Tôi tin những muộn phiền và thất bại đến với mình là nền tảng giúp tôi có thể cảm nhận cuộc sống ở một mức cao hơn.

Anthony Robbins

 
 
 
 
 
Tác giả: Henri Barbusse
Thể loại: Lịch Sử
Nguyên tác: Le Feu
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 26
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 282 / 14
Cập nhật: 2020-07-19 20:13:39 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
XX - Khói Lửa
ất thình lình bị đánh thức, tôi mở mắt ra trong đêm tối.
- Gì thế? Có việc gì vậy?
Anh cai Bectrăng ở ngoài miệng hố, nơi tôi nằm, nói vào – tôi nghe tiếng mà không trông thấy người:
- Đến lượt cậu canh gác. Bây giờ hai giờ sáng rồi.
Tôi lầu bầu là tôi sẽ ra, tôi vươn vai và ngáp trong cái hầm chật hẹp như dưới mồ; tôi dang tay ra và chạm phải nền đất sét mềm và lạnh. Rồi bò trong bóng tối nặng nề đè trong hầm, rẽ qua những mùi ngột ngạt giữa những thân hình nghiêng ngả li bì của những người đang ngủ. Bị vướng và bước hụt trên những quân trang, ba lô, những chân tay duỗi ra bốn bề, sau tôi sờ được khẩu súng của tôi và ra đến ngoài, đứng vào chỗ thoáng khí, người hãy còn ngái ngủ và đứng loạng choạng trong gió bấc rét buốt và tối đen.
Run lẩy bẩy, tôi theo chân anh cai đi giữa những đụn cao tối om, càng đi thì phần dưới chân đụn càng thắt hẹp lại một cách lạ lùng. Anh đứng lại. Đây rồi tôi cảm thấy có một khối lớn tách ra khỏi lưng chừng bức tường ma. Cái khối ấy há miệng ngáp, hý lên như ngựa. Tôi trèo vào cái hốc đó.
Mặt trăng đã lẩn trong sương mù, nhưng ánh sáng vẫn còn lờ mờ phủ lên mọi vật, mắt dò dẫm mãi cũng phải quen. Rồi ánh sáng đó tắt đi vì trên trời kia, một mảng mây đen là là lướt qua. Sờ soạng mãi, khó khăn lắm tôi mới thấy được cái khung và lỗ châu mai ở trước mặt, và trong một cái hốc, bàn tay đã thông thạo của tôi sờ phải một đống cán lựu đạn.
Bectrăng nói khẽ với tôi:
- Cậu phải mở mắt coi chừng đấy nhé. Đừng quên rằng trước mặt kia, về mé trái có trạm trinh sát của ta. Thôi nhé, lát nữa gặp nhau.
Rồi bước chân của anh xa xa, theo sau là tiếng bước chân hãy còn buồn ngủ của người lính gác mà tôi đến thay phiên.
Bốn bề súng nổ lét đét. Bất thình lình, một viên đạn đập chát vào đất bờ hào là chỗ tôi tựa mình. Tôi áp mặt nhìn qua lỗ châu mai. Tuyến của chúng tôi nằm ngoằn ngoèo trên mặt cao của cái khe núi: đất trước mặt tôi dốc xuống một cái vực tối om trong đó chẳng còn trông thấy gì. Tuy nhiên, rồi quen mắt cũng phân biệt được một hàng đều đặn những cọc dây thép gai của chúng tôi trồng ở sát bóng tối, và đó đây những vét loét tròn của những hố hình phễu của đạn đại bác, hố nhỏ hố nhỡ, hố to; vài hố gần nhất đầy những đống chồng chất chẳng biết những gì có vẻ bí mật, Gió bấc thổi tạt vào mặt tôi. Tất cả đều yên lặng, chỉ có gió thổi và cái ẩm thấp bao la đang nhỏ giọt. Rét làm run người mãi không thôi. Tôi ngước mắt nhìn lên chỗ này, chỗ nọ. Một cảnh tang tóc khủng khiếp đè nặng lên mọi vật. Tôi có cảm giác là chỉ còn mỗi một mình, như bị đắm tàu, giữa một thế giới bị thiên tai đảo lộn.
Trời bỗng rực sáng lên: pháo sáng. Khung cảnh nơi tôi bị vùi lấp hiện lên, sáng rõ quanh mình tôi. Tôi thấy lộ ra cái đỉnh rách nát, xơ xác của chiến hào chúng tôi, và ở bờ đằng trước, cứ năm bước một bóng dáng của những người lính gác dựng đứng lên như những con dòi đứng thẳng. Súng của họ để bên cạnh lấp lánh như mấy giọt ánh sáng. Chiến hào đắp bằng những bao đất, và chỗ nào cũng bị hoác ra, nhiều nơi đất bị sụt xuống càng rộng hơn. Những bao đất cái nọ đè bẹp lên cái kia và bị xô lệch, rời rạc dưới ánh sáng của pháo sáng rọi xuống trông như những tảng gạch đá lớn bị bật ra từ những di tích lâu đài cổ đại. Tôi nhìn qua lỗ châu mai. Trong làn hơi khói trắng bệch mà pháo sáng đã tóe ra, tôi thấy những hàng cọc, và cả những đường dây nhỏ bé của hàng rào dây thép gai chằng chịt với nhau từ cọc này sang cọc kia. Trước mặt tôi, nó giống như những nét bút mực vẽ nguệch ngoạc, xóa đi xóa lại trên cánh đồng tái xám và lỗ chỗ. Thấp hơn nữa, trong bóng tối bao la như biển tràn ngập khe núi, mọi vật đều yên lặng như chết.
Từ chỗ quan sát, tôi bước xuống rồi đi phỏng chừng về phía anh lính gác gần đấy. Tôi giơ tay ra và đụng vào gã.
Chẳng biết gã là ai, tôi lên tiếng khe khẽ hỏi:
- Cậu đấy, hả?
Gã không biết tôi là ai, cũng mù tịt như tôi, đáp lại:
- Phải.
Và gã nói thêm:
- Giờ này thì yên tĩnh. Vừa rồi tớ tưởng chúng sắp tấn công, có lẽ chúng thử tấn công, ở mé bên phải kia, ở đó chúng đã ném rất nhiều lựu đạn. Đại bác 75 bắn chặn, vờ-răng… vờ-răng… Tớ thấy thế nghĩ trong bụng: “Cái thứ đại bác 75 này quả thực sinh ra để mà bắn. Nếu quân Đức vừa rồi có ló ra thì chúng đã được nếm mùi đó”. Này, nghe xem đằng kia, đại bác đang hục hặc. Nghe thấy chưa?
Gã ngừng lại, mở nút bi đông, uống một hớp và câu cuối cùng của gã, vẫn rất khẽ, có hơi men:
- Chà! Chà! Thật là một cuộc chiến tranh bẩn thỉu! Cậu có thấy rằng bọn ta nếu được ở nhà có phải là hơn không? Mà, này, cái gì kia? Thằng ngốc kia, nó làm trò gì thế?
Một phát súng vừa nổ cạnh chúng tôi, vạch ra một nét sáng ngắn và bất thình lình. Rồi cũng vẫn ở tuyến chúng tôi, nhiều tiếng súng nữa nổ vang: ban đêm, tiếng súng thường hay lây.
Hai người chúng tôi đi lần mò trong bóng tối đã lại trùm lên đầu chúng tôi như một cái mái nhà, để hỏi thăm đầu đuôi với một trong những người vừa bắn. Đi chập choạng có khi va vào nhau, chúng tôi lại gần, nắm lấy gã và hỏi:
- Này, cái gì thế?
Thì ra gã trông thấy hình như có cái gì động đậy, rồi chẳng thấy gì nữa. Gã láng giềng không quen biết và tôi, hai người lại lần đi trong bóng tối dầy đặc trên đường trơn như mỡ, ì ạch và phân vân trở về, người khòng xuống như mang một gánh nặng sụn xương.
Ở một góc chân trời, rồi một góc khác, bốn bề xung quanh chúng tôi đại bác nổ vang, và tiếng nổ nặng nề của nó hòa với những loạt súng trường khi thì dồn dập khi thì tắt hẳn, và với tiếng nổ của hàng chùm lựu đạn, tiếng to hơn tiếng súng Lơben và Môde gần gần như tiếng súng trường cổ điển. Gió thổi mạnh hơn, đến nỗi phải chống đỡ với nó trong bóng tối: từng đám mây lớn bay qua mặt trăng.
Hai người chúng tôi đứng đó, sát nhau, đụng vào nhau, hai người không quen nhau, ánh chớp đại bác từng phát một rọi chiếu vào chúng tôi hoặc làm chúng tôi che lẫn nhau đi; chúng tôi bị bóng tối dồn ép giữa vòng vây bao la những đám cháy lúc bùng lên lúc tắt đi trong phong cảnh ma quái ấy.
Anh bạn nói:
- Chúng ta là những kẻ bị đọa đày.
Chúng tôi chia tay nhau, mỗi người đứng trước lỗ châu mai của mình, mòn mắt nhìn cảnh vật im lặng.
Cơn phong ba kinh khủng và bi thảm nào sắp nổ ra đây? Bão táp không nổ ra trong đêm đó. Trong những phút chờ đợi cuối cùng dài dằng dặc, khi ánh sáng ban mai đầu tiên ló tới, thì tình thế còn trở nên tạm yên là khác.
Khi bình minh ập xuống chúng tôi như một buổi chiều dông tố, dưới cái màn ám khói của những đám mây là là, một lần nữa tôi lại thấy nhô lên sống lại các kiểu bờ dốc ngược, buồn tênh và bẩn thỉu, vô cùng bẩn thỉu, lổng chổng những vật đổ nát, cứt đái, của cái chiến hào đang vỡ sụp trong đó chúng tôi trú ẩn.
Những đám mây xám ngắt khiến cho những bao đất ngả mầu chì, những bao này xếp có chỗ phồng lên và lờ mờ sáng giống như những ruột gan vĩ đại phơi ra trên cảnh vật.
Đằng sau tôi, trong vách chiến hào, có một cái hốc, trong đó chất chứa những vật xếp ngang, chồng cao như một cái dàn thiêu.
Đó là thân cây chăng? Không, đó là những xác chết.
o O o
Khi tiếng chim dần dần từ các luống cày nổi lên, đồng ruộng mịt mù dần dần lại hiện ra, ánh sáng rõ dần và tưng bừng trên từng ngọn cỏ, tôi nhìn xuống khe núi. Mé dưới cánh đồng nhô ra thụt vào như những đợt sóng đất cao cao, những hố hình phễu bị thiêu cháy, và ở mé ngoài hàng rào dây thép gai bóng tối còn ứ đọng lại như một cái hồ, và trên sườn đồi trước mặt, bức tường đêm tối vẫn còn sừng sững.
Tôi ngoảnh lại đằng sau và ngắm nhìn những tử thi hiện dần ra từ bóng tối, để trơ ra những hình thù cứng khô và vấy máu. Tất cả là bốn cái xác. Đó là các bạn đồng ngũ của chúng tôi. Lamuydơ, Bacơ, Bikê và chú bé Ơđo. Họ đang rữa ra ở đó ngay cạnh chúng tôi, và chiếm mất nửa chỗ trong cái đường hầm ngoằn ngoèo mà những gã còn sống đang cố bảo vệ.
Người ta đã đặt họ ở đó thế nào xong thôi; những xác chết dựa vào nhau, cái nọ đè lên trên cái kia. Cái xác trên cùng được phủ bằng một mảnh vải lều. Người ta đã phủ mùi soa lên mặt những cái xác còn lại, nhưng khi đi sát cạnh không trông thấy vì đêm tối, hoặc ban ngày không để ý, anh em đã làm rơi mùi soa xuống, và bây giờ thì chúng tôi sống đối diện với những người chết đó, chồng chất lên nhau như một cái đàn thiêu chất bằng người sống.
o O o
Họ cùng bị hy sinh với nhau đã bốn đêm rồi. Tôi nhớ lại lờ mờ đêm hôm đó như trong một giấc mộng. Hôm đó chúng tôi đi tuần tra, bọn họ với tôi, Mexnin Anđrê và anh cai Bectrăng. Nhiệm vụ là tìm cho ra một trạm quan sát mới của địch mà những quan sát viên pháo binh đã khám phá được. Vào nửa đêm, chúng tôi xuất phát từ chiến hào, bò xuống dốc, thành hàng cách nhau mỗi người ba bốn bước, cứ như thế đến chỗ thật thấp trong khe núi, cho đến khi thấy hiện ra cái giao thông hào quốc tế của chúng nằm bẹp như một con vật thất thế. Sau khi đã quan sát thấy trong khoảng đất đó không có quân địch đóng, chúng tôi lại bò lên, hết sức thận trọng; tôi lờ mờ trông thấy người bò bên phải và người bò bên trái tôi như những chiếc bao tối đen đang từ từ trườn mình, nhấp nhô, đầm mình trong bùn, giữa bóng tối đen như mực, tay đẩy ra phía trước mặt những ngọn súng nhọn. Xung quanh chúng tôi đạn bay vèo nhưng chúng hình như không biết có chúng tôi và không có ý tìm chúng tôi. Đến gần chỗ mô cao của chiến hào bên chúng tôi, chúng tôi thở một lúc; một người đã quay hẳn mình lại, bao lê của gã va vào một hòn đá. Lập tức từ Giao thông hào quốc tế, một quả pháo sáng vọt ra và rít lên. Mọi người nằm ép xuống đất, dán mình xuống, lúng túng nằm im không cựa quậy, và chờ đợi ở đó cách hào độ hăm nhăm, ba mươi thước, trên đầu chúng tôi ngôi sao khủng khiếp treo lơ lửng và tỏa sáng như ban ngày. Thế rồi một khẩu súng máy đặt ở mé bên kia khe núi đã quét vào khu vực chúng tôi đang nấp. Lúc pháo sáng đỏ lừ mới vọt lên chưa kịp tỏa sáng, anh cai Bectrăng và tôi may mắn trông thấy trước mặt một hố đại bác trong đó có một cái giá chống bị gẫy sừng sững cắm trong bùn. Chúng tôi nằm bẹp dí vào hố đạn, hết sức vùi mình vào trong bùn, và cái bộ xương khốn khổ gỗ mục ấy đã che lấp chúng tôi. Luồng đạn súng máy quét đi quét lại nhiều lần. Mỗi tiếng nổ là một tiếng rít rồi tiếng đạn đập mạnh và gọn vào đất có tiếng quật thình thịch và mềm nhũn, tiếp theo đó là tiếng người rên la, một tiếng kêu khẽ, rồi bất thình lình theo đó là một tiếng ngáy vang của một người đương ngủ bật thức dậy, rồi yếu dần đi, Bectrăng và tôi bị mưa đạn xuyên ngang bay lướt trên mình vài phân đan thành một mạng lưới chết chung quanh chúng tôi, có khi làm xước quần áo khiến chúng tôi càng phải ấn mình sâu xuống đất, không dám cử động để khỏi nhô mình lên. Cứ như thế chúng tôi chờ mãi. Sau cùng tiếng súng máy im bặt trong một sự yên lặng bao la. Mười lăm phút sau, cả hai chúng tôi bò bằng khuỷu tay ra khỏi hố đại bác và rơi phịch như hai bó hàng vào hố quan sát của chúng tôi. Vừa kịp thời vì lúc đó mặt trăng vừa ló ra. Chúng tôi phải nằm ở đáy chiến hào đến tận sáng, rồi đến tận chiều. Bờ hào bị súng máy quét liên tiếp. Dòm qua lỗ châu mai của trạm quan sát, chúng tôi không trông thấy những xác nằm dài trên mặt đất vì chỗ đó dốc; duy chỉ thấy chỗ sát mặt đất trong nhỡn tuyến một khối hình như là cái lưng của một người trong bọn họ. Đến chiều chúng tôi đã đào một đường hầm để đi đến chỗ anh em gục ngã. Công việc đó làm một đêm không thể xong được; đêm sau công binh tiếp tục đào nốt vì chúng tôi mệt lả, lăn ra ngủ không thể nào gượng được.
Sau một giấc ngủ nặng như chì, khi thức dậy, tôi đã thấy bốn cái tử thi do anh em công binh đào từ mé dưới đất đào lên đã đến nơi được và đã móc kéo về bằng dây thừng theo đường hầm vừa đào. Mỗi tử thi mang nhiều vết thương gần nhau, những lỗ đạn chỉ cách nhau có vài phân: khẩu súng máy đã bắn rất sát. Người ta không tìm thấy thi hài của Mexnin Anđrê. Em gã là Jôdep đã hết sức liều lĩnh đi tìm. Jôdep đi một mình ra khỏi chiến hào, đi dọc đi ngang trên cánh đồng luôn luôn bị những làn đạn súng máy xiên chéo càn quét. Đến sáng người ta thấy gã lê đi như một con sên, mặt đen những đất, hốc hác kinh khủng trở về đứng ở bờ hào.
Chúng tôi lôi gã về, mặt mày gã xước rách vì dây thép gai, tay đẫm máu, quần áo bết những cục đất to, và sặc mùi chết chóc. Gã nhắc đi nhắc lại như một thằng rồ: “Chẳng thấy đâu cả”. Gã vùi mình vào một xó, đem súng ra lau chùi, tai không buồn nghe những lời người ta nói với gã, và luôn mồm nhắc lại: “Chẳng thấy đâu cả”.
Từ đêm đó đến nay đã bốn đêm rồi, và tôi còn trông thấy những thân hình hiện ra, in hình trong ánh bình minh hé ánh sáng để một lần nữa tẩy uế cái địa ngục trần gian.
