If you have love in your life it can make up for a great many things you lack. If you don’t have it, no matter what else there is, it’s not enough.

Ann Landers

 
 
 
 
 
Tác giả: Henri Barbusse
Thể loại: Lịch Sử
Nguyên tác: Le Feu
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 26
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 282 / 14
Cập nhật: 2020-07-19 20:13:39 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
XIV - Đồ Lề Của Lính
ửa kho rơm trông ra cuối sân trại những người câm – Kho thấp lè tè, như một cái hang. Chúng tôi chỉ gặp toàn những hang là hang, dầu ở trong nhà cũng thế! Qua khỏi mảnh sân, phân ngập dưới đế giầy kêu xộp xạp, hoặc muốn đi vòng thì phải dò dẫm khó khăn trên vỉa gạch chật hẹp, vào tới cửa kho là tối om, không còn thấy gì nữa…
Rồi, cố mà nhìn mãi, mới thấy một khoang lờ mờ với những khối đen lờ mờ đang ngồi xổm, hoặc nằm, hoặc loăng quăng từ xó này sang xó khác. Tận phía trong, cả bên phải và bên trái, hai ánh nến yếu ớt, quầng tròn như những vầng trăng úa xa xăm, khiến ta phân biệt được hình người của những khối đó, miệng đang thở ra hoặc hơi nước, hoặc khói dày đặc.
Chiều nay, trong cái hang như hang thú lờ mờ đó, nơi tôi đã phải cẩn thận để chui vào, mọi người đang rộn rịp. Sáng mai đã phải ra chiến hào. Những người khách lờ mờ của kho rơm bắt đầu sửa soạn hành lý.
Vừa mới từ ngoài bóng chiều mờ nhạt bước vào, bị bóng tối bịt ngay lấy mắt, tôi cũng tránh được không giẫm phải nào bi-đông, nào cà-mèn, nhưng lại tương ngay vào những hòn viên tròn[41] chất đống ngay ở giữa, hệt như những đống gạch trong công trường… Tôi về chỗ mình. Một hình người, lưng vạm vỡ, trùng trục, lông như len, đang ngồi xổm ở đấy, đầu cúi xuống một dãy những vật gì nho nhỏ lấp lánh dưới đất. Tôi vỗ vào cái vai phủ mảnh da cừu của gã. Gã quay lại và qua ánh sáng nhập nhèm, lúc mờ lúc tỏ của cây nến đặt trên một lưỡi lê cắm xuống đất, tôi thấy một nửa mặt gã, một con mắt, một mảnh ria mép và một góc miệng hơi hé. Gã càu nhàu một cách thân mật rồi lại cúi nhìn đồ lề của mình.
- Cậu làm cái quái gì thế?
- Tớ sắp xếp. Tớ chuẩn bị.
Cái gã giống như kẻ cướp đó đương hình như kiểm điểm những đồ vật đã cướp được, chính là ông bạn Vônpat của tôi. Tôi đã thấy rõ những thứ ở đấy: Gã giải tấm vải lều gấp làm tư lên trên giường – nghĩa là trên mảnh ổ rơm dành cho gã – rồi trên vải lều, gã đã dốc hết và bày ra tất cả những gì đựng trong túi gã.
Đó là cả một kho đồ mà gã âu yếm nhìn với sự chăm lo của người nội trợ, gã giữ gìn, chăm chú và sắc mắc, để đừng ai giẫm phải… Tôi lấy mắt điểm cuộc trưng bày phong phú ấy.
Quanh cái mùi-soa, ống điếu, túi thuốc lá, trong túi có cả thếp giấy cuốn, quanh con dao, cái ví tiền và cái bật lửa (tài sản cần thiết không thể thiếu được), là hai mẩu dây giầy bằng da xoắn vào nhau như những con giun quanh chiếc đồng hồ để trong cái hộp nhựa trong nhưng đã mờ và bạc ra một cách kỳ dị vì đã lâu năm. Rồi đến một cái gương tròn nhỏ, và một cái gương nữa vuông: cái này đã mẻ, nhưng thuộc loại tốt hơn, có hớt cạnh. Một lọ dầu nhựa thông, một lọ dầu xăng gần hết, và một chiếc lọ không. Một khóa thắt lưng Đức mang dòng chữ “Gott mit uns”[42], một múi tết ở dây đeo kiếm cũng của Đức, một mũi tên tàu bay[43] bọc một phần vào trong giấy, giống cái bút chì thép và nhọn như mũi kim: một cái kéo gấp, một cái thìa dĩa cũng gấp, một mẩu bút chì và một mẩu nến, một ống thuốc axpirin đựng thêm cả những viên thuốc phiện, nhiều hộp sắt tây.
Thấy tôi kiểm điểm chi tiết của cải của gã, Vônpat giúp tôi nhận ra vài loại đồ.
- Cái này là chiếc tất tay cũ bằng da của sĩ quan. Tớ cắt những đầu ngón để nút nòng súng trường; đây, là dây điện thoại, nếu muốn cúc áo ca-pôt không rơi thì chỉ buộc bằng dây này mới chắc. Và trong này, cậu muốn biết là cái gì à? Đó là chỉ trắng, bền, không phải thứ chỉ may ở những quần áo mới phát, lèo nhèo như bún nát bị dĩa chọc, còn đây là một bộ kim cài vào cái bưu ảnh. Ghim băng thì để riêng kia… Và đây, thì là giấy mà. Như cả một cái tủ sách ấy, cậu nhỉ.
