Hầu hết những thành quả quan trọng trên đời đều được tạo ra bởi những người dù chẳng còn chút hy vọng nào nhưng vẫn kiên trì theo đuổi điều mình mong ước.

Dale Carnegie

 
 
 
 
 
Tác giả: Henri Barbusse
Thể loại: Lịch Sử
Nguyên tác: Le Feu
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 26
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 282 / 14
Cập nhật: 2020-07-19 20:13:39 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
XXIV - Bình Minh
húng tôi chờ trời sáng ở nơi chúng tôi nằm phệt xuống. Ngày rạng đến dần dần, giá lạnh, âm u, thê lương và mờ tỏa trong khoảng không nhợt nhạt.
Mưa đã tạnh, không đổ xuống nữa. Trên trời không còn mưa. Cánh đồng xám xịt với những mặt nước mờ gương hình như nhô ra không những từ đêm tối, mà từ biển cả.
Thiu thiu nửa ngủ nửa thức, thỉnh thoảng hé mắt ra rồi lại nhắm lại, chân tay bại hoại vì mệt và rét, chúng tôi chứng kiến cảnh tái hiện không ngờ của ánh sáng.
Hào hố đâu cả rồi?
Chúng tôi trông thấy những hồ ao và giữa những hồ ao là những lạch nước đọng màu sữa.
Nước còn nhiều hơn là chúng tôi tưởng. Nước ngập hết, tràn lan khắp mọi nơi, và lời tiên đoán của những người ban đêm đã thành sự thực: chẳng còn chiến hào nữa. Những lạch kia là những chiến hào nước ngập. Ngập khắp mọi nơi. Bãi chiến trường không phải là đang ngủ, mà đã chết. Đằng xa kia, có lẽ cuộc sống vẫn tiếp diễn, nhưng ở đây chúng tôi mắt nhìn chẳng tới được.
Tôi nhổm dậy, nặng nề, lắc lư như người bị ốm, để ngắm nhìn quang cảnh đó. Áo ca-pốt nặng trình trịch bó chặt lấy tôi. Bên cạnh tôi là ba hình thù biến dạng kỳ quái. Một hình thù là Parađi cũng đang nhổm dậy, người gã bọc một cái vỏ bùn lạ lùng, và ở ngang thắt lưng chỗ đeo bao đạn phồng tướng lên một mảng bùn. Những người khác đang ngủ, nằm không cựa quậy.
Và cái im lặng này là cái gì vậy? Thật là kỳ lạ. Không một tiếng động, trừ ra thỉnh thoảng nghe tiếng một cục đất rớt xuống nước giữa cảnh tê liệt kỳ quái của thế gian? Không có tiếng súng. Không có tiếng đại bác vì đại bác không nổ nữa. Cũng chẳng có tiếng súng trường vì người thì...
Nhưng người, thì người hiện ở đâu?
Dần dần chúng tôi trông thấy người. Không xa chỗ chúng tôi, họ đang nằm ngủ lăn quèo, bết bùn từ đầu đến chân, gần biến thành những đồ vật.
Xa hơn chút nữa, tôi thấy có những người khác co quắp và dán mình xuống như những con sên dọc theo bờ hào tròn tròn và ngập nước lưng chừng. Một dẫy những đống xù xì, không cử động, những gói đồ đặt sánh cạnh nhau, nhớp nhúa nước và bùn, màu lẫn với màu đất, nằm lẫn lộn với đất.
Tôi cố gắng phá tan sự im lặng. Tôi lên tiếng, nói với Parađi cũng đang nhìn về phía đó:
- Họ chết rồi à?
Gã khẽ nói:
- Lát nữa sẽ lại xem. Bây giờ sẽ nằm đây chút nữa. Chốc nữa chúng mình mới có can đảm đi đến đó.
Hai chúng tôi nhìn nhau và đưa mắt nhìn những con người đã đến gục ngã ở đây. Mặt mũi chúng tôi mệt nhọc đến nỗi trông không còn ra hình thù mặt mũi nữa, một cái gì bẩn thỉu, không rõ nét, tím bầm, mắt đỏ ngầu ở phía trên thân người chúng tôi. Từ buổi đầu chúng tôi đã trông thấy nhau dưới đủ các hình dạng, vậy mà bây giờ chúng tôi không nhận được ra nhau nữa.
Cái khối thân hình Parađi ngoảnh đi, nhìn về phía khác.
Bỗng nhiên tôi thấy gã run lên. Gã giơ cánh tay to tướng bết những bùn và nói:
- Đằng kia... Đằng kia...
Trên mặt nước tràn từ một chiến hào vào giữa một khoảng đất hết sức nham nhở, sứt mẻ, có những đám đen đen nổi lềnh bềnh như những tảng đá ngầm tròn tròn.
Chúng tôi lê đến tận nơi. Đó là những người chết đuối.
Đầu và tay họ ngâm dưới nước. Lưng họ thắt dây da quân trang lập lờ nổi trên mặt nước trắng xóa, áo vải xanh phồng lên, bàn chân gắn xiêu vẹo vào những cẳng chân, trương phềnh như những bàn chân tròn và đen thui dính vào cẳng chân không thành hình dáng của những hình nhân bằng bong bóng lợn. Trên một cái sọ chìm, tóc dựng ngược trong lòng nước như một mớ rong. Đây là một cái mặt người nổi lềnh bềnh, đầu giạt vào bờ, thân vùi trong cái mả nước đục. Mặt ngẩng lên trời, hai mắt là hai lỗ trắng, miệng là một cái lỗ đen ngòm. Da màu vàng ệnh của bộ mặt đó trương phình lên, trông mềm nhão và dăn deo như bột nhào để nguội.
Đó là những lính canh gác trước đóng ở đấy. Họ không bị thương vì nếu bị thương, trông màu nước có thể biết. Họ bị mắc trong bùn không sao gỡ ra được. Bao nhiêu sức lực họ đem ra để thoát khỏi bờ dốc ngược và dính của cái hố bị nước ngập từ từ nhưng không sao tránh được đó chỉ làm cho họ bị lún xuống sâu thêm. Họ chết bám vào nền đất trơn tuột.
Chỗ này là tiền tuyến của ta, và đằng kia là tiền tuyến của quân Đức, cùng im lìm và chìm nghỉm dưới nước như nhau.
Chúng tôi đi đến tận những cảnh hoang tàn nhão nhoẹt đó. Chúng tôi đi giữa nơi hôm qua còn là khu vực khủng khiếp, trong khoảng cách ghê gớm mới bén địa đầu mà đợt tấn công cuối cùng của chúng tôi đã phải dừng lại, ở đó đạn súng trường và đạn đại bác trong vòng một năm rưỡi đã không ngùng rạch ngang dọc trên không trung, và mấy ngày đó những trận mưa đạn tạt ngang bắt tréo nhau dữ dội trên mặt đất, từ chân trời này sang chân trời kia.
Bây giờ nó đã biến thành một trường yên nghỉ siêu phàm. Khắp nơi trên mặt đất, rải rác những hình người đang ngủ hoặc đang từ từ ngọ nguậy, giơ cánh tay, ngóc đầu, bắt đầu sống lại hoặc đang chết lịm dần.
Chiến hào của địch đang sụp xuống chỗ dưới đáy những kẽ trũng, những miệng phễu lầy lội đầy bùn và biến thành một tuyến vũng nước và giếng. Đôi chỗ bờ hào còn chênh vênh trên mặt nước, thì thấy động đậy, lở ra và rơi xuống. Có nơi có thể nghiêng mình mà nhìn vào.
Trong cái vòng xoáy tròn như quay cuồng, đầy bùn bẩn đỏ, không có một xác người. Nhưng chỗ kia thảm hại hơn là thây người, chỉ có một cánh tay, một cánh tay thôi, trần trụi và xanh xao như đá, lờ mờ hiện ra ở vách và từ một lỗ đất thò ra khỏi mặt nước. Người chết đã bị vùi trong hầm trú ẩn của mình và chỉ kịp giơ lên có một cánh tay.
Sát ngay đấy, chúng tôi nhận thấy rằng những đống đất xếp thành hàng trên bờ còn sót lại của cái vực thắt hẹp là những con người. Họ đã chết chưa? Hay là họ đang ngủ? Không biết được. Dẫu sao, họ đang yên nghỉ.
