Sự khác biệt giữa cơ hội và khó khăn là gì? Là thái độ của chúng ta! Trong mỗi cơ hội có khó khăn, và trong mỗi khó khăn đều có cơ hội.

J. Sidlow Baxter

 
 
 
 
 
Tác giả: Henri Barbusse
Thể loại: Lịch Sử
Nguyên tác: Le Feu
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 26
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 282 / 14
Cập nhật: 2020-07-19 20:13:39 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
XXI - Trạm Cấp Cứu
ắt đầu từ đây, có thể trông thấy trạm quan sát của địch nên chúng tôi không thể đi ra ngoài giao thông hào nữa. Trước hết, chúng tôi đi theo con Đường Cột Điện. Chiến hào đào ở cạnh đường đi và đường đi bị xóa hẳn: cây cối bị bứt lên hết, chiến hào đã gậm và nuốt gần hết theo dọc con đường, chỗ còn lại đã bị đất và cỏ lấn hết, và dần dần ngày này qua ngày khác nó đã lẫn với đất ruộng. Ở nhiều nơi trong chiến hào một bao đất bung ra, để lại một lỗ hoắm bùn, chúng tôi trông thấy ở ngang tầm mắt lớp đá rải đường bị phơi lộ ra, hoặc rễ những cây ven đường đã bị ngả xuống, luyện vào bờ hào. Bờ hào đắp chỗ cao chỗ thấp như một làn sóng đất đầy những mảnh vụn, gẫy nát và bọt đen sì mà cánh đồng đã thải ra và dồn vào sát cạnh hào.
Chúng tôi đi đến chỗ các giao thông hào chằng chịt gặp nhau. Trên đỉnh mô đất ngổn ngang in hình trên nền mây xám, một tấm biển nhỏ ảm đạm đã được đóng ở đó, nghiêng theo hướng gió. Hệ thống giao thông hào cứ thắt hẹp mãi lại: từ mọi nơi của quân khu, người ta nhốn nháo đổ xô đến trạm cấp cứu mỗi lúc thêm đông và ùn lại trong những đường đi sâu hoắm.
Những ngõ hẹp buồn tênh lác đác thây người. Tường đất, từng đoạn không đều, bị chặt khúc bởi những lỗ hoàn toàn mới, những hố hình phễu đất vừa bớt xong, trông phân biệt hẳn với nền đất mốc thếch xung quang. Ở đó, những thây người đầy đất đang ngồi xổm, hàm răng tì vào đầu gối hoặc tựa vào vách, miệng im lìm như những khẩu súng của họ dựng cạnh đấy. Đôi ba người chết đứng ấy quay về phía những người còn sống, những bộ mặt vấy máu, hoặc ngoảnh đi nơi khác, ngước mắt lên khoảng không trên trời.
Jôdép đứng lại để thở. Tôi dỗ gã như dỗ một trẻ nhỏ:
- Sắp đến, sắp đến rồi.
Con đường ngao ngán, hai bên vách quái gở, lại thắt hẹp thêm. Chúng tôi có cảm giác bị nghẹt, cảm giác một cơn ác mộng phải xuống một nơi bó hẹp, thắt lại và ở đáy sâu hai bên vách như đứng sát lại nhau, khép chặt vào. Chúng tôi phải dừng lại, len lỏi, chật vật, dẹp những xác chết sang một bên, và chúng tôi bị xô đẩy vì dãy những người hỗn độn phía sau tràn đến mỗi lúc một đông: những người đưa thư, những anh khập khiễng, những người rên la, những kẻ kêu gáo, vội vã cuống cuồng, mặt lên cơn sốt đỏ bừng, hoặc xanh mướt, run lẩy bẩy vì đau đớn.
o O o
Tất cả đám đông ấy, sau cùng ào đến tụ thành dòng và rên la ở ngã tư, trước cửa Hầm Cấp Cứu.
Một quân y sĩ vung chân vung tay và quát tháo để giữ lấy một chỗ quang, không cho làn sóng thủy triều đương dâng lên ấy tràn vào phòng trú ẩn. Hắn ta băng bó tạm thời cho anh em ở ngoài trời chỗ cửa ra vào theo người ta nói, hắn đã cùng với những người phục dịch làm việc luôn tay suốt cả đêm qua và cả ngày hôm nay, công việc của hắn thật là quá sức người.
Ra khỏi tay hắn, một phần những người bị thương chuyển luôn vào trạm như lọt vào lỗ giếng, một phần nữa được đưa về phía sau trạm, rộng rãi hơn trong chiến hào đường Bêtuyn.
Trong khoảng trũng hẹp do những hào hố gặp nhau kết thành giống như triều đình của bọn ăn xin, chúng tôi phải chờ đợi trong hai tiếng đồng hồ, bị chen ních ngạt thở, che lấp mặt nhau, người nọ trèo lên người kia như một đàn súc vật, sặc mùi máu và mùi hàng thịt. Một bệnh nhân không sao cầm được nước mắt, khóc rũ rượi, gã lắc đầu làm chảy cả nước mắt vào những người bên cạnh. Một người khác, máu chảy ồng ộc, kêu rầm lên: “Ồ này! Cẩn thận cho tôi nhờ!” Một gã thanh niên mắt đỏ ngầu, giơ tay lên và hồng hộc như người bị tội dưới âm ti: “Người tôi đương cháy!” gã gào lên và thở phì phò như một dàn lửa.
o O o
Jôdép đã được băng bó. Gã len đến chỗ tôi và giơ tay bắt tay tôi. Gã bảo tôi:
- Không có gì trầm trọng, hình như thế thì phải. Thôi, vĩnh biệt.
Chúng tôi bị xô đẩy, rời khỏi nhau. Tôi nhìn gã một lần cuối cùng thì thấy mặt gã thất sắc, gã bị thu hút vào sự đau đớn, lơ đãng để cho một người lính cáng ở đại đoàn đặt tay lên vai dẫn gã đi. Bỗng nhiên, tôi chẳng còn trông thấy gã nữa.