Thực vậy trong hàng mớ đồ vật móc ở túi Vônpat ra, có cả một đống giấy má nhiều lạ lùng: Đây là cái túi nhỏ màu tím đựng giấy viết thư, phong bì in loại xấu đã sờn mép; đây là quyển quân bạ, bìa cứng queo và bám bụi như da dẻ một lão phong trần, khắp nơi bở ra và mất đi từng mảnh; rồi đến một tập sách nhỏ bìa vải sơn, nứt nẻ, đầy ắp giấy tờ và ảnh, ngự trị ở giữa là ảnh vợ và con.
Vônpat rút cái ảnh đó khỏi tập giấy úa vàng và đen sạm, cho tôi xem một lần nữa. Tôi lại được nhìn mặt chị vợ Vônpat, một người đàn bà mình đẫy đà, nét mặt hiền và lành, hai bên là hai cậu bé con áo cổ trắng, thằng anh mảnh khảnh, thằng em tròn như quả bóng.
Bikê nói:
- Tớ mới có hai mươi tuổi, tớ chỉ có ảnh bố mẹ thôi.
Rồi kề vào sát ngọn nến, gã cho chúng tôi xem ảnh một cặp vợ chồng già giương mắt nhìn chúng tôi, trông ngoan ngoãn như hai đứa con của Vônpat.
Một anh khác bảo:
- Tớ cũng mang theo ảnh người nhà. Không bao giờ tớ rời ảnh gia đình.
Một anh nữa nói thêm:
- Trời! Anh nào mà chẳng mang theo bầu đoàn thê tử.
Bacơ nhận xét:
- Khỉ thật, một cái ảnh, nhìn mãi cũng mòn đi. Không nên nhìn luôn và nhìn lâu quá: tớ không hiểu làm sao chứ nhìn đếch giống nữa.
Blerơ nói:
- Cậu nói phải đấy. Tớ cũng thấy như vậy, đúng là như vậy.
Vônpat tiếp:
- Trong giấy má của tớ có cả một bản đồ miền tớ.
Gã mở bản đồ trước ánh sáng. Bị sờn đến nỗi như trong suốt ở các đường gấp, nó giống một thứ mành mành bằng những ô vuông khâu lại.
- Tớ còn cả báo (gã mở một bài báo viết về người lính) và một quyển sách (quyển tiểu thuyết hai mươi lăm xu “Gái hai lần trinh”)… Này, lại một mẩu báo khác: con Ong miền Êtampơ. Tớ chẳng hiểu tại sao lại giữ cái thứ đó. Chắc cũng phải có lý do. Thong thả tớ sẽ nghĩ xem. Lại còn cỗ bài của tớ và một bộ cờ bằng giấy, với những quân hàm làm bằng thứ xi gắn thư.
Bacơ lại gần, nhìn cảnh đó, nói:
- Trong túi tớ còn nhiều thứ hơn nữa kia.
Gã nói với Vônpat:
- Đồ chấy rận, cậu có binh bạ của lính Đức, những ống i-ốt, một khẩu súng lục không? Tớ, tớ có những cái đó, vả cả đến hai con dao kia.
Vônpat đáp:
- Tớ không có súng lục, không có binh bạ Đức, nhưng nếu muốn, tớ có thể có hai con dao và cả đến mười con dao nữa. Tuy vậy, tớ chỉ cần một con thôi.
Bacơ tiếp:
- Cái đó thì tùy thôi. Nhưng đồ mặt dầy, cậu có khuy bấm không?
Bêcuwơ reo lên:
- Tớ không sẵn trong túi.
Lamuydơ khẳng định:
- Lính tráng thì không thể thiếu được thứ đó. Không có nó để bấm nút dây treo vào quần thì không được đâu.
Blerơ nói:
- Cái túi bộ đồ lề làm nhẫn của tớ, bao giờ cũng để trong túi cho tiện lấy.
Gã chìa bộ ấy ra, bọc trong cái túi mặt nạ. Gã rung rinh nó: cái rũa con và cái rũa to va vào nhau xủng xoảng và nghe cả tiếng keng-keng của những đốt nhẫn nhôm chưa giũa.
Bikê nói:
- Tớ thì luôn luôn sẵn dây gai, thứ đó mới thật cần thiết.
Pêpanh bảo:
- Cần cũng chưa bằng đanh.
Rồi gã đưa ra ba cái đanh ở lòng bàn tay: một cái lớn, một cái nhỏ và một cái vừa.
Từng người một, những anh khác đến góp vào câu chuyện, vừa soạn những đồ lề của mình. Chúng tôi quen dần với bóng tối mờ mờ. Nhưng lão cai Xalave, đúng là có tiếng khéo tay, gắn được cây nến vào cái đèn treo gã làm bằng vỏ hộp phó-mát và một ít dây thép. Chúng tôi châm lửa, và quanh cái đèn treo ấy mỗi người kể ra một cách thiên vị, với cái thiên ái của người mẹ, những thứ có trong túi.
- Trước hết, chúng ta có bao nhiêu túi nhỉ?
Một gã nào đó, mà dứt khoát là Côcôn, con-người-chữ-số đáp:
- Túi à? Mười tám cái.
Lamuydơ hộ pháp cãi:
- Mười tám túi! Đồ mõm chuột, cậu chỉ nói quá.
Côcôn đáp lại:
- Hoàn toàn đúng mười tám cái. Có giỏi thì đếm xem sẽ biết.
