What's meant to be will always find a way.

Trisha Yearwood

 
 
 
 
 
Tác giả: Henri Barbusse
Thể loại: Lịch Sử
Nguyên tác: Le Feu
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 26
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 282 / 14
Cập nhật: 2020-07-19 20:13:39 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
IX - Cơn Giận Lớn
au hai tháng nghỉ dưỡng bệnh, xa đơn vị, lúc gã trở về anh em vây lấy gã. Nhưng gã lộ vẻ cau có, lầm lỳ và hay tìm tránh vào chỗ nắng.
- Thế nào, Vônpat, cậu không nói gì à? Chỉ nói có thế thôi ư?
- Khỉ này, hãy kể cho bọn tớ nghe cậu đã thấy gì ở nhà thương và khi dưỡng bệnh, từ cái hôm cậu rời chúng tớ mang cái đầu đầy bông băng và cả cái mõm nữa mà ra đi. Hình như cậu đã có qua các phòng giấy. Nói đi chứ, mẹ kiếp!
Mãi Vônpat mới hé răng:
- Tớ không muốn kể về gì về cái đời mạt kiếp của tớ.
- Mày nói gì? Nó nói thế nào nhỉ?
- Tớ chán ngấy rồi, thế đấy! Cái bọn chúng nó ấy à, tớ phát tởm, muốn nôn mửa, cậu có thể bảo vào mặt chúng như thế.
- Nhưng họ đã làm gì cậu chứ?
Vônpat nói:
- Toàn một loại đồ đểu!
Gã đứng đó, đầu vẫn như xưa, tai liền lại, lưỡng quyền như người Thát-đát, mặt gàn bướng, cố chấp giữa vòng anh em thắc mắc đương vây quanh. Người ta cảm thấy thâm tâm gã chua chát, xáo động nghẹn ngào, cố ngậm miệng trong cái yên lặng uất ức.
Nhưng cuối cùng lời nói cũng phải bật ra. Gã quay đầu về phía hậu phương – rồi chĩa quả đấm vào cái không gian vô tận.
Gã rít lên giữa hai hàm răng xám:
- Nhiều quá thể, chúng nó nhiều quá thể!
Và trong trí tưởng tượng của gã, gã như đang đe dọa, xô đẩy một cơn thủy triều đang lên của những bóng ma.
Ít lâu sau, anh em lại hỏi nữa, biết rằng cơn giận không giữ được mãi trong lòng, gặp dịp thì cái yên lặng dữ dội ấy sẽ nổ bùng ra ngay.
Hôm đó, trong một hào sâu ở hậu tuyến, sau một buổi sáng đào công sự, anh em tụ tập lại ăn cơm. Trời mưa như thác; nước ngập, khiến mọi người hỗn loạn, bì bõm xô đẩy vào nhau. Anh em phải xếp thành hàng. Ăn đứng, không có lấy một nơi trú chân dưới bầu trời tầm tã. Phải hết sức mới giữ được những “thịt khỉ”[32] và bánh khỏi bị nước mưa hắt tứ tung vào. Vừa ăn, vừa cố thu tay, che đầy dưới những mũ mấn. Nước đổ rào rào, bắn tung tóe và chảy như suối trên những tấm khoác mềm bằng vải thô hay dạ; khi dữ dội, khi ngấm ngầm, nước thấm vào người và thức ăn. Chân mỗi lúc một ngập thêm, bám rễ vào suối nước ở đáy hố đất sét.
Vài gã cười, râu mép nhỏ giọt, những anh khác thì nhăn nhó vì phải nuốt những bánh mềm sũng nước với thịt bị nước mưa rửa sạch, và vì những giọt nước mưa từ tứ phía cứ lừa từng chỗ hở của tấm áo khoác dày bết bùn mà quất vào da.
Bacơ ôm cái cà-mèn vào ngực, thét gọi Vônpat:
- Thế nào, cậu bảo ở vùng cậu vừa về, đã gặp nhiều thằng chó chết phải không?
Blerơ trong cơn gió thốc mãnh liệt làm bạt cả tiếng nói, cũng kêu to lên:
- Thí dụ thế nào? Cậu thấy những bọn chó chết ấy là những ai?
Vônpat bắt đầu:
- Này có… rồi thì… Mẹ kiếp! Chúng nó cứ nhan nhản cả. Có…
Gã cố nói lên những điều đã xảy ra. Nhưng gã chỉ có thể nhắc lại: “Chúng nó cứ nhan nhản cả”; gã như bị tức tối, thở hổn hển. Gã nuốt một miếng bánh nhão nhoét, nuốt luôn cả cái mớ bòng bong ngột ngạt của những kỷ niệm vừa qua.
- Có phải cậu muốn nói những thằng “phục hậu” phải không?
- Còn phải nói!
Gã vừa ném qua bờ hào mẩu thịt bò còn lại, và câu nói ấy, tiếng thở dài ấy bật ra dữ dội từ miệng gã như từ một cái nồi hơi.
Bacơ khuyên can, giọng nhạo báng, nhưng không khỏi pha chút chua chát:
- Cái anh thổ tả này, thây kệ những thằng phục hậu. Nhắc đến chúng có ích lợi gì?
Co rúm người, núp trong cái mũ mấn mỏng manh và mềm nhẽo bằng vải sơn, sáng loáng vì nước mưa, Vônpat vừa giơ chiếc cà mèn rỗng ra ngoài mưa để rửa, vừa càu nhàu:
- Tớ cũng không đến nỗi gàn lắm đâu, tớ biết rằng ở hậu phương dù sao cũng có những thằng ma cô, phải có chứ. Tớ cho rằng cần có những thằng khệnh khạng. Nhưng nhiều quá, nhiều quá chừng và toàn một loại, toàn là những hạng tồi, thế đấy!
Sau lời tuyên bố đó, rọi một chút ánh sáng vào cái mớ lộn xộn u ám những bất bình mà gã đã mang về với anh em, Vônpat thấy nhẹ nhõm, kể lại, giọng nhát gừng giữa những loạt mưa tầm tã:
- Họ di chuyển tớ từ từ, vừa đến cái nơi đầu tiên đó thì đã thấy hàng sọt, hàng bồ những hạng đó. Chúng bắt đầu gây cho tớ một cảm giác xấu. Thôi thì đủ các thứ cơ quan hành chính, cơ quan phụ, những cục, những vụ, những trung tâm, những phòng giấy, những tổ. Thời gian đầu cậu ở đấy, cậu gặp bao nhiêu người là bấy nhiêu cơ quan mà tên gọi cũng khác nhau. Nhiều đến ngợp người lên. Cậu ạ, cái thằng cha nào đã nghĩ ra tên tất cả những cơ quan đó, hẳn là một đầu óc không vừa!