Trong chiến tranh, cái sống cũng như cái chết, thường ngăn cách chúng ta không để chúng ta có thì giờ nghĩ đến nhau.
Người ta bảo tôi không nên đứng ở đó, phải xuống trạm Cấp Cứu mà nghỉ trước khi trở về.
Trạm có hai lối vào rất thấp, là là mặt đất, một lối vào thông với một cửa đường hầm hơi dốc và hẹp như cái cống. Muốn vào trong trạm phải quay lưng vào trước, rồi đi giật lùi, gấp đôi người trong cái ống hẹp đó, chân lần thấy có bực: cứ ba bước có một cái bực cao.
Vào đến trong rồi thì thấy như mình bị mắc cạm và có cảm giác không đủ chỗ để đi lên cũng như đi xuống. Đi sâu hơn nữa xuống vực thì cái cảm giác một cơn ác mộng bị nghẹt thở từ khi mới bước chân vào hào, khi lạc xuống đây càng tăng thêm. Bốn bề chỗ nào cũng bị va đầu, đụng chạm, ngăn lại, tắc tị không đi được nữa, thấy chật chội mà rùng mình. Phải xoay lại bao đạn ở thắt lưng da rồi ôm túi dết vào cánh tay, ấp vào ngực. Đến bực thứ tư, đường đi thắt hẹp thêm và ta cảm thấy rờn rợn: hơi nhấc đầu gối lên để tiến về phía sau lưng thì lưng đập vào trần. Đến đó thì phải bò, vẫn là bò lùi. Càng đi sâu xuống, càng chìm đắm trong một bầu không khí hôi hám và nặng nề như lớp đất đè nặng ở trên. Tay sờ soạng vào đất sét lạnh, bầy nhầy như đất trong mả. Thứ đất ấy bốn bề đè trĩu lên ta, chôn vùi ta trong sự hoang vu ghê rợn, tạt vào mặt ta một luồng hơi mù mịt và mông mốc. Đến những bực cuối cùng, lần mãi mới tới thì một tiếng ồn ào như ma quái từ dưới hố đưa lên, bao vây lấy ta, nóng hổi như hơi bếp núc.
Sau hết, khi đến tận đáy cái hào có bực đó mà mỗi bước ta bị đụng chạm và thắt chặt ấy, vẫn chưa hết ác mộng: ta thấy lọt vào một cái hầm tối om, rất dài, nhưng hẹp, nó chỉ là một cái hành lang cao chưa đầy một thước rưỡi. Nếu không khom người và khuỵu chân mà đi cong gối thì đầu ta sẽ va ngay vào những tấm ván dày ở trên trần, và những người mới đến không ai là không càu nhàu – càu nhàu hay gắt to tùy theo tính nết và tình trạng từng người – “Chà, may mà mình lại đội mũ sắt!”
Trong một xó, người ta trông thấy dáng điệu một anh ngồi xổm. Đó là anh y tá trực nhật dặn mỗi người đi đến bằng một giọng đều đều: “quệt bùn ở giầy đi rồi hãy vào”. Vì vậy, bùn đã chất thành một đống mà khi đi đến bực cuối cùng thì ta vấp phải và lúng túng ở ngưỡng cửa cái địa ngục ấy.
o O o
Trong sự ồn ào của những tiếng gào khóc và chửi rủa, trong cái mùi nằng nặng của những vết thương tập trung tại đó, trong khung cảnh lấp lánh như hang động của một cuộc sống lờ mờ và khó hiểu, trước hết tôi cố định cho được phương hướng. Dọc theo đường hầm, những ngọn nến yếu ớt chỉ chiếu sáng từng khoảng ở những nơi gần đó. Đằng xa, ở mé trong, thấy lờ mờ ánh sáng ban ngày như trong ngục tối thời Trung Cổ. Cửa hầm lờ mờ đó cho ta trông thấy được những đồ vật lớn xếp ở cạnh tường: những cái cáng thấp lè tè như những cỗ quan tài. Rồi loáng thoáng người ta trông thấy những bóng người nghiêng nghiêng, lom khom ở trên và quanh cáng, và những túm người như bóng ma lúc nhúc ở sát tường.
Tôi ngoảnh lại, đối diện với phía ánh sáng lọt vào, một đám đông người lộn xộn đứng tụm trước một tấm vải lều căng từ trần xuống đất. Tấm vải lều như vậy ngăn ra thành một ngăn con, ánh sáng chiếu qua lần vải màu như sơn dầu. Trong cái ngăn hẹp ấy, dưới ánh một ngọn đèn đất, người ta đang tiêm phòng bệnh uốn ván. Khi mảnh vải được hé lên để cho một người ra hay vào thì ánh sáng lóe ra một cách tàn nhẫn chiếu vào những bộ quần áo lếch thếch và rách rưới của những người bị thương đứng chờ vào tiêm ở đằng trước. Họ lom khom vì trần thấp, hoặc ngồi, hoặc quỳ, hoặc bò, xô đẩy nhau để khỏi mất lượt hoặc để tranh lượt của người khác, miệng kêu to như những tiếng sủa: “Tôi” “Tôi” “Tôi”. Ở góc đó, mùi hôi âm ấm của đất đèn và của những người đầy máu me ngửi thấy mà khiếp.
Tôi lui ra xa, tìm chỗ khác để đứng hay ngồi. Tôi tiến lên một chút, sờ soạng, người vẫn lom khom dúm dó, hai tay quơ ra đằng trước.
Nhờ ánh sáng của một cái píp mà một người đang hút cháy rực, tôi trông thấy ở trước mặt tôi một cái ghế dài đầy người ngồi.
Mắt tôi quen dần trong căn hầm tranh tối tranh sáng và dần dần tôi phân biệt được sơ qua cái dẫy người chân tay và đầu chằng chịt quấn bông băng.