Họ là người Đức hay người Pháp? Cũng không biết được. Một người mở mắt ra, lắc lư đầu nhìn chúng tôi. Chúng tôi hỏi hắn:
- Pháp hả?
Rồi:
- Deutsh?[57]
Hắn không trả lời, nhắm mắt và lại trở về cõi hư vô. Chúng tôi chẳng còn biết hắn là ai nữa.
Chúng tôi không thể đoán ra lai lịch của những người đó: xem quần áo cũng không được vì bùn lấp dầy quá, xem mũ cũng không được vì họ đề đầu trần hoặc đầu bịt kín trong mũ chụp len nhão nhoét và thối hoắc, xem vũ khí cũng không được vì họ không cầm súng hoặc tay họ nắm vào một vật mà họ lê theo chẳng còn ra hình thù gì và nhớp nhúa giống như một thứ cá mú gì đó.
Tất cả những người đó ở đằng trước và sau chúng tôi mặt như xác chết, kiệt lực, không lời và không ý chí, tất cả những người đó bết đầy đất, có thể nói như bị liệm bằng bùn, họ đều giống nhau như những người trần truồng. Từ cõi tối tăm khủng khiếp ấy, lác đác phía này phía nọ hiện về mấy thân tàn ma dại, cùng ăn bận như nhau bộ đồng phục của khốn khổ và bẩn thỉu.
Đây là sự tận cùng của tất cả. Trong một lúc, đấy là sự ngừng trệ bao la, sự ngừng bắn bi hùng của chiến trận!
Đã có một dạo, tôi cứ tưởng rằng địa ngục ghê sợ nhất của chiến tranh là lửa đạn đại bác, rồi trong một thời gian khá lâu, tôi nghĩ rằng địa ngục kinh khủng nhất là bị chôn ngạt dưới những hầm sâu thắt hẹp vĩnh viễn trên người mình. Nhưng không phải, địa ngục chính là nước.
Gió đã nổi. Gió lạnh giá và cái lạnh giá của nó thấu suốt qua thịt xương. Trên cánh đồng nhão nhoẹt và chìm ngập, lác đác những xác người giữa những vực nước ngoằn ngoèo, giữa những đống xác không cử động kết vào nhau như những con rắn, thấy hiện ra những cử động nhẹ nhàng như sóng gợn. Chúng tôi trông thấy những toán, những khúc của đoàn lữ hành, rải rác những người khom mình dưới gánh nặng mũ sắt và áo bết bùn. Họ từ từ chuyển động, lê đi lẻ tẻ hoặc chen chúc dưới ánh sáng lờ mờ của bầu trời. Bình minh bẩn thỉu quá, tưởng chừng như ngày đã qua rồi.
Những người sống sót di cư qua cánh đồng cỏ ngao ngán ấy, bị sự khốn cùng không tả xiết xua đuổi làm cho họ kiệt quệ và khiếp sợ. Trông họ thiểu não, vài người trông thật tang thương, thê thảm vì thấy rõ họ đã mất một phần xống áo trong khi cố vẫy vùng khỏi bị chôn vùi.
Khi đi qua, họ đưa mắt nhìn xung quanh, ngắm nghía chúng tôi, rồi nhận ra chúng tôi cũng là người, họ bảo chúng tôi trong tiếng gió:
- Đằng kia còn khiếp hơn ở đây. Lắm chú rơi vào hố, chúng tớ không sao lôi họ ra được. Tất cả những thằng ban đêm mon men đến miệng hố đại bác đều chết hết. Đằng kia là chỗ chúng tớ vừa đi lại đấy, cậu có thể thấy ở dưới đất một thằng bị chôn sống ở đó đang ngọ nguậy cánh tay. Có một con đường lát phên nhiều chỗ bị sụt và thủng, đó là một cái cạm bẫy người. Chỗ nào không lát phên là thụt xuống sâu hai thước nước... Còn súng! Có cậu không lôi được súng lên. Cậu coi những thằng này: Chúng tớ phải cắt tà áo ca-pốt của chúng đi mới gỡ được chúng ra, đành mất túi, vì chúng tớ chẳng còn đủ sức để kéo cả áo lên. Áo ca-pốt của Đuyma mà chúng tớ đã lột ra được nặng đến 40 kilô. Thực tình hai người cùng cầm bằng hai tay mới nhấc được nó lên... Kia, thằng kia, tơ hơ hai cẳng chân vì nó bị tụt hết, cả quần ngoài, quần trong, giầy, bị đất lột hết nhẵn. Chưa bao giờ chúng tớ thấy như thế, chưa bao giờ.
Họ kéo dài lê thê vì trong đám quân lếch thếch có những anh lếch thếch đi sau. Họ chạy trốn trong nỗi kinh hoàng lan ra như ôn dịch, chân bết những tảng bùn lớn tướng. Loạt người ấy đi xa dần, những khối người nặng nề của họ bé dần đi, mình mẩy họ bó chặt trong những bộ quần áo xù tướng.
Chúng tôi đứng thẳng người lên, gió buốt làm chúng tôi run rẩy như cây bị gió.
Chúng tôi đi từng bước ngắn. Chúng tôi đi né sang một bên vì thấy ở đấy có một khối hai người đứng tựa vai vào nhau, người nọ quàng tay ôm người kia, trông rất dị kỳ. Có phải là hai chiến sĩ giáp lá cà ôm chặt nhau rồi cả hai cùng chết mà không thể buông nhau ra không? Không, đó chỉ là hai người tựa vào nhau để ngủ. Vì họ không thể nằm xuống đất đang lún xuống và vùi họ, nên họ ghé vào nhau, nắm vai nhau mà ngủ, chân chôn trong bùn đến tận đầu gối.
Chúng tôi tôn trọng giấc ngủ yên của họ, và đi ra khỏi bức tượng đôi, biểu hiện tâm tình của những người khốn khổ.
Rồi đến lượt chúng tôi cũng phải dừng lại. Chúng tôi đã không tự lượng sức mình. Chưa thể ra khỏi chỗ này được: chưa phải là đã thoát. Chúng tôi ngã lăn xuống một nơi đất hoắm nhão như bột nghe đánh phịch một tiếng như ta đổ một đống phân.
Chúng tôi nhắm mắt lại, thỉnh thoảng lại mở ra.
Có nhiều người lảo đảo đi về mé chúng tôi. Họ cúi xuống phía chúng tôi và nói bằng một giọng mệt mỏi khe khẽ. Một người bảo:
- Sie sind todt. Wir bleiben hier...[58]
Anh kia trả lời “đa” như một tiếng thở dài.
Nhưng họ trông thấy chúng tôi ngó ngoáy. Lập tức họ đến trước mặt chúng tôi. Anh chàng có giọng nói thều thào bảo chúng tôi:
- Nous levons les bras[59]
Và họ cứ đứng trơ ra.
Rồi họ nằm lăn xuống, lòng nhẹ nhõm như từ nay chẳng còn khổ ải. Một người trên má có những vết bùn như một người dã man, hơi nhếch mép mỉm cười.
Parađi, gối đầu vào một mô đất, không nhúc nhích bảo họ:
- Cứ ở đây, lát nữa nếu mày muốn thì mày sẽ theo chúng tao.
Người Đức nói:
- Vâng, tôi ngấy lắm rồi.
Chúng tôi không trả lời.
Hắn nói:
- Còn những anh em khác cũng thế chứ?
Parađi trả lời:
- Ừ, nếu họ muốn ở lại cũng được.
Thế là cả bọn họ bốn người nằm soài xuống đất.
Một người bọn họ bắt đầu rên rỉ nghe như một tiếng hát nức nở. Thế là những người khác hơi nhồm lên, quỳ chung quanh gã và những bộ mặt hoen bẩn mở to mắt. Chúng tôi cũng nhổm dậy và nhìn cảnh tượng ấy. Những tiếng rên rỉ ngừng hẳn. Cả thân hình to lớn của gã chỉ còn cái cuống họng đen ngòm động đậy như một con chim nhỏ bây giờ cũng không cử động nữa.
Một người trong bọn họ nói:
- Er ist todt.[60]
Gã bắt đầu khóc. Những người khác lại nằm xuống ngủ. Anh chàng vừa khóc cũng ngủ nốt, vừa ngủ vừa nức nở.
