Nếu bạn không thể phạm sai lầm, bạn sẽ không thể làm được điều gì.

Marva Collins

 
 
 
 
 
Tác giả: Henri Barbusse
Thể loại: Lịch Sử
Nguyên tác: Le Feu
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 26
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 282 / 14
Cập nhật: 2020-07-19 20:13:39 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
XXII - Dạo Chơi
ua hết đại lộ Cộng Hòa, rồi đường Gămbétta, chúng tôi tới quảng trường Thương Mại. Đinh sắt ở những đôi giầy đánh xi của chúng tôi kêu vang trên đá lát. Trời đẹp. Mặt trời sáng sủa lóng lánh chiếu sáng như qua lớp kính của một nhà kính trồng cây, làm chói lên những mặt kính các cửa hàng ở quảng trường. Áo ca-pốt của chúng tôi đã được chải kĩ, tà áo để thõng xuống, và vì xưa nay thường vẫn vén lên, nên trông rõ ở chỗ tỏa xuống hai hình vuông, chỗ dạ sẫm hơn.
Bọn đi ngoạn cảnh chúng tôi dừng chân một lúc và lưỡng lự trước cửa hàng cà phê huyện lỵ, còn có tên là Cà Phê Lớn.
Vônpat nói:
- Ta có quyền được vào!
Blerơ kiễng chân, nghển mặt lên trên tấm màn đăng-ten của cửa hàng, đánh liều nhòm qua khe chữ vàng trên tấm cửa kính, trả lới:
- Trong đó lắm sĩ quan quá.
Parađi nói:
- Vả lại, bọn ta đã đi xem được mấy đâu.
Chúng tôi lại bước đi, và bọn lính quèn chúng tôi ngắm qua những cửa hàng giàu có ở quanh quảng trường: những cửa hàng tân phẩm, hàng giấy bút, hiệu dược phẩm và tủ hàng của một người kim hoàn choáng lộn như quân phục đầy huân chương của một vị tướng. Chúng tôi trưng ra những nụ cười để tô điểm thêm cho bộ mặt. Hiện giờ được miễn mọi công tác cho đến chiều, chúng tôi được tự do sử dụng thì giờ của mình. Chân bước những bước đi êm đềm thoải mái, tay không vướng víu cũng ve vẩy như đi dạo chơi.
Parađi nhận định:
- Không thể chối cãi được, nghỉ ngơi như thế này bổ ích lắm.
Thành phố mở rộng trước bước đi của chúng tôi, gây cho chúng tôi rất nhiều cảm xúc. Chúng tôi tiếp xúc với cuộc sống, đời sống của đông đảo nhân dân, đời sống hậu phương, đời sống bình thường. Ở đây kia, đã bao phen chúng tôi đã tưởng rằng chẳng bao giờ sẽ được về tới đây!
Chúng tôi trông thấy những ông, những bà lịch sự, những cặp vợ chồng ríu rít trẻ em, những sĩ quan người Anh, những phi công trông từ xa đã nhận ra được vì cách ăn mặc trang nhã gọn ghẽ và những huy chương của họ. Những anh binh nhì đi rong chơi trong bộ quân phục chải chuốt, da dẻ kỳ cọ, đồ trang sức duy nhất là cái “lắc” căn cước khắc tên, lóng lánh trên ca-pốt dưới ánh nắng của mặt trời. Họ cẩn thận đánh bạo đi vào khung cảnh đẹp đẽ sạch nhẵn không còn chút ác mộng.
Chúng tôi chốc chốc lại reo lên như những kẻ ở xa xôi về. Tiarét kinh ngạc:
- Đông người quá, mày nhỉ?
Lão Blerơ:
- Chà! Thành phố này giàu khiếp!
Một chị công nhân đi qua và nhìn chúng tôi.
Vônpat hích khuỷu tay vào tôi, nhìn như muốn nuốt chửng chị ta, cổ vươn ra, rồi lại trỏ cho tôi hai người phụ nữ đang đi đến; mắt sáng lên, gã nhận xét rằng thành phố này nhiều phụ nữ.
- Mày ơi, ở đây thật lắm mông!