Người thì bị què, người bị xả mặt, trông mất cả hình dạng con người, kẻ thì ngồi trên ghế, kẻ thì nhốn nháo, họ bám vào cái ghế như bám vào một chiếc đò. Đứng ở đó, họ tiêu biểu cho một bộ sưu tập táp nham những đau thương và khổ ải.
Bỗng nhiên một người thét lên, nhổm dậy rồi lại ngồi xuống. Người bên cạnh hắn đầu trần, áo ca-pốt rách nát nhìn hắn và bảo:
- Mày kêu thế ích gì?
Mắt chằm chằm về phía trước mặt, tay để trên đầu gối, anh ta nhắc đi nhắc lại vu vơ câu đó nhiều lần.
Một gã thanh niên ngồi giữa ghế dài lẩm bẩm nói một mình. Gã bảo gã là phi công. Gã bị bỏng một bên mình và ở mặt. Bây giờ trong cơn sốt mê man, gã thấy như vẫn bị bốc cháy và thấy mình như vẫn còn bị đốt vì những ngọn lửa phụt từ động cơ. Gã lầu bầu: Gott mit uns[53] rồi bằng tiếng Pháp: “Trời phù hộ chúng ta”.
Một anh lính Ả-rập tay buộc treo vào cổ, ngồi nghiêng về một bên, mang cái vai của mình như một gánh nặng đau đớn, hỏi gã:
- Cậu là anh chàng phi công bị rơi xuống đất phải không?
Anh phi công cố rặn mới trả lời được:
- Tớ đã trông thấy nhiều điều…
Anh lính kia ngắt lới:
- Tớ cũng vậy, tớ đã thấy nhiều điều. Có lắm kẻ đến phát điên lên được nếu được trông thấy những điều như tớ.
Một người trong số người ngồi trên ghế nhích đi để nhường chỗ cho tôi, bảo tôi:
- Lại đây mà ngồi. Cậu bị thương à?
- Không, tớ vừa đưa một cậu bị thương đến đây và tớ sắp đi bây giờ.
- Thế thì bi đát hơn là bị thương. Lại đây ngồi.
Một gã ngồi đó phân trần:
- Trong vùng tớ, trước kia tớ là xã trưởng. Nhưng sau này mà tớ trở về thì ai mà nhận được ra tớ nữa vì tớ buồn rũ từ bao lâu rồi.
Một gã trông như người ăn mày, tay run run, đầu cúi gục, lưng khom khom, tay cầm cái mũ sắt để trên đầu gối như một cái bát ăn xin đang lẩy bẩy rên la:
- Tớ dính vào cái ghế này đã bốn tiếng đồng hồ rồi.
Một gã bị thương, người to lớn, thở hổn hển, mồ hôi nhỏ giọt như nước trong người gã đang sôi lên, cho tôi hay:
- Này, cậu có biết không, chúng tớ đang chờ để được chuyển về hậu phương.
Râu mép gã lòng thòng như sắp bị bong ra khỏi khuôn mặt ướt nhơm nhớp.
Gã chìa cho mọi người xem hai con mắt to tướng đùng đục và người ta trông thấy vết thương của gã.
Một người khác nói:
- Đúng như vậy. Tất cả thương binh của lữ đoàn đều dồn đến đây, hết người nọ đến người kia, không kể những thương binh các nơi khác nữa. Thực vậy, cậu coi mà xem: cái hố này, ở đây, là cái thùng rác của cả lữ đoàn.
Một anh thương binh hai tay ôm đầu, nói trong bàn tay, lầm rầm:
- Tớ bị hoại thư, chết dí rồi, trong người tớ đang tan ra từng mảnh, thế mà mới tuần trước đây, tớ còn trẻ trung sạch sẽ. Họ đã làm cho tớ thay đổi hẳn đi: bây giờ tớ chỉ là một cái thân tàn ma dại, lê đi chẳng được.
Một anh khác bảo:
- Tớ thì ngày hôm qua tớ hai mươi sáu tuổi. Bây giờ ai còn biết tớ bao nhiêu tuổi nữa?
Gã cố ngẩng lên cho người ta trông thấy bộ mặt lẩy bẩy, tiều tụy của gã, chỉ trong một đêm mà đã bị tiêu mòn, róc hết thịt, má hõm sâu, hai con mắt hoắm lại, đồng tử lờ đờ như đã tắt.
Một anh nữa ngồi khuất, nói một cách thảm hại:
- Đau quá đi thôi!
Gã kia nhắc lại như một cái máy:
- Mày kêu thế ích gì?
Im một lát, gã phi công kêu lên:
- Ở hai bên những thằng thầy tế gân cổ lên để lấp tiếng nhau.
Anh lính Ả-rập ngạc nhiên hỏi:
- Thế là cái gì vậy?
Một anh lính tiễu binh bị thương ở tay, cánh tay buộc vào mình, thôi không nhìn bàn tay khô đét của mình một lát để ngước mắt nhìn anh phi công hỏi:
- Thằng khỉ này, mày điên hay sao vậy?
Gã phi công, mắt nhớn nhác, cố gắng diễn tả một cảnh tượng bí mật vẫn đeo đẳng trong con mắt gã:
- Các cậu nên biết rằng, từ trên cao, từ trên trời nhìn xuống thì chẳng trông thấy mấy. Ruộng thì như ô vuông, làng mạc chỉ là những đụn nhỏ, đường đi ngoằn ngoèo như một sợi chỉ trắng. Cũng trông thấy những sợi rỗng như đường mũi kim nhọn vạch vào cát mịn. Những mạng lưới ngoằn ngoèo trong cánh đồng một vạch run run đều đều, đó là chiến hào. Sáng chủ nhật, tớ bay trên hỏa tuyến. Giữa tiền tuyến của ta và tiền tuyến của địch, giữa những bờ ngoài cùng, giữa hai mép của hai quân đội bao la đóng ở đó, sát cạnh nhau, rình nhau mà không trông thấy nhau, chỉ có một khoảng cách ngắn ngủi thôi: có chỗ chỉ độ 40 thước, có chỗ chừng 60 thước. Mắt tớ nhìn thì thấy như có một bước chân vì tớ bay rất cao. Thế rồi bỗng nhiên tớ trông thấy ở hai bên quân Đức cũng như quân ta, trên hai tuyến song song gần kề nhau, có hai đám người nhộn nhịp giống nhau: có một đám đông, ở giữa như có một hạt nhân đang cử động và xung quanh như những hạt cát đen rải rác trên cát xám. Đám đông ấy không thấy cử động lắm: không có vẻ gì là báo động! Tớ lượn xuống mấy vòng để biết nguyên nhân.