Vài chiến sĩ ta loạng choạng đi đến, bất chợt có lúc họ dừng lại như những người say rượu, hoặc họ bị trơn tuột như những con giun. Họ đến nép mình trong những hốc đất chúng tôi đang nằm, và chúng tôi chồng chất lên nhau ngủ trong cái huyệt công cộng.
o O o
Parađi và tôi tỉnh dậy, đưa mắt nhìn nhau, hồi tưởng lại. Chúng tôi trở lại cuộc sống, nhìn lại ánh sáng ban ngày tưởng như mình còn trong ác mộng. Trước mắt chúng tôi, cánh đồng lại hiện ra, tàn khốc, trải dài những đồi thấp mờ mờ còn ngập trong nước. Cánh đồng đầy sắt thép, lỗ chỗ hoen rỉ, loáng lên những vệt nước dài, và những vũng nước. Những thân người bị hủy diệt hoặc còn thoi thóp hoặc đang tan rữa rải rác bao la như những đống phân tro.
Parađi bảo tôi:
- Chiến tranh là như thế.
Và gã nhắc lại, giọng xa xăm:
- Phải, chiến tranh là như thế, không phải là cái gì khác.
Tôi thông cảm ý gã muốn nói:
“Hơn cả những trận xung phong như những cuộc duyệt binh, hơn cả những trận giao chiến trông thấy tỏa ra rõ ràng như cờ giong trống mở, hơn cả những trận giáp lá cà người ta vừa xông xáo vừa gào thét, chiến tranh chính là sự mệt mỏi khủng khiếp, quá sức người, nước ngập đến bụng, bùn lầy cứt đái và bẩn thỉu nhớp nhúa. Chiến tranh là những bộ mặt mốc meo, thịt xương tan nát, những xác người không còn ra hình xác lố nhố trên mặt đất háu ăn. Chiến tranh là tất cả những cái đó, là sự cùng khốn triền miên lúc nào cũng như lúc nào, giữa quãng là những tấn thảm kịch khốc liệt. Chiến tranh là thế, mà không phải là những lưỡi lê sáng loáng như bạc, không phải tiếng kèn trận ròn rã như tiếng gà gáy sáng”.
Parađi loay hoay mãi với cái ý nghĩ đó, nên gã nhắc lại một kỷ niệm giọng gắt gỏng:
- Cậu còn nhớ cái con mẹ ở thành phố mà chúng ta đi dạo chơi hồi nọ không? Ngày ấy chẳng xa lắm đâu. Con mụ ấy nói về những trận tấn công, nó lải nhải: “Chắc là nom đẹp mắt lắm!”
Một anh lính tuần tiễu lúc đó nằm sấp, bẹp dí như một cái áo giải trên đất, ngóc đầu ra khỏi bóng tối nhớp nhúa kêu lên:
- Đẹp à! Chà! Cứt thật.
“Thật chẳng khác gì một con bò cái nó nói: “Người ta đang dồn những đàn bò đực kia vào lò sát sinh. Cảnh ấy thật là đẹp mắt!”
Gã khạc nhổ xuống bùn, miệng dính đầy đất, mặt lem luốc như một con vật.
Rồi gã lúng búng, giọng lạ lùng giật giật, tả tơi, phờ phạc:
Bảo rằng “Cần phải làm” thì còn được. Chứ còn bảo rằng trông đẹp mắt! Chao ôi! Cứt thật.
Gã loay hoay mãi với cái ý nghĩ đó. Gã nói tiếp, sôi nổi:
- Chính vì họ nói những điều như thế mà họ chẳng thèm đếm xỉa gì đến xương máu của chúng ta.
Gã lại khạc nhổ, nhưng vì cố gắng quá nên mệt lử, gã lại phịch trong vũng bùn, và đặt ngay đầu vào bãi nước đờm gã vừa khạc.
o O o
Parađi như bị ma làm, đưa đi đưa lại bàn tay khắp cảnh vật khôn tả. mắt chằm chằm không chớp, nhắc lại câu nói ban nãy:
- Đấy, chiến tranh là thế đấy... Và đâu đâu cũng như vậy. Còn anh em chúng ta là gì, và nơi đây là cái gì? Chẳng là cái gì cả! Tất cả những cái mà cậu thấy đây chỉ là một chấm nhỏ. Cậu nên nhớ rằng trên khắp thế giới, sáng hôm nay có ba nghìn cây số đầy khổ cực như thế, hoặc gần như thế, hoặc còn hơn thế nữa.
Anh bạn ở cạnh chúng tôi mà chúng tôi không nhận ra ai, mặc dù đã nghe giọng nói, nói tiếp:
- Thế rồi ngày mai lại bắt đầu như thế nữa. Ngày hôm kia đã bắt đầu giống như trước và những ngày trước cũng đã bắt đầu như trước nữa.
Anh lính tuần tiễu lấy hết sức như cào đất ra, nhấc người khỏi mặt đất, ở đó mình gã đã in một vết lún giống như một cái quan tài rỉ nước, gã ngồi trong cái hố đó. Gã chớp mắt, lắc lư bộ mặt quyện bùn để cho bùn rơi xuống, và nói:
- Lần này chúng ta sẽ thoát chết. Biết đâu ngày mai chúng ta lại chẳng thoát được nữa? Biết đâu?
Parađi lưng còng xuống dưới những lớp đất mùn và đất sét, cố tìm cách diễn tả ý nghĩ rằng chiến tranh là một điều không thể tưởng tượng được và không thể lường được trong không gian cũng như trong thời gian.
Gã nghĩ ra miệng:
- Khi ta nói về toàn bộ cuộc chiến tranh thì cũng như là không nói gì hết? Lời nói ta bị bóp nghẹt lại. Chỉ có thể trố mắt ra mà nhìn như những thằng mù...
Một giọng trầm trầm ở xa kia cũng góp chuyện:
- Không, không thể nào hình dung được.
Nghe thấy vậy bỗng nhiên có tiếng phá lên cười:
- Này, trước hết, không ra trận bao giờ thì tưởng tượng thế nào được chứ?
Anh lính tuần tiễu nói:
- Chỉ trừ có kẻ rồ!
Parađi nghiêng mình lên một khối người nằm soài ở cạnh gã.
- Mày ngủ à?
Tức thì một tiếng nói như bị tắc nghẽn, nghe khủng khiếp lúng búng thốt ra từ khối người phủ một lớp phù sa đỏ, dầy cộp và phồng lên như đã bị người ta xéo phải:
- Không, nhưng tớ nằm yên không cựa quậy. Tớ nói để cậu hay hình như tớ bị thủng bụng. Nhưng không chắc đúng, tớ không dám nhìn.
- Nào, để xem...
Gã trả lời:
- Không, đừng xem vội. Tứ muốn cứ nằm yên một lát như thế này đã.
Những người khác cử động lõm bõm trong bùn, lê mình bằng khuỷu tay, giũ lớp đất dưới mồ đè bẹp trên người. Cái xâu người bị hành hình ấy, dần dàn hết tê cóng mặc dầu ánh sáng vẫn không tăng thêm trên cái hồ lớn nham nhở ở nơi cánh đồng dốc xuống. Cảnh ngao ngán còn tiếp diễn, nhưng ngày rạng thì không.
Một người trong bọn chúng tôi nói bằng một giọng buồn bã như tiếng chuông chiều:
- Cậu muốn kể thế nào thì kể, chẳng ai tin là cậu nói thật, đúng thế. Họ không tin không phải vì ác ý, cũng không phải muốn nhạo báng, nhưng là vì họ không thể nào mà tin được. Nếu cậu còn sống sót để kể lại, chẳng hạn khi góp vào một câu chuyện: “Chúng tớ đã đi đào đất đêm, bị giã một trận chí tử, rồi suýt nữa bị chìm nghỉm trong bùn” thì họ trả lời cậu: “À ra vậy!” Hoặc cũng có thể họ bảo: “Chắc là trong trận ấy, các cậu cũng vất vả nhỉ”. Có thế thôi. Chẳng ai thèm biết. Chỉ có mình cậu biết mà thôi!
Một người nào đó kêu lên:
- Mà chính mình, chính chúng ta, chúng ta cũng chẳng biết nốt.
- Tớ cũng nghĩ như cậu: rồi ngay chúng ta, chúng ta cũng sẽ quên… Anh bạn khốn khổ ơi, ngay bây giờ chúng ta đã bắt đầu quên rồi đấy!