Vừa rồi, Parađi phải đánh bạo mới dám lại gần một đĩa bánh ngọt bầy biện thật là lịch sự, mó vào và ăn; chốc chốc chúng tôi lại phải dừng chân ở giữa vỉa hè để chờ lão Blerơ đang mê mẩn ngắm nghía những cửa hàng bầy áo va-rơi và mũ lưỡi trai đủ kiểu, cà-vạt bằng vải chéo xanh mởn, những đôi giầy màu đỏ và có cổ bóng loáng như gỗ đào hoa tâm. Blerơ đã thay hình đổi dạng đến mức tột cùng. Xưa nay lão vẫn chiếm kỷ lục về luộm thuộm và bẩn thỉu, thì bây giờ quả là lão còn chải chuốt hơn cả bọn chúng tôi, nhất là từ khi có chuyện rắc rối về bộ răng giả của lão bị gẫy trong một trận tấn công và đã được làm lại. Lão làm cho dáng điệu lão được nhẹ nhõm.
Mactơrô nói:
- Hắn có vẻ trẻ trung và thanh niên.
Bỗng nhiên chúng tôi chạm trán với một ả rụng hết răng, cười há hốc trông thấy tận cuống họng. Vòng quanh cái mũ ả đội, lởm chởm mấy sợi tóc. Mặt ả thô lỗ và vô duyên, rỗ chằng rỗ chịt, giống như những khuôn mặt vẽ nguệch ngoạc trên tấm vải thô của một cửa hàng ở phiên chợ.
Vônpat tán:
- Cô ta đẹp thật.
Mactơrô được ả liếc mắt cười duyên, ngẩn ngơ không thốt được ra lời.
Những người lính bình thường phút chốc được đặt vào giữa những thú vui của một nơi đô hội, đã chuyện trò với nhau như vậy. Họ thưởng thức mỗi lúc một thấm thía hơn quang cảnh đẹp đẽ và sạch sẽ quá tưởng tượng. Họ lại hòa mình vào cuộc sống bình thản và yên ổn với ý muốn được sống êm ấm, và hơn nữa, sống hạnh phúc vì, nói cho cùng, nhà cửa xây dựng chính là để phục vụ cho họ.
- Các cậu ơi, các cậu có biết không, chúng mình rồi cũng sẽ quen với cuộc sống này.
Giữa lúc đó, một đám đông đương tụ tập quanh một cửa hàng tại đó, một người bán quần áo may sẵn đã bầy ra thành một nhóm lố bịch những hình nhân bằng gỗ và bằng sáp.
Trên nền đất lát đá sỏi, chẳng khác gì đáy một cái bể thủy tinh thả cá, một tên Đức bận một bộ quần áo mới nguyên nếp, trên ngực lại có một chiếc huân chương chữ thập sắt bằng bia, đang quỳ giơ hai tay bằng gỗ hồng về phía một sĩ quan Pháp tóc quăn, đội một cái mũ lưỡi trai trẻ em. Hai má viên sĩ quan phinh phính hồng hào, mắt như búp bê đang liếc nhìn chỗ khác. Bên cạnh hai nhân vật, ở dưới đất nằm dài một khẩu súng mượn đâu ở một bộ vũ trang của một cửa hàng bán đồ chơi. Một cái biển con nêu đầu đề của cảnh hoạt tượng: “Kamarát!”
- Chà! Thật là khỉ.
Trước sự sáng tạo ấu trĩ đó, – vật duy nhất nhắc lại ở nơi đây cuộc chiến tranh vĩ đại đang hoành hành ở chân trời xa xôi, chúng tôi nhún vai và cười gằn, vì nó xúc phạm trắng trợn vào những kỷ niệm hãy còn nóng hổi của chúng tôi. Tiarét trầm ngâm và sắp thốt ra một câu mỉa mai chua chát: nhưng sự phản ứng ấy chỉ ngấm ngầm trong đầu óc gã vì chúng tôi còn lạ nước lạ cái, và bỡ ngỡ ở nơi không quen thuộc.
Thế rồi một mụ rất lịch sự, xống váy sột soạt lóng lánh vóc lụa màu tím và đen, nước hoa thơm phức, trông thấy bọn tôi, và chìa ra một bàn tay nhỏ nhắn, đeo găng, sờ vào cánh tay áo của Vônpat rồi sờ vào vai lão Blerơ. Hai anh chàng bỗng ngây người sững sờ vì được tiếp xúc với người đẹp.
- Thưa các ông, các ông là những chiến sĩ thực sự ở mặt trận, phải chăng các ông đã mắt thấy những cảnh như thế trong chiến hào. Có phải không ạ?