Bacơ, xác cứng đờ, trông dài và lớn vô cùng. Hai cánh tay gã dính chặt và sườn, ngực lép kẹp, bụng trũng xuống như lòng cái chậu. Đầu ghếch lên một đống bùn, mắt gã ló nhìn qua khe chân những người từ mé trái đi đến, mặt gã tối sầm, một vết tóc lầy nhầy rũ xuống bệt vào, trên vệt tóc quyện những dòng máu đen, mắt đỏ đòng đọc như luộc chín. Ơđo trái lại trông nhỏ bé, khuôn mặt nhỏ nhắn trắng toát như mặt người hề trát phấn và thật xót xa trông gã nổi bật như một mảnh giấy trắng giữa đống xác chết chằng chịt màu gio và màu xám. Bikê, người xứ Brơianhơ, thì vạm vỡ, vuông như một phiến đá, trông như đang tập trung trong một cố gắng phi thường: tưởng như gã đang dùng sức nâng đám sương mù lên; sự cố gắng sâu sắc ấy toát ra ở bộ mặt nhăn nhó, gò má nổi lên, trán nhô ra trông ghê tởm, bộ tóc nâu nâu mầu đất khô héo dựng ngược lên, miệng há hốc ra như đương kêu, mi mắt giương to để lộ đôi mắt lờ đờ đùng đục trông như đá cuội; và hai bàn tay gã co quắp lại vì đã cào vào trống không.
Bacơ và Bikê bị thủng bụng, Ơđo thủng cổ. Khi bị kéo và khiêng đi, xác họ càng bị hủy hoại thêm. Lamuydơ không còn một chút máu, mặt sưng vù và nhăn nheo, hai con mắt hõm dần, không đều, bên nông bên sâu. Người ta đã liệm gã vào một mảnh vải lều và ở nơi cổ gã có một vết đen đen. Vai phải gã bị nhiều vết đạn băm nát và cánh tay chỉ còn dính vào thân bằng những mảnh vải của tay áo và những sợi dây buộc chặt. Đêm đầu tiên gã được đặt ở đó, cánh tay ấy lủng lẳng ra ngoài đống tử thi, và bàn tay vàng vàng, đã bị teo, nắm một nắm đất, quệt vào mặt những người qua lại nên người ta lấy kim băng gài nó vào áo ca-pốt của gã.
Một đám chướng khí bắt đầu bốc lên từ những tử thi đó, tử thi của những người anh em đã cùng chung sống chặt chẽ với chúng tôi, cùng chịu đau khổ lâu dài như chúng tôi.
Khi trông thấy họ, chúng tôi nói: “Cả bốn người cùng chết cả”. Nhưng thân hình họ đã biến dạng quá, nên chúng tôi cũng không nghĩ hẳn hoi là “Chính là họ”. Và phải ngoảnh mặt đi, không trông thấy những thân hình không cử động đó mới cảm thấy hết cái trống trải họ đã để lại trong lòng chúng tôi và mới cảm thấy cuộc chung sống của chúng tôi đã tan vỡ.
Những binh lính thuộc đại đội hoặc trung đoàn khác, những người lạ qua đây lúc ban ngày trông thấy những xác chết đó đè lên nhau giữa chiến hào đều giật mình – ban đêm thì họ không biết, vô tình tì tay vào bất cứ cái gì vừa tầm tay chẳng kể là người sống hay người chết. Đôi khi họ phát khùng lên:
- Người ta nghĩ thế nào mà cứ phơi những xác chết này ra đó, hở?
- Thật là xấu hổ.
Rồi họ nói tiếp:
- Quả thực là cũng chẳng thể đưa họ đi đâu được.
Trong khi chờ đợi, chỉ có bóng đêm chôn vùi họ mà thôi.
o O o
Buổi sáng đã đến, người ta phát hiện ra ở đằng trước, mé dốc bên kia của khe núi là sườn đồi 119, một ngọn đồi trơ trụi, hết cây cối, bị cào nứt nẻ, ngang dọc là những giao thông hào rung rinh với những đường chiến hào song song cắt khía để lộ ra đất quánh của miền đá trắng. Ở đó không có một cử động, và đạn đại bác của ta dội vào đó như tung những nắm bọt bể lên, chẳng khác gì những làn sóng bao la đương vỗ ầm ầm vào một cái đập chắn sóng bị phá hủy và bỏ hoang.
Phiên gác của tôi đã hết và những người lính gác khác mình quấn vải lều ướt ròng ròng, bết bùn thành vằn thành mảng, mặt mày xanh nhợt, từ dưới đất bò ra, cử động và đi xuống. Tiểu đội thứ hai chiếm chỗ ở ghế bắn và lỗ châu mai. Còn chúng tôi thì được nghỉ cho đến chiều.
Anh em ngáp, đi lang thang. Một anh bạn đi qua và một anh nữa. Có những sĩ quan đi lại, mang theo ống nhòm sừng bò (kính tiềm vọng) và ống viễn vọng. Anh em lại gặp nhau, lại tiếp tục cuộc sống. Những câu chuyện hàng ngày trao đi đổi lại. Nếu không có cảnh tượng điêu tàn, những đường hào bật tung chôn vùi chúng tôi ở sườn khe núi, và nếu không bắt buộc phải nói khe khẽ với nhau, thì có thể tưởng tượng là đang đóng ở hậu tuyến. Tuy nhiên, anh em đều mệt lử, mặt mày vàng khè, mi mắt đỏ hoe; thức lắm, anh nào trông cũng như người vừa khóc. Tất cả chúng tôi từ mấy ngày hôm nay, lưng khòng thêm chút ít và già người đi.
Từng người một, anh em trong tiểu đội tôi đã tập hợp đến một góc chiến hào. Anh em chen chúc nhau vào một nơi đất toàn là đất phấn, ở dưới lớp đất lởm chởm những rễ cây bị chặt cụt, vì phải đào hầm nên đã để lộ ra những lớp đá trắng vùi trong đó có đến hàng chục vạn năm.
Tiểu đội Bectrăng đã đến đóng ở ngay cái lối đi mở rộng đó. Quân số tiểu đội giờ đây giảm đi khá nhiều: không kể những anh em bị hi sinh đêm vừa rồi, thì còn thiếu Pôteclô bị chết khi đổi phiên gác, Cađilac bị thương ở ống chân vì một mảnh đạn cũng ngay chiều hôm ấy (thế mà như đã xa xôi biết bao!), vắng Tirloa và Tuylacơ bị chuyển đi, một gã vì bị kiết lỵ, một gã bị sưng phổi biến chứng nguy hiểm – như gã đã báo tin cho chúng tôi trong một chiếc bưu thiếp viết để giết thì giờ từ bệnh viện ở cái thị xã gã đang sống vất vưởng.
Một lần nữa tôi lại thấy tập hợp, gần gũi nhau những bộ mặt lem luốc đất bụi, đen thui màu khói xám và những dáng điệu quen thuộc của tất cả những anh em từ đầu đến giờ chưa lúc nào rời nhau, gắn bó với nhau và ràng buộc với nhau bằng một mối tình huynh đệ. Tuy nhiên bây giờ thì không còn lộn xộn như khi xưa trong dáng dấp của những con người hang hốc…
Lão Blerơ lúng búng trong miệng một hàm răng mới trắng muốt đến nỗi cả bộ mặt tồi tàn thảm hại của lão chỉ nổi bật lên hàm răng bảnh chọe ấy. Với bộ răng mới mẻ ấy mà bây giờ lão đã quen thuộc, đôi khi còn dùng để nhai nữa, tính nết và tập quán của lão đã cải biến sâu sắc: bây giờ mặt mũi lão không bẩn thỉu lắm, có vẻ chải chuốt. Trở nên bảnh trai, lão thấy cần phải làm dáng. Nhưng hiện giờ thì lão ủ rũ, có lẽ – kỳ diệu thay! – vì lão không được tắm rửa. Chúi mình trong một xó, lão hé con mắt đờ đẫn, nhai nhấm bộ ria mép lão binh, bộ ria mép trước kia là vật tô điểm duy nhất của diện mạo lão – và thỉnh thoảng lão nhổ một sợi râu.
Fuiat bị sổ mũi hoặc ngáp, mất tinh thần, bị rụng tóc, run lẩy bẩy. Mactơrô thì vẫn không có gì thay đổi: râu xồm, con mắt xanh tròn xoe, hai cẳng chân ngắn ngủi đến nỗi quần như bị tụt thắt lưng và ống quần thõng xuống đến bàn chân. Côcôn thì vẫn là Côcôn xưa với cái đầu khô khan da mỏng dính, trong đó toàn là con số; nhưng từ tám hôm nay gã bị chấy rận hoành hành dữ quá, trông thấy chúng lổn nhổn bò lên tận cổ, ra tận cổ tay, thành ra nhiều khi gã lui ra xa anh em để vật lộn với chúng và trở lại với anh em thì mặt mày trở nên dữ tợn. Parađi vẫn giữ nguyên sắc mặt hồng hào, tươi tắn: gã chẳng có gì thay đổi, vẫn trơ trơ. Người ta tủm tỉm cười khi trông thấy gã hiện ra từ đằng xa như một tờ áp phích mới trên cái nền toàn bao đất. Cả Pêpanh cũng không thay đổi gì, khi thoáng thấy gã lang thang đi qua, lưng khoác miếng vải sơn kẻ ô đỏ và trắng trên lưng như tờ quảng cáo, hay bộ mặt sắc nhọn như lưỡi dao và vẻ nhìn lạnh lùng đanh thép; Vônpat cũng vậy với bộ ghệt ngắn, cái chăn khoác trên lưng, và một bộ mặt phèn phẹt bệt những ghét: Tiaret không hề thay đổi, mặc dầu ít lâu nay không biết có một nguyên do bí mật nào đã kích thích gã làm hằn lên những gân đỏ ngầu trong con mắt.Facfađê có vẻ tư lự, đứng cách biệt, có vẻ đợi chờ. Trong những buổi phát thư, gã tỉnh táo, hết vớ vẩn, chạy ra chỗ phát thư rồi lại trở lại trầm ngâm. Những bàn tay văn phòng của gã đã viết biết bao nhiêu bưu thiếp thật nắn nót. Gã không rõ cái chết của Ơđôxi. Lamuydơ về sau không hé cho ai biết chuyện gã ôm khủng khiếp lần cuối cùng tấm thân của cô nữa. Tôi hiểu rằng Lamuydơ hối hận là trong một buổi chiều đã rỉ tai tâm sự việc đó với tôi, và cho đến lúc chết gã giấu kín cái việc khủng khiếp trinh bạch ấy trong lòng, với một lòng tự trọng đáng phục. Vì vậy người ta còn thấy Facfađê vẫn bâng quơ ấp ủ trong lòng hình ảnh của người con gái tóc vàng và chỉ khi nào tiếp xúc với chúng tôi bằng một vài tiếng ừ hữ nhát gừng thì gã mới tạm nguôi trong phút chốc. Xung quanh chúng tôi, anh cai Bectrăng vẫn luôn giữ được thái độ nghiêm chỉnh, lúc nào cũng sẵn một nụ cười bình dị với chúng tôi, và mỗi khi anh em hỏi điều gì thì anh giải thích rõ ràng, và giúp đỡ anh em làm tròn phận sự.
Anh em lại trò chuyện như xưa, như vừa gần đây thôi. Nhưng phải chú ý nói khe khẽ nên câu chuyện bớt đi, và trở nên bình lặng đượm mầu tang tóc.
o O o
Có một việc bất thường: từ ba tháng nay, định kỳ của mỗi đơn vị đóng ở chiến hào là bốn ngày. Vậy mà lần này chúng tôi ở đây đã năm hôm rồi mà không thấy nói đến thay phiên. Những gã liên lạc và phục dịch cứ hai đêm một lần – không đều đặn cũng không bảo đảm – mang tiếp tế đến, – đã đưa tin đồn đại lăng nhăng sắp có cuộc tấn công đến nơi. Thêm vào những lời đồn đại đó còn có những triệu chứng khác: hoãn phép, thư từ không đến nữa; các sĩ quan cũng rõ ràng là khác hẳn trước: nghiêm túc và gần gũi anh em hơn. Nhưng nói chuyện việc đó với họ thì bao giờ cũng chỉ kết thúc bằng một cái nhún vai: không bao giờ họ cho người lính biết họ sẽ dùng anh ta vào việc gì; họ bịt một miếng vải che mắt anh ta cho đến phút cuối cùng mới bỏ ra. Vì vậy:
- Cứ để rồi sẽ xem sao.
- Chỉ có việc chờ xem.
Thành thử anh em chẳng lưu tâm đến cái biến cố bi đát anh em đã cảm thấy trước. Có phải là vì không thể hiểu hết được không hay là vì chán nản không muốn tìm hiểu rõ những quyết định mà anh em mù tịt, hoặc vì phải đành lòng buông trôi hoặc vì tin tưởng bền bỉ rằng lần này cũng vậy, ta sẽ lọt qua khỏi cơn nguy hiểm như trước? Dù sao, mặc dầu có những dấu hiệu báo trước và những lời phỏng đoán tiên tri rất có thể sẽ đúng, anh em lại máy móc rơi vào những mối quan tâm trước mắt: đói, khát, chấy rận giết đến đỏ ngầu móng tay, và sự mệt mỏi lớn lao làm cho mọi người xọp hẳn đi.
Vônpat nói:
- Sáng nay mày có gặp thằng Jôdep không? Thương hại thằng bé, chẳng sống được bao lâu nữa đâu.
- Chắc chắn là thể nào nó cũng sẽ làm một việc điên rồ. Thằng bé này chết đến nơi rồi, mày có thấy không. Có dịp là nó sẽ lao đầu vào đạn đấy, rõ ràng như hai năm rõ mười.
- Nhưng ở vào trường hợp như hắn thì thể nào chẳng phát điên lên được? Hắn có sáu anh em, cậu biết đấy. Bốn người đã ngoẻo rồi: hai người ở Andát, một người ở Sămpanhơ và một ở Acgon. Nếu Anđrê mà cũng chết, thế là năm.
- Nếu Anđrê mà có bị hy sinh thì đã tìm thấy xác, đứng ở trạm quan sát chắc là phải nom thấy. Tội quái gì mà phải vò đầu vò đít cho mệt. Theo ý tớ thì cái đêm đi tuần tra, lúc về nó đã bị lạc đường. Thằng khỉ chắc là bò loanh quanh rồi rơi nhầm vào chiến hào Đức.
- Có thể hắn đã bị chúng hạ ở trên dây thép gai của chúng.
- Nhưng tớ đã bảo là nếu hắn chết thì đã tìm thấy xác. Chứ quân Bốtsơ khi nào nó lại đem xác hắn về. Nói tóm lại người ta đã tìm hắn khắp mọi nơi mà không thấy đâu cả, tức là hoặc bị thương, hoặc không bị thương, chắc là hắn đã chuồn được.
Giả thuyết này hợp lý lắm thành ra ai cũng cho là đúng, và bây giờ ai cũng yên trí là Mexnin Anđrê đã bị bắt làm tù binh, và người ta thôi không nghĩ đến gã nữa. Nhưng người ta vẫn thương hại người em của gã.
- Thằng bé khốn khổ, nó hãy còn trẻ quá!
Và anh em trong tiểu đội liếc mắt nhìn trộm gã.
Bỗng nhiên Côcôn nói lên:
- Tớ đói quá!
Giờ ăn xúp đã qua rồi, nên anh em đòi ăn. Thì xúp đây: xúp còn lại từ bữa tối qua.
- Anh cai nghĩ thế nào mà để anh em đói rã họng ra thế này? Anh ta kia rồi. Để tớ cho hắn một chầu. Này! Anh cai, sao không cho ăn, còn dớ dẩn gì?
Và cái đám người lúc nào cũng háu đói cùng nhắc lại:
- Ừ, ừ! Bữa ăn đâu?
Bectrăng lăng xăng ngày đêm lúc nào cũng bận bịu, trả lời:
- Có tớ!
Pêpanh vốn là tay đầu bò nói:
- Thế nào! Tớ đói, dễ thường phải thổi kèn mãi sao! Ông thì mở mẹ nó một hộp thịt bò ra bây giờ.
Màn hài kịch hàng ngày lại bắt đầu trên bề mặt của một tấn bi kịch.
Bectrăng bảo:
- Đừng có mó đến lương thực dự trữ! Tớ lên gặp đại úy rồi về cho các cậu ăn ngay lập tức.
Khi trở về, anh mang về cấp phát cho anh em ăn món khoai tây trộn với hành. Khi miệng đã có cái nhai thì những nét cau có mất dần và mắt dịu đi.
Parađi lúc ăn trưng trên đầu một cái mũ chụp nhỏ. Nào phải đâu chỗ diện và lúc diện, nhưng cái mũ ấy mới toanh, và người thợ may hứa khâu cho gã từ ba tháng rồi, hôm gã lên đường ra mặt trận mới đưa cho. Cái mũ mềm có hai sừng nhọn, bằng dạ mầu xanh thắm đặt trên cái mặt hồng hào của gã làm cho gã giống như một anh lính sen đầm bằng giấy bồi, hai má lòe loẹt. Trong khi ăn, gã nhìn tôi không chớp mắt. Tôi lại gần.
- Trông cậu phương phi lắm.
Gã trả lời:
- Nói làm quái gì cái đó. Tớ có câu chuyện muốn nói với cậu. Cậu lại đằng này.
Gã với tay về phía cái ca gần đấy, để ở gần các đĩa ăn và đồ lặt vặt của gã, lưỡng lự rồi quyết định cất kỹ món rượu vào bụng và cái ca vào túi. Gã bước đi.
Tôi đi theo. Khi đi qua cái ghế đất, gã cầm lấy cái mũ sắt để ngửa ở đó. Đi được mươi bước, gã lại gần tôi và nói khẽ với tôi, vẻ mặt lạ lùng, không nhìn tôi như gã thường làm thế mỗi khi cảm động:
- Tớ biết Mexnin Anđrê ở đâu. Cậu muốn trông thấy hắn không? Theo tớ.
Nói xong gã bỏ cái mũ chụp ra, gấp nó lại, bỏ vào túi, đội mũ sắt vào. Gã lại đi, tôi lặng lẽ theo sau.
