Tôi luôn cố gắng làm những gì tôi chưa biết và nhờ đó, tôi có thể làm được những điều tưởng như ngoài khả năng của mình.

Pablo Picasso

 
 
 
 
 
Tác giả: Dave Pelzer
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: hoang viet
Số chương: 10
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3276 / 55
Cập nhật: 2017-04-04 13:32:27 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2 - Thời Tươi Đẹp
hoảng thời gian trước khi tôi bị mẹ đối xử tàn nhẫn, gia đình tôi là một gia đình kiểu mẫu theo phong cách “Brady Bunch” [1] những năm 60. Cha mẹ yêu thương anh em chúng tôi hết mực. Mỗi ý thích của anh em chúng tôi đều được cha mẹ đáp ứng với tất cả tình yêu thương và sự quan tâm chăm sóc.
Chúng tôi sống trong một căn hộ bình thường có hai phòng ngủ. Gia đình tôi luôn được hàng xóm đánh giá là gia đình mẫu mực. Tôi vẫn còn nhớ vào những ngày nắng đẹp, tôi thường tựa mình vào ô cửa sổ trong phòng khách, phóng tầm mắt về phía những ngọn tháp màu cam sáng chói trên chiếc cầu Golden Gate và ngắm nhìn đường chân trời tuyệt đẹp của San Francisco.
Cha tôi là ông Stephen Joseph. Cha là lính cứu hỏa và là trụ cột của gia đình. Nơi làm việc của cha nằm ở trung tâm San Francisco. Cha tôi cao 1,8 mét và nặng khoảng 85 ký. Bờ vai rộng và đôi cánh tay rắn chắc của ông khiến cho bất cứ người đàn ông nào cũng phải ganh tỵ. Mái tóc của cha cùng màu với đôi chân mày đen rậm. Tôi luôn thích thú khi cha nháy mắt và âu yếm gọi tôi bằng cái tên “cọp con”.
Mẹ tôi là Catherine Roerva. Bà là một phụ nữ trung bình cả về dáng dấp lẫn diện mạo. Tôi không nhớ được màu tóc hay màu mắt của mẹ, nhưng bà là một người phụ nữ yêu thương con với cả tấm lòng. Điều đáng quý nhất ở mẹ chính là sự quyết đoán. Mẹ thường đưa ra nhiều ý kiến và bà luôn là người đóng vai trò quyết định trong mọi vấn đề của gia đình. Năm tôi lên bốn hay năm tuổi gì đó, tôi nhớ có lần mẹ bảo rằng mẹ bị bệnh, và tôi vẫn nhớ cái cảm giác của lúc ấy, tôi cảm thấy dường như bà không còn là chính mình nữa. Hôm ấy cha đi làm ở đồn cứu hỏa. Sau khi dọn xong bữa tối cho chúng tôi, mẹ hối hả đi về phía nhà xe, vừa đi vừa phết sơn lên những dấu chân của mình. Bà vừa ho liên hồi, vừ dùng cọ quệt như điên những mảng sơn màu đỏ lên mỗi dấu chân. Sơn chưa khô hẳn thì bà đã bắt đầu dán lên đó những miếng lót sàn bằng cao su. Từng vệt sơn đỏ dính bê bết len mấy miếng lót cao su, dính cả lên người của mẹ. Xong, mẹ quay trở vào nhà và buông người xuống ghế trường kỷ. Tôi còn nhớ đã hỏi mẹ rằng tại sao bà lại đặt mấy miếng lót lên khi sơn hãy còn ướt. Bà cười trả lời:
- Mẹ muốn gây bất ngờ cho cha con đấy mà.
