No entertainment is so cheap as reading, nor any pleasure so lasting.

Mary Wortley Montagu

 
 
 
 
 
Tác giả: Henri Barbusse
Thể loại: Lịch Sử
Nguyên tác: Le Feu
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 26
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 282 / 14
Cập nhật: 2020-07-19 20:13:39 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
VIII - Nghỉ Phép
đo ngồi ở đó một lúc, gần cái giếng cạnh đường, trước khi theo con đường tắt qua ruộng để về chiến hào. Hai tay ôm lấy một đầu gối, khuôn mặt xanh xao ngước lên, mép không có ria, chỉ có hai vệt đen ở góc môi, gã huýt sáo rồi ngáp đến chảy nước mắt trước ánh sáng ban mai. Một anh lính lái xe trú ở đằng kia, ven rừng nơi có một hàng dài vừa xe vừa ngựa, giống chỗ nghỉ chân của bọn Bô-hê-miêng đi ra giếng cạnh đường múc nước, tay xách hai chiếc thùng bằng vải lúng liếng theo bước chân gã. Gã dừng lại trước anh bộ binh không mang khí giới, chỉ có một túi dết dầy phồng và đang ngái ngủ này.
- Cậu đi phép à?
Ơđo trả lời:
- Phải, mình đi phép về.
Gã lính xe bỏ đi, nói:
- Ừ, thế thì ông bạn sướng đấy. Đã nốc được sáu ngày phép trong bụng rồi còn gì.
Vừa lúc đó, có bốn người xuống đường, bước nặng nề và vội vàng. Giầy của họ bám bùn, nom lớn như giầy vẽ ra tranh hài hước. Thoáng thấy bóng Ơđo, họ đứng tập cả lại như một. Rồi họ reo lên, chạy lại, chia những bàn tay to lớn như có đeo găng len sắc đỏ hoe:
- Kìa Ơđo! Này! Ơđo! Này, cái thằng khỉ kia, cậu đã trở về đấy à?
Ơđo đáp:
- Chào các chú.
- Về phép vui vẻ chứ? Cậu bảo sao cơ, thế nào, cậu?
Ơđo trả lời:
- Ừ, cũng khá hả hê.
- Chúng tớ vừa đi phụ dịch lấy rượu về; chúng tớ lấy đủ phần rồi. Cùng về luôn chứ?
Cả bọn nối đuôi nhau từ bờ đường bước xuống rồi khoác tay nhau đi qua cánh đồng bầy nhầy một chất vữa xám, bước chân bì bõm nghe như tiếng nhào bột trong thùng làm bánh.
- Thế là cậu đã gặp vợ, gặp cái cô Mariet nhỏ bé của cậu rồi đấy. Trước đây cậu chỉ sống vì chừng ấy và cứ mở miệng là khiến chúng tớ nhức óc về chuyện vợ cậu.
Bộ mặt xanh xao của Ơđo nhíu lại.
- Vợ tớ thì nhất định tớ đã gặp rồi, nhưng chỉ được có tí ti thôi. Không có cách nào hơn được. Thật là không may, nhưng sự thể là như thế.
- Như thế nào?
- Còn thế nào nữa? Cậu biết là chúng tớ ở Vinle-Labê, một xóm nhỏ bốn nhà không hơn không kém, nằm hai bên đường. Một trong số nhà đó, đúng là quán rượu của chúng tớ mà vợ tớ ở, hay nói mở lại thì đúng hơn, từ khi cái xó đó không bị đại bác phá phách nữa.
“Thế rồi, nhân tớ sắp được về phép, cô ta đã xin giấy thông hành đi Mông-xanh-Êloa là chỗ bố mẹ tớ ở và giấy phép tớ cũng ghi về đó. Cậu đã thấy cách chúng tớ trù tính chưa?
“Cô ta là người tính toán, cậu nghe chưa, nên đã xin giấy thông hành trước khá lâu cái ngày đó là tớ được đi phép. Thế nhưng tớ lại đi phép, có thể nói trước khi cô được giấy thông hành. Dầu sao, tớ cũng cứ về. Cậu chẳng lạ gì đại đội ta, đến lượt phép, chớ có để nhỡ. Thế là tớ ở với bố mẹ để chờ vợ. Tớ yêu bố mẹ lắm đấy, nhưng tớ cũng cứ bực mình. Còn ông bà cụ tớ được tớ về thì hài lòng lắm, nhưng thấy tớ ở với các cụ bực mình thì cũng buồn theo. Biết làm thế nào được? Đến hết ngày thứ sáu hết ngày phép, trước hôm phải đi, thì một chú thanh niên đi xe đạp, con trai lão Florenxơ ấy mà – cầm đến lá thư của Mariet bảo rằng cô ta chưa được giấy thông hành”.
