Not all of us have to possess earthshaking talent. Just common sense and love will do.

Myrtle Auvil

 
 
 
 
 
Tác giả: Paul Auster
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 18
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3351 / 195
Cập nhật: 2017-09-12 19:28:08 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 7
ời khen đầu tiên dành cho cuốn Sách của Jonah.
Là nỗi kinh ngạc ngay tức thì trước sự lạ lùng của nó khi so sánh với các cuốn sách tiên tri khác. Tác phẩm ngắn ngủi này, cuốn sách duy nhất được viết ra với ngôi thứ ba, là một câu chuyện về sự cô độc lại kịch tính hơn bất cứ đoạn nào trong Kinh thánh, và chưa kể nó lại còn như được kể ra từ bên ngoài sự cô độc ấy, chữ “thân” đã biến mất khỏi “bản thân”. Nó không thể nói về bản thân, vì thế, bị loại bỏ như một kẻ khác. Như trong lời của Rimbaud: “Je est un autre.” [Tôi là một kẻ khác]
Jonah không chỉ ngần ngại với việc nói (như Jeremiah chẳng hạn), mà anh từ chối nói. “Giờ lời của Chúa vọng tới Jonah… Nhưng Jonah vùng dậy để trốn thoát khỏi sự hiện diện của Chúa.”
Jonah bỏ chạy. Anh đặt một vé lên tàu. Một cơn bão khủng khiếp nổi lên, và cánh thủy thủ sợ họ sẽ bị chìm. Tất cả mọi người đều cầu nguyện cho tàu cập bến an toàn. Nhưng Jonah “đã bỏ xuống hầm bên của con tàu, anh nằm xuống, và mau chóng thiếp đi.” Ngủ, như là cách trốn thoát tận cùng khỏi thế giới. Ngủ như một hình ảnh của cô độc. Oblomov cuộn tròn trên ghế, mơ rằng mình đã quay trở lại với bụng bầu của mẹ. Jonah nằm trong bụng con tàu; Jonah trong bụng con cá voi.
Thuyền trưởng tìm thấy Jonah và bảo anh cầu Chúa đi. Trong khi đó, đám thủy thủ đã thảy thẻ xem ai phải chịu trách nhiệm vì cơn bão, “… và cây thẻ rơi trúng Jonah.
“Và rồi anh nói với họ, nhấc tôi lên, và quẳng tôi xuống biển; để xem biển có bình yên lại với các anh không; vì tôi biết là vì tôi mà cơn thịnh nộ này nhắm lên các anh.
“Dù những kẻ trên tàu chèo lái khổ sở thế nào để đưa tàu về đất liền, họ cũng không thể, vì biển tạo ra, và nổi cơn thịnh nộ chống lại họ…
“Vì thế họ nhấc bổng Jonah và quăng anh xuống dưới biển; thế là biển dẹp cơn cuồng phong của nó.”
Câu chuyện huyền thoại về con cá voi tuy thế vẫn rất nổi tiếng, con cá khổng lồ đã nuốt chửng Jonah theo bất cứ nghĩa nào cũng không phải là đại sứ của sự hủy diệt. Con cá cứu anh khỏi chết đuối trên biển. “Mặt nước cuốn xoáy lấy tôi, thậm chí cả tâm hồn tôi: xoáy sâu hút chặt, rong rêu quấn chặt quanh đầu.” Trong đáy sâu của sự cô độc ấy, cũng tương tự như đáy sâu của im lặng, như thể việc từ chối nói cũng giống như việc chối từ ngoảnh mặt nhìn vào kẻ khác (Jonah vùng lên để trốn chạy khỏi sự hiện diện của Chúa) – điều đó nói lên rằng: kẻ nào tìm kiếm cô độc thì tức là tìm kiếm sự im lặng; kẻ không nói là kẻ cô đơn; cô đơn, thậm chí tới chết – Jonah đã chạm mặt với bóng tối của cái chết. Chúng ta được nghe kể rằng “Jonah đã ở trong bụng con cá ba ngày ba đêm,” và ở đâu đó, trong chương viết Zohar, chúng ta lại được nghe kể, “ba ngày ba đêm”: điều ấy có nghĩa là trong suốt ba ngày người đàn ông kia đã nằm trong nấm mồ của mình trước khi bụng anh nổ tung”. Và khi con cá khạc Jonah ra trên nền đất khô ráo, Jonah được trả lại với sự sống, như thể cái chết anh tìm thấy trong bụng con cá là sự chuẩn bị cho một cuộc đời mới, một cuộc đời đã đi qua cái chết, và vì thế cũng là cuộc đời cuối cùng có thể lên tiếng. Vì cái chết đã làm anh khiếp sợ đến mức phải mở miệng ra: “Tôi gào lên bởi lý do là nỗi đau đớn của tôi dành cho Chúa, và ngài nghe thấy tôi, tôi gào vọng ra từ bụng của địa ngục, và họ nghe thấy tiếng tôi.”