Đối với việc nội trợ, mẹ là người cực kỳ kỹ tính và luôn đòi hỏi mọi thứ phải thật sạch sẽ. Sau khi dọn bữa sáng cho tôi và hai người anh em trai của tôi là Ronald và Stan, mẹ lại quét dọn, khử trùng, cọ rửa và hút bụi mọi thứ trong nhà. Mẹ không bỏ sót một gian phòng hay ngóc ngách nào. Khi mấy anh em chúng tôi lớn hơn một chút, mẹ bắt đầu nhắc nhở chúng tôi phải giữ gìn phòng ốc sạch sẽ. Mẹ còn biến mảnh sân trước nhà thành một vườn hoa nhỏ với đủ các sắc màu và tẩn mẩn chăm bón khu vườn ấy mỗi ngày. Với mẹ, nơi nào bà chạm vào là ở phải sạch bóng. Bà không bao giờ cho phép mình làm điều gì đó nửa vời. Mẹ thường khuyên anh em chúng tôi phải luôn cố gắng trong mọi việc.
Mẹ tôi còn là một đầu bếp siêu hạng. Tôi nghĩ rằng việc sáng tạo ra các món ăn mới lạ chính là sở thích của mẹ. Điều này được thẻ hiện rất rõ vào những ngày có cha tôi ở nhà. Những ngày này, mẹ sẽ dành nhiều thời gian hơn để chuẩn bị cho cả nhà một bữa ăn thật thịnh soạn. Còn vào những ngày cha đi làm, mẹ lại đưa mấy anh em chúng tôi đi tham quan thành phố. Một ngày nọ, mẹ đưa chúng tôi đến thăm Phố Người Hoa ở San Francisco. Trong lúc lái xe quanh các con đường ở đó, mẹ kể cho chúng tôi nghe về văn hóa và lịch sử của người Trung Hoa. Khi trở về nhà, mẹ bật đĩa hát lên, cả gian nhà bỗng chốc tràn ngập những giai điệu phương Đông trầm bổng tuyệt vời. Mẹ còn trang trí phòng ăn với những ngọn đèn lồng Trung Hoa. Tối hôm ấy, mẹ mặc một bộ kimono và cho chúng tôi ăn những món ăn lạ nhưng cực kỳ ngon miệng. Sau bữa tối, mẹ cho chúng tôi mỗi đứa vài cái bánh quy. Đó là loại bánh ngọt gập lại và có chữ bên trong. Rồi bà đọc những dòng chữ ấy cho chúng tôi nghe. Tôi có cảm giác thông điệp trong miếng bánh sẽ đưa tôi đến với vận số của mình. Dòng chữ trong miếng bánh của tôi có nội dung: “Hãy yêu thương và tôn kính mẹ của con, bởi mẹ là suối mát nuôi lớn cuộc đời con”.
Thời gian đó, nhà tôi nuôi rất nhiều chó mèo. Chúng tôi còn có nhiều hồ cá với các loại cá lạ và một con rùa tên Thor. Tôi nhớ nhất con rùa này vì mẹ đã để tôi đặt tên cho nó. Tôi lấy làm tự hào vì các anh em trai của tôi đều đã được đặt tên cho các con vật nuôi trong nhà, bây giờ mới đến lượt tôi. Tôi đã đặt tên nó theo tên của một nhân vật hoạt hình mà tôi yêu thích.
Các hồ cá lớn nhỏ có dung tích từ 25 đến 50 lít hầu như ở khắp nơi trong nhà. Có ít nhát hai cái trong phòng khách, còn ngay trong phòng của anh em chúng tôi là một hồ nuôi cá nước ngọt. Mẹ đã tô điểm cho hồ cá thật bắt mắt với những viên sỏi nhiều màu sắc, thành hồ cũng được mẹ trang trí công phu. Nhờ bàn tay khéo léo của mẹ, các hồ cá trở nên thật sống động. Thuở ấy, anh em chúng tôi thường xúm xít quanh bể cá nghe mẹ kể chuyện về những loài cá khác nhau.
Trong suốt những năm tháng hạnh phúc ấy, đối với gia đình chúng tôi, các kỳ nghỉ chính thức bắt đầu từ dịp lễ Halloween. Một đêm tháng Mười nọ, khi trăng trên bầu trời đêm đã tròn vành vạnh, mẹ giục cả ba anh em chúng tôi ra trước sân ngắm “quả bí đỏ khổng lồ” trên nền trời cao vút. Khi chúng tôi trở về phòng ngủ của mình, mẹ bảo chúng tôi hãy nhìn xem phía dưới gối của mỗi đứa có thứ gì. Ôi, đó là những chiếc xe đua đồ chơi hiệu Matchbox. Ba anh em tồi cùng nhảy cẫng lên vui sướng, còn gương mặt của mẹ thì rạng ngời hạnh phúc.