Cả bọn tru lên:
- Trời! Khổ quá!
Ơđo tiếp tục:
- … Nhưng tớ chỉ còn một việc là đến nhờ Thị trưởng Mông-xanh – Êloa để ông xin phép Ủy ban Quân chính, và thế là tớ thân đi Vinle, chạy nước mã hồi về thăm vợ.
- Đáng lẽ phải làm như vậy ngay từ hôm đầu, sao lại để đến hôm thứ sáu!
- Tất nhiên thế. Nhưng tớ lại sợ chéo nhau dọc đường rồi nhỡ mất, không gặp được. Vì thế, ngay khi về, tớ cứ đăm đăm chờ cô ta, chốc chốc lại tưởng thấy cô ngoài cửa bước vào. Cô ta dặn chờ thì tớ chờ.
- Rốt cuộc cậu có gặp không?
- Chỉ gặp được có một ngày, hay đúng hơn, một đêm.
Lamuydơ khoái hoạt reo lên:
- Thế đủ rồi!
Paradi thêm vào:
- Ừ, đúng đấy. Trong một đêm thì một tay cao cường như cậu, cũng đủ làm, lại cả chuẩn bị làm được khối công việc!
- Ấy cứ trông nó, cái bộ mặt đã mệt chưa! Thật là cu cậu đã làm một bữa khướt, cái thằng tôi, cái đồ chó chết!
Bị các bạn tới tấp đùa giỡn tục tằn, Ơđo chỉ lúc lắc bộ mặt xanh xao và nghiêm trang:
- Bọn bay hãy khóa mõm lại dăm phút.
- Thế đầu đuôi ra sao, chú kể đi nào.
Ơđo nói:
- Chuyện có hay ho gì đâu mà kể.
- Thế ban nãy cậu nói ở với ông bà cụ thì buồn tênh cái sự đời kia mà?
- Đúng thế! Hai ông bà thấy tớ chưa gặp Mariet bèn hết sức làm khuây tớ bằng những lát dăm-bông ướp thật to, bằng rượu mận, lại nào vá víu quần áo, nào cho quà này bánh nọ, nuông chiều hết cách… (Tớ lại còn nhận thấy hai cụ cố nhịn không hục hặc nhau như thường ngày). Nhưng khuây thế quái nào được. Tớ cứ trô trố nhìn ra cửa xem nó có động đậy chăng, có biến thành vợ tớ chăng. Thế rồi tớ đã đi tìm lão Thị trưởng và tớ lên đường hôm qua, lúc hai giờ trưa – hay tớ nói đúng hơn, lúc mười bốn giờ vì từ hôm trước, tớ luôn luôn nhẩm giờ! Vậy là vẻn vẹn chỉ còn một đêm đi phép!
“Sâm sẩm tối, khi đến gần, qua cửa toa đoàn xe lửa nhỏ còn đi lại được vùng đó trên từng đoạn ngắn, có chỗ tớ còn nhận ra cảnh vật, có chỗ không nhận ra nữa. Đó đây, tớ cảm thấy bỗng nhiên như cảnh vật lại hiện ra như cũ, chạy sấn đến tớ như muốn chào hỏi. Rồi lại im lặng. Sau cùng, xuống tàu, và cực quá đi mất, lại phải đi bộ đến tận ga cuối cùng.
“Thật chưa bao giờ, các cậu ạ, chưa bao giờ thời tiết như thế; mưa liền sáu ngày; sáu ngày liền, nước trời xối xuống rửa đi lại mặt đất. Đất nhão nhoét ra, chuyển đi, trôi vào những lỗ và làm thành những lỗ khác”.
- Ở đây cũng thế. Mưa chỉ mới ngớt từ sáng nay.
- Thế mới xui cho tớ. Khắp nơi, những con suối lớn và mới toanh chảy lấp cả bờ ruộng như xóa những đường kẻ trên trang giấy. Những ngọn đồi, hình như cũng chảy theo nước từ cao xuống thấp. Từng cơn gió giật trong mưa đột nhiên khiến nước rơi xuống mù trời, rào rào như ngựa tế, quất cả vào chân, vào mặt, vào cổ.