Trong bóng tối của nỗi cô độc là cái chết, chiếc lưỡi cuối cùng cũng nới lỏng ra, và vào khoảnh khắc nó bắt đầu lên tiếng nói, đã có một câu trả lời. Và thậm chí khi không có câu trả lời, người đàn ông vẫn cất tiếng.
* * *
Lời tiên tri. Như trong đoạn sau: Hãy tự nói về tương lai, không phải bằng kiến thức mà bằng trực giác. Một nhà tiên tri thực sự biết hết. Những nhà tiên tri giả thì đoán mò.
Đó chính là vấn đề lớn nhất của Jonah. Nếu anh nói lên thông điệp của Chúa, nói với dân Ninevite rằng họ sẽ bị tiêu diệt trong vòng bốn mươi ngày vì sự tàn độc của họ, anh biết chắc rằng họ sẽ hối hận, và vì thế sẽ được tha thứ. Bởi anh biết Chúa “nhân từ, từ từ mới nổi giận và có lòng nhân ái bao la.”
“Vì thế nhân dân thành phố Ninevah tin vào Chúa, và tuyên bố sẽ ăn chay, và mặc áo vải bao bố, từ đấng tối cao cho tới phận hèn mọn nhất.”
Và nếu dân Ninevite được tha thứ, thì điều ấy có không làm cho lời tiên tri của Jonah trở thành sai hay không? Vậy thì có không anh là một nhà tiên tri giả? Thế thì nghịch lý nằm ngay trung tâm của cuốn sách: lời tiên tri chỉ đúng khi anh không nói nó ra. Nhưng rồi, tất nhiên, sẽ chẳng có lời tiên tri nào cả, và Jonah cũng chẳng phải là nhà tiên tri nào nữa. Nhưng thà không phải là một nhà tiên tri còn hơn là làm một nhà tiên tri giả cầy. “Vì thế giờ đây, hỡi Chúa, hãy lấy đi, con cầu xin, sự sống của con, vì con thà chết còn hơn là sống.”
Vì thế, Jonah im bặt. Vì thế, Jonah bỏ chạy khỏi sự tồn tại của Chúa và gặp phải lời nguyền tàu chìm. Hay có thể nói rằng, sự tan vỡ của một cá nhân.
* * *
Sự giảm trừ của nhân quả.
A. vẫn nhớ một khoảnh khắc của thời thơ ấu (năm anh mười hai, mười ba tuổi gì đó). Anh đang lang thang vô mục đích với một cậu bạn tên D. trong buổi chiều tháng Mười Một. Chẳng có gì xảy ra. Nhưng trong mỗi cậu bé, vào thời điểm ấy, đều có cảm giác của những khả thể vô tận. Không có gì xảy ra. Hoặc cũng có thể nói rằng chính cảm giác về những khả thể ấy, trên thực tế, lại chính là điều đang xảy ra.
Khi họ bước đi trong bầu không khí lạnh lẽo xám xịt chiều hôm ấy, A. chợt dừng lại và thông báo với bạn mình: Một năm sau kể từ ngày hôm nay sẽ có gì đó vĩ đại xảy ra với chúng ta, điều gì đó sẽ thay đổi cuộc đời chúng ta mãi mãi.
Một năm đó trôi qua, và vào cái ngày đã định, chẳng có gì vĩ đại xảy ra hết. A. giải thích với D.: Dù sao đi nữa; điều quan trọng sẽ xảy ra vào năm sau. Rồi năm thứ hai trôi qua, vẫn điều y như vậy xảy ra: chẳng có gì. Nhưng A. và D. không nản lòng. Trong suốt những năm học trung học, họ vẫn tiếp tục giữ kỷ niệm của ngày hôm ấy. Không có lễ nghi chào mừng gì cả, chỉ có sự ghi nhận. Ví dụ, gặp nhau trên hành lang nhà trường và bảo: thứ Bảy chính là ngày ấy đấy. Không phải vì họ vẫn chờ đợi điều kỳ diệu xảy ra. Nhưng, kỳ cục hơn, sau nhiều năm cả hai người càng trở nên gắn bó hơn với ký ức về lời tiên đoán.