“Thì làm thế nào mà tớ chẳng phải ngấy lên được? Nhan nhản trước mắt tớ toàn là cơ quan, đến nỗi khi làm việc gì cũng mơ thấy cơ quan!”
Gã lại nhai đi nhai lại:
- Chà! cậu ạ, cả cái bọn ma-cô ấy, chúng cứ loăng quăng phỉnh phờ, ăn diện chải chuốt, nào mũ lưỡi trai, nào áo sĩ quan, nào giầy có cổ, xúng xa xúng xính. Chúng sực toàn miếng ngon, ăn uống kiểu cách, tắm rửa suốt ngày. Chúng đi lễ, thuốc lá phì phèo luôn miệng và đêm đến thì rúc vào nệm ấm mà đọc báo. Để rồi sau đây chúng cũng nói: “Tôi đã than gia chiến tranh đấy”.
Một điều đã đập mạnh vào tâm trí Vônpat và nổi bật lên trong cái ảo tưởng lờ mờ và mê say của gã:
- Tất cả những thằng lính đó, đếch thằng nào phải mang theo mình cà-mèn và ca để mà đứng như bọn ta. Chúng phải hưởng mọi sự tiện lợi. Chúng thích đến ngồi ăn ở nhà một con mụ nào đó, chễm chệ một bàn riêng bắt chước kiểu ông lớn và con mụ dành một góc tủ để cất bát đĩa riêng của chúng, những đồ hộp và những thức ăn của chúng, tóm lại, tất cả những lạc thú của giàu sang và thanh bình trong cái hậu phương chết tiệt ấy!
Anh chàng ở cạnh Vônpat lắc lắc cái đầu dưới những thác nước từ trên trời đổ xuống, nói:
- Thì càng hay cho chúng chứ sao.
Vônpat lại bắt đầu nhắc lại:
- Tớ không phải là gàn.
- Có lẽ thế, nhưng cậu mâu thuẫn đấy.
Vônpat thấy câu đó như chửi mình, gã giật nẩy mình, hung hăng ngẩng đầu lên. Cơn mưa chỉ rình có lúc đó, hắt vào mặt gã từng đống nước.
- Láo, thật láo quá! Mâu thuẫn! Hừ, cái thằng cục cứt này!
Anh chàng bên cạnh lại tiếp:
- Thưa ngài, đúng thế. Tao bảo là mày cứ cảu rảu cái mồm, nhưng mày vẫn thích được như chúng, như những thằng Cáy-hôi ấy.
- Thì hẳn vậy, nhưng đồ mặt mỏng, cái đó có chứng tỏ cái gì? Trước hết, anh em chúng ta đến đây đều đã xông pha nguy hiểm thì phải đến lượt hưởng chứ. Đằng này thì luôn vẫn chỉ những thằng đó, mày ạ, với lại trong bọn chúng, có những thằng trai trẻ khỏe như bò mộng, cân đối nở nang như đô vật. Hơn nữa, chúng nó đông quá thể. Mày xem, trước sau tao chỉ bảo là “nhiều quá”, bởi vì thực là nhiều quá.
- Nhiều quá! Mày biết thế nào là nhiều quá, đồ tồi! Mày có biết những cơ quan đó là những cơ quan gì không?
Vônpat đáp:
- Tớ đếch rõ là cơ quan gì, nhưng tớ bảo…
- Thế mày tưởng điều khiển hết mọi việc của quân đội không phải là phức tạp lắm sao?
- Tớ không cần biết, nhưng…
Anh chàng bên cạnh trông không rõ mặt vì tùm hum cái mũ mấn dưới trời mưa như trút, lên giọng chế giễu, hoặc vì anh ta hết sức dửng dưng với vấn đề, hoặc vì anh có ác ý làm cho Vônpat thêm sôi sục.
- Thì cậu muốn được thay chân chúng, chứ gì?
Vônpat trả lời giản dị:
- Tớ không biết làm những công việc đó.
Giọng the thé của Bacơ xen vào:
- Thì đã có người khác biết thay cho cậu. Tớ quen một thằng…
Vônpat gào lên tuyệt vọng trong dông bão:
- Cả tớ, tớ cũng đã gặp bọn đó! Này, không xa mặt trận lắm, chẳng rõ ở nơi nào, chỗ có bệnh viện tiếp nhận và một trạm quân nhu, tại đó, tớ đã gặp cái thằng con chạch ấy.
Gió lướt qua chúng tôi, lung lay như ý hỏi:
- Cái gì thế này?
Lúc đó trời ngớt mưa nên Vônpat đã có thể nói dễ nghe hơn:
- Thằng cha nó hướng dẫn tớ trong cái trật tự lộn xộn y như trong phiên chợ ấy, vì chính nó cũng là một cái kỳ quan của nơi đó. Nó đưa tớ qua các hành lang, qua các phòng của những tòa nhà và những lán gỗ làm thêm, khi thì nó hé cánh cửa có nhãn đề tên buồng, khi thì nó chỉ vào cửa, bảo tớ: “Cứ xem đi, thế đấy, xem đi nào!” Tớ đã đi với nó, nhưng nó không trở lại chiến hào như tớ. Mà chắc chắn rằng nó cũng không phải ở chiến hào như tớ. Mà chắc chắn rằng nó cũng không phải ở chiến hào về đâu. Cái con chạch ấy, lần đầu tớ gặp, thấy nó bước nhẹ nhàng ngoài sân, bảo tớ: “Đây là cơ quan thường trực”. Tớ đã chuyện trò với nó. Hôm sau, nó đã vớ được chức cần vụ để tránh khỏi phải ra trận, vì từ chiến tranh đến giờ, nay mới đến lượt nó phải ra.