“Tớ cứ thây kệ. Khi cuốc bộ đến nhà ga, không có ma nào có thể khiến tớ quay lại được.
“Thế đếch nào đến làng thì lại thấy nhiều người: những cậu cũng đi phép, tuy không về Vinle nhưng phải qua đó để đi nơi khác. Thế là cũng nhập bọn… Năm anh cũng là lính cũ, không quen biết nhau. Đến làng tớ chẳng thấy gì sốt. Ở đó, đại bác còn giã nhiều hơn ở đây, lại nước ngập, trời thì đã tối.
“Tớ đã nói làng ấy chỉ có bốn nóc nhà. Có một điều là nhà ở cách xa nhau. Chúng tớ đến chân dốc. Tớ không nhận rõ mình đang ở đâu. Cả bọn cùng đi, tuy có biết làng này ít nhiều vì là người thân cận, cũng chẳng biết gì hơn tớ, bởi mưa cứ như trút nước.
“Không thể đi thong thả được nữa. Chúng tớ co cẳng chạy. Qua trại Alơ – một thứ hình ma bằng đá – đó là nhà thứ nhất. Những mảnh tường bị xé thành cột, chân ngập trong nước: nhà như vừa bị đấm. Xa hơn một tí là một trại khác, cũng ngập nước.
“Nhà tớ là nhà thứ ba, ven đường, chỗ cao nhất dốc. Chúng tớ leo lên, xông pha mưa gió đang đập vào mặt và bắt đầu làm mù cả mắt trong đêm tối. Lạnh ướt thấm vào tận mắt. Mưa như từng loạt súng máy khiến chúng tớ cứ tán loạn cả ra.
“Đến nhà rồi! Tớ chạy vụt lên như tên lính Ả-rập lúc xung phong. Mariet! Qua cái màn mờ mờ của bóng tối và mưa gió, tớ thấy Mariet đứng trong cửa, hai tay giơ lên trời! Mưa dữ quá xô nàng vào mé trong, khiến nàng phải cúi mình trong khung cửa, trông giống như Đức mẹ Đồng Trinh trong khán thờ. Tớ phóng như bay vào, tuy vậy vẫn nhớ vẫy mấy ông bạn đồng hành kia cũng theo tớ. Chúng tớ ùa vào nhà. Thấy tớ, Mariet hơi mỉm cười rồi rơm rớm nước mắt. Hẳn cô ta chờ lúc chỉ có hai đứa với nhau để cười và khóc cho thỏa. Tớ bảo anh em tạm nghỉ, kẻ thì ngồi vào ghế, người thì ngồi trên bàn.
“Mariet hỏi:
“- Các ông này về đâu?
“- Chúng tôi đi Vôven.
“Nàng tiếp:
“- Lạy chúa! Đi không kịp đâu. Đêm hôm thế này, đường thì lúc, lại toàn những vũng lầy khắp nơi, các ông không thể đi hết đoạn đường ấy đâu. Đừng cố, không được đâu.
“- Đã thế thì ngày mai anh em sẽ đi. Chỉ cần bây giờ tìm được chỗ ngủ đỗ.
“Tớ bảo:
“- Để mình cùng đưa các cậu đến trại Người chết treo. Ở đấy có chỗ, không thiếu gì chỗ. Các cậu sẽ đánh một giấc đến mờ sáng thì đi.
“- Được! Ta cố một mạch đến đấy nào.
“Cái trại đó là nhà cuối cùng của thôn Vinle ở lưng chừng dốc nên rất hy vọng là không bị ngập nước và bùn.
“Chúng tớ lại ra đường. Ngã cứ oành oạch! Ướt không còn thể chịu được. Nước thấm qua đế giầy vào tận bít tất, thấm qua da quần vào tận đầu gối. Trước khi đến trại Người chết treo thì gặp một bóng người áo quàng đen rộng, tay cầm chiếc đen lồng, hắn giơ cái đèn, để lộ một lon vàng trên cánh tay áo và một bộ mặt sừng sộ.
“Cái bóng ấy ưỡn ngực, tay chống háng, nói trong khi mưa vẫn rào rào trên mũ hắn:
“- Các người làm trò gì ở đây thế?