“Và tớ đã hiểu: đó là ngày chủ nhật, người ta đang tiến hành hai buổi lễ ở phía dưới: có bàn thờ, thầy tu và đàn con chiên. Một trong hai đám lễ ấy, đám nào cũng thế, là phản ánh của đám bên kia. Tớ tưởng chừng như mình trông một thành hai. Tớ hạ xuống thấp nữa: không thấy họ nổ súng vào tớ. Sao vậy? Tớ không hiểu. Nhưng rồi tớ nghe thấy. Tớ nghe thấy một tiếng lầm rầm, chỉ có một tiếng lầm rầm thôi. Tớ nghe thấy lọt vào tai một lời cầu nguyện bay lên thành một khối, một bài hát bay lên tận trời và xuyên qua tớ. Tớ lượn đi lượn lại trên không trung để nghe tiếng hòa âm mơ hồ của những bài thánh ca tuy đối chọi nhau nhưng vẫn hòa lẫn vào nhau, – và nó càng cố để át nhau thì lại càng kết hợp lại với nhau trong bầu trời cao là nơi tớ đang bay lơ lửng.
Khi tớ hạ xuống rất thấp, nghe được hai câu từ dưới đất bay lên “Gottmit uns!” và “Trời phù hộ chúng ta” thì tớ bị trúng đạn phá – rồi tớ lại bay lên”.
Gã thanh niên đó nói xong rồi lắc lư cái đầu bịt kín những băng vải. Hồi tưởng lại chuyện đó, gã như càng bị phát điên lên.
- Lúc bấy giờ tớ tự bảo: “Ta điên đây mà!”
Anh lính Ả-rập nói:
- Chính cái sự thật của những điều đó mới là điên.
Mắt sáng rực lên vì mê sảng, người kể chuyện cố mô tả cái ấn tượng cảm khích nó xâm chiếm gã mà gã cố thoát ra.
Gã nói:
- Không! Thật là lạ! Các cậu hãy hình dung hai khối người giống hệt như nhau, gào lên những điều giống hệt nhau mà vẫn trái ngược nhau, những tiếng thù địch nhau đó biểu hiện bằng cùng một hình thức. Thế thì, cuối cùng, Thượng Đế kia biết nghĩ thế nào? Tớ tin rằng Thượng Đế biết hết, nhưng dù có biết hết thì chắc là người cũng chẳng biết nên khu xử thế nào.
Anh lính Ả-rập kêu lên:
- Chuyện dớ dẩn:
- Thượng Đế cần đếch gì đến chúng ta, cậu đừng lo.
- Nhưng chuyện đó có là gì tức cười? Những khẩu súng chẳng cùng nói một thứ tiếng đấy à? Thế mà nhân dân các nước vẫn chẳng thông qua nó mà chửi nhau là gì, và chửi ra trò nhé!
Gã phi công nói:
- Phải rồi. Nhưng chỉ có một Thượng đế thôi. Lúc lời cầu nguyện thốt ra thì đã đành, nhưng điều mà tớ không hiểu nổi là lúc mà nó đến thì Thượng đế tiếp nhận nó như thế nào?
Câu chuyện ngừng.
Người có đôi mắt thong manh trỏ cho tôi và nói:
- Ở chỗ kia, trong phòng này, có một đống thương binh nằm ngổn ngang. Tớ tự hỏi, phải, tớ tự tự hỏi người ta làm thế nào mà đưa được họ xuống tận đây. Chuyển được họ xuống tận đây chắc là khủng khiếp lắm.
Hai anh lính thuộc địa người sắt lại và gầy còm tựa vào nhau như hai người say rượu đi đến, họ vấp phải chúng tôi, lùi lại và tìm một chỗ để ngã xuống.
Một trong hai người tiếp tục kể nốt câu chuyện, giọng khàn khàn:
- Mẹ nó, chúng tớ ở trong cái hào ấy ba ngày ba đêm liền, không có tiếp tế, không có một tí gì cả. Cậu biết không, chúng tớ phải uống nước tiểu của mình, nhưng đói vẫn hoàn đói:
Gã kia trả lời, giải thích rằng trước kia gã bị bệnh tả:
- Chào! Khổ ghê quá cậu ạ: sốt, mửa, đau bụng. Cậu ạ, ốm liệt!
Gã phi công đang hang tiết cố tìm cho ra ý nghĩa của một điều bí ẩn lớn lao, bỗng nhiên gắt lên:
- Nhưng cái lão Thượng đế ấy chẳng biết lão nghĩ sao mà lại cứ để cho người ta tưởng lão phù hộ tất cả mọi người như thế? Sao lão lại để cho tất cả mọi người chúng ta, tất cả hai bên sát cạnh nhau cùng kêu gào như một lũ cuồng, một lũ ngốc: “Trời phù hộ chúng ta!” “Không! một nghìn lần không, chúng bay nhầm rồi, Thượng đế phù hộ chúng ta kia!”
Một tiếng rên thốt ra từ chiếc cáng, chập chờn một lúc trong bầu không khí yên lặng như để trả lời câu hỏi trên.
o O o
Thế rồi một tiếng nói đau khổ vọng lên:
- Tớ thì tớ không tin ở Thượng đế. Tớ biết rằng không có Thượng đế vì nếu có thì sao lại còn đau khổ? Ai muốn phỉnh phờ thì cứ nói, ai muốn bày đặt những luận điệu lừa bịp cũng mặc kệ: Họ có nói rằng tất cả những nỗi thống khổ oan uổng đó là do Thượng đế toàn năng đã định sẵn, thì đó chỉ là một sự nhồi sọ trắng trợn mà thôi.