“Ngồi ở ngưỡng cửa căn buồng mà suốt đêm nó đã ngủ trong nệm ấm, nó đương đánh giầy cho cái thằng khỉ tiều của nó: một đôi bốt vàng lộng lẫy. Nó phết xi cứ như là thếp vàng, cậu ạ. Tớ đã dừng lại xem nó làm. Thằng cha kể cho tớ nghe chuyện nó. Cậu ạ, tớ không nhớ rõ lại câu chuyện ngồi sọ lối Ả Rập[33] ấy, cũng như không bao giờ nhớ được sử nước Pháp với những niên hiệu mà người ta ê a ở nhà trường. Cậu ạ, không bao giờ nó bị đưa ra mặt trận, mặc dầu nó thuộc lớp lính năm 3 và khỏe như vâm. Những nguy hiểm, vất vả, cơ cực của chiến tranh đâu phải phần của nó, chỉ là của kẻ khác thôi. Thực tế, nó biết rằng một khi đã ra nơi bom đạn thì trận mạc sẽ cuốn xác nó, nên nó bám chặt chân mà ở lại. Người ta đã tìm đủ mọi cách để đưa nó đi, nhưng không tài nào được. Nó thoát khỏi tay tất cả các đại úy, tất cả các đại tá, tất cả các y sĩ trưởng, mặc cho họ tha hồ cáu kỉnh giận dữ với nó. Nó kể cho tớ thế đấy. Nó đã làm cách gì? Nó đã ngồi phịch xuống, giả bộ ngốc nghếch. Nó ngây ra như một khúc dồi, hệt như một mớ giẻ bẩn. Nó kêu van: “Hình như tôi bị mệt toàn thân”. Người ta không biết phải đối phó với nó thế nào, sau đó, rút cục đành mặc xác nó. Ai cũng phải nôn nó ra. Thế đấy. Cậu cũng hiểu chứ, nó cũng tùy trường hợp mà thay đổi cách thức. Khi thì nó đau chân, nó biết lợi dụng chân đau một cách bần tiện. Rồi nó xoay xở tam khoanh tứ đốm, chước gì nó cũng hay, không bỏ lỡ một cơ hội nào. Phải biết cái thằng khỉ ấy, nó thuộc hết giờ các chuyến xe lửa! Nó luồn mình vào một nhóm nào đó của một trại mà nó nhờ vả được, nhẹ nhàng bám riết lấy, cố sức khiến cho người ta cần đến nó. Ba giờ sáng đã dậy pha cà-phê, đi xách nước khi cả bọn còn đánh chén: cuối cùng bất cứ đâu nó lọt vào được, nó thành như người nhà, cái thằng khốn nạn ấy, cái thằng chó chết ấy! Nó chịu thương chịu khó để chuồn cái khó, cái khổ. Tớ thấy nó hệt như cái thằng ma-cô, có thể lao động cật lực kiếm một trăm đồng một cách lương thiện, thì không muốn, lại chật vật không kém để làm tờ bạc giả năm mươi đồng. Nhưng này, nó sẽ giữ được nguyên vẹn cái thần xác nó. Ra mặt trận nó sẽ bị lôi cuốn theo làn sóng. Nó dại gì. Nó mặc xác những kẻ đi đến chỗ vỡ đầu sứt tai, nó lại càng thây kệ họ khi vì chiến trận mà chết. Khi chiến tranh kết thúc, nó sẽ trở về nhà nói với bạn bè thân thuộc: “Tôi về đây, bình an vô sự”. Bè bạn nó sẽ hài lòng vì nó là một đứa tốt nết, điệu bộ dễ thương, dầu nó chỉ như một thằng chó chết, và – thật là ngược đời – cái giống dòi bọ ấy, ai thấy cũng phải ưa. Mà này, những hạng kiểu ấy, đừng tưởng là ít ỏi. Có hàng thùng trong các trại, không biết chúng bấu víu và luồn lọt thế nào ở các địa điểm xuất phát. Chúng nói: “Tôi không đi đâu”, và chúng không đi thật, không bao giờ người ta đẩy chúng ra mặt trận được.
Bacơ nói:
- Tất cả cái đó thì có gì mới lạ. Chúng tớ biết, biết cả rồi!
Vônpat mải mê với câu chuyện chuyến đi của gã, nói thêm:
- Lại còn những phòng giấy. Có nguyên cả những ngôi nhà, có những đường phố, khu phố toàn là phòng giấy. Tớ chỉ qua một xó xỉnh nhỏ ở hậu phương, nhỏ như một chấm mà đã ngập mắt những phòng giấy. Không, tớ không thể ngờ được rằng trong chiến tranh lại có đến ngần ấy người ngồi bàn giấy…
Trong hàng anh em, một bàn tay thò ra, sờ soạng không gian:
- Này, hết mưa rồi…
- Thế thì cậu xem, chúng ta sắp vào hầm trú ẩn đấy…
Quả thực có tiếng hô “Bước!”
Mưa đã tạnh, anh em nối đuôi nhau trong cái ao dài nông choèn đọng ở đáy chiến hào, nơi mà vừa rồi, từng mảng nước mưa lồng lộn.
Tiếng thì thầm của Vônpat lại tiếp tục trong tiếng rầm rập của đoàn quân đi và tiếng bì bõm lội bùn. Tôi vừa nhìn đôi vai của một cái áo ca-pốt tồi tàn sũng ướt thấu xương rung rinh trước mắt, vừa nghe gã nói.
Giờ thì Vônpat đương cáu với bọn chiến binh.
- Càng quay lưng lại tiền tuyến thì thấy chúng càng nhiều.
- Chiến trường của bọn chúng khác chiến trường của ta.
Tuylacơ còn giữ mối hiềm khích xưa đối với chúng. Gã nói:
- Phải thấy ở những chỗ trú quân, những người anh em đó đã vùng vẫy như thế nào trước hết là tìm cho mình chỗ ăn chỗ ở tinh tươm. Khi chúng đã giải quyết xong vấn đề dạ dày, là đi lùng những cửa hàng rượu lậu. Cậu thấy chúng rình bằng cách liếc dòm vào cửa những nhà bẩn thỉu xem có anh lính nào chuồn nhè nhẹ ở nơi đó ra, mắt la mày két, trông trước trông sau, vừa đi vừa liếm mép.
- Cũng có những thằng biến hình tốt: tớ biết một thằng ở vùng tớ, vùng Bờ biển Vàng là nơi tớ…
Tuylacơ gạt phăng:
- Im đi, chúng nó cá mè một lứa. Đếch thằng nào bù thằng nào.
Vônpat nói:
- Ừ, chúng nó sung sướng thật. Nhưng cậu tưởng chúng hài lòng rồi đấy hẳn? Không đâu, chúng còn kêu oang lên.
Gã chữa lại:
- Tớ gặp một thằng, nó hay kêu rên. Nó rất là bực với những lý thuyết[34]. Nó nói: “Tội gì mà học lý thuyết. Lý thuyết nó cứ thay đổi luôn luôn mà. Này nhé, về công vụ hiến binh, chỉ cần học cái chương trình thôi, về sau thì khác cả. Chà! Bao giờ thì cái chiến tranh này chấm dứt!” – Nó nói thế.
Ơđo nói liều:
- Bọn đó thì chỉ đâu đánh đấy.