Gã đưa tôi đến một nơi cách đó độ năm mươi thước, chỗ hầm công cộng của chúng tôi và cái vòm bằng bao cát dưới đó người ta thường phải chui qua, mỗi lần chui có cảm giác như cái cầu bằng bùn đó sắp sụt xuống lưng. Chui qua cái vòm có một cái hốc đào trong sườn hào có bực lên làm bằng phên trét đất sét. Parađi trèo lên và ra hiệu bảo tôi theo lên cái bực hẹp và trơn ấy. Ở chỗ đó xưa kia có một lỗ châu mai để quan sát, nay đã bị phá hủy. Người ta đã làm lại lỗ châu mai ở nơi thấp hơn, có hai cái chắn đạn. Phải cúi gập người xuống mới khỏi thò đầu ra ngoài chỗ mới bố trí ấy.
Parađi bảo tôi, giọng khe khẽ:
- Chính tớ đã đặt hai cái chắn đạn này vào đấy vì tớ có ý muốn nhòm ra ngoài. Cậu đặt mắt vào cái lỗ này.
- Tớ chẳng thấy gì cả. Tầm mắt bị vướng. Cái gói vải này là cái gì thế?
Parađi trả lời:
- Hắn đấy.
Trời? Đó là một cái xác chết, một cái xác chết ngồi trong một cái hố, gần một cách khủng khiếp...
Áp mặt vào tấm thép, dính mắt vào lỗ của cái chắn đạn, tôi trông thấy cả mình hắn. Hắn đương ngồi, đầu gục xuống giữa hai đầu gối, hai cánh tay đặt trên đầu gối, bàn tay hơi nắm lại như để móc, và gần sát ngay trước mặt tôi, tôi vẫn nhận dạng được mặt hắn mặc dầu hai con mắt lòi con ngươi ra, trắng dã, và lườm lườm về một bên, chòm râu bết bùn thành một khối, miệng méo xệch để hở cả răng ra. Trông hắn như nửa cười nửa mếu với khẩu súng cắm trước mặt trong bùn. Hai bàn tay hắn vươn ra đằng trước, mặt trên xanh bầm, mặt dưới đỏ lòm như một thứ ánh sáng ẩm ướt từ địa ngục chiếu lên.
Chính là hắn, xác hắn đã bị dãi mưa, dầm bùn và đầy bọt, bẩn thỉu và xanh rùng rợn, chết đã từ bốn hôm nay, dính người vào vách hào của chúng tôi, vùi trong hố đại bác ở đó. Người ta đã không tìm thấy hắn vì hắn ở gần quá!
Giữa người chết bị bỏ rơi trong cô đơn khủng khiếp ấy và những con người đang sống ở trong hầm, chỉ cách nhau có một bức vách mỏng bằng đất, và tôi nhận ra rằng cái nơi mà tôi thường gối đầu để ngủ đối diện đúng vào chỗ mà cái hình hài kinh khủng ấy đang tì vào.
Tôi không nhòm qua lỗ nữa.
Parađi và tôi, hai anh em đưa mắt nhìn nhau.
Anh bạn tôi thì thào vào tai tôi:
- Không nên bảo thằng bé biết vội.
- Không, không bảo ngay, phải không?
- Tớ đã nói với đại úy để cho lục soát túi của gã và ông ta cũng bảo “không cho thằng bé biết vội”.
Một làn gió nhẹ thoảng qua:
- Đã có mùi rồi!
- Còn phải nói!
Chúng tôi hít, mùi hôi thối xộc vào óc chúng tôi, làm chúng tôi choáng váng cả tâm hồn.
Parađi nói:
- Đó, thế đấy. Trong số sáu anh em, chỉ còn có Jôdep. Tớ bảo cậu điều này: tớ cho rằng hắn chẳng sống được bao lâu nữa đâu. Thằng bé ấy nó sẽ liều lĩnh, nó sẽ tìm cái chết. Nếu nó không nhờ giời vớ được một vết thương cứu mạng thì thế nào nó cũng chết. Sáu anh em, quá lắm thực. Có phải là cậu cũng thấy là quá lắm không?
Gã nói thêm:
- Có điều kỳ lạ là hắn ở sát chúng ta quá.
- Cánh tay hắn đặt trúng vào chỗ tớ thường gối đầu.
Parađi nói:
- Ừ, cánh tay phải có đeo đồng hồ.
- Cái đồng hồ... tôi bỗng im bặt... có phải đó chỉ là một ý nghĩ, hay một giấc mơ? Lúc này tôi nhớ, tôi nhớ rõ trước đây ba hôm, cái đêm chúng tôi bị mệt lử, trước khi thiếp đi, tôi nghe như có tiếng đồng hồ tích tắc và tự hỏi tiếng đó ở đâu ra vậy. Tôi nghĩ như vậy và nói cho Parađi biết, gã trả lời:
- Có thể cậu đã nghe chính cái đồng hồ đó qua vách đất. Khi người ta chết rồi thì đồng hồ vẫn vẩn vơ nghĩ ngợi và quay. Chà! Cái giống máy móc ấy thật là vô tình; nó cứ âm thầm quay tròn ít lâu.
Tôi hỏi:
- Tay hắn có máu, hắn bị trúng ở đâu?
- Tớ chẳng biết, có lẽ là ở bụng, tớ coi như có vết đen ở trong lòng hắn. Hoặc ở mặt: cậu có nhận thấy một vết nhỏ ở má không?
Tôi hồi tưởng lại bộ mặt xám xì và đầy râu ria của người chết.
- Mà quả thực, ở trên mặt, chỗ này có một vết gì ấy. Phải, có lẽ đạn do chỗ đó mà vào.
Parađi bỗng hấp tấp nói:
- Coi chừng! Hắn tới. Đáng lẽ ta không nên đứng ở đây.
Nhưng chúng tôi vẫn không đi, lưỡng lự, trù trừ trong khi đó Jôdep Mexnin tiến thẳng đến chỗ chúng tôi. Trông gã lúc này yếu ớt hơn bao giờ hết. Từ xa đã thấy nước da gã xanh nhợt, nét mặt cau có, gắng gổ, bước đi chầm chậm, lưng gù, tràn ngập một nỗi mệt mỏi vô tận và một ý nghĩ in sâu trong lòng.
Gã hỏi tôi:
- Mặt cậu có cái gì thế?
Gã đã thấy tôi trỏ cho Parađi chỗ đạn trúng vào.
Tôi giả vờ như không hiểu, rồi trả lời ư hữ.
Gã đáp tôi một cách lơ đãng:
- À!
Lúc đó tôi lo quá: vì cái mùi hôi. Gã sẽ ngửi thấy và không thể nào nhầm được: nó sẽ tố cáo rằng có xác chết. Và có thể gã sẽ nghĩ ngay là...
Tôi thấy hình như bỗng nhiên gã cảm thấy có dấu hiệu, có tiếng gọi thảm thê của người đã chết.
Nhưng gã không nói gì, bước đi, tiếp tục tha thẩn một mình và đến chỗ ngoặt thì biến mất.
Parađi bảo tôi:
- Hôm qua hắn có đến đây với cái ca-men đầy thức ăn mà không buồn ăn. Như có một sự định trước, thằng khỉ ấy đến đó thì dừng lại, hắn làm một dáng điệu và hắt cơm sang bên kia bờ hào, đúng ngay chỗ anh hắn ngồi. Thấy thế tớ chịu không nổi, nắm chặt tay hắn vừa đúng lúc hắn hắt cơm đi, thế là cơm rơi cả xuống đây, trong chiến hào. Cậu ạ, hắn phát khùng lên, mắt đỏ ngầu, ngoảnh lại tớ: “Mày điên sao vậy? Mày rồ à?” Tớ ngẩn mặt ra, lúng búng chẳng biết nói gì đành nhận là chót nhỡ. Hắn nhún vai và nhìn tớ trừng trừng như một con gà sống non. Rồi hắn bỏ đi, miệng còn lải nhải phân bua với Môngtrơi lúc ấy có mặt ở đó: “Đây, mày coi, thằng ngốc quá”. Cậu đã biết Jôdep vốn có tính nóng nảy, tớ cứ lầm bầm mãi: “Thôi, không sao, không sao”. Hắn thì vẫn lải nhải, còn tớ thì tớ chẳng vui chút nào, cậu biết đấy, vì trong việc này tớ vẫn đúng mà phải chịu sai.
Hai người chúng tôi im lặng đi lên.
Chúng tôi trở về hầm trú ẩn công cộng trong đó anh em khác đang tụ tập. Hầm ấy trước là chỉ huy sở nên khá rộng rãi.
Khi bước xuống hầm, Parađi lắng tai nghe.
- Những khẩu đội đại bác của ta hoạt động dữ dội từ một giờ rồi, cậu có thấy không, hả?
Tôi biết gã muốn nói gì, tôi làm một dáng điệu mơ hồ:
- Cậu ạ, rồi ta sẽ biết, ta sẽ biết rõ!
Trong hầm, Tiaret đang nói chuyện về vấn đề doanh trại với ba thính giả. Trong một xó, Mactơrô đang ngáy; gã nằm ở gần cửa vào nên muốn đi xuống phải bước qua bộ cẳng ngắn ngủi của gã, trông như gã thu cẳng vào trong người. Một nhóm người đánh bài quỳ xung quanh một cái chăn gấp lại.
- Đến lượt tao làm bài!
- 40 – 42! – 48 – 49! Khá đấy!
- Thằng chết treo, nó đỏ quá. Đỏ không thể tưởng tượng được. Mày mọc sừng đến ba lần[52]! Không chơi với mày được. Đồ mặt dày, hôm nay mày đã được tao và hôm nọ nữa mày vớ nhẵn của tao!
- Đồ miệng sò, thế sao mày không chịu bảo?
- Tao chỉ có quân tướng, và tướng không quân.
- Nó có con pic hoàng bài.
- Thằng nỡm này, quân đó ít khi nó có.
Một gã đang ăn uống, lầm bầm ở một góc:
- Rõ thật... Cái miếng phó mát này hai hào rưỡi mà tồi tệ quá! Ở ngoài thì như mát-tích thối, ở trong như vôi cứng.
Trong khi đó Tiaret kể lại chuyện gã đã bị một viên thiếu tá nào đó làm cho ê chề trong hai mươi mốt ngày.
- Cái thằng lợn ỉ ấy, mày ạ, nó hắc búa nhất trần đời. Tất cả anh em đều len lét khi bị nó đem ra trần, nó ngồi phành phành trên một cái ghế đến nỗi đầy phè cái ghế, cái bụng phệ đồ sộ và cái mũ kêpi lớn tướng khoanh đặc những lon từ trên xuống dưới như một cái thùng rượu vang. Nó nghiệt với lính quèn. Tên nó là Lôep – đặc là tên một thằng Đức.
Parađi reo lên:
- Thằng ấy tớ biết. Khi xảy ra chiến tranh, lẽ tất nhiên là nó xin được miễn ra mặt trận vì yếu. Khi tớ đương theo kỳ huấn luyện, nó đã biết cách lẩn tránh rồi, nhưng nó lẩn tránh ở các đầu đường góc phố để tóm lính: một cái khuy không cài: một ngày nhà pha, và nếu quân phục của cậu không tề chỉnh theo điều lệnh nó còn nhiếc cậu trước mặt mọi người và mọi người cười rũ; nó thì nó tưởng người ta cười cậu, còn cậu thì cậu biết người ta giỡn nó; nhưng biết gì thì biết, cậu cũng sắp đến lượt vào nhà pha nốt.
Tiaret lại nói:
- Nó có một con vợ. Mụ đó...
Parađi bật lên:
- Tớ cũng nhớ con mụ đó. Thật là một con mụ ôn vật!
- Có những kẻ đi đâu là dắt chó theo sau. Còn nó thì đi đâu nó cũng lê cái vật ôn tả ấy theo, con mụ cả người vàng khè, cậu biết đấy, như một loại táo, hai cái mông xương xẩu, trông thật là dữ tướng. Chính con mụ đó nó huých thằng chồng hành hạ chúng tớ: không có mụ thì thằng cha chỉ ngốc thôi chứ không ác mấy, nhưng có mụ thì nó lại ác hơn là ngốc. Cậu phải biết, như vậy biết bao nhiêu chuyện bí beng.
Lúc đó Mactơrô đang ngủ ở gần cửa vào, thức dậy, rên lên một tiếng vớ vẩn. Gã nhỏm dậy, ngồi trên lớp rơm như một người tù, và người ta trông thấy bóng dáng râu xồm xoàm của gã in hình lên tường, và con mắt tròn xoe của gã đảo đi đảo lại trong bóng tối. Gã ngẫm lại giấc mơ vừa rồi.
Rồi gã đưa tay xoa mắt và ôn lại những hình ảnh đã thấy đêm anh em xuất phát khỏi chiến hào như có liên quan đến giấc mơ vừa rồi của gã.
Giọng hãy còn ngái ngủ và vẩn vơ vì giấc mơ vừa rồi, gã nói:
- Của đáng tội, đêm đó như buồm gặp gió! Chà! Cái đêm lạ lùng. Tất cả những đội quân đó, từng đại đội, từng trung đoàn vừa hò hét vừa hát vang tiến lên theo dọc con đường. Trong bóng tối mờ mờ, trông thấy cả một rừng chiến sĩ đi lên, trào lên như nước biển, khoa chân khoa tay giữa đoàn xe pháo binh và xe cứu thương đi ngược lại. Chưa bao giờ tớ trông thấy nhiều xe đi trong đêm đến thế, chưa bao giờ!
Rồi gã đấm vào ngực một cái mạnh, ngồi lại chững chạc, lầu bầu rồi thôi không nói nữa.
Tiếng của lão Blerơ lúc bấy giờ mới cất lên, nói hộ cái ý nghĩ đương ám ảnh trong lòng mọi người:
- Bây giờ là bốn giờ. Bên ta có tấn công thì cũng quá muộn rồi.
Một người lính đang đánh bài trong góc kia cất tiếng the thé:
- Sao, mày chơi nữa hay thôi hử, đồ mặt giòi?
Tiaret vẫn kể tiếp câu chuyện về viên thiếu tá:
- Thế rồi một hôm ở doanh trại, nhà bếp dọn cho chúng tớ ăn xúp nấu với mỡ bò. Thối hoăng lên cậu ạ. Một đứa mới xin có ý kiến với đại úy, hắn mang ca-men xúp đến dí vào mũi đại úy...
Trong góc kia có tiếng gắt rất cáu kỉnh:
- Đồ cẳng bò, sao mày không đánh chủ bài?
-... Đại úy kêu lên: “Bỏ mẹ! Để lui ra đừng dí vào mũi ta thế. Đúng là thối nặc lên ấy”.
Một giọng nói bực dọc nhưng lúng túng vọng sang rè rè:
- Tao không quen đánh thế.
- Rồi đại úy làm báo cáo đưa lên lão thiếu tá. Thế là lão này tức điên lên, lão dẫn xác đến, tay vung vung tờ báo cáo:
“Cái gì nữa hử? Cái món xúp gây nổi loạn ấy đâu, đưa ta nếm xem!” Chúng tớ đổ xúp vào ca-men sạch mang đến. Lão hít hít rồi nói: “Thế nào, thơm đấy chứ! Mấy khi người ta cho ăn được món xúp bổ béo thế này!”
- Không quen đánh à! Nó nắm con bài đầu hoa kia mà. Rõ đồ guốc cùn, gà toi! Thật tai hại mày ạ.
- Thế nhưng đến năm giờ mở cổng trại, hai của quái lại dẫn xác đến, đứng như trời trồng trước mặt bọn bộ binh đang đi ra, cố tìm xem cánh này có chỗ nào hớ hênh thì chộp. Lão ta nói: “À, các ông mãnh ạ, các người định trêu tức ta làm trò cười nên mới kêu ca về cái món xúp tuyệt ngon ấy chứ gì. Ta ăn xúp đến sướng miệng, cả bà thiếu ta đây cũng ăn nữa, đợi tí xem ta có tóm hụt không nhé... Ê, đằng kia! Cái anh tóc dài, anh nghệ sĩ cao cao kia, lại đây tí!” Lão ngựa đực nói thế, còn mụ ngựa cái cứ đứng ngây cán tàn, gật gật đầu đồng ý.
-... Cái ấy cũng tùy, vì hắn ta không có con át. Trường hợp đặc biệt mà.
- Bỗng tự nhiên mụ ta tái nhợt mặt mũi, chặn tay lên bụng chả hiểu vì sao lại giật giật cả người. Đang đứng giữa bãi, con nhà lính chen chúc chung quanh, bỗng mụ đánh rơi cái ô rồi nôn thốc nôn tháo ra!
Parađi đột ngột lên tiếng:
- Này coi chừng! Trong hào người ta kêu gì đấy không nghe hả? Có phải kêu “báo động” không?
- Báo động à? Mày điên đấy à?
Người ta vừa nói xong câu ấy, một bóng đen đã luồn vào cửa hầm thấp và gọi:
- Đại đội 22 báo động! Chuẩn bị vũ khí!
Một loáng im lặng, tiếp theo mấy tiếng buột mồm:
- Tớ biết mà!
Parađi lầu bầu trong miệng rồi bò bằng đầu gối ra phía cửa hang chuột chúng tôi đang nằm.
Không ai nói gì nữa. Mọi người ngậm câm. Ai nấy vội vàng nhổm dậy, quỳ gối hoặc ngồi gập người; mọi người cài thắt lưng đạn. Những bóng cánh tay vung qua lại, dồn nhét các thứ vào túi. Rồi mọi người nhốn nháo chui ra ngoài, túm quai kéo lê xắc cùng với chăn, túi dết theo sau.
Bên ngoài ồn điếc tai. Tiếng súng nổ dậy to gấp trăm lần bao trùm chúng tôi cả hai bên và trước mặt. Các khẩu đội pháo bên chúng tôi gầm không ngớt tiếng.
Có tiếng hỏi rụt rè:
- Địch tấn công phải không cậu?