“- Đây là binh lính đi phép về Vôven. Tối nay không thể đi được, muốn ngủ nhờ trong trại Người chết treo.
“- Các người nói gì vậy? Ngủ ở đây à? Các người dở hơi hay sao? Đây là đồn Công an. Tớ là hạ sĩ quan đương phiên gác, trong nhà hiện có tù binh Đức.
“Và hắn còn thêm:
“- Mà này, tớ nói cho mà nghe, các người phải phới đi ngay, đừng lôi thôi. Đủ rồi, chào các người.
“Thế là lại quay gót, lại xuống dốc, bước trầy trật như say rượu, nào trượt, nào thở, ngả nghiêng, bì bõm. Một anh bạn đồng hành gào vào tai tớ trong mưa gió: “thôi thì anh em đành theo cậu về nhà; không tìm được chỗ ngủ thì chẳng cần vội.”
“- Nhưng rồi ngủ ở đâu? – Đừng ngại, thế nào cũng tìm được, chỉ nghỉ ở đây có vài giờ thôi mà. Tìm được, thế nào cũng tìm được, tớ đã bảo mà. Trong lúc chờ đợi, hãy trở lại nhà một lát. – Một lát thì được.
“Và Mariet lại thấy chúng tớ nối đuôi nhau về, cả năm thằng ướt như chuột lột.
“Nhà thì đâu có rộng, chỉ vẻn vẹn có một buồng nhỏ, anh em hết quay ngược lại quay xuôi:
“Một anh hỏi:
“- Chị này, ở đây có căn hầm nào không?
“Mariet đáp:
“- Hầm có nước. Cầu thang đi xuống chỉ có hai bậc thì bậc dưới nước đã ngập không thấy nữa.
“Anh chàng lại nói:
“- À! chán quá. Và tôi cũng đã nhìn, không có gác để thóc thì phải…
“Một lát sau, gã đứng dậy, bảo tớ:
“- Thôi, chào anh. Chúng tôi đi đây.
“- Thế nào, trời thế này mà các anh đi à?
“Gã đáp:
“- Nghĩ mà coi, lẽ nào anh em lại cản trở anh chị!
“- Nhưng, ông bạn ơi…
“- Không nhưng gì hết. Chín giờ tối rồi. Tinh mơ anh đã phải đi. Thôi, chào nhé. Này, các cậu, đi chứ?
“Cả bọn hùa theo:
“- Hẳn chứ lị! Chúc ông bà một đêm tốt lành nhé.
“Thế là bọ ra mở cửa. Mariet và tớ nhìn nhau. Cả hai không nhúc nhích. Rồi lại nhìn nhau và đâm bổ theo họ. Tớ níu lấy một vạt áo ca-pốt, Mariet thì giữ chặt một cái đai lưng áo – vạt áo, đai áo đều sũng nước.
“- Không thể được. Không thể để các anh đi được. Ai lại thế.
“- Nhưng…
“Tớ trả lời, trong khi vợ tớ gài cửa lại:
“- Không nhưng gì hết.
Lamuydơ hỏi:
- Thế rồi sao?
Ơđo trả lời:
- Thế là xong, có gì đâu. Mọi người ngoan ngoãn ở lại thế đấy suốt đêm. Ngồi tựa mình vào các xó, ngáp ngắn ngáp dài như thức canh người chết. Lúc đầu thỉnh thoảng còn to nhỏ vài câu. Chốc lại có anh hỏi: “còn mưa không nhỉ?” rồi ra xem nói: “còn mưa”. Đúng thế, vẫn còn nghe tiếng mưa rơi. Một gã to lớn, ria méo kiểu người Bảo, chống lại với giấc ngủ như người rừng. Đôi lúc một hai gã lăn ra ngủ thật, nhưng lúc nào cũng có một anh ngáp, cố giữ phép lịch sự mở một mắt ra rồi vươn vai hoặc hơi nhỏm dậy để ngồi lại cho đỡ mỏi.
“Mariet và tớ đều thức thâu đêm. Cứ nhìn nhau, cũng có khi nhìn những người khác, họ cũng nhìn mình, có thế thôi.
“Rồi buổi sáng đến, làm cửa sổ quang quắn hơn. Tớ ra xem trời. Mưa vẫn chưa bớt. Trông vào buồng thì thấy những bóng người lờ mờ đương cử động, thở phì phò. Mariet hai mắt đỏ ngầu vì đã nhìn tớ suốt đêm. Giữa nàng và tớ, một anh lính run lập cập nhồi thuốc vào ống điếu.