- Thì hẳn thế! Của đáng tội, không phải lỗi chúng. Đừng quên rằng những anh lính nhà nghề đó, được hưởng các thứ phụ cấp, được tặng huy chương, lại tham gia chiến tranh theo cái kiểu kỳ lạ đó, trong khi chúng ta, chúng ta chỉ là những thường dân nhập ngũ.
Vônpat nói:
- Cậu làm tớ nhớ đến một tay kiểm lâm mà tớ đã gặp. Hắn luôn miệng kêu ca vì bị bắt đi làm phụ dịch. Thằng cha bảo tớ: “Người ta sử dụng chúng tôi thật là chán ngấy. Chúng tôi đã là những hạ sĩ quan cũ, anh nào ít ra cũng đã ở lính bốn năm. Chúng tôi được trả lương cao, thật thế. Và sao nữa? Chúng tôi còn là những công chức! Nhưng họ đã làm nhục chúng tôi. Ở Tổng hành dinh, họ sai chúng tôi lau chùi, dọn rác. Dân sự thấy cái cách đối xử như thế, đâm ra khinh chúng tôi. Mà hơi càu nhàu cãi lại là họ dọa tống ra chiến hào như những bộ binh. Còn gì là uy tín của chúng tôi! Sau chiến tranh, khi chúng tôi trở về thôn xã với trách nhiệm kiểm lâm – nếu còn mang xác trở về – thì dân sự ở đó bảo: “A, trước đây chính ông đã dọn rác những đường phố ở X…?” Muốn lấy lại cái uy tín cũ bị sự bất công và bội bạc của người đời làm tổn hại, tôi thấy rõ rằng – hắn bảo thế – sẽ cần phải làm biên bản, làm biên bản nữa, làm biên bản thả cửa đối với bọn giàu có, đối cả với những tay quyền thế!
Lamuydơ nói:
- Tớ biết một anh hiến binh có công tâm. Hắn ta bảo:
“– Nói chung thì hiến binh không rượu chè, nhưng đâu mà chẳng có những đồ tồi, phải không? Nhân dân thực sự có gờm hiến binh, điều đó đã dành. Nhưng thú thực rằng có những tay đã lạm dụng điều đó và họ – bọn chó đểu trong hiến binh – thường uống rượu quỵt. Nếu tôi là chánh hiến binh hoặc đội trưởng chẳng hạn, tôi sẽ trị chúng, mà trị thằng tay – hắn ta bảo thế – vì rằng dư luận thường chỉ vì một anh hiến binh làm biên bản láo mà oán trách cả toàn thể hiến binh.”
Parađi nói:
- Còn tớ, một trong những ngày xấu nhất của đời tớ là cái lần tớ chào một thằng hiến binh vì tớ thấy nó có lon chéo trắng[35] tưởng lầm là một thiếu úy. May mắn làm sao (tớ nói thế không phải để an ủi mà vì có lẽ đúng là như thế thật), may mắn làm sao, hình như nó không trông thấy tớ. Im lặng một lúc.
Anh em lại lầm rầm:
- Ừ, tất nhiên là thế. Nhưng biết làm thế nào? Nghĩ đến làm gì cho bận.
o O o
Một lúc sau, khi chúng tôi ngồi dọc theo một bức tường, lưng tựa vào đá, chân thọc sâu vào đất, Vônpat lại tiếp tục mở gói cảm tưởng ra:
- Tớ vào một cái phòng, làm phòng giấy của Trại, chắc là phòng kế toán. Lúc nhúc những bàn là bàn. Người thì đông như một cái chợ. Nói năng thì ồn ào. Dọc hai bên tường và ở giữa, những thằng cha ngồi, trước mặt bày biện như hàng bán giấy cũ. Tớ đưa lá đơn xin được trở về Trung đoàn cũ, thì họ bảo tớ: “Tự anh phải xoay xở lấy, phải tự mình lo chứ!” Tớ vớ lấy một thằng đội. Hắn hơi bộ tịch một chút, mặt non nớt, kính gọng vàng – kính cũng đeo lon đấy. Hắn còn trẻ, nhưng vì tái đăng, hắn có quyền không phải ra mặt trận. Tớ nói: “Thưa ông đội!” Nhưng hắn không để tai nghe vì đương bận gắt một anh thư ký. Hắn nói: “Khốn nạn cái anh này. Tôi đã bảo anh hàng chục lần rồi là phải thông báo một bản để thi hành cho Đội trưởng kỵ binh. Hiến binh của Binh đoàn và một bản để biết, không cần chữ ký, chỉ ghi tên người ký, cho hiến binh Quyền lực Quốc gia ở Amiêng và những trung tâm trong vùng mà anh đã có danh sách – lẽ tất nhiên là phải kinh qua nguyên soái chỉ huy khu vực. Thật là đơn giản thôi mà”. Hắn ta bảo thế.
“Tớ lùi lại ba bước chờ hắn gắt mắng cho xong. Năm phút sau, tớ lại gần thằng đội ấy. Hắn bảo tớ: “Này anh, tôi không có thì giờ tiếp anh được vì còn bận trăm thứ trong đầu”. Quả thật, hắn đương phát cáu lên trước cái máy chữ, cái máy khốn nạn, vì theo lời hắn, hắn đã quên không ấn nút chữ cái, nên đáng lẽ gạch đít đề mục trang, lại tương cả một hàng toàn số 8. Thế là chẳng thèm nghe gì nữa, hắn cứ chửi vung bọn Mỹ, vì máy của hắn sản xuất ở Mỹ.
“Sau đó, hắn lại hục hặc với một thằng tay chân lẻo khoẻo vì theo vì theo lời hắn, trên phiếu gởi phân phối các bản đồ, đã quên sở Binh Lương. Đàn gia súc và Đoàn xe hành chính của Sư đoàn bộ binh 328.
“Ở bên cạnh, một anh chàng loay hoay in cho được thật nhiều thông tư, quá sức in của thạch bản nên mặt hắn đỏ gay, mồ hôi nhễ nhại, mà chỉ cho ra những bản chữ lèm nhèm. Những thằng khác thì tán chuyện. Một gã dáng bảnh bao hỏi: “Những ghim cài Pa-ri” để đâu nhỉ?” Nói năng thì chúng dùng những từ lạ: “Thưa ông, ông làm ơn cho biết những thành phần nào hiện đóng ở X…” Thành với phần, tiếng quái gì lại tiếng thế? – Vônpat nói: “Phía cuối cái bàn lớn của những thằng cha tớ vừa kể và tớ đã men lại gần, với thằng đội ở mé trên, sau một đống tướng giấy tờ, đang vùng vẫy và ra lệnh (tốt hơn hết là hắn xếp đống giấy lại cho gọn gàng), có một thằng khác không công việc gì, tay cứ gõ nhịp vào giấy thấm. Hắn phụ trách việc cấp giấy nghỉ phép, nhưng vì cuộc đại tấn công đã bắt đầu, phép với tắc đều đình chỉ, thành hắn đếch có việc. Hắn nói: “Chà! Thú quá!”