Lamuydơ muốn cho việc đó rõ ràng, liền giơ hai tay gần ánh đèn để đếm cho đúng: Gã điểm trên những ngón tay béo múp đỏ như gạch bẩn: Hai túi lủng lẳng ở vạt áo ca-pốt sau, một túi đựng bông băng mà dùng để nhét thuốc lá, hai túi trong áo ca-pốt vạt trước, hai túi ngoài ở hai bên có dải buộc. Ba cái ở quần, mà ba cái rưỡi đấy, vì còn cái túi con phía trước.
Facfađê bảo:
- Tớ tương địa bàn vào đấy.
- Tớ thì để mẩu bùi nhùi thừa.
Tirloa nói:
- Còn tớ thì tớ để ở đó một cái còi nhỏ mà vợ tớ gửi cho, lại dặn tớ rằng: “Nếu anh bị thương lúc giao chiến, anh sẽ huýt lên để đồng đội đến cứu”.
Anh em cười về câu nói ngây ngô.
Tuylacơ chen vào, khoan nhường và nói với Tirloa.
- Ở hậu phương họ chẳng biết chiến tranh là gì. Còn chúng ta, nếu nói về chuyện hậu phương, thì chẳng khỏi những điều ngốc nghếch.
Xalave nói:
- Đừng tính nó, túi đó nhỏ quá. Thế là mười.
- Trong áo ngắn, có bốn. Thế cũng chỉ mười bốn thôi.
- Còn hai túi đạn, hai cái túi mới ấy, có cả quai móc.
Xalave nói:
- Thế là mười sáu.
- Này thằng khốn kiếp, đầu óc đặc sệt, soát lại áo cộc của tao xem. Còn hai túi kia mày chưa tính! Thế thì mày còn đòi gì nữa! Tuy nhiên đó chỉ là những túi ở chỗ thường thấy. Đó là những cái túi thường phục, hồi là thường dân, mày nhét vào nào khăn hỉ mũi, thuốc lá và cả địa chỉ mà mày sẽ gửi đi.
Xalave, nghiêm trang như một công chức, kết luận:
- Mười tám! Có mười tám túi, đúng thế. Xác nhận!
Câu chuyện đến quãng đó thì có ai bước hụt cửa, hệt như ngựa giậm chân – và có cả tiếng chửi rủa.
Sau một lúc im lặng, một giọng lanh lảnh gào lên hách dịch:
- Này, trong ấy đang chuẩn bị đấy chứ? Chiều nay là phải xong xuôi và phải gói ghém thật chắc, các chú ạ. Lần này thì ra tiền tuyến và có thể kịch liệt nữa là khác.
Những tiếng trả lời lơ đãng:
- Được rồi, được rồi, ông quản ạ.
Bơnet, nằm bò dưới đất, hý hoáy đề bì thư với cây bút chì, hỏi:
- “Acnetxơ” viết thế nào nhỉ?
Trong khi Côcôn đánh vần cho gã chữ “Ecnet” và viên quản đi khuất, vừa đi vừa lắp lại câu kệ của mình nghe đã xa, ở cửa bên cạnh, Blerơ lên tiếng nói:
- Các chú ơi, nghe tớ nói, bao giờ các chú cũng phải để sẵn ca vào túi. Tớ đã thử để khắp các nơi khác, nhưng chỉ có túi mới thực là tiện, cứ tin tớ. Nếu cậu đương hành quân, có trang bị hoặc bỏ trang bị ra để len lách trong chiến hào, bao giờ dưới bàn tay cũng sẵn có nó mỗi lần có dịp dùng đến: hoặc một anh bạn hẩu có rượu muốn đãi cậu, bảo cậu: “Đưa ca đây”, hoặc một gã bán rượu lang thang đi qua. Các chú cứ nghe lời tớ, sẽ thấy bao giờ cũng tiện: hãy bỏ ca vào túi.
Lamuydơ nói:
- Không khi nào cậu thấy tớ để ca vào túi. Ý kiến của cậu thực lông bông và chỉ tổ bất tiện, không hơn không kém. Tớ chỉ thích hơn hết là ngoắc nó vào dây quai với một cái móc.
- Buộc nó vào cúc áo ca-pốt, như cái túi mặt nạ, thế lại hay hơn. Vì nếu đã bỏ trang bị ra rồi mà gặp lúc có rượu, thì cậu đành nhịn thèm.
Bacơ nói:
- Tớ có một cái ca Đức. Nó dẹt, nếu cần thì để vào túi bên cũng được. Và khi cậu đã tương hết đạn lên trời hoặc ấn đạn vào túi dết, đem nó bỏ vào bao đạn thì hẩu lắm.
Pêpanh bảo:
- Ca Đức thì chả có gì đặc biệt. Không để đứng được, dùng chỉ tổ vướng.
Tiaret, sành tâm lý, bảo:
- Hãy khoan, đồ dòi bọ. Lần này nếu tấn công như tên quản vừa làm rộn lên đó, cậu chắc sẽ kiếm được một cái, đúng ca Đức, lúc đó thì mới thật đặc biệt!
Ơđo nhận xét:
- Tên quản bảo thế nhưng hắn biết gì.
Côcôn nhấn thêm:
- Ca Đức đựng được hơn một ca vì ở ba phần tư ca đó có một vạch ngang chỉ đúng dung tích một ca thật. Mà có một ca to thì bao giờ cũng lợi hơn, vì nếu ca cậu chỉ vừa đúng thôi thì khi muốn rót cho cậu có đúng một ca cà phê, rượu vang, rượu mạnh hoặc bất cứ gì, ắt phải rót đầy ngang miệng, điều mà lúc cấp phát không ai làm vì rót thế nó trào ra mất.
