong trường, một điều hoàn toàn bị cấm kỵ trong mớ luật lệ mà bà đặt ra cho tôi. Tôi nhanh nhẩu nói với mẹ rằng tôi không hề chơi trên cỏ. Tôi nghĩ mẹ đã nhầm. Đáp lại lời giải thích ấy là một cú thoi như trời giáng mẹ đấm thẳng vào mặt tôi.
Thế rồi mẹ chồm người bật khóa ga của bếp lò lên. Mẹ nói rằng bà đã từng đọc một bài báo nói về một người mẹ đã trừng phạt con trai mình bằng cách cho nó nằm trên bếp lò đang cháy. Tôi khúm người lại, cảm thấy sợ hãi tột độ. Đầu óc tôi đờ đẫn, còn chân tay thì bủn rủn. Tôi muốn được tan biến đi ngay lập tức. Tôi nhắm nghiền mặt lại, ước gì bà ấy chịu bỏ đi. Đầu óc tôi như tê dại khi mẹ cứ giữ chặt lấy cánh tay tôi:
- Mày đã biến cuộc đời của tao thành địa ngục trần gian! - Mẹ rít qua kẽ răng bằng một giọng cay độc. - Bây giờ là lúc tao cho mày thấy địa ngục là thế nào con ạ.
Mẹ nắm chặt lấy cánh tay tôi hơ trên ngọn lửa màu xanh cam đang phừng phực cháy.
Tôi cảm nhận rõ tay mình như muốn nổ tung vì sức nóng của ngọn lửa. Tôi còn ngửi tháy được mùi lông tay bị cháy xém của mình. Trong cơn hoảng loạn, tôi đã cố hết sức vùng vẫy nhưng vô ích, tôi không cách nào giãy thoát khỏi bàn tay chắc như gọng kìm của mẹ. Cuối cùng, mẹ buông tay và đẩy tôi ngã lăn ra sàn. Tay chân tôi co rúm lại, tôi cố dùng miệng thổi thổi vào cánh tay đang bỏng rát của mình.
- Thật là tệ hại khi thằng cha say xỉn của mày lại không có ở đây để cứu mạng mày nhỉ? - Mẹ rít lên.
Rồi mẹ lệnh cho tôi trèo lên bếp lò mà nằm trên ngọn lửa, để bà tận mắt chứng kiến xem tôi bị đốt cháy như thế nào. Tôi khiếp đảm vừa dậm chân thình thịch xuống sàn vừa khóc lóc van xin mẹ hãy tha cho tôi. Nhưng mẹ vẫn trừng mắt bắt tôi trèo lên cái bếp lò đang phừng phực cháy. Tôi đờ đẫn nhìn ngọ lửa, lòng chỉ mong sao ga trong bình nhanh cạn đi.
Đột nhiên tôi nhận ra rằng, tôi càng kéo dài thời gian tránh xa cái bếp thì cơ hội sống sót của tôi càng cao. Tôi nhớ rằng anh trai Ron của tôi sắp trở về từ buổi họp mặt hướng đạo sinh, và tôi cũng biết rằng mẹ chẳng bao giờ làm những chuyện quái gở như vậy khi có bất cứ ai khác ở nhà. Để sống sót, tôi phải tìm mọi cách để kéo dài thời gian. Tôi liếc nhìn chiếc đồng hồ treo trên tường bếp. Chưa bao giờ tôi cảm thấy cây kim giây lại nhích chậm như thế. Để làm mẹ mất tập trung, tôi bắt đầu hỏi bà những câu hỏi không đầu không đuôi. Điều này lại càng làm bà tức điên lên và lao tới đánh túi bụi vào đầu, vào ngực tôi. Mẹ càng điên tiết đánh tôi, tôi càng nhận ra mình đã thắng! Bị đánh cũng được, miễn là đừng bị nướng trên bếp lò.
Cuối cùng, tôi cũng nghe thấy tiếng mở cửa trước. Là Ron. Tim tôi nức lên nhẹ nhõm. Những mạch máu trên khuôn mặt mẹ như giãn ra. Mẹ hiểu rằng mình đã thua. Bất giác, người bà chợt sững lại. Chớp cơ hội,tôi quơ vội lấy quần áo và chạy biến vào nhà xe để mặc vào. Tôi đứng tựa lưng vào tường và cức thế khóc thút thít cho đến khi tôi nhận ra rằng mình đã đánh bại mẹ. Tôi đã giành lấy được nhưng giây phút ít ỏi quý giá để hạ gục mẹ. Tôi đã sống sót nhờ cái đầu của mình. Lần đầu tiên, tôi đã thắng!
Một mình đứng trong nhà xe tối tăm, ẩm thấp, lần đầu tiên, tôi biết rằng mình có thể sống sót khỏi những trò tai quái của mẹ. Thế là tôi quyết định từ đó về sau, tôi sẽ sử dụng bất cứ mưu mẹo nào mà tôi có thể nghĩ ra để chống lại mẹ hay chí ít là để trì hoãn những hình phạt tàn nhẫn của bà. Tôi biết nếu tôi muốn sống, tôi phải biết nghĩ xa và phải hành động. Tôi không thể khóc lóc như một đứa con nít vô dụng nữa. Để sống sót, tôi không thể nhượng bộ với bà ấy nữa. Ngày hôm ấy, tôi đã thề với lòng mình rằng, tôi không bao giờ, không bao giờ để cho con mụ độc ác ấy được hả hê thỏa mãn khi nghe tôi khóc lóc van xin mụ đừng hành hạ tôi nữa.
Trong cái lạnh của nhà để xe, toàn thân tôi run lên bần bật vì giận dữ và vì nỗi sợ hãi đã lan tỏa đến tột cùng. Tôi dùng lưỡi liếm nhẹ vào chỗ tay bỏng để bớt đau, hệt như con chó con đang liếm láp vết thương. Tôi muốn gào thét lên thật to, nhưng tôi lại không muốn mẹ lại vui sướng và hả hê khi nghe tiếng tôi khóc. Tôi đứng thẳng dậy. Từ trong nhà xe, tôi có thể nghe văng vẳng tiếng mẹ đang nói chuyện với Ron ở trên nhà. Bà nói rằng bà rất tự hào về Ron, và rằng bà chẳng phải lo lắng gì bề anh ấy như phải lo lắng cho David một thằng bé hư đốn.
Không Nơi Nương Tựa Không Nơi Nương Tựa - Dave Pelzer Không Nơi Nương Tựa