“Đấy, mới chỉ là một bàn trong một phòng, trong một bộ phận thuộc trại thôi đấy. Tớ còn thấy những thằng khác, rồi những thằng khác nữa, cứ nhiều mãi lên. Không biết thế nào mà nói, thật đến hoa cả mắt”.
- Chúng có lon chéo không?
- Ở đấy thì ít thôi. Nhưng trong những cơ quan ở tuyến thứ hai, thằng nào cũng có. Hàng nút, như một vườn bách thú đeo lon ấy.
Tuylacơ kể:
- Nói đến hạng lon chéo, tớ đã thấy một thằng đẹp mã nhất. Thằng cha lái xe, áo quần dạ mượt như sa-tanh, lon chéo còn mới nguyên, quai da kiểu sĩ quan Anh, tuy hắn trước sau chỉ là binh nhì thôi. Hắn tỳ tay vào má, khuỷu tay tì vào cái xe hơi choáng lộn những kính với gương đó mà hắn là tay hầu hạ lau chùi. Cậu mà thấy, hắn cười nôn ruột. Cái thằng ba que bảnh bao ấy, nó lại khuỳnh chân ra nữa chứ!
- Thật hệt như anh lính poa-luy vẽ trên các báo phụ nữ, trên những tờ lá cải xinh xinh đểu cáng.
Mỗi người có những kỷ niệm và điệp khúc về cái đề tài “những thằng chuồn việc nặng” đã bao nhiêu lần nhắc đi nhắc lại đó, mọi người cùng mở bầu tâm sự, tranh nhau nói. Ở chân bức tường buồn tênh, nơi chúng tôi chồng chất như những chiếc ba-lô, trong khung cảnh bị dày xéo, xám xịt và bùn lầy trải ra trước mặt, bị mưa gió làm khô căn, những tiếng lao xao bao phủ lấy chúng tôi.
- … Bộ cánh của hắn đặt hắn ở hiệu thợ may, chứ không phải lấy ở kho.
- … Tùy phái ở Cơ quan Lục lộ, rồi ở Quận nhu, rồi làm lính xe đạp ở bộ phận tiếp liệu của đơn vị XI.
- … Mỗi buổi sáng, hắn có một công văn phải mang đến sở Quân nhu, sở Đồ bản xạ kích, đến Đội cầu và buổi chiều đến Đội Pháo của Sư đoàn và đội Chiến hào pháo. Thế thôi.
- … Cái thằng lính tùy tùng ấy nói: “Khi chúng tớ đi phép về, phụ nữ hoan hô chúng tớ rầm lên ở các rào chắn ven đường xe lửa”. Tớ mới bảo hắn: “Họ lầm các cậu là chiến sĩ đấy”.
- … Tớ bảo: “À! Ra là anh bị động viên, phải không? – Nó trả lời: “Đúng thế, vì tớ đã tuần du sang nói chuyện ở Mỹ, có ủy nhiệm của Bộ trưởng. Thế chẳng phải bị động viên là gì? Với lại, ông bạn ạ, tớ không trả tiền thuê nhà, thế tức là bị động viên”.
- Và, tớ thì…
Vônpat, với uy thế của kẻ mới đi xe về, nói to, làm mọi tiếng lao xao im bặt.
- Để kết thúc câu chuyện, tớ đã thấy, chỉ trong một lúc, cả một loạt bọn trong một bữa, tiệc tùng phè phỡn với nhau. Trong hai ngày, tớ được cử làm phụ bếp ở một trong số những nhóm thư ký và thợ thuyền hành chính. Đơn xin của tớ chậm được trả lời, họ bắt làm lại đơn thứ hai, rồi đơn thứ ba, giấy tờ đi đi về về, chậm lại ở mỗi phòng ít lâu; trong khi chờ đợi, không để tớ ngồi không được, họ đành tạm giao tớ việc đó.
“Kết quả tớ đã làm bếp ở cái “chợ con” ấy. Có lần tớ phải hầu bàn vì thằng chánh đầu bếp đi phép lần thứ tư về, đang mệt. Mỗi lần tớ vào phòng ăn trong dinh quận trưởng ấy, tớ mắt thấy tai nghe hết các ngài đó, và tất cả cái ồn ào êm ấm và sáng sủa đó đã đập vào mắt tớ.
“Trong bọn không phải chỉ có các anh thuộc các cơ quan phụ lực, mà cả những tay thuộc về bộ phận chiến đấu: có toàn những thằng già, nhưng ngồi đó đây cũng không ít những thằng trẻ.
“Tớ bắt đầu thấy tức cười khi một thằng trong bọn ngu ngốc ấy nói: “Đóng các cửa chớp lại thì cẩn thận hơn”. Ông bạn ơi, ở trong cái phòng cách hỏa tuyến đến hai trăm cây số, thằng cha tiêm la ấy muốn làm ra điều có thể bị máy bay oanh tạc…”
Tirloa lục túi, nói:
- Tớ có một thằng anh em họ, nó viết cho tớ: “Anh Ađônphơ thân mến, bây giờ em bị lưu lại hẳn ở Pari, làm thuộc viên của bệnh xá số 60. Trong khi anh ở ngoài ấy, em lại phải ở Thủ đô, dưới sự đe dọa của phi cơ hay khinh khí cầu của địch!”
- Ha ha! Hi hi!
Câu nói đó, gây ra một niềm vui nhẹ, anh em thưởng thức nó như một món quà ngon.
Vônpat lại tiếp:
- Sau đó, tớ lại càng thêm buồn cười, trong cái bữa tiệc của bọn phục hậu ấy. Tiệc thì ngon thật: có cá thu, vì hôm đó là thứ sáu; nhưng nấu như cá lờn bơn Macgơritơ, tớ biết thế nào mà nói? Nhưng chuyện trò thì…
- Chúng gọi lưỡi lê là Rôdali phải không?