Một giọng đáp xẵng, cáu kỉnh:
- Tớ biết đâu đấy!
Răng nghiến chặt, anh em nuốt mọi ý nghĩ. Mọi người hối hả, chen chúc, va chạm nhau, miệng hậm hự không thành tiếng.
Một mệnh lệnh truyền qua:
- Ba lô lên vai!
- Có lệnh thay đổi...
Một sĩ quan sải chân chạy dọc theo chiến hào, hích khuỷu tay mở đường. Câu nói đứt mất phần sau vì người nói chạy biến mất.
Lệnh thay đổi! Một cơn rùng mình rõ ràng truyền qua hàng quân, tim bật nảy lên khiến mọi người cùng ngửng đầu, cùng ngừng lặng trong phút chờ đợi kỳ lạ.
Nhưng không phải, chỉ có lệnh thay đổi về khoản ba lô. Không mang ba lô nữa, cuộn chăn quanh mình, giắt dụng cụ vào thắt lưng.
Mọi người tháo chăn, giật chăn ra, cuộn tròn lại. Vẫn không nói năng, ai nấy mở mắt trân trân, ngậm cứng miệng.
Các viên cai đội lập cập đi qua lại, thúc những con người đương vội vã trong im lặng.
- Nào, mau lên! Nào, nào, vứt cái gì đi đấy? Có quàng lên không hử?
Một toán lính, đeo phù hiệu đôi búa chéo trên tay áo, len lỏi đi đến, thoăn thoắt khoét lỗ trên thanh hào. Anh em vừa sửa sang nốt trang bị, vừa ghé mắt sang họ.
- Bọn ấy làm gì thế nhỉ?
- Bậc trèo lên đấy.
Mọi người sẵn sàng. Họ xếp thành hàng, vẫn im lặng, chăn quàng chéo qua vai, quai mũ chịt dưới cằm đứng tì trên khẩu súng. Tôi ngắm những khuôn mặt dúm lại xanh nhợt và thầm kín ấy.
Họ không phải là lính: họ là những con người. Họ chẳng phải là bọn tứ chiếng giang hồ, bọn lính nhà nghề đã được đào tạo cho cái lò sát sinh của loài người để làm đồ tể hoặc vật bị giết.Họ là dân cày và thợ thuyền mặc quân phục. Họ là những người dân thường phải rời làng. Họ đã sẵn sàng. Họ đang đợi lệnh xông vào chỗ chết và chỗ giết, nhưng khi nhìn kỹ những khuôn mặt qua hàng lưỡi lê thẳng đứng, ta thấy họ cũng chỉ là những con người.
Ai nấy đều biết rằng mình sắp mang đầu, ngực, bụng, mang cả tấm thân không có gì che đỡ này lên làm mồi cho những mũi súng kề sẵn, cho đạn đại bác, cho những đống lựu đạn sẵn sàng tung ra, cho tất cả những thứ vũ khí đang đợi sẵn và nín lặng một cách khủng khiếp đằng trước kia, rồi mới chạm trán với những người lính khác mầu áo cần phải giết. Họ không thờ ơ với cuộc sống như quân cướp, họ không giận dữ đến mù quáng như kẻ man rợ. Nghe mãi những lời tuyên truyền mà họ vẫn không bốc. Họ thoát ra khỏi sự khích động của bản năng. Họ không say, cả say rượu lẫn say máu. Hoàn toàn tỉnh táo, sức còn mạnh và người còn khỏe, họ dồn về đây để một lần nữa lao mình vào những hành động điên cuồng mà nhân loại ngông cuồng đã bắt mỗi người phải nhận. Có một vẻ gì vừa trầm ngâm, vừa sợ hãi, lẫn một ý vĩnh biệt trong dáng im lặng của họ, trên lớp vỏ bình tĩnh dị thường bao phủ trên khuôn mặt họ. Họ không phải là kiểu anh hùng trong tưởng tượng, nhưng sự hy sinh của họ vượt cao quá tầm hiểu biết của những ai chưa từng thấy họ.
Họ đang chờ. Phút chờ đợi kéo dài, dài đến vô tận. Chốc chốc trong hàng lại có người khẽ giật mình khi một viên đạn từ phía trước bay đến, sượt qua mô chắn đạn trước mặt rồi thuốn vào lớp thịt nhão của mô đất sau lưng.
Ngày tàn tỏa ánh sáng sâm sẫm mà hùng vĩ xuống khối người còn khỏe mạnh và nguyên vẹn mà đến đêm sẽ chỉ còn sống sót lại một phần. Trời mưa – vẫn cảnh trời mưa như gắn liền vào mọi kỷ niệm của tôi về những tấn bi kịch của cuộc đại chiến. Đêm sắp đến, sắp giương cái cạm bẫy rộng bằng cả thế giới trước mặt loài người.
o O o
Những mệnh lệnh mới được truyền từ người này qua người khác. Họ chia nhau những quả lựu đạn xâu trong vòng dây thép. “Mỗi người lấy hai quả lựu đạn đi!”
Viên thiếu tá đi qua. Ông ta điềm đạm, mặc quân phục ngắn, nai nịt gọn, đã đơn giản hóa. Ông nói:
- Có chuyện hay, các chú ạ. Bọn Đức cuốn xéo rồi. Các chú tiến khỏe chứ, hả.
Tin tức mới bay lướt qua chúng tôi như gió:
- Có quân Marôc và đại đội 21 đằng trước. Bên cánh phải xuất phát tấn công đầu tiên.
Có lệnh gọi các hạ sĩ lên gặp đại úy. Họ mang về từng ôm đồ sắt. Bectrăng nắn nắn tôi. Gã móc cái gì vào cúc áo ca pốt của tôi. Một con dao nhà bếp. Gã bảo:
- Tớ gắn cái này vào áo cậu đấy.
Gã ngó tôi, rồi đi tìm những người khác. Pêpanh gọi:
- Còn tớ!
Bectrăng đáp:
- Không. Cấm không được lấy người tình nguyện trong việc này.
Họ vẫn chờ đợi trong không gian đẫm mưa, âm vang tiếng nện, rào quanh chỉ có tiếng đại bác nổ xa mênh mông. Bectrăng phát vũ khí xong đã quay về. Lác đác có người ngồi xuống, đôi người ngáp vặt.
Biét, lính giao thông xe đạp, luồn qua trước mặt chúng tôi. Tay gã mang chiếc áo mưa của một sĩ quan và rõ ràng gã quay mặt đi nơi khác. Côcôn gọi:
- Sao thế, mày không lên à?
- Không, tao không lên. Tao ở đại đội 17, tiểu đoàn 5 không tấn công!
- À, tiểu đoàn 5 lúc nào cũng bở, chẳng bao giờ như bọn mình!
Biét đã đi xa, mọi người hơi nhăn mặt khi thấy gã đã khuất.
Một người chạy đến nói gì với Bectrăng. Anh quay lại phía chúng tôi:
- Nào, ta đi. Đến lượt rồi.
Tất cả cùng chuyển mình một lần. Chúng tôi đặt chân lên những bậc do công binh đã khoét sẵn, chen vai nhau trèo ra ngoài chiến hào, bước lên mô chắn đạn.
o O o
Bectrăng đứng trên bãi dốc. Anh đưa mắt nhìn loáng qua chúng tôi. Khi chúng tôi lên đủ, anh nói:
- Nào, tiến lên!
Tiếng người vang lên thật kỳ lạ. Giây phút xuất phát qua rất nhanh và bất ngờ như giữa cơn mê. Không có tiếng đạn rít trong không trung. Trong tiếng rền lớn lao của đại bác, chúng tôi rất dễ nhận ra cái im lặng lạ lùng này khi đạn không réo chung quanh mình.
Chúng tôi tiến xuôi theo triền bãi trơn và gồ ghề, cử động như máy, đôi khi dùng khẩu súng dài lưỡi lê để chống. Con mắt tự nhiên cứ nhìn xói vào một chỗ nào đó trên sườn dốc, vào mặt đất bị phá nát đang trải dài, vào mấy thân cọc gày đứng lơ thơ, vào những thứ gãy vỡ nằm dưới hố. Thật không thể tưởng tượng rằng mình có thể đứng giữa ban ngày trên mặt dốc này ở đó đôi người sống sót còn nhớ mình đã phải luồn qua đây trong đêm tối với muôn vàn thận trọng và những người khác chỉ mới nghiêng nghé dòm vội ra đây qua lỗ châu mai. Không, không có loạt súng nào bắn vào chúng tôi. Hình như không có ai thấy cả tiểu đoàn từ trong lòng đất tỏa ra thì phải! Giây lát ngừng bắn này chứa đầy một nỗi đe dọa đang lớn dần, lớn dần. Ánh sáng nhợt nhạt làm chúng tôi chói mắt.
Mặt dốc bốn bề đều đầy kín những người đang cất bước chạy xuống như chúng tôi. Bên phải lấp loáng bóng một đại đội đang tiến xuống lũng dưới kia theo giao thông hào 97, một công sự cũ của Đức đã hỏng nát.
Chúng tôi vượt qua rào dây thép gai, theo lối đi chừa sẵn. Địch vẫn chưa bắn sang chúng tôi. Đôi người lóng cóng sẩy chân ngã lại dậy. Qua hết rào, chúng tôi ghép lại hàng rồi sấp ngửa chạy xuống dốc nhanh hơn một chút: linh tính thúc đẩy mọi người vận động nhanh hơn. Lúc ấy vài viên đạn bay đến chúng tôi. Bectrăng gọi chúng tôi dặn tiết kiệm lựu đạn, đợi đến phút cuối cùng.
Nhưng tiếng anh bị lấp ngay: bất thình lình những ngọn lửa tối sầm lóe lên trước mặt chúng tôi, kín cả chiều ngang bãi dốc và tung ra những tiếng nổ vang động kinh hồn. Pháo sáng bùng trên trời cao, đạn nổ ầm trên mặt đất thành một dãy dài từ trái sang phải. Cả một bức màn khủng khiếp tách rời chúng tôi ra khỏi thế giới, tách rời chúng tôi với quá khứ và tương lai. Chúng tôi đứng sững lại như bị đóng cọc xuống đất, sửng sốt trước đám mây đầy sấm sét bao quanh; rồi một sức mạnh chung lại xốc cả đám người lên, ném vọt về phía trước, nhanh vun vút. Chúng tôi lảo đảo bám vào nhau trong những làn khói ngập ngụa. Chúng tôi nhốn nháo ùa về phía Lũng, ở đó chúng tôi thấy mở ra liên tiếp những họng núi lửa rải rác, hoặc kề nhau, hoặc lồng vào nhau giữa tiếng ầm xé tai và những cột bụi đất tung lên trời. Rồi đạn pháo rơi vào đâu cũng không biết nữa. Hàng loạt tiếng nổ rào lên vang động ghê gớm đến nỗi con người cảm thấy chỉ riêng tiếng ồn của cơn bão sét ấy, của những ngôi sao lớn đang nổ tung mảnh trên không kia cũng đủ nghiền nát thân mình. Chúng tôi thấy rõ hay cảm thấy mảnh đạn vút qua bên đầu, rít lên như tiếng sắt nung đỏ nhúng nước. Một luồng hơi đạn đốt bỏng tay khiến tôi buông rơi khẩu súng. Tôi loạng choạng cúi nhặt súng, lại cúi đầu lao lên trong cơn dông tố nhằng nhịt ánh chớp màu hung đỏ, trong cơn mưa đá cháy lỏng dội xuống đè người, giữa những luồng tro muội quất vào thân. Tiếng mảnh đạn bay réo đến buốt tai, như đập vào gáy, xuyên qua thái dương, chúng tôi nghe thấy phải bật tiếng kêu. Ngây ngất vì mùi diêm sinh, tim chúng tôi như bị xoắn lại. Những luồng hơi giết người cứ xô đẩy, nhấc bổng, nhào lắc chúng tôi. Chúng tôi chồm tới; không còn biết đi đâu. Mắt nhấp nháy quáng lòa và chảy nước. Phía trước mặt, một dòng thác chớp lòe choán hết tầm mắt nhìn, bưng kín mắt.
Đó là hỏa lực địch bắn chặn. Phải băng qua vầng lửa xoáy bốc và những đám mây dựng đứng kinh tởm kia. Chúng tôi vượt. Chúng tôi đã hú họa vượt qua; đây đó những đoàn người quay tròn bị tung lên, nằm xuống, loáng sáng trong ánh lửa vờn từ cõi chết chiếu sang. Tôi thoáng thấy những khuôn mặt quái dị há mồm thốt ra những tiếng kêu bị tiếng rầm rầm nuốt biến, không nghe được. Một lò than đầy những tảng đỏ, tảng đen khổng lồ hung dữ đổ xuống chung quanh tôi, moi tung đất dưới chân tôi, ném tôi sang bên như một thứ đồ chơi biết nẩy. Tôi nhớ mình đã vọt qua một xác chết đang cháy đen thui, có một mảng máu đỏ tươi còn sủi trên thân. Tôi còn nhớ vạt áo khoác của người chạy bên tôi bén lửa cháy, vạch thành một đường khói. Phía tay phải, suốt dọc theo giao thông hào 97, một dãy bóng sáng khủng khiếp chen nhau dựng san sát như bóng người, khiến mắt chúng tôi nhìn sáng đến quáng lòa.
- Tiến lên!
Bây giờ chúng tôi tiến gần như chạy. Có người ngã quật sấp xuống, đầu chúi về phía trước, có người từ tốn xệp xuống, như ngồi xuống đất. Chúng tôi vọt chéo sang bên, tránh những người chết nằm đườn đưỡn ngoan ngoãn và cứng đờ hay ưỡn mình lên, tránh những người bị thương đang giẫy giụa và túm lấy ta như cái bẫy chụp cực kỳ nguy hiểm.
Giao thông hào quốc tế!
Đến rồi đây. Dây thép gai bị đại bác bới lên với chùm rễ xoắn ốc, vất đi, cuộn tròn, quét lùa thành từng đống lớn. Giữa những bụi gai sắt to tướng đẫm nước mưa ấy, mặt đất quang mở thành lối đi.
Giao thông hào không có địch chống giữ. Bon Đức đã rút khỏi hào hay một đợt xung phong thứ nhất nào đã lướt qua đây. Bên trong hào, súng dựng dọc lởm chởm ở lũy. Xác chết nằm rải rác dưới đáy. Trong lòng cái hố dài hỗn độn này còn thòi lên mấy bàn tay cứng đờ lồng trong ống tay áo xám nẹp đỏ và những cẳng chân xỏ bốt. Nhiều chỗ bờ lũy bị sụp đổ, gỗ chống bị vằm nát; hai bên sườn hào bị phá vỡ tung, đầy ngập một đống hỗn độn không tả xiết. Có nơi hào bị khoét thành giếng tròn. Tôi còn nhớ nhất là cảnh chiến hào tơi tả, phủ kín những mảnh nát muôn màu: bọn Đức khâu bao tải chứa đất bằng những mẩu nỉ, vải len in màu sặc sỡ, cướp được trong một hiệu vải trang trí nào đấy. Tất cả cái mớ màu sắc táp nham, rách nát, xơ xác ấy cứ lòng thòng, quật phành phạch, bay nhẩy trước mắt tôi.
Chúng tôi tản vào trong hào. Viên trung úy đã nhảy sang bên kia hào, cúi xuống gọi to và ra hiệu:
- Đừng ở lại đây. Tiến lên! Tiến mãi lên!
Chúng tôi trèo lên thành hào, bước giẫm vào bao tải, vào vũ khí, lên những lưng người xếp đống. Đất trong lòng khe bị cày lên, ngổn ngang những thứ gãy vỡ, nhung nhúc thân hình ngổn ngang. Xác người có cái nằm im như gỗ đá, có cái còn cựa nhẹ hay giật mạnh. Hỏa lực địch bắn chặn cứ dồn những tràng đạn quái ác mé sau lưng chúng tôi, nơi chúng tôi vừa băng mình qua.
Được một lúc ngớt đạn, ngắn ngủi, chập chờn, chúng tôi đỡ inh tai được một chút. Chúng tôi nhìn nhau. Mắt bừng sốt, máu dồn lên má. Hơi thở kêu khò khè và tim đập mạnh trong lồng ngực.
Chúng tôi loáng thoáng và hối hả nhận ra nhau, như gặp lại nhau, một buổi nào đó mặt nhìn mặt ở thẳm cùng nơi chín suối. Trong giây lát hỏa lực hơi ngớt cơn này, chúng tôi vội hỏi nhau mấy câu:
- Cậu đấy à?
- Ôi chao chao, bị một mẻ ra trò!
- Côcôn đâu?
- Không biết.
- Cậu thấy đại úy không?
- Không?
- Vẫn thường chứ?
- Ừ.
Đã qua hết lòng khe. Triền dốc bên kia dựng cao. Chúng tôi nối hàng dọc trèo lên theo bậc thang khoét sơ sài trong sườn đất.
- Coi chừng!
Một người lính đã trèo lên hết nửa bậc thang bị một mảnh đạn pháo từ dưới kia bay lên xóc vào cật, rơi như người bơi lao xuống nước. Hình người méo mó nhào xuống vực nom rất rõ. Tôi thoáng thấy cả mớ tóc gã xõa tung trên nét viền đen của khuôn mặt.
Chúng tôi lên đến cao điểm. Một khoảng trống, không màu sắc, mở rộng trước mặt. Đầu tiên chỉ thấy một bãi hoang lởm chởm đá vôi, đá đen, vàng xám ngút ngàn. Chưa có một làn sóng người nào qua đây trước chúng tôi; phía trước chúng tôi, không một bóng người sống; mặt đất phủ đầy xác chết: những thây mới đang còn bắt chước dáng điệu đau đớn hay ngủ say, những xác cũ đã nhợt màu nằm lay lắt theo gió đẩy, sắp bị đất nuốt tiêu hết.
