Trên mỗi ngọn núi đều có những lối đi mà khi đứng dưới thung lũng, bạn không thể nhìn thấy được.

James Rogers

 
 
 
 
 
Tác giả: Paul Auster
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 18
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3351 / 195
Cập nhật: 2017-09-12 19:28:08 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 12
nh không thể đi xa hơn thế này. Trẻ con phải chịu đựng khổ sở dưới bàn tay của người lớn, chẳng vì bất kỳ lý do nào cả. Trẻ con bị bỏ rơi, bị bỏ mặc cho đói khát, bị sát hại, chẳng vì bất kỳ lý do nào. Sẽ không thể nào, anh nhận ra, đi xa thêm chút nào được nữa.
“Nhưng rồi có những đứa trẻ,” Ivan Karamazov[18] nói, “và tôi phải làm gì với chúng đây?” Lại một lần nữa: “Tôi muốn tha thứ. Tôi muốn bao dung. Tôi không muốn phải đau đớn thêm nữa. Và nếu sự khốn khổ của những đứa trẻ sẽ đưa đến đỉnh điểm của khốn khổ cần có để đánh đổi lấy sự thật, thì tôi có thể nói trước là toàn bộ sự thật chẳng đáng với cái giá phải trả ấy.”
***
Mỗi ngày, không bỏ ra nỗ lực dù nhỏ nhất nào, anh vẫn cảm thấy nó đang nhìn chằm chằm vào mặt anh. Đó là những ngày Campuchia sụp đổ, và mỗi ngày nó ở đó, nhìn vào anh từ tờ báo, với những tấm ảnh không thể trốn tránh nổi của cái chết: những đứa trẻ gầy rộc, những người đã lớn không còn chút sự sống nào trong mắt. Chẳng hạn như Jim Harrison, một kỹ sư tại Oxfam, ghi lại trong nhật ký của ông: “Thăm một trạm xá nhỏ ở ki-lô-mét số 7. Hoàn toàn không có thuốc thang gì ở đây hết – những trường hợp suy dinh dưỡng nghiêm trọng – rõ ràng chỉ đang chết mòn vì không có thức ăn… Hàng trăm trẻ em đều bị suy nhược – hầu hết đều bị ghẻ lở, trọc đầu, bạc tóc và nỗi sợ hãi bao trùm lên khắp dân chúng.” Hay sau đó, miêu tả lại những gì anh đã nhìn thấy trong chuyến thăm lần thứ bảy tại bệnh viện Tháng Giêng ở Phnom Penh: “… điều kiện rất kinh khủng – trẻ con nằm trên giường lót những mảnh vải dơ bẩn đang chết dần vì đói khát – không thuốc men, không thức ăn… Chứng nhiễm khuẩn đi cùng với sự đói khát khiến mọi người đều mang hình dạng như dân ở trại tập trung Belsen. Tại một phòng bệnh, một cậu bé mười ba tuổi bị trói chặt xuống giường vì cậu đã bị phát điên – nhiều đứa trẻ giờ đây rơi vào tình cảnh mồ côi – hoặc không thể tìm thấy gia đình và có rất nhiều người bị co giật hay đau thắt vì căng thẳng. Gương mặt của một cậu bé mười tám tháng tuổi đang trong tình trạng phân rã vì bị nhiễm trùng da và máu, những bộ phận đã bị tình trạng suy dinh dưỡng trầm trọng phá hủy – mắt em đầy mủ, được ôm trong vòng tay của cô chị gái mới lên năm… Tôi cảm thấy cảnh tượng ấy thật kinh khủng – và tình trạng này có thể dùng để miêu tả cho hàng trăm ngàn người dân Campuchia hôm nay.”