Parađi, bất bình mỗi khi nhớ lại những thủ đoạn đó, lên tiếng:
- Theo tớ thì họ lại không làm thế. Thằng cha binh lương, khi rót cho cậu, nó tương ngay ngón tay vào ca và vỗ hai cái vào trôn ca. Rút cuộc, cậu bị lừa mất phần ba ca rượu, tha hồ cho cậu thắt lưng lại mà nhịn thèm.
Bacơ bảo:
- Ừ, đúng thế. Nhưng cũng không nên dùng ca to quá vì thằng cha rót rượu cho mình, nó đâm nghi, quá đi một giọt nó cũng sợ run người. Thành thử để khỏi rót trội cho cậu, nó lại rót hụt đi và cậu đành trơ khấc với cái thứ liễn đó trong tay.
Trong khi đó, Vônpat lần lượt bỏ lại vào túi những đồ vật gã vừa bày hàng ra. Đến cái ví tiền, gã ngắm nghía, điệu bộ đầy thương hại.
- Cái anh bạn này dẹt bỏ mẹ đi thôi.
Gã đếm:
- Ba đồng! Cậu ạ, tớ phải xoay thêm một ít, nếu không lúc trở về thì hết nhẵn tiền.
- Không phải chỉ riêng mình cậu ví rỗng.
- Lính tráng thu ít, tiêu nhiều, đúng thế. Tớ tự hỏi những tay chỉ trông vào lương thì không biết sẽ ra sao.
Parađi trả lời, rất mực giản dị như kiểu Cornêy:
- Thì nó chết.
- Này, đây, tớ có của này trong túi, không bao giờ rời.
Và Pêpanh, mắt linh lợi, giơ ra một bộ thìa dĩa bằng bạc. Gã nói:
- Trước nó là của mụ khỉ cái nơi chúng ta trú quân ở Grăng Rôxoy.
- Giờ có lẽ nó cũng vẫn là của mụ chứ?
Pêpanh làm một điệu bộ mập mờ, nửa tự hào, nửa nhũn nhặn, rồi đánh bạo, mỉm cười, nói:
- Tớ biết con mụ cáo già ấy. Chắc chắn là mụ còn tìm cái bộ đồ ăn bằng bạc của mụ khắp nơi, trong từng xó xỉnh, cho đến lúc mụ chết.
Vônpat nói:
- Cả đời tớ chỉ xoáy được có mỗi cái kéo. Có những thằng vận may hơn. Tớ thì không. Vì vậy, tất nhiên tớ giữ gìn kéo quý hóa lắm, mặc dầu có thể nói kéo đó chẳng dùng được cho tớ việc gì ráo.
- Tớ cũng có tước trộm được đây đó một ít đồ vật linh tinh, nhưng thấm tháp gì? Bọn công binh bao giờ chúng nó cũng vượt tớ về môn xoáy giỏi, thế thì sao?
- Làm cách gì đi nữa, cũng luôn luôn có thằng nó vượt mình, cậu ạ! Mặc nó.
Y tá Xacrôn gọi to:
- Trong ấy có ai cần canh-ki-dốt không?
Blerơ nói:
- Tớ, tớ giữ cẩn thận thư vợ.
- Tớ thì xem xong là gởi trở về.
- Tớ thì giữ lấy. Đây này.
Ơđơ giơ ra một bó giấy đã nát, bóng loáng, nhờ bóng tối mờ mờ nên nhìn cũng bớt đen đủi.
- Tớ giữ thư lại.Thỉnh thoảng tớ đọc lại. Khi nào thấy lạnh hoặc mệt mỏi, tớ đọc lại. Thư thì không nóng đâu nhưng nó hình như sưởi ấm.
Câu nói kỳ quặc đó ý nghĩa có lẽ sâu sắc, vì nhiều người cũng ngẩng đầu lên nói: “Ừ, có thế”.
Câu chuyện cứ tiếp tục nhát gừng trong cái kho chứa rơm quái đản ấy, có từng bóng người to lớn cử động qua lại, bóng tối chồng chất ở các góc và những chấm sáng yếu ớt của vài ba cây nến rải rác đó đây. Tôi thấy cái đám anh em đang dọn dẹp, bận rộn và vướng víu ấy, đi lại, hiện ra nom lạ lùng, rồi cúi mình, xệp trên mặt đất. Họ lẩu bẩu một mình, hoặc gọi nhau, chân cứ vướng cả vào đồ đạc. Họ cho nhau xem những của cải của mình.
- Này, coi này!
Kẻ khác thèm thuồng, trả lời:
- Còn phải nói!
Anh em muốn có tất cả những thứ mình còn thiếu thốn. Trong tiểu đội có những của quý mà mọi người đều thèm muốn lâu nay một cách kỳ diệu: Ví dụ cái bi-đông hai lít Bacơ đang chiếm giữ mà một phát súng bắn “thuốc không” tài tình đã làm nở ra thành đựng được hai lít rưỡi; con dao to khét tiếng chuôi sừng của Bectrăng.
Trong cái đám chen chúc nhộn nhịp đó, người ta liếc mắt lướt qua những đồ vật bảo tàng ấy, rồi mỗi người lại nhìn trước mặt mình, lo lắng đến cái “mở hàng” của mình, hì hục xếp gọn nó lại. Mà thực là những đồ hàng đáng buồn. Tất cả những thứ làm cho lính tráng dùng đều tầm thường, xấu xí, chất lượng tồi, từ những đôi giầy bằng giấy bìa cắt, từng mảnh khâu buộc chằng chịt vào nhau bằng thứ chỉ quèn, đến những quần áo cắt vụng, dựng xấu, khâu tồi, nhuộm kém, bằng dạ bở và mỏng tanh – giống như giấy thấm – nắng một ngày là phai, mưa một giờ là nước xuyên qua, cho đến những đồ bằng da mỏng hết cách, giòn như vỏ bào, rách ở những chỗ khâu, những quần áo lót bằng nỉ, mỏng mảnh hơn cả vải bông, và thuốc lá khét như rơm.