Tương lai bất định, bí mật của những điều chưa xảy ra: anh nghiệm thấy cả điều đó cũng được bảo quản trong ký ức. Và đôi khi anh thấy kinh ngạc rằng bản thân lời tiên đoán mù quáng, trẻ con đã được nói ra hai mươi năm trước, sự tiên niệm về điều vĩ đại chính là sự vĩ đại: trí óc anh trôi tuột vào niềm hạnh phúc về những điều chưa biết. Với một thực tế đã xảy ra là nhiều năm đã trôi qua. Và vẫn cứ tới mỗi cuối tháng Mười Một, anh lại thấy mình nhớ về ngày hôm ấy.
* * *
Lời tiên tri. Khi là thật. Như trong Cassandra[17], nói lên từ chiếc vỏ sò cô độc của nàng. Như giọng của một phụ nữ.
Tương lai sa xuống hiện tại từ môi của nàng, điều nào cũng xảy ra chính xác y như tiên đoán, và số phận của nàng là không bao giờ được ai tin. Người đàn bà điên, con gái của Priam: “tiếng kêu của con chim báo điềm gở” từ kẻ “… phát ra tiếng đau thương/ Buông ra nỗi kinh hoàng khi nàng nhai lá nguyệt quế,/Và chẳng bao lâu nữa, như con nhân sư đen đúa,/Tru lên trọn khúc ca kỳ bí.” (Cassandracủa Lycophron, bản dịch của Royston, 1806). Để nói về tương lai là việc phải dùng thứ ngôn ngữ lúc nào cũng ở trước bản thân nó, ký thác những điều chưa từng xảy ra trong quá khứ, lên những điều “đã rồi” lúc nào cũng ở phía sau nó, tạo ra khoảng cách giữa lời nói và hành động, từ sau từ, kẽ nứt bắt đầu mở rộng, và với ai đó thì việc ngắm nhìn sự trống rỗng ấy trong một khoảng thời gian sẽ khiến họ thấy chóng mặt, cảm thấy bản thể mình rơi vào vực thẳm.
A. nhớ cảm giác sung sướng anh từng cảm thấy ở Paris năm 1974, khi anh phát hiện ra một ngàn bảy trăm dòng thơ của Lycophron (khoảng năm 300 trước công nguyên), vốn là lời độc thoại của Cassandra dằn vặt trong tù ngục trước khi Troy sụp đổ. Anh biết đến bài thơ qua bản dịch tiếng Pháp của Q., một cây bút bằng đúng tuổi anh (hai mươi tư). Ba năm sau đó, khi anh gặp Q., trong một quán cà phê trên đường Condé, anh hỏi anh ấy có biết bản dịch tiếng Anh nào không. Bản thân Q. không đọc hay nói tiếng Anh, nhưng có, anh ấy từng nghe đến một bản, do Huân tước Royston nào đó chuyển ngữ từ hồi đầu thế kỷ mười chín. Khi A. quay lại New York năm 1974, anh tới thư viện của đại học Columbia để tìm cuốn sách. Thật đáng kinh ngạc, anh tìm thấy nó. Cassandra, dịch từ nguyên bản tiếng Hy Lạp bởi Lycophron cùng với các ghi chép; Cambridge, 1806.
Bản dịch này là tác phẩm duy nhất dưới mọi hình thức được thực hiện dưới ngòi bút của Huân tước Royston. Ông đã hoàn thành bản dịch từ khi vẫn còn là một sinh viên chưa tốt nghiệp trường Cambridge và đã tự thân xuất bản bài trường thi đó dưới dạng một ấn bản đắt giá. Rồi ông tiếp tục hành trình truyền thống khắp châu lục sau lễ tốt nghiệp. Bởi Napoleon bành trướng tại Pháp, ông không hướng đến phía Nam – điều vốn là lẽ thường gặp đối với một thanh niên có sở thích như ông – thay vào đó lại đi lên phía Bắc, đến với các quốc gia Scandinavia, và rồi năm 1808, khi đang du hành qua vùng nước nguy hiểm của vùng biển Baltic, đã bị đắm tàu ở gần bờ biển nước Nga. Ông chỉ mới hai mươi tư tuổi.