Hai tuần trước khi đọc những lời này, A. ra ngoài ăn tối với một người bạn của mình, P., tác giả và biên tập viên của một tờ tuần báo lớn. Cũng tình cờ là cô đang phụ trách “Câu chuyện Campuchia” cho tờ báo của mình. Gần như tất cả mọi thứ được viết ra tại nước Mỹ và các tờ báo nước ngoài về tình trạng đó đã từng lướt qua trước mắt cô, và cô kể cho A. nghe về câu chuyện được viết trên một tờ báo ở bắc Carolina – một bác sĩ tình nguyện người Mỹ làm việc tại một trong các trại tị nạn đóng dọc biên giới với Thái Lan. Bài báo bàn đến chuyến thăm viếng của phu nhân tổng thống Mỹ, Rosalynn Carter, tại các trại tị nạn ấy. A. vẫn có thể nhớ những tấm ảnh được đăng trên các tờ báo và tạp chí (Đệ nhất Phu nhân ôm một đứa trẻ Campuchia, Đệ nhất Phu nhân nói chuyện với bác sĩ), và bất chấp tất cả mọi việc mà anh từng biết về trách nhiệm của người Mỹ trong việc gây ra tình trạng mà bà Carter tới để phản đối, anh vẫn thấy cảm động trước những tấm ảnh ấy. Hóa ra rằng bà Carter tới thăm trại tập trung mà vị bác sĩ người Mỹ kia làm việc. Bệnh viện lưu động là một cấu trúc tạm bợ: mái lợp rạ, một vài cái cột chống, các bệnh nhân nằm trên chiếu trải dưới mặt đất. Phu nhân tổng thống đến, kéo theo một bầy quan chức, phóng viên, và nhà quay phim. Có nhiều kẻ như thế, và khi họ diễu qua bệnh viện, tay của các bệnh nhân bị những đôi giày phương Tây dẫm đạp lên, ống truyền bị long ra vì những cẳng chân bước qua, cơ thể bị vô tình đá phải. Có thể sự lộn xộn ấy có thể tránh được, có thể không. Dù sao đi nữa, sau khi những vị khách viếng thăm đã hoàn thành việc điều tra của họ, vị bác sĩ Mỹ đã đưa ra lời kêu gọi. Làm ơn, anh nói, mọi người dành chút thời gian để hiến máu cho bệnh viện, thậm chí một người Campuchia khỏe mạnh nhất cũng quá gầy để hiến máu; nguồn cung cấp của chúng tôi đã cạn. Nhưng lịch trình của đệ nhất phu nhân đã bị trễ. Còn có những nơi khác phải đi, còn có những người khốn khổ khác để xem. Không còn thời gian đâu, họ đáp. Xin lỗi. Rất lấy làm xin lỗi. Và rồi, đột ngột như khi họ đến, các quan khách rời đi.
***
Theo cách đó thế giới thật quái dị. Theo cách đó thế giới có thể đẩy một người đến ngưỡng không gì khác ngoài nỗi tuyệt vọng, và một nỗi tuyệt vọng quá trọn vẹn, quá chai lì, đến mức không điều gì có thể mở được cánh cửa của nhà ngục ấy, chốn vô vọng, A. nhìn qua những song sắt phòng giam của mình và chỉ tìm thấy một ý nghĩa có thể mang lại cho anh chút an ủi: hình ảnh của con trai anh. Và không chỉ con trai anh, mà bất cứ đứa con trai nào, đứa con gái nào, đứa con của bất cứ người đàn ông đàn bà nào.
Theo cách đó thế giới thật quái dị. Theo cách đó nó dường như không hé ra chút hy vọng nào cho tương lai, A. nhìn vào đứa con trai và nhận ra rằng anh không được cho phép mình tuyệt vọng. Phải có trách nhiệm với sự sống non nớt này, và bằng cách đó anh đã đưa sự sống này vào thế giới, anh không được tuyệt vọng. Từng phút từng phút, từng giờ từng giờ, khi anh còn tồn tại trong sự hiện diện của con trai anh, quan tâm tới những nhu cầu của nó, cống hiến bản thân cho sự sống non nớt này, đó là một lệnh huấn thị không thời hạn yêu cầu phải bám lấy hiện tại, anh cảm thấy nỗi tuyệt vọng của mình tan biến. Và thậm chí kể cả khi anh tiếp tục tuyệt vọng, anh cũng không cho phép mình tuyệt vọng.
Ý nghĩ về nỗi khốn khổ của một đứa trẻ, vì thế, thật quái dị đối với anh. Nó thậm chí còn quái dị hơn cả sự quái dị của bản thân thế giới. Bởi nó cướp được của thế giới sự an ủi, và theo cách ấy thế giới có thể được hình dung ra mà không cần sự an ủi, chuyện ấy thật quái dị.
Anh không thể đi xa hơn nữa.
***
Đó là nơi chuyện bắt đầu. Anh đứng một mình trong căn phòng trống và bắt đầu khóc. “Thật quá mức đối với tôi, tôi không thể đối mặt với nó” (Mallarmé). “Vẻ ngoài như dân trại tập trung Belsen,” như một kỹ sư tại Campuchia ghi lại. Và phải, đó là nơi mà Anne Frank chết.
“Quả là một điều kỳ diệu,” cô viết, chỉ ba tuần trước khi cô bị bắt, “khi tôi chưa từ bỏ bất cứ lý tưởng nào, vì chúng có vẻ thật lố bịch và không thể nào tin theo được nữa… Tôi thấy thế giới cuối cùng chuyển thành một chốn hoang tàn, tôi nghe thấy tiếng sấm sét đang vọng tới, và cũng sẽ hủy diệt chúng tôi, tôi có thể cảm nhận được sự đau khổ của hàng triệu người và chưa kể, nếu mình nhìn lên trời, mình nghĩ mọi điều sẽ đâu vào đó, sự bạo tàn này rồi cũng kết thúc…”
***
Không, anh không định nói đó là điều duy nhất. Anh thậm chí không buồn giả vờ nói rằng chuyện đó sẽ được thấu hiểu, rằng bằng cách nói về nó rồi lại nói về nó thì sẽ có một ý nghĩa được khám phá ra. Không, đó không phải là điều duy nhất, và cuộc đời dù sao đi nữa cũng sẽ tiếp tục, với một số người, nếu không phải là với hầu hết mọi người. Và nữa, theo cách đó thì nó là một điều mãi mãi thoát khỏi giới hạn của sự hiểu, anh muốn nó đứng đó như một điều luôn đến trước sự khởi đầu. Như trong câu sau: “Đây là nơi chuyện bắt đầu. Anh đứng một mình trong một căn phòng trống và bắt đầu khóc.”