Hai anh chàng khốn khổ được vuốt ve đến tận đáy lòng, hết sức lúng túng trả lời:
- Ờ… vâng … vâng.
Trong đám đông có tiếng thì thào:
- À!... đấy! xem đấy! Các anh ấy mới thật từ mặt trận về đấy!
Khi còn mấy anh em với nhau, đứng trên những tảng đá vuông vắn ở vỉa hè, Vônpat và Blerơ đưa mắt nhìn nhau, hất đầu hỏi nhau.
Vônpat nói:
- Thì chả gì cũng gần giống như thế chứ sao?
- Phải rồi, chứ gì nữa!
Ngày hôm đó họ đã nói những lời tự dối mình đầu tiên.
o O o
Chúng tôi bước vào hàng Cà-phê Công Nghệ và Bách Hoa.
Giữa nền nhà, một lối đi giải chiếu. Dọc theo tường nhà và những cột nhà vuông vắn, phía trước quầy hàng, thấy vẽ những hoa dây leo tím, những hoa anh túc màu nâu và những hoa hồng trông như những bắp cải đỏ.
Tiaret nói:
- Không thể chối cãi được, người Pháp chúng ta có khiếu thẩm mĩ thật!
Blerơ thấy hoa hoét xanh đỏ, nhận xét:
- Phải hết sức nhẫn nại và tỉ mỉ mới vẽ được như vậy.
Vônpat nói thêm:
- Trong những tòa nhà như thế này, khoái trá không phải chỉ là ở sự ăn uống!
Parađi cho chúng tôi biết gã có thói quen hay ra vào hàng cà-phê. Xưa kia, chủ nhật gã thường vào những hàng cà phê cũng đẹp và còn đẹp hơn cái tiệm này. Có điều là đã lâu quá rồi, gã giải thích như vậy – nên gã đã quên hẳn cái thú vào ngồi tiệm cà phê. Gã trỏ một bình nước nhỏ bằng men vẽ hoa treo trên tường:
- Có thể rửa tay ở đó được.
Chúng tôi nhã nhặn tiến tới bình nước. Vônpat ra hiệu bảo Parađi mở vòi nước.
- Vặn hộ tớ cái máy phun.
Rồi cả năm anhem chúng tôi bước vào phòng đã có khách, xung quanh đều có người ngồi uống, và chúng tôi ngồi quanh một chiếc bàn.
- Ta làm năm véc-mút-cat-xi[54] nhé?
Chúng tôi cùng đáp:
- Thì dù sao, uống cũng sẽ lại quen thôi.
Có những người thường dân đi lại, và đến gần chỗ chúng tôi. Họ nói khẽ với nhau:
- Anh Ađôn, anh xem, họ đều có huân chương chiến công…
- Họ đều là những chiến binh chính cống!
Anh em đã nghe thấy cả. Họ chỉ chuyện trò với nhau một cách lơ đãng, tai để chỗ khác, và bất giác họ vênh vênh nét mặt.
Lát sau, người đàn ông và người đàn bà vừa nhận xét chúng tôi như vậy, chống khuỷu tay xuống mặt bàn đá hoa, nghiêng mình về phía chúng tôi, hỏi:
- Đời sống ở chiến hào gay lắm phải không các ông?
- Ờ… vâng… Chà! Ờ… ờ…, không phải lúc nào cũng phè phỡn…
- Các ông thực có một sức chịu đựng đáng phục về vật chất cũng như về tinh thần! Thế nhưng rồi cũng đã quen dần với đời sống đó, có phải không ạ?
- Phải rồi. Chà! Ờ… ờ… rồi quen dần, cứ như không ấy thôi…
Người đàn bà, tay lật xem một tập họa báo trong đó có vài quang cảnh bi đát, đất cát lật tung, lầu bầu:
- Dù sao, đó cũng là một cuộc sống khủng khiếp và đầy đau khổ. Anh Ađôn này, đáng lẽ chẳng nên phổ biến những điều đó ra làm gì. Nào bẩn thỉu, nào chấy rận, nào phục dịch… Các ông dù can đảm đến đâu nhưng chắc cũng phải khổ sở…
Mụ nói câu đó và hướng về Vônpat. Anh chàng đỏ mặt lên vì hổ thẹn. Gã hổ thẹn vì cảnh khốn cùng mà gã vừa thoát khỏi và lại sắp trở về. Gã cúi đầu xuống và nói dối, có lẽ cũng không có ý thức rằng mình nói dối đến mức nào:
- Không, kể ra thì cũng không khổ sở mấy. Cũng chẳng khủng khiếp đến thế đâu mà!