Mactơrô ở cạnh tôi. Gã trỏ những anh bạn:
- Cậu xem những gã khốn nạn ấy đương ngắm đống tạp hóa của chúng. Hệt như bầy mẹ ngắm con. Cậu thử nghe chúng. Chúng gọi đồ đạc đấy. Ấy, cái thằng ấy, khi nó nói: “Con dao của tớ!” nghe cứ như là nó nói: “Thằng Lêôn, thằng Saclơ, thằng Đônphơ”. Mà, cậu biết đấy, chúng không thể bỏ bớt đồ lề của chúng được. Cũng kỳ đấy. Không phải vì chúng không muốn nhẹ – cái nghề ra trận mang những thứ đó có khỏe hơn đâu, phải không? Chỉ vì chúng không thể bỏ được, chúng say mê những thứ ấy quá.
Đồ với lề! Nó nặng khủng khiếp và úi chào! Ai cũng biết rằng mỗi vật làm cho sức nặng của nó thêm phần ác liệt, mỗi thứ đồ nhỏ cũng làm vai thêm trầy.
Vì không phải chỉ có những thứ nhồi trong túi áo và túi dết. Muốn đủ lệ bộ của lính, phải kể cả thứ mang trên lưng.
Cái xắc, chính vừa là hòm, cũng vừa là tủ.Và tay lính cựu biết cách làm cho nó rộng ra một cách hầu như thần kỳ bằng cách khéo nhét được đồ vật và lương thực đâu vào đây. Ngoài số đồ lề quy định và cần thiết – hai hộp thịt bò, mười hai bích quy, hai tấm cà-phê, hai gói canh đúc, gói con đường, bộ quần áo vải chế phục và giầy ống để thay – chúng tôi còn tìm được cách nhét thêm mấy hộp đồ hộp, thuốc lá, sôcôla, nến, giầy vải, và cả xà phòng, đèn cồn đặc, đồ len. Thêm vào cái chăn, cái mền đắp chân, vải lều, dụng cụ tùy thân, gà-mèn và cả đồ để cắm lều trại, thế là xắc phình lên, to tướng, rộng ra, thành đồ sộ và nặng bẹp người. Anh bạn cạnh tôi đã nói đúng. Mỗi lần về đến vị trí, sau bao nhiêu cây số giao thông hào, người lính thề rằng lần sau sẽ bỏ bớt hàng đống đồ vật để cái vai đỡ chết nặng vì xắc. Nhưng mỗi lần chuẩn bị để lại lên đường, gã lại mang y nguyên cái gánh nặng liệt người và hầu như quá sức ấy – gã không bao giờ bỏ được nó, dầu luôn mồm chửi rủa nó.
Lamuydơ nói:
- Có những thằng láu lỉnh, gặp dịp, tìm được mánh khóe gởi nhằng ít thứ vào xe của đại đội hoặc xe quân y. Tớ biết có một thằng nó tương hai sơmi mới và một quần đùi vào ngay cái hòm nhỏ của viên quản. Nhưng, cậu biết chứ, đại đội có những hai trăm rưởi thằng, thế là lộ ngay và không phải thằng nào cũng có thể lợi dụng được. Nhất là bọn có cấp bậc: Càng là hạ sĩ quan, chúng càng cố lấy cố để gửi nhờ đồ đạc. Ấy là chưa nói đến lão thiếu táo nhiều lần bất thình lình đi khám xe, nếu thấy bất kỳ áo quần đồ đạc trong cái xe thổ tả nào, là lão quẳng ngay ra giữa đường, rồi: a-lê, đi! Có phải thế không, đó là chưa kể những trận la mắng và phạt ngồi nhà ngục là khác.
- Những buổi đầu thì còn dễ dãi, cậu ạ – Tớ đã thấy có những thằng nó nhét cả túi dết và cả xắc vào cái xe trẻ con rồi chúng đẩy trên đường.
- Ồ! Còn phải nói! Đó là thời kỳ hẩu của chiến tranh! Giờ thì khác cả rồi.
Không để tai nghe những chuyện đó, Vônpat khoác lấy cái chăn như trùm khăn quàng, nom giống mụ phù thủy già, cứ loay hoay quanh một vật gì đặt dưới đất.
Gã nói một mình:
- Tớ tự hỏi có nên mang cái bình chó chết này đi không? Cả tiểu đội có độc một cái này, tớ đã luôn luôn giữ. Ừ, nhưng giờ thì nó chảy như cái rổ rau.
Gã không quyết định được và thật là cả một cảnh biệt ly.
Bacơ liếc ngắm và chế gã. Nghe tiếng Bacơ nói: “Đồ giả ngốc bệnh hoạn”. Nhưng lời nhạo báng đó ngừng lại.
- Nghĩ cho cùng, nếu ở vào địa vị hắn, ta cũng đến ngố như hắn.
Vônpat để sau này sẽ quyết định:
- Sáng mai, khi soạn xắc sẽ hay.