***
Quay trở lại bụng con cá voi.
“Lời của Chúa vọng xuống Jonah… nói rằng, Đứng lên đi, tới Ninevah, thành phố tuyệt vời ấy, và than khóc với nó…”
Cũng trong lời yêu cầu này, câu chuyện của Jonah trở nên khác biệt so với các nhà tiên tri khác. Vì dân Ninevite không phải người Do Thái. Không giống như những người truyền tin khác của Chúa, Jonah không được yêu cầu đến gặp những người cùng dân tộc, mà là những người lạ. Thậm chí tệ hơn, họ là kẻ thù của dân tộc anh. Ninevah là thủ đô của Assyria, đế chế hùng mạnh nhất trên thế giới vào thời điểm ấy. Trong lời của Nahum (chủ nhân của những lời tiên tri cũng được lưu giữ lại trên cùng cuộn giấy ghi lại câu chuyện của Jonah): “thành phố đẫm máu… đầy rẫy dối trá và cướp bóc.”
“Dậy đi, hãy tới Ninevah,” Chúa bảo Jonah. Ninevah nằm ở phía Đông. Jonah ngay lập tức đi về hướng Tây, tới Tarshish (Tartessus, ở chốn tận cùng của Tây Ban Nha). Không chỉ bỏ chạy, anh còn đi tới tận cùng giới hạn của thế giới đã biết. Cuộc bỏ chạy ấy không có gì khó hiểu. Hãy tưởng tượng tới một trường hợp tương tự: người Do Thái được xui đến nước Đức trong chiến tranh thế giới thứ Hai, và được tuyên truyền chống lại những kẻ theo Chủ nghĩa xã hội Dân tộc. Đó là một ý nghĩ cầu xin sự khả thể.
Ngay đầu thế kỷ thứ hai, một nhà bình luận giáo lý Do Thái đã tranh biện rằng Jonah đã lên con tàu nhấn chìm bản thân mình vì lợi ích của Israel, chứ không phải để trốn tránh khỏi sự hiện diện của Chúa. Đó là cách nhìn nhận chính trị về cuốn sách, và các nhà phân tích Thiên chúa giáo mau chóng dùng nó để chống lại người Do Thái. Theodore của Mopsuestia, chẳng hạn, nói rằng Jonah đã được phái tới Ninevah vì người Do Thái từ chối lắng nghe những lời tiên tri, và cuốn sách về Jonah được viết ra để dạy cho những kẻ “cứng đầu cứng cổ” một bài học. Tuy nhiên, Rupert của Deutz, một nhà phân tích Thiên chúa giáo khác (thế kỷ mười hai), khẳng định rằng nhà tiên tri từ chối mệnh lệnh của Chúa vì lòng trung thành với dân tộc của mình, và vì lý do đó, Chúa không quá giận dữ đối với anh ta. Điều này na ná như quan điểm của bản thân Rabbi Akiba, người đã nói rằng “Jonah bị ganh ghét vì chiến công của đứa con trai (Israel) chứ không phải vì vinh quanh của người cha (Chúa).”
Dù sao đi nữa, Jonah cuối cùng cũng đồng ý tới Ninevah. Nhưng chỉ sau khi anh đã chuyển đi được lời nhắn của mình, thậm chí sau khi người Ninevite hối lỗi và thay đổi cách sống, thậm chí sau khi Chúa tha thứ cho họ, chúng ta vẫn học được rằng “nó khiến cho Jonah rất không hài lòng, và anh cảm thấy rất giận dữ.” Đây là một cơn giận dữ ái quốc. Tại sao kẻ thù của Israel lại được tha thứ? Ở chính điểm đó Chúa đã dạy Jonah bài học của cuốn sách – như trong truyện ngụ ngôn về cây bầu sau đây.
“Cớ sao mà con nổi giận?” ngài hỏi. Jonah liền cởi tấm áo khoác của Ninevah ra khỏi mình, “cho đến khi ngài thấy được thứ mà thành phố này trở thành”, ngụ ý rằng anh vẫn còn thấy có một cơ hội. Ninevah có thể bị hủy diệt, hoặc anh hy vọng dân Ninevite có thể quay lại với lối sống tàn ác của mình và tự chuốc lấy sự trừng phạt. Chúa lấy ra một cây bầu (một giống cây có bóng mát) để bảo vệ Jonah khỏi ánh nắng, và “Jonah rất lấy làm hài hòng về cây bầu”. Nhưng sáng hôm sau Chúa lại làm cho cái cây héo quắt đi. Một cơn gió đông khắc nghiệt thổi tới, mặt trời gay gắt chiếu thẳng xuống Jonah, và “anh choáng váng, ước gì mình chết đi, và nói, tôi thà chết còn hơn là sống” – chính những từ anh đã từng nói trước đây, dấu hiệu cho thấy thông điệp của chuyện ngụ ngôn này cũng giống như đoạn đầu của cuốn sách. “Và Chúa nói với Jonah, Con có thấy mình cũng tức giận vì cây bầu không? Và anh đáp, Con thất rất giận, thậm chí giận muốn chết. Rồi Chúa trời nói, Con có lòng thương dành cho cây bầu, cho thứ con không hề sinh ra, thậm chí không nuôi lớn; thứ sinh ra trong đêm rồi tàn lụi trong đêm; và liệu ta không nên tha thứ cho Ninevah, thành phố vĩ đại ấy, nơi có hơn sáu ngàn người dân không thể phân biệt giữa tay phải và tay trái, cũng như rất nhiều gia súc ấy?”