- Chúng ta đã trông thấy nhiều quá rồi!
- Và mỗi cái chúng ta đã trông thấy đều là thừa. Ai mà chứa được hết cả những cái đó... Nó rơi rụng tứ phía... Chúng mình bé quá.
- Chả mấy mà quên hết! Không những quên nỗi khốn khổ lớn lao dai dẳng đã có từ bao giờ, không sao tính ra được như cậu đã biết đấy: những cuộc hành quân cày đi cày lại đất cát, làm nát cả gan bàn chân, mòn cả xương thịt, dưới gánh nặng sụn xương cao ngất trên đầu, mệt nhừ người đến nỗi không nhớ cả tên mình là gì nữa, lúc đứng giẫm chân tại chỗ, không cử động thì mình đau như dần, những lúc quần quật quá sức con người, những buổi thức thâu đêm, không giới hạn, để rình mò kẻ địch lẩn quất khắp quanh ta trong đêm tối, cố gắng chống chọi với cái ngủ, và đầu phải gối lên phản và chấy rận. Lại thêm những vố chết người trong đó có lẫn lộn cả đại bác cỡ lớn, súng máy, mìn, hơi ngạt, những trận phản kích. Những lúc đó ta có đầy đủ thực tế, ta thấy được lẽ phải... Nhưng rồi tất cả cái đó cứ tàn lụi dần đi trong lòng ta và đến lúc nào đó nó biến mất không hiểu tại sao, không biết ở đâu và chỉ còn lại những tên gọi, những danh từ trống rỗng chẳng khác gì trong một bản thông cáo.
Một anh, đầu bị gông trong đất, không cựa được nói:
- Đúng thế, nó nói đúng đấy. Khi tớ về phép, tớ thấy rằng tớ đã quên hẳn lắm việc về trước,. Có những bức thư chính tay tớ đã viết, mà đọc lại tớ tưởng như đang đọc một quyển sách nào vậy. Tuy nhiên, mặc dầu vậy, tớ cũng quên cả những nỗi đau khổ của tớ trong chiến tranh. Chúng ta là những cái máy để mà quên. Con người ta là những vật biết suy nghĩ chút ít nhưng quên rất nhiều. Đó, chúng ta là thế đấy.
- Những người khác không nhớ, chúng ta cũng hay quên! Thế là cực khổ cũng hoài công!
Viễn tượng đó càng làm tăng thêm sự bạc nhược của những con người đó khiến cho họ như nhận được một tin về một tai biến lớn hơn nữa, làm cho họ càng thêm lụn bại trên bãi bùn và nước mênh mông này.
Một anh kêu lên:
- Chao ôi! Giá người ta nhớ được!
Gã kia nói:
- Nếu người ta mà nhớ được, thì từ giờ sẽ không còn chiến tranh nữa!
Một người thứ ba nói tiếp với một vẻ huy hoàng:
- Phải, nếu người ta mà nhớ được, thì chiến tranh không đến nỗi vô ích như hiện giờ.
Nhưng một trong những người còn sống sót đương nằm bỗng nhiên quỳ dậy, giũ hai cánh tay cho bùn rơi xuống và người gã đen thủi như một con dơi khổng lồ bị dính nhựa. Gã kêu lên, giọng trầm trầm:
- Sau cuộc chiến tranh này, không được có chiến tranh nữa!
Ở nơi bùn lầy ấy, những cơn gió thổi tạt vào chúng tôi, lúc đó chúng tôi còn yếu ớt và suy nhược, vật vã chúng tôi mạnh đến nỗi mặt đất tròng trành như một mảnh ván tàu trôi giạt. Tiếng kêu của người vừa rồi như muốn vùng vẫy bay lên cao, làm nổi lên nhao nhao những lời hưởng ứng:
- Sau cuộc chiến tranh này, không được có chiến tranh nữa!
Những tiếng hò reo ảm đạm và giận dữ của những con người bị trói buộc vào đất, như nặn bằng đất ấy, vút lên và tung bay trong gió như những cánh chim:
- Không còn chiến tranh nữa, không còn chiến tranh nữa!
- Phải, đủ rồi!
Họ lầu bầu:
- Thật là ngu ngốc quá... ngu ngốc quá! Nói cho cùng, tất cả cái đó có nghĩa lý gì? Chẳng ai nói được nó là nghĩa lý gì nữa!
Mặt mày sa sầm, bết những mảng bùn, họ lúng túng, càu nhàu như những con thú dữ đứng trên băng hải đang chống chọi với phong ba. Sự phản kháng đã làm họ nổi xung lên, mạnh mẽ đến nỗi họ như nghẹt thở.
Người ta sinh ra ở đời để mà sống, chứ đâu phải để mà chết như thế này!
- Người ta sinh ra để làm những người chồng, những người cha, những con người, chứ sao! Không phải để làm những con thú dữ lùng nhau, cấu xé nhau, gieo khổ cho nhau.
- Thế mà khắp mọi nơi, khắp mọi nơi chỉ toàn là súc vật, những con vật hung dữ hoặc những con vật bị hy sinh. Hãy trông, trông kìa!
... Không bao giờ tôi có thể quên được cảnh tượng những cánh đồng mênh mông đó, nước tràn ngập làm xóa nhòa hết cả màu sắc, đường nét và những chỗ lồi lõm, nước hôi thối làm hình thù những cánh đồng tan rã, trôi đi qua những cọc, những dây thép gai, nhũng cột xà tan tành trơ trụi, – và bao trùm lên tất cả cảnh âm phủ mênh mông u ám ấy, nỗi rung động của lý trí, của lẽ phải và của lòng người giản dị hiện lên thành hình ảnh và đột ngột lay chuyển tất cả những con người đó như một cơn điên cuồng.
Người ta thấy rõ rằng ý nghĩ này đương làm cho họ băn khoăn: cố tìm cách để mà sống cuộc đời của mình trên mặt đất, để mà sống sung sướng, không phải chỉ là một quyền lợi mà là một nhiệm vụ, và hơn nữa còn là một lý tưởng, một đạo đức; và đời sống xã hội chỉ nhằm tạo ra những sự dễ dàng hơn cho cuộc sống tâm tư của mỗi người.
- Sống!
- Chúng ta!... Anh!... Tôi!...
- Không còn chiến tranh nữa! À này! Thôi đấy... Quá ngu ngốc thật, còn tệ hơn thế nữa, còn quá...
Một tiếng nói thốt lên như một tiếng vang của ý nghĩ mơ hồ của họ, một tiếng vang của những lời rì rầm nhát gừng và không hết ý của đám đông... Tôi thấy một bộ mặt đội bùn nhổm lên, và từ mặt đất, miệng thốt ra:
- Hai đội quân giao tranh với nhau thì tức là một đạo quân lớn tự sát vậy.
o O o
- Nói cho cùng, từ hai năm nay chúng ta là cái gì? Là những người khốn khổ không thể tưởng tượng được, mà lại cũng là những người man rợ, những đồ súc sinh, những thằng kẻ cướp, những đồ chó chết.
Một anh chàng chỉ biết nhai đi nhai lại một câu nói:
- Tệ hơn thế!
- Phải, tớ công nhận như vậy.
Buổi sáng hôm đó, trong một lúc ngừng bắn ảo não, những con người bị mệt nhừ tử, mưa quất vào người, sau một đêm nháo nhào trong cơn sấm sét lửa đạn, những con người vừa thoát khỏi cảnh núi lửa và nước lụt, đã thoáng nhận ra là chiến tranh, ghê tởm về tinh thần cũng như về vật chất, không những đã vi phạm lẽ phải đương nhiên, bôi nhọ những tư tưởng lớn lao, gây ra mọi tội ác, mà họ còn hiểu ra rằng nó đã làm phát triển trong con người họ và ở xung quanh họ biết bao nhiêu bản năng xấu xa, không trừ một cái nào: tính độc ác đến mức cuồng bạo, tính ích kỷ đến mức tàn ngược, nhu cầu hưởng lạc đến mức điên cuồng.