Sau khi khám soát và chất đầy các túi, thì đến lượt những túi dết rồi bao đạn. Bacơliền luận về cách tra đủ được hai trăm viên đạn quy định vào ba bao đạn. Bỏ cả gói thì không được. Phải tháo hẳn gói ra, đặt đứng từng viên cạnh nhau, lộn đầu đuôi với nhau. Thế là ních được chặt từng bao đạn, không còn chỗ hở và quàng thành dây lưng nặng khoảng sáu lô.
Súng đã lau rồi. Anh em kiểm tra lại việc học kín cái cơ bẩm và nút chặt miệng súng – hai việc rất cần thiết trong tác chiến ở chiến hào.
Lại còn cái việc nhận ra được dễ dàng từng cây súng.
- Tớ thì cắt khía vào quai. Này, tớ cắt bên mép đấy.
- Tớ thì lại quấn vào phía trên quai súng một khúc dây giầy – thế là sờ, nhìn đều nhận được cả.
- Tớ thì dùng cái khuy bấm. Không lẫn được. Trong tối, sờ thấy ngay và tớ bảo: “Súng mình đây”. Vì rằng cậu phải biết, có những tay nó phớt đều, cứ ỉm đi trong lúc bạn lau súng, xong, mới ra sức nhẹ nhàng đánh tráo lấy súng thằng ngốc kia vừa lau. Thế rồi chúng lại còn cả gan nói: “Thưa Đại úy, súng tôi hợp cách”. Tớ thì tớ không đồng tình với thủ đoạn ấy. Đó là hệ thống X (xoay xở), mà hệ thống X, cậu ạ, đã có nhiều lúc tớ chán mớ đời rồi.
Và cứ thế, súng của anh em, tuy giống nhau, vẫn khác nhau như những tự dạng.
o O o
Mactơrô bảo tôi:
- Thật là lạ lùng và kỳ dị. Mai đã ra chiến hào rồi mà chiều nay chưa có thằng nào say lăn cây thịt ra, và nghe chứ, cũng chưa xảy ra chuyện cãi lộn nào. Còn tớ thì…
Nhưng gã chữa lại ngay:
- À! Cũng phải nói rằng hai chú kia đã nốc được tí chút, ít nhiều chuếnh choáng hơi men. Tớ cũng không bảo là không… chưa đến nỗi say mèm, nhưng mặt mũi thì đã khó coi rồi đấy…
- Đó là Poatrôn và Poanpô, thuộc tiểu đội Broayê.
Hai gã này đương nằm, tỉ tê trò chuyện. Người ta thấy được cái mũi tròn của một gã cũng sáng bóng như miệng gã, ngay cạnh ngọn nến. Tay giơ một ngón lên, gã làm những cử chỉ giải thích nhỏ nhẹ, bóng tay theo đó in hình một cách trung thành.
Poatrôn tuyên bố:
- Tớ biết nhóm lửa nhưng lửa mà tắt thì tớ không biết nhóm lại.
Poanpô nói:
- Đồ ngu! Nếu mày biết nhóm thì mày cũng biết nhóm lại, vỉ có tắt thì mày mới nhóm và có thể nói là khi mày nhóm tức là nhóm lại đấy.
- Mày nói toàn chuyện láo lếu. Tớ đếch biết tính toán, tớ cũng đếch cần những lời nói của mày. Tớ bảo thẳng với mày và tớ nhắc lại rằng nhóm lửa thì tớ làm được. Nhưng khi lửa đã tắt, phải nhóm lại thì tớ đếch làm được. Không thể nào nói hơn.
Tôi không nghe Poanpô đối đáp thêm.
Poatrôn lại cảu nhảu:
- Cái thằng chó má, cái đồ bướng bỉnh, tớ đã bảo mày hàng chục lần rằng tớ không biết. Óc mày thật quả là óc chó!
Mactơrô nói riêng với tôi:
- Nghe những cái đó thật là ngấy hết chỗ.
Quả thực là hồi nãy gã đã nhận định hơi vội vàng.
Một không khí phát sốt, do những cốc rượu tiễn hành gây ra, đang ngự trị trong căn buồng lụp xụp đầy rơm rạ bụi mù, trong đó đám người – kẻ thì đứng bần thần, kẻ thì quỳ mà đập chan chát như thợ mỏ – đang sửa chữa, xếp đống, lèn chặt nào lương thực, xống áo và dụng cụ. Tiếng nói ồn ào, cử chỉ hỗn độn. Trong ánh sáng lẫn với khói, thấy nhô ra những bộ mặt rượu thịt và những cánh tay đen đủi, dựng thẳng, cử động phía trên bóng tối như những con rối. Thêm vào đó, trong cái kho rơm kề buồng chúng tôi, cách nhau chỉ có một bức tường cao bằng đầu người, nổi lên những tiếng sặc mùi rượu. Có hai gã đang gây lộn với nhau, hung hăng và điên rồ một cách tuyệt vọng. Gian buồng dội lên những tiếng thô tục nhất trong đời.Nhưng một trong hai gã là người ở tiểu đội khác, bị anh em bên đó tống cổ ra ngoài, những tiếng chửi rủa của gã kia thành ra cũng yếu dần và tắt đi.
Mactơrô nhận xét với đôi vẻ kiêu hãnh:
- Cánh chúng mình còn khá hơn!
Đúng thế, nhờ có Bectrăng, vốn luôn luôn ghét cay ghét đắng tật nghiện rượu, cái tai họa nó đầu độc không biết cơ man nào là người, nên tiểu đội chúng tôi là một trong những tiểu đội ít bị rượu vang rượu mạnh làm cho hư hỏng.