Những kẻ tội đồ này, những kẻ ngoại đạo – và thậm chí những con quái vật thuộc về họ - cũng là những sinh vật của Chúa không khác gì dân Do Thái. Đây là một phát biểu độc đáo và đáng giật mình, đặc biệt khi nhìn lại niên đại của câu chuyện – thế kỷ thứ tám trước công nguyên (thời đại của Heraclitus). Nhưng điều này, cuối cùng, là cốt lõi mà các giáo sĩ phải diễn giảng. Nếu có chút công lý nào, thì đó phải là công lý dành cho tất cả mọi người. Không ai có thể bị loại trừ, nếu không thì chẳng có thứ gì gọi là công lý cả. Kết luận đó là điều không thể tránh khỏi. Cuốn sách bé nhỏ nhất này, cuốn sách kể lại câu chuyện kỳ quặc hay thậm chí là khôi hài về Jonah, chiếm một vị trí trung tâm trong nghi thức tế lễ: nó được đọc đi đọc lại hàng năm tại giáo đường Do Thái vào ngày Yom Kippur, ngày Chuộc tội, là ngày lễ trang trọng nhất trong lịch Do Thái. Vì tất cả mọi điều, như đã viết phía trước, đều được nối kết với tất cả mọi điều khác. Và đã có tất cả mọi thứ, thì kéo theo sẽ có tất cả mọi người. Anh không quên lời cuối cùng của Jonah, “Con thấy rất giận, thậm chí cho đến chết.” Và vẫn thế, anh thấy mình đang viết ra những từ ấy trên tờ giấy trước mặt mình. Nếu đã có tất cả mọi thứ, thì kéo theo sẽ có tất cả mọi người.
***
Các từ nối với nhau theo vần, và thậm chí nếu không có mối liên kết thực sự nào giữa chúng, anh vẫn không tránh khỏi việc nghĩ về chúng đang gắn cùng nhau. Căn phòng và hầm mộ, hầm mộ và dạ con, dạ con và căn phòng. Thở hít và chết. Hoặc thực tế là cả những chữ cái trong từ ‘live” có thể sắp xếp lại để đọc thành “evil”. Anh biết chuyện này chẳng khác gì một trò chơi con nít. Tuy vậy, ngạc nhiên thay, khi anh viết từ con nít, anh có thể nhớ lại chính mình ở độ tám hay chín tuổi và phát hiện ra rằng mình có thế chơi với từ ngữ theo cách ấy – như thể anh vừa mới phát hiện ra được một lối đi bí mật đến với sự thật: sự tuyệt đối, phổ quát và sự thật không thể lay chuyển giấu trong trung tâm của thế giới. Trong tinh thần nhiệt huyết con nít ấy, tất nhiên, anh đã bỏ qua không buồn đếm xỉa đến sự tồn tại của những ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh, tòa tháp Babel vĩ đại đầy những chiếc lưỡi láo xáo, ồn ã thuộc về thế giới bên ngoài cuộc đời con nít của anh. Và làm sao mà sự tuyệt đối, phổ quát có thể thay đổi từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác?