Họ hình dung tất cả những cái đó trong tâm trí họ như vừa rồi họ đã hình dung được một cách lờ mờ những khổ cực của họ. Trong lòng họ chan chứa một sự uất ức muốn trào ra, tung ra bằng lời nói. Họ rên la khóc lóc như những đứa trẻ. Có thể nói là họ đang cố hết sức thoát khỏi tội lỗi và ngu muội nó làm vấy bẩn họ như đất bùn, và họ đang tìm hiểu vì sao mà họ bị đày đọa.
Một anh gào lên:
- Thế là thế nào?
Anh khác nhắc lại, lớn tiếng hơn:
- Thế nào chứ?
Trước mặt họ gió làm rung rinh mặt nước ngập bao la, và dồn dập quất vào đám người đó, họ đang nằm, hoặc quỳ, trơ trơ như những tảng đá, những bia mộ, gió làm cho họ run lên bần bật.
Một chiến sĩ gầm lên:
- Sẽ không có chiến tranh khi nào không còn nước Đức nữa.
Một anh khác kêu lên:
- Nói thế không đúng! Chưa đủ...
Tiếng gió gào thét đã át đi một phần lời nói của gã, nên gã ngẩng đầu lên nhắc lại.
Một anh khác điên tiết hối hả ngắt lời:
- Nước Đức với chủ nghĩa quân phiệt chỉ là một, chính chúng đã muốn chiến tranh. Chúng đã âm mưu gây chiến. Chúng là chủ nghĩa quân phiệt.
Một chiến sĩ nói tiếp:
- Chủ nghĩa quân phiệt là...
Người ta hỏi gã:
- Là gì?
- Là... những quân ăn cướp.
- Đúng.
- Cậu bảo hiện giờ chủ nghĩa quân phiệt gọi là nước Đức. Nhưng ngày mai đây tên nó sẽ là gì?
Một giọng nói trầm như một nhà tiên tri, đáp lại:
- Tớ không rõ,
- Thì ta phải, ta phải...
Một thân hình, từ lúc anh em thức giấc đến giờ vẫn trơ như đá trong bọc bùn, ộc ra những tiếng ồ ồ:
- Thì ta phải đấu tranh. Phải làm như vậy – nói đến đấy thì gã trở mình nặng nề – Phải hy sinh tất cả những cái gì chúng ta đã có: sức lực, hình hài, cả tâm hồn, cả cuộc đời chúng ta và tất cả niềm vui còn lại! Cuộc sống tù tội này, ta phải dang hai tay ra mà nhận lấy! Phải chịu đựng tất cả, chịu đựng cả sự bất công vì bây giờ bất công đã bắt đầu ngự trị, phải chịu đựng cả ô nhục, ghê tởm mà ta đã mắt thấy, tai nghe, để dốc hết vào cuộc chiến tranh, để chiến thắng.
Con người không ra hình người đó lại trở mình và nói thêm, giọng tuyệt vọng:
- Nhưng nếu ta cống hiến một sự hy sinh như vậy, là để chiến đấu cho một sự tốt lành chứ không phải là riêng cho một nước nào; ta chiến đấu chống một điều sai trái chứ không phải chống riêng một nước nào.
Gã nói trước nói tiếp:
- Không, chúng ta phải tiêu diệt chiến tranh ngay trong lòng của tất cả các nước!
Đến lượt anh lính tuần tiễu lầu bầu, gã đã ngồi xổm dậy:
- Lẽ tất nhiên vẫn có những người chiến đấu vì một ý nghĩ khác trong đầu óc. Tớ biết có những thanh niên họ bất chấp mọi lý tưởng. Đối với họ, điều quan trọng là vấn đề quốc gia, không phải cái gì khác, và chiến tranh là công việc giữa các quốc gia: người nào cũng muốn cho tổ quốc mình được vinh quang, thế thôi. Những thằng đó đã chiến đấu và chiến đấu cừ.
- Vì chúng còn trẻ, những thằng mà cậu nói đó. Chúng còn trẻ phải tha thứ cho chúng.
- Cũng có kẻ tuy không biết rằng mình làm gì, nhưng vẫn có thể làm cừ được.
- Quả thực loài người điên thật! Điều đó nói không bao giờ cho cùng.
Một bóng đen lầu bầu:
- Cái bọn “sô vanh”[61] ấy là những quân dòi bọ...
Rồi họ nhắc đi nhắc lại nhiều lần như để lần mò tìm hướng:
- Phải tiêu diệt chiến tranh. Tiêu diệt chiến tranh ấy!
Một người trong bọn chúng tôi, cái anh chàng hai vai bị bó chặt, đầu không cử động được, vẫn khăng khăng một ý.
– Tất cả những điều đó đều là hão huyền cả. Ta nghĩ thế này hoặc thế khác thì có làm quái gì? Cốt yếu là phải thắng trận thế thôi.
Nhưng những người khác đã bắt đầu suy nghĩ, tìm hiểu. Họ muốn hiểu biết và trông xa hơn cái hiện tại. Lòng họ hồi hộp, họ đang cố để làm nẩy ra ở trong lòng mình một ánh sáng hiền minh và ý chí. Nhiều lý tưởng lộn xộn quay cuồng trong đầu óc họ và làm thốt ra những mầu tín ngưỡng lặt vặt, hỗn độn.
- Thì hẳn là như vậy... Phải... nhưng cũng phải nhìn kỹ sự vật. Anh bạn ơi, bao giờ cũng phải nhìn vào kết quả.
Anh chàng giống như cột mốc đá vẫn gân cổ ra cãi:
- Trông vào kết quả! Thế thì chiến thắng trong cuộc chiến tranh này, cậu bảo không phải là một kết quả à?
Có hai người đồng thanh trả lời:
- Không!
o O o
Giữa lúc đó, nghe thấy một tiếng động nặng trình trịch. Vòng quanh vòng ngoài thốt ra những tiếng kêu làm chúng tôi rùng mình.
Từ mô đất mà chúng tôi đang tựa vào, cả một mảng đất bùn đã đổ xuống đế lộ ra giữa bọn chúng tôi một xác chết ngồi duỗi hai chân.
Đất sụt làm bung ra một vũng nước tích ở trên mô đất, và nước chảy ộc lên cái xác, rửa ráy nó trong khi chúng tôi đang trố mắt nhìn.
Có tiếng kêu:
- Mặt hắn đen thui!
Một anh hổn hển:
- Cái mặt này là mặt gì vậy?
Những người còn lành mạnh xúm lại thành vòng như một đàn cóc. Cái đầu ấy hiện ra như một hình chạm nổi ở vách đồi mà đất sụt đã để lộ ra, chúng tôi không thể nhận được là người nào.
- Mặt với mũi! Không còn ra hình mặt nữa!
Thay vào chỗ mặt, chỉ thấy tóc.
Bây giờ chúng tôi mới nhận ra rằng cái xác mà ta tưởng chết ngồi, thực ra là bị bẻ gập ngược ra phía sau và đặt bụng xuống đất.
Trong bầu yên lặng khủng khiếp, chúng tôi nhìn cái lưng dựng đứng ấy để trơ quần áo tả tơi thay cho chỗ ngực, hai cánh tay để thõng và khuỳnh về sau, hai cẳng chân duỗi ra, đầu ngón chân tì lên đất lỏng.
Trông thấy con người bị chết khủng khiếp như vậy, anh em lại tiếp tục bàn cãi. Họ hùng hổ gào to lên như cái xác có thể nghe thấy:
- Không, vấn đề không phải là diệt được chúng, mà là phải tiêu diệt chiến tranh.
- Thế mày không hiểu là phải trừ hẳn chiến tranh ư? Nếu một ngày kia lại phải giở trò chiến tranh ra, thì bao nhiêu việc mà ta đã làm sẽ vứt đi hết. Hãy coi đấy; có ích gì. Nghĩa là hai hoặc ba năm, hay hơn nữa, phải chịu đựng những tai ương vô tích sự.
o O o
- Chao ôi! anh bạn, nếu tất cả những sự chịu đựng của chúng ta không chấm dứt được tai họa lớn lao này thì bản thân tớ, tớ còn ham sống, tớ có vợ, có gia đình, có nhà ở, tớ có những dự định về cuộc đời sau này, tuy nhiên như thế tớ vẫn muốn chết đi là hơn.
Vừa đúng lúc đó, người ở cạnh Parađi, có lễ đã ngó vào vết thương ở bụng mình, nói lên như một tiếng vang:
- Tớ sắp chết đây, tớ tiếc chính vì tớ còn có con cái.