Một ngày sau lễ Tạ ơn, mẹ xuống dưới tầng hầm rồi mang lên mấy chiếc hộp bán đầy bụi, bên trong là vô số những vật dụng dùng để trang trí cho lễ Giáng sinh. Mẹ đứng trên một cái thang và đính các dây kim tuyến đủ sắc màu lên trần và tường nhà. Sau khi mẹ hoàn tất, khắp các gian phòng như được khoác chiếc áo mới. Mẹ còn cắm những cây nến đỏ đủ kích cỡ lên những chiếc kệ nhỏ xinh làm bằng gỗ sồi trong phòng ăn. Các hình vẽ bông tuyết được mẹ điểm xuyết trên khắp các cửa sổ trong nhà. Các dãy đèn thì nhấp nháy chạy quanh cửa sổ phòng ngủ của anh em chúng tôi. Mỗi tối, khi ngắm nhìn ánh sáng dịu nhẹ, huyền ảo hắt ra từ phía cửa sổ, tôi lại thích thú mỉm cười rồi rút người vào chăn, nhắm nghiền mắt để tận hưởng niềm hạnh phúc mơn man khắp da thịt.
Cây thông của gia đình chúng tôi không bao giờ thấp dưới hai mét rưỡi. Mỗi dịp Giáng sinh về, cả nhà tôi lại quây quần bên nhau hàng giờ liền để trang trí cho nó. Cứ mỗi một năm, ba anh em chúng tôi lại thay phiên nhau được cha công kênh lên cao bằng đôi tay rắn chắc của ông để treo hình thiên thần lên đỉnh của cây thông. Sau khi trang trí cây thông và dùng xong bữa tối, cả nhà lại xím xít leo lên xe ngựa để ghé thăm hàng xóm và chiêm ngưỡng cách trang trí của họ. Cứ mỗi mùa Giáng sinh về, mẹ lại có thêm nhiều ý tưởng mới và độc đáo hơn và anh em tôi biết ngôi nhà của mình lúc nào cũng là ngôi nhà được trang trí đẹp nhất. Khi trở về nhà, mẹ bảo chúng tôi ngồi xuống cạnh bếp lửa trong phòng khách để cùng uống rượu trúng. Rồi mẹ bắt đầu kể chuyện cho chúng tôi nghe, trong lúc đó thì đài phát thanh phát bài “Giáng sinh trắng” do ca sĩ Bing Crosby trình bày. Suốt những ngày nghỉ đó, tôi hào hứng đến nỗi chẳng thể nào ngủ được. Có khi mẹ phải bế và đu đưa tôi trong tay khi tôi mãi lắng nghe tiếng tí tách của bếp lửa hồng mà mắt nhắm mắt mở.
Ngày lễ Giáng sinh càng đến gần, mấy anh em chúng tôi lại càng trở nên phấn khích. Đống quà tặng đặt dưới gốc cây thông cứ cao dần lên từng ngày. Và vào đúng đêm Giáng sinh, mỗi anh em chúng tôi nhận được cả chục hộp quà.
Vào đêm Giáng sinh, sau bữa ăn tối đặc biết và hát mừng Chúa giáng sinh, chúng tôi được phép mở một món quà của mình. Sau đó, cha mẹ giục chúng tôi nhanh chóng về phòng ngủ. Nằm trên giường, tôi cứ ngóng tai nghe tiếng chuông xe trượt tuyết của ông già Noel. Nhưng năm nào tôi cũng ngủ quên trước khi kịp nghe tiếng xe tuần lộc dừng lại trên nóc nhà của mình.
Trời mới tờ mờ sáng, mẹ nhón chân rón rén vào phòng chúng tôi và thì thầm: “Ông già Noel đến rồi kìa các con!” để đánh thức chúng tôi dậy.