Vẫn vậy, sức mạnh của những từ theo vần, của sự thay đổi hình thái trong mỗi từ, không thể nào hoàn toàn bị bỏ qua. Cảm giác về sự thần kỳ vẫn còn lại đó, thậm chí nếu nó có thể kết nối với việc tìm kiếm sự thật, thì chính phép thần kỳ ấy, chính mối liên hệ giữa những từ ngữ ấy vẫn xuất hiện trong tất cả các ngôn ngữ, cho dù cách kết hợp là khác nhau. Ở trái tim của mỗi ngôn ngữ tồn tại một hệ thống vần điệu, sự đồng âm và đồng nghĩa, mỗi hiện tượng ấy lại có chức năng như một cầu nối nối liền những yếu tố đối lập tương phản trong thế giới. Ngôn ngữ, vì thế, không chỉ đơn giản là danh sách của những điều tách rời nhau được cộng lại và tổng dồn của nó tương đương với thế giới. Thay vào đó, ngôn ngữ khi trải rộng ra trong từ điển: một cơ thể sinh học phức tạp kéo đến vô tận, toàn bộ các yếu tố - tế bào và gân, huyết cầu và xương, chân tay và chất nhờn… đều tồn tại trong thế giới cùng lúc, không có bất cứ thứ gì có thể tồn tại một mình. Từ này được định nghĩa bằng những từ kia, có nghĩa rằng bước vào một phần ngôn ngữ tức là đã bước vào toàn bộ thế giới ngôn ngữ ấy. Ngôn ngữ, vì thế, theo như thuyết đơn tử, nói theo khái niệm được Leibniz dùng. (“Khi tất cả đều là một hệ thống, tất cả các thành tố đều được nối kết và tất cả những dịch chuyển trong hệ thống đều tạo ra một số hiệu ứng lên các cơ thể ở khoảng cách xa, theo tỷ lệ thức về khoảng cách. Vì thế tất cả mọi cơ thể đều chịu ảnh hưởng không chỉ từ những thứ chúng có mối liên hệ, và như vậy cảm thấy ở một cách nào đó rằng tất cả đều xảy ra với chúng; mà qua đó chúng còn cảm nhận được những điều đã xảy ra với những thứ mà chúng có mối liên hệ trực tiếp. Vì thế, điều nối theo là sự ảnh hưởng này truyền rộng ra tới bất cứ khoảng cách nào. Hệ quả là, tất cả mọi người đều trải nghiệm tất cả mọi điều đã xảy ra trong thế giới, nhiều đến mức ai đã thấy tất cả mọi thứ có thể đọc được từ bất cứ ai chuyện gì đang xảy ra ở bất cứ đâu, và thậm chí điều đã xảy ra hoặc sẽ xảy ra. Anh ta sẽ quan sát được trong hiện tại điều gì đang ở tít xa cả về thời gian và không gian… Tuy nhiên, một tâm hồn, chỉ có thể đọc được từ bản thân nó những thứ trực tiếp xuất hiện bên trong nó; nó không thể mở toang tất cả những khoang kín bên trong nó cùng lúc; vì những khoang ấy nhiều đến vô tận.”)
Việc chơi với chữ nghĩa theo cách A. từng chơi thời là con nít, vì thế, không hẳn là việc tìm kiếm ra sự thật mà là một cuộc tìm kiếm thế giới như cách nó xuất hiện trong ngôn ngữ. Ngôn ngữ không phải là sự thật. Nó là cách chúng ta tồn tại trong thế giới. Chơi với từ ngữ chỉ nhằm để xem xét cách trí não ta hoạt động, để phản chiếu lại một mảnh của thế giới theo cách trí não nhìn nhận nó. Theo cùng cách đó, thế giới không phải sự tổng dồn của những điều tồn tại bên trong nó. Đó là một mạng lưới phức tạp kéo dài vô tận của những mối liên kết giữa chúng. Như trong các ý nghĩa của từ ngữ, một điều chỉ có ý nghĩa khi ở trong mối quan hệ với điều khác. “Hai khuôn mặt giống nhau,” Pascal viết. “Chẳng có khuôn mặt nào buồn cười cả nhưng khi ở cạnh nhau thì sự giống nhau ấy khiến chúng ta cười.” Những khuôn mặt hiệp hòa với mắt, theo như cách hai từ ấy hiệp hòa với tai. Để đẩy sự xác nhận thêm một bước nữa, A. muốn nói rằng có thể cả các sự kiện trong đời một con người cũng có sự hiệp hòa. Một thanh niên thuê căn phòng tại Paris và rồi phát hiện ra cha anh đã từng trốn trong căn phòng ấy hồi chiến tranh. Nếu hai sự kiện này được tách ra khỏi nhau, thì chẳng có mấy sự để nói về cả hai. Sự hiệp hòa khi chúng được nhìn vào cùng lúc là thay đổi tính chất hiện thực của mỗi sự kiện. Cũng như hai vật thể, khi đưa lại gần nhau, gây ra một thứ lực điện từ không chỉ ảnh hưởng đến cấu trúc phân tử của chúng mà ngay cả khoảng không gian giữa chúng nữa, thay đổi, như phải thế, chính môi trường ấy, vì thế hai (hay nhiều hơn) sự kiện hiệp hòa với nhau tạo ra mối liên kết trong thế giới, thêm vào một hay nhiều khớp nối để được chuyển qua hệ thống mênh mông của các trải nghiệm.