- Phải, những thằng người rơm ấy gọi thế. Nhưng trong khi ăn, các ngài ấy nói phần lớn về mình thôi. Nói chung, thằng nào cũng tìm cách phân trần vì sao mình không ra tiền tuyến. Chúng lại còn trò chuyện linh tinh, vừa nhai nuốt như thần trùng. “Tôi thì tôi bị ốm, tôi thì tôi yếu mệt, hãy trông thân thể suy nhược thế này, tôi thì lại đâm lẫn tính”. Chúng cố moi trong mình vài thứ bệnh để khoác lác: “Tôi muốn ra trận, nhưng tôi mắc bệnh sán khí một lần, hai lần, ba lần”. Úi chà! Cái bữa tiệc đó! Một tay láu cá đã giải thích: Cũng như những hài kịch, những thông tư bảo mọi người đều phải ra mặt trận, bao giờ cũng có màn chót làm ổn hết mọi tình tiết còn lại. Cái màn thứ ba đó, chính là đoạn thông tư: “… trừ khi nhu cầu công vụ không cho phép…” Lại có thằng kể: “Tôi có ba anh bạn sĩ quan, tưởng có thể nhờ vả được. Tôi định liên lạc với họ; nhưng chưa kịp nhờ cậy thì lần lượt họ đã bị tử trận. Các ông xem, – nó bảo thể -, tôi thật xúi quẩy!” Một thằng nữa giải thích cho một thằng khác rằng riêng nó, nó muốn ra trận, những lão y sĩ trưởng đã ôm ghì lấy nó bắt phải ở lại trại ở hậu phương. Nó nói: “Thế là tôi đành chịu, nhưng xét cho cùng, tôi đem trí óc ra phục vụ tổ quốc còn kết quả hơn là đeo súng máy trên lưng”. Thằng cha ngồi cạnh đã há cái miệng phễu viền râu mép ở phía trên mà “ừ” biểu đồng tình. Thằng này đã vui lòng đi Borđô khi quân Đức tiến gần đến Pari, lúc đó, Borđô đã thành một thành phố thanh lịch. Nhưng về sau, nó quả quyết trở về tiền tuyến, ở ngay Pari và nói đại khái như sau: “Tôi hữu dụng cho nước Pháp với cái tài năng của tôi mà tôi cần tuyệt đối bảo tồn vì nước Pháp.”
“Chúng còn nói tới những thằng vắng mặt. Chúng nói về lão thiếu tá giờ trở nên khó tính và giải thích rằng lão ấy càng già yếu lại càng hắc. Chúng nói tới một nguyên soái thường bất thần kiểm tra để cuối cùng bắt mọi người đều phải ra trận, nhưng từ tám hôm nay nằm bẹp vì ốm. “Lão này nhất định chết đến nơi, bệnh trạng của lão không còn phải lo nữa”. Chúng nó nói thế và hút thuốc lá, thứ thuốc mà những thằng ngốc của giới thượng lưu gửi tới trại biếu những chiến sĩ ngoài mặt trận. Lại có thằng nói: “Anh biết không, cái thằng Fradi bé loắt choắt, xinh xinh như một Tiên đồng ấy, đã tìm được cơ hội để ở lại: người ta cần đồ tể ở lò sát sinh, nó cậy cục xin vào được, bất chấp cái bằng cử nhân luật và cái chức thư ký quản lý văn khế của nó. Còn cái thằng con nhà Flanđranh, nó đã cầu cạnh được một chân sửa đường. – Nó mà làm phu sửa đường à? Liệu người ta có để nó làm không? – Một trong bọn “giả dái non hột” ấy đáp: – “Chắc lắm chứ, làm sửa đường thì được lâu dài…”
Mactơrô càu nhàu:
- Cậu nói toàn những đồ ngu đổ đốn.
- Mà chằng biết tại sao, chúng đều ghen tị một thằng gọi là Anfrêy, tớ chỉ nhớ tên nó có thế thôi: “Xưa kia, nó sống đời xa hoa ở thủ đô Pari, sáng cơm khách, chiều cơm thết. Mỗi ngày đi thăm xã giao mười tám bận. Nó nhởn nhơ ở các phòng khách từ năm giờ chiều[36] đến tận sáng. Nó không hề biết mệt trong việc điều khiển dạ hội, tổ chức liên hoan, ngốn ngấu xem kịch, không kể những cuộc du lịch xe hơi. Và tất cả những cuộc đó, tràn ngập sâm banh. Nhưng chiến tranh xảy đến. Thế là thương hại thay thằng bé, nó không thể đứng gác khuya thêm một chút ở lỗ châu mai và cắt dây thép gai. Nó cần được tĩnh dưỡng nơi êm ấm. Và lại, một dân Pari như nó, vùi mình trong chiến hào ư? Đời nào lại thế?!” Một thằng ma-cô khác trả lời: “Tôi hiểu lầm, đã ba mươi bảy tuổi rồi, đời tôi đến lúc phải an dưỡng!” Trong khi cái thằng người ấy nói thế, tớ lại nghĩ đến Đuymông, tay gác rừng, tuổi bốn mươi hai, bị cả nắm đạn tương vào sọ, đã hy sinh bên cạnh tớ trên sườn đồi 132, sát gần đến nỗi khi anh ta giẫy chết, mình tớ cũng bị rung chuyển.
- Thế những thằng ôn vật ấy nó đối xử với cậu như thế nào?
- Chúng bất chấp, nhưng cũng không làm quá lắm. Chỉ thỉnh thoảng thôi, khi chúng không giữ được ý tứ. Chúng lườm tớ bằng khóe mắt và nhất là cứ chú ý lúc đi lại đừng đụng phải tớ vì mới ở mặt trận về, người tớ hãy còn bẩn thỉu.
“Sống giữa cái đống những thằng nhút nhát đó, tớ cũng ngấy tởm, nhưng tớ tự nhủ: “Thôi, Firmanh, mày chỉ qua đấy chốc lát thôi mà…” Chỉ một lần, tớ suýt phát khùng vì một thằng nó nói: “Sau này, khi ta trở về, nếu còn sống mà về”. – Không! Nó không có quyền nói thế. Chúng nó chuồn thì chuồn, tớ không thèm nói. Nhưng lại làm bộ ta đây đã xông pha nguy hiểm khi mà mới sắp ra trận đã trốn biệt đi đâu rồi thì tớ không nhịn được. Cậu lại còn nghe chúng kể cả chuyện chiến đấu, vì chúng theo dõi những thứ chuyện đó, và cả sự diễn biến của chiến tranh vững hơn cậu. Và sau này khi cậu trở về, nếu còn trở về được, với cái sự thật bé nhỏ của cậu thì chính cậu là thằng nói láo giữa cái bọn ba hoa khoác lác đó.