Một dịp Giáng sinh nọ, mẹ tặng mỗi đứa chúng tôi một chiếc mũ Tonka màu vàng bằng nhựa cứng và bảo chúng tôi đội lên rồi “diễu hành” khắp phòng khách. Sau đó, mẹ mặc áo khoác mới vào cho chúng tôi rồi giục chúng tôi chạy ra sân sau để ngắm cây thông khổng lồ trong nhà qua làn kính cửa sổ. Một lần nọ, khi đứng ngoài sân nhìn vào nhà, tôi đã thấy bà khóc. Tôi hỏi tại sao mẹ lại khóc như vậy thì bà nói rằng bà khóc vì quá hạnh phúc khi có được một mái ấm thật sự.
Công việc của một người lính cứu hỏa buộc cha tôi phải vắng nhà suốt ngày, nên mẹ là người đưa chúng tôi đi chơi. Nơi mẹ thường đưa chúng tôi đến nhất là khu vực gần Công viên Golden Gate ở San Francisco. Vừa cho xe chạy chầm chậm qua công viên, mẹ vừa giảng giải cho chúng tôi nghe về sự khác nhau giữa các vùng miền. Mẹ còn xuýt xoa trước vẻ đẹp diệu kỳ của những bông hoa rực rỡ trong công viên. Bể cá Steinhart của công viên luôn là điểm tham quan cuối cùng của chúng tôi. Tại đây, chúng tôi tha hồ leo trèo cầu thang và chạy nhảy qua lại giữa các cánh cửa lớn. Chúng tôi đặc biết thích thú khi tựa người vào bức tượng hình cá ngựa được làm bằng đồng và phóng tầm mắt xuống phía dưới một cái hồ rộng - nơi trú ngụ của mấy con cá sấu và những con rùa vàng to lớn. Đây chính là nơi tôi thích nhất trong khu công viên. Tôi nhớ có lần tôi đã rất sợ hãi khi nghĩ đến việc mình sẽ bị trượt chân khỏi hàng rào ngăn cách và rới tõm xuống cái hồ ấy. Lúc đó, như đọc được nỗi sợ hãi trong mắt tôi, mẹ đã nhẹ nhàng siết lấy tay tôi để trấn an.
Mùa xuân là mùa của những chuyến dã ngoại. Buổi tối trước khi khởi hành, mẹ sẽ chuẩn bị một bữa thịnh soạn gồm nào là gà rán, xà lách trộn, bánh mì sandwich và rất nhiều món tráng miệng. Sáng sớm hôm sau, cả nhà chúng tôi sẽ phóng xe thẳng đến Công viên Junipero Serra. Ở đó, ba anh em tôi sẽ được thỏa thích chạy nhảy trên những cánh đồng cỏ xanh mượt và đung đưa thật cao trên những chiếc xích đu. Có lúc, chúng tôi còn cùng nhau khám phá một con đường mòn mới phát hiện ở gần đó. Mẹ luôn để mắt đến ba anh em tôi trong lúc chúng tôi chơi đùa. Đến giờ ăn trưa, mẹ lại gọi chúng tôi về và đưa cho chúng tôi những phần thức ăn thơm phức. Chẳng kịp thưởng thức hương vị của những món ăn mẹ đưa cho, chúng tôi cứ thế ngấu nghiến phần ăn của mình để còn tiếp tục “oanh tạc” những vùng đất mới trong cuộc tìm kiếm đầy mạo hiểm. Còn cha mẹ thì hạnh phúc nằm cạnh nhau trên tấm bạt trải rộng, cùng nhâm nhi rượu vang và dõi mắt xem chúng tôi vui đùa.
Khi hè đến, chúng tôi lại háo hức đón chờ những kỳ nghỉ thú vị khác. Mẹ luôn là người lên kế hoạch cho những chuyến đi trong dịp hè. Mẹ chuẩn bị và cân nhắc kỹ đến từng chi tiết và luôn tỏ ra hài lòng khi kế hoạch của mình được cả nhà thực hiện một cách trọn vẹn. Thường thì chúng tôi vẫn đến Công viên Memorial hoặc Công viên Portola, cắm trại trong một cái lều lớn màu xanh và ở đó cả tuần liền hoặc khi lâu hơn. Nhưng cũng có khi cha đưa cả nhà băng qua cây cầu Golden Gate, lúc đó, chúng tôi biết mình sắp được đến với một trong những điểm đến ưa thích nhất trên thế giới - Dòng sông Nga [2].