Những mối liên kết này thật quá phổ biến trong các tác phẩm văn học (để quay lại với luận điểm ấy), nhưng người ta thường không chịu nhìn vào chúng trong thế giới – vì thế giới quá lớn và đời người thì quá nhỏ bé. Chỉ có ở những khoảnh khắc hiếm hoi khi một nốt hòa trong thế giới giúp tâm trí có thể thoát ra khỏi chính nó và trở thành cây cầu nối cho mọi điều xuyên qua thời gian và không gian, nối liền cái đang nhìn thấy và ký ức. Nhưng vẫn còn nhiều điều hơn là sự hiệp hòa. Ngữ pháp của mọi sự tồn tại trong mọi dạng thể của ngôn ngữ: ví von, ẩn dụ, hoán dụ, tu từ - vì thế mỗi thứ xảy ra trong thế giới thực ra là rất nhiều thứ, những thứ lại tiếp tục sản sinh ra nhiều thứ khác nữa, tùy thuộc vào chuyện những thứ ấy đứng cạnh cái gì, thuộc vào trong cái gì, hay bị loại bỏ khỏi cái gì. Thông thường thì, phần thứ hai của một phép so sánh không xuất hiện. Nó có thể bị lãng quên, hoặc bị chôn vùi trong vô thức, hoặc bị giấu đi theo một cách nào đó. “Quá khứ giấu kín,” Proust viết trong một đoạn văn quan trọng trong cuốn tiểu thuyết của ông, “ngoài tầm với của trí tuệ, trong một vài vật thể nào đó (theo cách thức mà vật thể đó trao cho chúng ta) mà chúng ta chẳng hề để ý. Và với vật thể ấy, tất cả tùy thuộc vào cơ hội liệu chúng ta có bắt gặp được nó hay không trước khi chúng ta phải chết.” Tất cả mọi người đều trải qua theo cách này hay cách khác cảm giác lạ lùng về sự lãng quên, sức mạnh kỳ bí của những khái niệm đã lạc mất. Tôi bước vào căn phòng ấy, một người nói, và một cảm giác lạ lùng trùm lấy tôi, như thể tôi đã từng ở đó, cho dù tôi không thể nhớ ra nổi. Như trong thí nghiệm của Pavlov với nhưng con chó (điều mà, ở mức độ đơn giản nhất có thể, minh họa cho cách mà trí não có thể tạo ra mối liên hệ giữa hai thứ tương tự nhau, cuối cùng thì quên mất cái đầu tiên, và thế là biến thứ này thành thứ kia), điều gì đó đã xảy ra, chúng ta đã không kịp nói ra đó là cái gì. Điều A. đang cố diễn tả, có lẽ, là có những lúc không khái niệm nào lạc mất khỏi anh. Mỗi khi mắt anh hay tâm trí anh ngừng lại, anh lại phát hiện ra một mối liên hệ mới, một cây cầu mới đưa anh tới một mảnh đất khác, và thậm chí trong sự cô độc của căn phòng, thế giới vẫn tiếp tục ùa vào với anh với một tốc độ chóng mặt, như thể tất cả mọi điều đều hội tụ vào anh và xảy ra với anh cùng lúc. Tình cờ: xảy ra cùng lúc; xuất hiện tại cùng một địa điểm, thời gian hoặc không gian. Vì thế, tâm trí bao chứa nhiều hơn bản thân nó. Như trong đoạn trích từ Augustine: “Nhưng đâu là phần mà nó không chứa đựng bên trong chính mình.”
* * *
Lần thứ hai quay lại bụng con cá voi.
“Khi lấy lại được tri giác chú rối không thể nhớ ra nổi mình đang ở đâu. Xung quanh chú là bóng tối, bóng tối thật sâu thẳm và đen kịt tới mức thoạt tiên chú tưởng mình đã nhúng đầu vào một lọ mực.”
Đó là đoạn miêu tả của Collodi khi Pinocchio lọt vào bụng con cá mập. Sẽ là một chuyện khác nếu chọn cách viết thông thường: “một bóng tối đen kịt như mực” – một thứ miêu tả văn vẻ cũ rích sẽ bị lãng quên ngay khi vừa được đọc. Nhưng đã có một điều khác lạ xảy ra ở đây, điều gì đó vượt quá cả câu hỏi về chuyện viết hay hay dở (và rõ ràng đoạn này viết không hề dở). Hãy ghi chép lại cẩn thận: Collodi không đặt ra phép so sánh nào trong đoạn văn trên; không có từ “như thể” không có từ “giống như”, không có thứ gì đặt ngang bằng hay đối lập với thứ khác. Hình ảnh của bóng tối hoàn toàn ngay lập tức dẫn lối cho hình ảnh của một lọ mực. Pinocchio vừa mới vào trong bụng con cá mập. Cậu chưa biết là Gepetto cũng đang ở đây. Mọi thứ, ít nhất trong khoảnh khắc ngắn ngủi ấy, đã bị lạc mất. Pinocchio bị vây quanh bởi bóng tối, nơi mà chú rối cuối cùng cũng có được lòng dũng cảm để cứu cha và dẫn đến việc được biến thành một cậu bé thực sự, cũng là nơi hành động sáng tạo của cuốn sách diễn ra.