Ở nơi khác, có tiếng thì thào:
- Còn tớ thì chính vì tớ có con cái nên có chết tớ cũng không tiếc. Tớ sắp chết nên tớ hiểu rõ điều tớ nói. Tớ tự nhủ: “Về phần chúng nó, chúng sẽ được hưởng hòa bình!”
Một người khác tràn đầy hy vọng không nén được nên đã nói thẳng trước mặt những người không còn hy vọng sống:
- Tớ thi có lẽ không chết nhưng tớ sẽ còn chịu nhiều đau khổ. Thế thì tớ nghĩ: không sao, và có lẽ tớ còn nghĩ: càng hay. Tớ sẽ cam chịu đau hơn nếu tớ biết rằng cái đau khổ đó không phải là vô ích!
- Thế nghĩa là sau chiến tranh, lại còn chiến đấu nữa ư?
- Đúng, có thể như vậy.
- Thế ra cậu chưa chán chiến tranh à?
Anh kia càu nhàu:
- Phải, vì tớ không muốn có chiến tranh nữa!
- Có lẽ sẽ phải chiến đấu không phải với những kẻ nước ngoài, đúng thế không?
- Đúng, có lẽ thế.
Một cơn gió mạnh hơn những cơn gió khác đã làm chúng tôi phải nhắm mắt lại và tắc thở. Cơn gió đã qua, lướt trên cánh đồng, thổi thốc và làm rung rung lớp bùn, làm trũng mặt nước đọng ở chiến hào rộng hoác, dài như nấm mồ chôn cả một binh đoàn. Anh em lại tiếp tục:
- Nói cho cùng, cái gì khiến cho chiến tranh có tính chất vĩ đại?
- Chính là sự vĩ đại của nhân dân các nước.
- Nhưng nhân dân các nước thì tức là bọn chúng ta!
Người vừa nói câu đó đưa mắt nhìn có ý hỏi tôi. Tôi trả lời anh:
- Phải, anh bạn của tôi ơi, đúng thế! Vì người ta chỉ có thể đánh trận bằng chúng ta. Chúng ta là nguyên vật liệu của chiến tranh. Chiến tranh bao gồm toàn là thịt xương và tâm hồn của những người lính bình thường. Xác chúng ta lấp đầy cánh đồng, máu chúng ta chảy thành sông. Tất cả chúng ta, nếu tách riêng từng người thì chỉ là một vật vô hình và lặng lẽ vì số lượng chúng ta rộng lớn bao la. Những thành phố rỗng không, những làng mạc hoang tàn, thiếu chúng ta, tất cả thành sa mạc. Phải, tất thảy chúng ta là như thế đấy, và toàn bộ chúng ta là như thế đấy.
- Chính nhân dân đã làm chiến tranh, không có nhân dân thì không có gì, không có gì hết, họa chăng chỉ có vài tiếng nhí nhéo xa xa. Nhưng nhân dân ta lại không có quyền quyết định chiến tranh. Chính bọn làm chủ đã điều khiển họ.
- Ngày nay, nhân dân các nước đấu tranh để không còn có bọn chủ sai khiến mình nữa.
- Thế nhưng, như vậy, thì hóa ra chúng ta đấu tranh cho cả người Phổ nữa hay sao?
Một trong những người khốn khổ trên cánh đồng trả lời:
- Phải mong như vậy.
Anh lính tuần tiễu nghiến răng nói:
- Thế thì cứt thật!
Nhưng gã lắc đầu và không nói gì nữa.
Anh chàng bướng bỉnh hằn học làu nhàu:
- Ta hãy lo cho chúng ta thôi! Không nên can thiệp vào việc của người khác.
- Có chứ! Phải can thiệp… vì cái mà mày gọi là người khác thì chính không phải là kẻ khác, cũng lại là ta thôi.
- Nhưng tại sao chúng ta vẫn cứ luôn luôn phải đấu tranh cho tất cả mọi người?
Một gã trả lời:
- Đúng là như vậy đấy.
Và gã nhắc lại những lời mà gã vừa nói lúc trước: cần quái gì, hoặc: càng hay!
Lúc đó anh chàng vừa hỏi tôi, phát biểu:
- Nhân dân các nước hiện không là gì cả, đáng lẽ thì họ phải là tất cả.
Gã nói ra và không biết rằng mình đã nói một lời lịch sử có từ cách đây đã hơn một thế kỷ, nhưng ở đây gã hiểu nó với một ý nghĩa lớn lao quảng đại.
Và cái anh chàng thoát khỏi cơn giông tố, quỳ bốn vo trên đất bẩn, ngẩng khuôn mặt phong hủi lên, nhìn về phía trước, về cõi vô biên bằng con mắt khát vọng.
Gã nhìn, gã nhìn mãi. Gã cố mở tung những cánh cửa trên thiên đình.
o O o
- Nhân dân các nước đáng lẽ phải nhất trí với nhau trên thây xác của những kẻ đã bóc lột mình bằng cách này hay cách khác. Tất cả quảng đại quần chúng phải nhất trí với nhau.
- Và tất cả mọi người phải được bình đẳng.
Câu nói đó đến cứu giúp chúng tôi.
- Bình đẳng, phải… Phải. Có những tư tưởng lớn lao về công lý, về chân lý. Người ta tin tưởng, hướng về những tư tưởng đó để bấu víu vào một cái gì sáng láng. Và nhất là có sự bình đẳng.
- Còn có cả tự do và bác ái nữa.
- Nhất là bình đẳng!
Tôi bảo họ rằng bác ái chỉ là ảo mộng, một tình cảm mông lung, vô tri giác, rằng ghét một kẻ không quen biết là trái với bản tính của con người, nhưng yêu người không quen biết cũng là trái với bản tính đó. Không thể làm gì trên cơ sở lòng bác ái. Ngay cả tự do cũng vậy: trong một xã hội mà tất cả những gì tồn tại đều xâu xé nhau dữ dội thì tự do chỉ có ý nghĩa hết sức tương đối.
Còn sự bình đẳng thì bao giờ cũng vậy thôi. Tự do và bác ái là những danh từ, nhưng bình đẳng lại là một sự vật. Bình đẳng là một công thức lớn lao của con người.
Những người trong nhân dân đang ở đó, hé thấy một cuộc Cách mạng nào đó lớn lao hơn cuộc cách mạng kia[62]. Cuộc Cách mạng này bắt nguồn ở họ, và đã bắt đầu trào lên, dâng lên ngực họ. Họ cùng nhắc lại:
- Bình đẳng!...
Tôi thấy như họ đang đánh vần chữ đó, rồi thì ở đâu đâu họ cũng trông thấy rõ ràng chữ đó; ở trên trái đất này không có một thành kiến nào, một đặc quyền nào, không có một sự bất công nào không nhào sụp khi đụng chạm đến nó. Đó là một câu trả lời cho hết thảy, một danh từ tuyệt vời. Họ lật đi lật lại khái niệm đó và thấy nó như một cái gì đó hoàn mỹ. Và họ nhìn thấy những sự lạm quyền bị thiêu đi trong một ánh sáng rực rỡ.
Một anh nói:
- Thế thì sẽ đẹp lắm!
Anh khác nói:
- Đẹp quá thì sao có thực được!
Nhưng anh thứ ba bảo:
- Vì nó có thực nên nó mới đẹp, và không phải vì nó đẹp nên nó sẽ có. Cái đẹp đâu phải là một điều thông dụng, tình yêu cũng thế. Vì nó thực cho nên nó là điều tất yếu.
- Như vậy, nếu nhân dân muốn có công lý, và nhân dân là sức mạnh, thế thì nhân dân cứ thực hiện công lý đi.
Một anh nào đó, không ai để ý, nói:
- Người ta đã bắt đầu rồi đấy!
Anh khác bày tỏ:
- Xu hướng bây giờ là thế.
- Khi mọi người đều bình đẳng cả thì bắt buộc là phải đoàn kết.
- Và dưới bầu trời, sẽ không còn những điều khủng khiếp do ba mươi triệu con người tạo ra tuy không ai muốn thế.