“Có người gõ cửa kính. Tớ hé cửa ra. Một hình người, mũ cứng nước lênh láng – chừng như cơn gió khủng khiếp đương thổi đã lôi, đã đẩy và cùng vào đây với anh ta – hiện ra, hỏi:
“Này nhà hàng, có thể cho ít cà phê được không?
“Mariet nói to:
“- Thưa ông, có, có ngay ạ!”
“Cô ta bỏ ghế đứng dậy, người hơi tê cóng. Cô không nói gì, soi mắt trong mẩu gương, nắn lại mái tóc rồi nói rất dịu dàng:
“- Để em pha cà phê cho tất cả các anh”.
“Khi đã uống xong, tất cả phải lên đường. Vả lại khách hàng cứ mỗi lúc một đông. Họ châu mõm qua cửa sổ mớ hé, gọi:
“- Này, bà hàng! Có cà phê chứ? Cho ba cốc cà phê!
“- Bốn cốc đấy! Một người nữa gọi: “Và thêm hai cốc nữa”.
“Mấy anh nghỉ đêm lại gần Mariet để chào chia tay. Họ thầm biết rằng đêm vừa rồi họ thực là thừa. Nhưng tớ thấy rõ họ cũng chẳng biết có nên nhắc đến việc đó hay lờ đi là hơn.
“Cái gã to béo người xứ Maxêđoan đã quyết định nói:
“- Chị này, anh em thực đã làm rầy anh chị!
“Ông bạn nói thế để tỏ mình có giáo dục.
“Mariet cảm ơn và bắt tay ta.
“- Thưa ông, có gì đâu. Chúc các ông nghỉ phép may mắn!
“Còn tớ thì tớ xiết lấy nàng trong lòng, ôm hôn nàng thật lâu, trong nửa phút… Cũng bực thật – Chao, không bực sao được! Nhưng cũng hài lòng vì Mariet đã không tống cổ bọn họ ra. Và tớ cảm thấy vợ tớ cũng phục mình vì đã làm như nàng.
“Một anh đi phép, lật gấu áo ca-pốt lên, móc tay vào túi nói:
“- Nhưng không chỉ có thể thôi. Chị cho biết hết bao nhiêu tiền cà-phê?
“- Thôi ạ, vì đêm qua các ông nghỉ ở đây: các ông là khách của tôi.
“- Ồ! Bà chị, sao thể được!...
“Thế là cứ vật nài nhau rồi chào nhau rôm rả! Ông bạn này, cậu bảo thế nào thì bảo, chúng ta chỉ là những con người xoàng xĩnh, nhưng lễ phép với nhau như thế, quả thực lạ lùng.
“- Thôi chúng ta phới chứ?
“Họ lần lượt từng người bước ra. Tớ ở lại sau cùng. Một khách qua đường khác, ngay lúc đó, gõ cửa kính: lại một chàng nữa thèm cà-phê. Mariet nghiêng mình ra ngoài cửa, nói to:
“- Ông chờ cho một phút.
“Rồi nàng ấn vào tay tớ một gói buộc sẵn.
“Em đã mua một chân giò. Định để hai ta cùng ăn, với một lít rượu còn nguyên xi. Thực tình khi em thấy bọn anh những năm người, em không muốn đem ra mời và giờ thì lại càng không bụng nào nghĩ đến ăn. Đây là chân giò, bánh và rượu. Em đưa cho anh để anh dùng một mình vậy. Còn các anh kia, tiếp đãi thế cũng là đủ lắm rồi! Nàng nói thế”.
Ơđo thở dài:
- Tội nghiệp cho Mariet. Mười lăm tháng rồi tớ chưa gặp nàng, và bao giờ mới sẽ lại gặp nhau! Mà biết có còn gặp nhau nữa không? Cái ý nghĩ của nàng thật dễ mến quá. Nàng nhét tất vào túi dết tớ…
Gã hé cái tủi dệt vải xâm ra.
- Này, còn cả đây: chân giò này, bánh này, rượu này. Còn nguyên cả đây. Các cậu có biết bây giờ tớ sẽ đem nó làm gì không? Các ông bạn ơi, ta cùng chia nhau nhắm chứ?
Khói Lửa Khói Lửa - Henri Barbusse Khói Lửa