Hàng dọc chúng tôi vừa xô lên, nhấp nhô, ló ra, hai người ở cạnh tôi liền trúng đạn, hai cái bóng ngã vật xuống đất, lăn dưới chân chúng tôi; một bóng rú thất thanh, bóng kia im lặng như con bò đổ. Lại một người nữa vụt biến đi với một cử chỉ điên loạn như bị ai xách gọn. Chúng tôi dồn hàng như máy, ẩy nhau tiến lên, tiến mãi lên; vết thương trong hàng quân tự nó lại khép miệng. Viên quản dừng lại, vung gươm, rồi buông gươm quỵ xuống, ngã ngửa dần tấm thân ra sau từng nấc ngắn. Mũ gã rơi xuống gót chân, gã vẫn cứ quỳ nguyên như thế, đầu trần, mặt ngửa lên trời. Hàng quân giữa đã tủa lên vụt rẽ làm đôi, tránh không chạm vào con người quỳ yên lặng ấy.
Nhưng không thấy viên trung úy đâu nữa. Mất chỉ huy, thế là... Làn sóng người đang giẫm chân trên mép cao điểm, bỗng chùn lại, do dự. Tiếng thở hồng hộc nghe rõ trong tiếng chân nện.
Một chiến binh nào đó quát lên:
- Tiến!
Thế là tất cả lại tiếp tục nhào tới, chạy mỗi lúc một nhanh, đua nhau lao vào vực thẳm.
o O o
Một trong số chạy đằng trước, chật vật, rên lên:
- Bectrăng đâu?
- Kia kìa, ở đây!
Khi chạy qua, gã cúi xuống một người bị thương, nhưng gã đã bỏ ngay người đó đang giơ tay về phía gã và hình như nức nở khóc.
Chính vào lúc gã vừa theo kịp chúng tôi thì chúng tôi nghe thấy ở phía trước, từ một cái ụ đất, tiếng tặc tặc của một khẩu súng máy. Đó là giây phút lo ngại nhất, đáng sợ hơn là lúc chúng tôi đi qua vùng động đất cháy ran của cuộc bắn chặn.
Cái tiếng quen thuộc đó hướng về phía chúng tôi rất rõ ràng và khủng khiếp trong không gian. Nhưng chúng tôi cứ tiến.
- Tiến lên! Tiến lên!
Vì hết hơi, tiếng hô hóa ra những tiếng rên khàn khàn và chúng tôi cứ tiếp tục lao mình về phía chân trời.
Một người bỗng nhiên nói:
- Quân Bôtsơ! Tớ trông thấy chúng!
- Phải rồi... Đầu chúng kia kìa, ở trên chiến hào... Cái đường vạch kia là chiến hào đấy. Gần ngay trước mặt. A! Đồ chó đểu!
Quả thực chúng tôi đã trông thấy rõ những chỏm mũ màu xám lấp ló là là mặt đất, cách đây chừng năm mươi thước đằng sau một bãi đất đen bị xáo lộn và gồ ghề.
Toán người trong đó có tôi vụt chồm lên. Đã gần tới đích mà vẫn còn nguyên vẹn sao lại chẳng đến nơi được! Nhất định chúng tôi sẽ tới! Chúng tôi bước những bước thật dài. Chẳng còn nghe thấy gì nữa. Mỗi người lao mình về phía trước, người cứng đờ hầu như không thể quay đầu sang phải hay sang trái, bị cuốn hút vào cái việc khủng khiếp trước mặt.
Chúng tôi có cảm giác là nhiều người bước hụt và ngã soài xuống đất. Tôi nhẩy dạt sang bên để tránh cái lưỡi lê ở đầu một khẩu súng đang rơi xuống đất. Ngay gần tôi, Facfađê mặt đầy máu, đứng thẳng người lên, xô vào tôi rồi choàng sang Vônpat ở cạnh tôi và túm lấy gã. Vônpat trĩu người xuống và nhân đà kéo gã đi mấy bước, rồi vẫn không nhìn gã, hẩy gã ra cũng chẳng biết gã là ai. Vônpat bảo gã, tiếng nói ngắt quãng vì mệt như bị nghẹt thở:
- Khỉ ơi, buông tao ra, buông ra. Lát nữa họ sẽ lượm cậu về, đừng lo.
Facfađê ngã lụi xuống, mặt gã bết máu đỏ đờ đẫn quay sang bên này rồi quay sang bên kia, còn Vônpat đi đã xa rồi còn rít qua hàm răng, nói như máy: “Đừng lo”, mắt gã vẫn dính vào con đường hào phía trước.
Một loạt đạn tung tóe xung quanh chúng tôi: thêm một số người đột nhiên dừng lại, ngã dần xuống, vũng vẫy, giãy giụa, có những người nhào xuống với cả khối đồ lề trên lưng, có những tiếng thét thất thanh, điên cuồng, thất vọng, hoặc những tiếng “Ha!” khủng khiếp và những tiếng rên của những kẻ đột nhiên lìa đời. Và chúng tôi, những người còn nguyên vẹn, chúng tôi vẫn hướng về phía trước, chúng tôi tiến, chạy giữa trò đùa của cái chết đang quật tứ tung vào da thịt chúng tôi.
Dây thép gai. Cả một đoạn dây thép gai còn nguyên vẹn. Phải vòng sang mé khác. Phía giữa hàng rào dây thép gai mở ra một lối đi rộng và sâu: đại bác đã đào thành một cái hố khổng lồ chi chít những hố hình phễu chồng chất lên nhau, trông như miệng một ngọn núi lửa kỳ quái.
Cảnh tượng đảo lộn ấy thật kinh hoàng. Hình như rõ ràng những cái đó từ lòng đất phụt ra. Quang cảnh những lớp đất bị phá vỡ tan tành làm tăng thêm khí thế tấn công của chúng tôi và trong lúc lời nói khó khăn lắm mới thoát ra khỏi cổ họng, lắm gã buồn rầu hất đầu lên đã phải buột miệng thốt ra:
- Mẹ kiếp! Ta choảng cho chúng khiếp thật! Mẹ kiếp!
Như bị gió đẩy, chúng tôi leo lên, thụt xuống tùy chỗ lồi lên trũng xuống giữa khe đất vô cùng rộng lớn bị sục tung lên, đen sạm và đốt cháy dữ dội. Đất mềm bám chặt lấy chân, chúng tôi điên tiết rút chân ra. Quân trang, các thứ vải rơi vãi trên đất mềm, những áo quần từ những túi dết bị đâm thủng vãi tung ra làm chúng tôi đỡ thụt chân vào bùn. Khi nhảy vào hố, hoặc leo lên những đống đất, chúng tôi cẩn thận đặt chân lên những thứ đó.
Phía sau có tiếng thúc chúng tôi:
- Tiến lên, các chú! Trời ơi, tiến lên!
Có tiếng thét:
- Cả trung đoàn ở phía sau ta kia kìa!
Không ai ngoảnh lại xem, nhưng sự bảo đảm ấy kích thích chúng tôi lao lên.
Phía sau thành hào mà chúng tôi đang tiến đến gần không trông thấy những mũ lưỡi trai nữa. Lác đác đằng trước có những tử thi quân Đức chồng chất lên như có ngọn hoặc trải dài ra. Chúng tôi đã tới nơi. Bờ dốc hiện rõ từng chi tiết những hình thù hiểm ác: những lỗ châu mai... Chúng tôi đến sát một cách lạ lùng kỳ diệu...
Một vật gì rơi trước mặt chúng tôi: một quả lựu đạn. Anh cai Bectrăng đá hất trở lại về đằng trước và nó nổ ngay ở trên chiến hào.
Nhờ sự may mắn đó, tiểu đội chúng tôi nhảy vào chiến hào.
Pêpanh, bụng úp xuống đất, lao vào, gã lượn quanh một xác chết. Tới bờ hào, gã lao mình vào, gã là người vào đầu tiên. Fuiat tay vung mạnh, hò hét và nhảy vọt vào trong hầm gần cùng một lúc với Pêpanh. Tôi thoáng thấy trong chớp nhoáng ở đỉnh dốc bên bờ cái cạm bẫy người đen đen, cả một hàng quỷ đen sì cúi xuống, ngồi xổm lê mình vào.
Một loạt súng khủng khiếp nổ vào mặt chúng tôi, ngay sát cạnh, hắt vào phía chúng tôi một hàng rào lửa theo dọc bờ đất. Sau một phút choáng váng, chúng tôi lại vùng vẫy và cười phá lên như ma quỷ: loạt đạn bắn cao quá. Kinh ngạc và rú lên vì thoát nạn, lập tức chúng tôi bò, lăn, ngã vào trong lòng chiến hào, người vẫn còn nguyên vẹn.
o O o
Một thứ khói chẳng biết là gì tràn ngập chúng tôi. Trong cái vực thắt hẹp, trước hết tôi chỉ trông thấy những bộ binh phục màu xanh. Chúng tôi đi sang phía này rồi đi sang phía khác, người nọ xô đẩy người kia, vừa quát tháo, vừa sục tìm. Chúng tôi quay trở lại, hai tay lúng túng, vướng dao, lựu đạn và súng; lúc đầu chúng tôi không biết phải làm gì.
Có tiếng gào lên:
- Những quân chó chết, chúng nó núp trong hầm!
Ở dưới sâu, trong hầm có những tiếng nổ âm thầm làm rung chuyển đất. Chúng tôi bị những làn khói khổng lồ dày đặc ngăn cách nhau ra, bịt kín như đeo mặt nạ vào và không còn trông thấy gì nữa. Chúng tôi giãy giụa như những người chết đuối trong một bầu không khí tối om và cay sặc trong một mảnh của đêm tối. Chúng tôi vấp phải những tên ngồi xổm như những hòn đá, quấn lấy nhau, bê bết máu và kêu rên. Chúng tôi chỉ thoáng lờ mờ trông thấy hai bên vách hào dựng ngược lên, làm bằng những bao đất vải trắng rách tơi tả tơi như bằng giấy. Có nhiều lúc làn khói dai dẳng chao đi chao lại, và nhẹ bớt đi, chúng tôi lại trông thấy rõ lúc nhúc một đám đông người đang xung phong. Bị cắt rời khỏi khung cảnh bụi mù, trong làn hơi mờ mờ, những bóng người giáp lá cà in hình trên bờ hào, đổ xuống, chìm đi. Vài tiếng kêu yếu ớt: “Kamerad” thốt ra từ một đám người mặt mày hốc hác, mặc áo cộc xám, đang bị dồn vào một góc hào vỡ hoác. Dưới đám mây đen như mực, đám người mạnh như vũ bão chao đi, lộn lại về hướng cũ bên tay phải, nhô lên và quay tròn như cơn lốc dọc theo khúc đê tối om bị phá vỡ.
Rồi, bỗng nhiên chúng tôi có cảm giác là đã xong cả. Chúng tôi đã trông thấy, nghe thấy và hiểu rằng đợt tấn công của chúng tôi vượt qua lưới đạn bắn chặn đã không gặp một sự kháng cự nào tương đương và đối phương đã rút lui khi chúng tôi tới. Cuộc kháng cự đã tan rã trước mặt chúng tôi. Hàng người cầm cự mỏng manh đã tan vụn ra trong những hố và chúng tôi đã tóm chúng như lũ chuột hoặc đã giết chúng ngay tại chỗ. Không có một sức kháng cự nào, chỉ còn sự rỗng không, một sự rỗng không lớn lao. Chúng tôi chen nhau mà tiến như một dòng kinh khủng những người đi xem hội.
Và ở đây, chiến hào như bị sét đánh tan hoang. Với những vách trắng đổ nhào, nó giống như vết tích lầy bùn của một con sông bị cạn, bờ đá bị phá, và từng chỗ còn sót lại những cái hố tròn nông choèn của một cái ao cũng cạn nước, trên bờ, trên lũy và dưới đáy hào trải ra một băng hà dài dặc những xác chết, những làn sóng mới của quân ta xô đến, tràn ngập lên tất cả. Trong đám khói từ hầm trú ẩn tuôn ra, trong làn không khí rung chuyển vì những tiếng nổ ở dưới đất, tôi hì hục đi đến một đám đông đặc những người đang bám chặt vào nhau quanh một thung lũng tròn rộng. Khi chúng tôi đến thì cả đám người ấy lăn kềnh ra: đó là tàn dư ngắc ngoải của cuộc chiến đấu; tôi trông thấy lão Blerơ gỡ được mình ra ngoài, chiếc mũ sắt treo dưới cổ bằng cái quai da, mặt sây sướt, miệng hồng hộc lên những tiếng kêu man rợ. Tôi va phải một người đương bám ở cửa ra vào một cái hầm trú ẩn. Tay trái gã nắm vào cái tay vịn lên xuống, gã nép mình tránh cửa xuống hầm mở hoác và tối om đầy nguy hiểm. Tay phải gã lắc lư trong mấy giây một quả lựu đạn. Lựu đạn sắp nổ... nó lọt vào trong hầm. Vừa lọt vào, nó nổ ngay và từ trong lòng đất, tiếng ơi ới vang ra theo tiếng nổ. Gã lại lượm một quả lựu đạn nữa.
Một người khác, vớ được cái cuốc chim, đang đập phá cánh cửa của một hầm trú ẩn khác. Đất sụt xuống và miệng hầm bị lấp. Rồi thấy lố nhố những bóng người giậm chân, khoa tay trên cái mả đó.
Một người, rồi một người khác... Trong đám người còn sống sót tới nay, đến tận cái chiến hào mà anh em đã ra công lao tới sau khi đã chạm trán với đại bác, với đạn súng trường nã ra để bắn chặn, khó khăn lắm tôi mới nhận ra được những người quen biết, chẳng khác gì cả quãng đời trước đó bỗng đã trở nên rất xa xăm. Một cái gì đã nhào nặn và biến đổi họ. Một sự nhiệt cuồng đã làm họ nổi xung lên.
Một gã nghiến răng nói:
- Sao lại dừng ở đây?
Gã thứ hai hầm hầm hỏi tôi:
- Sao không tiến đến chiến hào kia nữa? Bây giờ đã đi đến đây thì chỉ nhảy mấy bước nữa là tới nơi.
- Tớ cũng vậy, tớ muốn tiến nữa.
- Cả tớ cũng vậy, chà! Đồ chó má!
Họ vùng vẫy như những lá cờ, coi cái may mắn sống sót là một vinh quang, họ hằn học, không nguôi căm thù, tràn trề say sưa.
Chúng tôi bị ứ đọng, giẫm chân tại chỗ trên công sự vừa chiếm được, trên con đường đi kỳ dị đã bị vỡ nát, ngoằn ngoèo trên cánh đồng và dắt dẫn chúng tôi tới những chiến hào bí mật khác.
- Tiến sang phải!
Thế là dòng người ùa theo một hướng. Chắc đó là sự vận động do sự kết hợp của các viên chỉ huy ở trên. Chúng tôi giẫm lên những cái xác mềm nhũn, có cái còn ngọ nguậy chậm chạp lê đi chỗ khác, tóe máu và kêu rên. Nhiều tử thi chất dọc chất ngang như những xà nhà và những đống vụn nát, chất lên những người bị thương, dằn lên họ làm họ nghẹt thở và chết ngạt. Để tiến lên phía trước, tôi phải đẩy một thân người cổ tóe máu như suối đương rên.
Trong cảnh trời long đất lở, toàn là đất sụt hoặc dựng đứng đầy những vật đổ nát, trên đám người bị thương và bị chết đang lúc nhúc ở đó, qua màn khói di động bao phủ chiến hào và vùng xung quanh, chúng tôi chỉ toàn thấy những bộ mặt đỏ bừng, mồ hôi và máu nhễ nhại, mắt sáng quắc. Họ vui mừng, vô cùng vững dạ, hung ác.
Hoạt động dần dần yếu đi. Một anh lính nói:
- Thế bây giờ chúng ta phải làm gì, hở?
Bỗng nhiên một nơi khác lại nhốn nháo. Cách vài chục thước trong cánh đồng về mé con đường hầm của bờ dốc xám, một loạt súng trường nổ lép bép phụt lửa xung quanh một khẩu súng máy chôn dưới đất đương khạc đạn từng hồi và như giãy giụa.
Dưới đám mây xanh vàng trải cánh đen như than, chúng tôi trông thấy những người đương bổ vây cái máy phun đạn và thắt chặt vòng vây. Tôi nhận ra ở gần tôi, bóng dáng lờ mờ của Mexnin Jôdep đang đứng thẳng người, không cần náu mình và tiến đến chỗ những hồi nổ ăng ẳng.
Từ một góc chiến hào, một phát đạn nổ vọt ra giữa hai chúng tôi. Jôdep ngừng lại, chao người đi, cúi xuống và ngã khuỵu một đầu gối. Tôi chạy lại, gã nhìn tôi:
- Không việc gì: vào đùi... Tớ có thể bò một mình được.
Hình như gã đã trở nên ngoan ngoãn như một đứa trẻ dễ bảo. Gã lại lắc lư bò vào chỗ trũng.
Tôi nhìn rõ mồn một cái hỏa điểm đã bắn trúng gã. Tôi theo mé tay trái rón rén vòng đến.
Tôi chỉ gặp có một người trong tiểu đội. Đó là Parađi.
- Cậu!
Tôi nhìn gã.
Gã nhìn tôi, trả lời bằng mắt.
Có những người khiêng trên vai hay cắp dưới cánh tay những tấm sắt giống như những loại côn trùng lớn, xô đẩy chúng tôi. Họ đi kín cả đường, và làm cho hai người chúng tôi cách nhau ra.
Có người kêu lên:
- Đại đội 7 đã cướp được khẩu súng máy. Thế là hết ăng ẳng. Ban nãy, nó hóa dại đấy. Con ác vật, con ác vật!
- Bây giờ chúng ta phải làm gì nữa?
- Chẳng làm gì cả.