Mụ kia đồng ý với gã:
- Tôi biết rằng cũng có những cái đền bù lại. Một cuộc xung phong chẳng hạn, chắc là phải huy hoàng lắm phải không? Tất cả các khối người tiến lên như trảy hội! Rồi kèn trận thổi vang trên cánh đồng: “Đằng kia có rượu ngon”[55]. Và những người chiến binh nhỏ nhắn không ai kìm nổi được, hô to “Nước Pháp muôn năm!” hoặc cười vang khi ngã gục. Chà! Chúng tôi không được vinh dự như các ông… Nhà tôi là nhân viên hành chính ở Quận lỵ, hiện đang được nghỉ dài hạn để điều trị bệnh tê thấp…
Người đàn ông tiếp:
- Tôi thì tôi rất muốn ra lính, nhưng tôi không được may mắn. Ông trưởng phòng của tôi không thể rời tôi ra được.
Thiên hạ đi đi lại lại, đụng chạm vào nhau, tránh nhau. Những người bồi bàn len lỏi mang khay đựng những cốc mảnh dẻ, sáng loáng màu xanh, đỏ hoặc vàng tươi viền trắng. Bước đi sột soạt trên sàn trải cát hòa lần với những tiếng kêu sửng sốt của những vị khách khứa quen nhau, gặp nhau, người đứng kẻ ngồi, lẫn với tiếng cốc và tiếng bài cẩu sát trên mặt bàn đá hoa..: Phía trong cùng, tiếng đụng chạm của những hòn bi bằng ngà thu hút một vòng khán giả chen chúc đang thốt ra những câu pha trò cổ điển.
Một người ở đầu bàn đằng kia, mặt hồng hào như táo chín, chõ vào mặt Tiarét mà nói:
- Tráng sĩ ơi, mỗi người một nghề. Các vị là những anh hùng. Còn chúng tôi, chúng tôi làm việc để phục vụ đời sống kinh tế của đất nước. Đó cũng là một cuộc đấu tranh như các vị. Tôi cũng có ích, tôi chẳng nói là hơn các vị, nhưng không kém các vị.
Tôi trông thấy Tiarét – anh chàng láu cá của tiểu đội! – giương tròn hai mắt trong đám khói xì gà, và tôi thoáng thấy gã trả lời trong tiếng ồn ào bằng một giọng khiêm tốn và nặng nhọc:
- Vâng, chính vậy… mỗi người một nghề.
Chúng tôi len lén bỏ ra về.
o O o
Từ lúc rời khỏi hàng cà phê Bách Hoa, chúng tôi nói năng rất ít. Hình như chúng tôi quên không biết nói gì nữa. Một điều bực bội làm những bộ mặt các bạn tôi nhăn nhó xấu xí. Hầu như họ vừa nhận ra rằng, trong một trường hợp chủ yếu, họ đã không làm tròn nhiệm vụ.
Cuối cùng, Tiarét mới lầu bầu, sự căm hờn bật tung ra càng mạnh khi chỉ còn anh em chúng tôi với nhau:
- Những thằng mọc sừng ấy, chúng nó nói chướng quá!
Parađi trả lời phũ phàng:
- Đáng lẽ hôm nay chúng ta phải uống cho thật say!
Chúng tôi lại đi, không hé một lời. Một lúc sau, Tiarét lại nói:
- Chúng nó là những thằng ngu, những thằng ngu bẩn thỉu. Chúng lại định lòe chúng ta, nhưng lòe thế nào được tớ!
Rồi cơn giận càng lên:
- Tớ mà gặp lại chúng nó, thì tớ nói cho phải biết!
Blerơ nói:
- Còn lúc nào gặp chúng nó nữa.
Vônpat tiếp:
- Tám ngày nữa chúng ta có thể đã đi đời rồi.
Đến gần quảng trường, chúng tôi chạm trán với một đám người lố nhố đi từ Thị sảnh và từ một công thự mặt trước có những hàng cột trông như đền đài. Đó là cảnh tan tầm bàn giấy. Họ là những thường dân đủ các hạng và đủ các tuổi, những quân nhân già có, trẻ có, nom xa thì ăn mặc cũng gần giống như chúng tôi… Nhưng lại gần, nhìn qua những bộ quần áo giả lính và những lon chéo của họ thì thấy lộ rõ họ là những kẻ trốn tránh, những tên đào ngũ chiến tranh.