… Họ kêu, họ hát, họ cợt nhả lung tung khắp chung quanh. Và họ cười không ngớt. Trong cơ thể của con người, tiếng cười nghe như tiếng động của bộ phận bánh xe và của đồ vật.
Người ta cố đi sâu ít nhiều vào những bộ mặt đang lộ ra với những khía cạnh, những nét sắc cảm động trong cái chuồng giam thú tối tăm, trong cái chuồng chim óng ánh này. Nhưng không thể được. Người ta chỉ thấy được những bộ mặt đó, còn phần sâu kín trong những đầu óc đó, người ta không chút nào thấu tỏ được.
o O o
Bectrăng bảo:
- Mười giờ rồi, các cậu ạ. Rồi thì mãi đến mai mới xắc lên vai. Giờ là lúc ngả lưng cái đã.
Thế là từng người một, từ từ nằm xuống. Chuyện trò vẫn chưa chịu dứt. Người lính cứ thả mình tùy thích mỗi lần không bị tuyệt đối bắt buộc phải vội vàng. Mỗi người đi lại tay cầm một vật gì, và tôi thấy lướt trên tường cái bóng lớn tướng của Ơđo đi qua trước ngọn nến, đầu ngón tay lủng liểng hai túi con long não.
Lamuydơ cựa mình tìm tư thế nằm. Gã như khó chịu: dầu là tay ăn khá, hôm nay rõ ràng là gã đã chén quá nhiều.
Mexnin Jôdep từ chỗ nằm thét lên:
- Anh em có người muốn ngủ đấy! Đồ bò, có câm họng đi không!
Lời cảnh cáo ấy làm yên được một lát, nhưng vẫn không ngăn nổi tiếng lao xao và tiếng chân đi lại.
Parađi nói:
- Đích thị là ngày mai lên đường, đến chiều thì phới ra tiền tuyến. Nhưng chả ai nghĩ đến việc đó. Biết vậy, thế thôi.
Dần dần mọi người về chỗ. Tôi ngả mình trên ổ rơm, Mactơrô quấn trùm chăn cạnh tôi.
Một hình thù lớn tướng bước vào, rón rén để khỏi làm rầm. Đó là viên đội quân y, một thầy dòng Mari, một người hiền lành to lớn, có râu và đeo kính. Người ta có cảm giác rằng khi gã bỏ cái áo ca-pốt, chỉ mặc áo cộc thì ngượng nghịu vì phải phô đôi cẳng ra. Cái hình thù hà mã râu xồm đó kín đáo và vội vội vàng vàng. Gã hổn hển thở dài, nói lúng búng.
Mactơrô hất đầu chỉ vào gã, nói nhỏ với tôi:
- Cậu trông hắn đấy. Cái hạng người này lúc nào cũng phải nói những chuyện bố vờ. Khi hỏi hắn trong đời thường dân hắn làm gì thì hắn không nói. “Tôi là thầy dòng dạy học” mà hắn lại nhìn hé bằng nửa con mắt, qua mục kính, bảo rằng: “Tôi là giáo sư”. Khi hắn dậy thật sớm để đi lễ, hắn thấy hắn đã làm thức cậu dậy, hắn không nói: “Tôi đi lễ”, nhưng “Tôi đau bụng. Tôi phải ra cầu tiêu một tí, nhất định thế”.
Xa hơn một tí, lão Ramuya nói về quê lão:
- Vùng tớ là một làng nhỏ xíu không to đâu. Suốt ngày, ông cụ tớ hút thuốc luôn miệng. Lúc làm lụng cũng như lúc nghỉ, ông cụ cứ phun khói ra ngoài trời hoặc cả vào hơi nồi bốc lên.
Tôi nghe câu chuyện gợi lại hình ảnh thôn quê đó và chuyện bỗng mang tính chất chuyên môn và kỹ thuật.
- Muốn thế, ông cụ chuẩn bị một cái vỏ rơm. Cậu biết vỏ rơm là gì không? Cậu lấy một thân cây lúa còn xanh, lột vỏ ra. Đem chẻ đôi ra, rồi chẻ đôi nữa, thành những phần to nhỏ khác nhau, như thường gọi những số khác nhau. Rồi dùng chỉ và bốn sợi rơm, ông cụ quấn cán ống điếu lại.
Bài học ấy phải ngừng lại vì không ai nghe. Chỉ có hai cây nến còn thắp. Bóng tối dang cánh lớn phủ lên đám người nằm ngổn ngang.
Những câu chuyện riêng còn thì thào đó đây trong cái buồng ngủ thời nguyên thủy này. Vài mẩu lọt vào tai tôi:
Lão Ramuya bây giờ nói xấu viên thiếu tá.
- Cậu ạ, cái lão thiếu tá bốn lon, theo tớ thì không biết hút thuốc. Hắn hút lấy hút để, hút chảy cả ống điếu. Hút thế không thể gọi là miệng, phải gọi là mõm. Gỗ điếu nứt ra, sém đi, không còn là gỗ nữa, hóa thành than. Ống điếu bằng đất thì chịu được hơn, nhưng rồi cũng sém đi. Mõm đếch gì mà hút thế. Cho nên, cậu ạ, nghe tớ nói nhé: rồi sẽ xảy ra chuyện ít khi có: cứ bị đốt cực nóng, nung đến tận tủy, ống điếu hắn sẽ nổ tan trong miệng trước mặt mọi người. Rồi cậu xem.
