Hope is important because it can make the present moment less difficult to bear. If we believe that tomorrow will be better, we can bear a hardship today.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Henri Barbusse
Thể loại: Lịch Sử
Nguyên tác: Le Feu
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 26
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 282 / 14
Cập nhật: 2020-07-19 20:13:39 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
XVI - Thiên Diễm Tình
arađi, anh bạn đồng hành đi cạnh tôi, trong khi hành quân:
- Này, tớ nói thực, cậu tin hay không tin cũng mặc, tớ mệt lử, mệt quá sức rồi… Chưa bao giờ tớ chán ngấy như cuộc hành quân này.
Gã lê chân, và trong bóng tối, gã nghiêng cái thân hình vuông vắn xuống, trên lưng đè nặng một chiếc ba-lô phình rộng lằng nhằng và cao một cách quái gở. Hai lần gã bị vấp và chệnh choạng.
Parađi là một con người cứng rắn. Nhưng suốt đêm qua, gã làm nhiệm vụ liên lạc viên, gã đã chạy suốt đêm trong chiến hào trong khi anh em khác được ngủ, trách nào mà chẳng mệt lử cò bợ.
Vì vậy gã càu nhàu:
- Sao vậy? Mấy cây số này chắc hẳn bằng cao su, không thể khác được.
Và cứ ba bước gã lại nâng cái ba lô lên trên lưng, xốc mạnh nó lên, ba lô lại kéo tụt xuống, và gã thở dốc, cả người lẫn ba lô chòng chàng và ỳ ạch như một cái xe thổ tả chở quá nặng.
Một anh lính có lon nói:
- Đến nơi rồi.
Bọn lính có lon thì lúc nào và trong hoàn cảnh nào cũng nói như vậy. Thế mà mặc dầu anh ta đã khẳng định, quả thực chúng tôi đang đến cái làng tối sẫm đó, nhà cửa như vẽ bằng phấn và bằng những nét mực thô kệch trên nền trời như mảnh giấy xanh, bóng dáng đen đen của ngôi nhà thờ có tháp chuông nhọn, hai bên là hai cái tháp mảnh dẻ và nhọn hơn, thực ra đó chỉ là bóng dáng một cây trắc bách diệp lớn.
Nhưng binh nhì khi đi đến cái làng tạm trú quân đâu đã hết vất vả? Chẳng mấy khi tiểu đội hay bán trung đội được yên ổn nghỉ ngơi ở nơi đã chỉ định cho họ: khi thì nghe lầm, khi thì chỉ định trùng, một mớ bòng bong phải giải quyết tại chỗ, rắc rối mãi hàng nửa giờ, hàng giờ sau mọi người mới được đưa hẳn đến cái chỗ ăn ở tạm thời của mình.
Lần này cũng vậy, sau khi đi lang thang mãi như thường lệ, chúng tôi mới được đưa vào nơi nghỉ đêm của chúng tôi: một nhà cầu, dựng trên bốn tấm ván dầy, bốn bề không tường không vách, thông thống. Nhưng gian nhà cầu đó được cái khá tiện lợi là có mái. Phía trong đã thấy để một chiếc xe ngựa nhỏ, và một cái cầy, anh em chiếm chỗ ngay xung quanh hai vật đó. Parađi lúc nãy, phải đi đi lại lại mãi, luôn mồm gắt gỏng và càu nhàu, liền vứt ba lô xuống đất, rồi nằm phịch xuống đó một lúc lâu như chết lịm, kêu rằng chân tay bị tê liệt, gót chân bị nhức nhối và cả mình mẩy đau như dần.
Nhưng đây, ngôi nhà trên mà gian nhà cầu là nhà xép, sừng sững trước mặt chúng tôi, bỗng nhiên sáng trưng ánh đèn. Trong cảnh xám xịt bình lặng của buổi tối không có cái gì thu hút anh lính bằng một cái cửa sổ đằng sau có ánh đèn ló ra.
Vônpat đề nghị:
- Lên nhà trên một tí, đi!
Parađi đáp:
- Thì đi.
Gã trỗi dậy, đứng lên. Khệnh khạng vì mệt nhọc, gã bước lại gần cái cửa sổ ánh vàng vừa hiện ra trong bóng tối. Rồi gã đi về mé cửa.
Vônpat theo chân gã, rồi đến tôi.
Chúng tôi bước lên nhà trên và hỏi ông cụ vừa mở cửa cho chúng tôi, một ông già hom hem như một cái mũ tã, mắt hấp háy xem có rượu nho bán không.
Ông già lắc cái đầu phất phơ mấy dúm tóc trắng như bông trả lời không.
- Thế bia, cà phê? Thứ gì cũng được…
- Không, các bạn ơi, tuyệt nhiên không có gì cả. Chúng tôi không phải là người ở đây. Chúng tôi là những người tản cư, các ông biết đấy…
- Đã không có gì thì ta đi thôi.
Chúng tôi quay gót. Tuy nhiên, trong một chốc lát chúng tôi cũng đã được hưởng chút hơi ấm của căn phòng và đã được vui mắt ngắm ngọn đèn sáng… Vônpat đã ra đến ngưỡng cửa và lưng gã đã biến vào đêm tối.
Trong khi đó tôi trông thấy một bà già ngồi phệt trên một chiếc ghế dựa ở một góc bếp đang loay hoay làm một việc gì đó.
Tôi bấm tay Parađi.
- Đó là mỹ nhân của chủ nhà. Cậu vào tán tỉnh với mụ mấy câu.