Họ đứng lại đó lộn xộn. Họ ngồi xuống. Những người còn sống đã thôi không thở hồng hộc nữa, những người đương chết rên nốt những tiếng cuối cùng, xung quanh toàn là khói và lửa, tiếng đại bác như sấm sét ầm ầm đến tận chân trời. Chúng tôi không còn biết mình đang ở đâu. Không còn có đất, không còn có trời, chỉ thấy một làn khói trắng. Một phút tạm ngừng trong tấn bi kịch hỗn loạn. Những cử động và những tiếng kêu bắt đầu chậm lại. Khắp mọi nơi, tiếng đại bác bớt dần, và bây giờ thì nghe xa xa, nó làm rung rinh bầu trời như những tiếng ho. Sự kích thích dịu dần, chỉ còn lại một sự mỏi mệt vô hạn lại dâng lên, chìm ngập chúng tôi, và sự chờ đợi dài dằng dặc lại bắt đầu.
o O o
Địch ở đâu? Chúng đã để lại những xác chết ở khắp mọi nơi, và chúng tôi đã thấy từng đoàn tù binh: ngay đằng kia hãy còn thấy bóng dáng một đoàn tù binh âm thầm, dài dằng dặc và đầy khói in hình trên nền trời bẩn thỉu. Nhưng phần lớn quân địch như đã rút ra phía xa. Đó đây vài viên đạn đại bác vụng về bắn tới. Anh em coi thường. Được thoát nạn, họ trầm tĩnh, chỉ còn có họ trong bãi sa mạc mênh mông những xác chết bên cạnh những hàng người còn sống sót.
Đêm đã đến. Bụi tan hết rồi, bây giờ là bóng tối lờ mờ, rồi tối om bao phủ lên hàng ngàn người hỗn độn kéo dài. Họ xích lại gần nhau, ngồi xuống, đứng lên, đi lại, người nọ tì vào người kia, hoặc khoác tay nhau. Ở những quãng trống giữa những hầm trú ẩn xung quanh ngổn ngang những xác chết, họ tụ họp nhau lại, ngồi xổm xuống đất. Vài gã đã đặt súng xuống, và đi phất phơ ra ngoài miệng hố, tay thòng lõng. Nhìn gần thì thấy họ sạm đen, cháy sém, mắt đỏ ngầu, người bết từng mảng bùn. Họ không nói chuyện, nhưng bắt đầu suy nghĩ.
Chúng tôi thấy những gã lính cáng hình thù nổi bật đang cúi cúi tìm tìm và tiến lên, từng cặp hai người bám chắc lấy gánh nặng dài của họ. Ở đằng kia, mé bên phải, nghe thấy tiếng xẻng và tiếng cuốc.
Tôi đi lang thang trong cảnh hỗn độn đó.
Ở một nơi bờ lũy bị oanh tạc san phẳng, bây giờ thành sườn thoai thoải, có một người đang ngồi. Trời hãy còn mờ mờ sáng. Thái độ bình tĩnh của gã, mắt nhìn ra phía trước nghĩ ngợi, trông như một pho tượng, khiến tôi phải chu ý. Tôi cúi xuống thì nhận ra gã. Đó là anh cai Bectrăng.
Anh ngoảnh mặt lại phía tôi, và tôi cảm thấy anh mỉm cười với tôi trong bóng tối, một nụ cười trầm tư.
Anh bảo tôi:
- Mình sắp đi tìm cậu. Trong khi chờ đợi tin tức chiến sự của đơn vị bạn và hiện giờ chưa biết đằng trước đương xảy ra sự gì, chúng ta phải tổ chức canh gác chiến hào. Mình cắt cậu cùng gác với Parađi trong một hố quan sát do công binh mới làm xong.
Hai người chúng tôi ngắm nhìn bóng dáng những người qua lại và những kẻ đã chết, hoặc khom khom hoặc gập người theo nhiều tư thế khác nhau, vẽ lên bằng những nét mực đen trên nền trời xám dọc theo bức lũy tan hoang. Cảnh tượng những con người ngọ nguậy trong bóng tối lẫn lộn với những người không cử động, trên những cánh đồng mà từ hai năm nay chiến trận đã luân chuyển và thiết lập những thành phố lính tráng, trên những bãi tha ma, trông thực kỳ dị.
Hai bóng đen đi qua trong bóng tối cách chúng tôi mấy bước. Họ nói chuyện khe khẽ với nhau:
- Mày biết không, tao không thèm nghe nó, cứ tương lưỡi lê vào bụng nó, ngập sâu đến nỗi rút ra không được.
- Còn tao, chúng nó tất cả bốn thằng ở trong hố. Tao gọi chúng ra, cứ thằng nào ra là tao thịt. Máu đỏ lòm tay tao đến tận khuỷu. Hai ống tay áo dính chặt.
Gã trước lại nói:
- Chà! Sau này nếu còn sống sót mà về, khi bọn mình kể lại chuyện đó cho những người nhà nghe bên cạnh bếp lò và ngọn nến, thì ai mà tin được. Thế có khổ không, mày?
Gã kia trả lời:
- Cần đếch gì cái đó. Miễn là được trở về. Sao cho chóng xong, có thế thôi.
Bình thường, Bectrăng ít nói, và không bao giờ nói đến bản thân anh. Tuy vậy, anh cũng kể:
- Tớ phải đối phó với ba thằng. Tớ choảng như một thằng điên. Chao! Tiến đến đây thì chúng ta ai cũng như thú dữ cả.
Giọng nói của anh rất cao, hơi run run, tuy anh cố nén.
Bỗng nhiên, anh cất tiếng nói to như một nhà tiên tri:
- Tương lai! Những kẻ ra đời sau chúng ta sẽ nhìn những chiến công của chúng ta bằng con mắt như thế nào? Chính chúng ta là những kẻ lập ra những chiến công đó, chúng ta cũng chẳng biết nên so sánh nó với chiến công của các anh hùng của Plutacơ và Corney hay là với thủ đoạn hung tàn của những tên tướng cướp!
Anh lại nói tiếp:
- Tuy vậy, cậu hãy coi đây! Có một nhân vật đã vươn cao mình lên trên cuộc chiến tranh và sẽ luôn luôn sáng ngời vì lòng gan dạ đẹp đẽ và lớn lao...
Tôi tì trên cái gậy, cúi xuống nghe anh nói, trân trọng thu lấy những lời nói thốt ra trong chiều hôm yên tĩnh, từ một cái miệng xưa nay hầu như thường xuyên im lặng. Anh nói to lên, giọng trong trẻo:
- Liebnèch!
Anh đứng lên, khoanh tay lại. Khuôn mặt của anh đẹp đẽ, nghiêm trang và thâm thúy như mặt một bức tượng, cúi xuống ngực anh. Nhưng rồi một lần nữa, khác hẳn với thai độ im như hến thường ngày, anh nhắc lại:
- Tương lai! Tương lai! Sự nghiệp của tương lai là xóa cái hiện tại này, xóa hẳn nó triệt để hơn như người ta tưởng, xóa nó đi như một điều khả ố và nhục nhã. Vậy mà cái hiện tại này đã phải có, đã phải có! Nhục nhã cho cái vinh quang quân sự, nhục nhã cho các quân đội, nhục nhã cho cái nghề làm lính, nó biến con người ta lần lượt thành những nạn nhân ngu ngốc và những tên đao phủ ghê tởm. Thực thế, nhục nhã: đúng thế, đúng quá; nó đúng, nhưng hiện giờ thì chưa đúng đối với chúng ta đây. Nhưng phải coi chừng những tư tưởng của ta bây giờ! Nó sẽ đúng khi nào nó được viết ra cùng với những chân lý khác mà người ta có thể tiếp thu cùng một lúc. Hiện giờ thì chúng ta còn lạc lõng, xa lắc, xa lơ cái thời đó.
Rồi anh thốt ra một tiếng cười âm vang và mơ mộng.
- Có một lần mình bảo anh em là mình tin những lời tiên tri để anh em răm rắp nghe theo mình.
Tôi ngồi xuống bên cạnh Bectrăng. Người chiến binh đó đã từng luôn luôn làm vượt cả bổn phận, tuy thế mà vẫn còn sống sót, trước mắt tôi, lúc bấy giờ, phong độ của anh như phong độ của một người hiến thân cho một tư tưởng đạo đức cao cả, đồng thời có đủ sức vượt ra ngoài sự xô đẩy ào ạt của mọi biến cố, và nếu được tham dự một chút vào một biến chuyển lớn lao thì có khả năng ngự trị cả thời đại của mình.
Tôi thì thầm:
- Tôi bao giờ cũng nghĩ những điều đó.
Anh nói:
- À ra thế!
Hai người chúng tôi nhìn nhau lặng lẽ, hơi ngạc nhiên và trầm mặc. Sau một lúc thật yên lặng, anh nói tiếp:
- Bây giờ đã đến giờ làm công vụ. Cậu cầm súng và đi theo mình.
o O o
Từ hố quan sát, chúng tôi thấy ở phương Đông hé ra một làn ánh sáng lờ mờ như một đám cháy đương lan ra, xanh xanh và buồn thỉu hơn là đám cháy thực. Nó vạch lên bầu trời một vằn sáng lan dần ra dưới một đám mây đen dài treo lơ lửng như khói một đám lửa tàn, như một vết bẩn vấy vào vũ trụ. Buổi bình minh đang trở lại.
Trời rét đến nỗi mặc dầu chúng tôi mệt lử vẫn không thể nào đứng yên một chỗ được. Chúng tôi run rẩy, rùng mình, răng đánh lập cập, nước mắt giàn giụa. Rồi dần dần ban mai trải xuống chậm chạp. Mọi vật đều giá băng, nhợt nhạt và trống rỗng, xung quanh im lặng như chết. Sương giá, tuyết rơi, ở trên là một gánh nặng mây mù. Cảnh vật trắng xóa.
Parađi cử động: trông gã như một bóng ma dày cộm, nhợt nhạt. Tất cả chúng tôi đều trắng toát. Tôi đặt cái túi dết của tôi lên thành hào quan sát và trông nó cũng như bọc giấy trắng. Ở đáy hốc, một chút tuyết màu xam xám, vỡ nát, nổi bồng bềnh trên vũng nước đen, chân chúng tôi ngâm trong đó. Phía ngoài hốc, một tấm màn trời đã bao phủ trên những vật chồng chất, trong những kẽ nứt, trên đống tử thi hỗn độn.
Hai khối người lom khom, lờ mờ hiện ra, lô nhô như gò đống sau màn sương. Họ tiến lên, lại gần chúng tôi và cất tiếng gọi. Đó là những anh em đến thay phiên gác cho chúng tôi. Mặt họ tím bầm và ướt át vì rét, gò má loáng như ngói tráng men, nhưng áo ca-pôt của họ thì không dính tuyết: họ đã ngủ ở dưới hầm đất.
Parađi lao mình ra ngoài. Trong cánh đồng, tôi đi theo cái lưng của gã cồm cộm như lưng ông lão Mùa Đông, theo bước lạch bạch của đôi giày gã đang lê đi những nắm tuyết trăng trắng, êm êm. Người cúi gập làm đôi, chúng tôi trở về chiến hào: vết chân của những anh em đi trước chúng tôi in hằn đen trên lớp tuyết mỏng phủ trên mặt đất.
Trong chiến hào, đó đây những tấm vải bạt, riễu nhung trắng, hay lóng lánh sương giá, căng trên cọc thành những túp lều không đều đặn. Những gã lính gác sừng sững đó đây, giữa họ, những hình người ngồi xổm dưới đất, kêu rên, cố chống với cái rét để bảo vệ lồng ngực ấm của mình, hoặc cũng có người đã chết cứng. Một người chết đứng, mình đổ nghiêng nghiêng, chân trong chiến hào, còn ngực và hai cánh tay chống vào bờ hào. Gã đang bới đất thì bỗng tắt thở. Mặt gã ngẩng lên trời, loang lổ băng giá như người bạch tạng, mi mắt trắng như lòng con mắt, ria mép quánh nước bọt cứng. Anh em ở ngay sát cạnh mùi hôi thối.
Những thân hình khác đang ngủ, họ không trắng bằng những xác chết: tuyết chỉ nguyên vẹn không tan trên những đồ vật và người chết.
- Phải ngủ.
Parađi và tôi, hai anh em tìm chỗ ngả lưng, một lỗ nào đó có thể ngả mình và nhắm mắt.
Parađi lẩm bẩm:
- Trong hầm có người chết cũng phớt đi. Rét thế này thì người chết cũng phải e dè, không ác lắm đâu mà sợ.
Chúng tôi bước đi, mệt nhọc nên mặt cúi gầm xuống đất.
Thế rồi còn một mình tôi. Parađi đi đâu rồi? Có lẽ gã chúi vào một xó xỉnh nào đó. Có thể gã đã gọi tôi, mà tôi không nghe tiếng.
Tôi gặp Mactơrô, gã bảo tôi:
- Tớ tìm chỗ để ngủ, vừa tôi tớ phải gác.
- Tớ cũng vậy. Chúng ta cùng đi tìm.
Mactơrô nói: Cái tiếng ầm ĩ và ồm ồm kia là cái gì vậy?
Nghe lào xào có tiếng chân người đi và tiếng nói, như bị dồn ép, từ giao thông hào gần đấy trào ra.
- Giao thông hào nào cũng đầy lính và kẻ lạ... Cậu là ai?
Một trong những người mà chúng tôi bất thình lình đi lẫn lộn vào, trả lời:
- Chúng tớ thuộc tiểu đoàn 5.
Những người mới đến nghỉ chân, quân phục chỉnh tề. Người vừa nói ngồi xuống để thở trên mặt tròn phè phè của một bao đất thòi ra ngoài hàng. Gã đặt những quả lựu đạn của mình xuống chân, gã lấy ống tay áo quệt mũi:
- Các cậu đến đây làm gì thế? Họ có bảo cho biết không?
- Có chứ, họ bảo chúng tớ đến đây để tấn công. Chúng tớ tiến đến chỗ kia, tiến đến cùng.
Gã hất đầu chỉ lên phương Bắc.
Chúng tôi tò mò nhìn họ thì thấy có một chi tiết đáng chú ý:
- Các cậu đem theo tất cả lệ bộ đi à?
Chúng tớ thấy mang cả đi là hơn, thế đó.
Một mệnh lệnh phát ra:
- Tiến lên!
Họ đứng dậy và tiến, mặt còn ngái ngủ, mắt hum húp, nét mặt nhăn nheo. Có những gã còn trẻ, cổ gầy nhẳng, mắt đờ đẫn, bước đi bình thường và hòa bình. Cái việc mà họ sắp làm đây, hôm qua chúng tôi đã làm, chúng tôi thấy nó quá sức con người. Tuy vậy, họ vẫn cứ tiến lên phương Bắc.
Mactơrô nói:
- Buổi thức dậy của những kẻ bị tử hình.
Chúng tôi tránh sang để họ đi, vừa thán phục vừa kinh sợ. Khi họ đi khỏi rồi, Mactơrô hất đầu và lầu bầu:
- Bên kia chiến tuyến cũng có những thằng mặc quân phục xám đang chuẩn bị. Cậu tưởng chúng thích xung phong lắm hay sao? Cậu điên à? Thế thì tại sao chúng lại đến đây? Tớ biết rằng không phải tự chúng nhưng cũng là tự chúng, vì chẳng thế sao chúng lại đến đây... Tớ biết, tớ biết chứ, nhưng cái đó thật là kỳ quặc.
Trông thấy một người đi qua, gã nghĩ luôn đến chuyện khác:
- Kia, thằng gỉ thằng gì cao kều, cậu có biết nó không? Chà, cái thằng cao lênh khênh, người nhọn hoắt! Tớ cũng biết rằng tớ cũng cao lớn nhưng cao vừa vừa thôi, đằng này hắn cao quá. Cái thằng thước đúp ấy cái gì hắn cũng biết, biết tuốt, không một ai lòe được hắn. Ta thử hỏi hắn để kiếm lấy một xó xỉnh mà nằm.
Anh chàng cao chót vót như một cây bạch dương cúi xuống Mactơrô, trả lời:
- Tìm đâu được một xó xỉnh hử? Anh bạn ơi, chắc chắn là có. Thiếu gì. Này, ở đằng kia – gã chìa khuỷu tay ra hiệu như người đánh điện tín bằng tay – kia, đó là biệt thự Von Hinđenbua, và đây, chỗ kia là biệt thự Gơluých còn nguyên vẹn. Nếu các cậu không ưng, tức là các ngài khó tính đấy. Có thể trong nhà còn lại mấy kẻ ở chung, nhưng toàn là những kẻ ít hiếu động, nên cậu có thể nói to trước mặt họ được.
Một khắc sau, khi chúng tôi đã dọn vào một trong những hố đục vuông vắn đó thì Mactơrô bỗng la lên:
- Ối chao! Khỉ ơi là khỉ! Ở đây có những kẻ ở chung mà nó không bảo cho chúng ta hay, cái thằng cột thu lôi, cái thằng lênh khênh ấy!
Gã nhắm mắt lại rồi lại mở ra, gã gãi cánh tay và gãi sườn.
- Tớ buồn ngủ quá! Nhưng ngủ thì không ngủ được. Chịu không sao ngủ được.
Chúng tôi ngáp ngắn ngáp dài, thở ngắn thở dài rồi cuối cùng châm lên một mẩu nến nhỏ bị ướt, mãi mới chịu cháy, mặc dầu chúng tôi đã phải ấp nó vào bàn tay. Rồi chúng tôi nhìn nhau mà ngáp.
Hầm của quân Đức gồm nhiều ngăn. Chúng tôi tì người vào bức vách bằng ván hở kẽ, và ở bên kia bức vách, trong ngăn số hai, có những người đang thức: có ánh sáng lọt qua kẽ ván và nghe thấy tiếng người thì thào.
Mactơrô nói:
- Họ thuộc trung đội khác.
Bất giác chúng tôi lắng tai nghe.