Đối với tôi, chuyến đi đáng nhớ nhất khi đến với con sông này là năm tôi học mẫu giáo. Vào ngày cuối cùng của năm học, mẹ xin cho tôi được về sớm nửa tiếng. Nghe tiếng kèn xe của cha, tôi lao như tên bắn qua mô đất nhỏ trước cổng trường hướng về phía chiếc xe đang chờ sẵn. Tôi càng hào hứng hơn nữa khi biết nơi mình sắp đến là nơi nào. Suốt chặng đường đi, mắt tôi cứ dán chặt vào những cánh đồng nho kéo dài bất tận ở hai bên đường. Khi xe vào đến thị trấn yên tĩnh của vùng Guerneville, tôi kéo kính xe xuống để ngửi mùi hương ngọt ngào của những cánh rừng gỗ đỏ.
Với tôi, mỗi ngày nghỉ trôi qua đều là một chuyến phiêu lưu thú vị. Có hôm ba anh em tôi cùng leo lên một gốc cây to đã cháy đen, có lúc chúng tôi lại thỏa thích rượt đuổi nhau trên bãi tắm Johnson. Bãi tắm Johnson là khu nghỉ mát hoạt động cả ngày. Chúng tôi thường ở đó từ chín giờ sáng đến ba giờ chiều. Nơi đó, mẹ đã tập cho chúng tôi bơi trong một rãnh nước nhỏ. Mùa hè năm ấy, mẹ dạy cho tôi bơi ngửa. Bà tỏ ra rất tự hào khi cuối cùng tôi cũng có thể biết cách bơi ngửa.
Mỗi ngày qua đi đều đầy ắp những điều bí ẩn. Một ngày nọ, sau bữa cơm chiều, cha mẹ dẫn cả ba anh em tôi đi ngắm cảnh hoàng hôn. Chúng tôi nắm tay nhau và rón rén đi ngang qua lều của gia đình ông Parker để ra đến bờ sông. Mặt nước sông xanh trong và phẳng lì như gương. Từng đàn chim sải cánh chao liệng trên không, bình thản quay về tổ sau một ngày dài. Một làn gió nhẹ thoảng qua tóc tôi, mang theo hương thơm của đất trời và cây cỏ. Không ai nói một lời, chúng tôi chỉ lặng yên ngắm nhìn quả cầu lửa đang dần khuất sau những rặng cây cao vút, để lại trên bầu trời những vệt màu xanh sáng chói lẫn đỏ rực. Bỗng một bàn tay choàng ngang vai tôi. Tôi đoán đó là cha. Nhưng khi xoay người lại, tôi xúc động nhận thấy mẹ đang ghì chặt lấy vai tôi. Lúc ấy, tôi còn cảm nhận được cả hơi thở và từng nhịp đập nơi lồng ngực mẹ. Tôi đã không bao giờ còn có được cảm giác yên bình và ấm áp như ngày hôm ấy khoảnh khác bình yên bên Dòng sông Nga xinh đẹp.
Chú thích:
[1] Tên một vở hài kịch tình huống nổi tiếng trên các kênh truyền hình Mỹ, nội dung nói về một đại gia đình nhiều thế hệ.
[2] Dòng sông Nga (Russian River): Tên một con sông ở Bắc California, Mỹ. Đầu thế kỷ 19, một số người Nga trong lúc đi săn đã phát hiện ra con sông này và đặc tên nó là Russian River. Ngoài ra, con sông còn có tên gọi khác là Misallaako, Rio Ruso, Shabaikai, Slavianka và Slavyanka.
Không Nơi Nương Tựa Không Nơi Nương Tựa - Dave Pelzer Không Nơi Nương Tựa