Dần dà, sự yên tĩnh, im lặng và bóng tối phủ lên trong kho rơm, chôn vùi những lo âu và hy vọng của đám người. Dãy người nằm bó trong chăn cạnh nhau và giống nhau, nhìn hệt như một thứ đàn phong cầm khổng lồ đương phát ra những tiếng khò khè phức tạp.
Đầu đã chui vào chăn, tôi còn nghe Mactơrô kể lể với tôi về thân thế gã. Gã nói:
- Tớ buôn giẻ rách, cậu ạ, nói đúng hơn, tớ là anh hàng giẻ rách. Nhưng tớ, tớ buôn sỉ; tớ buôn lại của những chú kiếm giẻ ngoài phố. Tớ có cửa hàng – một kho chứa, còn gì – tớ dùng để chứa giẻ. Tớ buôn đủ thứ giẻ, từ quần áo cũ đến hộp đồ hộp, nhưng chủ yếu là cán bàn chải, bao bì, giầy dép cũ và tất nhiên là tớ chuyên buôn da thỏ.
Một lát sau, tôi lại còn nghe gã nói với tôi:
-Riêng về tớ, tuy bé nhỏ và hèn yếu, tớ vẫn khiêng nổi cái bị nặng trăm cân vào kho, leo thang, chân đi guốc. Một lần, tớ đụng phải một thằng cha đáng ngờ vì theo người ta nói, nó chuyên buôn người da trắng[44].
Fuiat bỗng kêu lên một mạch:
- Mẹ kiếp, cái mà tớ không tài nào ngửi được là thứ trò tập tành và hành quân họ bắt chúng ta làm nhừ tử trong kỳ nghỉ. Lưng tớ đau như dần, tớ không tài nào ngủ được, khắp người nhừ mỏi.
Phía Vônpat có tiếng lẻng kẻng đồ sắt. Gã đã quyết định mang theo cái bình vừa mắng mỏ nó sao lại phải cái tật khổ sở bị thủng.
Một gã thức ngủ chập chờn, rên lên:
- Trời là trời! Bao giờ cho hết cái chiến tranh này đi!
Một tiếng kêu phản kháng, bướng bỉnh và khó hiểu vọt ra:
- Chúng muốn cho bọn ta chết sạch!
Rồi đến một câu cũng mập mờ như lời kêu phản kháng:
- Lo làm quái gì?
… Lâu về sau, tôi thức giấc, lúc đó đồng hồ đánh hai giờ, và trong ánh sáng nhợt nhạt, chắc hẳn là sáng trăng, tôi thấy bóng Pinêgan đang dằn vặt. Xa xa có tiếng gà gáy. Pinêgan ngồi hơi nhỏm dậy. Tôi nghe tiếng gã khàn khàn:
- Khỉ chưa, đương giữa đêm mà gã đã há họng ra kia. Cái con gà này say rượu chắc!
Rồi gã cười, nhắc lại: “Cái con gà này say rượu”. Gã lại quấn mình trong chăn, ngủ lại, nghe ục ục tiếng cười lẫn với tiếng ngáy.
Côcôn bị Pinêgan làm thức giấc. Thế là con người chữ-số nghĩ ra miệng, nói:
- Khi bắt đầu ra trận, tiểu đội có mười bảy người. Hiện nay vẫn có mười bảy, kể cả những người được bổ sung. Mỗi người đã dùng mòn bốn chiếc ca-pốt, một chiếc thứ màu xanh đầu chiến tranh, ba chiếc xanh màu khói thuốc lá, hai quần, sáu đôi giầy ống. Phải tính mỗi người là hai súng trường: còn quần áo mặc ngoài che bẩn thì không tinh được. Lương thực dự trữ của chúng ta đã được đổi hai mươi ba lần. Ta có mười bảy người thì đã mười bốn lần được tuyên dương, hai lần trong lữ đoàn, bốn trong sư đoàn và một trong binh đoàn. Có một lần anh em ở luôn chiến hào mười sáu ngày liên tiếp. Cho đến nay đã tạm đóng và trú quân trong bốn mươi bảy làng khác nhau. Từ khi bắt đầu chiến dịch, một vạn hai nghìn người đã qua ở trung đoàn, mà trung đoàn, gồm hai nghìn lính.
Có tiếng ú ớ lạ tai làm gã ngừng lại. Đó là lão Blerơ, vì hàm răng giả mới cấy nên lão không nói được, cũng như không ăn được. Nhưng tối nào lão cũng lắp nó, can đảm, hăm hở giữ nó suốt đêm vì người ta đã hứa với lão rằng cuối cùng lão sẽ quen với cái vật mà người ta đã ghép vào mặt lão ấy.
Tôi nhỏm nửa người như là ở chiến trường. Một lần nữa, tôi ngắm nghía những con người đã qua khắp các miền và qua khắp các biến cố trôi dạt về đầy, người này tiếp kẻ kia. Tôi nhìn tất cả bọn họ đang chìm đắm trong vực sâu của bất động và quên lãng, trên bờ vực vài gã như còn muốn bám víu lấy, với những mối lo tính đáng thương, với những bản năng ngây thơ và sự dốt nát của những người nô lệ.
Tôi đã say trong giấc ngủ. Nhưng tôi vẫn nhớ những việc họ đã làm và họ sẽ làm. Và trước cái thảm cảnh sâu thẳm của đêm tối khốn nạn của loài người đang tràn đầy cái hang đó, dưới tấm màn u tối, tôi bỗng mơ tưởng đến một ánh sáng chói lọi nào đấy mà tôi cũng chẳng biết.
Khói Lửa Khói Lửa - Henri Barbusse Khói Lửa