Bằng cách quẳng con rối vào trong bóng tối của con cá mập, Collodi đang nói với chúng ta, ông đang nhúng đầu bút vào bóng tối của bình mực. Pinocchio, rốt cuộc, chỉ được làm ra từ gỗ. Collodi sử dụng chú như một công cụ (hiện thực thì là cây bút) để viết ra câu chuyện về chính mình. Đây không phải là một câu chuyện để thưởng thức theo tâm lý nguyên thủy. Collodi không thể đạt được điều mà ông làm trong Pinocchiotrừ phi cuốn sách với ông là cuốn sách của ký ức. Ông đã hơn năm mươi tuổi khi bắt đầu ngồi xuống viết lách, vừa mới nghỉ hưu từ một vị trí mờ nhạt trong bộ máy chính phủ, thứ đã được nhấn mạnh, theo như lời của cháu họ ông, “không phải là lòng nhiệt tình, không phải vì kỷ luật hay lệ thuộc.” Không thua kém cuốn tiểu thuyết đi tìm thời gian đã mất của Proust, câu chuyện của ông là việc tìm kiếm lại tuổi thơ đã mất. Thậm chí cái tên ông chọn để làm bút danh cũng được khai quật từ quá khứ. Tên thật của ông là Carlo Lorenzini. Collodi là tên của thị trấn nhỏ nơi mẹ ông sinh ra và là nơi ông đã trải qua những ngày nghỉ khi còn là một đứa trẻ. Về thời thơ ấu ấy, chỉ có vài thông tin được biết đến. Ông là người kể những câu chuyện kỳ bí, được bạn bè ngưỡng mộ và có khả năng mê hoặc chúng với những câu chuyện. Theo lời của em trai ông - Ippolito, “Anh ấy kể chuyện rất tài với khả năng nhại khiến cả nửa thế giới phải say mê và trẻ con lắng nghe anh ấy với cái miệng há hốc.” Trong một cuốn tự truyện viết sơ sài ở đoạn cuối đời, rất lâu sau khi hoàn thành Pinocchio, Collodi chỉ để lại chút ít manh mối rằng ông coi bản thân mình là một phân thân của chú rối. Ông tự họa bản thân như một chú nhóc láu cá và một anh hề - ăn vụng dâu trong lớp học và khoét lỗ trên túi của các bạn cùng lớp, bắt ruồi rồi thả chúng vào tai người khác, vẽ hình lên áo của cậu bé ngồi trước ông: nhìn chung, quậy phá tất cả mọi người. Dù chuyện ấy có đúng hay không thì cũng chỉ là thứ yếu. Pinocchio là hình ảnh đại diện của Collodi, và sau khi chú rối đã được tạo ra, Collodi coi bản thân là Pinocchio. Chú rối đã trở thành hình ảnh của bản thân ông với tư cách một đứa trẻ. Nhúng chú rối vào trong lọ mực, vì thế, cũng là sử dụng khả năng sáng tạo của ông để viết câu chuyện về chính mình. Vì chỉ khi ở trong bóng tối của nỗi cô độc thì công việc của ký ức mới bắt đầu.
* * *
(Những) lời đề từ có thể cho Sách của Ký ức.
“Chúng ta chắc chắn phải nhìn vào một đứa trẻ để tìm kiếm dấu hiệu đầu tiên của hành động tưởng tượng. Thứ hoạt động được trẻ con yêu thích và say mê nhất chính là chơi. Có lẽ chúng ta có thể nói là mỗi đứa trẻ khi chơi đều hành động như một nhà văn giàu trí tưởng tượng, trong đó nó kiến tạo ra một thế giới riêng, hay chân thực hơn, nó sắp xếp lại mọi thứ trong thế giới của mình và đặt chúng theo những thứ tự mới… Thật sai lầm nếu nghĩ rằng nó không tiếp nhận thế giới này một cách nghiêm túc; ngược lại, nó chơi vai trò của nó một cách nghiêm túc và dồn một khối lượng xúc cảm đáng kể vào đó.” (Freud)
“Bạn sẽ không quên rằng áp lực đè lên ký ức về thời thơ ấu của nhà văn, điều có vẻ lạ lùng, cuối cùng lại khởi nguồn từ giả thuyết cho rằng hành động sáng tạo tưởng tượng, như việc mơ ngày, là sự tiếp tục và thay thế cho hành động chơi của ngày thơ ấu.” (Freud)
* * *
Anh quan sát con trai mình. Anh quan sát cậu bé con di chuyển quanh phòng và lắng nghe những gì anh nói. Anh thấy nó chơi đồ chơi và nghe nó tự nói chuyện với mình. Mỗi lần thằng bé chọn lấy một đồ vật, hoặc đẩy một cái xe tải đồ chơi trên sàn, hay lắp thêm một mảnh ghép vào cái tòa tháp của những mảnh ghép trước mắt nó, nó lại nói về việc nó đang làm, theo đúng cách người kể chuyện trong phim vẫn nói, hoặc nó bịa ra một câu chuyện để phục vụ cho những hành động nó đang thực hiện. Mỗi hành động lại sinh ra một từ, hoặc một chuỗi từ; mỗi từ lại thúc đẩy cho một hành động mới: một sự lặp lại, tiếp tục, một loạt hành động và từ ngữ mới. Không có trung tâm cố định nào cho bất kỳ hành động nào trong đó (“một vũ trụ trong đó trung tâm nằm ở tất cả mọi nơi, không có giới hạn bao quanh”) có lẽ chỉ ngoại trừ sự nhận thức của đứa trẻ, thứ mà bản thân cũng liên tục di chuyển bình diện của tiếp nhận, ký ức và cách thể hiện. Không có quy luật nào của tự nhiên không thể phá vỡ: xe tải biết bay, một mẩu lắp ghép trở thành một con người, kẻ đã chết được hồi sinh nếu muốn. Từ thứ này, trí não của đứa trẻ không ngần ngại đẩy nó sang thứ khác. Nhìn này, nó nói, bông súp-lơ của con là một cái cây. Nhìn này, mấy củ khoai tây của con là một đám mây. Nhìn vào đám mây, đó lại là một con người. Hoặc không thì, cảm nhận thức ăn khi nó vừa chạm vào lưỡi, và nhìn lên, với một tia sáng lấp lánh trong mắt: “Cha có biết làm thế nào mà Pinocchio và bố cậu ấy thoát khỏi con cá mập không?” Ngừng lại, để câu hỏi được nuốt trôi. Rồi, thầm thì: “Họ im lặng nhón chân trên lưỡi nó.”