Một anh khác ngồi trên ghế nói:
- Tớ thì tớ cũng không tin là có Thượng đế vì tại sao trời lại rét. Tớ đã trông thấy nhiều người từ từ biến thành xác chết chỉ vì rét. Nếu có một Thượng đế hiền từ thì đã không có rét. Việc đó không cãi được.
- Muốn tin là có Thượng đế thì mọi sự là phải không như bây giờ. Nhưng có thế đâu!
Nhiều anh mất chân mất tay, không trông thấy nhau cũng lắc đầu thông cảm với nhau là không có Thượng đế.
Một anh khác nói:
- Các cậu nói phải đấy, đúng đấy.
Những con người tàn phế đó, những kẻ thất trận lẻ loi và rải rác trong chiến thắng ấy, bắt đầu thấy chân lý. Trong tấn bi kịch của những biến cố, có những giây phút mà con người không những thành tâm mà còn chân thật, và ta trông thấy chân lý biểu hiện trên bản thân họ rõ ràng như mặt nhìn mặt.
Một gã mới tham gia vào câu chuyện:
- Còn tớ, nếu tớ không tin là vì…
Một cơn ho dữ dội tiếp tục câu nói một cách khủng khiếp. Khi cơn ho đã dứt, hai má gã tái xám, nước mắt đầm đìa, ngực bị nén xuống, có người hỏi gã:
- Cậu bị thương ở đâu thế?
- Tớ không bị thương, tớ ốm.
- À ra thế!
Giọng nói vừa rồi ý muốn bảo là: mày chả đáng được chú ý.
Gã hiểu ý, vội đề cao bệnh trạng của gã:
- Tớ đi đứt rồi, tớ bị thổ ra huyết. Sức lực mất hết. Và các cậu phải biết, bệnh đó mắc vào thì chỉ có chết.
Anh em nghi ngờ, lẩm bẩm;
- A! À thế, thế!
Nhưng dù sao họ vẫn tin rằng những bệnh thường dân thì so sánh thế nào được với những vết thương chiến tranh.
Gã đành chịu, cúi đầu nhắc khe khẽ một mình:
- Tớ không lê đi được thì còn bảo đi đâu bây giờ?
o O o
Trong cái vực nằm ngang kéo dài mãi từ cáng này sang cáng kia và thắt hẹp lại cho đến tận lỗ hổng có ánh sáng ban ngày chiếu vào nhợt nhạt, trong căn phòng hỗn độn mà những ngọn nến đỏ hoe như bị sốt tỏa ánh sáng lung lay trong bóng tối, bỗng nhiên chẳng hiểu sao thấy nhộn nhạo lên. Chúng tôi thấy lố nhố những chân tay và đầu người cử động, chúng tôi nghe thấy những tiếng rên la và tiếng gọi nổi dậy và lan ra những bóng ma vô hình. Những thân hình nằm dài cựa quậy, co mình lại, quay nghiêng ngửa.
Trong căn phòng lụp xụp bẩn thỉu đó, giữa làn sóng người bị giam cầm, hành hạ và bệ rạc vì đau đớn, tôi trông thấy thân hình phục phịch của một gã y tá hai vai nặng nề, chòng chành như một bao đồ khiêng ngang, tiếng nói oang oang vang lên trong hầm. Gã tru lên:
- Đồ bò đẻ! Đồ dòi bọ! Mày lại sờ mó vào chỗ băng bó rồi. Khỉ ơi, lần này thì tao buộc lại cho, thằng khác thì tao mặc kệ, nhưng nếu mày còn mó đến nữa thì sẽ biết tay tao!
Trong ánh sáng xam xám, gã quấn cuộn băng vải xung quanh đầu một người bé xíu, nửa ngồi nửa đứng, tóc lởm chởm, râu dựng ngược ra đằng trước, để thõng hai tay im lặng, mặc cho gã y tá quấn băng.
Nhưng rồi gã y tá bỏ hắn ta ra, nhìn xuống đất và rú lên oang oang:
- Cái gì thế này, hở? Này bác kia, bác điên à? Ai lại nằm lên trên người bị thương, kiểu gì vậy?
Và bàn tay kếch sù của gã đẩy một thân người, để lộ ra một thân người thứ hai mềm nhũn mà gã kia đã nằm lên trên như nằm trên nệm. Gã vừa làm vừa thở phì phò và mắng nhiếc. Trong khi đó, anh chàng lùn tịt đầu quấn băng im lặng, không nói năng, đưa hai tay lên đầu cố dứt cuộn băng ra vì đầu gã bị xiết chặt…
… Người ta xô nhau, kêu inh ỏi: những bóng người in hình trên nền sáng hình như đương hì hục trong bóng tối trong hang. Dưới ánh sáng một ngọn nến, họ xúm quanh một người bị thương, họ bị văng đi văng lại, chật vật lắm mới giữ được gã nằm trên cáng. Gã mất cả hai bàn chân, đùi gã quấn một cuộn băng to tướng, phía trên thắt dây để cầm máu. Hai chỗ cụt rỉ máu đỏ lòm cả băng, trông gã như mặc quần đùi đỏ, mặt gã như quỷ sứ, loang loáng và sa sầm, gã đang bị mê sảng. Người ta vít hai vai gã và đè lên đầu gối gã: bị cắt mất hai bàn chân, gã còn muốn nhẩy ra khỏi cáng để bỏ đi.
Gã khặc khừ, tiếng nói run run vì giận dữ và nghẹt thở, giọng gã trầm xuống, có lúc đột nhiên lại bổng lên như một cái kèn mà người ta cố thổi cho thật khẽ:
- Để cho tôi đi! Trời ơi, tôi đã bảo để cho tôi đi… Hự!... Các anh tưởng tôi chịu ở đây hẳn? Lùi ra không tôi nhảy vào cắn cho bây giờ!