“Chà! Ông bạn ạ, cái buổi tối đó, trong ánh đèn và khói thuốc, cả bọn chúng chè chén, hưởng thụ cuộc đời, lợi dụng cảnh thanh bình! Trông cứ như một cuộc nhẩy, ba-lê trên sân khấu, một cảnh tưng bừng vinh diệu. Cậu ạ?”
Cuối cùng, Vônpat lóa mắt kết luận: “Có những thằng… những thằng… Còn có đến trăm nghìn thằng thế đấy.”
Nhưng, những con người đang đem sức lực và tính mạng của mình để giữ sự an ninh cho kẻ khác lại vui thú vì nỗi tức giận đang làm Vônpat nghẹn thở, dồn gã vào một xó và khiến gã tràn ngập trong những bông ma của bọn phục hận.
Tiaret lầm bầm:
- Cũng may là hắn không nói đến bọn thợ máy khi có chiến tranh mới học việc và đến tất cả những thằng trốn ở nhà lấy lý do vì nhu cầu quốc phòng để thoái thác nhanh chóng. Nó mà tương ra đến hết thứ thì chúng mình đến phát ngấy.
Bacơ chế nhạo:
- Cái thằng ruồi nhặng, mày bảo cò đến trăm nghìn đứa. Thế nhưng năm 1914, mày đã nghe rõ chưa, Minlơrăng, bộ trưởng chiến tranh đã nói với các nghị sĩ: “Không có ai phục hậu”.
Vônpat lầu bầu:
- Cậu ạ, Minlơrăng là ai, tớ đếch biết, nhưng nếu hắn nói thế thì hắn quả là một thằng chó chết.
o O o
- Cậu ạ, ở những nước khác, người ta muốn làm gì thì làm, nhưng ở nước chúng ta và ngay cả trong một trung đoàn ra trận, cũng có những sự lợi dụng, những bất công.
Bectrăng nói:
- Bao giờ người ta cũng núp sau một kẻ nào đó.
- Đúng thế: dù cậu là ai, luôn luôn, ừ, luôn luôn vẫn có những đứa đê tiện hơn hoặc đê tiện kém cậu.
- Ở ta thì tất cả những thằng không ló mặt đến, “chiến hào, hoặc không bao giờ ra tiền tuyến, và cả những thằng chỉ thỉnh thoảng mới ra, tất cả, cậu có thể coi là những thằng “phục hậu”. Nếu chỉ cấp lon chéo cho những lính chiến thực sự, cậu sẽ biết có bao nhiêu thằng phục hậu.
Côcôn nói:
- Một trung đoàn gồm hai tiểu đoàn thì có đến hai trăm năm mươi đứa.
- Bọn chúng, gồm lính cần vụ, và, trước đây ít lâu, phải kể cả lính hầu của bọn quản.
- Thêm bọn đầu bếp và phụ bếp.
- Bọn đội nhất và thường cả những thằng coi lương nữa.
- Cả bọn cai bếp nước và bọn phụ dịch ăn uống.
- Mấy thằng cha văn phòng và thằng giữ cờ.
- Cả bọn đưa thư nữa.
- Những tên lái xe, những lính thợ và cả trung đội của chúng với tất cả những hạ sĩ quan và cả bọn công binh nữa.
- Bọn lính xe đạp.
- Không phải tất cả lính xe đạp.
- Hầu hết cả bộ phận quân y.
- Trừ những lính khiêng cáng, lẽ tất nhiên, vì không những họ phải làm cái nghề khốn khổ mà vì họ cùng ở với đại hội. Khi xung phong, họ dùng cả đòn cáng để tấn công. Còn bọn y tá thì đúng thế.
- Hầu hết bọn cha xứ, nhất là cha xứ ở hậu phương, vì rằng cậu ạ, những cha xứ mang súng, tớ gặp rất ít. Còn cậu thì sao?
- Tớ cũng không thấy. Chỉ nghe nói trên báo chí, ở đây thì không.
- Hình như có chứ.
- Chà!
- Quái gì! Chỉ thằng lính quèn là hay gì trong cái chiến tranh này.
- Nhiều bọn khác cũng xông pha. Riêng gì chúng ta!
Vônpat chua chát:
- Đâu! Hầu như riêng chúng ta!
o O o
Rồi gã nói tiếp:
- Tớ biết cậu sẽ bảo tớ rằng bọn lính lái xe ô to và bọn trọng pháo đã khốn khổ nhiều ở Vécđong. Đúng thế. Nhưng so với chúng ta, họ còn có phần ít bị nguy hiểm hơn. Chúng ta luôn luôn phải xông pha, còn họ chỉ có thể một lần thôi (và họ đâu có hay bị đạn súng trường và lựu đạn như chúng ta). Bọn lính trọng pháo nuôi thỏ ngay cạnh hầm và đã chén trứng tráng mười tám tháng liền. Chúng ta mới thực sự là ở đầu sóng ngọn gió. Những ai chỉ thỉnh thoảng hoặc chỉ một lần ra xông pha, đâu có thể nói là nguy hiểm được. Nếu không thì ai cũng ở nơi nguy hiểm cả. Mụ giữ trẻ đang dạo trên đường phố Pari cũng thế vì còn có tàu bay và khí cầu như lời thằng ngốc mà người anh em vừa nói lúc này.
- Trong cuộc viễn chinh thứ nhất ở Đacđanen, cũng có một dược sĩ bị thương vì mảnh đạn trái phá. Cậu không tin à? Thật đấy, một sĩ quan, mũ viền xanh[37] mà cũng bị thương đấy!
- Đó là chuyện may rủi như tớ đã viết cho Manggut, phụ trách một con ngựa “thay phiên” của Trung đội. Gã cũng bị thương, nhưng vì một chiếc xe cam-nhông.
- Ừ, như thế đấy. Dù sao bom cũng có thể rơi trong một nơi tản bộ ở Pari, ở Borđô, hoặc ở Xalônic.
- Phải, phải, vì nói thế chẳng dễ dàng lắm sao: “Đừng có phân biệt giữa các mối nguy hiểm!” Khoan! Từ đầu chiến tranh đã vải thằng trong bọn chúng bị chết vì một may rủi đáng mừng. Đâu có giống nhau được, vì chết là dứt khoát vĩnh viễn hết, còn gì.