Điều đó thật là đúng, không ai có thể chối cãi được. Còn có một lý lẽ nào khác, còn có một câu trả lời vô vị nào dám đưa ra chống đối lại điều này: “Và dưới bầu trời, sẽ không còn những điều khủng khiếp do ba mươi triệu con người tạo ra tuy không ai muốn thế”. Tôi lắng nghe, tôi theo dõi cái lý luận trong những câu nói của những con người tiều tụy bị ném lên cánh đồng đau khổ này, những lời nói vọt ra từ những vết đau thương của họ, những lời nói như máu của họ chảy ra.
Bây giờ mây kéo đầy trời, những đám mây to che kín phía dưới nhuộm xanh bầu trời. Phía trên, những vệt bụi ẩm dài vô tận quét ngang bầu trời, lóng lánh như mạ một lượt thiếc mỏng. Trời tối sầm. Lại sắp có mưa. Bão táp chưa phải là đã hết, đau khổ còn kéo dài.
Một anh bảo:
- Người ta sẽ tự hỏi: “Chung quy chiến tranh để làm gì? Để làm gì thì chẳng ai biết, nhưng để cho ai thì ta đã có thể nói lên được rồi. Người ta bắt buộc phải thấy rằng nếu mỗi nước hàng ngày đưa một nghìn rưởi thanh niên ra sát hại để đem thịt máu tươi đặt trước bàn thờ thần Chiến tranh thì chính là để làm vui lòng vài thằng đầu sỏ mà ta có thể đếm trên đầu ngón tay. Chúng ta thấy rằng toàn thể nhân dân các nước xếp hàng thành từng đàn quân đội[63] chui vào lò sát sinh là để cho một giai cấp đeo lon vàng có thể ghi tên tuổi quý phái của chúng vào lịch sử, để cho những kẻ mình cũng mạ vàng, cũng thuộc vào một tụi với chúng, có thể ôm đồm kinh doanh nhiều hơn để phục vụ cho những vấn đề cá nhân và những vấn đề buôn bán. Và khi chúng ta đã mở mắt ra rồi, chúng ta sẽ thấy rằng những sự phân cách giữa mọi người không phải như ta thường lầm tưởng, trái lại những sự phân cách mà ta tưởng thì thực ra không có.
Bỗng nhiên có người ngắt lại:
- Nghe kìa!
Chúng tôi im không nói nữa và nghe tiếng đại bác ở đằng xa. Phía đó, tiếng gầm của đại bác làm rung chuyển những lớp không khí, và sức mạnh xa xôi đó yếu ớt lọt vào tai chúng tôi bịt kín bùn. Xung quanh, nước lụt vẫn thấm dần vào đất và làm sụp dần những nơi cao.
- Lại tiếp diễn …
Rồi một anh trong bọn chúng tôi nói:
- Chao ôi! Sẽ có biết bao nhiêu khó khăn trở ngại chống lại mình.
Trong tấn thảm kịch giữa những người đang nói mà không ai biết đó, bỗng nảy sinh một sự khó chịu, một nỗi do dự. Đó là thành quả bao la của định mệnh. Đó không phải chỉ là nỗi đau khổ và hiểm nghèo, sự khốn cùng của các thời đại mà ta thấy diễn đi diễn lại không ngừng. Đó còn là sự đối kháng của người và vật chống lại chân lý, là sự tích lũy những đặc quyền, đó là sự ngu muội, là thái độ cố ý làm ngơ, là những thành kiến, những địa vị đã chiếm được và cố giữ một cách hung hãn, những lực lượng không lay chuyển được đang đè trĩu lên con người và những con đường rối bung không gỡ được.
Và mơ ước mò mẫm của những tư tưởng lại tiếp tục bằng một hình ảnh khác, trong đó những đối thủ muôn đời từ bóng tối của quá khứ bước ra và hiện lên trong bóng tối đầy bão táp của hiện tại.
o O o
Họ đây… Trên nền trời, trên đỉnh những đám mây bão táp, gieo sầu thảm khắp thế gian, người ta như trông thấy đoàn quân kỵ mã tỏa hào quang, ngồi trên mình những con ngựa xoay tròn, những con ngựa chiến đeo những bộ giáp, những lon vàng, những chùm lông trên mũ, những mũ miện và những thanh kiếm… Họ cuồn cuộn lướt đi rõ mồn một, lộng lẫy, lóng lánh những tia chớp, khí giới đầy người. Đoàn kỵ mã hiếu chiến ấy với những dáng điệu cổ xưa, nổi bật trong đám mây trên trời như một cảnh trí hung tợn trên sân khấu.
Tất cả cảnh tượng đó từ bốn phương trời kéo đến, xô đẩy nhau trong khoảng trời mênh mông, che kín những khoảng không xanh biếc, tất cả cảnh tượng đó hiện lên tít trên cao, trên những cái nhìn phát sốt của những người nằm dưới đất trông lên, trên những thân hình bết đầy bùn bẩn của những đáy sâu thế gian và của những ruộng nương bị bỏ phí.
Họ đông lắm. Không phải chỉ có đẳng cấp quân nhân hô hào và tôn thờ chiến tranh, không phải chỉ có những kẻ nhờ sự nô dịch hóa toàn thế giới mà nắm trong tay một quyền hành kỳ diệu: những con người toàn vàng đứng sừng sững trên nhân loại đang quỳ gối, đột nhiên cưỡng ép lịch sử vì họ thoáng thấy kiếm chác được một mẻ lớn. Không phải chỉ có thế, mà còn có cả một đám quần chúng giác ngộ và không giác ngộ phục vụ cho đặc quyền khủng khiếp của chúng.
Lúc này một trong những người đối thoại âm thầm và bi đát giơ tay trỏ như trông thấy những hình ảnh ấy thật, reo lên:
- Có những kẻ bảo rằng: “Họ đẹp biết bao!”
- Và có những kẻ thì bảo: “Các giống người thù ghét nhau!”
- Và lại có những kẻ nói: “Chiến tranh nuôi béo ta và bụng ta đương phì nộn!”
- Lại có những kẻ bảo rằng: “Xưa kia vẫn có chiến tranh, vậy sau này vẫn sẽ còn chiến tranh!”
- Có những kẻ nói: “Tôi không thấy xa hơn đầu ngón chân tôi, và tôi cấm không cho người khác nhìn xa hơn!”
- Lại có những kẻ bảo: “Trẻ con lúc sinh ra, đít đã mặc một chiếc quần đùi đỏ hoặc xanh rồi!”
Và một tiếng ồ ồ gào lên:
- Có những kẻ nói: “Các người hãy cúi đầu xuống và tin ở Thượng đế!”
o O o
Chao ôi! Những con người đông đảo khốn khổ đã tạo ra chiến trận! Các bạn nói đúng. Các bạn đã tiến hành tất cả cuộc chiến tranh lớn lao này bằng những bàn tay của các bạn. Các bạn là lực lượng vạn năng nhưng chưa được dùng vào những việc hữu ích. Các bạn là đám quần chúng trên thế giới và mỗi người là cả một thế giới đau khổ; dưới bầu trời đầy mây đen dài dằng dặc, tỏa ra như những hung thần, các bạn hãy mơ ước với một tư tưởng đè nặng trĩu trong đầu óc; đúng thế, các bạn có lý. Tất cả cái đó đang chống lại các bạn. Không phải chỉ có những kẻ vung gươm, những kẻ bóc lột, những kẻ đầu cơ chống đối lại các bạn và quyền lợi chung to lớn của các bạn, quyền lợi hoàn toàn phù hợp với luận lý thiêng liêng.
Không phải chỉ có những bọn tham lời quái gở, những tên tài phiệt, những tên kinh doanh lớn nhỏ, ẩn nấp trong pháo đài ngân hàng và biệt thự của chúng, là sống vì chiến tranh và trong chiến tranh thì sống trong cảnh hòa bình, đầu óc cố chấp của chúng chỉ có một chủ nghĩa đen tối, mặt mũi lầm lì như cái két bạc.
Còn có những kẻ thán phục những miếng đòn nẩy lửa, ước mơ và reo lên như đàn bà trước những màu sắc rực rỡ của những bộ quân phục. Những kẻ say sưa với những khúc quân nhạc, với những bài ca mà người ta rót cho nhân dân như những ly rượu, những kẻ mù quáng, những kẻ kém suy xét, những kẻ tôn thờ bái-vật, những kẻ man rợ.