Gã co người lại rồi duỗi thật mạnh, đến nỗi những người đang lấy sức đè chặt gã xuống phải lao đao; ngọn nến văng đi văng lại trong tay một người đang quì, còn tay kia thì phải cố ghì lấy anh chàng điên bị cụt chân. Gã kêu to quá, đánh thức những người đương ngủ, làm cho những người đương thiu thiu cũng phải tỉnh dậy. Xung quanh, mọi người quay lại nhìn gã, họ nhổm lên, lắng nghe những lời kêu la lảm nhảm của gã, nhưng rồi tiếng gã cũng im dần trong bóng tối. Vừa lúc đó, trong một góc khác, hai người bị thương nằm bẹp dí như đóng đinh vào đất đang chửi nhau, người ta phải khiêng một người ra chỗ khác để cắt đứt cuộc cãi cọ điên khùng.
Tôi đi xa về phía ánh sáng ở ngoài thấu qua những rui xà chằng chịt như qua một cái lưới sắt nát. Tôi bước qua những dãy cáng dài vô tận, nằm chắn ngang cả đường hầm thấp và thắt hẹp. Tôi như bị tắc thở. Dưới những ngọn nến lập lòe như ma trơi, những hình người nằm bệt trên cáng bây giờ không ngọ nguậy mấy nữa, họ chịu nằm yên, than van và thở khò khè.
Trên thành một chiếc cáng, có một người ngồi, lưng tựa vào tường, ngực trắng bệch, gầy đét như ngực kẻ khổ hạnh, lộ ra giữa bóng tối sống áo phanh ra và rách rưới. Đầu gã ngả hẳn về đằng sau bị bóng tối che lấp, nhưng người ta trông thấy tim gã đập.
Ánh sáng ban ngày lọt ở đầu kia như nhỏ từng giọt xuống từ một nơi đất sụt: nhiều viên đại bác rơi cùng một chỗ đã làm vỡ cái mái đất dầy của trạm Cấp Cứu. Ở đây vài ánh trăng quệt lên màu xanh, ở vai và ở những nếp răn của những áo ca-pôt. Một toán người bị tê liệt vì bóng tối và kiệt lực vội vã thoát khỏi cảnh âm u chạy đến lỗ hổng đó để hưởng chút không khí nhợt nhạt như những người chết tỉnh lại đôi chút. Trong suốt cái hầm tối om, mẩu ánh sáng ở góc đó chẳng khác gì một sự thoát nạn, một nơi ốc đảo giữa sa mạc, ở đó người ta còn có thể đứng lên được và được chút ánh sáng thần kỳ trên trời mơn trớn.
Một anh chàng nào đó miệng há hốc, đang chờ đợi trong ánh sáng tiều tụy dưới hào sâu, bảo tôi:
- Ở nơi đó, có nhiều cậu đã bị phòi ruột phòi gan khi trái phá rơi xuống. Cậu ạ, phải nói là từng đống thịt. Kìa, xem lão cha xứ đang kều xương thịt của họ bị bắn lên cao.
Viên đội y tá vạm vỡ, mình mặc áo trấn thủ đi săn màu nâu, thành ra ngực gã giống như ức con đười-ươi, tay kều xuống những mớ ruột gan treo lủng lẳng, quấn quýt xung quanh những kèo cột bị gãy đổ. Gã cầm một khẩu súng trường cắm lưỡi lê để kều vì không tìm đâu được một cái gậy khá dài; ông hộ pháp hói đầu, râu xồm và ngắn hơi ấy cầm khẩu súng một cách vụng về. Vẻ mặt gã hiền lành, nhu nhược và khốn khổ. Gã vừa cố moi móc những mảnh ruột rơi vãi trong xó xỉnh vừa ngao ngán lẩm bẩm từng tràng những tiếng “Ờ” nghe như tiếng thở dài. Mắt gã che bằng kính xanh, hơi thở của gã ì ạch, đầu gã bé, và cổ gã béo múp như hình chóp.
Trông gã đang xâu và kều từ trên cao xuống những mẩu dài ruột gan và những mảnh thịt xơ xác, chân giẫm lên gạch vụn lởm chởm ở tận cùng con đường cụt có tiếng rên la, người ta nghĩ đến một người đồ tể đang làm một công việc quái gở.
Nhưng tôi đã ngồi phệt xuống đất, lim dim hai mắt như không muốn trông thấy những cảnh tượng đương bầy ra, thấp thỏm ở quanh tôi.
Tôi nghe được những mẩu chuyện lộn xộn, vẫn chỉ là những chuyện khinh khiếp về vết thương, không có gì khác:
- Mẹ cha nó chứ! Ở chỗ đó tớ tưởng chừng như bao nhiêu đạn đều dồn vào một cái chấm.
Anh ta bị đạn xuyên qua đầu từ thái dương nọ sang thái dương kia. Người ta tưởng như có thể luồng dây qua được.
Ở gần tôi hơn, có anh đang lúng búng kể hết câu chuyện:
- Khi tớ ngủ, tớ nằm mê như vẫn còn đang chém giết.
Rồi đám thương binh như bị chôn vùi tại đó lại lầm rầm nhắc lại những việc đã qua, nghe đều đều như vô số bánh xe của một guồng máy đang quay, đang quay…
Một người mắt mù tịt, tay cầm gậy sờ soạng vào tường đang đi về mé tôi. Facfađê! Tôi gọi gã, gã quay mặt hướng về tôi, bảo tôi rằng gã bị hỏng một mắt, còn mắt kia cũng bị quấn băng. Tôi nhường chỗ cho gã, cầm vai dắt gã ngồi xuống. Gã cứ để tôi làm và kiên nhẫn ngồi ở sát chân tường chờ lượt mình, kiên nhẫn như một viên chức, như người ta chờ ở một phòng đợi.