Tiaret nói:
- Phải rồi. Nhưng các cậu làm rầy người ta với những chuyện “phục hậu”. Nói ra cũng không làm gì được thì tốt hơn là bắt sang chuyện khác. Tớ lại nhớ đến cái anh tuần cảnh ở Sơrêy, chỗ chúng ta đóng tháng trước. Hắn ta cứ đi ngoài đường phố, mắt sục sạo khắp nơi để lục ra những thường dân đúng tuổi đi lính. Hắn đánh hơi như một con chó để lùng những thằng trốn việc quân. Bất chợt hắn dùng lại trước một mụ đàn bà to béo có râu mép và chỉ trố mắt ra nhìn bộ râu mép ấy mà mắng: “Thằng kia, mày dễ không ra trận được à?”
Pêpanh nói:
- Tớ thì mặc xác những thằng phục hậu hay bán phục hậu vì mất thì giờ vô ích. Nhưng tớ ghét nhất khi chúng vênh váo làm gan. Tớ đồng ý Vônpat: chúng tìm cách chuồn thì được, con người ta là thế. Nhưng về sau, chúng đừng có khoe: “Tôi đã là chiến binh”. Này, nhưng bọn lính tình nguyện chẳng hạn…
- Cùng tùy từng loại tình nguyện. Những đứa lính nguyện không điều kiện trong bộ binh thì được – tuy lố đấy, nhưng cứ im đi cho chúng. – Còn những thằng đầu quân vào các cơ quan quân sự hoặc ác binh chủng đặc biệt, kể cả trọng pháo, làm tớ bắt đầu phát cáu. Ai chẳng biết bọn chúng! Chúng nó làm bộ duyên dáng mà nói với những người quen biết: “Tôi đã tình nguyện đi chiến đấu”.
- Chà! Hành động của ông đẹp đẽ quá. Ông đã tự ý nguyên xông pha đạn lửa! – Vâng, thưa bà hầu tước, tôi đã thế đấy”. Đồ bố lếu!
- Từ biết một vị đã từng đầu quân vào trại máy bay. Thằng cha có bộ binh phục kẻng quá: Giá hắn tình nguyện vào đoàn Hý Ca kịch thì có lẽ hơn.
- Ừ, nhưng vẫn cứ chuyện đó thôi. Về sau nó không thể khoe ở các phòng khách: “Này, hãy coi tôi: một tình nguyện quân đấy nhé!”
- Tớ bảo “có lẽ hơn”, thì chưa đúng. Ừ, nếu hắn ta vào đoàn Ca kịch thì tốt hơn rất nhiều. Ít ra, hắn cũng làm cho người ta cười hẳn hoi chứ không đến nỗi chỉ khiến người ta gằn.
- Cậu cai này, có phải khi chiến tranh thì anh em phải liều cái tấm thân, phải không?
Bectrăng nói:
- Phải. Chiến tranh có nghĩa là tai họa chết chóc cho mọi người, hết cả mọi người: không ai là thần thánh ngoại lệ. Vậy thời phải mạnh dạn ra trận chứ đừng làm kiểu giả vờ với bộ quân phục ba lăng nhăng. Những cơ quan ở hậu phương cần thiết đấy, nhưng nhất luật phải do những người thực sự yếu đuối và già nua phụ trách.
- Cậu thấy không, biết bao nhiều đứa lắm tiền và lắm mối giao du đã từng kêu: “Chúng ta hãy cứu lấy nước Pháp! – Và bắt đầu là hãy tự cứu chúng ta!” Khi mới tuyên chiến, đã có một phong trào rộng lớn tìm cách lẩn tránh nghĩa vụ, sự thể là thế. Những thằng giỏi nhất đã trốn được. Chỉ trong cái xó xỉnh bé nhỏ vùng tớ ở, tớ cũng nhận ra rằng hầu hết bọn chúng là những thằng trước đây đã to miệng bô bô nhiều nhất, đề cao lòng yêu nước… – Dù sao – như anh em vừa nói – đã trốn như trạch, thì tồi tệ nhất là còn làm ra bộ đã xông pha nguy hiểm. Vì những ai đã thực sự xông pha cần được quý mến như đối với những kẻ hy sinh.
- Thế rồi sao nữa? Bao giờ thì cũng thế, ông bạn ạ. Cậu không đổi được con người đâu.
- Chẳng làm thế nào được đâu. Phản kháng à? Khiếu nại à? Này, nói đến khiếu nại, câu có biết Macgulanh không?
- Có phải Macgulanh, người anh em mà họ đã để chết trên đồi Lơ Cơratxiê vì tưởng anh ta đã chết thực phải không?
- Ấy, cậu ta muốn khiếu nại. Ngày nào cũng thế, cậu ta nói là sẽ kêu về việc đó lên đại úy, lên thiếu tá và đòi quy định mỗi người đều phải lần lượt ra chiến hào. Sau bữa ăn, cậu ta nói: “Tớ sẽ khiếu nại, thật, như cái ca rượu này có thật”. Rồi lát sau: “Nếu tớ không khiếu nại thì cái ca rượu này không có thật”. Nếu đi qua lần nữa thì lại nghe: “Này, đây là cái ca rượu hử? Cậu xem tớ có khiếu nại không!” Rốt cuộc, cậu ta chẳng khiếu nại gì hết. Cậu có thể bảo tớ: “Thì nó chết rồi mà”. Đúng thế, nhưng trước khi chết, cậu ta vẫn đủ thì giờ để khiếu nại hàng mấy nghìn lần.
Blerơ mặt hầm hầm, mắt nảy lửa, quát:
- Những chuyện đó thối như cứt, nghe làm gì?
- Chúng tớ thì đếch biết gì vì có thấy gì đâu. Nếu chúng tớ mà trông thấy!
Vônpat kêu lên:
- Ông bạn ạ, đối với những thứ trại đó – để tớ nói cho mà nghe – cần phải xoay hướng các dòng sông khắp nơi vào đây, sông Xen, sông Garon, sông Rôn, sông Loa này để rửa sạch chúng đi. Chưa được thế thì bọn chúng ở đó còn cứ sống, sống sung sướng nữa, đêm nào cũng như đêm nào, chúng vẫn ngủ yên lành.
Anh lính im lời. Xa xa, gã thấy cái cảnh đêm trường gã phải qua, co quắp, hồi hộp chú ý và đen như mực, dưới đáy hố quan sát mà miệng hố rách tả tơi lại hiện ra, cứ mỗi lần đại bác nổ lóe sáng lên nền trời.
Côcôn chua chát:
- Cái đó nó làm cho ta không thèm chết nữa.
Một gã khác, điềm tĩnh như không, bẻ lại:
- Có chứ, sao lại không… Này, đừng nói quá lên, đồ cá mắm.
Khói Lửa Khói Lửa - Henri Barbusse Khói Lửa