Có những người đàn bà và trẻ em đang chờ họ, đứng tụ tập như những đám hạnh phúc xinh xinh. Những nhà buôn âu yếm đóng cửa hàng lại, tươi cười vì buổi hàng đã xong, và ngày mai đây, càng thêm phấn khởi vì những món lợi nhuận ngày càng nhiều làm cho họ run lên không ngừng, vì tiếng loảng xoảng thêm to ở trong két bạc. Họ đã ở lại vẹn toàn trong tổ ấm, họ chỉ cần cúi xuống là ôm hôn được con cái họ. Dưới những ánh đèn đầu tiên trong phố xá, người ta thấy chói lọi những con người giàu có ấy càng thêm giàu có, những con người yên ổn ấy đang ngày càng thêm yên tâm, nhưng dù sao trong lòng, còn chứa chất một lời cầu nguyện không dám nói ra. Tất cả những kẻ đó, trong buổi chiều hôm, trở về những ngôi nhà đầy đủ tiện nghi, hoặc vào những tiệm cà phê để được người phục vụ. Những đôi trai gái, những nam nữ thanh niên hoặc thường dân, hoặc quân nhân ở cổ áo có thêu huy hiệu miễn huy, họp nhau và trong khi phần thế gian kia chìm đắm vào tăm tối, họ vội vã đi về ánh bình minh của căn buồng của họ, về cảnh đêm nghỉ ngơi và âu yếm.
Đi qua gần cửa sổ hé mở của một tầng nhà dưới, chúng tôi thấy gió nhẹ thổi phồng bức màn cửa đăng ten làm nó trông như hình thù nhẹ nhàng và êm ái của chiếc áo lót người phụ nữ.
Những con người đông đảo ở đây đã dồn đuổi chúng tôi đi như những người dưng nghèo khổ, mà quả thực chúng tôi là những người dưng nghèo khổ.
Chúng tôi đi lang thang trên nền đá trải đường suốt buổi hoàng hôn đã bắt đầu lóe lên những ánh đèn, – các thành phố, ban đêm, long lanh như mang đầy ngọc quý.
Quang cảnh thế gian đó đã mang lại cho chúng tôi, dù muốn cưỡng lại cũng không được, ý thức về một sự thật lớn lao: một sự khác biệt bắt đầu hình thành giữa những con người, một sự khác biệt thật sâu xa, không thể dung hòa được, với những hố ngăn cách khó vượt qua hơn là sự khác biệt dù là rõ ràng và dứt khoát về nòi giống – là trong đám người đông đảo cùng một nước, có sự khác biệt giữa những kẻ bóc lột và những người phải làm quần quật, người ta đòi hỏi những người này phải hy sinh tất cả, phải cống hiến tất cả số đông của họ, sức lực của họ và nỗi đau khổ của họ, còn những kẻ khác thì giẫm đạp lên những cái đó, tiến lên, mỉm cười và toại nguyện.
Vài bộ tang phục điểm mấy vết đen trong đám đông, có lẽ thông cảm với chúng tôi, nhưng những kẻ khác thì vui đùa, làm gì có tang tóc.
Bỗng nhiên Vônpat nói, lời gã chính xác lạ lùng:
- Không phải chỉ có một xứ sở. Điều đó không đúng. Có hai xứ sở. Tớ bảo rằng người ta chia làm hai xứ sở xa lạ nhau: xứ sở của những người phải cống hiến và xứ sở của những kẻ hưởng thụ.
- Chứ sao? Phải có những người khốn cùng để cho những kẻ giàu sang lợi dụng.
- Và những kẻ giàu sang là kẻ thù của những người khốn khổ.
Tiarét nói:
- Chứ sao!
Blerơ nói thêm, một cách còn đơn giản hơn nữa:
- Kệ mẹ nó!
Còn Vônpat, gã chỉ nhắc lại, trong khi anh em lủi thủi bước đi, đầu cúi gầm:
- Trong tám hôm nữa, có lẽ chúng ta chết ráo rồi.
Khói Lửa Khói Lửa - Henri Barbusse Khói Lửa