Tôi đi lạc ra một chỗ xa hơn, một nơi vắng vẻ. Ở đó, có hai người nằm soài đang thì thào với nhau. Họ ở sát ngay tôi nên tuy không lắng tai, tôi cũng nghe thấy họ nói gì. Đó là hai anh lính lê dương mũ sắt và ca-pốt màu vàng sẫm.
Một gã mỉa mai:
- Nói quanh co làm đếch gì, chuyến này thì tớ ngoẻo rồi. Thật là rõ ràng, ruột tớ đã bị thủng: nếu mà ở bệnh viện trong một thành phố thì người ta mổ còn kịp, có thể khỏi được. Nhưng ở đây! Mà tớ lại bị từ hôm qua. Từ đây ra đường cái đi Bêtuyn phải hai, ba tiếng đồng hồ, đúng không? Rồi còn phải bao nhiêu lâu nữa mới tới được một bệnh viện lưu động là nơi có thể mổ được? Vả lại bao giờ họ mới thèm đến đây nhặt chúng tớ đi? Cậu nghe tớ, chẳng phải lỗi tại ai cả, nhưng phải nhận định cho đúng. Chà! tớ cũng biết rằng trong lúc này đây, bệnh tớ chưa có gì là nguy kịch. Nhưng nó sẽ không như thế này mãi đâu, vì ruột tớ bị thủng. Còn cậu, cậu sẽ khỏi hoặc cậu sẽ được chắp một cái chân khác. Còn tớ thì tớ sắp chết đây.
Gã kia cứng họng trước lý lẽ của người nói với mình, trả lời:
- À!
Gã này lại nói tiếp:
- Đôminich, hãy nghe tớ, trước đây cuộc đời của cậu đã chẳng ra gì. Cậu nghiện rượu và khi đã say thì hay làm càn. Lý lịch tư pháp của cậu xấu lắm.
Gã kia trả lời:
- Tao không bảo rằng không đúng vì có thế thật. Nhưng việc gì đến mày?
- Chiến tranh xong rồi, tất nhiên thế nào đời cậu lại cũng chẳng ra gì. Hơn nữa, cậu còn bị lôi thôi vì cái vụ thằng đóng thùng.
Gã kia trở nên hung hãn, giọng cà khịa:
- Câm ngay! Việc đếch gì đến mày?
- Tớ cũng giống cậu, họ hàng chẳng còn ai. Ngoài Luidơ, không còn ai cả. Mà Luidơ cũng không phải là thân thích vì chúng tớ đã lấy nhau đâu. Đời tớ, ngoài mấy lỗi lăng nhăng trong quân đội, tớ không bị án bao giờ. Tên tớ không bị một vết đen nào hết.
- Thế thì sao? Tao cần đếch gì chuyện đó.
- Tớ bảo đây này: cậu hãy đội tên tớ. Cậu cứ lấy tên tớ, tớ cho đấy, vì chúng mình chẳng thằng nào còn họ hàng cả.
- Tên mày là gì?
- Cậu sẽ lấy tên là Lêôna Caclôtti, có thế thôi. Có gì là to chuyện. Có gì mà phải băn khoăn. Thế là cậu chằng còn tiền án nào nữa và cậu sẽ có thể được sung sướng như tớ nếu tớ không bị phát đạn xuyên qua bụng.
- A! Đéo mẹ! Mày làm thế thật à? Mày ơi, tao không bao giờ ngờ được.
- Cậu cứ lấy tên tớ trong sổ lính của tớ để ở áo ca-pốt ấy: Nào, lấy đi và đưa sổ của cậu cho tớ, tớ mang theo mình. Cậu tùy tiện muốn sống ở đâu thì sống, trừ ở nhà tớ. Vì nhà tớ ở Lôngdơvin, xứ Tuynidi, người ta có quen tớ đôi chút. Cậu nhớ lấy tên nhé, à thôi, có viết rõ ràng rồi, cậu đọc lại trong sổ lính. Còn tớ thì tớ không nói với ai đâu: những trường hợp như thế này muốn thành công thì phải tuyệt đối ngậm miệng.
Gã ngẫm nghĩ rồi nói bằng một giọng run run:
- Khi nào tớ viết thư cho Luidơ để biệt ly, có lẽ tớ cũng sẽ bảo qua Luidơ để nàng biết là tớ đã làm một việc tốt và nàng sẽ hiểu tớ hơn.
Nhưng gã lại đổi ý và với một sự cố gắng phi thường, gã lắc đầu, nói:
- Mà thôi, đối với nàng, tớ cũng chẳng bảo. Đành là nàng đấy, nhưng đàn bà thì vốn hay bép xép.
Gã kia nhìn và nhắc lại:
- A! Trời đất ơi!
Lặng lẽ không cho hai người biết, tôi rời khỏi tấn thảm kịch đang diễn ra ở xó hầm chật hẹp thảm hại ấy, luôn luôn bị những người qua lại xô đẩy ầm ĩ.
Tôi đang sắp lách mình ra khỏi chỗ hầm thấp thì ở đằng kia có tiếng người ngã huỵch và tiếng lao xao kinh ngạc.
Đó là viên đội y tá vừa ngã xuống. Gã đang dọn dẹp những mảnh thịt mềm mềm đầy máu thì một viên đạn qua lỗ hổng đã bắn tới và xuyên vào cuống họng. Gã ngã lăn, nằm dài xuống đất. Mắt gã giương trợn trừng, kinh hoàng, miệng sùi bọt.
Miệng gã và nửa mắt dưới đùn lên một đám bọt hồng hồng. Người ta kê đầu gã lên một cái túi đựng băng. Cái túi lập tức bị thấm máu đỏ lòm. Một viên y tá tru tréo lên rằng sẽ hỏng hết những gói băng hiện đang cần dùng. Người ta tìm một vật gì khác để kê cái đầu kia đang không ngừng phì bọt nhẹ và hồng. Người ta chỉ tìm ra được một chiếc bánh mì và đặt bánh đó dưới đám tóc bầy nhầy.