Một gã, trông chẳng thấy người ở đâu, lào xào nói:
- Khi tớ về nghỉ phép trước đây, trước tiên là tớ buồn vì tớ nghĩ đến anh tớ mất tích hồi tháng ba, có lẽ đã hy sinh rồi, và nghĩ đến thằng cháu Juyliêng, lớp lính 15 bị chết trong chiến dịch tháng Mười. Rồi dần dần vợ tớ và tớ lại bắt đầu sống sung sướng bên nhau. Làm thế nào khác được? Thằng con út chúng tớ mới lên năm đã làm cho vợ chồng tớ khuây khỏa nhiều. Nó cứ muốn chơi làm lính với tớ. Tớ làm cho nó một khẩu súng trường con. Tớ giảng giải cho nó thế nào là chiến hào và nó vui vẻ ríu rít như một con chim, quát tháo ầm ĩ, cầm súng bắn tớ. Chà! Thằng khỉ con, nó hăng quá! Sau này nó sẽ là một chiến sĩ cừ. Cậu ạ, nó thật có tinh thần thượng võ.
Im lặng. Rồi lại có tiếng nói chuyện lào xào thoảng qua, trong đó nghe có người nói đến tên “ Nã-phá-luân” rồi lại tiếng người – có khi vẫn người ấy – nói:
- Guyôm là kẻ đã gây ra cuộc chiến tranh này, nó là một con vật hôi hám. Nhưng Nã-phá-luân thì khác, đó là một vĩ nhân!
o O o
Mactơrô ngồi quỳ trước mặt tôi, dưới ánh sáng le lói và yếu đuối của ngọn nến, trong hố tối tăm và trống trải thỉnh thoảng gió rét lọt vào sởn gai ốc. Trong hố lúc nhúc chấy rận và những con người còn sống khốn khổ chồng chất lên nhau toát ra một mùi phảng phất như mùi áo quan… Mactơrônhìn tôi, gã cũng như tôi, còn phảng phất nghe thấy tiếng người lính vô danh: “Guyôm là một con vật hôi hám, nhưng Nã-phá-luân là một vĩ nhân” và người chiến sĩ vô danh đó khâm phục tinh thần thượng võ của đứa con gã còn sống sót lại. Mactơrô buông xuôi hai tay, lắc lư cái đầu mỏi mệt và ánh sáng nhợt nhạt hắt vào vách bóng dáng của hai cử động đó thoạt trông như một bức họa khôi hài.
Anh bạn rầu rĩ của tôi nói:
- À! Chúng ta không phải là những đồ tồi cả, mà là những người khốn nạn, những kẻ đáng thương. Nhưng chúng ta ngốc nghếch quá, thật là ngốc nghếch!
Gã lại quay mặt nhìn tôi. Trong khuôn mặt xồm xoàm lông lá của gã, khuôn mặt chó xù, tôi trông thấy hai con mắt tròn xoe như mắt chó, tỏ vẻ ngạc nhiên và nghĩ ngợi đến những sự việc phức tạp, và trong đầu óc tối tăm nhưng trong trẻo, gã đã bắt đầu hiểu.
Chúng tôi ra khỏi hầm không thể nào ở được. Thời tiết đã hơi dịu: tuyết đã tan và cảnh vật trở nên bẩn thỉu.
Mactơrô nói:
- Gió đã liếm hết đường rồi.
o O o
Tôi được chỉ định theo Jôdép Mexnin đến trạm cứu thương ở Đường Cột Điện. Viên đội Angriô giao anh bạn bị thương cho tôi và đưa tôi giấy di chuyển.
Angriô bảo chúng tôi:
- Nếu giữa đường các anh có gặp Bectrăng thì phải bảo bắn đi nhanh lên nhé! Đêm nay hắn phải đi liên lạc mà chúng tôi chờ hắn đã một tiếng đồng hồ rồi. Và “lão khọm” đã bắt đầu nóng tiết lên và dọa sẽ nổi lôi đình lúc nào không biết đấy.
Tôi cùng đi với Jôdép, mặt gã xanh xao hơn mọi khi một chút và vẫn cứ im lìm từ từ bước đi. Thỉnh thoảng thấy gã đứng lại, mặt nhăn nhó. Chúng tôi đi theo giao thông hào.
Một anh chàng bỗng nhiên hiện ra. Đó là Vônpat, gã nói:
- Tớ cùng đi với các cậu đến cuối dốc.
Gã được rỗi, gã vung vẫy một chiếc gậy xoắn rất đẹp và gã xóc trong tay chiếc kéo quý hóa mà lúc nào gã cũng mang theo như người ta xóc phách.
Cả ba chúng tôi đi ra khỏi giao thông hào, những khi chiều dốc của khoảng đất cho phép đi mà không sợ trúng đạn vì hiện giờ pháo binh địch không hoạt động. Vừa ra ngoài thì gặp ngay một tốp người đang tụ tập. Trời mưa, nhìn qua những cẳng chân nặng nề như những cây to buồn thiu trong sương mù trên cánh đồng xám, chúng tôi trông thấy một người chết.
Vônpat lách mình đến thây người nằm ngang giữa những người đứng thẳng đang chờ đợi. Thế rồi gã văng mình ngoảnh lại và kêu to về phía chúng tôi.
- Pêpanh đấy.
Jôdép gần như muốn ngất đi, lập bập:
- À!
Gã tựa vào tôi, chúng tôi lại gần. Pêpanh nằm soài, chân tay dang ra, co quắp, và mặt gã đầy nước mưa đang chảy, sưng vù, bị giẫm nát và xám khủng khiếp.
Một người tay cầm chiếc cuốc chim, mặt ướt mồ hôi, nhăn nhở những vệt dài đen, kể lại cho chúng tôi nghe về cái chết của Pêpanh:
- Hắn ta vào một cái hồ lô trong đó quân Đức còn đang núp. Anh em không biết là có người, đem hun khói để cho sạch, thế là sau khi hun, người ta tìm thấy hắn đã chết rồi, người kéo dài ra như ruột mèo, xung quanh là xác của bọn lính Đức mà hắn đã chọc tiết trước khi chết, hắn giết gọn ghẽ quá, tớ có thể nói như vậy, vì xưa kia tớ làm đồ tể ở ngoại thành Pa-ri.
Khi chúng tôi tiếp tục đi, Vônpat nói:
- Tiểu đội ta lại thiếu một người nữa!
Bây giờ chúng tôi đã đến đỉnh khe, chỗ bắt đầu của cao nguyên là nơi mà chiều hôm qua chúng tôi đã vượt qua cuống cuồng và bây giờ thì không nhận ra được nữa.
Cánh đồng này hôm trước tôi có cảm giác là phẳng lỳ, nhưng thực ra thì hơi dốc, bây giờ là một nơi đầy thịt xương tan nát. Tử thi nhan nhản, chẳng khác gì một bãi tha ma mà lớp đất ở trên đã bị hớt đi.
Từng đám người đương đi dọc ngang, nhận diện những người đã chết hôm trước và đêm trước, lật những thi hài lên, nhận kĩ những chi tiết để nhận diện mặc dầu mặt mũi khác cả. Một trong những người đi nhặt xác ấy lấy ở bàn tay một người chết ra một tấm ảnh rách nát đã mờ, tấm ảnh cũng như bị giết chết.
Ở chân trời xa xôi, những đám khói đen của đạn trái phá cuồn cuộn bốc lên rồi nổ vang. Từng binh đoàn quạ như những mảng lấm chấm đen rất rộng quét qua bầu trời.
Ở dưới đất, trong đám người nằm im lìm, chúng tôi nhận ra những bộ quần áo bị tiêu mòn và như bị xóa nhòa đi, những người lính Ả-rập, những tán binh và những lính lê dương bị chết trong cuộc tấn công tháng năm. Hồi đó, tiền tuyến ta đóng sát với rừng Bectônvan cách đây năm sáu cây số. Trong đợt xung phong đó, một trong những đợt xung phong ác liệt trong cuộc chiến tranh này và trong tất cả mọi cuộc chiến tranh, họ đã chạy một mạch tiến đến tận đây. Thành thử họ là một mũi dùi tiến quá sâu trong đợt tấn công, và họ đã bị súng máy của địch quét từ hai bên sườn những trận tuyến mà họ đã vượt qua. Từ mấy tháng nay rồi, cái chết đã làm cho mắt họ tan ra, má rữa hết rồi, tuy nhiên, trong những hình hài rải rác đã bị mưa gió làm phân tán đi và gần hóa thành tro bụi, người ta vẫn còn nhận ra được vết tích phá hoại của những khẩu súng máy đã diệt họ, xuyên thủng lưng, thủng sườn, cắt người họ ra làm hai khúc. Bên cạnh những chiếc đầu đen thui, như bằng sáp, giống như những xác ướp ở Ai-cập, lổn nhổn những dòi bọ và những xác côn trùng, bộ răng nhọn hoắt trắng muốt từ trong hốc má nhe ra; bên cạnh những chân cụt, tay cụt đen đen ngổn ngang như rễ cây bật ra khỏi đất, người ta trông thấy những chiếc đầu lâu nhẵn nhụi, vàng vàng, đội mũ nỉ bằng dạ đỏ, lần vải bọc xám tan vụn ra như những tờ giấy cổ. Xương ống thòi ra ngoài đám sống áo bết bê bùn hung hung đỏ hoặc một mẩu xương sống lòi ra ngoài lỗ vải xác xơ quánh như hắc ín. Xương sườn rải rác đó đây như những lồng chim gãy, gần đó lộ ra những mảnh da thuộc bị băm nát, những ca và ca-men bị thủng và bẹp dúm. Xung quanh một cái ba lô bị chọc thủng đè trên một đống xương, một nắm mảnh dạ và những đồ quân trang, những vệt trắng đều đặn và rải rác, cúi xuống trông thì đó là những đốt ngón chân ngón tay của một cái xác đã nát.
Đôi khi có chỗ đất phình ra hơi dài dài, – vì những người chết không mồ đó rồi sao thế nào cũng bị nhận chìm xuống đất, – một mẫu vải thò ra cho biết là ở đó, một con người đã hóa ra hư không ở nơi đây của trái đất.
Quân Đức hôm qua còn đóng ở đây đã bỏ không kịp chôn vùi những người chết của chúng bên cạnh những người chết của chúng tôi, chứng cớ là ba cái tử thi này thối rửa, cái nọ đè lên cái kia, lẫn vào cái kia, với những mũ chỏm tròn màu xám mép đỏ viền kín bằng một quai da màu xám, áo ngắn xám vàng, mặt xanh lè. Tôi nhìn hình dạng một bộ mặt: Một đám đất bệt từ cổ đến những mớ tóc dính vào mũ, mặt biến thành tổ kiến và tròng mắt như hai trái cây đã thối. Một cái xác khác, mình rỗng, khô đét, nằm sấp, bẹp dí, lưng rách bung, gần như bùng nhùng, bàn tay, bàn chân và mặt vùi vào đất.
- Cậu coi, thằng này vừa mới chết…
Ở giữa cánh đồng, dưới bầu trời mưa giá, sau một ngày nhợt nhạt của một cuộc chém giết cuồng loạn, một người đã bị chôn sâu xuống đất, chỉ còn ló lên cái đầu đã mất hết máu và ướt át với một bộ râu nặng nề.
Đó là quân ta: mũ của hắn ở ngay bên cạnh. Mi mắt phồng lên để hở một chút lòng trắng như men, và cái môi bóng loáng như một con sên trong đám râu râm rì. Chắc hẳn hắn đã bị chúi vào một hố đại bác, rồi một quả đại bác nữa đã lấp cái hố ấy đi, vùi hắn như tên Đức đầu mèo ở Quán rượu Đỏ.
Jôdép chầm chậm tiến lại gần và nói rất khó khăn:
- Tớ không nhận ra được cậu này.
Vônpat trả lời:
- Tớ thì tớ nhận ra được.
Jôdép thất thanh hỏi:
- Cậu nhận ra được cái anh chàng râu xồm này?
- Hắn không có râu, cậu xem đây.
Vônpat ngồi xổm xuống, đưa đầu gậy xuống cằm của tử thi và gạt một cục bùn gắn chặt vào đầu như bộ râu phải rời ra. Rồi gã nhặt cái mũ sắt của người chết, đội lại cho hắn ta và đặt trước hai con mắt của tử thi, trong một lúc lâu, hai cái khuyên tay của chiếc kéo nổi tiếng của gã, cho nó như đeo kính.
Chúng tôi cùng kêu lên:
- Trời! Côcôn.
- Trời!
Khi đã được tin hoặc trông thấy một cái chết của một trong những người anh em đã chiến đấu bên cạnh mình, cùng sống đời sống đúng như mình thì ta bỗng dưng bị nhói thẳng đến da thịt, mà ta chưa hiểu rõ gì cả. Ngay lập tức, ta tưởng chừng như chính bản thân ta tiêu ma, và mãi sau này ta mới thấy thương tiếc người quá cố.
Chúng tôi nhìn cái đầu gớm guốc ấy vì cuộc tàn sát bây giờ đã xóa nhòa một cách tàn nhẫn mọi ký ức. Lại mất thêm một bạn đồng ngũ nữa… Chúng tôi đứng quanh gã, ngần ngại.
- Hắn xưa là…
Chúng tôi muốn nói đôi lời, nhưng không biết nói gì cho đủ nghiêm trang, đủ trân trọng và đủ chân thành.
Jôdép toàn thân đang bị đau đớn kinh khủng, khó khăn lắm mới nói được ra lời:
- Đi thôi, các cậu ơi! Tớ không còn đủ sức đâu để chốc chốc lại đứng lại.
Chúng tôi vĩnh biệt Côcôn khốn khổ, con-người-chữ-số, lướt mắt nhìn qua một lần cuối cùng, ngắn ngủi, gần như lơ đãng.
Vônpat nói:
- Ai có thể ngờ được…
…Không, không ai có thể ngờ được. Tất cả những người đó mất cùng một lúc làm cho tâm hồn chúng tôi tái tê. Số người sống sót lại chẳng còn là bao. Nhưng chúng tôi có một ý niệm mơ hồ về sự cao cả của những người đã chết. Họ đã hiến dâng tất cả sức lực của họ, rồi cuối cùng trong một lúc họ hiến cả sinh mạng. Họ đã vượt lên trên sự sống, sự cố gắng của họ là một cái gì siêu nhân loại và hoàn toàn.
o O o
- Kìa, hắn vừa bị chết, vậy mà…
- Một cái thây gầy trơ xương mới bị một vết thương làm ướt cổ.
Vônpat nói:
- Chuột đấy. Xác chết đã lâu rồi, nhưng chuột giữ gìn cho chúng. Cậu thường thấy những con chuột bị chết, có lẽ bị ngộ độc, ở gần chúng ta hoặc là gần mỗi xác. Này nhé, cái xác của người khốn khổ này sắp cho ta thấy những con chuột của nó.
Gã lấy cái chân hất cái xác bẹp lên và quả là thấy hai con chuột chết vùi ở đó.
Vônpat nói:
- Tớ muốn đi tìm Facfađê. Tớ đã bảo nó chờ tớ trong khi chúng tớ đang chạy và hắn vượt tớ. Khốn nạn thằng bé, miễn là nó chờ tớ!
Thế rồi, gã đi đi lại lại, tò mò, sục tìm những xác chết. Những người chết dửng dưng để mặc gã đi từ người nọ sang người kia, mỗi bước lại nhìn xuống đất. Bỗng nhiên, gã thét lên một tiếng kêu thống khổ. Gã vẫy tay gọi chúng tôi, rồi quỳ xuống đất, trước một người chết.
- Bectrăng!
Một cảm xúc đau chói dai dẳng làm chúng tôi quặn ruột. Trời! Một người như anh, xưa nay nghị lực và trí sáng suốt vượt trên cả chúng tôi mà cũng bị giết như những người khác ư! Anh đã bị giết, anh đã hứng lấy cái chết vì anh đã luôn luôn làm tròn nhiệm vụ. Anh đã tìm thấy cái chết ở một nơi đáng chết!
Chúng tôi nhìn anh rồi chúng tôi ngoảnh mặt đi để khỏi trông thấy nữa và chúng tôi nhìn nhau.
- Trời!
Trông anh thật khiếp tởm. Cái chết đã làm cho anh, bình sinh đẹp đẽ và bình thản như thế, nay diện mạo và cử chỉ thật là kỳ dị. Tóc xõa xuống mắt, miệng sùi bọt ra ria mép, mặt sưng húp, anh như đang cười. Một mắt nhắm, một mắt mở, lưỡi lè ra. Hai cánh tay gập chéo trên mình, bàn tay mở, ngón tay xòe ra. Chân phải duỗi về một bên, chân trái bị một mảnh đạn bẻ gãy gập cong queo, rời hẳn khớp, ướt nhờn, mất xương và khiến anh bị chết vì mất máu. Những cái giãy giụa cuối cùng lúc hấp hối có một vẻ châm biếm não nuột làm dáng điệu anh như một anh hề.
Chúng tôi sắp đặt anh lại, để anh nằm thẳng lên và vuốt mặt anh cho hết vẻ khủng khiếp. Vônpat đã móc túi anh lấy ra cái ví để mang về nộp văn phòng, gã trịnh trọng đặt cái ví đó vào những giấy má riêng của gã, cạnh tấm ảnh của vợ và con gã. Sau đó, gã lắc đầu:
- Các cậu ơi! Anh thực là một người tốt. Khi anh nói ra điều gì thì nhất định là chính xác. Chao! Chúng ta đang cần anh biết bao.
Tôi trả lời:
- Phải, chúng ta còn đang cần anh ấy nhiều lắm.
Vônpat thì thầm:
- Ôi! Chà, chà!
Và gã run lên.
Jôdép thì khe khẽ nhắc lại:
- Chà! Mẹ kiếp! Mẹ kiếp!
Cánh đồng đầy người như một cái quảng trường. Có những toán đi làm phục dịch, có những người đi riêng lẻ một mình. Đó, đây, những anh lính cáng bắt đầu làm cần cù, tỉ mỉ công việc bao la vô tận của họ.