Có những kẻ dìm mình vào quá khứ, trong miệng lúc nào cũng chỉ nhắc đến những chuyện ngày xưa, những kẻ thủ cựu, chúng cho rằng sự lạm quyền được công nhận như một pháp luật chỉ vì đã có từ lâu đời. Chúng chỉ mong được những người chết chỉ hướng cho, chúng cố hết sức bắt tương lai, bắt sự tiến bộ mà bao người hồi hộp và say sưa phải khuất phục dưới sự thống trị của những hồn ma và những câu chuyện kể cho con trẻ.
Cùng với bọn chúng, còn có tất cả bọn giáo sĩ tìm cách kích thích hay ru ngủ ta bằng liều thuốc moóc phin thiên đường của chúng để kìm hãm mọi sự đổi thay.
Chúng làm biến chất đạo lý đáng kính: biết bao tội ác được chúng tôn lên là đạo đức, dưới chiêu bài quốc gia – chỉ cần một từ ngữ thôi! Chúng bóp méo cả chân lý. Thay vào chân lý vĩnh cửu, mỗi tên trong bọn chúng dựng lên một chân lý quốc gia. Có bao nhiêu dân tộc là có bấy nhiêu chân lý, không dân tộc nào thừa nhận chân lý khác. Chúng làm sai lạc, quắt quéo chân lý vĩnh cửu.
Tất cả những bọn đó là kẻ thù của các bạn!
Chúng là những kẻ thù của các bạn, hơn là những người lính Đức ngày hôm nay đây đang nằm ngổn ngang kia với các bạn vì họ cũng chỉ là những kẻ khốn nạn bị lừa bịp, bị mê hoặc một cách khả ố, họ chỉ là những con vật dễ bảo… Chúng là kẻ thù của các bạn, bất chấp chúng sinh ở đâu, tên họ chúng đọc thế nào, và ngôn ngữ mà chúng dùng để lừa dối. Các bạn tìm chúng ở trên trời cao và dưới đất này. Hãy tìm chúng khắp mọi nơi! Hãy nhận cho ra bọn chúng, nhận một lần cho thật rõ, và nhớ lấy đời đời!
o O o
Một người quỳ gối, nghiêng mình, tay chống xuống đất, nguẩy hai vai như một con chó ngao, lầm bầm:
- Chúng sẽ bảo cậu: “Bạn ơi, bạn đã là một anh hùng đáng thán phục”. Tớ không muốn chúng nói với tớ như thế.
“Những anh hùng, những con người phi thường, những thần tượng ư? Thôi đi, van các ngài! Chúng ta đã là những tên đao phủ. Chúng ta thật thà đã làm cái nghề đao phủ. Nếu còn cần để cho những kẻ thù địch chính cống đừng hoành hành nữa thì chúng ta sẽ lại làm đao phủ, làm ra làm. Động tác chém giết bao giờ cũng đáng kinh tởm, có khi cần thiết nhưng vẫn là đáng kinh tởm. Đúng thế, chúng ta đã là những tên đao phủ ác độc và không biết mỏi, chúng ta đã là như thế đấy. Nhưng không phải vì tớ đã giết quân Đức mà chúng đưa danh từ dũng khí quân sự mà nói với tớ được”.
Một anh khác kêu lên, kêu to quá đến nỗi không ai có thể đối đáp với anh được:
- Tớ đây, tớ đã cứu sống những người Pháp, chúng cũng không có quyền nói với tớ như vậy. Bởi vì làm như vậy chẳng khác gì mong cho cháy nhà chỉ vì thấy những hành động cứu chữa là đẹp đẽ!
Một trong những anh lính ủ rũ đó lầm bầm:
- Nêu ra những khía cạnh đẹp đẽ của chiến tranh, dù chiến tranh có thể có những khía cạnh đẹp thật, cũng có thể coi là một tội ác!
Anh nói lúc đầu tiếp tục:
- Chúng sẽ nói với cậu như vậy để lấy cái hư danh mà trả công cậu, và đồng thời cũng để tự trả công những việc chúng không từng làm. Nhưng vinh quang chiến công đâu phải thật sự là phần của bọn ta, những binh lính tầm thường. Nó dành riêng cho một số kẻ, và ngoài bọn con cưng ấy; thì vinh quang chiến công chỉ là một sự dối trá như là tất cả những cái gì có vẻ đẹp đẽ trong chiến trận. Sự thực thì sự hy sinh của người lính chỉ là một sự mai một tối tăm. Những người đông đảo trong các đợt xung phong có bao giờ được khen thưởng gì. Họ ào lên, lăn mình vào một sự vinh quang hư vô khủng khiếp. Nào ai ghi hết được tên tuổi của họ, những tên tuổi khốn khổ nhỏ xíu trong hư vô.
Một người trả lời:
- Chúng ta đếch cần cái đó. Chúng ta còn để bụng nghĩ đến việc khác.
Một bộ mặt lọ lem bị bùn phủ kín như một bàn tay ghê tởm, nấc lên:
- Nhưng tất cả những cái đó, cậu có thể nói ra được không? Chúng sẽ nguyền rủa cậu và đem giết trên đàn thiêu. Chúng đã tạo ra xung quanh vẻ hào nhoáng bóng bẩy, một thứ tôn giáo chẳng kém phần ác độc, ngu ngốc và hung bạo như cái tôn giáo kia!
Gã nhấc mình dậy, rồi ngã lăn xuống, nhưng lại nhồm lên. Trong lớp vỏ bùn bẩn thỉu, người gã mang vết thương, máu thấm xuống đất, và khi gã nói hết, gã mở to mắt ngắm nhìn dưới đất những giọt máu mà gã đã cống hiến cho sự bình phục của thế giới.
o O o
Từng người một, những người khác đứng lên. Cơn dông tố dày đặc thêm và hạ xuống khắp cánh đồng bị lột da và hành tội. Ban ngày dầy bóng tối. Những thân hình thù địch và những đoàn người hiện ra không ngừng ở trên đỉnh những đám mây như núi, ở xung quanh những bóng man rợ của những thánh giá và những hình phượng hoàng trên những ngôi nhà thờ, ở những cung điện vua chúa, đền đài của quân đội, những thị trường chứng khoán; chúng hiện ra mỗi lúc thêm đông, che lấp cả những vì sao thưa thớt không đông bằng loài người. Và hình như những bóng ma ấy còn lúc nhúc khắp nơi trong những hang hốc ở chỗ này, chỗ kia, giữa những con người thực bị ném vung vãi, đang vùi nửa mình trong đất như những hạt giống.
Sau cùng, những bạn chiến đấu còn sống sót của tôi đều đứng dậy, lảo đảo trên mặt đất sụt, giam hãm trong những bộ quần áo bết đất, bó chặt trong những cỗ quan tài kỳ dị bằng bùn, họ giương cao sự mộc mạc khủng khiếp của họ ra khỏi lớp đất thâm u như sự ngu muội; họ cử động và hò reo, mắt, cánh tay và nắm tay hướng lên trời là nơi ánh sáng và phong ba đang giáng xuống. Họ vùng vẫy chống với những bóng ma thắng thế chẳng khác gì những chàng Xiranô và những Đông Kisốt: thực sự lúc này họ hãy còn là những người như thế.
Bóng dáng họ cử động trên mặt đất long lánh buồn thiu, phản ánh lên mặt nước tù, nhợt nhạt trong những chiến hào cũ, bây giờ trắng xóa vắng tanh chỉ có khoảng không vô tận tràn vào, ở giữa cảnh vắng tanh trên cực địa phía chân trời mù khói.
Nhưng bây giờ mắt họ đã mở to. Họ đã bắt đầu hiểu thấu ý nghĩa đơn giản vô biên của mọi sự vật.
Trong khi chúng tôi chuẩn bị để đi tìm những bạn đồng đội khác để lại bắt đầu cuộc chiến tranh thì vòm trời đen tối dầy mây bão táp từ từ hé ra ở trên đầu chúng tôi. Giữa hai đám mây tối tăm, một tia sáng êm ả thoát ra, và vệt ánh sáng đó, mặc dầu còn nhỏ hẹp, còn sầu thảm như có vẻ lo âu tư lự, nhưng dẫu sao cũng làm bằng chứng là mặt trời vẫn tồn tại.
Tháng Chạp năm 1915
Khói Lửa Khói Lửa - Henri Barbusse Khói Lửa