Parađi ra vẻ nghiêm trang dửng dưng chẳng thiết. Gã không thèm để ý đến phụ nữ vì từ một năm rưỡi nay những phụ nữ mà gã trông thấy đều chẳng phải là dành cho gã. Vả chăng, nếu họ có là của gã chăng nữa, gã cũng chẳng cần.
Gã bắt đầu ngáp và nói:
- Trẻ hoặc già, làm quái gì!
Nhưng vì lười chưa muốn đi, và cũng chẳng có công việc gì khác, gã đi về phía bà già.
Gã ngáp xong, lẩm bẩm nói:
- Chào cụ.
Bà già giọng run run, trả lời:
- Chào các cháu.
Lại gần, trông thấy bà rõ hơn. Bà hom hem, người co rúm trong thân hình trơ xương, mặt trắng bệch như mặt đồng hồ.
Bà đang làm gì vậy? Tì người vào ghế và vào bàn, bà đang lau giầy. Tay bà nhỏ nhắn như tay trẻ em nên bà làm chật vật lắm: cử chỉ của bà kém phần chắc chắn và thỉnh thoảng bà đưa bàn chải ra ngoài; hơn nữa đôi giầy rất bẩn.
Thấy chúng tôi chăm chú nhìn, bà lẩm bẩm rằng bà phải đánh xi ngay tối nay đôi giầy của cháu gái bà làm nghề bán trang phục ở tỉnh để cô ta trở ra tỉnh ngay sáng sớm hôm sau.
Parađi cúi xuống để nhìn kỹ hơn đôi giầy có cổ và bỗng nhiên gã giơ tay ra cầm lấy.
- Cụ ơi, để đó cháu đánh cho, cháu đánh ba cái xong ngay cái đôi giầy của cô cháu gái cụ.
Bà già lắc đầu lắc vai chối từ.
Nhưng anh bạn tôi cứ giằng lấy đôi giầy, còn bà cụ vì yếu đuối đành để gã giật lấy và chỉ phản đối qua loa đôi chút.
Parađi đã nắm mỗi tay một chiếc giầy, cầm nhẹ nhàng và ngắm nghía một lúc, có lẽ gã nắm hơi chặt tay đôi chút.
Gã nói giọng hơi khác cái giọng bình thường gã vẫn nói với chúng tôi:
- Xinh nhỉ!
Gã vớ lấy bàn chải và bắt đầu chùi chải một cách say sưa và cẩn thận, mắt gã chăm chú vào công việc và gã mỉm cười.
Rồi khi chùi hết bùn, gã quệt xi vào đầu cái bàn chải kép nhọn đầu và chăm chú lướt nhẹ tay đánh bóng.
Đó là một thứ giầy da mịn. Đúng là kiểu giầy của một cô gái làm dáng: trên giầy lóng lánh một hàng khuy nhỏ.
Gã rỉ tai tôi, vẻ hãnh diện:
- Không thiếu một nút khuy.
Gã không buồn ngủ nữa, thôi không ngáp nữa. Trái lại gã mím đôi môi. Một ánh xuân tươi làm rạng rỡ khuôn mặt gã, trước đây gã đương buồn ngủ thì bây giờ tưởng chừng như gã vừa tỉnh dậy.
Gã đưa ngón tay mân mê cổ giầy đen mượt màu xi mé trên loe rộng ra tố cáo hình dáng đôi cổ chân tròn trĩnh. Ngón tay gã đánh giầy rất khéo nhưng khi lật đi lật lại đôi giầy thì có vẻ vụng về, gã mỉm cười với đôi giầy và bâng quơ nghĩ tận đâu đâu, còn bà già thì giơ tay lên trời như phân bua với tôi:
- Anh lính này thật là tử tế quá!
Công việc đã xong, giầy đã đánh rồi, mà thật là cầu kỳ tỉ mỉ. Da sáng bóng. Chẳng còn việc gì làm nữa…
Gã để giầy lên mép bàn, cẩn thận như để đồ thờ; sau đó mới buông tay ra.
Nhưng gã vẫn dính mắt nhìn, ngắm xong gã cúi xuống nhìn đôi giầy săng đá của mình. Và tôi vẫn còn nhớ, trong khi so sánh như vậy thì cái anh chàng to lớn đó, anh chàng có số kiếp anh hùng, phóng đãng và tính thày tu, lại một lần nữa mỉm cười, lòng hân hoan.
- Bà già ngồi trên ghế loay hoay. Bà chợt nghĩ ra một điều:
- Để tôi bảo em nó! Thưa ông, để nó ra cảm ơn ông.
Bả ngoảnh về phía cái cửa ờ ngay đó, gọi:
- Jôdêphin!
Nhưng Parađi khoát tay ngăn bà lại; tôi thấy cử chỉ của gã thật là đẹp đẽ.
- Không, cụ ơi, làm quái gì cái đó, không phải phiền cô em. Chúng cháu về đây. Phiền phức làm gì, thôi!
Lời nói của gã từ thâm tâm nên quả quyết, và bà cụ nghe lời, ngồi yên không gọi nữa.
Chúng tôi trở về ngủ trong gian nhà cầu, giữa hai cái tay cầy đang nằm tại đó.
Parađi lại bắt đầu ngáp, nhưng dưới ánh ngọn nến, trong cái chuồng bò đó, một lúc sau nụ cười vui sướng còn phảng phất trên khuôn mặt gã.
Khói Lửa Khói Lửa - Henri Barbusse Khói Lửa