Người ta nắm lấy tay gã để hỏi han, nhưng chỉ làm gã đùn thêm bọt đang chất đống lại và người ta trông thấy cái đầu to lởm chởm râu đen của gã bị che lấp dưới đám bọt hồng. Gã nằm ngang,trông chẳng khác gì một con thủy quái đang thở phì phò; và đống bọt hồng tụ lại che kín đến tận đôi mắt tròn xoe, đục ngầu, mất kinh của gã.
Rồi gã thở khò khè như một trẻ em, gã từ từ lắc đầu sang hai bên như cố ra hiệu rằng không, và gã tắt thở.
Tôi ngắm cái xác lớn tướng không cử động ấy và tôi hồi tưởng rằng trước đây gã là một người tốt. Gã có một trái tim trong sạch và đa cảm. Tôi tự trách tôi vì đã bao phen bắt bẻ những ý kiến nông cạn ngây thơ của gã và cái tính thóc mách của nhà tu hành mà gã áp dụng trong mọi công việc. Trước cảnh khốn đốn ấy, tôi thấy hồ hởi – phải, hồ hởi đến run người – vì một hôm thấy gã đứng bên cạnh dòm trộm tôi viết thư, tôi đã giữ mồm miệng lại mà không nói với gã những lời cáu kỉnh có thể khiến gã phật ý oan uổng. Tôi còn nhớ có một lần gã đã làm tôi nổi nóng lên vì những lời giải thích của gã về Đức Mẹ Đồng Trinh và về nước Pháp. Khi đó tôi cho rằng những tư tưởng của gã nói ra có thể là không chân thật. Sao gã lại chẳng chân thật? Bây giờ đây, gã chẳng thật sự bị giết chết là gì?
… Chính lúc đó sấm sét đã lọt vào hầm. Vách đất bị lung lay khủng khiếp đã tung mạnh chúng tôi người nọ vào người kia. Hình như đất ở trên đầu chúng tôi đã sụt xuống và đổ sập vào chúng tôi. Một mảng lớn những xà ngang đổ xuống làm cho lỗ hổng ở trên rộng thêm ra. Một tiếng va mạnh nữa, thêm một mảnh đất rộng nữa bị tan tành, ầm ầm đổ xuống. Xác của viên y tá hộ pháp lăn đi như một cây gỗ bắn vào tường. Cả cái xà dài của khu hầm như một bộ xương sống khổng lồ đen trũi kêu răng rắc inh tai làm cho những người bị giam trong ngục tối kinh hoàng thét lên.
Những tiếng nổ khác nối tiếp nhau, xô đẩy chúng tôi tứ tung. Trận oanh tạc như muốn xé tan và nuốt chửng trạm Cấp Cứu, xiên thủng nó, làm nó bé hẳn đi. Trong khi đạn trái phá gầm thét dội xuống, ra oai sấm sét đè bẹp mé hổng của trạm Cấp Cứu thì làm ánh sáng ban ngày theo những chỗ rách, hở lọt vào. Người ta thấy hiện ra rõ hơn trước – và kỳ quái hơn – những bộ mặt đỏ rực hoặc xanh xao như sắp chết, những cặp mắt đang lịm tắt trong cơn hấp hối, hoặc sáng ngời trong cơn sốt, những thân hình bó chằng chịt vải trắng thành những đống băng khổng lồ. Cảnh tượng ấy trước đây bị che kín, thì nay phơi rõ dưới ánh mặt trời. Những người bị thương, mắt ngơ ngác, trợn trừng, nhăn nhó và vặn vẹo trước loại đạn lửa đang tràn vào. Đám người nhốn nháo cuốn đi thành từng nhóm đông đặc qua hành lang tụp hụp như cái hầm tròng trành của một chiếc tàu thủy lớn đương vỡ.
Gã phi công vươn thẳng người lên thật cao, gáy tì vào trần, vung hai cánh tay lên tiếng gọi Thượng Đế, hỏi Thượng Đế tên là gì, tên thật là gì. Người ta thấy cái anh chàng quần áo sộc sệch hở tung như một vết thương để lộ trái tim ra giống như Đấng Cứu Thế, bị hơi gió hắt ngã vào những người khác. Áo ca-pốt của anh chàng lải nhải “Mày kêu thế ích gì?” bây giờ đã bắt mầu lam, một màu lam tươi có lẽ vì tiếng nổ đập vào đầu anh ta đã làm toát ra chất khổ toan. Còn những anh khác, những người què bại, cụt mất chân mất tay, bị đạn trái phá tróc nã đang len lách bò vào các xó xỉnh giống như những con chuột chũi, như những con vật tội nghiệp yếu ớt, chạy trốn trước đàn chó săn khủng khiếp.
Rồi trận oanh tạc thưa thớt dần và ngừng hẳn, trong làn khói mờ mịt đặc sệt, rung rinh và nóng bỏng, các vật bị tàn phá vẫn đang rơi lổng chổng. Theo lỗ hổng tôi đi ra ngoài. Ra đến nơi thông thoáng, đến quãng đất mềm ngập những tấm ván làm vướng chân, tôi có cảm giác như hãy còn bị bao vây, bị quắn chặt trong tiếng ồn ào tuyệt vọng. Tôi bám người vào những vật còn lại: đó là cái lũy giao thông hào. Khi tôi đi lọt vào hào, tôi đã thấy từ tít xa, giao thông hào vẫn lúc nhúc và tối tăm, vẫn đầy người tràn từ các chiến hào ra, chạy mãi không ngừng về những trạm cấp cứu. Và trong biết bao ngày, biết bao đêm, người ta sẽ còn trông thấy chảy vào đó những dòng người, những suối người tách ra khỏi chiến trường, rời khỏi cánh đồng chằng chịt những hầm hố, những cánh đồng đang đổ máu và ung thối vô cùng tận ở đằng kia.
Khói Lửa Khói Lửa - Henri Barbusse Khói Lửa