Lycophron: “kẻ vô danh”. Trong bài thơ ngổn ngang, làm người ta phải ngơ ngác của ông, chẳng có gì được gọi tên, tất cả mọi thứ để chỉ để gợi liên tưởng đến thứ khác. Người ta mau chóng lạc trong mê cung của sự chằng chịt, và rồi vẫn tiếp tục đi xuyên qua nó, bị ếm bùa bởi quyền năng trong giọng nói của Cassandra. Bài thơ là một cơn lũ ngôn từ, thở ra lửa, bị lửa nghiến ngấu, tự xóa chính mình ở đỉnh điểm cảm giác. “Lời của Cassandra,” như miêu tả của một người bạn của A. (B.: trong một bài giảng, thật kỳ cục, về thi pháp của Hölderlin – thứ thi pháp mà anh so sánh với phong thái nói năng của Cassandra), “dấu hiệu tế vi nhất này – deutungslos– một chữ còn hơn cả đáng kinh ngạc, chữ của Cassandra, chữ mà không bài giảng nào có thể mô tả được, một từ, mỗi lần, và mọi lần, được nói ra để chẳng nói gì…”
Sau khi đọc hết bản dịch của Royston, A. nhận ra rằng một tài năng vĩ đại đã mất đi trong vụ đắm tàu ấy. Thứ tiếng Anh của Royston cuốn đi cùng với thứ cú pháp đầy giận dữ, khéo léo tung hứng, khiến cho việc đọc bài thơ cũng là việc cảm thấy bị mắc kẹt trong khuôn miệng của Cassandra.
• Dòng 240
Lời nguyền! họ mắc phải lời nguyền từ thiên đường kia!
Sớm phải ra khơi, trong tay đoàn người
Mái chèo mạnh mẽ run rẩy tách sóng triều đổ
Lúc những bài hát, thánh ca cùng lời hát mừng
Sẽ quyến rũ Thánh Thần, dành cho người sẽ trỗi dậy
Từ đền Delphic của Apollo, khói tủa
Với vô số trận lửa thiêu: sẽ vui xiết bao khi được nghe
Enorches, nơi ánh sáng của ngọn nến được treo cao Soi sáng những cuộc chè chén đáng sợ của chàng, và rồi tỏa xuống
Quân Savage đổ dồn trên cánh đồng lúa
Điên cuồng phá hủy, buộc những dây nho Cùng sức mạnh gân guốc của chàng, ném chúng xuống đất.
• Dòng 426
… rồi Hy Lạp
Đối với tội lỗi này, chính tội lỗi này đây, sẽ khóc thương
Vô số con trai: không bình đựng di cốt, chỉ có đá
Giữ lấy xương tàn; không bạn bè tiễn đưa
Rót rượu đen tiễn biệt người chết
Một cái tên, một hơi thở, một âm thanh trống rỗng vẫn còn đây,
Phiến đá cẩm thạch vô hồn vẫn ấm nóng bởi nước mắt thương xót
Của cha mẹ, một đứa trẻ mồ côi, và những người vợ góa!
• Dòng 1686
Sao phải đổ công sức vô ích? vào gió, và sóng, Gió bỏ mặc, sóng làm ngơ, và bóng tối cây rừng không màng đến
Ta ngân nga, ta cất tiếng ca cho bài hát vô nghĩa của mình
Tai ương mà Lepsieus đã đổ lên đầu ta
Đẩy lời ta vào trong sự ngờ vực
Vị thần đố kỵ! bởi từ chiếc ghế trinh nguyên của mình Ta đã làm ngài đắm say, mà không màng đáp lại tình yêu
Nhưng số phận nằm trong giọng nói của ta, sự thật trên môi ta;
Những gì phải đến, sẽ đến, và khi hiểm họa đang dâng tràn
Sụp lên đầu đàn ông, đàn bà vội vã trốn chạy khỏi chỗ ngồi
Đất nước mình tan tành, không con người hay Thần
Thánh nào cứu nổi,
Kẻ bất hạnh xiết rên, “Ở nàng không có lời ngoa, Sự thật là tiếng kêu của con chim báo điềm gở.”
Nó khiến A. phải tính tới chuyện của Royston và Q. đã dịch bài thơ này khi vẫn ở độ tuổi đầu hai mươi. Bất chấp một thế kỷ rưỡi chia cách họ, cả hai đều được trao cho một quyền năng đặc biệt với ngôn ngữ của riêng mình dưới hình thức một bài thơ. Có một lúc, A. chợt nghĩ là có thể Q. là tái sinh của Royston. Cứ khoảng chừng trăm năm hoặc thế, Royston lại tái sinh để dịch bài thơ này sang một ngôn ngữ khác, và như Cassandra mang số phận không được ai tin, tác phẩm của Lycophron có thể sẽ chẳng được ai đọc, hết thế hệ này sang thế hệ khác. Nhiệm vụ vô ích vì thế là: viết một cuốn sách luôn luôn bị gấp lại. Trí tuệ chìm xuống đáy biển, và tiếng động kinh hoàng của gỗ gãy, cột buồm lao sập vào những con sóng. Để hình dung về ý nghĩ của Royston vào khoảnh khắc cơ thể anh đập xuống mặt nước. Để hình dung sự tàn phá của cái chết ấy.
Khởi Sinh Của Cô Độc Khởi Sinh Của Cô Độc - Paul Auster Khởi Sinh Của Cô Độc