Đôi khi A. thấy như tiến triển tâm lý của con trai anh khi chơi chính là hình ảnh quá trình của riêng anh qua mê cung của cuốn sách này. Anh thậm chí nghĩ rằng nếu anh có thể làm cách nào đó ghi lại biểu đồ về con trai khi chơi (một bản miêu tả thấu đáo, bao gồm tất cả những thay đổi, sự liên tưởng, và cử chỉ) và rồi làm một cái biểu đồ riêng cho cuốn sách của mình (ghi lại tỉ mỉ những gì chiếm chỗ những khoảng cách giữa các từ ngữ, các khe hở của cú pháp, các khoảng trống giữa các phần), hai biểu đồ ấy có thể giống hệt nhau: cái này có thể khớp hoàn hảo với cái kia.
Trong khoảng thời gian anh viết Sách của Ký ức, anh cảm thấy hết sức thích thú khi được quan sát cách cậu bé nhớ. Như tất cả những đứa trẻ chưa biết chữ, trí nhớ của cậu bé thật đáng kinh ngạc. Khả năng ghi lại tất cả các chi tiết đã được quan sát, hoặc nhìn thấy một vật thể ở dạng đơn nhất, gần như là vô biên. Ngôn ngữ được viết ra là giúp người ta tránh khỏi việc phải nhớ phần lớn mọi điều thuộc về thế giới. Tuy nhiên, đứa bé, đứng trong một miền đất trước khi từ ngữ viết lách xuất hiện, ghi nhớ theo đúng cách Cicero đề xuất, theo cùng cách với nhiều tác giả kinh điển khi nói về chủ đề ấy chỉ ra: hình ảnh gắn với địa điểm. Ví dụ như một ngày nọ (và đây là ví dụ duy nhất, được chọn ra từ vô số những khả thể), A. và con trai đang đi dọc phố. Họ tình cờ gặp một người bạn ở nhà giữ trẻ của cậu bé, đang đứng bên ngoài cửa hàng pizza với cha cậu. Con trai A. rất vui khi được gặp bạn, nhưng cậu bé kia thì có vẻ khá e thẹn với cuộc gặp gỡ. Chào bạn đi, Kenny, cha cậu giục cậu, và cậu bé cố gắng nói ra được lời chào lúng búng. Rồi A. và con trai tiếp tục bước đi. Ba hay bốn tháng sau, khi họ tình cờ đi ngang đúng nơi ấy cùng nhau, A. đột nhiên nghe thấy con trai đang thầm thì với chính mình, với một giọng chỉ nghe hơi rõ: Chào bạn đi, Kenny, chào bạn đi. A. chợt nhận ra rằng nếu theo một cách nào đó, thế giới ghi dấu bản thân nó lên trí óc ta, thì việc ta ghi dấu những trải nghiệm của ta vào thế giới cũng có tồn tại. Vì trong khoảnh khắc ngắn ngủi ấy, khi họ bước qua cửa hàng pizza, cậu bé rõ ràng đã thấy lại quá khứ của mình. Quá khứ, để nhắc lại bằng từ ngữ của Proust, được giấu trong một vật thể nào đó. Việc dạo bước trong thế giới, vì thế, cũng là dạo bước trong chính chúng ta. Để nói rằng, khoảnh khắc chúng ta bước vào không gian của ký ức, chúng ta bước vào thế giới.
Đó là một thế giới đã mất. Và anh kinh ngạc khi nhận ra rằng nó sẽ mất đi mãi mãi. Cậu bé sẽ quên đi mọi thứ đã xảy ra với mình. Sẽ không có gì sót lại ngoài một dạng ánh sáng hồi dương lờ mờ, và có thể thậm chí cả cái đó cũng không còn. Tất cả hàng nghìn giờ đồng hồ A. dành cho cậu bé trong suốt ba năm đầu tiên của cuộc đời, tất cả hàng nghìn chữ anh đã nói với cậu, những cuốn sách anh đọc cho cậu nghe, những bữa ăn anh làm cho cậu, những giọt nước mắt anh đã lau cho cậu – tất cả những điều ấy sẽ biến mất khỏi ký ức cậu bé mãi mãi.
Khởi Sinh Của Cô Độc Khởi Sinh Của Cô Độc - Paul Auster Khởi Sinh Của Cô Độc