Vônpat từ giã chúng tôi để trở về chiến hào báo những tin tang tóc mới, và nhất là tin mất Bectrăng. Gã bảo Jôdép:
- Chúng ta luôn báo tin cho nhau nhé. Thỉnh thoảng cậu viết cho tớ một câu giản dị như thế này: “Tốt cả – Ký tên: Phó mát”. Thế nhé!
Rồi gã đi lấp vào bọn người đi lại trong cái khoảng rộng dưới trời mưa buồn thiu, vô cùng tận.
Jôdépdựa vào tôi. Chúng tôi đi xuôi xuống khe núi.
Con đường dốc chúng tôi đang bước xuống gọi là “Những tổ ong của lính Ả-rập”… Những người lính Ả-rập của cuộc chiến đấu tháng năm hồi đó đã bắt đầu đào những hố trú ẩn cá nhân, rồi bị giết hết ở xung quanh đó. Có những người bị gục ngay ở bờ hố mới đào, tay vẫn còn cầm cái mai xẻng, bàn tay đã mất hết thịt, hoặc còn trố mắt nhìn nó bằng hai lỗ mắt sâu hoắm, tròng con mắt đã khô cứng quèo. Đất đầy những người chết, nhiều đến nỗi những nơi đất sụt xuống để lộ ra những cẳng chân người, những bộ xương gần như mất hết quần áo, những đám đầu lâu chen chúc nhau vào sườn dốc dựng ngược, như những lọ sành.
Ở đây, trong đất có nhiều lớp người chết, và ở nhiều nơi đại bác sục vào làm những lớp người chết trước bật ra, nằm rải trên những lớp người chết sau. Lòng khe chất đầy khí giới gãy nát, quần áo và dụng cụ. Chúng tôi giẫm lên những mảnh đạn, sắt vụn, bánh mì và cả bích quy từ những bao tung ra và chưa bị mưa làm rữa. Những ca-men, những hộp đồ hộp, những mũ sắt lỗ chỗ thủng đạn trông như những môi hớt bọt đủ các kiểu; và những cọc gãy tung cũng bị nhiều vết đạn xuyên thủng.
Chiến hào dọc theo cái thung lũng nhỏ ấy trông như những vết nứt nẻ do địa chấn gây ra, chẳng khác gì người ta đã đổ từng xe bò những vật kỳ dị lên trên sự tàn phá của một trận động đất. Và ngay ở nơi không có người chết thì mặt đất cũng sặc mùi xác chết.
Chúng tôi vượt qua Giao thông hào quốc tế hãy còn phất phơ những xống áo mọi màu ở một nơi quanh co mấp mô, quặt khúc, hình dáng méo mó của nó giữa đống lộn xộn những giẻ vải trông chẳng khác gì nó cũng bị ám sát vậy. Dọc theo đó, đến tận bức tường đất chắn ngang, xác lính Đức xoắn xít vào nhau như những dòng thác tội nhân dưới âm phủ, vài cái xác thòi ra khỏi hang đầy bùn giữa một đống dầy những xà, những dây thừng, dây thép, sọt đất, phên và lá chắn. Ở bức tường chắn ngang, một xác chết bị chôn đứng ở giữa những xác khác; cùng chỗ đó, một xác nữa vùi nghiêng trong không gian bi thảm: cả khối đó, trông như một mảnh bánh xe sa lầy, một mẩu cánh của cái cối xay gió bị tung vỡ. Và trên tất cả đám thịt xương và rác rưởi lung tung đó, rải rác không biết bao nhiêu tranh ảnh tôn giáo, bưu ảnh, sách đạo, những tờ giấy viết bài cầu nguyện bằng chữ gô-tích từ những bộ quần áo bị xé toang vọt ra. Những bài cầu nguyện đó giống như những bông hoa trắng trẻo của sự dối trá và vô bổ tô điểm cho cảnh ôn dịch, cho cái thung lũng của sự diệt vong này.
Tôi tìm một lối đi vững chãi để đặt Jôdép đang bị vết thương dần dần làm tê liệt: gã cảm thấy sự tê liệt ấy lấn dần trong toàn thân. Khi tôi dắt đi, gã không để ý nhìn gì cả, còn tôi thì tôi quan sát cảnh đảo lộn ghê gớm mà chúng tôi đang bước qua để chạy trốn.
Chúng tôi đặt chân vào một nơi trước đây là một chòi canh. Một tên đội nhất Đức ngồi ở đó, lưng tựa vào ván nát. Một lỗ nhỏ ở dưới mắt hắn: một nhát lưỡi lê xuyên qua mặt đã cắm chặt hắn vào tấm ván. Trước mặt hắn, một tên khác phần trên đầu bị cắt đứt hẳn đi như một quả trứng la-coóc, cũng ngồi, hai khuỷu tay chống lên đầu gối, tay nắm lại tì lên cổ. Bên cạnh đó, có một nửa thân người sừng sững như đang còn đứng gác, trông khủng khiếp: đó là một người đã bị chẻ ra làm hai từ đầu đến hông, tựa vào tường đất. Không biết nửa người kia ở đâu, mảnh còn lại thì một con mắt lủng liểng ở bên trên, còn ruột gan xanh lè thì quấn tròn quanh cẳng chân.
Ở dưới đất, chân đi dính bết vào một lớp máu đã khô cứng ở những lưỡi lê Pháp bị quằn, gẫy, cong queo vì đâm mạnh.
Nhìn qua kẽ hổng của tường hào bị chém xẻ, chúng tôi thấy một cái nền đầy tử thi của bọn lính hộ vệ Phổ, có lẽ là đang quỳ với dáng điệu van lơn, bị xiên từ sau lưng, lỗ xiên đầy máu, như bị tội đóng cọc. Người ta đã lôi ở đó ra thi thể lớn tướng của một anh tán binh người Xênêgan đã cứng queo trong tư thế lúc chết, mình vặn vẹo, tựa vào chỗ trống không, chân cũng như bám vào khoảng không, mắt nhìn vào hai khuỷu tay bị lựu đạn nổ tiện đứt: mặt hắn động đậy như đương nhai những con dòi.
Một anh lính sơn binh đi qua bảo chúng tôi:
- Ở đây chúng đã phải phất cờ trắng, nhưng vì đối với phương của chúng là lính Ả-rập, nên phải biết, ai để chúng thoát!... Kìa, đây là cái cờ trắng mà chúng đã phất.
Gã nắm lấy và vung vẫy một cái cán cờ dài nằm ở đó, trên cán cờ, người ta buộc một vuông vải trắng đang bay phần phật một cách vô tư.
… Một hàng dài những người mang xẻng đang tiến theo dọc hào rách nát. Họ được lệnh làm cho đất hào sụp xuống những chỗ còn trống, lấp hết cả để chôn những thi hài ấy tại chỗ. Như vậy, những người lao động đội mũ sắt đó sắp sửa hoàn thành tại đây sự nghiệp đền bù, trả lại cho đồng ruộng hình thù vẹn toàn của nó bằng cách san lại những hố mà xác những kẻ xâm lăng đã lấp nửa chừng.
o O o
Ở bên kia giao thông hào có tiếng gọi tôi; một người ngồi dưới đất dựa vào một cái cột, đó là lão Ramuya; nhìn qua áo ca-pốt và áo ngắn mở khuy của lão, tôi thấy băng quấn đầy quanh ngực lão.
Lão bảo tôi, giọng khàn khàn, và nhè nhẹ, khò khè:
- Y tá đã băng bó cho tớ, nhưng từ bây giờ đến tối thì chưa thể khiêng tớ đi được. Nhưng tớ biết chắc chắn rằng thế nào thì chỉ lát nữa là tớ sẽ chết.
Lão hất đầu, van tôi:
- Cậu ở lại đây một lúc với tớ.
Lão cảm động, nước mắt lão tuôn ra. Lão giơ tay nắm lấy tay tôi. Lão muốn nói với tôi lâu và như muốn sám hối. Nước bọt hòa lẫn nước mắt, lão nói:
- Trước chiến tranh, tớ là một người lương thiện. Tớ làm việc từ sáng đến tối để nuôi gia đình. Thế rồi tớ đến nơi này để giết quân Bôtsơ… Và giờ đây thì tớ bị giết. Cậu ơi, nghe tớ, nghe tớ, hãy nghe tớ, đừng bỏ tớ đi…
- Tôi còn phải đưa Jôdép đi, vì anh ấy mệt quá rồi. Xong việc tôi sẽ trở lại.
Ramuya nhìn gã bị thương với đôi mắt đầy lệ:
- Không những còn sống mà lại còn bị thương nữa! Thế là thoát chết! Có những người vợ và những đứa con thật may mắn. Thôi thì cậu đưa hắn ta đi rồi cậu trở lại đây. Mong rằng tớ chờ được cậu đến lúc đó…
Bây giờ thì phải leo lên mé dốc bên kia. Chúng tôi đi lọt qua khoảng đất hõm méo mó và bị tàn phá của giao thông hào 97.
Bỗng nhiên những tiếng rít điên rồ xé tan bầu không khí. Một loạt trái phá nổ ở trên đầu chúng tôi. Từ giữa những đám mây mầu nâu, những đám sao băng khủng khiếp chói sáng lên và bắn ra tung tóe. Những loạt đạn lăn ào ào từ trên trời rơi xuống vỡ tan vụn ra trên sườn đồi thọc vào đất làm bật tung lên những lớp xương cũ, và những loạt lửa ầm ầm nổ ra thành một hàng đều.
Cuộc bắn chặn lại bắt đầu.
Người ta kêu lên như trẻ con:
- Thôi đi! Thôi đi!
Những máy móc reo rắc sự chết chóc, trận bão sắt thép ấy cứ theo đuổi chúng tôi mãi trong không gian, trong sự lì lợm ấy có một cái gì thật là quái gỡ. Jôdép cầm lấy tay tôi và qua vai tôi, gã nhìn đám mưa rào đang đổ trút xuống đó. Gã gục đầu xuống như một con vật điên cuồng bị dồn vào bước đường cùng.
Gã gầm lên:
- Thế nào, lại tiếp tục nữa ư? Mãi mãi ư? Tất cả những cái gì mà ta đã làm, tất cả những cái gì chúng ta đã thấy… Thế mà vẫn tiếp tục nữa ư? Không, không!
Gã quỵ xuống, thở hổn hển nhìn một cách bất lực về trước mặt, rồi nhìn về sau lưng, gã nhắc lại:
- Không bao giờ hết ư? Không bao giờ ư?
Tôi cầm cánh tay gã, xốc gã lên:
- Hãy đi đi, đối với cậu thì những cái đó sắp hết rồi.
o O o
Phải gắng chờ ở đó trước khi leo lên. Tôi nghĩ đến việc đi tìm lão Ramuya hấp hối đang mong tôi. Nhưng Jôdép bám lấy tôi, và tôi thấy nhiều người xúm xít ở nơi mà tôi vừa bỏ anh bạn sắp chết. Tôi đoán ra: bây giờ đến đấy cũng vô ích.
Đất ở khe, nơi chúng tôi đang bám chặt lấy nhau, run rẩy dưới cơn bão táp và mỗi phát đại bác như một cơn gió mạnh ào ào chuyển đến. Nhưng trong chỗ trũng mà chúng tôi trú ẩn, chúng tôi không sợ bị trúng đạn. Khi đạn vừa ngớt thì những người đang chờ đợi như chúng tôi tiến ra và bắt đầu leo lên: đó là những anh lính cáng, họ cố gắng một cách phi thường để leo lên, trên vai khiêng một thân người, trông họ như những con kiến gan lì cố gắng mỗi khi bị những hạt cát xô xuống; còn có những người khác đi từng đôi, và có những người đi một mình: đó là những người bị thương hoặc những anh liên lạc.
Jôdép hai vai trĩu xuống, đưa mắt ướm thử chiều dài của đoạn đường khổ ải cuối cùng của gã, nói:
- Thôi, ta đi đi.
Ở đó, có nhiều cây, một rặng thân cây liễu bị tước vỏ, có gốc rộng như mặt người, có những gốc khác bị khoét lõm toang hoác giống như những cỗ quan tài dựng đứng. Quang cảnh nơi đây, những đồi, những vực, những chỗ phình phình tối tăm, mọi chỗ đều xơ xác đảo lộn trông như tất cả những đám mây của cơn phong ba đều tập trung lại đây. Bên trên cảnh vật bị hành hình và đen tối ấy, những thân cây tan tác chạy dài trên nền trời nâu, có vân, đôi chỗ trắng như sữa và lờ mờ lấp lánh, một bầu trời bằng ngọc thạch.
Ở lối vào giao thông hào 97, một cây sồi bị đổ nằm chắn ngang, thân cây vặn vẹo.
Một xác chết lấp đường hào. Đầu và hai chân bị vùi vào đất. Nước bùn chảy trong hào đã phủ lên những chỗ không bị vùi một lớp cát mỏng trơn. Dưới lớp cát ẩm ướt mỏng manh ấy, trông thấy phồng lên cái ngực và cái bụng bận một chiếc sơ mi.
Chúng tôi bước qua xác chết lạnh giá, nhớp nháp và trăng trắng như bụng một con cá sấu gì bị trôi giạt. Bước đi rất chật vật vì đất mềm và trơn, chúng tôi phải thọc đến tận cổ tay trong đất bùn của vách hào.
Giữa lúc đó, một tiếng rít giữ dội lướt trên đầu chúng tôi. Chúng tôi nép mình xuống như những cây sậy. Viên đạn trái phá nổ tung ra, đinh tai chói mắt, trong không gian, trước mặt chúng tôi và vùi chúng tôi trong đám khói đen lớn như núi, nghe có tiếng rít khủng khiếp. Một người lính đang leo lên, dang hai cánh tay như quờ quạng và bị hắt xuống chỗ đất sâu. Tiếng người hò hét nổi lên rồi tắt ngấm như bị gẫy vụn. Qua bức màn lớn đen tối mà gió thổi thốc từ mặt đất lên tận trời cao, người ta trông thấy những anh lính cáng đặt cáng xuống, và chạy đến nơi có tiếng nổ, nâng lên một vật không cử động. Cảnh đó bất giác gợi lại cho tôi một hình ảnh không thể quên được trong đêm mà Pôteclô, bạn chiến đấu của tôi, con người có tâm hồn tràn đầy hy vọng, đã bị bắn tung trong đám lửa một viên đại bác, hai tay dang thẳng.
Cuối cùng, hì hục mãi, chúng tôi cũng lên tới đỉnh dốc. Ở đó, một anh bị thương khiến chúng tôi kinh hãi dựng lên như một cột hiệu: hắn đứng thẳng người, gió lay, nhưng hắn vẫn trơ trơ như bị chôn chân xuống đất; trong cái mũ chụp bị hất lên, đập phần phật trong gió, mặt hắn như đang nhăn nhó và đang gào thét, và chúng tôi phải đi qua cái thứ cây đang kêu gào ấy.
o O o
Chúng tôi đã đến tiền tuyến cũ của chúng tôi, là nơi từ đó chúng tôi xuất phát tấn công. Chúng tôi ngồi lên cái ghế dài để kê bắn ở sát bậc lên mà công binh đã đào trong giờ phút cuối cùng để chúng tôi xuất phát. Anh lính xe đạp Ơtecpơ mà từ lâu bây giờ chúng tôi mới lại gặp, đi qua và chào hỏi chúng tôi. Gã đi khỏi rồi lại quay trở lại, lấy ra trong nếp gấp ở cổ tay áo một chiếc phong bì thò lò ra như một vành lon trắng.
Gã bảo tôi:
- Có phải cậu nhận thư từ cho Bikê đã chết không?
- Phải
- Này đây một bức thư gửi trả lại. Địa chỉ mất tiệt rồi.
Phong thư có lẽ dầu dãi ngoài mưa ở mặt trên một bó thư, đã bị nước mưa rửa sạch, và giấy ngoài khô đi đã bị nát nhừ, không thể nào đọc được địa chỉ trong những vệt nước tím. Chỉ còn một góc mấy chữ còn đọc được ở địa chỉ của người gửi… Tôi khẽ móc lá thư ra: “Mẹ yêu dấu…”
- À! Tôi nhớ ra rồi!...
Bikê bây giờ đã bị phơi thây ngoài trời, nhưng trước đây không lâu, ở ngay cái chiến hào mà hiện giờ chúng tôi đang nghỉ chân, vào một buổi trưa rực sáng và tuyệt đẹp, gã đã viết bức thư đó gửi về nơi tạm trú quân làng Gôsanh Labê để trả lời bức thư của mẹ đã có những lo âu bâng quơ về gã và làm gã tức cười…
“Mẹ tưởng con đang bị rét, bị mưa, ở nơi nguy hiểm. Không có thế đâu, trái lại. Những cái ấy hết rồi. Trời nắng, mồ hôi ra, chúng con nhàn rỗi, chỉ có việc đi loăng quăng ngoài nắng. Thư của mẹ làm con buồn cười…”
Tôi tra lại bức thư vào phong bì đã nát nhừ và mỏng mảnh: nếu không vì ngẫu nhiên mà tránh được những việc éo le thì có lẽ bức thư này đã được bà cụ nông dân kia đọc nó đúng vào lúc mà thân thể của con bà chỉ còn là một chút tro ướt đang thấm đi và chảy dần như một dòng nước đen sì trên vách hào, trong rét mướt và bão táp.
Jôdép tì đầu về đằng sau. Có một lúc gã nhắm mắt lại, miệng hơi hé, để lọt ra hơi thở nấc lên từng cơn. Tôi bảo gã:
- Can đảm lên!
Gã lại mở mắt ra, gã trả lời tôi:
- À! Câu nói đó, cậu không cần phải nói với tớ. Cậu hãy nhìn những người kia, họ lại trở lại mặt trận, và cả cậu nữa, cậu cũng sẽ trở lại. Tất cả những cái đó sẽ tái diễn đối với các cậu. Chao! Phải thật cứng rắn mới có thể chịu đựng, chịu đựng được!
Khói Lửa Khói Lửa - Henri Barbusse Khói Lửa